Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức



tải về 1.01 Mb.
trang6/15
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.01 Mb.
#13530
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15

Tổng Lược

Như vậy, tóm lại là lý thuyết “xác định” chủ trương rằng mạc khải siêu nhiên được ban cho bằng hình thức là những lời nói có nội dung xác định rõ ràng – và mạc khải như vậy rất cần thiết cho ơn cứu độ, vì nó giúp chúng ta hiểu biết về sự ban bố ơn cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, để nhờ đó – như phái tân kinh viện đã nói – chúng ta có thể lựa chọn đúng đắn con đường đạt đến cứu cánh cuối cùng của mình. Nhìn một cách khách quan, mạc khải được đồng hóa với gia sản mang tính tiên tri và tông đồ được ủy thác cho Giáo Hội. Gia sản này được hiểu là bao gồm – ít nhất một phần – bộ qui điển Thánh Kinh xét như là một thu thập những xác định được linh hứng và không sai lầm, và phải được chấp nhận với đức tin không nghi ngại. Ngoài sự chia sẻ giáo lý nầy về Thánh Kinh với những người Tin Lành duy Tin mừng, phái tân kinh viện Công Giáo còn thêm rằng có một nguồn thứ hai nữa mang tính tông truyền – gọi là truyền thống – giữ vai trò bổ sung và giải thích Thánh Kinh! Đối với phái tân kinh viện, quyền giáo huấn của Giáo Hội có thể công bố một số xác định như là mạc khải thần linh, dù không thấy được dạy rõ ràng trong Thánh Kinh, nhưng được tìm thấy trong di sản Tông Đồ với sự giúp đỡ của truyền thống sống động.

Theo các nhà thần học của cả phái duy Tin mừng bảo thủ lẫn phái tân kinh viện, sự đáp trả đúng đắn đối với mạc khải là đức tin hiểu theo nghĩa là một sự chấp nhận cương quyết đối với những chân lý mạc khải chứa đựng trong các nguồn có thẩm quyền. Đối với cả hai nhóm, đức tin ấy là kết quả của sự tác động của Thánh Thần trong tâm hồn người tín hữu. Phái tân kinh viện và rất nhiều người thuộc phái duy Tin mừng còn thừa nhận thêm rằng đức tin ấy không mù quáng, nhưng là một hành động hợp lý dựa trên những dấu chỉ khả tín bên ngoài.

Những Đóng Góp Của Mẫu Thức “Xác Định””

Trước khi chuyển sang xem xét những hướng nhìn khác về mạc khải, thiết tưởng chúng ta nên cân nhắc những điểm mạnh và những điểm yếu của mẫu thức mà chúng ta vừa tìm hiểu, đối chiếu với những tiêu chuẩn đã được nêu ra ở chương I. Mẫu thức xác định cho thấy thế mạnh của nó ở những khía cạnh trung thành với truyền thống, sự nhất quán nội tại và có những ích lợi thực tiễn; nhưng nó không được mạnh lắm nếu xét theo những tiêu chuẩn khác.

Về điểm thứ nhất, có thể nói rằng lý thuyết này có một nền tảng nào đó trong Thánh Kinh – vì Thánh Kinh có vẻ thường xuyên nói về việc Thiên Chúa đã trao các sứ điệp của Ngài bằng ngôn ngữ nhân loại. Trong Cựu Ứơc, các sách Luật và các sách tiên tri được xem như là lời của Thiên Chúa. Nhiều chỗ trong Tân ước, những trích dẫn Cựu Ứơc được trích dẫn như chính lời của Thiên Chúa. Trong khi không có bằng chứng thuyết phục rằng mọi đoạn văn Kinh Thánh đều được xem như lời của Thiên Chúa, thì người ta vẫn thấy nhiều đoạn văn Thánh Kinh được trích dẫn (một cách) như thể là chính Thiên Chúa nói những gì Thánh Kinh nói. Bất cứ khi nào Thánh Kinh được trích dẫn thì cũng được xem như là thẩm quyền tuyệt đối.

Hơn nữa, cách hiểu “xác định” về Thánh Kinh có thể tìm thấy một nền tảng nào đó trong truyền thống. Khi sử dụng Thánh Kinh, các giáo phụ và các vị tiến sĩ của Giáo Hội cho thấy một khuynh hướng xem những tuyên bố riêng thuộc Thánh Kinh là chính lời của Thiên Chúa một cách không chút e dè. Từ thời Cải Cách cho đến thế kỷ XIX, cả Tin Lành và Công Giáo dường như đều nhất trí chấp nhận cái nhìn “xác định” về mạc khải và nhất trí xem Thánh Kinh như một thu thập các sứ điệp thần linh.

Lý thuyết “xác định” cũng không thiếu tính nhất quán nội tại. Hễ khi các tiên đề được nhìn nhận thì toàn bộ lý thuyết sẽ được nhìn nhận theo một cách tất nhiên. Điều nầy, đến lượt nó, lại giúp cho việc đánh giá kết quả xét về mặt lý thuyết. Mẫu thức xác định đưa ra những tiêu chuẩn chặt chẽ về giáo thuyết, để cho những quan điểm thần học chính thống và không chính thống có thể được đo lường tương đối dễ dàng bằng cách qui chiếu đến những tiêu chuẩn khách quan và đã được nhất trí về chân lý mạc khải. Một phần cũng bởi lý do nầy mà mẫu thức “xác định” đã được đắc dụng bởi các nhà thần học biện thuyết hồi thế kỷ XVI và XVII – là thời kỳ mà người ta ưa chuộng cách lập luận theo phương pháp diễn dịch. Thánh Kinh đã được xem như một “kho khí giới thần linh” chứa các chân lý mạc khải.

Mẫu thức “xác định,” nhất là trong hình thức của nó nơi tư tưởng duy Tin mừng của Tin Lành, cung ứng nền tảng cho một phương pháp thần học đơn giản hơn. Carl Henry đã phát biểu:

Thần học Kitô giáo là công việc hệ thống hóa những nội dung chân lý minh nhiên và mặc nhiên trong các văn phẩm được linh hứng. Chủ yếu công việc nầy gồm có việc lặp lại, kết hợp và hệ thống hóa chân lý mạc khải trong hình thức đã được ban cho một cách xác định nơi Thánh Kinh. Công việc của thần học là tập chú vào nội dung khả niệm và những tương quan luận lý của mạc khải được ban cho trong Thánh Kinh nầy, và trình bày giáo huấn của nó xét như một tổng thể.””

Như vậy, thần học giữ vai trò hệ thống hóa các dữ kiện mạc khải, bênh vực chúng trước những chống đối – và trình bày những hàm chứa được thấy là có lý của chúng. Thần học suy lý biến thành một “khoa học của những kết luận” với những tiền đề lấy từ Thánh Kinh – hay như trong trường hợp của phái tân kinh viện – thì còn lấy từ tín lý của Giáo Hội nữa. Một thần học như thế đặc biệt thích hợp cho thời đại duy lý – khi mà Giáo Hội thấy mình bị những kẻ không tin quá khích tấn công từ bên ngoài. Thần học theo phương pháp này có một dáng vẻ nào đó có tính “khoa học” và không vướng phải những điểm hàm hồ của một qui phạm thiếu những tiền đề vững chắc.

Đáng kể nhất trong số những ích lợi rõ ràng của mẫu thức này là kết quả thực tiễn của nó đóng góp vào việc hiệp nhất và phát triển Giáo Hội. Nó củng cố lòng trung thành đối với những văn kiện và những truyền thống căn bản của Giáo Hội và do đó giúp cho các phần tử của Giáo Hội có được một cảm nhận rõ ràng về tính duy nhất. Mẫu thức xác định cũng khơi lên một cảm nhận về sự liên đới, qui tụ tất cả những tín hữu đích thực vào mối thống nhất rõ ràng, bởi họ cùng chấp nhận chung những giáo lý thuộc mạc khải thần linh như nhau. Các Giáo Hội chấp nhận mẫu thức “xác định” sẽ dễ đạt được tính cách chính thống, vì các giáo lý của những Giáo Hội nầy được công nhận là vững chắc trước sự khích bác của con người, và các Giáo Hội nầy cũng có thể loại trừ những kẻ bất đồng – tức những kẻ được xem là quay lưng lại với luật thiêng liêng của đức tin được ban cho  họ.

Cuối cùng, mẫu thức này làm tăng triển một cảm nhận sống động về sứ mạng. Nó chú trọng đến tính cách duy nhất và đặc biệt của Kitô giáo và do đó giúp cho tín hữu khỏi phải nghi ngại về những gì họ phải rao giảng. Đối với những người chấp nhận nó, mẫu thức xác định giúp họ dễ gắn bó triệt để hơn với giáo huấn của Thánh Kinh và của Giáo Hội – và giúp họ trình bày một giải thích sáng tỏ về đức tin của mình tương đối dễ dàng. Vì các Giáo Hội bảo thủ bám chặt vào mẫu thức này, nên không ngạc nhiên việc các Giáo Hội nầy đã phát triển trong một số trường hợp được thấy là rất nhanh – trong khi nhiều nhánh Kitô giáo khác tự do hơn, quan điểm ít minh bạch hơn về mạc khải, đã suy vong dần dần.



Phê Bình Mẫu Thức “Xác Định””

Cho dù có những ưu điểm đáng kể như thế, mẫu thức “xác định” nhìn chung đang lụi tàn dần, có lẽ ngoại trừ đối với những địa bàn thuộc ảnh hưởng Tin mừng bảo thủ – là nơi mà sự vô ngộ có tính xác định của Thánh Kinh đang là vấn đề tranh cãi sôi nổi. Trong phạm vi Công Giáo Rôma, thần học tân kinh viện vốn có nhiều ảnh hưởng vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX đã rơi vào thế suy vi nghiêm trọng và dường như không có cách nào cứu vãn. Khi nhận xét về quang cảnh thần học chung, một người Tin Lành thuộc khuynh hướng cởi mở đại kết – trong một bài viết cách đây hơn 10 năm – đã cảm thấy có quyền khẳng định như sau: “Không có sự xác định nào có sức thuyết phục hơn sự xác định nầy: đó là, nội dung của mạc khải không phải là một cơ cấu gồm những điều xác định mà người ta phải chấp nhận như một điều kiện của đức tin.” Chúng ta hãy khảo sát một số lý do đã góp phần hình thành nên quan điểm này.

Mặc dầu mẫu thức xác định tự nhận là có nền tảng chắc chắn trong Thánh Kinh và trong những niềm tin phổ quát của cộng đoàn Kitô hữu, người ta có thể đặt vấn đề rằng thật sự nó trung thành với Thánh Kinh hay là với truyền thống trước Cải cách. Theo phương thức này thì Thánh Kinh được nhìn chủ yếu như một sưu tập những xác định và mỗi một trong những điều xác định ấy tự nó có thể được hiểu như là một khẳng quyết thần linh. Không kể những cố gắng đã được người ta thực hiện để chứng minh ngược lại, Thánh Kinh dường như cũng không tự tuyên bố mình có tính bất khả ngộ một cách xác định như thế. Và trong hầu hết các trường hợp, các nhà chú giải thời thượng cổ và trung cổ cũng không chủ trương cách hiểu Thánh Kinh theo nghĩa hẹp sát chữ như cách hiểu được phái bảo thủ ở thế kỷ XX cổ xúy. Các giáo phụ và những môn sinh của các ngài trong thời trung cổ nói chung có khuynh hướng mở rất rộng cho những cách giải thích theo chiều hướng thiêng liêng và có tính ngụ ngôn – và những cách giải thích nầy rõ ràng vượt quá nghĩa hẹp của những xác định riêng rẽ, thậm chí đôi khi còn bỏ qua cả ý nghĩa mặt chữ.

Mẫu thức xác định trong hình thức ta đang xem xét ở đây chủ yếu là luận đề cho rằng mọi câu tuyên bố trong Thánh Kinh – trừ phi trong văn mạch được thấy có mâu thuẫn lại – thì phải được hiểu là một diễn tả về một chân lý mạc khải nào đó. Phái tân kinh viện còn bổ sung vào đó nữa rằng bất cứ điều gì mà Giáo Hội – với quyền giáo huấn phổ quát của mình – tuyên bố rằng đó là mạc khải thì thật sự đó là mạc khải. Những luận đề này – trong một thời đại của suy tư phê bình – nhìn chung không còn đáng tin cậy.

Khoa phê bình Thánh Kinh hiện đại tập chú vào tính đa dạng của những hình thức và qui ước ngôn ngữ văn chương trong Thánh Kinh. Người ta đã xếp loại lại nhiều sách vốn được xem là sách lịch sử dưới những tiêu đề như sử thi và truyện ký lịch sử; và vạch cho thấy những mối quan hệ gần giữa các sách Tin mừng và bài giảng của Giáo Hội sơ khai. Kết quả nghiên cứu phê bình cho thấy rằng ngay cả những bản văn được nhận là có tính lịch sử cũng có tồn tại những yếu tố thi ca, huyền thoại và thần bí – và các tác giả Thánh Kinh cũng khác biệt nhau rất nhiều trong quan điểm về tôn giáo. Những tiến bộ trong khoa học và trong hình-sử-học đã làm cho gần như không thể tiếp tục dùng Thánh Kinh như một nguồn có thẩm quyền về thông tin khoa học và sử học, như tình hình đã xảy ra trong những thời kỳ chưa phê bình.

Lý thuyết xác định trong hình thức của phái tân kinh viện cũng rập theo sự đánh giá của những người Tin Lành bảo thủ về Thánh Kinh – do đó cũng chẳng được dễ dàng hơn trong cuộc đương đầu với những chứng cứ ngày càng mạnh mẽ chống lại sự vô ngộ có tính xác định của Thánh Kinh. Xét một số chiều hướng thì vấn đề càng căng hơn nữa bởi nó còn thêm vào hai tính bất khả ngộ khác: bất khả ngộ của truyền thống và của quyền giáo huấn. Trong ánh sáng có được từ việc nghiên cứu nghiêm túc về lịch sử, người ta thật khó mà khẳng quyết rằng các vị giáo hoàng và các công đồng – dù khi long trọng xác định những vấn đề thuộc đức tin – có thể thoát khỏi những lằn ranh giới hạn thuộc thời đại của mình. Nếu người ta chấp nhận rằng những minh định ấy không thể được hiểu theo giá trị mặt ngoài mà là phải giải thích lại, thì có nghĩa là người ta đã bác bỏ ý niệm có tính khách thể về chân lý hàm ẩn trong mẫu thức xác định. Các nhà chú giải Thánh Kinh thời nay – không thiết yếu phải bỏ mọi loại vô ngộ hay bất khả ngộ – vẫn tìm cách đạt được sự trung thành với những gì được ban cho mà không khư khư bám vào những định thức rõ ràng bằng lời và đã được thừa nhận.

Tổng quát hơn, người ta có thể nói rằng mẫu thức xác định dựa trên một lý thuyết mang tính khách thể hóa về tri thức là một lý thuyết đang bị chất vấn rộng rãi trong thời đại chúng ta hiện nay. Trong truyền thông liên lạc, những câu xác định giữ vai trò thứ yếu hơn. Ngay cả những câu tuyên bố cũng truyền đạt nhiều nhờ ở khả năng khơi gợi của chúng hơn là ở nội dung luận lý của chúng. Những gì có tầm quan trọng hơn thì không bao giờ có thể được trình bày một cách tương ứng bằng hình thức (ngôn ngữ) xác định – ngay cả những câu xác định cũng lệ thuộc vào rất nhiều bối cảnh để hình thành ý nghĩa cho chúng. Tôi không thể quyết chắc một người muốn nói gì qua câu nói của họ trừ phi tôi biết một điều gì đó về người ấy và về hoàn cảnh mà người ấy nói lên câu nói đó.

Cách diễn dịch của phái tân kinh viện về mẫu thức xác định rõ ràng có tiến bộ hơn chủ trương duy Thánh Kinh của những người Tin Lành – vì có thừa nhận tầm quan trọng của truyền thống xét như một trung gian giải thích mạc khải. Nhưng truyền thống – được phái tân kinh viện hiểu một cách hẹp – dường như chủ yếu bao gồm những lời giảng dạy minh nhiên. Maurice Blondel đã thẳng thắn chống lại ý niệm nầy. Ông lập luận rằng theo quan niệm thông thường thì truyền thống là sự chuyển đạt – chủ yếu bằng khẩu ngôn – những thông tin và những giáo lý không được viết ra. Nếu theo ý nghĩa nầy thì truyền thống sẽ dần dần đi đến chỗ dư thừa không cần thiết, bởi vì càng ngày những điều ghi nhớ càng được người ta ghi ra rạch ròi trên giấy trắng mực đen. Hơn nữa, truyền thống sẽ dần đi đến chỗ mất tính đáng tin cậy vì cái khoảng trống quá thênh thang giữa thời điểm xảy ra mạc khải cuối cùng và thời hiện tại. Để lấy một ví dụ không phải của chính Blondel đưa ra, người ta có thể hỏi bằng cách nào một tín điều như Đức Nữ Trinh Hồn Xác Lên Trời – được xác định năm 1950 – có thể có nền tảng rõ ràng nơi những lời chứng minh nhiên của các Tông Đồ.

Blondel thẳng thắn chất vấn 2 giả định của lý thuyết nầy về truyền thống: đó là “truyền thống chỉ kể lại những gì đã minh nhiên được nói ra,” được chỉ dẫn hay được thực hiện – và “truyền thống không cung ứng một cái gì mà không thể được diễn dịch thành văn tự.” Blondel cho rằng một ý niệm về truyền thống như thế không giải thích được thỏa đáng tại sao Giáo Hội tiếp tục duy trì truyền thống. Để cho thích đáng hơn, Blondel đề ra một ý niệm linh động và mở rộng về truyền thống – theo đó những người tin được tạo điều kiện để đạt được những nhận thức mới nhờ việc theo đuổi lý tưởng người môn đệ và nhờ tích cực sống rõ nét đời Kitô hữu. Gần đây hơn, Michael Polanyi đã nhấn mạnh sự cần thiết của truyền thống xét như một phương tiện để phối kiểm sự nhận hiểu mặc nhiên hay rộng rãi. Ông viết: “Một xã hội muốn bảo tồn kho tàng tri thức cá nhân thì phải chấp nhận truyền thống.” Tương tự như Blondel, ý niệm của ông về truyền thống hoàn toàn đối ngược lại ý niệm của tư tưởng tân kinh viện.

Những mũi dùi khác chống lại mẫu thức xác định chĩa vào tính cách bất tương ứng với kinh nghiệm của mẫu thức này. Mẫu thức này có tính khá độc đoán, đòi hỏi người ta chấp nhận những ý niệm và những tuyên bố phát xuất trong những hoàn cảnh khác hẳn với những hoàn cảnh của người tín hữu thời nay. Những xác định trong Thánh Kinh và trong truyền thống Giáo Hội được nhận là mạc khải, không cần giải thích xem chúng có thực sự soi sáng cho hoàn cảnh cụ thể của người tín hữu. Trong phương thức nầy không thấy đề cập bao nhiêu đến khả năng khơi gợi của những hình ảnh và những biểu tượng thuộc Thánh Kinh; không thôi thúc bao nhiêu để người ta tìm ra những dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa trong chính đời sống và kinh nghiệm của riêng mình, không diễn giải bao nhiêu về tính chất của đức tin mà nó tìm hiểu và khảo sát.

Bởi những lý do nói trên, mẫu thức xác định – theo nhiều nhà phê bình đánh giá – không thỏa mãn được vấn đề nhận thức tôn giáo. Nó đặt ra cho thần học một chức năng và một giới hạn xem ra quá hẹp. Nhà thần học bị buộc phải làm việc nội trong phạm vi một loạt những định thức được trình bày trong ngôn ngữ (có) khái niệm – vốn được hiểu là bởi thần linh mạc khải. Điều này dẫn đến loại thần học mà Đức Piô XII mô tả trong “Humani generis” như sau:

“ Cũng thật sự rằng các nhà thần học phải tiếp tục quay lại với những nguồn mạc khải thần linh, vì vai trò của họ là chỉ ra cho thấy làm thế nào mà những điều được dạy bởi quyền giáo huấn sống động lại có nền tảng một cách minh nhiên hay mặc nhiên trong Thánh Kinh và trong Thánh Truyền… Bởi đó, vị tiền nhiệm đáng nhớ của Ta là Đức Piô IX – khi dạy rằng công việc cao quý nhất của thần học là chỉ ra cho thấy bằng cách nào mà giáo lý đã được xác định của Giáo Hội được chứa trong những nguồn ấy – ngài đã được thúc đẩy bởi những lý do hệ trọng để thêm rằng: “và chính trong ý nghĩa ấy mà giáo lý được xác định.”””

Mặc dù hẳn là không ai phủ nhận việc các nhà thần học có thể cho thấy đúng đắn sự nối tiếp giữa những nguồn cổ xưa và giáo huấn hiện nay của Giáo Hội, người ta vẫn cảm thấy chung chung là thần học nên mở ra để có thể chấp nhận rằng một số giáo huấn của Giáo Hội hiện nay không nằm trong những nguồn mà “theo chính ý nghĩa ấy chúng được xác định.” Thần học có một công việc mang tính phê bình, để mở ra cho thấy những khiếm khuyết trong các định thức của quá khứ và hiện nay – và một công việc nữa mang tính sáng tạo, đó là tìm kiếm những phương thức tốt hơn để trình bày mạc khải cổ xưa cho một thời đại mới. Để có thể thể hiện những chức năng nầy, các thần học gia phải quan tâm kỹ đến kinh nghiệm của các Kitô hữu đương thời hơn là quan tâm đến mẫu thức xác định để động viên họ.

Cuối cùng, phải nói rằng cách hiểu có tính giáo lý xác định về mạc khải đã tự cho thấy không thuận tiện để đối thoại với các Giáo Hội khác và các tôn giáo khác.

Xác tín rằng mình nắm giữ di sản nguyên tuyền và đầy đủ, nhà thần học sẽ nhìn những người thuộc các nhóm khác như những kẻ tà giáo hay phản bội. Những người ngoài Kitô giáo, vì các giáo lý của họ không thể thuộc về những nguồn mà Kitô hữu thừa nhận là có thẩm quyền thiêng liêng, nên kể như là không thể có mạc khải. Nếu các tín hữu Kitô được tạo điều kiện cho để tự mãn nghĩ rằng mình ở trên mọi kẻ khác, thì thật khó lòng mà họ có thể chấp nhận đi vào cuộc đối thoại trên tinh thần xây dựng và kính trọng những niềm tin khác mình.

Trong chương này chúng ta đã đặt mục tiêu nghiên cứu là mẫu thức “xác định” trong hình thức khá chặt chẽ của nó. Và khi chỉ ra những khuyết điểm của loại thần học này chúng ta không hàm ý nói rằng mạc khải của Thiên Chúa không hề có giá trị tri thức hoặc cho rằng những giáo huấn rõ ràng của Thánh Kinh và những tín điều đều không có nền tảng trong mạc khải. Trong các chương sau chúng ta sẽ có dịp tìm thấy lại những yếu tố khác nhau về giá trị mà mẫu thức xác định đã bênh vực một cách đúng đắn – dù có lẽ không phải bằng những luận chứng sắc bén nhất. Cùng với mẫu thức này, chúng ta sẽ khẳng định rằng mạc khải hoàn toàn đến được với tâm trí con người, và nó có thể được nắm bắt – ít là trong một mức độ nào đó – bằng những xác tín và những khẳng định của con người.



CHƯƠNG IV

MẪU THỨC 2: MẠC KHẢI XÉT NHƯ LỊCH SỬ

Những lý thuyết xác định về mạc khải được khảo cứu trên không phủ nhận mạc khải – trong một ý nghĩa nào đó – có tính lịch sử. Rõ ràng là mạc khải xảy ra trong lịch sử, vì đâu có chỗ nào khác hơn để nó xảy ra. Hơn nữa, mạc khải được thông truyền như một hồi ức từ thế hệ này sang thế hệ khác – và chính nhờ bảo tồn hồi ức này mà một dân tộc có thể sẵn sàng để đón nhận một kho tàng mạc khải phong phú. Cuối cùng, mạc khải thể nghiệm và giải thích một số biến cố lịch sử, chẳng hạn cuộc Xuất hành và sự nghiệp của Đức Giêsu Kitô. Tuy vậy, mẫu thức xác định không hoàn toàn có nghĩa lịch sử, vì nó không nhận những biến cố của lịch sử thánh tự chúng là mạc khải – ít nhất đối với những người Kitô hữu hiện nay. Không có gì là mạc khải trừ phi được chứa đựng trong lời Thiên Chúa hiểu như là những câu nói xác định. Hơn nữa, lời Thiên Chúa được hiểu là chuyên chở nhiều chân lý không phải là những sự kiện lịch sử. Lời ấy trình bày những chân lý vĩnh cửu về Thiên Chúa, về linh hồn và về sự bất tử. Lời ấy không chỉ nói cho ta biết về quá khứ mà còn về những sự chưa xảy đến.

Vì nhận thấy mẫu thức xác định về mạc khải quá độc đoán và trừu tượng, một số nhà thần học thế kỷ XIX – được nối tiếp bởi một số đông đảo các nhà thần học thế kỷ XX – đã chủ trương rằng mạc khải xảy ra chủ yếu qua các việc làm hơn là qua lời nói, và nội dung của nó chủ yếu thuộc về chuỗi biến cố mà qua đó Thiên Chúa đã tự biểu lộ chính Ngài trong quá khứ. Năm 1956, John Baillie đã ghi nhận “một sự nhất trí rộng rãi đáng kể” đối với tuyên bố rằng “Thiên Chúa tự mạc khải chính Ngài trong hành động – trong hoạt động ân sủng mà Ngài can thiệp vào lãnh vực của kinh nghiệm và của lịch sử con người; lãnh vực mà nếu Ngài không can thiệp như thế thì chỉ là một tấn tuồng vô ích, rỗng tuếch và cạn kiệt ý nghĩa, David Kelsey, vào năm 1975, đã nói về “một sự nhất trí rộng rãi trong thần học Tin Lành trong 4 thập kỷ qua rằng “Mạc khải” mà Thánh Kinh chứng nghiệm là một sự tự biểu lộ của Thiên Chúa trong các biến cố lịch sử – chứ không phải là những thông tin về Thiên Chúa được tuyên bố trong những giáo thuyết hoặc những ý niệm do thần linh truyền đạt. Hướng nhìn về tương lai, James Barr – vào năm 1963 – đã dám tiên đoán: “Những nhà chép sử thần học sau này sẽ nhìn lại thời kỳ giữa thế kỷ 20 và gọi đó là thời kỳ của quan điểm về mạc-khải-trong-lịch sử.””

Mạc khải Xét Như “Biến Cố” Trong Thần Học Anh – Mỹ

Một luận điểm cơ hữu của phương thức mới này là thế thượng phong của biến cố trên sự giải thích. William Temple, Tổng Giám mục Anh giáo, đã diễn giải một cách thuyết phục không kém ai. Vì Thiên Chúa là Đấng có ngã vị nên Người không thể được mạc khải một cách thích hợp qua thiên nhiên, mà chỉ có thể qua những nhân vật – nghĩa là, qua các diễn viên trên sâu khấu của lịch sử loài người. Các nhân vật và các biến cố lịch sử là nguồn của bất cứ chân lý nào mà trí óc sẽ rút ra từ chúng. Những tín điều và những giáo lý tùy thuộc vào những biến cố mạc khải xảy ra trước – và chúng được rút ra từ những biến cố đó. Hơn nữa, các biến cố bao giờ cũng phong phú hơn là những gì trình bày về chúng. Một biến cố, tự nó rõ ràng, có thể là mạc khải cho dù không thể dùng những xác định để trình bày tương đáng về nó. Nói sát hơn, đối với Temple, không hề có những chân lý được mạc khải. Ông cho những định thức về tín điều và về giáo lý chỉ là những bảng chỉ đường cho người ta biết phải tìm thấy mạc khải ở đâu. Cũng có thể nói tương tự về chính Thánh Kinh: Thánh Kinh không phải là mạc khải mà đúng hơn là một ghi chép về mạc khải. Lại nữa, Thánh Kinh không nên được xem như là một quyển sách không sai lầm. Vì sự việc Thiên Chúa giữ gìn cho tất cả các tác giả nhân loại khỏi bị sai lầm sẽ mâu thuẫn với những gì chúng ta biết về các hoạt động quan phòng của Thiên Chúa.

Trong khi khẳng quyết rằng mạc khải xảy ra chủ yếu trong các biến cố lịch sử, Temple đã không sơ suất giảm trừ mạc khải đến chỉ còn là lịch sử khách quan. Ông chủ trương rằng để cho được gọi là mạc khải, các biến cố phải được hiểu là những sự khai mở của Thiên Chúa. Thứ nữa, mạc khải bao gồm trong sự soi sáng tâm trí các tiên tri để biện biệt những gì được biểu lộ. Theo cách nói của Temple thì “điều kiện chủ yếu để có mạc khải trọn vẹn là sự trùng hợp của biến cố do thần linh điều động và những tâm trí do thần linh soi sáng để đọc đúng biến cố ấy.””

Trong một số tác phẩm về thần học Cựu Ứơc, G. Ernest Wright, một học giả người Mỹ thuộc phải Trưởng lão đã nhất trí một cách chủ yếu với Temple khi đưa ra một phân tích về mạc khải theo chiều hướng Thánh Kinh hơn là theo triết học. Ông đã chọn tựa đề cho một trong số những tác phẩm ấy là “Thiên Chúa, Đấng Hành Động” – với chủ ý rõ ràng muốn đối ngược với cách diễn tả thường tình hơn: “Thiên Chúa, Đấng ngỏ lời.” Wright phi bác cái khuynh hướng thường tình vốn cho mạc khải là giáo lý bất khả ngộ. Ông tuyên bố: “Phương thế chủ yếu mà Thiên Chúa liên lạc với con người là những hành động của Người, tức những biến cố của lịch sử.” Vì thế Thánh Kinh không chủ yếu là lời Thiên Chúa nhưng là sự ghi lại những hành động của Thiên Chúa – cùng với những đáp trả của con người theo sự mời gọi của những hành động ấy.

Trong cốt lõi của nó, trình thuật Thánh Kinh là một trình thuật nhằm công bố một chuỗi phi thường những hành động cứu độ trong đó Thiên Chúa mạc khải những mục đích của Người đối với toàn bộ lịch sử nhân loại. Nối gót Gerhard von Rad, Wright tìm lại trong sách Thứ luật và sách Giosuê những tuyên xưng cổ kính nhất làm nền móng cho sự tiến triển đức tin Israel sau này. Với sự giúp đỡ của C.H. Dodd, ông tìm thấy trong Tân Ước những bài công bố đầu tiên hàm chứa đức tin phôi thai nhất của Giáo Hội.

Wright nhận ra rằng trong một số đoạn văn, Thánh Kinh không nói về Thiên Chúa và các thuộc tính của Ngài. Thánh Kinh biểu dương Thiên Chúa là Đấng thánh, công chính, từ tâm, trung tín và v.v… Nhưng không phải biểu dương theo cách của những tín lý Kitô giáo sau này. Không nên lấy những ý niệm trừu tượng làm nội dung của mạc khải thay cho Thiên Chúa. Wright khẳng quyết rằng cái gọi là những thuộc tính của Thiên Chúa là những mô tả cụ thể về những cách thức mà Thiên Chúa đã hướng dẫn lịch sử. Công việc của thần học Thánh Kinh là không ngừng đặt Giáo Hội trở lại với thuật trình nguyên sơ về những hành động của Thiên Chúa như được thấy trong trình thuật Thánh Kinh.

Trên nền tảng Thánh Kinh, Wright kết  luận rằng Thiên Chúa đã tự mạc khải chính Ngài không phải qua những kinh nghiệm mơ hồ hay thần bí nhưng là qua những biến cố lịch sử khách quan. Những hành động cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử Thánh Kinh cho thấy các mục đích của Ngài đối với toàn thể nhân loại. Lịch sử có tính mạc khải này không phải là một ký sự thuần túy nhưng còn là một công việc giải thích trong đó những lời giải thích có tính cơ bản đến nỗi chúng trở thành “những phần thiết yếu thuộc về chính hành động.””

Phương thức của Wright – như nhiều nhà phê bình đã ghi nhận – dù có tính khơi gợi và phấn khích như thế, vẫn không giải quyết được nhiều vấn đề. Không thấy chỗ nào ông giải thích rõ về ý nghĩa mà ông muốn nói khi dùng từ ngữ “hành động của Thiên Chúa” – là chính cái mà ông đưa ra làm trọng điểm của mạc khải. Ông còn khá mập mờ về cái quá trình trong đó các tác giả Thánh Kinh chuyển từ các biến cố sang việc giải thích các biến cố. Ông nhìn nhận rằng các biến cố cần được giải thích trước khi người ta có thể hiểu được ý nghĩa đích thực của chúng, và vì thế Thiên Chúa “ban kèm theo mỗi biến cố một lời giải thích.” Nhưng Wright rõ ràng khẳng định rằng những giải thích ấy là những diễn dịch từ các biến cố đó và thậm chí chúng là những “giải thích duy nhất có thể có” cho những người Do thái về những điều vĩ đại đã xảy ra với họ. Nếu vậy, xem chừng không cần thiết mấy việc Thiên Chúa phải đưa ra một lời giải thích.

Cuối cùng, theo Wright thì dường như người đọc Thánh Kinh thời nay có thể đạt thấu được bản tính và các thuộc tính của Thiên Chúa bằng cùng một cách thế mà ông gán cho các tác giả Thánh Kinh. Thánh Kinh diễn tả Thiên Chúa là Đấng từ bi, trung tín và hay tha thứ. Ông nói: “Chúng ta biết được về Thiên Chúa như thế bởi vì chúng ta suy diễn từ những gì mà Ngài đã làm.” Đâu là cơ sở cho một suy diễn như thế? Nếu chúng ta không thể tin cậy sự giải thích của Thánh Kinh thì chúng ta còn có những nguồn nào để mà khẳng định sự kiện rằng Thiên Chúa đã hành động trong lịch sử này? Wright không đưa ra được câu trả lời sáng sủa.


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.01 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương