Thiên vân quách văn hòa trong thi văn năM 2011 LỜi tựA



tải về 15.16 Mb.
trang4/134
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích15.16 Mb.
#30102
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   134

ẨN ÁI 隱 愛

Ẩn ái cũng như lòng trắc ẩn, là thấy người gặp hoạn nạn trong lòng mình bất nhẫn.

Mạnh Tử nói: Thấy một đứa bé sắp rơi xuống giếng, mỗi người đều có lòng run sợ, đó là lòng trắc ẩn hay tâm ẩn ái.

Tâm ẩn ái giúp Chí Linh,

Biển mê chèo chiếc thuyền tình độ nhân.

(Nữ Trung Tùng Phận).



ẨN DẬT 隱 逸

Ẩn: Giấu, núp. Dật: Rảnh rang.

Ẩn dật tức là người thích nhàn nhã, không chịu sự ràng buộc, nên ở ẩn, không ra làm quan.



Vân Tiên nghe nói mới tường,

Cũng trang ẩn dật, biết đàng thảo ngay.

(Lục Vân Tiên).



ẨN TÀNG 隱 藏

Ẩn: Núp, giấu không cho ai biết. Tàng: Che dấu.

Ẩn tàng là che dấu kín không cho ai biết.



Trực rằng: Chùa rách phật vàng,

Ai hay ông quán ẩn tàng kinh luân.

(Lục Vân Tiên).



ẤP CÂY

Do chữ “Thủ châu đãi thố 守 株 待 兔”, tức là ấp cây đợi thỏ, ý nói đợi mãi mà không thấy gì.

Sách Hàn Phi Tử có ghi chuyện ngụ ngôn nói về một người nước Tống đi cày, nhân thấy con thỏ va đầu chết dưới gốc cây. Người ấy bắt được, rồi từ đó, anh liền bỏ cày lại gốc cây để chờ thỏ khác đến.

Xem: Ôm cây.



Ấp cây một mực trần trần,

Nặng tình đành nhẹ đến thân có ngày.

(Hoa Tiên Truyện).



Muốn toan chờ thỏ ấp cây,

Lại lo từ mẫu chầy ngày ỷ lư.

(Song Tinh Bất Dạ).



ẤP LẠNH QUẠT NỒNG

Nói việc chăm sóc cha mẹ của người con hiếu thảo: Lúc tiết lạnh, thì ấp chiếu giường cho ấm, khi trời nóng thì quạt đỡ nồng.



Khi ấp lạnh, lúc quạt nồng,

Bữa dâng ngon ngọt bữa dùng sớm trưa.

(Thanh Hoá Quan Phong).



ẤP MẬN ÔM ĐÀO

Đào mận là hai loại cây trong văn chương thường dùng để ví với vợ chồng.

Ấp mận ôm đào có ý diễn tả vợ chồng khắng khít yêu mến nhau.

Khi ấp mận ôm đào gác nguyệt,

Lúc cười sương cợt tuyết đền phong.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



ÂU CA 謳 歌

Âu: Nhiều người cùng hát. Ca: Ca hát.

Âu ca tức là cùng nhau hát để ca tụng công đức một người nào hay một việc gì.

Mạnh Tử có câu: Bất âu ca Nghiêu chi tử, nhi âu ca Thuấn 不 謳 歌 堯 之 子 而 謳 歌 舜, nghĩa là không âu ca con vua Nghiêu mà âu ca Thuấn.

Mừng thay vua đã khang ninh,

Thiên hạ thái bình cổ vũ âu ca.

(Thiên Nam Ngữ Lục).



Âu ca mà chúc nhà vương,

Dường là đương buổi Trịnh Cường lấn Lê.

(Thanh Hoá Quan Phong).



Inh ỏi súng rền kinh cửa bắc,

hãi hùng trăm họ dứt âu ca;

(Gia Định Thất Thủ Phú).



ÂU LẠC 甌 貉

Âu Lạc là tên nước Việt Nam vào đời vua Thục, hiệu là An Dương Vương, dời về đất Phong Khê, nay thuộc Phúc Yên để xây Cổ Loa Thành.

Xem: Trọng Thuỷ Mỵ Châu.

Thục từ dứt nước Văn lang,

Đổi tên Âu lạc, mới sang Loa thành.

(Quốc Sử Diễn Ca).



ÂU LỘ 鷗 鷺

Âu: Một loài chim nước ở vùng hoang vắng, có mỏ cứng và cong, thường ví với người ở ẩn. Lộ: Con cò, cũng ví với kẻ ẩn dật.

Âu lộ là chim âu và chim cò, thường dùng để chỉ kẻ ẩn dật.



Âu lộ cùng ta như có ý,

Đến đâu thời cũng thấy đi theo.

(Quốc Âm Thi Tập).



ÂU TÔ 歐 蘇

Tức Âu Dương Tu và Tô Thức là hai danh sĩ đại tài, đời nhà Tống.

Âu tức Âu Dương Tu, người đời Tống, tự Vĩnh Phúc, hiệu Túy Ông, đỗ tiến sĩ năm 27 tuổi, làm quan đến chức phó sứ Khu mật viện. Sau vì không đồng ý với chính sách canh tân táo bạo của tể tướng Vương An Thạch mà từ quan về ở ẩn. Ông là một danh sĩ đời Tống, cùng thời với Tô Đông Pha, thơ, văn, từ, phú, loại nào ông cũng nổi tiếng.

Tô tức Tô Thức, tự là Tử Chiêm, biệt hiệu là Đông Pha, quán Mi Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, người đời Tấn. Thân phụ ông là Tô Tuân, em là Tô Triệt, tất cả đều nổi tiếng hay chữ, người đương thời gọi ba người là “Tô gia tam kiệt” hay Tam Tô.

Năm 20 tuổi, Tô Thức đậu Tiến sĩ. Lúc Vương An Thạch lên cầm quyền, thi hành cải cách chính trị, Tô Thức công kích biến pháp, nên bị đổi ra đất Hàng Châu, tỉnh Hồ Bắc.

Tứ cao cách lạ tột vời

Quần thoa hiếm nhỉ nảy tài Âu, Tô!

(Mai Đình Mộng Ký).



ÂU VÀNG

Bởi chữ “Kim âu 金 甌”: tức là cái bình hay cái chậu bằng vàng. Người ta thường ví nước nhà bền vững như cái âu vàng.

Tống Thư có câu: Quốc gia toàn thịnh tự kim âu 國 家 全 盛 似 金 甌, nghĩa là nước nhà toàn thịnh giống như kim âu. Xem: Kim âu.

Xã tắc hai phen bon ngựa đá,

Non sông thiên cổ vững âu vàng.

(Thơ dịch Trần Trọng Kim).



Âu vàng vững đặt mấy thu,

Ở ăn nào có lo âu sợ nghèo.

(Hoài Nam Khúc).



ẤU XUNG 幼 沖

Ấu: Trẻ nhỏ. Xung: Thơ bé.

Ấu xung đứa trẻ còn thơ bé, non nớt.



Khiến trên ngăn lấp thánh minh,

Ấu xung nào biết bất bình lẽ chi.

(Hoài Nam Ca Khúc).



B

BA CÕI

Do chữ Tam Giới 三 界 của nhà Phật, tức là chỉ ba cõi giới. Theo Phật Giáo, ba cõi giới đó là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.

Theo tín ngưỡng dân gian thì cũng có ba cõi giới, đó là Thượng giới, Trung giới và Hạ giới.

Xem: Tam Giới.



Đủ đồ thập cúng sẵn bày,

Lòng đi ba cõi hương bay chín trời,

(Quan Âm Thị Kính).



Cộng ba cõi sáu phương tu tập,

Cũng không phương cứu tế mẹ ngươi.

(Phật Nói Vu Lan).



BA ĐÀO 波 濤

Ba: Sóng nhỏ. Đào: Sóng lớn.

Ba đào là sóng nhỏ và sóng lớn. Nghĩa bóng: Chỉ cảnh cực khổ, vất vả.



Gặp cơn bình địa ba đào,

Vậy đem duyên chị buộc vào cho em.

(Truyện Kiều).



Rõ nỗi nhà thung gìn đức cả,

Nên toan tiếp trẻ khỏi ba đào.

(Đạo Sử).



BA ĐIỀU SỢ

Do chữ “Tam uý 三 畏” là ba điều Đức Khổng Tử dạy người quân tử phải biết sợ.

Luận Ngữ viết: Quân tử hữu tam uý: Uý thiên mệnh, uý đại nhân, thánh nhân chi ngôn 君 子 有 三 畏: 畏 天 命, 畏 大 人, 畏 聖 人 之 言, nghĩa là người quân tử có ba điều kính sợ: Kính sợ mạng trời, kính sợ bậc đại nhân, tức là người có chức phận lớn, đức hạnh cao, kính sợ lời dạy của Thánh nhân.

Dương Quan Tây còn sợ có bốn hay;

Khổng Phu tử những dạy ba điều sợ.

(Sãi Vãi).



BA ĐÔNG

Có hai nghĩa:

1.- Chỉ ba tháng của mùa Đông. Sách Hán Thư có câu: Niên thập tam học thư, tam đông văn sử túc dụng 年 十 三 學 書, 三 冬 文 史 足 用, nghĩa là năm mười ba tuổi đi học, trong ba đông mà văn sử đủ dùng.

Vận bốn mùa mà nay đã có công,

Đêm dài bởi một thuở ba đông.

(Hồng Đức Quốc Âm).



Thoi đưa nấn ná ba đông,

Trải phần đông quí, sang chừng xuân qua.

(Nhị Độ Mai).

2.- Chỉ ba mùa đông, tức là ba năm, nghĩa giống như chữ ba xuân, ba thu.

Ngoài nghìn dặm chốc ba đông,

Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy.

(Truyện Kiều).



Thành sầu muôn trượng xây nên đợt,

Bể thảm ba đông chất chứa đầy.

(Lâm Tuyền Kỳ Ngộ).



BA ĐƯỜNG CÚC

Lấy nghĩa từ bài “Qui Khứ Lai Từ 歸 去 來 辭”.

Đào Tiềm, khi còn làm quan tại huyện Bành Trạch, được chẳng bao lâu, ông bèn xin về quê ở ẩn, làm bài từ nầy để tỏ chí mình, có câu: Tam kính tựu hoang tùng cúc do tồn 三 徑 就 荒, 松 菊 猶 存, nghĩa là hãy còn ba đường tùng cúc đã bị bỏ hoang ở nơi quê hương.

Người đời sau dùng chữ “Ba đường cúc” để chỉ việc ẩn cư, hay cáo quan về làng.



Phong lưu mòn mỏi ba đường cúc,

Ngày tháng tiêu ma một bát chè.

(Quốc Âm Thi Tập).



BA GIỀNG

Bởi chữ “Tam cương 三 綱” tức ba giềng mối quan hệ của đạo làm người, đó là: Đạo vua tôi, đạo cha con, đạo chồng vợ.

Xem: Tam cương.

Ba giềng chẳng đặng một phần,

Như vầy cũng tiếng là thân con người.

(Dương Từ Hà Mậu).



Chúa tôi cá nước duyên lành,

Ba giềng đạo cả nỡ đành phủi tay.

(Hứa Sử Tân Truyện).



Tu tâm sửa tánh ăn năn,

Ba giềng nắm chặt, năm hằng chớ lơi.

(Kinh Sám Hối).



Ba giềng với năm hằng khá đoán,

Hư nên đừng xao lãng chí nam nhi.

(Phương Tu Đại Đạo).



BA LƯỢC SÁU THAO

Bởi chữ “Tam lược lục thao 三 略 六 韜”.



Ba lược: Tức sách Tam lược do Hoàng Thạch Công soạn. Sách này theo Sử Ký chép, Hoàng Thạch Công đã trao cho Thương Lương ở cầu Hạ Bì.

Sáu thao: Tức Lục thao, tên cuốn sách của Thái Công Vọng , tức Lữ Vọng là hiệu Khương Thượng, tự là Tử Nha đời Châu Võ Vương soạn, chia thành Văn thao, Võ thao, Long thao, Hổ thao, Báo thao và Khuyển thao.

Ba lược sáu thao tức là lược thao dùng để chỉ người giỏi về mưu kế binh pháp.

Xem: Tam lược lục thao.



Văn đà khởi phụng đằng giao,

Võ thêm ba lược, sáu thao ai bì.

(Lục Vân Tiên).



BA MỐI

Tức là ba giềng mối trong đạo Nho dạy về sự quan hệ giữa vua tôi, cha con, chồng vợ cư xử nhau cho có đạo lý. Xem: Ba giềng.



Năm hằng ba mối làm đầu,

Cội tùng nhánh bách mặc dầu đông tây.

(Tư Dung Vãn).



Ấy rằng quang nhạc khí hôn,

Năm giềng ba mối rối dồn như tơ.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



Trai trung hiếu sửa trau ba mối,

Đừng buông lung lầm lỗi năm hằng

(Kinh Sám Hối).



BA MƯƠI SÁU CHƯỚC

Ba mươi sáu chước chỉ chung các mưu chước trong phép cầm binh.

Theo Nam Sử, Đàn Đạo Tế lãnh chức Chinh Nam Đại Tướng Quân đem binh đánh Nguỵ, bị vây ở đất Hà Nam. Đạo Tế phải phá vòng vây, bỏ áo giáp mà chạy. Vương Kính Tắc mới nói rằng: Đàn Công tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách 檀 公 三 十 六 計 走 為 上 策, nghĩa là ba mươi sáu chước của Đàn Công, chạy là chước hay hơn cả.

Thừa cơ lẻn bước ra đi,

Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn.

(Truyện Kiều).



Bàn thầm mọi lẽ thấp cao.

Ba mươi sáu chước chước nào là trên?

(Quan Âm Thị Kính).



BA NĂM BÚ MỚM

Bởi chữ “Tam niên nhũ bộ 三 年 乳 哺”, chỉ công lao nuôi nấng của người mẹ.

Khi còn mang thai thì chín tháng cưu mang, khi đã sinh con ra rồi, người mẹ còn phải lo ba năm cho bú mớm. Thật công lao khổ cực biết dường nào.

Ba năm bú mớm còn thơ,

Kể công cha mẹ biết cơ ngần nào.

(Gia Huấn Ca).



BA NĂM NHŨ BỘ

Nhũ 乳: Vú. Bộ 哺: Cho bú.

Ba năm nhũ bộ là ba năm cho bú mớm, chỉ công lao nuôi nấng khó nhọc của người mẹ trong khoảng thời gian đứa con còn đang bú mớm.

Xem: Ba năm bú mớm.

Thương thay chín chữ cù lao,

Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình.

(Lục Vân Tiên).



Ba năm nhũ bộ còn thơ,

Kể công cha mẹ biết cơ ngần nào.

(Gia Huấn Ca).



BA NGÃ NGƯỜI CHU KHÓC

Tức đường đi ba ngã khiến Dương Chu phải khóc.

Do chuyện người láng giềng của Dương Chu mất dê, phải nhờ nhiều người người đi tìm. Dương Chu hỏi tại sao chỉ có một con dê mất mà cần rất nhiều người đi tìm. Người mất dê nói vì đường lớn có nhiều rẽ , trong đường rẽ lại có nhiều đường rẽ nữa, không biết dê đi ngã nào. Dương Chu tự nhiên ôm mặt khóc. Câu chuyện này muốn nói: Gốc thì đồng, mà ngọn thì khác, vì vậy người đời cần thận trọng để khỏi nhầm.

Đường đi ba ngã người Chu khóc;

Tơ trắng hai màu gã Địch than,

(Dương Từ Hà Mậu).

BA QUÂN

Tức là ba đạo quân.

Ngày xưa, trong chế độ quân chủ, vua thì có sáu đạo quân (lục quân), chư hầu thì ba đạo quân (tam quân). Về sau, chữ “Ba quân” (Tam quân) dùng để gọi chung quân đội. Xem: Tam quân.

Ba quân chỉ ngọn cờ đào,

Đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Tri.

(Truyện Kiều).



Trai khôn lấy vợ chợ đông,

Gái khôn lấy chồng giữa chốn ba quân.

(Ca Dao).



BA SINH

Hay “Ba sanh”.

Do chữ “Tam sinh 三 生” tức là duyên nợ ba kiếp sống gắn bó với nhau. Do câu trong Tình Sử: Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn 三 生 石 上 舊 精 魂 nghĩa là ba sinh đá ấy cựu tinh hồn, ý nói người có duyên số là có nợ nần với nhau thì viết lên hòn đá để kiếp này không trả được thì kiếp sau phải trả, đến ba kiếp mà không trả được mới thôi.

Xem: Tam sinh.

1.- Ba sinh:

Ba sinh đã nặng vì duyên,

Đem thân liễu yếu, kết nguyền đào thơ.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



Ba sinh hương hoả,

Cuộc trần hoàn nào mấy mặt tri âm.

Một phút nhàn du,

nghĩa giao tất dễ quên lòng quyến cố.

(Văn Tế Thuốc Phiện).

2.- Ba sanh:

Ba sanh dầu toại thửa nguyền,

Họa trong giấc mộng giải phiền giao hoan.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Dầu phải nợ ba sanh hương lửa,

Kết bạn nhau phải lựa khách tâm đầu.

(Phương Tu Đại Đạo).



BA TẦNG CỬA VÕ

Bởi chữ “Võ môn tam cấp 禹 門 三 級” là một khúc núi ở thượng du sông Trường Giang tỉnh Tứ Xuyên, bên Tàu. Ở dưới chân núi có vực sâu. Tương truyền đến mùa thu, cá đua nhau nhảy qua. Con nào nhảy khỏi thì hoá rồng, tức thi đậu.

Xem: Võ môn tâm cấp.

Công danh ai chẳng ước mơ,

Ba tầng cửa Võ một giờ nhảy qua.

(Lục Vân Tiên).



BA TIÊU 芭 蕉

Ba tiêu tức là cây chuối.



Đêm phong vũ lạnh lùng có một,

Giọt ba tiêu thánh thót cầm canh.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



Vườn thược dược thâu mòn cửa trúc,

Dãy ba tiêu chen chúc song hồ.

(Tự Tình Khúc).



BA THU

Ba mùa thu, tức ba năm. Do câu trong Kinh Thi: Nhất nhật bất kiến như tam thu hề 一 日 不 見 如 三 秋 兮, tức là một ngày không trông thấy mặt lâu bằng ba mùa thu. Ý muốn nói thời quá dài lâu.



Sầu đong càng lắc càng đầy,

Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.

(Truyện Kiều).



BA VẠN SÁU NGÀN NGÀY

Tức một trăm năm, do câu trong Kinh Lễ: “Nhân thọ dĩ bách niên vi kỳ 人 壽 以 百 年 為 期” nghĩa là đời sống của con người lấy trăm tuổi làm kỳ hạn.

Trăm năm, tức “Ba vạn sáu ngàn ngày” dùng để chỉ một đời người.

Nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày,

Coi những tỉnh, lúc say nào có mấy?

(Thơ Tản Đà).



Có thân giữa chốn đọa đày,

Đếm ba vạn sáu ngàn ngày khó khăn.

(Kinh Thế Đạo).



Đếm ba vạn sáu ngàn ngày,

Cõi Dương gian với cõi Tuyền đài gần nhau.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BA XUÂN

1.- Ba tháng mùa xuân, chỉ tuổi thanh xuân.



Ở đời ai cậy ai giàu,

Ba xuân mòn hết ngàn vàng khôn mua.

(Lục Vân Tiên).

2.- Do chữ “Tam xuân huy 三 春 輝”, nghĩa là ánh sáng của ba tháng xuân, do thơ của Mạnh Giao: Dục tương thốn thảo tâm, báo đáp tam xuân huy 欲 將 寸 草 心 報 答 三 春 輝, nghĩa là muốn đem tấc lòng cỏ để báo đáp ánh sáng của ba tháng xuân. Ý muốn nói con cái báo đáp ơn cha mẹ.

Hột mưa sá nghĩ phận hèn,

Liều đem tấc cỏ báo đền ba xuân.

(Truyện Kiều).



BÁ DI 伯 夷

Anh của Thúc Tề, con vua nước Cô Trúc, không chịu làm vua, nhường ngôi lại cho em, em cũng không muốn làm vua, rồi sau cả hai vào ẩn dật ở núi Thú Dương, hái rau vi ăn mà sống.



Xem: Di Tề.

Bá Di người rặng thanh là thú,

Nhan Tử ta xem ngặt ấy lề.

(Quốc Âm Thi Tập)

BÁ DU KHẤP TRƯỢNG 伯 俞 泣 杖

Bá Du bị đòn lại khóc.

Sách Hán Thư chép: Ông Hàn Bá Du là người rất có hiếu, có lỗi, bị mẹ đánh đòn, bỗng nhiên khóc rống lên. Bà mẹ nói: Trước kia đánh ngươi, chỉ nhận chịu, nay do đâu mà lại khóc? Bá Du thưa: Trước kia đánh đau, biết mẹ còn khoẻ mạnh, nên không khóc. Nay đánh không đau, biết mẹ sức đã yếu, nên con khóc.

Sách Ấu Học Quỳnh Lâm viết: Bá Du khấp trượng, nhân mẫu chi lão 伯 俞 泣 杖 因 母 之 老 Nghĩa là Bá Du bị đòn lại khóc, do sức mẹ đã già yếu.



BÁ ĐẠO 伯 道

Tên tự của Đặng Du, người đời Tấn. Khi Đặng Du giữ chức Thái thú đất Hà Đông, gặp năm có biến, vợ con và một đứa cháu (Con người em) chạy trốn. Giữa đường gặp cướp phải chạy sang sông, ông liệu không thể nào bảo toàn cả con lẫn cháu, mới nói với vợ: Em ta chỉ có một con, không thể để tuyệt giống, còn chúng ta có thể sinh con khác, vậy ta phải bỏ con lại và đem cháu đi.

Về sau ông được cử làm Thái thú Ngô Quận, nổi tiếng thanh liêm, rất được lòng dân, nhưng vợ ông hết sinh con được.

Lão rằng: Cầu Phật đặng con,

Xưa ngươi Bá Đạo sao còn lo sau?

(Dương Từ Hà Mậu).



BÁ LÝ HỀ 伯 里 奚

Bá Lý Hề là người đời Xuân Thu, tự là Tỉnh Bá, lúc nhỏ nghèo khó, trôi nổi, ba mươi ngoài tuổi mới cưới Đỗ Thị làm vợ, sinh được một người con trai.

Sinh trưởng và lớn lên tại nước Ngu, không có người tiến cử, lại chưa gặp được thời, ông định châu lưu thiên hạ đặng kiếm chỗ làm quan, nhưng thấy nhà nghèo, vợ con không nơi nương tựa, nên con chần chờ, chưa dám quyết định.

Đỗ Thị là một người đàn bà thông minh, hiền đức, biết được ý của chồng, mới khuyên ông nên ra đi, chớ vì bận bịu vợ con mà bỏ việc công danh, rồi bắt gà làm bữa tiệc đãi chồng trước khi lên đường.

Trước nhứt, Bá Lý Hề qua Tề, định ra mắt Tương công, nhưng không người tiến dẫn, túi lại không tiền nên đành đi xin ăn nơi đất Chất.

Lúc ấy Bá Lý Hề đã được bốn mươi tuổi, kết nghĩa anh em với một người hiền ở Chất là Kiển Thúc và tạm ngụ tại nhà người ấy, hằng ngày phải đi giữ trâu cho Thúc để kiếm tiền độ nhựt.

Sau nghe bên nhà Châu có vị công tử tên là Vương Tử Đồi, tánh thích trâu và hậu đãi cho những kẻ nuôi trâu, Bá Lý Hề mới xin Kiển Thúc và từ giã để qua tìm Vương Tử Đồi. Kiển Thúc thấy Hề gặp cảnh khó, sợ gặp người không đáng thờ mà theo, nên dặn rằng: Phàm người trượng phu không nên vì vật chất mà đầu người, nhưng lỡ theo mà sau bỏ đi là người bất trung, còn cứ theo hoài để bị nạn là người bất trí. Vì vậy, em nên thận trọng lấy mình, sau anh em sẽ gặp lại.

Kiển Thúc sau nầy có qua Châu để gặp Vương Tử Đồi và thăm Bá Lý Hề, ông thấy Đồi là một người có chí lớn nhưng tài kém, dưới trướng là một bọn sàm nịnh, nên cho Đồi không làm được chuyện lớn, bèn khuyên Hề bỏ ra đi.

Bá Lý Hề nhân xa nhà lâu, muốn về đất Ngu để thăm lại vợ con. Kiển Thúc đồng ý cũng theo Hề đi cho có bạn. Khi đến nhà mới hay Đỗ Thị vì làm không đủ ăn nên đã lưu lạc xứ nào không ai biết. Còn Kiển Thúc nhờ người bạn là Cung Chi Kỳ giới thiệu Bá Lý Hề với Ngu Công, Hề được phong làm chức Trung Đại Phu. Kiển Thúc muốn về Tống, nên đến từ giã Hề và dặn rằng: Ngu Công là người hẹp kiến thức, không đáng phò, nhưng thấy em cùng khốn đã lâu, muốn tìm chỗ nương thân tạm. Sau nầy, em muốn tìm anh thì đến làng Minh Lộc nước Tống sẽ gặp lại.

Ngu Công vì không nghe lời can của Cung Chi Kỳ để cho nước Tấn mượn đất qua đánh Quắc, thắng Quắc rồi Tấn lại đánh Ngu, Ngu đành mất nước. Bá Lý Hề tự cho mình là người không trí há lại để mất trung nữa sao, nên ông vẫn theo hầu Ngu Công bị bắt về với nước Tấn.

Ở Tấn, Bá Lý Hề có lần mắng vị Đại Phu là Chu Chi Kiều, khiến hắn sinh tâm hãm hại. Nhân Tấn Công gã con cho Tần, Chu Chi Kiều mới tiến dẫn Hề làm người đưa dâu về Tần. Giữa đường, thừa lúc vắng người Bá Lý Hề mới trốn, lén qua đầu Sở. Mới tới Uyển Thành ông bị bọn thợ săn bắt về để chăn trâu. Ở đây, Hề nuôi trâu mập lại sinh sãn nhiều, chẳng bao lâu chuyện thấu tai đến Sở Vương. Sở Vương cho đòi Bá Lý Hề về chăn ngựa cho nhà vua ở Nam Hải.

Trong thư Tấn Hầu báo có Bá Lý Hề đưa dâu sang Tần, nhưng Tần Mục Công không thấy đến bèn hỏi Công Tử Chấp. Chấp nói: Bá Lý Hề là người tế thế, chắc Hề trốn qua Sở vì nghe đâu vợ Hề cũng đang ở Sở.

Tần Mục Công sai người qua Sở dò la mới hay Bá Lý Hề chăn ngựa cho Sở Hầu ở Nam Hải, bèn sai Công Tôn Chi dùng hậu lễ rước về. Công Tôn Chi can rằng: Sở Vương để Bá Lý Hề chăn ngựa là không biết người, nếu sai đem hậu lễ rước thì hoá ra ta cho Sở biết Bá Lý Hề là người hiền, chắc gì Sở cho Bá Lý Hề đi. Chi bằng mượn cớ trốn đưa dâu để bắt tội Bá Lý Hề mà chuộc về mới được. Quả nhiên rước được Bá Lý Hề về Tần để phong làm Thừa Tướng.

Vợ Bá Lý Hề may vá không đủ sống phải ra đi trôi nổi bềnh bồng nhiều năm mới sang Tần thì hay được Bá Lý Hề làm Thừa Tướng. Đỗ Thị thừa dịp trong phủ cần người may vá, mới xin vào làm. Ngày kia, trong phủ có đờn ca, Đỗ Thị xin nhạc công theo lên nhà khách để đàn ca giúp.

Bài của Đỗ Thị ca trong phủ như sau:

Bá Lý Hề, ngũ dương bì, ức biệt thì, phanh phục thư, xuân huỳnh phỉ, xuy diễm di. Kim nhựt phú quý, vong ngã vi?



Bá Lý Hề, ngũ dương bì, phụ lương nhục, tử đề ky, phu văn tú, thê hoãn y, ta hồ phú quý, vong ngã vi?

Bá Lý Hề, ngũ dương bì, tích chi nhựt quân hành nhi ngã đề, kim chi nhựt, quân toạ nhi ngã ly, ta hồ phú quý, vong ngã vi?”.

Nghĩa là: Bá Lý Hề, năm bộ da dê! Nhớ ngày nào cùng nhau ly biệt: Mổ gà mái ấp, chẻ cánh cửa làm củi, thổi nồi cơm gạo vàng... Ngày nay giàu sang, quên ta hay sao?

Bá Lý Hề, năm bộ da dê! Cha ăn thịt cá, con đói khóc dài, chồng mặc áo gấm, vợ giặt thuê... Ngày nay giàu sang, quên ta hay sao?

Bá Lý Hề, năm bộ da dê! Nhớ ngày xưa, tiễn chàng ra đi, thiếp nước mắt chứa chan, tới bây giờ thấy chàng ngồi đó, thiếp đứt ruột

Bá Lý Hề nghe ca thốt nhiên sửng sốt, cho kêu người đàn bà lại gần mà hỏi, thì quả nhiên là vợ mình, bèn ôm nhau khóc rống lên. Từ đó Bá Lý Hề mới sum hợp được vợ con và cùng hưởng phú quý.

Lập thân đừng để danh lưu,

Cũng như Bá Lý Hề âu bạc tình.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BÁ NHA 伯 牙

Bá Nha là người rất giỏi đàn, làm quan đến chức Thượng Đại Phu, đời nhà Tống, kết bạn với Tử Kỳ là một tiều phu sành về âm luật, phân biệt được tiếng đàn. Sau Tử Kỳ chết, Bá Nha cho rằng không còn người tri âm nữa, nên đạp vỡ cây đàn, thề không đàn nữa.

Xem: Bá Nha Tử Kỳ.

Non gặp Bá Nha non mở mặt,

Nước mừng Tô Tử nước khoe màu.

(Thơ Huỳnh Mẫn Đạt).



BÁ NHA TỬ KỲ 伯 牙 子 其

Bá Nha là người đời Tống, làm quan đến chức Thượng Đại Phu, biết đàn rất giỏi.

Một hôm đi sứ nước Sở về, gặp đêm trăng thanh gió mát, cập thuyền ở bờ sông Hàm Dương, cao hứng lấy đàn ra khảy. Lúc ấy có Tử Kỳ là một tiều phu đi đốn củi về, dừng chân lại nghe lén. Bá Nha đang đờn bỗng đứt dây, bèn sai người lên bờ bắt được Tử Kỳ đang đứng rình nghe. Chàng hỏi xuất xứ, Tử Kỳ trả lời: Nhân đi đốn củi, nghe tiếng đàn hay, đứng thưởng thức. Bá Nha không tin một gã tiều phu lại hiểu về âm nhạc, nên đàn một bản rồi hỏi Tử Kỳ biết được bản đó không. Tử Kỳ đáp: Bài Đức Khổng Tử thương tiếc Nhan Hồi.

Bá Nha bèn mời Tử Kỳ xuống thuyền, rồi nghĩ mình đang ở chốn non cao mà khảy một bản. Chung Tử Kỳ nghe xong khen rằng: Thật là hay. Chí của Ngài vọi vọi ở non cao!.Bá Nha lại khảy thêm một bản nữa, nghĩ mình đang ở trên nước. Chung Tử Kỳ lại khen: Hay! Chí của Ngài cuồn cuộn như nước chảy!.

Đêm đó hai người trò chuyện với nhau rất tâm đắc và trở thành đôi bạn tri âm. Bá Nha mời Tử Kỳ theo mình về Kinh đô sống chung, Tử Kỳ từ chối vì còn bà mẹ già đang phụng dưỡng, nhưng hẹn ngày nầy năm sau sẽ gặp tại nơi đây, rồi hai người biệt nhau.

Năm sau, Bá Nha đúng hẹn, nhưng đến nơi không thấy Tử Kỳ đâu, lấy đàn ra khảy, âm thanh nghe sầu buồn ai oán, Bá Nha sinh nghi, đợi sáng đi tìm mới hay Tử Kỳ đã chết rồi. Bá Nha đến mộ Tử Kỳ đàn một bài điếu hết sức bi thảm, rồi khóc mà đập vỡ cây đàn, thề không bao giờ đàn nữa.



Bá Nha đã gặp Tử Kỳ.

Bảo sơn ai nỡ trở về tay không.

(Truyện Trinh Thử).




tải về 15.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   134




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương