Thiên vân quách văn hòa trong thi văn năM 2011 LỜi tựA



tải về 15.16 Mb.
trang3/134
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích15.16 Mb.
#30102
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   134

ÁO TRỌNG DO

Trọng Do tức là tên của thầy Tử Lộ, người đời Xuân Thu, học trò Đức Khổng Tử. Ông là người rất có hiếu, thường đổi gạo để kiếm tiền nuôi mẹ. Khi ông làm quan, sống cuộc đời phú quý thì mẹ mất, nên thường than thở không còn được đội gạo kiếm tiền để nuôi mẹ nữa. Tử Lộ được xếp vào một trong nhị thập tứ hiếu.

Áo Trọng Do tức áo rách, chỉ sự chưa thành đạt.

Áo Trọng Do bạc thếch,

giãi xuân thu cho được sắc cần lao.

Cơm Phiếu mẫu hầm sì,

đòi tuế nguyệt phải ngậm mùi tân khổ.

(Tài Tử Đa Cùng Phú).

ÁO VẢI CỜ ĐÀO

Áo vải là áo may bằng vải thường, chỉ người bình dân. Cờ đào là cờ may bằng lụa hồng đào, ý nói phất cờ khởi nghĩa dựng nên nghiệp lớn.

Áo vải cờ đào thường dùng để chỉ những hạng người bình dân đứng lên khởi nghĩa dựng nghiệp.

Bài chiếu lên ngôi Hoàng Đế của vua Quang Trung, do Ngô Thời Nhiệm viết bản dịch có câu: Trẩm là người áo vải ở đất Tây Sơn, không có một thước đất, vốn không có chí làm vua, chỉ vì lòng người chán ngán đời loạn, mong mỏi được vua hiền để cứu đời yên dân, vì vậy trẩm tập hợp nghĩa binh, mặc áo tơi đi xe cỏ để mở mang núi rừng…



Mà nay áo vải cờ đào,

Giúp dân dựng nước biết bao công trình.

(Ai Tư Vãn).



ÁO XANH

1.- Bởi chữ “Thanh khâm 青 襟” là áo xanh, chỉ thứ áo xanh mà các Nho sĩ ngày xưa thường mặc.



Sụt sùi giở nỗi đoạn tràng,

Giọt châu tầm tã đẫm tràng áo xanh.

(Truyện Kiều).



2.- Bởi chữ “Thanh y 青 衣” tức áo xanh, là áo của các hầu gái mặc.

Áo xanh đổi lấy cà sa,

Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền.

(Truyện Kiều).



ẢO CẢNH 幻 景

Ảo: Giả mà giống như thật. Cảnh: Quang cảnh, những hình sắc phô bày trước mắt.

Ảo cảnh là quang cảnh mờ hồ, không thực.

Theo Phật, cảnh ở thế gian thường xảy ra như giấc mộng thì cảnh đời đâu phải là cảnh thật. Đó là ảo cảnh.

Ảo cảnh dùng để chỉ cuộc đời.



Thoi đưa ảo cảnh hồn như mộng.

Khoá chặt trần hoàn kiếp hữu sinh.

(Thơ Chiêu Lỳ).



ẢO HOÁ 幻 化

Ảo: Trái ngược sự thực. Hoá: Thay đổi.

Ảo hoá là sự thay đổi hay biến hoá không có thực.



Tuồng ảo hoá đã bày ra đấy.

Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



ĂN BẮC NẰM NAM

Do câu “Đông giả thực phạn, tây giả miên” 東 者 食 飯 西 者 眠, nghĩa là ăn cơm nhà bên đông, ngủ nhà bên tây

Chuyện xưa có chép: Có một nàng con gái mà hai nhà hàng xóm đến hỏi: Người phía đông giàu có nhưng xấu, người bên phía tây đẹp nhưng nghèo. Cha mẹ hỏi ý kiến thì nàng đáp: Đông gia thực phạn, tây gia miên, tức là ăn cơm nhà bên đông, ngủ nhà bên tây.

Nghĩa bóng: Chỉ người ăn ở hai lòng chỉ muốn có lợi cho mình. Ý nói được bề nầy không mất bề nọ.



Ăn bắc nằm nam chi học thói.

(Thơ Cổ).



ĂN CAY UỐNG ĐẮNG

Cay đắng, bởi chữ “Tân khổ 莘 苦” dùng để chỉ gian nan, khổ sở.

Ăn cay uống đắng ý muốn nói chịu mọi nỗi cay đắng, tức mọi sự đau đớn, khổ cực.

Nào là lúc ăn cay uống đắng,

Nào là khen rồi mắng bao phen.

(Nữ Trung Tùng Phận).



ĂN CẠNH NẰM NGOÀI

Chỉ cảnh vợ chồng lúc ăn thì ngồi chung mâm, khi ngủ thì nằm phòng ngoài, ý nói thân phận bạc bẽo của người vợ lẻ mọn.



Nghĩ tình ăn cạnh nằm ngoài,

Ấm no nên xót lấy người bơ vơ.

(Gia Huấn Ca).



ĂN CHAY

Ăn chay hay ăn lạt là ăn những thức ăn trong sạch, nhẹ nhàng, tinh khiết, tức là những thức ăn thuộc loại thảo mộc như hoa quả, rau đậu, tương chao…chứ không ăn thịt những loại động vật như cá thịt, tôm, cua…

Chay dịch từ chữ Trai 齋, có nghĩa là ăn lạt, ăn những thức ăn từ thảo mộc, rau đậu. Trong tôn giáo, có ba hạng ăn chay: Lục trai 六 齋 (Ăn chay sáu ngày trong tháng), Thập trai 十 齋 (Ăn chay mười ngày), Trường trai 長 齋 (Ăn chay quanh năm suốt tháng).

Tuy là vợ sớm mất đi,

Ăn chay niệm Phật, kiên trì chẳng thôi.

(Hứa Sử Tân Truyện).



Thủy triều vận tải biển đông,

Lòng hằng dường ấy phước đồng ăn chay.

(Kinh Sám Hối).



ĂN CHẲNG CẦU NO

Do câu chữ trong Luận Ngữ: Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an 君 子 食 無 求 飽, 居 無 求 安, nghĩa là người quân tử ăn chẳng cầu no, ở chẳng cầu yên. Ý muốn nói chí của người quân tử chỉ lo việc học, mải mê vui vẻ về đạo, mà quên sự đói khát sự an nhàn.



Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no,

Đêm năm canh an giấc ngáy pho pho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ.

(Hàn Nho Phong Vị Phú).



ĂN GIÓ NẰM MƯA

Đồng nghĩa với câu: “Ăn tuyết nằm sương”.

Do câu: “Xan phong túc lộ 餐 風 宿 露”, có nghĩa là ăn trong gió ngủ ngoài sương. Sương gió cũng như mưa gió đều dùng để nói cảnh gian nan, vất vả của người đi đường.

Quản bao tháng đợi năm chờ,

Nghĩ người ăn gió nằm mưa xót thầm.

(Truyện Kiều).



ĂN NĂN

Ăn năn là trong lòng cảm thấy xót xa, ray rứt về những lỗi lầm của mình, tức hối hận những việc đã làm.



Ăn năn sám hối tội tình,

Xét câu minh thệ gửi mình cõi thăng.

(Kinh Tận Độ).



Quấy rồi phải biết ăn năn,

Ở cho nhân hậu chế răn lòng tà.

(Kinh Sám Hối).



ĂN RAU CHÊ BỆ NGỌC

Bá Di, Thúc Tề, hai người con vua Cô Trúc thà vào núi Thú Dương hái rau ăn mà sống, chứ không thèm nhận ngôi báu.

Ý nói chịu khổ cực để giữ tròn đạo lý.

Bá Di là anh cả, Thúc Tề là em út. Vua Cô Trúc yêu Thúc Tề, lập di mệnh cho Thúc Tề nối ngôi, Thúc Tề không chịu, nhường lại cho Bá Di cho phải lẽ. Bá Di cũng không chịu, nhường lại cho Thúc Tề để tuân lệnh cha. Không ai chịu nhận rồi cả hai trốn vào núi ở ẩn.

Khi Võ Vương đánh thắng Trụ, lên làm vua xưng hiệu nhà Châu, thiên hạ đều thần phục, chỉ Bá Di, Thúc Tề cho hành vi của Võ Vương là không đúng, nên không thờ nhà Châu và giữ nghĩa khí, chẳng chịu ăn lúa nhà Châu, lên ở ẩn trên núi Thú Dương, hái rau vi mà nuôi sống.

Xem: Di Tề.



Nhượng vinh huê trong buổi sang giàu,

Khuyên học khách ăn rau chê bệ ngọc.

(Phương Tu Đại Đạo).



ĂN RAU NON THÚ

Ăn rau vi trên núi Thú Dương, chỉ người cáo quan về ở ẩn để giữ tiết tháo trong sạch.

Do tích: Bá Di và Thúc Tề, hai người con vua Cô Trúc, không chịu lên ngôi vua, bỏ nước mà đi ở ẩn. Lúc Võ Vương nhà Châu kéo quân phạt Trụ, Bá Di Thúc Tề đón đầu ngựa mà can gián. Đến khi Võ Vương diệt được nhà Ân, dựng nhà Châu, Bá Di Thúc Tề nhất quyết không ăn thóc nhà Châu, bỏ vào núi Thú Dương háu rau vi để ăn cho qua ngày tháng. Sau có kẻ nói rau vi cũng của nhà châu, Bá Di Thúc Tề bèn nhịn đói mà chịu chết.

Di Tề chẳng khứng giúp Châu,

Ăn rau non Thú phải âu trọn mình.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



ĂN TUYẾT NẰM SƯƠNG

Ăn tuyết nằm sương có nghĩa ăn trong tuyết nằm ngoài sương, đồng nghĩa với “Ăn gió nằm mưa”, chỉ sự khổ nhọc, vất vả.

Xem: Ăn gió nằm mưa.

Xiết bao ăn tuyết nằm sương,

Màn trời chiếu đất dặm trường lao đao,

(Lục Vân Tiên).



Vì ai khiến quan quân khó nhọc,

ăn tuyết nằm sương?

Vì ai xui hào luỹ tan hoang,

xiêu mưa ngả gió?

(Văn Tế Nghĩa Sĩ).



ĂN UỐNG TIỀN ĐỊNH

Quan niệm người xưa cho rằng một miếng uống, một miếng ăn đều có sự định trước, tục ngũ Trung Quốc có câu: Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định? 一 飲 一 啄 莫 非 前 定?, tức là một lần ăn một lần uống há chẳng do tiền định sao?

Sách Mạnh Tử nói: Nhất ẩm nhất trác sự giai tiền định. Vạn vật phân dĩ định, phù sinh không tự mang 一 飲 一 啄 事 皆 前 定. 萬 事 分 已 定, 浮 生 空 自 忙, nghĩa là một bữa ăn, một bữa uống cũng đã có định trước. Muôn việc thảy đều có định phận cả, chỉ có sự sống trôi nổi làm nên băng khoăn mà thôi.

Vẻ chi ăn uống sự thường,

Cũng còn tiền định khá thương lọ là.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



ÂM CẢNH 陰 境

Âm: Cõi Âm. Cảnh: Cõi giới.

Âm cảnh là cảnh giới của người ở cõi Âm, tức Âm phủ, Âm cung…

Xem: Âm phủ.

Cứu khổ nàn Thái Ất Thiên Tôn.

Miền Âm cảnh ngục môn khai giải,

(Kinh Tận Độ).



Miền Âm cảnh nhiều thay hình lạ,

Cõi dương trần tội quá dẫy đầy.

(Kinh Sám Hối).



ÂM CÔNG 陰 功

Âm công là công đức không hiển hiện ra, tức là mình làm điều phúc đức cho người mà người ta không thấy được, chỉ có Thần linh mới biết, về sau có báo ứng.

Âm công cũng dùng để nói những việc làm phúc đức mà ông cha truyền lại cho con cháu về sau.

Âm công còn có nghĩa là công việc lo cho người đã chết.



Một niềm vì nước vì dân,

Âm công cất một đồng cân đã già.

(Truyện Kiều).



Môn rằng thứ nhất y khoa,

Chữ kêu âm chất thật là âm công.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



Của trời vốn thiệt của chung

Mình tu mình được, âm công về mình.

(Huấn Nữ Ca).



ÂM CUNG 陰 宮

Âm cung là chỉ cung điện, đền đài dưới Âm Phủ, nơi ở của người đã chết.

Có nhiều từ để chỉ cõi nầy như Âm Phủ, Âm Cảnh, Âm Cung, Âm Ty, Diêm Đình, Diêm Cung…

Dương gian nay chẳng đặng gần,

Âm Cung biết có thành thân chăng là.

(Lục Vân Tiên).



Bóng trăng vừa khuất ngọn cây,

Nguyệt Nga hồn hãy chơi rày Âm cung.

(Lục Vân Tiên).



Ôi thôi trời động đất nghiêng!

Chết chàng hồn thiếp chơi miền Âm cung.

(Nữ Trung Tùng Phận).



ÂM CỰC DƯƠNG HỒI 陰 極 陽 回

Theo Dịch học, âm dương là hai nguyên lý tác dụng hỗ tương nhau mà sinh ra vạn vật và tạo ra hiện tượng trong trời đất.

Âm cực dương hồi là khí Âm đến hồi cực thịnh thì khí Dương đến, ý muốn nói hết hồi suy đến hồi thịnh, hết khổ tới sướng.

Nghĩa rộng: Hết suy đến thịnh, hết khổ đến sướng.



Đời người đến thế thì thôi,

Trong cơ Âm cực Dương hồi không hay.

(Truyện Kiều).



ÂM CHẤT 陰 騭

Những điều cát hung, hoạ phúc do trời định một cách âm thầm, gọi là “Âm chất”.

Người làm âm chất cốt tạo phước đức nơi cõi vô hình để được hưởng quả phúc về sau.

Môn rằng thứ nhất y khoa,

Chữ kêu âm chất thật là âm công.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



Theo làm âm chất may bồi đắp,

Thì sẽ trở về chỗ vị xưa.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Nhờ âm chất đủ mẹ cha xưa,

Nên hưởng giàu sang cũng đã thừa.

(Đạo Sử).



ÂM DUNG 音 容

Âm: Tiếng nói. Dung: Dáng người.

Âm dung là tiếng nói và dung mạo của người vắng mặt, chúng ta chỉ tưởng tượng hình dung và giọng nói mà thôi, chỉ người chết.

Người xưa thờ người chết thường viết câu: “Âm dung như tại 音 容 如 在”, tức là tiếng nói và hình bóng như còn đâu đó.

Trời cao đất rộng chẳng cùng,

Khi nào lại thấy âm dung trở về.

(Thanh Hoá Quan Phong).



Kẻ du hồn ở cõi sơn lâm,

luỹ kiến đồn ong,

còn bốn chữ âm dung phảng phất.

(Văn Tế Nghĩa Sĩ).



ÂM DƯƠNG 陰 陽

Theo nguyên lý của Dịch học: Thái Cực sinh ra Lưỡng Nghi, tức là hai khí Âm Dương. Khí Dương thuộc đàn ông, ánh sáng, động… khí Âm thuộc đàn bà, bóng tối, tĩnh… Hai thứ khí nầy giao nhau và biến hoá thành muôn vật.

Âm dương chỉ đất Trời, vợ chồng, Địa phủ và Dương gian.

Âm dương chính là cơ động tịnh mầu nhiệm của Trời đất. Nếu không có Âm dương, muôn vật sẽ không thể hóa sanh. Nhờ có Âm dương tác động lẫn nhau nên mới tạo ra mọi cuộc biến hóa trên đời, Trời đất và vạn vật cũng nhờ đó mà sinh thành. Nếu chỉ có Âm mà không có Dương, hay ngược lại, có Dương mà không có Âm thì cuộc biến hóa cũng không thành hình, một Âm ấy rồi cũng tiêu, một Dương ấy rồi cũng diệt, vì “Cô Dương bất sinh, độc Âm bất trưởng 孤 陽 不 生, 獨 陰 不 長”. Vậy Âm dương là hai yếu tố đi đôi với nhau, dung hòa nhau, tương phản nhau, bổ túc cho nhau. Chính nhờ sự tương hòa, tương phản nhau như nóng, lạnh, sáng tối, cứng mềm, ngày đêm...mà vạn vật biến chuyển không ngừng. Hệ Từ Thượng viết: Cương nhu tương thôi nhi sinh biến hóa 剛 柔 相 摧, 而 生 變 化, nghĩa là cứng mềm đun đẩy nhau mà sinh ra biến hóa.



Âm Dương, có vợ chồng.

Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



Âm Dương hai khí mặc xoay vần,

Nếu quả thời đông đến tiết xuân.

(Hồng Đức Quốc Âm).



Cơ sanh hóa Càn Khôn đào tạo,

Do Âm Dương hiệp đạo biến thiên.

(Kinh Thế Đạo).



Âm Dương đôi nẻo như nhau,

Cửu Huyền Thất Tổ giữ câu thọ trì.

(Kinh Thế Đạo).



Âm Dương tuy cách cũng Trời chung,

Thấy trái nên đây mới tỏ cùng.

(Đạo Sử).



ÂM DƯƠNG CÁCH BÓNG

Âm Dương: Âm phủ, Dương gian. Cách bóng: Cách nhau hình bóng.

Âm Dương cách bóng ý nói kẻ nơi Âm phủ, người ở Dương gian, hình bóng cách trở nhau, không bao giờ thấy mặt.



Âm Dương cách bóng sớm trưa,

Thon von phận bạc không vừa hiếu thân.

(Kinh Thế Đạo).


ÂM ĐÀI 陰 臺

Âm: Thuộc về người chết. Đài: Lâu đài.

Âm đài tức là lầu đài dưới Âm phủ. Đồng nghĩa với Âm cung, chỉ cõi Địa ngục.

Xem: Địa ngục.

Kỳ rằng: Ta hỏi Thiện Trai,

Cớ sao xuống chốn Âm đài làm chi.

(Dương Từ Hà Mậu).



Tôn sư nghe biết ý rồi,

Liền đem hai họ đến ngôi Âm đài.

(Dương Từ Hà Mậu).



Âm đài gông tróng sẵn sàng,

Chờ khi thác xuống cổ mang hành hình.

(Kinh Sám Hối).



ÂM GIỚI 陰 界

Âm: Thuộc về người chết. Giới: Địa phận, cõi.

Âm giới là cõi của người chết. Đồng nghĩa với Âm Cảnh, Âm Phủ.

Xem: Âm Cảnh, Âm Phủ.

Khi sống thì gìn giữ của đời,

Khi thác xuống giữ cầu Âm Giới,

(Lục Súc Tranh Công).



ÂM HAO 音 耗

Âm: Tiếng. Hao: Tin tức.

Âm hao là tiếng tăm và tin tức, chỉ tin tức.



Chàng từ thưa thớt âm hao,

Tới lui ngần ngại ra vào dở dang.

(Truyện Phan Trần).



Vả trên chín bệ thẩm cao,

Dễ đâu mà tỏ âm hao cho mình.

(Hoa Tiên Truyện).



Song đường, tuổi hạc, đã cao,

Xin thầy nói lại âm hao, con tường.

(Lục Vân Tiên).



ÂM HUYỀN 陰 玄

Âm: Thuộc về người chết. Huyền: Đen tối sâu kín, mờ mịt. Âm huyền có ý chỉ cái cõi vô hình của người chết. Khí âm huyền đồng nghĩa với âm khí, tức là khí từ cõi âm.

Trời thăm thẳm mưa rào gió thét,

Khí âm huyền mờ mịt trước sau.

(Thập Loại Chúng Sinh).



ÂM KHÍ 陰 氣

Âm: Thuộc về người chết. Khí: Hơi.

Âm khí là hơi âm, tức là hơi từ cõi Âm giới đưa lại. Thường ở vùng nghĩa địa người ta có cảm giác không khí lạnh lẽo, nặng nề, đó gọi là âm khí.



Ở đây Âm khí nặng nề.

Bóng chiều đã ngả dặm về còn xa.

(Truyện Kiều).



ÂM NHAI 喑 崖

Âm: tối tăm. Nhai: Hang sâu.

Âm nhai là chỗ triền núi hay hang sâu tối tăm, ánh mặt trời không soi thấu. Vì thế sách Tàu mới có câu: Thái dương tuy vô tư, kỳ chiếu âm nhai hàm cốc giả độc hậu 太 陽 雖 無 私, 其 照 喑 崖 函 谷 者 獨 後, nghĩa là mặt trời tuy vô tư, nhưng thường chiếu hang sâu cùng cốc sau cuối.

Trong Cung Oán Ngâm Khúc, các cung nhân ở nơi tối tăm ví như nơi âm nhai, nên không được vua (NHư mặt trời) đoái hoài đến.

Đuốc vương giả chí công là thế,

Chẳng soi cho đến khoé âm nhai.

(Cung Oán Ngâm Khúc)



ÂM PHONG 陰 風

Âm: Âm phủ. Phong: Gió.

Âm phong tức là gió lạnh lẽo ẩm thấp, gió có âm khí (hơi âm), như từ cõi Âm Phủ thổi đến.



Nửa ngày nổi trận Âm phong.

Phất phơ lật lá, lạnh lùng thấu xương.

(Nhị Độ Mai).



ÂM PHÒ 陰 扶

Hay “Âm phù 陰 扶”.



Âm: Thuộc về người chết. Phù: Giúp đỡ.

Âm phù có nghĩa là được người chết phò trợ, giúp đỡ cho. Âm phù đồng nghĩa với phù hộ.



Ngửa nhờ liệt thánh âm phò,

Họa là may lại qui mô vững bền.

(Hạnh Thục Ca).



ÂM PHỦ 陰 府

Âm phủ là ty phủ dưới âm cảnh, tức là nơi Thập Điện Diêm Vương cùng các phán quan làm việc.

Theo triết lý tôn giáo, những người lúc sanh tiền làm điều ác thì khi chết, linh hồn phải bị đoạ cõi ấy để chịu hình phạt.

Âm phủ có nhiều từ để gọi: Địa ngục, Âm cung, Âm Ty, Âm cảnh, Âm đài, Diêm cung, Diêm đình…



Tôi mà có dạ gian tà,

Thác xuống Âm phủ, đọa mà chẳng tha.

(Tội Vợ - Vợ Chịu).



Sanh, thời ở cảnh dương gian,

Thác, về Âm phủ là đàng xưa nay.

(Dương Từ Hà Mậu).



ÂM TY 陰 司

Âm: Thuộc về người chết. Ty: Nơi làm việc của quan. Âm ty là ty phủ nơi Âm Cảnh, nghĩa là nơi Diêm Vương và các quan chức làm việc, chỉ nơi giam cầm và trừng trị các tội hồn gây nhiều ác nghiệp lúc còn sống nơi thế gian.

Xem: Âm phủ.



Xuống vừa tới cõi Âm ty,

Mặt nhìn cảnh vật khác thì nhân gian.

(Dương Từ Hà Mậu).



Huống mầy giả dạng tu trì,

Gạt người lấy của, Âm ty biên đầy.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



Cả mình máu chảy lâm ly,

Xương tan thịt nát Âm ty thác liền.

(Dì Ghẻ Con Chồng).



Nguyện cho trời đất chứng minh,

Chúng tôi chịu đọa ngục hình Âm ty.

(Hứa Sử Tân Truyện).



ẤM BỔ 蔭 補

Ấm là bóng râm che mát, nghĩa rộng là nhờ ơn trạch của ông cha mà cháu con được hưởng. Ví như ông cha làm quan, cháu con được hàm phẩm.

Ấm bổ là nhờ tập ấm mà được bổ làm quan.

Mới vâng ấm bổ phó kinh,

Đến mừng nhân kể ngọn ngành sự em.

(Hoa Tiên Truyện).



ẤM LẠNH NGỌT BÙI

Thành ngữ này dùng để chỉ việc người con hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ. Khi trời ấm lạnh, thì chăm sóc quần áo, chăn mền, khi đến bữa ăn, thì chọn thức ăn ngon ngọt để dâng cha mẹ.



Bờ sương dặm tuyết bao nài,

Nào ai ấm lạnh, nào ai ngọt bùi.

(Hoa Tiên Truyện).



ẨM MÃ ĐẦU TIỀN 飲 馬 投 錢

Ẩm mã: Cho ngựa uống nước. Đầu tiền: Ném tiền.

Ẩm thuỷ đầu tiền tức là cho ngựa uống dưới dòng nước , ném tiền xuống sông để trả.

Sách xưa có câu: Hạng Trọng sơn khiết kỷ ẩm mã đầu tiền 項 仲 山 潔 己 飲 馬 投 錢, nghĩa là Hạng Trọng Sơn là người trong sạch đến nỗi cho ngựa uống nước dưới sông cũng ném tiền để trả.

Do tích trong sách Thế Thuyết chép: Hạng Trọng Sơn (Có sách ghi Hạng Trung sơn), người ở huyện An Lăng, là người rất thanh liêm, trong sạch đến nỗi cho ngựa uống nước dưới dòng sông Vị Thuỷ, ông đều ném ba đồng tiền để trả.



ẨM TRÁC 飲 啄

Bởi câu “Nhất ẩm nhất trác 一 飲 一 啄”.

Theo Trang Tử, nhất ẩm nhất trác có nghĩa là ăn uống một cách thung dung, tự do không bị bó buộc, ví như con chim trĩ ở đồng nội đi mỗi bước lại mổ để ăn một lần, mỗi lần bước lại uống một lần.

Ngày nay câu nhất ẩm nhất trác dùng với nghĩa việc ăn việc uống, như câu: Nhất ẩm nhất trác sự gia tiền định 一 飲 一 啄 事 皆 前 定, nghĩa là việc ăn việc uống đều do trời định trước cả.



Ẩm trác cũng là tiền định,

Hỏi ý cô rằng liệu tính làm sao?

(Thơ Nguyễn Công Trứ).



ÂN ÁI 恩 愛

Ân: Ơn. Ái: Thương yêu.

Ân ái có nghĩa là biết ơn rồi dẫn đến thương yêu lẫn nhau. Chữ này thường dùng để chỉ sự chăn gối, tình yêu giữa đôi trái gái, hay vợ chồng.

Xem: Ái ân.

Niềm ân ái thân hòa làm một,

Nghĩa sơ giao khắc cốt ghi xương.

(Kinh Thế Đạo).



Ái ân, ân ái là sao?

Đày thân lắm khách má đào gian truân.

(Nữ Trung Tùng Phận).



ÂN HẬU 恩 厚

Ân: Ơn. Hậu: Sâu dày.

Ân hậu là ơn sâu dày, ơn nặng, đồng nghĩa với chữ “Thâm ân 深 恩”.

Ân hậu còn có nghĩa là nhiều đức độ.

Thi ân hậu bạc ngàn khó sánh,

Rán tập thành sửa tánh từ hòa.

(Kinh Sám Hối).



Nhà ân hậu bực tài danh,

Buồn lúc phong quang chẳng đắc thành.

(Đạo Sử).



ÂN OÁN 恩 怨

Ân: Ơn nghĩa. Oán: Thù hận.

Ân oán là ơn nghĩa và oán hận.



Tấm thân rày đã nhẹ nhàng,

Chút còn ân oán đôi đàng chưa xong.

(Truyện Kiều).



ÂN SƯ 恩 師

Ân: Ơn. : Thầy.

Ân sư chỉ thầy dạy học. Ngày xưa các sĩ tử gọi ông quan trưởng đã chấm cho mình đậu là ân sư.



Ân sư liên hữu có hai,

Môn sinh xin được một người là may.

(Lục Vân Tiên).



ÂN TỀ VƯƠNG

Hay “Ơn Tề Vương”. Tức là ơn của vua nước Tề.

Do tích Tề Tuyên Vương trông thấy người ta dắt trâu đi làm thịt để lấy máu bôi chuông, vua thấy động lòng thương trâu vô tội, bèn truyền lịnh bắt con vật khác giết thay trâu.

Bôi chuông nhớ thuở qua đường hạ,

Ân đội Tề vương bắt lại tha.

(Thơ Huỳnh Mẫn Đạt).



Không nhớ thuở bôi chuông đường hạ,

Ơn Tề Vương vô tội khiến tha.

(Lục Súc Tranh Công).



ÂN TRẠCH 恩 澤

Hay “Ơn trạch”.



Ân: Ơn. Trạch: Ân huệ, đem nước vào ruộng.

Ân trạch là ân huệ giúp cho người. Ân trạch ví như ơn huệ của vua ban cho thần dân như đem nước tưới thấm vào cây cỏ tươi tốt.



Hạ Phương ân trạch ngấm nhuần,

Một châu tiết việt hai lần thừa tuyên.

(Quốc Sử Diễn Ca).



ẤN RỒNG

Ấn: Con dấu. Rồng: Chỉ nhà vua.

Ấn rồng là con dấu của nhà vua, còn gọi là ngọc tỷ, thể hiện cái quyền hành của một vị vua.



Đem ấn rồng nạp tới long môn,

Cho Tạ thị đăng quang cửu ngũ,

(Nhạc Hoa Linh).




tải về 15.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   134




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương