Phần 1: Toàn thế giới nín thở chờ đợi Chương 1: thanh kiếm hai lưỠi của barbarossa



tải về 2.43 Mb.
trang5/18
Chuyển đổi dữ liệu25.03.2018
Kích2.43 Mb.
#36541
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18

Chương 10: RATTENKRIEG

CHIẾN THUẬT CHUỘT CHŨI”
Tâm trạng vỡ mộng của Hitler trước những thành công hạn chế ở vùng Caucasus và Stalingrad lên tới đỉnh điểm vào ngày 24 tháng 9, khi hắn cho sa thải tướng Halder, Tham mưu trưởng lục quân. Cả hai người đều trong tình trạng hết sức mệt mỏi với nhau. Tướng Halder bị làm giận điên lên với cái thứ mà ông coi như là một sự can thiệp với tính khí thất thường và bị ám ảnh của một tay a-ma-tơ, trong khi Quốc trưởng xem bất kỳ gợi ý phê bình nào cho sự lãnh đạo của ông là oán hận của các tướng lĩnh phản động không chia sẽ ý chí chiến thắng của ông. Quan tâm hàng đầu của Hitler, như tướng Halder đã ghi trong nhật ký trong đêm đó là, “Cần thiết truyền cho bộ tổng tham mưu có niềm tin cuồng nhiệt vào Lý Tưởng”. Mối bận tâm này và sự nô dịch hoá bộ tổng tham mưu trở thành một cuộc vật lộn thay người trong đó. Hậu quả không khó để tưởng tượng ra. Một tình trạng nguy kịch dễ dàng chuyển thành một thảm hoạ.
Theo cánh của Jodl và List, Paulus nghe rằng ông có thể được bổ nhiệm thay cho Jodl làm tham mưu trưởng hành quân. Tướng Von Seydlitz được cho là kế vị ông chỉ huy tập đoàn quân 6. Tuy vậy, Hitler, quyết định chọn những gương mặt mà ông ta đã quen biết. Tướng Jodl được phục hồi chức vụ và tay thống chế nịnh hót Keitel vẫn nguyên vị để đảm bảo cho tên tuổi thiên tài quân sự của Fuhrer và giúp cho việc phát xít hoá quân đội. Giới sỹ quan chuyên nghiệp cho hắn là “Lakeitel - Con lừa gật đầu”, nhưng họ cũng giữ cái nhìn kinh thị với những vị tướng khác vì có tính hèn nhát. “Bộ tham mưu đang hướng thẳng đến sự huỷ diệt của chính mình” Groscurth viết cho tướng Beck, người sau này đứng đầu âm mưu tháng Bảy, “không còn chút danh dự” niềm an ủi duy nhất của Groscurth là quân đoàn trưởng của ông, tướng Strecker, và những sỹ quan tham mưu đồng đội thuộc sở chỉ huy quân đoàn XI cũng có cùng cảm giác. “Thật là vinh dự được cùng với những chiến hữu như thế”.
Sự sa thải Halder, cũng là sự kết thúc cho việc Bộ tham mưu là một thực thể lập kế hoạch độc lập, đồng thời cũng làm mất đi người bảo hộ đơn độc còn lại của Paulus ở thời khắc khủng hoảng. Paulus phải dấu tiệt đi sự thất vọng do bị hụt cơ hội được bổ nhiệm. Hitler đã nói rằng với Tập đoàn quân VI, ông có thể đột chiếm cả thiên giới, nhưng Stalingrad vẫn chưa bị hạ. Một đội của Bộ tuyên truyền đang đợi sự chiếm đóng đó, “sẳn sàng quay phim cảnh kéo cờ” và báo chí nài nỉ được phép công bố “Stalingrad sụp đổ!”, bởi chính sở chỉ huy của Paulus đã thông báo vào ngày 26 tháng 9 rằng “lá cờ trận của Đế chế tung bay trên toà nhà đảng bộ thành Stalingrad!”. Ngay cả Goebbels bắt đầu trở nên lo rằng báo chí Đức đã mô tả những sự kiện “với màu sắc quá hồng hào”. Những cây bút được chỉ đạo để nhấn mạnh tính ngoan cường và phức tạp của trận chiến. Tuy vậy, một tuần sau, ông bắt đầu chắc chắn rằng “Sự sụp đổ của Stalingrad là không thể hồ nghi”, và rồi ba ngày sau, tâm trạng ông ta lại thay đổi và ra lệnh các chủ đề khác phải được đưa ra trước. 
Tướng Paulus nhận áp lực và phê phán “từ sáng đến tối”, và việc không chiếm được Stalingrad làm ông “lo ghê gớm”, theo Groscurth. Sự căng thẳng làm trầm trọng thêm bệnh lỵ kinh niên của ông. Các sỹ quan tham mưu nhận thấy phía bên trái mặt của ông bị co giật nhiều hơn. Ở Sở chỉ huy Tập đoàn quân VI, đặt tại Golubinsky, một ngôi làng ở bờ trái sông Don, ông chú mục vào các bản đồ phóng to, chi tiết của Stalingrad. Phần lớn thành phố đã bị chiếm, và phòng Tình báo của ông ước lượng thương vong phía Soviet đại để gấp đôi quân Đức. Ông ta có thể chỉ hy vọng rằng Hitler đã đúng về việc quân thù sẽ hết quân dự bị bất kỳ lúc nào. Các nguồn lực của ông đang bị hao mòn rất nhanh, và sự ngoan cường đến kỳ lạ của quân địch làm mất tinh thần họ.
Nhiều phê phán chống lại ông dựa trên cơ sở sự thật: Tập đoàn quân VI, với hai quân đoàn phối thuộc lấy từ tập đoàn xe tăng số IV, là một đơn vị lớn nhất trong lục quân Đức, và gần một phần ba của một triệu quân là mạnh khoẻ. Những kẻ ngoại cuộc, không có chút kinh nghiệm chiến đấu, không thể hiểu vấn đề. Mọi người hẳn có thể tranh luận rằng Paulus có thể dùng các đơn vị của ông tốt hơn, nhưng những người chỉ trích quên rằng trong khi có chừng 8 sư đoàn của ông bị trói vào chiến đấu trong thành phố, thì 11 sư đoàn khác trú phòng cho 130 dặm mặt trận kéo dài từ khúc uốn lớn đến khúc uốn nhỏ của dòng sông Don, rồi trên khắp thảo nguyên Volga ở phía bắc Rynok, cũng như trước cánh nam Stalingrad đối diện với Beketovka. Chỉ còn một sư đoàn làm lực lượng dự bi.
Ở phía cánh trái, trên thảo nguyên hoang vắng trải rộng, quân đoàn Lục quân XI của Strecker, Quân đoàn Lục quân VIII của tướng Walther Heitz và Quân đoàn thiết giáp số XIV của Hube, đối mặt với những trận tấn công không ngớt từ bốn Tập đoàn quân Sô-viết nhằm cố giảm bớt áp lực lên thành phố. Còn cánh phải, quân đoàn Lục quân IV của tướng Jaenecke (đối diện là tập đoàn quân số 64 của tướng Shumilov) cùng với tập đoàn quân Hungari số 4 kém cỏi, căng rộng quá mức trên tuyến phòng thủ vốn đã đuối dần ở phía bắc vùng Caucasus. Về phía bên kia, dưới quyền của Yeremenko có Tập đoàn quân 62 của Chuikov, Tập đoàn quân 64 ở quanh Beketovka, Tập đoàn quân 57 dưới phía xa hồ Sarpa, Tập đoàn quân 51 giữ tuyến các hồ còn lại, và sau cùng là Tập đoàn quân 28 trải rộng trên thảo nguyên Kalmyk trống trải.
Với quân Đức, quân Rumani và quân Nga ở cánh Nam, cuộc chiến trên thảo nguyên về cơ bản là giống như trong Thế chiến thứ I, chẳng qua là khác ở chỗ vũ khí tối tân hơn và sự xuất hiện thường xuyên của không quân hiện đại. Còn các đơn vị thiết giáp ở cả hai cánh thì vùng đồng bằng đầy nắng, nơi họ đã lướt lên như những chiến hạm ở tốc độ cao nhất chỉ vài tuần trước, giờ lại kéo họ lại trong nỗi chán nản ghê gớm. Sự thiếu vắng cây cỏ, núi đồi làm binh sỹ người Áo và Nam Đức nhớ nhà. Những cơn mưa Rasputisa làm tình cảnh càng tệ đi. Quân lính ngồi trong hầm, nghe mưa rơi và nhìn nước dâng ngập dần qua mắt cá chân, không có mấy việc để làm ngoại trừ nghĩ về hầm hào, chân cẳng và nhìn lũ chuột sũng nước cắt xé xác người ngoài kia, ở khu phân tuyến.
Những hành động ở cả hai phía giới hạn ở công tác tuần tra, trinh sát, đột nhập, và phát hiện các cuộc tấn công. Những nhóm quân nhỏ bò về tuyến địch, ném lựu đạn vào hào. Chỉ có một sự thay đổi đến vào ngày 25 tháng 9 khi Tập đoàn quân số 51 và 57 (Nga) tấn công vào các sư đoàn quân Rumani ở phía nam Stalingrad dọc tuyến các hồ muối và đẩy họ lùi lại, nhưng đã không thành công trong việc quấy rối các sư đoàn Đức trong thành phố.Cuộc chiến trong đô thành Stalingrad có lẽ không khác biệt mấy. Nó cho thấy một hình thức chiến tranh mới, tập trung vào các tàn tích của đời sống dân sự. Những phế liệu của chiến tranh: tăng cháy, thùng đạn, dây nhợ và hộp thủ pháo hoà lẫn với những đồ dùng gia đình gãy nát: khung giường sắt, đèn, dụng cụ. Vasily Grossman đã viết “đánh nhau trên các đống gạch, những căn phòng nửa-phá-huỷ, những hành lang của các khối nhà chung cư, nơi có thể vẫn còn sót lại một lọ hoa khô héo, hay một quyển tập bài làm của em bé mở trên bàn. Tại một điểm quan sát, cao cao trên một toà nhà đổ nát, một điểm chỉ viên pháo binh, ngồi trong chiếc ghế phòng ăn, với một chiếc ống nhòm có thể nhìn thấy các mục tiêu xuyên qua các lỗ đạn pháo trên tường”.
Lính bộ binh Đức ghét cay ghét đắng kiểu đánh nhau dành từng ngôi nhà. Họ nhận ra kiểu cận chiến như thế sẽ phá vỡ phương hướng và các lằn ranh của qui tắc quân sự cũng như tâm lý mất định hướng. 
Trong những trận đánh sau cùng của tháng 9, cả hai phe dành nhau một nhà kho bằng gạch lớn bên bờ Volga, gần miệng hẻm núi Tsaritsa, đó là một toà nhà bốn tầng ở mé sông và ba tầng về phía đất liền. Tại một điểm, nó “như một chiếc bánh nhiều tầng” với quân Đức ở trên đỉnh, quân Nga phía dưới, rồi lại thêm quân Đức ở dưới nữa. Thường thì chẳng nhận ra đâu là địch, vì mọi bộ quân phục đều nhuộm màu bụi nâu.
Các tướng lĩnh Đức dường như không tưởng tượng ra điều gì đợi những sư đoàn của họ trong thành phố đổ nát này. Họ đã đánh mất cái chiến thuật tấn công Blitzkrieg trứ danh và nhiều trường hợp, đã quay lại các kỹ thuật đánh nhau thời thế chiến thứ I, dù các nhà lý luận quân sự của họ bình luận rằng hình thái chiến tranh chiến hào là “một sự sai lầm của nghệ thuật chiến tranh”. Ví dụ, Tập đoàn quân VI, để đáp trả lại chiến thuật của quân Soviet, đã áp dụng lại kiểu “Storm-wedge” đã có từ hồi tháng giêng năm 1918: những nhóm xung kích với chừng mười lính trang bị súng máy, cối nhẹ và súng phun lửa để quét sạch các boongke, hầm hào cống rãnh.
Bằng cách ấy, cuộc chiến đấu tại Stalingrad còn ghê rợn hơn cả cuộc tàn sát ở Verdun. Những trận cận chiến trong các toà nhà đổ nát, trong boongke, hầm, cống rất nhanh sau đó được lính Đức gán cho cái tên “Rattenkrieg” (chiến thuật chuội chũi). Tính hoang dã của nó làm thất kinh tướng lĩnh của họ, vốn cảm thấy mình nhanh chóng mất đi sự điều khiển các sự việc. “Quân thù vô hình” tướng Strecker viết cho một người bạn “chúng phục trong hầm, trong tường đổ, ẩn trong boongke, nhà máy và gây thương vong nặng nề cho quân ta”.
Các chỉ huy quân Đức thường thừa nhận rằng người Nga ngụy trang rất thành thạo, nhưng ít biết rằng chính không quân của họ đã tạo nên các điều kiện lý tưởng cho quân phòng ngự. “Không còn một ngôi nhà nào đứng vững” một trung uý viết gửi về quê “chỉ là một nơi hoang tàn rực lửa, những đống đổ nát, vụn vỡ tiêu điều không thể vượt qua trong đêm”. 
Ở cực nam thành phố, một sỹ quan liên lạc của Luftwaffe đi cùng sư đoàn tăng 24 viết “quân phòng ngự tập trung củng cố ở những khu vực đối diện với các cuộc tấn công của ta. Trong công viên, có xe tăng hoặc chỉ tháp pháo tăng được chôn dưới đất, súng chống tăng thì ẩn dưới hầm làm cho các cuộc tấn công của tăng ta rất khó khăn”.
Kế hoạch bên phía tướng Chuikov là làm phân mảnh những cuộc tấn công tổng lực của quân Đức bằng những chiếc “đê chắn sóng”. Những toà nhà kiên cố, với lính bộ binh vũ trang súng trường chống tăng và đại liên, có thể làm các mũi tấn công bị lệch về phía những chiếc T-34 hay những khẩu đại bác chống tăng được nguỵ trang vùi nửa mình sau các đống đồ nát, chờ đợi. Với các cuộc tấn công của tăng Đức có bộ binh tùng thiết, thì mối ưu tiên hàng đầu ở phía quân phòng thủ là chia cắt chúng ra. 
Quân Nga sử dụng cối tầm ngắn rải đạn ngay sau những chiếc tăng địch để đuổi bọn bộ binh, trong khi các pháo thủ chống tăng phóng đến với lũ thiết giáp. Các hướng tiếp cận cũng có thể đã bị cài mìn từ trước bởi cánh công binh, đây là binh chủng có tỷ lệ thương vong cao bậc nhất. “Mắc lỗi, khỏi ăn tối” là khẩu hiệu không chính thức của họ. Mặc đồ nguỵ trang, mỗi khi tuyết rơi, họ bò ra ngoài trong đêm, đặt mìn chống tăng. Một tay công binh kinh nghiệm có thể cài được đến 30 quả mìn một đêm. Họ cũng lừng danh với việc nhảy ra khỏi nơi trú ẩn để ném mìn ngay vào những chiếc tăng đang tiến công.
Chiếm đa số trong cuộc chiến này không phải là những trận tấn công lớn mà là những lần đụng độ nhỏ nhưng gay go và chết người. Là trận chiến của những tổ xung kích có chừng 6 đến 8 quân khoẻ mạnh đến từ “Học viện chiến tranh đường phố Stalingrad”. Họ trang bị bằng dao, bằng những chiếc mai bén ngọt để giết người không tiếng động, cùng với tiểu liên và lựu đạn. (Mai thì ít được cung cấp nên những người lính khắc tên mình lên cán, nằm đè lên lưỡi mà ngủ để phòng kẻ khác trộm mất). Các tổ xung kích phái vào các cống rãnh thì được tăng cường thêm súng phun lửa và công binh mang theo chất nổ. Có trường hợp một tổ sáu chiến sỹ công binh của sư đoàn Bộ binh Cận vệ Rodimtsev đã xoay sở tìm ra một ống dẫn hơi ngay dưới một vị trí mạnh của quân Đức và đã thổi tung nó lên bằng 300 cân anh thuốc nổ.
Một chiến thuật phổ biến khác được rút ra, dựa trên việc thấu rõ rằng quân Đức có dự trữ ít. Tướng Chuikov xác định tầm quan trọng của các cuộc tấn công ban đêm, lý do thiết thực nhất được đưa ra là không quân Đức sẽ không thể phản ứng, nhưng cũng bởi ông ta tin rằng quân Đức khiếp sợ hơn trong giấc đêm và sẽ trở nên kiệt sức. Quân Landser Đức mang nỗi sợ đặc biệt với những lính người Siberi thuộc Sư đoàn bộ binh 284 của đại tá Batyuk, họ vốn được biết đến như là những thợ săn bẩm sinh với bất kỳ loại con mồi nào. “Giá mà em có thể biết kinh khủng như thế nào” một lính Đức viết trong bức thư bị quân Nga thu được “cứ mỗi tiếng động sột soạt dù rất khẽ, anh cũng kéo cò, bắn một loạt đạn súng máy”. Việc cứ buộc phải bắn vào những gì động đậy trong đêm để cân bằng nỗi sợ của lính gác, dĩ nhiên góp phần vào lượng tiêu thụ đến 25 triệu băng đạn chỉ trong tháng 9 của quân Đức.
Phía người Nga thêm vào sự căng thẳng đó bằng việc bắn pháo sáng ban đêm liên tục nhằm tạo cảm giác về một cuộc tấn công sắp xảy ra. Ban ngày, không quân Nga, phần nào né tránh những chiếc Messerschmitt, nhưng hằng đêm thì lại rải bom vào các vị trí quân Đức không chút nao núng. Góp phần vào tiến trình làm kiệt sức và hoang mang lên phía người Đức.
Hồng quân sử dụng cả những chiếc máy bay ném bom đêm hai động cơ, vốn là những thứ thu hút hoả lực các khẩu đội phòng không của Đức ở chiến trường, lẫn một số lượng lớn các máy bay lưỡng cư U2 rất dễ lái để thả loại bom nhỏ cho những cuộc tấn công đêm. “Quân Nga làm phiền chúng tôi cả đêm” một hạ sỹ công binh viết về nhà. Phần tệ hại nhất chính là lúc âm thanh thay đổi kỳ quái. Khi ở xa, tiếng của chiếc U2 nghe giống như một trong những biệt danh của nó, “máy khâu”. Rồi, khi phi công tiếp cận mục tiêu, anh ta sẽ tắt động cơ để lượn như một con chim vồ mồi. Tiếng động lúc đó chỉ là tiếng gió vút qua những thanh giằng của chiếc máy bay, cho đến khi bom rơi. Dù rằng trọng lượng bom mang theo chỉ 400 kí lô, nhưng hiệu ứng tâm lý của nó thật là đáng nể. “Chúng tôi kiệt lực nằm trong hố và chờ chúng” một người lính khác viết. Những chiếc U2 thu hút được nhiều biệt danh hơn bất cứ vũ khí hay thứ máy móc nào ở Stalingrad. Những tên lóng khác gồm “Gã hạ sỹ mẫn cán” – do cái cách nó trườn tới mà không biết trước, hoặc “Oanh tạc cơ nửa đêm”, “Máy cà phê” và “Quạ-đường-sắt”. 
Tập đoàn quân VI yêu cầu lên sở chỉ huy cụm giữ áp lực của không quân Luftwaft lên các phi trường Hồng quân bằng việc tấn công suốt ngày đêm. “Việc quân Nga làm chủ bầu trời ban đêm mà không bị thách thức gì đã đến mức không chịu đựng nổi. Quân lính không được nghỉ ngơi và sức lực sẽ sớm bị bào mòn”.
Không có những bằng chứng công khai trong các tài liệu còn sót lại về các ca hội chứng stress vì chiến đấu. Giới chức y tế Đức hay dùng uyển ngữ đại loại như “kiệt sức”, giống phía người Anh, nhưng trong các hồ sơ bệnh án lại thể hiện rất gần với sự thẳng thẳn thô bạo của bên Hồng quân. Quân Đức từ chối thừa nhận sự tồn tại này. Năm 1926, gần bảy năm trước khi Hitler lên nắm quyền, hội chứng chiến tranh đơn giản bị chối bỏ như là một điều kiện đi cùng với lương hưu mà vốn nó phải có. Không có bệnh tật ở đây và bạn cũng không còn lý do để rời mặt trận. Sự suy sụp tinh thần được xếp vào nhóm hèn nhát và như vậy có thể bị tử hình. Theo cách đó, không thể nói đến sự cân bằng trong những hình thức kỷ luật ở các hai phía tại mặt trận Stalingrad, đặc biệt với tội đào ngũ, vốn gây ra bởi sốc hay do căng thẳng kéo dài. Ai cũng có thể nhận thấy qua sự so sánh tình hình về mức thương vong do sốc lên cao trong tháng Chín, ngay khi trận chiến chuyển sang tính chất hủy diệt nhưng hầu như giậm chân tại chỗ. Chấn thương tâm lý cũng tăng nhanh, nếu nghiên cứu qua các ca sốc của quân Anh tại Anzio và Normandy – ngay khi bị bao vây hoặc bị ghìm chân một chỗ.
Bất đồng chính yếu giữa tướng Chuikov và các sỹ quan cấp cao ở sở chỉ huy phương diện quân liên quan đến việc thiết lập vị trí cho các trung đoàn pháo binh cấp sư đoàn và cấp tập đoàn quân. Rốt cuộc, ông ta đã thắng trong cuộc tranh luận rằng chúng nên được đặt ở phía bờ đông sông Volga, bởi đơn giản là không còn đủ chỗ bên bờ Tây. Và cũng bởi vì lý do khó vận chuyển đủ đạn pháo qua sông Volga, và “ở Stalingrad, một khẩu dã pháo hổng có chút giá trị nào nếu không có đạn”.“Một ngôi nhà do quân Nga giữ, một căn khác thì quân Đức” Vasily Grossman viết vội vào sổ tay ngay khi ông vừa tới nơi “Pháo binh hạng nặng làm sao dùng được trong trận chiến này?”. Và ông nhanh chóng phát hiện ra câu trả lời.
Đại bác Soviet bắn về phía xa của con sông, như Chuikov đã cố nài, mà không cố bắn vào các vị trí tuyền duyên của quân Đức. Mục đích của họ là băm vụn tuyến thông tin của quân địch và, trên hết, dập nát các tiểu đoàn được tập trung lại để (chuẩn bị) cho một cuộc tấn công. Để làm được điều này, hàng chục các sỹ quan điềm chỉ pháo đã tự giấu mình như những tay bắn tỉa trên đỉnh của các toà nhà đổ nát. Phía Đức, cũng nhận biết được mối nguy hiểm hiện hữu này, nên xem họ là các mục tiêu ưu tiên số một đối cho các tay bắn tỉa và pháo chống tăng.
Bất cứ lúc nào định được vị trí quân Đức tập trung, mục tiêu toạ độ được báo về cho các khẩu đội ở bờ Đông qua điện thoại vô tuyến hoặc hữu tuyến, một khối lượng hoả lực tàn phá ngay. “Ở bờ kia sông Volga” Grossman viết “dường như cả hoàn vũ chấn động bởi tiếng gầm kinh khủng của đại pháo. Mặt đất run rẩy”.Những khẩu đội còn ở lại bên bờ tây chính là các giàn phóng Katyusha đặt trên xe tải. Nấp sau bờ cao của sông Volga, họ có thể tiếp đạn, gần như sát cạnh mép nước, phóng hết 16 quả rocket với một tốc độ cực kỳ nhanh, rồi lại chạy lui. Giàn phóng rocket Soviet này là loại vũ khí tầm xa có hiệu quả tâm lý cao nhất của phía Hồng quân. Mười sáu quả rocket 130mm, dài gần 5 feet, bắn với tốc độ nhanh, với một tiếng hú nghe vỡ tim. Có nhiều ghi nhận rằng họ (quân Đức) tưởng bị không quân tấn công khi lần đầu đối mặt với Katyusha.
Lính Hồng quân đã đặt ra cái tên Katyusha cho loại rocket này do cái tông cao vút của bài ca nổi tiếng của Nga trong suốt cuộc chiến. Trong bài hát đó, Katyusha hứa với chàng hôn phu rằng sẽ giữ gìn tình yêu của họ khi chàng trai đi bảo vệ tố quốc ngoài chiến trường.
Lính Nga làm ra vẻ xem thường cái bản sao của phía quân Đức, khẩu cối sáu nòng, được biết dưới cái tên Nebelwerfer. Họ gọi nó là “đồ vớ vẫn” hoặc “con lừa” bởi nó gây ra tiếng rít như lừa, hoặc “Vanyusha” (nghĩa là Ivan bé bỏng, cũng như Katyusha là Katya nhỏ xinh). Có một câu chuyện cười ở tập đoàn quân 62 là việc gì sẽ diễn ra nếu “Vanyusha cố cưới Katyusha”.
Tướng Chuikov sớm nhận ra rằng vũ khí bộ binh chính yếu ở Stalingrad chính là tiểu liên, lựu đạn và súng bắn tỉa. Sau cuộc chiến tranh mùa Đông, rút kinh nghiệm từ những trận tấn công ghê gớm của các đội quân trượt tuyết Phần Lan, bắn vào mọi thứ chuyển động, Hồng quân chấp nhận ý tưởng về những tổ tiểu liên chừng 8 lính, phù hợp để đưa ra chiến đấu, nếu cần thiết thì sau một chiếc T-34. Với cuộc chiến trên đường phố Stalingrad, thì các tổ cỡ đó cực kỳ lý tưởng cho các trận cận chiến. Còn việc quét sạch các ngôi nhà, boongke thì lựu đạn là chủ yếu. Lính Nga gọi chúng là “đại bác bỏ túi” của họ. Lựu đạn cũng hữu hiệu khi phòng ngự. Theo lệnh của tướng Chuikov, lựu đạn được trữ để sẵn sàng sử dụng ở những góc đào sâu trong mỗi chiến hào. Và vì thế, cũng không ngạc nhiên khi có nhiều tai nạn gây ra bởi những người lính thiếu huấn luyện bài bản. Một đại đội phó hi sinh cùng vài lính bị thương nặng khi một tay tân binh thao tác sai với lựu đạn. Một số khác cũng bị chết khi lính, chủ yếu là người Trung Á, cố tra kíp nổ thu được của Đức và lựu đạn của họ. “Cần phải có huấn luyện bài bản về vũ khí”, trưởng ban chính trị đã báo cáo như vậy về hội đồng quân sự Phương diện quân Stalingrad.
Một thứ vũ khí khác, thường gây nguy hiểm cho người sử dụng ngang bằng với mức nó gây ra cho địch nhân, là súng phun lửa, thứ này cực kỳ hiệu quả khi dùng để quét sạch các hầm, hào và những nơi không thể thâm nhập được. Nhưng người mang nó cũng biết rằng, quân địch sẽ “điểm mặt” anh ta sớm, và trở thành mục tiêu số một.
Cánh lính Hồng quân khoái phát minh, cải tiến những vũ khí để giết địch. Những cái bẫy mới mẽ, khờ khạo được tưởng tượng ra, tưởng chừng như hết sức khéo léo nhưng kết quả rốt cuộc thì kém hơn. Giận dữ với sự bất lực khi đáp trả lại các cuộc tấn công của máy bay Stuka, đại uý Ilgachkin, một tiểu đoàn trưởng, cùng với binh nhì Repa, tự tạo một khẩu cao xạ của riêng mình. Họ cột một khẩu súng trường chống tăng vào nan hoa của bánh xe ngựa, rồi đến lượt cái này lại gắn lên một cây cọc cao dựng trên mặt đất. Ilgachkin làm những con tính phức tạp dựa trên cơ sở tốc độ đầu nòng của khẩu súng và tốc độ bổ nhào dự báo của máy bay, nhưng dù “chán ngắt và u sầu” Repa vẫn chú tâm nhiều đến những thông số này. Cái thứ vũ khí kỳ cục này của họ, dù vậy cũng có những thành công nhất định, bởi Repa xoay sở để hạ được ba chiếc Stuka.
Các khẩu đội cao xạ thứ thiệt cũng cải thiện được chiến thuật của họ. Những chiếc Stuka tiếp cận ở độ cao 4,000 đến 5,000 feet, lúc đó chúng lộn vòng và bổ nhào theo góc chừng 70 độ, đó chính là lúc tiếng rú man rợ của nó gào lên. Dưới 2,000 feet họ sẽ thoát ly bổ nhào. Những pháo thủ cao xạ tìm ra rằng, nên dựng một màn hoả lực để bắn trúng chúng vào điểm bắt đầu bổ nhào hoặc điểm thoát ly. Bắn khi đang bổ nhào chỉ tổ phí đạn.
Một thứ vũ khí khác được tưởng tượng ra bởi Vasily Ivanovich Zaitsev, người sớm nổi danh là tay bắn tỉa ngoại hạng ở Stalingrad. Zaitsev gắn cái ống ngắm bắn tỉa của mình vào một khẩu pháo chống tăng để hạ các ổ đại liên, bằng cách bắn viên đạn đại bác xuyên qua lỗ châu mai của hỏa điểm. Nhưng ông sớm nhận ra rằng liều phóng của những quả đạn đại bác sản xuất hàng loạt này không đủ độ chính xác để bắn kiểu đó. Tiếng tăm cũng có thể đến với cả những vũ khí thông thường (không cải tiến – ND).
Bezdiko, một pháo thủ cối lừng lẫy của sư đoàn Batyuk, nổi tiếng bởi việc bắn đựơc 6 quả một lúc. Những câu chuyện này được khai thác triệt để nhằm gia tăng mức tinh thông vũ khí cho mọi người lính. Câu khẩu hiệu của tập đoàn quân 62 là “Hãy chăm sóc vũ khí cẩn thận như con ngươi của bạn”. Những “vệ binh” đang giữ các toà nhà vững chắc là tâm điểm chiến thuật của Chuikov, bao gồm cả các nữ tải thương, điện báo viên trẻ tuổi, thiếu thốn kinh khủng khi bị cô lập trong nhiều ngày. Họ phải chịu đựng bụi, khói, đói và tệ nhất là khát. Thành phố đã không còn nước sạch kể từ khi trạm bơm bị phá huỷ trong những trận không kích hồi tháng Tám. 
Dẫu biết hậu quả của việc dùng nước bẩn, nhưng vài người lính tuyệt vọng vẫn bắn vào các ống thoát nước để mong có lấy vài giọt.Công tác hậu cần cho các vị trí phía trước luôn là vấn đề. Một chi đội chống tăng, có anh đầu bếp người Tartar, anh đổ đầy trà hoặc súp vào cái phích quân dụng lớn, cột lên lưng rồi bò đến các vị trí tiền tiêu trong lửa đạn. Nếu chẳng may cái phích bị dính đạn hay mảnh bom, thì anh chàng rủi ro nọ sẽ bị ướt đẫm. Và sau đó, khi tuyết rơi dày, thì súp hay trà đó sẽ đông lại và anh ta sẽ “phủ kín trong băng lúc trở về”.
Với tuyến phân giới không rõ ràng, và chiều sâu phòng ngự không quá vào trăm thước Anh, các sở chỉ huy cũng trong trạng thái nguy hiểm không kém gì các vị trí tiền tiêu. “Đạn đại bác nổ trên nóc hầm chỉ huy là chuyện thường tình” đại tá Timofey Naumovich Vishnevsky, trưởng ban pháo binh Tập đoàn quân 62 viết cho bạn từ một bệnh viện:
“Khi rời hầm, tôi có thể nghe thấy hoả lực tiểu liên từ mọi phía. Đôi khi tưởng chừng như quân Đức đã bao vây chúng tôi”. Một chiếc tăng phát xít chạy đến đúng ngay lối vào hầm ông và “thân xe chặn mất lối ra”.Vishnevsky và các sỹ quan thuộc cấp phải đào để thoát thân sang một cái rãnh ở phía xa. Vị đại tá bị thương nặng. “Mặt tôi hoàn toàn biến dạng, và hậu quả là từ giờ tôi sẽ có bộ điệu tệ hại trong mắt phụ nữ”, ông viết.
Các boongke chỉ huy phía Đức thì chỉ có chút ít nguy hiểm trong giai đoạn tháng Chín, tháng Mười, với lớp đất dày 3 feet theo tiêu chuẩn phủ trên xà gỗ, đủ hữu hiệu để chịu được đạn Katiyusha. Hiểm hoạ chính là việc trúng trực tiếp đạn pháo hạng nặng bắn từ bên kia sông Volga. Các chỉ huy cấp trung đoàn, sư đoàn chú ý đến việc thoả mãn các nhu cầu cá nhân càng nhiều càng tốt. Một chiếc máy hát đĩa đặt cạnh một lọ Brandy hoặc rượu mang từ Pháp sang. Vài sỹ quan còn diện cả quần thể thao, hay cả quần sọc tennis, khi xuống những chiếc hầm tối tăm, nặng nề của họ, bởi những bộ đồ trận nhiễm đầy chấy rận.
Nhưng thật trái ngược với thế giới của những người lính chiến. Thay cho câu chúc “Ngủ ngon”, họ cầu cho nhau một đêm “yên tĩnh” vì những giờ khắc nguy hiểm đó. Và rồi trong buổi sáng giá lạnh, họ duỗi những khớp chi cứng đờ, tìm một vạt nắng nơi cuối chiến hào cố hấp thụ những luồng ánh sáng, như những chú thằn lằn. Cảm thấy dũng cảm hơn vào ban ngày, lính Đức gào lên lăng mạ và đe doạ từ tuyến của họ: “Bọn Nga! Chúng mày tận số rồi!” hoặc “Hei, Rus, bul-bul, sdavaisa”, nói theo dạng tiếng bồi của câu “Đầu hàng đi hoặc chúng mày sẽ bị thổi tung như bong bóng!”. Ý niệm về việc dồn quân Soviet xuống dòng Volga để họ bị chết chìm như một bầy cừu hoảng loạn, đã trở thành một điệp khúc bất tận.
Trong những phút mặt trận tạm yên, những người lính Nga cũng tìm những chỗ nắng, ngoài tầm hoả lực bắn tỉa của quân thù. Những chiến hào đôi khi trông như một “xí nghiệp hàn gò”, những vỏ đại bác được chế làm đèn dầu với một mảnh giẻ thay tim đèn, và những vỏ đạn làm bật lửa. 
Khẩu phần thuốc lá thô Makhorka, hoặc việc thiếu thốn nó, luôn là mối quan tâm hàng đầu. Những người thành thạo tuyên bố rằng không có loại giấy nào có thể được dùng để cuốn thuốc Makhorka thành những điếu xì gà bự, xù xì tốt bằng giấy báo. Vì mực in trong đó sẽ góp cho hương vị đậm đà. Lính Nga hút liên tục khi chiến đấu. “Được phép hút khi đánh nhau mà” một lính chống tăng nói với Simonov “chỉ là không được phép trật mục tiêu thôi. Chỉ cần trật một lần là vĩnh viễn không đốt thuốc được”
Có thứ còn quan trọng hơn cả thuốc lá, chính là khẩu phần vodka, theo lý thuyết là 100 gam một ngày. Khi vodka đựơc cấp phát, mọi người chìm vào sự yên lặng, dán mắt vào chiếc chai. Khi cuộc chiến trở nên căng thẳng thì khẩu phần vodka đó không bao giờ được coi là đủ, và thế là những người lính sẵn sàng liều lĩnh để thoả mãn nhu cầu. Cồn y tế hiếm khi được dùng theo công dụng chính thức của nó. Cồn công nghiệp và cả chất chống đông lạnh, cũng được uống sau khi cho qua một lớp lọc bằng carbon hoạt tính lấy từ mặt nạ phòng độc. Nhiều người đã vứt bỏ mặt nạ phòng độc sau cuộc rút lui năm ngoái, và thế là những ai còn giữ được tha hồ mặc cả. Thật ra, hậu quả (của loại thức uống trên – ND) còn tệ hại hơn nhiều chứ không chỉ là những cơn nhức đầu. Hầu hết qua đựơc là nhờ vào sức trai khoẻ mạnh và nếu không cố dùng nhiều, nhưng những ai uống thường xuyên sẽ bị mù.
Với những đơn vị đóng ngoài thảo nguyên, quân lính thường uống đến cả lít rượu một ngày trong tiết đông giá. Để cân đối với khẩu phần chính thức, chúng được che đậy bằng những báo cáo sai về số thương vong và phân phối, hoặc qua việc trao đổi quân phục rách cùng một ít trang bị cho dân ở sau vùng hoả tuyến. Bia nhà tự ủ cũng có cách ra thảo nguyên Kan-mức bao gồm cả “mọi loại cồn có thể nghĩ ra, ngay cả thứ làm từ sữa”. 
Những cuộc thương mại kiểu đó mang lại nhiều hiểm hoạ cho thường dân hơn là binh lính. Một “toà án quân sự của lực lượng NKVD” đã tuyên án hai người phụ nữ, 10 năm mỗi người trong trại cải tạo Gulag vì việc đã đổi rượu và thuốc lá lấy vải dù để may đồ lót.Trong Hồng quân, với các vị tư lệnh, bộ phận y tế hiếm khi được quan tâm như một ưu tiên hàng đầu. Khi một người lính bị thương nặng và loại khỏi vòng chiến, các sỹ quan cao cấp chỉ bận tâm tới việc ai thay thế anh ta. Tuy vậy, quan điểm này không ngăn chặn được những hình ảnh anh dũng nhất trên chiến trường Stalingrad, đó chính là những lính tải thương, chủ yếu là nữ sinh (hoặc sinh viên) hầu hết vốn chỉ qua một khoá sơ cứu cơ bản.
Đại đội trưởng của một đại đội quân y thuộc tập đoàn quân 62, Zinaida Gavrielova, là một sinh viên y khoa chỉ mới 18 tuổi, cô nhận vị trí này dựa theo lời đề nghị mạnh mẽ từ một trung đoàn kỵ binh mà cô vừa phục vụ ở đó. Các lính tải thương của cô, chỉ có một ít là lớn tuổi hơn, đã chiếm lĩnh vị trí, bò lên phía trước dưới làn hoả lực dày đặc để đến với các thương binh. Rồi họ kéo thương binh trở lui cho đến chỗ an toàn để có thể vác lên trên lưng. Họ hẳn phải có cả “thể chất và thần kinh bằng thép” như vị chỉ huy của họ. Không có nghi ngờ về việc tham gia của cánh quân y cho các hoạt động chiến đấu. 
Cô gái Gulya Koroleva xinh đẹp, hai mươi tuổi, xuất thân từ một gia đình nhà văn có tiếng tăm ở Moscow, cô đã để lại đứa con trai bé bỏng ở thủ đô và tình nguyện ra trận làm y tá. Phục vụ trong sư đoàn bộ binh số 214 thuộc tập đoàn quân số 24 ở cánh bắc mặt trận, cô được ghi nhận thành tích là đã “tải về được hơn một trăm thương binh từ trận địa và đã tự tay giết được mười lăm tên phát xít”. Cô được truy tặng huân chương Cờ đỏ.
Natalya Kachnevskaya, một y tá trong một trung đoàn bộ binh Cận vệ, nguyên là một sinh viên kịch nghệ ở Moscow, đã cứu được về tuyến sau 20 thương binh chỉ trong một ngày và đã “ném ba quả lựu đạn về phía quân thù”. Sở chỉ huy Phương diện quân Stalingrad cũng đã tuyên dương (và truy tặng) cho lòng dũng cảm cho một nữ tải thương khác, cô Kochnevskaya, người đã tình nguyện ra trận và mang được hai mươi thương binh ra khỏi trận địa. Dù bị thương hai lần, cô vẫn cố băng bó và đưa các sỹ quan, binh lính về phía sau3.
Sự hy sinh của các nữ tải thương thường bị lãng phí bởi cách xử lý ở những khâu công việc sau phần của họ. Những thương binh được cõng hoặc kéo ra đến tận cạnh mép nước dòng Volga và ở lại đó mà không được chăm sóc chút gì, mãi cho đến lúc, rất lâu sau khi trời đổ tối, mới được vác bỏ lên những chiếc thuyền vận tải như những bao tải khoai để trở về tuyến sau. Và khi những thương binh đó được đưa xuống ở bờ đông, tình hình còn tệ hơn, như một nữ phi công nhận thấy.
Những người sống sót của một trung đoàn không quân tan tác, ngủ quên trong một khu rừng phía đông dòng Volga, và lúc bình minh họ bị đánh thức bởi những âm thanh lạ. Vì khó hiểu, nêu họ bò qua những lùm cây, hướng về phía dòng sông để thám thính. Ở đó, họ thấy “hàng ngàn thương binh, nằm tràn tầm mắt’ được chuyển qua sông trong đêm, nằm trên bãi cát. Những người bị thương gọi xin nước hoặc “hét, khóc, mất chân, tay”. Những nhân viên mặt đất đó cố giúp bằng tất cả sức mình.
Cựu nữ hộ sinh, Klavdia Sterman, đã thề rằng, ngay khi họ về đến được Moscow, cô sẽ xin chuyển sang một đơn vị quân y tiền phương.Và cho dù có đến được một trong những trạm phẫu tiền phương ở phía bờ đông sông Volga thì việc sống sót được hay không cũng chưa thể nói đảm bảo. Bất kể đến sự hiện diện của vài bác sỹ tốt nhất nước Nga, điều kiện của các trạm phẫu Hồng quân làm chúng trông giống như những xí nghiệp mổ thịt.
Ở trạm phẫu tiền phương tại Balshchov, nơi đặc trị các vấn đề về chân, tay, cách thành phố chừng 6 dặm, tình trạng thiết bị rất tệ hại. Thay cho giường chuyên dụng ở bệnh viện là các giường 3 tầng kiểu trên xe lửa. Một nữ phẫu thuật viên trẻ, cán bộ mới, chị lo lắng không chỉ về tình trạng thể chất của thương binh. “Họ thường khép kín và không muốn quan hệ với bất cứ ai”. Đầu tiên, chị lo là những thương binh được mang về qua bên này sông Volga từ cái địa ngục Stalingrad không bao giờ muốn quay trở lại. ‘Nhưng ngược lại: rõ ràng là cả sỹ quan lẫn binh lính đều muốn quay trợ lại mặt trận’. Những thương binh mất chân tay khăng khăng thể hiện rằng không có vấn đề gì với những phần thân thể đã mất cho việc chiến đấu. Nhưng thực tế là hầu hết họ đã mất khả năng hoặc bị thành sẹo vĩnh viễn như trường hợp vị đại tá pháo binh đã nhắc tới bên trên, khuôn mặt ông bị rạch ngang dọc bởi mảnh đạn và ông cảm thấy mình không còn là đàn ông đúng nghĩa nữa.
Khẩu phần ăn tệ hại không giúp được chút nào cho việc hồi phục thể xác hay tinh thần. Nhà văn Grossman, trong tình trạng xúc động, rõ ràng là đã thừa nhận rằng đây là thời khắc định mệnh của nước Nga. Ông ghi trong sổ tay: ‘Trong bệnh viện, thương binh được cấp một mẩu cá trích muối bé tý vốn được các nữ hộ lý cắt ra một cách cẩn thận. Thật bần hàn’. Trong những ngày ấy, với những gì diễn ra trước mắt, ông không thể tin rằng đó là sự thật.
Cái logic Soviet tàn nhẫn đã chỉ ra rằng những thực phẩm hạng nhất thì dùng cho những người đang chiến đấu. Còn với thương binh, nếu họ may mắn, sẽ được nhận ba suất kasha, hoặc cháo kiều mạch mỗi ngày, không hơn. Mẫu cá trích muối mà Grossman thấy thật ra là một khẩu phần chiêu đãi bất thường.
Một gợi ý rõ ràng hơn cho thấy thực trạng của vấn đề tinh thần bao trùm lên các đơn vị quân y ở phương diện quân Stalingrad, đó là kết quả của ‘Cuộc thi đua Xã hội Chủ nghĩa’ đựơc báo về Moscow cho Shcherbakov. Trong đó, cánh hậu cần chiếm vị trí cao nhất, thứ nhì là bác sỹ và thứ ba là tài xế. Với bất kỳ tiêu chuẩn nào thì cách hành sử này là sự hạ nhục đến cùng cực sự hy sinh chân thật của các nhân viên y tế, những người đã hiến rất nhiều máu mình để truyền cho thương binh – đôi khi là hai lần trong chỉ một đêm – đến mức suy kiệt. Một báo cáo giải thích ‘Nếu họ không cho máu, thương binh sẽ chết’
Trong trận đánh tiêu hao vĩ đại này, việc đưa những thương binh về phía bờ đông phải được cân bằng với những “miếng mồi cho đại bác” mới tinh, đựơc đưa theo hướng ngược lại, vào thành phố. Bộ Tổng tư lệnh tối cao tăng viện nhỏ giọt cho tập đoàn quân 62 vài sư đoàn lúc mà những đơn vị tiền nhiệm bị bắn rã thành từng mảnh. 
Những tiểu đoàn mới hành quân lên phía trước để xuống tàu vào lúc chập tối dưới sự quan sát của NKVD. Họ chỉ có thể liếc nhìn thành phố ở phía bên kia đường chân trời, sáng rực bởi các đám cháy và cố quên đi mùi khét nồng nặc. Rải rác trên sông vẫn còn những đám dầu cháy. Và cũng có rất nhiều đội NKVD trên hầu hết các con thuyền, sẵn sàng bắn vào những ai nhảy qua mạn thuyền trong nỗ lực sau cùng nhằm tránh định mệnh của họ bên bờ Tây. Đạn đại bác quân Đức nổ vang ở phía trước, trên dòng sông, đủ làm nhiều người thất thần. Nếu có ai đó hoảng loạn, thì một thượng sỹ hoặc một sỹ quan có thể bắn người phạm tội đó, ngay tại chỗ rồi vứt xác qua một bên.
Những chiếc thuyền mà họ vừa lên mang đầy đủ các dấu hiệu của một cuộc vượt sông nguy hiểm. Một trong những thuyền cứu hỏa, được cải tạo lại thành chiến thuyền thuộc giang đội Volga đã kể rằng, sau một chuyến đi qua và về, họ có đến 436 vết đạn và đại bác bắn trúng, chỉ có vài chỗ là không bị gì.
Mục tiêu dễ dàng nhất cho đại bác quân Đức là những chiếc bè được các trung đoàn công binh dùng để đưa các thứ đồ nặng như kèo chống hầm, qua sông. Khi một trong những chiếc bè đó dạt vào được bờ tây, và anh em binh lính nhảy ra để giúp tải hàng lên, họ thấy một trung uý công binh cùng ba binh sỹ bị đạn đại liên bắn thủng lỗ chỗ ‘trông như bị một hàm răng bằng sắt cắn xé dã man cả thi thể họ lẫn những xúc gỗ ướt đẫm của chiếc bè’.
Sở chỉ huy Tập đoàn quân số VI (Đức) biết rằng mùa đông đang đến gần, và không thể phí phạm thời gian nữa. Ngay cả trước khi chiếm được quảng trường Đỏ và tháp Lương thực ở phía nam Tsaritsa, họ đã bắt đầu chuẩn bị cho việc đánh gục được khu công nghiệp ở nửa phía bắc của thành phố.Tướng Chuikov cho chuyển sở chỉ huy của mình lên bờ sông Volga, cách chừng nửa dặm về phía bắc xí nghiệp̣ Tháng Mười Đỏ trong sáng ngày 18 tháng Chín. Nhưng các sỹ quan tham mưu của ông, vẫn chọn một vị trí không được bảo vệ, nằm ngay dưới các bồn dầu khổng lồ mà họ cho rằng đã được hút cạn.
Một nỗ lực to lớn để mang nhiều đạn dược, đồ hậu cần cũng như quân tăng viện hơn trong đêm, đã cập vào bờ sông ngay sau xưởng Barrikady và xí nghiệp Tháng Mười Đỏ. Những người không cần thiết và có thể hữu dụng ở nơi khác hơn được sơ tán đi. Hầu hết những khẩu đội phòng không quanh nhà máy điện Stalingrad bị loại khỏi vòng chiến và kho đạn dã chiến của họ cũng bị phá huỷ, nên những cô gái trẻ của những khẩu đội còn sống sót được rút qua bên kia sông Volga trong ngày 25 tháng Chín, và được tái bố trí lại trong các khẩu đội pháo ở bờ Đông. 
Sáu giờ (giờ Đức) sáng Chủ Nhật, ngày 27 tháng 9, cuộc tấn công mở màng bằng một trận đánh bom dày đặc từ những phi đội Stuka. Từng chiếc một liệng xuống, lao vào công kích với những tiếng hú ghê rợn, những chiếc cánh bắt bóng mờ mờ trong ánh bình minh mùa thu. Trên mặt đất, tổng cộng hai sư đoàn xe tăng cùng năm sư đoàn bộ binh tiến lên nhằm tiêu diệt một mấu lòi chính hình tam giác chọc ra về hướng tây từ bờ sông Volga.
Tập đoàn quân 62 đã dự báo được vị trí đột phá chính của quân Đức, phía bắc đồi Mamaev Kurgan, cùng vài điểm tấn công phụ trợ về phía nam. Điều này dường như củng cố cho mối nghi ngờ thái quá của các sỹ quan tham mưu Đức, rằng lính thông tin Nga đã lẻn vào được vào hậu phương và nghe lén đường dây liên lạc cố định. Họ không thể chấp nhận rằng những biện pháp chuẩn bị cho cuộc tấn công này là quá lộ liễu.
Nỗ lực chính của bên Sô viết là chuẩn bị các chướng ngại vật chống tăng và những bãi mìn dày đặc trước các nhà máy lớn vốn kéo dài từ phía bắc đồi Mamaev Kurgan chừng năm dặm – nhà máy hoá chất Lazur, xí nghiệp Tháng Mười đỏ, xưởng vũ khí Barrikady và nhà máy máy kéo Stalingrad.
Những người lính bộ binh Đức, trang bị nặng nề, bắt đầu chiếm lĩnh tuyến xuất phát tấn công dưới làn đạn pháo, lên và xuống theo bờ balkas và đến những con dốc đầy đá, gạch vụn. Họ thở không ra hơi vì gắng sức và cũng vì nỗi sợ chết chóc của trận đánh phía trước. Ở cánh trái, một phần của sư đoàn bộ binh 389 chuẩn bị tấn công vào khu nhà tập thể công nhân xưởng Barrikady. Một quan sát viên mô tả chúng như là “những khối cân xứng các toà nhà và những ngôi nhà nhỏ với mái tôn lấp lánh”. Trận dội bom sẽ sớm làm chúng bốc cháy. Ở giữa, sư đoàn tăng số 24 tiến công từ một phi trường nhỏ. Sư đoàn Áo số 100 đánh vào khu vực xí nghiệp Tháng Mười đỏ. 
Trong khi đó, căn cứ của cánh này, đỉnh đồi Mamaev Kurgan, đã bị chiếm từ tay sư đoàn bộ binh số 95 (Nga) của Gorishny, vốn bị băm vụn bởi không kích và pháo kích. Hồng Quân, một lần nữa, cho thấy sự không khoan nhượng ngay với cả thường dân của họ. Trong trận đánh ở khu vực xưởng Barrikady, một trung sỹ trong sư đoàn bộ binh 389 (nguyên là trung sỹ cảnh sát ở Darmstadt) quan sát thấy “phụ nữ Nga chạy ra khỏi các ngôi nhà với đồ đạc của họ và cố tìm cách nương tựa ở phía quân Đức, nhưng đã bị hạ gục bằng hoả lực súng máy của quân Nga từ phía sau”.
Cuộc tấn công của quân thù dữ dội đến mức tướng Chuikov đã tự nói với chính mình: “Chỉ một trận như vậy nữa là chúng ta sẽ rớt xuống sông Volga”. Một lát sau, Khrushchev gọi từ sở chỉ huy phương diện quân đến để chắc rằng tinh thần vẫn được giữ vững. Chuikov trả lời, cho rằng không lo lắng về số phận của sư đoàn bộ binh 95 ở đồi Mamaev, mà mối bận tâm chính là về sức mạnh của không quân Đức. Khrushchev cũng nói chuyện với Gurov, chính uỷ tập đoàn quân, thúc giục ông có những quyết tâm lớn hơn.
Sáng hôm sau, thứ Hai, ngày 28 tháng 9, không quân Đức tập trung đánh phá vùng bờ tây và việc chuyển vận trên sông Volga nhằm cắt đứt tuyến hậu cần huyết mạch của tập đoàn quân 62. Những khẩu đội phòng không của giang đội Volga bắn nhiều đến nỗi rãnh xoắn của nòng pháo nhanh chóng mòn vẹt đi. Năm trong số sáu chiếc thuyền vận tải bị hư hại nghiêm trọng. Tướng Chuikov khẩn cầu được hỗ trợ tốt hơn từ Tập đoàn quân không quân số 8, nhằm kéo không quân Đức ra khi ông ném thêm những trung đoàn vào trận cận chiến để tái chiếm đỉnh đồi Mamaev. Họ đã đẩy lùi được quân Đức, nhưng đỉnh đồi lại trở thành đường phân tuyến giữa hai bên. Nhiệm vụ sống còn của tướng Chuikov là ngăn không cho quân Đức thiết lập được trận địa pháo (tại đây), mà từ đó có thể khống chế được cả bắc Stalingrad lẫn việc vượt sông. 
Đêm ấy, Chuikov và ban tham mưu của ông có thể cảm thấy được khuây khoả chút đỉnh bởi những gì tồi tệ nhất đã qua đi, nhưng họ hiểu rằng thiệt hại của tuyến vận tải đường thuỷ là nghiêm trọng. Hàng ngàn thương binh bằng bên bờ sông mà không được tải đi, và lực lượng tiền phương lại gần cạn đạn dược cũng như lương thực.
Thứ ba, ngày 29 tháng 9, quân Đức lại tấn công vào đỉnh của tam giác vùng đất còn lại phía Soviet. Làng Orlovka bị đánh từ phía tây bởi một bộ phận của sư đoàn bộ binh 389, và từ phía đông bắc bởi sư đoàn bộ binh mô tô hoá số 60. Sự kháng cự của quân Soviết vốn bị vượt trội về lực lượng dữ dội đến nỗi một hạ sỹ trong sư đoàn 389 viết thư về nhà rằng: “Mọi người không thể tưởng tượng ra chúng phòng thủ Stalingrad như thế nào đâu – như một đàn chó dữ”.
Những tập đoàn quân Sô viết ở phía bắc lần nữa lại tấn công vào quân đoàn xe tăng số XIV trong ngày 30 tháng 9. Sư đoàn bộ binh cơ giới 60 và sư đoàn xe tăng 16 ở giữa họ, tuyên bố đã hạ được 62 chiếc tăng trong một cuộc “phòng ngự thành công” chống lại ít nhất hai sư đoàn bộ binh và ba lữ đoàn xe tăng Nga. Cuộc tấn công bị tổn hại trầm trọng của Phương diện quân Sông Đôn tuy không giải toả được nhiều áp lực cho làng Orlovka hay khu vực các nhà máy, nhưng cũng làm chậm lại tiến trình giải quyết mấu lồi Orlovka, việc này rốt cuộc làm quân Đức phải mất đến gần 10 ngày.
Sư đoàn xe tăng 24, phần lớn sư đoàn bộ binh 389 và sư đoàn Jager 100 tấn công về phía xí nghiệp Tháng Mười Đỏ và xưởng pháo binh Barrikady – “bối rối bởi trạng thái phức tạp ở khu vực nhà máy bị huỷ hoại hoàn toàn”, như một binh sỹ Jager mô tả khu phức hợp này, ở đây hầu hết các cửa sổ và mái bị chém vụn bởi các trận bom, cùng những cổ máy rỉ sét vặn vẹo không nhận ra hình dạng. “Ngay khi những đồng đội đầu tiên ngã xuống. Tiếng la hét của cánh tải thương vang lên. Hoả lực thật là dữ dội, nhưng không phải chỉ đến từ phía trước mặt mà hầu như đến từ cả hai phía”. 
Đạn pháo, cối Nga nổ tung gây thương vong nặng nề một phần đá vụn từ đống đổ nát rất bén ngọt.Ngày kế tiếp, để tăng tốc cho mũi tấn công vào khu phức hợp xí nghiệp Tháng Mười Đỏ, tướng Paulus lịnh cho sư đoàn bộ binh 94 và sư đoàn xe tăng 14 ngược lên từ khu phía nam thành phố. 
Về phía Nga, Tập đoàn quân 62 bị sức ép nặng nề cũng nhận được chút ít viện binh khi tướng Stephan Guriev của sư đoàn bộ binh cận vệ 39 qua sông Volga. Lực lượng này được gửi ngay đến hỗ trợ cho cánh phải của xí nghiệp Tháng Mười Đỏ. Một sư đoàn mới khác, sư bộ binh 308 của đại tá Gurtiev, đơn vị thứ hai với binh lính chủ yếu là người Siberi, cũng bắt đầu vượt sông Volga, nhưng những đơn vị tăng viện này chỉ vừa đủ thế cho những tổn thất vừa qua.
Tướng Chuikov ngay sau đó lại đối mặt với một mối nguy không lường trước. Ngày 1 tháng 10, sư đoàn bộ binh 295 thâm nhập được xuống một khe núi ở cánh phải quân Rodimtsev. Lính cận vệ của ông phản kích ác liệt, chặn đánh chúng trong các trận cận chiến với súng tiểu liên và lựu đạn. Nhưng trong đêm, một nhóm lớn bộ binh Đức trèo theo rãnh nước chính chạy xuống theo hẻm núi Krutoy và đến được bờ sông Volga. Họ ngoặc xuống phía nam và tấn công vào phía sau sư đoàn Rodimtsev. Cuộc đột kích này diễn ra đồng thời với một xung phong khác ở cánh phải. Tướng Rodimtsev phản ứng nhanh chóng, ông tung tất cả các đại đội dự bị vào cuộc phản công không được chuẩn bị trước và tình hình được phục hồi.
Ngày 2 tháng 10, quân Đức tiến đánh những bồn chứa dầu ở bờ sông, ngay bên trên sở chỉ huy của Chuikov. Những chiếc bồn đó không hoàn toàn trống rỗng. Bị đạn đại bác và bom đánh trúng, chúng bốc cháy. Dầu cháy tràn xuống đồi, vây quanh sở chỉ huy và chảy xuống dòng sông. Chỉ còn liên lạc được qua sóng vô tuyến. “Các anh ở đâu vậy?” sở chỉ huy Phương diện quân Stalingrad gửi tín hiệu hỏi liên tục. Rốt cuộc nhận được hồi đáp ”Chúng tôi ở chỗ nhiều khói và lửa nhất”
Trong suốt tuần đầu tháng Mười, tướng Chuikov rõ ràng bắt đầu lo ngại rằng liệu họ có thể giữ vững nổi dãy đất đang hẹp đi rất nhanh bên bờ sông hay không. Mọi thứ phụ thuộc vào việc vượt sông Volga.
Ông biết rằng những trung đoàn bầm dập của mình gây được tổn thất nghiêm trọng cho quân Đức, nhưng kết quả trận đánh phụ thuộc vào tinh thần cũng như nguồn lực. Họ không có nhiều lựa chọn, nhưng trung thành với câu khẩu hiệu của tập đoàn quân 62 “Với những người bảo vệ Stalingrad, không còn đất ở bên kia sông Volga”. Nó thật sự trở thành một lời thề thiêng liêng với nhiều người lính. Một trong những hành động dũng cảm nổi tiếng nhất trong thời gian này diễn ra ở phía nam quận nhà máy, khi xe tăng Đức tiến đánh một vị trí phòng ngự trong đống đổ nát của một ngôi trường bởi một phân đội lính thuỷ đánh bộ phối thuộc sư đoàn 193. Họ cạn sạch lựu đạn chống tăng, nhưng lính thuỷ quân Mikhail Panikako còn được hai chai bom xăng. Ngay khi anh rướn người để ném chai thứ nhất, một viên đạn Đức bắn vỡ nó trong tay anh, cả người anh bùng cháy. Nhưng anh vẫn lao qua những mét cuối cùng, ném người vào một bên chiếc xe tăng, đút chiếc chai cháy còn lại trong quầng lửa đỏ vào khoan động cơ sau tháp pháo.
Các chỉ huy quân Đức cũng được cảnh báo. Binh lính của họ kiệt sức và tinh thần sút giảm. Ví dụ như, quân của sư đoàn bộ binh 389, không che đậy niềm ao ước được gửi về lại nước Pháp, do bị thương vong nặng nề. Nghĩa địa quân Đức phía sau chiến tuyến phình to từng ngày. Những ai nghe thấy bài diễn văn của Hitler vào ngày 30 tháng Chín từ sân Berliner Sportpalast đã không phấn khích lên nổi trước những lời khoác lác của ông ta rằng sức mạnh của Đồng Minh không thể so được với thành tựu của nước Đức, mà trên tất cả, chính là cuộc tiến quân từ sông Đôn đến sông Volga. Một lần nữa, sau khi ném ra lời thách thức đối diện với số mệnh, Hitler khăng khăng rằng “không ai thay nổi chúng ta từ vị trí này”.

tải về 2.43 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương