Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2001-2010


II. Hiện trạng phát triển kinh tế xã hội



tải về 1.58 Mb.
trang2/14
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích1.58 Mb.
#16591
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14

II. Hiện trạng phát triển kinh tế xã hội:

Cùng với xu thế chung đổi mới và mở cửa của cả nước, tỉnh Bắc Kạn đã đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội: Tăng trưởng kinh tế tuy chưa đạt như mong muốn nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước (11,2%/năm); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tuy chậm nhưng đã dần chuyển dịch theo hướng tiến bộ; cơ sở hạ tầng bước đầu được cải thiện, các lĩnh vực văn hóa xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. Nền kinh tế Bắc Kạn tuy còn nhiều khó khăn song đang từng bước phát huy các thế mạnh về phát triển công nghiệp, du lịch và kinh tế rừng v.v.v. Tiềm lực kinh tế từng bước phát triển, đang tạo những nền tảng cơ bản cho giai đoạn phát triển tiếp theo.



1. Về quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2010 đạt khoảng 13%, trong đó: nông, lâm nghiệp tăng 7,01%; công nghiệp - xây dựng cơ bản tăng 23,13%; dịch vụ tăng 13,32%. Tổng giá trị gia tăng (giá cố định năm 1994) đạt 1.297 tỷ đồng, bằng 104,3% kế hoạch; theo giá hiện hành đạt 3.111 tỷ đồng, bằng 108,4% kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2006 - 2010 đạt khoảng 11,2%, trong đó ngành nông nghiệp tăng trưởng khoảng 7,78%/năm, dịch vụ thương mại 16,57%/năm, công nghiệp - XDCB tăng 8,92%/năm, trong đó công nghiệp khoảng 7,06%/năm và ngành xây dựng đạt khoảng 10,93%/năm.

So với các chỉ tiêu phát triển đặt ra của Nghị quyết ĐH Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ IX, nhiệm kỳ 2006 - 2010, chỉ có ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn Nghị quyết (7,78%/6,5%). Các ngành kinh tế còn lại đều đạt thấp hơn chỉ tiêu Nghị quyết. Đáng chú ý là ngành công nghiệp và xây dựng đạt rất thấp so với chỉ tiêu (8,92%/năm so với chỉ tiêu là 33%/năm). Trong đó đặc biệt là ngành công nghiệp bình quân trong giai đoạn này chỉ tăng 7,06%, thấp hơn nhiều so với tiềm năng có thể. Nguyên nhân chủ yếu là do ngành công nghiệp khai khoáng trong thời gian vừa qua bị sụt giảm sản lượng dưới tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như chờ đợi, sắp xếp lại việc quản lý tài nguyên khoáng sản, các tác động từ việc hạn chế xuất khẩu quặng thô, tranh chấp tài nguyên...

2. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế

- Về cơ cấu chung các ngành kinh tế:

Tỷ trọng của ngành nông, lâm nghiệp trong GDP giảm từ 56,30% năm 2000 xuống 41,96% năm 2005 và đến năm 2010 tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp trong GDP ước tính đạt 42,47%; tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng tăng từ 12,38% năm 2000 lên đến 21,83% năm 2005 và đến năm 2010 ước tính đạt 24,84%; ngành dịch vụ phát triển tương đối vững, tỷ trọng ngành dịch vụ tăng đều từ 31,32% năm 2000 tăng lên 36,21% năm 2005 (tăng 10,24% so với năm 2000) và năm 2010 ước đạt 32,7%.

Như vậy, cơ cấu kinh tế năm 2010 cũng chưa đạt được mục tiêu của Nghị quyết ĐHĐB tỉnh lần thứ IX đề ra là ngành nông nghiệp chiếm 23%, công nghiệp và xây dựng chiếm 34%, dịch vụ thương mại chiếm khoảng 43%.

- Cơ cấu nội bộ một số ngành, lĩnh vực:

Cơ cấu kinh tế trong ngành nông lâm nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng cây trồng có giá trị kinh tế cao, giữ vững tỷ trọng cây lương thực có hạt, đảm bảo an ninh lương thực. Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu nội ngành nông-lâm-thuỷ sản giảm từ 84,7% năm 2005 xuống 77,7% năm 2010; ngành lâm nghiệp tăng từ 14,2% lên 21,3% cùng thời gian này.

Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp còn mất cân đối, nhất là giữa công nghiệp khai thác và công nghiệp chế biến. Tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng vẫn chiếm tỷ trọng lớn, ngành công nghiệp chế biến tỷ trọng còn nhỏ.

Phát triển thị trường, lưu thông hàng hoá, thương mại dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động tài chính ngân hàng đáp ứng các nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, huy động vốn tăng bình quân 28%/năm, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng bình quân 34,5%



- Cơ cấu thành phần kinh tế:

Có sự chuyển đổi theo hướng đa dạng hóa các thành phần; kinh tế ngoài quốc doanh chiếm tỉ trọng ngày càng lớn.



- Cơ cấu lao động:

Quá trình phát triển kinh tế đã tác động đến chuyển dịch cơ cấu lao động và phân công lại lao động xã hội. Tuy nhiên, tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp của Bắc Kạn vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn (năm 2010 chiếm 76,41% so với tổng lao động có việc làm



3. Thu nhập bình quân đầu người:

Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Bắc Kạn từ năm 1997 đến nay được tăng lên đáng kể, năm 1997 GDP bình quân đầu người của tỉnh Bắc Kạn mới chỉ là 1,35 triệu đồng/người/năm (tương đương 100 USD), năm 2008 GDP bình quân đầu người đạt 6,3 triệu đồng/người/năm (tương đương 390 USD/người/năm), năm 2010 đạt 10,4 tr. đồng/người/năm. Tuy chỉ tiêu này còn thấp so với cả nước (riêng năm 2008 chỉ số này của cả nước là 890 USD/người/năm), song kết quả thực hiện cũng thể hiện sự phấn đấu rất cao của chính quyền và nhân dân trong tỉnh.



4. Về hoạt động xuất nhập khẩu.

Kết quả hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong những năm qua không lớn, giá trị hàng hoá xuất nhập khẩu không ổn định qua các năm, kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất trong 10 năm qua mới chỉ đạt 6,357 triệu USD trong đó xuất khẩu đạt 9,2 triệu USD (mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là quặng và tinh quặng khoáng sản), giá trị nhập khẩu thấp so tổng kim ngạch XNK hàng năm. Thời điểm năm 2008 khai thác và chế biến khoáng sản giảm, xuất khẩu chỉ đạt 3,24 triệu USD và đến 2010 chỉ đạt khoảng 1,0 triệu USD.



5. Về thu ngân sách địa phương

Năm 2007 thu ngân sách đạt 123 tỷ đồng gấp 4,2 lần so với năm 2001 và năm 2008 thu đạt 154,173 tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2001-2008 tăng 22,65%/năm. Năm 2010 thu ngân sách ước đạt 275 tỷ đồng, tương đương 8,84% GDP toàn tỉnh. Thu ngân sách trong những năm qua đã tăng với tốc độ cao, song tỷ lệ so với GDP còn rất khiêm tốn.



6. Kết cấu hạ tầng giao thông:

Mạng lưới đường bộ gồm hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường xã và đường thôn xóm với tổng chiều dài 1.166 km, trong đó: Quốc lộ với tổng chiều dài 160 km với 42 cầu; Đường tỉnh có tổng chiều dài 367 km với 47 cầu; Đường huyện có tổng chiều dài 673 km với 106 cầu, mật độ đường đạt 24,31 km/km2. Do địa hình vùng núi phức tạp nên hệ thống đường giao thông của tỉnh rất nhiều cầu, cống, với trên 1.000 km đường bộ đã có tới 195 cây cầu và 1.673 cống.

Về giao thông đối ngoại, Bắc Kạn có quốc lộ 3 nối với Cao Bằng ra biên giới với Trung Quốc và với Thái Nguyên, Hà Nội. Quốc lộ 3 đã và đang được Chính phủ đầu tư cải tạo nâng cấp; tuyến đường Quốc lộ 3B nối từ xã Xuất Hoá, thị xã Bắc Kạn đến cửa khẩu Pò Mã (Lạng Sơn).

Ngoài quốc lộ 3, quốc lộ 279 (đường vành đai II) là tuyến giao thông nối Bắc Kạn với Lạng Sơn và Tuyên Quang, tuyến này đã và đang từng bước được nâng cấp.

Về giao thông đối nội, ngoài tuyến quốc lộ 3 và quốc lộ 279 hình thành trục dọc và trục ngang, còn có quốc lộ 3B, các đường tỉnh lộ 254; 254B; 255; 255B; 256; 257; 258; 258B và 259. Các tuyến đường tỉnh lộ đều bắt đầu từ trục quốc lộ 3 để hình thành các tuyến đường bộ nội tỉnh.

Trong thời kỳ 2001-2006 đã đầu tư nâng cấp, xây dựng mới trên 500 km đường huyện, trên 1.000 km đường liên xã, liên thôn đạt tỷ lệ 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Hoàn thành các cầu lớn như Thác Giềng, Yên Đĩnh, Hảo Nghĩa, Dương Quang, Bắc Kạn II.

Đường liên xã tổng chiều dài trên 1000 Km, đạt tiêu chuẩn GTNT loại A, B, mặt đường là đất cấp phối tự nhiên, ngoài ra hệ thống đường GTNT, đường thôn xóm có chiều dài khoảng 4000 Km đạt tiêu chuẩn GTNT loại B không tính vào mạng lưới giao thông đường bộ.

Nhìn chung, mạng lưới đường bộ trong tỉnh đã tương đối thuận lợi, song vẫn cần được nâng cấp trải nhựa, đặc biệt là những tuyến nằm ở miền núi và các tuyến đường huyện xã, các tuyến đường nối khu công nghiệp với vùng nguyên liệu. Cần tăng cường kết cấu nền và mặt đường đảm bảo tải trọng cho xe năng vận chuyển phục vụ công nghiệp. Để có thể đẩy mạnh phát triển kinh tế, rất cần phải nâng cấp trục quốc lộ 3 thành đường cao tốc nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển từ Bắc Kạn về các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Trên địa bàn tỉnh có 5 dòng sông chảy qua nhưng chủ yếu là sông đầu nguồn, dòng chảy hẹp, mực nước nông, lại nhiều ghềnh thác. Do đó hệ thống giao thông thuỷ của Bắc Kạn không có điều kiện phát triển. Giao thông thuỷ chỉ có các tuyến trên Hồ Ba Bể, sông Năng và sông Cầu. Tuy nhiên, cũng chỉ dừng lại ở mức đi lại bằng bằng xuồng máy nhỏ với cung đường ngắn.

Như vậy ở Bắc Kạn chỉ có một loại hình vận tải duy nhất là đường bộ, vận tải hàng hóa khó khăn, giá thành cao...Vì vậy, chất lượng đường sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế và giao thương hàng hoá.



7. Hiện trạng hệ thống điện

Bắc Kạn là tỉnh có hệ thống lưới điện trên đà phát triển gắn với hệ thống lưới điện toàn quốc. Nếu như năm 1997 còn gần 100 xã chưa có lưới điện quốc gia, thì đến năm 2007 đã đạt 100% số phường, xã có lưới điện quốc gia, nâng tỷ lệ số hộ sử dụng điện lên 83,1% tăng 24% so với năm 2000. Đến hết năm 2010, số hộ được sử dụng điện là trên 86%.

Lưới điện hạ thế của tỉnh phát triển rộng khắp trên các địa bàn các xã. Các đường dây trung và cao thế trên địa bàn tỉnh về cơ bản đủ điều kiện cung cấp cho các cơ sở công nghiệp sản xuất và đời sống nhân dân trong tỉnh.

8. Khái quát về dân số và nguồn lao động

Tính đến năm 2010 dân số toàn tỉnh là 296.500 người, gồm 7 dân tộc đang sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Tày (chiếm khoảng 60,4%), dân tộc Kinh (chiếm khoảng 19,3%), dân tộc Dao (khoảng 9,5%) và dân tộc Nùng (khoảng 7,4%); mật độ dân số bình quân 61,02 người/km2, dân số nông thôn chiếm 84,87% và dân số thành thị 16,13%. Số người trong độ tuổi lao động khoảng 65,5% tổng dân số. Số lao động tham gia hoạt động kinh tế khoảng 85% so với số dân trong độ tuổi lao động, chủ yếu là lao động phổ thông, tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2010 chiếm 14,09%, so với mức bình quân chung của cả nước vẫn còn tương đối thấp (năm 2008 cả nước là 28%).

Năm 2010, cơ cấu sử dụng lao động khu vực công nghiệp – xây dựng cơ bản chiếm khoảng 6,24%, khu vực dịch vụ khoảng 17,35% và còn lại là khu vực nông, lâm nghiệp - thuỷ sản chiếm khoảng 76,41% tổng số lao động.

Nhìn chung, trình độ nguồn nhân lực của Bắc Kạn vào loại thấp so với mức bình quân chung của cả nước, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhất là phát triển công nghiệp cần số lượng lao động có trình độ cao.



9. Nguồn lực tài chính và khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển

- Nguồn vốn ngân sách nhà nước: Giai đoạn 2006-2010 nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 27-28%/năm với tổng nguồn vốn khoảng 5.000 tỷ.

- Các nguồn lực ngoài ngân sách: Giai đoạn 2006-2010 tổng vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và dân cư ước đạt 2.030 tỷ đồng, tăng bình quân 77%/năm.

- Nguồn vốn ODA: Đây là một trong những nguồn lực quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội của Bắc Kạn. Việc thu hút nguồn vốn ODA vào tỉnh là một trong những điểm nhấn của công tác xúc tiến, vận động các nguồn vốn trong giai đoạn vừa qua. Đặc biệt đã tiếp cận được một số nguồn vốn có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như vốn vay IFAD 21 tr.USD, vốn vay quỹ KUWAIT 30 tr.USD, vốn JBIC, vốn vay WB, ADB, UNDP,…

Nhìn chung vốn đầu tư từ ngân sách chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 70%), các khu vực khác khoảng 30%. Nguyên nhân chính là tích luỹ nội bộ nền kinh tế còn hạn chế. Bên cạnh đó môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới tác động làm cho một số dự án đầu tư vào tỉnh với vốn đăng ký lớn nhưng tỷ lệ giải ngân đạt thấp.

III. Vị trí kinh tế xã hội của địa phương trong tổng thể vùng:

Bắc Kạn là tỉnh thuộc vùng Trung du Miền núi Bắc Bộ có mối liên hệ chặt chẽ với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặc biệt là với Thủ đô Hà Nội gắn với việc khai thác trực tiếp hành lang quốc lộ 3 và các đường vành đai 2.

Bắc Kạn nằm giữa 2 tuyến hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, sẽ tạo ra động lực mới, cơ hội mới cho Bắc Kạn phát triển kinh tế. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2004 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du miền núi phía Bắc đến năm 2010, Chính phủ đã có chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị. Mục tiêu định hướng chủ yếu phát triển vùng là tập trung đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế so sánh của từng địa bàn trong vùng Trung du miền núi phía Bắc, cải thiện cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển mạnh kinh tế cửa khẩu, mở rộng giao lưu qua biên giới với Trung Quốc; hình thành tuyến hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng.

Các dự án trực tiếp liên quan đến Bắc Kạn trong Chương trình hành động của Chính phủ sẽ bao gồm các dự án phát triển hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối; phát triển các sản phẩm chủ lực như cơ khí, khai khoáng, hoá chất; các dự án thuỷ điện gắn với thuỷ lợi, du lịch, thương mại; các dự án phát triển mạng lưới giao thông đường bộ.v.v.

Các địa phương khác trong vùng như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn và Cao Bằng cũng sẽ có chương trình phát triển kinh tế gắn kết chặt chẽ với các tỉnh xung quanh. Tuy nhiên, do đặc điểm địa lý và điều kiện tự nhiên của các tỉnh trong vùng khá tương đồng nên mức độ gắn kết trong các hoạt động sản xuất kinh doanh không cao.

CHƯƠNG II

PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

I. Quan điểm chỉ đạo.

Xuất phát từ tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế xã hội thời gian vừa qua, quan điểm và tư tưởng chỉ đạo cho sự phát triển đến năm 2020 là:

1. Phát huy các lợi thế sẵn có, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo ra các mũi đột phá làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá và tăng nhanh tích luỹ, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và từng bước nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo cho mọi người dân có cơ hội tham gia và chia sẻ thành quả phát triển.

2. Xây dựng Bắc Kạn thành một địa bàn kinh tế mở, thông thương với các tỉnh, nằm trong Chiến lược phát triển chung của cả nước và Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, dựa vào hội nhập để phát triển.

3. Kết hợp giữa phát triển đô thị như một trung tâm phát triển, gắn với vành đai nông thôn. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, bảo tồn được các giá trị văn hoá của các làng/bản, xã. Kết hợp công nghiệp hóa nông nghiệp - nông thôn với mở rộng, xây dựng mới các khu đô thị và các vùng kinh tế trọng điểm.

4. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung ưu tiên đào tạo phát triển nguồn nhân lực và có chính sách phù hợp để phát huy mạnh mẽ khả năng sáng tạo của nguồn nhân lực và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

5. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn.

II. Mục tiêu phát triển:

1. Mục tiêu tổng quát.

Xây dựng Bắc Kạn phát triển toàn diện cả về kinh tế, văn hoá, xã hội và bảo vệ môi trường trên cơ sở phát huy được lợi thế so sánh của tình về tài nguyên rừng, khoáng sản để phát triển nhanh và bền vững. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực. Ngành nông nghiệp được phát triển dựa trên tài nguyên rừng và chăn nuôi dưới tán rừng. Ngành công nghiệp phát triển trên cơ sở công nghiệp chế biến; môi trường được bảo vệ, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động, đời sống nhân dân được cải thiện. Các chỉ tiêu về mức sống, văn hoá, xã hội đạt ở mức khá so với bình quân của cả nước; thu nhập của các cộng đồng dân cư, giữa các vùng trong tỉnh được rút ngắn. Kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, đời sống xã hội và quốc phòng an ninh. Cơ sở hạ tầng thông tin được phát triển, điện năng đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Khối đoàn kết các dân tộc được củng cố. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.



2. Mục tiêu cụ thể.

2.1. Mục tiêu kinh tế.

Một số mục tiêu kinh tế chủ yếu bao gồm:

- GDP/người theo giá thực tế năm 2015 đạt bằng khoảng 59% mức bình quân của cả nước (khoảng 26,4 triệu đồng) và năm 2020 đạt 75% mức bình quân của cả nước (khoảng 65-66 triệu đồng);

- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 15%; giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 14%;

- Cơ cấu kinh tế đến năm 2015, tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 31%; các ngành dịch vụ chiếm 34%; ngành nông, lâm nghiệp chiếm 35%. Đến năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 41%; các ngành dịch vụ chiếm 30%; ngành nông, lâm nghiệp chiếm 29%;

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2015 đạt 10 triệu USD, năm 2020 đạt trên 30 triệu USD;

- Tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách khoảng 11-12% vào năm 2015 và 12 - 12,5% vào năm 2020;

2.2. Mục tiêu xã hội:

Các tiêu chí khác về mức sống và văn hoá – xã hội được cải thiện và nâng cao, một số chỉ số đạt ở mức khá so với cả nước như chỉ số phát triển con người (HDI), số dân được dùng nước sạch, diện tích nhà ở đầu người...

- Giảm tỷ lệ bình quân hàng năm tốc độ phát triển dân số tự nhiên, phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng. Đảm bảo về cơ bản nhân dân có nhà ở tương đối tốt, đảm bảo dân cư đô thị có nhà ở.

- Nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đến năm 2020 lên 30%, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 85-90%, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đô thị khoảng 3-3,2%.

- Phấn đấu giảm tỷ lệ nghèo theo chuẩn mới sau năm 2010 mỗi năm 1,5-2%, đến năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn hiện nay.

2.3. Mục tiêu về quốc phòng an ninh- bảo vệ môi trường

An ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững;

Tỷ lệ che phủ của rừng năm 2020 đạt trên 65%. Đến năm 2020, cơ bản dân cư thành thị đều được sử dụng nước sạch; 100% các khu cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung;

III. Phương hướng phát triển:

Phương án phát triển lựa chọn theo Quy hoạch KT-XH tỉnh giai đoạn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1890/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2010, với định hướng phát triển các ngành như sau:

- Công nghiệp:

Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng trong giai đoạn đầu tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản,công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, điện tử, lắp ráp và sản xuất cơ khí... Trong giai đoạn sau hướng tới sản xuất các hàng tiêu dùng cao cấp và các ngành công nghiệp công nghệ cao.



- Dịch vụ:

Ưu tiên phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp chế biến nông, lâm sản,công nghiệp khai khoáng, vận tải, thương mại, du lịch..., gắn với phát triển hành lang kinh tế quốc lộ 3 và kinh tế cửa khẩu của Cao Bằng và Lạng Sơn. Hướng tới phát triển các dịch vụ tài chính - ngân hàng, dịch vụ công nghệ, viễn thông, các dịch vụ liên quan đến thị trường bất động sản...



- Nông, lâm nghiệp:

Phát triển mạnh kinh tế lâm nghiệp, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp theo hướng phát triển nền nông nghiệp hàng hoá gắn với việc phát triển các trang trại phù hợp với tiểu vùng sinh thái và với công nghệ sinh học. Chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt; phát triển ngành nghề nông thôn để chuyển một số lao động nông nghiệp sang các ngành sản xuất phi nông nghiệp.



Các hướng phát triển trọng điểm mang tính đột phá:

a. Giai đoạn đến năm 2015: Tập trung các trọng điểm sau:

Trọng điểm 1:

Trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế so sánh về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, phù hợp với sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tập trung phát triển Tiểu vùng trung tâm, chạy dọc theo hành lang kinh tế quốc lộ 3, gồm các huyện Chợ Mới, Bạch Thông và thị xã Bắc Kạn thành tiểu vùng động lực phát triển kinh tế, xã hội của Bắc Kạn với các trung tâm kinh tế được hình thành là thành phố Bắc Kạn, thị xã Chợ Mới và thị trấn Phủ Thông.

Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh phát triển công nghiệp từng bước hình thành đầu tư phát triển mạnh các khu cụm công nghiệp, trước mắt tập trung phát triển mạnh KCN Thanh Bình và hình thành một số cụm công nghiệp tập trung để thu hút đầu tư các dự án công nghiệp.

Trọng điểm 2:

Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật; đội ngũ công nhân, lao động lành nghề, lực lượng lao động trẻ v.v nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế nhanh trên địa bàn huyện.



Trọng điểm 3:

Tập trung mọi nguồn lực của cả trung ương, tỉnh để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Phối hợp tốt với các tỉnh và các Bộ ngành trung ương trong việc cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông đối ngoại nối Bắc Kạn với Thái Nguyên, Hà Nội và nối Bắc Kạn với Cao Bằng, Lạng Sơn và Tuyên Quang. Đồng thời, nâng cấp tuyến giao thông gắn kết các trung tâm phát triển kinh tế của tỉnh với hệ thống giao thông đối ngoại. Tổ chức lại không gian phát triển kinh tế, gắn các khu vực tập trung phát triển kinh tế của tỉnh với hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia.

Xây dựng kết cấu hạ tầng là một giải pháp quyết định, là việc làm đầu tiên. Với ý nghĩa vùng và hành lang kinh tế quốc lộ 3, Bắc Kạn cần được hỗ trợ của Trung ương, đồng thời tích cực mở rộng sự liên kết với các tỉnh trên toàn tuyến hành lang kinh tế để phát triển kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hợp tác quốc tế nói riêng..

Trọng điểm 4:

Đẩy nhanh phát triển kinh tế rừng và dịch vụ, du lịch với tốc độ tăng trưởng cao, tăng cường thu hút các dự án đầu tư vào khu du lịch Hồ Ba Bể.

Phát triển du lịch toàn diện với các sản phẩm tiêu biểu là du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí kết hợp với du lịch tham quan di tích lịch sử, lễ hội truyền thống. Đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, có quy mô lớn. Chú trọng phát triển tuyến du lịch trọng điểm của cả nước gắn với du lịch của cả vùng. Tập trung đầu tư phát triển vào khu du lịch Hồ Ba Bể làm hạt nhân phát triển du lịch cho cả tỉnh. Tận dụng lợi thế hồ Ba Bể để có chiến lược lâu dài về phát triển du lịch của tỉnh và khu vực gắn với việc phát triển mạnh kinh tế từ rừng và chăn nuôi đại gia súc.

Tập trung phát triển dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ gắn với phát triển công nghiệp, thương mại và hoạt động đầu tư như dịch vụ tài chính ngân hàng, thương mại, dịch vụ công nghệ, viễn thông, phát triển thị trường bất động sản, phát huy có hiệu quả các tổ chức tài chính.



b. Giai đoạn 2016-2020: Tập trung các trọng điểm sau:

Trọng điểm 1:

Đầu tư phát triển hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn gắn với phát triển các khu cụm công nghiệp và các ngành kinh tế dịch vụ. Trong quá trình phát triển công nghiệp và đô thị việc xây dựng kết cấu hạ tầng ở cả đô thị, nông thôn với mục tiêu gắn kết kinh tế đô thị với kinh tế nông thôn trong một mô hình động lực phát triển kinh tế. Dự báo tỷ lệ đô thị hoá của Bắc Kạn sẽ tăng nhanh (bình quân khoảng 6,5%/năm cho thời kỳ 2006-2010 và 7,5% thời kỳ 2011-2015 và 8,0% thời kỳ 2016-2020. Vấn đề đó đặt ra một nhiệm vụ to lớn, nặng nề trong quá trình đô thị hoá là phải tạo thêm nhiều việc làm phi nông nghiệp tại các trung tâm đô thị không những chỉ thu hút lao động tăng thêm hàng năm, mà còn phải thu hút thêm đáng kể lực lượng lao động ở khu vực nông thôn.

Trên cơ sở đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ và công nghiệp, đưa các ngành phi nông nghiệp chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Xây dựng các trung tâm tiểu vùng theo hướng đô thị hoá; xây dựng trung tâm dịch vụ du lịch và thương mại; củng cố và mở rộng mạng lưới chợ nông thôn tạo môi trường thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, dịch vụ.

Đầu tư cho khu vực nông thôn về xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng công nghiệp hóa, chuyển giao các sản phẩm công nghiệp gia công từ đô thị, phát triển sản xuất thủ công nghiệp, các làng nghề các ngành phục vụ đời sống, nông nghiệp. Khai thác tiềm năng của cảnh quan vùng nông nghiệp ven đô, ven khu công nghiệp, để phát triển du lịch... là những hướng cần được khuyến khích và có chính sách ưu đãi để hình thành hệ thống đô thị nông thôn (thị trấn, thị tứ, thành phố vườn) trong quá trình phát triển của Bắc Kạn.



Trọng điểm 2:

Hoàn thiện các công trình hạ tầng xã hội, phúc lợi công cộng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ-kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới vào sản xuất và đời sống, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ tin học. Chú trọng các giải pháp phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ tài nguyên, môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, lâu dài.




tải về 1.58 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương