Thương vụ vn tại Ma-rốc Dự thảo cuốn sách Kinh doanh với thị trường Ma-rốc



tải về 1.51 Mb.
trang9/11
Chuyển đổi dữ liệu07.01.2018
Kích1.51 Mb.
#35819
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

IV. Thị trường chế biến nông sản

Với doanh thu trên 60 tỷ đi-ham, lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản của Ma-rốc là một trong những cột trụ của nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, tỷ trọng của nó trong GDP vẫn còn thấp so với các nước tiên tiến, chỉ chiếm 4,4% so với mức bình quân 15% trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mặc dù Ma-rốc là một nước nông nghiệp nhưng ngành chế biến nông sản chưa phát triển mạnh. Nếu như giá trị sản xuất nông nghiệp là 7,6 tỷ euro thì giá trị của ngành công nghiệp chế biến nông sản chỉ chiếm 5,9 tỷ euro. Ở Tây Ban Nha, những con số này lần lượt là 27,4 và 62,4 tỷ euro và đóng góp về giá trị gia tăng của ngành CNCBNS tương đương với đóng góp của ngành nông nghiệp. Trong khi đó ở Ma-rốc ngành CNCBNS chỉ chiếm 1/3 giá trị gia tăng. Có thể nói, Ma-rốc còn chưa khai thác hết tiềm năng của ngành này nhất là lĩnh vực chế biến rau quả.

Một tiềm năng chưa được khai thác:

Nguyên nhân của việc chưa khai thác hết tiềm năng của ngành CNCBNS có nhiều. Trước tiên các sản phẩm chế biến bị ảnh hưởng do thói quen thích dùng những sản phẩm tươi, giá rẻ, sẵn có hầu như quanh năm do thời tiết dịu và tỷ lệ phụ nữ Ma-rốc không có việc làm cao và thói quen thích ở nhà rất phổ biến. Thị trường trong nước vẫn chủ yếu là các chợ truyền thống, người ta vẫn bán gia vị, sữa, cà phê không đóng bao. Do sức mua thấp, hình thức tiêu thụ này vẫn chiếm ưu thế.

Do không tiêu thụ được trên thị trường địa phương, ngành công nghiệp rau quả đóng hộp đã hoàn toàn hướng tới thị trường xuất khẩu. Còn các ngành nông nghiệp thực phẩm khác lại có xu hướng trái ngược, được bảo vệ an toàn tại thị trường địa phương bằng các hàng rào thuế quan rất cao. Mãi tới thời gian gần đây, những ngành này mới tính đến chuyện xuất khẩu. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rau quả không có bộ phận thương mại vì chủ doanh nghiệp thường trực tiếp đàm phán giá bán.

Vấn đề cung ứng nguyên liệu:

Vấn đề chính của các ngành công nghiệp chế biến nông sản vẫn là cung ứng. Sự phối hợp giữa các nhà nông nghiệp và người chế biến còn nhiều bất cập . Quan hệ giữa hai khâu này thường hay bị xung đột đến mức không thể xây dựng được ngành hàng. Chỉ một yếu tố đơn giản là đảm bảo tính liên tục của hợp đồng trồng trọt cũng đã là một thách thức thường xuyên. Cả người nông dân cũng như nhà công nghiệp đều lấy giá cả hàng ngày là thước đo nên những hợp đồng trồng trọt, thường là nói mồm, chỉ giữ vai trò thứ yếu.

Mặc dù vậy, một số hợp đồng cũng đã được ký kết giữa các nhà trồng trọt lớn và những nhà công nghiệp nghiêm túc trong lĩnh vực nước cà chua cô đặc và những sản phẩm không tiêu thụ trên thị trường địa phương như mía đường, củ cải đường.

Thị trường bán buôn vẫn còn ảm đạm:

Do không thể ký được hợp đồng trồng trọt với người nông dân, các nhà công nghiệp có thể tự tìm mua sản phẩm trên thị trường sản xuất. Tuy nhiên, họ dễ bị ảnh hưởng bởi tính không chính thức, chí phí trung gian cao. Hậu quả của khó khăn về cung ứng là các nhà công nghiệp chế biến nông sản dù có nhiều cơ hội xuất khẩu nhưng lại không đủ hàng để xuất. Họ cũng không có khả năng đáp ứng những hạn ngạch của châu Âu do thiếu nguyên liệu. Vì vậy các DN hoạt động dưới công suất. Ví dụ, trong ngành sản xuất cà chua cô đặc, công suất khai thác chỉ ở mức 50% và nước trái cây và mứt là 40%.

Mặt khác, một số ngành công nghiệp chế biến nông sản như làm bánh bích quy cũng gặp những khó khăn về cung ứng, chẳng hạn thuế quan cao với nguyên liệu đầu vào như lúa mì và đường (do Nhà nước trợ cấp). Trong khi một nhà công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ mua 1 kg đường với giá 1,40 DH trên thị trường thế giới thì nhà công nghiệp Ma-rốc phải mua với gia 7 DH. Thuế quan cũng rất cao đối với các mặt hàng hương liệu, nhân ca cao, sữa, dầu thực vật và hoa quả khô. Điều này tác động rất lớn đến lợi nhuận vì nguyên liệu chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm.

Vấn đề bao bì đóng gói:

Do được bảo hộ cao, ngành công nghiệp đóng gói vẫn rất kém năng động. Rất khó yêu cầu một nhà sản xuất chai thuỷ tinh của Ma-rốc có thể làm một mẫu khác với những mẫu hiện có. Chi phí bao bì cao do phải nhập khẩu nguyên liệu cơ bản, do giá năng lượng và tình hình gần như còn độc quyền của các nhà sản xuất. Vì vậy, ngành công nghiệp đóng gói địa phương không tạo ra lợi thế cạnh tranh đối với ngành chế biến nông sản.

Một vấn đề khác là nhân công: Lĩnh vực chế biến nông sản Ma-rốc hiện nay đang thiếu nhân công lành nghề có khả năng làm chủ máy móc, công nghệ, là xương sống của một xí nghiệp có tính cạnh tranh. Do vậy, cần phải thành lập trung tâm đào tạo công nhân có tay nghề cao.

Việc quản lý thiếu năng động:

Ít đổi mới và bảo thủ, khâu quản lý trong ngành chế biến nông sản còn có nhược điểm khác là thiếu phương pháp tiếp cận marketing. Phần doanh thu thực hiện đối với sản phẩm không đóng bao vẫn chiếm tỷ lệ cao: 50% đối với dầu ô liu, 90% đối với màn màn, 100% với mơ và 100% đối với nước trái cây.



Nhận định chung:

Để đáp ứng được nhu cầu, hấp dẫn và làm cho khách hàng yên tâm, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến hàng nông sản Ma-rốc một mặt phải chuẩn bị đối phó với sự thâm nhập mạnh mẽ của những sản phẩm nước ngoài do phải mở cửa thị trường trong khuôn khổ các Hiệp định tự do mậu dịch mà Ma-rốc đã ký. Mặt khác, Ma-rốc phải đáp ứng những đòi hỏi về vệ sinh ngày càng tăng nhất là thị trường lớn châu Âu. Khả năng cạnh tranh hiện nay của sản phẩm Ma-rốc còn chưa đủ để đối phó với xu thế toàn cầu hoá thị trường. Những mối đe doạ lớn nhất đến từ châu Á, Trung Đông, châu Mỹ La tinh và Nam Phi.

Với những hiệp định tự do mậu dịch và sự xuất hiện ngày càng nhiều của hệ thống phân phối lớn, các nhà công nghiệp Ma-rốc sẽ phải đáp ứng nhiều yêu cầu về chất lượng nếu muốn sản phẩm của mình có thể thâm nhập vào hệ thống này. Họ phải thoả mãn những điều kiện ngày càng cao về mặt vệ sinh, tôn trọng thời hạn, chất lượng và bao bì.

Những điều kiện kể trên được áp đặt đối với tất cả các khâu trong ngành hàng từ sản xuất ban đầu đến toàn bộ quá trình chế biến. Đó chính là nguyên tắc kiểm tra chất lượng từ gốc chưa kể nghĩa vụ sản xuất trong những điều kiện tôn trọng môi trường. Hiện nay, mặc dù mong muốn thực hiện một chính sách nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng ít có công ty của Ma-rốc đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế.

Trong một cuộc điều tra mới đây, chỉ có 1/5 công ty được các chuyên gia đánh giá là đảm bảo chất lượng sản phẩm quốc tế.

V. Thị trường dệt may

Ma-rốc là một trong những nước có ngành công nghiệp dệt may giữ vai trò hàng đầu. Theo thống kê của Bộ Công Thương thì trong 2003, ngành dệt may của Ma-rốc đã đóng góp 42% trong lĩnh vực việc tạo việc làm và 34% vào kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực công nghiệp nói chung. Ma-rốc có trên 1700 cơ sở sản xuất trong đó có 630 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt và 1090 DN trong lĩnh vực may, chiếm 22% trong tổng số các đơn vị sản xuất công nghiệp. Các DN này nắm giữ 13% lượng hàng sản xuất, 17% giá trị gia tăng và 14% vốn đầu tư của ngành công nghiệp nói chung.

Sản xuất dệt may của Ma-rốc chủ yếu dành cho xuất khẩu. Xu hướng này càng trở nên rõ rệt từ giữa những năm 80. Tỷ lệ xuất khẩu của lĩnh vực dệt may đã tăng từ 36% năm 1985 lên 54% năm 1990 rồi 65% năm 2000. Nếu tính riêng ngành công nghiệp may, tỷ lệ xuất khẩu vượt quá 80%.

Trong khoảng thời gian 15 năm, doanh thu xuất khẩu của ngành dệt may đã tăng từ 3.5 tỷ DH năm 1985 lên 16.4 tỷ DH năm 2003 tức là tăng trung bình mỗi năm 8%. Giai đoạn 1986-1990, lĩnh vực này đã tạo ra khoảng 16500 việc làm mỗi năm tức là 60% tổng số lượng việc làm do ngành công nghiệp nói chung tạo ra.

Kể từ khi kết thúc Hiệp định đa sợi vào tháng 1/2005, xuất khẩu dệt may của Ma-rốc đã giảm 7,4% trong năm 2005. Với việc loại bỏ quota cung cấp hàng dệt may cho các nước phát triển, sản phẩm dệt may của Ma-rốc đã phải đối mặt với cuộc cạnh tranh trực tiếp từ những nhà sản xuất của các nước đang phát triển đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện nay Ma-rốc xuất khẩu đến hơn 90% sang thị trường Liên minh châu Âu. Với việc mở rộng địa lý của EU, có thêm những nhà cung cấp dệt may mới cho khu vực này như Bun-ga-ri, Hung-ga-ri trong khi tính cạnh tranh của hàng dệt may Ma-rốc thấp dẫn đến giá trị xuất khẩu vào thị trường truyền thống này đã giảm. Ngoài ra EU còn miễn thuế hoặc giảm thuế đối với hàng may mặc của những nước bị sóng thần như Thái Lan, Inđônêxia, Xri Lanca. Bên cạnh đó Ma-rốc phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào với giá cao, chi phí mua vải đã chiếm 60% tổng giá bán.

Theo ước tính của Bộ Công nghiệp, Ma-rốc sẽ mất 30% số lượng việc làm và 20% giá trị xuất khẩu của ngành này trong vòng 5 năm tới. Mặc dù vậy, các công ty đa quốc gia đã thông báo kế hoạch đầu tư 300 triệu đô-la trong những năm tới với việc tạo ra 2500 việc làm mới. Chẳng hạn tập đoàn Fruit of the loom sẽ đầu tư 16 triệu USD, tập đoàn Tây Ban Nha Tavex sẽ đầu tư 75 triệu USD trong vòng 3 năm, tập đoàn Legler đầu tư 87 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất quần Jean gần thủ đô Rabat. Những khoản đầu tư này có được là do mới đây Chính phủ Ma-rốc đã ban hành những chính sách hội nhập quốc tế, cụ thể là việc ký kết hiệp định tự do mậu dịch với Thổ Nhĩ Kỳ.

Để cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng dệt may, Nhà nước và Hiệp hội các ngành công nghiệp dệt may Ma-rốc đã ký hiệp định hiện đại hoá ngành này vào tháng 10/2005. Kế hoạch khẩn cấp này dự kiến sẽ đưa ra một loạt các biện pháp và trang bị nhằm hỗ trợ những chương trình cơ cấu lại doanh nghiệp. Ba hiệp định đã được ký kết giữa Nhà nước và các nhà công nghiệp trong các lĩnh vực hải quan, trợ giúp kỹ thuật và tài trợ.

VI. Thị trường đồ điện tử gia dụng

Nhờ mức tăng trưởng kinh tế của cả nước đạt 8,1% năm 2006, thị trường trang thiết bị gia dụng tại Ma-rốc đã có bước phát triển quan trọng, với lượng hàng bán ra ngày một tăng. Theo một nghiên cứu của tập đoàn GFK, cơ quan chuyên nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận thì lĩnh vực điện tử gia dụng đã đạt doanh thu 1,7 tỷ điham (khoảng 200 triệu USD) với 463.000 sản phẩm bán ra. Các đồ điện tử gia dụng cỡ lớn (máy giặt, tủ lạnh…) đã có mức tăng trưởng 18% về giá trị và 29% về số lượng, trong đó tủ lạnh tăng trưởng 14% về giá trị, 20% về khối lượng ; máy giặt tiêu thụ trên 42.000 chiếc tăng 32% so với năm 2005.

Tiến triển tích cực này chủ yếu dựa trên các yếu tố thời điểm và cơ cấu. Năm 2006, việc tổ chức hai đại lễ Aid al Adha (Lễ Cừu) vào tháng 1 và tháng 12 đã góp phần tăng lượng hàng bán ra. Còn trong số các yếu tố cơ cấu, đáng chú ý là các đợt giảm giá và chính sách tiếp thị của các nhà công nghiệp và phân phối (xúc tiến bán hàng, đa dạng hoá sản phẩm) cùng với sự táo bạo của các tổ chức tín dụng.

Hệ thống phân phối đồ điện tử gia dụng hoạt động dưới hai hình thức: truyền thống và hiện đại. Hoạt động phân phối kiểu truyền thống vẫn chiếm ưu thế với 57% lượng hàng bán ra và 52% giá trị thị phần, chủ yếu dựa trên hai sản phẩm máy giặt và tủ lạnh (lần lượt chiếm 61% và 65% lượng sản phẩm tiêu thụ).

Hình thức phân phối hiện đại đã tận dụng được bối cảnh kinh tế thuận lợi năm 2006, có thêm 4 điểm về thị phần chiếm 29% giá trị và 42% khối lượng hàng bán ra so với năm 2005. Điều này chủ yếu nhờ sự chuyển biến trong văn hoá mua sắm của người tiêu dùng. Việc mở rộng các điểm bán hàng (siêu thị, cửa hàng chuyên phẩm), tổ chức các đợt khuyến mại kèm theo các khoản tín dụng miễn phí tại các thời điểm quan trọng trong năm chính sách giá phù hợp với túi tiền và nhu cầu của người tiêu dùng cũng là những yếu tố tạo lên thành công của hình thức này.

Thị trường hàng điện tử đại chúng cũng có mức tăng trưởng 2,7%. Số lượng Tivi màn hình thông thường giảm 8% nhường chỗ cho Tivi màn hình phẳng (+13%). Giá trung bình của 1 Tivi màn hình phẳng là 21.863 DH (2572 USD) trong khi Tivi màn hình thường là 1.855 DH (218 USD).

Thị trường công nghệ thông tin (máy tính sách tay, máy in và máy in đa chức năng, viđêô và máy chiếu) đạt mức doanh thu 330 triệu DH (39 triệu USD) với 97.000 đơn vị sản phẩm bán ra. Máy in chiếm 45% lượng hàng bán ra còn máy tính xách tay chiếm 59% doanh thu. Mặt hàng máy tính văn phòng (160.000 chiếc) có doanh thu tăng lên 700 triệu DH (82 triệu USD).

Năm 2006, Việt Nam đã xuất sang Ma-rốc 3,3 triệu USD tivi màu nhãn hiệu LG và 1,2 triệu USD máy in, bộ nhớ máy tính và đĩa compact.



VII. Thị trường gia vị của Ma-rốc

Một trong những nét đặc biệt của ẩm thực Ma-rốc chắc chắn là gia vị và mùi vị quyến rũ mà nó tạo ra cho các món ăn nước này.

Các loại gia vị được sử dụng trong bếp ăn Ma-rốc đều rất tự nhiên và đa dạng về màu sắc, có nguồn gốc lịch sử nhập khẩu từ bán đảo A-rập. Người ta nói rằng ở Ma-rốc các đồ gia vị không được sử dụng để che lấp mùi vị thức ăn mà để làm phong phú hơn mùi vị.

Các đồ gia vị có thể dễ dàng tìm thấy trong các chợ địa phương, tại một số cửa hàng chuyên doanh những sản phẩm này.

Nghệ là một loại gia vị đắt đỏ, được bán trong những túi plastic nhỏ. Nghệ còn được sử dụng như một chất tạo màu món ăn.

Rau mùi được thêm vào gần như tất cả các món ăn của Ma-rốc như thịt, gà… Đó là một trong những gia vị có mùi thơm nhất.

Quế cũng là một loại gia vị được dùng nhiều trong sản xuất hương thỏi (để đốt cho thơm), làm món cútxcút và các món tráng miệng.

Gừng được sử dụng dưới dạng bột và thường kết hợp với nghệ trong các món ăn có thịt. Ngoài ra còn nhiều loại gia vị khác nữa như hạt tiêu. Các loại gia vị này được tiêu thụ hàng ngày, đặc biệt trong tháng Ramadan.

Tháng nhịn ăn ban ngày Ramadan tại Ma-rốc thường rơi vào tháng 9 hoặc 10 hàng năm. Trong thời gian diễn ra Ramadan, gần như toàn bộ người dân Ma-rốc theo đạo Hồi (chiếm tới 99%) sẽ nhịn ăn, uống, hút thuốc từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Buổi tối là lúc người dân ăn uống nhiều nhất, vì vậy lượng thực phẩm tiêu dùng trong tháng này thường gấp 4, 5 lần những tháng khác. Việc tiêu thụ gia vị sẽ tăng kể cả gia vị dạng hạt hay dạng bột. Gia vị được đóng gói chiếm một vị trí quan trọng mặc dù một bộ phận lớn người tiêu dùng, chủ yếu ở nông thôn, thậm chí cả người dân thành thị vẫn thích những sản phẩm bán không có bao gói.

Năm 2006, Ma-rốc đã nhập 16 triệu USD gồm các mặt hàng hạt tiêu, rau thìa là, gừng, quế và nghệ trong đó có 284.500 USD hạt tiêu Việt Nam.



VIII. Thị trường sắt thép phế liệu

Năm 2006, Ma-rốc đã bán ra nước ngoài 1,13 tỷ điham (133 triệu USD) sắt thép phế liệu, gần bằng doanh thu xuất khẩu cà chua là 1,23 tỷ điham (145 triệu USD). Liên đoàn các ngành công nghiệp và luyện kim đang kêu gọi Chính phủ Ma-rốc hạn chế việc xuất khẩu nguyên liệu này để giúp các nhà công nghiệp trong nước. Năm 2006, Việt Nam nhập khẩu từ Ma-rốc 239 tấn sắt vụn, trị giá 667.754 USD.

Liên đoàn các ngành công nghiệp cơ khí và luyện kim của Ma-rốc (FIMME) cho biết các nhà máy địa phương đang bị thiếu sắt thép phế liệu. FIMME vừa báo cáo với Chính phủ về các vấn đề do việc xuất khẩu nguyên liệu này đặt ra, trong đó đánh giá Ma-rốc đang bị chảy máu sắt thép phế liệu, ảnh hướng xấu đến các nhà công nghiệp trong nước.

Trên thực tế, việc giá trên thị trường thế giới quá cao đã tạo điều kiện cho sắt thép vụn của Ma-rốc xuất khẩu một cách ồ ạt. Năm 2006, gần 274.000 tấn phế thải kim loại đã được bán ra nước ngoài trong khi năm 2002 con số này mới là 130.000 tấn. Sắt vụn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 250.000 tấn xuất khẩu mỗi năm.

Tuy nhiên, mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho nhà xuất khẩu vẫn là kim loại mầu. Theo thông báo của FIMME, 5000 tấn vụn đồng, 6000 tấn đồng thau, 10.000 tấn nhôm và 3000 tấn vụn chì được xuất khẩu mỗi năm. Nguyên nhân của sự chạy xô xuất khẩu này là giá trên thị trường thế giới tăng mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Kẽm là một ví dụ điển hình của mặt hàng kim loại màu với giá bán năm 2006 vượt 34.000 USD/tấn, tức là tăng 160%/năm.

Tương tự đối với các sản phẩm chì, thiếc và nhôm. Giá bán nhôm đã đạt con số 3000 USD/tấn. Đồng cũng tăng đến 8.800 USD/tấn. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2006, giá bán đồng đã giảm 35% ổn định ở mức 5.500 USD/tấn.

Theo giải thích của các chuyên gia, xu hướng tăng xuất khẩu này là do cầu trên thế giới tăng mạnh. Nguyên nhân là tăng trưởng kinh tế thế giới quá cao (nhất là Trung Quốc luôn thiếu vật liệu xây dựng), những vấn đề cung ứng (thời hạn đưa vào sử dụng các cơ sở hạ tầng…) và lượng sắt thép dự trữ trên thế giới thấp ở mức kỷ lục.

Những thị trường tiêu thụ chính của Ma-rốc là châu Âu và Đông Nam Á. Trong vòng 6 năm, châu Á đã trở thành thị trường tiêu thụ sắt vụn số 1 của Ma-rốc, tăng từ 5% năm 2000 lên tới 95% năm 2006.

Các nguồn cung sắt thép vụn tại Ma-rốc

Sắt thép vụn của Ma-rốc trước tiên lấy từ lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Những người bán sắt vụn đi thu gom những mảnh vụn và những đồ công nghiệp bỏ đi. Nguồn cung thứ hai có lẽ còn chưa thể cạn trong tương lai gần đó là tính trung bình 6% chất dùng để sản xuất dây cáp điện và 15% chất sử dụng làm thép hình được đem tái chế.

Trong số những nhà cung cấp lớn có Cục Điện lực quốc gia (ONE), Cục Đường sắt quốc gia (ONCF), Công ty quản lý Les Régies và Tổng Cty viễn thông Maroc Telecom. Mỗi năm, những cơ quan này lại đổi mới phần lớn trang thiết bị và đem bán các thiết bị đã thanh lý bằng cách gọi thầu như máy móc cũ. Một nguồn cung quan trọng thứ ba là những thùng rác và những bãi rác thành phố. Theo các thợ luyện kim, 90% các hoạt động thu gom sắt thép phế liệu thuộc thị trường không chính thức.

Phần lớn các kim loại tái chế này được bán ra nước ngoài và điều này rất thiệt thòi cho những nhà luyện kim trong nước vì họ lại phải nhập nguyên liệu đầu vào với giá cao hơn. Chính các khoản tiền chênh lệch cho các trung gian châu Âu và chi phí vận chuyển làm tăng giá nhập khẩu vào Ma-rốc.

Việc bán sắt vụn đã làm cho Ma-rốc thiệt hại 2 tỷ điham (235 triệu USD) mỗi năm, tương đương giá trị gia tăng của 274.000 tấn kim loại xuất khẩu nếu được chế biến tại chỗ.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại đối với các nhà công nghiệp Ma-rốc lại là phải đối phó với cuộc cạnh tranh của các sản phẩm làm bằng kim loại mầu đến từ Tuy-ni-di và Ai Cập. Những nước này do trước đây từng hạn chế, thậm chí cấm xuất khẩu sắt vụn nên những nhà thu gom sắt thép phế liệu đã phải giảm giá bán vì thiếu thị trường tiêu thụ. Đây là một lợi thế so sánh mà các nhà xuất khẩu của Ma-rốc không tận dụng được, ngược lại trở thành một mối lo khi Hiệp định Agadir về tự do mậu dịch giữa Ma-rốc với Ai Cập, Gioóc-đa-ni, Tuy-ni-di đã được áp dụng từ ngày 27/3 vừa qua.

Trước mối đe doạ đó, FIMME đòi Chính phủ xem xét các biện pháp hạn chế xuất khẩu sắt thép phế liệu giai đoạn từ 3 đến 5 năm, cụ thể là tạm ngừng xuất khẩu hoặc đánh thuế cao.

Các nhà chuyên nghiệp cũng muốn những nhà thu gom kiêm xuất khẩu sắt vụn phải chịu thuế công ty.

Tất cả những biện pháp trên sẽ có tác dụng thúc đẩy việc sử dụng sắt vụn trong nước của các ngành công nghiệp tại địa phương.

Ngoài ra, việc tạo điều kiện dễ dàng mua được sắt vụn trong nước có thể khuyến khích việc thành lập những đơn vị mới đặc biệt ở cấp độ vùng.

Vẫn theo Liên đoàn các ngành công nghiệp cơ khí và luyện kim của Ma-rốc (FIMME), hoạt động của những người thu gom sắt vụn sẽ không bị ảnh hưởng bởi cấu trúc thị trường mới vì những quy trình thu gom sẽ vẫn được giữ nguyên để dể dàng tập hợp và lựa chọn nguyên liệu.

Nhập khẩu sắt vụn của Việt Nam từ Ma-rốc

Kể từ 3 năm nay, nước ta đã bắt đầu nhập sắt thép phế liệu từ Ma-rốc với khối lượng và giá trị không lớn. Năm 2006, Việt Nam đã nhập khẩu 239 tấn sắt vụn trị giá 667.754 USD trên tổng số 900.000 USD kim ngạch nhập khẩu.



IX. Thị trường phân phốt phát

Ma-rốc có những mỏ phốt phát lớn nhất thế giới, nằm ở Khouribga, Benguerir và Bu Cra phía Tây Xahara chiếm ¾ trữ lượng thế giới (37 tỷ m3). Đây là quốc gia sản xuất phốt phát lớn thứ 2 thế giới (sau Hoa Kỳ - năm 2005) và là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới sản phẩm này với khối lượng khoảng 30 triệu tấn, doanh thu xuất khẩu trung bình đạt trên 900 triệu USD/năm, chiếm 33,3% thị phần quốc tế.

Tập đoàn phốt phát Ma-rốc ( Office Chérichien des Phosphates-CPP) là công ty xuất khẩu phốt phát đứng đầu thế giới (33,3% thị phần). Tập đoàn này dự kiến sẽ tăng 4,3% khối lượng xuất khẩu bằng cách tăng 4,6% xuất khẩu quặng phốt phát và 4% sản phẩm từ phốt phát.

Theo ông Terrab, Chủ tịch-Tổng giám đốc tập đoàn OCP thì xu hướng thuận lợi của thị trường thế giới năm 2005, 2006 vẫn tiếp tục được duy trì trong năm 2007, do vậy giá phốt phát sẽ tăng.

Ban đầu việc khai thác phốt phát của Ma-rốc thuộc độc quyền quản lý của Nhà nước, giao cho một cơ quan là Cục quản lý phốt phát (OCP) thành lập tháng 3/1921. OCP đã trở thành tập đoàn vào năm 1975. Ngày 1/3/1921, hoạt động khai thác và chế biến phốt phát đã bắt đầu tại Boujniba, thuộc vùng Khouribga. Các mỏ phốt phát canxi của Ma-rốc nằm ở Khouribga, Benguerir và Bu Cra phía Tây Xahara.

Năm 1965, với việc đưa vào sử dụng nhà máy hoá chất Maroc Chimie tại TP Safi, tập đoàn OCP lại trở thành nhà xuất khẩu các sản phẩm sản xuất từ phốt phát (chất dẫn xuất). Năm 1998, tập đoàn này đã bước qua một giai đoạn mới khi tiến hành sản xuất và xuất khẩu axít phốtphorích đã tinh lọc. Song song với đó, OCP thiết lập quan hệ với nhiều đối tác trong và ngoài nước như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Braxin và Pakistan.

Tập đoàn OCP khai thác phốt phát thô dưới lòng đất nhờ những xưởng lộ thiên hoặc những mỏ ngầm. Sau đó quặng được tách đá và sàng rồi đem xấy hoặc nung khô. Đôi khi, người ta đem rửa hoặc tuyển nổi để tăng hàm lượng phốt pho.

Một nửa số quặng được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu sang khoảng 40 nước trên thế giới. Nửa còn lại được giao cho các khu liên hợp hoá chất thuộc tập đoàn để chế biến thành các sản phẩm dẫn xuất cũng dùng để bán như axít phốtphorich cơ bản, axít phốtphorich đã lọc, phân bón ở thể rắn. Phần lớn các loại phân bón này trong đó chủ yếu là DAP lại được đem xuất khẩu. Phần còn lại bán cho các khách hàng địa phương đáp ứng toàn bộ nhu cầu thị trường trong nước. Hoạt động sản xuất này được thực hiện tại hai nơi là Safi và Jorf Lasfar.

Hiện nay, hầu hết các đơn vị sản xuất axít phốtphorích thuộc tập đoàn OCP đang được nâng cấp nhằm tăng năng lực sản xuất.

Năm 2006, xuất khẩu phốt phát và các sản phẩm từ phốt phát của Ma-rốc tăng 11,6% đạt 2,1 tỷ USD (chiếm 16,4% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, năm 2005 tỷ trọng này là 16,3%).

Năm 1999, Việt Nam nhập khẩu gần 2 triệu USD phốt phát của Ma-rốc nhưng mấy năm gần đây do chi phí cao nên các công ty Việt Nam quay sang mua phốtphát từ những nước trong khu vực Đông Nam Á.

X. Khai thác và xuất khẩu đá hoa (đá cẩm thạch) của Ma-rốc

Lĩnh vực đá kích thước lớn tại Ma-rốc có nhiều tiềm năng phát triển với các mỏ đá lớn chưa được khai thác, nằm trong các vùng Sefrou, Khénifra, Taroudant, Oued Zem, Tiflet, Benslimane, Erfoud và Tata. Việc khai thác và đầu tư vào các mỏ đá đã tăng từ 10 mỏ vào năm 1980 lên 72 mỏ năm 2003 rồi trên 100 mỏ năm 2005. Đá hoa (đá cẩm thạch) của Ma-rốc có tới 54 màu sắc khác nhau trong đó một số màu chỉ duy nhất có tại nước này như đá cẩm thạch màu hồng và màu be.

Mặc dù vậy, lĩnh vực khai thác đá của Ma-rốc vẫn còn nhiều bất cập nhất là phương pháp khai thác và những quy định liên quan. Cách thức khai thác đá ở đây đã lỗi thời, thủ tục hành chính phức tạp: giấy phép khai thác các mỏ đá cẩm thạch bị hạn chế về mặt thời gian và mỗi khi gia hạn, người khai thác lại phải làm việc với rất nhiều cơ quan (chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nước, rừng, trang thiết bị, nông nghiệp và môi trường). Ngoài ra, thuế quan xuất cảng cao cũng cản trở hoạt động xuất khẩu đá trong nước. Tình trạng này có thể dẫn đến việc các nhà sản xuất chỉ xuất khẩu đá hoa dạng khối.

Muốn phát triển lĩnh vực này đòi hỏi những khoản đầu tư lớn và có những biện pháp mới trong khuyến khích cũng như cấp giấy phép khai thác. Ngoài ra, Ma-rốc cũng kêu gọi đầu tư trong việc tăng giá trị sản phẩm đá hoa (cắt, đánh bóng, sản xuất gạch vuông…).

Việc xuất khẩu đã hoa của Ma-rốc tăng liên tục từ năm 2000, đạt 12,5 triệu USD năm 2005 trong khi năm 2004 con số này là 8,5 triệu USD, mức tăng trưởng 47% mỗi năm. Những khách hàng chính của Ma-rốc chuyên mua đá hoa và travectin là Hi Lạp (51%), Italia (36%), Tây Ban Nha (23%), Bồ Đào Nha (15%) và Pháp (8%).

Trong những năm qua, Việt Nam cũng đã nhập khẩu đá cẩm thạch từ Ma-rốc để phục vụ xây dựng, với giá trị không lớn: 31.000 USD năm 2003, 61.000 USD năm 2004 và 45.000 USD năm 2005 (số liệu của Hải quan Việt Nam)



Каталог: uploads -> attach -> 197621262192400
attach -> Tri thức 001. Thống kê y tế II. Phân tích số liệu định lượng : Tham khảo môn Xử lý và phân tích số liệu / Đại học y tế công cộng
attach -> TRƯỜng đẠi học tôN ĐỨc thắng phòng đIỆn toáN & thông tin tư liệu danh mục sách mới tháng 06/2013
attach -> TÀi liệu cơ BẢn về BÊ-nanh và quan hệ VỚi việt nam I. Khái quát
attach -> Quy hoạch phổ TẦn số VÔ tuyếN ĐIỆn quốc gia
attach -> Danh sách các công ty Sri Lanka đang có nhu cầu xuất nhập khẩu các loại hàng hóa
attach -> TÊn công ty nhu cầU ĐỊa chỉ liên hệ
attach -> Nonlinear systems / Hassan K. Khalil
attach -> Thông tư 202/2014/tt-btc
attach -> PHỤ LỤc quy định thành phần hồ sơ thực hiện chế độ chính sách theo Quyết định 250/QĐ-ttg của Thủ tướng Chính phủ
197621262192400 -> Thương vụ Việt Nam tại Marốc Dự thảo cuốn sách Kinh doanh với thị trường Bénin

tải về 1.51 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương