Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức


Đức Tin Và Các Lãnh Vực Của Đức Tin



tải về 1.01 Mb.
trang10/15
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.01 Mb.
#13530
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15

Đức Tin Và Các Lãnh Vực Của Đức Tin

Từ đó, các thần học gia thuộc mẫu thức biện chứng này tiến tới một khẳng định xa hơn. Họ cho rằng hành vi của đức tin – nhờ đó mạc khải được đón nhận thực sự – là một thành phần thiết yếu của chính mạc khải. Theo Barth, mạc khải không bao giờ trọn vẹn với yếu tố khách quan của việc tự mở lộ của Thiên Chúa qua Con của Ngài, bởi vì sự kiện mở lộ đó sẽ không rõ ràng nếu không có sự biến đổi chủ quan qua đó Thánh Thần làm cho chúng ta có khả năng nhận hiểu điều đang xảy ra. “Do đó sự nhận hiểu này, sự mạc khải này của Thiên Chúa ban cho chúng ta, tự nó thực sự là mạc khải.” Brunner chống lại khuynh hướng hiểu mạc khải như một sự kiện khách quan được đặt thượng phong trên hành vi chủ quan là sự đón nhận nó trong đức tin: “Sự kiện việc soi sáng,” tức cái làm cho sự kiện đó được nhận biết, là “một phần thiết yếu của tiến trình mạc khải, nếu không có phần này thì một biến cố sẽ chỉ là một biến cố trơn chứ không có tính mạc khải gì hơn – cũng như ánh sáng mà không được trông thấy, không có gì để soi sáng, không có thị giác.” Nơi khác, Brunner tuyên bố: “Đức tin và mạc khải có tương quan hỗ tương nhau,” chúng tùy thuộc vào nhau. Bultmann cũng nghĩ tương tự, ông viết: “Mạc khải không thể được thấu hiểu nếu không có đức tin, không có gì được mạc khải dựa trên nền tảng của những gì mà người ta tin tưởng. Chỉ trong đức tin mà đối tượng của đức tin được vén mở, vì thế, đức tin tự nó thuộc về mạc khải.””

Trích dẫn vừa nêu trên của Bultmann đem chúng ta tới căn bản lý tính của đức tin. Về vấn đề này các thần học gia của mẫu thức biện chứng có một quan điểm độc đáo rằng mạc khải không thể được chứng minh bằng những luận cứ thuộc lý trí con người – tức những luận cứ ở ngoài đức tin. Trong một luận văn nổi tiếng viết về Schleiermacher, Barth chế giễu nhà minh giáo này – người phải bước ra khỏi thần học, tay cầm một lá cờ trắng và cố gắng nói chuyện với những kẻ không tin ở địa hạt trung lập. Barth cả quyết rằng từ một địa hạt trung lập như thế người ta không thể thấy được mạc khải. “Thánh Kinh cho thấy mạc khải của Thiên Chúa là một địa hạt không có một địa hạt nào cao hơn trên nó hay sâu hơn dưới nó – nhưng là một địa hạt tự nó có tính tuyệt đối; và do đó đối với con người, mạc khải của Thiên Chúa là một tòa án cuối cùng chứ không thể kháng cáo đến một tòa nào cao hơn.””

Cũng thế, đối với Emil Brunner: “Mạc khải, do chính bản chất của nó như đức tin Kitô giáo hiểu, thật sự là một cái gì vượt ngoài mọi luận cứ lý trí.” Ở chỗ khác, ông viết: “Vì thế, mọi phương tiện biện giải và chứng minh đều ở ngoài tầm tay chúng ta. Mạc khải chỉ được nắm hiểu bằng đức tin và điều mà đức tin tin tưởng thì điên rồ đối với lý trí, vì nó trái nghịch với tất cả những suy nghĩ bên trong chúng ta.” Theo Bultmann, lời chứng của Đức Giêsu như được trình thuật trong bốn sách Tin mừng giả thiết trước sự tự túc của đức tin:

Ngoài chứng tá của Người, Người (Đức Giêsu) không đưa ra bằng chứng nào khác về thẩm quyền của Người để có thể xem như sự nâng đỡ niềm tin của người ta vào chứng tá đó. Thính giả có chất vấn thì cũng chỉ chất vấn về chính điều mà sự vững chãi của nó đang bị họ đặt vấn đề, về đối tượng của đức tin. Không có tiêu chuẩn nào để xác quyết tính vững  chắc của điều được gọi là mạc khải, cho dù đó là chứng tá đáng tin cậy của những người khác – hay những tiêu chuẩn lý luận hoặc đạo đức – hay những kinh nghiệm nội tâm. Đối tượng của đức tin chỉ được nhận biết bởi đức tin, và đức tin này là phương tiện duy nhất để đạt đến đối tượng của nó.””

Có vẻ như là chủ nghĩa qui Kitô của các tác giả này sẽ thúc đẩy họ chấp nhận rằng khoa minh giáo ít nhất cũng phải bảo vệ sử tính của các biến cố cốt yếu trong sự nghiệp của Đức Giêsu, nhưng đối ngược với trường phái (mẫu thức) lịch sử cứu độ được ta tìm hiểu trước đây, các thần học gia biện chứng đã khéo léo bảo quản đức tin khỏi bị biến đổi theo những kiến thức về lịch sử. Trong khi chú giải Thư Rôma, Barth đã đề cập đến một “lịch sử tiên quyết” (Urgeschichte) trong đó hành động của Thiên Chúa gặp gỡ lịch sử trần thế từ trên cao – mà vẫn không hề bị đồng hóa với  lịch sử trần thế ấy. Khi làm công việc liên kết nói trên, Barth đã sử dụng những hình ảnh ẩn dụ nổi tiếng của ông về đường trực giao, về tiếp tuyến, về điểm trong toán học, về miệng núi lửa, về chân không. Ông khẳng định rằng cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu là “hiện tượng phi lịch sử – mà mọi biến cố khác đều được hạn định bởi nó và các biến cố trước và sau Phục Sinh đều qui về nó.” Mọi biến cố lịch sử đều bị dính líu không thể tách rời khỏi tính tương đối thất thường của con người – với sự mập mờ, sự sai lầm và sự bất ổn tự bản chất của nó; vì thế biến cố Phục Sinh không thể được chính xác ráp vào trong lãnh vực của lịch sử thông thường.

Trong giai đoạn theo mẫu thức biện chứng của mình, Brunner đã đề cập đến “lịch sử tiên quyết và tối hậu” (Ur-End-Geschichte) như một phạm trù thần học giúp liên hội cái nghịch lý của vĩnh cửu trở thành thực tại lịch sử mà không giả thiết trước về sự mở rộng có tính lịch sử của các biến cố khác. Ông khẳng định rằng mạc khải không thể được nhìn thấy và không nối dài trong thời gian. Vì thế cuộc sống nhân loại của Đức Giêsu không thể hình thành mạc khải. Chiều kích mạc khải không phải là gì khác hơn là lời thần linh của Thiên Chúa – lời ấy hiện diện trong lịch sử nhưng không hề bị đồng hóa với lịch sử. Trái ngược với các nhà thần học tự do; các thần học gia biện chứng hoàn toàn dửng dưng không nại đến những tâm tình thái độ tôn giáo riêng tư của “Đấng Sáng Lập Kitô giáo.”

Trong nỗ lực “giải trừ huyền thoại” của ông, Bultmann đã nhấn mạnh đến ý nghĩa hiện sinh của chứng từ Thánh Kinh đối với Đức Giêsu, tách biệt rõ ràng ý nghĩa này khỏi tính sự kiện lịch sử – vấn đề mà “con người tin” ấy không hề đếm xỉa đến. Bultmann khẳng định rằng dù người sử gia có chứng minh thế này thế khác về những gốc tích Kitô giáo thì cũng không gì có thể hoặc củng cố hoặc đe dọa đến đức tin, vì “vốn là một quyết định riêng tư cá nhân, đức tin không thể để cho công việc của sử gia lèo lái.”

Những luận điểm căn bản nhất trong thần học biện chứng – mà chúng ta đã nhìn khái lược trong các tác phẩm của Barth, Brunner và Bultmann – tiếp tục thấm nhiễm vào các môn đệ của họ. Những nhà thần học “hậu Bultmann” như Ernest Fuchs và Gerhard Ebeling – dựa vào triết học của Heidegger sau nầy – đã phát triển một lý thuyết rất phức hợp về sự kiện lịch sử của lời cứu độ của Thiên Chúa trong hình thức mà Fuchs gọi là “biến cố ngôn ngữ” (Sprachereignis) và Ebeling thì gọi là “biến cố lời” (Wortgeschehen). Gần với Barth hơn Bultmann và gần với những tư tưởng chín muồi của Barth hơn những tư tưởng trong giai đoạn biện chứng của ông, các thần học gia như Jurgen Moltmann và Eberhard Jiingel đã tiếp tục khảo sát cái nghịch lý của sự hiện diện và vắng mặt của Thiên Chúa trong thế giới và trong lịch sử (của thế giới). Đối với tất cả những nhà thần học này – cũng như đối với các tiền bối của họ trong mẫu thức biện chứng, mạc khải là sự tự chứng nghiệm của Thiên Chúa mạc khải Đấng xuất hiện qua lời phán xử và lời ân sủng đầy quyền năng của Ngài.

Tổng Lược

Bỏ qua những tính đa dạng sau này như thấy trên, ta có thể tổng hợp thần học biện chứng về mạc khải bằng cách trả lời 4 câu hỏi quen thuộc của chúng ta: Đâu là hình thức của mạc khải, nội dung, giá trị cứu độ và sự đáp trả thích đáng đối với nó?

Vì mạc khải đến qua lời nên hình thức đúng đắn của nó là Đức Kitô, Ngôi Lời. Không có gì được gọi là mạc khải ngoại trừ trong chừng mực mà Ngôi Lời nói qua nó. Theo tất cả các tác giả này, Thánh Kinh tự nó không phải là mạc khải nhưng đúng hơn là lời chứng mở đường cho mạc khải là chính Đức Kitô. Barth và các môn đệ của ông cho rằng cả Cựu và Tân Ước đều chứa đựng lời chứng cho Đức Kitô. Nhưng lời của Thánh Kinh không được đặt ngang hàng với lời của Thiên Chúa. Nó phải nhận được sự phán quyết tới hậu của Đức Kitô, Lời mạc khải, theo ngôn ngữ mà Luther quen dùng thì Đức Kitô là Vua và là Chúa Tể của Thánh Kinh.

Thứ đến, lời rao giảng của Giáo Hội cũng làm chứng cho Đức Kitô, nhưng lời của Giáo Hội luôn luôn phải được cân nhắc một cách có phê phán dựa vào lời Thiên Chúa được ban cho qua Thánh Kinh. Khi Thánh Thần muốn ngỏ lời qua tác vụ của Giáo Hội thì những lời được rao giảng và những bí tích trở thành những phương tiện chuyên chở mạc khải.

Theo những nhà thần học này thì nội dung của mạc khải là Thiên Chúa, Đấng làm phát ngôn viên để mạc khải chính Ngài. Đặc biệt Barth cho rằng Lời và Thánh Thần – trong tư cách là những phương diện bổ sung nhau để làm thành mạc khải – trình bày cho thấy Thiên Chúa là Đấng Tam vị Nhất thể. Quan điểm của Jungen và Moltmann cũng không kém Barth rằng mạc khải – hiểu là sự tự chuyển thông của Thiên Chúa – không thể được thấu hiểu ngoại trừ trong quan hệ ba ngôi. Trong khi đồng ý rằng Thiên Chúa mạc khải chính Ngài, phái Bultmann nhấn mạnh rằng khi làm thế, Thiên Chúa cũng mạc khải chúng ta cho chính chúng ta – giúp chúng ta tự hiểu đúng về mình. Một khi được hiểu đúng, sự hiểu biết này có thể được dung hòa với sự nhấn mạnh của Barth về tính tiên quyết của Thiên Chúa. Vả chăng Barth cũng nhìn nhận sâu xa rằng lời của Thiên Chúa nơi Đức Kitô giúp chúng ta hiểu được mình là những tội nhân, những con người bất lực, những kẻ được mời gọi để sống và là những kẻ đã được thứ tha.

Dù Barth không rõ ràng loại trừ cái khả năng cứu chuộc mà không có mạc khải, đối với những tác giả này sự gắn kết giữa mạc khải và ơn cứu độ vẫn là một sự gắn kết tự bên trong. Như chúng ta đã thấy, họ xác định rằng mạc khải không chỉ là một giáo thuyết về sự cứu độ nhưng còn là một hành vi chuyển trao ơn cứu độ. Ebeling tỏ ra trung thành với mẫu thức này khi tuyên bố: “Trong tư cách là một biến cố mang tầm mức mối giao hảo giữa Thiên Chúa và con người, mạc khải không duy chỉ bao hàm trong việc chuyển trao một giáo thuyết cứu độ nhưng đúng hơn mạc khải hệ tại ở việc đem Thiên Chúa và con người xích lại với nhau và giao hòa hai bên.” Theo Ebeling, mạc khải không làm tăng thêm kiến thức nhân loại ngoại trừ việc thay đổi căn cơ cuộc hiện sinh của con người.

Theo mẫu thức biện chứng này thì sự đáp trả đúng đắn đối với mạc khải chính là đức tin. Bởi đức tin vốn thuộc về yếu tính của mạc khải nên sự đáp trả của đức tin được nội hàm trong chính định nghĩa về mạc khải. Trong tư cách là một sự đáp trả, đức tin trước hết là sự tuân phục riêng tư – còn sự nhất trí chính thức chỉ là vấn đề thứ yếu. Dù vậy cũng hàm chứa một tri thức mới mẻ về Thiên Chúa và về chính bản ngã mình, vì những kẻ tin đi đến nhìn nhận chính họ là những tội nhân được Thiên Chúa ân cần tiếp nhận vào trong mối thân hữu với Ngài.

Những Đóng Góp Của Mẫu Thức Biện Chứng

Mẫu thức biện chứng về mạc khải không thiếu nền tảng Thánh Kinh, Barth và Bultmann đã cắm sâu vào Thánh Kinh bằng những cách thức khác nhau. Thần học mạc khải của họ âm vang lời loan báo có sức xét xử và chữa trị của các ngôn sứ và của “Lời Thập Giá” được Phaolô loan báo (1 C 1,18). Nó cũng liên hội nhiều luận điểm đặc sắc của các nhà cải cách thế kỷ 16, nhất là Luther. Với đặc tính qui về Thánh Kinh, thần học biện chứng của những thập niên 1920 và 1930 đã cung ứng trước một số trong những nguyên tắc mà theo đó các thần học gia thuộc nhóm “chú giải mới” (E. Fuchs, G. Ebeling, và những người khác) sẽ đem lại sinh khí tươi mát cho thần học Thánh Kinh vào giữa thế kỷ.

Vào cái thời mà ý niệm mạc khải bị tấn công dữ dội bởi phái duy nghiệm và phái tự do – là những người cho rằng tất cả chân lý chỉ là kết quả đạt được của con người – thì thần học biện chứng đã giúp cho các nhà giảng thuyết và các thầy dạy Kitô giáo một lần nữa có thể ăn nói một cách xác tín nhân danh Thiên Chúa mạc khải. Các vị ấy đã đem lại được một sự củng cố mới cho các ý nghĩa thuộc truyền thống và thuộc Thánh Kinh về tội và về ơn cứu chuộc. Thần học biện chứng cũng có một tiêu điểm Kitô học rõ ràng, vì nó nhìn một cách độc tôn rằng Đức Kitô là mạc khải của Thiên Chúa. Trong trường hợp của Barth, sự nhấn mạnh hai mặt về lời và Thánh Thần làm cho giáo thuyết về mạc khải trở thành khởi điểm cho một thần học cách tân về Ba Ngôi. Nhìn Thánh Kinh và truyền thống thần học một cách nghiêm túc hơn so với kể từ thời cải cách, thần học biện chứng đã đóng vai trò mũi xung kích trong đại cuộc phục hưng thần học hệ thống của Tin Lành.

Bằng việc phủ nhận sự cần thiết phải làm cho đức tin có tính phù hợp, thần học biện chứng đã thật sự tháo gỡ nhiều chống đối đặt nền tảng trên sự bất phù hợp mà người ta đã gán cho sứ điệp Kitô giáo. Chính trong việc tẩy chay khoa minh giáo lại cho thấy hiệu năng minh giáo. Trong mức độ mà nó từ chối không trói buộc lời của Thiên Chúa vào bất cứ sự kiện lịch sử đặc biệt nào hay bất cứ lời tuyên bố nào của Thánh Kinh, mẫu thức này đã giải phóng người tín hữu khỏi mối lo sợ gây ra do những giả thuyết mới của các công trình nghiên cứu của phái tự do và phái cấp tiến. Nỗ lực giải trừ huyền thoại của Bultmann có thể được triển khai từ trong khuôn khổ của thần học biện chứng.

Cuối cùng, thần học biện chứng về mạc khải – trong khi không nhấn mạnh đến phạm trù kinh nghiệm tôn giáo – lại giúp cho những người tin một lần nữa thêm khả năng để có được một cảm nghiệm về cuộc gặp gỡ Thiên Chúa siêu việt như mầu nhiệm tuyệt đối. Ngay cả khi phát biểu chống lại tôn giáo, các người thuộc nhóm của Barth vẫn thỏa mãn được cho cái nhu cầu của nhiều Kitô hữu cảm thấy phải qui phục một vị Thiên Chúa tối thượng. Thật bất ngờ, chính sự phi bác tôn giáo đã được dùng đến để phục vụ cho các mục đích của tôn giáo.

Phê Bình Mẫu Thức Biện Chứng

Tạo được ấn tượng lớn là thế, mẫu thức biện chứng về mạc khải vẫn không giành được sự ủng hộ rộng rãi. Các thần học gia bảo thủ và chính thống đã không mấy hài lòng với cách thức mà mẫu thức này vòng vo tránh trớ giáo huấn rõ ràng của nhiều bản văn Thánh Kinh và những tuyên bố của Giáo Hội, cũng như khó chịu về cách nhìn lịch sử Thánh Kinh một cách xoàng xĩnh của mẫu thức này. Đàng khác, phái thần học tự do đã phàn nàn mẫu thức này vì nó đã cố gắng hoàn trả lại thẩm quyền của Thánh Kinh và những chủ điểm của tín lý truyền thống.

Mẫu thức thần học này bị công kích nhiều nhất là ở chỗ nó thiếu sự nhất quán bên trong. David Kelsey nói: “Có một điểm gặp nhau trong phê phán của các nhãn giới thần học hoàn toàn khác nhau, đó là: những giáo thuyết gọi là “có tính Thánh Kinh” về “mạc khải” được phát triển trong kỷ nguyên tân chính thống thì đều không có tính nhất quán về mặt ý niệm. Một cách dũng cảm đáng kể những thần học gia nầy xác quyết rằng lời của Thiên Chúa là chuẩn mực đánh giá mọi lời của con người, nhưng rồi họ thêm rằng lời của Thiên Chúa không bao giờ có ai đạt đến được trừ phi lời ấy nằm trong lời bập bẹ của con người. Theo Barth, nhà giảng thuyết phải đương đầu với chuyện không-thể-làm-được đó là phải nói về cái không thể nói được bằng lời, và do đó phải dùng những kiểu nói sai lạc nếu như không phải là trái ngược hẳn. Nhưng hai khía cạnh mâu thuẫn này trung hoà nhau, mà ngã ngũ là Thiên Chúa được thay bằng một khoảng không mông mênh. Hans Urs von Balthasar đặt vấn đề: “Làm sao sự trống không nầy lại có thể là một bảng chỉ đường đích thật? Tại sao nó không thể chỉ ngược lại hoặc chẳng chỉ gì cả cơ chứ? Phương pháp biện chứng vì thế đã không tạo được nhịp cầu bắc qua “sự khác nhau vô hạn về phẩm tính” giữa Thiên Chúa và tạo vật, Thiên Chúa vẫn cứ còn giấu ẩn.

Langdon Gilkey đã dồn Barth và phái tân chính thống vào cùng một thế lưỡng nan mà ta đã thấy ông làm trong cuộc đương đầu với G.E. Wright và các thần học gia thuộc mẫu thức lịch sử cứu độ. Theo Gilkey, sự nhận hiểu theo Thánh Kinh và theo truyền thống về Thiên Chúa như Đấng Sáng Tạo và Chủ Tể tối cao không thể phù hợp với cách hiểu có tính thế tục hiện đại được thấy nổi bật trong các công trình của những thần học gia này. Gilkey viết: “Khía cạnh hiện đại của tân chính thống – dường như đã làm cho trở thành không thể – cái mà tính chính thống của nó đòi phải có – đó là mối liên hệ trực tiếp với một lời mạc khải khách quan của Thiên Chúa.””

Khi các thần học gia biện chứng nói về việc tự mở lộ của Thiên Chúa xuyên qua các hoạt động của Ngài trong lịch sử, ngôn ngữ nghịch lý của họ trở nên rất tối tăm. Bằng những kiểu nói nóng bỏng họ tham chiếu đến những việc làm đầy quyền năng của Thiên Chúa trong việc giải thoát dân Israel ra khỏi vòng cương tỏa bên Ai Cập và bên Babilon, và trong việc nâng Đức Giêsu dậy từ cõi chết. Nhưng đồng thời họ lại phủi bỏ ý niệm đã được chấp nhận về lịch sử cứu độ, phủ nhận rằng không có phẩm tính cốt yếu nào phân biệt lịch sử đặc biệt của mạc khải với các biến cố lịch sử thông thường. Ở điểm này họ cầu cứu đến những phạm trù như “lịch sử tiên quyết” và “biến cố cánh chung” là những phạm trù (được thẩm định là) phân biệt hành động “biến đổi lịch sử” của Thiên Chúa với những biến cố trong tầm mức lịch sử thông thường. Họ xác quyết rằng đức tin nhất định không bao giờ lệ thuộc vào những gì mà sử gia đời có thể đem lại (bằng cách sử dụng những kỹ thuật của khoa sử học). Nhưng nếu đức tin được đặt nền trên chỉ chính nó thì làm thế nào để phân biệt nó với một sự cuồng tín có tính độc đoán và đáng tởm gớm đây? Đâu là thực tại khách quan của một việc làm của Thiên Chúa vốn không thể được biện biệt trừ phi nhờ đến đức tin để giải thích rằng đó là việc làm của Thiên Chúa?

Những vấn đề như thế càng đặc biệt trở nên thời sự trong lãnh vực Kitô học. Các thần học gia biện chứng nhất tề xác định sự đồng hóa giữa mạc khải với Đức Giêsu Kitô, nhưng họ rất mập mờ trong vấn đề trình bày sự liên hệ giữa Đức Kitô của đức tin với Đức Giêsu lịch sử. Nếu Đức Kitô của đức tin và của lời rao giảng hoàn toàn không dính dáng gì đến những kết quả điều tra sử học thì một hố thẳm sẽ mở ra giữa đức tin và lịch sử thực, và thật khó hiểu được làm sao việc đón nhận “kerygma” Kitô giáo lại không giống với việc đón nhận một thần thoại. Vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, một số thần học gia trẻ hơn thuộc các trường phái Barth và Bultmann đã đề xướng luận thuyết rằng Đức Kitô là một biểu tượng thuần túy theo đó một cộng đoàn đức tin nào đó chọn để diễn tả cách hiểu của mình về cuộc hiện sinh chính thực mà mọi hữu thể nhân loại – kể cả những người không được biết đến Tin mừng – được mời gọi thực hiện. Cũng khoảng thời kỳ ấy một nhóm thần học gia khác – mà đôi khi người ta gọi là “phái hậu Bultmann” – đã khẳng định tầm quan trọng của một “cuộc tìm thám mới”về Đức Giêsu lịch sử, rõ ràng là để chứng rỏ rằng Đức Kitô của đức tin không phải là một dự phóng thuần túy do trí tưởng tượng sùng ngưỡng đẻ ra. Dù người ta chấp nhận cách hiểu rằng Đức Kitô là một huyền thoại Kitô giáo hay họ khơi động dậy vấn đề về Đức Giêsu lịch sử – thì họ cũng đang xuất phát một cách đầy bi kịch từ mẫu thức biện chứng và đang quay về với chủ nghĩa tự do của Ritschl và của Troeltsch.

Vì rất nhiều lý do khác nhau, mẫu thức biện chứng về mạc khải xem ra bất lợi cho cuộc đối thoại giữa các tôn giáo. Barth và những người khác thuộc phong trào nầy đã thường xuyên có phát biểu rất tiêu cực về tôn giáo nói chung và nhất là về những tôn giáo ngoài Kitô giáo. Họ cũng nghiêng chiều về một “độc tôn Kitô thuyết” nào đó (theo cách nói của G.E. Wright) – họ không chấp nhận rằng mạc khải có thể xảy ra trong một hình thức nào đó ngoài Đức Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, những khó khăn nầy xem ra không phải là không thể vượt qua. Khi Barth nói về tôn giáo bằng những kiểu nói hạ giá thì đó chỉ là vì ông đang nhấn mạnh một khía cạnh trong biện chứng của ông. Ông có thể nói đại khái như: “Mạc khải có thể nhận lấy tôn giáo và đánh dấu đó là tôn giáo thật.” Mối tương quan giữa mạc khải và tôn giáo có tính nghịch lý. Barth muốn “sublate” tôn giáo qua mạc khải, chứ không chỉ đơn giản là muốn cáo chung nó.

Việc dư luận dị nghị mẫu thức biện chứng không có tính nhất quán bên trong không hề gây bối rối cho các khuôn mặt thuộc mẫu thức này. Họ đặt vấn đề rằng nếu mạc khải có thể hoàn toàn liên hợp với bất kỳ hệ thống nào đó của con người thì liệu đó có còn là mạc khải nữa không? Nếu nó có thể được chứng minh từ một quan điểm ngoài đức tin thì liệu người ta còn cần đến mạc khải làm gì nữa? Chỉ bằng cách giữ cho lời Thiên Chúa không bị lộn xộn với lời của con người thì người ta mới có thể bảo toàn được phẩm tính tốt đẹp của mạc khải. Chức năng chính của mạc khải khi nó gặp gỡ các hệ thống của con người đó là vạch cho thấy sự bất tương ứng của những hệ thống đó do bởi chúng được triển khai từ sự giới hạn và tội lỗi. Trong thần học biện chứng, những chủ đề của phái cải cách về sự hư hỏng hoàn toàn của con người và về ân sủng nhưng không của Thiên Chúa được vận dụng một cách chặt chẽ cho giáo thuyết mạc khải.

Mẫu thức biện chứng cố nêu bật lên vấn đề ngôn ngữ tôn giáo. Nó tìm cách chuyển đạt bằng ẩn dụ và bằng sự nghịch lý những gì mà diễn từ xác định trực tiếp không vươn tới được, và qua đó nó gợi cho thấy rằng đối với thần học có những phương thức tri thức phi xác định về tầm quan trọng có tính quyết định. Đặc điểm ngữ văn của Barth và của những người thuộc nhóm ông ta (nhưng nhất là của Barth) không chỉ là cái gì để điểm xuyết cho thần học của họ mà đúng hơn đó chính là sự sống còn và là bản chất của thần học đó. Những nhà thần học này chủ trương rằng chỉ bằng ngôn ngữ biện chứng người ta mới có thể ăn nói về giới thần linh mà không giam hãm nó trong những cơ cấu ý niệm của con người.

Văn phong bóng bẩy của những nhà thần học này – với những tương phản đáng kể của nó – đã đem lại một trong những thành tựu vang dội nhất của thần học thế kỷ XX. Nhưng phải chăng có thể gọi một tấm mạng che đậy những xung khắc như thế là một thần học mạc khải? Nếu không ai có đủ khả năng lĩnh hội lời của Thiên Chúa thì có thể có mạc khải không? Và nếu người ta có thể lĩnh hội lời đó, thì phải chăng họ phải nhận nó trong sự mâu thuẫn của chính nó? Trả lời “có” và “không” đồng thời thì vẫn chưa dứt điểm vấn đề.

Do những khó khăn này mà chẳng lạ gì khi thấy thần học biện chứng – trong hình thức sắc bén của nó – đã chỉ đóng vai trò một giai đoạn trong toàn sự nghiệp suy tư của các tác giả liên hệ. Khi những tác giả nầy muốn tìm cách suy tư thêm về ý nghĩa của Tin mừng, họ đã vượt quá lối suy nghĩ biện chứng để bước vào một thần học có tính xác định hơn về lời tuyên giảng. Không từ bỏ tính cách biến cố hoàn toàn của lời Thiên Chúa, và bao hàm trong đó là sự từ chối căn cơ của con người, những nhà thần học này đã áp dụng một cái gì đó gần giống như cách nói loại suy của truyền thống cổ điển. Tư tưởng nhân vị của Brunner, hiện sinh của Bultmann, thần học hoà giải của Barth cuối cùng đã xé ra khỏi bộ khung yếu ớt của tư tưởng biện chứng. Trong những hệ thống này luôn tồn tại một giai đoạn đậm tính phủ định, nhấn mạnh cho người ta thấy sự bất tương ứng của mọi khẳng định của con người về Thiên Chúa. Nhưng giáo thuyết loại suy cổ điển cũng chứa một cấu tố phủ định phản ảnh nhận thức rằng bất cứ nét giống nhau nào giữa tạo vật và Thiên Chúa cũng đều bị chế định bởi một nét khác nhau còn to lớn hơn nhiều.

Bất cứ khi nào thần học bị cám dỗ quên đi những giới hạn riêng của nó và tự nhận là nắm vững hoàn toàn sứ điệp mạc khải, thì những phủ định mạnh mẽ của thần học biện chứng vẫn còn có một giá trị giúp điều hợp lại. Những phủ định này có thể được hòa điệu không và hòa điệu đến đâu với sức ép tích cực hơn của các mẫu thức khác là một vấn đề mà chúng ta còn phải xem xét sau này.
CHƯƠNG VII

MẪU THỨC 5: MẠC KHẢI XÉT NHƯ NHẬN THỨC MỚI

Trong những mẫu thức mà ta xem xét cho tới đây, mạc khải được thấy như một cái gì được ban cho từ bên ngoài, một cái gì từ trên cao ban xuống cho chủ thể con người. Việc tiếp nhận mạc khải được hiểu như một việc thụ động. Nội dung của mạc khải được xem là vượt quá tầm với của kinh nghiệm con người và của những khả năng tìm thám của con người.



Những Nguồn Gốc Và Các Đại Biểu

Một phương pháp khác hẳn để tiếp cận mạc khải, phát xuất từ chủ nghĩa duy tâm chủ quan của thế kỷ 19, đã trở thành phổ biến trong nhiều nhóm thuộc thế hệ vừa qua. Theo phương thức này thì mạc khải là một sự cung ứng (có tính siêu việt) năng lực bên trong thuộc tinh thần con người nhằm giúp người ta có được ý thức đầy đủ hơn. Không giảm trừ chủ thể vào thế bị động, trái lại mạc khải xảy ra khi các khả năng con người được đẩy lên đến mức hoạt động cao nhất của chúng. Không phải là đi quá tầm kinh nghiệm, trái lại mạc khải chính là một kinh nghiệm tham dự vào đời sống thần linh. Tuy vậy, nó không khai mở Thiên Chúa như khai mở một đối tượng. Nó cung ứng một nhãn giới hay một quan điểm mới về bản ngã và về thế giới khi những điều này được kinh nghiệm trong toàn bộ cuộc sống. Theo tính cách chủ quan này của việc đón nhận mạc khải thì các đối tượng của kinh nghiệm trở thành những biểu tượng chuyển thông một sự tiếp xúc với thần linh. Một thần học mạc khải theo những nét đại cương như vậy đã được triểu khai bởi rất nhiều thần học gia nói tiếng Anh như Gregory Baum, Leslie Dewart, Gabriel Moran, Ray L.Hart, và William M.Thompson. Những yếu tố của phương thức này có thể được nhận thấy nơi những thần học gia cự phách như Paul Tillich và Karl Rahner, mặc dù mỗi người trong họ đã kết hợp những yếu tố thuộc một số mẫu thức khác nhau.

Mẫu thức ý thức hay nhận thức – như tôi sẽ gọi tên như thế – nhận gốc rễ triết học trong chủ nghĩa duy tâm siêu nghiệm của Kant và chủ nghĩa duy tâm chủ quan của Fichte. Nó đi vào thần học Công Giáo một phần là qua ảnh hưởng của Maurice Blondel, người được Teilhard de Chardin nối tiếp trong một số phương diện. Người ta có thể được phép kể đến một số bản văn của Vatican II, mặc dù công đồng này không bị chi phối bởi phương thức này. Mẫu thức này cũng có những điểm dính dáng với chủ nghĩa nhân bản tiến hóa chẳng hạn do Julian Huxley đưa ra – dù Huxley lại là người đã quảng bá -tôn giáo không có mạc khải.”

Trong chương này tôi sẽ cố gắng nêu lên những nét chính của mẫu thức này một cách mạch lạc, với những trích dẫn từ nhiều tác giả khác nhau – và dĩ nhiên là những quan điểm riêng của họ không thể được trình bày ở đây một cách đúng mức. Và trong các chương khác cũng thế, chủ ý của tôi là trình bày một quan điểm có tính tiêu thức hơn là nhằm đánh giá công việc của bất cứ nhà thần học nào nói riêng.



Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.01 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương