Phần 1: Toàn thế giới nín thở chờ đợi Chương 1: thanh kiếm hai lưỠi của barbarossa



tải về 2.43 Mb.
trang18/18
Chuyển đổi dữ liệu25.03.2018
Kích2.43 Mb.
#36541
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18

Chương 25: Thanh gươm Stalingrad
Tháng 11 năm 1943, một năm sau chiến dịch Uranus, một chiếc vận tải cơ hiệu Douglas bay thấp trên bầu trời Stalingrad. Những nhà ngoại giao Liên Xô đang trong chiếc máy bay đó trên đường từ Moscow đến gặp các lãnh đạo Anh, Mỹ tại Tehran. Một trong những hành khách là Valentin Berezhkov, người làm phiên dịch viên cho Dekanozov ở Berlin trong đêm chiến dịch Barbarossa xảy ra.“Chúng tôi dán mắt vào cửa sổ trong im lặng” ông viết sau đó “Đầu tiên là những căn nhà dân rải rác trên tuyết đến trong tầm nhìn, rồi sau đó là một đống hỗn độn không tin được: những bức tường chơ vơ, những tòa nhà khối hộp đổ nát, những đống đổ nát và vài ống khói đứng lẻ loi”. Tuy vậy, họ cũng có thể nhận ra dấu hiệu của cuộc sống. “Nổi lên trên nền tuyết là những bóng người và khắp nơi này nơi kia có dấu hiệu rõ ràng của những tòa nhà mới”. Khi ra ngoài thảo nguyên lại, họ trông thấy những bộ xác xe tăng cháy còn đó.
Tại cuộc hội đàm Tehran, Churchill đã gửi tặng Thanh gươm Stalingrad cho “nhân dân Liên Xô”. Lưỡi thép được khắc lời đề tặng: “Gửi đến người dân Stalingrad kiên cường, món quà của Vua George VI để thể hiện lòng kính trọng của nhân dân Anh quốc”. Churchill làm nghi lễ thêm phần đáng nhớ bởi bài diễn văn hùng hồn. Stalin nhận thanh gươm bằng hai tay, đưa lên môi, hôn vào bao kiếm. Rồi ông chuyển món quà sang cho nguyên soái Voroshilov, ông này vụng về làm thanh gươm trượt ra khỏi vỏ. Rơi loảng xoảng trên thềm. Đêm đó, sau bữa tối, Stalin nâng ly. Ông nói “Tôi muốn chúc cho công lý sẽ đến nhanh nhất có thể với bọn tội phạm chiến tranh Đức… Tôi uống vì sự thống nhất của chúng ta để giải quyết chúng đủ nhanh để bắt chúng, tất cả, hoặc phải là khá nhiều bọn chúng”. 
Vài nguồn tin còn nói rằng ông ta cũng đề nghị tử hình 50.000 sỹ quan Đức nhằm tận diệt sức mạnh quân sự của nước Đức. Churchill giận dữ đứng dậy và tuyên bố rằng nhân dân Anh sẽ không bao giờ “chịu nổi cuộc tàn sát đó”. Không ai bị bắn nếu chưa có một phiên tòa đúng đắn. Ông bỏ ra ngoài. Stalin thích thú trước phản ứng mà ông đã gây ra, cũng đi ra cùng. Đặt cả hai bàn tay lên vai, ông nói rằng đó chỉ là trò đùa và tán tỉnh Churchill lúc cùng vào.
Cuộc hội đàm ở Teheran quyết định chiến lược của khối Đồng Minh đến lúc kết thúc chiến tranh. Kế hoạch chiếm Balkan của Churchill bị phủ quyết vì những lý do quân sự. Nỗ lực chính của khối đồng minh Phương Tây phải được tập trung vào hướng tây bắc châu Âu. Nhưng cái logic chiến lược này đã đưa số mệnh của những quốc gia vùng phía đông và trung Âu và bàn tay của Stalin. Churchill, dù nghi hoặc nhiều về hậu quả, cũng không thể làm gì. Sự hy sinh của Hồng quân và thường dân Nga đã tạo điều kiện cho Stalin điều khiển được các Đồng minh phương Tây bởi họ có mặc cảm tội lỗi khi so  ra những thiệt hại của họ chẳng đáng là bao. Vài nhà sử học đã chỉ ra rằng Liên Xô vươn lên được vị trí siêu cường đúng vào thời điểm chiến thắng Stalingrad là cơ sở cho thành công của Stalin tại Tehran.
Stalin, lợi dụng ánh hào quang của một chính khách lớn, và để lấy lòng Roosevelt, đã tuyên bố thủ tiêu Quốc tế Cộng sản III vào ngày 15 tháng 5 năm 1943. Đó là một quân tốt đen thí đi để đòi hỏi thứ quan trọng hơn. Georgi Dimitrov vẫn nguyên vị, lãnh đạo những người ít ỏi còn lại của Quốc tế III, dưới một cái tên khác: Ban Quốc tế thuộc Ủy ban Trung ương. 
Trong khi đó, chiến thắng của Liên Xô ở Stalingrad là sự quảng cáo rùm beng nhất cho việc tuyên truyền của Chủ nghĩa Cộng sản trên khắp thế giới. Đó là nguồn cảm hứng cho cả những ai đã mất niềm tin vào Stalin sau Nội chiến Tây Ban Nha và hiệp ước hòa bình Quốc Xã – Soviet năm 1939. Nó thúc đẩy những nhà điêu khắc, những họa sỹ,… nói chung là văn nghệ sỹ cánh tả, như Pablo Neruda, trong tập Nuevo Canto de Amor a Stalingrado đã viết một bài thơ về tình yêu quốc tế dành cho thành phố mà cái tên đã mang lại hi vọng cho cả thế giới.
Với tù binh Đức ở Stalingrad, tương lai rõ ràng ảm đạm. Vài người, vẫn mơ đến một trận đại phản công để giải phóng họ, khi đêm xuống họ tin có thể nghe thấy tiếng đại bác phía xa của một cánh quân đang tiến đến. Nhưng ít ra họ cũng phải sống sót vài năm nữa trong các trại tù binh chiến tranh vốn được xây dựng theo tiêu chuẩn của NKVD với những hàng rào bao quanh chứa tới mười lớp kẽm gai.
Những người bị bắt hầu như không biết chắc về số mệnh của mình như hồi đánh nhau. Và cũng cùng chia sẽ những sự trớ trêu trong chiến tranh. Như Dibold, một bác sỹ người Áo thuộc sư đoàn bộ binh 44, đã ngạc nhiên khi gặp ba bệnh nhân mới trong bệnh viện tù binh của mình. Nhóm bangười này, trông có vẻ là người Do Thái, mặc quân phục Đức với con ó và chữ thập ngoặc. Một trong số họ cười trước sự bối rối của ông. “Thưa bác sỹ, đây là điều kỳ diệu của thế kỷ hai mươi: một người Do thái là lính của Hitler”. Thì ra họ đến từ một tiểu đoàn lao công Hungary. Những người Nga đã cho họ quần áo từ những kho chiếm được.
Dù khẩu phần ăn ở trại tù binh được tăng lên kể từ mùa hè năm 1943, nhưng vẫn không đồng đều, khác nhau giữa các trại. Khẩu phần bị những tay quản trị tham nhũng cướp bớt đi để đổi lấy vodka, hoặc bởi những người lính canh do chính phần gia đình của họ được nhận còn ít hơn so với tù binh Đức. Hầu hết sự ngược đãi là do thiếu óc sáng tạo, bất tài, và trên tất cả là sức chịu đựng của người Nga được học thuyết Marxit – Leninit khai thác thành công vượt mức.
Tuy vậy, không có gì có thể đoán trước được hết. Những tù binh chứng minh được lính canh, khi được cho xem hình con cái họ, đã mềm lòng. Tại một bệnh viện tù binh bên ngoài Stalingrad, sau khi nghe những người bệnh dùng hình ảnh của những người bị bắn hoặc bỏ cho chết trên đường giải đi, lính canh Nga chẳng hiểu sao đã tha cho ba tù binh vừa bị bắt lại sau một nỗ lực trốn chạy phù phiếm.
Ngay cả khi điều kiện sống được tăng lên kể từ mùa xuân 1943, mức tử vong ở đa số bệnh viện tù binh vẫn ít nhất là một ca/ngày. Vấn đề tồn tại vẫn rất lớn, đặc biệt ở vùng Stalingrad, với bệnh nứt da, bệnh lao, phù thũng, và bệnh sco-bút cùng những thứ bệnh khác. 
Một nữ bác sỹ Liên Xô nói với người đồng nghiệp Đức rằng thường dân Stalingrad còn bị bệnh sco-bút nhiều hơn tù binh Đức, nhưng rồi cô ta cũng cho phép các đội tìm kiếm được ra ngoài tìm kiếm dược liệu và rau xanh, để các bác sỹ Đức, ở trạm thuốc, cô đặc ra vitamin. Óc sáng tạo của các bác-sỹ-tù-binh Đức đã làm những sản phẩm tự chế thông minh. Một người đã làm ra được máy đo huyết áp từ kim loại vụn. Các bác sỹ cũng sản xuất được thuốc tiêm chủng để chống bệnh Ricketsia, với chiết xuất từ bụng rận. Tơ vải được rút ra làm chỉ khâu vết mổ, còn dao mổ thì là từ nắp gà-mên mài bén.Những tù binh, đến năm thứ nhất, thứ hai học rất nhanh. Họ chôm và cải tiến khéo léo rất nhiều đồ dùng. Họ cũng học cách để chế ra phần lớn thức ăn cho mình, ví dụ như, nướng xương cá trên bếp lò, rồi nghiền ra. 
Cũng có những sai lầm ghê gớm. Như ở Ilmen, tù binh bị gầy yếu do ăn cây sậy và cây độc cần nước, kết quả là chết nhanh chóng. Hay một tù binh chộp được một vốc bơ đầy trong nhà bếp, đã chết trong sự đau đớn bởi bao tử của anh ta không quen dùng đồ béo.
Thức ăn tệ hại trong những tuần đầu của nạn đói trong vòng vây là lý do chính cho việc bệnh nhân trong các bệnh viện tù binh không thể phục hồi được. Tóc họ rụng sạch và cơ cổ yếu không thể ngóc đầu lên nổi. Họ nằm tránh ánh sáng như thể chuẩn bị cho chính mình đi vào vùng bóng tối muôn đời.Cái chết có thể là sự giải thoát, gần như là một giấc ngủ sau khi kiệt sức. Một số người đi rất nhanh, đột ngột, chỉ ngay sau khi các bác sỹ nghĩ họ đã qua cơn nguy kịch. Những bệnh nhân nằm cũng giường với nhau để giữ ấm, dù rằng nhiều người tỉnh dậy thấy đang nằm cạnh một xác chết. Nhiều người chết nhanh chóng. Helmuth Groscurth chết vì bệnh Ricketsia trong ngày 7 tháng 4 năm 1943 trong trại sỹ quan ở Frolovo trong số 4,000 người bệnh chết so với tổng thể là 5000 người. Ba năm sau gia đình mới nhận được tin về cái chết của ông. Kurt Reuber chết ngày 20 tháng Giêng năm 1944 ở trại Yelabuga chỉ vài tuần sau khi ông vẽ xong bức Madonna khác cho Giáng sinh cũng với cùng dòng chữ: “Ánh sáng, Cuộc sống, Tình yêu”.
Một số ít, sau khi vượt qua cơn nguy kịch, lại tự giết mình. Trong một bệnh viện tù binh, một sỹ quan thức dậy nhận thấy một người bạn ở giường bên cạnh đang ngồi bất động. Anh ta đã cố tự sát bằng cách “đâm một miếng kính từ cửa sổ vỡ và thẳng tim”.
Ngay cả những người khỏe mạnh cũng ít có hi vọng sống sót. Khẩu phần của họ - hạt kê chưa xay chạy thẳng vào dạ dày – chẳng cho họ mấy chút sức lực khi so với những công việc nặng nhọc mà NKVD bòn ra từ họ qua chương trình lao động khổ sai. Chủ nghĩa duy vật, có một câu “con người một dạng vật chất”, đã được dùng và thải hồi. Tù binh được dùng như bầy súc vật. Đầu tiên họ phải tự xây trại cho mình ở nơi gần như là rừng nguyên sinh. Họ không được có lều mà chỉ là những căn hầm dưới đất, mùa xuân và mùa thu ngập ngụa. Khi trại đã dựng xong, cuộc sống của họ là lao động cực nhọc, chặt, kéo gỗ, và đôi khi chế than bùn làm chất đốt mùa đông. Những ai còn ở trong khu vực Stalingrad, thì xây dựng lại thành phố và trục vớt tàu chìm trên sông Volga, và sao đó làm tham gia lao động cùng những người tù Gulag, đào một công trình mang tính triển lãm của Stalin, kênh Volga-Don.
Rất nhanh sau chiến thắng ở Stalingrad, Liên bang Sô viết lập các kế hoạch để phá hoại chế độ Quốc xã và thay vào đó là một nhà nước Cộng sản bù nhìn. Nên tù binh tất cả các cấp bậc đều được phân chia thành nhóm “chống phát xít” hoặc “phát xít”. Trong mùa xuân và mùa hè năm 1943, những sỹ quan cao cấp được chuyển từ trại ở Krasnogorsk đến tu viện Suzdal, và rồi đến một cơ sở bán-định-cư: trại 48 ở Voikovo, một nhà nghỉ dưỡng, spa cũ, được gán cho cái tên “lâu đài” bởi sự sang trọng của nó. NKVD đưa viên tướng cứng đầu Schmidt ra xa Paulus, bởi dường như ông ta bị ảnh hưởng nặng.
Ban chuyên trách của NKVD về vấn đề tù binh chiến tranh, đầu tiên dựng một tổ chức gọi là Ủy ban Quốc gia Giải phóng Đức. Để điều hành, Beria dùng những người Cộng sản Đức đã quy thuận. Hai tháng sau, một nhóm khác, Liên đoàn sỹ quan Đức, được thành lập để lôi cuốn những người chống Quốc-xã vốn miễn cưỡng ủng hộ Ủy Ban Quốc gia.
Thiếu tướng Melnikov, phó ban, điều khiển những hoạt động này. Dù là một phần trong đế chế của Beria, nhưng Melnikov cũng làm việc rất gần gũi với Ban Quốc tế thuộc Ủy ban Trung Ương. Dmitry Manuisky, cựu điệp viên của Stalin trong Quốc tế Cộng sản III với nhiệm vụ đặc biệt cho vấn đề Đức, được giao một nhiệm vụ theo dõi khác, việc này giải thích cho chuyến thăm đầy tò mò của ông ta đến Stalingrad trong giai đoạn sau cuối của cuộc chiến, lúc đó Chuikov từ chối cho phép ông qua bờ Tây.
Ngày 19 tháng 8 năm 1943, ba viên tướng Stalingrad, Seydlizt, Lattmann và Korfes được các thẩm vấn viên xác định là rất hợp tác, được đưa từ Voikovo đến “trung tâm cải huấn” ở Lunovo. Seydlist lúc đó tràn đầy cảm xúc của cái điều mà ông ta tin là tập hợp những trái tim sỹ quan thay đổi, những ai muốn cứu nước Đức khỏi sự diệt vong của chủ nghĩa Hitler. Ông ta tự thấy mình là lãnh tụ đương nhiên của những người đó.
Đầu tháng 9, Melnikov gửi Seydlitz, Korfes và Lattmann trở lại Voikono để lôi kéo những viên tướng Stalingrad khác. Chuyến trở về của họ trong đêm muộn đã làm những viên tướng phải ra khỏi phòng mình, trong đồ ngủ, tò mò nghe có gì hấp dẫn không. Nhưng khi Seylitz thông báo một cách thống thiết về cái ngày gọi là “Tauroggen mới8”, thì tướng Strecker bỏ đi một cách giận dữ. Rồi ngày hôm sau, khi Syedlitz và Lattman khẩn thiết mời họ tham gia vào cái gọi là một cuộc khởi nghĩa chống chế độ Hitler, thì Strecker, Sixt von Armin, Rodenburg và Pfeffer giận dữ từ chối hành động bội tín. Tuy nhiên, Seydlitz và đồng đội cũng lôi kéo được tướng Edler von Daniel, Drebber và Schlomer. Seylidtz, với tinh thần xúc phạm chống Hitler và tin rằng họ phải tham gia vào dòng chảy lịch sử để cứu nước Đức, đã không nhận định được tình thế nguy hiểm. Bởi họ nhận vị trí đối địch với chế độ Quốc xã quá muộn nên phía Đồng Minh sẽ không bao giờ nghe họ hoặc cho họ có tiếng nói về số mệnh của đất nước mình. 
Trong khi đó, những nhà tổ chức (ông ta ngay cả không biết Melnikov là người của NKVD) còn chẳng được phía Liên Xô có cảm tình. Tài liệu Liên Xô cho thấy trong ngày 17 tháng 9 năm 1943, Seydlitz với cương vị chủ tịch Liên đoàn sỹ quan Đức, đưa một kế hoạch cho tướng Melniov về việc thành lập một quân đoàn lục quân với 30.000 lính lấy từ những người bị bắt ở Stalingrad. Melnikov báo cáo về cho Beria rằng: “Theo ý tưởng của Seydlitz thì quân đoàn này sẽ là cơ sở cho chính quyền mới sau khi Hitler bị hạ bệ”.“Seydlitz” Melnikov nói thêm “cho rằng ông ta sẽ là một ứng viên cho vị trí tổng tư lệnh lục quân của nước Đức tự do trong tương lai”. Hình như ông cũng hứa chuẩn bị một kế hoạch cho chiến dịch tuyên truyền qua báo chí và phát thanh. “gửi người vào hậu phương nước Đức để lôi kéo chỉ huy các đơn vị sang phía chúng ta và tổ chức tham gia các hoạt động chống chế độ Hitler”. Seydlitz cũng sẽ gửi thông điệp đến “những người bạn, tư lệnh mặt trận Trung tâm, von Kluge, và tướng Thomas tham mưu trưởng của Hitler”.
Seydlitz, cùng với tướng Lattmann, tướng Korfes, và đại tá Gunter van Hooven, đã đệ trình bản kế hoạch vào ngày 22 tháng 9. Ông mong nhà cầm quyền Soviet sẽ giúp họ thành lập “một Tập đoàn quân nhỏ từ tù binh chiến tranh để có thể dùng cho việc chiếm  quyền lực của chính quyền nước Đức mới”. Họ sẽ triệu tập một ban tham mưu Tập đoàn quân, hai ban tham mưu quân đoàn, bốn sư đoàn đầy đủ, cùng một lực lượng không quân yểm trợ gồm ba phi đoàn ném bom, bốn phi đoàn tiêm kích và một nhóm không thám: tính tổng thể sẽ gồm 7 viên tướng, 1650 sỹ quan và 42.000 lính. Rõ ràng là Seydlitz không biết đến mức tử vong của tù binh tại Stalingrad sau khi đầu hàng.Ở cuộc gặp kế tiếp, Seydlitz đề nghị “tất cả số quân đó được thả dù xuống nước Đức, có thể là ở Berlin”. Sỹ quan NKVD đã chỉ ra ngay “những khó khăn về mặt kỹ thuật với việc không vận một số lượng lớn quân như vậy vào nước Đức nhưng von Seydlitz trả lời rằng tùy vào phía Nga sắp xếp chi tiết”. tuy vậy, tướng Korfes không dấu diếm sự bực mình với kế hoạch viễn vông đó. “Hoàn toàn không tưởng” ông nói “để nghĩ đến việc không vận tất cả những đơn vị đó vào”. Ông nói thêm: “Các tư lệnh không quân Nga có thể coi cái đề xuất này là bằng cớ cho rằng tướng lĩnh Đức là bọn tùy hứng” (Dĩ nhiên, có thể tướng von Seydlitz bí mật xem cái chiến dịch này là cơ hội để lừa phía Liên Xô gửi ông cùng hàng nghìn sỹ quan tù binh thuộc tập đoàn quân 6 về nhà. Nhưng cho dù có như vậy, thì mọi người cũng mong ông lưu ý rằng đến lúc hết chiến tranh, ông ta sẽ đối mặt với bản kết án nặng nề từ những cựu đồng sự bởi đã hợp tác với chế độ Stalin).
Té ra Seydlitz cũng không ngờ tới sự giận dữ và ác cảm khi ông và các đồng sự khuấy động. Các sỹ quan cay đắng phản đối những người chống phát xít, thiết lập một tòa án danh sự, nhằm kết tội những ai hợp tác với người Nga sẽ bị xa lánh vĩnh viễn. Như một hành động kháng cự công khai, họ bắt đầu dùng kiểu chào đưa tay lên. Hành động phân biệt này làm khó cho những ai vừa không muốn làm với người “chống phát xít” mà cũng không phải ủng hộ viên của Hitler. Một thiếu úy thấy anh bị buộc phải ngủ trên sàn nhà cả tuần bởi những nhóm đối địch không cho anh ta giường. 
Tháng hai năm 1944, máy bay Nga bắt đầu thả truyền đơn xuống nước Đức và các đơn vị tiền duyên, do Seydlitz và các đồng sự ký. Gestapo làm ngay một báo cáo khẩn lên Himmler xác nhận rằng chữ ký của Seydlitz là thật. Tướng Gille của Waffen SS, mà tất cả các đơn vị của nó đóng ở vòng cung Cherkassy đã bị dội truyền đơn của Ủy ban Quốc gia xuống, cũng gửi một bản sao về Đức. Ông ta cũng chuyển về những lá thư riêng gửi đến mình từ tướng Seydlitz và tướng Korfes. Những thư viết này được phân tích lần nữa bởi Gestapo và cũng xác nhận là đúng.Những lá truyền đơn mang lại sự hốt hoảng. Hitler triệu tập Himmler đến họp, rồi bảo tướng Schmudt ra một tuyên bố trung thành buộc các thống chế phải ký vào. Nhưng ngay cả điều này cũng không làm ông ta an tâm. Ngày 9 tháng 3, Rundsteds, Rommel, Kleist, Busch, Weichs và Manstein cũng bị triệu về đến Berghof để đọc thông điệp kết tội tướng Seydlitz- Kurzbach là “tên phản bội bần tiện với sự nghiệp đại nghĩa thần thánh của chúng ta”, và nhấn mạnh sự ủng hộ của họ với Hitler.
Ban của Melnikov, mặt khác, bắt đầu lo ngại. Bởi sự chiêu mộ yếu dần, trong khi các nỗ lực tuyên truyền không lôi kéo được một đơn vị chính nào, ngay cả khi quân đội Đức bị thua trận khắp nơi. Seydlitz cho là do “thiếu thành công có ý nghĩa” và “thiếu sự hướng về cách mạng của nước Đức, do hệ thống cảnh sát thô bạo và quan điểm cá nhân bị ngăn chặn hoàn toàn, thiếu một tổ chức có khả năng kháng cự, và nỗi sợ bị bại trận cùng những hậu quả của nó, cũng với việc bị xúi dục sợ chủ nghĩa Bolshevik từ lâu”. Dù thất bại, nhưng ông vẫn muốn Liên Xô “chính thức xác nhận” Ủy ban Quốc gia là một chính phủ trong tương lai. 
Nhưng Dmitry Manuilsky, một nhân vật Stalinist điển hành, đã cảnh báo bảng ghi nhớ của Seydlitz “biên soạn theo cách láu cá” là một “cố gắng khiêu khích” để “chọc giận mối quan hệ của chúng ta với Đồng minh”. Ông viết “Không nghi ngờ gì, việc chính quyền Sô viết thừa nhận Ủy Ban Quốc gia sẽ kích động Anh và Mỹ thực hiện một chiến dịch để cho thấy Liên Xô ủng hộ Đức”. Rõ ràng hòa ước Molotov – Ribbentrop đã phủ bóng lên hồi ức Liên Xô. Manuilsky nghi ngờ rằng Seydlitz đã bị điều khiển bởi tướng Rodenburg và “cựu chỉ huy tình báo quân sự”, đại tá van Hooven (thực ra ông này chỉ là sỹ quan tín hiệu).
Tính đa nghi kiểu Stalin thật tệ hại. Tháng 5 năm 1944, Weinert, chủ tịch ủy ban Quốc gia, gửi ba sỹ quan Đức đến Phương diện quân Leningrad để triển khai tuyên truyền cho Hồng quân. Hai trong số đó, đại úy Stolz và trung úy Willimzig, từ chối mệnh lệnh. Họ được mang trở về Moscow dưới sự giám sát cẩn thận để Weinert, Ulbricht và tướng Von Seydlitz, tướng Lattmann thẩm vấn. Sau bốn ngày họ được nói là đã thú nhận là “thành viên của một tổ chức phát xít bất hợp pháp trong liên đoàn sỹ quan Đức”. Cả hai người bị NKVD bắt với lí do là điệp viên nhị trùng cho Quốc xã, và bị đưa đi lấy cung thêm. Những sỹ quan Đức khác, bao gồm cả Rodenburg,  cũng bị bắt và cũng “thú nhận” khi đến lượt. Manuisky cho rằng sự nghi ngờ trước đây của ông về một âm mưu giờ đã được chứng minh, nên ngay lập tức ra lệnh đưa tất cả những sỹ quan Đức ra khỏi các nhiệm vụ tuyên truyền tại các mặt trận. Rõ ràng là Stalin đã quyết định rằng những nỗ lực vô dụng của họ không đáng giá so với việc chọc tức những đồng Minh phương Tây trong giai đoạn này của cuộc chiến, khi ông đang cần sự giúp đỡ của họ.
Lúc đó Seydlitz chống chọi với sự ngã lòng nặng. Trong nổ lực nâng tinh thần của ông, các sỹ quan NKVD đã làm một chiếc bánh sinh nhật với bốn đóa hồng màu đỏ bằng bột bánh hạnh nhân nhân danh bốn cô con gái ông. Nhưng như tất cả những người mắc chứng hưng trầm cảm, ông phải trải qua những lần lạc quan bùng nổ một cách phi lý. Nỗ lực ám sát Hitler vào ngày 20 tháng 7 có thể thất bại, nhưng cuộc đàn áp tiếp theo của Gestapo cho thấy mức độ đối kháng trong quân đội Đức ở quê nhà. Ngay cả Strecker, khi nghe về việc tử hình thống chế von Witzleben, đã được thuyết phục, ký vào một yêu cầu phản đối Hitler, nhưng ông vẫn khinh miệt Seydlitz.
Ngày 8 tháng 8 năm 1944, Beria báo cáo thắng lợi lên Stalin rằng cuối cùng Paulus cũng chịu ký một tuyên cáo cho nhân dân Đức. Yêu cầu tiếp sau của Paulus gửi đến cụm tập đoàn quân Bắc để đầu hàng thật ra được thảo bởi NKVD “dưới sự hướng dẫn của đồng chí Shcherbakov” và được Paulus cùng 29 vị tướng bị bắt khác ký.
Tuyên bố của Paulus gây ra cơn giận giữ của Hitler. Sự nghi ngờ của Quốc trưởng rằng ông đã nộp mình cho những người bắt giữ được xác nhận. Nhưng rõ ràng, Paulus, sau gần một năm rưỡi giam cầm, đã không làm quyết định đó do sự thôi thúc của tình thế. Con ông Friedrich, một đại úy, đã chết ở Anzio vào tháng hai năm 1944, và ông không phải lo đến sự khác biệt trong nhiệm vụ. Ông chỉ muốn giúp rút ngắn một cuộc chiến thất bại và giảm số người chết vô nghĩa. MỘt người con khác của ông, Ernst Alexander, cũng là một đại úy, cũng đã bị bắt sau đó theo sắc lệnh Sippenhaft. Mùa thu đó, người mẹ gốc Rumani, Elena Constance Paulus, người luôn không tin vào Quốc xã, đã bị các sỹ quan Gestapo bảo rằng bà sẽ được tha nếu chịu từ bỏ họ chồng. Bà được nói là đã quay lưng đi một cách khinh miệt. Bà bị bắt và giam trong một trại.Paulus, bị thiếu thông tin đáng tin cậy, nên đã yêu cầu gặp thành viên của Ủy ban Trung Ương “người có thể giải thích những chính sách chính của Liên Xô với nước Đức bị chiếm đóng”. Ông và “những tướng khác bị bắt kêu gọi khẩn thiết xóa bỏ chính quyền Hitler, và sau đó có có nhận định đúng đắn để biết vị trí của chính quyền Sô viết với nước Đức”.
Ông biểu lộ hy vọng của mình là nước Đức sẽ được cứu khỏi thảm họa diệt vong qua một xê-ri trao đổi trong tháng hai năm 1945 với trung tướng Krivemko, trưởng ban tù binh NKVD và với Amyak Zakharovich Kobulov, giám đốc thứ ba của bộ An ninh (Kobulov, nhân viên NKVD thường trú tại Berlin ngay trước chiến dịch Barbarossa, và là người điều khiển việc tra tấn Dekanozov và phòng tử hình trong tòa đại sứ Liên Xô). “Nên lưu ý đến việc”, Krievemko và Kobulov viết trong báo cáo gửi Beria “ khi các hoạt động quân sự đã vào trong đất Đức, tinh thần các tướng tù binh Đức suy giảm mạnh. Tướng pháo binh von Seydlitz đã bối rối mạnh trước tin về cuộc gặp của lãnh đạo ba cường quốc [ở Yalta]. Seydlitz tuyên bố rằng nước Đức có lẽ sẽ bị chia bởi Mỹ, Anh, Liên Xô và Pháp. Nước Đức sẽ chỉ còn là những mảnh nhỏ và các tốt nhất là nên gia nhập vào Liên Xô như là “nước cộng hòa Xô viết thứ mười bảy”.
Tin nước Đức đầu hàng vô điều kiện đến tới Moscow trong ngày 9 tháng 5 năm 1945, và một nghìn khẩu đại bác đã bắn đạn mừng đơn điệu từ điện Kremlin, Strecker và các đồng nghiệp ghi lại cảm nhận của họ “tâm hồn chán nản … khi nghe những thông báo chiến thắng của người Nga và những bài hát của lính Nga say rượu”.
Với người Nga, mặt khác, tự hào dù buồn khi kết thúc được cơn ác mộng kéo dài gần bốn năm và làm Hồng quân mất 9 triệu quân hi sinh cùng 18 triệu người bị thương (trong số 4 triệu rưỡi tù binh do quân Đức bắt, chỉ còn 1.8 triệu người sống sót trở về). Mức thương vong của thường dân khó mà xác định, nhưng có lẽ gần 18 triệu người, đưa tổng số thiệt hại nhân mạng lên đến 26 triệu người Liên Xô, gấp hơn năm lần tổng số người Đức chết.
Năm 1946, Paulus xuất hiện với tư cách nhân chứng ở tòa án chiến tranh Nuremberg. Báo chí Soviet thích gọi ông là “bóng ma Stalingrad”. Sau đó ông về sống tại một biệt thự ở Moscow, ở đó ông đánh bài và viết lại những sự kiện theo lối của mình. Ông già đi nhanh và tật máy ở mặt tệ hơn bao giờ hết. Năm 1947, vợ ông chết ở Baden-Baden, mà không được thấy mặt chồng lần nữa. Mọi người chỉ có thể tự biện rằng bà cảm thấy thảm họa ở Stalingrad là dành cho Rumani, đất nước quê hương của bà, và cũng như cho gia đình bà.Tháng 11 năm 1947, khi cuộc chiến tranh lạnh tăng mạnh, nhà cầm quyền Sô viết quyết định rằng những người được cho là tội phạm chiến tranh chiểu theo sắc lệnh ra ngày 13 tháng 4 năm 1943 “bất kể tình trạng thể chất” sẽ bị đưa đi lao động khổ sai đến Vorkhuta ở phía cực bắc dãy Urals. Các cựu thành viên SA, SS, lính gác trại, cảnh sát dã chiến mật, và quân cảnh – trong nhiều trường hợp ngay cả Đoàn thanh niên Hitler – bị chuyển đển các trại “chế độ đặc biệt”. Định nghĩa về tội phạm chiến tranh được mở rộng từ các hành động hung bạo chống lại thường dân đến việc trộm gà, cướp ngựa.
Khi cơ cấu tương lai của Cộng hòa Dân chủ Đức (DDR) bắt đầu triển khai ở khắp các vùng chiếm đóng của Soviet ở Đức, nhiều sỹ quan cao cấp từ Stalingrad, gồm cả Lattmann, Korfes, Muller và Steidler được giao các vai trò, vài người tham gia vào Volkspolizei. Tướng Arno von Lenski cải sang Cộng sản được chọn làm thành viên Bộ Chính trị. Đại tá Adam, vẫn là bạn đồng hành, được cử đến một vị trí trong Đảng Thống Nhất Xã hội đã được thuần hóa. Tuy nhiên, tướng Seydlitz lại mất phương hướng.
Năm 1949, một đợt thanh lọc Stalinist tràn khắp Liên Xô. Các tù binh chiến tranh Đức đột nhiên lại đối mặt với những phiên tòa “tội phạm chiến tranh”. Chiến tranh lạnh, theo sau là cuộc vây hãm tây Berlin, đang ở giai đoạn bất ổn nhất. Một “át” phi công tiêm kích, Erich Hartmann, bị kết tội là phá hủy máy bay, tài sản chính quyền Sô viết. Còn tướng Strecker thì bị đưa về lại Stalingrad, ở đó một tòa án buộc ông tội phá hoại xí nghiệp máy kéo, cho dù quân đoàn của ông ở đâu đó gần vị trí ấy mãi cho đến lúc gần kết thúc trận chiến, và lúc đó xí nghiệp ấy đã là một đống đổ nát. Cũng như phần lớn những người bị buộc tội lúc ấy, ông nhận án tử hình, rồi giảm thành tù giam 25 năm. Trung úy Gottfried von Bismarck bị kết án 25 năm lao động khổ sai với lý do tù binh Nga đã phải lao động khổ sai trong bất động sản gia đình của ông ta ở Pomerania. Tháng 7 năm 1950, con người vỡ mộng và cay đắng tướng von Seydlitz bị bắt và tuyên án 25 năm tù giam với tư cách là tội phạm chiến tranh và “tướng phản động phục thù”.
Rất ít vấn đề nào mà tìm thấy được sự đồng thuận giữa những tù binh thích cãi nhau như việc cảm ơn lòng trắc ẩn của phụ nữ Nga. Trong nhiều trường hợp, đó là một phần của truyền thống xưa cũ. Từ trại tù Kamshkovo, giữa Moscow và Gorky, chạy đến Vladimirskaya, con đường cũ mà những người ủng hộ Sa hoàng đã bị phát vãng đến Siberia. Những nông dân đi ra cho họ nước uống và ngay cả mang gánh nặng giúp họ dọc đường. Tính nhân đạo như thế, không bị ảnh hưởng bởi lý tưởng, vẫn tồn tại.
Một bác sỹ Áo, Hans Dibold, còn có cảm tình sâu hơn với người Nga khi một trong những sỹ quan quân y được kính trọng nhất, tiến sỹ Richard Speiler, từ bệnh viện Weizsacker ở Heidelberg, đột nhiên bị ốm trong đầu mùa xuân 1946. Ông đã sống sót qua căn bệnh Ricketsia, bệnh thương hàn, và bạch hầu ở trại Ilmen. Đồng nghiệp của ông đầu tiên cho rằng ông bị sốt rét. Nhưng thực tế là máu nhiễm độc trong quá trình làm việc. Đồng nghiệp của ông đau khổ với ý nghĩ rằng sự chẩn đoán sai của họ đã dẫn đến cái chết của ông ta. Họ cho ông sulphonamide và những liều penixilin cuối cùng. Hai trợ lý trạm phát thuốc Nga cũng đưa ra những liều penicillin cuối cùng của họ, vốn được chỉ định cấp cho bệnh nhân người Nga, nhưng ông ta cũng chết.
Đường dẫn đến nghĩa địa bệnh viện trồng đầy cây thông lùn và những bụi cây bách xù ở hai bên. Nó nằm sau một khu rừng. Các bác sỹ người Nga cho thấy sự kính trọng của mình và viên chỉ huy đã cho phép các đồng nghiệp Speiler tổ chức đám tang cho ông trong khu rừng nghĩa địa đúng theo cách mà họ muốn. Speiler đã trở lại đức tin Thiên chúa trong những ngày sau cùng.
Các bác sỹ Nga, chẳng thèm để tâm đến phản ứng của chính trị viên, cũng cẩn trọng làm theo những nghi thức tang chế do một mục sư cao, yếu ớt làm chủ. Những người sống sót của tập đoàn quân 6 đã xem ngày đó, và nghi thức đó: “không chỉ có giá trị với người đã khuất, mà còn cho những người nằm quanh đó, và cả những ai ở xa về phương Nam, ở nơi Stalingrad và trong thảo nguyên vùng giữa sông Don và sông Volga, và những ai không có được một lời của Chúa đi cùng trong giây phút sau cuối”.
Từ năm 1945, chừng 3000 hoặc hơn tù binh Stalingrad được phóng thích, cả theo từng người hoặc từng nhóm và được phép về quê, thường là bởi họ hoàn toàn không thể lao động được nữa. Đến năm 1955, vẫn còn 9626 tù nhân chiến tranh Đức, hoặc là “tội phạm chiến tranh” như Khrushchev xác định, trong số đó còn chừng 2000 là sống sót từ Stalingrad. 
Những tù binh này cuối này cũng được thả sau khi thủ tướng Adenauer đến thăm Moscow vào tháng 9 năm 1955. Trong đó bao gồm cả tướng Strecker, Seudlitz, Schmidt và Rodenburg, và cả trung úy Gottfried von Bismarck, người gần mười ba năm trước, đã bay vào trong vòng vây để trở về với đơn vị sau buổi ăn tối cùng thống chế von Manstein. Chỉ cần sống sót, ông viết là “đủ lý do để cảm ơn số phận”. Seydlitz, khi đi về đến Friedland bei Gottingen, biết rằng ông sẽ đối diện với một tương lai khó khăn trong không khí Chiến tranh Lạnh. Tháng 4 năm 1944, ông bị kết án vắng mặt là phản bội, và tất cả tài sản bị sung công. Điều khoản này bị bỏ bởi một phiên toà trong năm 1956, nhưng quân đội Đức mới (Bundeswehr) từ chối khôi phục cấp hàm và lương hưu cho ông. Sự thật là ông đã cộng tác với quân thù Cộng sản, đã đẩy ông, trong mắt nhiều người, ở một lớp khác so với những sỹ quan đã cố ám sát Hitler, ngay cả khi tướng Achim Oster, một trong rất ít người sống sót qua Âm mưu Tháng bảy, cũng xác nhận Seydlitz là người của họ. Ông chết, như những tổ tiên kỵ sỹ của ông, “một người rất bất hạnh”.
Như những sự kiện lịch sử được cào sới lên trong những năm hậu chiến, sự tố cáo qua lại về việc chịu trách nhiệm cho sự hiến tế của Tập đoàn quân VI càng thêm gay gắt. Schmidt, trái với suy luận của Hitler, đã luôn từ chối hợp tác với những người bắt giữ, nhưng vẫn thù ghét ghê gớm với những sỹ quan thuộc nhóm Nước Đức tự do. Đại tá Adam, người kết tội ông là ép Paulus chiến đấu đến cùng, bị đối xử khinh miệt khi trở về như là một “người hưởng trợ cấp ở vùng chiếm đóng Liên Xô”.
Còn Paulus, ở lại Đông Đức, cố bảo vệ mình một cách vô ích từ những lời buộc tội rằng đã quỵ lụy Hitler và không dứt khoát. Sau khi được phóng thích vào mùa thu năm 1953, ông sống trong vùng Soviet, ở đó ông viết hết trang này sang trang khác giải thích về tình trạng ông đã phải đối mặt. Bệnh tật, muộn phiền kéo dài đã đưa đến cái chết của ông tại Dresden vào năm 1957. Thi hài ông được mang sang phía Tây để an táng cạnh vợ mình ở Baden.
Địch thủ của ông tại Stalingrad, tướng Chuikov, mà cả Tập đoàn quân 62 của ông cũng đã tiến trên con đường dài đến Berlin dưới cái tên tập đoàn quân Cận vệ 8, trở thành tư lệnh lực lượng chiếm đóng, Nguyên soái Liên Xô và là thứ trưởng Bộ quốc phòng dưới thời Khrushchev, ông này cũng chính là người đã bổ nhiệm ông trong một đêm tháng Chín của cuộc khủng hoảng bên dòng Volga. Hàng ngàn người lính Liên Xô bị hành quyết ở Stalingrad dưới lệnh của ông không bao giờ có được một tấm bia mộ. Còn theo thống kê, họ nằm trong số những thương vong chiến trận khác, chắn chắn không thể dự báo được công lý.


1 Có thể có chút ít do dự khi nói rằng chính sự tuyên truyền Tội ác trong mùa hè 1942 góp phần tín hiệu cho những vụ cưỡng hiếp tập thể gây ra bởi Hồng quân khi tiến vào lãnh thổ Đức vào cuối năm 1944 và năm 1945

2 Hai người con khác của các lãnh đạo LX, Vladimir Mikoyan và Leonid Khrushchev, phục vụ trong lực lượng không quân Hồng quân ở Stalingrad. Còn Vasily Stalin, một tay chơi có hạng, rất nhanh sau đó thoát ly khỏi nhiệm vụ chiến đấu để làm một bộ phim tuyên truyền về không quân. 

3 Thành viên của một kíp tăng, Yekaterina Petlyuk, là một trong số rất ít những phụ nữ phục vụ với tư cách lính chiến trong thành phố. Nhưng trong những đơn vị không quân hỗ trợ cho mặt trận Stalingrad, lại có cả một trung đoàn máy bay ném bom nữ, do phi công nổi tiếng Marina Raskova lãnh đạo. “Trước đây, tôi chưa từng giáp mặt em” Simonov viết trong nhật ký của ông sau buổi gặp cô ấy ở phi trường Kamyshin “ nên tôi không thể tin nổi rằng em quá trẻ và quá đẹp như thế. Có lẽ tôi nhớ như in việc này bởi ngay sau đó tôi được tin em hi sinh”

4 Volsky đã được hầu hết các sách nhắc tới. Ngay trước cuộc tấn công, ông ta đã viết một thư riêng cho Stalin, “như là một người cộng sản trung thành”, cảnh báo rằng cuộc tấn công sẽ thất bại. Cả Zhukov và Vasilevsky buộc phải bay về Moscow ngày 17/11. Sau khi nghe họ lập luận, Stalin điện cho Volsky từ Kremlin. Ông ta rút lại bức thư. Stalin đã bình tĩnh một cách lạ lùng. Cũng khó mà kết luận được đó chỉ là mánh khóe phòng hờ của Stalin với Zhukov và Vasilevsky trong trường hợp chiến dịch Sao Thiên vương (Uranus) thất bại.

5 Trận Berezina diễn ra năm 1812, là trận Quân đội Đế quốc Nga truy kích Quân đội liên minh Châu Âu của Napoleon I đang tìm đường rút lui chiến thuật khỏi Maskva sau khi không chịu nổi cảnh vườn không nhà trống-không thèm đàm phán đầu hàng mà Kutuzov hình thành sau trận Borodino.

6 Họ nghĩ rằng các sĩ quan lâu năm có thể thuyết phục Hitler bước xuống làm lãnh đạo quân đội. Một sự thay đổi thể chế có thể thực hiện mà không dẫn tới hỗn loạn và nổi dậy giống như hồi 11/1918. Đây là một sự ngây thơ đáng kinh ngạc về cá tính của Hitler. Một quan điểm đối lập khác lại có thể gây ra đổ máu. Đó là của các sĩ quan trẻ, như là Tresckow và Stauffenberg, họ cho rằng chỉ có thể loại bỏ được Hitler bằng cách ám sát.

7 Các con số lúc đó và tìm hiểu về sau đều khác nhau khá nhiều, đôi khi họ không tính đến quốc tịch. Con số không nhất quán lớn nhất là quân số Hiwis 51,700 người được các sư đoàn báo cáo giữa tháng 11 và 20,300 người được Tập đoàn quân 6 báo cáo khẩu phần 6/12. Khó mà biết được sư chênh lệnh đó là do thương vong lớn, do Hiwis tranh thủ cơ hội trốn thoát trong cuộc rút lui cuối tháng 11 hay là người Nga được đã được tách ra khỏi các sư đoàn.
Qua các cuộc chiến đấu phía tây sông Đông và ở sườn bắc, Quân đoàn XI của Strecker chịu nhiều tổn thất nhất. Sư đoàn bộ binh 44 Áo mất gần 2000 người, Sư đoàn 376 là 1600 và 384 là hơn 900. Các sĩ quan khắp Tập đoàn quân VI ngồi xuống các bàn tạm bợ trong các hầm ngập trong tuyết, viết dưới ánh nến cho họ hàng của họ: “Tôi có nhiệm vụ buồn thông báo với quí vị rằng…”. 

8Tauroggen hay còn gọi là Taurage là một thành phố thuộc Lát vi. Ngày 30 tháng 12 năm 1812, tướng Phổ Yorck ký hiệp ước Tauroggen tuyên bố quân của ông đứng trung lập. Việc này làm kết thúc mối liên minh mỏng manh Franco-Phổ trong cuộc xâm lược của Pháp vào Nga.


tải về 2.43 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương