Thiên vân quách văn hòa trong thi văn năM 2011 LỜi tựA



tải về 15.16 Mb.
trang9/134
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích15.16 Mb.
#30102
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   134

BỂ KÌNH BẶT TĂM

Kình là cá voi, được ví với giặc giã.

Bể kình bặt tăm có nghĩa là cá voi ở bể không còn tăm hơi nữa, ý muốn nói đời thái bình, yên ổn, không còn giặc giã cướp bốc.

Công từ tựu trấn yên dinh,

Ngàn lang bạt khói, bể kình bặt tăm.

(Lưu Nữ Tướng).



BỂ KHỔ

Hay “Biển khổ”.

Do chữ “Khổ hải 苦 海” của nhà Phật.

Đời sống của con người ở thế gian được Phật ví như là một biển khổ mênh mông vô cùng.

Xem: Khổ hải.

Mênh mang bể khổ sống trôi,

Biết rằng phúc thiện có trời nữa không?

(Hoa Tiên Truyện).



Bể khổ nào ai tay tế độ,

Cõi trần mấy kẻ mặt hùng anh.

(Thơ Chu Mạnh Trinh).



Linh đinh bể khổ dật dờ,

Xin cho thiếp gởi thân nhờ cửa không.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BỂ LẶNG SÔNG TRONG

Bởi chữ “Hải yến hà thanh 海 晏 河 清” tức là biển lặng, sông Hoàng Hà trong.

Xét trong lịch sử vào năm thứ ba đời vua Trang Tương Vương, sông Hoàng Hà tự nhiên trong, năm ấy có thánh nhân xuất hiện, tức là vua Hán Cao Tổ được sinh vào năm ấy ở đất Bái.

Bể lặng sông trong ý nói điềm thánh nhân ra đời hoặc đời thái bình thịnh trị.



Niềm tôn thân dù sinh tử chớ nề,

linh thời hộ Hoàng triều cho bể lặng sông trong,

duy vạn kỷ chưa dời ngôi bảo tộ.

(Trận Vong Tướng Sĩ).



BỂ MÊ

Hay “Biển mê” là một cảnh giới lầm lạc của chúng sanh, chỉ cõi trần.

Theo Phật, chúng sanh bị nghiệp quả đoạ xuống cõi trần chịu nhiều phiền não, khổ đau. Vì thế, pháp của Phật như một chiếc bè từ đưa chúng sanh vượt qua khỏi biển mê (Hay sông mê) để đến bờ giác ngộ.

Xem: Mê Tân.



Biển mê cầu ngọc liên phàm tục,

Cõi thọ sông Ngân tiếp đảnh Tần.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Ta than lỗi bậc cung cầm,

Nàng sầu lạc nhạn ngư trầm biển mê.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BỂ MÊ CHÈO CHIẾC THUYỀN TÌNH

Hay “Biển mê chèo chiếc thuyền tình”.



Biển mê: Chỉ cõi thế gian. Thuyền tình: Chiếc thuyền của tình thương, tức lòng từ bi.

Biển mê chèo chiếc thuyền tình ý muốn nói chèo chiếc thuyền từ bi, bác ái để cứu vớt những người đang bị chìm đắm trong sông mê biển khổ.



Tâm ẩn ái giúp Chí Linh,

Biển mê chèo chiếc thuyền tình độ nhân.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BỂ NỌ HOÁ VƯỜN DÂU

Hay “Biển nọ hoá vườn dâu”.

Bởi câu “Thương hải biến vi tang điền 蒼 海 變 為 桑 田” nghĩa là biển xanh hoá thành ruộng dâu, ý nói một cuộc thay đổi lớn.

Xem: Bể dâu.



Phòng cơn biển nọ hóa vườn dâu,

Chưa hết quan viên há hết chầu.

(Đạo Sử).



BỂ NON

Lấy ý từ chữ “Sơn hải 山 海” là núi và bể, dùng để chỉ sự cao lớn, mênh mông.

Bể non ý nói ân nghĩa sâu rộng.

Khâu sinh cười nói, thưa rằng:

Tình người quyến cố xem bằng bể non.

(Nhị Độ Mai).



BỂ NGUYỆN NON GHI

Hay “Biển nguyện non ghi”.

Bể nguyện non ghi là chỉ biển mà thề nguyện, lấy núi để khắc ghi trong lòng. Đồng nghĩa với câu “Bể nguyện non thề”.

Nào khi biển nguyện non ghi,

Thác thời đồng huyệt, sống thời đồng khâm.

(Hứa Sử Tân Truyện).



BỂ NGUYỆN NON THỀ

Hay “Biển nguyện non thề”.

Bởi chữ “Hải thệ sơn minh 海 誓 山 盟” tức là chỉ bể mà thề thốt, chỉ núi mà ước nguyền. Nói việc trai gái thề nguyền, hẹn ước nhau trước núi và biển giữ mối duyên keo sơn, bền chặt.

Xem: Hải thệ sơn minh.



Đã đẹp phận sắt cầm ân ái,

Hằng ghi lòng bể nguyện non thề.

(Nhạc Hoa Linh).



BỂ QUAN

Hay “Biển quan”.

Bởi chữ “Hoạn hải 宦 海”, có nghĩa bể hoạn, tức là ra làm quan.

Trường quan lại có nhiều chức vụ rộng như đi trong biển cả, có nhiều gian nan sóng gió, nên người ta mới gọi là “Bể hoạn” hay “Bể quan”.

Xem: Hoạn hải.

Bể quan khơi vượt cánh thuyền,

Thổi đưa ra cũng sức trên trao dùng.

(Hoa Tiên Truyện).



BỂ SỞ SÔNG NGÔ

Hay “Biển Sở sông Ngô”.

Tức là bể nước Sở, sông nước Ngô, ý muốn nói khắp các miền đất nước, khắp nơi, khắp chốn.

Một tay gây dựng cơ đồ,

Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành!

(Truyện Kiều).



BỂ THẢM

Hay “Biển thảm”.

Thảm là đau xót. Bể thảm là lòng đau đớn chất chứa đầy mênh mông như biển cả.

Xem: Thành sầu.



Thành sầu muôn trượng xây nên đợt,

Bể thảm ba đông chất chứa đầy.

(Lâm Tuyền Kỳ Ngộ).



BỂ THÁNH

Hay “Biển Thánh”.

Bể Thánh là bể học của Thánh hiền. Ngày xưa các Nho sĩ ca tụng đạo Nho, coi đạo học của Thánh hiền rộng lớn như biển cả.

Xem: Bể Thánh rừng Nho.

1.- Bể Thánh:

Rằng ta tuổi trẻ theo đòi,

Mênh mông bể Thánh nào vơi phần nào.

(Hoa Tiên Truyện).



Bể thánh sâu, cố gia công lội,

Rừng nho gai, thẳng lối xông pha.

(Gia Huấn Ca).



Hồ tiên bể Thánh dầu thông thả,

Thuyền ai một lá nổi Động Đình.

(Tư Dung Vãn).

2.- Biển Thánh:

Buổi già ước đặng đem thân gởi,

Biển Thánh rán dò lúc tuổi xuân.

(Đạo Sử).



Cây trái rừng Nho ra sức hái,

Lộ gành biển Thánh rán công dò.

(Thơ Nguyễn Đình Chiểu).



BỂ THÁNH RỪNG NHO

Lấy ý từ câu “Nho lâm học hải 儒 林 學 海”, tức chữ Nho và kinh sách của Thánh hiền nhiều như cây lá trên rừng, nền học sâu rộng như biển cả.

Bể Thánh rừng Nho ý nói kinh sách như rừng, việc học như biển, mà người xưa nghĩ rằng không biết bao giờ mới học cho hết được.

Xem: Rừng Nho biển Thánh



Bốn phương nức tiếng vang lừng,

Ngao du bể Thánh, vẫy vùng rừng Nho.

(Thanh Hoá Quan Phong).



BỂ TRẦM LUÂN

Hay “Biển trầm luân”.



Trầm luân: Chìm đắm

Bể trầm luân là biển cả làm chìm đắm con người. Theo giáo lý nhà Phật, cuộc đời đầy dãy những nỗi phiền não, khổ đau mà con người phải chìm đắm mãi trong đó.



Nàng đà biết đến ta chăng,

Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi.

(Truyện Kiều).



BỂ TRẦN

Hay “Biển trần”.

Theo Phật, bể trần tức là bể trần gian. Ý nói cõi trần gian được xem như là một biển khổ mênh mông không bờ bến.

Trong Huyền Môn Nhựt Tụng có câu: Trần hải man man nhựt thuỷ đông 塵 海 茫 茫 水 日 東, nghĩa là biển trần khổ vơi vơi trời nước, Ánh thái dương giọi trước phương đông (Bài Khai Kinh).



Bể trần chìm nổi thuyền quyên,

Hữu tài thương nỗi vô duyên lạ đời.

(Truyện Kiều).



BỂ TRẦN KHỔ

Hay “Biển trần khổ” là trần gian như một cái biển khổ mênh mông.

Theo Đạo Phật, nơi cõi trần gian nầy, sự đau khổ của con người dẫy đầy như nước biển mênh mông, lai láng, không bờ, không bến. Bài kệ chuỗi bên Phật có câu: Ái hà thiên xích lãng, Khổ hải vạn trùng ba. Dục thoát luân hồi khổ, Tảo cấp niệm Di Đà 愛 河 千 尺 浪, 苦 海 萬 重 波. 欲 脫 輪 迴 苦, 早急念彌陀 dịch vần: Sông yêu ngàn thước sóng, Biển khổ muôn lượn qua. Luân hồi mong vượt thoát, Mau sớm niệm Di Đà.

Biển trần khổ vơi vơi Trời nước

Ánh Thái Dương giọi trước phương đông.

(Kinh Cúng Tứ Thời).



BỂ TRÍ NON NHÂN

Hay “Biển trí non nhân”.

Biển trí là sự hiểu biết rộng lớn như biển, tức là trí huệ. Người có trí huệ là người giác ngộ, đắc thành Tiên, Phật. Chỉ cõi Tiên.

Non nhân là lòng thương người cao lớn như núi, đây là lòng từ bi, bác ái của Phật. Chỉ cảnh Phật.

Biển trí non nhân tức là chỉ cõi tiên cảnh Phật.

Trừ trần cấu, xủ phất trần,

Quen bờ biển trí, dựa gần non nhân.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BỆ NGỌC

Bởi chữ “Ngọc giai 玉 階” tức bực thềm bằng ngọc, chỉ ngôi vua ngự.



Dưới bệ ngọc hàng uyên vò võ,

Cất chân tay thương khó xiết chi.

(Ai Tư Vãn).



BẾN HÀ CHÂU

Hà châu 河 洲: Bãi sông. Bến hà châu là cái bến ở bãi sông, chỉ mối duyên đẹp đẽ giữa vợ chồng.

Do Kinh Thi có câu: Quan quan thư cưu, tại hà chi châu. Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cầu 關 關 雎 鳩, 在 河 之 洲. 窈 窕 淑 女, 君 子 好 逑, nghĩa là đôi chim thư cưu cất tiếng kêu hòa nhã trên bãi sông. Người thục nữ dịu dàng, sánh đôi rất tốt với người quân tử.

Xem: Quan thư.

Thể lòng dãi bến Hà châu,

Đợi nhau trên Bộc trong dâu ru mà.

(Hoa Tiên Truyện).



BẾN KHỔ

Do từ chữ “Khổ hải 苦 海” là bể khổ mà ra.

Bến khổ chỉ cõi trần gian là nơi đầy dẫy sự phiền não, khổ đau. Theo Phật, muốn thoát khỏi bến khổ phải lấy trí tuệ (Bát nhã) làm con thuyền đưa sang bờ giác.

Cao Ðài đứng chủ cả sanh linh,

Bến khổ bầu Tiên rưới thế tình.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Nhẫng vơ vẩn vào ra bến khổ,

Trước mặt xem những chỗ sầu than.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BẾN LŨNG

Do chữ “Lũng Đầu thuỷ 隴 頭 水”, tức là bến nước ở trên triền núi Lũng Sơn.

Lũng Sơn là tên dãy núi cao dài từ tỉnh Thiểm Tây đến tỉnh Cam Túc, là một cửa ải hiểm yếu về phía tây đất Quan Trung. Dưới chân núi có cửa quan, gọi là Lũng Quan. Trên núi, có nhiều ngọn nước tụ lại rồi chảy xuống núi, gọi là Lũng Đầu thuỷ. Dân gian có bài ca rằng: Lũng đầu lưu thuỷ, minh thanh u yết. Dao kiến Tần xuyên, can trường đoạn tuyệt 隴 頭 流 水, 鳴 聲 幽 咽. 遙 見 秦 川, 肝 腸 斷 絕, nghĩa là Lũng Đầu nước chảy, tiếng kêu róc rách. Xa trông đến ngọn sông Tần, ruột gan đứt từng đoạn.

Trần Đào đời Đường có bài thơ “Lũng Tây Hành”, vịnh sự đi đánh xứ Lũng Tây: Thệ tảo Hung Nô bất cố thân, Ngũ thiên điêu cẩm táng Hồ trần. Khả liên Vô Định hà biên cốt, Do thị xuân khuê mộng lý nhân 誓 掃 匈 奴 不 顧 身, 五 千 貂 錦 葬 胡 塵. 可 憐 無 定 河 邊 骨, 猶 是 春 閨 夢 里 人, nghĩa là thề lấy thân đem quét rợ Hung Nô, cho nên năm ngàn quân mũ gấm lông điêu thảy chôn lấp ở đất Hồ. Thương thay chết đã thành đống xương bên sông Vô Định, mà hồn còn tưởng sống cứ về thăm vợ ở chốn phòng xuân.



Giận thiếp thân lại chẳng bằng mộng,

Được gần chàng bến Lũng thành quan.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



BẾN MÊ

Dịch nghĩa từ chữ “Mê tân 迷 津”. Từ của nhà Phật, chỉ cảnh giới lầm lạc và mê muội của chúng sanh.

Xem: Mê tân.

Nghĩ thân phù thế mà đau,

Bọt trong bể khổ, bèo ngoài bến mê.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



Bến mê ngán ngẩm sự đời,

Cái vòng con tạo, khéo chơi lững lờ.

(Hoa Tiên Truyện).



Bến mê rước khách thuyền đương đợi

Đưa đến đào nguyên hưởng phước lành

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Nầy bờ tục, nọ bến mê,

Từ đây không trở lộn về thấy ngươi.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BẾN NƯỚC TRONG ĐỤC

Do tục ngữ có câu: “Gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu” để ví thân phận người con gái như con thuyền, nổi lênh đênh giữa biển xã hội mênh mông, đang tìm những bến nước ghé đậu. Nếu may thì sẽ gặp bến nước trong thì hưởng sự tốt đẹp, nếu rủi gặp bến nước đục thì phải chịu lắm nhọc nhằn khổ cực.

Xem: Mười hai bến nước.

Bến nước gái mơ màng trong đục,

Đếm mười hai họa phúc khó lừa.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BẾN NGÂN

Bởi chữ “Ngân hà 銀 河” tức là con sông do muôn vạn ngôi sao chi chít trên bầu trời tạo thành một dãy dài trông như một con sông bạc, được gọi là “Ngân Hà”, hay Bến Ngân.

Xem: Ngân hà.

Khác gì ả Chức chị Hằng,

Bến Ngân sùi sụt cung trăng chốc mòng.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



BẾN Ô GIANG

Tức là bến sông Ô, một con sông mà Sở Bá Vương Hạng Võ bị thất trận quân Hán, phải tự đâm cổ chết. Sau nàng Ngu Cơ, người thiếp yêu quý của Hạng Vương cũng tự sát chết, được chôn ở bến Ô Giang. Vùng đó nhân thế mà mọc ra một thứ cỏ thơm người ta gọi là cỏ “Ngu mỹ nhân”.



Châu Nam Hải, thuyền chìm sông Thuý Ái,

Sông Tiền Đường, cỏ áy bến Ô Giang!

(Thơ Tản Đà).



BẾN PHÌ

Bến ở sông Phì Thuỷ 淝 水, một con sông ở tỉnh An Huy có hai nhánh chảy hiệp lại một.

Phì Thuỷ là nơi quân của Bồ Kiên đánh với Tần thua nặng, quân lính chết mười phần hết chín, thây chất thành núi, máu chảy thành sông.

Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo,

Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



BẾN TƯƠNG

Tức bến sông Tương. Do chữ “Tương Giang 湘 江”, chỉ sự thương nhớ giữa trai và gái, hay sự ly biệt giữa đôi lứa.

Do tích trong “Tình Sử” đời nhà Châu, Lương Ý yêu chàng Lý Sinh, sau phải xa nhau, nên có làm bài thơ “Tương Giang” (Sông Tương).

Xem: Sông Tương.



Chim lìa đảnh hạc bay ngơ ngáo,

Chiếc nhạn kêu thu đến bến Tương.

(Đạo Sử).



BỀN GAN

Đồng nghĩa với bền chí.

Bền gan là giữ vững được lòng dạ, không nao núng, không đổi thay trước việc khó khăn, trở ngại.

Gắng chí tập lần thân cực nhọc,

Bền gan tu luyện mới là nên.

(Đạo Sử).



BỆNH TỀ TUYÊN

Chứng bệnh của vua Tề Tuyên Vương đời Chiến Quốc, tức là bệnh ham mê sắc đẹp phụ nữ.

Khi Tuyên Vương nước Tề tiếp kiến Mạnh Tử và hỏi về công việc trị nước. Mạnh Tử khuyên vua Tề nên thi hành vương chính. Tề Tuyên Vương cho điều đó rất hay, nhưng nhà vua tự nhận mình không thể đem thi hành được vì có nhược điểm là ham mê nữ sắc.

Tai nghe nhưng mắt chưa nhìn,

Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên đùng đùng.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



BI HOÀI 悲 懷

Bi: Thương xót. Hoài: Nhớ trông.

Bi hoài nghĩa là thương xót và nhớ trông.



Xót thầm vóc ngọc tuổi cao,

Nhớ chừng thường chẳng lãng xao bi hoài.

(Hạnh Thục Ca).



BI HOAN 悲 歡

Bi: Thương xót, đau đớn. Hoan: Vui vẻ.

Bi hoan là đau đớn và vui vẻ lẫn lộn, tức nói cảnh buồn vui thay đổi.



Cuộc tụ, tán, bi, hoan kíp bấy,

Kể sum vầy đã mấy năm nay?

(Ai Tư Vãn).



BI HÙNG 羆 熊

Bi: Tên một loại gấu. Hùng: Cũng là loài gấu.

Bi hùng là loài gấu. Bi: Tên một loại gấu. Xem: Hùng bi.



Kết nguyền vừa được năm năm,

Bi hùng điềm ấy sinh trăm trứng rày.

(Thiên Nam Ngữ Lục).



BI THIẾT 悲 切

Bi là đau thương. Thiết là tự mình chịu lấy.

Bi thiết là tự mình chịu lấy việc đau thương.

Ðèn có biết, dường bằng chẳng biết,

Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



BI THU 悲 秋

Bi: Thương xót. Thu: Mùa thu.

Bi thu là thương xót cho mùa thu, bởi vì cảnh sắc mùa thu tiêu điều, sầu thảm. Xưa nay, các thi nhân thường cảm khái về mùa thu.

Thơ Đỗ Phủ đời nhà Đường có câu: Vạn lý bi thu thường tác khách 萬 里 悲 秋 常 作 客, tức là thương cho mùa thu thường làm khách xa muôn dặm.

Ai ngờ tiếng dế than ri rỉ,

Giọng bi thu gọi kẻ cô phòng.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



BI XÀ 羆 蛇

Bi: Tên một loại gấu. : Rắn.

Bởi trong Kinh Thi nói chiêm bao mà thấy gấu là điềm sinh trai, chiêm bao mà thấy rắn là điềm sinh gái.

Xem: Bi hùng.

Cùng Giải thị duyên vầy loan phụng,

Roi Thiết gia chư ứng bi xà.

(Kim Thạch Kỳ Duyên).



BÌ TIÊN 皮 鞭

: Da. Tiên: Cây roi.

Bì tiên là cây roi làm bằng da thú.



Phải làm cho biết phép tao!

Chập bì tiên rắp sấn vào ra tay.

(Truyện Kiều).



BỈ SẮC TƯ PHONG 彼 嗇 斯 豐

Do câu “Phong ư bỉ, sắc ư thử” 豐 於 彼, 嗇 於 此, nghĩa là dồi dào bên nầy, keo kiệt bên kia. Nghĩa bóng: “Được bề nầy mất bề nọ”.

Xem: Phong sắc.

Lạ gì bỉ sắc tư phong,

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

(Truyện Kiều).



BĨ CỰC THÁI LAI 否 極 泰 來

Hay “Bĩ cực thới lai”.



Bĩ cực: Hết sức xấu. Thới lai: Tốt trở lại. Bĩ cực thới lai nghĩa là hết vận bĩ, tới vận thái.

Bĩ thái vốn là hai quẻ của Dịch: Bĩ là cùng, thái là thông. Vận mệnh của con người khi gặp hết sức xấu thì tốt sẽ trở lại, tức là hết suy tới thịnh, hết bĩ tới thái, theo đúng cơ trời vận chuyển.



Trong cơ bĩ cực thái lai.

Giữ gìn cho vẹn việc ai chớ sờn.

(Lục Vân Tiên).



Mới hay bĩ cực thới lai,

Còn trong trần luỵ, biết ai vương hầu.

(Truyện Phan Trần).



BĨ THÁI 否 泰

Quẻ bĩ và quẻ thái.

Theo nguyên lý Dịch học, trời đất giao hoà thông suốt với nhau gọi là thái, nếu không giao thông được như thường gọi là bĩ.

Vận số con người bị xấu gọi là bĩ, vận số tốt gọi là thái. Hai chữ nầy dùng để nói về vận số khi cùng khi thông, lúc suy lúc thịnh.



Quy thông hay thành bại, kiết hung,

Phụng lân biết thịnh suy bĩ thái.

(Lục Súc Tranh Công).



Thầy rằng: Bĩ thái khôn lường,

Trăng thường tròn khuyết, nước thường đầy vơi.

(Truyện Phan Trần).



Bây giờ loạn lạc bơ vơ,

Cơ trời bĩ thái nắng mưa là thường.

(Gia Huấn Ca).



Số cả rồi thời lại thái,

Cơ thường đông hết lại sang xuân.

(Thơ nguyễn Công Trứ).



BIA DANH

Người chết đi, tên tuổi còn truyền lại mãi mãi cho đời sau gọi là bia danh. Chữ bia danh thường được dùng cho kẻ mang tiếng xấu.



Đừng đừng theo thói mẹ con,

Thác đà mất kiếp, tiếng còn bia danh.

(Lục Vân Tiên).



BIA TRUỴ LỆ

Dịch chữ “Truỵ lệ bi 墜 淚 碑”, tức là tấm bia làm cho người ta rơi nước mắt.

Do điển Dương Hổ đời nhà Tống, là một vị quan thanh liêm và rất thương yêu dân chúng. Sau khi ông mất, mọi người thương tiếc mới dựng bia ở núi Nghiên, là nơi lúc sinh thời Dương Hổ thường đến đó ngồi chơi. Người đi ngang qua lại, nhìn thấy tấm bia đều ứa nước mắt, nên người đương thời mới gọi là “Bia truỵ lệ”.

Cầu kia ai gọi Tân Đình,

Chiếc bia truỵ lệ rành rành bên sông.

(Tự Tình Khúc).



BÍCH CÂU 碧 溝

Bích câu tức ngòi biếc, là tên một phường của thành Thăng long, sau thuộc làng Yên Trạch, huyện Thọ Xương Hà Nội. Khi Hà Nội làm thành phố thì Bích câu đã lọt vào thành phố Cát Linh, có đền Tú Uyên và hồ Tú Uyên. Sau binh lửa năm 1946, đền đã bị phá, chỉ còn trơ có bức tường. Nay Hà nội đã có một phố mang tên là phố Bích câu tức là phố Graffeuil trước.



Thành Tây có cảnh Bích câu,

Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao!

(Bích Câu Kỳ ngộ).



BIÊN ẢI 邊 隘

Biên: Chỗ giáp giới giữa hai nước. Ải: Cửa ải.

Biên ải là ải quan ở nơi biên giới, tức là chỗ đất hiểm trở giáp giới giữa hai nước.



Một mình một ngọn đèn hao.

Áng mây biên ải, chiêm bao cho liền.

(Hoa Tiên Truyện).



BIÊN CƯƠNG 邊 疆

Biên: Chỗ giáp giới giữa hai nước. Cương: Đất đai được giới hạn của hai quốc gia.

Biên cương là chỉ đất đai giáp nhau giữa hai nước.



Kìa Chí Tôn Cao Đài đương ngự,

Rưới hồng ân chặt giữ biên cương.

(Kinh Thế Đạo).



Biên cương buổi nọ Tàu lui gót,

Chín bệ ngày nay quỉ nhảy đầm.

(Đạo Sử).



Trước quốc chánh chia hai tộc chủng,

Núi Hoành sơn định phỏng biên cương.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BIÊN ĐỊA 邊 地

Biên: Nơi giáp giới giữa hai nước. Địa: Đất.

Biên địa như biên cương, tức là vùng đất giáp giới giữa hai nước.



Dao Trung yên mã chỉnh tu,

Vưng lịnh lão tuần du biên địa.

(Nhạc Hoa Linh).



BIÊN ĐÌNH 邊 廷

Biên: Nơi giáp giữa hai nước. Đình: Triều đình.

Biên đình là đất của triều đình, nơi đó giáp giới giữa hai quốc gia.



Lần thâu gió mát trăng thanh,

Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi,

(Truyện Kiều).



Xem dường cuồng khấu biên đình,

Cung dâu tên cỏ, nước mình chấn hưng.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BIÊN PHONG 編 封

Tức là tịch biên 籍 編 và niêm phong 黏 封.

Nhà người có tội bị bắt, gia sản bị tịch biên, tức là nhà nước ghi chép vào sổ sách tài sản của người có tội rồi tài sản và nhà cửa bị niêm phong lại.



Hỏi thăm tìm đến hỏi qua,

Cửa ngoài đã thấy có tờ biên phong.

(Nhị Độ Mai).



Biên phong điền sản, cửa nhà,

Cùng là thân thích chẳng tha một người.

(Nữ Tú Tài).



BIÊN PHÒNG 邊 防

Biên: Nơi giáp giới giữa hai quốc gia. Phòng: Đề phòng gìn giữ.

Biên phòng là canh phòng, gìn giữ nơi biên giới của quốc gia.



Bản chức nay:

Vâng lệnh biên phòng,

Chạnh niềm viễn thú.

(Trận Vong Tướng Sĩ).



BIÊN QUAN 邊 關

Biên: Ranh giới giữa hai nước. Quan: Ải.

Biên quan tức là cửa ải ngoài biên cảnh, nơi giáp giới giữa hai nước.

Xem: Biên ải.

Ai hay những việc chẳng ngờ,

Lời biên quan báo, thực là không sai.

(Nhị Độ Mai).



BIÊN THÀNH 邊 城

Biên: Chỗ giáp giới giữa hai quốc gia. Thành: Thành trì.

Biên thành là thành trì nơi biên giới, tức là chỗ đất hiểm trở giáp giới giữa hai nước.

Xem: Biên ải.

Hồng quần nhẹ bước chinh yên,

Đuổi ngay Tô Định dẹp tan biên thành.

(Quốc Sử Diễn Ca).



Thương ôi muôn dặm biên thành,

Xa xôi nào thấu dữ lành tin hơi.

(Hoa Tiên Truyện).



BIÊN THUỲ 邊 陲

Biên: Chỗ giáp giữa hai nước. Thuỳ: Biên giới.

Biên thuỳ là chỗ đất biên giới giữa hai nước.



Xa khơi ngoài chốn biên thùy,

Đồ bà giặc mọi đua bề phân tranh.

(Quốc Sử Diễn Ca).



Nghênh ngang một cõi biên thùy,

Thiếu gì cô quả, thiếu gì bá vương!

(Truyện Kiều).



Tiện nghi các việc biên thùy,

Vận lương, Diêu cũng tức thì trẩy ra.

(Hoa Tiên Truyện).




tải về 15.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   134




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương