Thiên vân quách văn hòa trong thi văn năM 2011 LỜi tựA



tải về 15.16 Mb.
trang14/134
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích15.16 Mb.
#30102
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   134

CAM LỘ 甘 露

Hay nước “Cam lồ”.

Tức Cam lộ thủy 甘 露 水, là nước sương ngọt, còn gọi là nước nhành dương, bởi vì nước Cam lộ là một thứ nước thiêng liêng được đựng trong cái Tịnh bình của Phật Quan Âm, và dùng nhành dương liễu nhúng vào nước Cam lộ rải vào người hay vật để trừ oan khiên, tiêu nghiệp chướng hay tiêu tai giải nạn.

1.- Cam lộ:



Khá từ bỏ xa dòng bể khổ,

Diệt trần tình Cam lộ tẩy nhơ.

(Kinh Thế Đạo).



Sông Tương đổ ngọc làm Cam lộ,

Ðảnh giáp trao châu cất Phụng lầu.

(Thiên Thai Kiến Diện).

2.- Cam lồ:

Am tự đóng chặt gài bước tục,

Nước Cam lồ cho phúc tiêu diêu.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Mượn nước Cam lồ lau tục trái,

Ðường Tiên nẻo Phật sớm đưa chơn.

(Đạo Sử).



CAM TUYỀN 甘 泉

Hay Cam Toàn là tên một cái ly cung đời nhà Tần, được xây dựng trên núi Cam Tuyền, tỉnh Thiểm Tây, gần Trường An hai trăm dặm.

Cung Cam tuyền lấy núi là tên, nó còn được gọi là Vân Dương Cung, hay Lâm Quang Cung.

Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt,

Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



CAM VŨ TÙNG XA 甘 雨 從 車

Bị hạn lâu ngày bỗng nhiên theo sau xe mưa lớn đổ xuống. Do tích: Tổng Trấn Từ Châu là Bách Lý Trung, một vị quan liêm chánh, có đức tính tốt. Trong hạt của ông bị hạn rất lâu ngày, dân tình khốn đốn, ông thương xót, ngồi xe đi phủ dụ. Nơi nào Lý Trung đi ngang qua liền có trận mưa lớn đổ xuống. Dân cảm ơn đức cho ông là vị quan tốt.

Nghĩa bóng: Chỉ vị quan có tài đức.

CAN CHI 干 支

Theo lịch số Đông phương, năm tháng ngày giờ đều do mười can, gọi mười Thiên Can (Thập Thiên Can) hiệp với mười hai chi, gọi là Thập Nhị Địa Chi.

Thập Thiên Can là: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỹ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.

Thập Nhi Chi gồm có: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.



Can chi đều ở trong tay.

Đã thông trời đất, lại hay việc người.

(Lục Vân Tiên).



CAN QUA 干 戈

Can là cái mộc, một loại binh khí làm bằng da để che thân. Qua là cây giáo hay cây mác.

Ngày xưa nơi nào có các loại binh khí như can qua là nơi đó có loạn lạc, giặc giả. Vì thế, hai chữ can qua được dùng để chỉ chiến tranh.

Dấn mình trong đám can qua.

Vào sinh ra tử họa là thấy nhau

(Truyện Kiều).



Xảy nghe quân ó vang dầy,

Bốn bề rừng bụi khắp bày can qua.

(Lục Vân Tiên).



Song ta vốn đã hàn vi,

Lại sinh ra gặp phải thì can qua.

(Gia Huấn Ca).



Thiên Tào Thánh ngự an ngôi,

Cầu cho dân chúng khỏi hồi can qua.

(Kinh Thế Đạo).



Tấn giả vô mưu an bá tánh,

Nể phu nan thoát nạn can qua.

(Đạo Sử).



CAN THÀNH 干 城

Can là cái mộc dùng để đỡ binh khí, thành là thành quách để ngăn giữ quân giặc. Can thành có nghĩa là chống giữ.

Kinh Thi có câu: Củ củ vũ phu, công hầu can thành 赳 赳 武 夫 公 侯 干 城, nghĩa là kẻ dũng sĩ uy vũ, làm cái mộc, cái thành cho bậc công hầu.

Can thành dùng để chỉ người có tài chống giặc, giữ nước.



Nghe rằng nước Tấn chinh đông,

Cầu người võ sĩ ra công can thành.

(Dương Từ Hà Mậu).



CAN TƯƠNG 干 將

Tên một cây bảo kiếm, cũng là tên một ông thợ rèn cây bảo kiếm ấy.

Nước Ngô có một thợ rèn, tên là Can Tương, có người vợ tên là Mạc Gia. Can Tương muốn rèn một cặp kiếm báu có công năng chém sắt như chém bùn. Ông rèn một loại sắt cứng, nấu mãi mà không chảy, ông bèn dùng tóc và móng tay của vợ là Mạc Gia, sắt liền chảy ra, rèn thành một cặp âm dương bảo kiếm. Cây dương lấy tên là Can Tương, cây âm lấy tên là Mạc Gia.

Trong lang miếu ra tài lương đống,

Ngoài biên thuỳ rạch mũi can tương.

(Thơ Nguyễn Công Trứ).



Ai muốn đem gươm báu Can tương,

chôn nơi ngoài ải.

(Văn Tế Trương Định).



CAN TRƯỜNG 肝 腸

Hay “Can tràng”.

Can trường là gan ruột, dùng để chỉ những người có khí phách anh hùng hoặc những tâm sự thầm kín từ trong gan ruột.

Chút riêng chọn đá thử vàng,

Biết đâu mà gởi can tràng vào đâu?

(Truyện Kiều).



Can trường sắt đá chẳng sờn,

Dấu thơm ghi để nước non sau này.

(Thơ Học Canh).



CÀN KHÔN 乾 坤

Tên hai quẻ trong Bát Quái.

Càn là dương, tượng cho trời hay người cha; khôn là âm, tượng cho đất hay người mẹ. Càn khôn dùng để chỉ Âm dương, trời đất hay cha mẹ.

Người quân tử, khách hồng nhan,

Càn khôn còn rộng, tạo đoan còn dài.

(Truyện Phan Trần).



Chưởng quyền cực lạc phân ngôi vị ,

Quản xuất càn khôn định cõi bờ.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Hạc reo bay khắp dạo cùng,

Càn Khôn Thế Giái cũng chung một bầu.

(Đạo Sử).



CÀN KHÔN PHÚ TẢI 乾 坤 覆 載

Càn khôn: Trời đất, cha mẹ. Phú Tải: Che chỡ, chỉ ơn bảo dưỡng.

Càn khôn phú tải là trời đất hay cha mẹ che chỡ. Nghĩa bóng: Chỉ ơn bảo dưỡng của trời đất hay cha mẹ.



Lăm đền “Mộc bổn thuỷ nguyên,

Dốc báo “Càn khôn phú tải

(Sãi Vãi).



CẠN DÒNG LÁ THẮM

Cạn dòng nước nơi ngự câu khiến lá thắm không trôi đi được, ý nói bặt tin tức nhau.

Do tích Vưu Hựu đời Đường, nhặt được chiếc lá nơi ngự câu có đề bài thơ. Vu Hựu cũng đề thơ vào một chiếc lá thả xuống ngòi trôi vào cung. Cung nữ họ Hàn nhặt được. Sau tình cờ Vu Hựu lấy được cung nữ họ Hàn, cùng đem chiếc lá có thơ đề, vẫn giữ cho nhau xem, mới biết rằng nhân duyên hai người do chiếc lá kia làm mối.

Thâm nghiêm kín cổng cao tường,

Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh.

(Truyện Kiều).



CANH ĐIỀN 耕 田

Canh điền là cày ruộng, do bài “Khang Cù” có câu: Canh điền nhi thực, tạc tỉnh nhi ẩm 耕 田 而 食 鑿 井 而 飲, nghĩa là cày ruộng mà ăn, đào giếng mà uống. Ý nói đời thái bình an lạc, sống tự tại an nhàn, nên tự cày ruộng mà ăn, tự đào giếng mà uống.

Xem: Tạc canh.

Ruộng nhiều quê tổ năm ba thủa,

Tạc tỉnh canh điền tự tại nhàn

(Quốc Âm Thi Tập).



Công Thần Nông hóa dân buổi trước,

Dạy khôn ngoan học chước canh điền.

(Kinh Thế Đạo).



CANH GÀ

Người xưa chia ban đêm làm năm canh, nên canh năm là trời sắp sáng.

Canh gà là tiếng dùng để chỉ khoảng thời gian về cuối nửa đêm đến gần sáng, khi gà vừa gáy báo sang canh. Xem: Canh lụn, canh tàn.

Gió đưa cành trúc la đà,

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ xương.

(Ca Dao).



Say sưa đòi thú lân la,

Giang thành đã gióng canh gà sang tư.

(Mai Đình Mộng Ký).



CANH LỤN

Một đêm chia làm năm canh. Canh lụn, tức là canh sắp tàn dần, ý nói đêm sắp hết, gần sáng.

Xem: Canh tàn.

Nào khi tựa bên màn canh lụn,

Nào khi ngồi ngó bóng Hằng nga.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CANH SẰN 耕 莘

Sằn là Hữu Sằn, một địa danh ngày xưa, nơi làm ruộng của ông Y Doãn, ngày nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Sau ông Y Doãn được vua Thành Thang mời ra giúp, dựng nên nghiệp nhà Thương.

Canh sằn chỉ việc ẩn dật của bậc hiền tài.

Sách Mạnh Tử có viết: Y Doãn canh ư Hữu Sằn chi dã 伊 尹 耕 於 有 莘 之 野, nghĩa là Ông Y Doãn cày ruộng ở đất Hữu Sằn.



Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất,

Hiêu hiêu nhiên điếu Vị canh Sằn.

(Thơ Nguyễn Công Trứ).



CANH TẠC 耕 鑿

Cũng như chữ “Canh điền 耕 田”, nói đến dân chúng hát bài “Khang Cù” để ca tụng đời thái bình tự làm ruộng mà ăn, tự đào giếng mà uống.

Xem: Canh điền.

Trên lọ phải vén quần vua Tống,

ra sức anh uy;

Dưới cũng vui vỗ bụng trời nghiêu,

dắng ca canh tạc.

(Ngã Ba Hạc Phú).



CANH TÀN 更 殘

Ngày xưa chia thời gian ban đêm ra làm năm canh, nên gọi là đêm năm canh.

Canh tàn có nghĩa là thời gian đã trôi qua gần hết năm canh, tức là trời bắt đầu sáng.

Đêm thâu khắc lậu canh tàn,

Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương.

(Truyện Kiều).



Trời khuya chưa rõ canh tàn lụn,

Não oán trí lo ruột nát bầm.

(Đạo Sử).



Chừ sao bướm cũ lìa huê,

Vườn thu vắng khách, ử ê canh tàn.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CANH THIẾP 庚 帖

Canh: Tuổi tác. Thiếp: Một tờ giấy trong đó ghi thiệp mời dự tiệc hay biên tên họ để xin yết kiến như danh thiếp.

Theo hôn lễ ngày xưa, khi nạp sính hai bên họ nhà trai, gái trao đổi tờ thiếp cho nhau, trong đó ghi lý lịch của đôi trai gái, gọi là canh thiếp.



Một lời thuyền đã êm giầm,

Hãy đưa canh thiếp trước cầm làm ghi.

(Truyện Kiều).



CANH THUẦN GỎI VƯỢC

Do tích Trương Hàn đời Tấn, đang làm quan ở Lạc Dương, nhân buổi gió thu bắt đầu thổi mà nhớ đến canh rau thuần, gỏi cá vược ở quê nhà, rồi bỏ quan trở về làng cũ.

Canh thuần gỏi vược dùng để chỉ lòng nhớ quê hương.

Xem: Rau thuần gỏi vược.



Canh thuần gỏi vược thú quê,

Nồng phương tiêu sái lạt bề công danh.

(Tư Dung Vãn).



CÁNH BẰNG

Hay “Cánh chim bằng”.

Cánh bằng, một loại chim bay cao và xa, chỉ sự tung hoành của người có chí lớn, nói về công danh. Nếu gặp gió nổi, tức là gặp được thời thuận lợi thì làm nên việc cả.

Sách Tề Hài của Trang Tử viết: Khi chim bằng dời sang biển nam, nước sóng sánh ba ngàn dặm. Nó liệng theo gió lốc mà bay lên là chín vạn dặm. Đi liền sáu tháng mới nghỉ.

1.- Cánh bằng:

Cánh bằng khi gặp gió xa,

Tung mây chưa biết lên đà đến đâu,

(Nhị Độ Mai).



Quyết lời dứt áo ra đi,

Cánh bằng tiện gió đã lìa dặm khơi.

(Truyện Kiều).

2.- Cánh chim bằng:

Gió hỡi gió phong trần ta đã chán,

Cánh chim bằng chín vạn những chờ mong.

(Thơ Tản Đàn).



CÁNH ĐIỆP

Điệp tức “Hồ điệp 蝴 蝶” là con bươm bướm.

Cánh điệp tức cánh bướm, chỉ giấc ngủ.

Do tích Trang Châu nằm ngủ chiêm bao thấy mình hoá ra bươm bướm.

Xem: Giấc bướm.

Thảo mà cánh điệp, lá đào,

Đi về Vu giáp, ra vào Vũ lăng.

(Mai Đình Mộng Ký).



CÁNH HỒNG

1.- Ví với người anh hùng có chí lớn như chim hồng hộc vỗ cánh bay cao.

Sử Ký chép: Trần Thiệp thời hàn vi đi cày thuê cho người ta, lúc ngồi nghỉ, nói với các bạn cày: Nếu được phú quý không bao giờ quên nhau. Những người cày khác cười mà nói: Nếu còn cày thuê thì làm sao giàu sang được? Trần Thiệp thở dài nói: Ta hồ, yến tước an tri hồng hộc chi chí tai 嗟 乎, 燕 雀 安 知 鴻 鵠 之 志 哉!, nghĩa là than ôi, loài chim én chim sẻ sao biết được chí chim hồng chim hộc.

Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,

Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.

(Truyện Kiều).

2.- Ví như tấm thân nhẹ nhàng uyển chuyển của người đàn bà đẹp.

Bài phú Tào Thực có câu: Phiên nhược kinh hồng, uyển nhược du long 翩 若 驚 鴻, 婉 若 游 龍, nghĩa là nhẹ nhàng bay vút như chim hồng khi kinh sợ, uyển chuyển như con rồng khi lượn chơi.



Ngọn triều non bạc trùng trùng,

Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo.

(Truyện Kiều).



CÁNH LÔNG

Bởi chữ “Mao dực 毛 翼” có nghĩa là lông và cánh, để chỉ sự thay đổi về bề thế, như thành ngữ “Thay lông đổi cánh”, hoặc “Cánh thêm lông”.

Cánh lông còn dùng để chỉ cái thế lực, quyền uy, hay vây cánh.

Dõi đời con cháu lâu xa,

Cánh lông đã lắm trảo nha đã nhiều.

(Thiên Nam Ngữ Lục).



CÁNH MÂY

Có hai nghĩa:

1.- Chỉ cánh cửa sổ:

Người ta hay đứng bên cửa sổ nhìn ra mây trời để trông tin tức, nên cánh cửa sổ gọi là cánh mây.



Song hồ nửa khép cánh mây,

Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông.

(Truyện Kiều).

2.- Chỉ tờ giấy viết thư:

Mây làm hoa văn trên giấy cho đẹp, dùng để viết thư từ.



Trong đình bốn báu sẵn sàng,

Cánh mây mới thảo, ngòi sương chửa rời.

(Mai Đình Mộng Ký).



CÁNH NHẠN VỀ NON

Cánh nhạn về non tức là đàn chim nhạn thấy trời sắp tối, lũ lượt bay về núi, ý muốn nói chim nhạn tìm về tổ ấm.



Chiều thu nhắc ủ ê cảnh hạn,

Nhấp nhô xem cánh nhạn về non.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



CÁNH PHƯỢNG

Phượng là loài chim quý, thường được dùng để ví với người con giống cha, có chí khí và tài giỏi.

Cánh phượng cũng như gót phượng, lông phượng, chỉ con cháu có tài đức, nối chí cha ông.

Xem: Lông phượng.



Ngán thay cánh phượng chân lân,

Đến phong trần cũng phong trần biết sao.

(Truyện Phan Trần).



CÀNH BÍCH

Cành bích tức là cành cây ngô đồng 梧 桐, một loại cây mà chim phượng hoàng thường hay đậu. Ví với nhà vua. Ca dao ta có câu: “Cây ngô, cành bích, con chim phượng hoàng nó đậu cao…

Thơ Đỗ Phủ có câu: Bích ngô thê lão phụng hoàng chi 碧 梧 棲 老 鳳 凰 枝, tức là cành ngô biếc là cành chim phượng hoàng đậu đã già rồi.

Xem: Ngô đồng.



Khi trận gió lung lay cành bích,

Nghe rì rào tiếng mách ngoài xa.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



CÀNH DIÊU ĐOÁ NGUỴ

Diêu Nguỵ 姚 魏 là hai họ đã tìm ra hoa mẫu đơn.

Họ Diêu đã tìm ra đầu tiên giống hoa mẫu đơn màu vàng, còn họ Nguỵ đã tìm ra được hoa mẫu đơn màu tím.

Xem: Diêu Nguỵ.



Xảy nhớ khi cành Diêu đoá Nguỵ,

Trước gió xuân vàng tía sánh nhau.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



CÀNH THIÊN HƯƠNG

Do câu thành ngữ trong Tình sử: “Thiên hương nhất chi 天 香 一 枝”, nghĩa là một cành thiên hương, dùng để chỉ người con gái đẹp.



Phận hồng nhan có mỏng manh,

Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương.

(Truyện Kiều).



CÀNH XUÂN NHUỴ NỞ

Cành xuân: Ví với con gái trẻ tuổi. Nhuỵ nở: Chỉ gái sinh con.

Cành xuân nhuỵ nở là nói người con gái trẻ tuổi sinh ra đứa con.



Kìa máu huyết, cành xuân nhụy nở,

Khối ái ân đành ở nơi con.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CẢNH BỒNG LAI

Tương truyên trong bể Bột hải có ba ngọn núi tên là Bồng lai, Phương trượng và Doanh châu, người tiên và thuốc tiên đều ở ba núi ấy, loài vật toàn sắc trắng, cung điện toàn làm bằng châu báu bạc vàng.

Cảnh Bồng lai tức là cảnh trên núi Bồng lai, ý nói cảnh tiên ở.

Xem: Bồng lai.



Thôi xếp cả nguyệt hoa, hoa nguyệt,

Cảnh Bồng lai trải biết gọi làm duyên.

(Thơ Tản Đà).



CẢNH PHẠM

Bởi chữ “Phạm cảnh 梵 境” tức là cảnh Phật, hay cảnh chùa.

Phạm do chữ Brahma là thanh tịnh, Phật. Cảnh phạm tức là cảnh Phật hay cảnh chùa.

Xem: Cõi Phạm.



Đã quen cảnh Phạm lánh mình,

Nên phương nhờ bởi đoạn tình ái yêu.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CẢNH TỈNH 警 醒

Cảnh: Đánh thức. Tỉnh: Thức dậy.

Cảnh tỉnh là đánh thức dậy. Nghĩa bóng: Đánh thức người thoát khỏi cảnh mê muội, sai lầm.



Hồi chuông cảnh tỉnh vang rừng Thánh,

Tiếng trống giác mê nhặt đỉnh Thần.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



CẢNH TỊNH

Bởi chữ “Tịnh cảnh 淨 境” là cảnh trong sạch và thanh tịnh.

Cảnh tịnh chỉ ngôi chùa hay cõi Tiên.

Ðâu bằng cảnh tịnh cõi Bồng Lai,

Thế thượng không ai biết giá nài.

(Đạo Sử).



Nương phướn Tây Thiên về cảnh tịnh,

Bỏ nơi phiền não chịu ai bi.

(Đạo Sử).



Bước cảnh tịnh đã đành để cẳng,

Tóc qui y nửa trắng nửa vàng.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Nơi cảnh tịnh âm thầm vui thú,

Đem tấm tình để ngụ đài sen.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CẢNH THIÊN

Bởi chữ “Thiên cảnh 天 境” là cõi Trời

Cảnh thiên là cõi Trời, theo Cao Đài, tức cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Xem: Thiên cảnh.



Cảnh Thiên noi bước Hóa Công,

Nắm phan Tiếp Dẫn vào vòng Như Lai.

(Kinh Thế Đạo).



Rẽ phân cốt nhục đồng bào,

Cảnh Thiên cõi tục lẽ nào không thương.

(Kinh Thế Đạo).



CẢNH TRÍ

Tức “Trí cảnh 智 境” là cảnh của những bậc đạt được sự sáng suốt, trí tuệ.

Cảnh trí là chỉ cõi sáng suốt, cõi của những người đắc Đạo, đó là cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống, hay cảnh Tiên.

Chàng dầu đặng thảnh thơi cảnh trí,

Hộ dâu con giữ kỹ nhơn luân.

(Kinh Thế Đạo).



Thuyền từ sông lệ buồm trương cánh,

Cảnh trí rừng thung khách lướt đường.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Lần gội tâm phàm vui cảnh trí,

Ðường trần lưu luyến nhọc tranh đua.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



CẠNH TRANH 競 爭

Cạnh: Tranh nhau. Tranh: Giành giựt.

Cạnh tranh là cố gắng giành phần hơn, phần thắng về mình giữa những người, những tổ chức hoạt động nhằm những lợi ích như nhau.



Tiếng đời hằng nói phước do lành,

Con chẳng biết tu cứ cạnh tranh.

(Đạo Sử).



CAO ĐÌNH 皋 亭

Cao đình là tên một cái núi ở Chiết Giang, nơi ngày xưa có nhiều bộ hành qua lại tấp nập, là chỗ tiễn đưa, chia biệt nhau.

Cổ thi có câu: Cao đình tương biệt xứ 睪 亭 相 別 處, nghĩa là chỗ tiễn biệt nhau ở Cao Đình.

Tiễn đưa một chén quan hà,

Xuân đình thoắt đã dạo ra cao đình.

(Truyện Kiều).



CAO ĐƯỜNG 高 堂

1.- Ngôi nhà cao, nhà trên dành cho cha mẹ ở, chỉ cha mẹ. Thơ Lý Bạch có câu: Bão kiếm từ cao đường 抱 劍 辭 高 堂, tức là ôm gươm từ giã cha mẹ.

Cao đường còn dùng để chỉ khách quý.

Chàng tuy vâng mệnh cao đường,

Nghĩa tình quỳnh ngọc chưa đường nào nguôi.

(Sơ Kính Tân Trang).

2.- Tên ngôi đền ở đầm Vân Mộng, chỉ trai gái ân ái với nhau.

Bởi tích vua Sở Tương Vương nằm mộng thấy chăn gối cùng Thần nữ ở đền Cao Đường núi Vu Sơn.

Xem: Vu Sơn.

Mộng hồn say giấc mây mưa,

Đá Vu Sơn tạc tiếng dư Cao Đường.

(Từ Thức).



Há rằng bán ngọc trao gương,

Năm năm Vu Giáp Cao Đường như ai.

(Tây Sương).



Lầu xanh thánh thót tiếng chuông truyền,

Tỉnh giấc Cao Đường lúc ngã nghiêng.

(Thơ Huỳnh Mẫn Đạt).



CAO LƯƠNG

Cao: Thịt mỡ. Lương: Kê, một loại cốc ngon.

Cao lương là tiếng dùng để chỉ thức ăn ngon của kẻ giàu sang, phú quý.



Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm,

Mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



Đã rằng dưa muối bả bô,

Lạp bình tương thuỷ, những đồ cao lương.

(Tư Dung Vãn).



CAO LƯƠNG MỸ VỊ 粱 美 味

Cao lương: Thịt béo, gạo ngon. Mỹ vị: Thức ăn ngon và quý.

Cao lương mỹ vị là gạo thơm thịt béo, nói chung là món ăn ngon và sang quý.



Cao lương mỹ vị hại thân phàm,

Hỏi thử thế đời mấy món tham?

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



CAO NIÊN 高 年

Cao niên là tuổi cao, dùng để chỉ các cụ già.

Hán Thư có câu: Vu hương lý phụng cao niên, cổ chi đạo dã 于 鄉 里 奉 高 年, 古 之 道 也, nghĩa là trong làng xóm tôn trọng người già cả, đó là đạo xưa nay.

Lần lần hè lại thu qua,

Hai ông thắm thoắt tuổi đà cao niên.

(Truyện Phan Trần).



CAO NGHĨA 高 義

Cao: Cao lớn. Nghĩa: Làm việc phải. Cao nghĩa tức làm việc nghĩa to lớn.

Sử Ký có câu: Cứu Triệu cao nghĩa, khước Tần binh hiển danh dã 救 趙 高 義, 卻 秦 兵 顯 名 也, cứu nước Triệu là nghĩa lớn, từ khước quân Tần là làm rõ rệt thanh danh vậy.



Tướng công dẫn sự dọc đường,

Gặp Lưu cao nghĩa, được nàng tốt đôi.

(Hoa Tiên Truyện).



CAO QUỲ 皋 夔

Tức là ông Cao Dao và ông Quỳ, là hai vị tôi thần giỏi của vua Thuấn.

Cao Dao 皋 陶 là vị quan coi về tư pháp và giáo dục. Còn ông Quỳ 夔 giữ chức quan lo việc điển nhạc.

Xem: Cao Dao và Tiết Quỳ.



Tượng vì trên chúa Đào Đường,

Dưới tôi lại có những trang Cao Quỳ.

(Hoài Nam Khúc).



Cho hay Thuấn đã qua kỳ,

Tài dầu chẳng sánh Cao Quỳ cũng dâng.

(Hoài Nam Khúc).



CAO SĨ 高 士

Cao là vượt trội hơn người. Sĩ là người có học thức và đạo đức. Vậy cao sĩ là người có học, có phẩm hạnh tốt, đạo đức hơn người.



Lão Lai Tử đời Chu, cao sĩ,

Thờ hai thân chẳng trễ ngọt bùi.

(Nhị Thập Tứ Hiếu).



CAO SƠN 高 山

Núi cao.


Cao Sơn là tên khúc nhạc do Bá Nha đàn, Chung Tử Kỳ nghe qua đoán biết được tâm ý của Bá Nha.

Xem Bá Nha Tử Kỳ.



Gió đưa nhẹ mái thuyền lan,

Điệu xoang lưu thuỷ cung đàn cao sơn.

(Lưu Nữ Tướng).



CAO VƯƠNG 高 王

Tức là Cao Biền 高 弁, người được tôn xưng là “Cao Vương”.

Cao Biền là tướng giỏi của nhà Đường, sang đánh nước ta, và sau được vua nhà Đường phong làm Tiết độ sứ cai trị Giao Châu, rất có uy tín, được dân ta tôn lên là Cao Vương.

Sau Kim ngưu chạy vào đây hoá vực,

Cao Vương đào chặn mạch Hoàng Đô.

(Tụng Cảnh Tây Hồ).



CAO XANH

Dịch từ chữ “Cao thương 高 蒼”, tức là vòm trời cao mà xanh, dùng để chỉ Tạo hoá, ông Trời.



Tuần hoàn lẽ ấy chẳng xa,

Chớ đem nông nỗi mà ngờ cao xanh.

(Nhị Độ Mai).



Bâng khuâng mình tiếc cho mình,

Xa xa nói với cao xanh giải lòng.

(Tự Tình Khúc).



Cao xanh nào có phụ chi con,

Mà chẳng giữ cho đức vẹn còn.

(Đạo Sử).




tải về 15.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   134




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương