Thiên vân quách văn hòa trong thi văn năM 2011 LỜi tựA



tải về 15.16 Mb.
trang5/134
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích15.16 Mb.
#30102
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   134

BÁ NHẠC 伯 樂

Bá Nhạc tức Tôn Dương, người đời Xuân Thu, rất giỏi nghề xem tướng ngựa. Ngày kia, ông đi qua nơi có ngựa kỳ ngựa ký đang kéo xe muối, trông thấy Bá Nhạc thì ngựa hý to lên. Bá Nhạc xuống xe nhìn ngựa mà khóc, rồi lại vỗ về, đám ngựa ra dáng hả hê, ngửa mặt lên trời mà hý, tiếng hý kêu thấu trời..



Mã Long tuấn gặp chàng Bá Nhạc,

Ngọc Kinh sơn gặp được Biện Hoà.

(Bần Nữ Thán).



Bà ngựa dầu lành nào Bá Nhạc,

Cái gươm nhẫn có thiếu Trương Hoa.

(Quốc Âm Thi Tập).



BÁ TỪNG HỔ MẶT.

Bá từng hổ mặt tức là Vương Bá từng hổ thẹn.

Đường Thư kỷ yếu chép: Vương Bá lúc hàn vi đến ở chùa Huệ Chiếu ở Dương châu, thường hay đi ăn chực, các sư lúc ấy ghét ông lắm. Sau 20 năm, Vương Bá làm quan ở Dương Châu, về thăm lại chùa, thấy những bài thơ của ông lúc trước viết trên tường được che bằng sa xanh.

Tín có thuở lượm tay Phiếu mẫu,

Bá từng phen hổ mặt Đồ lê.

(Thập Giới Cô Hồn).



BÁ TƯỚC 伯 爵

: Một trong năm tước: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Tước: Một danh vị vua phong.

Bá tước là tước của vua phong cho các ông hoàng trong Hoàng tộc, hay những người có công trạng. Bá tước đứng vào hàng thứ ba, sau Công tước, Hầu tước và trước Tử tước, Nam tước.



Mượn bút nghiên khuây khoa vẻ thảm,

Những là Bá Tước gánh đồ thơ.

(Đạo Sử).



BÁ VƯƠNG 霸 王

: Nước chư hầu có quyền thống lĩnh các nước nhỏ, ở dưới vương. Vương: Vua.

Bá vương nói về người làm nên sự nghiệp to lớn, hùng trưởng.

Xem: Vương bá.

Ba thu gánh vác sơn hà,

Một là báo phục, hai là bá vương.

(Quốc Sử Diễn Ca).



Hồng châu Khúc Hạo hùng tài,

Gặp đời Thúc quý toan bài bá vương.

(Quốc Sử Diễn Ca).



BÀ KHƯƠNG CHỊU TỘI KHUYÊN CAN

Bà Khương Hậu lột trâm chịu tội lời khuyên can.

Liệt Nữ Truyện chép: Vua Tuyên Vương nhà Châu thường ngủ dậy rất trưa, bà Khương Hậu lột trâm, cởi hoa tai ngồi chờ tội ở cung Vĩnh Hạng (Vĩnh Hạng là một cái cung nhỏ hẹp ở phía sau cung Hoàng Hậu, dùng để giam cầm những Cung phi có tội). Rồi sai người tâu với vua rằng: Thiếp bất tài, làm cho quân vương vui sắc đẹp mà quên đức, sai lễ, thường dậy trưa. Tội ấy tại thiếp. Vua nói: Quả nhân không đức, chẳng phải tại phu nhân đâu. Vua từ đó bèn siêng năng việc cần chính. Người đời khen bà là bậc “Triết Hậu”.

Tuyên Vương trễ buổi triều mai,

Bà Khương chịu tội khéo lời khuyên can.

(Nữ Phạm Diễn Nghĩa).



BÁC ÁI 博 愛

Bác: Rộng rãi. Ái: Yêu thương.

Bác ái là tình yêu trải rộng không những đối với bà con thân thích mà với cả mọi người.



Lấy bác ái làm hòa vạn vật,

Đem thiện duyên xây nấc thang hồng.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BÁC ĐỒNG

Bác 駁: Súng đại bác. Đồng 銅: Chất đồng.

Bác đồng là một loại súng lớn (Đại bác) được chế bằng kim loại đồng.



Sẵn sàng tề chỉnh uy nghi,

Bác đồng chật đất, tinh kỳ rợp sân.

(Truyện Kiều).



Kéo cờ chiêu phủ tiên phong,

Lễ nghi dàn trước bác đồng phục sau.

(Truyện Kiều).



BÁC LÃM 博 覽

Bác: Rộng rãi. Lãm: Xem.

Đồng nghĩa với triển lãm. Bác lãm có nghĩa là cuộc trưng bày thi hoạ, hay các sản phẩm hoặc các thứ đồ về công kỹ nghệ.



Tính cha đã thông minh mẫn đạt,

Con chắc là bác lãm quần thi.

(Phương Tu Đại Đạo).



BẠC MỆNH 薄 命

Bạc: Mỏng, mong manh. Mệnh: Số mệnh. Bạc mệnh là mạng số mỏng manh, bạc bẽo.

Tô Thức có nói rằng: Tự cổ giai nhân đa bạc mệnh 自 古 佳 人 多 薄 命, nghĩa là tự nghìn xưa giai nhân đều bạc mệnh.



Đau đớn thay phận đàn bà!

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

(Truyện Kiều).



Chữ bạc mệnh ai ơi thấu với,

Câu đa đoan trời hỡi thấu chăng?

(Tự Tình Khúc).



Chừng cơn phấn lợt hương tàn,

Núm mồ bạc mệnh bên đàng cỏ chôn.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BẠC NGHĨA 薄 義

Bạc: Mỏng. Nghĩa: Việc theo đường phải.

Bạc nghĩa tức là người ăn ở bạc bẽo, không giữ đạo lý, không có tình cảm. Như vợ chồng ăn ở với nhau không trọn đạo, gọi là bạc nghĩa.

Như chữ “Bạc tình 薄 情”. Xem: Bạc tình.

Chàng đà bạc nghĩa thì thôi,

Dù chàng lên ngược về xuôi mặc lòng.

(Ca dao).



BẠC PHƯỚC 薄 福

Bạc: Mỏng, xấu. Phước: Những điều tốt đẹp do trời ban cho.

Bạc phước là phước mỏng hay xấu phước.



Hay đâu bạc phước vô duyên,

Phận làm đệ tử chẳng tuyền thủy chung.

(Hứa Sử Tân Truyện).



Càng bạc phước càng than con dại,

Lo tảo tần mảy mạy dưỡng nuôi.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Hỏi đon thử lời nguyền buổi trước,

Gẫm thân nàng bạc phước như ta.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BẠC TÌNH 薄 情

Bạc: Mỏng. Nghĩa: Tình: Lòng yêu mến.

Bạc tình cũng như chữ bạc nghĩa, tức là nói người ăn ở bạc bẽo, không có tình cảm.

Xem: Bạc nghĩa.

Bạc tình, nổi tiếng lầu xanh,

Một tay chôn biết mấy cành phù dung!

(Truyện Kiều).



BÁCH CHÂU 柏 舟

Hay “Bá châu”, tức là thuyền bách, một chiếc thuyền làm bằng gỗ bách.

Do tích: Vệ Thái Tử tên là Trung Bá chết, vợ là bà Cộng Khương ở vậy thủ tiết thờ chồng, không chịu tái giá. Cha mẹ nàng ép gã, nhưng nàng chẳng chịu bèn làm bài thơ tựa là Bá Châu (Thuyền bách) để tự ví mình như chiếc thuyền bằng cây bá, linh đinh giữa dòng mà không sợ sóng gió.

Trong văn chương, người ta dùng Bá châu hay thuyền bách để chỉ những người quả phụ.



Quản bao một chiếc bách châu,

Linh đinh trong vực, mặc dầu gió mưa.

(Dương Từ Hà Mậu).



BÁCH CHIẾN 百 戰

Bách: Trăm. Chiến:Đánh trận.

Bách chiến tức là nói người đã từng đánh trăm trận thắng. Hoặc người mãnh tướng đánh hằng trăm trận.

Nghĩa rộng: Chỉ người quen việc chinh chiến.

Tin tôi nên quá nghe lời,

Đem thân bách chiến làm tôi triều đình.

(Truyện Kiều).



BÁCH GIA CHƯ TỬ 百 家 諸 子

Bách gia: Trăm nhà. Chư Tử: Những bậc có đạo đức và học vấn thời xưa.

Bách gia chư tử là một thành ngữ dùng để gọi chung các bậc hiền triết thời cổ của Trung Hoa, như Tăng tử, Liệt tử, Mạnh tử…



Xem cho đến bách gia chư tử.

Bảy mươi hai pho sử đều thông.

(Gia Huấn Ca).



BÁCH LINH TƯƠNG HỰU 百 靈 相 祐

Bách linh: Trăm đấng thần linh. Tương hựu: Phò trợ giúp đỡ.

Bách linh tương hựu là trăm đấng thần linh giúp rập, phù hộ cho.



Đế vương dương trợ âm phò,

Bách linh tương hựu lý cho phúc tường.

(Hạnh Thục Ca).



BÁCH NẠP 百 衲

Hay “Bá nạp 百 衲”.

Bách nạp y là áo bá nạp, tức là một loại áo dùng nhiều miếng vải, đủ màu sắc kết lại với nhau mà thành để các nhà sư mặc.

Áo bá nạp ngụ ý chiếc áo do bá tánh mỗi người một mảnh vải kết lại thành để tăng sĩ mặc.

Xem Ca sa, áo ca sa.

Cây trăm thước đổi hương tàn,

Treo y bá nạp làm màn phòng the.

(Nữ Trung Tùng Phận).



BÁCH NIÊN 百 年

Bởi chữ “Bách niên giai lão 百 年 皆 老”, tức là lời chúc vợ chồng ăn ở với nhau hoà hợp, sống lâu đến trăm tuổi.



Ngỡ là trọn đạo vu quy,

Lấy lời vàng đá mà thề bách niên.

(Truyện Kiều).



Chữ đồng lấy đấy làm ghi,

Mượn điều thất tịch mà thề bách niên.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



BẠCH BÍCH 白 璧

Bạch: Màu trắng. Bích: Ngọc.

Bạch bích là một loại ngọc bích màu trắng. Theo truyện cổ tích, Bạch bích cũng là một loại ngọc trồng được ở tại Lam Điền.

Xem: Cấy ngọc, hay Lam Điền chưởng ngọc.

Đã trồng bạch bích sẵn đây,

Còn chờ bói phượng chưa vầy bạn loan.

(Quan Âm Thị Kính).



BẠCH CÂU 白 駒

Bởi chữ “Bạch câu quá khích 白 駒 過 隙”.



Bạch câu: Ngựa trắng. Quá khích: Qua khe hở.

Bạch câu quá khích là bóng ngựa trắng chạy qua kẻ hở. Chỉ thời gian trôi qua mau.

Do câu nói của Trương Lưu Hầu: Nhân sinh nhất thế gian như bạch câu quá khích, hà chí tự khổ như thử 人 生 一 世 間 如 白 駒 過 隙, 何 至 自 苦 如 此, nghĩa là người ta sinh ra trong đời như bóng bạch câu qua khe hở, cần gì phải làm khổ mình đến như vậy?

Nghĩa bóng: Chỉ thời gian qua mau.



Kìa ai thích chí ngao du,

Nhà lan ngạch hở bạch câu nước dồn.

(Tư Dung Vãn).



Những là khen dạ đá gan vàng,

bóng bạch câu xem nữa phút như không,

ơn dày đội cũng cam trong phế phủ.

(Trận Vong Tướng Sĩ).



Quá ngán nhẽ, cửa bạch câu một loáng,

Ngậm ngùi thay, tranh thương cẩu trăm hình.

(Tần Cung Nữ).



BẠCH DIỆN THƯ SINH 白 面 書 生

Bạch diện: Gương mặt trắng. Thư sinh: Học trò.

Bạch diện thư sinh là người học trò còn non nớt, chưa đủ kinh nghiệm.



Chớ tin bạch diện thư sinh.

Một văn luận thử mà khinh giá này.

(Truyện Trinh Thử).



Vậy có lời nôm dặn bảo thế gian rằng:

Đừng thấy người bạch diện thư sinh mà cười rằng:

Đa cùng tài tử”.



(Tài Tử Đa Cùng Phú).

BẠCH DƯƠNG 白 楊

Tên một loại cây cao to, lá tròn rộng, có răng cưa, bề mặt màu xanh, bề lưng màu trắng. Khi có gió nhẹ thổi qua, thì cây bạch dương cũng reo thành tiếng.



Đường bạch dương bóng chiều man mác,

Dịp đường lê lác đác sương sa,

(Thập Loại Chúng Sinh).



BẠCH ĐĂNG 白 登

Hay “Bạch Thành 白 城”, một cái thành ở Thanh Hải mà vua Hán Cao Tổ bị rợ Hồ là Thổ Cốc Hồn vây tại nơi ấy.

Lý Bạch có câu: Hán hạ Bạch Đăng Thành, Hồ khuy Thanh Hải độ 漢 下 白 登 城, 胡 窺 青 海 渡 nghĩa là Hán xuống Bạch Đăng Thành, Hồ dòm bến Thanh Hải.

1.- Bạch Đăng:



Bạch Đăng quân Hán đóng đồn,

Vụng kia Thanh Hải dòm luôn mắt Hồ.

(Thơ Dịch, Tản Đà).

2.- Bạch Thành:

Nay Hán xuống Bạch Thành đóng lại,

Mai Hồ vào Thanh hải dòm qua.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



BẠCH ĐẰNG

Bạch Đằng là một con sông thuộc huyện Thuỵ Nguyên, tỉnh Kiến An bây giờ.

Hưng Đạo Vương sai Nguyễn Khoái lén dẫn binh lên mé thương lưu sông Bạch Đằng, dùng gỗ đẻo nhọn có bịt sắt đóng khắp giữa giòng sông, rồi phục binh chờ thuỷ triều lên thì đem binh ra khiêu chiến, Chiến thuyền của quân Nguyên do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp xông vào đánh, quân Nguyễn Khoái quay thuyền chạy, nhử cho thuyền giặc qua khỏi chỗ đóng cọc.

Đến lúc thấy thuỷ triều xuống thì quay binh lại hết sức mà đánh, kế có đại quân Trần Hưng Đạo tiếp đến. Ô Mã Nhi , Phàn Tiếp thấy quân thế nhà Trần quá mạnh, bèn quay thuyền chạy trở lại. khi chạy đến khúc sông có đóng cọc thì thuỷ triều đã rút xuống, thuyền của quân Nguyên vướng mắc phải cọc, đổ nghiêng đổ ngửa, đắm vở mất nhiều. Quan quân nhà Trần thừa thắng đánh cực hăng, quân Nguyên chết như rạ, máu loang đỏ cả khúc sông, tướng Nguyên là Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đều bị bắt.



Toa Đô bị bắt ở cửa Hàm Tử,

Ô Mã phải chết ở sông Bạch Đằng.

(Bình Ngô Đại Cáo).



BẠCH HÀM NHƯ HOÀNH 白 咸 如 橫

Tức Yến Bạch Hàm, Bình Như Hoành, là hai nhân vật nổi tiếng về thơ văn, và tài hoa trong truyện “Bình Sơn Lãnh Yến” của Trung Quốc.



Cho hay kỳ lại gặp kỳ,

Bạch Hàm há dễ kém chi Như Hoành.

(Lục Vân Tiên).



BẠCH KHỞI 白 起

Hay “Bạch Khỉ”.

Người đời Chiến Quốc, làm đại tướng cho Chiêu Tương Vương nước Tần, có tài dụng binh, đã từng đánh lấy 70 thành, được phong làm Võ An Quân.

Bạch Khởi là người hiếu sát, khi đánh thắng Triệu Quát tại Trường Bình, quân Triệu đầu hàng hơn 40 vạn. Bạch Khởi sợ hàng binh nổi loạn, bày mưu cho binh Tần đội vải trắng, nửa đêm đánh vào hàng binh của Triệu, thấy ai không đội vải trắng giết sạch hơn 40 vạn quân trong một đêm.

Sau bị gièm pha, phải chịu tam ban chết một cách thảm thiết.

1.- Bạch Khởi:



Thây chan chan lấp nội Trường Bình,

giận Bạch Khởi ra oai rất dữ.

(Sãi Vãi).

2.- Bạch Khỉ:

Dưới màn nhớ tư tưởng Di Ngô,

Trên ngựa những băn khoăn Bạch Khỉ.

(Hàn Vương Tôn Phú).



BẠCH MÃ BÔN TANG 白 馬 奔 喪

Ngựa bạch rượt theo xe tang.

Sách Hậu Hán chép: Trương Nguyên Bá gần chết than rằng: Hận vì chưa thấy mặt bạn ta. Người đồng quận là Ân Tử Trưng hỏi bạn là người nào? Nguyên Bá nói: Phạm cự Khanh ở huyện Sơn Dương là bạn tử hữu của tôi vậy. Ông Nguyên Bá chết, lễ phát dẫn đến huyệt thì bỗng Linh cữu trì lại, không tiến lên. Mẹ của anh vỗ vào Linh cữu mà nói: Nguyên Bá! Giờ đâu còn trông đợi ai, con! Liền lúc đó có người cỡi ngựa trắng, kêu khóc chạy đến. Quả là anh Phạm Cự Khanh.

Người đời sau mới nói: Phạm Cự Khanh bạch mã bôn tang, bất vong tử hữu 范 巨 卿 白 馬 奔 喪, 不 忘 死 友, nghĩa là Phạm Cự Khanh ngựa bạch vượt tang không quên tử hữu.



BẠCH HỒNG QUÁN NHẬT 白 虹 貫 日

Bạch hồng: Mống bạc. Quán nhật: xuyên mặt trời.

Bạch hồng quán nhật là mống bạc xuyên ngang mặt trời.

Sử Ký chép: Bạch hồng quán nhật nhi Kinh Kha ca 白 虹 貫 日 而 荊 軻 歌, nghĩa là mống bạc xỏ ngang mặt trời bởi ông Kinh Kha ca hát.

Do điển: Khi Kinh Kha vào nước Tần để thích khách vua Tần, Thái Tử Đan nước Yên tống tiễn đến sông Dịch Thuỷ. Ông Kinh Kha ca rằng: Phong tiêu tiêu hề, Dịch thuỷ hàn! Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn 風 蕭 蕭 兮, 易 水 寒! 壯 士 一 去 兮, 不 復 還, nghĩa là gió thổi hiu hiu hề, nước sông Dịch lạnh nhiều! Tráng sĩ ra đi hề, không bao giờ trở lại! Lòng tinh thành của Kinh Kha cảm động đến trời, mống bạc đột nhiên xỏ ngang mặt nhựt.



BẠCH TÔ 白 蘇

Tức Lý Bạch và Tô Đông Pha.

Lý Bạch tự Thái Bạch, hiệu là Thanh Liên cư sĩ, là một thi hào bậc nhứt đời nhà Đường. Xem: Lý Bạch.

Tô Đông Pha tức Tô Thức, người Mi sơn, đời nhà Tống, tự là Tử Chiêm, học rộng, tinh thông kinh sử, đỗ tiến sĩ. Lúc làm quan dưới thời Anh Tông, phê phán tân pháp của Vương An Thạch, ông bị đổi ra Hoàng Châu, tại đây ông làm nhà ở đất Đông Pha, nên lấy hiệu là Đông Pha Cư Sĩ. Xem: Tô Tử.



Bạch,Tô sẵn mối duyên lành,

Mượn câu cảnh, ngụ câu tình họa may.

(Hoa Tiên Truyện).



BẠCH THỐ 白 兔

Bạch: Trắng. Thố: Con thỏ.

Bạch thố là thỏ bạc, do tục truyền trên mặt trăng có con thỏ trắng giã thuốc, nên còn gọi mặt trăng là bạch thố. Xem: Thỏ bạc ác vàng.



Một vầng Bạch Thố bóng giăng.

Non sông bóng giợn, soi bằng lòng gương.

(Dương Từ Hà Mậu).



BẠCH THỦ THÀNH GIA 白 手 成 家

Bạch thủ: Tay trắng, chỉ tay không. Thành gia: Thành nhà, chỉ nên sự nghiệp.

Bạch thủ thành gia ý muốn nói người tài giỏi, chỉ hai bàn tay trắng mà lập nên sự nghiệp.



Bạch thủ thành gia ít kẻ tài,

Cũng như Huệ mạng thế không hai.

(Đạo Sử).



BẠCH VÂN 白 雲

Bạch vân là mây trắng.

Do tích Địch Nhân Kiệt đời Đường làm quan ở thành Tinh Châu, cha mẹ ở đất Hà Dương xa cách nơi ấy mấy ngày đường. Ông thường lên núi Thái Hàng nhìn chòm mây trắng ở chân trời mà nói với kẻ tả hữu: Nhà cha mẹ ta ở dưới chòm mây bạc ấy.

Vì vậy, khi nói các từ như Áng mây, phiến vân, bạch vân, mây trắng, mây bạc, chòm mây đều có nghĩa trông cha mẹ, quê hương.



Bạch vân kìa nẻo xa xa,

Song thân ta đấy là nhà phải không?

(Quan Âm Thị Kính).



BẠCH VIÊN 白 猿

Bạch viên là vượn bạch hay vượn trắng.

Nhà sư Trần Huyền Trang tức là Đường Tăng, người ở Yên Sư, xuất gia đầu Phật từ thuở nhỏ, học các kinh sách nhà Phật, từng đi sang nước Ấn Độ đem về được hơn 650 bộ kinh, cùng đệ tử dịch được hơn 75 bộ. Phật giáo ở Trung Quốc thịnh hành từ đấy.

Đường tăng có nuôi một con vượn trắng, rất tinh khôn, sau đem dâng cho Đường Minh Hoàng, hồi loạn An Lộc Sơn tự nhiên mất. Hơn mười năm sau, có Viên phu nhân, vợ của Tôn Khác làm Phán quan ở Nam Khang, đến lễ chùa, cung tiến một cái vòng bích ngọc, nói rằng của chùa xin trả lại. Đường tăng nhận ra thì là chiếc vòng buộc ở cổ con vượn trắng ngày trước. Xem lại đã thấy Viên phu nhân hoá thành vượn trắng leo lên cây chuyền vào rừng xanh mất dạng.

Sách Tục Thế Thuyết chép: Bạch viên hoá thành người, lấy Tôn Khác sinh được hai người con.

Ba trăng tiếng kệ câu kinh,

Bạch viên sao nỡ phụ tình Huyền Trang.

(Truyện Phan Trần).



Bạch viên xưa kết Tôn sinh,

Chẳng vì dan díu bỏ kinh tòng quyền.

(Truyện Trinh Thử).



BÁI CÔNG 沛 公

Tức là Hán Cao Tổ.

Vua Hán Cao Tổ tên là Lưu Bang. Lúc đầu, Lưu Bang tụ họp hơn ba ngàn người, khởi binh dựng nghiệp ở huyện Bái (Đất Bái) để đánh Tần, được dân chúng tôn là Bái Công. Đất Bái là một huyện của Tần đặt. Thời Hán thuộc Bái Quận, nay thuộc tỉnh Giang Tô, ở phía đông Bái Huyện.

Xem: Lưu Bang.



Nghĩa quen khá chớ lòng Dương thị,

Nết bạc hằng thìn dạ Bái Công.

(Bạch Vân Quốc Ngữ).



BÁI TỔ 拜 祖

Lễ cúng Tổ Tiên Ông Bà.

Tục ngày xưa khi được việc mừng như thi đậu, bổ làm quan, người ta thường bày lễ cúng Tổ Tiên, gọi là Bái tổ, hay vinh quy bái tổ.

Rày được ơn trên về bái tổ.

(Lâm Tuyền Kỳ Ngộ).



BÀI BINH BỔ TRẬN 排 兵 布 陣

Bài binh: Sắp xếp quân binh. Bố trận: Phân bổ hình thế chiến trận.

Bài binh bố trận là sắp đặt quân lính để sửa soạn giao chiến với nhau.



Kìa những kẻ bài binh bố trận,

Đổi mình vào cướp ấn nguyên nhung.

(Thập Loại Chúng Sinh).



BÀI VỊ 牌 位

Bài: Tấm bảng. Vị: Chỗ ngồi.

Bài vị còn gọi là Thần vị, Linh vị, Thần chủ, hay Mộc chủ, là một tấm giấy hoặc gỗ dày, có đế đặt đứng được. Trên mặt giấy hoặc gỗ có viết tên họ, ngày sinh, ngày mất của người chết…Bài vị được người xưa quan niệm là đặt trên bàn thờ để linh hồn người quá cố nương tựa vào đó.



Sang nhà cha tới trung đường,

Linh sàng bài vị thờ nàng ở trên.

(Truyện Kiều).



Trạng nguyên còn hãy sụt sùi,

Ngó lên bài vị lại xui lòng phiền.

(Lục Vân Tiên).



Họ tên bài vị rõ biên,

Ăn chay nằm đất chúc nguyền vong linh.

(Dương Từ Hà Mậu).



BÃI BỂ NƯƠNG DÂU

Do chữ “Thương hải tang điền 蒼 海 桑 田”. Bãi bể là thương hải, nương dâu là tang điền.

Theo sách Thần Tiên Truyện, cứ ba mươi năm lại một lần thay đổi, biển cả hoá thành ruộng dâu.

Nghĩa bóng: Chỉ sự thay đổi lớn lao.

Chữ: Bãi bể nương dâu, Bể dâu, Cồn xanh, Tang hải, Tang thương đều có nghĩa như chữ “Tang điền thương hải”.

Xem: Tang điền thương hải.



Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,

Ai bày trò bãi bể nương dâu.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



Phút giây bãi bể nương dâu,

Cuộc đời là thế biết hầu nài sao?

(Ai Tư Vãn).



BẢY BẮT BẢY THA

Bởi chữ “Thất túng thất cầm 七 縱 七 擒” tức bảy lần thả, bảy lần bắt.

Do điển trong Thục Chí viết: Mạnh Hoạch là tù trưởng Nam man, không chịu phục nhà Thục Hán. Ông Gia Cát Khổng Minh muốn bọn Nam man tâm phục, nên đem binh đánh Mạnh Hoạch, bảy lần bắt được, bảy lần đều thả. Từ đó, Mạnh Hoạch mới phục và nói: Oai trời của Thừa tướng, người Nam man chúng tôi không dám làm phản nữa.

Chước dùng bảy bắt bảy tha,

Oai trời nhường ấy giặc đà chạy tênh.

(Ngọa Long Cương Vãn).



BẢY HÙNG

Dịch từ chữ “Thất hùng 七 雄” tức là bảy nước chư hầu hùng cường trong thời Chiến Quốc. Bảy nước mạnh đó là Tần, Triệu, Tề, Yên, Sở, Hàn và Nguỵ.

Xem: Năm bá bảy hùng.

Năm bá mượn vay, nhân nghĩa mọn.

Bảy hùng giành xé, lợi danh bay.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



BẢY LÃO

Tức là bảy ông lão đời nhà Tấn, thường vui chơi ở nơi rừng Trúc Lâm, mà người đời xưng tụng là Trúc Lâm Thất Hiền.

Xem: Trúc Lâm Thất Hiền.

Bảy Lão nhắc tình già dẹo cẳng,

Ba bà hỏi việc mụ ham thi.

(Thiên Thai Kiến Diện).



BẢY NỔI BA CHÌM

Chỉ hoàn cảnh không may, gặp chuyện gian truân, vất vả phải chịu cực khổ như vật trôi lênh đênh trên mặt nước, khi chìm khi nổi bao phen.



Con ơi ruột mẹ nẫu như tương,

Bảy nổi ba chìm rất thảm thương.

(Khuê Phụ Thán)



Thân em vừa trắng lại vừa tròn,

Bảy nổi ba chìm với nước non.

(Thơ Hồ Xuân Hương).



BẢY NGƯỜI TRƯỚC LÂM

Tức là “Trúc Lâm thất hiền 竹 林 七 賢”, đó là bảy vị ẩn giả đời nhà Tấn: Kê Khang, Nguyễn Tịch, Sơn Đào, Hướng Tú, Lưu Linh, Nguyễn Hàm, Vương Nhung ở tại rừng Trúc Lâm, nên người đời sau mới gọi danh hiệu ấy.



Tiên rằng:Ông quán chớ cười,

Đây đà nhớ đặng bảy người Trước Lâm.

(Lục Vân Tiên).



BAN CHIÊU 班 昭

Nàng Ban tức Ban Chiêu.

Ban Chiêu tự là Huệ Cơ, con gái Ban Bưu, em Ban Cố và Ban Siêu, quê ở An Lăng, là vợ của Tào Thế Thúc, sớm lâm vào cảnh goá bụa.

Ban Chiêu là người học rộng tài cao, được vua Hoà Đế xuống chiếu, triệu nàng vào Đông Quan Tùng Thư giao cho nàng nhiệm vụ soạn tiếp bộ Hán Thư của cha và anh nàng để lại, viết cho hoàn tất bộ sách.

Ban Chiêu được các Hoàng hậu và các Hậu phi kính trọng, xem như bậc thầy.

Khen “Tài nhả ngọc phun châu”,

Nàng Ban, Ả Tạ cũng đâu thế này.

(Truyện Kiều).



BAN CƠ 班 姬

1.- Nếu chữ Cơ 姬 là mỹ hiệu để gọi phụ nữ thì Ban cơ có nghĩa là người đẹp họ Ban, tức là Ban Tiệp Dư, một cung nữ được vua Thành Đế nhà Hán ban cho chức Tiệp Dư. Sau bị gièm pha, và ghét bỏ, phế ra chầu Thái hậu ở cung Thường Tín.

Xem: Tiệp Dư.

2.- Em gái của Ban Cố là Ban Chiêu, còn có tên là Cơ, tự Huệ Cơ, được gả cho Tào Thái Thúc, nhưng goá chồng sớm. Ban Cố viết bộ Hán Thư, chưa rồi mà chết. Vua Hoà Đế chiếu triệu nàng Ban Chiêu viết nối theo để được hoàn thành. Vua thường triệu vào cung dạy Hoàng hậu và các Quý nhân trong cung, dạy phải lấy lễ thầy mà thờ. Vua ban hiệu là Tào Đại Cô.

Xem: Tào Đại Cô.

Giá xưa nay chửa thấy ai,

Nào người Thái Nữ, nào người Ban Cơ.

(Lưu Nữ Tướng).




tải về 15.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   134




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương