Thiên vân quách văn hòa trong thi văn năM 2011 LỜi tựA



tải về 15.16 Mb.
trang2/134
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích15.16 Mb.
#30102
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   134

ẢI LANG VẮNG KHÓI

Ải lang 隘 狼 là phân chó sói ở nơi biên ải, chỉ nơi biên ải có giặc giã xảy ra.

Ải lang vắng khói chỉ sự an bình, yên ổn, không có loạn lạc hay giặc giã.

Xem: Ải lang.



Ải lang vắng khói như xưa,

Nguyên nhung binh mã về bờ cõi châu.

(Dương Từ Hà Mậu).



ẢI NHÀN

Bởi chữ “Ải nhạn 隘 雁”, tức là một cái cửa ải trên núi Nhạn Môn Sơn, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.

Ải nhàn dùng để chỉ chung các cửa ải hiểm yếu.

Xem: Ải nhạn.



Rợ Hồ ròng thói con kiêu,

Ruỗi mù bụi ngựa trẩy theo ải nhàn.

(Truyện Phan Trần).



ẢI NHẠN 隘 雁

Một cái cửa ải trên núi Nhạn Môn Sơn, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.

Ải này được đặt ở vị trí cao nhất của dải Nhạn Môn Sơn, nhờ thế núi nên ải này rất hiểm trở.

Nghĩa bóng: Chỉ chung các cửa ải hiểm yếu.



Hây hẩy gió vàng thông ải nhạn,

Làu làu bóng ngọc nuốt nhà giao.

(Hồng Đức Quốc Âm).



AM HÁN CHÙA LƯƠNG

Am theo đời nhà Hán, chùa dựa triều nhà Lương, ý chỉ những lề thói mê tín dị đoan, những điều tà đạo.

Đời Hán, vua Hán Võ Đế tôn sùng đạo Nho, rất tin theo đạo thần tiên hay đạo Lão, lại chuộng việc xây dựng đền đài. Còn đời Lương Võ Đế cũng trọng đạo Nho, về sau lại sùng tín Phật giáo, cho xây dựng chùa chiền khắp mọi nơi.

Lửa Tần tro Hạng vừa nguôi dấu,

Am Hán chùa Lương lại réo đầy.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



AM MÂY

Bởi chữ “Vân am 雲 庵”, tức là cái am nhỏ, ở nơi tĩnh mịch, cách biệt với người đời.

Am mây chỉ ngôi chùa nhỏ.

Xem: Am vân.



Lão tiều trở lại lâm sơn,

Tiên, Minh hai gã đều hoàn am mây.

(Lục Vân Tiên).



Gửi thân được chốn am mây,

Muối dưa đắp đổi tháng ngày thong dong.

(Truyện Kiều).



Am mây kinh kệ hôm mai,

Lâm tuyền dưỡng tánh, khoan thai thanh nhàn.

(Hứa Sử Tân Truyện).



AM VÂN

Tức là “Vân am 雲 庵”, một cái am được dựng nơi hẻo lánh, tĩnh mịch, có ý cách biệt với người đời. Dùng để chỉ ngôi chùa nhỏ



Tưởng là tách dặm non sông,

Am vân khuya sớm ra công tu hành.

(Dương Từ Hà Mậu).



AM TỰ 庵 寺

Am: Cái nhà nhỏ thờ Phật. Tự: Chùa thờ Phật.

Am tự là một cái chùa nhỏ trong có bày trí tượng Phật để thờ phụng.



Nói rồi quầy quả đăng trình,

Nhắm nơi am tự một mình ra đi.

(Dương Từ Hà Mậu).



Vân Tiên khi ấy an lòng,

Ở nơi am tự bạn cùng Hớn Minh.

(Lục Vân Tiên).



Còn am tự, còn chùa mây,

Mà chàng đâu vắng, chốn nầy lặng trang.

(Nữ Trung Tùng Phận).



AN BANG 安 邦

An: Yên ổn. Bang: Nước nhà.

Làm cho nước nhà trong ngoài được yên ổn gọi là an bang.

Xem: An bang tế thế.

Người trung trực lo âu nợ nước,

Hưởng lộc vua tìm chước an bang.

(Kinh Sám Hối).



AN BANG TẾ THẾ 安 邦 濟 世

An bang: Làm cho nước nhà được yên ổn. Tế thế: Giúp đời.

Làm cho đất nước được yên ổn, và dân chúng được an cư lạc nghiệp gọi là “An bang tế thế”.



Nấu sôi cái máu anh phong,

An bang tế thế một lòng lo âu.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Hễ gặp người an bang tế thế,

Nên quì mà nghênh lấy lễ trọng người.

(Đạo Sử).



AN BIÊN 安 邊

An: Yên Ổn. Biên: Cõi biên giới.

An biên là làm cho yên ổn nơi biên giới.



Ải quan rợ Thát quấy rầy,

Định ngày tiến thảo ngõ hầu an biên.

(Nhị Độ Mai).



AN ĐỔ 安 堵

An: Yên ổn. Đổ: Bức tường, bức vách.

An đổ là yên vách, nghĩa rộng dùng để chỉ vào trong lúc được yên vách, mọi người đều yên ổn, vững vàng làm ăn, không sợ gì quấy phá.



Ngoài sáu tỉnh hãy ngợi câu an đổ,

dân nhờ vua đặng lẽ sống vui.

(Văn Tế Nghĩa Sĩ).



AN KỲ 安 期

Tên một nhân vật đời nhà Tần, tức là An Kỳ Sinh, bán thuốc ngoài biển, được người đời gọi là Thiên Tuế Công. Xem: An Kỳ Sinh.



Rằng: Xưa Hoàng Đế, An Kỳ,

Nào phương thoát hoá tu trì sao đây?

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



AN KỲ SINH 安 期 生

An Kỳ Sinh hiệu là Bảo Phác Tử, người đất Lang Da đời Tần. Ông là học trò của Hà Thượng Trượng nhân, là một người bán thuốc ngoài bãi biển, được người đời gọi là Thiên Tuế Công.



Có ngày giăng túi An Kỳ Sinh,

hỏi sự thần tiên bao nả?

Có thuở giắt tay Xích Tùng Tử,

tìm phương tịch cốc dường nào!

(Thập Giới Cô Hồn).



AN PHẬN 安 分

An: Yên ổn. Phận: Số mệnh trời đã định trước.

An phận là sống yên theo số phận, tức là vui lòng với số mệnh mình mà trời đã dành sẵn cho.

Tô Thức có câu: Hồ bất an kỳ phận đản thính vật sở dụ? 胡 不 安 其 分, 但 聽 物 所 誘?, nghĩa là sao chẳng an lấy phận, để ngoại vật dụ lấy mình?

Một là an phận chờ duyên.

Hai là thong thả sách đèn cũng vui.

(Truyện Phan Trần).



Nên thì an phận kiếm cung,

Hư thì khổ vợ tội chồng chung nhau.

(Nữ Trung Tùng Phận).



AN PHẬN THỦ THƯỜNG 安 分 守 常

An phận: Yên với số phần. Thủ thường: Giữ theo mức bình thường.

An phận thủ thường là sống yên ổn theo số phận và giữ những việc bình thường.

Xem “An thường thủ phận”.

Sao không an phận thủ thường,

Đến khi hoạ tới, ai thương được nào.

ÁN NÂNG NGANG MÀY

Án nâng ngang mày là dâng cơm nước đưa ngang mày để tỏ lòng kính trọng chồng.

Do điển nàng Mạnh Quang rất kính trọng chồng là Lương Hồng, khi dâng cơm lên cho chồng, nàng nâng mâm cơm cao ngang mày.

Xem: Mạnh Quang.



Án kia nângngang mày,

Sạch trong một tiết, thảo ngay một bề.

(Truyện Phan Trần).



ÁN NGỌC 案 玉

Án ngọc là cái bàn có khảm ngọc dùng làm án thư cho các vị quan phủ ngày xưa. Ngày nay, chữ “Án ngọc” dùng để nói cái bàn viết quý giá.



Trên am thong thả sách cầm,

Nhân nương án ngọc, buồn ngâm quyển vàng.

(Truyện Phan Trần).



ÁN PHÊ 案 批

Án: Cái bàn. Phê: Phán xét việc phải trái rồi dùng bút ký vào.

Án phê là cái bàn của các quan ngồi để phê duyệt giấy tờ.



Nàng vâng cất bút tay đề,

Tiên hoa trình trước, án phê xem tường.

(Truyện Kiều).



ÁN TẤU 按 奏

Án: Xem xét. Tấu: Tâu trình cho vua.

Án tấu là xét duyệt về văn chương, hay xem xét việc hình sự để tâu trình lên nhà vua.



Phùng công truyền phó canh giờ,

Rồi xem án tấu đợi chờ xử phân.

(Nhị Độ Mai).



ÁN TUYẾT 案 雪

Án Tuyết: Cái bàn học có rọi ánh sáng của tuyết.

Án tuyết là cái bàn, nơi đó có ánh sáng tuyết rọi vào để đọc sách.

Do tích Tôn Khang người đời Tấn ham học, dốc lòng dồi mài kinh sử, nhà nghèo, mùa đông không có dầu đốt, phải mượn ánh tuyết rọi vào để học. Về sau, Tôn Khang trở nên người danh vọng.

Nghĩa bóng: Nghèo mà chăm học.

Xem: Tôn Khang.

Án tuyết mười thu uổng độc thư,

Kéo còn lọt lọt chữ Tương Như.

(Quốc Âm Thi Tập).



Chừng trong chín vạn bằng trình,

Chẳng qua án tuyết song huỳnh mấy năm.

(Tây Sương).



Làng văn mấy bạn văn chương,

Bút hoa, án tuyết hơi sương mái đầu.

(Thơ Tản Đà).



ÁN TỬ 晏 子

Hay “Yến Tử”.

Tức Án Anh, người nước Tề đời Xuân Thu, tự là Bình Trọng, làm quan Đại phu, siêng năng lo việc nước. Án Tử là người nổi tiếng tiết kiệm, bữa ăn ông không hai lần ăn thịt, mặc áo hồ cừu trong suốt ba mươi năm. Án Tử là người nổi danh khắp thiên hạ. Ông có để lại một quyển sách tựa là “Án Tử Xuân Thu 晏 子 春 秋”, do người đời góp nhặt những công việc ông đã làm, cùng những lời can gián hằng ngày của ông.

Trái cân Án Tử không rơi dấu,

Cuốn sách Đào Công chẳng hết tuồng.

(Dương Từ Hà Mậu).



ÁNG CÔNG DANH

Áng là đám hay một bãi rộng, tập hợp nhiều thứ nhiều loại.

Áng công danh là những gì có thể giúp người ta tạo nên công nghiệp hay danh phận.

Tang bồng là cái nợ,

Đứng làm trai chi sợ áng công danh.

(Thơ Nguyễn Công Trứ).



ÁNG MÂY

Hay chòm mây, cụm mây đều do chữ “Phiến vân 片 雲”, lấy từ điển tích Địch Nhơn Kiệt là một người con có hiếu, làm quan ở Tinh Châu. Hằng ngày, ông nhớ nhà, nhìn về đám mây trắng ở núi Thái Hàng mà than rằng: Dưới áng mây đó là chỗ cha mẹ ta ở!

Nghĩa bóng: Chỉ quê nhà.

Xem: Thái Hàng.



Lòng còn gửi áng mây Vàng.

Họa vần xin hãy chịu chàng hôm nay.

(Truyện Kiều).



ANH HÀO 英 豪

Do hai từ “Anh hùng” và “Hào kiệt” ghép nên để chỉ kẻ tài giỏi, có sức mạnh hơn người.



Đường đường một đấng anh hào,

Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

(Truyện Kiều).



Tôi xin ra sức anh hào,

Cứu người cho khỏi lao đao buổi này.

(Lục Vân Tiên).



Hay là lạc bước nguồn Đào,

Để thương cho mặt anh hào đeo mang.

(Kinh Thế Đạo).



ANH HOA 英 華

Anh: Tài trí hơn người. Hoa: Rực rỡ.

Anh hoa là những gì tốt đẹp biểu lộ ra ngoài. Ý chỉ tốt đẹp rực rỡ.



Anh hoa phát tiết ra ngoài,

Nghìn thu bạc mệnh, một đời tài hoa.

(Truyện Kiều).



ANH HÙNG英 雄

Anh là cái gì tốt đẹp nhứt trong các loài hoa. Hùng là vật xuất sắc nhứt trong loài thú.

Theo sách Hoài Nam, Anh hùng có bốn bậc: Anh trí quá muôn người. Tuấn tài trí hơn ngàn người. Hào tài trí hơn trăm người. Kiệt tài trí hơn mười người.

Anh hùng tiếng đã gọi rằng,

Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha.

(Truyện Kiều).



Nhớ câu bình thủy tương phùng,

Anh hùng lại gặp anh hùng một khi.

(Lục Vân Tiên).



Con xem từ trước đến chừ,

Đấng anh hùng gặp anh thư mấy người?

(Nữ Trung Tùng Phận).



Mặt anh hùng ở tại nơi đâu,

Phải kén chọn gieo cầu cho đáng.

(Phương Tu Đại Đạo).



ANH LINH 英 靈

Anh: Tốt đẹp. Linh: Thiêng liêng.

Anh linh là cái khí anh hoa, đẹp đẽ và linh thiêng tự trời sinh cho chung đúc lại. Chữ “Anh linh” còn có nghĩa là sự thiêng liêng của anh hồn người đã chết.



Người trí dũng kẻ anh linh,

Uy danh còn có uy danh nào tày.

(Cai Vàng Tân Truyện).



Trời nam cấu khí anh linh,

Có nơi phong cảnh hữu tình lạ thay.

(Cổ Tháp Linh Tích).



Chỗ nào oan khúc cho minh,

Chỗ nào non nước anh linh cho tường.

(Dương Từ Hà Mậu).



ANH NHI 嬰 兒

Anh: Con nít mới sinh. Nhi: Trẻ bé.

Anh nhi là đứa bé mới sinh. Đồng nghĩa với anh hài hay hài nhi.



Xem chừng coi mảnh anh nhi,

Co tay đếm tuổi bấy chầy không cha.

(Nữ Trung Tùng Phận).



ANH PHONG 英 風

Anh: Tốt đẹp, cao quý. Phong: Phong tục, tức thói quen lâu đời.

Anh phong là phong tục tập quán tốt đẹp đã có từ lâu đời.



Nấu sôi cái máu anh phong,

An bang tế thế một lòng lo âu.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Nước nhà ta có tiếng anh phong,

Vẻ đẹp trời Ðông sắc Lạc Hồng.

(Đạo Sử).



Nòi anh phong đó cơ nghiệp hỏi ai cầm?

Cũng xương, cũng thịt, cũng khí, cũng huyết Nam,

Cũng văn, cũng pháp cũng phong cũng tục Nam,

Cũng Xã Tắc, cũng Triều Đình của nhà Nam,

(Ngụ Đời).



ANH QUÂN 英 君

Anh: Tài trí hơn người. Quân: Vua.

Anh quân tức là vị vua thông minh, sáng suốt, tài trí hơn người, an trị được thiên hạ. Đồng nghĩa với chữ “Minh quân 明 君”.



Tìm Mẫu đơn kể mọi đường,

Rằng: Vua ta thực rõ ràng anh quân.

(Hoa Điểu Tranh Năng).



ANH TUẤN 英 俊

Anh: Tài trí. Tuấn: Tài giỏi hơn người.

Anh tuấn là người có dáng đẹp đẽ, thông minh và tài giỏi hơn người.



Trường đời đem thử gan anh tuấn,

Cửa Đạo mới ra bậc Thánh Hiền

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



ANH THƯ 英 姐

Anh: người tài trí. Thư: Chữ dùng để gọi người đàn bà con gái.

Anh thư dùng để chỉ người đàn bà tài giỏi, anh hùng, như bà Trưng, bà Triệu được xưng tụng là “Anh thư nữ kiệt 英 姐 女 傑”.



Con xem từ trước đến chừ,

Đấng anh hùng gặp anh thư mấy người?

(Nữ Trung Tùng Phận).



Giồi trí thức tinh thần đẹp đẽ,

Trau tài ba vẹn vẻ anh thư.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Xem từ trước anh thư nữ liệt,

Dầu đến điều chẳng tiếc phận đào thơ.

(Phương Tu Đại Đạo).



ANH VŨ 鸚 鵡

Anh vũ là một loại chim học được tiếng nói của con người, tục gọi là chim vẹt.

Anh vũ châu là bãi chim vẹt, bãi này ở sông Trường Giang, phía tây nam huyện Hán Dương, tỉnh Hồ Bắc. Cuối đờ Đông Hán, Hoàng Tổ làm thái thú miền Giang Hạ, con trưởng của Tổ tên là Xạ mở tiệc thết đãi tân khách, có người dâng con chim anh vũ (vẹt), nhân đó Nễ Hành làm bài phú, và từ đấy, bãi sông mang tên nầy. Sau Nễ Hành bị Hoàng Tổ giết cũng được chôn ở đây.

Trong Đường thi, bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu có câu: Tình xuyên lịch lịch Hán dương thụ, Phương thảo thê thê Anh vũ châu 晴 川 歷 歷 漢 陽 樹, 芳 草 淒 淒 鸚 鵡 洲.

Hán Dương sông tạnh, cây bày,

Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non.

(Thơ Dịch, Tản Đà).



ÁNH THÁI DƯƠNG

Thái dương 太 陽 là Mặt trời. Theo sự phân tích về âm dương, mặt trời được người xưa quan niệm là dương, nên gọi là Thái dương; còn mặt trăng là âm nên gọi là Thái âm.

Ánh Thái dương, ánh sáng mặt trời, là nguồn sống của mọi sinh vật và cũng là nguồn sáng phá tan những bóng tối bao trùm trên quả địa cầu nầy. Ánh Thái dương mọc ở phương Đông còn được hiểu Đạo đến từ phương Đông (Đạo xuất ư Đông 道 出 於 東), đem giáo pháp tiêu trừ, xóa tan những bóng tối khổ đau và tội lỗi của chúng sanh, và mang đến ánh sáng hạnh phúc cho nhơn loại ở cõi trần gian nầy.

Biển trần khổ vơi vơi Trời nước

Ánh Thái Dương giọi trước phương đông.

(Kinh Cúng Tứ Thời).



AO CÁ VẠ LÂY CHÁY THÀNH

1.- Ao cá bị vạ lây bởi lửa cháy thành.

Do câu “Thành môn thất hoả, ương cập trì ngư 城 門 失 火, 禍 及 池 魚” nghĩa là cửa thành lửa cháy, cá trong ao bị lây. Bởi vì muốn tưới tắt lửa thành, phải múc cạn nước ao. Chỉ việc vô cớ bị vạ lây.

2.- Sách Lã Thị Xuân Thu chép: Tư Mã Hoàn có một hạt châu rất quý. Trong khi bị tội, ông bỏ chạy trốn, vua cho người chạy theo hỏi hạt châu, thì ông cho biết ném xuống ao cá rồi. Vì vậy, người ta tát cạn ao cá để tìm hạt châu. Hạt châu tìm chẳng thấy, nhưng cá bị khô nước mà chết lây.



Đèn trời soi xét gian ngay,

Lẽ đâu ao cá vạ lây cháy thành.

(Truyện Trê Cóc).



AO HÁN

Ao của nhà Hán.

Hán sử viết: Xích tử lộng giáp binh ư hoàng trì chi trung 赤 子 弄 甲 兵 於 皇 池 之 中, là trẻ con đùa bỡn áo giáp đồ binh khí ở trong ao hoàng trì, ý nói giặc giả chẳng ra gì, chỉ như bọn trẻ con đùa nghịch.

Làn nước phẳng, kình chìm ngạc lặn,

ao Hán còn mấy trẻ reo hò.

(Tụng Cảnh Tây Hồ).



AO NÓNG THÀNH VÀNG

Bởi nghĩa từ câu “Kim thành thang trì 金 城 湯 池” tức là thành bằng vàng, ao quanh thành chứa nước sôi.

Ao nóng thành vàng dùng để nói sự kiên cố, bền vững của thành trì.

Xem: Kim thang.



Đề phòng chẳng chút vi sơ,

Đã hâm ao nóng lại hơ thành vàng.

(Hoài Nam Khúc).



AO NGHIÊN RUỘNG CHỮ

Đối với người nông dân, ao và ruộng là thứ tạo ra cơm áo để nuôi sống con người. Riêng đối với người học trò lấy cái nghiên làm ao, lấy chữ nghĩa thay ruộng để sau này tạo ra tiền tài có điều kiện để mưu sinh.



Thú thôn ổ ao nghiên ruộng chữ,

Mầu giang sơn cơm sử áo kinh.

(Tự Tình Khúc).



ÁO CHẾ

Tức là áo tang. Theo Kinh Lễ, ngày xưa các vị Thánh hiền chế ra các loại quần áo mặc khi có tang để phân biệt cấp bực của tang chế, như áo trảm thôi, áo tư thôi, do đó mà gọi là “Áo chế”.



Cả triều văn võ đều ra,

Ba quân áo chế cất ma vợ chàng.

(Phạm Công Cúc Hoa).



ÁO GAI

Sở dĩ người ta gọi áo tang bằng “Áo gai” là vì áo tang thường dùng các loại vải to sợi như gai thô, nên mới gọi là “Áo gai”.



Gót lân chỉ mấy hàng lẫm chẫm,

Đầu mũ mao mình tấm áo gai.

(Ai Tư Vãn).



ÁO GẤM VỀ QUÊ

Bởi câu thành ngữ “Ý cẩm hoàn hương 衣 錦 還 鄉” tức là mặc áo gấm trở về làng.

Thơ Lý Bạch đời nhà Đường có viết: “Công thành ý cẩm hoàn” 功 成 衣 錦 還, nghĩa là khi được thành công, mặc áo gấm về làng.

Nghĩa thường: Khi được vinh hoa phú quý, ăn mặc rạng rỡ để trở về làng quê.

Xem: Ý cẩm hoàn hương.

Rõ ràng áo gấm về quê,

Vó câu lỏng khấu bánh xe êm bồ.

(Hoa Tiên Truyện).



ÁO GẤM MẶC VỀ

Một sĩ tử khi bảng hổ đã đề danh thì được vinh quy bái tổ, tức là nhà vua sẽ ban cho áo gấm để mặc về làng quê làm vinh hiển từ đường.

Xem: Áo gấm về quê.

Cũng đừng áy náy lòng quê,

Bao giờ áo gấm mặc về mới cam.

(Truyện Phan Trần).



ÁO GẤM HOÀN HƯƠNG

Hoàn hương 還 鄉 là trở về làng cũ.

Khi được vinh hoa phú quý, người ta thường hay mặc áo gấm để trở về quê xưa để cúng lạy ông bà và cũng làm rạng ỡ tổ tiên, gọi là vinh quy bái tổ.

Hơn thiệt thôi đừng ai oán nữa,

Bỏ ngày áo gấm lại hoàn hương.

(Truyện Vương Tường).



ÁO GIÁP

Áo giáp là loại áo của các vị tướng ngày xưa mặc có kết vảy sắt để đỡ tên đạn, đao kiếm, còn gọi là “Chiến bào 戰 袍” nghĩa là áo chiến.



Não người áo giáp bấy lâu,

Lòng quê qua đó mặt sầu chẳng khuây.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



ÁO HỒ

Áo Hồ là áo của rợ Hồ.

Ngày xưa khi cống các mỹ nhân sang Hồ, thì các mỹ nhân đó đều phải ăn mặc y phục theo lối rợ Hồ.

Áo Hồ đưa lại một rương,

Dạy cho nương tử cải trang xuất hành.

(Nhị Độ Mai).



ÁO HỒNG SEN

Do chữ “Hồng liên y 紅 蓮 衣”.

Sen là biểu tượng của Phật giáo, nên áo màu sen đỏ là áo của các vị sư nữ. Áo hồng sen, nói chung là chỉ những nhà tu hành.

Xe vàng lẫn áo hồng sen,

Hết phen sầu não, tới phen vui mừng.

(Truyện Phan Trần).



ÁO LÃ CƠM HÀN

Tức là áo Lã Vọng, cơm Hàn Tín.

Do tích thời hàn vi, Lã Vọng phải mặc áo tơi ngồi câu cá trên sông Vị; Hàn Tín đói phải nhờ cơm bà Phiếu mẫu cho ăn.

Áo Lã cơm Hàn ý nói gặp cảnh nghèo khó phải lo toan về cơm áo.



Ngại ngùng áo Lã cơm Hàn,

Trong sương ai kẻ đưa than đó giờ.

(Ngọc Kiều Lê).



ÁO LAI

Tức là áo của Lão Lai Tử, một trong hai mươi bốn người con hiếu.

Lão Lai là người nước Sở, thời Xuân Thu thờ cha mẹ rất có hiếu. Năm ông bảy mươi, không muốn cha mẹ buồn vì thấy ông tuổi đã già, nên thường mặc áo sặc sở nhảy múa trước sân, rồi vờ ngã, khóc như trẻ con để làm vui cho cha mẹ.

Xem: Lão Lai Tử.



Áo Lai chưa múa sân này,

Thì đem kinh bố mà thay gọi là.

(Quan Âm Thị Kính).



ÁO MÃNG

Bởi chữ “Mãng bào 蟒 袍”. Mãng là một loại rắn lớn, bào là áo.

Mãng bào là loại áo của các quan có thêu hình con mãng. Theo quan chế đời Thanh, vua và Hoàng Thái tử mặc Long bào (Áo thêu rồng), còn Hoàng tử, Hoàng thân và các quan từ nhứt phẩm cho đến thất phẩm đều mặc áo Mãng bào. Hoàng tử, Hoàng thân thêu chín con mãng đều là năm móng. Các quan khác, tuỳ theo phẩm tước thêu từ một đến năm con mãng, nhưng chỉ thêu bốn móng mà thôi.

Ở Việt Nam, vua, Hoàng thân và các quan không mặc Mãng bào, chỉ mặc Long bào: Vua và Hoàng thân thêu rồng năm móng, còn các quan rồng bốn móng.



Duyên tao phùng may nghìn thuở rồng mây,

vẻ vang áo mãng đai mồi,

tuôn mưa móc thấm cả mình bố tố.

(Tự Thuật Ký).



ÁO NHUNG

Áo nhung do chữ “Nhung y 戎 衣” là tiếng đồng nghĩa với áo giáp, dùng để chỉ chung các loại áo của tướng tá hay quân lính mặc khi ra trận.



Nước thanh bình ba trăm năm cũ,

Áo nhung trao quan vũ từ đây.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



ÁO RỦ

Bởi chữ “Thuỳ y 垂 衣” là rủ áo, tức vua ở ngôi cai trị không làm gì cả, ý muốn nói đường lối chính trị của vua hợp với lòng trời, lòng người nên thiên hạ được thái bình thịnh trị.

Xem: Thuỳ y.

Thương sinh bốn bể chiêu an,

Hoàng cực chín lần áo rủ.

(Cung Trung Bảo Huấn).



ÁO SỒNG

Áo nhuộm màu nâu và màu sồng (Màu dà, tức màu nâu tối). Hai loại màu nầy được Phật giáo chọn để nhuộm quần áo cho các tăng ni mặc thường ngày, nhằm để tỏ ý không cần đẹp, tiết kiệm và thể hiện hạnh tốt của người tu hành: Phế đời hành đạo.



Gần chùa gần cảnh ta tu quách,

Cửa Phật quanh năm vẫn áo sồng.

(Thơ Trần Tế Xương).



ÁO THÔI MA

Thôi: Đồ tang phục. Ma: Gai.

Áo thôi ma là áo quần đẻ cho người tang chế mặc.



Trạng nguyên mặc áo thôi ma,

Trước vào lễ phật, sau ra tảo phần.

(Nhị Độ Mai).



ÁO TRẮNG MUÔNG ĐEN

Dịch nghĩa chữ “Bạch y thương cẩu 白 衣 蒼 狗”.

Thơ của Đỗ Phủ có câu: Thiên thượng phù vân như bạch y, Tu du hốt biến vi thương cẩu 天 上 浮 雲 如 白 衣, 須 臾 忽 變 為 蒼 狗, nghĩa là trên trời mây nổi như áo trắng, phút chốc biến thành con muông đen (Chó xanh). Chỉ sự thay đổi biến hoá vô thường.

Phù vân một đoá bay đi,

Khi thì áo trắng, khi thì muông đen.

(Quan Âm Thị Kính).




tải về 15.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   134




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương