Phần 1: Toàn thế giới nín thở chờ đợi Chương 1: thanh kiếm hai lưỠi của barbarossa



tải về 2.43 Mb.
trang6/18
Chuyển đổi dữ liệu25.03.2018
Kích2.43 Mb.
#36541
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18

Chương 11: Phản bội và đồng minh
Chúng tôi, những người Nga, đã chuẩn bị về mặt tư tưởng cho cuộc chiến ở Stalingrad” một cựu sỹ quan nói “Trên tất cả, chúng tôi không ảo tưởng chút nào về mức thiệt hại, và chúng tôi sẵn sàng cho điều đó”. 
Sự thật trọn vẹn có thể nói rằng chính quyền Sô viết và có lẽ là phần lớn binh lính đã có chút ít ảo tưởng. Đây không phải là sự xúc phạm đến lòng dũng cảm của họ –  nhỡ nếu có, thì cũng chỉ để khẳng định thêm – mà để ghi nhận về một thiểu số đã không hoặc không thể trụ vững trước sự căng thẳng kinh khủng của trận chiến này.
Nhà cầm quyền Sô viết rất khắc nghiệt. “Trong thành phố rực lửa” tướng Chuikov viết: “Chúng tôi không dung thứ cho những kẻ hèn nhát, không có chỗ cho chúng”. Binh lính và dân chúng đều như nhau, được cảnh báo bởi Stalin trích từ lời dạy của Lenin “Những ai không giúp đỡ Hồng quân, không tuân lệnh, vô kỷ luật, là bọn phản bội và chúng phải bị trừng trị không thương tiếc”. Tất cả “tính đa cảm” bị dẹp bỏ. Cuộc chiến tranh tổng lực luôn đi kèm với  những sai sót trong luật quân sự, tỷ như việc lính tiền đồn bị sát thương bởi chính pháo và bom của phe mình.
Khó khăn đầu tiên là việc thiết lập kỷ luật sắt. Mãi đến ngày 8 tháng 10, phòng chính trị Phương diện quân Stalingrad mới có thể báo cáo về Moscow rằng “tâm lý chủ bại gần như đã bị loại trừ và số lượng các vụ phản nghịch cũng thấp đi”. Chế độ Sôviết gần như không tha thứ cho lính của mình ngang bằng với quân địch, nó được minh chứng với con số 13,500 cuộc hành quyết, tính cả được xét xử hay không, trong suốt trận chiến Stalingrad. Nó bao gồm tất cả tội lỗi được các chính trị viên xếp vào dạng “vụ việc đặc biệt”, từ rút lui không theo lệnh đến tự-thương, đào ngũ, chạy qua phía địch, và các hành vi chống phá chính quyền Sôviết. Lính Hồng quân cũng thấy có lỗi nếu họ không bắn ngay tức khắc những đồng đội có vẻ cố đào ngũ hoặc đầu hàng quân địch. Có một trường hợp vào cuối tháng Chín, khi một nhóm quân Sôviết đầu hàng, xe tăng quân Đức phải chạy lên nhanh chóng để bảo vệ họ khỏi bị bắn hạ từ tuyến quân Nga.
Những đơn vị yếu kém nhất của tướng Chuikov chính là các lữ đoàn dân quân đặc biệt, được tổ chức từ những công nhân thuộc các nhà máy phía bắc Stalingrad. Những nhóm đoàn viên thanh niên Komsomol tình nguyện hoặc các phân đội NKVD trang bị tốt, được bố trí ở phía sau họ để ngăn việc rút chạy. Các chính trị viên của họ trong áo jacket da đen và khẩu súng ngắn làm gợi nhớ đến hình ảnh cây bút Konstantin Simonov của Cận vệ Đỏ năm 1918. 
Trong trường hợp của lữ đoàn đặc biệt số 124, khi đối mặt với sư đoàn xe tăng 16 tại Rynok, chính các nhóm chặn hậu ở tuyến sau đã buộc những người bị mất tinh thần đào thoát sang phía địch. Dobronin báo cáo cho Khrushchev rằng, ngày 25 tháng 9, một nhóm 10 kẻ đào ngũ, trong đó có 2 NCO, đã chạy sang phía địch. Đêm hôm sau, lại có thêm chín tên lẻn qua. Theo báo cáo phía quân Đức trong cụôc thẩm vấn nhóm đầu, thì đại đội của họ chỉ còn có 55 người. “Từ sau cuộc tấn công cuối vào ngày 18 tháng 9 và bị thiệt hại nặng, họ không được giao thêm nhiệm vụ nào cả. Bố trí sau tuyến một là tuyến của các đoàn viên Kosomol và đảng viên Đảng Cộng Sản, vũ trang bằng súng máy và súng ngắn”.
Một thượng uý Sôviết, người Smolensk lại đảo ngũ vì một lý do khác. Anh ta bị bắt trong một trận chiến ở vòng cung sông Đôn vào tháng Tám, nhưng ngay sau đó đã xoay sở để thoát khỏi sự canh giữ của quân Đức. Khi anh ta đến trình diện lại với Hồng quân, “anh ta đã bị bắt theo một lệnh của Stalin, và đối xử như một kẻ đào ngũ”, rồi bị gửi vào đại đội trừng giới trong khu vực của Lữ đoàn đặc biệt 149.
Những kẻ khác đào ngũ với những lý do làm phía Đức sa vào trạng thái lạc quan sai lầm. “Tinh thần quân Nga thật sự kém” một NCO thuộc sư đoàn bộ binh 79 viết về nhà “Hầu hết bọn đảo ngũ đến với chúng tôi vì đói kém. Có khả năng rằng bọn Nga sẽ bị nạn đói trong mùa đông này”
Những hồ sơ Sôviết thể hiện cho thấy một thoả hiệp lớn về mặt tâm lý trong thời gian này. Khi có ba người lính đào ngũ khỏi trung đoàn bộ binh dự bị số 178, một trung uý đã được lệnh đi tóm ba người nào đó khác, bất kể là lính hay thường dân để thay vào chỗ bị khuyết. Nhiều, nếu không nói là hầu hết những người đào ngũ thuộc những nhóm thường dân bị bắt vào cho đủ số lượng này. Ví dụ, đa số của 93 lính đào ngũ thuộc sư đoàn Bộ binh Cận vệ 15 là “công dân Stalingrad tản cư đến Krasnoarmeysk”. “Những người này hoàn toàn chưa được huấn luyện và một số họ còn không có quân phục. Vì huy động một cách hấp tấp nên chứng minh thư của nhiều người không kịp mang theo”. Điều này, trong báo cáo về cho Moscow là một sai lầm lớn. “Che phủ trong bộ áo thường dân và có chứng minh thư, chúng sẽ dễ dàng xoay sở để qua sông Volga. Cần và khẩn cấp thu hồi chứng minh thư của tất cả binh sỹ”
Cánh chính trị viên bị điên tiết vì tin đồn rằng quân Đức cho phép những người Nga, người Ucraina đào ngũ được trở về nhà nếu họ sống ở vùng tạm chiếm. “Việc ít học tập chính trị đã bị lợi dụng bởi phản gián Đức, chúng tung tin thất thiệt để lung lạc những binh sỹ đang dao động đào ngũ, đặc biệt với những ai có gia đình bị kẹt lại trong vùng địch tạm chiếm”. Những người chạy thoát được đà tiến của quân Đức đã không có được chút thông tin nào về số phận của gia đình, nhà cửa của họ.
Thỉnh thoảng, những kẻ đào ngũ bị hành quyết trước sự chứng kiến của đôi trăm đồng đội trong sư đoàn. Tuy nhiên, thông thường hơn, kẻ tử tội bị một tổ vệ binh NKVD dẫn đi đến một vị trí thích hợp ngay trước chiến hào tiền duyên. Ở đó, hắn được bảo cởi bỏ quần áo, vì quân phục và ủng có thể được sử dụng lại. Nhưng ngay cả cái nhiệm vụ dễ dàng này không phải lúc nào cũng đúng theo kế hoạch. Sau một cuộc hành quyết ở sư đoàn bộ binh 45, một lính tải thương nào đó nhận thấy kẻ tử tội vẫn còn mạch. Anh ta muốn kêu giúp đỡ, nhưng khi đó một trận pháo kích của quân thù bắt đầu dội tới. Người lính bị tử hình nhỏm lên, đứng dậy, lảo đảo đi về tuyến quân Đức. “Không thể biết hắn còn sống hay đã chết” báo cáo về Moscow như thế.
Hẳn bộ phận đặc biệt của sư đoàn bộ binh 45 có những nhà thiện xạ “khác thường”; sự thật là mọi người tự hỏi: phải chăng họ có được dũng khí để thi hành công việc của họ là nhờ vào khẩu phẩn vodka bổ sung. Trong một trường hợp khác, họ được lệnh xử tử một người lính đã tự-thương. Anh ta bị lột quân phục như thường lệ, bắn và ném xác xuống một hố đạn đại bác. Ném vài xẻng đất lên thi thể đó, đội bắn trở về lại sở chỉ huy sư đoàn. Hai tiếng sau, người lính được cho là đã bị xử tử, máu và bùn bám đầy đồ lót, lảo đảo trở về tiểu đoàn của anh ta. Và đội hành quyết đó được gọi lại lần nữa để bắn anh ta.
Trong nhiều trường hợp, chính quyền địa phương của kẻ đào ngũ cũng được thông báo. Và gia đình hắn, khi đó, cũng bị trừng phạt bổ sung theo mệnh lệnh số 270, mà thường là cảnh cáo. Cánh chính trị viên và sỹ quan các đơn vị đặc biệt ở phương diện quân Stalingrad, thấy việc phạt người thân là một biện pháp tốt cho việc ngăn chặn những kẻ khác, vốn đang dao động, bỏ chạy.
Các đơn vị NKVD, khi thẩm vấn các ca đào ngũ, chắc chắn đã tạo áp lực mạnh lên kẻ tình nghi để tố cáo những người khác. Một lính mới của sư đoàn bộ binh 302 (tập đoàn quân 51) đã bị kết tội bởi một người đồng đội vì đã nói: “Nếu tao bị đưa ra tiền tuyến, tao sẽ là người đầu tiên chạy về phía người Đức”. “Khi thẩm vấn”, anh ta còn bị cho là đã thú nhận rủ rê thêm năm người khác cùng đi và đã “khai ra” tên những người đó, nhưng có lẽ anh ấy đã bị ấn vào một âm mưu hoàn toàn hư cấu và không có thật bởi NKVD.
Các chính trị viên đổ lỗi rằng “các sỹ quan cẩu thả và không có tình người” cho các trường hợp đào ngũ trong đơn vị. Nhưng có vô số trường hợp các sỹ quan đã dùng quyền bắn hạ trong “biện pháp đặc biệt chỉ dùng trong chiến đấu khi một Hồng quân từ chối thi hành mệnh lệnh hoặc bỏ chạy khỏi chiến trường”. Tuy nhiên, cũng có một trường hợp hiếm gặp, nhà cầm quyền đã tuyên rằng các sỹ quan đó đã quá khắt khe “Trong đêm 17/18 tháng Mười, hai người lính mất tích [thuộc sư đoàn bộ binh 204, tập đoàn quân 64]. Trung đoàn trưởng và chính uỷ đã lệnh cho đại đội trưởng tử hình viên trung đội trưởng của những người lính đào ngũ ấy”. Người thiếu uý 19 tuổi, vừa gia nhập trung đoàn 5 ngày trước và cũng chỉ vừa mới biết đến hai kẻ đào ngũ ấy là từ trung đội anh ta. “Viên đại đội trưởng tuân lệnh. Đến chiến hào của anh ta (chỉ viên thiếu uý) và trước sự hiện diện của chính trị viên, bắn chết anh ta”.
Các chính trị viên muốn khoát lác về tình đoàn kết các dân tộc Liên Xô, có thể chỉ ra một thực tế rằng gần phân nửa số lính của tập đoàn quân 62 không phải là người Nga. Nhưng bộ phận tuyên truyền, có lý do đúng đắn để giữ im lặng về chủ đề này. “Thật khó để làm cho họ hiểu” một trung uý người Nga được gửi đến chỉ huy trung đội súng máy báo cáo “và cũng thật khó để làm việc chung với họ”. Việc thiếu thân thuộc với kỹ thuật hiện đại cũng đồng nghĩa với việc họ bị khiếp sợ và thất tán hơn trong các cuộc không kích. Ngôn ngữ dị biệt và hậu quả là hiểu nhầm làm mọi thứ còn tệ hơn. Trong một đơn vị, sư đoàn 196 bộ binh, quân số hầu hết là người Kazakh, Uzbek và Tartar “nhận thiệt hại nghiêm trọng và phải rút ra khỏi mặt trận để củng cố”.
Các chính trị viên nhận ra những điều đó thật tệ hại, nhưng đơn thuốc duy nhất kê ra dễ dàng dự đoán được là: “tuyên truyền cho binh lính và sĩ quan không phải là người Nga về lòng tự hào của công dân Liên Xô, về lời thề quân nhân và khung luật trừng phạt với tội phản bội Tổ quốc”. Việc tuyên truyền của họ không thể đạt nhiều thành công, bởi có nhiều người rõ ràng biết rất ít về ý nghĩa cuộc chiến. Một lính người Tartar trong sư đoàn bộ binh 284, không thể trụ nổi nữa, nên quyết định đảo ngũ. Anh ta bò về màn tối phía trước từ vị trí của mình mà không bị ai phát hiện, nhưng đến khu phân tuyến, hắn lại bị mất phương hướng. Không nhận thức ra điều đó, hắn bò đến một địa đoạn trong khu vực trung đoàn 685. Thấy có một hầm chỉ huy, hắn mò vào. Tin là đã đến được nơi cần đến, hắn đoán chừng viên sỹ quan đang nhìn mình hẳn là một quân nhân Đức cải trang trong bộ quân phục Nga. “Hắn báo rằng hắn đến để đầu hàng” báo cáo ghi nhận “tên phản bội đã bị xử tử”.
Các chính trị viên cũng đối mặt với một vấn đề quan liêu “Thật khó để phân biệt các sự kiện khác thường” Ban chính trị Phương diện quân báo cáo về cho Shcherbakov ở Moscow, “bởi chúng tôi không thể xác định nhiều trường hợp có đào ngũ hay chạy sang phía địch không”. “Trong điều kiện chiến trường” trong một báo cáo khác từ Ban ấy viết “không thể luôn có thể xác định được chắc chắn sự việc xảy ra cho một cá nhân hay một nhóm quân sỹ. Tại sư đoàn bộ binh 38, một trung sỹ và một lính đã đi lấy thức ăn cho đại đội họ và không bao giờ còn được thấy lại. Không ai biết việc gì đã xảy ra với họ. Có thể họ bị chôn vùi bởi một phát đại bác mà cũng có thể đã đào ngũ. Nếu không có người chứng kiến, chúng ta chỉ có thể nghi ngờ (mà không thể kết luận)”.
Thực tế là các sỹ quan thường thất bại khi đếm lính của họ. Vài người vắng mặt bị liệt vào danh sách phản bội, nhưng lại tìm thấy là được cán đến trạm phẫu dã chiến với những vết thương nghiêm trọng. Có cả người sau khi được ra viện để về lại đơn vị chiến đấu lại thấy mình bị kê trong danh sách đào ngũ và xử tử. Trong nhiều trường hợp thì sự bất cẩn của các sỹ quan lại là có tính toán. Nhiều binh sỹ hy sinh không được báo cáo để nhận được thêm khẩu phần ăn, một tệ nạn cũ xưa từ thời hình thành quân đội, nhưng giờ được định nghĩa là “tội làm trái quân luật”.
Việc Dobronin thừa nhận có khó khăn trong thống kê ắt được nhớ đến khi nhìn vào con số 446 trường hợp đào ngũ trong tháng Chín. Không có ca nào được đề cập đến thuộc nhóm “chạy sang phía địch”. Ngay cả trong báo cáo liên quan đến một vấn đề nghiêm trọng của chính phương diện quân Stalingrad về một nhóm đào ngũ. Ví dụ, sau khi có 23 lính từ một tiểu đoàn đào ngũ liên tục trong ba đêm, “một khu vực phòng ngừa được thiết lập ngay trước chiến tuyến và được các sỹ quan tổ chức canh gác 24/24”.
Tự thương cũng được xếp vào nhóm đào ngũ bởi không trung thực. Một lính thuộc sư đoàn Bộ Binh Cận vệ số 13 của Rodimtsev bị nghi là tự bắn vào tay, đã được áp tải lên trên. Hắn cố đào thoát vào bóng tối khi pháo quân Đức bắt đầu bắn, nhưng bị kéo lại. Một hội đồng bác sỹ khám nghiệm và tuyên bố rằng vết thương là tự-thương. Tên tù bị hành quyết ngay trước mặt một nhóm khán giả là binh sỹ thuộc tiểu đoàn của hắn. Ngay cả các sỹ quan cũng có liên quan đến việc tự thương. Một thiếu uý 19 tuổi thuộc sư đoàn bộ binh 196, bị kết tội là đã tự bắn vào bàn tay trái bằng súng máy, và bị tử hình trước mặt các sỹ quan trong đơn vị. Báo cáo ngụ ý, bằng một logic không mấy thuyết phục, rằng tội anh ta rõ ràng bởi đã “cố giấu hành vi vô đạo đức ấy bằng cách băng lại”. 
Những kẻ giả ốm cũng bị nhìn theo cùng kiểu. “Mười một binh sỹ trong trạm phẫu tiền phương giả câm, điếc” Dobronin ghi nhận, và thêm vào với sự thoả mãn tàn nhẫn, “nhưng rất nhanh, hội đồng y khoa quyết định rằng bọn chúng vẫn đáp ứng được với các nhiệm vụ quân sự, và hồ sơ đã được chuyển đến toà án binh, họ bắt đầu làm việc”.
Tận cùng của hành động tự thương là tự tử. Cũng giống như phía quân đội Đức, nhà cầm quyền Sô viết cho rằng đó là “dấu hiệu hèn nhát” hoặc là sản phẩm của “tâm hồn bệnh hoạn”. Ngay cả việc định nghĩa của từ hèn nhát cũng có nhiều dạng thể. Một phi công, nhảy dù ra khỏi chiếc máy bay bốc cháy của mình, đã xé ngay thẻ đảng khi tiếp đất, bởi anh ta nghĩ rằng đã rơi vào phía sau tuyến quân Đức. Khi trở lại căn cứ, chính trị viên kết tội anh ta là hèn nhát theo mệnh lệnh số 270 của Stalin, dù rằng bộ phận tuyên truyền Soviet luôn nhấn mạnh rằng quân Đức tử hình những người Cộng sản ngay tại chỗ.
NKVD và Ban chính trị Phương diện quân Stalingrad hành động cực kỳ chặt chẽ với bất kỳ dấu hiệu của hoạt động “chống Sô Viết”. Ví dụ “ai giữ tờ rơi quân Đức sẽ bị giao cho NKVD”. Thật nguy hiểm để nhặt một tờ lên, dù chỉ để cuộn thuốc hút. Một người lính mất tinh thần và kể với sỹ quan cấp trên những gì anh ta nghĩ về bản thân và Hồng quân, có thể đối mặt với lời buộc tội là “tuyên truyền chống cách mạng” hay “thiếu niềm tin vào chiến thắng”. Hạ sỹ K. thuộc sư đoàn bộ binh 204 đã bị tử hình vì “không tin tưởng lãnh đạo Hồng quân và có hành vi đe doạ chống lại sỹ quan chỉ huy”. Những ai chỉ trích chế độ, như hai người lính thuộc tập đoàn quân 51, cũng sẽ bị giao cho NKVD. Một người đã “phát tán luận điệu phát xít rằng nông dân nông trang tập thể giống như nô lệ” và người kia thì phát biểu “Tuyên truyền Soviet là dối trá để nâng tinh thần quân đội”. 
Các trường hợp “hoạt động chống Sô viết”, vốn thường bị đối xử tương tự như với tội “phản bội Tổ quốc”, xem ra có vẻ tương đối hiếm gặp ngoài mặt trận. Các sỹ quan nhìn chung là làm theo chỉ dẫn không chính quy có trong quân đội Nga từ năm 1812 rằng “Khi lính thì thầm, sỹ quan không nên nghe”. Hầu hết cho rằng trong chiến tranh, khi con người đối diện với cái chết, họ cần nói ra những gì họ nghĩ. Giữa những đồng đội ở tuyến đầu, người lính không còn rụt rè trước những phê phán kém cỏi, nhũng lại và bắt nạt của các quan chức Đảng Cộng Sản. Mối nguy thường trực về việc bị giết bất kỳ khi nào làm cho họ không thèm để tâm đến các chính trị viên và chỉ điểm viên của bộ phận đặc biệt. Trong chiến hào cạnh kề quân Đức, dường như không có quá nhiều khác biệt giữa một viên đạn thù và khẩu phần cuối cùng từ Tòa án Soviết: “chín gam chì” của NVKD.
Hầu hết các trường hợp “hoạt động chống Sô viết” được báo cáo là ở hậu phương. Tân binh nào hay thì thào thường dễ bị tố cáo bởi các đồng đội là lính tình nguyện. Một thường dân Stalingrad thuộc tiểu đoàn huấn luyện 178 đã cả gan nói rằng họ sẽ bị lạnh cóng và chết đói khi mùa đông đến, đã nhanh chóng bị bắt “cảm ơn các huấn luyện viên K. và I. đã giữ vững lập trường chính trị”. Tính đa nghi của NKVD mở rộng đến các đơn vị vận tải và kỹ thuật của phương diện quân Stalingrad ở bờ đông sông Volga. Mười hai binh lính và năm sỹ quan, trong đó bao gồm hai sỹ quan cao cấp, bị bắt trong tháng Mười vì “hoạt động chống Sô viết vì có tư tưởng chủ bại”. “Hầu hết những kẻ bị bắt đến từ cái vùng tạm chiếm”, báo cáo thêm vào, rằng chúng đã có kế hoạch “phản bội Tổ quốc và tham gia vào phía địch”.
Báo chí viết rằng những người lính tiền tuyến (frontoviki) hăng hái thảo luận về sự lãnh đạo anh hùng của đồng chí Stalin trong chiến hào, và xung phong với tiếng hét “Za Stalin” (vì Stalin), hoàn toàn là sản phẩm tuyên truyền. Yury Belash, một nhà thơ lính, đã từng viết:
Thành thật mà nói rằng –

Thứ cuối cùng chúng tôi nghĩ đến, trong chiến hào

Là Stalin
Dù nhiều báo chí Sô viết tô hồng cho các mẫu chuyện của chủ nghĩa anh hùng cá nhân, thì nhà cầm quyền hoàn toàn thiếu tôn trọng với các cá nhân vốn được khẳng định rõ ràng bởi các phương tiện tuyên truyền ở Stalingrad. Báo chí đưa lên một khẩu hiệu, có lẽ lấy từ phát biểu của Chuikov ở một buổi họp hội đồng quân sự: “Mỗi người lính phải thành một viên đá tảng của thành phố”. 
Một trong các sỹ quan của Chuikov hào hứng thêm vào rằng Tập đoàn quân 62 là “chất gắn bó những tảng đá của thành phố mang tên Stalin, như bê tông sống”. Câu này đạt tới mức biểu cảm tối thượng trên tượng đài kỷ niệm kỳ dị dựng sau chiến tranh ở đồi Mamaev Kurgan, trong đó, hình tượng người lính giữa đống đổ nát được miêu tả có dụng ý trên một bức phù điêu bằng gạch. Tượng đài tưởng niệm này là dành cho Liên Xô, không phải cho những người lính, hầu như biến họ thành một thứ đội quân đất nung, như của các hoàng đế Trung Hoa.
Ủng, quân phục và trang bị mới được chuẩn bị cho lực lượng mới được sắp xếp ở hậu phương. Còn với những người lính tiền phương ở Stalingrad, đồ dùng thay thế không đến từ các cửa hàng hậu cần, mà từ thi thể của những đồng đội đã chết. Không thứ gì lãng phí khi đem đi chôn. Có cả người được gửi lên phía trước, vào vùng phân tuyến để lột đồ lót từ những xác chết. Hình ảnh của những người đồng đội ngã xuống, bán khoả thân, làm nhiều người chán nản. Và khi mùa đông đến với toàn bộ sức mạnh của nó, những bộ nguỵ trang màu trắng trở thành những thứ đặc biệt quí giá. Thương binh phải cố cửi nó ra trước khi bị máu vấy bẩn. Có một sự kiện nổi tiếng của một người lính, bị thương quá nặng để có thể cửi bộ đồ nguỵ trang màu trắng, xin lỗi cho từng vết bẩn do mình gây ra.
Nhà báo Grossman, người đã ở cùng với những đồng đội của mình tại Stalingrad đã thẳng thừng bác bỏ ý kiến cho rằng mọi người đã hoàn toàn dửng dưng với sự hung bạo. Ông viết “Cuộc sống thật không dễ dàng cho người dân Nga, nhưng trong sâu thẳm con tim, không ai cảm thấy rằng đó là điều không thể tránh được. Trong suốt cuộc chiến ở tiền tuyến, tôi quan sát thấy chỉ có hai cảm giác theo hướng: một quá lạc quan và một quá u ám. Không ai có thể chịu nổi cái ý nghĩ rằng chiến cuộc còn lâu mới kết thúc và ai bảo rằng chỉ cần một vài tháng cực nhọc sẽ mang lại chiến thắng, cũng không đáng tin”. Sự thật là trong cái cuộc chiến kinh khủng đó, con người chỉ có thể nghĩ làm sao để sống sót qua từng ngày, từng giờ. Nhìn xa về hướng nào cũng là một giấc mơ hung hiểm.
Binh lính, ít nhất còn có chút đỉnh mục đích và khẩu phần kha khá đều đặn, để giữ họ tiếp tục tồn tại. Còn thường dân bị kẹt ở Stalingrad hoàn toàn không có gì cả. Làm thế nào mà 10,000 người, trong đó có một nghìn trẻ em, vẫn còn sống sót trong cái thành phố đổ nát đó trong suốt hơn năm tháng đánh nhau, và điều này trở thành phần lạ lùng nhất trong lịch sử trận Stalingrad.
Các nguồn tin Sôviết tuyên bố rằng từ ngày 24 tháng 8, một ngày sau trận không kích đầu tiên, khi cư dân Stalingrad đã được phép vượt sông Volga, và đến ngày 10 tháng 9, 300.000 người đã được vận chuyển sang bờ Đông. Con số này thật sự không đủ so với lượng dân cư phình to ra của thành phố. Sao không tự nhận rằng lúc đó có hơn 50,000 thường dân bị kẹt bên bờ Tây, phần nào là bởi NKVD điều khiển các bến vượt.
Cuộc di tản chính quy sau cùng thật hỗn độn và bi thảm. Một đám đông khổng lồ. Gồm nhiều gia đình đã bị từ chối cho phép ra đi cho đến giờ cuối cùng, thường không có lý do đúng đắn. Chiếc thuyền bắt đầu quá tải một cách nguy hiểm, và không ai được phép lên thêm. Những người bị bỏ lại trên cầu tàu nhìn chiếc phà rời đi. Họ tuyệt vọng, nhưng rồi “chỉ mới cách bến 50 thước, nó bị trúng bom” và bốc cháy, chìm trước mặt họ.
Với nhiều người ngay cả việc đến bờ sông cũng không kịp, họ bị kẹt lại sau tuyến quân Đức do đà tiến quá nhanh của Tập đoàn quân VI. Hitler, ngày 2 tháng 9 đã lệnh rằng không có thường dân ở Stalingrad, và thế là cuộc di tản đầu tiên mang tính tự phát hơn là có tổ chức.
Một hàng lớn những người tị nạn rời thành phố, thẳng về hướng tây vào vùng tạm chiếm của quân Đức trong ngày 14 tháng 9, với chút xíu của cải còn lại chất trên xe ba gác hoặc trong vali bằng giấy bồi. Báo Đức cho thấy cảnh người dân bị hoả pháo xé toạc quần áo, thân thể máu me và bàn tay dính vào đường dây thép trên cao. Rồi những người thoát sang phía Đức an toàn cũng khó có cơ hội tìm được thực phẩm. Các đơn vị quân Đức đã làm điều đó trước rồi, họ trưng thu và hái sạch nông phẩm để dùng. Ngay cả nông dân Cossack, mà nhiều người là cựu Bạch vệ, vốn chào đón quân Đức như những người giải phóng với bánh mỳ và muối, cũng bị cướp sạch ngũ cốc, lương thực trong kho.
Hình ảnh của những người tị nạn có lẽ đã tạo ra những suy nghĩ lộn xộn kỳ lạ, như một hạ sỹ quan từ sư đoàn bộ binh 295 bộc lộ một cách không chủ tâm trong thư viết về nhà “Hôm nay, anh đã thấy nhiều người tị nạn chạy từ Stalingrad. Những cảnh tượng cực nhọc không tưởng tượng nổi. Trẻ em, phụ nữ, người già – già như ông bà anh vậy – nằm ở đó, bên vệ đường, trên thân chỉ là lần vải mỏng manh không thể chống chọi cho cái lạnh. Dù họ là kẻ thù, anh vẫn thấy quá sốc. Và vì thế, chúng ta không thể nói hết lòng cảm ơn với Quốc trưởng và Chúa, rằng đất nước ta vẫn còn dư dả so với tình trạng kinh hoàng kia. Anh đã tận mắt thấy nhiều cảnh cực khổ trong suốt cuộc chiến này, nhưng ở nước Nga là hơn cả. Và cao nhất là ở Stalingrad. Em không thể hiểu điều này đâu – phải tận mắt thấy…”
Nhiều ngàn phụ nữ và trẻ em bị bỏ lại trong thành phố phía sau đã tìm cách ẩn náu trong các đống đổ nát, trong cống và trong các hang hốc đào vào bờ dốc đứng của con sông. Dường như trong các hố đạn pháo ở đồi Mamaev ở lúc cuộc chiến căng thẳng nhất, cũng có dân thường trú ngụ. Đa số, dĩ nhiên, không thể sống sót. Trong chuyến thăm lần đầu  của mình, Simonov ngạc nhiên viết “Chúng tôi vượt qua một cây cầu bắt ngang qua một chỗ giao nhau của con rạch trong thành phố. Tôi không thể nào quên hình ảnh hiện ra trước mắt tôi. Con rạch đó, trải dài bên trái và bên phải tôi, đầy nhung nhúc người, trông như một tổ kiến với lỗ chỗ hang hốc. Những con đường bị đào vào cả hai bên. Miệng hang được che phủ bởi ghẻ rách hay những tấm bảng cháy đen. Cánh phụ nữ đã dùng mọi thứ có thể dùng được”.
Ông ta viết về sự đau khổ “hầu như không thể tin nổi” của tất cả những ai ở Stalingrad, bất luận là lính hay dân, nhưng rồi nhanh chóng bỏ đi bất kỳ dấu hiệu đa cảm, uỷ mị nào – “Những điều đó chẳng giúp ích gì: cuộc chiến này được tiến hành là vì sự sống hoặc cái chết”. Rồi ông ta tiến đến việc mô tả hình ảnh của một thi thể phụ nữ trôi sông bám chặt vào một thanh gỗ cháy, dạt vào bờ Volga “những ngón tay méo mó cháy dở. Gương mặt bị biến dạng cho thấy sự đau khổ cô phải chịu trước khi chết là vô cùng to lớn. Bọn Đức đã gây ra điều đó, làm điều đó trước mắt chúng ta. Không để chúng xin được tha thứ từ những người chứng kiến. Sau Stalingrad chúng ta sẽ không tha thứ!”.
Bên cạnh tìm chỗ trú là ưu tiên số một, thì những thường dân cũng đối mặt với tình trạng khó tìm ra thức ăn và nước. Mỗi khi có một đợt ngừng bắn phá, phụ nữ và trẻ em lại ra khỏi hố ẩn nấp để cắt thịt từ xác ngựa trước khi những con chó vô chủ hay chuột cống róc sạch cái xác. Cầm đầu đám lục lọi đó là bọn trẻ. Trẻ hơn, nhỏ hơn và nhanh nhẹn hơn nên chúng là những mục tiêu khó hạ hơn. Ẩn mình trong bóng tối, bọn trẻ mò vào khu tháp ngũ cốc bị cháy trụi ở phía nam Tsaritsa, nơi quân Đức đã chiếm hoàn toàn. Rồi ở đó, chúng thường ráng lèn đầy túi, đầy cặp với lúa mì cháy dở và nháo nhào đào tẩu, nhưng lính gác Đức, bảo vệ khu tháp đó vì mục đích quân sự, đã bắn hạ một số. Với những ai cố đánh cắp khẩu phần ăn của quân Đức sẽ bị bắn tại chỗ, cả tại Stalingrad lẫn ở hậu phương.
Chính quân Đức cũng sử dụng những trẻ mồ côi ở Stalingrad. Khi những công việc thường nhật, như lấy nước, trở nên nguy hiểm vì lính bắn tỉa Nga phục kích bất kỳ chuyển động nào. Và, với sự hứa hẹn có vài miếng bánh mỳ, chúng dụ bọn trẻ Nga mang chai xuống bờ sông Volga để lấy nước. Khi phía Soviet xác minh được những gì đang diễn ra, Hồng quân bắn cả những đứa trẻ làm việc đó.
Việc tàn nhẫn này đã có tiền lệ từ giai đoạn đầu của trận vây hãm thành Leningrad, khi dân thường bị dùng làm lá chắn sống cho quân Đức. Stalin, ngay lập tức, đã lệnh cho các lực lượng Hồng quân phải bắn hạ bất kỳ thường dân nào nghe theo lệnh quân Đức, ngay cả khi họ bị cưỡng ép hành động. Mệnh lệnh này cũng được thi hành ở Stalingrad. Báo cáo của sư bộ binh cận vệ 37 ghi nhận “quân địch buộc người dân phải tiến lên để vác xác lính và sỹ quan của chúng về. Quân ta đã bắn vào bất cứ ai cố mang xác quân phát xít đi”.
Những đứa trẻ khác thì may mắn hơn. Chúng bám dính vào các sở chỉ huy, các trung đoàn Sô viết. Nhiều em được sử dụng làm liên lạc, trinh sát hoặc tình báo, nhưng với những em mồ côi nhỏ hơn, chừng bốn năm tuổi thì chỉ ở đó như một thứ bùa may mắn.
Tập đoàn quân VI (Đức) thiết lập một Bộ tư lệnh quân quản cho khu trung tâm cùng khu bắc thành phố, và một cái khác cho khu nam Tsaritsa. Mỗi nơi có một đại đội vệ binh (KSQS) chịu trách nhiệm, trong số các công việc, có việc bảo vệ chống phá hoại, đăng ký và di tản dân.
Chỉ thị được phát hành cho biết bất kỳ ai không đăng ký sẽ bị bắn. Người Do Thái được lệnh phải mang một ngôi sao vàng trên ống tay áo. Đội vệ binh này hoạt động gần giống như lực lượng Cảnh sát dã chiến mật của Wilhelm Moritz. Một sỹ quan tòng sự trong đơn vị kể trên, bị bắt sau đó, đã thừa nhận trong cuộc thẩm vấn rằng công việc của họ bao gồm cả việc chọn lựa những người dân “thích hợp” cho việc lao động cưỡng bức ở Đức và bắt giữ những nhà hoạt động Cộng sản và Do thái cho lực lượng SD. Các nguồn tin Sôviết cho rằng quân Đức đã xử tử hơn 3000 thường dân trong suốt cuộc chiến, và hơn 60,000 người Stalingrad bị chuyển đến Đế chế, theo lệnh của Hitler để lao động nô lệ. Con số người Do Thái và đảng viên Cộng sản bị bắt bởi vệ binh Tập đoàn quân 6 và giao cho SS thì không được cho biết. Đơn vị Sonderkommando 4a, theo đà tiến của tập đoàn quân 6, đã tới được Nizhne-Chriskaya theo vết của quân đoàn xe tăng XXIV, và nhanh chóng tàn sát trẻ em chở đầy trên hai xe tải “phần lớn là từ sáu đến mười hai tuổi”. Chúng cũng đã xử tử nhiều cán bộ Cộng sản và NKVD bởi tố giác của người Cô dắc, của những gia đình Kulek vốn bị đối xử tệ dưới bàn tay chế độ. Quân Sonderkommando còn ở lại vùng Stalingrad đến tận tuần thứ 4 của tháng Chín.
Cuộc di tản người lớn diễn ra vào ngày 5 tháng 10 và cuộc cuối cùng vào đầu tháng 11. Từng nhóm thường dân được chọn, bị tống lên các toa chở súc vật trên các ga đầu mối và đưa về phía sau. Thảm cảnh của những người này thật kinh hoàng. Từng tấm chăn họ có thể mang theo được đổi thành thực phẩm cho những tuần kế tiếp. Những người dân Stalingrad này đầu tiên phải đi bộ đến một trại tập trung không đựơc chuẩn bị sẵn ở cạnh làng Voroponovo (hiện là Gorkovsky) và rồi đến những trại khác ở Marinovka, Kalach và Nizhne-Chirskaya.
Khẩu phần của họ dù sao vẫn không tệ bằng phần cho lính Nga bị bắt. Trong một nhà giam cạnh Gumrak, vào ngày 11 tháng Chín, tại đó có hơn 2000 tù binh chiến tranh, phần lớn là công nhân-dân quân tự vệ. Các sỹ quan Sô viết được cho ở lại để giữ trật tự, nếu cần, bằng nắm đấm, khi thức ăn được ném vào qua hàng rào. Không có chút tiện nghi y tế nào được cung cấp. Một bác sỹ Sô viết làm tất cả những gì ông có thể cho thương binh, nhưng “trong trường hợp không còn hi vọng, ông chỉ có thể giúp họ thoát khỏi kiếp nạn mà thôi”.
Những đợt kế tiếp càng nghiêm trọng hơn. Sau cùng, “một đám đông đen nghịt khổng lồ” bị ép ra ngoài tuyết. Đây là nhóm lớn nhất và sau cùng của dân Stalingrad đi đến Karpovka và những trại tập trung khác. Điều kiện thật kinh hoàng. Ngay cái tên “trại tập trung” cũng mang tính lạc quan, vì chúng chỉ là một vòng kẽm gai khổng lồ quây trên thảo nguyên trống trải. Không có lấy một chiếc lều. Những ngừơi tù cố đào hố trên mặt đất bằng đôi bàn tay không để trốn gió. Đêm ngày 7 tháng 11, ngày Cách mạng tháng Mười, những người tù Nga tiến hành kỷ niệm bằng những tiếng hát lặng thầm với nhau, nhưng đến đêm, trời đổ mưa nặng hạt. Sáng hôm sau, nhiệt độ giảm rất nhanh, mang theo băng tuyết, họ run rẩy trong những bộ đồ ướt đẫm. Nhiều người ra đi mãi mãi. Trong một hầm, có một bà mẹ nằm cạnh Valentina Nefyodova, bà ôm chặt hai đứa con vào lòng: đứa bé gái còn sống nhưng em trai đã chết. Người em họ trong tuổi thiếu niên của Nefyodova cũng chết cóng trong đêm đó.
Cai ngục của những trại tập trung đa phần là người Ukraina trong quân phục Đức (chừng 270,000 người Ukraina được tuyển mộ từ các trại tù binh tính đến ngày 31 tháng 1 năm 1942. Những kẻ khác là dân tình nguyện. Theo một báo cáo của NKVD, Stadtkommandantur ở Stalingrad có 800 thanh niên Ukraina được trang bị để làm nhiệm vụ canh gác và hộ tống). Nhiều trong số đó là bulbovitsi,  những người dân tộc cánh hữu cực đoan lấy theo tên Taras Bulba, đối xử với các nạn nhân của họ rất tàn tệ. 
Tuy nhiên, không phải tất cả những cai ngục đều hung ác. Một số cho người bị giam chạy trốn với một ít của đút lót. Nhưng những người chạy trốn nhanh chóng bị hạ trên thảo nguyên trống trải bởi bọn vệ binh (KSQS). Tuy thế, tại trại Morozovsk, gia đình Goncharov, mẹ, bà và hai em bé, lại được cứu sống bởi một bác sỹ Đức tốt bụng, ông ta đã thu xếp cho họ chuyển đến một trang trại ở gần cạnh bởi cậu bé mười một tuổi Nikolay bị bỏng tuyết khá nặng.
Còn hàng ngàn người cố trốn những cuộc bố ráp trong thành phố, thì trở thành những người tiền sử thời hiện đại, sống trong các hang ổ đổ nát- thực tế đã ngã bệnh vì thực phẩm độc và nước uống ô nhiễm. Ở ngoại ô thành phố, những đứa trẻ mò ra khi đêm tối, như những con vật hoang để kiếm củ rễ và dâu dại. 
Nhiều người sống được ba bốn ngày chỉ với một mẩu vụn bánh mì được lính Đức hoặc lính Nga thí cho, tuỳ theo vị trí chiến tuyến. Phụ nữ thường bị ép dùng thân thể tàn tạ của họ để sống sót hoặc để có đồ ăn cho lũ trẻ. Thậm chí có những báo cáo về các nhà thổ tự chế trong đống hoang tàn đó. Và trong vài trường hợp, lại có cả tình yêu không chút tương lai lại diễn ra giữa phụ nữ Nga và lính Đức. Điều này hầu như là một mối quan hệ bất chính tai hại. Một phụ nữ Stalingrad đã từ chối “báo hiệu có quân địch với chiếc khăn tay trắng” và bị phát hiện ra là “dấu ba tên phát xít” trong hầm của mình. Cô ta bị đưa đến cho NKVD. Còn ba lính Đức thì bị bắn tại chỗ.
Ở những địa điểm xa thành phố, số tù binh Đức bị giết ngay khi bị bắt dường như ít đi, khi cơ quan tình báo Sô viết bắt đầu trở nên tinh vi hơn. Nhu cầu xác minh thông tin từ tù nhân tăng lên nhanh chóng trong tháng Mười, khi tướng Zhukov và bộ tham mưu của ông chuẩn bị cho kế hoạch đại phản công.
Việc thẩm vấn của phía Sô viết với các tù binh chiến tranh người Đức, thường diễn ra vào ngày kế sau hôm bị bắt, theo một kiểu mẫu khá thẳng thắn. Mục tiêu chính yếu là xác định đơn vị của tù nhân và ước lượng sức mạnh, tình trạng hậu cần cùng tinh thần của đơn vị đó. Tù binh Đức cũng thường được hỏi những câu đại loại như: Họ có phải là thành viên đoàn thanh niên Hitler không? Họ có biết gì về việc chuẩn bị cho chiến tranh hoá học? Những hoạt động du kích nào họ nghe được hoặc chứng kiến? Ảnh hưởng của truyền đơn Liên Xô ra sao? Sỹ quan của họ đã nói gì về Cộng sản? Tuyến tiến quân của sư đoàn họ thế nào tính từ tháng 6 năm 1941? (điều này có thể cho thấy họ có liên quan đến các tội ác chiến tranh được báo cáo ở những vùng mà họ đã đi qua). 
Nếu tù binh xuất thân từ gia đình nông dân, thì họ được hỏi có tù binh chiến tranh Nga đang làm việc cho họ ở nhà không? Tên của những người đó là gì? Thư từ nhà cũng bị tịch thu để xem xét có biểu lộ nào của tinh thần người dân ở hậu phương Đức. Suốt cuối hè và mùa thu 1942, sau “hàng ngàn cuộc ném bom rải thảm” của RAF, những cán bộ thẩm vấn NKVD rất quan tâm đến vấn đề ảnh hưởng của nó lên tinh thần dân thường cũng như quân lính ở tiền phương. Rồi khi NKVD bàng hoàng với việc khám phá ra rằng có nhiều công dân Soviet, chủ yếu là cựu Hồng quân, có mặt trong quân đội Đức, những người thẩm vấn cố khai thác từ tù binh để biết có bao nhiêu người trong mỗi đại đội.
Ngoài khuynh hướng tự vệ, phía tù nhân thường nói những gì họ cho rằng phía Nga muốn nghe. Trong vài trường hợp cũng tình cờ có những sự thật. Như một hạ sĩ khác nói “Với cánh cựu binh, những thứ tuyên truyền của Goebbels nhét vào đầu chúng tôi là không đáng tin. Chúng tôi vẫn nhớ bài học không quên của năm 1918”. Vào giữa tháng Chín, lính Đức bị bắt thường thú nhận với nhân viên thẩm vấn Nga rằng họ cùng đồng đội “lo sợ rằng mùa đông đang đến”.
Nhiều cuộc thẩm vấn tù nhân được thực hiện bởi Đại uý N.D.Dyatlenko thuộc NKVD, một thông dịch viên tiếng Đức của Ban 7 – phương diện quân Stalingrad. Trung tá Kaplan, phó ban tình báo tập đoàn quân 62, thì khác, ông thẩm vấn tù binh thông qua người phiên dịch Derkachev. Dĩ nhiên là Kaplan tốn nhiều thời gian hơn một chút. Sau khi một hạ sỹ bị thương nặng tiết lộ rằng sư đoàn tăng 24 chỉ còn có 16 xe, Kaplan ghi chú vào cuối trang giấy: “Cuộc thẩm vấn không được hoàn tất vì người này đã chết vì vết thương”.
Vốn đã biết về sự căng thẳng giữa quân Đức và quân Romania, Kaplan cũng quan tâm đến mối quan hệ không ngọt ngào trong nội bộ Wehrmacht. Những tù binh Áo, có lẽ với hi vọng sẽ được đối đãi tốn hơn, đã phàn nàn về thái độ các sỹ quan Đức là phân biệt đối xử với họ. Một người Czech 32 tuổi thuộc sư đoàn xe tăng 24, bị bắt vào ngày 28 tháng Chín, thậm chí còn tình nguyện chiến đấu cho phía Liên Xô. Tuy vậy, mối quan tâm hàng đầu trong thời điểm đó của bộ phận tình báo Hồng Quân là đánh giá cho đúng sự phụ thuộc của quân Đức vào các sư đoàn quân đồng minh dọc theo tuyến sông Đông và thảo nguyên Kalmyk.
Nhiều chỉ huy cấp trung đoàn phía Đức, vào lúc đó, rất lo ngại với những bổ sung được gửi đến. Một sỹ quan thuộc sư đoàn xe tăng số 14 viết rằng cần có “những biện pháp rất mạnh” để thay đổi “việc thiếu niềm tin vào tương lai và lòng dũng cảm”.
Tuy nhiên, điểm yếu nhất, lại đến từ những cánh quân Đồng minh, vốn hiện diện như những tập đoàn quân đầy đủ sức mạnh trên bản đồ tình huống của Hitler. Tinh thần của quân Ý, Romania và Hungaria vốn đã dao động bởi những cuộc tập kích riêng lẻ của du kích vào các chuyến tàu trên đường đến tiền tuyến. Và nó trở nên trầm trọng khi không quân Nga tấn công, ngay cho dù chỉ có vài ca thương vong. Rồi khi họ đối mặt với một cuộc tấn công từ phía lục quân Nga cùng với pháo phản lực Katyushha “đàn dương cầm Stalin”, quân lính bắt đầu tự hỏi rằng họ làm gì ở đây.
Máy bay Sôviết thả truyền đơn viết bằng tiếng Hungari, Ý và Romani, nói rằng quân Đồng minh không chết vô nghĩa cho người Đức. Lối tuyên truyền này đặc biệt tốt với những sắc dân thiểu số. Người Serb và người Ruthenia bị bắt lính trong quân đội Hungary hầu hết muốn đào ngũ. “Làm sao chúng ta có thể tin tưởng vào những ai không phải là người Hung?” hạ sỹ Balogh viết trong nhật ký. Tình báo Hồng quân báo về Moscow rằng nhiều nhóm nhỏ có kế hoạch đào ngũ cùng nhau ngay cả  trước khi họ đến mặt trận. Khi quân Nga tấn công, họ trốn tiệt trong chiến hào và chờ ra hàng.
Một người Ruthenia đào ngũ từ một trung đoàn nào đó, được thẩm vấn bởi NKVD đã khai rằng hầu hết đồng đội của anh ta cầu nguyện “Chúa giữ cho được sống sót” “cả ngày họ ngồi trong chiến hào. Hầu hết quân lính không muốn chiến đấu, nhưng họ sợ đào ngũ bởi tin vào các câu chuyện của sỹ quan rằng quân Nga sẽ tra tấn và bắn chết họ”.
Một trong các vấn đề nghiêm trọng nhất của các lực lượng Đồng minh là sự lộn xộn. Các đơn vị tiền phương liên tục bị dội bom, pháo bởi chính quân họ. “Xin Chúa hãy giúp chúng con làm cho cuộc chiến này ngắn lại” hạ sỹ Balogh viết “mọi người dội bom, đạn vào chúng con”.
Rồi không đầy một tuần sau, anh ta viết tiếp “Hỡi Chúa nhân từ, xin hãy chấm dứt cuộc chiến kinh khủng này. Nếu chúng con còn tiếp tục thêm thì chắc là thần kinh sẽ bị đứt mất… Lẽ nào chúng con không còn có được một ngày Chủ nhật vui vẻ ở nhà? Liệu chúng con còn có cơ hội để dựa vào cánh cửa gia đình? Ở nhà họ có còn nhớ chúng con?”. Tinh thần hạ thấp đến nỗi giới chức quân sự Hungary cấm binh sỹ viết thư về nhà vì sợ sự hoang mang lan đến tận Budapest. Ngay cả hối lộ cũng không được. Trước một cuộc tấn công, quân lính được khích lệ bằng “bữa ăn tốt nhất có thể – với sôcôla, mứt trái cây, mỡ lợn, đường và ragu” nhưng hầu hết lại bị đau dạ dày bởi “không thể nạp nhiều thức ăn như vậy”.
“Quân Nga là những thiện xạ đáng nể” Balogh viết vào ngày 15 tháng Chín “Lạy Chúa, đừng để con là đích ngắm của họ. Chúng con đang đối mặt với những đơn vị thiện chiến nhất của Nga” viên hạ sỹ thiếu am hiểu này thêm vào “những tay súng Siberia dưới sự chỉ huy của Timoshenko. Chúng con lạnh, đó là vẫn chưa tới mùa đông. Và điều gì sẽ xảy ra nếu chúng con vẫn còn ở đây khi mùa đông đến? Hãy giúp con với, lạy Đức Mẹ Đồng Trinh, hãy cho con về nhà”. Những dòng của anh ta ngày hôm sau một lần nữa lại cầu xin “Chúa và Đức Mẹ Đồng Trinh” – là những dòng sau cùng. Nhật ký của Balogh được tìm thấy từ xác anh, cạnh bờ sông Đông, được dịch sang tiếng Nga vài ngày sau đó tại Bộ Chỉ Huy Phương diện quân Tây Nam của tướng Vatutin và gửi về Moscow.
Tập đoàn quân số 8 Italia, đóng giữ cạnh sườn sông Đông giữa quân Hungaria và tập đoàn quân số 3 Romania, đã đựơc người Đức lưu tâm ngay từ cuối tháng Tám. Tổng hành dinh Quốc trưởng bị ép phải đồng ý rằng quân đoàn Lục quân XXIX phải được dùng để tăng cường cho sức phòng thủ của quân Ý. Ban tham mưu đã ra chỉ thị sau cho các sỹ quan liên lạc “Ta phải đối xử với họ lịch thiệp, cần phải hiểu biết về mặt tâm lý, chính trị…. Hoàn cảnh và môi trường ở Ý làm cho quân của họ khác với người của ta (Đức). Quân Ý dễ bị mệt mỏi hơn, nhưng ở khía cạnh nào đó khác thì họ lại sung sức. Chúng ta không nên trịch thượng trước đồng minh Ý, những con người gan dạ đã đến đây, trong những điều kiện khắc nghiệt và khác thường, để giúp chúng ta. Đừng gọi họ bằng những tên khó nghe và cũng đừng quá gay gắt với họ”. 
Những hiểu biết này chỉ thay đổi được chút xíu biểu hiện thiếu nhiệt tình với cuộc chiến của quân Ý. Như một trung sỹ, khi được thẩm vấn viên Sô viết hỏi tại sao cả tiểu đoàn của anh đầu hàng mà không bắn phát nào, đã trả lời với một lập luận hết sức dân dã: “Chúng tôi không bắn trả bởi chúng tôi nghĩ rằng đây là một sai lầm”.
Tập đoàn quân VI, để thể hiện khối đoàn kết chống Quốc tế Cộng sản, có trong đội hình của mình một đơn vị Đồng minh là trung đoàn Croatia số 369 phối thuộc vào sư đoàn Jager 100 Áo. Ngày 24 tháng 9, Poglavnik của Croatia, TS. Ante Pavelíc, đã đáp phi cơ đến duyệt quân đội và gắn mề đay. Ông ta được tướng Paulus cùng dàn Vệ binh danh dự của Luftwaffe chào đón.
Về mặt chiến lược, các đơn vị Đồng minh quan trọng nhất chính là hai tập đoàn quân Romania đóng hai bên cánh của tướng Paulus. Nhưng các đơn vị đó không chỉ trang bị kém mà còn không đầy đủ sức mạnh. Nhà cầm quyền Rumani, dưới áp lực của Hitler yêu cầu cung cấp thêm quân, đã vét đi hơn 2000 tù thường phạm với các tội danh hãm hiếp, cướp của, giết người. Một nửa trong số đó được đưa đến tiểu đoàn trừng giới đặc biệt 991, nhưng đa phần đã đào ngũ hay trận chạm súng đầu tiên với đối phương và đơn vị đó bị giải thế, số quân còn lại chuyển thuộc vào sư đoàn bộ binh số 5 ở mặt trận sông Đông, đối diện với quân của tướng Serafimovich.
Giới sỹ quan Rumani bị hoang tưởng khác thường về việc đối phương thâm nhập vào hậu tuyến của họ. Khi có dịch lỵ bùng phát, thì điều này lại đựơc lưu tâm nghi ngờ quá mức. Như một thông điệp cảnh báo nội bộ sư đoàn bộ binh số 1 Rumani viết “Gián điệp Nga đã đem nhiều thuốc độc vào hậu phương gây ra thương vong trong quân ta. Chúng dùng thạch tín, một gam của nó đủ giết chết mười người”. Chất độc đựơc cho là dấu trong các bao diêm, và “gián điệp” được xác định là “phụ nữ, người nấu bếp và những người phụ giúp có liên quan đến việc cung cấp thực phẩm”.
Quân Đức các cấp, những ai có liên hệ với Đồng minh thường mất tinh thần vì cái cách mà sỹ quan Rumani đối đãi với binh sĩ của họ. Các sỹ quan đó có phong cách như “Chúa tể và chư hầu”. Một bá tước Áo, trung uý Graf Stolberg, báo cáo rằng “Tất cả các sỹ quan đều không tốt…. Họ không được binh sỹ yêu mến”. Một hạ sỹ, tình nguyện quân thuộc sư đoàn bộ binh 305 ghi chú rằng bếp dã chiến của quân Rumani chuẩn bị ba nhóm phần ăn “một dành cho sỹ quan, một cho hạ sĩ quan và một cho binh lính, phần sau cùng thì có rất ít thứ để ăn”.
Quan hệ giữa hai quân đội Đồng minh được biểu lộ qua các cuộc cãi lộn thường xuyên. “Để tránh các vấn đề đáng tiếc hoặc hiểu lầm trong tương lai giữa binh sỹ Đức và Rumani, mà mối quan hệ thân tình đó vốn phải được gắn kết bằng máu trong các tình huống thông thường trên mặt trận”, Tư lệnh tập đoàn quân Rumani số 6 yêu cầu phải tổ chức “thăm hỏi, ăn tối, tiệc tùng và vâng vâng để các đơn vị Đức- Rumani thiết lập được mối liên hệ tinh thần gần gũi”.
Trong đầu mùa thu năm 1942, các sỹ quan tình báo Hồng quân chỉ có ý niệm mơ hồ về sự tín nhiệm của Wehrmarch với quân “Hiwis” – những người tình nguyện. Trong khi chỉ có một số là tình nguyện thật thụ, còn hầu hết là tù binh chiến tranh Sô viết, tuyển mộ từ các trại để bổ sung cho tình trạng thiếu hụt nhân lực, chủ yếu là làm lao công, nhưng ngay cả phục vụ trong các hoạt động chiến đấu cũng tăng lên.
Đại tá Groshcurth, tham mưu trưởng quân đoàn XI đóng ở khúc ngoặc lớn của sông Đông, nhận xét trong một lá thư gửi tướng Beck: “Thật là đáng lo khi chúng ta buộc phải tăng cường lực lượng cho các đơn vị chiến đấu bằng những tù binh chiến tranh Nga, họ sẵn sàng trở thành các pháo thủ. Có một cảm giác kỳ cục về việc những “tên quái vật” mà chúng ta từng đánh nhau giờ lại cùng sống và có cùng quyền lợi”.
Tập đoàn quân VI có hơn 50.000 quân bổ trợ phân vào các sư đoàn tiền duyên, tương đương với một phần tư sức mạnh của họ. Ở sư đoàn bộ binh số 71 và 76, mỗi đơn vị có hơn 8,000 Hiwis, gần bằng với số người của họ vào thời điểm giữa tháng Mười Một (Đó là không tính số Hiwis trong các đơn vị còn lại của tập đoàn quân VI và các đơn vị phối thuộc khác, mà theo các ước tính có thể lên đến hơn 70,000).
“Người Nga trong quân đội Đức có thể chia thành ba nhóm” một tay Hiwis bị bắt đã khai với người thẩm vấn NKVD “Nhóm thứ nhất, là lính được động viên vào quân Đức, còn được gọi là quân Cossack, thường được biệt phái vào các sư đoàn Đức. Nhóm thứ hai là các Hilfswillige được lấy từ dân địa phương hoặc tù binh Nga tình nguyện hoặc lính Nga đảo ngũ sang phía Đức. Nhóm này được mặc quân phục Đức với đầy đủ huy hiệu, cấp bậc. Họ ăn uống như quân Đức và hoạt động trong các trung đoàn Đức. Nhóm thứ ba là tù binh Nga làm những công việc bẩn thỉu, bếp núc, chăn ngựa v.v… Ba nhóm này được đối đãi khác nhau, dĩ nhiên là phần tốt nhất dành cho những kẻ tình nguyện. Lính trơn thì đối xử với chúng tôi cũng ổn, nhưng bọn sỹ quan và hạ sĩ quan thuộc sư đoàn Áo thì thật tệ.”
Tay Hiwis này là một trong số mười một tù binh Nga lấy từ trại Novo-Aleksandrovsk lúc cuối tháng mười một năm 1941 để phục vụ cho quân Đức. Tám trong số đó bị bắn khi họ gục ngã trên đường hành quân vì đói. Người sống sót này được cho vào một bếp ăn dã chiến thuộc một trung đoàn bộ binh, ở đó hắn gọt khoai tây. Rồi được chuyển sang trông coi ngựa.
Đa phần trong số gọi là các đơn vị Cossack thành lập để chống du kích và đàn áp ở vùng hậu phương, như tên Hiwis kể trên nhắc tới, có sự cân xứng cao của người Ucraina và người Nga. Hitler ghét cái ý tưởng người Slav trong quân phục Đức, thế mà họ phải định nghĩa lại như với trường hợp người Cossack, được xem như chấp thuận về mặt chủng tộc. Điều này phản ánh sự bất đồng cơ bản giữa hệ thống Quốc xã, vốn ám ảnh bởi việc nô dịch hóa hoàn toàn dân Slav, và giới sỹ quan chuyên nghiệp, tin rằng cơ hội duy nhất của họ là hành động như những người giải phóng cho dân Nga khỏi chủ nghĩa cộng sản. Ngay từ đầu mùa thu năm 1941, tình báo quân đội Đức đã đi đến kết luận rằng Wehrmacht không thể chiến thắng ở Nga nếu không biết từ một cuộc xâm lăng thành một trận nội chiến.
Quân Hiwis được thuyết phục qua những lời hứa hẹn để tình nguyện từ các trại tù, nhanh chóng tỉnh ngộ ra. Như một anh lính đào ngũ người Ruthenian trong buổi thẩm vấn đã mô tả những Hiwis mà anh gặp khi tìm nước trong một ngôi làng. Rằng họ là người Ucraina đã đào ngũ sang phía Đức với hi vọng sẽ được về nhà. Họ nói với anh ta “Chúng tôi tin vào những tờ truyền đơn và muốn trở về với vợ mình”. 
Thay vào đó họ lại nhận thấy mình đang khoác lên bộ quân phục Đức và bị huấn luyện bởi sỹ quan Đức. Mà phương pháp rèn luyện thì thật tàn nhẫn. Họ có thể bị bắn vì “những lỗi nhỏ nhặt nhất” như là rớt lại sau tuyến hành quân. Rồi nhanh chóng sau đó, họ lại bị gửi ra tiền tuyến. “Vậy anh sẽ giết đồng bào mình à?” anh lính Ruthenian hỏi “Chúng tôi biết làm gì bây giờ?” họ trả lời “Nếu chúng tôi chạy về lại phía Nga, chúng tôi sẽ bị xem như những kẻ phản bội. Còn nếu không chiến đấu, chúng tôi sẽ bị quân Đức bắn”.
Hầu hết các đơn vị tiền duyên Đức dường như đối xử với quân Hiwis của họ tốt, dẫu rằng vẫn có biểu lộ của sự coi thường. Một phân đội chống tăng thuộc sư đoàn tăng số 22 ở bờ Tây sông Don thường cho tay Hiwi, mà họ gọi là Ivan, áo khoát và súng trường để bảo vệ đại bác chống tăng khi họ xuống làng uống chút gì đó, nhưng có một lần, họ phải chạy về để cứu hắn bởi một toán quân Romania, khi biết được gốc gác của tay đó đã muốn bắn hắn ngay tại trận.
Với nhà cầm quyền Soviet, ý tưởng về các cựu Hồng quân phục vụ cho Wehrmacht bị hoàn toàn làm nhiễu loạn. Họ đi đến kết luận là việc thanh lọc và công tác của Bộ phận Đặc biệt là gần như không đủ triệt để. Ban chính trị phương diện quân Stalingrad và NKVD bị ám ảnh bởi việc các Hiwis được dùng để thâm nhập vào tuyến của họ. “Ở vài địa đoạn mặt trận” Shcherbakov được thông báo “có vài trường hợp Nga-gian mặc quân phục Hồng quân và thâm nhập vào các vị trí ta để thám sát, bắt cóc lính, sỹ quan để thẩm vấn”. Ở khu vực của sư đoàn Bộ binh số 38 (tập đoàn quân 64), trong đêm 22 tháng Chín, một nhóm tuần tra trinh sát Soviet đã đụng độ với một tổ cảnh vệ Đức. Phía Hồng quân báo cáo khi quay về rằng có ít nhất một tên “Nga gian” trong số quân Đức. Cụm từ “Nga gian” được dành cho bản án tử hình với hàng trăm, hàng ngàn người trong các phiên tòa ba năm sau đó, như SMERSH tập trung trong câu hỏi về hành động bội tín, vốn nằm sâu trong tâm trí Stalin. 
Bằng việc nhanh chóng tước bỏ quốc tịch của những kẻ chống đối và ly khai, Liên Xô cố ngăn chặn bất kỳ bất kỳ dấu hiệu nào của sự bất mãn, không trung thành trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

tải về 2.43 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương