Thiên vân quách văn hòa trong thi văn năM 2011 LỜi tựA



tải về 15.16 Mb.
trang15/134
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích15.16 Mb.
#30102
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   134

CÁO ĐỘI OAI HÙM

Nói người chuyên mượn uy danh của kẻ có quyền thế để loè đời, bịp đời như cáo đội cái oai quyền của con cọp.

Xem: Cáo giả oai hùm.

Cáo đội oai hùm mà nết giống,

Ruồi nương đuôi ký luống khoe người.

(Bạch Vân Quốc Ngữ).



CÁO GIẢ OAI HÙM

Bởi câu “Hồ giả hổ uy 狐 假 虎 威”, tức là cáo mượn oai hùm.

Ví như con cáo đi sau lưng cọp để mượn oai, các loài vật khác thấy đều bỏ chạy hết, thật ra chúng sợ hùm chứ không sợ cáo.

Nghĩa bóng: Mượn thế lực để áp bức người.



Ngạnh rằng: Quan sự đã am,

Những phường cáo giả oai hùm ghê thay.

(Truyện Trê Cóc).



CÁO KÌNH

Cáo và cá voi, là hai loài vật một con thì có tính gian giảo, một con thì có thân mình to lớn và hung tợn, được dùng để chỉ bọn giặc cướp.

Xem: Kình ngạc.

Cáo kình im lặng tăm hơi,

Doành ngân rửa mác, non đoài treo cung.

(Truyện Phan Trần)



CÁO THÀNH

Bởi chữ “Thành hồ 城 狐” là cáo ở bờ thành.

Cáo làm hang ở bờ thành, người ta không dám đào lỗ để bắt nó, vì sợ sập bờ thành, ý muốn nói kẻ cậy quyền thế.

Xem: Thành hồ xã thử.



Anh hùng trong nước khoe tài,

Nơi nơi chuột xã nơi nơi cáo thành.

(Thiên Nam Ngữ Lục)



CẢO TÁNG 稿 葬

Cảo: Cọng rơm. Táng: Chôn cất. Cảo táng tức là lấy rơm bó xác người lại rồi đem chôn cất.

Nghĩa bóng: Chôn đơn sơ, vội vã.



Hồ công nghe nói thương tình,

Truyền cho cảo táng di hình bên sông.

(Truyện Kiều).



CẢO TÔ 稿 蘇

Cảo: Bản thảo, tài liệu nhà văn. : Tô Đông Pha.

Cảo Tô tức là những tài liệu, sách vở của Tô Đông Pha đời nhà Tống.

Xem: Tô Thức.

Trước hiên nương bóng tà song,

Cảo biếng giở, túi đồng để suông.

(Hoa Tiên Truyện).



CÁT ĐẰNG 葛 藤

Cát: Dây sắn bìm. Đằng: Dây mây.

Dây sắn bìm và dây mây là hai loại dây leo chuyên sống bám nhờ vào gốc cây khác. Chữ cát đằng còn có nghĩa là vương vấn, vấn vít.

Trong Diêu Kinh có nói rằng: Chúng sinh nếu sa vào lưới tình thì cũng như dây cát đằng vương vấn vào cây khô.

Cát đằng có nghĩa rộng là nương nhờ vào kẻ khác.



Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân,

Tuyết sương che chở cho thân cát đằng.

(Truyện Kiều).



Hễ cát đằng nhảy lá xanh chồi,

Thân tòng bá càng tươi thêm vẻ đẹp.

(Phương Tu Đại Đạo).



CÁT LẦM

Cát lầm tức là bị cát sông hay bùn đất làm vẩn đục, làm nhơ bẩn.

Cát lầm được ví như thân phận con người ta bị cuộc đời làm đau đớn, khổ nhục.

Tính rằng sông nước cát lầm,

Kiếp này ai lại còn cầm gặp đây!

(Truyện Kiều).



CÁT LẦM NGỌC TRẮNG

Cát lầm: Bùn cát làm dơ bẩn. Ngọc Trắng: Ví thân phận người con gái.

Cát lầm ngọc trắng là bùn cát làm nhơ bẩn, vẩn đục viên ngọc trắng, ví với người con gái đẹp bị hành hạ khổ sở.



Vì ta cho lụy đến người,

Cát lầm ngọc trắng, thiệt đời xuân xanh!

(Truyện Kiều).



Cát lầm ngọc trắng cũng là,

Càng kiên trinh lắm, càng ma chiết nhiều.

(Thơ Bùi Kỷ).



CÁT LEO CÙ MỘC

Cát: Dây sắn, một loại dây leo. Cù mộc: Một loại cây to gốc lớn.

Bởi câu trong Kinh Thi: Nam hữu cù mộc, cát lũy luy chi 南 有 樛 木, 葛 藟 累 之, nghĩa là phương nam có cây cù mộc, dây sắn dây bìm leo vào đó.

Cát leo cù mộc có ý muốn nói người vợ lẽ nhờ người vợ cả che chỡ.

Xem: Cù mộc.



Cát leo cù mộc rắp toan,

Xích thằng xui khéo tạo đoan một niềm.

(Truyện Trinh Thử).



CÁT LUỸ 葛 藟

Cát: Dây sắn bìm. Luỹ: Dây mây.

Dây sắn bìm là giống dây mộc lan ra hay leo lên một cây khác. Chỉ phận người vợ nhỏ nương nhờ vào người vợ cả.

Kinh Thi có câu: Nam hữu cù mộc, cát lũy luy chi 南 有 樛 木, 葛 藟 累 之, nghĩa là phương nam có cây cù mộc, dây sắn dây bìm leo vào đó.

Xem: Cát leo cù mộc.



Tin nhà ngày một vắng tin,

Mặn tình cát lũy lạt tình tào khang.

(Truyện Kiều).



CÁT NHÂN THIÊN TƯỚNG 吉 人 天 相

Cát nhân là người lành, người tốt. Thiên tướng là Trời giúp.

Cát nhân thiên tướng là người tốt được Trời giúp đỡ cho.

Cũng nhờ đức cả cao dày,

Cát nhân thiên tướng ắt rày vững an.

(Hạnh Thục Ca).



CÁT PHÂN 割 分

Cát: Cắt. Phân: Chia ra.

Cát phân là chia cắt, tiếng dùng để chỉ sự phân chia cương thổ.



Kể từ Ngô, Tấn lại đây,

Hai trăm mười bốn năm chầy cát phân.

(Quốc Sử Diễn Ca).



CÁT TỊCH 割 席

Cắt lìa chiếc chiếu.

Do sách Thế Thuyết chép: Ngày xưa có hai người bạn học là Hoa Hâm và Quảng Ninh, thường cùng ngồi trên một chiếc chiếu đọc sách. Một hôm, trong làng có một học trò đi thi về được vinh quy bái tổ, mũ cao áo rộng, cờ xí xe ngựa đi ngang qua nhà.

Lúc đó, Quảng Ninh vẫn điềm nhiên đọc sách, còn Hoa Hâm vội vàng liệng bỏ sách chạy đi xem. Ninh cho rằng Hâm là người không đáng cho mình làm bạn, bèn cắt đôi chiếc chiếu.

Nghĩa bóng: Tuyệt giao.

CĂN BỊNH

Hay “Bệnh căn 病 根”, còn được gọi là bệnh nghiệp, là bịnh do những hành vi hung ác từ kiếp trước, tạo nên căn nghiệp mà báo ứng trong hiện kiếp. Bịnh này làm cho người thọ lãnh phải chịu đau khổ triền miên để trả nghiệp, nên không có thuốc nào điều trị được, chỉ khi nào hết nghiệp là mới hết bịnh.

Tử Đồng Đế Quân có để lời dạy như sau: Diệu dược nan y oan trái bệnh, hoạnh tài bất phú mệnh cùng nhân 妙 藥 難 醫 冤 債 病, 橫 財 不 富 命 窮 人, nghĩa là cái bịnh oan nghiệt thì thuốc hay khó chửa cho lành, của hoạnh tài không có thể làm cho người mạng cùng giàu sang được.

Sống dương thế hành thì căn bịnh,

Xui tai nàn dấp dính theo mình.

(Kinh Sám Hối).



CĂN NỢ

Bởi chữ Hán “Trái căn 債 根” tức là món nợ có gốc rễ từ kiếp trước, kiếp hiện tại phải trả.

Căn nợ khiến cho hai người phải vay trả cho nhau.

Phải căn nợ cách non cũng gặp,

Lỡ trái duyên vội gấp ra hư.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CĂN NGUYÊN 根 源

Căn: Rễ. Nguyên: Nguồn nước.

Căn nguyên là nguồn gốc, tức là gốc tích, hay duyên do.



Để cho được tỏ căn nguyên,

Dở hay sẽ liệu kinh quyền giúp cho.

(Lục Vân Tiên).



CĂN NGHIỆT 根 孽

Căn: Gốc rễ. Nghiệt: Mầm ác.

Căn nghiệt là những việc ác gây ra từ kiếp trước (nghiệt) làm gốc rễ (căn) của các tai họa xảy đến trong kiếp này.



Cương tỏa đương thời đã giải vây

Đừng mơ căn nghiệt một đời này

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



CĂN SANH 根 生

Căn: Gốc rể. Sanh: Kiếp sống.

Gốc rể tức là những việc làm thiện hay ác của kiếp trước làm ảnh hưởng đến kiếp này. Do cái gốc rể đó mà kiếp sống này được sung sướng hay khổ sở, giàu sang hay nghèo hèn.

Căn sanh đồng nghĩa với “Kiếp căn”.

Xem: Kiếp căn.



Phải đủ căn sanh mới thấy Trời,

Ai ai đừng tưởng dễ như chơi.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Nhìn non chỉ nước làm hơn,

Mượn bầu tuế nguyệt giải hờn căn sanh.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CĂN TA CA

Căn Ta Ca là phiên âm từ Phạn ngữ Kantaka, Hán dịch là Càn Trắc (hay Kiền Trắc), là con ngựa của Thái tử Tất Đạt Đa (Sĩ Đạt Ta), lúc nửa đêm chở Ngài cùng với quan giữ ngựa là Xa Nặc, bỏ cung vàng điện ngọc để đi đến nơi thâm sơn cùng cốc mà tu hành. Sau đó, Ngài bảo ông Xa Nặc dẫn con ngựa Kiền Trắc trở về hoàng thành. Về đến thành, con Kiền Trắc liền bỏ ăn rồi chết.



Căn Ta Ca đỡ bước đi,

Ra thành Phật Tổ gặp kỳ ly cung.

(Kinh Thế Đạo).



CẶP LIỄN TANG

Cặp liễn tang tức là một cặp đối được viết để hai bên bàn thờ tang. Nội dung cặp đối này được viết theo hoàn cảnh người chết. Ví dụ như liễn thờ cha, thờ mẹ, thờ vợ, thờ chồng…



Cặp liễn tang còn câu long ám,

Hạc qui hồi lãnh đạm trần ai.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CẮT TAI

Lệnh Nữ có chồng là Tào Văn Thúc, đã mất sớm, nàng sợ mình còn trẻ cha mẹ bắt tái giá, nên đã cắt tai, cắt mũi cho xấu xí để thủ tiết thờ chồng.



Tìm trong vạch mắt cắt tai,

Trăm nghìn chửa được một hai đâu là.

(Thiên Nam Ngữ Lục).



CÂY CẢ NGỒI TỰA

Do chữ “Đại thụ tướng quân 大 樹 將 軍” tức là Tướng quân ngồi tựa gốc cây to.

Theo lịch sử nhà Hán đời Quang Võ có quan tướng quân tên là Phùng Dị, hễ đánh được trận về, chư tướng xúm nhau tranh công. Phùng Dị tránh đi ngồi dưới một gốc cây lớn, không thèm kể công mình. Người đời quý trọng đức khiêm nhường của Phùng, nên gọi là Đại Thụ Tướng Quân.

Xem: Phùng Dị.



Kìa ai cây cả nhàn ngồi tựa,

Nếu có công nhiều lọ phải tranh.

(Quốc Âm Thi Tập).



CÂY ĐỨC NỀN NHÂN

Bởi chữ “Đức thụ nhân cơ 德 樹 仁 基”.

Đức thụ là trồng cây đức, có nghĩa làm việc thiện để gây phước đức, nhân cơ là tạo nền nhân, có nghĩa làm việc lành để đắp nền nhân

Có tiên thì hậu mới hay,

Đã trồng cây đức ắt dày nền nhân.

(Nữ Tú Tài).



CÂY LIỀN CÀNH

Do điển: Vợ Hàn Bằng tên là Hà Thị, là người đàn bà đẹp người đẹp nết, đến đổi Tống Khang Vương thấy rồi mê thích. Nhưng biết Hà Thị là người tiết hạnh, khó mà ép uổng cho được, bèn ra lịnh giết Hàn Bằng. Vậy mà Hà Thị vẫn cương quyết không chịu thất thân với Khang Vương, cắn lưỡi tự tử và để lại một bức thư xin được chôn chung với chồng.

Tống Khang Vương tức giận, chôn hai mộ song song nhưng cách xa nhau. Sau người ta thấy mỗi ngôi mộ mọc lên một cây to, trên thì có cành giao nhau, còn dưới thì rể ăn liền với nhau.

Trong bài Trường hận Ca của Bạch Cư Dị có câu: Tại địa nguyện vi liên lý chi, 在 地 願 為 連 裏 枝, nghĩa là dưới đất nguyện làm cây liền cành.

Nghĩa bóng: Vợ chồng gắn bó không rời nhau.

Thiếp xin về kiếp sau này,

Như chim liền cánh, như cây liền cành.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



Chim kết cánh, cây liền cành,

Còn thân thiếp chịu một mình đơn cô.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CÂY NGÔ CÀNH BÍCH

Tức cây ngô đồng, một loại cây mùa thu đến thường hay rụng lá. Cành cây ngô đồng là nơi chim phượng hoàng thường hay đậu, vì thế thơ Đỗ Phủ có câu: Bích ngô thê lão phụng hoàng chi 碧 梧 棲 老 鳳 凰 枝, tức là cành ngô biếc là cành chim phượng hoàng đậu đã già rồi. xem: Ngô đồng.



Nước trong xanh lơ lửng con cá vàng,

Cây ngô cành bích con chim phượng hoàng đậu cao.

(Thơ Tản Đà).



CÂY QUỲNH CÀNH GIAO

Dịch chữ “Quỳnh lâm giao thụ 瓊 林 瑤 樹”, ý chỉ người đẹp đẽ và hào hoa. Do câu: Vương Diễn như quỳnh lâm giao thụ 王 衍 如 瓊 林 瑤 樹, có nghĩa là ông Vương Diễn đẹp như cây ngọc dao ở trong rừng ngọc quỳnh.



Hài văn lần bước dặm xanh,

Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.

(Truyện Kiều).



CÂY THƯƠNG PHÁ LỖ

Cây thương: Một loại binh khí, tức cây giáo. Phá lỗ: Lỗ là giặc mọi, phá lỗ tức là phá bọn giặc mọi.

Cây thương phá lỗ là ngọn giáo chống giặc.



Chí dốc đem về non nước cũ,

ghe phen hoạn nạn,

cây thương phá lỗ chưa lìa;

(Văn Tế Trương Định).



CÂY TRĂM THƯỚC

Cây trăm thước tức cây Bồ đề, ý chỉ sự tu hành.

Trong Kinh Phật có câu: Bồ đề bách xích thụ, liên tọa tứ thời hoa 菩 提 百 尺 樹, 蓮 座 四 時 花, nghĩa là bồ đề cây trăm thước, toà sen hoa bốn mùa.

Chính Thái Tử Sĩ Đạt Ta ngồi thiền định dưới cội cây Bồ Đề này mà thành đạo. Vì thế, chữ cây trăm thước dùng để chỉ sự tu hành.



Sẵn Quan âm các vườn ta,

cây trăm thước, có hoa bốn mùa.

(Truyện Kiều).



Cây trăm thước đổi hương tàn,

Treo y bá nạp làm màn phòng the.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CÂY TRĂM THƯỚC BẮC THANG BẾN KHỔ

Cây trăm thước: Cây bồ đề, chỉ sự tu hành. Bến khổ: Cũng như biển khổ, chỉ cõi tục.

Cây trăm thước bắc thang bến khổ ý nói sự tu hành như một cái thang đưa người tu vượt qua bể khổ.



Cây trăm thước bắc thang bến khổ,

Hoa bốn mùa thơm chỗ nhớp nhơ.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CẬY SẮC KHOE TÀI

Cậy sắc khoe tài tức là nói những người thường ỷ vào sắc đẹp, hay khoe khoang tài giỏi của mình.



Em đừng cậy sắc khoe tài,

Khéo thay nồi lủng cũng tay thợ hàn.

(Thanh Hoá Quan Phong).



CẬY THẾ THỊ HÙNG

Cậy thế: Dựa vào thời thế. Thị hùng 恃 雄: Cậy mạnh mà làm dữ.

Cậy thế thị hùng tức là dựa vào thế lực và ỷ vào sức mạnh mà làm việc hung hăn.



Quở rằng: Cậy thế thị hùng,

Ra ngoài văn pháp vào trong dâm tà.

(Nhị Độ Mai).



CẤM THÀNH 禁 城

Cấm: Ngăn cấm. Thành: Thành luỹ, bức tường thành bao quanh.

Cấm thành là thành xây bao bọc chung quanh không cho người bên ngoài xâm nhập vào.



Luống làm tiện việc chẳng kiêng,

Bồi lăng nay cũng phục bên cấm thành.

(Hạnh Thục Ca).



CẦM CỜ TƯ VĂN

Tư văn 斯 文 chỉ nhà Nho.

Cầm cờ tư văn là chỉ những người thầy dạy học theo đạo Nho.

Than rằng: Sanh chẳng gặp giờ,

Phải cam ở dưới cầm cờ tư văn.

(Dương Từ Hà Mậu).



CẦM DAO 琴 瑤

Cầm: Tên một thứ đờn. Dao: Tên một thứ ngọc.

Cầm dao tức là cây đờn cầm có khảm ngọc dao. Sách Chu Hy có câu: Dao cầm nhất khúc lai huân phong 瑤 琴 一 曲 來 薰 風, nghĩa là cây đàn dao gảy một khúc gió mát tới.



Cầm giao sẵn dóng dây huân,

Nuôi tươi chậu chậu, cắm xuân cành cành.

(Hoa Tiên Truyện).



CẦM ĐÃ BÉN DÂY

Cầm: Cây đờn cầm. Đã bén dây: Đã quen dây, tức là hợp với cây đàn.

Cầm đã bén dây ý nói đã hợp với đàn, và quen với dây, ví với vợ chồng đã êm xuôi, hoà thuận với nhau.



Xót vì cầm đã bén dây,

Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta.

(Truyện Kiều).



CẦM ĐÀI 琴 臺

Cầm: Cây đàn. Đài: Một ngôi nhà cao, có thể ngồi trông xa được.

Cầm đài là nơi ngồi gảy đàn. Ngày xưa, Tư Mã Tương Như ngồi ở cầm đài đàn để trêu ghẹo Trác Văn Quân, khiến nàng phải trốn theo.

Nghĩa bóng: Đàn hay giỏi.

Rằng: Nghe nổi tiếng cầm đài,

Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ.

(Truyện Kiều).



CẦM ĐIỂU 禽 鳥

Cầm: Tiếng gọi chung các giống chim. Điểu: Chỉ loài chim.

Cầm điểu là nói chung các loại chim.



Kìa cầm điểu bẻ cành kết ổ,

Nọ thú trùng moi lỗ làm hang.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CẦM ĐUỐC CHƠI ĐÊM

Hay “Cầm đuốc dạo đêm”.

Do chữ “Bỉnh chúc dạ du 秉 燭 夜 遊” trong câu thơ cổ: Trú đoản khổ dạ trường, hà tất bỉnh chúc du 晝 短 苦 夜 長, 何 必 秉 燭 遊, nghĩa là ngày ngắn, khổ nỗi đêm dài, sao chẳng cầm đuốc đi chơi?

Cầm đuốc dạo đêm có ý muốn nói tiếc thời gian đi quá mau, đêm choán hết phần lớn, chỉ có cách đốt đuốc đi chơi đêm cho đỡ phí thì giờ.

1.- Cầm đuốc chơi đêm:

Cầm đuốc chơi đêm này khách nói,

Tiếng chuông chưa gióng ắt còn ngân.

(Quốc Âm Thi Tập).

2.- Cầm đuốc dạo đêm:

Người xưa cầm đuốc dạo đêm chơi,

Nào có cưu chi cái việc đời,

(Dương Từ Hà Mậu).

CẦM ĐƯỜNG 琴 堂

Cầm là cây đàn. Đường là ngôi nhà. Cầm đường chỉ nơi làm việc của quan huyện.

Do tích chép từ sách Lã Thị Xuân thu như sau: Học trò của Đức Khổng Phu Tử là Mật Tử Tiện làm Tri huyện Đan Phụ. Thường ngày, nơi huyện đường, ông chỉ đàn hát, vậy mà dân trong hạt đều an cư lạc nghiệp. Sau đó triều đình có phái Vu Mã Tử Kỳ đến thay thế Tử Tiện.

Tử Kỳ đến làm việc suốt cả ngày, không lúc nào rỗi rảnh, như vậy trong hạt mới được yên ổn. Gặp Tử Tiện, Tử Kỳ mới hỏi: Công việc ở huyện tôi phải làm một cách cực lực, dân tình mới được yên ổn, còn ông, tôi thấy chỉ đánh đàn mà thôi, sao mọi việc lại chu tất hết? Tử Tiện mỉm cười đáp: Tôi không làm nhưng điều hành thuộc hạ làm, còn ông tự làm lấy. Ai biết dùng người thì người đó khoẻ, ai không biết dùng người thì tự làm lấy, ắt phải mệt.

Do câu chuyện trên người sau mới gọi nơi làm việc của quan huyện là “Cầm đường”.

Cầm đường ngày tháng thung dung,

Tên ngay là tiết, nước trong ấy lòng.

(Nhị Độ Mai).



Cầm đường ngày tháng thanh nhàn,

Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao.

(Truyện Kiều).



CẦM GIAM 擒 監

Cầm: Bắt, giữ. Giam: Nhốt vào ngục.

Cầm giam hay giam cầm, tức là trói buộc hay giam giữ người phạm tội lỗi.



Ngục đao kiếm cầm giam phạm ác,

Tánh gian dâm hành phạt gớm ghê.

(Kinh Sám Hối).



CẦM HẠC 琴 鶴

Cầm: cây đàn. Hạc là chim hạc. Cầm hạc nghĩa là một cây đàn và một con chim hạc.

Do tích Triệu Thanh Hiến đời nhà tống được triều đình cho trấn giữ đất Thục. Khi đi phó nhậm, ông không đem theo vợ con hay đầy tớ chi cả, mà chỉ đi một mình cùng với một cây đàn và một con chim hạc.

Nghĩa bóng: Chỉ làm quan phong lưu nhàn hạ.

Của trời trăng gió kho vô tận,

Cầm hạc tiêu dao đất nước nầy.

(Thơ Nguyễn Công Trứ).



CẦM KỲ 琴 棋

Cầm: Đàn. Kỳ: Đánh cờ.

Cầm kỳ là đánh cờ và đánh đàn là hai thú chơi thích hợp với bực tao nhân mặc khách, dùng để chỉ tình bè bạn.



Chàng dầu nghĩ đến tình xa,

Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ.

(Truyện Kiều).



CẦM KỲ THI HOẠ 琴 棋 詩 畫

Hay “Cầm kỳ thi tửu 琴 棋 詩 酒”.



Cầm: Gảy đàn. Kỳ: Đánh cờ. Thi: Ngâm thơ. Hoạ: Hội hoạ. Tửu: Uống rượu.

Cầm kỳ thi hoạ hay cầm kỳ thi tửu là bốn thú tiêu khiển của người nho phong, tao nhã.

Nghĩa bóng: Chỉ cảnh phong lưu.

1.- Cầm kỳ thi hoạ:



Xưa nay ngươi vốn tính hào,

Cầm kỳ thi hoạ ngón nào cũng chăm.

(Tống Thần Cùng).

2.- Cầm kỳ thi tửu:

Tài hoa quốc, sắc khuynh thành,

Cầm, kỳ, thi, tửu, đủ vành trần duyên.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



Cầm kỳ thi tửu mọi đường,

Phong lưu phú quý chẳng nhường ai hơn.

(Thanh Hoá Quan Phong).



CẦM LÀNH

Cầm là cây đàn, chỉ sự hoà thuận. Cầm lành tức cây đàn đã hư, đã bị đứt dây, nay trở lại nguyên vẹn, ví người đàn bà dang dở, hay chồng chết, nay được êm ấm trở lại, hay tục huyền để nối lại dây đàn như xưa.



Dạy rằng: Hương lửa ba sinh,

Dây loan xin nối cầm lành cho ai.

(Truyện Kiều).



CẦM LOAN 琴 鸞

Cây đàn và chim loan.

Chim loan là một loài chim với chim phụng, con trống gọi là phụng, con mái gọi là loan. Sách Ngoại Truyện chép: Xứ Tây Tạng có một loại keo được chế bằng máu con chim loan. Keo chim loan gắn phím đàn rất tốt. Xem: Giao loan 膠 鸞.

Cầm loan là thứ đàn cầm gắn phím bằng keo con chim loan.



CẦM NGƯ 禽 魚

Chim cá, một giống bay trên không, một loài lặn dưới nước.

Người ta thường dùng từ ngữ này để diễn tả sắc đẹp như câu thành ngữ chim sa cá lặn.

Xem “Chim sa cá lặn”.



Hình mộc thạch vàng kim ố cổ.

Sắc cầm ngư ủ rủ e phong.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



CẦM SẮT 琴 瑟

Đàn cầm và đàn sắt là hai loại đàn âm thanh thường hoà hợp nhau, dùng để chỉ đôi vợ chồng thuận hòa với nhau.

Trong Kinh Thi có câu: Yểu điệu thục nữ, cầm sắt hữu chi 窈 窕 淑 女, 琴 瑟 友 之 (Vợ chồng hòa hợp nhau như gảy đàn sắt đàn cầm). Người ta thường dùng hai câu sau để chúc tụng đôi vợ chồng thương yêu, hòa hợp: Loan phượng hòa minh, sắt cầm hảo hiệp 鸞 鳳 和 鳴, 瑟 琴 好 合.

Nghĩa bóng: Chỉ vợ chồng hoà hợp.



Chàng dầu nghĩ đến tình xa,

Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ.

(Truyện Kiều).



Võ Công lấy đọc bấy giờ,

Mừng duyên cầm sắt mối tơ đặng liền.

(Lục Vân Tiên).



Đẹp duyên cầm sắt kính yêu,

Uyên ương phu phụ dập dìu đoàn viên.

(Hoa Điểu Tranh Năng).



Thà cho đáng mặt thuyền quyên,

Đừng làm cầm sắt ra duyên bĩ bàng.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CẦM TÂM 琴 心

Lấy âm thanh tiếng đàn mà bày tỏ tấm lòng.

Do tích đời nhà Hán, có vị văn nhân là Tư Mã Tương Như lấy cầm tâm (Âm thanh của tiếng đàn) mà trêu ghẹo nàng Trác Văn Quân qua khúc “Phượng Cầu Hoàng”. Văn Quân say đắm tiếng đàn, bỏ nhà theo Tương Như.

Cầm tâm một khúc gửi trao,

Cậy lòng dì gió, đưa vào sân cung.

(Thơ Phạm Thái).



CẦM TÔN 琴 樽

Cây đàn và chén rượu, là hai trong bốn thú ăn chơi của bậc cao nhân mặc khách: Cầm, kỳ, thi, tửu.

Cầm tôn là cây đàn và chén rượu dùng để chỉ thú ăn chơi tao nhã.

Vườn riêng còn thú cầm tôn.

Hoàng Diêu tử Nguỵ vẫn còn chưa phai.

(Hoa Tiên Truyện).



CẦM THI 琴 詩

Gảy đàn và ngâm thơ.

Cổ thư viết về phong cách tao nhã của vua Thuấn như sau: “Thuấn đàn ngũ huyền chi cầm, ca nam phong chi thi 舜 彈 五 懸 之 琴, 歌 南 風 之 詩”, nghĩa là Thuấn gảy đàn cầm năm dây và hát bài thơ nam phong.

Nghĩa bóng:Chỉ sự phong lưu.



Cầm thi xiêm áo thảnh thơi.

Một nhà đầm ấm, muôn đời ngợi khen.

(Nhị Thập Tứ Hiếu).



CẦM THUẤN 琴 舜

Cầm: Cây đàn cầm. Thuấn: Vua Thuấn, đời Hữu Ngu. Cầm Thuấn là cây đàn cầm của vua Thuấn.

Xưa vua Thuấn chế ra cây đàn cầm năm dây để gảy khúc Nam Phong. Ý nói cảnh thái bình thịnh trị.



Gió nhân vỗ khắp nhuần thiên hạ,

Cầm Thuấn lừng đưa phỉ mọi tình.

(Hồng Đức Quốc Âm).



CẦM THƯ 琴 書

Cầm: Cây đàn. Thư: Sách vở.

Cầm thư là đàn và sách, dùng để chỉ sự học hành, hay các Nho sĩ.



Đi không há dễ trở về không,

Cái nợ cầm thư phải trả xong.

(Thơ Nguyễn Công Trứ).



Hồ thỉ đã quen tay vũ trụ,

Cầm thư chi lạ mặt quan hà.

(Thơ Nguyễn Công Trứ).



Ý bát theo một mối cầm thư,

Chung đỉnh dõi năm đời khanh tướng.

(Trương Lưu Hầu Phú).




tải về 15.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   134




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương