Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2001-2010



tải về 1.58 Mb.
trang1/14
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích1.58 Mb.
#16591
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14



MỞ ĐẦU

“Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2001-2010” đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2003 và đến nay đã hết thời hạn thực hiện. Trong thời kỳ 2001-2005 ngành công nghiệp trên địa bàn đã có tốc độ tăng trưởng khá cao (đạt trung bình khoảng 28,86%/năm). Tuy nhiên trong những năm gần đây, do Nhà nước thay đổi cơ chế chính sách quản lý tài nguyên khoáng sản và tình hình thế giới có nhiều biến động lớn ngoài khả năng dự báo như tác động của khủng hoảng tài chính thế giới, các cơ hội và điều kiện thực hiện một số dự án trong lĩnh vực công nghiệp có nhiều biến đổi, một số dự án đầu tư đã không thực hiện được hoặc tiến độ thực hiện bị chậm lại; Một số mục tiêu phát triển công nghiệp giai đoạn 2006-2010 không đạt như mong muốn.

Để định hướng cho quá trình phát triển công nghiệp trên địa bàn trong tương lai, nhất là giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2025, cần thiết phải xây dựng mới một quy hoạch phát triển công nghiệp với tính khoa học và khách quan, dựa trên cơ sở tình hình thực tiễn trên địa bàn và xu thế phát triển chung cả nước, của thế giới và các nước trong khu vực.

Xuất phát từ yêu cầu trên, UBND tỉnh Bắc Kạn đã giao Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công Thương tiến hành xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn cho giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025.



Các căn cứ pháp lý để xây dựng đề án quy hoạch này là:

- Quyết định số 2784/QĐ-UBND-CN ngày 15 tháng 9 năm 2009 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập “Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn từ nay đến năm 2015, có xét đến năm 2020;

- Công văn số 1904/UBND-TH1 ngày 09 tháng 7 năm 2010 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc điều chỉnh thời gian lập Qui hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn, đề án qui hoạch là “ Qui hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn từ nay đến năm 2020, có xét đến năm 2025”;

- Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

- Quyết định 281/2007/QĐ-BKH ngày 26 tháng 3 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch các sản phẩm chủ yếu;

- Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc đến năm 2015, có xét đến năm 2020;

- Quyết định số 4040/2009/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phê duyệt Quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2009 - 2015, có xét đến năm 2020;

- Quyết định số 1890/QĐ-TTG ngày 14 tháng 10 năm 2010 của Thủ trướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn thời kỳ đến năm 2020;

- Quyết định số 2323/QĐ-UBND ngày 01 tháng 11 năm 2010 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng Bắc Kạn xét đến năm 2020;

- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ X (nhiệm kỳ 2010 - 2015), ngày 20 tháng 10 năm 2010;

- Nghị quyết số 18/2007/NQ-HĐND ngày 29 tháng 10 năm 2007 của HĐND tỉnh Bắc Kạn về Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2007 - 2010, định hướng đến năm 2020;

- Nghị quyết số 21/2008/NQ-HĐND ngày 15 tháng 12 năm 2008 của HĐND tỉnh Bắc Kạn về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2007 - 2010, định hướng đến năm 2020 quy định tại Nghị quyết số 18/2007/NQ-HĐND ngày 29/10/2007;

- Quyết định số 2746/QĐ-UBND ngày 17 tháng 12 năm 2010 của UBND tỉnh Bắc Kạn Về việc phê duyệt dự án Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) của 3 cấp: Tỉnh, huyện, xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn;

Bên cạnh đó, đề án này cũng tham chiếu và sử dụng các tư liệu của các quy hoạch chuyên ngành như: Quy hoạch phát triển ngành thép, quy hoạch thăm dò khai thác và chế biến quặng sắt, quặng chì kẽm của cả nước, các quy hoạch phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng... của tỉnh Bắc Kạn, quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư...

Với sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền, các ý kiến đóng góp và cung cấp các tài liệu ban đầu của các sở, ban, ngành trong tỉnh, “Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” đã được nhóm biên soạn xây dựng với mong muốn đáp ứng được các yêu cầu về các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra. Tuy nhiên, đứng trước sự phát triển ngày càng nhanh của KHCN, tình hình chính trị - kinh tế các nước trong khu vực và trên thế giới có những biến động khôn lường, bản quy hoạch công nghiệp này vẫn có thể còn những hạn chế, thiếu sót do không thể dự báo được hết những vấn đề sẽ phát sinh trong tương lai. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu rất mong các ý kiến đóng góp, bổ sung của các ban, ngành liên quan để bản quy hoạch được hoàn thiện có tính khả thi cao.

PHẦN MỘT

GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT VỀ TỈNH BẮC KẠN
CHƯƠNG I

HIỆN TRẠNG KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH BẮC KẠN

I. Đặc điểm điều kiện tự nhiên:

1. Vị trí địa lý kinh tế:

Bắc Kạn là tỉnh miền núi ở vị trí trung tâm các tỉnh Việt Bắc, có tọa độ địa lý 21048’ đến 22044’ độ vĩ Bắc, 105026’ đến 106015’ độ kinh Đông. Phía Đông giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Nam giáp tỉnh Thái Nguyên và phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng.

Thị xã tỉnh lỵ Bắc Kạn cách thủ đô Hà Nội 170 km về phía Bắc, cách biên giới Việt Nam – Trung Quốc khoảng 200 km dọc theo Quốc lộ 3 nối từ Hà Nội qua thị xã Bắc Kạn đến Cao Bằng ra các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc. Đây là tuyến giao thông quan trọng để giao lưu kinh tế, xã hội của Bắc Kạn với Hà Nội và các tỉnh khác trong vùng; tuyến Quốc lộ 3B nối từ xã Xuất Hoá, thị xã Bắc Kạn đến cửa khẩu Pò Mã (Lạng Sơn)

Bắc Kạn nằm trên đường vành đai 2 với quốc lộ 279 từ Hạ Long (Quảng Ninh), qua Đồng Mỏ về Bình Gia (Lạng Sơn) qua Khau An (Na Rì-Bắc Kạn) lên đến Tuyên Quang rồi kéo dài qua Yên Bái, Lai Châu và Điện Biên Phủ đến cửa khẩu Tây Trang tỉnh Điện Biên. Đây là tuyến nối Bắc Kạn với các tỉnh trong vùng TDMN Bắc Bộ.

Vị trí địa lý của Bắc Kạn ở vào thế khó khăn hơn so với nhiều tỉnh khác trong vùng, xa các trung tâm phát triển kinh tế, lại không có cửa khẩu biên giới nên việc giao lưu kinh tế, thu hút nguồn lực để đầu tư có nhiều khó khăn.

2. Đặc điểm địa hình:

Bắc Kạn có địa hình tương đối phức tạp, đa dạng, độ chia cắt mạnh, gồm nhiều dạng địa hình như: Thung lũng, đồi cao, núi thấp, núi trung bình và núi đá vôi... núi đá xen lẫn núi đất dễ gây sạt lở. Dộ dốc bình quân của địa hình là 260.

- Phía Tây của tỉnh có độ cao thấp dần từ Đông Bắc xuống Đông Nam, có nhiều đỉnh cao trên 1.000 m, địa hình chia cắt mạnh, độ dốc bình quân 26-300, nhiều dãy núi đá đồ sộ nằm ở phía Bắc huyện Chợ Đồn và phía Nam huyện Ba Bể xen kẽ núi đất tạo thành những thung lũng hẹp.

- Phía Đông địa hình hiểm trở nằm trong phần cuối của cánh cung Ngân Sơn-Yên Lạc, có dãy núi đá vôi Kim Hỉ là khối đá đồ sộ, dân cư thưa thớt.

- Phía Tây Bắc là hồ Ba Bể có diện tích tự nhiên khoảng 400 ha, độ sâu khoảng 20-30 m, thiên nhiên đã tạo ra nơi đây một phong cảnh đẹp, một địa điểm du lịch được nhiều người biết đến từ lâu.

- Phía Nam của tỉnh là vùng đồi núi thấp, là vùng chuyển tiếp từ trung du lên miền núi, độ cao bình quân từ 300-400 m so với mặt nước biển. Đây là phần cuối cùng của cánh cung Sông Gâm, Ngân Sơn-Yên Lạc. Tuy độ cao không lớn, độ dốc bình quân 260 nhưng địa hình bị chia cắt mạnh, tạo nên các thung lũng nhiều hơn và rộng hơn, điển hình là các thung lũng ven sông Cầu.



3. Điều kiện thời tiết - khí hậu, thuỷ văn.

Bắc Kạn nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng Đông Bắc Việt Nam, một năm có 2 mùa rõ rệt: Mùa đông lạnh và mùa hè nóng ẩm. Nhiệt độ bình quân năm khoảng 22,50 C, tháng 2 có nhiệt độ thấp nhất khoảng 15,70C, tháng nóng nhất là tháng 6 có nhiệt độ khoảng 28 0C. Do địa hình phức tạp nên đã hình thành các vùng tiểu khí hậu khác nhau, nhìn chung khí hậu của Bắc Kạn tương đối thuận lợi cho việc phát triển một hệ sinh thái đa dạng.

Bắc Kạn chịu ảnh hưởng của gió Đông Nam về mùa hè và gió mùa Đông Bắc về mùa Đông. Tổng lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.400-1.900 mm, cao nhất vào tháng 7 và thấp nhất vào tháng 2. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10 chiếm khoảng 75-80% tổng lượng mưa trong năm. Độ ẩm không khí trung bình 82-85%.

4. Tài nguyên đất

Diện tích đất tự nhiên của Bắc Kạn là 485.941ha, bao gồm những loại đất chính như sau:

- Đất phù sa sông: Có diện tích khoảng 761 ha được phân bố ở ven sông Cầu, sông Năng, sông Bắc Giang và tại các huyện Chợ Mới, Na Rì, Ba Bể, thị xã Bắc Kạn. Loại đất này giàu hàm lượng các chất dinh dưỡng, rất thuận lợi trong phát triển nông nghiệp thâm canh.

- Đất phù sa ngòi suối: Loại đất này có 10.067 ha phân bố dọc theo các triền suối thuộc lưu vực sông Năng, sông Cầu và sông Bắc Giang. Đất có thành phần cơ giới nhẹ, cấp hạt lớn và tỷ lệ mùn trung bình, hàm lượng lân dễ tiêu khá. Tuy nhiên, loại đất này chua, tỷ lệ các nguyên tố vi lượng nghèo và sắt nhôm cao.

- Đất dốc tụ trồng lúa nước: Với diện tích 2.249 ha, phân bố xen kẽ với các loại đất khác và có mặt ở hầu khắp các huyện. Loại đất này có địa hình phức tạp do nằm xen kẽ trên các lòng máng lớn nhỏ tạo thành. Đất lẫn nhiều sỏi đá và thành phần dinh dưỡng nghèo, đất chua, thiếu lân.

- Đất Feralit biến đổi: Có diện tích khoảng 2.242 ha phân bố rải rác ở các huyện thị nhưng tập trung nhiều ở huyện Bạch Thông. Đặc điểm do thường xuyên bị ngập nước nên đất chua nhưng hàm lượng dinh dưỡng ở mức trung bình. Tầng đất dày khoảng 50 cm và loại đất này khả năng giữ nước kém.

- Đất Feralit nâu vàng phát triển trên phù sa cổ: Với diện tích trên 400 ha phân bố ở huyện Chợ Mới, Bạch Thông và thị xã Bắc Kạn. Đất có tầng đất dày trên 1 m và nằm trên sườn đồi có độ dốc nhỏ dưới 120. Đất chua, nghèo lân và hàm lượng nhôm cao.

- Đất Feralit phát triển trên đá phiến thạch sét: Loại đất này có diện tích lớn khoảng 82.152 ha, phân bố ở hầu hết các huyện thị trong tỉnh. Loại đất này có thành phần cơ giới nặng, tầng đất dày, tuy nhiên cũng hay bị sụt lở. Hàm lượng dinh dưỡng phụ thuộc vào tình hình phát triển rừng ở phía trên.

- Đất Feralit vàng đỏ phát triển trên đá granit: Với 48.977 ha loại đất này phân bố ở Bạch Thông, Ba Bể, Chợ Mới và thị xã Bắc Kạn. Thành phần cơ giới trung bình và tầng đất từ trung bình đến dày. Hàm lượng mùn cao, đất có phản ứng trung tính.

- Đất Feralit đỏ vàng phát triển trên đá biến chất: Loại đất này có diện tích lớn nhất (162.255 ha), phân bố ở Ngân Sơn, Chợ Đồn, Ba Bể, Chợ Mới. Tầng đất dày và kết cấu đất tơi xốp nên rất dễ bị sụt lở, rửa trôi. Đạm và mùn có hàm lượng khá giàu nhưng lân dễ tiêu lại nghèo, đất chua.

- Đất Feralit nâu đỏ phát triển trên đá vôi: Có diện tích 59.728 ha, phân bố ở hầu khắp các huyện, song nhiều nhất là Na Rì, Ba Bể, Bạch Thông. Tầng đất mỏng nhưng chất lượng đất tốt. Hàm lượng các nguyên tố vi lượng trong loại đất này như Ca và Mg rất lớn.

- Đất Feralit vàng nhạt phát triển trên sa thạch: Với diện tích 14.632 ha, loại đất này phân bố chủ yếu ở Na Rì, Ba Bể, Ngân Sơn. Tầng đất trung bình, thành phần cơ giới nhẹ, hàm lượng mùn và chất hữu cơ nghèo. Đất chua, rất chua và dễ bị xói mòn, bị bạc màu.

- Đất Feralit mùn trên núi cao trên 700 m: Loại đất này có diện tích 64.200 ha, phân bố ở các huyện Ngân Sơn, Ba Bể, Chợ Đồn, Bạch Thông và Na Rì. Tầng đất mỏng nhưng hàm lượng mùn khá cao do chất hữu cơ phân giải. Loại đất này rất thích nghi với một số loại cây trồng ôn đới.

Theo thống kê đến năm 2010: Phân theo mục đích sử dụng thì đất nông lâm nghiệp chiếm khoảng 85% diện tích đất tự nhiên, đất phi nông nghiệp khoảng 4,35% và đất chưa sử dụng chiếm ~10,65%. Cụ thể là:

- Đất nông -lâm nghiệp: Là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp tương đối hạn chế, chỉ chiếm 7,54% diện tích tự nhiên. Hiện tại hệ số sử dụng đất vào khoảng 1,91 lần- tương đối thấp so với các tỉnh khác trong vùng. Đất trồng cây hàng năm có 31.338 ha (chiếm 85,5% diện tích đất sản xuất nông nghiệp), trong đó trồng lúa (cả 2 vụ) là 18.563 ha, đất trồng cây hàng năm còn lại có 12.775 ha chủ yếu gieo trồng các loại rau, màu, đậu tương, ngô, lạc, bông v.v. Đất trồng cây lâu năm có 5.312 ha. Năng suất cây trồng hàng năm và lâu năm ở Bắc Kạn không cao, bình quân mới chỉ bằng 60 đến 70% so với năng suất có thể đạt được, nguyên nhân cơ bản là nông dân chưa thâm canh mà chủ yếu mới là quảng canh, cùng với nguồn giống chưa được bảo đảm. Đất lâm nghiệp có 375.337 ha, chiếm 77,24% diện tích tự nhiên, trong đó diện tích đất rừng sản xuất là 245.836 ha, diện tích đất rừng phòng hộ, đặc dụng khoảng 129.501 ha (chiếm khoảng 34,50% đất lâm nghiệp).

- Đất phi nông nghiệp: Trong 5 năm vừa qua diện tích đất phi nông nghiệp tăng chậm, năm 2000 có 15.622 ha (chiếm 3,22% diện tích tự nhiên) đến năm 2005 tăng lên 18.535 ha (chiếm 3,81% diện tích tự nhiên) và năm 2010 là 21.159 ha (chiếm 4,35% diện tích tự nhiên).



- Đất chưa sử dụng: Diện tích đất chưa sử dụng có độ dốc lớn chiếm trên 85%( hiện chủ yếu được dùng để phát triển rừng phòng hộ), phần đất chưa sử dụng độ dốc thấp rất hạn chế (ước tính dưới 15%). Diện tích đất chưa sử dụng giảm từ 140.728 ha năm 2001 xuống còn 51.738 ha năm 2010, nhất là đất đồi núi chưa sử dụng giảm từ 108.191 ha năm 2001 xuống 45.120 ha năm 2010. Số liệu tài nguyên đất tổng hợp theo bảng sau:

Đơn vị tính: ha

Loại đất

2001

2005

2010

Tổng diện tích tự nhiên

485.721

485.941

485.941

I. Đất nông nghiệp

333.413

371.767

413.044

1. Đất sản xuất nông nghiệp

29.448

37.798

36.650

2. Đất lâm nghiệp

303.400

333.059

375.337

3. Đất nuôi trồng thuỷ sản

492

861

1.043

4. Đất nông nghiệp khác

73

50

14

II. Đất phi nông nghiệp

10.580

18.535

21.159

1. Đất ở

2.162

2.346

3.333

2. Đất chuyên dùng

3.089

10.684

12.348

3. Đất sông, suối, mặt nước chuyên dùng

5.329

5.335

5.304

4. Đất phi nông nghiệp khác

1

2

5. Đất nghĩa trang, nghĩa địa

-

166

168

6. Đất tôn giáo, tín ngưỡng

-

4

4

III. Đất chưa sử dụng

140.728

95.639

51.738

1. Đất bằng chưa sử dụng

2.347

3.315

3.366

2. Đất đồi núi chưa sử dụng

108.191

87.733

45.120

3. Núi đá không có rừng cây

30.190

4.591

3.252

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Bắc Kạn.

Nhìn chung đất đai trong tỉnh Bắc Kạn tương đối màu mỡ, nhiều nơi tầng đất dầy, có lượng mùn cao, thích hợp cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, ở một số nơi như Ngân Sơn, Bạch Thông do thảm thực vật đã bị huỷ hoại trong nhiều năm nên đất bị sói mòn, thoái hoá nhiều, làm cho tầng đất mỏng, nghèo dinh dưỡng, khô cằn. Bên cạnh đó, tiềm năng đất của tỉnh còn khá lớn, riêng đất chưa sử dụng có khả năng sản xuất nông lâm nghiệp chiếm trên 80 ngàn ha. Hệ số sử dụng đất còn thấp, năng suất cây trồng, vật nuôi cũng còn khả năng tăng thêm. Nếu áp dụng giống mới với chế độ canh tác hợp lý, có khả năng năng suất tăng lên ít nhất là 1,3 - 1, 4 lần so với hiện nay.



5. Tài nguyên nước

Bắc Kạn là đầu nguồn của 5 con sông lớn, với tổng chiều dài là 313 km, lưu lượng lớn 105,3 m3/s và có nước quanh năm. Ngoài các con sông chính, trong tỉnh còn có các hệ thống suối lớn, nhỏ khá nhiều, song đa phần nhỏ và ngắn, phần lớn nằm ở thượng nguồn nên nhiều thác ghềnh. Mùa khô các con suối thường cạn nước, nhưng mùa mưa nước lại dồn về rất nhanh nên thường gây nên lũ quét. Nguồn nước ở Bắc Kạn tương đối phong phú nhất là nước mặt (khoảng 3,7 tỷ m3, hàng năm tiếp nhận 2-2,5 tỷ m3 nước mưa). Hiện nay, việc khai thác tài nguyên nước mới chỉ dừng lại ở mức tự nhiên là chính, chưa có giải pháp khai thác tổng hợp nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường. Trong tương lai cần đẩy mạnh hoạt động trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn để hạn chế dòng chảy, chống lũ lụt, xói mòn, rửa trôi, nghiên cứu xây dựng các đập, hồ chứa nước để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, theo hướng khai thác hợp lý, khoa học và có hiệu quả nguồn tài nguyên nước của tỉnh.



6. Tài nguyên rừng

Bắc Kạn có vị trí địa lý nằm ở vùng giao lưu giữa 2 khu hệ động, thực vật của vùng núi Tây Bắc và Đông Bắc. Tuy rừng núi không cao nhưng rất đa dạng về địa hình, địa chất và dạng sinh cảnh. Rừng Bắc Kạn có hệ động thực vật phong phú với nhiều nguồn gen quý hiếm, hiện có khoảng 34 bộ, 110 họ và 336 loài chim, thú, bò sát, lưỡng cư đang sinh sống, trong đó có 64 loài đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam, đặc biệt là có 10 loài đặc hữu của Việt Nam. Về thực vật có 148 họ, 537 chi và 826 loài đang sinh sống và phát triển, trong đó có 52 loài được xếp vào sách đỏ Việt Nam.

Đến năm 2010 Bắc Kạn có 375.337 ha đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng (rừng tự nhiên và rừng trồng) chiếm 68,4% diện tích và đất chưa có rừng chiếm khoảng 21%; Trong phần đất có rừng, diện tích rừng giầu và rừng trung bình chỉ chiếm có khoảng 9%, diện tích rừng phục hồi và rừng nghèo chiếm khoảng 50% và rùng tre nứa hỗn giao khoảng 20%. Diện tích rừng tự nhiên hiện có khoảng 224.151,4 ha, rừng trồng là 39.352,5 ha. Tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên năm 1997 chiếm tới 95% - đến năm 2007 giảm còn 85%. Phân theo mục đích sử dụng, đến nay diện tích rừng sản xuất của Bắc Kạn chiếm khoảng 65,50%; diện tích rừng phòng hộ chiếm khoảng 28,64% và rừng đặc dụng chiếm khoảng 5,86% tổng diện tích đất lâm nghiệp.

Nhìn chung, tiềm năng lớn nhất của tỉnh Bắc Kạn tài nguyên rừng và đất rừng. Đây là nguồn tài nguyên có giá trị ổn định và lâu dài nhất của tỉnh bởi nó là nguồn tài nguyên có thể tái tạo được để phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản.



7. Tài nguyên khoáng sản.

Trên cơ sở tài liệu lập bản đồ địa chất 1/50.000, tài liệu điều tra đánh giá, thăm dò khoáng sản hiện có cho thấy Bắc Kạn là tỉnh có tiềm năng về khoáng sản, với chủng loại tương đối phong phú, trong đó có nhiều loại khoáng sản có giá trị cao như: Chì kẽm, vàng, sắt, antimon, đồng, đá vôi trắng, đá ốp lát, vật liệu xây dựng. Theo thống kê, đến nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn phát hiện có 273 mỏ và điểm khoáng sản, điểm khoáng hoá thuộc 24 loại khoáng sản và được chia thành 5 nhóm:



7.1. Nhiên liệu khoáng:

Than đá: Trong diện tích tỉnh Bắc Kạn mới chỉ phát hiện 1 điểm tại xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn. Vỉa than dày 0,2-0,4 m. Các chỉ tiêu như sau: Cch = 10,6%, Ak = 14,7%, Wpb = 2,4, Qch = 6802 cal/kg. Quy mô nhỏ.



7.2. Khoáng sản kim loại:

7.2.1. Quặng sắt:

Hiện tại trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 17 mỏ và điểm quặng sắt phân bố ở 3 vùng chính là Chợ Đồn, Ngân Sơn, Pác Nặm. Trong đó có 5 mỏ đã tính trữ lượng được 15.003.068 tấn quặng cấp C1+C2 và tài nguyên dự báo của cả 17 mỏ là 10.300.000 tấn quặng.



7.2.2. Quặng sắt-mangan:

Quặng sắt-mangan tỉnh Bắc Kạn có 7 điểm phân bố ở vùng Chợ Điền-Chợ Đồn như: Đèo An , Bản Thi, Than Tàu, tây Bắc Kéo Nàng thuộc xã Bản Thi; Lũng Cháy, Khuổi Khem thuộc xã Đồng Lạc và điểm Bản Tàn thuộc thị trấn Bằng Lũng. Thành phần khoáng vật loại quặng sắt-mangan gồm: pyroluzit, psilomelan, limonit. Hàm lượng Fe và Mn biến đổi rất lớn Mn: 5,72-22,41%, Fe: 24,20-40,88, Pb: 0,02-1,17%, Zn: 0,10-2,62%. Từ các kết quả cho thấy quặng sắt-mangan có hàm lượng SiO2 rất cao ( 4,33-30,93%) và hiện nay đã có công nghệ chế biến tận thu được quặng sắt – mangan để luyện gang và thu hồi xỉ giàu mangan.



7.2.3. Titan:

Đến nay ở tỉnh Bắc Kạn mới phát hiện 1 điểm titan duy nhất ở Khao Quế, xã Yên Mỹ, huyện Chợ Đồn liên quan đến thể xâm nhập gabro phức hệ Núi Chúa. Quặng titan sa khoáng mới được tìm kiếm sơ bộ bằng trọng sa suối. Kết quả xác định được một thung lũng chứa sa khoáng titan dài 3,5km, rộng 150-300m, hàm lượng ilmenit 10-13kg/m3.



7.2.4. Đồng:

Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã phát hiện 4 điểm quặng và khoáng hoá đồng trong đo vẽ 1/50.000 và khảo sát phổ tra gồm: Khao Sớm xã Giáo Hiệu huyện Pác Nặm, Pò Phi xã Ân Tình, Khuổi Kim-Nà Pì xã Liêm thuỷ huyện Na Rì, Bản Rịn xã Mai Lạp, huyện Chợ Mới.

Trên cơ sở tổng hợp tài liệu và khảo sát thực địa các điểm quặng đồng tỉnh Bắc Kạn, thấy rằng tài nguyên quặng đồng của tỉnh ít có khả năng trở thành mỏ qui mô lớn. Tuy nhiên, cần quan tâm điểm quặng đồng Pò Phi xã Ân Tình và điểm Khuổi Kim-Nà Pì, xã Liêm Thuỷ, huyện Na Rì vì nó có hàm lượng đồng khá cao.

7.2.5. Chì kẽm:

Bắc Kạn được coi là một trong những tỉnh có trữ lượng quặng chì, kẽm lớn nhất cả nước, kết quả điều tra đã ghi nhận 77 mỏ và điểm quặng chì kẽm trong địa phận tỉnh Bắc Kạn gồm 22 mỏ và 55 điểm quặng, chúng phân bố chủ yếu ở 3 vùng chính: Vùng Chợ Điền-Chợ Đồn, vùng Pác Nặm và vùng Ngân Sơn với tổng trữ lượng (theo quy định cũ): cấp B + C1 + C2 là 1.956.000 tấn kim loại (Pb+Zn), tài nguyên dự báo là 2.943.000 tấn (Pb+Zn). Trên cơ sở nguồn nguyên liệu tại chỗ sẽ thuận lợi cho ngành công nghiệp khai khoáng và điện phân thành sản phẩm kim loại có giá trị kinh tế ca.



7.2.6. Nhôm:

Địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã phát hiện 3 điểm quặng bauxit ở sườn Bắc và Đông Bắc núi Kim Hỷ đó là bauxit Bản Than xã Kim Hỷ, bauxit Bản Kén xã Lạng San và alit Nà Thoàn xã Ân Tình. Các điểm này đều là quặng eluvi-deluvi nằm trên mặt bào mòn của đá vôi hệ tầng Bắc Sơn. Quặng bauxit màu nâu đỏ, cấu tạo hạt đậu, mật độ quặng lăn thưa, kích thước 7-8cm rất ít là 30-40cm. Thành phần khoáng vật quặng gồm: diaspo, bơmit. Thành phần hoá học Al2O3= 10-33%, SiO2= 6-60%, Fe2O3= 5-38,9%, TiO2= 0,5-2,15%. Quặng có chất lượng kém, quy mô mỏ không lớn.



7.2.7. Thuỷ ngân:

Trong diện tích tỉnh Bắc Kạn có 2 điểm quặng thuỷ ngân là điểm Tân An xã Lạng San và điểm Nà Piệt xã Văn Minh, huyện Na Rì. Quặng tập trung thành dải dọc theo đới Cà nát của đá bột kết hệ tầng Sông Hiến ở Tân An, còn ở Nà Piệt quặng xâm tán trong mạch thạch anh và các đá bị cà nát dọc sông Bắc Giang, huyện Na Rì. Thành phần khoáng vật quặng: Chủ yếu là cinaba, pyrit và các khoáng vật sulfur của Pb, Zn, Cu. Hàm lượng cinaba trong đá gốc là 10 hạt/dm3, trong sa khoáng là 2-45 hạt/5dm3. Nhìn chung các điểm thuỷ ngân này mới được phát hiện và tìm kiếm sơ bộ trong quá trình đo vẽ bản đồ 1/50.000 nên chưa đủ tài liệu để đánh giá.



7.2.8. Thiếc:

Thiếc là loại khoáng sản ít phổ biến ở tỉnh Bắc Kạn, theo các tài liệu trước đây mới chỉ xác nhận rằng ở Suối Teo, Lũng Cháy xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn có casiterit đi cùng với chì kẽm (casiterit trong các tảng lăn thạch anh sulfur chứa chì kẽm) hàm lượng 50-175g/m3. Năm 2003 Liên đoàn Địa chất Đông Bắc và Công ty khoáng sản Bắc Kạn đã xác định được thêm 2 điểm khoáng hoá thiếc (casiterit) mới là khoáng hoá thiếc Vi Hương, xã Vi Hương và thiếc Nặm Lọn xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông.



7.2.9. Antimon:

Trong địa phận tỉnh Bắc Kạn đã xác định và đăng ký được 6 điểm quặng antimon (3 điểm ở huyện Na Rì, 3 điểm ở huyện Chợ Mới).



7.2.10. Vàng:

Theo tài liệu điều tra địa chất đến nay đã xác nhận trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 19 mỏ và điểm quặng vàng trong đó có 7 điểm vàng gốc: Vàng Bó Va, vàng Đông Tiot, vàng Bản Đăm, vàng Pác Lạng thuộc 3 xã Bằng Vân-Đức Vân-Thượng Quan, vàng Bản Giang (Bản Lìm) xã Thuần Mang; vàng Khau Âu xã Bình Văn, vàng Khuổi Mạn xã Bằng Thành và 12 điểm vàng sa khoáng: vàng Pác Nặm xã Bằng Thành; vàng Vàn Phài xã Cốc Đán; vàng Nà Pát xã Bành Trạch; vàng Hà Hiệu xã Bành Trạch (); vàng Bằng Khẩu xã Bằng Vân; vàng Vũ Muộn xã Vũ Muộn; vàng Lương Thượng xã Lương Thượng; vàng Tân An xã Lạng San; vàng Yến Lạc thị trấn Yến Lạc; vàng Mồ Côi xã Yên Hân, vàng Tốc Lù xã Kim Hỷ và vàng Mạy Lịa xã Liêm Thuỷ. Đa số các mỏ và điểm quặng vàng phân bố tập trung ở rìa Đông Bắc của tỉnh Bắc Kạn. Kết quả đo vẽ lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50000 và tìm kiếm sơ bộ cho thấy tiềm năng về khoáng sản vàng của tỉnh Bắc Kạn là khá lớn, đặc biệt là các mỏ Bó Va, Pác Lạng, Khau Âu. Trữ lượng cấp C2 là 5.567 kg; TNDB là 50.261 kg.



7.3. Khoáng chất công nghiệp:

7.3.1. Pyrit:

Trên địa phận tỉnh có 4 điểm pyrit là pyrit Pù Có xã Cốc Đán, pyrit Đèo Gió xã Vân Tùng, pyrit Tòng Mụ và pyrit Bản Lắc xã Bằng Lãng. Trong đó điểm pyrit Tòng Mụ đã được tìm kiếm chi tiết gồm 5 thân quặng dạng vỉa phân bố trong trầm tích carbonat hệ tầng Mía Lé, chiều dày từ 0,3-4m, chiều dài đã khống chế được từ 400-1200m, thành phần khoáng vật chủ yếu là pyrit, pyrotin, ít galenit, sphalerit. Hàm lượng S= 9,33-25,78% trung bình là 20%. Tài nguyên dự báo cho cả 2 điểm quặng này là 1 triệu tấn quặng.



7.3.2. Barit:

Duy nhất ở Bắc Kạn có điểm barit là barit Phạc Lẫm ở xã Lãng Ngâm. Quặng dạng deluvi phân bố trên diện tích rộng 600x30-50m mật độ thưa. Kích thước quặng 0,5-2m, hàm lượng BaSO4 đạt 90-98%.



7.3.3. Syenit nephelin:

Kết quả nghiên cứu syenit nephelin bước đầu xác nhận có 2 điểm khoáng hoá syenit nephelin là Bằng Phúc, Bản Man thuộc xã Bằng Phúc có chất lượng đáp ứng yêu cầu sản xuất gốm xứ.



7.3.4. Graphit:

Tỉnh Bắc Kạn có 3 điểm graphit là graphit Nà Lay xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể; Keo Ki, Phiêng Giề thuộc xã Mai Lạp, huyện Chợ Mới. Trong đó điểm có triển vọng hơn cả là graphit Nà Lay, chúng gồm 2 thân quặng trong đá cát kết của hệ tầng Phú Ngữ.



7.3.5. Thạch anh:

Thạch anh tinh thể gồm có 5 điểm phân bố ở vùng Ngân Sơn gồm các điểm Pù Có xã Cốc Đán, Bằng Lãng (Pia Sảo) xã Thượng Quan và điểm thạch anh Bản Giang xã Thuần Mang, Nà Đeng xã Vân Tùng và điểm Tát Rịa xã Cốc Đán. Các tinh thể thạch anh thường ở dạng hốc trong các mạch thạch anh xuyên lên trong các đá trầm tích, đá granit. Kích thước mạch dày 0,3-1m có khi 2-3m. Nhìn chung các tinh thể ở đây là tinh thể chóp 1 đỉnh chỉ trong suốt ở 1/3 tinh thể ở phần chóp, còn phần bám mạch thạch anh có màu trắng đục. Ngoài thạch anh kỹ thuật trên hiện nay người ta đã sử dụng thạch anh trắng ẩn tinh trong công nghiệp sứ gốm cách điện.



7.3.6. Dolomit:

Đá đolomit đã phát hiện 5 điểm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn gồm: Dolomit Bản Lãm xã Cao Thượng, dolomit đông nam đỉnh 829 xã Khang Ninh huyện Ba Bể; dolomit Đèo Gió xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn; điểm dolomit Nà Khun xã Lương Hạ, điểm dolomit Hữu Thác xã Hữu Thác, huyện Na Rì.



7.3.7. Đá vôi trắng:

Đá vôi trắng (đá hoa) phân bố ở các khu vực: Bản Lồm, Bản Mới xã Nam Cường, Tân Lập huyện Chợ Đồn; Nà Hai xã Quảng Khê huyện Ba Bể. Đá vôi trắng thuộc tập 3 của hệ tầng Mía Lé trên. Kết quả nghiên cứu cho thấy 2 điểm Bản Lồm, Bản Mới với trữ lượng và TNDB > 175 triệu tấn, thoả mãn yêu cầu sản xuất bột nặng. Tại điểm Nà Hai, xã Quảng Khê, kết quả thăm dò trên diện tích 17,5 ha đã nghiên cứu đánh giá trữ lượng cấp 122 trên 2,5 triệu m3 đá có thể sử dụng làm vật liệu ốp lát.



7.3.8. Đá vôi xi măng:

Đá vôi xi măng là đá vôi làm nguyên liệu để sản xuất xi măng khá phổ biến ở tỉnh Bắc Kạn, đến nay đã đánh giá-thăm dò mỏ đá vôi Chợ Mới và một phần dải đá vôi Suối Viền - Hoà Mục. Với tổng trữ lượng 72 triệu m3. Ngoài các mỏ trên tỉnh Bắc Kạn còn có 3 điểm đá vôi xi măng mới được khảo sát trong quá trình đo vẽ tỷ lệ 1/50.000 là Cam Bon xã Cao Thượng, Bản Luộc xã Nam Cường và dải Chợ Rã - Thượng Giáo. Với TNDB là 111 triệu m3.



7.3.9. Sét xi măng:

* Sét xi măng Chợ Mới kéo dài từ Bản Tèng đến Nà Nọc khoảng 3km, rộng 1,5km. Trữ lượng cấp 122 trên 1,5 triệu m3, cấp 333 trên 3,7 triệu m3.

* Sét xi măng Suối Viền phân bố dọc sườn phải Suối Viền với trữ lượng và TNDB là 180.000m3.

7.3.10. Đá ốp lát:

Trong tỉnh Bắc Kạn đã có 2 điểm đá ốp lát đã được đánh giá là điểm Vũ Muộn, huyện Bạch Thông và điểm Thuần Mang, huyện Ngân Sơn:

Đá ốp lát khu vực Vũ Muộn thuộc nhóm đá marble có màu hồng, đỏ, đỏ đen thuộc hệ tầng Tam Hoa phân bố chủ yếu ở bắc bản Nà Khoang (gọi là thân khoáng). Thân khoáng có dạng đẳng thước, hơi kéo dài theo phương Tây Bắc-Đông Nam khoảng 2.000m, rộng 1.500m. Tài nguyên dự báo cấp P3 đạt 10 triệu m3.(độ thu hồi k=0,15-0,20), trong đó có khoảng 15-20% đá có màu sắc và vân hoa đẹp.

Đá ốp lát Thuần Mang. Tại đây có khối gabro Bản Giang thuộc phức hệ Núi Chúa là đối tượng tìm kiếm nên gọi là thân khoáng. Thân khoáng có dạng thấu kính kéo dài phương đông bắc-tây nam khoảng 2.000m, rộng 500m. Tài nguyên cấp P3 là 4,5-6 triệu m3(độ thu hồi k=0,15-0,2).



7.4. Vật liệu xây dựng

7.4.1. Đá hoa:

Trong diện tích tỉnh Bắc Kạn có 6 điểm đá hoa trắng là Bản Cám xã Nam Mẫu; Bản Vài xã Khang Ninh; Cốc Tộc xã Nam Mẫu; Phia Lương xã Hoàng Trĩ; Bản Kát xã Quảng Bạch; Phiêng Liền TT Bằng Lũng. Chúng phân bố thành một dải kéo dài từ Chợ Đồn đến nam hồ Ba Bể (dài 22km, dày 150-300m). Đây là lớp đá hoa màu trắng, phớt hồng cấu tạo phân lớp dày thuộc phân hệ tầng dưới hệ tầng Mía Lé, độ trắng nhìn bằng mắt thường thì càng về phía bắc đá càng trắng. Tài nguyên dự báo của đá hoa dải Chợ Đồn-Ba Bể là 462 triệu m3.



7.4.2. Đá vôi xây dựng:

Đá vôi xây dựng: Là khoáng sản rất sẵn trong tỉnh Bắc Kạn, với 64 điểm khoáng sản đã phát hiện. Đây là vật liệu dùng cho xây dựng, rải đường đặc biệt là đường nông thôn. Từ năm 1997 đến nay tỉnh đã cấp 34 mỏ và điểm mỏ cho các doanh nghiệp khai thác đá vôi phục vụ nhu cầu của địa phương.



7.4.3. Sét gạch ngói:

Tỉnh Bắc Kạn đã phát hiện 17 điểm sét gạch ngói gồm:

Nguồn gốc trầm tích có 3 điểm: Mỏ sét Bằng Khẩu xã Bằng Vân, Yến Lạc TT Yến Lạc và sét gạch ngói Bản Diệc xã Tân Lập. Chúng phân bố trong địa hình thung lũng. Sét có màu vàng, vàng nhạt, hạt mịn lẫn ít cát, đáp ứng cho sản xuất gạch tuy nen, ngói. Chiều dày 1,5-8m.

Sét nguồn gốc phong hoá gồm 14 điểm: Chúng đều là sản phẩm phong hoá tại chỗ của lớp đá phiến sét, bột kết của hệ tầng Phú Ngữ. Sét có màu vàng nhạt, xám trắng, chiều dày lớp sét không đều thường lớp sét này mỏng khoảng 1-2m, rất ít khi dày > 5m, độ dẻo kém hơn sét Đệ Tứ.



7.4.4. Cát, cuội sỏi xây dựng:

Gồm các điểm: Nà Pao xã Mỹ Phương; thị xã Bắc Kạn; Quang Thuận xã Quang Thuận; cát Chợ Mới, huyện Chợ Mới; cát Chợ Rã thị trấn Chợ Rã chúng đều là sản phẩm của các bãi bồi (doi cát) dọc sông Cầu, sông Năng, sông Bắc Giang. Thành phần của cát chủ yếu là thạch anh, lẫn mảnh vụn đá phiến sét, độ mài mòn kém. Như vậy việc điều tra cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn mới ở mức hạn chế.



7. 5. Nước khoáng:

Nước khoáng Hoà Mục: Nguồn nước khoáng ở lỗ khoan xuất hiện ở độ sâu 36m lưu lượng áp lực tự chảy và nhiệt độ nước tăng dần theo chiều sâu, kết thúc 100 m mực nước dâng cao so với mặt đất là + 0,4m, lưu lượng xác định được là 2,32 l/s.




tải về 1.58 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương