Thiên vân quách văn hòa trong thi văn năM 2011 LỜi tựA



tải về 15.16 Mb.
trang25/134
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích15.16 Mb.
#30102
1   ...   21   22   23   24   25   26   27   28   ...   134

CHÍCH BẠN LÌA ĐÔI

Chích bạn: Lẻ bạn. Lìa đôi: Đôi bạn phải lìa nhau.

Chích bạn lìa đôi ý nói hai người đang sum họp, vui vẻ, giờ thì lẻ bạn, cô độc một mình.



Càng đeo đẳng nỗi phiền nỗi thảm,

Càng thương thân chích bạn lìa đôi.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CHIẾC BÁCH

Chiếc thuyền bằng gỗ bách.

Do Kinh Thi có câu: Phiếm bỉ bách chu tại bỉ trung hà 泛 彼 柏 舟, 在 彼 中 河, nghĩa là chiếc thuyền gỗ bách trôi nổi giữ dòng sông kia.

Chiếc bách dùng để chỉ thân phận người đàn bà linh đinh như chiếc thuyền gỗ bách nổi trôi trên mặt nước.



Sự mình kể hết tiêu hao,

Đã đành chiếc bách sóng đào lênh đênh.

(Hoa Tiên Truyện).



Nàng rằng chiếc bách sóng đào

Nổi chìm cũng mặc lúc nào rủi may!

(Truyện Kiều).



Chiếc bách dập dồn dòng Bích Thủy,

Phồn hoa mờ mệt giấc Huỳnh Lương.

(Đạo Sử).



CHIẾC DÉP VỀ TÂY

Hay “Chiếc dép nương gió”.

Do tích Đạt Ma (Dharma) Tổ Sư, sau khi đến Kiến Khang, vào tu chùa Thiếu Lâm ở núi Tung Sơn. Tương truyền, khi ông đã viên tịch rồi (Năm 529), nhưng về sau lại có người gặp được ông quải một chiếc dép đi về phía Tây.

Lại có thuyết cho rằng, có người Tống Vân đi sứ qua Tây Vực, dọc đường gặp Đạt Ma ngồi trên một chiếc dép vượt ngoài khơi. Tống Vân về thuật lại với vua Lương Võ Đế. Vua ra lịnh quật mồ của Đạt Ma, thấy di thể chỉ mang có một chiếc dép.

1.- Chiếc dép về tây:

Đạt Ma chiếc dép về Tây,

Chúa Lương mất nước, biết thầy đâu ôi!

(Ngư Tiều Vấn Đáp).

2.- Chiếc dép nương gió:

Vui tiếng chuông giục khách lui thuyền;

vui chiếc dép trương buồm nương gió.

(Sãi Vãi).



CHIÊM BAO THẤY NGUYỆT SA

Nằm mộng thấy mặt trăng rơi xuống mình là điềm sanh con quý.

Do điển trong Sưu Thần Ký chép: Vợ Tôn Kiên là Ngô phu nhân nằm mơ thấy mặt trăng sa vào lòng, sau có thai rồi sinh ra Tôn Sách. Điềm sinh con quý.

Liễu Thơ là vợ họ Hà,

Chiêm bao nằm thấy nguyệt sa trên mình.

(Dương Từ Hà Mậu).



CHIÊM THÀNH 占 城

Một quốc gia ngày xưa ở về đất Trung Việt của ta hiện nay. Khu Liên là người đầu tiên nổi lên xưng vương, đặt quốc hiệu là Lâm Ấp. Sau bị quan Thái thú Trương Chu đánh đuổi, dời đô về Chiêm Bà, rồi đổi quốc hiệu là Chiêm Thành, lấy thành Đồ Bàn làm Kinh Đô.



Châu dân đều thấm ân cao,

Chiêm thành, Chân lạp cũng vào hiệu cung.

(Quốc Sử Diễn Ca).



Uy thanh xa động biên ngu,

Chiêm thành Chế Mộ dâng đồ thổ nghi.

(Quốc Sử Diễn Ca).



CHIÊN CẦU 氈 裘

Chiên cầu tức nón chiên áo cầu.

Nón chiên là nón dệt bằng lông chiên, áo cầu là áo bằng da cừu, ý nói về văn hoá, tập tục của các bộ tộc du mục phía bắc Trung Quốc.

Chiên cầu ý nói văn minh lễ nghĩa của dân tộc đã bị thay đổi.



Sáng chi theo thói chiên cầu,

Dọc ngang chẳng đoái trên đầu có ai.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



CHIẾN BÀO 戰 袍

Chiến: Đánh giặc với nhau. Bào: Chiếc áo.

Áo của quân lính ngày xưa mặc để đánh trận, có kết vảy thép như vảy cá để đỡ tên đạn. Cũng gọi là nhung y hay Giáp y.



Giã nhà đeo bức chiến bào,

Thét roi cầu Vị ào ào gió thu.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



CHIẾN CÔNG 戰 功

Chiến: Đánh nhau. Công: Công lao.

Chiến công là có công đi đánh thắng giặc. Công lao nầy còn được gọi là võ công.



Chiến công đều Phấn nghĩa binh,

Chỉn dùng những phúc tâm mình mà thôi.

(Hạnh Thục Ca).



CHIẾN ĐỊA 戰 地

Hay trận địa là chỉ nơi mà hai bên dàn trận đánh nhau tại đó.

Ngày xưa, khi có chiến tranh, hai bên thường chọn một khu đất để làm bãi chiến trường, tức là nơi hai bên đánh trận với nhau, gọi là chiến địa.

Xưa nay chiến địa dường bao,

Nội không muôn dặm, xiết bao dãi dầu.

(Chinh Phụ ngâm Khúc).



Lâm sa trường công phá giới biên,

Đáo chiến địa tồi phong hãm nhuệ.

(Nhạc Hoa Linh).



CHIẾN QUỐC 戰 國

Tên một thời kỳ trong lịch sử Trung Quốc, cuối đời Xuân Thu, trước đời Tần, tức là từ Châu Uy Liệt Vương thứ 23 cho đến Tần Thuỷ Hoàng. Đời Chiến Quốc có bảy nước mạnh: Tề, Sở, Yên, Triệu, Hàn, Nguỵ và Tần gọi là thất hùng, đánh nhau từ năm 403 đến 221 trước kỷ nguyên.



Thà như Quỷ Cốc tiên sinh,

Gặp thời Chiến Quốc thanh danh chẳng sờn.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



CHIẾN TRƯỜNG 戰 場

Hay “Chiến tràng”.



Chiến: Đánh nhau. Trường: Khoảng đất rộng.

Chiến trường đồng nghĩa với chiến địa, chỉ nơi hai bên đánh giặc với nhau.



Năm năm trời bể ngang tàng,

Đem mình đi bỏ chiến trường như không.

(Truyện Kiều).



Đầu voi phất ngọn cờ vàng,

Sơn thôn mấy cõi chiến trường xông pha.

(Quốc Sử Diễn Ca).



Buồn thay cảnh cũ chiến trường,

Cô hồn quạ cúng, tên vàng bám rêu.

(Thơ Học Canh).



Phút bỗng đem thân bỏ chiến tràng,

Ba quân xơ xác ngọn cờ hàng.

(Thơ Chu Mạnh Trinh).



CHIÊNG VÀNG

Bởi chữ “Đồng chinh 銅 鉦” tức là cái chiêng, một loại nhạc cụ bằng đồng màu vàng, chỉ mặt trời.

Chiêng vàng là mặt trời như cái chiêng trông từ xa chiếu sáng rực rỡ. Nhà thơ Chu Mạnh Trinh đã gọi mặt trời là “Chiêng” trong câu: Đường về chiêng đã gác chênh chênh.

Chiêng vàng đã gác non đoài,

Trống thu quân mới về nơi đất mình.

(Lưu Nữ Tướng).



Chiêng vàng gác bóng non tê,

Dừng chèo ướm hỏi lối vào chùa trong.

(Hương Sơn Nhật Trình).



CHIẾT LIỄU 折 柳

Bẻ cành liễu.

Theo sách Tam Phụ Hoàng Đồ, Bá kiều là một cây cầu nằm về hướng đông của Trường An. Đời hán, khi tiễn bạn tới cầu Bá Kiều, người ta thường bẻ một cành liễu để tặng bạn làm cây roi ngựa. Cầu này về sau thành tên cầu “Chiết liễu”.

Nghĩa bóng: Tiễn đưa, tống biệt nhau.

Xem: Bẻ liễu.

Tràng đình ngảnh lại xa xa,

Khỏi cầu chiết liễu ai là cố nhân?

(Tự Tình Khúc).



CHIẾT MAI PHÙNG DỊCH SỨ 折 梅 逢 驛 使

Bẻ cành mai gặp tin thơ.

Tấn Thư chép: Ông Lục Khải cùng Phạm Diệp là bạn chí thân đã xa nhau, tình cờ gặp Tạ Phù là dịch sứ đến Trường An trao công văn, Lục Khải qua sông Lũng Đầu, bẻ một cành mai và làm một bài thơ tứ tuyệt để gửi cho Phạm Diệp như sau đây: Chiết mai phùng dịch sứ, Ký dữ Lũng Đầu nhân. Giang Nam vô sở hữu, Liêu tặng nhứt chi xuân 折 梅 逢 驛 使, 寄 與 隴 頭 人. 江 南 無 所 有, 聊 贈 一 枝 春. Tạm dịch: Bẻ mai gặp khách đem thư, Gởi người tri kỷ Lũng Đầu dặm xa. Giang nam nhớ chẳng nhiều hoa, Hân hoan kính tặng món quà đầu xuân.

CHIẾT XUNG 折 衝

Chiết: Bẻ gãy. Xung: Đụng chạm nhau. Chiếc xung có nghĩa là cự địch.

Bởi câu “Chiết xung tôn trở 折 衝 樽 俎” là chỉ trong khoảng chén rượu mà dẹp được giặc.

Sách Án Tử Xuân Thu có chép: Tôn trở chi gian, chiết xung thiên lý chi ngoại 樽 俎 之 間 折 衝 千 里 之 外, nghĩa là không ra khỏi khoảng chén rượu mà dẹp được giặc ngoài muôn dặm. Ý muốn nói không cần đánh giặc cũng có thể dẹp loạn được.

Xem: Tôn trở.



Tiếc thay muôn dặm thành dài,

Cô quân nên nỗi thiệt tài chiết xung.

(Quốc Sử Diễn Ca)



Kìa ai tôn trở chiết xung,

Mã công tên Thực anh hùng kém chi.

(Quốc Sử Diễn Ca)



CHIÊU AN 招 安

Chiêu an tức là kêu gọi bọn giặc cướp bãi binh, hàng phục để đất nước được yên ổn.

Kê Lặc Biên chép: Đời Tống Kiến Viêm thường hay chiêu an giặc cướp, nên sau đó ngoài dân gian có câu hát: Dục đắc quan, sát nhân phóng hỏa thọ chiêu an 欲 得 官, 殺 人 放 火 受 招 安, nghĩa là muốn được làm quan thì giết người đốt nhà rồi để triều đình chiêu an.

Đóng quân làm chước chiêu an,

Ngọc vàng gấm vóc sai quan thuyết hàng.

(Truyện Kiều).



Chiêu an ra sức phủ phê,

Chiêm dân vâng giáo trở về làm tôi.

(Thiên Nam Ngữ Lục).



Thương sinh bốn bể chiêu an,

Hoàng cực chín lần áo rủ.

(Cung Trung Bảo Huấn).



CHIÊU HIỀN 招 賢

Chiêu: Vẫy, kêu gọi. Hiền: Người có tài năng và hiền đức.

Ngày xưa, những vị vua chuộng người có tài năng thường đăng bảng kết nạp hiền tài, thâu dụng danh sĩ để giúp vua trị nước, đó gọi là chiêu hiền hay nạp sĩ.



Ngỡ là chuông vua Hạ Võ chiêu hiền;

ngỡ là đạc đức Trọng Ni thiết giáo

(Sãi Vãi).



CHIÊU HỒN 招 魂

Chiêu: Kêu gọi. Hồn: Vong hồn, hồn người chết.

Chiêu hồn là dùng pháp thuật mà kêu gọi người chết trở về. theo nhà Phật, chiêu hồn là kêu gọi hồn người chết về để thiết lễ cúng tế.



Chiêu hồn thiết vị lễ thường,

Giải oan lập một đàn tràng bên sông.

(Truyện Kiều).



CHIÊU PHỦ 招 撫

Chiêu: Kêu gọi. Phủ: Phủ dụ, tức là vỗ về.

Chiêu phủ là dẹp yên giặc loạn rồi kêu gọi đến để vỗ về, an ủi.



Kéo cờ chiêu phủ tiên phong,

Lễ nghi dàn trước bác đồng phục sau.

(Truyện Kiều).



CHIÊU QUÂN 昭 君

Chiêu Quân là một cung nhân đời Hán, họ Vương tên Tường.

Quân Hung Nô đem binh sang uy hiếp, vua Hán muốn hoà, mới định tìm một cung nhân gả cho Hung Nô. Khi chọn người, cung nữ rất nhiều, vua không biết chọn ai, nên bảo Mao Diên Thọ vẽ tất cả cung nữ đem cho vua xem. Chiêu Quân không đút lót cho Mao Diên Thọ nên bị vẽ rất xấu. Vì vậy, vua mới chọn Chiêu Quân đem gả cho Hung Nô.

Khi Chiêu Quân ra lạy từ biệt, vua mới hay nàng là một cung nữ rất đẹp. Lúc thuyền qua ải cống sang Hồ, Chiêu Quân buồn thảm, ngồi gãy đàn để tỏ nỗi lòng thương chúa và nhớ nhà.



Quá quan này khúc Chiêu Quân,

Nữa phần luyến chúa nữa phần tư gia.

(Truyện Kiều).



Ban cho áo mũ Chiêu Quân,

Đảng công vâng mệnh đưa chân cõi ngoài.

(Nhị Độ Mai).



Chiêu Quân xưa cũng cống Hồ,

Bởi ngươi Diên Thọ họa đồ gây nên.

(Lục Vân Tiên).



Chiêu Quân chịu giã từ đất Hớn,

Thân cống Hồ ngất ngưởng tha bang.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Ham Chiêu Quân trọn nghĩa phụ thần,

Hơn giúp Hớn Tôn Phu Nhân gươm cật ngựa.

(Phương Tu Đại Đạo).



CHIẾU ÁN 照 案

Chiếu án là chiếu theo bản án.

Khi quan xét xử hoặc toà án tuyên án cho một bị cáo thì phải căn cứ theo bản án, gọi là chiếu án.

Phép công chiếu án luận vào,

Có hai đường ấy, muốn sao mặc tình.

(Truyện Kiều).



CHIẾU CHĂN

Tức chiếu và mền.

Chiếu chăn còn dùng để nói tình nghĩa vợ chồng thắm thiết, vì cùng nằm chung chiếu, cùng đắp chung mền.

Khuyến nông chăm việc cần dân,

Chiếu chăn thương kẻ tù nhân lạnh lùng.

(Quốc Sử Diễn Ca).



Dầu một đêm cũng nghĩa chiếu chăn,

Huống chi bạn khó khăn bao nỡ phụ.

(Phương Tu Đại Đạo).



CHIẾU CHỈ 詔 旨

Chiếu chỉ là tờ giấy ghi chép mệnh lệnh của nhà vua ban xuống cho triều thần và dân chúng.



Bèn sai chiếu chỉ đi mời,

Tôi bèn vưng mạng đến nơi điện ngoài.

(Trọng Tương Vấn Hớn).



Chàng vâng bái tạ vua cha,

Tay cầm chiếu chỉ vào tòa mỗi khi.

(Tây Sương).



CHIẾU DANH 詔 名

Chiếu: Dựa theo. Danh: Danh sách, tên họ.

Chiếu danh là dựa theo danh sách hay dựa theo tên họ đã ghi chép.



Mấy người phụ bạc xưa kia,

Chiếu danh tầm nã bắt về hỏi tra.

(Truyện Kiều).



CHIẾU DU

Chiếu du là một loại chiếu làm bằng cỏ lác u du, một thứ cỏ rất trơn và mịn.

Chiếu du là một loại chiếu đẹp và bền tốt.

Chiếu du trơn như mỡ;

thuốc lá ướp hoa ngâu.

(Sãi Vãi).



CHIẾU HOA

Chiếu hoa là loại chiếu được dệt hoa văn đẹp đẽ, dành cho những nhà giàu sang phú quý lót ván hay trải giường nằm.



Người đài nước, kẻ lò than,

Kẻ lồng đệm thuý, người dàn chiếu hoa.

(Hoa Tiên Truyện)



CHIẾU PHƯỢNG 詔 鳳

Hay “Chiếu phụng”.



Chiếu: Tờ giấy ghi chép các mệnh lệnh của vua. Phụng: Chim phượng hoàng. Chiếu phụng hay chiếu phượng chỉ chiếu chỉ của nhà vua.

Xưa Thạch Quý Long đời Hậu Triệu dùng giấy ngũ sắc viết lời chiếu, đặt ở mỏ con chim phượng làm bằng gỗ mà đọc.



Chiếu phượng mười hàng tơ cặn kẻ,

Vó câu nghìn dặm tuyết xông pha.

(Thơ Trần Trùng Quang).



CHIẾU RỒNG

Ngày xưa, chữ “Long” hay “Rồng” thuờng được dùng để chỉ nhà vua, như chữ long nhan, long sàng hay mặt rồng…

Vì vậy, chiếu rồng là chiếu chỉ của nhà vua ban ra.

Chiếu rồng vâng mệnh,

Thành phượng rời chân.

(Tiễn Chồng Đánh Giặc).



Dám thân qua dưới trướng,

Nay có sứ triều trung.

Lịnh ban hạ chiếu rồng,

Đã gần nơi ải hổ.

(Nhạc Hoa Linh).



CHIẾU TÂY

Bởi chữ “Tây tịch 西 席” là ngồi ở hướng tây, chỉ ông thầy dậy học. Do tích vua Hán Minh Đế tôn Hoàng Vinh làm bậc thầy, nên bảo Vinh ngồi hướng tây, quay mặt hướng đông. Vì vậy, chữ chiếu tây (Tây tịch) được dùng để gọi ông thầy dạy học.



Dĩnh lang mượn chuyện học hành,

Chiếu tây tạm thỉnh tiên sinh đến ngồi.

(Ngọc Kiều Lê).



CHIM BẰNG

Chim bằng còn gọi đại bàng, một loài chim to lớn mà trong sách Nam Hoa Kinh, Trang Tử đã viết: Bắc Minh hữu ngư, kỳ danh vi côn, bất tri kỷ thiên lý dã, hoá vi điểu kỳ danh vi bằng 北 溟 有 魚, 其 名 為 鯤, 不 知 幾 千 里 也, 化 為 鳥, 其 名 為 鵬 nghĩa là bể bắc có con cá tên là cá côn lớn không biết là mấy nghìn dặm, hóa làm con chim, tên là chim bằng, lưng như núi Thái sơn, cánh như đám mây rủ trên trời.

Chim bằng ví với người mang chí lớn.

Gió hỡi gió, phong trần ta đã chán,

Cánh chim bằng chín vạn những chờ mong.

(Thơ Tản Đà).



CHIM KẾT CÁNH

Ý nói vợ chồng khắn khít, gắn bó không rời nhau.

Do điển “Tỵ dực điểu 比 翼 鳥”, tức là một loài chim chỉ có một bên cánh, nên lúc nào con trống và con mái phải kết cánh lại thì mới bay được, gọi là chim kết cánh. Xem: Chim liền cánh.

Chim kết cánh, cây liền cành,

Còn thân thiếp chịu một mình đơn cô.

(Nữ Trung Tùng Phận).



CHIM KHÔN ĐẬU CÂY LÀNH

Tục ngữ có câu “Chim khôn chọn cây lành mà đậu”, ý nói tôi hiền tìm chúa Thánh mà thờ, hoặc người khôn tìm đất lành mà sống.



Chim khôn biết kiếm đậu cây lành,

Người thiện phải ngừa đức háo sanh.

(Đạo Sử).



CHIM LIỀN CÁNH

Chim liền cánh bởi chữ “Tỷ dực điểu 比 翼 鳥” là loài chim bay cánh liền nhau, chỉ tình nghĩa gắn bó giữa vợ chồng. Trong bài Trường Hận Ca của Đỗ Phủ có câu: Tại thiên nguyện tác tỷ dực điểu 在 天 願 作 比 翼 鳥, nghĩa là trên trời nguyện làm chim liền cánh.

Xem: Tỷ dực.

Thiếp xin về kiếp sau này,

Như chim liền cánh, như cây liền cành.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



CHIM LỒNG

Tức chim bị bẫy đem nhốt vào lồng, khó thoát ra được. Ca dao có câu: “Cá cắn câu biết đâu mà gỡ, chim vào lồng biết thuở nào ra”.

Chim lồng dùng để ví thân phận người bị giam giữ, ràng buộc.

Thoắt trông nàng đã biết tình,

Chim lồng khôn lẽ cất mình bay cao.

(Truyện Kiều).



Những nghĩ chim lồng chắp cánh bay,

Hoạ khi vận rủi có hồi may.

(Thơ Chu Mạnh Trinh).



CHIM NHẶT VOI CÀY

Bởi chữ “Tượng canh điểu vân 象 耕 鳥 耘” nghĩa là voi cày ruộng, chim nhặt cỏ.

Do tích Cổ Tẩu sai Thuấn một mình cày ruộng ở núi Lịch Sơn thì voi về cày ruộng, chim về nhặt cỏ. Sách có câu: Đội đội canh điền tượng,phân phân vân thảo cầm 隊 隊 耕 田 象, 紛 紛 耘 草 禽, nghĩa là đàn voi về cày ruộng, hàng bầy chim về nhặt cỏ.

Mấy phen non Lịch pha phôi,

Cỏ, chim về nhặt, ruộng, voi về cày.

(Nhị Thập Tứ Hiếu).



CHIM VIỆT NGỰA HỒ

Do câu: Hồ mã tê bắc phong, Việt điểu sào nam chi 胡 馬 嘶 北 風, 越 鳥 巢 南 枝, tức là ngựa Hồ hý gió bắc, chim Việt đậu cành nam.

Chim Việt do điển tích từ sử nước ta, đời vua Hùng Vương đem sang Tàu cống sứ một con bạch trĩ. Chim bạch trĩ này tìm cây ngô đồng ở hướng nam mới chịu đậu.

Ngựa Hồ do điển tích sau: Rợ Hồ phía bắc, đem con ngựa hay dâng cho vua Hán Võ Đế. Vua nhà Hán sai người chăm sóc ngựa một cách đặc biệt, nhưng con ngựa buồn bã, ít ăn, đến khi gió bấc thổi thì ngựa hý một cách buồn thảm.



Tình riêng chim Việt ngựa Hồ,

Chuyên vần báu ngọc các đồ sạch không.

(Quốc sử Diễn Ca).



Chim Việt ngựa Hồ ngơ ngáo đó,

Hươu Tần yến Tạ lạc loài mô?

(Hoài Nam Khúc).



CHIM XANH

Chim có lông màu xanh.

Do chữ “Thanh điểu 青 鳥”, trích từ câu chuyện của Hán Võ Đế ra chơi vườn ngạn uyển, có hai con chim xanh bay đến. Đông Phương Sóc thấy vậy mới tâu rằng: Đây là sứ giả của bà Tây Vương Mẫu, đến báo tin để đón rước. Nhà vua liền cho sửa soạn, vừa xong thì quả nhiên có Tây Vương Mẫu đến thật.

Chim xanh dùng để chỉ sứ giả hay người mai mối

Nghĩa bóng: Thông tin.

Thâm nghiêm kín cổng cao tường,

Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh.

(Truyện Kiều).



Thôi thì vườn khoá then cài,

Lấp dòng lá thắm, ngăn loài chim xanh.

(Bần Nữ Thán).



Nhiều trai gái duyên hài lỡ dở,

Tại chim xanh dụng mở mối đường.

(Phương Tu Đại Đạo).



CHÌM CÁ RƠI NHÀN

Do câu “Trầm ngư lạc nhạn 沉 魚 落 雁” để ca tụng phụ nữ đẹp đến nổi cá thấy phải chìm sâu dưới đáy nước, nhạn thấy phải rơi xuống.

Xem: Lạc nhạn trầm ngư.

Mặn mà chìm cá rơi nhàn,

Nguyệt ghen gương khép, hoa hờn thắm thay.

(Hoa Tiên Truyện).



CHÍN BỆ

Bởi chữ “Cửu bệ 九 陛” hay “Cửu trùng 九 重” là chín cấp đến ngai vua ngự.

Như vậy, chín bệ là nơi vua ngồi được xây trong chín lần cửa thâm nghiêm, và ngự trên chín bậc thềm cao. Chín bệ dùng để chỉ vua hay ngôi vua.

Trên chín bệ mặt trời gang tấc,

Chữ xuân riêng sớm chực trưa chầu.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



Nên thiền khi trước lập công danh,

Chín bệ xem qua chẳng trí quân.

(Đạo Sử).



Biên cương buổi nọ Tàu lui gót,

Chín bệ ngày nay quỉ nhảy đầm.

(Đạo Sử).



Còn chi hai chữ thái bình.

Ngửa nghiêng chín bệ, gập ghình ba châu.

(Ngụ Đời).



CHÍN CÕI THIÊN ĐƯỜNG

Tức là chín cõi trời, hay chín phương trời.

Xem: Chín phương trời.

Theo sách “Dương Từ Hà Mậu”, chín cõi Thiên đường gồm: Thanh thiên, Xích thiên, Bạch thiên, Hắc Thiên, Trung thiên, Hạo thiên, Khung thiên, Thương thiên, Huyền Thiên.



Cho hay chín cõi thiên đường,

Ngôi thần, ngôi thánh, phô trương đã rành.

(Dương Từ Hà Mậu).



CHÍN CHỮ

Bởi chữ “Cửu tự 九 字” là chín chữ, nói công lao khó nhọc của cha mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng con cái.

Chín chữ tức là chín công việc khổ nhọc mà cha mẹ, đó là: 1.- Sinh: Đẻ con. 2.- Cúc: Nâng đỡ. 3.- Phủ: Vuốt ve. 4.- Xúc: Cho bú. 5.- Trưởng: Nuôi cho lớn. 6.- Dục: Dạy dỗ. 7.- Cố: Trông nôm. 8.- Phục: Săn sóc dạy dỗ. 9.- Phúc: Che đỡ.

Xem: Chín chữ cù lao.



Nhớ ơn chín chữ cao sâu,

Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.

(Truyện Kiều).



Đem mình mà trả nghĩa người,

Để công chín chữ thiệt thòi về sau.

(Hoa Tiên Truyện).



CHÍN CHỮ CÙ LAO

Bởi chữ “Cửu tự cù lao 九 字 劬 勞” là chín điều khổ nhọc của cha mẹ.(Xem chín chữ).

Kinh Thi có câu: Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực 父 兮 生 我, 母 兮 鞠 我, 哀 哀 父 母, 生 我 劬 勞. 欲 報 深 恩, 昊 天 罔 網 極, nghĩa là cha sinh ta, mẹ nuôi ta, thương thay cha mẹ, công sinh ra ta khó nhọc dường nào! muốn báo ân sâu, trời cao chẳng dứt.

Sinh rằng: Chín chữ cù lao,

Bề sâu mấy trượng trời cao mấy trùng.

(Nhị Độ Mai).



Thương thay chín chữ cù lao,

Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình.

(Lục Vân Tiên).



Nhớ câu chín chữ cù lao,

Công ơn cha mẹ no nao đặng đền.

(Dương Từ Hà Mậu).



CHÍN KHÚC

Dịch nghĩa từ chữ “Cửu hồi trường 九 回 腸” tức là chín khúc ruột, dùng để chỉ sự ưu tư, khổ sở khiến lòng quặn đau, như thắt thành nhiều khúc ruột.

Tư Mã Thiên có câu: Trường nhất nhật nhi cửu hồi 腸 一 日 而 九 回, nghĩa là một ngày lòng đau quặn chín khúc ruột.

Khi tựa gối khi cúi đầu,

Khi vò chín khúc khi chau đôi mày.

(Truyện Kiều).



Lòng chàng chín khúc tiêu hao,

Hạt châu lai láng, thấm bào như dong.

(Quan Âm Thị Kính).



Ruột tầm chín khúc vò tơ,

Biết lòng chàng có đợi chờ ta chăng?

(Thanh Hoá Quan Phong).



Truân chuyên đã bấy nhiêu lần,

Nỗi oan chín khúc ruột dần chạnh đau.

(Đạo Sử).



CHÍN PHƯƠNG TRỜI

Theo Lã Thị Xuân Thu, chín phương trời gồm: Quân thiên (Chính giữa), Thương thiên (Hướng đông), Viêm thiên (Hướng nam), Huyền thiên (Hướng bắc) Biến thiên (Đông bắc), Dương thiên (Đông nam), U thiên (Tây bắc), Chu thiên (Tây nam).

Chín phương trời theo triết lý đạo Cao Đài là “Cửu Trùng Thiên 九 重 天” tức là chín tầng trời.

Mười phương Phật chín phương Trời,

Chưa hay đến sự dưới trời oan ru?

(Quan Âm Thị Kính).



CHÍN SUỐI

Chín ngọn suối màu vàng ở dưới Âm phủ.

Do chữ “Cửu tuyền 九 泉” là chín ngọn suối ở dưới mặt đất, dùng để chỉ chỗ ở của người chết, hay Âm phủ. Chín suối còn được gọi là “Suối vàng” hay “Hoàng tuyền”.

Thơ Nguyễn Vũ có câu: Minh minh Cửu tuyền thất, man man trường Dạ đài 暝 暝 九 泉 室, 漫 漫 長 夜 臺, nghĩa là mờ mịt nơi chín suối, ấm áp chốn Dạ đài.

Xem: Cửu tuyền.

Chị dù thịt nát xương mòn,

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.

(Truyện Kiều).



Con dù chín suối cũng thơm,

Bấy lâu công đức đã cam phụ người.

(Nhị Độ Mai).



Đã đành chín suối chơi mây,

Danh thần tiết liệt xưa nay cùng truyền.

(Hạnh Thục Ca).



Làm vinh nghĩ chẳng thẹn non sông,

Chín suối ông cha nhẫng tủi thầm.

(Đạo Sử).




tải về 15.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   21   22   23   24   25   26   27   28   ...   134




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương