Thiên vân quách văn hòa trong thi văn năM 2011 LỜi tựA



tải về 15.16 Mb.
trang11/134
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích15.16 Mb.
#30102
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   134

BÓNG NGÃ CÀNH DÂU

Như chữ “Bóng xế nhành dâu”.

Do chữ “Tang du 桑 榆” là cây dâu, tương truyền ở biển tây, mặt trời đến đó thì lặn, nên người ta dùng chữ này để chỉ cảnh mặt trời chiều và chỉ tuổi già gọi là “Tang du vãn ảnh 桑 榆 晚 影”, tức là bóng ngã cành dâu (Hay bóng xế nhành dâu).

Xem: Bóng dâu.

1.- Bóng ngã cành dâu:

Mẹ già bóng ngã cành dâu,

Phòng khi sốt mặt váng đầu cậy ai.

(Truyện Phan Trần).



Tà tà bóng ngả cành dâu,

Sớm khuya dưới gối ai hầu hạ thay?

(Quan Âm Thị Kính).

2.- Bóng xế nhành dâu:

Tuổi già bóng xế nhành dâu,

Sớm xem tối xét ai hầu cho cha.

(Lục Vân Tiên).



BÓNG NGỌC

Tức là bóng thỏ ngọc, chỉ bóng mặt trăng.

Giả Đảo có câu: Ngọc thố đàm để một 玉 兔 潭 底 沒, nghĩa là ngọc thỏ ở dưới đáy đầm lặn mất.

Hây hây gió vàng thông ải nhạn,

Làu làu bóng ngọc suốt nhà giao.

(Hồng Đức Quốc Âm).



Dưới trăng bóng ngọc còn nguyên,

Ôm bình, bao tóc sang hèn cũng cam.

(Kinh Thế Đạo).



BÓNG NGUYỆT

Nguyệt 月 là mặt trăng.

Bóng nguyệt tức là bóng mặt trăng.

Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,

Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây.

(Thơ Chu Mạnh Trinh).



Thử sánh ngọn đèn cùng bóng nguyệt,

Gió lay đèn tắt, nguyệt làu làu.

(Giới Tâm Kinh).



BÓNG Ô

Ô 烏 là chim quạ.

Bóng ô, như chữ bóng ác, là bóng con chim quạ, chỉ bóng mặt trời.

Một niềm dạ sắt in vầng thỏ,

Mấy lúc lòng vàng chỉ bóng ô.

(Truyện Trinh Thử).



BÓNG QUANG ÂM

Quang 光: Ánh sáng. Âm 陰: Bóng tối.

Bóng quang âm là bóng của ánh sáng và bóng tối, ở đây chỉ ngày đêm thay đổi với nhau, hay nói cách khác là thời gian trôi qua đi.



Việc sanh tử như dường chớp nháng,

Bóng quang âm ngày tháng dập dồn.

(Sám Hối Kinh)



Trời vừa xế bóng quang âm,

Phút đâu một trận mưa dầm tối tăm.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



BÓNG QUẾ

Bóng quế tức là bóng cây quế.

Tương truyền, Hằng Nga lén chồng là Hậu nghệ uống thuốc trường sanh của bà Tây Vương Mẫu, nên thành tiên bay lên sống trên mặt trăng có cây ngọc quế. Vì vậy, người ta thường gọi mặt trăng là “Bóng quế”, “Thềm quế”, “Điện quế”.

Nương song ngày tiếc mùi hương nhạt,

Nối chén đêm âu bóng quế tan.

(Bạch Vân Quốc Ngữ).



Quanh rường một bức khăn là rủ,

Treo nguyệt ba canh bóng quế cao.

(Truyện Vương Tường).



BÓNG SẮC

Bóng sắc là hình bóng và nhan sắc, tức chỉ chung sắc đẹp của người đàn bà, con gái.



Bởi ham bóng sắc hơn chì,

Mỹ nhân thấy dạng kể gì đến duyên.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Chẳng chịu chồng thương kẻ hơn mình,

Giận sao có dễ khinh bóng sắc.

(Phương Tu Đại Đạo).



BÓNG TANG DU

Bởi chữ “Nhật lạc tang du 日 落 桑 榆” là mặt trời lặn xuống ở gốc cây dâu cây du, có nghĩa là bóng nắng buổi chiều, ý chỉ cảnh già. Nhân đó, người ta nói cảnh tượng người già gần chết thì nói: “Tang du vãn ảnh 桑 榆 晚 境”.



Dư một kỷ yên bề vi thước,

Ngoài năm tuần thẹn bóng tang du.

(Tụng Cảnh Tây Hồ).



BÓNG THIỀM

Bởi chữ “Thiềm ảnh 蟾 影”, nghĩa là bóng của con thiềm thừ.

Do tích Hằng Nga sau khi trộm thuốc tiên của chồng là Hậu Nghệ, uống vào thành tiên lên ở cung trăng và hoá thành con thiềm thừ. Nên mặt trăng được gọi là “Bóng Thiềm” hay “Thiềm cung”, “Cung thiềm”.

Xem: Cung thiềm.



Phất phơ tơ liễu buông rèm,

Nửa sân lưu lệ bóng thiềm xế ngang.

(Hoa Tiên Truyện).



Chim về xao xác lá cây,

Rừng Đông đã thấy tròn xoay bóng thiềm.

(Mai Đình Mộng Ký).



BÓNG THỎ

Bởi chữ “Thố ảnh 兔 影”, tức là bóng con thỏ, chỉ mặt trăng.

Tương truyền, trên mặt trăng có một con thỏ bạch. Vì vậy, trong văn chương người ta thường dùng chữ “Bóng thỏ”, “Thỏ bạc”… để chỉ mặt trăng.

Chiều tịch mịch đã gầy bóng thỏ,

Vẻ tiêu tao lại võ hoa đèn.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



Mảng vui sào cạy, mái phê,

Doành Ngân bóng thỏ đã xê ngang đầu.

(Mai Đình Mộng Ký).



Bóng thỏ ven mây lồng đất trắng,

Gương thiềm đáy nước vẽ trời xanh.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



BÓNG THUNG

Hay “Bóng xuân”.



Bóng: Hình bóng. Thung (hay xuân): Một loại cây, chỉ người cha.

Bóng thung là hình bóng ông cha.

Xem: Thung đường.

Nghĩ mình bồ liễu phận thường,

Bóng thung lạnh lẽo hoa đường hiếm hoi.

(Ngọc Kiều Lê).



BỌT BÈO

Bọt bèo là bọt nước và cánh bèo.

Bọt nước thường trôi trên mặt nước, dễ bị tan vỡ. Bèo cũng là loại cây trôi nổi, lênh đênh trên mặt sông nước, không bến không bờ. Do đó, chữ bọt bèo dùng để chỉ sự lưu lạc không định nơi và không bền bỉ.

Sinh rằng: Chút phận bọt bèo,

Theo đòi vả cũng ít nhiều bút nghiên.

(Truyện Kiều).



BỌT GHỀNH SÓNG

Ghềnh là sông nhỏ.

Bọt ghềnh sóng là bọt nước nổi trên ngọn sóng ở ngoài ghềnh, chỉ sự trôi nổi, dễ tan vỡ như bọt nước linh đinh trên ngọn sóng.

Bọt ghềnh sóng, vờ mặt nước,

tựa thân người kiếp biến mờ mờ.

(Thập Giới Cô Hồn).



BỐ KINH 布 荊

Do thành ngữ “Bố quần kinh thoa 布 裙 荊 釵”, nghĩa là quần bằng vải bô, trâm cài đầu bằng gai, dùng để chỉ người vợ giản dị, hiền đức. Lấy điển tích nàng Mạnh Quang khi về nhà chồng lột bỏ hết đồ gấm lụa, trang sức quý giá để mặc áo vải bô, dùng gai làm thoa giắt tóc (Kinh thoa bố quần), rồi theo chồng làm việc.

Ngoài ra, các từ kinh nhơn, kinh phụ, sơn kinh, chuyết kinh cũng dùng để chỉ bà vợ.

Đã cho vào bậc bố kinh,

Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầụ

(Truyện Kiều).



Nếu gặp phước bố kinh đáng khách,

Biết yêu hoa dưới ngạch phòng thu.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Vì chàng thiếp kết bố kinh,

Giữ câu thệ hải sơn minh với nàng.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BỐ LIỆT TINH KỲ 布 列 旌 旗

Bố liệt: Phô bày có hàng lối. Tinh kỳ: Chỉ chung các loại cờ.

Bố liệt tinh kỳ là cờ xí bày ra có hàng lối khắp nơi.



Truyền chúng tướng chỉnh tu qua giáp,

Rao tam quân bố liệt tinh kỳ.

(Nhạc Hoa Linh).



BỐ THÍ 布 施

Rộng rãi giúp đỡ, trao tặng những vật chất và tinh thần của mình cho người, làm lợi ích người.

Có ba loại bố thí:

- Tài thí: Bố thí bằng tiền bạc, vật chất.

- Pháp thí: Bố thí bằng chánh pháp như thuyết pháp, truyền bá giáo lý, in ấn kinh sách.

- Vô uý thí: Bố thí bằng cách làm cho người ta hết sợ hãi, trấn an người.



Rạng giồi một tấm lòng son,

Của tiền bố thí, không còn so đo.

(Dương Từ Hà Mậu).



BỒ ĐỀ 菩 提

Một loại cây cao, to, lá bầu tròn, hạt dùng xỏ xâu làm chuỗi để niệm Phật. Lúc thành đạo, chính Đức Thích Ca Mâu Ni đã ngồi thiền dưới gốc cây Bồ đề nầy.

Bồ đề còn có nghĩa là tỉnh thức, giác ngộ.

Cửa bồ đề: Chỉ cửa Phật.



Cùng nhau nương cửa bồ đề.

Thảo am đó cũng gần kề chẳng xa.

(Truyện Kiều).



Ngán cho bên cõi bồ đề,

Phải đưòng ong bướm đi về đấy sao?

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



Kiếp tu đã nguyện bồ đề,

Lòng son bảy mối tóc thề mười phương.

(Truyện Phan Trần).



BỒ ĐỀ ĐẠT MA 菩 提 達 摩

Bồ Đề Đạt Ma còn gọi là Đạt Ma Đại Sư, một vị cao tăng Ấn Độ. Ngài là vị Tổ Sư thứ 28 sau Đức Phật Thích Ca của dòng thiền Ấn Độ và là Sơ Tổ của Thiền Tông Trung Hoa.

Ngài sang Trung Hoa đến chùa Thiếu Lâm, núi Tung Sơn tịnh tu. Ở đó Ngài ngồi thiền quay mặt vào vách (Diện bích) suốt chín năm liền. Về sau, Ngài truyền tâm ấn cho đệ tử là Huệ Khả làm Tổ Sư thứ hai của Tiền Tông Trung Hoa.

BỒ ĐOÀN 蒲 團

Một tấm chiếu hình tròn được kết bằng cỏ bồ, dùng để các nhà sư ngồi thiền hay quỳ lạy, lễ bái.

Âu Dương Chiêm có câu: Thảo tịch bồ đoàn bất tảo trần 草 席 蒲 團 不 掃 塵, nghĩa là chiếu cỏ bồ đoàn không quét bụi.

Bồ đoàn cạp góc lục lăng,

Mơ màng tràng hạt ngát lừng cà sa.

(Sơ Kính Tân Trang).



BỒ LIỄU 蒲 柳

Bồ liễu là một loại cây dương mọc bên bờ nước, còn có tên thuỷ dương. Thân cây bồ liễu có thể chất mềm yếu, nên người ta thường ví với thân người phụ nữ yếu đuối.

Cố Quân Thúc đời Tấn, cùng tuổi với vua Giản Văn Đế mà đầu bạc sớm, vua hỏi thì nói: Bồ liễu chi tư vọng thu nhi lạc 蒲 柳 之 姿 望 秋 而 落, tức là cái tư chất loài bồ liễu, hễ thấy mùa thu là rụng.

Xem: Liễu bồ.



Hồn còn mang nặng lời thề,

Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai.

(Truyện Kiều).



Gặp cơn thảo muội cơ trời,

Đem thân bồ liễu theo loài bồng tang.

(Quốc Sử Diễn Ca).



Nàng rằng: Bồ liễu chút thân,

Móc đường những lệ chúa xuân phải phiền.

(Hoa Tiên Truyện).



Nàng rằng: Bồ liễu phận thường,

Vì mang má phấn, nên vương tơ điều.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



BỒ LUÂN 蒲 輪

Bánh xe được vấn bằng cỏ bồ, cỏ lác để cho êm và tỏ ý tôn kính. Ngày xưa, khi vua đi rước hiền thần hay phái các quan đi phong thần sông, núi thì thường dùng xe bồ luân để đi cho êm và không nghiền hại cỏ cây.

Sử Ký chép: Cổ giả phong thiện, vi bồ luân xa, ố thương sơn chi thổ thạch, thảo mộc 古 者 封 禪, 為 蒲 輪 車, 惡 傷 山 之 土 石, 草 木, nghĩa là thời cổ khi vua đi phong thiện (Lễ phong Thần núi, Thần sông) thì dùng xe bồ để tránh thương tổn đến đất đá cây cỏ.

Xe bồ luân dù chưa gặp Thang Văn,

Phù thế giáo một vài câu thanh nghị.

(Thơ Nguyễn Công Trứ).



BỒ TÁT 菩 薩

Do chữ Phạn bodhi sattva, phiên âm Hán là Bồ Đề Tát Đoá, dịch nghĩa là giác hữu tình, hay giác ngộ chúng sinh.

Bồ Tát là bậc đã giác ngộ, nhưng không an hưởng Niết Bàn, mà lo cứu độ chúng sanh tự giác giác tha, tự độ độ tha.

Dốc theo Bồ Tát Như Lai,

Trước sau giữ một lòng trai chẳng mòn.

(Dương Từ Hà Mậu).



Thưa rằng: Làm phúc nào hơn,

Mở lòng Bồ Tát dẹp cơn lôi đình.

(Quan Âm Thị Kính).



BỒ TIÊN 蒲 鞭

Hay “Bồ tiên thị nhục 蒲 鞭示辱”.



Bồ tiên: Cây roi được kết bằng cỏ bồ. Thị nhục: Nêu lên để biết nhục.

Sách có câu: “Hán Lưu Khoan trách dân bồ tiên thọ nhục” 漢 劉 寬 責 民 蒲 鞭 受 辱, nghĩa là ông Lưu Khoan nhà Hán trị dân chỉ lấy roi bồ để làm nhục cho sửa lỗi mà thôi.

Theo Hán thư: Lưu Khoan là vị thái thú ở Nam Dương, tánh khoan dung, độ lượng và lại hay thương dân nghèo khổ. Mỗi khi trong hạt có người phạm lỗi, ông chỉ dùng roi bồ mà đánh, ý không muốn dân chịu hình phạt đau đớn, cốt để người chịu đòn nhục mà chừa lỗi.

Xem: Lưu Khoan.



Chủ huyện thanh liêm khéo dở trò,

Bồ tiên thì lại lấy vần bồ.

(Thơ Nguyễn Khuyến).



BỔ THIÊN 補 天

Vá trời.


Tương truyền bà Nữ Oa, con gái vua Phục Hy đời Thượng cổ thường luyện đá ngũ sắc để vá trời. Ý nói người có chí lớn, làm những việc to lớn, phi thường.

Xem: Vá trời.



Quyết ra tài dục nhật bổ thiên,

Nguyện hết sức trùng quang nghiệp thánh.

(Nhạc Hoa Linh).



BỘ HÀNH 步 行

Bộ: Bước. Hành: Đi.

Bộ hành tức là người đi chân, đi bộ. Tiếng dùng để chỉ người đi đường.



Hoàng hôn gác bóng chênh chênh,

Truyền tìm quán khách bộ hành nghỉ ngơi.

(Nhị Độ Mai).



BỘ HỔ 捕 虎

Bộ: Bắt. Hổ: Cọp.

Bộ hổ tức là bắt cọp, mà cọp thường được ví với bọn giặc cướp mạnh bạo, nên chữ “Bộ hổ” dùng để nói ra sức tiêu diệt bắt bọn giặc cướp.



Nào đợi ai đòi ai hỏi,

phen này ra sức đoạn kình.

Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi,

Chuyến này quyết ra tay bộ hổ.

(Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc)



BỐC PHƯỢNG 卜 鳳

Bốc: Bói quẻ. Phượng: Chim phụng.

Bốc phượng là bói quẻ phượng.

Tả truyện chép: Trần Trọng Kính chạy sang Tề, Tề Hầu cho làm quan Công chính. Đại phu họ Ý muốn gả con gái cho Kính Trọng, bói được một quẻ rằng: Phượng hoàng vu phi, hoà minh tương tương 鳳 凰 于 飛, 和 鳴 鑲 鑲 là quẻ rất tốt. vì thế, người ta mượn chữ “Bốc phượng” chỉ việc kết hôn.

Kìa như đông bích lân gia,

Kẻ đà bốc phượng, người đà mộng lan.

(Bần Nữ Thán).



BÔI CUNG XÀ ẢNH 杯 弓 蛇 影

Hình cây cung và bóng con rắn ở trong chén.

Do tích: Lạc Quảng đời nhà Tấn, có một người bạn đến nhà chơi Lạc Quảng mời uống rượu. Người bạn vừa bưng chén rượu, thấy trong chén có bóng con rắn, bèn bỏ về không dám uống. Về sau, anh ta nhớ lại chỉ do bóng cây cung treo trên vách chiếu xuống chén rượu mà thôi.

Nghĩa bóng: Việc nghi ngờ huyễn hoặc.



BÔI CHUÔNG

Bởi chữ “Hấn chung 釁 鐘” tức là lấy máu trâu bôi vào chuông.

Do tục lệ xưa, mỗi khi đúc xong một quả chuông thì giết trâu, lấy máu bôi vào chuông, lễ này người xưa gọi là “Hấn chung”.

Không nhớ thủa bôi chuông đường hạ,

Ơn Tề vương vô tội kiến tha.

(Lục Súc Tranh Công).



Bôi chuông nhớ thuở qua đường hạ,

Ân đội Tề vương bắt lại tha.

(Thơ Huỳnh Mẫn Đạt).



BỐI DIỆP 貝 葉

Bối: Một loại cây tên là “bối đa” mà người Ấn Độ xưa dùng để làm giấy viết chữ. Diệp: Lá cây.

Bối diệp là lá bối, một loại lá dùng làm giấy viết chữ, ý chỉ Kinh kệ.



Câu Kinh bối diệp câu thơ hoạ,

Giọt nước dương chi giọt lệ pha.

(Thơ Chu Mạnh Trinh).



BỒI CƠ 培 基

Bồi: Xây đắp. : Nền móng.

Nền móng là nền tảng của cái nhà, nên cất nhà phải bồi cơ, tức là xây đắp nền móng cho vững chắc.



Dầu đến việc làm đình làm chợ,

Cũng lấy dê trảm thảo bồi cơ

(Lục Súc Tranh Công).



BỘI HOÀN 佩 環

Bội: Mang, đeo. Hoàn: Ngọc.

Bội hoàn là thứ trang sức bằng ngọc dùng để đeo.

Ngày xưa người ta dùng các thứ ngọc chạm hoa văn để các người đàn bà sang quý đeo tăng thêm vẻ đẹp. Ngoài ra, dùng ngọc kết thành chuỗi để đeo, đều gọi là “Bội hoàn”.

Đêm hồng thuý thơm tho mùi xạ,

Bóng bội hoàn lấp ló trăng thanh.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



BỘI QUÂN PHẢN CHÚA 背 君 反 主

Bội quân: Xây lưng lại, không nghĩ đến ơn của vua. Phản chúa: Phản nghịch với vua chúa.

Bội quân phản chúa là phản bội lại với ơn của vua chúa mình.



Bây thiệt loài hồ lỗ man di,

Xui cho mỗ bội quân phản chúa.

(Nhạc Hoa Linh).



BỘI ƯỚC HỒNG CÂU

Khi Hán Cao Tổ còn đánh nhau với Sở Bá Vương Hạng Võ đã lấy sông Hồng Câu làm giới hạn để giảng hòa. Nhưng Trương Lương vì căm thù Hạng Vương giết vua nước Hàn, nên xúi Hán Cao Tổ bội ước.

Xem: Mưu Bác Lãng.

Vì giận không thành mưu Bác Lãng,

Nên đành phải bội ước Hồng Câu.

(Thơ Lê Quý Đôn).



BÔN BA 奔 波

Bôn: Chạy. Ba: Sóng.

Hình ảnh sóng nước chảy dập dồn dùng để chỉ người đi chỗ nầy đến chỗ nọ một cách khổ sở, vất vả.

Bôn ba còn có nghĩa là công việc không hở tay.

Đi vừa một dặm xa xa,

Phút nghe ông quán bôn ba theo cùng.

(Lục Vân Tiên).



BÔN ĐÀO 奔 逃

Bôn: Chạy. Đào: Trốn.

Bôn đào là chạy trốn.



Khóc than rền rĩ tâu rằng:

Khâu Khôi hôm nọ tự dưng bôn đào.

(Nhị Độ Mai).



BÔN HÀNH 奔 行

Bôn: Chạy. Hành: Đi.

Bôn hành là ra đi một cách vội vả, đi như chạy.



Phi tinh đái nguyệt mang mang khứ.

Vạn lý bôn hành đáo Giới quan.

(Nhạc Hoa Linh).



Trở về nhựt dạ bôn hành,

Thân thầy khổ não, chẳng thành thời thôi.

(Tội Vợ, Vợ Chịu).



BÔN TANG 奔 喪

Ở nơi xa nghe người nhà chết thình lình, phải về vội vã để chịu tang, gọi là bôn tang.



Trong mình không cánh không vi,

Lấy chi tếch dặm, lấy gì bôn tang.

(Lục Vân Tiên).



BÔN TRÌ 奔 馳

Bôn: Chạy. Trì: Chạy đến.

Bôn trì là chạy đến một cách vội vả.



Có quan Tổng đốc Bắc kỳ,

Tên là Thủ Độ bôn trì vào kinh.

(Hạnh Thục Ca).



Ải quan cách dặm bôn trì,

Ẩn thân thôn xá đợi thì cứu an.

(Nhạc Hoa Linh).



BỐN ÂN

Bởi chữ “Tứ ân 四 恩” hay “Tứ trọng ân 四 重 恩”.

Theo Phật giáo, bốn ân là bốn mối ơn mà người Phật tử phải đền đáp, báo ơn. Bốn ân đó là: 1/ Ân cha mẹ, ông bà, tổ tiên; 2/ Ân quốc gia, xã hội, quê hương, đất nước; 3/ Ân tam bảo; 4/ Ân chúng sanh, đồng bào, đồng loại.

Một thuyết khác cho bốn ân đó là: 1/ Ân cha mẹ; 2/ Ân quốc gia, xã hội; 3/ Ân sư trưởng, thầy tổ; 4/ Ân thí chủ.



Ắt là chứng quả hiện tiền,

Thong dong muôn kiếp, vẹn đền bốn ân.

(Hứa Sử Tân Truyện).



BỐN BÁU

Bởi chữ “Tứ bảo 四 寶” là bốn báu, tức là bốn vật quý của học trò hay nhà văn, đó là giấy, bút, nghiên (mực) và mực, còn gọi là “Văn phòng tứ bảo”.



Trung đình bốn báu sẵn sàng,

Cánh mây mới thảo ngòi sương chửa rời.

(Mai Đình Mộng Ký).



BỐN BỂ NĂM HỒ

Hay “Bốn biển năm hồ”.

Bởi chữ “Tứ hải ngũ hồ 四 海 五 湖” , như chữ “Năm châu bốn biển” dùng để nói khắp mọi nơi khắp thế giới.

Xem: Tứ hải ngũ hồ.



Dọc ngang bốn bể, năm hồ,

Khắp trong ba cõi chín châu mặc dầu.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



Duyên đằng thuận gió đã êm thuyền,

Bốn biển năm hồ đã đậu yên.

(Đạo Sử).



Trai bốn biển năm hồ là xứ,

Rõ dạy khôn cư xử cùng đời.

(Phương Tu Đại Đạo).



BỐN DÂN

Bởi chữ “Tứ dân 四 民” là bốn hạng dân trong xã hội ngày xưa, đó là sĩ tức người đi học, nông người làm ruộng, công người làm thợ và thương người buôn bán.

Xem: Tứ dân.

Bốn dân nghiệp có cao cùng thấp,

Đều hết làm tôi thánh thượng hoàng.

(Quốc Âm Thi Tập).



Gặp đời hải yến hà thanh,

Bốn dân trăm họ gặp vành ấm no.

(Thanh Hoá Quan Phong).



Trà đình, tửu tứ, chớ thân,

Sĩ nông công cổ, bốn dân tập rèn.

(Huấn Nữ Ca).



BỐN ĐỨC

Bởi chữ “Tứ đức 四 德” là bốn đức hạnh của người phụ nữ ngày xưa phải gìn giữ. Đó là công, dung, ngôn, hạnh. Xem: Tứ đức.



Tánh khí hiền lành, nết na vẹn vẻ,

Bốn đức lòng gìn, năm hằng dạ để.

(Tử Tế Mẫu Văn).



BỐN HAY

Bốn điều hay biết, ý muốn nói việc làm mờ ám vẫn có người hay biết.

Do Dương Chấn người đời Hán nói với Ông Vương Mật rằng: Không có việc gì thầm lén được, bởi vì có bốn điều hay biết: “Sáng thì có trời hay biết, tối thì có thần soi biết, trong có ta biết, ngoài có ông biết”.

Xem: Tứ tri.



Dương Quan Tây còn sợ có bốn hay,

Khổng Phu Tử những dạy ba điều sợ.

(Sãi Vãi).



BỐN LÃO THƯƠNG SƠN

Tức “Thương sơn tứ hạo 蒼 山 四 皓”.

Đời nhà Tấn có bốn người vào núi Thương Sơn tránh loạn là Đông Viên Công, Lộc Lý Tiên Sinh, Ỷ Lý Quý và Hạ Hoàng Công.

Xem: Thương Lãnh tứ hạo.



Thà như bốn lão Thương Sơn,

Hồng bay phụng lánh, ai ràng buộc đâu.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



BỐN NGÀN NĂM

Đó là khoảng thời gian kể từ ngày lập quốc của nước Việt Nam.

Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, nước Việt Nam về đời Hồng Bàng, gọi là Văn Lang 文 郎, lập quốc vào năm 2897 trước Tây lịch, trải đến ngày nay thì hơn 4000 năm dựng nước và thay đổi nhiều quốc hiệu, đến đời vua Gia long thống nhất được cả Nam Bắc (1802), lấy lẽ rằng Nam là An Nam 安 南, Việt là Việt Thường 越 裳, nên mới đặt quốc hiệu là Việt Nam.

Dân hăm lăm triệu bơ sờ đất,

Nước bốn nghìn năm quạnh quẽ trời.

(Thơ Huỳnh Thúc Kháng).



Bốn ngàn năm quốc gia đã lập,

Cõi Nam Châu bồi đắp giang sơn.

(Kinh Thế Đạo).



Giang san bốn ngàn năm tổ nghiệp,

Văn hóa so cũng kịp tha bang.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BỒNG CHÂU 蓬 洲

Bởi hai chữ “Bồng Lai 蓬 萊” và “Doanh Châu 瀛 洲” ghép lại để chỉ cõi Tiên.

Xem: Hai chữ Bồng Doanh.

Non sông đã trót lời thề,

Hai người một phút hóa về Bồng Châu.

(Quốc Sử Diễn Ca).



BỒNG DOANH 蓬 瀛

Hay “Bồng Dinh”.

Cũng như chữ Bồng Châu, do hai từ Bồng Lai và Doanh Châu là hai hòn núi ở biển Bột Hải ghép lại với nhau, để chỉ cõi Tiên.

Ở trong bể Bột hải tục truyền có ba núi tên là Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu, người tiên và thuốc tiên đều ở ba núi ấy, loài vật toàn sắc trắng, cung điện toàn làm bằng châu báu bạc vàng.



Tưởng mình lạc lối nguồn Đào,

Khi ra Động khẩu, khi vào Bồng Doanh.

(Mai Đình Mộng Ký).



Ơn nhờ hồng phước Chí Linh,

Lôi Âm tự toại, Bồng Dinh hưởng nhàn.

(Kinh Tận Độ).



BỒNG ĐẢO 蓬 島

Một hòn đảo ở biển Bột Hải, trên có núi Bồng Lai, nơi ở của các tiên,

Xem chữ: “Bồng Lai”.

Ngỡ là bể Doanh Châu, non Bồng đảo,

mình được hóa tiên,

Chẳng cốc quê hoàng nhưỡng, núi Bắc mang,

thân đà nên quỷ.

(Thập Giới Cô Hồn).



Chốn ấy thanh nhàn được thú,

Lọ là Bồng đảo mới là tiên.

(Bạch Vân Quốc Ngữ)



Theo buổi trước ngự đèo Bồng đảo,

Theo buổi sau ngự nẻo sông Ngân.

(Ai Tư Vãn).



Gìn lòng tu niệm cho bền chí,

Bồng đảo ngày nay đặng hiệp vầy.

(Đạo Sử).




tải về 15.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   134




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương