Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2001-2010


Sự chuyển dịch của các dòng vốn, thiết bị/công nghệ và sản xuất



tải về 1.58 Mb.
trang8/14
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích1.58 Mb.
#16591
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   14

2. Sự chuyển dịch của các dòng vốn, thiết bị/công nghệ và sản xuất:

Sự chuyển dịch của các dòng vốn, thiết bị/công nghệ và sản xuất là hoạt động tất yếu của quá trình toàn cầu hoá nền kinh tế và là công cụ để phát triển thị trường theo các đòi hỏi ngày càng tăng về phát triển kinh tế ở từng quốc gia riêng biệt. Từ trước đến nay nền kinh tế thế giới vẫn đang hoạt động chủ yếu dựa vào những cơ sở vật chất - kỹ thuật truyền thống. Trước yêu cầu phát triển của giai đoạn mới cơ sở này ngày càng tỏ ra không đáp ứng được. Tại các nước công nghiệp phát triển, kỹ thuật cơ khí hoá đã đạt trình độ cao và phổ biến các nguồn năng lượng dựa trên cơ sở sử dụng nguyên liệu rắn và lỏng, các vật liệu kim khí… đều đã được tận dụng cao độ và nguồn cung cấp chúng ngày càng hạn chế. Các quá trình công nghệ không liên tục ngày càng không đáp ứng các yêu cầu phát triển, không gian lục địa đã tỏ ra không đủ cho một nền kinh tế thế giới trong tương lai…Thế kỷ XXI nền kinh tế tri thức đang được hình thành và phát triển trong đó các khu vực sản xuất vật chất đơn thuần sẽ thu hẹp so với các khu vực kinh tế trí tuệ. Để có thể thực hiện bước quá độ sang một nền kinh tế mới, các nước trên thế giới dù thuộc chế độ chính trị nào cũng phải có những thay đổi về cơ sở vật chất kỹ thuật và kiến trúc thượng tầng, nhưng theo cách riêng của mình. Bất cứ quốc gia nào, muốn đạt được sự phát triển và tiến nhanh trên con đường hiện đại hoá đều phải giải quyết hai vấn đề cơ bản:

- Một là, tạo ra phát minh mới trên các lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao (vi điện tử, năng lượng, vật liệu, công nghệ) hoặc du nhập chúng và áp dụng nhanh chóng vào sản xuất.

- Hai là, chuyển nhượng sang nơi khác các kỹ thuật trung gian và truyền thống.

Hai vấn đề này có mối liên quan và đòi hỏi có sự phối hợp toàn cầu nếu không chuyển nhượng các kỹ thuật trung gian truyền thống sang các quốc gia kém phát triển hơn thì các tiến bộ kỹ thuật dù có đạt được cũng không có nơi sử dụng hoặc việc áp dụng có nhiều hạn chế.

Các quốc gia có nền kinh tế phát triển, trình độ công nghiệp hoá cao coi khoa học công nghệ là cốt lõi của biến đổi nền kinh tế. Các nước này áp dụng nhiều biện pháp để dành được các ưu thế trong sáng tạo kỹ thuật công nghệ như: tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ, thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học công nghệ và tăng cường đầu tư nghiên cứu khoa học, cải cách và chấn hưng giáo dục, bồi dưỡng và thu hút nhân tài, thành lập các thành phố khoa học kỹ thuật cao. Các nước phát triển, đặc biệt là Nhật Bản đã đạt được thành tựu kinh tế nổi bật còn nhờ việc nhập bằng phát minh từ nước ngoài và đưa các bằng phát minh này vào ứng dụng trong sản xuất. Nhật Bản trong 20 năm (1950-1970) đã nhập 11.606 bằng phát minh, vào những năm gần đây khối lượng các bằng phát minh Nhật nhập vào còn nhiều hơn. Việc chuyển nhượng các kỹ thuật trung gian và truyền thống ở các nước phát triển sang các nước kém phát triển hơn. Nhờ đó mà các nước nghèo rút ngắn được chu kỳ đổi mới kỹ thuật và thời gian hoàn vốn cho những kỹ thuật nhập khẩu. Cách thứ hai là áp dụng kết cấu hai tầng trong công nghiệp. Tầng thứ nhất gồm các xí nghiệp lớn, hiện đại. Tầng thứ hai gồm các xí nghiệp nhỏ và vừa kém hiện đại hơn. Các kỹ thuật được xem là cũ luôn luôn được chuyển nhượng từ tầng thứ nhất sang tầng thứ hai. Nhật Bản đã thành công trong việc chuyển nhượng kỹ thuật trung gian và truyền thống theo cả hai cách này. Các nước NIC hiện cũng đang tìm một tầng công nghiệp thứ hai ở các công nghiệp nước kém phát triển hơn.

* Bước quá độ chuyển sang một nền kinh tế mới ở các nước kém phát triển, để xây dựng những ngành công nghiệp hiện đại cho nền kinh tế của mình đa số các quốc gia đi theo hai hướng:

- Một là, du nhập các kỹ thuật trung gian và truyền thống của các nước phát triển trên cơ sở đó nhanh chóng bắt nhịp với trình độ hiện đại của nền sản xuất thế giới. Nam Triều Tiên là nước đi theo con đường này.

- Hai là, nhập các bằng phát minh sáng chế, nghiên cứu, ứng dụng chúng vào sản xuất để tạo dựng cho mình một tầng công nghiệp hiện đại. Tầng công nghiệp truyền thống được coi là tiền đề để áp dụng hướng thứ hai. Hướng thứ nhất càng mở rộng, càng mạnh thì khả năng nghiên cứu ứng dụng và phát minh sáng chế càng lớn.

Các nước đang phát triển hiện đứng trước một thách thức mới. Đó là lợi thế của các quốc gia này về nguồn nguyên liệu, nhưng tỷ trọng giao dịch nông sản phẩm khoáng sản trên thị trường thế giới ngày càng giảm do cách mạng khoa học kỹ thuật công nghệ đang phổ biến. Vì vậy, các nước đang phát triển phải áp dụng chính sách kinh tế mới, thực hiện chính sách mở cửa với bên ngoài, tham gia cạnh tranh quốc tế, sử dụng những thành tựu mới của khoa học kỹ thuật và dịch vụ quốc tế. Những thay đổi về cơ cấu kinh tế thế giới dẫn tới những thay đổi về thị trường: thị trường của hàng hoá có hàm lượng kỹ thuật cao và thị trường dịch vụ sẽ ngày càng mở rộng, còn thị trường hàng hoá truyền thống sẽ ngày càng thu hẹp và cạnh tranh để tiêu thụ ngày càng gay gắt. Nhìn chung, các nước có cơ chế thị trường hoàn thiện để phân bổ nguồn vốn sẽ có nhiều lợi thế để cạnh tranh và phát triển trong môi trường kinh tế mới của thế kỷ XXI.



III. Các thách thức đối với Việt Nam:

1. Các thách thức chung:

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X xác định những thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp đối với sự phát triển kinh tế xã hội ở nước ta trong giai đoạn phát triển trước mắt.

- Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại.

- Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng.

- Những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội chưa được khắc phục.

- Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.



2. Thách thức đối với cơ sở sản xuất chế biến công nghiệp:

Đứng ở góc độ sản xuất công nghiệp, các thách thức mà các cơ sở sản xuất công nghiệp cần nhận diện và có những giải pháp đúng, kịp thời để phát triển:

- Các nhà sản xuất sẽ phải đối mặt nhiều hơn với các vụ kiện bán phá giá của nước ngoài đối với sản phẩm xuất khẩu của mình, phần lớn là những sản phẩm mà các nước đang phát triển khác cũng tham gia là mặt hàng xuất khẩu chính, có giá trị thặng dư thấp. Các rủi ro do tranh chấp thương mại với các nước đối tác trong 12-15 năm tới sẽ rất tốn kém và phức tạp vì thời gian này kinh tế Việt Nam còn bị cho là nền kinh tế phi thị trường, dễ bị các nước đối tác tận dụng để áp đặt biện pháp chống bán phá giá và các biện pháp tự vệ đặc biệt cũng như tự vệ đối với từng loại hàng hóa.

- Tham gia hội nhập kinh tế quốc tế sẽ buộc nhà nước phải thực thi biểu thuế nhập khẩu bị cắt giảm đáng kể đối với các mặt hàng nhập vào Việt Nam cũng như việc mở cửa thị trường phân phối ở Việt Nam cho các doanh nghiệp nước ngoài. Từ 1/1/2007, VN đã cam kết mức trần cho 10.600 dòng thuế và cắt giảm thuế từ mức bình quân 17,4% xuống còn 13,4% trong vòng 5 năm. Hệ quả là đối với đa số các ngành hàng, các nhà sản xuất trong nước cần chạy đua trên con đường đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp sản phẩm của mình trên bậc thang giá trị gia tăng và đa dạng hóa thị trường của họ nhằm tồn tại và nâng cao tính cạnh tranh. Đây là thách thức đối vói đa số các cơ sở sản xuất ở Việt Nam còn thiếu nhiều kinh nghiệm, tầm nhìn, năng lực về vốn, nghiên cứu - triển khai còn rất hạn chế.

- Hội nhập kinh tế quốc tế sẽ buộc các nhà sản xuất lựa chọn chiến lược địa phương hóa nhiều lĩnh vực trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo các hình thức và tốc độ thích hợp trong đó quan trọng nhất là địa phương hóa đội ngũ nhân sự cấp cao. Do sự cạnh tranh để có được đội ngũ nhân sự cấp cao giàu kinh nghiệm nên tiền lương cũng như chi phí xây dựng bộ máy nhân sự sẽ tăng đáng kể.

- Hội nhập kinh tế quốc tế sẽ buộc các nhà sản xuất phải nhận thức được tầm quan trọng của việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Các nhà sản xuất phải cân đối được việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế (tiêu chuẩn ISO, vấn đề lao động trẻ em, các chính sách về công nhân ngoại tỉnh...) trong khi vẫn duy trì được tính cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt là trường hợp của rào cản công nghệ (TBT) hay còn gọi là “tiêu chuẩn xanh”, theo đó mỗi nước nhập khẩu được phép có tiêu chuẩn và qui chế riêng và theo đuổi các “biện pháp cần thiết” để áp đặt chúng. Chi phí giao dịch để áp dụng những tiêu chuẩn quốc gia này thậm chí còn cao hơn tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, những hệ quả từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay chắc chắn sẽ tạo ra những rủi ro kinh doanh lớn hơn đối với một số lớn các doanh nghiệp mới hình thành và qui mô còn nhỏ bé do việc phải tăng cường quá lớn các nguồn lực đầu tư trong khi lợi nhuận thu được rất nhỏ bé.().

CHƯƠNG VI

DỰ BÁO NHU CẦU SẢN PHẨM

I. Các phương pháp dự báo:

Đánh giá dự báo nhu cầu thị trường sản phẩm là một công việc khó khăn và tốn kém ngay cả trong thời điểm nền kinh tế phát triển bình thường. Theo kinh nghiệm của các tập đoàn lớn, công việc này cũng chỉ có tính chính xác và có giá trị trong những quãng thời gian mang tính ngắn hạn, cần được điều chỉnh và cập nhật thường xuyên. Trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đang khủng hoảng nghiêm trọng, công việc đánh giá dự báo càng khó khăn. Các phương pháp dự báo được biết đến nay rất đa dạng và phong phú tuỳ thuộc vào tính chất chủng loại sản phẩm, quãng thời gian dự báo, đối tượng sử dụng thông tin dự báo, khả năng, kinh nghiệm và phương pháp thu thập xử lý số liệu thống kê. Ở góc độ xây dựng quy hoạch phát triển ngành, việc đánh giá dự báo thị trường sản phẩm chỉ mang tính khái quát nhằm cung cấp thông tin để nhìn nhận về xu hướng dài hạn, phục vụ cho định hướng quy hoạch. Các phương pháp dự báo sử dụng là phương pháp phân tích thống kê và phương pháp chuyên gia.



II. Dự báo xu hướng tiêu thụ một số chủng loại sản phẩm chủ yếu:

1. Nhu cầu và thị trường sản phẩm VLXD

* Về gạch xây:

Theo số liệu của Hội VLXD Việt Nam, năm 2008 ngành xây dựng cả nước sử dụng trên 22 tỷ viên gạch quy chuẩn. Ước tính nhu cầu cả nước năm 2010 là 25 tỷ viên, năm 2015 là 32 tỷ viên và năm 2020 cần tới 42 tỷ viên.

Ở nước ta, thói quen sử dụng gạch nung hiện còn phổ biến. Tuy nhiên, gạch nung bộc lộ một số hạn chế như tốn nhân công và vật liệu (Trong vòng 8 năm (2000-2008), cả nước sản xuất khoảng 120 tỷ viên gạch có nung, tương đương lượng đất sét sử dụng khoảng 180 triệu m3), kém phù hợp với các công trình cao tầng và những khối kiến trúc hiện đại. Trong khi VLXD không nung có nhiều ưu điểm hơn như có kích thước lớn (300.200.600 mm, hoặc 300.100.600 mm), kết cấu rỗng, rất tiện cho thi công hệ thống điện, nước, cáp ngầm. Công nghệ sản xuất VLXD không nung không quá phức tạp, suất đầu tư thấp, giảm được nhiên liệu nung đốt và tận dụng được những loại phế thải làm nguyên liệu sản xuất. Việc sử dụng VLXD không nung sẽ thúc đẩy ngành sản xuất VLXD phát triển theo xu hướng của thế giới, như: vật liệu nhẹ, chống động đất, cách âm, cách nhiệt, thân thiện với môi trường… Chính vì vậy, ở các nước phát triển, như: Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu… đều có tỷ lệ sử dụng VLXD không nung chiếm trên 70% thị phần.

* Về xi măng:

Đặc thù của sản phẩm xi măng là hàng nặng, chi phí vận chuyển và bảo quản cao, chất lượng phụ thuộc nhiều vào thời gian và phương thức bảo quản. Hiện tổng công suất các nhà máy xi măng trên toàn quốc đã vượt nhu cầu thị trường. Mặt khác, do dự án nhà máy xi măng cần thời gian chuẩn bị đầu tư dài (khoảng 5 năm) nên việc tính toán đầu tư những nhà máy mới gần vùng nguyên liệu, gần thị trường với công nghệ hiện đại (công suất lớn, giảm chị phí vận hành...) là hoàn toàn khả thi và đảm bảo tính cạnh tranh.



2. Thị trường chế biến nông sản, rau quả:

Thông thường, xuất khẩu các loại nông sản chế biến được coi là có lợi hơn cho quốc gia so với nông sản chưa qua chế biến vì nó làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm và lợi nhuận xuất khẩu. Tuy nhiên, về phương diện này, thị trường rau qủa khá khác biệt so với nhiều loại nông sản khác. Mỗi năm EU nhập gần 80 triệu tấn trái cây tươi và trên 60 triệu tấn rau tươi, trong đó nhập từ các nước đang phát triển chiếm tỉ trọng khoảng 40%. Việt Nam hiện xuất sang EU chỉ một số lượng nhỏ trái cây như xoài, dứa, măng cụt, thanh long, sầu riêng, nhãn, chuối… Hiện tại Việt Nam có khả năng cung cấp một khối lượng lớn trái cây cho xuất khẩu nhưng hầu như chưa có các công ty thu mua ở địa phương. Do đó, hầu hết việc xuất khẩu đều do các nhà trồng vườn tự cố gắng tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình. Các nhà xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa có khả năng giải quyết các đơn hàng lớn mà mới chỉ cung cấp được đơn hàng có số lượng nhập khẩu nhỏ. Nhiều nhà nhập khẩu phải đến tận vườn thu mua sản phẩm rồi tự tìm hiểu cách thức đóng gói, bảo quản và vận chuyển về nước. Đây chính là hạn chế lớn nhất đối với việc xuất khẩu trái cây của Việt Nam. Khó khăn hàng đầu cho trái cây Việt Nam thâm nhập các thị trường lớn trên thế giới trong đó có EU là rào cản chất lượng và các rào cản này ngày lại càng khắt khe hơn. Rau, quả tươi Việt Nam muốn vào EU phải đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng GAP (tiêu chuẩn toàn cầu về thực hành nông nghiệp tốt). Đây là tiêu chuẩn rất quan trọng nhưng cũng khó đạt đối với doanh nghiệp Việt Nam vì hầu hết doanh nghiệp chế biến trong nước là vừa và nhỏ, trong khi nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam chưa phát triển ngang các nước. Ngoài những khó khăn trong công tác bảo quản, các nhà xuất khẩu trái cây của Việt nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với các loại trái cây đến từ Thái Lan và Trung Quốc. Hiện nay, mặc dù sản phẩm trái cây của Việt Nam rất lớn song nước ta lại nhập khẩu một lượng tương đối lớn trái cây của Thái Lan để tiêu thụ tại thị trường nội địa. Nhiều người dân có thu nhập cao lại ưa dùng những sản phẩm trái cây của Thái Lan hơn do chất lượng tốt hơn và đảm bảo hơn của Việt Nam. Thêm vào đó, các sản phẩm trái cây của Trung Quốc mặc dù chất lượng không cao nhưng giá thành lại rất rẻ, do đó các sản phẩm này được đối tượng người tiêu dùng có thu nhập thấp ưa dùng.



* Rau: Theo dự báo của Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), do tác động của các yếu tố như sự thay đổi cơ cấu dân số, thị hiếu tiêu dùng và thu nhập dân cư… tiêu thụ nhiều loại rau sẽ tăng mạnh trong giai đoạn 2010-2020, đặc biệt là các loại rau ăn lá. Theo USDA, nếu như nhu cầu tiêu thụ rau diếp và các loại rau xanh khác sẽ tăng khoảng 22-23% thì tiêu thụ khoai tây và các loại rau củ khác sẽ chỉ tăng khoảng 7-8%. Nhu cầu nhập khẩu rau dự báo sẽ tăng khoảng 1,8%/năm. Các nước phát triển như Pháp, Đức, Canada… vẫn là những nước nhập khẩu rau chủ yếu. Các nước đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc, Thái Lan và các nước Nam bán cầu vẫn đóng vai trò chính cung cấp các loại rau tươi trái vụ.

* Quả nhiệt đới: Nhu cầu về quả nhiệt đới sẽ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn dự báo với tốc độ tăng trưởng 5-8%. Nhập khẩu toàn cầu sẽ đạt 4,3 triệu tấn năm 2010, trong đó 87% (3,8 triệu tấn) được nhập khẩu là nhu cầu nhập khẩu của các nước phát triển. Hai khu vực EU và Hoa Kỳ chiếm 70% tổng nhập khẩu quả nhiệt đới toàn cầu. EU vẫn là khu vực nhập khẩu quả nhiệt đới lớn nhất thế giới với Pháp là thị trường tiêu thụ chính và Hà Lan là thị trường trung chuyển lớn nhất châu Âu. Ngoài Hoa Kỳ và EU, Nhật Bản, Canada và Hồng Kông cũng là những thị trường nhập khẩu quả nhiệt đới lớn.

* Quả có múi: Sản xuất tăng nhanh trong khi nhu cầu tăng trưởng chậm đã gây sức ép lên giá cả các loại quả có múi tươi cũng như chế biến, làm giảm các diện tích trồng mới trong thời gian qua. Vì vậy, tốc độ tăng sản lượng vẫn sẽ ở mức thấp trong thời gian tới. Sao Paolo của Brazil và Florida của Mỹ vẫn là những khu vực cung cấp quả có múi lớn nhất thế giới.

* Chuối: Nhập khẩu chuối toàn cầu dự báo sẽ đạt 14,3 triệu tấn năm 2010, thấp hơn 4% so với tổng lượng xuất khẩu chuối do những hao hụt trong quá trình vận chuyển. Nhập khẩu chuối vào các nước đang phát triển và đang chuyển đổi sẽ tăng mạnh hơn ở các nước phát triển, đưa tỷ trọng của các nước này trong tổng lượng nhập khẩu toàn cầu từ 25% hiện nay lên gần 50% vào năm 2010. Nhập khẩu chuối của các nước phát triển dự báo sẽ tăng 1-2%/năm trong những năm tới, trong đó Canada và Hoa Kỳ đóng góp tới 80% mức tăng trưởng nhập khẩu này tuy EU vẫn là khu vực nhập khẩu chuối chủ yếu.

3. Sản phẩm đường:

Các nước trong khu vực như Cămpuchia, Philippin, Trung Đông, Indonesia, Đài Loan, Trung Quốc,...đã và đang là những thị trường tiêu thụ đường của Việt Nam.

Mức tiêu thụ đường của Việt Nam so với các nước còn rất thấp (mới đạt 6,3 kg/người/năm).

4. Gỗ và các sản phẩm gỗ:

Gỗ và các sản phẩm từ gỗ là nhóm hàng xuất khẩu có nhịp độ tăng khá nhanh của Việt Nam. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, Đài Loan, EU, Mỹ,.. Việt Nam có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu các sản phẩm gỗ nhờ giá nhân công rẻ và kỹ năng tay nghề khéo của người lao động.

Dự báo nhu cầu sản phẩm gỗ, ván nhân tạo trong nước đến 2020 vào khoảng 1 triệu m3 chưa kể đến nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Theo quy hoạch sản xuất gỗ, ván ép đến 2020, dự báo đến 2020 cả nước sẽ sản xuất khoảng 2 triệu m3/năm.

5. Dệt may:

Dự báo, xuất khẩu hàng dệt thế giới tăng bình quân 4%/năm trong giai đoạn 2006–2010, đạt 233,7 tỷ USD vào năm 2010. Cùng với sự suy giảm xuất khẩu hàng dệt, các nước Tây Âu cũng giảm nhập khẩu trong giai đoạn dự báo (do giảm nhập nguyên liệu dệt).

Dự báo tăng trưởng xuất khẩu hàng may mặc thế giới đạt bình quân 6%/năm trong giai đoạn 2006-2010. Giá trị xuất khẩu hàng may mặc đạt 246,7 tỷ USD vào năm 2005 và 330 tỷ vào năm 2010. Trong số các nước xuất khẩu chủ yếu hiện nay, Trung Quốc có triển vọng tăng thị phần tới 20%, tiếp đến là các nước Đông Nam Á, trong khi đó các nước NICs sẽ giảm dần thị phần. Dự báo giá trị nhập khẩu hàng may mặc thế giới sẽ đạt 337,7 tỷ USD vào năm 2010.

Nhìn chung, trong giai đoạn dự báo, xu hướng buôn bán hàng dệt may gia tăng mạnh ở phạm vi nội khu vực châu Âu và châu Mỹ vì lợi ích của cả nước xuất khẩu và nhập khẩu. Thương mại hàng dệt may vẫn sẽ bao gồm các quan hệ thương mại chủ yếu đối với hàng dệt, từ Tây Âu sang Đông Âu và các nước thuộc Liên xô cũ; từ Mỹ sang Mêhicô và các nước vùng Caribê. Đối với hàng may mặc, được thực hiện theo chiều ngược lại.

Hiện nay ngành dệt may Việt Nam có 4 thị trường nước ngoài lớn là EU, Nhật Bản, Mỹ và Bắc Mỹ, Nga và một số nước Đông Âu. EU là thị trường đông dân (khoảng 370 triệu người) với mức tiêu dùng vải bình quân là 17 kg/người/năm. Hàng năm, EU nhập khẩu khoảng 84,1 tỷ USD quần áo, trong đó quota EU dành cho Việt Nam khoảng 800 triệu USD. EU là thị trường hàng dệt may có nhu cầu lớn về số lượng, phong phú về chủng loại sản phẩm, có yêu cầu về chất lượng và hàm lượng chất xám trong sản phẩm rất cao. Mặt hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường EU chủ yếu là hàng áo Jacket, sơ mi.

6. Khoáng sản

* Chì- kẽm: Theo “Quy hoạch quặng chì kẽm cả nước giai đoạn 2006-2015 có xét đến 2020”, nhu cầu chì kẽm kim loại của Việt Nam đến năm 2020 như sau:

Bảng: Nhu cầu chì kém kim loại của Việt Nam đến năm 2020



Đơn vị tính: 1.000 tấn

Kim loại

2010

2015

2020

Chì

26-30

33-38

39-45

Kẽm

90-100

125-135

160-165

Nguồn: Quy hoạch chì kẽm cả nước giai đoạn 2006-2015 có xét đến 2020

* Khoáng sản khác:Dự kiến đến năm 2020 sẽ hình thành một số cơ sở sản xuất lớn trên địa bàn như sản xuất xi măng lò quay công suất 1.1 triệu tấn/năm, khu liên hợp sản xuất gang thép công suất 250.000 tấn/năm, khi đó nhu cầu về đá vôi sản xuất xi măng sẽ khoảng 1,5 triệu m3/năm, quặng sắt cũng cần khoảng 1 triệu tấn/năm.

7. Nhu cầu điện

Theo “Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011 - 2015, có xét đến năm 2020”, nhu cầu điện của tỉnh Bắc Kan được xác định bằng cách kết hợp 2 phương pháp: dự báo trực tiếp và dự báo gián tiếp. trong đó giai đoạn 2011-2015 dựa trên dự báo gián tiếp. Kết quả dự báo theo phương án cơ sở được trình bày ở bảng dưới.

Bảng: Nhu cầu năng lượng điện năng

Đơn vị: 1.000 kWh





Điện năng

2005

2010

2015

Tổng thương phẩm

54.156

89.750

262.636

Điện nhận

57.700

97.870

285.000

Pmax (MW)

17

22,5

50

Nguồn: Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Bắc Kạn

III. Dự báo về khả năng cạnh tranh của sản phẩm:

Trong ngắn hạn, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh Bắc Kạn hiện nay có lợi thế cạnh tranh chủ yếu nhờ vào các lợi thế tự nhiên như khoáng sản (sản phẩm chế biến từ quặng chì kẽm, quặng sắt), các vật liệu xây dựng sản xuất và tiêu thụ tại chỗ (gạch tuy nen và xi măng) và các sản phẩm chế biến lâm sản, đồ gỗ từ rừng trồng. Bên cạnh đó các sản phẩm chế biến từ nông sản (dong riềng, hoa quả...) và lâm sản ngoài gỗ cũng có tiềm năng cạnh tranh nếu được quan tâm đầu tư thích đáng, áp dụng công nghệ và tiêu chuẩn phù hợp, quảng bá và xây dựng thương hiệu.

Để duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh nhằm phát triển bền vững, lâu dài, cần nhiều nỗ lực nhằm quản lý tốt công tác tìm kiếm, thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản, xây dựng vùng nguyên liệu cho khai thác nông lâm sản cũng như đầu tư công nghệ tốt cho sản xuất vật liệu xây dựng.

PHẦN BỐN

QUI HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2025

1. Quan điểm phát triển:

- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp trong thời kỳ đến năm 2020 để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, tạo nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Giai đoạn 2011 – 2015 là giai đoạn tạo dựng những tiền đề cơ bản cho hoạt động sản xuất công nghiệp trong toàn thời kỳ, làm cơ sở cho quá trình chuyển dịch cơ cấu các ngành KTXH trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

- Phát triển công nghiệp phải nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam theo các vùng lãnh thổ đến năm 2020, gắn với sự phát triển của vùng TDMN Bắc Bộ và Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế rộng rãi. Tập trung đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng lợi thế. Khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu phục vụ cho phát triển công nghiệp. Lựa chọn bước đi thích hợp cho từng ngành công nghiệp phù hợp với mục tiêu phát triển công nghiệp chuyển dịch theo hướng tiếp tục phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm sản, lắp ráp và sản xuất cơ khí trong giai đoạn đầu tiến tới sản xuất hàng tiêu dùng cao cấp và các sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao trong giai đoạn sau.

- Phát triển công nghiệp gắn với quy hoạch phát triển đô thị, hình thành các khu đô thị nhỏ trên các trục giao thông, gần các đô thị lớn, gần các khu, cụm công nghiệp... tạo ra các trung tâm kinh tế và các điểm đô thị làm hạt nhân lan tỏa và thúc đẩy kinh tế của vùng. Phát triển công nghiệp phải gắn với bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, phát triển nông thôn, bảo đảm gìn giữ các di sản thiên nhiên, các công trình văn hoá, lịch sử có giá trị của dân tộc, phù hợp với yêu cầu củng cố quốc phòng và an ninh..

- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất công nghiệp. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh, trong nước cũng như ngoài nước.

- Phát triển nguồn nhân lực tri thức cao phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp trong giai đoạn quy hoạch. Chú trọng đào tạo đội ngũ lao động công nghiệp có trình độ cao, có tác phong công nghiệp, hiện đại phù hợp với nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và xu thế phát triển xã hội thông tin và kinh tế trí thức.




tải về 1.58 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương