Thiên vân quách văn hòa trong thi văn năM 2011 LỜi tựA



tải về 15.16 Mb.
trang12/134
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích15.16 Mb.
#30102
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   134

BỒNG HỒ 蓬 壺

Như chữ “Bồng lai 蓬 萊”.

Tương truyền giữa biển Bột Hải có ba hòn núi trên là nơi Thần Tiên ở. Đó là Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu.

Kìa đâu khói biếc ngời ngời,

Mỗi am một đảnh kẻ nơi Bồng hồ.

(Tư Dung Vãn).



Lại có lúc muốn làm tiên tử,

Lên Bồng hồ suối cũ đào hoa.

(Thơ Học Canh).



Khác chi Lãng Uyển, Bồng Hồ,

Vui chung tám cõi, bốn mùa xuân riêng.

(Hương Sơn Hành Trình).



BỒNG LAI 蓬 萊

Còn gọi là Bồng Hồ, là một trong ba hòn đảo giữa biển Bột Hải, nơi có Tiên ở.

Hai hòn đảo kia là Phương Trượng (Phương đảo) và Doanh Châu (Doanh đảo).

Bốn bề phong cảnh lạ thay,

Bồng lai khi cũng thế này mà thôi.

(Quan Âm Thị Kính).



Người hay lại gặp cảnh hay,

Khác nào tiên tử chơi rày Bồng Lai.

(Lục Vân Tiên).



Bồng Lai riêng một bầu trời,

Màn hoa, cầu đá, mấy nơi thiên thành.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



Bồng Lai Cực Lạc chỉ chừng,

Đẩy đưa xác tục dựa gần cõi linh.

(Kinh Thế Đạo).



Chẳng kể công khanh bỏ ấn quan,

Bồng Lai vui Ðạo hưởng an nhàn.

(Đạo Sử).



BỒNG SƠN 蓬 山

Bồng sơn tức là non Bồng. Cũng như chữ Bồng Đảo 蓬 島, chỉ ngọn núi ở Bồng Lai Tiên Cảnh.

Xem: Bồng Lai.

Tấc gang gác khoá lầu then,

Bồng Sơn rằng cách muôn nghìn chẳng sai!

(Hoa Tiên Truyện).



Sắm nghiệp trần gian còn phải khó,

Lựa là nghi trưởng tại Bồng Sơn.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



BỒNG TANG 蓬 桑

Bồng: Cỏ bồng, Tang: Cây dâu.

Bồng tang do chữ “Tang hồ bồng thỉ 桑 弧 蓬 矢” tức là cung bằng cây dâu, tên bằng cỏ bồng, dùng để chỉ sự vẩy vùng, dọc ngang bốn biển.



Gặp cơn thảo muội cơ trời,

Đem thân bồ liễu theo loài bồng tang.

(Quốc Sử Diễn Ca).



BỒNG TẤT 蓬 篳

Bồng: Cỏ bồng, một thứ cỏ có hoa nhẹ, thường bay theo gió. Tất: Một loại tre có gai.

Bồng tất do chữ “Tất môn bồng hộ 篳 門 蓬 戶” là cửa bằng cây tất, nhà lợp cỏ bồng, dùng để chỉ nơi ở của kẻ nghèo nàn, hay kẻ ẩn dật.



Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất,

Hiêu hiêu nhiên điếu Vị canh sằn.

(Thơ Nguyễn Công Trứ).



BỜ DƯƠNG

Bởi chữ “Dương bạn 楊 畔” trong câu “Phụng hàm đơn chiếu đề dương bạn 鳳 含 單 詔 啼 楊 畔” tức là chim phụng ngậm chiếc chiếu về bờ dương.

Dương là cây đại thụ. Đạo Đức Chơn Kinh có câu: Dương vô trần nhiễm, đạo giả như dương 楊 無 塵 染, 道 者 如 楊, nghĩa là cây dương không nhiễm trần, đạo là cây dương. Như vậy dương bạn là bờ dương chỉ nền đạo đức.

Bờ dương chừ đặng phong trần rảnh,

Quảy gánh thơ đàn dạo bốn phương.

(Đạo Sử).



Kính đem đến tận bờ dương liễu,

Tặng nghĩa đài sơn kẻ chực chầu.

(Đạo Sử).



BỜ GIÁC

Bởi chữ “Giác ngạn 覺 岸”.

Bờ giác, trái với bến mê, là bờ mà chúng sanh tìm đến, sau khi giác ngộ, vượt qua bể khổ bằng con thuyền Bát nhã. Bờ giác chỉ cõi của người đắc Đạo.

Xem: Giác ngạn.



Nước dương rưới sạch trần ai cũ,

Bờ giác nương theo nguyệt rọi làu.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



BỢN SẦU

Bợn sầu là những thứ sầu não, buồn đau chất chứa trong tâm hồn như chất nhơ bợn, làm cho tâm hồn con người nặng nề ô trược.



Thuyền chờ bến tục buồm trương sẵn,

Ðưa đến nguồn trong rửa bợn sầu.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Soi gương hạnh đức trau lòng tục,

Hứng giọt Từ Bi rửa bợn sầu.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



BỢN TỤC

Bợn tục, cũng như chữ “Bợn trần” là những thứ dơ bẩn, ô trược nơi cõi thế tục.

Xem: Bợn trần.

Xạo xự tuồng đời lừng bợn tục,

Trau tria nét đạo nực mùi hương.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Lánh bợn tục tình thâm cũng tránh,

Trốn đau thương xa cảnh trần gian.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BỢN TRẦN

Bợn trần là những thứ dơ bẩn nơi cõi trần, làm thân tâm con người bị uế trược.

Trần gian tánh vốn không trược (dơ bẩn), vì bị ngũ trược ô nhiễm, trở nên ô uế, không khiết tịnh. Tỉ như nước, tánh vốn sạch, trong trẻo, bị ô nhiễm đất, bùn vào sẽ trở thành đục, bẩn thỉu, nhưng khi lóng, gạn hết bụi đất, tánh trong của nước hiện ra.

Nước ví như chân tánh, đất bụi ví như phiền não. Bản tánh con người luôn trong sạch, do vọng niệm, tham dục, mê mờ che lấp, khiến tánh thuần nhiên thanh tĩnh không hiển hiện được, nên cứ chìm sâu vào luân hồi sanh tử.

Nếu muốn trở lại chân tánh thì phải giống như lóng nước đục: Gạn sạch hết bụi đất đi rồi thì chỉ còn nước trong, sạch. Ở đây, chúng ta gạn hết những phiền não ra khỏi bản tâm thì lúc ấy ta đã đoạn trừ được vô minh, mầm của luân hồi sanh tử.

Bảy dây oan nghiệt hết ràng,

Bợn trần rửa sạch muôn ngàn đau thương.

(Kinh Tận Độ).



Trau tâm hiệp sức vun nền Thánh,

Dưỡng tánh chờ khi sạch bợn trần.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



BÚA NHÀ BAN

Hay “Búa Lỗ Ban”.

Bởi chữ “Ban môn lộng phủ 班 門 弄 斧” là múa búa trước của nhà họ Ban, tức là múa rìu búa trước cửa nhà của Lỗ Ban, một người thợ giỏi có danh tiếng thời Xuân Thu. Đồng nghĩa với múa rìu qua mắt thợ.

Xem: Lỗ Ban.



Em nhân bôi ác gọi nhàn,

Dám đâu dơ búa nhà Ban sánh tài.

(Song Tinh Bất Dạ).



Xách búa Lỗ ban đương chỉ vẽ,

Xây thành cảnh đẹp rất nên hay.

(Thiên Thai Kiến Diện).



BÚA VIỆT CỜ MAO

Búa Việt, Cờ mao là vật thể hiện binh quyền của vua Hiên Viên Huỳnh Đế ban cho các Trấn chư Hầu đặng quyền chinh phạt. Đáng giết thì ban búa Việt, đáng phạt thì phát cờ Mao, nên trên lưỡi của búa Việt có khắc bốn chữ: “Việt sát phản thần 鉞 殺 反 臣”, trên lá cờ Mao có đề bốn chữ “Mao trừ loạn tặc 旄 除 亂 賊”. Đến thời Ngũ đế, Thương, Châu cũng còn dùng búa Việt, cờ Mao.

Xem: Mao việt.

Non nước muốn nêu danh tuấn kiệt,

Ðến hồi búa Việt giục cờ Mao.

(Đạo Sử).



BỦA ĐỨC

Bủa: Vây bọc khắp nơi. Đức: Cách cư xử, thái độ tốt đẹp hợp với đạo lý, nhơn đức.

Bủa đức là thi hành nhơn đức khắp mọi nơi đối với dân chúng.



An nước an dân toan bủa đức,

Sửa cơn nắng tối lại mưa mai.

(Đạo Sử).



BÙI HÀNG 裴 航

Bùi Hàng là tên một thư sinh đời nhà Đường, hỏng thi, trở về nhà tình cờ gặp phu nhân Vân Kiều tặng cho bài thơ: Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sanh, Huyền sương đảo tận kiến Vân Anh. Lam Kiều bổn thị thần tiên lộ, Hà tất khi khu thượng Ngọc kinh 一 飲 瓊 漿 百 感 生, 玄 霜 擣 盡 見 雲 英. 藍 橋 本 是 神 仙 路, 何 悉 崎 嶇 上 玉 京, nghĩa là: Một chén quỳnh tương trăm cảm sanh, Sương mù vẹt hết thấy Vân Anh. Cầu Lam là ngõ thần tiên đấy, Hà tất nhọc nhằn đến Ngọc kinh.

Hôm sau, Bùi Hàng bèn đi tìm, ngang qua một cây cầu tên là Lam Kiều, rồi vào một quán uống nước. Bà chủ quán bảo người con gái trông rất xinh đẹp, tên là Vân Anh, bưng nước ra cho chàng. Bùi Hàng thấy người đẹp, nhớ lại bài thơ của Vân Kiều, liền ngỏ ý cầu hôn nàng Vân Anh. Bà chủ quán giao hẹn: Hiện bà có cái cối bằng ngọc, nếu Bùi Hàng kiếm được cái chày cũng bằng ngọc đem đến giã thuốc cho bà thì bà sẽ gả con gái cho.

Bùi Hàng may mắn tìm được chiếc chày ngọc, nên mới cưới nàng Vân Anh. Bùi Hàng và Vân Anh sau đều thành tiên. Nghĩa bóng: Nơi gặp duyên nợ.

Xem: Lam Kiều.

Chốn Lam Kiều, cách nước mây,

Bùi Hàng kia dễ biết đây nẻo nào?

(Truyện Phan Trần).



BỤI GAI PHỤNG HOÀNG

Hay “Bụi gai phượng hoàng”.

Phụng hoàng là loài chim sang quý, khi muốn đỗ thì kiếm cây ngô đồng, chứ chẳng bao giờ đậu trên bụi gai. Ý nói người thiên kim tìm kẻ sang quý mà gá nghĩa. Xem: Linh phụng ngô đồng.

Huống chi là giá thiên kim,

Bụi gai sao nỡ đỗ chim phượng hoàng.

(Ngọc Kiều Lê).



BỤI HỒ

Tức bụi mù do ngựa chiến của rợ Hồ, chỉ sự chiến tranh, xâm lược. Người Hồ giỏi về cỡi ngựa bắn cung, nên khi kéo quân đi thì bụi tung mù mịt. Vì vậy, khi nói đến chiến tranh với rợ phương bắc, người xưa gọi là bụi Hồ.



Bụi Hồ quét sạch sành sanh,

Ơn trên sau nữa nghĩa mình trả xuôi.

(Hoa Tiên Truyện).



BỤI HỒNG

Bởi chữ “Hồng trần 紅 塵” tức là hạt bụi đỏ.

Theo Phật, chữ bụi không có nghĩa là đất cát, mà chỉ cho những việc rối rắm, phiền não làm cho con người ô nhiễm.

Bụi hồng theo nghĩa bóng là chỉ cõi trần gian thế tục, còn dùng để nói về cảnh phồn hoa náo nhiệt.



Sự đời đã tắt lửa lòng,

Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi.

(Truyện Kiều).



Từ khi khách lại cung sao,

Bụi hồng dứt nẻo chiêm bao đi về.

(Hoa Tiên Truyện).



Bụi hồng vắng vẻ mắt xanh,

Mình ơi ta nhớ…mà mình quên ta.

(Thơ Tản Đà).



Cân đai tuế nguyệt trêu hồn bướm,

Tên tuổi phong ba lắm bụi hồng.

(Đạo Sử).



BỤI TRẦN

Bụi: Cát bụi. Trần: Có nghĩa là bụi bặm, chỉ cõi thế gian, nơi con người đang sống.

Bụi trần do chữ “Trần cấu 塵 垢”, tức là bụi bặm của cõi trần gian, chỉ cõi con người đang sống.



Tai ương hoạn hoạ đều qua,

Bụi trần giũ sạch thiệt là từ đây.

(Gia Huấn Ca).



Cuộc thế lạnh lùng làn gió lọt,

Ðường đời ngán ngẩm bụi trần lồng.

(Đạo Sử).



BÙN THAN

Dịch từ chữ “Đồ thán 塗 炭” tức là bùn lầy và than nóng, dùng để ví cảnh đau khổ vất vả như bị sa xuống cảnh bùn lầy, rơi vào lửa than.



Sinh dân nào xiết bùn than,

U, Yên trọn cũng giao bàn về Liêu.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



BỤNG CÁ MỎ DIỀU

Bụng cá mỏ diều ý nói thây người chết bị rơi xuống nước thì cá ăn vào bụng, còn nằm trên đất thì bị mỏ của diều hâu.

Người xưa có bốn cách chôn kẻ chết, gọi là tứ táng 四 葬. Hai cách thông dụng mà nước ta đã áp dụng, đó là thổ táng và hoả táng. Còn hai cách táng khác là thuỷ táng, tức là quăng thây người chết xuống sông, đương nhiên thây sẽ vào bụng cá, và điểu táng, tức phơi thây trên cây cho diều ăn thịt.

Có ai hầu lại quách quan?

Dưới phần bụng cá, trên tan mỏ diều.

(Hoài Nam Khúc).



BỤNG DẠ

Những ý nghĩ thầm kín trong lòng người ta đều cho rằng do bụng dạ mà có, như ý nghĩ hẹp hòi thì do bụng dạ nhỏ nhen.



Những người bụng dạ nhỏ nhen,

Hẳn nên lấy đó mà xem cho tường.

(Dì Ghẻ Con Chồng).



BUỘC RÀNG

Bởi chữ “Thằng phược 繩 縛”.

Buộc ràng hay ràng buộc là trói buộc lại, không để cho được tự do.

Dầu trọn kiếp sống không nên Đạo,

Dầu oan gia tội báo buộc ràng.

(Kinh Tận Độ).



BUÔN NGUYỆT BÁN HOA

Nguyệt hoa hay trăng hoa chỉ người lãng mạn, lẳng lơ, hay chỉ việc tình tự, chăn gối.

Buôn nguyệt bán hoa ý muốn nói đến những kỹ nữ (Gái điếm) hay những người con gái dâm bôn.

Cũng có kẻ nhỡ nhàng một kiếp,

Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa.

(Thập Loại Chúng Sinh).



BUÔN HƯƠNG

Hương tức là hương sắc, chỉ người đàn bà con gái.

Buôn hương là bán hương sắc, ý nói bán thân của hạng gái điếm.

Buôn hương đã chán nghiệp tinh ma,

Nên mới thiền môn gởi phận già.

(Thơ Huỳnh Mẫn Đạt).



BUỒN TRÂU ĐẦY CỘT

Buồn trâu: Tức buồn hôi trâu, hay mồ hôi trâu, chỉ sự kéo xe nặng nhọc. Đầy cột: Chất cao bằng đầu cột.

Buồn trâu đày cột do chữ “Hãn ngưu sung đống 汗 牛 充 棟”, ý nói rất nhiều sách vở, nếu chở đi thì trâu bò kéo xe phải toát mồ hôi, nếu chất trong nhà thì lấp cả cột nhà.

Xem: Hãn ngưu sung đống.

Y thư kể hết các nơi,

Buồn trâu đầy cột, sách đời biết bao.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



BUỒNG ĐÀO

Do chữ “Đào phòng 桃 房”.

Hoa đào thường được dùng để ví với người con gái. Vì vậy, buồng đào, nơi có treo màn bông hoa đào, chỉ buồng ngủ của đàn bà con gái nhà giàu sang trọng.

Buồng đào khuya sớm thảnh thơi,

Ra vào một mực nói cười như không.

(Truyện Kiều).



BUỒNG KHUÊ

Bởi chữ “Khuê phòng 閨 房”.

“Khuê” hay “Khuê môn”, tức là một cái cửa nhỏ ở trong cung, dành riêng cho phụ nữ ở.

Như vậy, “Buồng khuê” hay “Khuê phòng” là buồng trong khuê môn, dành cho đàn bà con gái.



Xót mình cửa các, buồng khuê,

Vỡ lòng, học lấy những nghề nghiệp hay!

(Truyện Kiều).



BUỒNG THE

Buồng the là buồng treo màn bằng vải the, dùng để chỉ buồng riêng của đàn bà con gái.



Buồng the phải buổi thong dong,

Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa.

(Truyện Kiều).



Phép nhà chẳng sửa buồng the,

Vợ anh sao nỡ đem về hậu cung.

(Quốc Sử Diễn Ca).



BUỒNG THÊU

Bởi chữ “Tú phòng 繡 房” là phòng có treo màn trướng thêu dệt, dùng để chỉ buồng của đàn bà con gái.



Nàng thì vội trở buồng thêu,

Sinh thì dạo gót sân đào vội ra.

(Truyện Kiều).



Nước non cách mấy buồng thêu,

Những là trộm dấu thầm yêu chốc mồng.

(Truyện Kiều).



BUỒNG THƠM

Bỡi chữ “Hương khuê 香 閨”, tức là cái khuê phòng có mùi thơm.

Buồng thơm là phòng của con gái ở thường có xông hương thơm. Nghĩa bóng: Phòng con gái.

Xem: Hương khuê.



Tự ta động nguyệt cày mây,

Buồng thơm chớ lọt mảy may gió tà.

(Hoa tiên Truyện).



BUỒNG XUÂN

Mùa xuân thường được ví với tuổi trẻ. Vì vậy, buồng xuân được dùng để chỉ buồng của người con gái trẻ tuổi (Thanh xuân).



Lỡ chân trót đã vào đây,

Khoá buồng xuân để đợi ngày đào non.

(Truyện Kiều).



BÚT GIÁ HƯƠNG BÌNH 筆 架 香 瓶

Bút giá: Cái giá dùng để gác cán bút. Hương bình: Cái bình đựng hương trầm.

Bút giá hương bình tức là cái giá gác bút và cái bình đựng hương trầm dùng để tại thư án.



Trên yên bút giá hương bình,

Tiên hoa ngày trước để dành hai trương.

(Hoa Tiên Truyện).



BÚT GIÁ THI ĐỒNG 筆 架 詩 筒

Bút giá: Cái giá dùng để gác bút lông. Thi Đồng: Cái ống dùng để bỏ thơ văn.

Bút giá thi đồng là cái giá gác viết và ống đựng thơ văn. Đây là văn kỷ của học trò thời xưa.



Trên yên, bút giá thi đồng,

Đạm thanh một bức tranh tùng treo trên.

(Truyện Kiều).



BÚT HOA 筆 花

Hay “Bút nở hoa” là cây viết trổ bông.

Do tích Lý Bạch, một nhà thơ đời Đường nằm chiêm bao thấy cây viết mình trổ ra hoa rất đẹp. Từ đó thơ văn của ông càng ngày càng xuất sắc, tiếng tăm lừng lẫy.

Bút hoa dù vẽ nên tranh,

Lấy ai mà nhận nét tình cho hay?

(Hoa Tiên truyện).



Bút hoa tay thảo cẩn phong,

Gửi lời mụ lão tạ lòng ân nhân.

(Nữ Tú Tài).



Bút hoa chép lại đôi lời,

Đưa ai bốn bể là người tình chung.

(Thơ Tản Đà).



Tả nỗi thảm thêm đau mấy đoạn,

Mượn bút hoa đắp cạn thành sầu.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Bút nở mùa hoa đã có chừng,

Chẳng như củi mục hốt mà bưng.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



BÚT NGỌC 筆 玉

Trong văn chương, người ta thường dùng chữ ngọc ghép vào một vật để tăng thêm giá trị vật đó. Bút ngọc là cây viết quý như ngọc.



Cầm bút ngọc đề thi tự thuật,

Một kiếp sanh của bậc văn tài.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BÚT NGHIÊN 筆 研

Bút: Cây viết. Nghiên: Cái nghiên mực.

Bút nghiên là cây viết và nghiên mực, dùng để chỉ về chữ nghĩa và văn chương.



Họ Vương tên gọi Hỉ Đồng,

Bút nghiên tay giỏi, nghi dung con nhà.

(Nhị Độ Mai).



Trở vào bèn lấy bút nghiên,

Đặt bàn hương án chúc nguyền thần linh.

(Lục Vân Tiên).



Nấu Kinh sử ra mùi son phấn,

Cầm bút nghiên đặng thắm má đào.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Mượn bút nghiên khuây khoa vẻ thảm,

Những là Bá Tước gánh đồ thơ.

(Đạo Sử).



BÚT PHÁP 筆 法

Bút: Viết. Pháp: Phép.

Bút pháp là phương pháp viết, lối viết như thế nào cho chữ đẹp và bay bướm.



Khen rằng: Bút pháp đã tinh,

So vào với thiếp Lan đình nào thua!

(Truyện Kiều).



BÚT THẦN

Do chữ “Thần bút 神 筆” là cây bút huyền diệu, thiêng liêng.

Đối với đạo Cao Đài, bút Thần chỉ cây bút của các Đấng thiêng liêng sử dụng để giáng đàn dạy Đạo cho chúng sanh.

Chuyển luân thế sự đưa kinh Thánh,

Trừ diệt tà gian múa bút Thần.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



BÚT THỎ

Bởi chữ “Thố hào 兔 毫” là lông thỏ.

Ngày xưa ngòi bút (Bút lông) thường được làm bằng lông thỏ. Vì vậy, cây viết được gọi là bút thỏ.

Dịp nhân vịnh đoá phù dung,

Tiện khi bút thỏ thuận dòng đề chơi.

(Lưu Nữ Tướng).



BỮA CÀY BUÔNG BỮA GIỖ

Bởi câu tục ngữ “Hễ đặng bữa cày buông bữa giỗ” để nói phải chọn một trong hai việc, không thể làm cùng một lúc được, tức là không thể bắt cá hai tay.



Hễ đặng bữa cày buông bữa giỗ,

Phân thân đâu đặng hưởng hai bên.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



BƯNG MẮT BẮT CHIM

Bởi câu thành ngữ “Yểm mục bộ tước 掩 目 捕 雀” tức là che mắt bắt chim sẻ.

Bưng mắt bắt chim là chuyện không thể nào có, ý chỉ những người tự dối mình.

Dễ loà yếm thắm trôn kim,

Làm chi bưng mắt bắt chim khó lòng.

(Truyện Kiều).



BƯỚM CŨ LÌA HUÊ

Bướm cũ: Người đàn ông, người chồng. Lìa huê: Hay lìa hoa, chỉ người đàn bà, hay người vợ.

Bướm cũ lìa huê, nói người chồng xa lìa người vợ.



Chừ sao bướm cũ lìa huê,

Vườn thu vắng khách, ử ê canh tàn.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BƯỚM HOA

Bướm là loài con trùng tìm hoa để hút mật, tượng trưng cho người con trai. Hoa toả hương, khoe sắc, tượng trưng cho người con gái.

Bướm vờn hoa cũng như những chàng trai hay tìm những cô gái để tỏ tình, chọc ghẹo. Bướm hoa còn dùng để chỉ sự tình tự.

Hoa thơm bướm cũng khoe vàng,

Thế gian mấy kẻ không tình bướm hoa.

(Thanh Hoá Quan Phong).



BƯỚM LẠI ONG QUA

Bướm lại ong qua chỉ cánh hoa bị ong bướm thay phiên nhau tới hút mật. Ý nói người con gái được nhiều người con trai gấp ghé tới.

Xem: Bướm ong.

Buông rèm ngăn cách bóng hoa,

Tường đông bướm lại ong qua mặc lòng.

(Hoa Tiên Truyện).



BƯỚM ONG

Bướm ong là hai loại sinh vật thích hút mật nhuỵ của bông hoa. Bướm ong gặp hoa liền đáp vào để hút mật. Hoa ví với người con gái, bướm ong ví với đứa con trai. Trai gặp gái thường hay trêu ghẹo tỏ tình.

Xem: Ong bướm.

Còn gặp thuở xanh mày lịch sắc,

Dâng hình hoa treo mắt bướm ong.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BƯỚM ONG XAO XUYẾN GIỠN

Bướm ong chỉ việc trai gái tư tình.

Bướm ong xao xuyến giỡn ý nói lòng vương vấn chuyện trai gái với nhau.

Dạy kế hay đào lý ngăn rào,

Đừng để trống bướm ong xao xuyến giỡn.

(Phương Tu Đại Đạo).



BƯỚM TỐI MẾN ĐÈN

Tức là bướm đêm bu vào ánh sáng đèn, được ví với những kẻ tầm thường, nơi nào có mồi danh bã lợi thì giống như những con thiêu thân bu vào đèn mà chết.



Tuồng đời trọng trọng hèn hèn,

Chẳng qua bướm tối mến đèn xôn xao.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BỬU SONG TUYỂN TẾ 寶 窗 選 婿

Cửa sổ báu để chọn rể.

Do tích trong Đường Thư: Ông Lý Lâm Phủ có sáu người con gái đẹp, đến tuổi gả chồng. Trong mé vách nhà lớn, ông Lâm Phủ cho mở một cái cửa song (Cửa sổ), che phủ xuống một bức rèm đỏ. Hễ trong làng ngoài quận có hạng thanh niên nào muốn đến cưới xin thì ông cho vào yết kiến và bảo con gái mình ở sau tấm màn lụa đỏ, nơi cửa sổ tự lựa chọn hay không.

BỬU TOÀ

Bởi chữ “Bửu toạ 寶 座” là chỗ ngồi hay cái ngai quý báu, chỉ nơi ngự của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Bửu Toà còn có nghĩa là Toà sen của chư Phật, và chư Bồ Tát.

Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa,

Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



C

CA CANH TẠC 歌 耕 鑿

Tức là bài ca nói về cày ruộng và đào giếng. Chỉ cảnh tự do, thiên hạ thái bình.

Do bài “Khang cù”, một bài hát của nhân dân trong thời Nghiêu Thuấn: Tạc tỉnh nhi ẩm, canh điền nhi thực, nghĩa là đào giếng lấy nước uống, cày ruộng trồng trọt lấy mà ăn.

Xem: Tạc canh.



Dưới cũng vui vỗ bụng trời Nghiêu,

xướng ca canh tạc.

(Ngã Ba Hạc Phú).



CA NGÂM 歌 吟

Ca: Hát. Ngâm: Đọc có giọng lên xuống và kéo dài ra.

Ca ngâm là ca hát và ngâm thơ.



Thông minh vốn sẵn tư trời,

Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.

(Truyện Kiều).



CA SA 袈 裟

Hay “Cà sa”.

Dịch âm từ tiếng Phạn Kasaya, một loại y phục của tăng sĩ Phật giáo, áo ca sa. Còn gọi là Pháp y, Giải thoát y, Phước điền y hay Điều phục y.

Các sư theo Nam Tông mặc áo ca sa màu vàng nhạt hoặc thẩm. Còn các sư Bắc Tông thường mặc áo màu nâu hoặc đen nhạt.

Áo ca sa cũng có loại do nhiều mảnh vải hình chữ nhựt kết lại với nhau thành chiếc áo như những thủa ruộng, nên còn gọi là bá nạp y, hay cát tiệt y (Áo cắt vụn).

Áo xanh đổi lấy cà sa,

Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền.

(Truyện Kiều).



Đã lồng ba tấm cà sa,

Nhưng người tiên vẫn trông ra khác phàm.

(Quan Âm Thị Kính).



Thiếu bê son bình sái,

Thiếu tích trượng ca sa.

(Sãi Vãi).




tải về 15.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   134




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương