Phần 1: Toàn thế giới nín thở chờ đợi Chương 1: thanh kiếm hai lưỠi của barbarossa



tải về 2.43 Mb.
trang11/18
Chuyển đổi dữ liệu25.03.2018
Kích2.43 Mb.
#36541
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   18

Chương 17: Pháo đài không nóc
Trong tuần lễ đầu của tháng 12, quân Nga thực hiện những cuộc tấn công quyết liệt nhằm chia cắt Tập đoàn quân VI ra. Qua các cuộc chiến phòng ngự nặng nề, các sư đoàn thiết giáp của nó mất gần nửa trong số 140 tăng còn lại. Họ bị cản trở nhiều do thiếu nhiên liệu và đạn dược. Ngày 6/12, một nhóm chiến đấu lấy từ Sư đoàn Thiết giáp 16 được đưa vào một cuộc phản công bằng chân bởi vì họ không còn nhiên liệu cho các xe half-track (xe nửa xích nửa lốp). Trung úy von Mutius, viên sĩ quan trẻ người rất hãnh diện được làm thành viên cuối cùng của Quân đội Đức (Wehrmacht) rút qua sông Don, được cử làm phó chỉ huy nhóm này. 
Mục tiêu của họ là chiếm một ngọn đồi phía bắc của Baburkin, nhưng bất ngờ xe tăng Nga xuất hiện ngoài tầm hỗ trợ của một đơn vị khác. Chỉ huy nhóm chiến đấu ra lệnh rút lui. “Việc rút lui theo trật tự là không thể”, một thượng sĩ kể lại sau đó. “Mọi người bỏ chạy tự cứu lấy mạng mình. Quân địch bắn sau lưng chúng tôi bằng đủ mọi loại vũ khí. Một nửa nhóm bị quét sạch. Trung úy Mutius bị thương nặng. Nhằm tránh bị thương vong tệ hơn, ông ta liên tục kêu to ‘tản ra’”. Người thượng sĩ cho rằng ông ta đã cứu được nhiều nhân mạng, trong khi bản thân bất lực nằm đó đợi quân Nga đến. Những người sống sót cho rằng ông ta là ‘một anh hùng thật sự’”.
Sau một số cuộc tấn công, các chỉ huy Sô viết nhận ra rằng quân bị vây còn lâu mới bị đánh bại. Tập đoàn quân 57 nằm ở đoạn ép phía tây nam đã phải chịu các thương vong nặng nề. Tìm hiểu lý do các thất bại của quân Sô viết khá thú vị. Trong một báo cáo – “pháo và bộ binh không kết hợp tốt với nhau khi tấn công vào hàng phòng ngự của địch” – dường như có thương vong nặng do tự bắn nhầm. “Binh lính không được hướng dẫn đầy đủ về việc cần thiết phải đào hào”, là một báo cáo khác. Các sai lầm này dẫn đến “Các mất mát không thể sửa chữa từ tăng và máy bay Đức”. Không có gì đề cập đến thực tế rằng mặt đất bị đóng băng rắn chắc và các dụng cụ đào hào không được cung cấp đủ. 
Đằng sau chiến tuyến, các sĩ quan NKVD và phiên dịch làm việc đến khuya để thẩm vấn tù binh Đức, bao gồm từ những người đảo ngũ đầu tiên cho đến “những cái lưỡi” bị bắt bởi các đại đội trinh sát. “Bọn Bôn-sê-vích thường xuyên tìm bắt tù binh trong chúng tôi”, một trung úy từ Sư đoàn bộ binh 44 Hoch-und Deutschmeister của Áo kể lại. Cơ quan Tình báo tiền tuyến sông Đông đang cố gắng xác định tình trạng mất tinh thần của các sư đoàn, mà các cuộc tấn công cần phải tính đến. Có thể thấy ngay được các sư đoàn bộ binh 44 và 376, cả hai vừa mới rút qua sông Đông, không thể đào được các hầm cho đúng. Phần lớn binh sĩ của chúng, trong thời gian qua thời tiết thay đổi từ sương mù nặng sang mưa rồi quay lại sương mù nặng, ở trong các hố phủ bằng vải nhựa. 
NKVD đặc biệt quan tâm đến bất cứ dấu hiệu oán giận Đồng minh. “Mọi người nói rằng quân Áo chiến đấu không tốt”, thiếu úy Heinrich Boberg trả lời thẩm vấn của đại úy Dyatlenko ngày 10/12. “Có nhiều điều đúng, nhưng tôi nói nó không đúng với Sư đoàn Bộ binh 44. Người Áo có những lý do lịch sử để không cứng nhắc như người Phổ. Và bởi vì người Áo đã cộng tác với nhiều dân tộc khác, họ không có cùng kiểu tự phụ dân tộc như người Phổ”. Cái ban phong “Ostmark” cho Áo dường như biến mất rất nhanh khỏi vốn từ vựng của một tù binh Áo.
Một khi các cuộc tấn công lớn đầu tháng 12 tạm ngừng, thì chiến tuyến sông Đông tiếp tục gây sức ép lên Sư đoàn bộ binh 44 với các cuộc tấn công dùng máy bay không đối đất Shturmovik. Tinh thần chiến đấu của Tập đoàn quân VI vẫn còn tốt và khá vững vàng. Một trung úy lớn tuổi của Sư đoàn Thiết giáp 16 đã kể lại là tại giai đoạn này “đơn giản là không xuất hiện sự nghi ngờ về các kết quả tốt của các trận đánh”. Binh sĩ Đức, đặc biệt là những người phải sống trên thảo nguyên tuyết phủ đã nói đùa về “pháo đài không có nóc”. Đa số những người trẻ tuổi hơn được đào tạo trong một hệ thống chuyên chế không cần phải giải thích về lý do cho hoàn cảnh của họ. Lời đảm bảo của Quốc trưởng đối với họ là một lời hứa không thể bị phá vỡ. 
Khẩu phần nhanh chóng bị sụt giảm mạnh, nhưng các sĩ quan và các hạ sĩ có thể tin tưởng rằng tình hình của họ sẽ không kết thúc. Luftwaffe sẽ chở đến những thứ họ cần và sau đó một lực lượng giải cứu lớn, dẫn đầu bởi Thống chế chiến trường Manstein sẽ tiến đến từ hướng tây nam phá vỡ vòng vây. Nhiều binh lính tự huyền hoặc mình hoặc được các sĩ quan kém tưởng tượng nói vào tai rằng họ sẽ thoát ra vào lễ Giáng Sinh. 
Từ 22/11 các anh bị bao vây”.
Một người lính thuộc Sư đoàn bộ binh 376 viết về nhà. 
Cái tệ hại nhất đã qua. Các anh hi vọng sẽ được giải thoát khỏi cái Kessel này trước Giáng Sinh… Một khi trận chiến phá vòng vây này xong thì chiến tranh ở Nga cũng chấm dứt”. 
Một số còn được thuyết phục rằng họ sẽ ngay lập tức được phép rời nơi đây và về nhà đón Giáng Sinh với gia đình. 
Những người giám sát chiến dịch tiếp tế đường không kém lạc quan hơn rất nhiều. Trưởng sĩ quan hậu cần của Tập đoàn quân 6 báo cáo 7/12: “Khẩu phần bị cắt giảm từ 1/3 cho đến một nửa nhằm giúp tập đoàn có thể duy trì đến 18/12. Việc thiếu cỏ khô có nghĩa là đa số ngựa sẽ buộc phải giết thịt khi đến giữa tháng Một”.
Các sĩ quan Luftwaffe phụ trách sân bay Pitomnik thuộc Sư đoàn Phòng không 9 lại không có chút ảo tưởng nào hết. Họ biết rằng mức nhỏ nhất 300 chuyến bay mỗi ngày nhằm khôi phục khả năng chiến đấu Tập đoàn quân VI là một câu hỏi không có lời giải đáp. Trong mọi trường hợp các hoạt động không quân mạnh mẽ của Hồng quân cùng với lưới lửa phòng không xung quanh Kessel tạo nên mối thách thức khủng khiếp cho các máy bay ba động cơ Junkers 52 chậm chạp. Jeschonnek và Goering không tính rằng các sân bay có thể nằm trong tầm pháo hạng nặng của Sô viết. Tệ hơn cả, họ không để chỗ dự trữ cho ảnh hưởng của thời tiết mặc cho các kinh nghiệm của mùa đông năm trước. Có nhiều ngày tầm nhìn chỉ bằng không và nhiều ngày khác nhiệt độ xuống rất thấp và gần như không thể khởi động được máy bay, cho dù có đốt một đống lửa dưới động cơ. Tuy vậy theo Richthofen, các sĩ quan Luftwaffe dù là ở trong hay ở ngoài Kessel cũng không ai dám nói ra. “Đó là chủ nghĩa thất bại nếu anh nói về sự nghi ngờ”, một trong số họ nói.
Sau khi chở tới nhiên liệu, đạn dược và lương thực – theo lý thuyết là ba tấn cho mỗi Junkers 52, ít hơn một chút cho một Heinkel III, các máy bay chở ra thương binh từ bệnh viện dã chiến cạnh sân bay Pitomnik. Có lẽ dấu hiệu rõ nhất cho chủ nghĩa bi quan là cái quyết định bí mật đưa ra toàn bộ các nữ y tá Đức, thậm chí trước hầu hết các thương binh để chắc chắn họ sẽ không bao giờ rơi vào tay quân Nga. Mặc dù có rất nhiều cố gắng giữ bí mật việc này, các sĩ quan từ Trung đoàn bộ binh Croat 369 đã biết và vận động Luftwaffe đưa giúp các phụ nữ của họ ra ngoài, cải trang như là các nữ y tá. 
Viên trung úy mà họ tiếp cận là người đánh giá cao binh sĩ Croat đã đồng ý giúp đỡ. Tuy vậy viên đại tá của người sĩ quan này lại có các nguyên tắc đạo đức cao. “Nhưng điều đó thực sự chẳng quan trọng”, viên trung úy trả lời, “cho dù họ có là điếm hay nữ y tá của người Croat. Họ phải được đưa ra để thoát khỏi quân Nga”. Viên đại tá vẫn từ chối. Viên trung úy sau này đã ngờ rằng người Croat đã cố gắng đưa lậu phụ nữ của họ lên máy bay. 
Lều bạt, hầm hố được trải rộng bên cạnh sân bay. Có một số là sở chi huy với các dấu hiệu như cột ăng ten và xe cộ cùng với bệnh viện dã chiến. Pitomnik nhanh chóng trở thành trọng điểm cho các trung đoàn tiêm kích và thả bom của Sô viết. Trong những ngày 10, 11 và 12 tháng 12, máy bay Sô viết đã thực hiện 42 vụ oanh tạc. 
Quân Nga cho dù có đủ mọi hoạt động không quân trên Kessel thì vẫn không nhận biết được độ lớn của lực lượng mà họ bao vây được. Đại tá Vinogradov, chỉ huy của cơ quan tình báo Hồng quân tại sở chỉ huy Mặt trận sông Đông ước lượng rằng Chiến dịch Sao Thiên vương (Uranus) đã vây được khoảng 86,000 người. Con số thật bao gồm cả quân Đồng minh và quân Hiwis (quân Nga tình nguyện hoặc bắt buộc chiến đấu/phục dịch trong quân đội Đức) là gần 3 lần lớn hơn: gần 290.000 người. Quân đồng minh bao gồm phần còn lại của hai Sư đoàn Rumani, trung đoàn Croat thuộc Sư đoàn Jager và một đoàn xe vận tải của Ý, những người đã chọn thời khắc đen đủi để đến tìm gỗ trong đống đổ nát của Stalingrad7. 
Việc co nhỏ của Tập đoàn quân VI rất quen thuộc với những ai từng tham chiến ở WWI, những người lính già nhớ lại Chiến tuyến Phía tây và không khí chết chóc của nó. Sau đợt giá lạnh giữa tháng 11, là đến một đợt tuyết tan, tạo ra một giai đoạn ngắn lầy lội trước khi vào mùa đông thật sự. Một số đã trở lại đời sống chiến hào thủa xưa, ví dụ như chỉ có một nguồn nước ấm nhất định, thư giãn cho họ, để ngâm rửa những bùn lầy đóng thành bánh trên tay họ. 
Cấu trúc của chiến hào và hầm hố khác nhau phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng sư đoàn. Những ai bị buộc phải rút lui hoặc phải chuyển sang vị trí mới buộc phải lao động nặng nhọc, mặc dù rất nhiều việc đã được giao cho Hiwis và tù binh Nga. Quân Đức đã học từ việc đánh nhau trên đường phố của Stalingrad. Họ đào hầm dưới chiếc những tăng bị phá hỏng và tận dụng những chức năng còn lại của nó. Thế nhưng trong những ngày đầu của cuộc bao vây, mặt đất vẫn còn đông rắn, thậm chí lửa cũng chỉ làm đất mềm ra chút ít thôi. Ở ngoài thảo nguyên, thứ thiếu thốn nhất là gỗ dùng cho cả sưởi ấm và làm dầm phủ bên trên cho mỗi hầm. Những ngôi nhà của nông dân gần đường tiền duyên không tồn tại được lâu. Những cư dân – những người đã quây nhà của họ bằng rơm rồi thêm một lớp ván nữa bên ngoài để giữ hơi ấm cho mùa đông, đã bị đuổi khỏi nhà. Nếu họ ở lại, họ có thể thấy ngôi nhà của họ nhanh chóng bị tháo dỡ sạch do lính Đức lấy ván, dầm, cửa, thậm chí cả cửa sổ về để cải thiện hầm hào của họ.
Binh lính, những người đã phá dỡ nhà cửa của thường dân, lại theo bản năng biến hầm hào của họ thành ngôi nhà mới. Những công việc đào, đắp ở hào giao thông và bên ngoài hầm không ấn tượng như những gì trong hầm. Họ trang trí các khung ảnh cho những bức tranh hoặc ảnh người thân yêu. Một số thứ luôn được tôn trọng. Không ai sờ hoặc lấy ảnh vợ con của người khác. Các sĩ quan kiểm tra để đảm bảo họ có giường ngủ, nghế và một cái bàn. 
Tướng Edler von Daniels, chỉ huy của Sư đoàn Bộ binh 376, có một cái hầm kiến trúc phức tạp và hoàn hảo không chê vào đâu được do một nhân viên của ông vẽ ra sau khi họ chuyển đến vị trí mới ở sườn tây nam. Người chỉ huy của bác sĩ Kurt Reuber, một mục sư làm bác sĩ trong Sư đoàn Thiết giáp 16 lại có một cái hầm đặc biệt lớn và ông ta có thể đặt vào đó một cái đàn piano do một sư đoàn khác bỏ lại. Và thế là ở đây, dưới đất, không nghe thấy được từ bên trên và bị tường đất hút âm, ông ta chơi nhạc của Bach, Handel, Mozart và bản sonate Dưới ánh trăng của Beethoven. Ông chơi rất hay nhưng cũng dường như bị ám ảnh. “Viên sĩ quan chỉ huy vẫn tiếp tục chơi dù cho tường hầm rung bần bật khi bị pháo bắn và bụi rơi xuống rào rào”. Ông ta thậm chí vẫn chơi khi các sĩ quan vào báo cáo về đánh nhau ở bên ngoài.
Một số đơn vị thấy mình đủ may mắn để vẫn ở vị trí cũ. Sư đoàn bộ binh 297, nam của Stalingrad, vừa mới công phu hoàn thành một viện điều dưỡng trước khi quân Nga phản công. Họ đã sợ rằng họ sẽ mất tất cả những thứ này cùng với thiết bị, gường, dao kéo, đồ sành sứ… được chở bằng tầu hỏa từ Đức sang. Nhưng khi đường phòng ngự của Kessel được lập, cái bệnh viện cầu kỳ của họ có lẽ chỉ cách đường ranh giới vài dặm. 
Có khá nhiều binh lính vẫn không nhận được đủ quần áo mùa đông trước khi bị bao vây, thế là họ cố gắng xoay xở cải thiện với các mức độ thành công khác nhau. Bên trong quân phục họ ngày càng mặc nhiều thứ thuộc quân phục Sô viết – áo chẽn không khuy, quần chẽn chần và áo trấn thủ. Khi băng giá nặng, một cái mũ sắt trở thành một cái máy đông lạnh hút nhiệt, do vậy họ quấn lên đầu những thứ như xà cạp, khăn quàng cổ, thậm chí cả loại băng dùng băng bó chân của Nga để cách nhiệt. Sự thèm khát có găng tay da khiến họ giết chó lạc và lột da chúng. Một số thậm chí còn thử làm áo chẽn từ da ngựa bị giết thịt và được thuộc một cách không chuyên, đa phần những thứ này thô cứng không tiện dụng, trừ khi họ mua chuộc được ai đó vốn là thợ chuyên nghiệp giúp đỡ. 
Các cảnh bẩn thỉu nhất thường xuất hiện ở các đơn vị bị quân Sô viết tấn công và buộc phải đến một vị trí mới ngoài thảo nguyên trống trải, đầu tận cùng phía tây của cái Kessel. “Lạnh buốt cùng cực vào buổi tối”, viên sĩ quan pháo binh người phải rút lui qua sông Đông viết trong nhật ký. “Chúng tôi có thể ngủ ngoài thảo nguyên được bao lâu? Cơ thể không còn chịu nổi thêm được nữa. Trên tất cả là sự bẩn thỉu và chấy rận!!!”. Trong những điều kiện như vậy, các đội quân không có cơ hội để đào giao thông hào và nhà xí. Binh lính ngủ nằm sát vào nhau như cá hộp sardines, trong các lỗ đào dưới đất, được lót tạm bằng vải bạt. Bệnh truyền nhiễm lan rộng rất nhanh. Kiết lỵ nhanh chóng gây ảnh hưởng làm kiệt sức và chán nản do binh lính bị bệnh đi ngoài lên cái xẻng trong chiến hào rồi hất những thứ trong đó qua thành hào ra ngoài. 
Mọi người viết thư cho người thân về sự bẩn thỉu trong cuộc sống của họ. “Chúng tôi cùng dơ dáy cả”, Kurt Reuber viết, “ở trong một cái hố đào bên cạnh một con mương trong thảo nguyên. Các dụng cụ đào vừa mỏng mảnh vừa tồi tệ. Bụi, đất sét. Không dùng chúng làm gì được. Khan hiếm gỗ làm hầm. Bao quanh chúng tôi là một phong cảnh buồn tẻ, đơn điệu và sầu não. Thời tiết mùa đông có độ lạnh khác nhau. Tuyết, mưa nặng, sương giá rồi bất chợt tuyết tan. Buổi đêm ta có thể gặp chuột chạy leo qua mặt”.
Sự quấy phá trong quần áo ngày càng tăng tiến được bắt đầu từ những ngày hỗn loạn của cuộc bao vây. “Dịch chấy rận thật kinh khủng”, một hạ sĩ một trung đoàn thiết giáp viết, “bởi vì chúng tôi không có cơ hội giặt rũ, thay quần áo hoặc săn lùng chúng. Trong mũ sắt tôi tìm thấy khoảng 200 con bọ nhỏ dai dẳng này”. Một người lính nào đó đã phỏng theo một bài hát nổi tiếng để viết lại lời: 
Ngay bên dưới cây đèn trong một ngôi nhà nhỏ

Tôi ngồi mỗi chiều săn tìm chấy rận 
Trong những buổi tối dài của mùa đông Nga, binh lính có dư thừa cơ hội và thời gian để cà kê về quê nhà và cuộc sống trước khi đến Nga đã từng tốt hơn đến thế nào. Tại Sư đoàn bộ binh 376, họ nhớ tiếc thời kỳ đóng quân ở Angoulême, thuộc chiến tuyến Ostfront, với cà phê, rượi vang rẻ và các cô gái Pháp. Họ còn quay lại thời xa hơn, lúc họ được hân hoan đón chào về nhà mùa hè 1940. Những đám đông vẫy tay, những nụ hôn và những lời tán dương đã tiêm cho họ ý nghĩ rằng đánh trận cũng tốt như lúc đã đánh xong. Hầu như cả đất nước đã chúc mừng Hitler đã mang họ đi qua một cuộc chiến tranh thắng lợi chóng váng với rất ít thương vong. 
Thỉnh thoảng, khi suy nghĩ trở về nhà, họ chơi kèn harmonicas những điệu ủy mị trong hầm. Sau những phút đối nghịch với hiện tại và tương lai, con người bám và tin lấy tin đồn nhiều hơn trước cùng với những câu hỏi dai dẳng và thiếu suy xét. Thậm chí các sĩ quan của họ có rất ít hiểu biết về tình hình thực tế. Một đề tài khác, liên quan đến cơ hội thoát ra, là làm thế nào có được vết thương “tuyệt hảo”, không gây què quặt, không quá đau đớn, nhưng vẫn đủ để được nhận giấy phép cho đưa ra bằng đường không. Những ai đã rời khỏi đây ngay trước khi bị vây được xem như sự thèm khát, ngưỡng mộ. Trong khi đó những ai đã quay lại trước khi bị vây được coi là người có bản chất tốt, nhưng cũng bị trêu trọc, đùa cợt nhiều. Có một người không bao giờ cằn nhằn về sự không may đó của mình là Kurt Reuber. Ông ta quay lại đơn vị chỉ hai ngay trước khi cái Kessel bị khép lại. Rất nhanh sau đó người ta không rõ phận sự nào của ông cần thiết với mọi người hơn: bác sĩ hay thầy tu.
Quân Đức bị bao vây thường tưởng tượng rằng lính Hồng quân đang đối diện với họ chỉ thiếu thốn tí chút, cả về khẩu phần lẫn quần áo, nhưng sự tưởng tượng này đôi khi không đúng. “Do thông tin kém, lương thực không được mang tới kịp cho binh lính ở tiền tuyến”, một người ở Mặt trận sông Đông kể lại. “Sự sai lầm của các sĩ quan và chính ủy sử dụng hầm để giữ ấm cho binh lính”, một người khác cho biết, “dẫn đền nhiều người bị buộc phải gửi về bệnh viện với vết thương do băng giá, phần lớn ở chân”. 
Những lính Sô viết được trang bị tốt nhất là lính bắn tỉa. Có một chút phủ nhận việc này. Ở trên những cánh đồng phủ tuyết ngoài thảo nguyên, trong những bộ ngụy trang mầu trắng, họ hoạt động thành cặp, một người sử dụng ống nhòm và người kia với súng bắn tỉa tầm xa. Họ bò lên vào buổi tối vào vùng hoang vu, đào tuyết thành hố ẩn nấp để quan sát và bắn. Thương vong của họ giờ cao hơn nhiều so với ở trong thành phố vì họ có ít lựa chọn hơn để ẩn náu và ít đường hơn để thoái lui. Thế nhưng “phong trào bắn tỉa” vẫn hấp dẫn nhiều người tình nguyện hơn mức có thể đào tạo và sử dụng.
Bất cứ vấn đề nào mà chưa làm tăng nhuệ khí cho binh sĩ thường là do việc kém ảnh hưởng của quan chức đến từng cá nhân người lính. Việc ám ảnh giữ bí mật có nghĩa là những ai không tham gia trực tiếp Chiến dịch Sao Thiên vương sẽ không được ai nói cho biết về nó cho đến năm ngày sau khi chiến dịch mở màn. Cái nhìn đầu tiên, khía cạnh đáng ngạc nhiên nhất trong giai đoạn hưng phấn này là số lượng người đào ngũ bên Hồng quân, những người vẫn tiếp tục vượt ranh giới sang với quân Đức đang bị bao vây, và như vậy là tự mình chui vào bẫy, nhưng cái sự ngược đời này có thể giải thích chủ yếu là do pha trộn giữa sự ngây thơ và mất lòng tin. Đại tá Tulpanov, sĩ quan NKVD phụ trách việc tuyển dụng sĩ quan Đức, đã chấp nhận một cách rộng lượng lời khai của một trong những tù nhân quan trọng của ông, phi công tiêm kích Count Heinrich von Einsiedl, rằng: “Người Nga đã rất ngạc nhiên được nghe từ người Đức cùng một câu chuyện được bộ máy tuyên truyền đưa ra. Họ không tin rằng quân Đức đã bị bao vây”.
Zhukov đã đưa ra một quan điểm rất đặc trưng khi ông mô tả việc bao vây Tập đoàn quân VI như là một “Tôi luyện dữ dội cho chiến thắng của quân đội ta”. Grossman cũng đúng khi ông viết: “Tinh thần của binh lính chưa bao giờ cao như vậy”. (Điều thú vị là cả hai nhận xét này chẳng cái nào khẳng định được tuyên bố của cơ quan tuyên truyền: “tinh thần của một quân đội phụ thuộc vào tính chất xã hội và trật tự tiến bộ của cái xã hội mà nó bảo vệ”).
Lính Hồng quân bây giờ có thể hài lòng chế nhạo kẻ thù, bọn vừa gần đây còn chế nhạo họ. Một số đại đội cử các toán tuần tiễu vào buổi tối cầm theo một con bù nhìn ăn mặc như Hitler. Sau đó họ dựng con bù nhìn này ở vùng trống không người, và viết lên đó một dòng chữ mời lính Đức bắn vào nó. Con bù nhìn này có thể là một cái bẫy cho kẻ dại khờ với một vài quả lựu đạn gắn kèm, đề phòng quân Đức gửi các toán tuần tiễu ra gỡ bỏ nó tối hôm sau. 
Theo hướng bài bản hơn, các đội tuyên truyền của NKVD thiết lập các loa phóng thanh. Trong hàng giờ liền, các loa này chơi các bản nhạc Tăng gô đã được chọn và điều chỉnh cho phù hợp với tâm trạng bất an, thỉnh thoảng chèn vào các thông báo được ghi bằng đĩa than, nhắc đội quân bị vây về tình thế tuyệt vọng. Đầu tiên những hoạt động này gây rất ít ảnh hưởng, nhưng sau đó, khi hy vọng của quân Đức tan dần thì hiệu quả của nó trở nên đáng kể. 
Hồng quân nhận thấy rằng quân Đức sẽ phải tiết kiệm đạn pháo bởi vì chúng rất nặng để chở vào bằng máy bay, nên khi trinh sát chiến đấu đã cố gắp kích thích quân Đức bắn pháo. Một trong những đội quân làm việc nặng nhọc giai đoạn này là đại đội trinh sát hoạt động tìm kiếm đường tấn công. “Chúng tôi giống như dân Di-gan, hôm nay ở đây, ngày mai rời đi”, một sĩ quan nhớ lại, ông là một trong 5 người sống sót từ cái đại đội ban đầu có 114 người. Đội tuần tiễu thường có từ 5-6 người, thâm nhập vào Kessel và nấp gần các con đường trong các bộ ngụy trang trắng, quan sát giao thông và việc vận chuyển binh lính. Khi trở về, họ sẽ túm một “cái lưỡi” để tra khảo. 
Các hoạt động trinh sát đặc biệt nhiều ở sườn tây-nam của Kessel. Các chỉ huy Sô viết rất muốn biết trước được quân Đức có cố gắng vượt vòng vây không. Thảo nguyên bằng phẳng phủ tuyết là nơi rất nguy hiểm đối với các đội trinh sát vì đây là địa hình thích hợp cho súng máy phát huy tác dụng. Trong một sự kiện xẩy ra vào đầu tháng 12, một đội trinh sát được yểm hộ bởi một nhóm đột kích, trườn được vào một chiến hào đầu tiên và thấy nó trống rỗng. 
Quân Đức đã rút về các hầm hố ấm hơn ở phía sau. Sau khi binh lính kiểm tra các hầm hào, người chỉ huy đội trinh sát kiểm tra những đồ ăn cướp ở trong đó, bao gồm một cái áo dài lông cừu. Tiếp sau ngay bên cạnh cái điện thoại chiến trường, ông ta thấy một cái “cốc trắng với bông hoa hồng” cắm bên trong. Đây dường như là một cái đẹp bất ngờ bởi vì đã khá lâu rồi ông ta không được thấy những vật dụng của thường dân. Sau đó người chỉ huy đại đội của ông ta đến, và quyết định rằng thay cho chiếm những thứ nhỏ nhoi đó bây giờ sẽ chiếm thêm trận địa. Nhưng khi họ tiến lên, mọi thứ nhanh chóng trở nên sai lầm. 
Quân Đức phản công bằng xe tăng trong khi pháo của họ lại từ chối bắn yểm trợ bởi vì họ không nhận được lệnh từ các cấp thích hợp. Đó là một trận đánh hỗn loạn và khi đội trinh sát rút ra, người chỉ huy trẻ tuổi bị một vết thương nặng ở chân do mảnh pháo. Khi anh ta nằm trên tuyết nhìn máu thấm ra ngoài bộ quân phục ngụy trang trắng, anh ta lại nghĩ đến cái cốc cắm bông hoa hồng. 
Đôi khi các nhóm trinh sát Nga và Đức vượt qua nhau buổi đêm ở vùng hoang vu, họ giả vờ như không thấy nhau. Họ có những nhiệm vụ cụ thể mà không được phép làm hỏng do bắn nhau. Tuy nhiên khi những nhóm nhỏ đụng đầu nhau, họ thường giết nhau trong lặng lẽ bằng dao hoặc bằng lê nhọn. ‘Khi lần đầu tôi giết một tên Đức bằng một con dao’, một chỉ huy đội thám báo Nga thuộc thủy quân lục chiến nhớ lại, ‘Tôi tiếp tục thấy hắn ta trong mơ trong ba tuần sau đó’. Một trong những mối nguy hiểm lớn nhất lại là trở về lại theo đường thâm nhập.
Điều may mắn với quân Nga là vấn đề thiếu hụt nghiêm trọng quần áo mùa đông đã được khắc phục sau thắng lợi của Chiến dịch Sao Thiên vương (Uranus). Hầu hết binh lính đã được nhận găng tay làm bằng da thỏ, quần chần, áo chẽn da cừu và mũ lông xám mà họ sẽ lấy ngôi sao đỏ từ mũ mùa hè gắn sang. 
Một dòng nhỏ nhưng liên tục những người mới đến giúp các sư đoàn phục hồi lại sức mạnh. Đối với những người lính mới, gia nhập những trung đội toàn những người dạn dầy trận mạc luôn gây căng thẳng và tự thất vọng nhưng bù lại những kinh nghiệm thu được lại giúp họ có nhiều cơ hội sống sót hơn là gia nhập những đội quân chưa được tôi luyện. Một khi người lính mới chấp nhận rằng sống sót chỉ là tương đối chứ không phải tuyệt đối, họ sẽ học được cách sống dựa trên từng phút và mối căng thẳng sẽ được giải bớt.
Đối với một công dân Sô viết trẻ, cái trải nghiệm gây sốc nhất không phải là sự thô lỗ của lính tráng mà lại là việc nói thẳng thừng về chính trị của những người tuyến đầu. Mọi người tỏ ý kiến theo cái cách một người mới đến phải cảnh giác nhìn xung quanh. Họ cho rằng cuộc sống sau chiến tranh phải khác đi. Những cái thứ khủng khiếp đè nặng lên những người làm việc ngoài đồng, trong nhà máy phải được cải thiện, cái đặc quyền tập quyền phải bị hạn chế. 
Tại giai đoạn này của chiến tranh, sự rủi ro bị tố cáo ở tiền tuyến là thật sự nhỏ. Như một cựu binh giải thích: ‘Một người lính cảm thấy rằng, do đang mang máu của mình ra trả, anh ta có quyền nói tự do’. Anh ta sẽ phải cẩn thận hơn nhiều nếu được mang tới bệnh viện dã chiến, nơi cảnh sát và người chỉ điểm rất cảnh giác với bất cứ chỉ trích chế độ nào. (Sự nguy hiểm cũng đến cả với tiền tuyến trong giai đoạn kết thúc chiến tranh, tiến đánh trong lòng nước Đức. Các nhiệm vụ quân đội gần như kết thúc và bộ phận NKVD đặc biệt, sau đó là SMERSH, không bỏ phí thời gian trong việc áp chế sự khủng bố Stalinist).
Binh lính tự trêu ngươi bản thân khi nói về thức ăn ở nhà hay những giấc mơ ban ngày. Một số trung đội may mắn có được những người có duyên kể chuyện, tự sáng tác ra những tiếu lâm hiện đại. Họ chơi bài (mặc dù nó chính thức bị cấm) và cờ vua. Bây giờ họ đang ở một chỗ cố định trong một khoảng thời gian, đáng để đào đục ra những đồ tiện nghi hay trang trí. Họ hồi tưởng mọi thứ. Người Mátxcơva thường nói về thành phố của họ, không quá nhiều đến mức gây ấn tượng cho những người đồng chí ở vùng nông thôn, nhưng quá cái mức nhớ nhà khi họ sống trong thảo nguyên trống rỗng. 
Viết về nhà là việc “rất khó”, một trung úy hải quân của thủy quân lục chiến thú nhận. “Không thể” nói về sự thật. “Binh lính ở tiền tuyến không bao giờ gửi tin buồn về nhà”. Bố anh ta giữ lại mọi bức thư của anh, và khi anh ta đọc lại chúng sau chiến tranh, anh thấy chúng hầu như không có thông tin. Nói chung, một bức thư gửi về nhà thường bắt đầu bằng bài cam đoan với các bà mẹ - ‘Con vẫn sống và khỏe mạnh, và chúng con ăn tốt’ – nhưng cái hiệu quả này cũng cho thấy họ đã sẵn sàng hi sinh mạng sống của mình cho Đất mẹ.
Trong trung đội, họ đùa cợt, trêu chọc, chòng ghẹo lẫn nhau nhưng hiếm khi ác độc giữa những người cùng cấp. Điều đáng ngạc nhiên là sự thô lỗ cũng ít. Họ chỉ nói về các cô gái ‘chỉ những lúc có tâm trạng đặc biệt’, đó thường là khi tâm khí của họ được kích thích bởi khẩu phần vodka hoặc nghe bài hát nào đó. Mỗi đại đội thường có ít nhất là một bài nhạc để củng cố chí khí. Một bài hát yêu thích của Hồng quân quanh Stalingrad vào những tuần cuối của năm 1942 là bài Zemlyanka (‘Cái hầm’), một bản phóng tác tiếng Nga dựa trên bài Lili Marlene và có phần giai điệu tương tự. Bài này do Aleksey Surkov sáng tác vào mùa đông năm trước – đôi khi được gọi với tên lấy từ đoạn nổi tiếng nhất là “Bốn bước cách Thần chết” – lúc đầu bị qui kết là dao động bởi vì tâm trạng của nó ‘bi quan quá mức’. Thế nhưng Zemlyanka lại rất phổ biến trong các đội quân tiền tuyến nên Ủy viên nhân dân buộc phải đánh giá lại. 

tải về 2.43 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương