Phần 1: Toàn thế giới nín thở chờ đợi Chương 1: thanh kiếm hai lưỠi của barbarossa


Chương 23: Đừng nhảy nữa! Stalingrad đổ rồi



tải về 2.43 Mb.
trang17/18
Chuyển đổi dữ liệu25.03.2018
Kích2.43 Mb.
#36541
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18

Chương 23: Đừng nhảy nữa! Stalingrad đổ rồi
Trưa ngày 2 tháng Hai, một phi cơ trinh sát quần vòng trên thành phố. Thông điệp vô tuyến từ viên phi công được gửi ngay tức khắc cho thống chế Milch: “Không còn dấu hiệu chiến đấu ở Stalingrad”. 
Sau lần thẩm vấn đầu tiên của Voronov và Rokosovsky với Paulus, đại úy Dyatlenko quay lại làm việc với các viên tướng khác. Ngược với mong đợi của anh, họ phản ứng theo nhiều cách khác nhau. Tướng Schlomer, người lãnh quyền chỉ huy quân đoàn xe tăng XIV thay tướng Hube, khập khiễng đến dựa trên một cây gậy và khoát một chiếc áo jacket độn bông của Hồng quân. Ông chinh phục người thẩm vấn bằng sức mê hoặc dễ dàng và lời bình luận về “tên hạ sỹ thất học trong các vấn đề quân sự” và “bọn hám lợi ngu đần trong các tùy tòng của hắn ta”. Tướng Walther von Seydlitz, mặt khác, người mà NKVD “sau này nhận ra là một người phòng thủ bất tuân lệnh Quốc trưởng có năng lực nhất trong Suốt thời kỳ bị vây”, ông cư xử “theo một cách rất kín đáo”.
Với Stalin, 91 nghìn tù binh, trong đó có 22 viên tướng Đức là chiến tích tốt hơn nhiều so với cờ hay vũ khí hạng nặng. Paulus, vẫn trong tình trạng bị sốc, trước tiên từ chối xuất hiện trước cánh báo chí gửi từ Moscow xuống. Nhưng đại tá Yakimovich của phương diện quân Sông Don bẻ lại “Chúng tôi có luật lệ riêng. Ông phải làm những gì được bảo”. Tuy vậy, một sự dàn xếp đã được chấp nhận. Rằng Paulus không phải trả lời câu hỏi từ các phóng viên, ông chỉ phải chường mặt ra để chứng minh rằng ông đã không tự sát.
Các thông tín viên ngoại quốc khá ngạc nhiên trước sự xuất hiện của các tướng Đức “Họ trông có vẻ khỏe mạnh, ngay cả khó thở cũng không” Alexander Werth viết “Rõ ràng, trong sự kiện bi thảm Stalingrad, khi những người lính chết đói, thì họ vẫn liên tục được ăn uống ít, nhiều như bình thường. Người duy nhất có vẻ mặt kém chính là Paulus. Ông trông nhợt nhạt và bệnh hoạn, và má trái bồn chồn co giật”.
Những cố gắng đặt câu hỏi không thành công mấy. “Trông như ở sở thú vậy” Werth viết “ở đó những con thú được đưa ra trình diễn cho công chúng và những con khác hờn dỗi”. Tướng Deboi rõ ràng rất hài lòng, và ngay lập tức bảo với phóng viên nước ngoài - “như thể bảo chúng tôi đừng sợ” – rằng ông ta là người Áo. Tướng Schlomer là người thư thái nhất. Ông quay sang một trong những người bắt giữ và vỗ lên cầu vai mới của viên sỹ quan, thiết kế này mới được Stalin đưa ra, la lên với vẻ mặt ngạc nhiên kiểu hoạt hình: “Gì vậy – kiểu mới à?”. Còn tướng von Arnim thì lại bận tâm nhất về hành lý của mình, thứ mà ông nghĩ rằng lính Hồng quân đã thó. “Các sỹ quan thì cư xử đứng đắn”, ông tuyên bố, nhưng lính thì ông mô tả là “những tên cướp trơ trẽn”.
Sự căng thẳng của việc bị bắt cũng gây ra những hành vi không đường bệ trong hai căn nhà nông dân ở Zavarykino. Vào một buổi sáng Adam khiêu kích có chủ đích thượng úy Bogomolov bằng kiểu chào Quốc xã và “Heil Hitler”. Tuy vậy, tướng Schmidt mới là người mà phía Nga không thích nhất. Bogomolov bắt ông ta phải xin lỗi người nữ cấp dưỡng bị ông ta làm cho khóc khi phục vụ bữa trưa cho họ. Vài ngày sau, có một vấn đề trong ngôi nhà izba dành cho các vị tướng còn lại. Trung úy Spektor của đội bảo vệ số 2 gọi phôn cho Bogomolov, xin anh đến nhanh chóng. Có một trận đánh lộn. Bogomolov viết “Khi tôi mở cửa ra, tôi thấy một viên tướng Đức đang túm chặt tay một viên tướng Rumani. Khi viên tướng Đức trông thấy tôi, ông ta bỏ đi, và rồi viên tướng Rumani đấm ông ngay vào miệng. Hóa ra trận cãi nhau ấy là về những thìa, dĩa, và dao của tay tướng  Rumani, mà ông ta tuyên bố rằng tay tướng Đức ráng lấy đi”. Bogomolov, khinh bỉnh hoài nghi, mỉa mai cảnh báo trung úy Spektor “nếu ông ta vẫn tiếp tục có những hành vi như vậy, cứ tịch thu thìa”.
Sự kình địch và ghét nhau ngấm ngầm giữa các viên tướng giờ công khai ra. Tướng Heitz và tướng Seydlitz ghét nhau càng nhiều hơn sau việc Seydlitz cho các sư đoàn trưởng thuộc quyền được tự quyết về việc đầu hàng. Còn Heitz, đã lệnh cho binh sỹ của mình chiến đấu “cho đến viên đạn cuối cùng”, lại tự đầu hàng, và sau đó chấp nhận ăn tối với tướng Schumilov ở sở chỉ huy tập đoàn quân 64. Ông ta cũng ở đó cả đêm. Rốt cuộc, khi ông nhập bọn với những viên tướng bị bắt khác ở Zavarykino, đã có phản ứng bởi ông ta tới với vài chiếc valy được đóng cẩn thận sẵn cho việc ở tù. Khi thẳng thắn hỏi về lệnh chiến đấu đến cùng của mình, ông ta trả lời rằng cũng đã muốn tự sát, nhưng bị tham mưu trưởng của ông ngăn lại.
Với Wehrmacht, đây là lúc để tính toán thiệt hại, Đội đặc nhiệm của thống chế Milch ước tính rằng họ mất 488 phi cơ vận tải và 1000 thành viên phi hành đoàn trong cả chiến dịch không vận. Sư đoàn Cao xạ số 9 bị tiêu diệt, cùng với các đội mặt đất khác, không thấy có nói gì về thiệt hại của Không đoàn 4 với lượng máy bay ném bom, tiêm kích và Stukas trong chiến dịch.
Lượng thiệt hại về phía Lục quân hiện vẫn không chắc chắn, nhưng rõ ràng trận Stalingrad là thất bại thảm khốc nhất cho tới giờ trong lịch sử nước Đức. Tập đoàn quân VI và Tập đoàn quân xe tăng IV trên thực tế là bị xóa sổ. Chỉ tính riêng trong vòng vây, có tới chừng 60.000 người đã bị giết kể từ khi chiến dịch Uranus mở màng và chừng 130.000 người bị bắt. (Sự lộn xộn, một lần xuất hiện chủ yếu là do con số thống kê lượng người Nga trong quân phục Đức). Con số này là chưa kể tới những thiệt hại quanh Stalingrad từ giữa tháng Tám đến tháng Mười một, cả bốn Tập đoàn quân đồng minh bị tiêu diệt, và lực lượng giải cứu bị đánh bại của Manstein cùng thiệt hại gây ra bởi chiến dịch Sao Thổ nhỏ. Tính gộp chung, phe Trục phải mất hơn nửa triệu người.
Việc đưa cái thảm họa này ra cho công chúng Đức là một thách thức mà Goebbels phải làm nổi lên năng lực cuồng tín, sử dụng tất cả tài năng của ông cho việc bóp méo sự thật một cách không biết xấu hổ. Nhà cầm quyền không hề công nhận Tập đoàn quân VI bị vây cho đến tận ngày 16 tháng Giêng, khi nói rằng “quân ta vài tuần nay đã chiến đấu anh dùng trước những trận công kích của quân thù từ mọi hướng”. Và giờ, chọn hướng đối ngược, tuyên bố rằng không còn một ai sống sót.
Goebbels vận động các đài phát thanh vào báo chí cùng hành động vì quốc gia trong nỗi thương đau thượng võ. Ông hướng dẫn các báo cách viết miêu tả về bi kịch đã đổ ra. Họ phải nhớ rằng mỗi từ viết về trận chiến xúc động này sẽ được đi vào lịch sử. Báo chí phải dùng từ Bolsevik chứ không được dùng từ người Nga. “Cả bộ máy tuyên truyền của Đức phải tạo ra một huyền thoại về chủ nghĩa anh hùng ở Stalingrad và nó sẽ chiếm một vị trí cao quí nhất trong lịch sử nước Đức”. Riêng thông cáo quân đội, phải diễn đạt theo cách “hướng đến những thế kỷ sau”. Nó phải ngang bằng với bài diễn văn của Ceasar trước quân của ông, với lời yêu cầu của Frederick Đại đế đến các vị tướng trước trận Leuthen, và với lời kêu gọi của Napoleon trước lính cận vệ hoàng gia của mình.
Thông cáo được phát ra như một tuyên bố đặc biệt trên sóng phát thanh hai mươi bốn giờ sau khi Strecker đầu hàng. ”Tổng hành dinh quốc trưởng, ngày 3 tháng 2 năm 1943. Bộ tổng tư lệnh tối cao Lục quân thông báo rằng trận Stalingrad đã kết thúc. Làm đúng lời thề của mình trước đất nước, cả Tập đoàn quân VI dưới sự lãnh đạo mẫu mực của thống chế Paulus đã ngã xuống trước quân địch đông vượt xa về số lượng…. Nhưng sự hi sinh của Tập đoàn quân VI sẽ không bị lãng phí. Là bức tường bảo vệ cho sứ mệnh lịch sử của chúng ta với Châu Âu, họ đã không đầu hàng trước sự tấn công của sáu Tập đoàn quân Soviet…. Họ đã hy sinh để nước Đức được sống”. Lời nói dối của nhà cầm quyền đã phản tác dụng, đặc biệt là với thông tin rằng mọi thành viên thuộc Tập đoàn quân VI đều đã chết cả. Không thông báo nào về 91000 tù binh mà phía chính quyền Liên Xô đã công bố, mà tin này cũng nhanh chóng lan ra khắp thế giới. Chắc chẳn, có nhiều người hơn bình thường chuyển sang nghe đài ngoại quốc.Lệnh ban hành một kỳ quốc tang kéo dài ba ngày, các địa điểm vui chơi giải trí phải đóng cửa, tất cả các đài phát thanh cử các bài nhạc trang nghiêm, tuy nhiên báo chí bị cấm viền trang màu đen và không treo cờ rủ.
Ban An ninh SS không lường hết được ảnh hưởng lên tinh thần dân chúng. Họ cũng biết thư từ vòng vây đã mô tả những nổi kinh hoàng và cực nhọc, về cơ bản là mâu thuẫn với cái nói khoa trương của nhà cầm quyền về thảm họa. Một người báo cáo “Những lá thư vĩnh biệt của các chiến sỹ Stalingrad đã gieo rắc  nỗi buồn to lớn không chỉ với gia đình, họ hàng mà cả trong một cộng đồng dân cư rộng, ảnh hưởng nhiều như vậy là do những lá thư đó được chuyển quanh nhanh chóng. Tình cảnh của những tuần chiến đấu sau cùng được mô tả (trong thư) ám ảnh gia đình, họ hàng cả ngày lẫn đêm”. Sự thật là Goebbel đã dự đoán được việc đó từ khá sớm, và đã quyết định ngăn chặn bưu thiếp gửi từ những người đã bị bắt làm tù binh. Trong nhật ký, ngày 17 tháng Chạp, ông viết: “Trong tương lai, thiệp gửi bà con họ hàng sẽ không được phát nữa, vì nó cung cấp phương tiện xâm nhập nước Đức cho tuyên truyền Bolsevik”.
Nhưng những cố gắng của phía Liên Xô cho thấy phải rất mạnh mẽ để ngăn chặn. Các trại tù binh của NKVD cung cấp bưu thiếp, nhưng vì nhà cầm quyền Đức không cho phép chúng vào, nên các nội dung trên đó được sao chép và in ra ở dạng nhỏ hơn, nhiều dòng trên chỉ một tờ giấy, và thả chúng ngay trên các tuyến quân Đức như là truyền đơn. Khi đã thả được, nhiều lính Đức ở tiền tuyến nhặt lên, dù có thể bị phạt nặng, rồi gửi thư khuyết danh đến những địa chỉ có trong danh sách nhằm báo rằng người nhà của họ còn sống. Họ ký tên bên dưới là “một người đồng bào” hay chỉ là “XXX”. Đôi khi, trong sự sợ hãi nhà cầm quyền, các gia đình còn nhận được cả bản sao của truyền đơn Liên Xô và liên lạc với người khác cùng cảnh ngộ.
Bản thân Paulus dường như phán đoán được trước khi đầu hàng rằng hệ thống cai trị có thể sẽ cố chuyển thảm họa Stalingrad thành một thứ huyền thoại về việc bị-đâm-sau-lưng mới (Khó có thể nói điều này thúc đẩy ông từ chối các điều kiện đầu hàng đưa ra vào ngày 9 tháng Giêng hay không). Tuy vậy, ở thời điểm này, kẻ giơ đầu chịu báng cho việc thất bại không phải những người Cộng sản hay Do thái như năm 1918, mà là Bộ tổng tham mưu và giới quí tộc, vốn vẫn gần gũi trong suy nghĩ nhân dân. 
Những ai bước vào tuyến lửa với sự nghi hoặc về một cơn bão phía trước.Otto, Furst von Bismark, đặc sứ Đức tại Rome, trốn đi nghỉ mát cùng vợ vào lúc cuối tháng Giêng, nhằm tránh những cuộc ăn mừng chính thức nhân ngày kỷ niệm chế độ Quốc xã lần thứ mười. Cũng như các nhà ngoại giao Đức ở xa Berlin, ông ta không biết nhiều về những điều khủng khiếp của thất bại ở Stalingrad. Đêm 31 tháng Giêng, họ ở khách sạn Palace tại St Moritz thì một cú phôn khẩn từ đại sứ Đức ở Berne được nối máy. Viên đại sứ cảnh báo “Đừng nhảy nhót nữa! Stalingrad đổ rồi”. Họ đều biết St Moritz là nơi nghỉ dưỡng ưu thích của các sỹ quan SS cao cấp. Không cần phải nói thêm gì nữa.
Đường lối của Bộ tuyên truyền về tướng lĩnh và binh sỹ cùng chiến đấu vai kề vai thay đổi nhanh chóng. Ngày 18 tháng Hai, Goebbels tổ chức một cuộc tập hợp lớn ở sân vận động Berlin, với khẩu hiệu: “Chiến tranh tổng lực – Cuộc chiến ngắn nhất!”. Một băng rôn vĩ đại mang lời kêu gọi nối tiếng từ năm 1812: “Cuộc chiến của chúng ta - Hãy hét: Nhân dân cùng đứng dậy, xông lên thoát khỏi kiềm tỏa”. Bối cảnh lịch sử rất khác nên điều này hoàn toàn không thích hợp trừ những ủng hộ viên tận tụy nhất của chế độ.Từ trên bục, Goebbels gào lên “Các bạn có muốn một cuộc chiến tổng lực không?”. Thính giả của ông tru lên trả lời. “Các bạn có quyết tâm đi theo Quốc trưởng và chiến đấu để chiến thắng với bất kỳ giá nào không?”. Một lần nữa đám đông trung thành lại rú lên.
Trong những tuần sau sự kiện Stalingrad, Goebbel lên một chương trình nghị sự. Ông yêu cầu kết thúc biện pháp thỏa hiệp, với sự tổng động viên, nhưng chủ nghĩa hình thức hầu như quan trọng hơn với các biện pháp hấp tấp. Lớp đồng phủ lên cổng Brandenburg bị gỡ ra phục vụ cho công nghiệp chiến tranh. Các sự kiện thể thao chuyên nghiệp bị cấm. Các cửa hàng xa xỉ phẩm, kể cả kim hoàn, bị đóng cửa. Tất cả các tạp chí thời trang bị đình bản. Goebbels còn tổ chức cả một chiến dịch chống thời trang, với ý niệm rằng phụ nữ không cần làm đẹp, bởi họ muốn “những người lính chiến thắng trở về”. 
Có tin đồn lan truyền rằng ngay cả uống tóc cũng sẽ bị cấm. Hitler, người cuồng nhiệt tin rằng thiên chức của phụ nữ là để làm đẹp, phản đối điều này, và Goebbel buộc phải thông báo rằng: “phụ nữ không nhất thiết phải làm mình xấu xí”. Việc trao đổi hàng-hàng, dấu hiệu đầu tiên của một nền kinh tế thời chiến, lan truyền nhanh chóng. Ví dụ như, bàn chải cọ sàn nhanh chóng được đổi với vé xem hòa nhạc Furtwangler.Hộp đêm và các nhà hàng sang trọng, như là Hotcher, Quartier Latin, Neva Grill, Peltzers Atelier và Tuskulim ở Kurfurstendamm bị đóng cửa. Khi mở cửa lại, khách hàng được khuyến khích tự giới hạn mình ở những món Feldkuchengerichte – “các món ăn ở bếp dã chiến” – để thể hiện tình đoàn kết với binh sỹ ở nước Nga, rất có khả năng là ý tưởng lấy cảm hứng từ việc chống béo phì của Zeitzler. Tuy nhiên, Goering đã sắp đặt để Horcher, nhà hàng ưa thích của ông ta được mở cửa lại với danh nghĩa Câu lạc bộ sỹ quan Không quân.
Thông điệp nửa kín nửa hở rằng tầng lớp sỹ quan cao cấp, tham nhũng phản bội lý tưởng Quốc xã được lan truyền theo nhiều cách. Và không lâu sau đó, thành viên các gia đình hoàng gia Đức bị yêu cầu từ chức ở mọi chức vụ. Ngay cả việc cưỡi ngựa trong vườn Tiergarten cũng bị cấm.
Ngày càng nhiều khẩu hiệu tuyên truyền của Quốc xã xuất hiện trên các bức tường, nhưng người dân Berlin yếm thế thích nhất là bức graffiti: “Thích chiến tranh thì hòa bình sẽ tệ hơn”. “Kiên trì” là từ được dùng nhiều nhất trong bộ từ vựng tuyên truyền. Nỗi lo sợ cho tương lai lớn dần, trên tất cả là quyết tâm trả thù hung bạo của nước Nga. Một chủ quán trọ ở Rừng Đen, nguyên là lính mặt trận phía Đông nói với Christabel Bielenberg rằng “Nếu chúng ta chỉ phải trả một phần tư những gì chúng ta đang làm ở Nga và Balan, Frau Doktor, thì chúng ta phải chịu đựng và chúng ta đáng phải chịu”.
Những người Đức không thích Quốc xã, chỉ nhận ra nghịch lý kỳ cục khi quá rõ ràng. Cuộc xâm lược Liên Xô làm người Nga bảo vệ chủ nghĩa Stalinít. Giờ mối đe dọa bại trận buộc người Đức bảo vệ chế độ của Hitler và sai phạm rùng rợn của nó. Sự khác biệt ở đây, là người Nga có một lãnh thổ rộng lớn để lùi, trong khi nước Đức phải đối diện với chiến tranh ở cả hai mặt trận, với những trận ném bom rải thảm và cấm vận. Để làm mọi thứ tệ hơi, Roosevelt và Churchill, tại Casabalanca đã tuyên bố ý định của họ về việc chiến đấu cho đến khi phe Trục đầu hàng vô điều kiện. Điều này làm cho cánh tay của Goebbels thêm dài vô tận.
Về phía những người chống đối, với hàng đống lý do từ do dự và bất đồng đến chuyển hướng thiếu may mắn, đã không xoay sở hành động đúng lúc. Quá trễ để thuyết phục phía Đồng Minh rằng có nhiều khả năng dân chủ trong chế độ Nazi cũng như sự chống đối táo bạo của các tướng lĩnh sợ thất bại. Các thành viên chống đối, dù biết rõ điều này, nhưng vẫn nuôi hi vọng rằng Stalingrad ít nhất cũng sẽ cung cấp ngòi nổ cho một cuộc nổi dậy, nhưng không một viên tư lệnh quân đội nào sẵn sàng chuyển động. Những người cấp bậc kém hơn, nhưng quyết tâm cao hơn, những sỹ quan sẵn sàng chấp nhận nguy cơ cao, nếu cần thì hi sinh tính mạng cho nỗ lực, nhưng Hitler, dường như có được chiếc mũi rất thính với mối nguy hiểm, được bảo vệ rất tốt và thường thay đổi kế hoạch vào phút chót.
Dấu hiệu bất mãn công khai duy nhất sau sự sụp đổ ở Stalingrad đến từ một nhóm nhỏ sinh viên Munich, được biết dưới cái tên Hoa Hồng Trắng. Ý tưởng của họ phát tán đến các sinh viên khác ở Hamburg, Berlin, Stuttgart và Viên. Ngày 18 tháng Hai, sau một chiếc dịch phát truyền đơn và kẻ biểu ngữ trên tường kêu gọi lật đổ chủ nghĩa Quốc xã, Sophie Scholl và em trai cô, Hans, bị bắt sau khi rải truyền đơn ở trường đại học Ludwig-Maximilian ở Munich. Bị Gestapo tra tấn và sau đó bị xử án tử hình bởi Roland Freisler ở phiên đặc biệt tại Tòa án Nhân dân Munich, cả hai chị em bị treo cổ. Một số thành viên khác, bao gồm cả giáo sư Triết học, Kurt Huber, cũng chịu số phận tương tự.
Rất nhanh sau lượt đầu hàng cuối cùng ở Stalingrad, Hitler gặp thống chế Von Manstein,  sỹ quan cao cấp đầu tiên đứng ngoài vòng thân cận của ông ta. Manstein thảo ra các biện pháp ông buộc phải làm để tránh sự sụp đổ toàn diện ở phía nam nước Nga. Hitler muốn ra lệnh ông này không được rút lui thêm nữa, nhưng Manstein hiểu rằng, trong điều kiện hiện nay, ông có thể đặt ra giới hạn. Trong suốt buổi thảo luận, Hitler bảo rằng ông ta sẽ chịu trách nhiệm một mình về sự kiện Stalingrad, rồi lập tức tránh né sự thú tội của mình bằng cách nói thêm rằng ông sẽ qui một số trách nhiệm lên Goering; nhưng kể từ khi ông ta chỉ định viên Thống chế Đế chế ấy vào vị trí kế nhiệm, ông không thể đổ trách nhiệm vụ Stalingrad cho ông ấy. (Ông ta) cũng không nhắc chút nào đến sách lược rối như canh hẹ của mình cũng như những nỗ lực thu tóm quyền điều khiển các chiến dịch từ xa. Hitler vẫn dành cho Paulus sự buộc tội cao nhất. Ông bảo với Goebbels rằng sau chiến tranh, sẽ đưa Paulus và các tướng lĩnh thuộc quyền ra tòa án binh vì đã không tuân theo lệnh dứt khoát của ông ta, chống cự cho đến viên đạn sau cùng.
Lúc này Hitler hiếm khi đứng trước bàn, như thói quen của mình. Ông cũng thích ngồi ăn một mình hơn. Tướng Guderian nhận thấy ông ta thay đổi nhiều: “Tay trái ông run rẩy, lưng còng, cái nhìn chằm chằm, mắt lồi ra nhưng thiếu vẻ tinh anh trước kia, gò má thì nổi lấm tấm đốm đỏ”. Nhưng khi Hitler gặp Milch, ông ta lại cho thấy không có hối tiếc chút gì với sự thiệt hại nhân mạng to lớn ở Stalingrad. Ông có thể chỉ nghĩ đến việc vươn lên lần nữa cho dù phải mất nhiều người hơn. “Chúng ta sẽ kết thúc chiến tranh trong năm nay” ông ta nói với Milch “Do đó tôi quyết định tổng động viên tất cả sức mạnh của người dân Đức”.
Ở Nga, sự hả hê dữ dội với chiến thắng bùng ra một cách tự phát cũng như có xếp đặt. Chuông điện Kremlim gõ vang báo tin Paulus đầu hàng. Những bài nhạc Nga hùng dũng được phát trên sóng vô tuyến và thông cáo được truyền đi khắp mặt trận trên từng tờ báo. Họ tán dương “bài học lịch sử nghiêm khắc” đã dạy cho “bọn tướng lĩnh phiêu lưu Đức” bởi những Hannibal của Hồng quân trong cuộc chiến Cannae hiện đại. Stalin được mô tả như là nhà lãnh đạo khôn khéo và kiến trúc sư vĩ đại của chiến thắng.
Nhuệ khí ở Liên Xô lên cao thật sự. Ở khắp mọi nơi, người ta hỏi nhau về tin tức sau cùng của trận chiến bên bờ sông Volga. Khi chiến thắng của trận đánh kinh hoàng đó đến, họ bảo nhau: “Không thể ngăn chặn nổi một quân đội đã làm được những điều ở Stalingrad”. Họ cũng đùa với nhau trong niềm vui thú về sự trả giá của kẻ thù bị bại trận. “Tôi tò mò không biết một thống chế bị bắt trong hầm cảm thấy thế nào?” một người bày tỏ. “Sau trận Stalingrad, không một người lính nào còn lo ngại về kết quả của cuộc chiến” một sỹ quan bị thương nói. Các sư đoàn Stalingrad được điều đến các tập đoàn quân, các phương diện quân khác để tăng nhuệ khí thêm.
Ngay sau đó, Stalin được phong chức Nguyên soái Liên Xô bởi Chủ tịch đoàn Sô viết tối cao Liên Xô, một dạng hiện đại của kiểu Napoleon tự tấn phong hoàng đế cho mình. Lịch sử chiến tranh đột nhiên thay đổi. Những thảm họa trong năm 1941 được viết lại như thể đó là một phần của một kế hoạch khéo léo do Stalin nghĩ ra. Hình ảnh, tên tuổi của Stalin được giữ tránh xa báo chí trong thời kỳ tệ hại đó, nhưng giờ “vị thuyền trưởng vĩ đại của nhân dân Liên Xô”, “Nhà tổ chức thiên tài của chiến thắng” trở lại vị trí. Tất cả những thảm họa, những điều xấu xa bị đổ cho những người khác, đúng hơn, như là những triều thần bị đổ lỗi trong thời kỳ Sa hoàng. Illya Ehrenburg, với tính nhạo bám cay độc, nhận xét rằng nhân dân “cần phải tin”. Ngay cả tù nhân trong trại Gulag cũng viết thư cho người Cha vĩ đại của nhân dân, nhận thức rằng Người đã làm đúng trong các phiên xử oan sai kinh khủng, không tưởng tượng được dưới Chủ nghĩa Cộng Sản. Không nhà lãnh đạo nào có ảnh hưởng hơn Beria.
Tướng lĩnh Hồng quân được thăng thưởng rõ. Việc bỏ hệ thống chỉ huy song đôi của chính trị viên cách đây không lâu, được làm cho hoàn chỉnh với việc sắp đặt lại có qui cũ các cấp bậc binh lính, sỹ quan. Lối nói trại “commander” cũng bỏ.
Như tướng Schlomer đã ghi nhận với sự thích thú, cầu vai – biểu tượng cấp bậc vốn từng bị vài đám đông Bolsevik trong các cuộc hành hình năm 1917 đóng đinh ghim vào thi thể những người theo chế độ Sa hoàng – nay được phục hồi. (Vải viền vàng được đặt bí mật từ Anh quốc, và bị ngạc nhiên, phản đối bởi giới chức ở đó). Một người lính thuộc một sư đoàn Cận vệ nghe được tin về cầu vai từ một người đánh giày già ở ga xe lửa: “Họ đang bắt đầu dùng cầu vai vàng một lần nữa”, ông lão nói với anh trong vẻ giận dữ không tin được “Cứ như bọn Bạch vệ”. Những người lính đồng đội cũng rất ngạc nhiên khi anh ta kể lại lúc quay về tàu. “Tại sao lại (dùng) trong Hồng quân nhỉ?” họ hỏi. Những lời xì xầm kiểu đó bị bỏ qua. Những huân chương mới của cuộc Chiến vệ quốc vĩ đại – Huân chương Suvorov và Kutuzov – cũng được tặng cho các sỹ quan cao cấp trong trận chiến.
Tuy vậy, thành tựu tuyên truyền lớn nhất, là vươn ra xa khỏi biên giới Liên Xô. Câu chuyện về sự hy sinh của Hồng quân gây ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn thế giới, đặc biệt ở lục địa Châu Âu đang bị chiếm đóng. Ảnh hưởng tác động lên các hoạt động kháng cự ở mọi nơi và chi phối các chính sách hậu chiến ở Châu Âu đáng kể. Chiến công của Hồng quân nâng cao hình tượng của các đảng viên và hấp dẫn những cảm tình viên càng thêm đông đảo.
Ngay cả những người bảo thủ cũng không thể tránh việc tán dương chủ nghĩa anh hùng của Hồng quân. Tại Anh, vua George VI đặt rèn Thanh gươm Stalingrad để tặng cho thành phố ấy. Tinh thần dân chúng và binh sỹ cũng được tăng cao bởi những đoạn phim tài liệu ca ngợi chiến thắng, với cảnh lập lòe của Paulus cùng những hàng tù binh dài, vắt ngang qua thảo nguyên tuyết phủ. Ai cũng biết người Nga đang gánh sức mạnh quân sự chính của nước Đức, và rằng mặt trận phía Đông đang làm chảy máu quân đội Đức đến chết, rõ ràng nhiều hơn xa so với bất kỳ nơi nào ở phía Tây. Hồng quân sẽ tiến lên, như một sỹ quan đã hét vào mặt các tù binh, cho đến khi nào Berlin cũng như thành Stalingrad đổ nát.
Chương 24: Thành phố của những người chết
Ngày 2 tháng Hai, trên thành phố đổ nát sự yên tĩnh rơi xuống với cảm giác kỳ lạ cho những ai đã trở nên quen thuộc với sự tàn phá như là một điều tự nhiên. Grossman mô tả những gò gạch vụN và những hố bom sâu đến mức ánh mặt trời ở góc thấp của mùa đông dường như không bao giờ rọi nổi tới đáy, và “trên đường sắt, những toa xăng dầu nằm phơi bụng như những con ngựa chết”.
Chừng 3.500 thường dân được tổ chức làm trong các đội chôn cất. Họ chất xác lính Đức đông cứng thành từng đống như đống củi bên vệ đường, và vì họ chẳng có mấy xe lạc đà kéo, nên đa số các công việc chuyển vận là dùng bằng xe trượt tuyết tự chế hoặc xe cút kít. Xác lính Đức được đưa đến các boongke, hoặc các hào chống tăng lớn, đào từ mùa hè trước và lấp lại. Sau này, thêm 1200 tù binh Đức được dùng vào việc tương tự, dùng xe người kéo thay cho ngựa. “Hầu hết những người thuộc các đội công tác đó” một tù binh báo cáo “chết nhanh sau đó vì bệnh sốt Rickettsia”. Những người khác “hàng tá mỗi ngày” theo một sỹ quan NKVD ở trại Beketovka – bị bắn trên đường làm việc bởi lính canh.
Những bằng chứng rùng rợn của trận chiến không biến mất đi ngay lập tức. Khi sông Volga tan băng trong mùa xuân, hàng đống xác chết đông cứng, đen ngòm được tìm thấy bên bờ sông. Tướng de Gaulle, khi dừng chân ở Stalingrad trên đường đến Moscow vào tháng 12 năm 1944, bị ấn tượng mạnh khi thấy người ta vẫn còn đào kiếm xác, nhưng thật ra việc này còn tiếp diễn cả mấy thập kỷ sau. Hầu hết những tòa nhà trong thành phố mở ra cho người còn sống sau trận đánh.
Đáng ngạc nhiên hơn cả số lượng người chết chính là khả năng sống sót của con người, Đảng ủy thành phố Stalingrad tổ chức meeting ở khắp các quận “được giải phóng khỏi ách chiếm đóng phát xít” rồi nhanh chóng làm công tác điều tra dân số. Họ tìm thấy ít nhất 9796 thường dân còn sống sót qua trận chiến, trong các đống đổ nát của chiến trường. Trong đó có 994 trẻ em, mà chỉ có 9 em là tìm lại được cha mẹ. Phần lớn được gửi đến các trại trẻ mồ côi hoặc đến phục vụ trong công tác làm sạch thành phố. Báo cáo không nói gì đến tình trạng thể chất hay tâm lý những người đó, như bằng chứng từ một tình nguyện viên Hoa Kỳ, người đến rất sớm sau trận chiến để phát quần áo “Hầu hết bọn trẻ” cô viết “sống trong lòng đất từ 4 đến 5 tháng. Các em phù thũng vì do sống trong điều kiện như vậy. Chúng co mình một góc và ngại nói chuyện, và cả việc nhìn thẳng vào mặt người khác”.
Đảng ủy Stalingrad có những việc ưu tiên cao hơn. “Chính quyền Soviet ngay lập tức được tái lập trên tất cả các quận của thành phố”, báo cáo về Moscow ghi. 
Ngày 4 tháng Hai, Hồng quân tổ chức một cuộc meeting lớn cho “cả thành phố”, cả thường dân lẫn binh lính. Cuộc tập hợp đó, với những bài diễn văn dài nhằm tung hô đồng chí Stalin và tài lãnh đạo Hồng quân của Người, là một dạng dịch vụ cảm ơn của Đảng.
Đầu tiên, chính quyền không cho thường dân đã thoát sang bờ đông được quay về nhà trong thành phố bởi cần phải dọn sạch bom đạn chưa nổ. Các đội gỡ mìn phải chuẩn bị một sơ đồ cơ bản “những lối đi an toàn”. Nhưng ngay sau đó nhiều người đã cố vọt về qua sông Volga không phép. Các thông điệp xuất hiện đầy trên tường các tòa nhà đổ nát, minh chứng cho số lượng các gia đình bị ly tán bởi trận chiến “Mẹ, chúng con ổn cả. Hãy tìm bọn con ở Beketovka. Klava”. Nhiều người không biết được gia đình, họ hàng của họ còn sống hay đã chết cho đến tận khi chiến tranh kết thúc.
Một lượng lớn tù binh Đức, mà nhiều người trong số họ quá yếu để đứng nổi, cũng bị buộc phải có mặt ở buổi meeting chính trị tại trung tâm Stalingrad để nghe những bài hô hào dài dòng của ba lãnh đạo ĐCS Đức: Walter Ulbricht, Erich Weinert và Wilhelm Pieck.
Tình trạng của đa số tù binh lúc đầu hàng là rất thê thảm, nên mức tử vong lớn là dễ biết trước được trong những tuần, tháng kế tiếp. Các hành động tàn bạo và hỗ trợ y tế tồi tệ làm gia tăng vấn đề này lên nhiều, và trên tất cả là việc thiếu hụt hậu cần không thể tính toán được. Trong số 91.000 tù binh vào lúc cuối cuộc chiến, hầu như phân nửa chết trước khi mùa xuân tới. Chính Hồng quân cũng biết được, trong các báo cáo sau này, rằng mệnh lệnh chăm sóc tù nhân bị bỏ qua, và cũng không thể nói được có bao nhiêu lính Đức bị bắn chết trong quá trình đầu hàng, hoặc ngay sau đó, thường là để trả thù cho cái chết của họ hàng, bà con hay đồng đội.
Mức tử vong ở những nơi gọi là “bệnh viện” rất kinh khủng. Hệ thống hầm hào ở hẻm núi Tsaritsa, giờ được đổi tên là “Bệnh viện tù binh số 1”, vẫn là nơi tệ nhất, lớn nhất, chỉ bởi không có nhà cửa để chống lại cái lạnh. Nước chảy lan trên tường, không khí còn hơn cả nhiễm độc với hơi thở của người bịnh, oxy thiếu tới nỗi những cây đèn dầu tự tạo bằng lon đồ hộp chỉ cháy được lập lòe rồi tắt ngóm, cả đường hầm chìm trong bóng tối.
Thương binh nằm lăn lóc cạnh nhau trong đường hầm hẹp, trên nền đất ẩm ướt mòn vẹt, trong bóng tối thật khó để không đạp lên hay vấp lên những bàn chân bị bỏng tuyết và chịu nghe những tiếng hét đau đớn inh tai. Nhiều người bỏng tuyết chết vì hoại thư, các bác sỹ không thể đối phó được. Dù họ có sống sót qua cuộc phẫu thuật cắt chi thì thể trạng yếu ớt và không có thuốc gây mê là những vấn đề lớn khác.
Điều kiện của đa số 4.000 thương binh là vô cùng tội nghiệp, các bác sỹ vô vọng trước việc nấm lan rộng trên vết thương. Họ hầu như không còn băng gạc cũng như thuốc men. Chỗ loét và các vết thương hở làm vi trùng uốn ván từ rác rưởi bẩn dễ dàng thâm nhập. Về mặt vệ sinh, thì có một cái xô để dùng cho những người bị bệnh lỵ, không nói nổi và trong bóng tối không đèn. Nhiều người yếu tới mức không gượng dậy nổi và cũng không có đủ hộ lý để đáp ứng những yêu cầu giúp đỡ thường xuyên. Mà chính bản thân các hộ lý cũng yếu bởi sự thiếu ăn và nhanh chóng bị bệnh bởi phải dùng nước bẩn trong hẻm núi.
Các bác sỹ không có nổi một danh sách tên bệnh nhân hoàn chỉnh, huống hồ gì là bệnh án. Các đơn vị thuộc tuyến hai của quân Nga, và cũng là các đơn vị y tế, đã cướp thuốc men và thiết bị của họ, kể cả thuốc giảm đau. Một cha tuyên úy Tin lành thuộc sư đoàn bộ binh 297 còn bắn vào sau cổ bởi một thiếu tá Liên Xô khi ông đang cúi xuống băng cho một thương binh.
Các sỹ quan quân y Nga thất kinh trước những điều kiện đó. Nhiều người đồng cảm. Vài sĩ quan Nga chia thuốc lá cho các bác sỹ Đức, nhưng những công dân Sô viết khác thì đổi bánh mỳ lấy đồng hồ, nếu chúng còn sau đợt cướp trước đó. Dibold, một bác sỹ thuộc sư đoàn bộ binh 44 mô tả một nữ phẫu thuật viên quân đội, với gương mặt thuần nông dân mạnh khỏe, đã chòng gẹo và đổi đồng hồ, với một người lính Áo đến từ một gia đình nghèo, đưa ra một chiếc đồng hồ bỏ túi bằng bạc. Anh đưa của gia bảo đó ra, rõ ràng chắc là được cho trước lúc đi lính, và đổi lại được nửa ổ bánh mỳ. Ổ bánh này anh chia cho người khác, chỉ giữ lại phần nhỏ nhất cho chính mình.
Cảnh nghèo khổ cũng làm nổi lên những kẻ cặn bã. Có những tên lợi dụng các đồng đội cũ, đang không tự lo liệu được, với sự trơ tráo không tưởng tượng nổi trước đây. Chúng ăn cắp đồ từ những người đã chết và những bệnh binh yếu ớt nhất. Nếu ai còn đồng hồ, nhẫn cưới hay những đồ vật có giá trị khác, trong đêm tối sẽ bị lấy mất ngay. Nhưng lẽ tạo hóa cũng có sự trừng phạt công bằng. Những tên trộm nhanh chóng bị bệnh sốt Ricketsia do bị rận lây qua từ những người bị trộm. Một phiên dịch viên, đáng hổ thẹn vì những hành động của mình, được tìm thấy với một túi to chứa đầy nhẫn vàng dấu trong người khi hắn chết.
Lúc đầu, chính quyền Soviet chẳng cung cấp lương thực. Những tài liệu của Hồng quân và NKVD được giải mật đã cho thấy rằng, dù biết việc đầu hàng sẽ sắp xảy ra, nhưng rõ ràng là không có sự chuẩn bị nào cho việc đó, kể cả lính canh chứ đừng kể chi đến thức ăn cho tù binh. Đảng viên Cộng sản Đức, Erich Weinart, tuyên bố rằng tuyết rơi dày làm cản trở việc chuyên chở hàng hậu cần, nhưng điều này thiếu tính thuyết phục. Vấn đề thật chính là tổng hợp của sự thờ ơ tàn bạo cùng sự quan liêu kém cỏi, và trên cả là việc thiếu hợp tác giữa quân đội và NKVD.
Cũng có sự miễn cưỡng trong việc cung cấp thức ăn cho tù binh Đức khi mà cả Liên Xô còn đang bị thiếu lương thực trầm trọng. Nhiều binh sỹ Hồng quân còn thiếu ăn đừng nói chi đến dân thường, nên ý nghĩ về việc cho quân xâm lược cướp bóc nước họ, đồ ăn thức uống thì thật là sai. Cuối cùng, lương thực cũng bắt đầu đến sau ba hoặc bốn ngày, lúc đó nhiều người đã không được ăn uống gì gần hai tuần rồi. Ngay cả những người bệnh cũng chỉ có không quá một ổ bánh mỳ cho mười người, cùng với một ít súp nấu từ nước cùng hạt kê cùng vài lát cá muối. Chẳng thể mong gì ở việc đối xử tốt hơn, đặc biệt khi cân nhắc đến những “thành tích” của quân đội Đức trong việc đối xử với chính tù binh của họ, cả dân thường, lẫn lính tráng ở ngay tại Liên Xô.
Tuy vậy, mối lo lớn nhất của các bác sỹ với các bệnh nhân, không phải là chết đói mà là dịch sốt Ricketsia. Nhiều người đã lo có một trận bùng phát trong Kessel khi xảy ra ca nhiễm đầu tiên, nhưng họ không dám nói nhiều về mối quan ngại đó bởi sợ mọi người hoang mang. Trong bệnh-viện–đường-hầm họ tiếp tục cách ly những ca nhiễm khác bất kể là bệnh bạch hầu hay sốt Ricketsia. Các bác sỹ cũng van nài nhà cầm quyền cung cấp các phương tiện khử rận, nhưng nhiều lính Hồng quân và hầu hết thường dân sống trong khu vực đó cũng có rận. Không chút ngạc nhiên nào khi có nhiều người chết đến thế. Dường như không còn lý do để đấu tranh sinh tồn. Viễn cảnh được thấy lại gia đình lần nữa thật quá xa. Nước Đức ở tít mù khơi, như thuộc về một thế giới khác, một thế giới mà giờ dường như quá khả năng tưởng tượng. Cái chết hứa hẹn sẽ là một sự giải thoát khỏi khổ đau, không còn những cơn đau kiệt quệ cũng như sức mạnh, chẳng qua là một cảm giác bềnh bồng. Những ai muốn sống nhất dường như là những người vẫn tiếp tục đấu tranh vì niềm tin tôn giáo hoặc ngoan cố từ chối chết trong tình trạng tệ hại như vậy hay vì lợi ích của gia đình.
Ước vọng được sống đóng một vai trò quan trọng trong chặng đường giải về trại tù. Như Weinert mô tả “những bóng ma quấn giẻ nhúc nhắc lê bước” theo sau lưng người lính chiến. Rất nhanh sau những nỗ lực đi bộ để làm ấm người, bọn rận cũng hoạt động tích cực hơn. Vài người dân thường giật chăn khoát trên vai họ, nhổ vào mặt họ và thậm chí còn ném đá. Chỗ tốt nhất là ở hàng đầu hoặc an toàn nhất là đi cạnh lính canh. Vài người lính (Nga) khi đi ngang qua, bất kể đã có nghiêm lịnh, bắn bừa làm vui vào những hàng tù binh, cũng tương tự như lính Đức đã bắn vào vào các hàng tù binh Hồng quân vào năm 1941.
Những ai may mắn hơn thì được giải thẳng đến những trại tập trung trong vùng, dù thật ra cũng khá xa. Ví dụ như, tù binh từ túi phía bắc, phải đi hơn 12 dặm đến Dubovka, phía bắc Stalingrad. Và như vậy mất chừng 2 ngày. Trong đêm, họ bị lùa vào những căn nhà không nóc còn sót lại – sản phẩm của Không lực Đức, như lính canh không quên nhắc cho biết.
Tuy vậy, hàng ngàn người khác phải chịu điều chỉ có thể gọi là cuộc hành quân thần chết. Tệ nhất, là chuyến đi với không chút nước hay thức ăn trong khí hậu lạnh chừng 25 đến 30 độ dưới không, theo một tuyến đường zích zắc kéo dài từ hẻm núi Tsaritsa, theo hướng Gumrak và Gorodishche, và kết thúc ở Beketovka năm ngày sau đó. Mỗi lúc, họ nghe thấy tiếng súng trong tiết đông lạnh giá, và biết một nạn nhân khác đã ngã gục xuống tuyết, không bao giờ đi thêm được nữa. Cái khát là mối đe dọa lớn cũng như sự yếu ớt với những người thiếu đói. Dù tuyết bao quanh, nhưng họ cũng chịu số mệnh như những người thủy thủ xưa.
Hiếm khi có chỗ trú chân khi đêm xuống, nên những người tù túm tụm ngủ cùng nhau trên tuyết. Nhiều người thức giấc và nhận ra người đồng đội gần gũi đã chết và đông cứng cạnh bên. Để phòng ngừa việc này, một người trong nhóm được chỉ định thức gác và lay tỉnh những người khác sau mỗi nửa giờ. Cứ thế họ quay theo vòng. Có những nhóm khác sợ phải nằm xuống. Họ hi vọng có thể ngủ theo kiểu ngựa, họ cùng đứng tựa vào nhau theo từng nhóm, với một chiếc chăn phủ qua đầu để giữa lại chút hơi ấm từ cơ thể.
Bình minh đến, không mang lại sự khuây khỏa mà là nỗi khiếp hãi chặng đường hành quân phía trước. “Người Nga có phương pháp rất đơn giản” một trung úy sống sót ghi nhận “Những ai có thể đi nổi, được giải đi. Những ai không thể, bất kể là thương binh hay bệnh binh, đều bị bắn chết hoặc bị để lại đó với không chút thực phẩm”. Nhanh chóng hiểu được cái logic tàn bạo này, anh chuẩn bị bằng cách đổi chiếc áo len của mình để lấy bánh mỳ và sữa từ một phụ nữ nông dân Nga lúc dừng nghỉ đêm, bởi anh biết nếu không làm vậy thì anh sẽ ngã xuống vì yếu sức trong ngày kế tiếp.“Chúng tôi bắt đầu lên đường với 1.200 người” một người lính từ sư đoàn bộ binh 305 kể chi tiết “nhưng chỉ còn một phần mười, tầm 120 người là còn sống đến được trại Beketovka”. Cổng vào trại chính ở Baketovka là một nơi vào khác mà hoàn toàn xứng đáng với dòng chữ “Ai vào đây là từ bỏ tất cả hi vọng”.
Khi họ đến nơi, lính canh lục soát tù binh lần nữa để lấy đi những thứ có giá trị, rồi để họ đứng đợi “đăng ký”. Những người tù nhanh chóng nhận ra họ phải đứng ngoài trời lạnh giá hàng mấy tiếng, diễu qua theo từng nhóm năm người để “đếm”, có thể là một dạng lễ sám hối mỗi ngày. Cuối cùng, sau khi phía NKVD thực hiện công việc ký tá, họ được đưa vào những căn lều gỗ, lèn chặt chừng 40 đến 50 người mỗi phòng, “như xếp cá mòi” một người sống sót ghi nhận. Ngày 4 tháng Hai, một sỹ quan NKVD phàn nàn với sở chỉ huy Phương diện quân sông Đon rằng tình hình là “rất trầm trọng”. Trại tù ở Beketovka nhận đến 50.000 tù bình “bao gồm cả thương binh và bệnh binh”.
Phụ trách trại tù NKVD bị quá tải. Họ không có xe vận tải và cố xin phía quân đội chỉ một chiếc. Rốt cuộc nước được mang tới trại bằng thùng sắt trên những chiếc xe kéo bởi lạc đà. Một tù binh bác sỹ người Áo ghi nhận ấn tượng đầu tiên: “Không có gì để ăn, không có gì để uống, tuyết bẩn thỉu và băng đá vàng màu nước tiểu là thứ duy nhất để khuây khỏa cho cơn khát ghê gớm… Mỗi buổi sáng, thấy nhiều xác người hơn”. Sau hai ngày, phía Nga mới cung cấp cho ít “súp”, thứ không gì hơn là một bao cám đổ vào nước ấm. Tức giận với điều kiện sống, tù binh nạo rận từ người họ ra đầy tay, rồi ném vào lính canh. Những kiểu phản kháng như vậy mang lại án tử hình.
Ngay từ đầu, nhà cầm quyền Liên Xô phân chia tù binh ra, trước hết là theo quốc tịch, rồi sau đó là chính trị. Tù binh Rumani, Ý và Croatia, được ưu tiên làm công việc nhà bếp, ở đó những người Rumani cá biệt bắt đầu trả thù những cựu-Đồng-minh. Họ tin rằng, người Đức không chỉ đưa họ vào cái địa ngục này, mà còn cắt hậu cần khi ở trong vòng vây để quân Đức có thể được ăn uống tốt hơn. Những nhóm người Rumani đánh những người Đức đi riêng lẻ để nhận đồ ăn cho cả phòng, và thu luôn thức ăn. Phía Đức trả miếng, bằng cách gửi người hộ tống cho những ai đi nhận.
“Rồi một cú sốc khác đến” một thượng sỹ Không quân Đức ghi nhận “Những đồng đội người Áo của chúng tôi đột nhiên thôi là người Đức. Họ tự gọi mình là “người Áo” với hi vọng được đối xử tốt hơn – và thực là như vậy”. Người Đức cảm thấy chua xót “tất cả những tội lỗi chiến tranh chất chồng lên chúng tôi, những ai còn là “Người Đức””, đặc biệt là khi những người Áo, với cái logic thay đổi đó, đổ lỗi cho những tướng lĩnh người Phổ hơn là cho Hitler-người gốc Áo, cho tình huống khó khăn của họ.
Nhưng cuộc chiến để dành lại sự sống vẫn quan trọng hơn. “Mỗi sáng, người chết nằm dài ngoài trại” một sỹ quan thiết giáp viết. Những thi thể lạnh cứng, trần truồng đó được xếp chồng lên nhau bởi các đội lao động thành một hàng dài bên hông trại. Một bác sỹ ước lượng rằng ở Beketovka có “một ngọn núi xác người, dài chừng 100 mét và cao 6 feet”. Ít nhất có từ 50 đến 60 người chết mỗi ngày, một chuẩn úy không quân Đức ước tính. “Chúng tôi không còn nước mắt để khóc” anh viết sau này. 
Một tù binh khác được dùng làm thông dịch viên cho phía Nga cố xem “đăng ký tử vong”. Anh ghi nhận rằng đến ngày 21 tháng 10 năm 1943, riêng ở Beketovka có 45,200 người chết. Còn báo cáo của NKVD cho biết trong tất cả các trại tù binh ở Stalingrad, có 55,228 người chết tính đến ngày 15 tháng 4, nhưng không ai biết được có bao nhiêu tù binh bị bắt tính từ chiến dịch Uranus đến lượt đầu hàng cuối cùng.
“Cái đói” bác sỹ Dibold quan sát “làm thay đổi tinh thần và tính cách, dễ nhận ra được qua các thói quen mẫu mực và khó nhận thấy nhất là suy nghĩ của mỗi người”. Lính Đức cũng như Rumani để sống sót phải ăn đến cả thịt người. Những lát mỏng cắt từ những xác chết đông cứng, được đun sôi lên. Sản phẩm cuối cùng ra được là một thứ tròn như “thịt lạc đà”. Những ai ăn thứ thức ăn này nhanh chóng được nhận ra ngay, bởi nước da của họ có ẩn chứa sắc đỏ, thay cho vẻ xám xanh của phần lớn người. Những trường hợp như vậy cũng được báo cáo từ các trại khác ở quanh Stalingrad, ngay cả trại giam những tù binh từ hồi chiến dịch Uranus cũng có. Một nguồn tin Sô viết tuyên bố rằng “chỉ có mũi súng mới bắt được những tù binh đó bỏ hành động man rợ này”. Những người chịu trách nhiệm đề nghị thêm thức ăn, nhưng sự bất tài cũng với tệ tham nhũng trong hệ thống làm làm cùn nhụt mọi biện pháp.
Ảnh hưởng tổng hợp của sự kiệt sức, lạnh, bệnh tật và đói còn làm mất nhân tính của tù binh theo những cách khác. Bệnh lỵ lan tràn, những ai bị ngã và rơi xuống hố phân nhà xí, sẽ để cho chết chìm luôn, dù vẫn còn sống. Chẳng mấy ai có đủ sức hay có muốn kéo họ lên. Số phận kinh hoàng của những người đó ở dưới kia bị bỏ qua. Bởi nhiều người khác cũng bị bệnh lỵ, đang cần dùng nhà xí khẩn cấp hơn.
Lạ kỳ là, chính nhà xí cũng đã cứu mạng một trung úy trẻ, xuýt chết đói, anh là một bá tước, gia đình anh có vài tòa lâu đài và bất động sản. Anh nghe lỏm thấy một người lính nói gì đó bằng thứ tiếng địa phương của quận anh, không nhầm được, anh nhanh chóng la lên, hỏi người lính kia quê ở đâu. Người lính nêu ra cái tên của một ngôi làng nhỏ ở cạnh bên. Rồi anh ta hỏi ngược lại: “Vậy thế anh là ai và quê ở đâu?”. Viên sỹ quan trả lời. “À, ra vậy” anh lính cười to “Tôi biết anh rồi. Hồi trước tôi thường thấy anh đi qua trong chiếc xe thể thao Mercedes màu đỏ, phóng như bay. Ồ, giờ chúng ta lại ở cùng nhau. Nếu anh đói thì tôi có thể giúp được”. Người lính đó được chọn làm hộ lý trong một bệnh viện cho tù binh, và bởi rất nhiều người trong bệnh viện chết trước khi có cơ hội được dùng khẩu phần bánh mỳ, nên anh ta tích lũy được một túi cùi bánh mỳ thừa để chia với người khác trong lúc nghỉ ngơi. Cuộc nói chuyện hoàn toàn không biết trước này đã cứu mạng vị bá tước trẻ nọ.
Sự sống sót thường đi ngược mong đợi. Những người chết trước thường là những người có thân hình to lớn và mạnh mẽ. Trong khi những người nhỏ, gầy lại có cơ hội tốt nhất. Bởi cả lúc trong vòng vây lẫn khi trong trại tù, khẩu phần được chia đều cho đến từng vụn bánh, nên sẽ mang đến khả năng sống sót cho những người thích ứng nhất, bởi ở đây không có chia theo kích thước từng cá nhân. Thật thú vị khi được biết rằng trong các trại lao động Liên Xô, chỉ có ngựa mới được cho ăn dựa theo kích thước.
Khi mùa xuân đến, chính quyền Soviet bắt đầu tái tổ chức lại lượng tù binh trong vùng. Tất cả có chừng 235.000 tù binh, từ Tập đoàn quân VI, Tập đoàn quân xe tăng IV, cùng với những người bị bắt trong chiến dịch giải cứu của Manstein trong tháng 12, cũng như quân Rumani và lính Đồng minh khác, được nhốt trong khoản 20 trại tù và bệnh viện tù nhân trong vùng.
Các sỹ quan cấp tướng được đưa đi trước. Đích đến của họ là một trại ở gần Moscow. Họ đi trên cái mà các sỹ quan cấp thấp bất nhẫn phong cho cái tên là “Con tàu trắng”, bởi những toa xe trên đó rất tiện nghi. Sự cay đắng lớn này là hậu quả của sự kiện rằng những vị tướng ấy đã ra lệnh chiến đấu đến cùng, và họ không chỉ sống sót với lối nói tu từ đó của mình, mà giờ còn được hưởng những điều kiện mà lính của họ không thể so sánh nổi. “Nghĩa vụ của một vị tướng là ở cùng với lính mình” một trung úy bình luận “không phải là để phắn đi trên một toa xe nằm”. 
Cơ hội sống sót phụ thuộc tàn nhẫn vào cấp bậc. Trên 95 phần trăm lính trơn, NCO và 55% sỹ quan cấp thấp chết, trong khi đó con số chỉ là 5% với sỹ quan cao cấp. Như những phóng viên ngoại quốc ghi nhận, ngay sau lúc đầu hàng chỉ có vài sỹ quan cao cấp là có dấu hiệu của sự thiếu đói. Đối đãi ưu tiên mà các tướng lãnh được nhận, tuy vậy, minh chứng cho thấy về ý thức tôn ty thứ bậc ở Liên Xô.
Một số nhỏ sỹ quan được gửi đến những trại ở quanh Moscow, như Lunovo, Krasnogosk và Suzdal. Còn những ai chọn “giáo dục chống phát xít” thì được gửi đến một pháo đài – tu viện Yelabuga, đông Kazan. Điều kiện trên phương tiện vận chuyển không được như phần dành cho cấp tướng. Trong một đoàn công voa gồm 1800 sỹ quan đi lúc tháng Ba, 1200 người chết. Thêm vào đó bệnh Ricketsia, bệnh vàng da, bạch hầu, bệnh sco-bút, phù thũng và lao lan rộng. Và khi mùa xuân đến, số ca sốt rét tăng nhanh.
Lính và sỹ quan cấp thấp được chia theo từng cộng đồng cũng được xác định, 20.000 gửi đi Bekabad, đông Tashkent, 2.500 đến Volsk, đông bắc Saratov, 5.000 xuôi theo sông Volga đến Astrakhan, 2.000 đến Usman, bắc Voronezh, những người khác đến Basyanovsky, bắc Sverdlovsk, Oranky gần Gorky và cả đến Karaganda.
Khi đăng ký trước lúc khởi hành, nhiều người khai nghề nghiệp là “lao động nông nghiệp” với hy vọng được gửi đến một nông trại. Những tay nghiện thuốc lá nặng nhặt phân lạc đà, phơi khô nhằm có gì đó để nhả khói trong chuyến đi. Sau những gì trải qua ở Beketovka, họ chắn mẩn rằng những gì tệ nhất đã qua, cảnh tượng của việc di chuyển và đổi thay khá hấp dẫn, nhưng rồi họ nhanh chóng nhận ra mình đã sai. Trên toa xe lửa, chen chúc cả trăm người, chỉ có một lỗ nhỏ trên sàn làm nhà xí. Cái lạnh vẫn ghê gớm, nhưng khát nước mới là tai họa lớn nhất, họ được cho bánh mỳ khô và cá muối để ăn, nhưng nước rất ít. Rồi họ trở nên liều lĩnh tới mức liếm nước đóng băng trên mặt thép của toa xe. Và lúc dừng, những ai được phép ra ngoài thường không cưỡng nổi việc xúc một nắm tuyết to và tống vào miệng. Kết quả là nhiều người chết, quá lặng lẽ tới mức đồng đội của họ chỉ biết là họ đi nhiều, sau này. Xác của họ chất cạnh cửa trượt của toa xe, sẵn sàng để bỏ xuống. Lính canh Nga thường hét lên bằng thứ tiếng Đức bồi của họ ở mỗi điểm dừng: “Skolko kaputt!” – “Có bao nhiêu người chết?”.
Vài chuyến đi kéo dài tới 25 ngày. Những chuyến theo hướng Saratov, rồi băng qua Uzbekistan đến Bekabad nằm trong số những chuyến tệ hại nhất. Có một toa xe chỉ còn 8 người sống trong số 100 người. Khi những người tù, cuối cùng cũng đến được trại thu nhận trong khung cảnh núi non vùng Pamir, họ nhận ra nó được thiết lập cho một công trường đập thủy điện ở cạnh bên. Niềm vui khi nghe rằng họ sẽ được khử rận, cuối cùng cũng nhanh chóng tàn lụi. Họ bị cạo khắp người, “có thể so với cạo lông cừu”, rồi phun thuốc lên. Một số người chết vì kiểu dùng hóa chất nguyên thủy này.
Không có lều để ở, chỉ có hầm đào trên đất. Nhưng điều ngạc nhiên tệ hại nhất là việc một hạ sỹ Đức làm việc cho phía Soviet với tư cách chỉ huy lính gác. “Không người Nga nào đối xử với chúng tôi tàn bạo như hắn” một tù binh viết (* Lính canh Đức cũng được dùng ở những trại khác.  Tệ nhất là khoản hai trăm lính Đức – hầu hết là người Saxon vì vài lí do – vốn đão ngũ từ những tiểu đoàn trừng giới. Vũ trang bằng dùi cui gỗ và với cái tên được ban là “Chiến sỹ chống Chủ nghĩa phát xít”, chúng không cho tù binh được chút niềm vui được thôi điểm danh, ngay cả khi phần lớn không chịu nổi vì bị bệnh lỵ). 
May mắn thay, việc lưu chuyển giữa các trại thuộc hệ thống Gulag là khá thường xuyên. Từ Bekabad, nhiều người đến Kokant, hoặc đến chỗ tốt nhất, Chuama nơi này họ có điều kiện y tế tốt hơn và có cả một hồ bơi sơ sài. Tù binh ở đó đã được tổ chức khá tốt, thường bắt chim để nấu súp.
Những tù binh còn ở lại Stalingrad nhận ra trại tiếp nhận tại Krasnoarmeysk đã chuyển thành trại lao động khổ sai. Thức ăn, ít ra cũng được cải thiện với kasha (cháo kiều mạch) và canh cá, nhưng công việc rất nguy hiểm. Khi mùa xuân đến, nhiều người trong số họ bị đưa ra làm công việc trục vớt tàu chìm trên sông Volga, vốn do không lực và lục quân Đức bắn. Một quản đốc xưởng tàu người Nga, sốc bởi số lượng tù binh chết trong khi làm việc này, đã bắt cô em khác thề giữ bí mật trước khi kể cho cô nghe về điều đó.
Sự kìm kẹp của NKVD ở Stalingrad không lỏng bớt. Tù binh làm việc ở cả hai bờ sông Volga để ý rằng tòa nhà đầu tiên ở thành phố được tu sửa chính là cơ quan NKVD, và hầu như ngay lập tức đã có ngay một hàng dài phụ nữ đứng chờ bên ngoài với gói đồ ăn trên tay để tiếp tế cho người thân bị bắt. Những cựu binh Tập đoàn quân VI đoán rằng họ cũng sẽ còn là tù binh trong nhiều năm nữa. Sau đó, Molotov đã xác nhận cho nỗi sợ của họ, khi ông phát biểu rằng sẽ không có tù binh Đức nào được về quê cho đến khi Stalingrad được xây dựng lại.

tải về 2.43 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương