Thiên vân quách văn hòa trong thi văn năM 2011 LỜi tựA



tải về 15.16 Mb.
trang10/134
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích15.16 Mb.
#30102
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   134

BIẾN CHUYỂN 變 轉

Biến: Thay đổi. Chuyển: Lay động từ chỗ này đến nơi khác.

Biến chuyển là thay đổi, tức là biến đổi sang một trạng thái khác.



Biến chuyển Trời Nam cuộc đảo huyền,

Trả vay cho sạch vết oan khiên.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



BIỀN MÂU 弁 矛

Biền: Cái mũ, thuộc về quan võ. Mâu: Một loại khí giới cán dài mũi nhọn.

Biền mâu chỉ các loại khí giới, thuộc về quan võ.



Sông Thù luống những khát khao,

Rắp đem hàn mặc buộc vào biền mâu.

(Hoa Tiên Truyện).



BIỂN KỲ 扁 旗

Biển: Tấm biển, khuôn biển. Kỳ: Cờ xí.

Biển kỳ là tấm biển và lá cờ, là đồ nghi thức trong quân đội, dùng làm biểu hiệu khi đi đường hay đóng quân tại nơi nào đó.



Đồ hiếu sự vẻ quân dung,

Sông lồng giới trượng gió tung biển kỳ.

(Nhị Độ Mai).



BIỂN THƯỚC 扁 鵲

Tên một danh y thời thượng cổ.

Tương truyền vào đời vua Hiên Viên, Huỳnh Đế, Biển Thước là một thầy thuốc giỏi, nổi tiếng thời bấy giờ, có thể cải tử hoàn sinh, được người đương thời tặng cho hiệu là Thước Vương.

Như ông Biển Thước nhà ta,

Tám mươi mốt quyển gọi là Nạn kinh.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



Tìm thầy Biển Thước lập phương,

Mã đề, quy bản, sà sàng, lộc nhung.

(Truyện Trinh Thử).



Ma đừng chữa thuốc đừng tra,

Thầy non Biển Thước, sư già Lão Quân.

(Sơ Kính Tân Trang).



Lúc ốm đau điều dưỡng cũng thần,

Trị bịnh đến Biển Thước, Hoa Đà khôn dọ.

(Phú Thuốc Phiện).



BIỆN HOÀ 卞 和

Biện Hoà là người thợ ngọc ở nước Sở, lấy được một hòm đá ngọc ở núi Kinh đem dâng cho vua Sở. Vua sai thợ ngọc thử, bảo là đá, Hoà bị tội chặt chân. Hoà đem dâng cho một vị vua khác, lại bị chặt chân nữa. Đến đời Sở Văn Vương, anh ta ngồi ôm ngọc khóc suốt ba ngày đêm, vua Sở nghe nói sai người đến hỏi, anh đáp: Tôi khóc không phải vì bị chặt chân, mà khóc vì ngọc quý mà bảo là ngọc giả, người thật thà mà bảo là dối trá.

Mãi sau mới khám phá ra được là ngọc ở trong đá, giá quý không biết bao nhiêu mà kể, người đời mới đặt tên “Ngọc bích họ Hoà”. Ngọc ấy về tay nước Triệu. Vua Tần xin đem mười lăm thành để đánh đổi, nên còn gọi là “Ngọc liên thành”.

Mã Long tuấn gặp chàng Bá Nhạc,

Ngọc Kinh Sơn gặp được Biện Hoà.

(Bần Nữ Thán).



Thương nhẫn Biện Hoà ngồi ấp ngọc,

Đúc nên Nhan Tử tiếc chi vàng.

(Thơ Nguyễn Trãi).



BIỆN OAN 辯 冤

Biện: Biện luận để cho rõ phải trái. Oan: Nghi ngờ người không vi phạm.

Biện oan tức là tranh luận với nhau để giải toả những oan khúc.



Than rằng thung cỗi huyên già,

Thiên lao biết có bao giờ biện oan.

(Nhị Độ Mai).



BIỆN TUYỆT HUYỀN 辨 絕 絃

Nghe đàn phân biệt được dây đàn đứt.

Do tích nàng Thái Văn Cơ mới 7 tuổi đã biết âm thanh tiếng đàn và phân biệt được dây đàn nào bị đứt.

Một đêm, cha là Thái Ung ngồi khảy đàn cầm, dây đàn bị đứt, Văn Cơ nối dây thứ hai. Thái Ung cố tình làm đứt dây nữa, rồi hỏi. Văn Cơ nói: Dây đàn thứ tư. Thái Ung nói: Tình cờ đoán trúng vậy thôi. Thái Văn Cơ nói: Ông Quý Trát nghe nhạc mà biết nước thịnh suy, ông Sư Khoáng thổi sáo luật mà biết gió nam không đua với gió bắc. Nghe âm thanh trong tiếng đàn có gì mà không biết.



BIẾT THỜI

Đời Chiến Quốc có Tôn Thúc Ngao, một tôi thần của Sở Trang Vương là người thức thời và hiểu rộng.

Lúc gần chết, ông bảo con là Tôn An đến bên giường mà trối rằng: Con là người không có tài thì đừng thọ phẩm tước. Nếu như nhà vua thương tình phong ấp cho thì con xin nhận đất Tẩm Kỳ, vì đất ấy xấu không ai thèm để ý đến, nên con nhận thì chẳng ai giành giựt, như vậy con sẽ ở yên trọn đời nơi đó.

Tôn An là người con hiếu, nghe lời cha dạy bảo, cho nên suốt đời ở yên đất Tẩm Kỳ mà không bị ai giành giựt cả.



BIỆT LY 別 離

Biệt: Chia ra, riêng biệt. Ly: Lìa.

Biệt ly là từ giã để lên đường, hai người đành phải chia lìa, xa cách nhau.



Ve kêu hạ như dường trêu thảm,

Mưa sầu tuôn mấy dặm biệt ly.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BIỂU VĂN 表 文

Biểu: Bản văn dâng lên vua. Văn: Bản văn.

Biểu văn là tờ biểu của bề tôi dâng lên vua. Đồng nghĩa với biểu chương.



Tả biểu văn hồi tấu cửu trùng,

Ra sức mọn tảo thanh hồ lỗ.

(Nhạc Hoa Linh).



BINH CÁCH 兵 革

Binh: Quân lính. Cách: Áo giáp bằng da thú.

Binh cách là tiếng dùng để chỉ binh khí và áo giáp.

Nghĩa bóng: Chỉ giặc giã.

Quốc bộ gặp đương cơn binh cách,

Phép nhung bào từng lắm trận uy linh.

(Văn Tế Tướng Sĩ).



BINH CỨU VIỆN 兵 救 援

Binh: Quân linh. Cứu viện: Cứu giúp đội quân đang lúc nguy nan.

Binh cứu viện tức là tăng cường thêm binh lính để đi cứu giúp quân đang bị nạn.



Hoa Linh nay hồi tấu biểu chương,

Hồi triều nội xin binh cứu viện.

(Nhạc Hoa Linh).



BINH ĐAO 兵 刀

Binh: Quân binh. Đao: Gươm giáo. Binh đao tức là binh lính và đao kiếm.

Nghĩa bóng: Chỉ cảnh chiến tranh, giặc giả.



Ải xa mấy trận binh đao,

Truy quân quá đất lầm vào thành không.

(Hoa Tiên Truyện).



Quần xoa đỡ ngọn binh đao,

Xây hình thục nữ giặm màu nước non.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BINH NHUNG 兵 戎

Binh: Quân lính. Nhung: Chỉ binh khí, quân lính.

Binh nhung là tiếng dùng để chỉ về binh lính và khí giới.

Nghĩa bóng: Quân lính.

Phút đâu giặc mọi làm hung,

Lung lăng nết dữ binh nhung dấy loàn.

(Lục Vân Tiên).



Phen này động việc binh nhung,

Cũng vì Lư Kỷ, Hoàng Tung hai người.

(Nhị Độ Mai).



Ngoài khua tiếng giặc trong khua nịnh,

Võ thiếu binh nhung quốc thiếu cờ.

(Đạo Sử).



BINH TÌNH 兵 情

Binh: Quân lính. Tình: Tình hình.

Binh tình tức là tình hình binh lính hay có thể hiểu tình hình của chiến tranh.



Đêm khuya lét thấy binh tình,

Ngọn cờ ngơ ngác, trống canh trễ tràng.

(Hoa Tiên Truyện).



BINH THƯ 兵 書

Hay “Binh thơ”.



Binh: Quân lính, thuộc về chiến tranh. Thư: Sách.

Binh thư hay binh thơ là sách viết về trận pháp, tức cách dùng binh.



Về đông hết kế Tử Phòng,

Đoạt binh thơ chẳng Trương Tòng mưu mô.

(Ngụ Đời).



BÍNH NGỌC TƯƠNG NHƯ 柄 玉 相 如

Bính ngọc: Cầm giữ ngọc. Tương Như: Lạn Tương Như, một nhân vật đời Chiến Quốc.

Lạn Tương Như, người nước Triệu đời Chiến Quốc, làm xá nhân cho viên Thái giám trưởng là Mậu Hiền. Vua Tần hứa đem mười lăm thành để đổi viên ngọc họ Hoà của nước Triệu. Lạn Tương Như được Thái giám Mậu Hiền tiến dẫn để đem ngọc bích đi đổi mười lăm thành của Tần.

Vua Tần nhận ngọc nhưng không có ý giao thành, Tương Như đánh lừa lấy lại được ngọc bích đem về trả cho Triệu. Nhờ thế, Lạn Tương Như được thăng chức Thượng khanh.

Bính ngọc Tương Như mấy được dành,

Chưa ra giá đáng xót oai danh.

(Đạo Sử).



BÌNH BÁT

Một thứ dụng cụ của người tu theo Phật, để đựng vật thực của thí chủ cúng dường cho.

Trước kia bình bát làm bằng vỏ trái cây phơi khô hoặc bằng đất. Hiện nay, bình bát thường được làm bằng thau hoặc đồng.

Người tu theo phái khất sĩ rất trọng bình bát, bởi hằng ngày đều bưng bình bát đi hành khất.



Món ăn tinh sạch báu mầu,

Đựng trong bình bát vọng cầu kính dâng.

(Phật Nói Vu Lan).



Thiếu bình thiếu bát,

Thiếu đậu thiếu tương.

(Sãi Vãi).



BÌNH BỒNG 萍 蓬

Bình: Cây bèo. Bồng: Cỏ bồng.

Bèo là một loại cây trôi lênh đênh trên mặt nước, không có chỗ nhứt định. Cỏ bồng mỗi khi có gió thổi, bay đi đây đi đó, chẳng biết dừng lại nơi nào.

Vì vậy, “Bình bồng” được dùng để chỉ sự trôi nổi, không biết đâu là nơi nhứt định.

Bình bồng còn chút xa xôi,

Đỉnh chung sao nỡ ăn ngồi cho yên.

(Truyện Kiều).



BÌNH CƯ 平 居

Bình: Yên ổn. : Ở.

Bình cư là lúc bình thường ở được yên ổn, vô sự.



Bình cư giữ lấy đạo Hằng,

Hễ người trung chính xin đừng tự khi.

(Nhị Độ Mai).



BÌNH ĐỊA BA ĐÀO 平 地 波 濤

Đồng nghĩa với “Bình địa phong ba 平 地 風 波”.



Bình địa: Đất bằng. Ba đào: Sóng to sóng nhỏ. Phong ba: Sóng gió.

Bình địa ba đào hay bình địa phong ba đều có nghĩa là đất bằng dậy sóng.

Thành ngữ dùng để chỉ sự việc đang yên ổn bỗng nhiên những hoạn nạn, biến cố xảy đến một cách bất thình lình.

Gặp cơn bình địa ba đào,

Vậy đem duyên chị buộc vào duyên em.

(Truyện Kiều).



Đương cơn bình địa ba đào,

có chí làm nên quan, có gan làm nên giàu,

sao chẳng khoe khôn cậy khéo.

(Khuyên Thế Nhân).



BÌNH ĐỊA PHONG BA 平 地 風 波

Bình địa: Đất bằng. Phong ba: Sóng gió.

Bình địa phong ba là đất bằng phẳng nổi sóng gió. Ý nói đang bình yên bỗng dưng tai ương hoạ hoạn xảy đến thình lính.

Xem: Bình địa ba đào.

Phòng cơn bình địa nổi phong ba,

Con nhớ ngày nay đã có nhà.

(Đạo Sử).



BÌNH ĐỊA SÓNG XAO

Hay “Bằng địa sóng xao”.

Do thành ngữ “Bình địa ba đào 平 地 波 濤” tức là đất bằng dậy sóng, dùng để chỉ cảnh đang yên ổn, tai biến đến bất ngờ.

Xem: Bình địa ba đào.



Công trình gầy dựng Thất Tây Ninh,

Bằng địa sóng xao khiến rập rình.

(Đạo Sử).



BÌNH KHANG 平 康

Hay “Bình khương”.

Bình khang là tên một xóm ăn chơi ở Trung Hoa ngày xưa. Đó là một điểm chứa gái ăn chơi ở trong thành Trường An, đời nhà Đường. Xóm này gần cửa Bắc, nên cũng gọi là Bắc Lý.

Xem: Bắc Lý.



Bình Khang nấn ná bấy lâu,

Yêu hoa yêu được một màu điểm trang.

(Truyện Kiều).



BÌNH LÃNG 萍 浪

Bình: Bèo. Lãng: Sóng.

Bình lãng là bèo và sóng, cũng như chữ “Bình thuỷ tương phùng 萍 水 相 逢” để nói về cái duyên hai người ngẫu nhiên mà gặp gỡ nhau.



Mảnh duyên bình lãng còn nong nả,

Chút phận tang thương lắm ngại ngùng.

(Thơ Tôn Thọ Tường).



BÌNH LÌA TRÂM GÃY

Đồng nghĩa với “Trâm gãy bình rơi”.

Do chữ “Bình trầm trâm chiết 瓶 沉 簪 折” nói về việc sắp thành mà bỏ dở, có làm mà cũng như không. Hoặc dùng để chỉ người phụ nữ đẹp bị chết yểu.

Người hạnh nghị, khách dung nghi,

Làm cho trâm gãy bình lìa mới thôi.

(Hoa Tiên Truyện)



BÌNH LÔI 瓶 罍

Bình:Cái bình. Lôi: Cái chén.

Bình lôi là bình và chén, do thiên “Lục Nga” trong Kinh Thi có câu: Bình chi khánh hỹ, duy lôi chi sỉ 瓶 之 罄 矣, 維 罍 之 恥, nghĩa là cái bình mà cạn là nỗi nhục của cái chén. Ý nói cha mẹ và con cái nhờ cậy lẫn nhau, san sớt cho nhau, có trách nhiệm với nhau.



Thấy chữ "Bình lôi" thơ cũ,

chi xiết não nùng;

Nghe câu "Phong mộc" ngày xưa,

càng thêm bát ngát.

(Dương Từ Hà Mậu).



BÌNH NGUYÊN QUÂN 平 原 君

Bình Nguyên Quân tên chữ là Thắng, con vua Triệu Vũ Linh vương, người đời Chiến Quốc. Ông là một vị tướng của nước Triệu, được phong ở đất Bình Nguyên. Cũng như Mạnh Thường Quân, ông là người rất hiếu khách, lúc nào trong nhà cũng có thực khách trên ba ngàn người.

Có một lần, Triệu bị nước Tần vây rất gấp, ông thấy Mao Toại là người có thể dùng để sai đi ước hẹn với Sở và qua Nguỵ cầu cứu với Tín Lăng Quân để đem binh đến cùng đánh Tần. Vì vậy, nước Triệu mới được giữ yên.

Đường Thi có câu: Bất tri can đảm hướng thuỳ thị, Linh nhân khước ức Bình Nguyên Quân 不 知 肝 膽 向 誰 是, 令 人 卻 憶 平 原 君, nghĩa là chẳng biết gan mật cùng ai tỏ, khiến người lại nhớ Bình Nguyên Quân.



Từ rằng lời nói hữu tình,

Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân.

(Truyện Kiều).



BÌNH PHONG 屏 風

Bình phong là tấm chắn ngăn gió.

Ngày xưa theo địa lý phong thuỷ, người ta thường hay xây bức bình phong bằng vôi gạch trước mặt nhà để ngăn những điều rủi xấu đưa đến.

Ngoài ra bình phong còn là bức phên bằng tre dùng để chắn gió hay áng trước bàn thờ để được tôn nghiêm.



Ngẩn ngơ đứng trước bình phong,

Minh nghi chưa dám vào trong công đường.

(Dương Từ Hà Mậu).



BÌNH SANH 平 生

Chỉ cuộc đời của mình trong lúc còn sống.

Sách Minh Tâm Bửu Giám có câu: “Nhàn trung kiểm điểm bình sanh sự, tĩnh lý tư lương nhựt sở vi 閒 中 檢 點 平 生 事, 靖 裏 思 量 日 所 為, nghĩa là trong lúc nhàn rỗi mình kiểm điểm việc bình sanh, lúc thanh tịnh nghĩ đến việc làm trong ngày.

Xiết bao phận mỏng như tờ,

Nợ bình sanh, nỗi tóc tơ chưa đền.

(Truyện Hoa Tiên).



BÌNH TƯỚC 屏 雀

Bình: Bức bình phong. Tước: Chim sẻ.

Bình tước là bức bình phong có vẽ con chim sẻ.

Đường thư chép: Ông Đậu Nghị có người con gái rất đẹp, muốn kén rể cho con, ông bèn cho vẽ một con chim sẻ trên một bức bình (tranh), bảo những người gắm ghé đến cầu hôn bắn một mũi tên, người nào bắn trúng vào mắt con chim sẻ thì được gả con gái cho. Trong số những người đến dự bắn có ông Lý Uyên bắn trúng ngay mắt con chim sẻ. Đâụ Nghị bèn nhận làm rể.

Xem: Tước bình.



Bình tước mặc tranh treo trước án,

Cầu ô sẵn dịp bắc ngang sông.

(Thơ Trần Tế Xương).



BÌNH THỜI 平 時

Bình: Yên ổn. Thời: Buổi, lúc.

Bình thời gặp buổi thái bình, an lạc.



Non sông nào phải buổi bình thời,

(Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm).



BÌNH THUỶ TƯƠNG PHÙNG 萍 水 相 逢

Nước bèo gặp gỡ. chỉ sự tình cờ mà gặp nhau.

Bèo trôi không biết đi đâu, nước chảy chẳng biết về đâu, cả hai không định sở, thế mà có duyên gặp gỡ. Thơ Vương Bột có câu: Quan san nan việt, thuỳ bi thất lộ chi nhân? Bình thuỷ tương phùng, tận thị tha hương chi khách 關 山 難 越, 誰 悲 失 路 之 人. 萍 水 相 逢, 盡 是 他 鄉 之 客, nghĩa là quan san khó vượt, ai xót cho người bất đắc chí. Bèo nước gặp nhau, toàn là do mỗi người một nơi.

Nhớ câu bình thủy tương phùng,

Anh hùng lại gặp anh hùng một khi.

(Lục Vân Tiên).



BỌC DA

Bởi câu “Da ngựa bọc thây”, dịch từ “Mã cách loã thi 馬 革 裸 尸”.

Làm trai vì tổ quốc dù chết nơi chiến trường thì cũng lấy da ngựa để bọc thây, đó là niềm vinh diệu của phận nam tử.

Xem: Da ngựa.



Bọc da dù đến thân này,

Cũng đành tỏ chút tình ngay với người.

(Hoa Tiên Truyện).



BÓI PHƯỢNG

Tức là bói được quẻ chim phượng và chim hoàng sánh đôi, chỉ việc kết duyên vợ chồng.

Do tích trong Tả Truyện: Quan Đại phu nước Trần là Ý Thị muốn gả con gái cho Kính Trọng, bèn bảo vợ đi bói xem một quẻ, quẻ có câu rằng: Thị vị phượng hoàng vu phi, hoà minh tương tương 是 謂 鳳 凰 于 飛, 和 鳴 鑲 鑲, nghĩa là hai trẻ sanh duyên như chim phượng chim hoàng sánh bay, tiếng hót vang vang.

Đã trồng bạch bích sẵn đây,

Còn chờ bói phượng chưa vầy bạn loan.

(Quan Âm Thị Kính).



BÓNG ÁC

Hay “Bóng ô”, tức là bóng con chim quạ, chỉ bóng mặt trời. Tương truyền trên mặt trời có con quạ, nên gọi mặt trời là bóng ác, bóng ô, hay ác vàng.



Bóng ác rạng đông trời đã sáng,

Tiếng gà sôi nổi tiếng hàn châm.

(Quốc Âm Thi Tập)



BÓNG BỌT

Tức là cái bọt bong bóng nổi trên mặt nước, trôi giạt lênh đênh, dễ tan vỡ, ví thân phận người phụ nữ.



Chàng thì biển cả vơi vơi,

Thiếp như bóng bọt giữa vời linh đinh.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BÓNG CÂU

Do chữ “Bạch Câu quá khích 白 駒 過 隙” tức là bóng ngựa trắng qua khe hở, dùng để chỉ thời gian trôi qua nhanh.

Sách Sử Ký chép lời Trương Lương nói: Nhân sinh nhất thế gian như bạch câu quá khích, hà chí tự khổ như thử 人 生 一 世 間 如 白 駒 過 隙, 何 至 自 苦 如 此, nghĩa là người ta sinh ra trong đời như bóng bạch câu qua khe hở, cần gì phải làm khổ mình đến như vậy?

Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi,

Những hương sầu phấn tủi bao xong.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



Tin én đưa thoi,

thấp thoáng bóng câu chi ruổi.

Khúc hoàng lọt tiếng,

bâng khuâng hồn bướm chi mơ.

(Mẹ ơi con muốn lấy chồng)



BÓNG CÂU CỬA SỔ

Bóng câu cửa sổ tức là bóng con ngựa câu chạy nhanh qua cửa sổ.

Do chữ “Bạch câu quá khích 白 駒 過 隙” tức là bóng ngựa trắng qua khe hở, ý chỉ thời gian trôi nhanh.

Gẫm trong tám, chín mươi năm,

Bóng câu cửa sổ, dễ cầm mãi ru!

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



Bóng câu cửa sổ ngựa bay,

Bảy năm thấm thoát đến ngay bây giờ.

(Thạch Sanh).



BÓNG CHIM TĂM CÁ

Bóng chim tăm cá là hình bóng chim. Tăm hơi cá, có ý nói thư từ tin tức do chim hay cá mang đến.

Cùng nghĩa với “Tin chim thư cá”.

Xem: Tin chim thư cá.



Nghĩ điều trời thẳm vực sâu,

Bóng chim tăm cá biết đâu mà tìm.

(Truyện Kiều).



BÓNG DÂU

Tương truyền ở biển tây có cây “Tang du 桑 榆”, mặt trời đến đó thì lặn, nên người ta dùng chữ này để chỉ cảnh mặt trời chiều và chỉ tuổi già gọi là “Tang du vãn ảnh 桑 榆 晚 影”.

Tang du còn là phương tây, nên câu “Nhật lạc tang du 日 落 桑 榆” là mặt trời lặn về hướng tay, nói cảnh người già.

Bóng dâu ý nói cảnh về chiều hay chỉ tuổi già.



Nhớ ơn chín chữ cao sâu,

Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.

(Truyện Kiều).



Bóng dâu đã xế ngang đầu,

Biết đâu ấm lạnh biết đâu ngọt bùi.

(Truyện Kiều).



Trời hôm giục bóng dâu tà,

Xuân già e tuyết, huyên già ngại sương.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



Ngàn mây trắng bạc như tờ,

Bóng dâu chênh chếch đã vừa ngang vai.

(Hoa Tiên).



BÓNG DƯƠNG

Bóng dương tức là bóng mặt trời.

Vầng thái dương tượng trưng cho vua, nên bóng dương cũng dùng để chỉ vua.

1.- Chỉ mặt trời:



Thư thường tới người không thấy tới,

Bức rèm thưa lần dãi bóng dương.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).

2.- Chỉ vua:

Doành nhâm một giải nông nông,

Bóng dương bên ấy, đứng trông bên này.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



Từ cờ thắm trỏ vời cõi Bắc,

Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương.

(Ai Tư Vãn)



BÓNG ĐUỐC VÂN TRƯỜNG

Thành Hạ Bì bị vây, Tào Tháo chiêu dụ Quan Vân Trường, tức Quan Võ quy hàng. Quan Võ thuận với ba điều kiện, Tháo chấp nhận. Sau đó, Quan Võ hộ vệ nhị vị phu nhân, vợ Lưu Bị, theo quân Tháo về Hứa Xương. Dọc đường, Tào Tháo muốn làm loạn nghĩa vua tôi giữa Lưu Bị và Quan Võ, nên để Quan Võ và hai chị dâu ở chung một nhà. Nhưng đêm đến, Quan Võ cầm đuốc, đứng canh ngoài cửa cho đến sáng.

Xem: Độc mã đơn đao.

Trộm trông bóng đuốc Vân Trường,

Nức danh ba nước treo gương muôn đời.

(Gia Huấn Ca).



BÓNG HẠC

Bóng chim hạc, một loài chim sống lâu, nên trong văn chương, người ta dùng để chỉ người cha.

Bóng hạc còn dùng để chỉ bóng mặt trời. Ngô Sư Đạo có câu thơ: Trì yên minh hạc ảnh, lâm vũ đoạn thiền thanh 池 煙 明 鶴 影, 林 雨 斷 蟬 聲, nghĩa là khói trên ao sáng bóng chiều tà, mưa trong rừng làm dứt tiếng ve ca.

1.- Chỉ cha:



Rồi ra cách trở quan san,

Chẳng hay bóng hạc khơi ngàn non Hoa.

(Truyện Phan Trần).

2.- Chỉ mặt trời:

Trời Tây bóng hạc non sào,

Đường rêu khách quạnh ruổi vào Thiên thai.

(Mai Đình Mộng Ký).



BÓNG HẠC XE MÂY

Bởi chữ “Hạc giá vân xa 鶴 駕 雲 車”, tức là cỡi xe mây và cỡi chim hạc bay lên trời, ý nói người chết.

Nghĩa bóng dùng để chỉ người quy vị, quy tiên.

Người đâu mà của thấy đây?

Hẳn rằng bóng hạc xe mây đã đành.

(Nhị Độ Mai).



BÓNG HỒNG

1.- Bởi chữ “Mỹ nhân hồng ảnh 美 人 紅 影”, tức là bóng hồng của người đẹp, ý muốn diễn tả dáng điệu, hình bóng của người phụ nữ đẹp.



Bóng hồng nhác thấy nẻo xa,

Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai.

(Truyện Kiều).

2.- Bóng hồng, chỉ bóng con chim hồng, hay hồng tín, dùng để nói về thư từ tin tức.

Xem: Tin nhạn.

Đã nhiều khắc đợi giờ trông,

Tăm ngư chìm nước bóng hồng khuất mây.

(Ngọc Kiều Lê).



BÓNG HUỲNH

Huỳnh 螢 là con đom đóm.

Bóng huỳnh là bóng sáng của con đom đóm.

Bên tường thấp thoáng bóng huỳnh,

Vách sương hơi gió đèn xanh lờ mờ.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



BÓNG KIỀU

Bởi chữ “Kiều mộc 喬 木” là cây cao.

Bóng kiều là bóng cây cao, được dùng để ví với người chồng hay người cao sang, quyền quý.

Bóng kiều mong gởi thân la,

Biết đem rìu búa để mà cậy ai?

(Hoa Tiên truyện).



BÓNG NGA

Bóng Nga tức là bóng nàng Hằng Nga, chỉ bóng mặt trăng.

Do tích Hằng Nga lén chồng là Hậu nghệ uống thuốc trường sanh của bà Tây Vương Mẫu, nên thành tiên bay lên sống trên mặt trăng. Vì vậy, người ta thường gọi mặt trăng là “Bóng Nga”, “Cung Hằng”, “Ả Hằng”…

Một mình lặng ngắm bóng Nga,

Rộn đường gần với nỗi xa bời bời.

(Truyện Kiều).



Bóng Nga thấp thoáng dưới mành,

Trông nàng, chàng cũng ra tình đeo đai.

(Truyện Kiều).



BÓNG NGÀ NỮ DUNG

Bóng ngà: Cũng như chữ “Bóng ngọc”, chỉ người con gái đẹp. Nữ dung: Dáng vẻ người phụ nữ.

Bóng ngà nữ dung chỉ người con gái đẹp.



Vợ con thay phận mẹ già,

Nuôi con mẹ cậy bóng ngà nữ dung.

(Nữ Trung Tùng Phận).




tải về 15.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   134




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương