Thiên vân quách văn hòa trong thi văn năM 2011 LỜi tựA



tải về 15.16 Mb.
trang8/134
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích15.16 Mb.
#30102
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   134

BẰNG HỮU CHI GIAO 朋 友 之 交

Bằng hữu: Bạn bè. Chi giao: Sự giao thiệp.

Bằng hữu chi giao là sự quan hệ bạn bè giao tiếp với nhau.



Còn ra bằng hữu chi giao,

Cũng nhiều diện thức dễ nào tâm tri.

(Ngọc Kiều Lê).



Chữ rằng bằng hữu chi giao,

Tình kia đã gặp lẽ nào làm khuây?

(Lục Vân Tiên).



BẰNG TRÌNH 鵬 程

Con đường chim bằng bay.

Chim bằng, hay còn gọi là chim đại bàng, một loài chim rất lớn, gặp gió bay cao. Trang Tử viết: Có một loại chim, lưng như núi Thái sơn, cánh lớn như mây trời, có thể bay một lần đến chín vạn dặm.

Bằng trình là con đường bay của chim bằng, chỉ kẻ anh hùng có chí khí lớn lao, hay con đường tương lai rộng lớn.



Chừng trong chín vạn bằng trình,

Chẳng qua án tuyết song huỳnh mấy năm.

(Tây Sương).



BẮT KHOAN BẮT NHẶT

Khoan nhặt là rộng thưa.

Bắt khoan bắt nhặt tức là bắt buộc, bắt bẻ từng ly từng tý.

Bắt khoan bắt nhặt đến lời,

Bắt quỳ tận mặt bắt mời tận tay.

(Truyện Kiều).



Với đâu dạy bảo phải lời,

Bắt khoan bắt nhặt biết ai cho vừa.

(Gia Huấn Ca).



BẶT THỬ ÊM HỒ

Thử là con chuột. Hồ là con cáo.

Chuột và cáo là hai giống vật được ví với kẻ trộm đạo, hay giặc giã, thành ngữ nầy có nghĩa là vắng bặt loài chuột, yên tĩnh loài cáo.

Có người dùng câu “Bặt thỏ êm hồ”.

Nghĩa bóng: Chỉ cảnh không có trộm cướp, hay giặc giã nữa.

Nhớ trước đã thảo loài động thực,

Hẳn đâu đâu đều bặt thử êm hồ.

(Tụng Cảnh Tây Hồ).



BẦN BẠC 貧 薄

Bần: Nghèo khổ. Bạc: Mỏng.

Bần bạc là nghèo nàn không có gì hết.



Nhà bần bạc thường vui hái củi.

Quảng mù xanh thui thủi non xâu.

(Nhị Thập Tứ Hiếu).



Bao đành bỏ vợ con đi,

Cửa nhà bần bạc cậy gì ngày sau.

(Dương Từ Hà Mậu)



BẦN HÀN 貧 寒

Bần: Nghèo. Hàn: Lạnh lẽo.

Bần hàn là nghèo lạnh. Vì nghèo không tiền sắm quần áo nên phải khổ do lạnh. Bần hàn chỉ cảnh nghèo nàn khổ sở.



Hai con đều đẹp mắt xem,

Việc trong gia đạo lại thêm bần hàn.

(Dương Từ Hà Mậu).



Ngãi nhân cam phận chịu bần hàn,

Mình biết trọng mình mặc kẻ sang.

(Đạo Sử).



Đã vợ chồng đừng kể hèn sang,

Dầu chồng kẻ bần hàn cũng chúa.

(Phương Tu Đại Đạo).



BẦN TIỆN CHI GIAO 貧 賤 之 交

Bần tiện: Nghèo hèn. Chi giao: Giao thiệp.

Giao thiệp hay kết nghĩa bạn bè với nhau lúc còn nghèo hèn.

Vua Quang Võ nhà Hán hỏi Tống Hoằng: Quí dịch giao, phú dịch thê, hữu chư? 貴 易 交, 富 易 妻, 有 諸?, nghĩa là sang đổi bạn, giàu đổi vợ có chăng? Tống Hoằng tâu rằng: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường 貧 賤 之 交 莫 可 忘. 糟 糠 之 妻 不 可 下 堂, nghĩa là bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, vợ chồng hồi tấm mẳn, chẳng khá bỏ nhau.

Tổ tông lời nói còn ghi để,

Bần tiện chi giao bất khả vong.

(Lưu Bình Diễn Ca).



BẤT BÌNH 不 平

Bất: Chẳng. Bình: Bằng lòng.

Bất bình là chẳng bằng lòng.



Dâu con trong đạo gia đình,

Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong.

(Truyện Kiều).



BẤT HOẶC 不 惑

Không còn nghi ngờ gì nữa, chỉ ngoài bốn mươi.

Do câu nói của Đức Khổng Tử: Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mạng 三 十 而 立, 四 十 而 不 惑, 五 十 知 天 命, nghĩa là con người, ba mươi tuổi thì lập, bốn mươi tuổi thì không còn nghi ngờ, lầm lẫn nữa, năm mươi tuổi thì biết mệnh trời.

Hai mai tuyết điểm đã ngần,

Trên vai bất hoặc, dưới tuần tri thiên.

(Song Tinh Bất Dạ).



BẤT HỦ 不 朽

Chẳng mục nát.

Tả Truyện có câu: Thượng hữu lập đức, kỳ thứ hữu lập công, kỳ thứ hữu lập ngôn. Tuy cửu bất phế, thử chi vị bất hủ 上 有 立 德, 其 次 有 立 功, 其 次 有 立 言. 雖 久 不 廢, 此 之 謂 不 杇, nghĩa là trên có lập đức, tiếp đến là lập công, sau nữa là lập ngôn. Tuy lâu mà không hư hỏng, nên gọi là bất hủ (Không mục nát).

Như vậy, tánh đức, công nghiệp và ngôn từ lưu lại về sau thì mãi mãi không mất.

Nghĩa bóng: Không mất, còn mãi mãi.

BẤT KHẢ HẠ ĐƯỜNG 不 可 下 堂

Bất khả: Không thể. Hạ đường: Cho ra nhà ngoài.

Bởi tích Hậu Hán Thư chép: Tống Hoằng có người vợ chẳng may bị mù lòa. Hằng ngày ông vừa phải làm việc quan, vừa phải lo đút cơm và chăm sóc cho vợ. Câu chuyện đến tai Hồ Dương Công chúa, chị của vua Quang Vũ mới góa chồng. Nàng muốn tái giá cùng Tống Hoằng. Vua nghe nói, bèn cùng bàn luận với quần thần để hỏi xem ý của Công chúa thế nào, Công chúa nói: Tống Hoằng oai nghi, lễ giáo, quần thần chẳng ai bì kịp. Vua bảo Hồ Dương Công chúa ngồi sau bình phong, rồi triệu Tống Hoằng vào cung mà hỏi rằng: Giàu đổi bạn, sang đổi vợ, là thường tình không? Tống Hoằng tâu: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tào khang chi thê bất khả hạ đường 貧 賤 之 交 莫 可 忘, 糟 糠 之 妻 不 可 下 堂, nghĩa là bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ lúc tấm mẳn có nhau, chớ khá bỏ.

Vua ngoảnh lại nói với Hồ Dương Công chúa ngồi núp sau màn rằng: Việc này không xong rồi.

Sợ rằng đã có tao khang,

Mới hay bất khả hạ đường biết sao?

(Nữ Tú Tài).



BẤT MAO 不 毛

Nghĩa đen là không có lông. Ở đây chỉ vùng đất không thể trồng trọt được.

Nghĩa bóng: Chỉ vùng đất trọc.

Căm giận tanh hôi chốn bất mao,

Suối vàng nên luỵ khách thơ đào.

(Truyện Vương Tường).



BẤT MỤC 不 睦

Bất mục là không hòa thuận nhau.

Lời của sách Ích Trí dạy như sau: Quân thần bất tín, quốc bất an; phụ tử bất tín, gia bất mục; Huynh đệ bất tín, tình bất thân; bằng hữu bất tín, giao dị sơ 君 臣 不 信, 國 不 安; 父 子 不 信, 家 不 睦; 兄 弟 不 信, 情 不 親; 朋 友 不 信, 交 易 疏, nghĩa là vua tôi chẳng tin nhau, nước chẳng yên ổn; cha con chẳng tin nhau, nhà chẳng hòa thuận; anh em chẳng tin nhau, tình chẳng thân; bạn bè chẳng tin nhau, giao kết sơ.

Cũng vì lòng dạ vô lương,

Đệ huynh bất mục chẳng thương đồng bào.

(Kinh Sám Hối).



BẤT TIẾU 不 肖

Chẳng giống.

Do câu nói của Mạnh Tử như sau: Đan Chu chi bất tiếu, Thuấn chi tử diệc bất tiếu 丹 朱 之 不 肖, 舜 之 子 亦 不 肖, nghĩa là Đan Chu bất tiếu, con vua Thuấn cũng là người bất tiếu. Ta đã biết Nghiêu Thuấn là hai vị vua hiền, thế mà con vua Nghiêu là Đan Chu và con vua Thuấn lại không giống đức của cha mình.

Lời của Mạnh Tử có ý chê hai người con vua Nghiêu Thuấn là người bất hiếu. Về sau, người nào bất hiếu với cha đều gọi là “Bất tiếu”.



Đạo nhà khi tới khi lui,

Trai dầu bất tiếu, sụt sùi mẹ cha

(Huấn Nữ Ca).



BẤT TRI BẤT UẨN 不 知 不 慍

Do câu trong Luận Ngữ: Nhân bất tri nhi bất uẩn, bất diệc quân tử hồ? 人 不 知 而 不 慍 不 亦 君 子 乎, nghĩa là dầu người đời không biết sức học của mình, mà mình không lấy làm giận, như thế mình chẳng phải là bực quân tử hay sao?



Bất tri bất uẩn,

Hữu đức tất hữu lân.

(Sãi Vãi).



BẤT VI 不 韋

Lữ Bất Vi tên chữ là Lữ Hồng, người Dương Địch thuộc nước Tần, là một phú thương lại coi tướng giỏi, có vợ tên Châu Cơ, người nhan sắc, đang có thai ba tháng. Khi cháu của vua Tần là Dị Nhân còn làm con tin ở nước Triệu, Bất Vi thấy tướng biết sau này làm vua, về mưu với vợ, đem gả cho Dị Nhân, sau sinh ra một trai tên là Chính.

Nhờ mưu kế của Bất Vi, Dị Nhân được trở về Tần và sau nối ngôi vua là Trang Tương Vương, phong Bất Vi làm Thừa tướng.

Đến khi Tương Vương chết, Chính lên ngôi là vua Tần Thuỷ Hoàng Đế, tôn Bất Vi làm Tướng quốc, gọi là Trọng Phụ.

Sau Bất Vi tư thông với Thái Hậu, sợ bị tội bèn tự vẫn chết. Lúc còn làm Thừa tướng , Lữ Bất Vi có sai các môn khách soạn bộ Lã Thị Xuân Thu, còn truyền cho đến ngày nay.

Người nay sao phải nhà Tần,

Bất Vi gả vợ Dị Nhân lấy lầm.

(Lục Vân Tiên).



BẦU HỒ LINH

Bầu hồ linh là một trái bầu phép của vị tiên là Hồ Công, trong đó là một thế giới rộng lớn, nguy nga và lộng lẫy. Xem: Bầu hồ thiên.



Pháp hay miệng niệm một câu,

Tóm thâu muôn vật vào bầu hồ linh.

(Lục Vân Tiên).



BẦU HỒ THIÊN

Hay “Bầu Hồ linh”.

Bầu hồ thiên tức là trái bầu thế giới.

Liệt Tiên truyện chép: Hồ Công là một vị Tiên giả làm ông già bán thuốc ngoài chợ, có quải theo một trái bầu, đêm tối ông chung vào trái bầu mà ngủ.

Phí Trường Phòng đời Hậu Hán là vị quan coi ở chợ, rình thấy cho là kỳ lạ. Một ngày kia, Phòng xin cho vào bầu xem thử. Hồ Công đồng ý. Khi vào thì thấy ở trong là một thế giới rộng lớn, nguy nga lộng lẫy, thật là một cảnh Thần Tiên đẹp đẽ.

Sau đó Phí Trường Phòng xin theo Hồ Công học đạo và được cho một cây gậy phép, muốn đi đâu, liệng cây gậy phép lên hoá thành con rồng rồi leo lên cỡi, dầu xa nghìn dặm cũng đi trong một nháy mắt.

Xem: Hồ thiên.

Ngư rằng: Một ải nhân xu,

Lấy da bao thịt làm bầu Hồ thiên.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



BẦU LÝ BẠCH

Tức là Bầu rượu của Lý Bạch, chỉ uống rượu.

Lý Bạch quê ở đất Thục, làng Thanh Liên, huyện Xương Minh, tỉnh Tứ Xuyên, tự là Thái Bạch, hiệu là Thanh Liên Cư Sĩ, là một thi hào bậc nhứt đời Đường, tính tình hào hiệp, thích uống rượu ngâm thơ.

Xem: Lý Bạch.



Khi lựa vận lúc so tơ,

Khi bầu Lý Bạch, khi cờ Trương Ba.

(Bần Nữ Thán).



BẦU LÝ CÔNG

Tức bầu rượu của Lý Bạch.

Lý Bạch là một nhà thơ lớn đời Đường, tính tình rất phóng khoáng hào hiệp, thích uống rượu ngâm thơ. Rượu uống vào càng nhiều, thơ ông càng hay, nên người ta thường nhắc đến bầu rượu của Lý Bạch.

Xem: Bầu Lý Bạch.



Kể từ vui thú bấy lâu,

Khi vần Đỗ Tử, khi bầu Lý Công.

(Phương Hoa)



BẦU LƯU LINH

Tức là bầu rượu của Lưu Linh.

Lưu Linh tự Bá Luân, người đời Tấn, là một người trong Trúc Lâm Thất Hiền. Ông là người nổi tiếng hay uống rượu, tính tình phóng khoáng, có làm bài “Tửu đức tụng” để ca ngợi những đức tánh của rượu.

Thôi ngày trọn, lại đêm thâu,

Cạn chung Lý Bạch, nghiêng bầu Lưu Linh.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



BẦU NHAN

Hay “Bầu Nhan Tử”, “Bầu Nhan Uyên”.

Nhan Uyên là người nước Lỗ, đời Xuân Thu, tự là Tử Uyên, còn gọi là Nhan Hồi 顏 回, học trò giỏi của Đức Khổng Tử. Nhan Uyên là người thông minh, học một biết mười, lại siêng năng, cần mẫn. Nhan Uyên không ngại nghèo khổ, sống trong cảnh hàn vi mà bao giờ cũng vui với “Giỏ cơm bầu nước”.

Chữ “Bầu Nhan” dùng để chỉ cảnh nghèo.

1.- Bầu Nhan:

Vai còn đôi gánh thâm tình,

Bầu Nhan đã sạch sành sanh còn gì!

(Bích Câu Kỳ ngộ).



Bầu Nhan nếm đủ biết mùi,

Gội dòng sông Tứ nẩy chồi non Ngưu.

(Tư Dung Vãn).

2.- Bầu Nhan Tử:

Danh thơm truyền để bầu Nhan Tử,

Của tốt nào đâu ngọc Thạch Sùng.

(Bạch Vân Quốc Ngữ).

3.- Bầu Nhan Uyên:

Quản bao thân trẻ dãi dầu,

Mang đai Tử Lộ, quảy bầu Nhan Uyên.

(Lục Vân Tiên).



BÈ CHUỐI TRÔI SÔNG

Đây là một câu tục ngữ, dùng để chỉ sự trừng phạt đối với người con gái xấu nết.



Khôn thời thưa thốt cho xong,

Khéo mà bè chuối trôi sông chăng là.

(Quan Âm Thị Kính).



BÈ TỪ

Hay thuyền từ, do chữ “Từ Hàng 慈 航” là chiếc bè từ bi của Phật cứu vớt chúng sanh bị trầm luân nơi biển khổ để đưa qua bờ giác ngộ.

Xem: Từ Hàng.

Bè từ tế độ cũng ghê,

Chẳng thì sa chốn sông mê còn gì?

(Quan Âm Thị Kính).



BẺ GÃY CHỮ ĐỒNG

Chữ Đồng, do câu “Đồng tâm kết 同 心 結” là một sợi dây thắt lưng có hai dải lụa buộc lại với nhau, dùng để ghi chép lời thề ước. Sau thường dùng để nói hai vợ chồng kết hợp cùng một lòng với nhau

Bẻ gãy chữ đồng ý nói vợ chồng bị gãy gánh, tức có một người chết.

Đã đành bẻ gãy chữ đồng,

Hiển linh chứng chiếu tấm lòng tiết trinh.

(Kinh Thế Đạo).



Đã đành bẻ gãy chữ đồng,

Chia đôi thiếp xóm chàng đồng không hay.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BẺ LIỄU

Do chữ “Chiết liễu 折 柳”, tức là bẻ cành liễu.

1.- Liễu là loại cây mềm yếu, thướt tha nên thường được ví với người phụ nữ. Bẻ liễu ý nói lấy người con gái làm vợ.

Mảng trong thấm nghĩa nặng tình,

Để công bẻ liễu, bắn bình trượng phu.

(Nữ Trung Tùng Phận).

2.- Theo sách Tam Phụ Hoàn Đồ chép: Nơi Bá kiều, một chiếc cầu gần Kinh đô Tràng An, người ta đưa tiễn nhau thường đến đó bẻ liễu tặng làm roi ngựa. Cho nên sau dùng chữ “Bẻ liễu” (Chiết liễu) để chỉ sự tiễn biệt.

Rằng: Từ bẻ liễu lên đường,

Gửi mai sao hãy trễ tràng đến nay.

(Hoa Tiên Truyện).



Vội vàng nào kịp hái hoa,

Dương quan bẻ liễu gọi là đưa nhau.

(Dương Từ Hà Mậu).



Bẻ cành liễu ngâm câu ly hợp,

Khuất ngàn dâu qua lối đoản tràng.

(Tự Tình Khúc).



BẺ QUẾ

Tức bẻ cành quế, chỉ sự thành đạt, thi đỗ.

Trong Tỵ Thự Lục Thoại có câu: Thế dĩ đăng khoa vi chiết quế 世 以 登 科 為 折 桂, tức là người đời gọi thi đỗ là bẻ quế (Chiết quế). Tiếng này được dùng từ đời nhà Đường cho đến nay.

Xem: Chiết quế.



Một mai bẻ quế thiềm cung,

Trăng đưa đàn nguyệt sấm rầm trống lôi.

(Thơ Nguyễn Công Trứ).



Vẻ vang gấm lại hoa thêm,

Thỏa lòng bẻ quế cung thiềm bấy lâu.

(Nhị Độ Mai).



Lăm le giật giải thanh vân,

Trèo trăng bẻ quế gọi xuân mở đường.

(Sơ Kính Tân Trang).



BẺ QUẾ CUNG THIỀM

Bởi chữ “Thiềm cung chiết quế 蟾 宮 折 桂”, tức là bẻ quế cung trăng, ý nói sự thi đỗ.

Xem: Cung quế.

Vẻ vang gấm lại hoa thêm,

Thỏa lòng bẻ quế cung thiềm bấy lâu.

(Nhị Độ Mai).



BẺ QUẾ TUNG MÂY

Bẻ quế do chữ “Chiết quế 折 桂” tức bẻ cành quế, dùng chỉ thi cử đỗ đạt. Xem: Bẻ quế.

Tung mây do chữ “Phi vân 披 雲” tức là vén mây, nói về công danh bay nhảy. Xem: Vén mây.

Bẻ quế tung mây ý nói người đỗ đạt, công danh bay nhảy.



Chen vai tài tử, danh công,

Kẻ toan bẻ quế, người hòng tung mây.

(Nhị Độ Mai).



BÉN HƠI RƠM LỬA

Bén hơi: Trai gái gần gủi nhau thường, hơi hám khiến tâm động. Rơm lửa: Hai vật không thể gần nhau, nếu gần nhau sẽ bốc cháy.

Bén hơi rơm lửa ý nói trai gái gần nhau thường, hơi hám làm kích động tâm ham muốn như lửa gần rơm. Xem: Lửa bén gần rơm.



Người yểu điệu, kẻ thư phong,

Bén hơi rơm lửa, động lòng mưa mây.

(Quốc Sử Diễn Ca).



BÈO BỌT

Bèo bọt là cánh bèo và bọt nước.

Bèo là loại cây trôi nổi lênh đênh trên mặt nước, không bến không bờ. Bọt nước cũng trôi trên sông, dễ tan vỡ. Vì vậy, chữ bèo bọt dùng để chỉ sự lưu lạc không định nơi và không bền bỉ.

Ai mà xem nghĩa hơn mình,

Nổi nênh bèo bọt, tan tành cải kim.

(Hoa Tiên Truyện).



Đòi phen lúc biến khi dời,

Thân như bèo bọt giữa vời linh đinh.

(Kinh Thế Đạo).



BÈO GIẠT MÂY TRÔI

Cánh bèo bị nước giạt, chòm mây bị gió trôi, hình ảnh này dùng để chỉ cảnh con người bị cảnh đời đưa đẩy phải chịu phận lênh đênh không nơi nương tựa.

Xem: Hoa trôi bèo giạt.

Bèo giạt mây trôi đành với phận,

Đào tơ liễu yếu ngán cho xuân.

(Thơ Chu Mạnh Trinh).



BÈO MÂY

Bèo trôi nổi lênh đênh trên mặt nước, không bờ bến, còn mây lang thang bay trên bầu trời, chẳng bao giờ dừng lại.

Do vậy, chữ “Bèo mây” dùng để chỉ thân phận con người như cánh bèo, đám mây trôi nổi, lưu lạc, không nơi nương tựa.

Vẻ chi chút phận bèo mây,

Làm cho bể ái khi đầy khi vơi.

(Truyện Kiều).



Van rằng: Đừng nỗi bèo mây,

Phận này ngỡ được chốn này là yên.

(Truyện Phan Trần).



Lênh đênh chút phận bèo mây,

Duyên kia đã vậy thân này nương đâu.

(Ai Tư Vãn).



BÈO NƯỚC

Bèo nổi lênh đênh, nước chảy không ngừng, dùng để chỉ thân phận con người trôi nổi, bềnh bồng, khi hợp khi tan như cánh bèo, dòng nước.



Trời già đành đoạn nợ ba sinh,

Bèo nước xẻ hai một gánh tình.

(Đạo Sử).



BÈO NƯỚC GẶP NHAU

Do câu “Bình thuỷ tương phùng 萍 水 相 逢” dùng để chỉ việc không hẹn tình cờ mà gặp.

Thơ Vương Bột có câu: Quan san nan việt, thuỳ bi thất lộ chi nhân? Bình thuỷ tương phùng, tận thị tha hương chi khách 關 山 難 越, 誰 悲 失 路 之 人. 萍 水 相 逢, 盡 是 他 鄉 之 客, nghĩa là quan san khó vượt, ai xót cho người bất đắc chí. Bèo nước gặp nhau, toàn là do mỗi người một nơi.

Xem: Bình thuỷ tương phùng.



May đâu bèo nước gặp nhau,

Thôi thì hợp phố cho châu lại về.

(Hoa Tiên Truyện).



BÈO NƯỚC HỢP TAN

Bèo nước là cánh bèo dòng nước dùng để chỉ sự bềnh bồng, linh đinh, không có ngừng nghỉ.

Bèo nước hợp tan ý muốn nói thân phận trôi nổi khi hợp khi tan như cánh bèo dòng nước.

Bèo nước hợp tan người mỗi nẻo,

Cậy ai mà nhắn một đôi câu.

(Thơ Tản Đà).



BÈO NƯỚC LÊNH ĐÊNH

Cánh bèo và dòng nước cứ trôi chảy mãi, không bao giờ ngừng nghỉ, thành ngữ dùng để chỉ người và số phận trôi nổi, lênh đênh như bèo nước.

Xem: Lênh đênh.

Bao ngờ duyên thắm bỗng nên phai,

Bèo nước lênh đênh bước lạc loài.

(Thơ Chu Mạnh Trinh).



BẾ ĐỊCH TRỢ HOANG 閉 糴 助 荒

Bế địch: Bế là đóng cửa. Địch là Mua thóc ở xử ngoài mang về xứ mình (nhập cảng). Bế địch: Đồng nghĩa với bế quan, đóng ải quan, không để cho lúa gạo nhập cảng.

Trợ hoang: Hoang là thất mùa lúa. Trợ hoang: Trợ giúp nạn thất mùa.

Bế địch trợ hoang ý nói dân chúng bị thiên tai mất mùa, không có đủ lúa gạo để ăn, cần phải mua lúa gạo từ nước ngoài để cứu đói, nhưng có những người có thân thế làm cho việc nhập cảng gạo bị ngưng trệ để đầu cơ tích trữ, giá lúa gạo cao lên, độc quyền bán ra hầu thâu lợi thật nhiều.

Hành người bế địch, trợ hoang,

Thừa năm hạn đói mưu toan bức nghèo.

(Kinh Sám Hối).



BẾ NGŨ QUAN 閉 五 關

Tức là khép lại năm giác quan của con người. Năm giác quan đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, da thịt của thân con người.

Theo Phật, năm giác quan nầy cùng với ý của con người thì thành lục tặc, tức sáu con giặc thường quấy rối tâm con người.

Bế ngũ quan tức khép năm giác quan lại không cho năm trần cảnh là sắc đẹp, âm thanh, mùi thơm, đồ ngon, mềm mại của da thịt cám dỗ tâm con người.



Bế ngũ quan, không kiêng tục tánh,

Diệt lục trần, xa lánh phàm tâm.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BỂ ÁI

Hay “Biển ái”.

Do chữ Hán “Ái hải 愛 海”, hoặc “Ái hà 愛 河”.

Bể ái hay biển ái là chữ của nhà Phật, dùng để chỉ tình yêu mênh mông như sông biển, làm cho người trần thế bị chìm đắm không thoát được.

Bài kệ chuỗi bên Phật có câu: Ái hà thiên xích lãng, Khổ hải vạn trùng ba. Dục thoát luân hồi khổ, Tảo cấp niệm Di Đà 愛 河 千 尺 浪, 苦 海 萬 重 波. 欲 脫 輪 迴 苦, 早 急 念 彌 陀. Dịch vần: Sông yêu ngàn thước sóng, Biển khổ muôn lượn qua. Luân hồi mong vượt thoát, Mau sớm niệm Di Đà.

Xem: Ái hà.



Vẻ chi chút phận bèo mây,

Làm cho bể ái khi đầy khi vơi.

(Truyện Kiều).



Làm chi bể ái vơi đầy,

Hạ đường dám luỵ tiếng này đến ai.

(Nhị Độ Mai).



Lòng trần nung nấu trăm mùi khổ,

Biển ái đầy vơi một chiếc thuyền.

(Đạo Sử).



Bởi thuyền bá sóng xao biển ái,

Bởi non thề sương trải lạnh lùng.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BỂ BIẾC DÂU XANH

Hay “Biển biếc dâu xanh”.

Bởi chữ “Thương hải tang điền 蒼 海 桑 田” tức là bể biếc ruộng dâu để chỉ sự biến chuyển, đổi thay.

Xem: Bể dâu.



Nước nhà khi bể biếc dâu xanh,

Mưu báo phục há kém tay Kha, Nhượng.

(Trương Lưu Hầu Phú).



BỂ BÌNH LÝ UYÊN

Bể Bình Lý Uyên, tức là bức bình phong của Đậu Nghị có vẽ hình chim sẻ để tuyển lựa chồng cho người con gái. Lý Uyên tìm đến, bắn trúng mắt chim sẻ, được Đậu Nghị nhận làm con rể. Sau Lý Uyên lập nên nhà Đường, được tôn là Đường Cao Tổ.

Bể bình Lý Uyên ý muốn nói mối tình duyên bị gãy đổ.

Cũng như thiếp nặng khối tình,

Gãy trâm Lương Ngọc, bể bình Lý Uyên.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BỂ CẠN NON MÒN

Hay “Biển cạn non mòn”.

Thời gian trôi qua dài lâu đến nỗi sông biển phải cạn, núi non phải mòn, ý nói sự đời thay đổi.

Dầu cho biển cạn non mòn,

Tơ duyên khắn khít chỉ còn bấy nhiêu.

(Nữ Trung Tùng Phận)



BỂ DÂU

Hay “Biển dâu”.

Do chữ “Thương hải” rút ngắn từ câu: Thương hải tang điền 蒼 海 桑 田, tức là biển xanh ruộng dâu.

Theo Thần Tiên Truyện, cứ ba mươi năm thì có một cuộc thay đổi, biển xanh hoá thành ruộng dâu.

Nghĩa bóng: thay đổi lớn lao.

Xem: Tang Hải hoặc Thương hải tang điền.

1.- Bể dâu:

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

(Truyện Kiều).



Cuộc đời chưa đến bể dâu,

Bỗng dưng mua não chuốc sầu mà chơi.

(Hoa Tiên Truyện).



Bể dâu biến đổi cơ trời,

Mà so Hồng Lạc lâu dài ai hơn?

(Quốc Sử Diễn Ca).

2.- Biển dâu:

Cuộc đời là cuộc biển dâu,

Nước về doành thẳm, khôn cầu nguồn xưa.

(Dương Từ Hà Mậu).



BỂ HOẠN

Hay “Biển hoạn”.

Bởi chữ “Hoạn hải 宦 海”, chỉ chốn quan trường.

Người xưa thường ví cuộc đời ra làm quan cũng như chiếc đò đi giữa biển cả mênh mông, gặp nhiều sóng gió gian truân. Vì thế, người ta gọi đường ra làm quan là “Bể hoạn”.

1.- Bể hoạn:

Khác gì bể hoạn xông pha,

Không phong ba lại phong ba hiểm nghèo.

(Thanh Hoá Quan Phong).



Cánh buồm bể hoạn mênh mang,

Cái phong ba khéo cợt phường lợi danh.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



Đường mây thanh thả, khi quận khi triều,

Bể hoạn chập chờn, có vinh có nhục.

(Tự Thuật Ký).

2.- Biển hoạn:

Biển hoạn dập dồi thương bấy trẻ,

Thành sầu chất chứa cám cho gia.

(Đạo Sử).



Ruộng dâu, giáo đóng dầy hơn rạo,

Biển hoạn, nước xao dẫy quá bờ.

(Thiên Thai Kiến Diện).




tải về 15.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   134




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương