Phần 1: Toàn thế giới nín thở chờ đợi Chương 1: thanh kiếm hai lưỠi của barbarossa



tải về 2.43 Mb.
trang9/18
Chuyển đổi dữ liệu25.03.2018
Kích2.43 Mb.
#36541
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   18

PHẦN 4: CÁI BẪY CỦA ZHUKOV


Chương 15: Chiến dịch Sao Thổ
Thứ Năm, ngày 19 tháng Mười Một, chút ít sau 5 giờ sáng, điện thoại sở chỉ huy Tập đoàn quân VI đổ chuông. Văn phòng đặt tại Golubinsky, một làng Cô dắc lớn ở hữu ngạn sông Đôn. Bên ngoài, tuyết bắt đầu rơi, và cùng với làn sương giá dày đặc, khiến lính gác không thể nhìn thấy gì quá vài thước.
Đó là cuộc gọi của trung úy Gerhard Stock, cựu huy chương vàng ném lao, đang biệt phái ở quân đoàn lục quân Rumani IV nằm tại khu vực Kletskaya. Thông điệp của ông được lưu lại trong nhật ký chiến tranh “Theo lời khai của một sỹ quan Nga bị bắt, trong khu vực sư đoàn kỵ binh Rumani số 1, có thể xảy ra một trận tấn công vào lúc 5 giờ”. Vì không thấy có dấu hiệu tấn công nào, và cũng đã quá 5 giờ, nên sỹ quan trực đã không đánh thức tham mưu trưởng. Tướng Schmidt sẽ điên tiết nếu bị quấy rầy bởi một báo động giả, và cũng vì đã có “kinh nghiệm” với những thứ như thế trong thời gian gần đây từ các sư đoàn Rumani ở phía tây bắc.
Thật ra, trong cả đêm đó, lính công binh Liên Xô với quân phục ngụy trang màu trắng đã bò lên phía trước, gỡ mìn chống tăng. Đợt khai hỏa ồ ạt các khẩu đội pháo cối của phía Nga bắt đầu vào lúc 7h20, giờ Nga tức 5h20 giờ Đức, khi nhận được mật mã “Siren – còi tầm”. Một viên tướng Liên Xô đã nói rằng sương mù “dày đặc như sữa”. Bộ chỉ huy mặt trận đã nghĩ tới việc trì hoãn lần nữa do tầm nhìn kém, nhưng rồi quyết định bỏ qua nó. Mười phút sau, các trung đoàn đại bác, lựu pháo, Katyusha được lệnh chuẩn bị khai hỏa. Tín hiệu được lặp lại bởi tiếng kèn trumpet gọi quân, mà phía quân Rumani có thể nghe thấy rõ ràng.Tại sở chỉ huy Tập đoàn quân VI, điện thoại đổ lần nữa. Không tốn nhiều lời, trung úy Stock bảo đại úy Behr, người nghe máy, rằng tiếng kèn chính là tín hiệu bắt đầu của một trận pháo kích lớn. “Tôi có cảm giác rằng quân Rumani sẽ không thể trụ nổi, nhưng tôi sẽ tiếp tục báo cáo cho anh”. Và tới lượt Behr, anh không chút do dự đánh thức tướng Schmidt ngay lập tức.
Tại hai khu vực đột phá chính được chọn cho cuộc tấn công ở phía Bắc, có tới chừng 3.500 đại bác và cối hạng nặng được tập trung để bắn phá mở đường cho một tá sư đoàn bộ binh, 3 quân đoàn xe tăng và 2 quân đoàn kỵ binh. Những loạt pháo đầu tiên như sấm nổ giữa trời quang. Việc bắn trong điều kiện sương mù dày đặc mà các quan trắc viên pháo binh không thể nhìn xuyên qua, đã khiến các khẩu đội pháo, Katyusha không thể chỉnh hướng, nhưng với phần tử bắn đã có từ vài ngày trước, họ vẫn bắn khá chính xác.
Mặt đất rung chuyển như một trận động đất có tâm chấn thấp. Băng đọng trên các vũng nước nứt ra như kính cũ. Trận bắn phá mạnh tới mức các sỹ quan quân y của sư đoàn tăng số 22 (Đức) cách đó ba mươi dặm về phía nam, đã bị đánh thức “vì mặt đất rung chuyển”. Họ không chờ lệnh “Tình huống quá rõ ràng”. Họ chuẩn bị xe cộ và sẵn sàng trực chỉ đến chiến trường.
Lính Nga của các phương diện quân Stalingrad, sông Đôn cũng nghe thấy tiếng đại bác từ phía xa và đã hỏi chỉ huy của họ việc gì đang xảy ra. Các sỹ quan trả lời “Tôi không biết”. Nỗi ám ảnh về việc giữ bí mật ghê gớm đến nỗi không có thông báo nào được đưa ra cho đến khi kết quả của trận chiến đã khá rõ ràng và hầu gần như đã được quyết định. Dĩ nhiên, phần lớn đã đoán ra và phải cố kìm nén niềm vui sướng của họ. Stalin, trong bài phát biểu 12 ngày trước ngày lễ kỷ niệm Cách mạng lần thứ 25 đã ám chỉ rõ ràng về một cuộc đại phản công, với những lời lẽ “rồi cũng sẽ có một ngày lễ trên con đường của chúng ta”.
Sau một giờ, các sư đoàn bộ binh Liên Xô, không có xe tăng hỗ trợ, tiến lên. Các khẩu đội đại bác, Katyusha vẫn tiếp tục bắn diện, và tăng tầm để áp chế tuyến hai và pháo binh quân Rumani. Bộ binh Rumani, trang bị kém, đứng lên từ các chiến hào, chống trả dũng cảm. “trận xung phong bị đẩy lùi” một sỹ quan Đức báo cáo với sư đoàn bộ binh Rumani 13. Đợt xung phong thứ hai, lần này thì có xe tăng đi cùng, cũng bị bẻ gãy. Sau cùng, sau vài loạt bắn nữa, pháo Nga đột nhiên im tiếng. Màn sương mù dường như làm cho sự im lặng thêm phần bí ẩn. Rồi, quân Rumani nghe thấy tiếng xe tăng gầm...
Đợt pháo bắn chuẩn bị đã làm lộn tung tuyết và bùn đất ở khu phân tuyến, không cải thiện được chút gì cho những chiếc T-34 tiến lên. Mà còn làm che mất tuyến đường qua bãi mìn. Lính công binh leo lên phía sau những chiếc xe tăng thứ hai hoặc thứ ba, sẵn sàng cho trường hợp chiếc đầu bị dính mìn, rất nhanh sau đó họ đã nghe lệnh “Công binh, xuống đi”. Rồi dưới làn hỏa lực của bộ binh Rumani, họ chạy lên phía trước để dọn đường.
Quân Rumani đã dũng cảm trụ lại được trước vài đợt xung phong của bộ binh Sô viết, và cũng xoay sở hạ được một số xe tăng, nhưng vì không đủ vũ khí chống tăng, họ bị tiêu diệt. Vài nhóm xe tăng đã đột kích qua được tuyến và tấn công ngoặc sang bên. Không để lãng phí thêm thời gian, các tướng lĩnh Liên Xô đưa các đơn vị thiết giáp ồ ạt qua cửa đột phá ở  tuyến quân Rumani, đợt chính vào khoản giữa trưa. Quân đoàn xe tăng số 4 và quân đoàn kỵ binh cận vệ 3, xuyên qua tuyến của quân đoàn Rumani 4 ở khu vực Kletskaya, và trực chỉ xuống hướng nam. Kỵ binh Liên Xô, súng tiểu liên quàng chéo sau lưng, phi nước kiệu trên những con ngựa cô dắc bé nhỏ bù xù qua vùng thảo nguyên phủ tuyết nhanh tương đương với các đơn vị xe tăng. Những chiếc T-34, tháp pháo lượn cong trên thân, trông khá khó chịu về phía quân thù.
Nửa giờ sau, chừng 30 dặm về hướng tây, Tập đoàn quân xe tăng số 5 của tướng Romanenko đã đập tan các tuyến phòng ngự của quân đoàn Rumani II. Những bánh xích rộng của tăng T-34 nghiến lên thép gai, phá đổ các công sự. Theo ngay sau là quân đoàn kỵ binh số 8. Nhiệm vụ của nó là bảo vệ sườn phải và mở rộng vòng vây sang hướng tây.
Đến giữa buổi sáng, gió quét bớt đi những lớp sương mù, những máy bay từ các tập đoàn quân không quân 2, 16, 17 bước vào công kích. Các sân bay của Luffware dường như có tầm nhìn kém hơn, hoặc các đài điều khiển không lưu không muốn gánh phải những rủi ro như phía đối thủ Nga. “Một lần nữa, quân Nga đã rất tài tình lợi dụng thời tiết xấu” tướng Richthofen viết theo cảm xúc hơn là lý trí, vào nhật ký của mình trong đêm đó “Mưa, tuyết và sương giá đã ngăn trở mọi chuyến bay. Quân đoàn không quân VII đã cố với rất nhiều khó khăn để có một hai chiếc rời mặt đất. Việc ngăn chặn vượt sông Đôn bằng ném bom là không thể”.
Sở chỉ huy Tập đoàn quân VI không được thông báo chính thức về cuộc tấn công này cho đến tận 9h45 sáng. Và phản ứng trong giai đoạn này cho thấy, dù mối đe dọa là nghiêm trọng nhưng rõ ràng là không được cho là quá nguy ngập. Vì vậy nên các trận công kích trong thành phố Stalingrad, ngay cả phải dùng các sư đoàn xe tăng, vẫn không dừng lại.
Lúc 11 giờ 5 phút, tướng Von Sodenstern, tham mưu trưởng cụm tập đoàn quân B, gọi cho tướng Schmidt để thông báo rằng quân đoàn xe tăng XXXXVIII (48) của tướng Heim được gửi lên phía bắc, đến Bolshoy để hỗ trợ cho quân Rumani (thật ra, quân đoàn đó lại đang tiến về hướng Kletskaya, khi, dù Heim giận điên người, nhận lệnh - tăng âm bởi Hitler ở Bavaria - yêu cầu đổi hướng). Tướng Sodenstern cũng khuyên rằng Tập đoàn quân VI nên gọi cho quân đoàn XI của tướng Strecker gửi quân đến tăng cường cho tuyến phòng thủ phía đông Kletskaya, nơi sư đoàn kỵ binh số 1 Rumani đang trụ lại. Sau đó họ lại nghe rằng chỉ có chừng hai mươi chiếc tăng địch được nhìn thấy  - “tới giờ đó chỉ là một trận tấn công yếu ớt”. Và 11 giờ 30, một trung đoàn thuộc sư đoàn bộ binh Áo số 44 được lệnh chuyển sang hướng tây ngay trong đêm. Đó là sự bắt đầu của tiến trình cột chặt một phần Tập đoàn quân VI vào khúc ngoặc sông Đôn và là sự cản trở nghiêm trọng tới khả năng tự do hoạt động của nó.
Dù rằng nhiều sỹ quan liên lạc được cử đi cũng như các tuyến dây thông tin mới lắp đặt, nhưng vẫn có rất ít thông tin được chuyển về. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy tình hình nghiêm trọng hơn quan điểm ban đầu đến sau hai giờ kể từ khi quân Liên Xô mở được cửa đột phá. Tin tức cho thấy một “mũi xung kích xe tăng quân địch” (thật ra đó chính là quân đoàn xe tăng số 4 của thiếu tướng Kravchenko) đã chọc thủng tuyến sư đoàn bộ binh Rumani 13 và tiến được 6 dặm về phía Gromky. Tin này đã gieo rắc sự kinh hoàng cho một số sở chỉ huy các đơn vị Rumani: “hộp tài liệu, túi cá nhân” được ném lên xe tải, họ hoảng hốt bỏ chạy. Đó là ngay cả khi chưa biết về một tiến trình tấn công còn lớn hơn của tập đoàn quân xe tăng số 5 của tướng Romanenko, xa hơn về hướng tây. Ý tưởng chắc ăn về việc gửi cái gọi là quân đoàn xe tăng XXXXVIII (48) lên phía bắc để phản công đã cho thấy các sỹ quan cao cấp Đức đã để cho họ bị ảo tưởng của Hitler sỏ mũi nhiều như thế nào. Một quân đoàn xe tăng Đức đúng nghĩa hoàn toàn có thể áp đảo một tập đoàn quân xe tăng Nga, nhưng trong trường hợp này lượng xe tăng khả dụng của nó không đủ cho số của chỉ một sư đoàn đầy đủ. Riêng sư đoàn xe tăng 22 không có quá 30 chiếc khả dụng mà lại quá thiếu nhiên liệu đến nỗi phải mượn từ dự trữ của quân Rumani. Những chuyện đùa về sự phá hoại của bọn chuột lan tràn khắp quân đội, nhưng một khi chuyện đúng như vậy diễn ra thì chẳng ai còn cười nổi.
Việc thay đổi lệnh hành quân làm mọi thứ tệ thêm. Thay vì triển khai toàn bộ quân đoàn xe tăng của Heim như kế hoạch, sư đoàn xe tăng Rumani số 1 lại bị đưa trệch đi. Việc tách ra này dẫn đến một thảm họa khác. Một đợt tấn công bất giờ của phía Liên Xô vào sở chỉ huy sư đoàn đã phá hủy cụm thiết bị viễn tin Đức, phương tiện duy nhất để giao tiếp với tướng Heim, và tất cả liên lạc bị mất trong nhiều ngày sau.
Nhưng điểm đáng ngạc nhiên nhất trong tất cả các sự kiện trong ngày ấy, là việc thiếu phản ứng từ phía tướng Paulus. Đã thất bại trong việc tổ chức một lực lượng xung kích cơ giới trước cuộc tấn công của địch, ông lại tiếp tục không làm gì cả. Sư đoàn xe tăng 16 và 24 tiếp tục để nhiều đơn vị chủ chốt của mình sa lầy vào các trận chiến trên đường phố Stalingrad. Cũng không triển khai hành động nào nhằm mang nhiên liệu, đạn dược đến sẵn sàng cung cấp cho xe cộ của họ.
Trong cả buổi chiều ngày 19 tháng Mười một, xe tăng Sô viết tiến về phía nam theo đội hình hàng dọc, xuyên qua màn sương giá. Bởi chỉ có rất ít những lộ tiêu trên tuyến đường tuyết phủ khó đi, nên dân địa phương được huy động vào hỗ trợ chỉ đường cho các đơn vị, nhưng vẫn không đủ. Tầm nhìn kém đến mức các vị tư lệnh phải định hướng theo bản đồ.
Việc tiến quân vẫn còn những nguy hiểm khác. Vì tuyết trôi che mất các khe rãnh sâu. Ở những vùng đồng cỏ cao, phủ đầy sương giá, lại bị kẹt trên tuyết, hoặc bị mất lái ở những khúc cua nhỏ. Các tổ lái tăng bị nảy tung nhiều đến nối chỉ nhờ có những chiếc mũ da được đội chặt mới giúp cho họ khỏi những cú va chạm điếng người. Nhiều chi, chủ yếu là tay, bị gãy bên trong tháp, thân xe, nhưng dòng xe tăng vẫn không dừng lại vì bất kỳ ca thương vong nào. Ở phía sau, họ có thể nhìn thấy những chớp sáng và tiếng nổ của cánh bộ binh đồng đội đang quét sạch tuyến hào thứ nhất, thứ hai.
Các chỉ huy quân đoàn xe tăng 4, tiếng về hướng nam gần Kletskaya, lo ngại cho cánh trái của họ, và chờ đợi một trận phản công của quân Đức. Họ biết quân Rumani không có khả năng thực hiện. Trong trận bão tuyết ghê gớm, tuyết che mất tầm nhìn súng chính, bám đầy khe khẩu đại liên đồng trục. Và chỉ chừng ba giờ rưỡi chiều, trời đã sập tối, các chỉ huy phải cho lệnh bật đèn pha. Không còn lựa chọn nào khác nếu họ muốn tiếp tục tiến lên.
Ở cửa đột phá hướng Tây, quân đoàn xe tăng 26 của tướng Rodin nhìn thấy có một đám cháy lớn phía trước. Đó chính là một phần nông trường bị quân Đức đốt trước khi bỏ đi. Rõ ràng là quân địch nhận ra được sự hiện diện của họ. Và khi pháo binh Đức khai hỏa, phía Nga tắt đèn pha của xe tăng. Quân đoàn xe tăng số 1 của tướng Butkov cuối cùng cũng chạm trán với quân đoàn xe tăng XXXXVII (47) yếu kém toàn diện.
Xe bên Đức vẫn còn những vấn đề về điện và bánh xích hẹp của họ bị trượt trên mặt băng. Trận chiến trong đêm đen thật là hỗn độn. Những điểm mạnh thông thường của quân Đức như kỹ-chiến thuật và bố trí đội hình hoàn toàn không còn nữa.
Lệnh từ sở chỉ huy Cụm tập đoàn quân nhằm lập lại hàng phòng ngự bị phá vỡ gần Kletskaya với một phần Quân đoàn XI và Sư đoàn Thiết giáp 14 đã trở thành vô vọng ngay khi nó được ban hành. Sở chỉ huy Cụm tập đoàn quân B và Tập đoàn quân VI đã bị mù do thiếu các thông tin rõ ràng. “Thậm chí không thể để có được tình hình bao quát qua trinh sát hàng không”, Tướng Von Richthofen viết trong nhật ký. Quân Nga còn cố gắng làm hỗn loạn thêm bức tranh bằng cách tung ra các cuộc tấn công vào tất cả các đơn vị của Tập đoàn quân VI. 
Vào lúc 5 giờ chiều, Quân đoàn Tăng 4 của Kravchenko đã tiến được 20 dặm, Quân đoàn XI của tướng Strecker được lệnh thành lập một tuyến phòng ngự mới chạy xuống phía nam để bảo vệ hậu tuyến của Tập đoàn quân 6. Tuy vậy các chỉ huy quân Đức, kể cả Richthofen vẫn không đoán ra được mục tiêu của quân Đỏ. “Hi vọng”, ông ta viết, “quân Nga không vươn tới được đường xe lửa, huyết mạch giao thông hậu cần của chúng ta”. Họ vẫn không thể tưởng tượng được rằng quân Nga đang cố gắng bao vây toàn bộ Tập đoàn quân 6.
Vào lúc 6 giờ chiều, sở chỉ huy của tướng von Seydlitz nhận được hướng dẫn cho các bộ phận không tham gia đánh nhau ở Stalingrad của Sư đoàn Thiết giáp 24 rời đến vùng Peskovatka và Vertyachy, gần sông Đông. Ở đó chưa đến 10 giờ đêm – 16 giờ tính từ cuộc tấn công bắt đầu, thì Tập đoàn quân VI nhận được lệnh từ Đại tướng von Weichs ngừng đánh nhau ở Stalingrad. “Sự thay đổi tình huống tại vùng của Tập đoàn quân Rumani 3 cần phải được đối phó cẩn thận bằng cách cơ động lực lượng càng nhanh càng tốt nhằm chống lại đòn đánh thọc hậu vào Tập đoàn quân 6 và bảo vệ thông tin liên lạc”. Các đơn vị thiết giáp và cơ giới hóa lại được lệnh đi về hướng Tây càng nhanh càng tốt. Do thiếu sự chuẩn bị cho những tình huống như vậy nên không thể nói các lực lượng này đủ nhanh. Quân đoàn 62 của Chuikov cũng đã dự đoán trước, tung ra các cuộc tấn công mạnh nhằm ngăn cản quân Đức rút ra. 
Sư đoàn Thiết giáp 16 đang được dùng để lấp vào các lỗ hổng lớn với quân phòng thủ Nga, cũng được lệnh đi về hướng tây đến bờ sông Đông. Cũng giống như Sư đoàn Thiết giáp 24, trên đường đi nó cần được tiếp tế tại căn cứ hậu cần do không đủ xăng dầu ở Stalingrad. Nhưng trước hết, sư đoàn phải tự gỡ mình ra khỏi các trận đánh quanh Rynok. Điều này có nghĩa là dù một phần của sư đoàn di chuyển về phía tây vào chiều hôm sau thì một số tăng của Trung đoàn số 2 vẫn không nhận được lệnh rút ra cho đến 3 giờ sáng ngày 21/11, bốn mươi sáu giờ sau khởi màn tấn công của quân Sô viết.
Do quân Sô viết tấn công vào phía sau của Tập đoàn quân 6 và ngoài vùng chịu trách nhiệm, Paulus đã ngồi chờ lệnh trên. Trong khi đó Cụm tập đoàn quân B lại đang thi hành lệnh của Quốc trưởng ngồi tại Berchtesgaden. Quyết định của Hitler điều khiển mọi sự kiện đã tạo ra sự mất cơ động tai họa trong khi phản ứng nhanh mới là cái cần thiết. Không có ai ngồi xuống tìm hiểu ý định của đối phương. Bằng cách gửi đi các trung đoàn thiết giáp của Tập đoàn quân VI dọc theo sông Đông nhằm chống lại đòn thọc hậu bên trái, tất cả sự cơ động (của tập đoàn) đã mất hoàn toàn. Tệ hơn cả, nó mở cửa cho đòn thọc hậu phía nam.Tại chiến tuyến của Tập đoàn quân Thiết giáp 4 ở phía nam của Stalingrad, quân Đức nghe thấy tiếng pháo bắn chặn vào sáng ngày 19/11 cách đó 60 dặm về phía tây bắc. Họ đoán có một cuộc tấn công lớn đã bắt đầu, nhưng không ai nói với họ điều gì đang xảy ra. Tại Sư đoàn bộ binh 297 có sườn phải nối với Tập đoàn quân Rumani 4, thiếu tá Bruno Gebele chỉ huy tiểu đoàn phải chịu đựng “nỗi sợ hãi mơ hồ”. Các bộ phận của họ yên lặng cả ngày. 
Mặt đất đã đóng băng cứng, thảo nguyên đặc biệt hoang vắng với gió thổi từ phía nam thổi tung tuyết thành bụi nhỏ và khô. Láng giềng bên trái là Sư đoàn bộ binh 37 có thể nghe được tiếng băng chạm nhau trên sông Volga. Trong đêm này các sở chỉ huy của các sư đoàn đó được biết rằng tất cả các cuộc tấn công của Tập đoàn quân 6 ở Stalingrad đã được dừng lại. 
Sáng hôm sau sương mù lại dầy đặc. Yeremenko, người chỉ huy của Mặt trận Stalingrad đã quyết định hoãn trận pháo kích mở màn mặc cho các cuộc gọi đầy lo lắng từ Moscow. Cuối cùng đến 10 giờ sáng, pháo và Cachiuxa của các trung đoàn bắt đầu bắn. 45 phút sau lực lượng mặt đất bắt đầu tiến lên dọc theo các tuyến đã được công binh dọn mìn từ đêm. Phía nam của Beketovka, các Tập đoàn quân 64 và 57 trợ giúp cuộc tấn công của Sư đoàn cơ giới 13. Xa hơn 25 dặm về phía nam, tại vùng hồ Sarpa và Tsatsa, các Sư đoàn cơ giới 4 và kỵ binh 4 dẫn đầu Tập đoàn quân 5 tấn công. 
Các láng giềng Đức của sư đoàn bộ binh Rumani 20 được chứng kiến “biển xe tăng Sô viết và các đợt sóng bộ binh, với số lượng chưa từng thấy trước đó, tấn công vào quân Rumani”. Gebele giữ liên lạc với chỉ huy của trung đoàn Rumani bên cạnh. Đại tá Gross là người đã phục vụ trong Tập đoàn quân Áo-Hung và có thể nói tiếng Đức tốt. Quân của Gross chỉ có đúng một khẩu pháo Pak nòng cỡ 3.7 cm do ngựa kéo, tuy nhiên lính Rumani đã chiến đấu dũng cảm, với nhận biết rằng họ bị bỏ mặc và chỉ có thể trông chờ vào bản thân. “Các sĩ quan và NCO cao cấp không bao giờ được bắt gặp ở tiền tuyến, tiêu thời gian tại các ngôi nhà ở phía sau bằng nhạc và rượu”. Quân Sô viết lại cho rằng quân Rumani phòng thủ với các vũ khí tốt hơn là thực tế. Xe tăng đầu tiên của Lữ đoàn tăng 13 đột phá đã được nói là phải nghiền nát ít nhất là 4 khẩu chống tăng và tiêu diệt 3 hỏa điểm. 
Gebele quan sát trận tấn công từ điểm quan sát tại trận địa của mình. “Quân Rumani đã chiến đấu dũng cảm, nhưng chống lại các đợt sóng Sô viết, họ không có cơ hội cầm cự lâu”. Quân Sô viết tấn công hoạt động “cứ như là tại trường huấn luyện: bắn – di chuyển – bắn – di chuyển”. Trong các bức ảnh thời sự các xe tăng T-34 lao lên phía trước, tung tuyết lên từ các xích, mỗi xe mang một nhóm 8 lính tấn công khoác áo ngụy trang trắng, nhưng lại ẩn dấu sự thiếu thốn nặng. 
Cuộc tấn công hình thành ở phía nam Stalingrad đã bị thiếu tiếp tế trầm trọng, chủ yếu là do khó khăn chuyển vận chúng qua sông Volga gần đóng băng. Các sư đoàn bắt đầu cạn lương thực vào ngày thứ 2 tấn công. Đến ngày thứ 3 thì Sư đoàn súng trường 157 chẳng còn cả thịt lẫn bánh mì. Để giải quyết tình hình, mọi xe cộ của Tập đoàn quân 64, kể cả các xe cứu thương đã phải chuyển sang tiếp tế cho quân tiến công. Những người bị thương đơn giản là để lại phía sau, trong tuyết.
Sự say sưa nhiệt huyết của hầu hết các đoàn quân tấn công là rất rõ ràng. Đó là thời khắc lịch sử. Fomkin, một người lính của Sư đoàn súng trường 157, đã tình nguyện đi trước dẫn đường cho xe tăng đang tấn công đi qua bãi mìn. Không ai nghi ngờ gì về báo cáo của phòng chính trị Mặt trận Stalingrad về hạnh phúc của các đoàn quân “qua nhiều chờ đợi đến khi những người bảo vệ Stalingrad khiến máu quân thù phải tuôn chẩy cho máu của vợ, con, binh lính và sĩ quan của chúng ta”. Đối với những người tham gia, đây là “ngày hạnh phúc nhất của cả cuộc chiến tranh”, thậm chí so với cả trận Công phá Berlin. 
Cuộc báo thù cho Đất mẹ đau thương đã bắt đầu một cách dữ dội, mà đây lại là các sư đoàn Rumani, không phải Đức đang lãnh trọn cú đánh. Bộ binh của chúng, theo quan điểm của tướng Hoth, bị chứng “khiếp sợ thiết giáp”. Theo các báo cáo của Sô viết, nhiều người trong số họ ngay lập tức quẳng súng xuống đất, giơ tay lên và gào lên “Antonescu kaputt!”. Hồng quân còn tìm ra rằng khá nhiều người đã tự bắn vào tay trái rồi băng lại với bánh mì để tránh nhiễm trùng. Tù nhân Rumani được sắp thành hàng, nhưng trước khi họ cất bước đi về trại tù binh, thì nhiều, thậm chí hàng trăm người đã bị bắn hạ tại chỗ bởi lính Đỏ. Có báo cáo rằng đã tìm thấy các thi thể sĩ quan Sô viết bị cắt xẻo tại sở chỉ huy Rumani, nhưng đó không phải là cái nguyên nhân làm bật ra sự tàn sát bột phát này.
Mặc dù sự đột phá ở phía đông-nam đã đạt được nhanh chóng, cuộc tấn công không theo đúng với kế hoạch. Có sự “hỗn loạn trong các đơn vị dẫn đầu” do “các lệnh mâu thuẫn”. Điều này dường như là hậu quả của cảnh báo của Trung tướng Volsky4 và do thiếu sự phối hợp đoàn quân của ông này với Sư đoàn cơ giới 4, khi họ trộn lẫn với nhau cùng tiến công về phía tây từ vùng hồ.
Ở phía bắc của Volsky, đại tá Tanashchishin bắt đầu gặp vấn đề thiếu xe tải để giúp bộ binh của Quân đoàn cơ giới 13 bắt kịp đà tiến xe tăng. Nhưng sau đó ông ta còn phải chống lại đối phương khó nhá hơn nhiều so với quân Rumani. Lực lượng dự trữ duy nhất của quân Đức tại trận tuyến đó là Sư đoàn bộ binh cơ giới hóa 29 của tướng Layser đã tiến ra giao tranh với quân đoàn của Tanashchishin ở khoảng 10 dặm phía nam của Beketovka. Mặc dù sư đoàn của Leyser đã xuyên được một mũi tấn công sắc nhọn vào quân Sô viết, tướng Hoth đã nhận được lệnh phải rút sư đoàn này ra để bảo vệ hậu tuyến phía nam của Tập đoàn quân VI. Quân đoàn VI Rumani đã sụp đổ thấy rõ, còn rất ít cơ hội để thành lập tuyến phòng ngự mới, và thậm chí sở chỉ huy của Hoth bị đe dọa. Trung đoàn Kỵ binh Rumani là tất cả những gì còn lại sau đòn tập kích thiết giáp từ phía nam đến sông Đông. 
Cuộc tấn công thành công của Leyser cho thấy nếu Paulus thành lập được một đội dự bị cơ động mạnh trước cuộc phản công, ông ta có thể tấn công lại ở phía nam, nơi khoảng cách chỉ dưới 15 dặm và có thể đè bẹp lực lượng được trang bị kém hơn của quân bao vây. Vào ngày tiếp theo ông ta có thể gửi tiếp nó đến phía tây bắc theo hướng Kalach để đối phó với cuộc tấn công phía bắc. Nhưng đó là giả thiết dựa trên nhận thức được đầy đủ mối nguy hiểm mà cả Paulus và Schmidt đều thiếu.
Vào buổi sáng thứ sáu 20/11, cùng lúc với trận pháo kích mở màn ở phía nam của Stalingrad, Sư đoàn tăng cận vệ 4 của Kravchenko đang ở 25 dặm sâu phía sau Sư đoàn Lục quân XI của Strecker, chuyển sang tấn công phía đông nam. Cùng lúc đó Sư đoàn Kỵ binh cận vệ 3 tấn công phía sau của Sư đoàn XI. Strecker cố gắng thành lập tuyến phòng thủ nam sông Đông, phía uốn gấp hơn, nhằm bảo vệ lỗ hổng đằng sau cả tập đoàn quân. Trong khi đó phần lớn quân của sư đoàn này lại đang đối mặt với Tập đoàn quân 65 ở phía bắc. Tập đoàn quân này lại liên tục gây sức ép, tấn công, loại bỏ mọi cố gắng bố trí lại quân. 
Trong khi quân Rumani “rút chạy điên cuồng, bỏ lại phần lớn vũ khí”, thì Sư đoàn bộ binh 376 phải quay về phía tây, cố gắng thiết lập liên lạc với phần phía nam của Sư đoàn Thiết giáp 14. Sư đoàn bộ binh 44 Áo cũng phải bố trí lại quân, nhưng “đa phần quân trang bị mất do không thể vận chuyển chúng do thiếu nhiên liệu”. 
Ở phía nam của họ, trung đoàn thiết giáp của Sư đoàn Thiết giáp 14 vẫn không có ý tưởng rõ ràng nào về hướng tấn công của đối phương. Đầu tiên nó tiến về phía tây hơn chục dặm, rồi sau đó vào buổi trưa lại rút về Verkhne-Buzinovka. Trên đường rút này nó lâm trận với Sư đoàn Kỵ binh cận vệ số 3 và đánh thiệt hại nặng sư đoàn này. Trong hai ngày đầu trung đoàn thiết giáp đã tiêu diệt 35 xe tăng Sô viết. Nhưng cũng bù vào đó, chi đội pháo phòng không với các khẩu pháo nòng cỡ 88 được dùng như súng chống tăng đã bị tiêu diệt sau một đợt tấn công của quân Nga.
Tình hình thiếu xăng thảm họa” tiếp tục ngăn trở các sư đoàn thiết giáp và cơ giới hóa di chuyển từ Stalingrad về phía tây để tạo thành phòng tuyến mới. Họ cũng thiếu các tổ lái sau khi Hitler ra lệnh gửi mọi lính có thể có đến Stalingrad chiến đấu như lính bộ binh. Một quyết định cay đắng và đáng tiếc nữa việc đưa ngựa của Tập đoàn quân VI về phía tây. Tình huống chiến tranh mới do quân Nga tạo ra đã bất ngờ bắt buộc các sư đoàn bộ binh Đức phải bỏ lại pháo của họ.
Sự sụp đổ của quân Rumani bị đẩy nhanh hơn khi các mũi nhọn Sô viết đâm sâu hơn. Vài đơn vị hậu cần của họ được đào tạo để đánh nhau và các sĩ quan thì trốn khỏi các sở chỉ huy. Trên sườn của một chiếc xe tăng tấn công, một nhà báo Sô viết đã viết: “Đường xá vương vãi đầy xác kẻ thù; các khẩu súng bị bỏ rơi quay sai hướng. Ngựa lang thang tìm thức ăn với dây cương đứt kéo lòng thòng phía sau; các đám khói dầy đặc bốc lên từ các xe tải bị đạn pháo phá hủy; lựu đạn cầm tay và đạn súng trường vứt đầy trên đường”. 
Các nhóm đơn độc của quân Rumani vẫn tiếp tục chiến đấu tại các chiến tuyến cũ, nhưng các sư đoàn súng trường Sô viết của Quân đoàn Tăng 5 và Quân đoàn 21 đã nhanh chóng đè bẹp họ. Perelazovsky đã chiếm được một sở chỉ huy của Rumani, mà theo lời của tướng Rodin đã bị bỏ lại rất vội vã khi bị Sư đoàn Tăng 26 tìm tới nơi và thấy “giấy tờ vứt đầy sàn nhà, các bộ quân phục dầy lót lông còn treo trên mắc” trong khi chủ của chúng đã phải chuồn vào đêm lạnh cóng. Điều quan trọng hơn đối với các đoàn quân cơ giới Sô viết là họ chiếm được các kho dầu bị bỏ lại. 
Trong khi đó Sư đoàn Thiết giáp 22 không thể cản lại các tăng T-34 của Quân đoàn tăng 1 nên đã rút lui. Nó cố gắng tấn công phía đông bắc vào ngày hôm sau nhưng nhanh chóng bị bao vây. Với số lượng sút giảm dưới mức quân số bình thường, cuối cùng sư đoàn này cũng tìm được đường rút lui về phía tây nam, bị truy đuổi sát gót bởi Quân đoàn Kỵ binh cận vệ 8. Cũng cùng lúc này, Quân đoàn tăng 26 của Rodin đã đè bẹp một bộ phận của Sư đoàn Thiết giáp Rumani trên đường tiến của nó, và bắt đầu băng qua thảo nguyên trống trải hướng về phía đông nam. Các đoàn xe Sô viết được nhắc nhở bỏ qua kẻ địch ở phía sau và tập trung vào mục đích. Nếu máy bay trinh sát của Luftwaffe nhận dạng được các hướng tiến gần như song song của ba tập đoàn tăng vào buổi trưa 20/11 thì chuông báo động tại sở chỉ huy của Tập đoàn quân VI sẽ phải rung lên sớm hơn.
Bộ phận quân Rumani còn chiến đấu đến lúc này là “nhóm Lascar”. Nó bao gồm phần còn lại của Quân đoàn V, tập hợp dưới sự chỉ huy gan dạ của Trung tướng Mihail Lascar, sau khi nó bị cắt rời bởi hai mũi tấn công thiết giáp. Lascar, người đã được tặng huân chương Chữ thập Kỵ sĩ tại Sevastopol, là một trong số ít các sĩ quan cao cấp Rumani được quân Đức thật sự kính trọng. Ông ta cố gắng cầm cự với giả thiết rằng Quân đoàn Thiết giáp XLVIII (48) đang đến tiếp cứu.
Sở chỉ huy Tập đoàn quân VI nằm tại Golubinsky, cách Kalach 20 dặm phía bắc dường như bắt đầu sáng thứ 7, ngày 21/11 trong sự lạc quan tương đối. Vào lúc 7:40 sáng một báo cáo “mô tả tình hình không thuận lợi” được gửi cho Cụm tập đoàn quân B, Paulus và Schmidt, những người vẫn cho rằng cú đánh thọc vào sườn trái của Strecker của Quân đoàn Kỵ binh cận vệ 3 là mối đe dọa chính, tin rằng lực lượng của họ từ Stalingrad điều về phía tây sẽ làm thay đổi tình thế.
Tuy vậy cũng trong buổi sáng này, Paulus và Schmidt đã nhận được một loạt tin sốc nặng. Nhiều tín hiệu khác nhau cho cùng kết luận. Cụm tập đoàn quân B cảnh báo họ rằng Tập đoàn quân VI bây giờ bị đe dọa từ hai phía. Một báo cáo đến cho biết một đoàn thiết xa lớn (thực chất là Quân đoàn tăng 4 của Kravchenko) chỉ còn cách họ dưới 20 dặm về phía tây. Chúng đang hướng về Đường Cao tốc sông Đông – một thứ khoe mẽ của các kỹ sư quân đội Đức tại bờ tây, nhằm liên kết tất cả các cây cầu huyết mạch trên con sông này. Tập đoàn quân VI không có lực lượng nào ở vùng này có thể ngăn được mối đe dọa. Còn tệ hơn nữa, nhiều cơ sở sửa chữa và hậu cần của Tập đoàn quân VI nằm phơi ra ở đây. Paulus và Schmidt cuối cùng nhận ra rằng đối phương đang cố gắng hướng đến một vòng bao vây. Cái tam giác tấn công, từ phía tây bắc và phía đông nam là rõ ràng nhằm đến Kalach và cây cầu của nó.
Các phản ứng tai hại của quân Đức không phải chỉ tại niềnm tin của Hitler rằng quân Nga không còn lực lượng dự bị, mà còn ở sự kiêu ngạo của phần lớn các tướng tá. “Paulus và Schmidt đã chờ đón một trận phản công”, một sĩ quan của Tập đoàn quân VI giải thích, “nhưng không phải là trận phản công kiểu đó. Đây là lần đầu tiên quân Nga dùng tăng giống như chúng ta đã dùng”. Thậm chí Richthofen còn viết rằng trận tấn công của đối phương “với ông ta là một đột phá thành công đáng kinh ngạc”. 
Thống chế Von Manstein, mặt khác lại thấy (có lẽ đó là suy nghĩ lúc bình tâm sau này) rằng sở chỉ huy Tập đoàn quân VI đã phản ứng quá chậm trễ và hoàn toàn cẩu thả trong việc dự đoán sai mối đe dọa vào Kalach, chỗ rõ ràng giao nhau qua sông Đông của hai mũi đột phá. 
Ngay sau buổi trưa, phần lớn nhân viên sở chỉ huy của Paulus được gửi về phía đông đến điểm đường sắt giao nhau ở Gumrak, cách Stalingrad 8 dặm, gần với lực lượng chính của Tập đoàn quân VI. Cùng lúc đó Paulus và Schmidt bay trên hai phi cơ hạng nhẹ Fieseler Storch đến Nizhne-Chirskaya, nơi họ hội kiến với tướng Hoth trong ngày hôm sau. Tại Golubinsky, các nhân viên bỏ lại sau đoàn xe các đám khói cuồn cuộn bay vào không khí giá buốt từ các hồ sơ và hàng hóa cũng như từ vài chiếc máy bay thám sát hỏng bị đốt bỏ. Trong lúc vội vã tháo lui, họ cũng bỏ qua mất một mệnh lệnh Quốc trưởng, chuyển từ Cụm tập đoàn quân B vào lúc 3:25 chiều. Lệnh này bắt đầu rằng: “Tập đoàn quân phải trụ vững dù có nguy hiểm bị bao vây tạm thời”. 
Có rất ít hi vọng giữ được các vị trí vào trưa ngày 21/11. Do hàng loạt chậm chễ với trung đoàn thiết giáp của Sư đoàn Thiết giáp 16 đã dẫn đến một lỗ hổng phía dưới Quân đoàn Lục quân XI của Strecker và các nhóm quân khác trong lúc cố gắng hình thành một đường phòng ngự mới. Điều này bị các Quân đoàn Sô viết Kỵ binh Cận vệ 3 và Cơ giới 4 khai thác nhanh chóng. Sư đoàn Strecker bị mối đe dọa ngày càng tăng lên từ phía bắc và cả đông bắc, không còn lựa chọn nào khác đành phải bắt đầu rút lui hướng đến sông Đông. Cái kế hoạch thiếu cân nhắc gửi các trung đoàn thiết giáp của Tập đoàn quân VI về phía Tây bây giờ mới bộc lộ sự nguy hiểm khi khắc phục. 
Kalach, mục tiêu chính của 3 Tập đoàn tăng Sô viết lại là một trong những điểm dễ bị tổn thương nhất. Ở đây không có phòng ngự tổ chức, chỉ có tập hợp lỏng lẻo của một số đơn vị nhỏ, chủ yếu là hậu cần và bảo dưỡng, cùng với một chi đội phòng không nhỏ của Feldgendarmerie và Luftwaffe. 
Bộ phận vận chuyển và sửa chữa của Sư đoàn Thiết giáp 16 đã lấy Kalach làm cơ sở trú đông. “Tin về biến đổi tình hình đầu tiên” chỉ đến với họ lúc 10 giờ sáng ngày 21/11. Họ cùng lúc được biết rằng đoàn tăng Nga đã xuyên qua quân Rumani về phía tây bắc và bây giờ đang hướng về phía họ. Vào lúc 5 giờ chiều họ mới lần đầu được biết về sự đột phá phía nam của Stalingrad. Họ không hề có ý tưởng gì rằng các quân đoàn cơ giới của Volsky dù có những nhùng nhằng vốn làm Yeremenko phát điên lên, đã tiến tới sở chỉ huy trước đây của Tập đoàn quân thiết giáp 4, chỉ còn cách họ 30 dặm về phía đông nam. 
Việc phòng thủ Kalach không chỉ thiếu đầy đủ mà còn kém tổ chức. Trên bờ phía tây, ở phía cao của sông Đông, có 4 khẩu pháo phòng không Luftwaffe, và còn có 2 súng phòng không nữa ở bờ đông. Chỉ có một nhóm 25 người từ Tổ chức Todt ( Organisation Todt) được chỉ định bảo vệ cầu, trong khi tiểu đoàn hỗn hợp của bộ phận hậu cần vẫn nằm trong thành phố bên bờ đông. 
Trung tướng Rodin, chỉ huy Quân đoàn tăng 26 giao nhiệm vụ chiếm giữ chiếc cầu Kalach cho trung tá G. N. Filippov, chỉ huy Lữ đoàn tăng 19. Rời Ostrov vào nửa đêm, đoàn xe của Filippov tiến về phía đông tới Kalach vào những giờ đầu tiên của ngày 22/11. Đến 6:15 sáng, họ dùng hai xe tăng và một xe trinh sát bị chiếm của Đức, với đèn pha bật sáng để đối phương mất cảnh giác, lái lên chiếc cầu bắc tạm qua sông Đông và khai hỏa vào đội bảo vệ. Cùng lúc đó 16 tăng Sô viết khác luồn qua đám cây cối dầy đặc che phủ bên bờ cao tiến vào. Đó là cũng là điểm mà các thiết giáp Đức tiến vào thành phố ngày 2 tháng 8.
Vài tăng Sô viết bị bắn cháy, nhưng sự dũng cảm của Filippov đã được đền bù. Chi đội bảo vệ cầu phải rút ra xa, và số xe tăng T-34 vượt cầu đủ để đánh bại mọi cố gắng phá cầu sau đó. Bộ binh cơ giới Nga xuất hiện bên bờ cao sông Đông, rồi các nhóm tăng khác xuất hiện. Vài cuộc tấn công tiếp theo với sự trợ giúp bởi pháo và cối từ bờ cao bắn qua sông. Đến giữa sáng bộ binh Sô viết tràn vào thành phố. Có sự hỗn loạn trên các đường phố đang đầy quân Rumani đi lạc đội hình. Chỉ bắn được không lâu thì các vũ khí hạng nặng ít ỏi của tiểu đoàn hỗn hợp hết đạn hoặc bị loại khỏi chiến đấu, mặc dù các lái xe và thợ cơ khí mới chỉ chịu vài thương vong. Khi các nhà xưởng của họ bị phá hủy, họ rút chạy khỏi thành phố, trèo lên các xe tải và lái trở lại với các sư đoàn của họ ở Stalingrad. Đường đã rộng mở để ngày tiếp sau có thể liên kết các Quân đoàn Tăng 4 và 26, đến từ đòn đánh phía bắc, với Quân đoàn cơ giới 4 của Volsky, đến từ phía nam của Stalingrad.
Được hướng dẫn bởi các pháo hiệu xanh bắn cầm canh lên trời, các mũi nhọn quân Nga đã gặp nhau ở giữa thảo nguyên, gần làng Sovietsky, với những cái ôm chặt kiểu-gấu, cái cảnh này phải đóng lại ngày hôm sau để chụp ảnh tuyên truyền. Cuộc ăn mừng với màn trao đổi vodka và xúc xích giữa các tổ lái tăng vào lúc này không được lên hình nhưng lại chân tình hơn nhiều.
Tin tức lan truyền khá nhanh bên phía Đức, nhấn mạnh rằng “chúng ta đã bị bao vây”. Đó là Chủ nhật 22/11 mà theo đạo Tin lành là ngày tưởng nhớ đến người đã khuất. “Một lễ Totensonntag 1942 ảm đạm”, Kurt Reuber – một linh mục phục vụ như một bác sĩ trong Sư đoàn Thiết giáp 16 viết, “lo lắng, sợ hãi và buồn nản”. Tuy nhiên nhiều người lại không quá để tâm khi nghe tin này lần đầu. Việc bị bao vây đã từng xẩy ra mùa đông trước, rồi đã bị phá vỡ. Nhưng các sĩ quan thạo tin lại suy tính sâu xa hơn và bắt đầu nhận ra rằng lúc này không còn quân dự bị để đến cứu họ ngay. “Chúng tôi nhận ra ngay sự nguy hiểm mà chúng tôi lâm vào”, Freytag-Loringhoven nhớ lại, “khi bị cắt rời rất sâu trong lòng nước Nga sát tận ranh giới châu Á”. 
Bốn mươi dặm về phía tây, cái túi cuối cùng của quân Rumani đến hồi kết thúc, mặc dù vào đầu giờ của ngày, tướng Lascar từ chối đòi hỏi đầu hàng của Hồng quân. “Chúng tôi tiếp tục chiến đấu mà không tính tới việc đầu hàng”, ông ta tuyên bố, nhưng quân của ông ta, mặc dù thể hiện dũng cảm, đã không có tiếp tế và sắp cạn đạn dược. 
Quân Sô viết vượt qua Kalach và ngay lập tức đẩy Sư đoàn XI về phía bắc vào một cái tử huyệt. Nó đã phải chiến đấu phòng thủ hầu như cả 3 hướng, trong sự hỗn độn, không xác định, lẫn lộn với các tin đồn. Sự bối rối được thể hiện trong phần nhật ký lấy từ xác một sĩ quan pháo binh Đức. 
- 20/11… cuộc phản công đang dừng lại chăng? Thay đổi vị trí phía bắc. Chúng tôi chỉ còn lại một khẩu súng. Mọi khẩu khác không hoạt động được.
- Thứ bảy 21.11… tăng địch sớm… Thay đổi vị trí xuống phía cuối. Quân Nga cực kỳ gần. Bộ binh độc lập (lính lái xe máy và xung kích) kêu gọi tham gia phòng thủ tầm gần. Đến ngày hôm nay vẫn còn nhiều quân Rumani chạy qua mà không dừng lại. Chúng tôi đang rút ra. Bị quân Nga ép cả hai phía. Vị trí bắn mới. Chỉ ở lại trong thời gian ngắn rồi lại phải chuyển đến vị trí mới phía sau. Xây một cái hầm. 
- Chủ nhật 22/11… Báo động lúc 3:30 sáng. Lệnh ra chiến đấu như lính bộ binh! Quân Nga đang tiến đến. Quân Rumani đang rút chạy. Chúng tôi không thể giữ vị trí với chỉ mình chúng tôi. Chúng tôi đang sợ hãi chờ đợi một lệnh chuyển vị trí nữa.
Trong cuộc rút lui này, các sư đoàn bộ binh Đức được thấy mình rơi vào các trận tấn công kỵ binh “cứ như thể đây là năm 1870” một sĩ quan viết. Vấn đề lớn nhất là vận tải, chủ yếu là do thiếu ngựa. Trong vài trường hợp giải pháp rất tàn nhẫn. Một NCO nhặt lấy 3/4 quân Nga từ trại tù binh và dùng họ như súc vật kéo. “Khi cuộc rút lui bắt đầu vào 20/11”, một tù binh Nga kể lại, “chúng tôi phải thay cho ngựa kéo các xe chất đầy đạn dược và lương thực. Những tù nhân nào không thể kéo xe nhanh như Feldwebel muốn đã bị bắn bỏ tại chỗ. Với cách như vậy chúng tôi bị buộc phải kéo xe bốn ngày, hầu như không được nghỉ. Tại trại tù binh Vertyacho, một vùng đất được quây bằng dây thép gai mà không có lấy một mái che, quân Đức chọn những người ít ốm yếu hơn để đem theo”. Những người còn lại, những tù nhân ốm yếu nhất, bị bỏ mặc cho đói và rét trong tuyết. “Chỉ có hai trong số 98 người là còn sống” khi họ được đơn vị tiến công của Tập đoàn quân 65 tìm ra. Các nhiếp ảnh gia được mời đến để ghi lại cảnh tượng khủng khiếp này. Ảnh được phát hành và chính phủ Sô viết chính thức buộc tội ban chỉ huy Quân đội Đức phạm tội ác chiến tranh. 
Sư đoàn bộ binh 376 phải phơi mình cho quân Nga tấn công nhiều nhất mà chúng “cực kỳ nhanh”, theo như một chỉ huy của nó, tướng Edler von Daniels. Sư đoàn giảm xuống còn 4200 người khi bị mắc lại bên bờ tây sông Đông cũng như một bộ phận của Quân đoàn XI – được rút lại từ phía đông nam ngày 22/11. Hai ngày sau đó Sư đoàn vượt sông Đông qua chiếc cầu Vertyachy. 
Cũng trong lúc đó trung đoàn thiết giáp của Sư đoàn Thiết giáp 16 vượt sông Đông vào đêm 22/11 để hỗ trợ Quân đoàn XI. Trên đường đi, nó cố gắng đi qua xưởng sửa chữa ở Peskovatka để lấy thêm vài cái tăng mới hoặc vừa được chữa xong. Từ vị trí của nó bên phía Đức trên đoạn thắt nút sông Đông, trung đoàn thiết giáp cố gắng phản công về hướng Suchanov trong ngày 23/11 trong màn sương mù nặng, nhưng đã bị bộ binh Sô viết mặc quân phục ngụy trang trắng và trang bị súng trường chống tăng phục kích. Đối mặt với đối phương mạnh và lại bị thiếu nhiên liệu, Sư đoàn Thiết giáp 16 phải rút lui. Nó chiếm các vị trí để bảo vệ cuộc rút lui nhưng do truyền tin kém nên phần lớn lệnh được chuyển đi nhờ vào lính thông tin lái xe máy.
Quân Đức rút lui về phía đông dọc theo sông Đông, hướng về Stalingrad và xa dần phần còn lại của quân Đức. Về nhiều phương diện cuộc rút lui còn tệ hơn cả cuộc rui lui khỏi Moscow, tháng 12 năm trước. Tuyết mịn, cứng và khô, bay qua thảo nguyên, thổi vào mặt họ, khiến họ phải dựng cổ áo lên chống gió. Mặc dù có bài học về chết cóng năm trước, có nhiều binh lính vẫn chưa nhận được quân phục mùa đông. Đường rút lui bị vứt đầy các vũ khí bỏ lại, mũ sắt và thiết bị. Phần lớn quân Rumani chẳng còn gì ngoài bộ quân phục nâu. Họ đã vứt bỏ mũ sắt khi rút lui. Những người may mắn hơn, đa phần là sĩ quan còn đội mũ lưỡi trai Balkan. Xe cộ bị bắn hỏng, bắn cháy bị đẩy ra vệ đường hoặc ra bờ sông.
Tại một điểm có một khẩu súng phòng không có nòng bị nổ toác thành những dải uốn cong giống như một bông hoa lạ. Gần đến các cây cầu bắc qua sông Đông giao thông bị tắc nặng với các xe tải, xe chở quân, xe máy thông tin đang tuyệt vọng tìm cách vượt qua, các xe ngựa và các súng máy cổ được kéo bằng các con ngựa kiệt sức và không được chăm sóc. Liên tục lại có làn sóng sợ hãi bất chợt với tiếng thét “tăng Nga”. Quân đoàn tăng Sô viết 16 đang tấn công xuống vào Sư đoàn bộ binh 76 theo hướng Vertyachy, đe dọa cắt rời các đơn vị Đức còn ở phía bờ tây của sông Đông. 
Lực lượng đang tiếp cận cây cầu tại Akimovsky đã tạo ra những cảnh tượng xấu xa nhất, trong đó binh lính quát tháo, tuyệt vọng, thậm chí đánh nhau để vượt sang bờ đông. Kẻ yếu hoặc người bị thương bị dẫm đạp lên. Thỉnh thoảng các sĩ quan đe dọa lẫn nhau do quân của họ không được qua trước. Thậm chí phân đội Feldgendarmerie được trang bị súng máy cũng không thể khôi phục phần nào trật tự. Một lượng đáng kể binh lính do muốn tránh tình trạng tắc nghẽn hỗn loạn đã cố gắng tự vượt bộ sông Đông đang đông cứng. Băng cứng và dầy ở gần các bờ, nhưng ở giữa lại yếu. Bất cứ ai rơi xuống sông coi như xong. Không ai nghĩ sẽ chạy ra tiếp cứu. Trong ký ức hầu hết mọi người việc này so sánh được với sự kiện ở Berezina5.
Đôi khi trên đường rút lui, một sĩ quan nào đó với bộ dạng râu ria không cạo như những người xung quanh, cho rằng nghĩa vụ của mình là làm ngừng tình trạng tan rã. Anh ta rút súng ra đe dọa và tập hợp vài người lạc đơn vị, sau đó lại dùng họ làm hạt nhân, bắt thêm người khác tập hợp vào quả bóng tuyết này. Lính vũ khí hạng nặng và lính súng máy cũng được lệnh gia nhập thành một nhóm chiến đấu ngẫu hứng. Lực lượng hỗn hợp này, với các mức độ bắt buộc khác nhau sau đó chiếm lấy một vị trí và nằm đợi các xe tăng hay kỵ sĩ Sô viết hiện ra sau màn sương. 
Qua sông Đông, ở bên bờ đông, mọi làng mạc đều đầy binh sĩ Đức – những người đi lạc sư đoàn, tất cả đều tìm kiếm thức ăn và chỗ trú tránh cái lạnh khủng khiếp. Người Rumani, những người đã phải rút chạy cả tuần lễ rồi, chỉ nhận được rất ít cảm thông từ đồng minh. “Một số quân Rumani”, một sĩ quan quan sát, “bị bắt buộc phải trú ngụ ở bên ngoài”. Quân rút lui về đến căn cứ hậu cần, nhưng điều đó chỉ thêm hỗn loạn. Một sĩ quan thiết giáp sau đó đã tả về sự hỗn loạn ở Peskovaka, “đặc biệt là các hành vi điên rồ và sợ hãi của các đơn vị phòng không Luftwaffe”, phá hủy, đốt cháy hàng hóa và xe vận tải “theo một kiểu hoang dại”.
Những binh lính đi qua đã nhảy vào tranh cướp mọi đồ cung cấp mà họ tìm được. Từ núi đồ hộp họ nhét đầy ba lô và túi cho đến khi chúng phình ra. Mọi người dường như chẳng có lấy một cái mở hộp, do vậy họ dùng lưỡi lê để mở với thái độ thiếu kiên nhẫn và thường không biết hộp chứa cái gì bên trong. Nếu họ thấy đó là hộp hạt cafe, họ sẽ đổ thẳng chúng vào mũ sắt và dùng cán lê để giã, giống như là một cái cối và cái chầy thô sơ. Với những người lính còn chưa được phát quân phục mùa đông thấy quân hậu cần ném quần áo vào lửa đã chạy vội vàng đến để cứu từ lửa lấy vài thứ cho bản thân. Trong khi đó lính bưu điện đốt bỏ các lá thư và các kiện hàng mà trong đó có cả thức ăn gửi từ nhà sang. 
Những cảnh tượng còn tệ hơn nữa có thể thấy ở các bệnh viện dã chiến. “Ở đây mọi thứ đều quá tải”, một lính hạ sĩ quan, người đến từ một nhà kho đang được sửa chữa ở Peskovatka và chịu bệnh vàng da nặng kể lại. “Người bị thương nhẹ và bị ốm phải tự tìm lấy chỗ trú”. Anh ta phải ở qua đêm trong tuyết. Những người khác còn phải chịu đựng nhiều hơn nữa. Có những cái xe tải đỗ trong băng giá ở sân sau vẫn còn đầy những người bị thương với băng quấn đầu và quấn các khúc chân, tay bị thương hay bị cụt. Các lái xe đã biến mất và các xác chết vẫn nằm lẫn với họ. Không ai cho những người còn sống thức ăn và nước uống. Bác sĩ và nhân viên bên trong đang quá bận rộn, trong khi binh lính đi ngang dường như bỏ qua những lời van xin giúp đỡ. Những người giả ốm hay những người bị thương còn đi được khi đến cửa bệnh viện thì lại gặp một hạ sĩ quan đang tập hợp họ lại thành một đại đội hỗn hợp. Những người bị thương do bị rét cóng, trừ trường hợp quá nặng, sẽ được cho ít thuốc mỡ và bông băng, sau đó bị bắt đi làm nhiệm vụ. 
Ở bên trong các bệnh nhân đang thiêm thiếp. Có rất ít ô xy trong bầu không khí nặng nề ẩm ướt, nhưng ít ra nó còn ấm. Khi các nhân viên tháo bỏ các lớp băng từ chiến trường cho người bị thương thì phần lớn chúng đã lúc nhúc đầy rận rệp, họ lau vết thương, tiêm phòng uốn ván và băng bó lại.
Cơ hội sống sót của một người chủ yếu phụ thuộc vào kiểu và vị trí của vết thương. Bị mảnh pháo, mảnh lựu đạn hay đạn không quan trọng bằng vị trí xuyên vào. Việc chọn để chữa rất đơn giản. Những ai bị thương nặng ở đầu hay ở bụng sẽ được đặt sang một bên và để cho chết, bởi vì việc giải phẫu cần đến cả đội ngũ đầu đủ bác sĩ, kéo dài từ 90 phút cho đến 2 giờ, trong khi chỉ một nửa số bệnh nhân có thể sống sót. Ưu tiên dành cho những người bị thương đi được. Họ có thể được gửi lại chiến trường. Những cái cáng cứu thương chiếm quá nhiều chỗ và cần rất nhiều sức người. Chân tay bị gẫy, bị đứt cũng được xử lý rất nhanh. Nhân viên giải phẫu với tạp dề cao su, dao mổ và cưa làm việc thành các cặp, nhanh chóng cắt cụt phần gẫy được giữ bởi hai nhân viên. Những thứ bị cắt ra được ném vào cái xô. Sàn nhà quanh bàn mổ trơn trượt vì máu mặc dù thỉnh thoảng có được lau qua bằng giẻ. Mùi hỗn hợp lộn mửa át hết cái mùi thông thường của chất khử trùng của bệnh viện. Dòng sản phẩm của việc giải phẫu này dường như không bao giờ chấm dứt.
Các đội quân vẫn còn ở lại bên bờ tây sông Đông tự hỏi liệu họ có thể thoát không. “Khá gần sông Đông rồi”, nhật ký của viên sĩ quan pháo binh tiếp tục, “mọi thứ sẽ kết thúc tốt đẹp không? Chúng tôi sẽ thoát khỏi cái túi lớn này chứ? Cái cầu có còn không? Hàng giờ bất động và sợ hãi. Bộ phận bảo vệ ở bên phải và bên trái của đường. Thường thì con đường cũng chính là trận tuyến. Cuối cùng sông Đông đây. Cây cầu còn nguyên. Một hòn đá tảng rơi khỏi tim chúng tôi. Ở phía xa có các vị trí bắn. Quân Nga đang dồn ép. Kỵ binh của họ đã vượt sông vào phần nam của chúng tôi”.
Một số xe tăng buộc phải phá hủy”, báo cáo từ một hạ sĩ “do chúng tôi không có xăng lúc cần thiết”. Sư đoàn Thiết giáp 14 chỉ còn 24 tăng có thể sửa chữa được, do vậy các tổ lái dư thừa được tổ chức lại thành các đại đội bộ binh, trang bị súng trường và súng máy. Các sĩ quan cao cấp thì gần với tuyệt vọng. Sáng sớm 25/11, Hoàng tử zu Dohna-Schlobitten, sĩ quan tình báo của Quân đoàn thiết giáp XIV đã chứng kiến vụ cãi nhau giữa tướng Hube và chỉ huy của anh ta, đại tá Thunert, trong đó họ dùng các cụm từ như “phương sách cuối” và “một viên đạn xuyên qua đầu”. 
Nhiệt độ giảm rất nhanh. Mặt đất cứng có nghĩa là thương vong từ đạn cối sẽ cao hơn nhiều, nhưng mặt đất đông cứng không ảnh hưởng đến quân rút lui nhiều như nước đông cứng. Băng giá dữ dội có nghĩa là sông Đông sẽ bị quân đối phương dễ dàng vượt qua. Trong ngày hôm sau, bộ binh Sô viết đã có thể vượt sông Đông gần Peskovatka. Sáng hôm sau nữa, các bệnh binh tại bệnh viện dã chiến bị dựng dậy bởi âm thanh của súng cối và súng máy. “Mọi người chạy nháo nhào xung quanh như bầy gà không đầu”, người hạ sĩ quan bị bệnh vàng da, người đã sống sót qua đêm ở bên ngoài sau khi không kiếm được chỗ bên trong kể lại. “Ở trên đường đã có một dẫy xe, cái nọ nối cái kia, trong khi đạn cối rơi nổ khắp xung quanh. Lúc chỗ này lúc chỗ kia một chiếc xe bị trúng đạn và bốc cháy. Những người bị thương nặng không thể vận chuyển vì thiếu xe tải. Một đại đội được thành lập vội vàng từ các đơn vị khác nhau đã cố gắng đẩy lùi quân Nga ngay trước khi họ tới được bệnh viện dã chiến”. 
Vào buổi chiều này, nhân viên sở chỉ huy của Quân đoàn thiết giáp XIV nhận lệnh phá hủy “mọi thứ, mọi thiết bị, tài liệu và xe cộ không thật cần thiết”. Họ được đưa qua sông Đông hướng về Stalingrad. Trong ngày tiếp theo 26/11, Sư đoàn Thiết giáp 16 và bộ phận của Sư đoàn bộ binh 44 là những đoàn lính cuối cùng của Tập đoàn quân 6 rời bờ tây sông Đông. Vào buổi đêm họ vượt qua cầu Luchinsky sang bờ Stalingrad của con sông. Đối với Sư đoàn thiết giáp 16 thì cây cầu “chỉ như bao cây cầu khác chúng tôi từng vượt qua trong 12 tuần trước khi chúng tôi bắt đầu tấn công thành phố bên bờ sông Volga”. 
Một đại đội thiết giáp vệ binh từ Trung đoàn Thiết giáp vệ binh 64 bảo vệ cuộc rút lui dưới sự chỉ huy của trung úy von Mutius. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ cây cầu, cho phép mọi binh lính lạc đơn vị vượt qua cho đến 3 giờ rưỡi sáng, khi đó cây cầu dài 300 bộ bắc ngang sông Đông sẽ bị thổi bay. Vào lúc 3:10 con đại bàng trẻ Mutius nói với trung sĩ Oberfeildwebel Wallrewe rằng ông ta “rất hãnh diện”, là “sĩ quan cuối cùng của Wehrmacht (quân đội) Đức băng qua chiếc cầu này”, Wallrewe không bình luận gì cả. Hai mươi phút sau, khi các binh sĩ thiết giáp vượt sang bờ đông của sông Đông, các kỹ sư đã giật sập cầu. Tập đoàn quân VI bây giờ đã nằm khép kín giữa sông Đông và sông Volga.
Niềm phấn kích không hề giảm đi đối với Hồng quân đang tiến đánh kẻ thù. “Anh cảm thấy dễ chịu hơn nhiều vì quân ta bắt đầu tiêu diệt bọn Đức”, một người lính viết về cho vợ hôm 26/11. “Đây là thời khắc chúng ta bắt đầu nện bọn rắn. Bọn anh bắt được rất nhiều địch. Bọn anh phải bỏ nhiều thời gian để chuyển bọn chúng về phía sau đến trại tù binh. Bây giờ chúng bắt đầu phải trả giá cho máu và nước mắt của nhân dân chúng ta, cho sự xỉ nhục và cướp bóc. Anh đã nhận được quân phục mùa đông nên đừng lo lắng gì cho anh cả. Mọi thứ đang tốt đẹp lên. Anh sẽ về nhà sớm sau chiến thắng. Gửi em 500 rúp”. Những người còn nằm ở bệnh viện dường như được phục hồi nhanh hơn, cay đắng tiếc rẻ bị lỡ mất trận chiến. “Bây giờ các trận đánh đang mạnh và tốt”, một người lính Nga viết cho vợ, “còn anh thì nằm đây và lỡ chúng cả”. 
Một số lời buộc tội quân Đức hung ác khó mà chứng minh được. Một số thì không nghi ngờ gì là sản phẩm tuyên truyền dựng lên hoặc thổi phồng, nhưng những cái khác đơn giản là đúng. Những đoàn quân hành tiến Sô viết gặp nhiều phụ nữ, trẻ em và người già bị quân Đức đuổi khỏi nhà, chỉ với một ít của cải trong tay nải. Nhiều người còn bị cướp mất quần áo mùa đông. 
Vasily Grossman kể nhiều câu chuyện giống nhau trên trục tiến phía nam. Ông viết rằng lính Hồng quân lục soát các tù binh và tức giận khi tìm thấy trong nhiều tù binh các thứ ăn cướp từ nông dân – “khăn vuông trùm đầu của các bà lão và khuyên tai, áo vải lanh, tã trẻ em và áo khoác mầu sặc sỡ của các cô gái”. Những thường dân hốc hác đến kể cho nghe những gì họ phải chịu dưới sự chiếm đóng Đức. Mọi súc vật bò, gà, lúa mạch đều bị tước đoạt. Người già bị đánh đập tra khảo cho tới khi khai ra nơi họ cất dấu lúa mạch. Nhà cửa bị đốt trong khi nhiều thường dân bị bắt đi lao động nô lệ và những người còn lại bị bỏ mặc cho đói và lạnh cóng. 
Sự trả thù thường được các nhóm nhỏ lính Nga thực hiện, đặc biệt khi họ say, lên đầu bất cứ lính Đức nào rơi vào tay họ. Trong khi đó các đơn vị NKVD đổ vào các làng được giải phóng. Họ đã bắt 450 người cộng tác với quân Đức. Cuộc bắt bớ lớn nhất diễn ra chỉ một tháng sau đó ở Nizhne Chirskaya nơi những người Cô dắc bị tố giác với NKVD là cảnh sát mật của Đức. Khoảng 400 người gác trại tập trung bị giết, trong đó có 300 người Ukraina.
Grossman nhìn thấy tù binh Đức được dẫn giải về phía sau. Nhiều trong số họ khoác tấm chăn trên vai thay cho quân phục dầy mùa đông. Dây thừng hoặc dây thép dùng thay cho thắt lưng. “Trên thảo nguyên bao la trống trải, ta có thể thấy chúng từ rất xa. Chúng đi qua chúng tôi thành những đoàn 2-300 người và chia thành những tốp nhỏ hơn từ 20 đến 50. Có đoàn dài đến vài dặm, chậm chạp lê bước trên đường, uốn lượn theo từng khúc quanh. Một số lính Đức có thể nói được chút ít tiếng Nga. ‘Chúng tôi không muốn chiến tranh’, họ rền rĩ. ‘Chúng tôi muốn về nhà. Hitler phải sa địa ngục’. 
Những người dẫn giải mỉa mai: ‘Bây giờ khi xe tăng chúng ta cắt rời chúng ra, chúng kêu gào không muốn chiến tranh, nhưng trước đó cái suy nghĩ đó chưa bao giờ chui vào đầu bọn chúng’ ”. Tù binh được chuyển qua sông Volga bằng xà lan kéo bằng tầu kéo. “Chúng đứng túm tụm với nhau trên sàn tầu, mặc những bộ quân phục mùa đông mầu xám rách tơi tả, dậm dậm chân và hà hơi vào các ngón tay buốt cóng của chúng”. Một thủy thủ quan sát họ với sự hài lòng tàn nhẫn: “Bây giờ chúng đang có được chút nước sông Volga”.
Tại Abganerovo, lính Sô viết tìm thấy tại điểm giao đường sắt đang tắc nghẽn bởi các ô tô bị bỏ rơi, mà theo nhãn mác đến từ nhiều quốc gia bị xâm chiếm ở châu Âu. Các ô tô sản xuất tại nhà máy của Pháp, Bỉ, Ba lan đang nằm tại đây. Mỗi chiếc xe đều có con đại bàng đen và chữ thập ngoặc của Đế chế thứ ba. Đối với quân Nga, những toa tầu đầy đồ tiếp tế này là một quà Giánh sinh bất ngờ. Cái cảm giác về quân đội Đức hùng cường đi cướp đoạt khắp thế giới giờ đã bị yếu đi thật dễ chịu. 
Tuy nhiên nhưng vấn đề cũ về chứng bán-nghiện rượu kinh niên lại nổi lên. Người chỉ huy, chỉ huy phó cùng với 18 lính của một đại đội của mũi thọc sâu phía nam đã bị thương do uống chất chống đông của Đức. Ba người chết và 17 người khác ở trong tình trạng trầm trọng tại bệnh viện dã chiến. Ở mũi phía bắc, một sĩ quan Nga bị bắt nói với công tước Dohna rằng khi tiểu đoàn của ông ta, gần chết đói do cạn lương thực thì bắt được đồ tiếp tế của Rumani, 150 người chết vì ăn quá mức. Trong khi đó ngay tại Stalingrad, Tập đoàn quân 62 lại thấy mình ở một vị trí lạ lùng. Mặc dù giờ là một thành phần của vòng bao vây Tập đoàn quânVI, nó vẫn bị cắt rời với bờ đông của sông Volga, thiếu tiếp tế và không chuyển được thương binh. Mỗi khi một chiếc tầu liều lĩnh băng qua đám băng nguy hiểm, pháo Đức lại bắn. Thế nhưng bầu không khí bây giờ đã thay đổi, kẻ tấn công đã thành kẻ bị vây. Lính của Tập đoàn quân 62 vẫn không thể tin được là thời khắc chuyển đổi đã đến. Những người lính Nga vẫn không mơ tưởng gì đến nguồn cung cấp thuốc lá cho đến khi sông Volga đóng băng hoàn toàn, đã hát lên để quên cơn thèm thuốc. Lính Đức lắng nghe từ hầm hố của họ. Chúng không còn chửi rủa lại nữa.

tải về 2.43 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương