Thiên vân quách văn hòa trong thi văn năM 2011 LỜi tựA



tải về 15.16 Mb.
trang16/134
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích15.16 Mb.
#30102
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   134

CẦM TRĂNG

Tức nguyệt cầm.

Nguyệt cầm, hay hồ cầm là tên một loại đàn tỳ bà. Theo sách Văn hiến thông khảo thì cầm trăng hay cầm nguyệt, và hồ cầm là cùng một loại đàn như nhau.

Xem: Nguyệt cầm.



Hiên sau treo sẵn cầm trăng,

Vội vàng Sinh đã tay nâng ngang mày.

(Truyện Kiều).



CẨM BÀO 錦 袍

Cẩm: Gấm. Bào: Áo.

Cẩm bào là áo gấm, một loại áo do vua ban cho các quan lại thời quân chủ và những người thi đổ tiến sĩ trở lên.

Nghĩa bóng: Chỉ áo của các quan.

Thám hoa vào lạy đơn trì,

Cẩm bào phô cật, hoa chi giải đầu.

(Truyện Phan Trần).



Dám đâu đọ khách lầu cao,

Bao giờ đi bạc, cẩm bào mới hay.

(Nữ Tú Tài).



Nghèo hèn đừng đổi lòng thành thật,

Mới đặng khi may mặc cẩm bào.

(Đạo Sử).



CẨM HOÀN 錦 還

Cẩm: Gấm. Hoàn: Trở về.

Cẩm hoàn là mặc áo gấm trở về làng, do câu thành ngữ “Ý cẩm hoàn hương 衣 錦 還 鄉”.

Thơ Lý Bạch đời nhà Đường có viết: “Công thành ý cẩm hoàn 功 成 衣 錦 還”, nghĩa là khi được thành công, mặc áo gấm về làng.

Nghĩa thường: Khi vinh hoa phú quý, trở về làng xưa.

Xem: Áo gấm về làng, hay Ý cẩm hoàn hương.

CẨM LA 錦 羅

Cẩm: Gấm vóc. La: Lụa là.

Cẩm la là một thứ lụa đẹp như gấm vóc.



Hương xông sực nức mọi bề,

Nhìn xem thế giới khác gì cẩm la.

(Hoa Điểu Tranh Năng).



CẨM NANG 錦 囊

Cái túi bằng gấm dùng để chứa mật kế để đến khi gặp những việc rắc rối, khó khăn thì mở ra xem mà có cách đối phó.

Ngày xưa, Khổng Minh sai Triệu Tử Long phò Lưu Bị sang nước Ngô, có trao cho ba cái cẩm nang (Sách Tam Quốc Chí gọi là cẩm nang kỳ kế), dặn khi gặp việc chẳng lành thì mở ra xem, sẽ có kế hay để đối phó. Nhờ vậy mà Triệu Tử Long phò Lưu Bị về nước một cách an lành.

Phải Khổng Minh nhập quỷ xuất thần,

Cho Triệu Tử cẩm nang diệu kế.

(Giang Tả Cầu Hôn).



CẨM TÂM TÚ KHẨU 錦 心 秀 口

Cẩm tâm: Lòng như gấm vóc. Tứ khẩu: Miệng như thêu hoa.

Cẩm tâm tú khẩu là lòng như gấm, miệng như thêu, thành ngữ dùng để ca tụng những lời nói hoa mỹ.



Xem thơ nức nở khen thầm,

Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường.

(Truyện Kiều).



CẨM TÚ 錦 繡

Cẩm: Gấm. : Thêu.

Cẩm tú là gấm thêu, chữ dùng để ca tụng lời nói hoa mỹ hay văn chương đẹp đẽ. Đồng nghĩa với câu thành ngữ “Cẩm tâm tú khẩu”.

Xem: Cẩm tâm tú khẩu.

Mai sinh là bậc thiên tài,

Câu văn cẩm tú, vẻ người y quan.

(Nhị Độ Mai).



Khen cho cẩm tú sắc tài.

Lạ cho con Tạo lựa người ghê thay!

(Mai Đình Mộng Ký).



Câu cẩm tú đàn anh họ Lý,

Nét đan thanh bậc chị chàng Vương.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



Cẩm tú giang san một gánh nâng,

Ðường xưa nẻo cũ đã quen chừng.

(Đạo Sử).



CẨM TRƯỚNG 錦 帳

Cẩm: Gấm. Trướng: Bức màn.

Cẩm trướng là trướng gấm, chỗ vua ngự, vì nơi đó có treo màn trướng bằng gấm vóc thêu lộng lẫy.



Gương đã lạnh lùng mờ cẩm trướng,

Châu còn thánh thót quẹn la bào.

(Truyện Vương Tường).



Trằn trọc chẳng an cẩm trướng,

Ngửa nghiêng khó nhắp loan phòng.

(Nhạc Hoa Linh).



CẨM VĂN 錦 文

Cẩm: Gấm. Văn: Văn chương. Cẩm văn tức là văn chương hay đẹp như là gấm thêu.

Cẩm văn còn là bài văn hay thơ dệt trên gấm, như bài “Chức cẩm hồi văn”.

Xem:Chức cẩm hồi văn.

Cẩm văn thêu dệt đời đời chuộng,

Đạo vị trau giồi bữa bữa no.

(Dương Từ Hà Mậu).



CÂN ĐAI

Cân đai là cái khăn và sợi dây đai.

Ngày xưa người đàn ông để tóc dài, nên khi làm quan, mặc triều phục, đầu phải bịt khăn, lưng phải buộc sợi dây đai. Do vậy, từ “Cân đai” dùng để chỉ quan lại.

Rỡ mình, là vẻ cân đai,

Hãy còn hàm én mày ngài như xưa.

(Truyện Kiều).



Tử Trung xem hết phân vân,

Cân đai áo mũ rời chân tức thì.

(Nữ Tú Tài).



Đẹp mình với vẻ cân đai,

Công thầy tô điểm từ ngày ấu xuân.

(Kinh Thế Đạo).



Nương chơn chưa biết chơn nào vững,

Níu thử cân đai thấy nặng trì.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Sâu dân mọt nước bạo tàn,

Mua quan bán chức nhộn nhàng cân đai.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CÂN QUẮC 巾 幗

Cân: Cái khăn. Quắc: Một loại đồ trang sức trên đầu đàn bà.

Nghĩa bóng: Chỉ người đàn bà, con gái.

Thời Tam Quốc, Tư Mã Ý đánh không lại Khổng Minh, nên truyền đóng cửa thành cố thủ. Mấy lần khêu chiến, Tư Mã Ý đều không đem binh ra đánh. Khổng Minh mới dụng kế, sai người đem qua dinh Ý một gói đồ, trong đó chỉ có chiếc khăn bịt đầu của đàn bà.

Dụng ý của Khổng Minh là làm nhục và có ý chê Tư Mã Ý là đàn bà. Thế mà Tư Mã Ý vẫn cố thủ, khiến Khổng Minh sau đó cũng phải lui binh.



Xưa nay cân quắc mấy người.

(Liệt Sử).



CÂN QUẮC TIÊN SINH 巾 幗 先 生

Ông thầy khăn yếm.

Do câu: Huệ Cơ chấn đạc vi nghiêm truyền, phả xưng cân quắc tiên sinh 慧 姬 振 鐸 為 嚴 傳, 頗 稱 巾 幗 先 生, nghĩa là Huệ Cơ làm nghề cha truyền, đáng gọi là cân quắc tiên sinh.

Bà Tống Thị (Mẹ của Vi Sính) nối truyền sự nghiệp của cha là dạy học. Bà lập giảng đường, kẻ thư sinh theo học ngoài trăm người. Bà treo màn the đỏ, ngồi sau màn để dạy học, được người đời coi là “Cân quắc tiên sinh”.



CÂN THƯỜNG 巾 常

Tên một loại cờ mà ngày xưa các vị vua dùng để ghi công tướng sĩ. Trong cân thường người ta có vẽ mặt trăng, mặt trời và giao long.



Thiết vì thủa theo cờ trước gió,

thân chả quản màn sương đệm giá,

những chờ xem cao thấp bức cân thường.

(Trận Vong Tướng Sĩ)



CÂN TRẤT 巾 櫛

Cân: Khăn bịt đầu. Trất: Cây lược.

Ngày xưa người đàn ông còn để tóc, nên vẫn xài khăn và lược. Như vậy, bổn phận của người đàn bà có chồng phải lo khăn lược cho chồng, gọi là nâng khăn sửa lược (Hay nâng khăn sửa túi).

Trong Tả Truyện, lời bà Khương Hậu nói: Dư dĩ cân trất sự tiên quân 余 以 巾 櫛 事 先 君, nghĩa là ta từng cầm cái khăn cái lược mà hầu hạ đấng tiên quân. Ý nói làm việc hầu hạ chồng.

Cân trất, nghĩa bóng chỉ bổn phận người đàn bà lo cho chồng.



Gẫm như cân trất duyên này,

Cam công đặt cái khăn này tắc ơ!

(Cung Oán Ngâm Khúc).



CẦN BỘC 芹 曝

Rau cần và ánh nắng.

Do sách Liệt Tử nói: Xưa có một người rất nghèo khổ, mùa đông đợi khi mặt trời mọc, ngồi sưởi nắng để được ấm áp, chẳng biết được trong thiên hạ đã có nhà cửa rộng kín, áo hồ lạc và nhung lụa ấm, ông liền bảo vợ: Cái việc nhờ mặt trời được ấm, con người chưa ai biết được, nếu ta lấy đem dâng cho vua, ắt là được trọng thưởng!.

Người nhà giàu trong làng nghe vậy, bèn nói chuyện với ông rằng: Hồi xưa có một người nông dân nước Tống, đem hột rau cần đến khen tốt, khen ngon với viên chức trong làng, các viên chức nếm thử, thì nó thông nơi miệng mà nhiễm nơi bụng. Họ nhăn mặt nạt anh nông dân! Chuyện này cũng giống như chuyện ông đem dâng vua cách sưởi nắng vậy.

Ta thấy tia nắng ấm áp đối với người nghèo khổ, nhưng sẽ làm nóng bức đối với nhà vua, cũng vậy, cùng một thức ăn, đối với người nầy ăn thấy ngon (Có thể do nghèo khổ, thiếu thực phẩm, nên ăn gì cũng ngon),còn người kia thì chê dở (Bởi giàu có). Vì vây, khi muốn tặng gì cho người thì phải khiêm nhường cho là đồ không ngon, không tốt, gọi là cần hiến (Dâng rau cần), hay bộc hiến (Dâng ánh nắng), hay cần bộc.

Mấy nơi làng xóm trải qua,

Tấm lòng cần bộc đều ra dâng thành.

(Hạnh Thục Ca).



CẦN CÂU LỮ

Tức là cần câu của Lữ Vọng, một vị hiền thần ngồi câu trên sông Vị chờ thời vận, sau được Tây Bá Hầu Cơ Xương (Tức Văn Vương) rước về làm Tướng quốc, và trở thành vị khai quốc công thần cho nhà Châu.



Ðợi thời toan mượn cần câu Lữ,

Dựng nghiệp tua chờ mặt lưới Thang.

(Đạo Sử).



CẦN CÙ

Cần cù là chỉ sự chuyên cần, chăm chỉ chịu khó nhọc một cách thường xuyên.



Tròn năm luống phận cần cù,

Không nuôi thê tử không bù thân sanh.

(Ngụ Đời).



CẦN CHUYÊN 勤 專

Cần: Siêng năng. Chuyên: Để tâm vào một công việc gì.

Như vậy, cần mẫn siêng năng để lo một việc gì gọi là cần chuyên.



Thờ nghiêm phụ cần chuyên khuya sớm.

Đạo làm con chẳng dám biếng khuây.

(Nhị Thập Tứ Hiếu).



CẦN DÂN 勤 民

Cần: Siêng năng. Dân: Nhân dân.

Cần dân là siêng năng về việc nhân dân, việc nước nhà, ý muốn nói những người cầm quyền trị dân phải biết chăm lo đến đời sống của dân chúng, quan tâm đến việc của nhân dân.



Khuyến nông chăm việc cần dân,

Chiếu chăn thương kẻ tù nhân lạnh lùng.

(Quốc Sử Diễn Ca).



CẦN ÍCH 勤 益

Cần: Tha thiết đến một thứ gì. Ích: Lợi ích.

Cần ích là việc cần thiết và ích lợi.



Ngọn rau tấc đất là ân,

Một dòng một giống lo cần ích chung.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CẦN KIỆM 勤 儉

Cần: Siêng năng. Kiệm: Tằng tiện, không tiêu xài hoang phí.

Cần kiệm có nghĩa là siêng năng cần mẫn và tiện tặn, không phung phí.



Đồng tiền bát gạo mang ra,

Rằng đây "cần kiệm" gọi là làm duyên.

(Gia Huấn Ca).



Người đời cần kiệm doanh sinh,

Có nhiều có ít cũng dành cho con.

(Huấn Nữ Ca).



Thờ chồng ta giữ tiết ta,

Chữ cần chữ kiệm nghiệp nhà như xưa.

(Huấn Nữ Ca).



CẦN VƯƠNG 勤 王

Cần: Siêng năng. Vương: Vua.

Cần vương là hết lòng siêng năng vì công việc của vua. Vua gặp tai biến, hoạn nạn, kéo quân về giúp vua thì gọi là Cần vương.

Thời nhà Nguyễn ở nước ta, vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết đứng lên chống Pháp, ban hịch “Cần vương” và gửi đi cho các sĩ phu và dân chúng khắp nơi.

Đồn nghe chiếu dụ tưng bừng,

Bay tư các tỉnh lẫy lừng cần vương.

(Hạnh Thục Ca).



Giận Quốc Phó ra lòng bội thượng,

Nên Tây Sơn xuống nghĩa cần vương.

(Hịch Tây Sơn).



Tồn tại tưởng nghìn năm lời ngọc thệ,

Cờ cần vương nên hợp sức khuông phù.

(Khuyên Trung Nghĩa).



Dầu rủi phận nợ thân chẳng vẹn,

Đạo cần vương nêu tiếng thanh cao.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CẬN CHÂU CẬN MẶC 近 朱 近 墨

Gần son gần mực, do câu nói của người xưa: “Cận châu giả xích, cận mặc giả hắc” 近 朱 者 赤, 近 墨 者 黑, nghĩa là gần son thì đỏ, gần mực thì đen.

Do tính của con người thường hay bị tập nhiễm theo xã hội, nên tục ngữ ta cũng có nói: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

CẬN HIỀN NHƯ DỰA CHI LAN

Cận hiền: Gần kẻ hiền lương. Dựa chi lan: Tựa vào cỏ chi và cỏ lan, hai loại hoa thơm.

Khổng Tử Gia Ngữ có câu: Dữ thiện nhân cư như nhập chi lan chi thất, cửu bất văn kỳ hương, tức dữ chi lan hoá 與 善 人 居, 如 入 芝 蘭 之 室, 久 不 聞 其 香, 即 與 之 俱 化, nghĩa là cùng ở với người hiền, như vào nhà trồng chi lan, lâu ngày không thấy mùi thơm, đã cùng hoá theo mà không biết.



Cận hiền như thể dựa chi lan,

Chẳng nhiểm mùi hương cũng phẩm hàm.

(Đạo Sử).



CẨN THẬN 謹 慎

Cẩn: Thận trọng. Thận: Không sơ suất.

Cẩn thận tức là thận trọng không cho sơ suất.

Cổ ngữ có câu: “Cần vi vô giá bửu, thận thị hộ thân phù” 勤 為 無 價 寶, 慎 是 護 身 符, nghĩa là siêng năng là của báu vô giá, cẩn thận là bùa hộ thân. Vì thế, thận trọng trong mọi việc thì chuyện lo buồn không có thể xảy ra.

Mũi kim chẳng lọt xưa nay hẳn

Biết sợ xin khuyên cẩn thận mình

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



CẤP NHƯ LUẬT LỊNH 急 如 律 令

Cấp như luật lịnh có nghĩa là gấp theo mệnh lịnh, là một câu văn mà ngày xưa thường đặt sau cùng những tờ công văn khẩn cấp của đời nhà Hán.

Những câu chú của các vị đạo gia hay các pháp sư, cuối câu cũng đều có câu: Cấp cấp như luật lịnh.

Tôn sư lại niệm chú linh,

Cấp như luật lịnh âm binh đứng hầu.

(Dương Từ Hà Mậu).



CẬP KÊ 及 笄

Cập: Đến. : Cài trâm.

Cập kê là đến tuổi cài trâm. Tục lệ ta ngày xưa con gái đến mười lăm tuổi là làm lễ cài trâm, tức gần đến tuổi lấy chồng.

Kinh Lễ viết: Nữ tử thập hữu ngũ niên nhi kê 女 子 十 有 五 年 而 笄, con gái 15 tuổi thì cài trâm.

Phong lưu rất mực hồng quần,

Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

(Truyện Kiều).



CẬP QUA 及 瓜

Đến kỳ dưa chín, những viên lính thú được thay thế người khác, gọi là cập qua.

Do sách Tả Truyện chép: Liên Xứng và Quản Chí được Tề hầu phái đi canh phòng ở biên giới Quỳ Châu. Hai người thay phiên nhau, hễ tới mùa dưa chín thì người nầy thế người kia, gọi là “cập qua nhi đại” 及 瓜 而 代, có nghĩa tới mùa dưa thì thay thế cho nhau.

Tóm lại, thay thế cho nhau thì gọi là “Cập qua” hay “Qua đại”



CẤT GIÓ

Tức là cất bước đi nhanh như gió hay bắt đầu đi nhanh như gió, chỉ sự đi mau lẹ.



Kíp truyền sắm sửa lễ công,

Kiệu hoa cất gió đuốc hồng điểm sao.

(Truyện Kiều).



CẤT VẠC

Vạc là cái đỉnh có ba chân, thường đúc bằng đồng, có hình to lớn và rất nặng.

Cất vạc do chữ “Cử đỉnh 舉 鼎”tức là đưa cao cái đỉnh, dùng để nói người sức mạnh phi thường, có thể cất nổi vạc ngàn cân.

CÂU ẢNH 駒 影

Bóng câu ngựa.

Do câu nói của Tống Thái Tổ cho rằng đời người qua nhanh như bóng của ngựa câu trắng chạy vụt qua khe cửa: “Nhân sinh nhất thế gian như bạch câu quá khích 人 生 一 世 間 如 白 駒 過 隙”.

Xem : “Bạch câu quá khích”.



Trăm năm thấm thoát thân câu ảnh.

(Cổ Thi).



CÂU DẦM

Câu dầm tức là móc mồi buông câu, thả ngâm dầm mồi câu dưới nước, chờ cá cắn câu, ý nói làm việc kéo dài, lê thê.



Một mình thong thả làm ăn,

Khoẻ quơ chài kéo, mệt quăng câu dầm.

(Lục Vân Tiên).



CÂU KINH TIẾNG KỆ

Kinh 經: Là nền tảng của một triết thuyết hay giáo lý một Tôn giáo. Ví dụ như: Ngũ kinh trong Nho giáo, Đạo Đức kinh trong Lão giáo, Tam Tạng kinh trong Phật giáo và Kinh Thánh của Công giáo.

Kệ 偈: Những bài thơ ngắn hay dài để tóm tắt đại ý một bài thuyết pháp hay một đoạn kinh, hoặc để ca ngợi công đức Phật, hoặc để cầu nguyện, hoặc là một bài dùng để kệ chuông, kệ trống…

Câu kinh tiếng kệ là tiếng kinh và câu kệ trong thời công phu vang lên.



Câu kinh tiếng kệ gọi hồn,

Kêu thương khách tục, giải lòng người nhân.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CÂU KÝ VÃNG

既: Đã. Vãng 往: Qua. Ký vãng là việc đã qua.

Câu ký vãng là những câu thơ, câu hát đã qua rồi.



Tỉnh giấc mộng ngâm câu ký vãng,

Trải tám thu ngày tháng như thoi.

(Tự Tình Khúc).



CÂU TÍCH KIM

Câu “Tích kim 積 金” là chứa vàng, để vàng lại.

Do trong sách Gia Huấn của Tư Mã Ôn Công có nói: Tích kim dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng thủ; tích thư dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng đọc; bất như tích âm đức minh minh chi trung, dĩ vi tử tôn truờng cửu chi kế 積 金 以 遺 子 孫, 子 孫 未 必 能 守; 積 書 以 遺 子 孫, 子 孫 未 必 能 讀; 不 如 積 陰 德 於 瞑 瞑 之 中, 以 為 子 孫 長 久 之 計, nghĩa là chứa vàng để lại cho con cháu, con cháu chưa chắc đã giữ được; chứa sách để lại cho con cháu, con cháu chưa chắc đã học được; Cách để lại cho con cháu lâu dài không gì bằng chứa âm đức ở trong chỗ minh minh. Xem: Chứa vàng để lại cho con.

Câu tích kim lời đã đáng lời,

Cơ nan thủ phép Trời đã định.

(Phương Tu Đại Đạo).



CÂU TIỄN 句 踐

Vua nước Việt đời Đông Châu.

Phụ thân của Việt vương Câu Tiễn thường bị vua nước Ngô là Hạp Lư đánh bại. Câu Tiễn rửa nhục cho cha, bằng cách đánh thắng được Ngô Hạp Lư. Con của Hạp Lư là Ngô Phù Sai trả thù cho cha, bắt Câu Tiễn cầm tù ở Thạch Thất để chăn ngựa cho vua Ngô. Nhờ lo lót và giả ngu khờ để nếm phẩn của vua Ngô, nên Phù Sai không nghi ngờ mà tha cho Câu Tiễn về nước.

Nhớ mối thù xưa, Câu Tiễn miệng thường nếm mật đắng, thân thường nằm trên gai (Ngoạ tân thường đảm) để nhắc nhở mối hận ở Cối Kê, mà cố gắng chiêu binh mãi mã, tích thảo đồn lương hầu sau đó đánh thắng được vua Ngô Phù Sai, báo được mối hận.



Câu Tiễn trước nào còn Việt,

Tấn Vương xưa cũng sang Tần.

(Khuyên Trung Nghĩa).



Nền nhân Câu Tiển đà chen bước,

Cửa ải Phù Ta đã bước vào.

(Nguyệt Tâm Chơn Nhơn).



CÂU THƠ TANG TỬ

Tang tử là cây dâu và cây thị.

Do trong Kinh Thi có câu: Duy tang dữ tử tất cung kính chi 維 桑 與 梓 必 恭 敬 之, nghĩa là phải cung kính nơi trồng cây dâu cây thị.

Bởi vì cây dâu cây thị do cha mẹ trồng nên phải cung kính.

Câu thơ tang tử dùng để chỉ làng xóm, quê hương, chỗ cha mẹ ở.

Cành mai chếch mác càng thương,

Câu thơ tang tử giữa đường càng đau.

(Tự Tình Khúc).



CẦU ĐẢO 求 禱

Cầu: Xin, mong. Đảo: Cúng tế để cầu xin.

Cầu đảo là bày lễ cúng tế để cầu xin các Đấng Thiêng Liêng một điều gì.

Tương truyền, Đức Khổng Tử bị đau nặng, học trò là Tử Lộ xin Thầy bày lễ cầu nguyện để mau được khỏi bệnh. Ngài nói rằng: Khâu chi đảo cửu hỹ 丘 之 禱 久 矣, nghĩa là Khâu này cầu nguyện đã lâu rồi. Ý Ngài muốn nói chung thân Ngài làm điều nhơn nghĩa, như vậy lúc nào Ngài cũng cầu xin rồi vậy. Theo Ngài, nếu ai bất nhân bất nghĩa, làm điều trái đạo, mắc tội với Trời, dù có cầu xin cũng không ích gì: Hoạch tội ư thiên, vô sở đảo dã 獲 罪 於 天, 無 所 禱 也: Phải tội với Trời còn cầu xin vào đâu được.

Dầu nghiệt chướng số căn quả báo,

Đừng hãi kinh, cầu đảo Chí Tôn.

(Kinh Tận Độ).



CẦU HOÀNG 求 凰

Bởi chữ “Phụng Cầu hoàng 鳳 求 凰.



Cầu: Tìm kiếm. Hoàng: Chim phượng mái.

Phụng Cầu Hoàng có nghĩa là chim phượng trống tìm chim phượng mái, đó là tên một bản đàn, còn gọi là “Phụng Cầu Kỳ Hoàng”.

Bản đàn này do Tư Mã Tương Như đời nhà Hán, gãy để ghẹo nàng Trác Văn Quân. Trác Văn Quân nghe khúc đàn này mê, bèn theo Tương Như, rồi hai bên lấy nhau.

Duyên này mà đã dở dang,

Còn nên gảy khúc Cầu hoàng nữa sao?

(Quan Âm Thị Kính).



Cầu hoàng tay tựa nên vần,

Tương Như lòng ấy, Văn Quân lòng nào.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



CẦU HỒNG

Bởi chữ “Hồng kiều 紅 橋” là cái cầu sắc đỏ giăng như cái mống, tức cái cầu vồng mọc ngang bầu trời.

Người ta thường ví chiếc cầu bắc ngang qua sông như cái cầu vồng vắt ngang bên trời.

Cầu hồng dậm tiếng dầy tợ sấm,

xô bồ dưới nguyệt gót kim liên.

(Tần Cung Nữ).



CẦU LAM

Cầu Lam là một cây cầu bắc ngang sông Lam, thuộc huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.

Đời nhà Đường có Bùi Hàng thi hỏng, trở về nhà tình cờ gặp phu nhân Vân Kiều tặng cho bài thơ trong đó cho biết có duyên cùng Vân Anh. Hôm sau, Bùi Hàng bèn đi tìm, ngang qua một cây cầu tên là Lam Kiều, rồi vào một quán gặp nàng Vân Anh. Sau hai người kết duyên với nhau.

Nghĩa bóng: Nơi gặp duyên nợ.

Xem: “Lam Kiều.

Cầu Lam từ tỏ lối tìm,

Nhẫng nay chừng đã đầu thềm nửa sương.

(Hoa Tiên Truyện).



Chày sương chưa nện cầu Lam,

Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?

(Truyện Kiều).



Lỡ lối cũ động đào lạc bước,

Khó cầm duyên đợi ngọc cầu Lam.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CẦU LAM CHƯỞNG NGỌC

Cầu Lam: Tức Lam kiều, nơi Bùi Hàng gặp được Vân Anh. Chưởng ngọc 掌 玉: Cầm cây chày ngọc.

Cầu Lam chưởng ngọc tức là nơi Lam kiều, Bùi Hàng lấy chày ngọc giã thuốc trường sanh để được kết duyên cùng nàng Vân Anh.

Xem: Bùi Hàng.

Nào khi đến cầu Lam chưởng ngọc,

Nào khi lo giã thuốc trường sanh.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CẦU LỢI MUA DANH

Cầu lợi: Tìm cầu lợi lộc. Mua danh: Kiếm chác hư danh. Đồng nghĩa với câu “Mua danh chác lợi”.

Cầu lợi mua danh là nói người chạy theo danh lợi.



Dầu trong cơn cầu lợi mua danh,

Cũng chớ khá đua tranh hao kém của.

(Phương Tu Đại Đạo).



CẦU MỴ GIẾT CON

Bởi chữ “Sát tử mỵ quân 殺 子 媚 君”.

Dịch Nha là người đầu bếp giỏi của vua Tề Hoàn Công đời Chiến Quốc. Vua bảo với Dịch Nha: Các giống điểu thú trùng ngư ta ăn gần đủ mùi, duy chỉ thịt người thì chưa biết vị nó thế nào?

Dịch Nha muốn cầu mỵ với vua, về giết đứa con đầu lòng nên ba tuổi, làm món ăn dâng vua. Tề Hoàn Công ăn ngon, hỏi ra mới biết, cho là Dịch Nha thương mình, có ý tin dùng.

Do vậy, người đời sau mới nói: Sát tử mỵ quân, Tề Dịch Nha chi nhân tâm hề tại? 殺 子 媚 君, 齊 易 牙 之 人 心 奚 在? Nghĩa là giết con mỵ vua, lòng người của tên Tề Dịch Nha ở đâu?

Sau Dịch Nha mưu phản, bỏ vua Tề Hoàn Công ở hầm đá hơn nửa tháng, đói khát mà chết.



Ghét đứa cầu mỵgiết con,

Ghét đứa tham sang mà hại vợ.

(Sãi Vãi).



CẦU NẠI HÀ

Bởi chữ “Nại Hà kiều 奈 河 橋”.

Theo Phật giáo và Kinh Sám Hối của đạo Cao Đài, ở cõi Âm phủ có con sông lớn, gọi là Nại Hà, trong ấy có các loại thủy tộc như rắn, cua, kình rất dữ tợn. Trên sông có bắc một cây cầu, gọi là cầu Nại Hà, Tội nhơn đến đó không thể nào qua sông đặng, chỉ những người có đầy đủ phước đức mới đi qua cầu Nại Hà được, còn những kẻ hung dữ đều bị té nhào xuống sông để cho cua kình rỉa thây.

Xem: Nại Hà kiều.



Gặp phải lúc đi đường lỡ bước,

Cầu Nại Hà kẻ trước người sau.

(Thập Loại Chúng Sinh).



Cầu Nại Hà bắc giăng sông lớn,

Tội nhơn qua óc rởn dùn mình.

(Sám Hối Kinh)



CẦU Ô

Bởi chữ “Ô kiều 烏 橋” hay “Thước kiều 鵲 橋”, tức là cầu do chim ô thước bắc qua sông Ngân Hà để Chức Nữ sang gặp Ngưu Lang trong đêm thất tịch (Mồng bảy tháng bảy). Tương truyền, vào tháng bảy đầu chim ô thước bị trụi cả lông, nên người ta cho rằng vì đội làm cầu cho Chức nữ.



Sầu vừa ngớt, ngớt lại sầu,

Sông Ngân thử bắc lấy cầu ô xem.

(Truyện Phan Trần).



Bao giờ bắc lại cầu ô,

Mà cho ả Chức chàng Ngưu tới gần?

(Bần Nữ Thán).



Nào khi hỏi thăm hang Từ Thức,

Nào khi dò mấy bực cầu ô.

(Nữ Trung Tùng Phận).




tải về 15.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   134




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương