Thiên vân quách văn hòa trong thi văn năM 2011 LỜi tựA



tải về 15.16 Mb.
trang22/134
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích15.16 Mb.
#30102
1   ...   18   19   20   21   22   23   24   25   ...   134

CHÀY KÌNH

Chày kình là cây chày dọng đại hồng chung có chạm hình con cá kình.

Lời chú bài phú của Ban Cố có chép: Trong biển có một loại cá, gọi là cá kình rất lớn, bờ gần biển có một loại thú gọi là bồ lao. Con bồ lao rất sợ cá kình. Mỗi lần cá kình lội vào bờ để đánh bồ lao thì bồ lao kêu rống to lên. Cho nên người xưa muốn đúc chuông lớn kêu to, thì đúc hình con bồ lao trên chóp chuông, và chạm cá kình nơi chày dọng chuông. Khi chày kình dọng vào chuông bồ lao thì chuông kêu to lên.

Thoảng bên tai một tiếng chày kình,

Khách tang hải giựt mình trong giấc mộng.

(Thơ Chu Mạnh Trinh).



Chày kình tiểu để suông không đấm,

Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo

(Thơ Hồ Xuân Hương).



Chày kình một tiếng Nam Mô Phật,

Mỏ cái đôi hồi rị tố ra.

(Thơ Huỳnh Mẫn Đạt).



Chày kình gióng tỉnh giấc Vu san,

Mái tóc kim sinh nữa trắng vàng.

(Thơ Tôn Thọ Tường).



CHÀY KÌNH NỆN SƯƠNG

Chày kình là cây chày có chạm cá kình, các chùa dùng để dọng chuông. Nện sương là đánh chuông vào lúc sương rơi.

Các ngôi chùa thường công phu vào sáng sớm hoặc chiều tối, nên tiếng chuông chùa thường vang lên trong cảnh sương rơi, đó là chày kình nện sương.

Chim cúng quả, cá nghe kinh,

Then hoa cài nguyệt, chày kình nện sương.

(Hương Sơn Hành Trình).



CHÀY SƯƠNG

Tức là chày ngọc giã thuốc huyền sương, một loại thuốc tiên được chép trong điển “Cầu Lam”.

Bùi Hàng đến Lam Kiều, xin cưới người con gái của bà chủ quán nước tên là Vân Anh. Bà chủ quán hiện có cái cối bằng ngọc, muốn Bùi Hàng kiếm một cái chày cũng bằng ngọc đem đến giã thuốc thì bà sẽ gả nàng con gái cho.

Bùi Hàng may mắn tìm được chày ngọc, nên sau mới cưới được nàng Vân Anh.Do vậy, chày sương chỉ sự nên duyên.

Xem: Lam Kiều.

Chày sương chưa nện cầu Lam,

Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?

(Truyện Kiều).



CHÀNG CHU

Hay “Chàng Châu”.

Tức chàng Châu Mãi Thần, người đời Hán, nhà nghèo nhưng rất chăm học, vừa gánh củi đi bán,vừa mang theo sách để học. Vợ chê nghèo, bỏ ông để đi lấy chồng khác.

Sau Châu Mãi Thần được người tiến cử lên vua Hán Võ Đế, vua phong làm quan to, người vợ muốn trở lại, nhưng Mãi Thần bảo người vợ cũ đổ tô nước xuống đất nếu hốt lại đầy như cũ thì ông cho nàng về.

Xem: Châu Mãi Thần.

Con thuyền trúc lân la trước gió,

khúc Thương Lang đưa gánh củi chàng Chu.

(Tụng Tây Hồ Phú).



CHÀNG DÙ LỘNG THIẾP ĐAI CÂN

Ngày xưa, các sĩ tử thi đậu, triều đình bổ cho làm quan. Để làm rỡ ràng tông môn, vua ban cho chồng thì dù lộng, vợ thì đai cân để vinh quy bái tổ. Ý nói chồng được vinh hiển thì vợ cũng vẻ vang.



Lo lắng chung cùng lo lập nghiệp,

Lo chàng dù lộng thiếp đai cân.

(Đạo Sử).



CHÀNG HOẰNG

Tức là Công Tôn Hoằng, tự là Quý Tề, người đời Hán, nhà nghèo, rất chăm học, không có tiền mua sách, thường phải chép vào mảnh tre để học. Đến đời Hán Võ Đế, thi đỗ đầu, được bổ Bác sĩ, rồi thăng đến Thừa tướng và được phong tước Hầu.



Chàng Hoằng không sách biết sao,

Mượn kinh mà học viết vào mảnh tre.

(Gia Huấn Ca).



CHÀNG HỒ

Tức chàng Đổng Hồ.

Đổng Hồ là một vị sử quan nước Tấn đời Xuân Thu. Vua Tấn Linh Công bị Triệu Xuyên giết, trong lúc Triệu Thuẩn cầm quyền chính trong nước lại chạy trốn định qua nước khác, nhưng vừa qua khỏi thành thì nghe tin vua chết, bèn trở về triều. Đổng Hồ bèn chép vào sử: Triệu Thuẩn giết vua. Thuẩn xin Đổng Hồ sửa lại, Đổng Hồ không chịu, Thuẩn dùng quyền lực cưỡng bức, Đổng Hồ nói: Giết tôi thì được nhưng sửa bút tôi không được. Khổng Tử khen Đổng Hồ là một sử gia giỏi. Xem: Đổng Hồ.

Mượn thế đặng toan phương giác thế,

Cũng như nương viết của chàng Hồ.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



CHÀNG KHUÔNG

Tức Khuông Hành, một người học trò rất chăm học, nhà nghèo không tiền mua dầu đốt đèn, phải khoét thủng lỗ vách để áng sáng nhà hàng xóm chiếu sang mà đọc sách. Về sau, Khuông Hành trở nên người có tiếng tăm lớn.



Cần nghiệt nho khi tạc bích tụ huỳnh,

Thuở trước chàng Khuông, chàng Vũ.

(Hàn Nho Phong Vị Phú).



CHÀNG MÃO THIẾP CÂN

Tức chồng làm quan, mặc áo mão triều đình, thì vợ cũng được đội khăn, ý nói khi chồng vinh hiển thì vợ cũng vẻ vang, tức là vợ chồng cùng chung hưởng.



Vinh thì chàng mão thiếp cân,

Hèn thì chàng váy thiếp quần đổi thay.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CHÀNG NGƯU

Hay chàng ngâu, tức là một người chăn trâu trên thiên đình, gọi là Ngưu Lang, kết duyên với người con gái dệt vải, gọi là Chức nữ. Hai người bị đày ở hai bên sông Ngân Hà, mỗi năm nhờ chim quạ bắc cầu, mới gặp nhau vào đêm thất tịch.

Xem: Ngưu lang, Chức nữ.

Bao giờ bắc lại cầu ô,

Mà cho ả Chức chàng Ngưu tới gần?

(Bần Nữ Thán).



CHÀNG PHAN

Tức Phan Nhạc, là người đời Tấn, tự An Nhơn. Lúc tuổi trẻ ông có dung mạo xinh đẹp, tài học cao siêu, văn chương diễm lệ. Ông thường hay cầm đàn ra đường ở Lạc Dương, phụ nữ vây quanh trêu ghẹo hay theo ném hoa quả vào ông.

Chàng Phan là muốn nói người có hình dáng hào hoa, tuấn tú.

Xem: Phan Lang.



Kể điều tài mạo cũng ngoan,

Gã Tào kiếp trước, chàng Phan phen này.

(Quan Âm Thị Kính).



CHÀNG SIÊU

Tức Ban Siêu, người đời Đông Hớn, tự là Trọng Thăng, nhà rất nghèo, nhưng có chí lớn, thường đi viết mướn lấy tiền ăn học và nuôi mẹ già, không màng khó nhọc. Sau Ban Siêu đầu quân đánh giặc ở miền Tây Vực, thu phục hơn năm mươi nước nhỏ, được phong làm Định Viễn Hầu.

Xem: Ban Siêu.

Phận trai già cõi chiến trường,

Chàng Siêu mái tóc điểm sương mới về.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



CHÀNG TIÊU

Tức là “Tiêu Lang 蕭 郎”.

Tiêu Lang có một người vợ tên là Lục Châu bị người ta bắt đem dâng cho Quách Tử Nghi. Từ đó Tiêu Lang thấy vợ mình thì cứ thản nhiên như khách đi qua đường, không để ý đến.

Sau này, cũng có một người tên Thôi Giao, có người thiếp đem bán cho Liên Soái. Sau khi bán xong, Giao nhớ nàng mới làm bài thơ, trong đó lấy điển “Tiêu Lang” để làm hai câu thơ: Hầu môn nhất nhập thâm như hải, Tùng thử Tiêu Lang thị lộ nhân 侯 門 一 入 深 如 海, 從 此 蕭 郎 是 路 人, nghĩa là Hầu môn vào đó sâu như biển, chàng Tiêu từ đấy khách qua đường.

Liên Soái xem được bài thơ này liền tha cho người thiếp trở về với Thôi Giao.

Có điều chi nữa mà ngờ,

Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu!

(Truyện Kiều).



CHĂN CÙ

Chăn cù là cái chăn (Mền), làm bằng lông con cù, một loại lông dùng để làm chăn, mền, vào mùa đông giá rét đắp rất ấm.



Lầu Tần chiều nhạt vẻ thu,

Gối loan tuyết đóng, chăn cù giá đông.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



CHĂN CHIẾU LẠNH LÙNG

Chăn chiếu là những vật trong phòng ngủ của đôi vợ chồng, dùng để lót nằm và đắp ấm. Thế mà “Chăn chiếu lạnh lùng” là ý nói vợ chồng xa nhau, để người ở lại bị lạnh lùng.



Chừ sao chăn chiếu lạnh lùng.

Phím loan nín bặt, tranh tòng đứt dây.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CHĂN DÂN

Do chữ Hán “Mục dân 牧 民”.

Người xưa quan niệm rằng vua, quan cai trị dân chúng chẳng khác gì mục đồng chăn nuôi gia súc.

Do vậy người ta thường dùng chữ chăn dân nghĩa là chăn dắt dân chúng để chỉ việc cai trị nhân dân.



Cho hay muôn nước đều nhờ,

Đạo ông Khổng Tử làm bờ chăn dân.

(Dương Từ Hà Mậu).



Kiều công lên chức Thái khanh,

Chỉ sai ra quận Đông Thành chăn dân.

(Lục Vân Tiên).



Dầu hoạn lộ chưa vừa sở nguyện,

Dầu cửa quyền trọng tiếng chăn dân.

(Kinh Thế Đạo).



Ngôi Tiên đã lấm gót phàm,

Kẻ chăn dân lại ra làm con buôn.

(Ngụ Đời).



Vợ không tham nhũng kim tiền,

Chồng lo trọn đạo nắm quyền chăn dân.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Chồng ví đặng cửa quyền nắm phép,

Phàm chăn dân phải ép giữ nghiêm hình.

(Phương Tu Đại Đạo).



CHĂN DÊ

Do tích Tô Võ đời Hán Võ Đế bị chúa Hung Nô ép hàng phục, nhưng Tô Võ không chịu. Chúa Hung Nô giận, bắt Tô Võ bỏ vô hang ba ngày không cho ăn uống. Song Tô Võ nhờ uống nước giọt sương trên ngù cờ thấm giọng, nên không chết. Chúa Hung Nô cho Tô Võ là thần, không dám hại, chỉ đày ra ải bắc chăn dê, chờ chừng nào dê đực đẻ mới cho về xứ.

Mười chín năm sau, chừng Hung Nô giải hòa với nhà Hán, Tô Võ mới được tha về.

Ngồi đêm đông,

thương người nằm giá khóc măng;

Lên ải Bắc,

thương kẻ chăn dê uống tuyết.

(Sãi Vãi).



CHĂN GỐI

Trong văn chương người ta thường dùng chữ “Chăn gối”, tức là cái chăn, cái gối, để chỉ tình yêu hoà hợp và việc ân ái giữa vợ chồng.



Chưa chăn gối cũng vợ chồng,

Lòng nào mà nỡ dứt lòng cho đang?

(Truyện Kiều).



Tôi nhớ xưa tích cũ,

có hai chàng Dương Lễ, Lưu Bình,

bạn đồng song đèn sách học hành,

ba thu lẻ kể cùng chăn gối.

(Lưu Bình Diễn Ca).



Máu ghen chăn gối dẫy tràn,

Hình mai ủ dột, sắc càng héo don.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CHĂN LOAN

Từ câu “Chăn loan gối phượng”.

Chăn làm bằng lông chim loan, hoặc có thêu hình chim loan, đồ vật trong phòng của đôi vợ chồng, chữ thường dùng để ví với tình yêu khắng khít, bền chặt của đôi vợ chồng.

Xem: Chăn loan gối phượng.



Từ kết tóc sớm trao giây tú mạc,

Ba thu vừa mới ấm chăn loan.

Vì cắt râu nên nỗi sóng Ngân hà,

Một khắc nào ngờ tan dịp thước.

(Quan Âm Thị Kính).



Kẻo tôi vò võ môn phòng,

Lẽ loi gối phượng lạnh lùng chăn loan.

(Hoa Tiên Truyện).



CHĂN LOAN GỐI PHƯỢNG

Chăn loan gối phượng là tiếng dùng để chỉ chăn, gối của đôi vợ chồng trẻ. Loan là chim mái, phượng là chim trống, cho nên chăn được thêu hình chim loan, gối thêu hình chim phượng để ví với vợ chồng hoà thuận, khắn khít nhau.



Chăn loan gối phượng sẵn sàng,

Màn đào rủ dọc, lầu hường trải ngang.

(Thanh Hoá Quan Phong).



Ngồi trong cửa sổ chạm rồng,

Chăn loan gối phụng không chồng ra chi.

(Thanh Hoá Quan Phong).



CHĂN TRÂU TREO SÁCH

Bởi chữ “Ngưu giác quải thư 牛 角 掛 書” tức là treo sách trên sừng trâu.

Do tích: Lý Mật đời nhà Đường, nhà nghèo khó, phải đi chăn trâu. Nhưng ông là người siêng học, hằng ngày túi sách treo trên sừng trâu, đuổi ra đồng, vừa chăn trâu vừa đọc sách. Sau đỗ đạt, lập nên sự nghiệp.

Xem: Lý Sinh.



Lý Sinh chẳng quản công phu,

Chăn trâu treo sách một pho trên sừng.

(Gia Huấn Ca).



CHẲNG CHỊU LỘC CHÂU

Chẳng chịu thọ tài lộc, và không hưởng bất kỳ một sản vật gì của triều đại nhà Châu.

Điển tích nói về Bá Di, Thúc Tề, hai người con của vua Cô Trúc, vì can ngăn Võ Vương đừng đánh vua Trụ không được. Sau Võ Vương lập nên nhà Châu, hai anh em không ăn cơm gạo nhà Châu, bỏ lên núi Thú Dương hái rau vi mà nuôi sống. Có người gặp, chê rằng: Không ăn thóc nhà Châu, đi ăn rau để sống. Vậy chớ ngọn rau tấc đất không phải của nhà Châu là gì? Bá Di, Thúc Tề nghe được câu chuyện đó, bèn nhịn đói mà chết.

Xem: Di Tề.



Thương ai chẳng chịu lộc nhà Châu,

Ăn thể ăn đi chịu thảm sầu.

(Đạo Sử).



CHẲNG ĐỘI TRỜI CHUNG

Bởi chữ “Bất cộng đái thiên 不 共 戴 天” tức không đội chung một bầu trời.

Hai bên vì hận thù nhau ghê gớm, quyết không sống chung dưới bầu trời.

Nghĩa bóng: Chỉ sự thù hận.



Kẻ thời theo cơ đích chạy sang miền khách địa,

hăm hở mài nanh giũa vuốt,

chỉ non tây thề chẳng đội trời chung.

(Trận Vong Tướng Sĩ).



CHẲNG LƯỢM CỦA RƠI

Bởi câu “Lộ bất thập di 路 不 拾 遺”, tức là của rơi rớt giữa đường không có ai lượm, chỉ đời thái bình thịnh trị, dân chúng được sung túc, không tham lam.

Do truyện Khổng Tử khi giết chết tên gian thần Thiếu Chính Mão, giúp vua Định Công nước Lỗ sửa sang việc trị nước. Được ba tháng, thì phong tục biến đổi, nhà không đóng cửa, đường không ai lượm của rơi

Gia vô bế hộ, lộ bất thập di 家 無 閉 戶, 路 不 拾 遺.

Chợ chưa ra giá bán;

đường chẳng lượm của rơi.

(Sãi Vãi).



CHẮP CÁNH LIỀN CÀNH

Do câu “Tỷ dực liên chi 比 翼 連 枝”, tức là chim chắp cánh, cây liền cành, dùng để chỉ vợ chồng không rời xa nhau.

Trong Trường Hận Ca, Đỗ Phủ có câu: Tại thiên nguyện tác tỷ dực điểu, tại địa nguyện vi liên lý chi 在 天 願 作 比 翼 鳥, 在 地 願 為 連 裏 枝, nghĩa là trên trời nguyện làm chim liền cánh, dưới đất nguyện làm cây liền cành.

Xem: Tỷ dực liên chi.



Trong khi chắp cánh liền cành,

Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.

(Truyện Kiều).



Những lăm chắp cánh liền cành,

Đã mềm tóc uốn, lại quanh tơ vò.

(Hoa Tiên Truyện).



CHÂM THẦN 針 神

Tập Kê Chích ghi: Tiết Cơ tài chế, nhã hiệu Châm thần 薛 姬 栽 製, 雅 號 針 神, tức là nàng Tiết Cơ may cắt, gọi thanh nhã là tay Châm thần (Kim thần).

Nàng Tiết Cơ là người đẹp của Nguỵ Văn Đế, tên là Tiết Linh Vân. Đêm tiến vào cung, đổi tên là Dạ Lai, có tài về nghề kim chỉ, thêu thùa, đêm tối không cần đèn lửa, may cắt rất mau, nên nàng được ban cho hiệu là “Châm thần”.

CHẬM SÁT 鴆 殺

Chậm: Tên một loại chim độc, thích ăn rắn. Dưới tổ chim chậm, cây cỏ không mọc được. Dùng lông chim chậm khuấy vào rượu uống thì chết ngay. Sát: Giết.

Chậm sát tức là giết bằng thuốc độc.



Ngôi thiêng sao xứng tài thường.

Trần Công chậm sát để nhường long phi.

(Quốc Sử Diễn Ca).



CHÂN CHÚA 真 主

Chân: Thật. Chúa: Chủ, vua chúa.

Chân chúa là vị vua chơn chánh, tức là vị vua anh minh, hợp với lòng mong mỏi của nhân dân.

Cũng có thể hiểu vị vua thuộc dòng chính.

Bao giờ chân chúa ra đời,

Quốc gia hưng thịnh, nơi nơi thanh bình.

(Ca Dao).



Thái bình trăm họ nhìn chơn Chúa,

Thạnh trị ba châu trổ trí Thần.

(Đạo Sử).



CHÂN ĐẠO 真 道

Hay “Chơn Đạo”.

Chân Đạo hay chơn Đạo là một nền Đạo có giáo pháp chơn thật, nên còn gọi là chơn pháp. Người tu theo mối Chơn Đạo nầy thì khỏi đi lầm vào tà Đạo, và cố tâm nhất định sẽ đắc Đạo.

Nay con phước gặp nền Chơn Ðạo,

Ngọc tốt bền trau sắc rạng ngời.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Hữu duyên độ thấu nguồn Chơn đạo,

Tu niệm khuyên bền chí chớ lay.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



CHÂN ĐẾ 真 諦

Hay “Chơn đế”.

Chơn: Đúng đắn. Đế: Sự thật, chân lý. Cái gì thật có, không hạn cuộc trong không gian và thời gian, tức một sự kiện hiển nhiên.

Chơn đế là lời dạy đúng đắn, chính xác, chỉ chơn lý đạo Phật, hay tổng quát hơn là giáo lý đạo Phật.



Hứng trời xuân, vui tham chơn đế,

Dựa thiền song dắng kệ coi kinh,

(Hứa Sử Tân Truyện).



CHÂN HÀI TRỞ GÓT

Bởi chữ “Đảo lý xuất nghinh 倒 履 出 迎” tức là đi ngược giầy ra đón tiếp, chỉ sự niềm nở, mừng vui.

Do tích: Thái Ung, tự là Bá Hài, đời Đông Hán là người có danh vọng trong triều đình, nhà lúc nào cũng đông tân khách. Một hôm có người bạn là Vương Xán đến chơi, Thái Ung vội vàng mang ngược giầy ra tiếp đón. Ý nói cử chỉ ân cần, niềm nở, vội vàng ra tiếp đón khách quý.

Tử Trung thoắt thấy ngọc nhan,

Chân hài trở gót miệng khoan khoan chào.

(Nữ Tú Tài).



CHÂN LẠP

Một nước thời xưa ở về phía nam tỉnh Bình Thuận, chia làm hai bộ: Phía giáp biển, gọi là Thuỷ Chân Lạp, tức là Nam kỳ Việt Nam; phía tiếp núi gọi là Lục Chân Lạp, tức là nước Cao Miên.



Châu dân đều thấm ân cao,

Chiêm thành, Chân lạp cũng vào hiệu cung.

(Quốc Sử Diễn Ca).



CHÂN LÂN

Bởi chữ “Lân chỉ 麟 趾” trong thiên “Lân chi chỉ 麟 之 趾”, thuộc phần Chu nam của Kinh Thi, nói về con cháu vua Văn Vương đều được giáo hoá tốt, chỉ dòng dỏi quý phái, hay chỉ sự nối dòng.

Xem: Gót lân.

Ngán thay cánh phượng chân lân,

Đến phong trần cũng phong trần biết sao.

(Truyện Phan Trần).



CHÂN LE CHÂN VỊT

Do chân chim le le dài, chân con vịt ngắn, nên chữ “Chân le chân vịt” dùng để nói chân thấp chân cao hay nói chạy ngược chạy xuôi, chỉ sự vất vả, khổ cực.



Pha phôi chẳng quản nhọc nhằn,

Chân le chân vịt nào phân đêm ngày.

(Truyện Trinh Thử).



Ngược xuôi gánh vác nhọc nhằn,

Chân le chân vịt nào phần khoan thai.

(Gia Huấn Ca).



CHÂN LINH 真 靈

Hay “Chơn linh”.

Chơn linh tức là chơn hồn hay linh hồn. Chơn linh là một điểm Linh quang từ khối Đại Linh quang của Thượng Đế chiết ra. Thể này Thiêng liêng linh diệu trong con người, nó vốn vô vi, bất tiêu bất diệt, nên khi chết, nếu chơn linh nhẹ nhàng sẽ trở về cõi Hằng Sống, nếu nặng nề ô trược sẽ ở lại cõi Âm quang.

Dòng khổ hải hễ thường chìm đắm,

Mùi đau thương đã thấm Chơn linh.

(Kinh Tận Độ).



Mơn lòng cho thuận tấm Chơn linh,

Quyết đoán đừng theo thói thế tình.

(Đạo Sử).



Chơn linh đẹp đẽ mỹ miều,

Xuất dương sớm đã đến triều Ngọc Hư.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CHÂN MÂY

Chân mây là chỉ nơi chân trời xa xôi.

Cổ Thi có câu: Tương khứ vạn dư lý, các tại thiên nhất nhai 相 去 萬 餘 里, 各 在 天 一 涯, nghĩa là cách nhau hơn muôn dặm, mỗi người ở mỗi nơi chân trời.

Tính rằng mặt nước chân mây,

Lòng nào còn tưởng có rày nữa không?

(Truyện Kiều).



Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai,

Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



CHÂN NHÂN 真 人

Theo Trang Tử những người hết sức thành thật thì gọi là “Chân nhân”. Theo Đạo giáo, chân nhân là những người đã đạt quả vị, nghĩa là thành tiên.

Nghĩa thông thường, chân nhân tức là người hiền.

Lương giang trời mở chân nhân,

Vua Lê Thái tổ ứng tuần mới ra.

(Quốc Sử Diễn Ca).



CHÂN NHƯ 真 如

Chân: Chân thật, rõ ràng, không phải là hư vọng. Như:Thể tánh bình đẳng, không phân biệt thật tướng của vạn pháp, luôn luôn như thế, không bao giờ biến đổi.

Chân như trạng thái chân thật của vạn hữu trong vũ trụ, không sinh không diệt.



Chân như vốn chịu tính thiên nhiên,

Niệm niệm hôm mai đạo thánh truyền.

(Lâm Tuyền Kỳ Ngộ).



CHÂN PHÁP 真 法

Hay “Chơn pháp”.



Chơn (chân): Thực, không giả dối, không hư ảo, chân chính, ngay thực. Pháp: Pháp luật, lễ giáo, đạo lý, phép nhiệm mầu.

Chơn pháp là Giáo pháp chơn chánh, ngay thực, bất di, bất dịch.



Vẹn toàn phàm thể Thánh thân,

Tùng theo Chơn pháp độ lần chúng sanh.

(Kinh Thế Đạo).



CHÂN QUÂN 真 君

Hay “Chơn quân”.

Chơn quân đồng nghĩa với Chơn chúa là vị vua chân chính, hợp với lòng mong mỏi của dân chúng. Hoặc vị vua thuộc dòng chính, đáng được nối ngôi.

Ăn nằm nín nẳm đợi Chơn Quân,

Ta quyết sẽ cho kẻ hạ trần.

(Đạo Sử).



CHÂN THÀNH 真 誠

Hay “Chơn thành”.



Chân: Hay chơn là thật, chẳng dối trá. Thành: Thành thật, thành tâm.

Chân thành (Chơn thành) là thật sự thành tâm, không giả dối.



Chánh trực kinh oai loài giả dối,

Công bình vừa sức kẻ chơn thành.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Tiên Phật nơi mình đâu phải khó,

Khó do chẳng trọn tấm chơn thành.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Dầu lầm lỡ phận anh ở sái,

Cứ chơn thành đừng ngại thọ tội hình.

(Phương Tu Đại Đạo).



CHÂN THẦN 真 神

Hay “Chơn thần”.

Chơn thần hay Đệ nhị xác thân. Theo Thánh giáo đây là một xác thân Thiêng liêng do Phật Mẫu dùng nguơn khí tạo thành. Thể này thuộc khí chất, bán hữu hình, vì nó có thể thấy đặng, mà cũng không có thể thấy đặng. Khi ra khỏi xác phàm, thì chơn thần lấy hình xác phàm như khuôn in rập.

Khi còn sống, chơn thần không thể xuất ra đặng vì bị xác phàm níu kéo, chỉ bậc chân tu mới có thể xuất chơn thần đặng.



Chịu ô trược Chơn thần nặng trịu,

Mảnh hình hài biếng hiểu lương tâm,

(Kinh Tận Độ).



CHÂN TRỜI

Do chữ “Thiên nhai 天 涯” dùng để chỉ nơi xa xôi nhứt ở chơn trời. Đồng nghĩa với chân mây.

Xem:Góc bể chân trời.

Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

(Truyện Kiều).



Ra đi vừa rạng chân trời,

Ngùi ngùi ngó lại nhớ nơi học đường.

(Lục Vân Tiên).



CHÂN TRUYỀN 真 傳

Hay “Chơn truyền”.



Chân: Thật. Truyền: Chuyển đi, trao cho.

Chân truyền hay Chơn truyền tức giáo pháp chơn thật được kế truyền lại về sau.



Học sao cho hết chân truyền,

Tu sao cho hết tinh huyền thì tu.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



Hễ là thủy động ba hôn,

Giang thanh nguyệt chiếu tông môn chơn truyền.

(Hứa Sử Tân Truyện).



Nhập Thánh thể dò đường cựu vị,

Noi Chơn truyền khử quỉ trừ ma.

(Kinh Tận Độ).



Ðảnh Việt chờ qua cơn bão tố,

Muôn năm tỏ rạng mối chơn truyền.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



CHÂN VẠC

Đỉnh là cái vạc, một loại đồ dùng ngày xưa có ba chân đúc bằng kim loại dùng để làm vật báu truyền quốc, hoặc dùng để nấu nướng.

Thế nước bị chia ba như đời Tam Quốc, người ta gọi là thế “Chân vạc”.

1.- Chỉ vật báu truyền quốc.



Cứu Hoa Linh thoát khỏi lưới hồng,

Sau ngõ đặng phò an chân vạc.

(Nhạc Hoa Linh).

2.- Chỉ thế nước chia ba.

Lửa lò Viêm Hán gần bay,

Thế chia chân vạc, nào hay cơ trời.

(Quốc Sử Diễn Ca).




tải về 15.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   18   19   20   21   22   23   24   25   ...   134




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương