Thiên vân quách văn hòa trong thi văn năM 2011 LỜi tựA



tải về 15.16 Mb.
trang13/134
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích15.16 Mb.
#30102
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   134

CA THANH THẢO

Hay “Thanh thảo ca 青 草 歌” tức là bài hát cỏ xanh. Trong Tam Quốc chí chép: Lúc Đổng Trác sắp bị giết, có mấy đứa trẻ chăn trâu hát rằng: Thiên lý thảo hà thanh thanh 千 里 草 何 青 青, nghĩa là cỏ nghìn dặm sao xanh xanh?



Mảnh áo tơi cày lớp xớp trong mưa,

ca thanh thảo quyến đàn trâu gã Nịnh.

(Tụng Cảnh Tây Hồ).



CÁ AO CHÁY THÀNH

Bởi câu “Thành môn thất hoả , họa cập trì ngư 城 門 失 火, 禍 及 池 魚”, nghĩa là lửa cháy cửa thành vạ lây đến cá dưới ao. Do hai điển tích:

1-.Cá trong ao.

Sách Lã Thị Xuân Thu chép: Tống Hoằng Tư Mã bị tội bỏ trốn đi, mang theo một hạt châu rất quý, vua cho người chạy theo hỏi hạt châu đâu rồi thì ông cho biết là ném xuống ao. Vua cho người tát cạn ao để tìm hạt châu. Hạt châu tìm chẳng thấy, nhưng cá bị khô nước mà chết.

2-.“Ương cập trì ngư” hoặc “Hoạ cập trì ngư”.

Ương cập: Tai hoạ dẫn đến. Trì ngư: Cá trong ao.

Sách Quảng Văn chép: Ngày xưa có người tên là Trì Trọng Ngư, gọi tắt là Trì Ngư, ở gần cửa thành. Khi thành bị hoả hoạn, làm cho Trì Ngư bị chết thiêu, nên ngạn ngữ Trung Hoa mới có câu: Cửa thành lửa cháy, hoạ đến cả Trì Ngư.

Hoặc có thể hiểu theo nghĩa: Thành bị hoả thiêu, người ta múc nước ao để chữa lửa, khiến nước bị cạn, cá trong ao vì thế phải chết theo.

Cá ao lệ nữa cháy thành,

Cũng nhiều cấp phải lánh mình cho hay.

(Truyện Trinh Thử).



Cá ao luỵ bởi lửa thành,

Mảng tìm vượn Sở hoạ banh cây rừng.

(Thơ Tương An Quận Vương).



CÁ CHẬU CHIM LỒNG

Cá chậu chim lồng tức là cá bị nhốt trong chậu, chim bị giam vào lồng, chỉ người bị giam giữ hay bị ràng buộc, không được thông thả.

Ca dao ta có câu: “Cá cắn câu biết đâu mà gỡ, chim vào lồng biết thuở nào ra”.

Một đời được mấy anh hùng,

Bõ chi cá chậu, chim lồng mà chơi!

(Truyện Kiều).



Hãm lương, Hồ những để rông,

Chắc rằng cá chậu chim lồng vội đâu.

(Hoa Tiên Truyện).



Mạnh yếu há ngồi cam chịu vậy,

Hay chi cá chậu với chim lồng.

(Đạo Sử).



CÁ CHẬU GÀ CHUỒNG.

Đồng nghĩa với “Cá chậu chim lồng”. Ý muốn nói người bị ràng buộc, thân bị giam giữ mất tự do, như cá rộng ở chậu, gà nhốt trong chuồng.

Xem: Cá chậu chim lồng.

Dân như cá chậu gà chuồng,

Tiếng oan trăm họ trêu buồn ngậm than.

(Đạo Sử).



CÁ CHÌM NHẠN SA

Theo Trang Tử, hai nàng Vương Tường và Lệ Cơ có một nhan sắc tuyệt trần, đến đổi nhạn thấy sắc đẹp đó cũng phải bay cao, cá thấy thì lặn sâu dưới nước.

Người ta dùng chữ “Cá chìm nhạn sa” để ca tụng sắc đẹp của phụ nữ.

Xem: Trầm ngư lạc nhạn.



Mỉa chiều nét ngọc làn hoa,

Cá chìm mặt nước, nhạn sa lưng trời.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



CÁ ĐI NHẠN LẠI

Cá nhạn do chữ “Ngư thư nhạn tín 魚 書 雁 信”, dùng để chỉ mối manh tin tức.

Cá kia chung chậu hơi quen ý nói vợ chồng chung sống, cùng chiếu cùng giường lâu ngày quen hơi.

Cá đi nhạn lại tin bay,

Đủ năm lễ đã đến ngày thừa long.

(Quan Âm Thị Kính).



CÁ KIA CHUNG CHẬU HƠI QUEN

Lấy ý từ câu ca dao “Chim quyên hái trái nhãn lồng, thia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”.

Cá kia chung chậu ví như vợ chồng chung sống, cùng chiếu cùng giường lâu ngày quen hơi.

Cá kia chung chậu hơi quen,

Ái ân đầm thấm bởi bền nghĩa nhân.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CÁ KÌNH LẶNG TĂM

Cá kình: Một loài cá hung tợn, chỉ bọn giặc cướp. Lặng tăm: Lặng lẽ tăm hơi.

Cá kình lặng tăm ý nói hết giặc giã, không còn bọn cướp giựt.



Cá kình im lặng tăm hơi,

Duyền Ngân rửa mác non Đoài treo cung.

(Truyện Phan Trần).


CÁ LẶN NHẠN SA

Như câu “Cá chìm nhạn sa” dùng để chỉ phụ nữ có một nhan sắc tuyệt trần, đến đổi cá thấy sắc đẹp đó thì lặn sâu dưới nước, chim nhạn thấy phải sa xuống.

Nghĩa bóng: Ca tụng sắc đẹp.

Xem: Cá chìm nhạn sa.



Chìm đáy nước lờ đờ lặn,

Lững da trời nhạn ngẩn ngơ sa.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



CÁ LỘI DIỀU BAY

Bởi chữ trong Kinh Thi: “Ngư dược diên phi 魚 躍 鳶 飛” tức là cá nhảy diều bay, dùng để chỉ sự thoả thích của loài chim trời cá nước để nói về sự tự do của người và muôn vật.



Chốn chiểu đài xem cá lội diều bay,

Thấu sĩ lộ nơi thông nơi trệ.

(Tụng Cảnh Tây Hồ).



CÁ NƯỚC

Bởi chữ “Ngư thuỷ 魚 水”. Cá và nước được ví vợ chồng yêu thương nhau, vua tôi tin cậy nhau.

1.- Vợ chồng yêu thương:

Kinh Thi có câu: Hạo hạo giả thuỷ, dục dục giả ngư, nghĩa là mênh mang kìa nước, nhởn nhơ kìa cá. Ý nói nhơn duyên vợ chồng tương đắc cùng nhau.



Những mong cá nước sum vầy,

Nào ngờ đôi ngả nước mây cách vời.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



Ví dù đây cũng như ai,

Ép tình cá nước phải nài nẫm chi.

(Truyện Trinh Thử).

2.- Vua tôi tương đắc:

Do điển: Khi Lưu Bị cùng Khổng Minh thân mật, thì Quan Công cùng Trương Phi không bằng lòng. Lưu Bị nói: Cô đắc Khổng Minh do ngư chi đắc thuỷ, nghĩa là ta có Khổng Minh như cá gặp nước.

Nghĩa bóng: Vua tôi tin cậy nhau.

Xem: Ngư thuỷ.



Chúa tôi cá nước duyên lành,

Ba giềng đạo cả nỡ đành phủi tay.

(Hứa Sử Tân Truyện).



Bao giờ cá nước gặp duyên,

Đặng cho con thảo phỉ nguyền tôi ngay.

(Lục Vân Tiên).



CÁ NƯỚC DUYÊN ƯA

Do câu “Ngư thuỷ duyên hài 魚 水 緣 諧”, cá nước có duyên hoà hợp nhau.

Cá nước duyên ưa ý nói vợ chồng đẹp duyên với nhau. Xem: Cá nước.

Cười rằng: Cá nước duyên ưa,

Nhớ lời nói những bao giờ hay không?

(Truyện Kiều).



CÁ NHẢY NHẠN SA

Cá nhảy nhạn sa là thành ngữ dùng để ca tụng sắc đẹp của người phụ nữ đến nổi cá dưới nước thấy phải nhảy lên, chim nhạn bay thấy phải sa xuống.

Đồng nghĩa với Cá lặn nhạn sa.

Cá nhảy nhạn sa mừng mặt phấn,

Đào phai liễu ủ thẹn quần hồng.

(Truyện Vương Tường).



Chiều cá nhảy vẻ nhạn sa,

Mặt long lanh nguyệt tóc rà rà mây.

(Sơ Kính Tân Trang).



CÁ NHẢY RỒNG BAY

Cá nhảy: Hằng năm vào tháng 7, mưa đổ xuống, cá sắp thành hàng nơi Võ môn, nhảy lên núi cao. Con nào nhảy được, tức là thi đỗ, được hoá thành rồng. Rồng bay: Rồng bay lên, chỉ sự mưa thuận gió hoà.

Cá nhảy rồng bay là một thành ngữ chỉ về sự đạt được sự mong ước.



Trải qua thủy tú, sơn kỳ,

Phỉ lòng cá nhảy, gặp thì rồng bay.

(Lục Vân Tiên).



CÁ VƯỢT VÕ MÔN

Võ môn tức là cửa Võ, một cái cửa do vua Võ đào để trị thuỷ. Hằng năm vào tháng 7, mưa đổ xuống, cá gáy sắp thành hàng, nhảy lên núi cao.

Cá vượt Võ môn tức cá vượt khỏi cửa Võ, được hoá thành rồng, ý chỉ sự thi đỗ.

Một phen cá vượt Võ môn,

Ba chàng cùng chiếm Khôi nguyên, Tú tài.

(Nữ Tú Tài).



Phận gái lấy được chồng khôn,

Xem bằng cá vượt Võ môn hoá rồng.

(Thanh Hoá Quan Phong).



CÁC ĐẰNG 閣 滕

Hay Đằng vương Các là cái toà lâu đài của Đằng Vương Lý Nguyên Anh, con của Đường Cao Tổ Lý Uyên, làm Thứ sử Hàng Châu. Đây là một công trình kiến trúc nổi tiếng đẹp đẽ, xây dựng bên cửa sông Chương Giang, quận Nam Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc.

Xem “Đằng Vương Các”.

Ngẫm cơ ghềnh Thái, các Đằng,

Hay đâu là chẳng xích thằng sẵn xe.

(Hoa Tiên Truyện).



Các Đằng nhờ gió đưa duyên,

Song hai gã ấy tài hiền ngang nhau.

(Nữ Tú Tài).



Thương nhé hồng nhan nguyền khéo lỗi,

Các Đằng nhờ gió những ai vay?

(Truyện Vương Tường).



May duyên gặp hội Long vân,

Thuyền thơ ngọn gió Các Đằng xuôi đưa.

(Kinh Thế Đạo).



CÁC HẠ 閣 下

Dưới lầu các.

Ngày xưa hàng phẩm tam công mới có lầu các, nên người thấp kém không dám tiếp xúc thẳng, mà chỉ nói ở dưới gác. Vì thế, trong văn thư gọi những bậc nầy, người ta thường dùng tiếng “Các hạ” để tôn xưng.

Ngày nay tiếng “các hạ” được dùng phổ biến hơn để tôn kính đối với người trên của mình.



Hoang mang tiếp túc tùy tòng,

Khẩn cấp tất lai các hạ.

(Nhạc Hoa Linh).



CÁC LÂN 閣 麟

Các lân là cái lầu cao trên đó có chạm hình con Kỳ lân, do vua Hán Tuyên Ðế lập nên để thờ 11 vị Khai quốc Công Thần của nhà Hán. Ðây là đài vinh quang của kẻ bề tôi, còn đối với người tu thì “Các lân” ý nói là nơi đắc đạo.

Xem: Gác lân.

Ví xưa biết chút đường tu niệm,

Thì chắc nay đà ngự các lân.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Sang như Tần Thỉ lúc đương hưng,

Chừng quá ba đời hết các lân.

(Đạo Sử).



CÁC LÊ 閣 梨

Gậy lê nơi lầu các.

Do tích Lưu Hướng đời Hán là vị quan coi về văn thư ở gác Thiên Lộc. Hằng đêm đều thấy một ông lão đầu bạc, tay cầm gậy bằng gỗ lê, đầu gậy sáng rực hào quang. Ông lão cho Lưu Hướng biết ông ấy là sao Thái Ất. Chính vì vậy, sau nầy từ “Các lê” được dùng để chỉ nơi đọc sách.

Bút son vâng mệnh đan đình,

Các lê lần giở sử xanh muôn đời.

(Quốc Sử Diễn Ca).



CÁCH CỰU ĐỈNH TÂN 革 舊 鼎 新

Bỏ cũ dựng mới.

Cách cựu là đổi mới. Đỉnh là một vật được đúc bằng kim loại dùng để nấu thức ăn cho các nhà quý hiển, cũng có nghĩa là làm cho mới. Vì thế, đỉnh tân là làm cho mới.

Đồng nghĩa với “Cách cố thành tân 革 故 成 新”, hoặc “Cách cố đỉnh tân 革 故 成 新”, nghĩa là thay cũ để đổi thành mới.



Sau toan cách cựu đỉnh tân,

Lại vầy lại hợp cho nhuần sớm khuya.

(Truyện Trinh Thử).



CÁCH GIÁNG 革 降

Cách: Bãi bỏ. Giáng: Rơi xuống.

Cách giáng là tiếng dùng để chỉ những quan lại lỗi lầm bị hạ chức, không cho giữ chức vụ cũ nữa.



Này là chồng lỡ công danh,

Nghe hơi cách giáng đã sanh phụ phàng.

(Huấn Nữ Ca).



CÁCH MẠNG 革 命

Hay “Cách mệnh”.

Ngày xưa vua chịu mệnh nơi Trời, nên thay đổi một vị vua khác được gọi là cách mạng.

Ngày nay chữ cách mạng được dùng với nghĩa rộng rãi hơn là thay đổi cái tệ thành cái tốt.

Ví dụ: Cách mạng kinh tế, cách mạng giáo dục, cách mạng văn học…

Liệu đứng dậy mở cờ cách mạng,

Thoát khỏi vòng nô lệ bấy nay.

May ra sống được là hay,

Chẳng may thác cũng là tay anh hùng.

(Thơ Lê Văn Huân).



CÁCH QUYỀN HỒI DÂN 革 權 回 民

Cách quyền: Bãi bỏ quyền hành. Hồi dân: Trở về với thường dân.

Cách quyền hồi dân là bị bãi bỏ quyền hành, tức là cách chức về làm thường dân.



Trần Đông Sơ với Lạc Thiên,

Vạ lây cũng phải cách quyền hồi dân.

(Nhị Độ Mai).



CÁCH TRỞ 隔 阻

Bị ngăn cách.

Do sự xa cách nhau và do việc gì hoặc vật gì ngăn cản không thể gần gũi nhau được gọi là cách trở.

Gạt châu mới kể sự tình,

Nỗi quê cách trở, nỗi mình truân chuyên.

(Truyện Phan Trần).



CÁCH VẬT TRÍ TRI 格 物 致 知

Cách vật: Tìm hiểu sự vật. Trí Tri: Đến sự biết.

Cách vật trí tri nghĩa là lấy cái lẽ sâu xa của sự vật mà suy ra cái trí thức cùng cực thì thấu đáo được tất cả.

Theo sách Đại Học, có cách vật mới trí tri, có trí tri mới thành ý, có thành ý mới chánh tâm…

Xem chữ Cách trí.



Nhiều bề cách vật trí tri

Tiếng muông chim lại hay suy nên lời.

(Truyện Trinh Thử).

Học cho cách vật trí tri,

Văn chương chữ nghĩa nghề gì cũng thông.

(Thanh Hoá Quan Phong).



Mình phải người cách vật trí tri,

Nhớ tình nghĩa trong khi lựa rể.

(Phương Tu Đại Đạo).



CÁI QUAY

Hay bánh xe quay là cái máy quây của Tạo hoá. Phật cho rằng chúng sanh ở trong thế giới, từ lúc sinh ra đến nay cứ bị quay vòng trong Lục đạo, hết kiếp này đến kiếp khác, như cái bánh xe quay mãi chẳng thôi. Đó gọi là Luân hồi sinh tử. Chỉ có kẻ tu hành đắc Đạo mới thoát khỏi luân hồi được.



Cái quay búng sẵn lên trời,

Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



CÁI QUAN 蓋 棺

Bởi câu “Cái quan luận định 蓋 棺 論 定” nghĩa là con người sau khi đậy nắp quan tài rồi thì mới biết được hay dỡ, tốt xấu của họ.

Truyện Lưu Nghị trong Tấn Thư có viết: Đại trượng phu cái quan sự phương định 大 丈 夫 蓋 棺 事 方 定, nghĩa là kẻ đại trượng phu đến khi đậy nắp quan tài mới biết sự nghiệp đến đâu.

Cái quan chỉ sự đánh giá con người sau khi chết.



Tuổi này rày đã cam tâm,

Cái quan ngày khác cười thầm cũng vui.

(Ngọc Kiều Lê).



CÁI THẾ 蓋 世

Cái: Che trùm. Thế: Đời.

Cái thế là tài năng hơn hẳn mọi người trong cõi thế gian, tức là suốt trong cõi đời không ai địch nổi. Do điển Hạng Võ có tiếng sức mạnh và võ nghệ cao cường hơn thiên hạ, không ai đương cự nổi, nên sách có câu: Lực bạt sơn hề, khí cái thế 力 拔 山 兮, 氣 蓋 世, nghĩa là sức nhổ núi hề, khí trùm đời.



Anh hùng cái thế phút đâu lở làng.

(Lục Vân Tiên).



Văn chương cái thế mãn đời còn,

Ðức hạnh vững bền sánh nước non.

(Đạo Sử).



CÀI TRÂM SỬA ÁO

Hay “Cài trâm sửa trấp”.

Cài trâm sửa áo hoặc “Cài trâm sửa trấp” đồng nghĩa với câu “Nâng khăn sửa túi”, tức là lo khăn lược, mũ áo cho chồng, ý chỉ bổn phận của người đàn bà thời xưa, lo lắng, săn sóc cho chồng.

Xem: Nâng khăn sửa túi.

1.- Cài trâm sửa áo:

Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng,

Mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông.

(Thơ Phan Văn Trị).

2.- Cài trâm sửa trấp:

Dầu cài trâm sửa trấp cũng nên xem,

Suy từ việc dạy thêm từ tiếng.

(Phương Tu Đại Đạo).


CẢI KIM

Hạt cải, cây kim.

Không phải chỉ có những vật đồng loại mới có sự tương cảm, mà cũng có những sự tương cảm của các vật khác loại, như hổ phách hút hạt cải, từ thạch dẫn kim loại.

Cải kim dùng để chỉ sự hoà hợp tìm đến với nhau, như tình duyên, tình vợ chồng.



Cũng là phận cải duyên kim,

Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao.

(Truyện Kiều).



Ai hay xem nghĩa hơn mình,

Nỗi mình bèo bọt tan tành cải kim.

(Hoa Tiên Truyện).



Cải kim đã vẹn mảnh gương thề,

Chẳng biết trọng mình để chúng chê.

(Đạo Sử).



CẢI NGUYÊN 改 元

Sửa lại nguyên niên.

Ngày xưa khi một vị vua lên ngôi bèn đặt niên hiệu mới cho mình gọi là nguyên niên.

Nếu vị vua sau kế thừa vua trước thì lấy năm sau của năm lên ngôi làm nguyên niên, không còn ghi niên hiệu của vua trước nữa, nên gọi là cải nguyên.

Ví dụ: Minh Mệnh lên ngôi năm Kỹ Mão thì lấy năm Canh Thìn là Minh Mệnh nguyên niên.

Vua Lê Thánh Tông lúc lên ngôi lấy hiệu là Quang Thiện, cai trị một thời gian rồi ông cải nguyên vào năm Canh Dần (1478), gọi là Hồng Đức nguyên niên.



Vạn Xuân mới đặt quốc danh,

Cải nguyên Thiên Đức, đô thành Long biên.

(Quốc Sử Diễn Ca).



Trường yên đầu dựng đô thành.

Cải nguyên là hiệu Thái bình từ đây.

(Quốc Sử Diễn Ca).



CẢI NHẬM 改 任

Cải: Thay đổi, sửa đổi. Nhậm: Gánh vác.

Cải nhậm là thay đổi để nhận lãnh một chức vụ khác, hay đổi đi làm việc nơi khác.



Kim thì cải nhậm Nam Bình,

Chàng Vương cũng cải nhậm thành Châu Dương.

(Truyện Kiều).



CẢI TIẾT BIẾN NGHÌ

Bởi chữ “Cải tiết biến nghĩa 改 節 變 義”.

Cải tiết biến nghì tức là thay đổi lòng trinh tiết, biến cải điều lễ nghĩa, ý nói thay lòng đổi dạ bỏ quên điều nhân nghĩa.

Chàng sao chưa tát sông mê,

Xui ai cải tiết biến nghì sao đang.

(Truyện Trinh Thử).



CẢI TÒNG MẪU TÍNH 改 從 母 姓

Cải tòng: Sửa đổi theo. Mẫu tính: Họ của mẹ.

Cải tòng mẫu tính là thay đổi theo họ mẹ.

Thời xưa, những người trong họ vua phạm tội nặng đều phải cải qua họ mẹ, ngụ ý rằng người của họ vua không làm bậy.

Truyền thu chức tước mạo bào,

Cải tòng mẫu tính ải Lao lưu hình.

(Hạnh Thục Ca).



CẢI TỬ HOÀN SANH 改 死 還 生

Hay “Cải tử huờn sanh”.

Người sắp chết mà được cứu sống trở lại.

Có hai nghĩa đen và nghĩa bóng.

Nghĩa đen: Anh ấy bị bệnh sắp chết, nhờ thuốc mà anh ấy được cải tử hoàn sanh.

Nghĩa bóng: Anh ấy nhờ ông thầy giáo hoá mà được cải tử hoàn sanh, nếu không thân sẽ bị tù tội.



Phép thiêng cải tử hoàn sanh,

Ở hiền may gặp lại lành đến đây.

(Nhị Độ Mai).



Nếu ai làm đặng chí thành,

Phật Trời cải tử huờn sanh, khó gì.

(Hứa Sử Tân Truyện).



CAY CHUA

Bởi chữ “Tân toan 莘 酸” là vị cay và vị chua.

Cay chua đồng nghĩa với chữ “Cay đắng”, dùng để chỉ sự gian nan, vất vả, hay khổ cực.

Xem: Cay đắng.



Hạnh tu đã chịu lắm cay chua,

Ðạo thế cho xong mới đến chùa.

(Đạo Sử).



CAY ĐẮNG

Bởi chữ “Tân khổ 莘 苦” là vị cay, vị đắng.

Vị cay, vị đắng là hai trong ngũ vị ăn vào khó khăn, gây khổ sở cho người chưa quen dùng, nên người ta thường dùng hai vị “Cay đắng” để chỉ sự khổ sở, gian nan hay vất vả.

Xem: Tân khổ.



Mùi tục lụy đường kia cay đắng,

Vui chi mà đeo đẳng trần duyên.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



Tình kiều tử, dạ phần hương,

cay đắng cũng phận thường nghĩ sao.

(Hoa Tiên Truyện).



Cay đắng lần soi gương trí huệ,

Chia phui chờ trải lối tang thương.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Thường ngày cay đắng phải âu lo,

Ðộ dẫn nhằm nơi phải gắng dò.

(Đạo Sử).



CÀY ĂN ĐÀO UỐNG

Bởi chữ “Canh thực tạc ẩm 耕 食 鑿 飲”, nghĩa là cày ruộng mà ăn, đào giếng mà uống, nói sống đời tự do, tự làm tự ăn trong cảnh thái bình thịnh trị.

Xem: Tạc tỉnh canh điền.

Cày ăn đào uống yên đòi phận,

Sự thế chẳng hay đã Hán Tần.

(Quốc Âm Thi Tập).



CÀY MÂY CÂU NGUYỆT

Bởi chữ “Canh vân điếu nguyệt 耕 雲 釣 月” tức là cày ruộng trong mây núi, câu dưới trăng.

Cày mây câu nguyệt dùng để nói cảnh thơ mộng, nhàn nhã, sinh hoạt thanh cao của người ẩn dật.

Nghiêm Lăng đã mấy đua bơi,

Cày mây câu nguyệt tả tơi áo cầu.

(Lục Vân Tiên)



CÀY MÂY CUỐC NGUYỆT

Lấy ý từ chữ “Canh vân điếu nguyệt 耕 雲 釣 月” tức là cày ruộng trong mây núi, câu dưới trăng.

Cày mây cuốc nguyệt dùng để nói cảnh sống thanh cao của người ẩn dật.

Xem: Cày mây câu nguyệt.



Thương vua Nghiêu áo vải quần gai;

Thương vua Thuấn cày mây cuốc nguyệt.

(Sãi Vãi).



Cày mây cuốc nguyệt gánh yên hà,

Nào của nào chăng phải của ta.

(Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm).



Cày mây cuốc nguyệt chờ Thang Võ,

Rằng biết cho dân chịu buộc ràng.

(Đạo Sử).



CÀY MƯA CUỐC GIÓ

Cày mưa: Cày dưới mưa. Cuốc gió: Cuốc trong gió. Cày mưa cuốc gió nghĩa là cày cuốc dưới cơn mưa gió, ý chỉ sự nhọc nhằn, vất vả của người nông dân.

Lại bàn đến việc nông dân,

Cày mưa cuốc gió chuyên cần công phu.

(Thanh Hoá Quan Phong).



CAM ĐƯỜNG 甘 棠

Tên một loại cây, còn gọi là đường lê.

Theo Kinh Thi: Ông Thiệu Bá là một vị quan đời nhà Chu, rất liêm cần, nhà cất dưới cây cam đường. Ông tuần hành các nước ở phương nam để phủ dụ và ban bố chính sách nhơn trị của vua Văn Vương, nên sau nầy người ta cảm ơn đức của Thiệu Bá thường hay quý cây đường lê và lấy làm tên của một thiên Kinh Thi để ca tụng ông. Thơ rằng: Tế phế cam đường, vật tiễn vật phạt, Thiệu Bá sở bạt 蔽 芾 甘 棠, 勿 翦 勿 伐. 紹 伯 所 苃, nghĩa là rườm rà cây cam đường chớ cắt chớ chặt, nơi Thiệu Bá nghỉ ngơi.

Tấc lòng xem bẵng mẹ cha,

Đọc ca mạch tuệ ngâm thơ cam đường.

(Nhị Độ Mai).



Cam đường bóng ngã tà tà,

Gió xuân quyến gót mưa hòa dặm khơi.

(Truyện Trinh Thử).



CAM KHỔ 甘 苦

Cam: Tự nguyện. Khổ: Cực nhọc, vất vả.

Cam khổ tức là tự nguyện chịu sự nhọc nhằn, lo lắng, vất vả.



Chém tre ngã gỗ trên ngàn,

Uống ăn cam khổ phàn nàn cùng ai.

(Thanh Hoá Quan Phong).



CAM LA 甘 羅

Cam La là người nước Tần, từ nhỏ rất thông minh, làm môn hạ của Lữ Bất Vi.

Lữ Bất Vi muốn giúp nước Yên, nên sai Trương Đường sang làm tướng. Trương Đường không chịu đi, Lữ Bất Vi phải nhờ Cam La thuyết phục, nên Trương Đường mới nhận lời.

Vua Tần biết Cam La là người tuổi trẻ tài cao nên ban cho năm mươi cổ xe, một trăm người theo hầu để đi sứ sang nước Triệu.

Cam La khuyên Triệu nên liên kết với Tần bằng cách cắt năm thành chia cho Tần để Tần tuyệt giao với Yên. Triệu nghe lời, dâng năm thành cho Tần. Vua Tần triệu Trương Đường về nước, không giúp cho nước Yên nữa.

Triệu biết Tần tuyệt giao với Yên, nên đem quân qua đánh nước nầy, lấy được ba mươi thành, chia cho Tần mười một, còn giữ lấy mười chín thành.

Nhờ công lao lớn, vua Tần mới phong cho Cam La là Thượng Khanh, là một vị quan trẻ nhất bấy giờ. Chẳng may, Cam La lại mất sớm.

Cam La sớm gặp cũng xinh,

Muộn mà Khương Tử cũng vinh một đời.

(Lục Vân Tiên).



Cam La trước trẻ đã công hầu,

Bảy chục Khương Công nhẫn nhấp câu.

(Đạo Sử).



Cam La sớm phận đã nên quan,

Mình thiệt thòi thôi cứ việc làng.

(Đạo Sử).



CAM LAI 甘 來

Do chữ “Khổ tận cam lai 苦 盡 甘 來”, nghĩa là hết đắng đến ngọt, ý muốn nói hết đời hết khổ đến sướng.

Nghĩa bóng: Hết suy tới thịnh.

Tẻ vui bởi tại lòng này,

Hay là khổ tận đến ngày cam lai?

(Truyện Kiều).




tải về 15.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   134




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương