Thiên vân quách văn hòa trong thi văn năM 2011 LỜi tựA



tải về 15.16 Mb.
trang30/134
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích15.16 Mb.
#30102
1   ...   26   27   28   29   30   31   32   33   ...   134

DI TỬ HÀ 彌 子 瑕

Tử Hà là người nước Vệ, đời Đông Châu, được vua Vệ Linh Công hết sức yêu mến. Một hôm, bà mẹ đau, Tử Hà trộm lịnh lấy xe vua về thăm, vua khen là người có hiếu. Ngày khác, đi dạo với vua trong vườn cây, gặp đào chín bèn hái trái ăn, thấy ngon còn lại nửa trái liền dâng lên nhà vua. Vua cũng khen: Tử Hà là tôi trung, biết thương quả nhân, ăn miếng ngon mà vẫn chia sớt cho quả nhân.

Sau có người gièm siễm, vua ghét rồi bắt tội Tử Hà phạm hai tội: Một, khinh mạng vua, lấy trộm xe vua về thăm mẹ. Hai, ăn thừa quả đào rồi dâng cho vua.

DI THỂ 遺 體

Di: Để lại. Thể: Thân thể.

Sở dĩ gọi là di thể là bởi vì tấm thân của ta do cha mẹ để lại cho ta.



Phù sinh một sợi tơ mành,

Giữ gìn di thể như hình thiên kim.

(Tự Tình Khúc).



Cô trung quyết giữ lời thề,

Để hồn di thể đi về cho an.

(Tự Tình Khúc).



Bấy lâu tin tức đã im,

Ai hay di thể còn tìm thấy đây?

(Quan Âm Thị Kính).



DI TRUYỀN KHUYẾN THIỆN 遺 傳 勸 善

Di truyền: Truyền để lại. Khuyến thiện: Khuyên làm việc lành.

Di truyền khuyến thiện là nói kinh sách truyền lại cho những người sau này để khuyên làm những việc thiện lành.



Lời kệ sám di truyền khuyến thiện,

Câu văn từ luận biện thật thà.

(Kinh Sám Hối).



DÌ GIÓ

Do chữ “Phong di 風 姨”, là dì gió, một vị Thần làm gió.

Theo Bác Dị Chí, Thần gió được gọi là Phong gia thập bát di 風 家 十 八 姨, tức là dì mười tám nhà họ Phong.

Nghĩa bóng: Người đưa tin.



Gặp Hương mới kể sự tình,

Xin nhờ Dì gió đệ trình trướng loan.

(Hoa Tiên Truyện).



Nước non một gánh nhẹ thay,

Lứa vui Dì gió bạn vầy ải trăng.

(Sơ Kính Tân Trang).



Phải rằng: Dì gió hay không?

Phong tình đem thói lạ lùng trêu ai?

(Thơ Tản Đà).



Cậy gió, hềm Dì gió đảo điên,

Mượn trăng, e ả trăng xao lãng.

(Tuý Sơn Vân Mộng).



DĨ ĐỨC HÀNH NHÂN 以 德 行 仁

Dĩ đức: Lấy phước đức. Hành nhân: Làm nhơn.

Dĩ đức hành nhân nghĩa là lấy điều phước đức để thi hành lòng nhơn của mình.



Chẳng nhớ câu “Dĩ đức hành nhân”,

Lại lấy chữ “Báo ân dĩ óan”.

(Lục Súc Tranh Công).



DĨ HOÀ VI QUÝ 以 和 為 貴

Dĩ hoà: Lấy chữ “Hoà”. Vi quý: Làm điều quý.

Dĩ hoà vi quý là lấy chữ “Hoà” làm điều quý báu, tức là phải sống hoà hợp với mọi người.



Chữ rằng nhân dĩ hoà vi quý,

Vô sự thì hơn kẻo phải lo.

(Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm).



DĨ MÃ DIỆT NGƯU 以 馬 滅 牛

Lấy ngựa diệt trâu, ý nói lấy người này tiêu diệt người kia, như trong sử Tàu có câu chuyện “Dĩ Lã diệt Dinh 以 呂 滅 贏”, là lấy họ Lã làm tiêu mất họ Dinh.

Do chuyện Lã Bất Vi đời Chiến Quốc, đem vợ đang có thai hai tháng gả cho Dị Nhân, sau đẻ ra Tần Thuỷ Hoàng. Đúng ra, Tần Thuỷ Hoàng là họ Lã (Con Lã Bất Vi), chớ không phải họ Dinh.

Như vậy, khi Tần Thuỷ Hoàng lên ngôi thì họ Dinh, họ vua nhà Tần từ đó đã tiêu mất.



Nghĩ xưa buộc chính chuyên chẳng lạ,

Vì sợ đời dĩ Mã diệt Ngưu.

(Đạo Sử).



DỊ ĐOAN 異 端

Dị: Khác, lạ. Đoan: Mối, ngay thẳng.

Trái với chính đạo gọi là dị đoan.

Những tin tưởng nhảm nhí không đúng sự thật. Ngày nay chữ “Dị đoan” thường được gắn liền với mê tín.

Luận ngữ có câu: Công hồ dị đoan 功 乎 異 端, tức là đánh tan những mối dị đoan.



Dị đoan mê hoặc khôn chừa,

Chùa tô phật tượng, đình thờ Thích Ca.

(Quốc Sử Diễn Ca).



Bấy lâu chuộng thói dị đoan,

Đến nay mới biết lầm đường đi xa.

(Dương Từ Hà Mậu).



Hội xem cho rõ phép Thiên Hoàng,

Cầu lếu những điều của dị đoan.

(Đạo Sử).



DỊ NHÂN 異 人

Tên cháu vua nước Tần, đem quân đánh với Triệu thua, bị bắt làm con tin ở đất Triệu, nhờ Lã Bất Vi đem vợ đang có thai hai tháng gả cho, rồi lập mưu cứu thoát, đưa về nước. Về sau, được lên ngôi, nhưng chẳng bao lâu thì mất.

Xem: Bất Vi

Người nay sao phải nhà Tần,

Bất Vi gả vợ Dị Nhân lấy lầm.

(Lục Vân Tiên).



DỊ TƯỚNG 異 相

Dị: Khác thường. Tướng: Trạng mạo, hình dáng con người.

Dị tướng là người có tướng khác thường, tức là có tướng lạ.



Vân Tiên biết kẻ chính tà,

Hễ người dị tướng ắt là tài cao.

(Lục Vân Tiên).



DỊCH ĐÌNH 驛亭

Dịch: Trạm nghỉ. Đình: Ngôi nhà nhỏ.

Dịch đình là những ngôi nhà nhỏ được cất dọc trên đường để các phu trạm ngày xưa mang thư tín, hay công văn của triều đình tạm nghỉ ngơi. Hành khách đi đường cũng nghỉ chân ở những ngôi nhà này.



Nhìn xem phong cảnh khác vời,

Mới dừng yên tạm trú nơi dịch đình.

(Lưu Nữ Tướng).



DỊCH KINH 易 經

Kinh: Sách của Thánh hiền. Dịch: Thay đổi.

Dịch kinh hay kinh Dịch là quyển sách giải thích về sự thay đổi, biến hoá trong trời đất. Kinh dịch có thể đem áp dụng qua y học và lý số, nên sau này người dùng vào việc bói toán. Kinh dịch do vua Phục Hy đặt ra tám quẻ, gọi là bát quái, sau này Khổng Tử giải thích các quẻ ấy thành kinh dịch.



Muốn coi phép ấy cho tinh,

Đồ thư Hà Lạc, Dịch kinh rõ bàn.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



DỊCH LỄ 易 禮

Dịch là Kinh Dịch, một trong ngũ kinh của Nho gia. Dịch có tám quẻ chính, gọi là bát quái, mỗi quẻ có ba hào, tượng trưng bằng ba vạch ngang, sau chồng lên thành sáu hào, gọi là quẻ kép và có sáu mươi bốn quẻ kép. Xem: Châu Dịch.

Lễ là Kinh Lễ, một bộ sách chép về những lễ nghi, để nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp, để giữ trật tự phân minh và để tiết chế tình dục.

Thi Thư Dịch Lễ đều tinh,

Xuân Thu nghĩa cả cho minh nghiệp nhà.

(Gia Huấn Ca).



DỊCH NHA 易 牙

Một người thợ nấu ăn giỏi cho vua Tề Hoàn Công đời Chiến Quốc. Hoàn Công thường nói đùa với Dịch Nha: “Các giống điểu thú trùng ngư, ta ăn gần đủ mùi, chỉ có thịt người thì chưa biết vị nó ra thế nào?”.

Dịch Nha là đứa cầu mỵ với vua, nghe vua nói bèn về bắt đứa con đầu lòng lên ba tuổi, làm món ăn dâng vua. Tề Hoàn Công ăn ngon, hỏi ra mới biết, cho là Dịch Nha yêu mình, có ý tin dùng.

Sau Dịch Nha mưu phản, bỏ vua Tề Hoàn Công trong hầm đá hơn nửa tháng, đói khát mà chết.



DỊCH ÔN 疫 瘟

Dịch: Bệnh dịch, một loại bệnh truyền nhiễm. Ôn: Bệnh ôn, cũng là loại bệnh nhiễm.

Dịch ôn là nói chung các loại bệnh dịch cõ tính truyền nhiễm.



Kẻ thì mắc phải dịch ôn,

Kẻ thì thuỷ hoả gian nan kia mà.

(Gia Huấn Ca).



DỊCH TÁNH BIẾN TÌNH 易 性 變 情

Dịch tánh: Thay đổi tánh. Biến tình: Biến hoá tình.

Dịch tánh biến tình là thay đổi tánh tình.



Song chẳng can danh phạm ngãi;

cũng không dịch tánh biến tình.

(Sãi Vãi).



DỊCH XUÂN 驛 春

Gởi cành mai mùa xuân cho phu trạm.

Nghĩa bóng: Để chỉ tin tức.

Do bài thơ đời nhà Đường của Lục Khải gởi cành mai cho bạn. Bài thơ ấy như sau: Chiết mai phùng dịch sứ, Ký dữ Lũng Đầu nhân. Giang Nam vô sở hữu, Dao tặng nhất chi xuân 折 梅 逢 驛 使, 既 與 隴 頭 人. 江 南 無 所 有, 遙 贈 一 枝 春, Nghĩa là bẻ mai vừa gặp trạm, Lũng Đầu gởi cố nhân. Giang Nam gì chẳng có. Xa tặng một cành xuân.



Cầu sương dặm tuyết chờ ai,

Dịch xuân đành tỏ tin mai những mừng.

(Hoa Tiên Truyện).



DIÊM CUNG 閻 宮

Diêm: Diêm Vương. Cung: Cung điện.

Diêm cung là cung điện của vua Diêm Vương, chỉ cõi Âm phủ.

Xem: Âm phủ.

Chốn Tây phương đường đi thong thả,

Cõi Diêm Cung tha quả vong căn.

(Kinh Thế Đạo).



Ðồng phồn đưa rước viếng Diêm Cung,

Ai đã trước đi hỏi nhắn cùng.

(Đạo Sử).



DIÊM ĐÀI 閻 臺

Diêm: Diêm Vương. Đài: Đền đài.

Diêm đài là cung điện, đền đài của Diêm Vương, chỉ cõi Âm phủ.

Xem: Dạ đài.

Phút đâu Thiên sứ nan kỳ,

Mẫu từ mãn số dĩ quy Diêm đài.

(Tội Vợ Vợ Chịu).



DIÊM ĐÌNH 閻 廷

Diêm: Diêm Vương. Đình: Triều đình.

Diêm đình tức là triều đình của vua Diêm Vương, chỉ cõi âm phủ.

Xem: Diêm quan.

Hỏi ta có sống thật tình,

Hay là giấc mộng Diêm Đình đưa nhau.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Trời với Diêm Ðình đôi ngõ trở,

Muốn toan thoát tục liệu mà dùng.

(Đạo Sử).



DIÊM LA 閻 羅

Tức Diêm La Vương, nói tắt là Diêm Vương, dịch từ chữ Phạn, nghĩa là buộc trói người có tội lỗi.

Diêm la dùng để chỉ cõi Địa ngục, Âm phủ.

Xem: Thập Điện Diêm Vương.



Trong chùa lại có hai hang,

Một đàng Bích lạc, một đàng Diêm la.

(Dương Từ Hà Mậu).



DIÊM PHONG 閻 酆

Diêm: Diêm đình. Phong: Phong đô.

Diêm phong là Diêm đình, Phong đô, chỉ cõi Âm phủ. Xem: Phong đô.



Để sau xuống chốn Diêm phong,

Nghiệt đài chiếu kính có trong lời thề.

(Tội Vợ Vợ Chịu).



DIÊM PHÙ

Hay “Diêm phủ 閻 府”.



Diêm: Diêm Vương. Phủ: Ngôi nhà, nơi dùng để làm việc quan.

Diêm phủ hay Diêm phù là nơi Diêm Vương ở, dùng để chỉ Địa ngục âm phủ.

Xem: Địa ngục.

Thịt xương gửi đám Diêm phù,

Sinh sinh hóa hóa trong lò hồng quân.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



DIÊM QUAN 閻 關

Diêm: Diêm Vương. Quan: Cửa cổng.

Diêm quan là cửa cổng dẫn đến đền đài của Diêm Vương, chỉ nơi Địa ngục, Âm phủ.

Xem: Địa ngục.

Tục kêu rằng chốn Diêm quan,

Ở miền âm phủ sửa sang việc đời.

(Dương Từ Hà Mậu).



Phút giây xuống tới Diêm quan,

Vào đền ngó thấy rõ ràng mười ông.

(Tội Vợ Vợ Chịu).



DIÊM VƯƠNG 閻 王

Diêm Vương tức là Diêm La Vương là vua coi cõi Địa ngục, Âm phủ. Có thuyết cho rằng Diêm Vương xưa là Quốc vương nước Sa Tỳ, nguyện lúc chết làm chúa coi ngục cõi Âm phủ.



Phép hay sái đậu thành binh,

Bện hình làm tướng phá thành Diêm Vương.

(Lục Vân Tiên).



Án tào quỷ sứ phụng chương,

Đặng dâng bệ ngọc, Diêm vương ngự rằng.

(Dương Từ Hà Mậu).



Ăn gian xớt bớt cho mình,

Dầu qua dương pháp, luật hình Diêm vương.

(Kinh Sám Hối)



DIỄM TỬ 豔 子

Diễm Tử sinh vào đời nhà Chu, thờ cha mẹ rất có hiếu. Cha mẹ ông tuổi đã già, mắt bị loà, lại thèm uống sữa hươu. Diễm Tử phải giả làm hươu con, lấy da hươu khâu làm áo mặc, vào rừng lân la đến gần những con hươu mẹ để vắt lấy sữa.

Một hôm gặp bọn người đi săn, tưởng là hươu con, dương cung toan bắn, Diễm Tử la lên, vội bỏ lớp hươu con ra, và bày tỏ cho người đi săn biết, người thợ săn mới tha cho.

Chu, Diễm Tử làm con rất thảo,

Chiều hai thân tuổi lão niên cao.

(Nhị Thập Tứ Hiếu).



DIÊN LĂNG QUÝ TỬ 筵 陵 季 子

Con vua nước Ngô thời Xuân Thu là Quý Trát, được phong ở đất Diên Lăng, nên người đương thời gọi là Diên Lăng Quý Tử. Vua Ngô phái Quý Trát đi sứ sang Tấn, khi đi ngang qua nước Từ, thấy vua Từ có ý muốn thanh bảo kiếm của mình thì định bụng sau khi đi sứ về sẽ tặng cho vua nước Từ.

Nhưng chẳng may! Chừng trở về, vua nước Từ đã mất. Quý Tử bèn đến mộ, đặt thanh kiếm trước mộ và nguyện rằng: Người Liêm sỉ dù hứa với lòng cũng không bao giờ quên được.

Sau Ngô vương muốn nhường ngôi lại cho Quý Tử, nhưng ông không nhận, rồi về ở ẩn xứ Diên Lăng.



DIÊN TRÌ 延 遲

Diên: Kéo dài. Trì: Chậm chạp.

Diên trì có nghĩa là chậm chạp, kéo dài thời gian.



Ba ngày trông chẳng thấy chi,

Hẳn là có ý diên trì mạn khinh.

(Hạnh Thục Ca).



Nếu diên trì Tạ tặc nhập cung,

Ắt Thứ Hậu vô phương tẩu thoát.

(Nhạc Hoa Linh).



DIỆT TRẦN TÌNH 滅 塵 情

Diệt trần tình là diệt những tình cảm xấu xa của con người nơi cõi trần.

Theo Phật, trần gian là cõi uế trược, nên những thứ tình cảm của con người đối xử với nhau nơi cõi ấy cũng xấu xa ô trược.

Người ta chia tình cảm của con người ra làm bảy thứ, gọi là thất tình. Đó là: Hỷ (mừng), nộ (giận), ái (yêu), ố (ghét), ai (buồn), lạc (vui) và dục (muốn).



Khá từ bỏ xa dòng bể khổ,

Diệt trần tình Cam Lộ tẩy nhơ.

(Kinh Thế Đạo).



DIÊU NGUỴ 姚 魏

Diêu Nguỵ là hai họ đã tìm ra hoa mẫu đơn.

Hoa mẫu đơn là một thứ hoa có nhiều màu sắc, thân cao, lá có năm chia, hoa lớn nhiều hương thơm. Hoa mẫu đơn là một loại hoa được tôn là “Hoa Vương” (Vua các loài hoa) hay “Phú quý hoa” hay “Quốc sắc thiên hương”

Họ Diêu đã tìm ra đầu tiên giống hoa mẫu đơn màu vàng, còn họ Nguỵ đã tìm ra được hoa mẫu đơn màu tím. Hoa mẫu đơn mà vàng gọi là “Diêu hoàng”, hoa mẫu đơn màu tím gọi là “Nguỵ tử”, còn hoa mẫu đơn màu vàng tím gọi là “Diêu Nguỵ” hoặc “Diêu hoàng Nguỵ Tử”, hoặc “Cành Diêu đoá Nguỵ”.



Xảy nhớ khi cành Diêu đoá Nguỵ,

Trước gió xuân vàng tía sánh nhau.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



DIÊU TRÌ CUNG 瑤 池 宮

Diêu (Dao): Một loại ngọc. Trì: Ao.

Diêu Trì hay Dao Trì là một cái ao được làm bằng ngọc dao. Ao Diêu Trì nằm nơi cung ngự của Đức Phật Mẫu, nên cung này được gọi là Diêu Trì Cung. Đức Phật Mẫu ngự nơi Cung Diêu Trì, nên được gọi là Diêu Trì Phật Mẫu hay Diêu Trì Kim Mẫu.



Diêu Trì Cung sai nàng Tiên Nữ,

Phép Lục Nương gìn giữ chơn hồn.

(Kinh Tận Độ).



DIỀU BAY CÁ NHẢY

Bởi chữ “Diên phi ngư dược 鳶 飛 魚 躍” trong Kinh Thi: Diên phi lệ thiên, ngư dược vu uyên 鳶 飛 戾 天 魚 躍 于 淵, nghĩa là diều bay cao ngang trời, cá nhảy ở vực sâu.

Diều bay cá nhảy ý muốn nói loài vật được yên vui với sự sống và bay nhảy trong chốn tự nhiên.

Bành dược thường thua con tạo hoá,

Diều bay cá nhảy đạo tự nhiên.

(Quốc Âm Thi Tập).



DIỀU ĐỨT DÂY

Diều là một vật người ta dán bằng giấy, cột vào sợi chỉ, rồi nhờ gió mà thả bay cao trên trời.

Diều đứt dây tức là diều được thả bay cao, gió mạnh làm đứt sợi chỉ, diều rơi ra xa, chỉ người có tiền tài, danh vọng lên cao mà bị sụp đỗ như diều đứt dây.

Có tiền chưa dễ mà tiêu,

Ham danh lắm kẻ như diều đứt dây.

(Thơ Tản Đà).



DĨNH XUYÊN 穎 川

Hay Dĩnh thuỷ, tên một con sông phát nguyên ở huyện Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, chảy qua tỉnh An Huy vào sông Hoài.

Sách Cao Sĩ truyện chép rằng: Hứa Do cày ruộng ở phía bắc sông Dĩnh Thuỷ, dưới núi Cơ Sơn, vua Nghiêu nghe tiếng, mời ông làm chức Cửu châu trưởng (Trưởng chín châu), Hứa Do không muốn nghe lời đó, đến rửa tai ở bến sông Dĩnh Thuỷ.

Bài “Hành Lộ Nan” của Lý Bạch có câu: Có tai, chớ nên rửa trên dòng sông Dĩnh: Hữu nhĩ mạc tẩy Dĩnh xuyên thuỷ 有 耳 莫 洗 穎 川 水.



DOÃN A HÀNH

Tức là Y Doãn đời nhà Thương, được vua Thành Thang phong làm chức A Hành, giúp vua dựng nghiệp lớn và cai trị thiên hạ được thái bình.

Xem: Y Doãn.

Cơ chi có Doãn A Hành,

Làm chi đến nỗi rối mành nhà Thương.

(Hoài Nam Khúc).



DOÃN CHƯA THANG VỜI

Y Doãn chưa được vua Thành Thang mời về giúp nước, lúc ấy ông vẫn còn cày ruộng nơi đất Hữu Sằn.

Xem: Y Doãn.

Doãn chưa đặng lễ Thang vời,

Cày kia chưa dễ buông nơi nội Sằn.

(Ngoạ Long Cương Vãn).



DOÃN DU 允 愉

Doãn: Bằng lòng cho. Du: Vui vẻ.

Doãn du nghĩa là vui vẻ chấp thuận, hay sẵn sàng bằng lòng cho.



Lượng trên người chẳng vui tình,

Dẫu nhiều hay lẽ chẳng đành doãn du.

(Hạnh Thục Ca).



DOÃN PHỦ 尹 府

Doãn phủ tức là Nghi Hành Phủ và Liên Doãn Tương Lão.

Do tích Hạ Cơ là người con gái rất đẹp,con gái Trịnh Mục Công, thời Xuân Thu, có tính đa dâm. Sau khi goá chồng, bà lấy rất nhiều người, trong đó có Khổng Ninh, Nghi Hành Phủ và vua nước Trần là Linh Công. Sau khi vua Trần chết, Hạ Cơ còn gá nghĩa với Liên Doãn Tương Lão, và nhiều người khác nữa, cuối cùng bà phải trốn sang qua nước Tấn.

Hạ Cơ lớn nhỏ cũng ưa,

Sớm đưa Doãn phủ, tối ngừa Trần Quân.

(Lục Vân Tiên).



DOANH CHÂU 瀛 洲

Một trong ba hòn đảo ở giửa biển Bột Hải. Tương truyền Doanh Châu là nơi có Tiên ở, nên chốn đó được dùng để chỉ cõi Tiên. Hai hòn đảo kia là Phương Trượng (Phương đảo) và Bồng Lai (Bồng đảo).

Xem: Bồng Lai.

Trai tài gái sắc ai bì,

Doanh Châu ấy khách, Dao Trì nọ Tiên.

(Hoa Tiên Truyện).



Ngỡ là bể Doanh Châu, non Bồng Đảo,

mình được hóa tiên,

Chẳng cốc quê hoàng nhưỡng, núi Bắc mang,

thân đà nên quỷ.

(Thập Giới Cô Hồn).



DOANH ĐẢO 瀛 島

Hay “Dinh đảo”.

Tương truyền giữa biển Bột Hải có ba hòn đảo là nơi Tiên ở, đó là Doanh (Dinh) đảo, Bồng đảo và phương đảo.

Bồng Lai vắng mặt Tiên buồn nhớ,

Dinh đảo nghiêng vai Thánh khảy đờn.

(Đạo Sử).



DOANH HOÀN 瀛 寰

Doanh: Hay dinh, bể rộng to. Hoàn: Đất rộng lớn.

Doanh hoàn chỉ quả đất, hay nói cõi thế gian.



Doanh hoàn là cuộc đua chen,

Rồng Tiên phải giống ngu hèn mà cam.

(Thơ Tản Đà).



DOANH HƯ TIÊU TRƯỞNG 盈 虛 消 長

Doanh hư: Lúc đầy đủ, lúc thiếu. Tiêu trưởng: Lúc nhỏ đi, lúc lớn lên.

Doanh hư tiêu trưởng tức là khi nhỏ khi lớn, hay lúc đầy lúc vơi.

Nghĩa rộng: Lúc vầy lúc khác.

Doanh hư tiêu trưởng có ngày,

Trước giàu sau khó, vận xây bỡi Trời.

(Huấn Nữ Ca).



DOANH LIỄU 營 柳

Hay “Dinh liễu”.

Doanh liễu, tức Dinh Tế Liễu, tên một nơi đóng quân ở đất Tế Liễu, Châu Á Phu đóng quân để chống cự với rợ Hồ ở tại đó.

Hán Thư chép: Hán Văn Đế đến Dinh Tế Liễu là đồn của tướng Châu Á Phu đóng quân chống rợ Hồ để thưởng quân sĩ, vua thấy phép quân rất nghiêm, bèn cho tướng Châu Á Phu một tướng quân xứng đáng của triều đình vậy. Doanh liễu dùng để chỉ nơi đóng quân.

Xem: Tế liễu dinh.

Quân trước đã gần ngoài Doanh liễu

Kỵ sau còn khuất nẻo Tràng dương.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



DOANH PHÍ 營 費

Hay “Dinh phí”.



Doanh: Lo tính để làm một công việc gì. Phí: Tổn phí. Doanh phí là phí tổn trong công việc.

Địa tàng đã sẵn kim ngân,

Đủ dùng doanh phí trăm phần chi lo.

(Hạnh Thục Ca).



DOANH TIỀN 營 前

Hay “Dinh tiền”.



Doanh: Trại lính ở. Tiền: Trước.

Doanh tiền tức là trước doanh trại của lính.



Khiến quân đem bức thư mời,

Lục ông Vâng lệnh tới nơi dinh tiền.

(Lục Vân Tiên).



DOANH THÂU 嬴 輸

Hay đọc là ‘Doanh du”, “Dinh du”.



Doanh: Hơn, lời. Thâu: Thua, lỗ.

Doanh thâu tức hơn thua, thắng bại, hay lời lỗ.

1.- Doanh thâu:

Cuộc doanh thâu bàn bạc bắc nam chơi,

khúc lưu thủy gảy vài cung réo rắt;

(Phản Tây Hồ Tụng).



Doanh thâu một cuộc vừa rồi,

Bàng quan song đã có người Lạn Kha.

(Truyện Từ Thức).

2.- Doanh du:

Anh hùng mạc bả doanh du luận,

Vũ trụ trường khan tiết nghĩa lưu.

(Thơ Nguyễn Hữu Huân).



DOÀNH LA

Doành: Dòng sông. La: một thứ lụa trắng, mịn và mỏng. Đây ý nói mặt nước phẳng và trắng như lụa, do sự phản chiếu ánh sáng. Trong văn cổ, cũng thường dùng hình ảnh sóng gợn trên mặt nước như dòng lụa trắng.

Dã men vừa sánh giọng trà,

Nhà lan treo tháp, doành la xuống thuyền.

(Mai Đình Mộng Ký).



DOÀNH NGÂN

Doành: Vùng nước sâu. Ngân: Trắng như bạc.

Doành ngân là vùng nước sâu màu trắng như bạc.



Nàng bèn truyền gọi thổ nhân,

Đem hòm áo, phó doành ngân tức thì.

(Nhị Độ Mai).



Mảng vui sào cạy, mái phê,

Doành Ngân bóng thỏ đã xê ngang đầu.

(Mai Đình Mộng Ký).



Cáo kình im lặng tăm hơi,

Doành ngân rửa mác, non đoài treo cung.

(Truyện Phan Trần)



DOÀNH NHÂM

Doành nhâm chỉ dòng nước, còn có nghĩa là người chồng. Hàn Dũ có câu: Nữ Đinh phu Nhâm truyền thế hôn 女 丁 夫 壬 傳 世 婚, nghĩa là nữ Đinh là vợ Nhâm đời tương truyền là vợ chồng.



Doành Nhâm một dải nông nông,

Bóng dương bên ấy đứng trông bên này.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



DÒM BEO TRONG ỐNG

Bởi chữ “Quản trung khuy báo 管 中 窺 豹” nghĩa là nhìn con beo qua cái ống, chỉ thấy vằn chứ không thấy toàn bộ hình dáng con beo, ý muốn nói kiến thức hẹp hòi. Đồng nghĩa với câu: “Ếch ngồi đáy giếng”.



Bấy lâu ngồi giếng xem trời,

Dòm beo trong ống, đạo đời biết đâu.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



DÒM HÀNH

Dòm hành tức là dòm ngó, nhìn hay theo dõi một cách tò mò.



Trời đâu cho sãi lên chơi,

Cho quân tả đạo tới nơi dòm hành!

(Dương Từ Hà Mậu).



DÒNG CÂU

Hay “Dòng ngự câu”.

Tức là dòng nước ở ngự câu, một dòng nước từ trong cung vua chảy ra.

Do tích Vu Hựu bắt được chiếc lá hồng từ dòng nước ngự câu chảy ra, trên lá có bài thơ. Vu Hựu bèn lấy chiếc lá thắm khác đề hai câu thơ, rồi thả nơi đầu ngòi nước cho chảy vào cung. Cung nữ Hàn Thị, người đề thơ trên lá ngày trước, bắt được. Sau Hàn Thị được thả và tình cơ kết duyên với Vu Hựu. Hai người sau khi thành hôn mới biết chiếc lá hồng đó làm mối.

Xem: Hồng diệp.

1.- Dòng câu:



Suối tần tuy hãy còn không,

Dòng câu trót thả lá hồng đôi nơi.

(Ngọc Kiều Lê).

2.- Dòng ngự câu:

Khôn hỏi Đào nguyên đâu tá?

Dòng ngự câu gieo lá tình thi,

May thay một hội tương kỳ.

Đã bên tình phận lại bề phong lưu.

(Sơ Kính Tân Trang).




tải về 15.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   26   27   28   29   30   31   32   33   ...   134




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương