Phần 1: Toàn thế giới nín thở chờ đợi Chương 1: thanh kiếm hai lưỠi của barbarossa



tải về 2.43 Mb.
trang14/18
Chuyển đổi dữ liệu25.03.2018
Kích2.43 Mb.
#36541
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18

PHẦN 5: TẬP ĐOÀN QUÂN 6 KHUẤT PHỤC
Chương 20: Cầu không vận
Mây mù treo thấpHans Dibold, một bác sỹ thuộc sư đoàn bộ binh 44 viết “gần như chạm đầu người. Và trên trần mây đó, tiếng động cơ của một chiếc máy bay vận tải không nhìn thấy rền rĩ cô độc”.
Thuật ngữ “cầu không vận” hiếm khi được dùng trong kịch bản chiến dịch. Ý tưởng về một mối liên kết bền vững trên đầu người Nga làm hài lòng những kẻ ảo tưởng đang xem bản đồ, biểu đồ ở Berlin và Rastenburg. Rồi đột nhiên Hitler yêu cầu có thông tin, thế là mọi vị tướng, mọi sỹ quan tham mưu ráng có số liệu trong tay, họ làm phiền chỉ huy các sân bay để đòi những bảng thống kê, bảng nhật ký nhiệm vụ mới nhất. Sự nhiễu loạn cưỡng ép từ thượng cấp này chỉ làm mọi thứ tồi tệ thêm. Các tướng lĩnh không lực Đức (Luftwaffe) vì đã lỡ tuân theo lệnh Hitler về việc cung cấp hậu cần cho tập đoàn quân 6 bằng không vận, nên đã bố trí cả những chiếc Ju-86, một loại máy bay dùng cho huấn luyện, hoàn toàn không phù hợp nhiệm vụ để làm cho con số có vẻ tốt hơn. Ngay cả việc sử dụng tàu lượn cũng được đưa vào tầm ngắm cho đến khi mọi người nhận thấy chiến đấu cơ của Nga sẽ dễ dàng bắn hạ chúng.
Sự hỗn loạn còn do việc các tư lệnh không quân ở hậu phương chuyển lên phía trước những chiếc Junker 52 trước khi chúng được cải tiến cho phù hợp với hoạt động trong mùa đông, mà chỉ đơn giản là biểu diễn cho thấy họ đã đáp ứng lời kêu gọi của Quốc trưởng nhanh chóng. Hàng đống máy bay vận tải chuyển đến mà không có báo trước cũng góp phần làm lộn xộn thêm, đặc biệt bởi nhóm điều hành không vận không không ở địa vị điều khiển. Lúc cuối tháng Mười một, tướng Fiebig và phòng tham mưu quân đoàn không quân VIII chịu trách nhiệm chung, và tình hình cải thiện nhiều, dù những sai lầm mang tính cơ bản của dự án đã xác định là nó hỏng ngay từ đầu.
Tướng von Richthofen cảnh báo rằng họ cần sáu phi trường đủ kích thước trong Kessel, chứ không phải chỉ một, cùng những đội phục vụ mặt đất đã được huấn luyện. Sự lo ngại của ông về việc thiếu đường băng cũng được xác nhận nhanh chóng trong điều kiện thời tiết xấu. Ngày ổn nhất là ngày 19 tháng Mười hai, khi có 154 chuyến hạ cánh cùng 289 tấn hàng, nhưng những ngày tốt như vậy rất hiếm. Không chỉ do thời tiết. Mà còn vì phi trường Pitomnik lôi kéo sự quan tâm của kẻ địch, máy bay bị bắn hạ, bị rơi thường xuyên làm phi trường bất khả dụng trong những khoản thời gian ngắn. Phần xác kim loại bị cháy được đẩy ra ngoài bãi tuyết bên cạnh đường băng, hình thành một “nghĩa địa máy móc trải dài”. Việc hạ cánh ban đêm nguy hiểm bội phần. Những khẩu đội phòng không ở Pitomnik hầu như không thể cân bằng vấn đề. Bởi họ cần phải sử dụng đèn pha để rọi tìm máy bay ném bom Liên Xô, nhưng những chùm sáng đó là cơ sở tốt cho pháo binh Nga nhận mục tiêu.
Các tổ lái không quân Đức cực kỳ căng thẳng. “Các tổ lái trẻ, ít kinh nghiệm sốc nặng” trước cảnh tượng ở Pitomnik, hơn hết là hình ảnh thương binh trong điều kiện khốn khổ nằm chờ bên cạnh đường băng để được di tản, và những đống thi thể cứng đờ từ bệnh viện dã chiến bỏ ra, bởi mặt đất bị đông cứng không thể chôn được.
Dù Tập đoàn quân VI biết ơn trước nổ lực của không lực Đức, nhưng những lần cáu tiết cũng không thể tránh khỏi. Khi một kiện hàng được mở ra và thấy chỉ có chứa cây kinh giới ô và hạt tiêu, trung tá Werner von Kunowski, sỹ quan quân nhu Tập đoàn quân VI, nổi nóng: “Đồ con lừa nào chịu trách nhiệm về kiện hàng này?”. Một sỹ quan đi cùng đùa rằng ít ra tiêu cũng có thể dùng được trong cận chiến.
Sau trận tấn công của phía Sô viết vào sân bay Tatsinskaya, phi đoàn vận tải bị giảm sút nghiêm trọng, khối lượng máy bay có thể phục vụ ít đi nhiều. Đồng thời, phi trường Ju-52 mới ở Salsk cách Pitomnik hơn 200 dặm, khoản cách gần bằng tầm hoạt động tối đa, nên những máy bay nào động cơ ăn xăng nhiều không thể sử dụng. Trong sự liều lĩnh tuyệt vọng, vài chiếc máy bay bốn động cơ lớn nhất của không lực Đức – FockeWulf 200 Condor, sức tải 6 tấn và Junker 200 có thể xoay sở tải đến 10 tấn – được đưa vào sử dụng, nhưng chúng mỏng mảnh và không vững chắc như những chiếc “Tante Ju” ba động cơ. Rồi khi Salsk bị đe dọa, những chiếc Ju-52 còn lại chuyển lên hướng tây bắc đến Zverevo, phía bắc Shakhty. Phi trường mới này chỉ có một đường băng phủ đầy tuyết trên một vùng đất nông nghiệp trống trải. Không có nhà ở, nên những đội phục vụ mặt đất, đội điều hành và cả phi hành đoàn phải sống trong những túp lều, rạp dã chiến.
Khi tuyết trở thành vấn đề lớn trên không trung, thì trên mặt đất, động cơ cũng trở nên khó khăn hơn để khởi động. Tuyết rơi dày, thường xuyên làm phi trường phải ngưng hoạt động, ngay cả máy bay cũng phải được đào ra từ những đống tuyết tích tụ. Việc phòng không rất tệ ở Zverevo, và trong ngày 18 tháng Giêng, máy bay ném bom, tiêm kích Liên Xô đã tấn công 18 lần chỉ trong một ngày, phá hủy được 50 chiếc Ju-52 trên mặt đất. Đây là một trong khá ít những chiến dịch hữu hiệu của Không quân Nga, do phi công của họ vẫn thiếu tin cậy.
Tướng Richthofen và Fiebig hiểu ngay từ đầu là họ không có sự chọn lựa nhưng phải làm những gì tốt nhất có thể cho cái nhiệm vụ bất hạnh này. Họ chẳng mong được cấp trên hiểu. “Lòng tin của tôi vào lãnh đạo tụt nhanh chóng xuống dưới mức zero” Richthofen bảo với tướng Jeschonnek, tham mưu trưởng không quân Đức vào ngày 12 tháng Mười hai. Một tuần sau, khi nghe Goering báo với Hitler rằng tình hình cung cấp hậu cần ở Stalingrad là “không quá tệ”, ông đã viết trong nhật ký: “Ngoại trừ một sự thật là nó sẽ rất tốt cho cái thân béo ị của ông ta, nếu ông ta ở trong vòng vây một thời gian ngắn. Tôi chỉ có thể tóm lại là những báo cáo của tôi hoặc không được đọc hoặc không được tin
Trong khi Goering chẳng làm gì để hạn chế tính phàm ăn của mình, thì tướng Zeitler, trong một cử chỉ thể hiện tình đoàn kết với các đơn vị bị thiếu đói ở Stalingrad, đã giảm khẩu phần ăn của mình xuống bằng mức của họ. Theo Albert Speer, ông ta mất 12 ký lô trong vòng hai tuần. Hitler, khi nghe được tin về vụ ăn uống này từ Martin Bormann, đã lệnh cho ông ta trở lại khẩu phần thông thường. Và như một cử chỉ nhượng bộ.
Hitler cũng ra lệnh cấm sâm panh và rượu ở các văn phòng của Quốc trưởng nhằm “vinh danh những anh hùng Stalingrad”.
Phần lớn thường dân Đức chẳng biết rằng thất bại chung cuộc của Tập đoàn quân VI đã đến gần như thế nào. “Em mong rằng anh sẽ thoát khỏi vòng vây sớm” một thiếu phụ viết cho anh lính, bạn tâm thư của mình vào giữa tháng Giêng “và khi anh đó, chắc anh sẽ được cho nghỉ phép”. Ngay cả lãnh đạo Đảng Quốc Xã ở Bielefeld cũng viết lúc giữa tháng Giêng cho tướng Edler von Daniel để chúc mừng ông mới có con trai, được thăng cấp cùng Chữ thập Hiệp sỹ và bảo rằng ông ta mong sẽ gặp lại tướng Daniel “sớm trở về giữa chúng tôi”.
Cái không khí hão huyền tràn ngập trong khối lãnh đạo cao cấp nhất của chính phủ tại Berlin. Speer, người cực kỳ lo lắng về tình hình của Stalingrad, đi cùng với vợ mình, “cô ấy như mọi người khác vẫn tin rằng không có điều gì xấu xảy ra”, đến một buổi diễn vở opera Cây sáo thần. “Nhưng khi ngồi trong lô của mình, trong những chiếc ghế bành êm ái giữa những khán giả ăn mặc lộng lẫy, tất cả làm tôi nghĩ đến những gì tương tự với đám đông tại nhà hát kịch Paris năm ấy, khi Napoleon rút chạy khỏi nước Nga, và giờ cũng chính là điều đang xảy ra với quân ta”.
Thế là ông ta chuồn về văn phòng bộ, tìm quên với công việc và cố triệt tiêu cái “cảm giác tội lỗi ghê gớm” với em mình, một binh nhì thuộc Tập đoàn quân VI ở Stalingrad.
Mới đây, bố mẹ Speer hoảng hốt gọi phone cho ông ta. Họ vừa nghe rằng cậu út Ernst đang nằm ở “một trạm phẫu dã chiến sơ sài” đặt trong một chuồng ngựa, “tạm gọi là có mái mà không có vách”, cậu đang bị sốt vàng da, phù chân và đau cật. Mẹ Speer nức nở trong điện thoại: “Con không thể làm gì cho em con sao!”. Còn bố ông thì nói: “Thật không thể tin rằng con, với chừng ấy quyền lực mà không làm được gì để cứu em con ra”.
Cảm giác bất lực và có lỗi của Speer là sự hòa trộn giữa sự thật là năm ngoái, theo lệnh của Hitler, những quan chức cao cấp không được dùng ảnh hưởng của mình để tạo điều kiện cho bà con họ hàng, và việc ông đã phải lừa cậu em với lời hứa sẽ chuyển sang chiến trường Pháp sau khi chiến dịch kết thúc. Còn giờ đây, lá thư cuối cùng của Ernst từ Stalingrad nói rằng cậu ta không thể nằm đó, nhìn chiến hữu chết dần trong trạm phẫu. Nên cậu đã quay lại với đồng đội của mình ở chiến trường, dù với đôi chân sưng phù kệt cỡm và thể trạng bệnh tật.
Trong vòng vây, khi Tập đoàn quân VI đợi trận tấn công sau rốt của quân Nga, thì những câu chuyện đồn đãi lan tràn không chỉ về một quân đoàn xe tăng SS đang tiến tới như Hitler đã hứa vào giữa tháng Hai, và còn về cả một sư đoàn được không vận vào trong Kessel để tăng cường phòng ngự.
Nhiều tin đồn khác còn chẳng có chút căn cứ nào. Những cái đầu ngu dốt quả quyết rằng Tập đoàn quân xe tăng IV đã tiến sát chỉ còn cách tuyến của họ tầm hơn chục dặm, nhưng Paulus đã lịnh cho tướng Hoth không được tiến thêm nữa. Nhiều tay lính còn tự thuyết phục họ sau này rằng chính Paulus, theo một thỏa thuận mật với phe Nga, đã phản bội họ!!! Còn theo một câu chuyện khác thì “Bên Nga có một mệnh lệnh, rằng ai giết một phi công Đức [bị bắt] sẽ bị phạt nghiêm, bởi họ (các phi công Đức) rất cần cho việc lái máy bay vận tải ở sâu trong hậu phương, và phía Liên Xô đang thiếu các phi hành đoàn”.
Tin đồn được gói gém và lan truyền đi trong những cộng đồng lạ lùng của họ, bất kể ở trong khu trại quanh sân bay hay giữa những hầm hào đục vào balkas trên thảo nguyên, túm tụm lại như một ngôi làng thời tiền sử. Nếu có chút củi nào để đốt trong bếp lò, thì khói sẽ cuộn lên từ những ống khói bé xíu được làm từ những lon đồ hộp rỗng xếp chồng lên nhau. Ván kê, bàn, và cả giường ngủ của người đã chết cũng bị chẻ ra là củi. Thứ duy nhất thay thế cho cái ấm áp thực thụ là mùi hôi hám, được tạo từ những thân thể quấn trong vải dầu, nhưng mọi người vẫn run rẩy không kiểm soát được. 
Nhưng so ra, hơi ấm này chẳng được là bao với việc khuấy động lũ rận rệp hoạt động và đưa chúng lây lan qua những lần gãi. Họ thường ngủ thành từng cặp trên một chiếc giường lính cùng một chiếc chăn phủ quá đầu trong một nỗ lực thống thiết để chia sẽ hơi ấm cho nhau. Dân số của các loài gặm nhấp bùng nổ nhanh chóng với nguồn thức ăn là xác người, xác ngựa. Trên thảo nguyên, lũ chuột nhắt trở nên phàm ăn đi tìm nguồn thực phẩm. Có một người lính báo cáo rằng chuột đã “ăn mất hai ngón chân bị lạnh cóng của anh ta” khi anh ngủ quên.
Khi khẩu phần ăn đến, được chở trên xe trượt tuyết kéo bởi một con ngựa pony trơ xương, những thân hình cứng ngắc, vụng về quấn trong những lớp giẻ, tụ tập lại để nghe ngóng những tin đồn mới nhất. Không có chất đốt để đun tuyết ra tắm giặt hay cạo râu. Những gương mặt với gò má trũng sâu nhợt nhạt như sáp, lởm chởm – râu cũng sơ xác thảm hại vì thiếu Canxi. Cổ gầy nhẳng, khẳng khiu như các cụ già. Thân mình đầy rận. Việc tắm rửa hay có đồ lót sạch xa vời như một giấc mơ, và một bữa ăn đàng hoàng cũng vậy.
Khẩu phần bánh mỳ hiện giảm xuống còn dưới 200gram mỗi ngày và thường không tới 100 gram. Những mẩu thịt ngựa được thêm vào món “canh toàn quốc” là từ các nguồn tự cung tại chỗ. Xác súc vật được bảo quản tươi bởi cái lạnh, nhưng nhiệt độ quá thấp làm cho thịt không thể cắt được bằng dao. Chỉ có những chiếc cưa của cánh công binh mới đủ mạnh.
Cái lạnh cùng cái đói đã khiến người lính, khi không trong phiên gác, nằm ru rú trong hầm, để tiết kiệm năng lượng. Căn hầm là một nơi ẩn náu mà họ chẳng muốn rời đi. Thường, đầu óc họ trống rỗng bởi cái lạnh của huyết áp thấp, theo cả hai nghĩa thể chất lẫn tinh thần. Sách được chuyển quanh cho nhau đến khi bị rách nát hoặc mất trong bùn tuyết, nhưng đến giờ chẳng có mấy ai còn sức để đọc. Cũng như vậy mà các sỹ quan không quân Đức ở phi trường Pitomnik phải bỏ thú vui chơi bài xcat bởi không thể tập trung tinh thần. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, việc thiếu thức ăn không dẫn đến sự lãnh đạm mà đến những ảo ảnh điên khùng, tương tự như những người trong tích cổ nghe được giọng nói thần bí vì thiếu đói.
Không thể ước tính số ca tự tử hay chết vì stress nơi chiến trường. Như đã đề cập, ở các quân đội khác, số lượng đó tăng cao kịch tích khi bị cắt đứt với hậu phương, và không một quân đội nào bị bao vây hơn Tập đoàn quân VI ở Stalingrad. Binh lính nói sảng điên dại trong hầm hào, vài người còn nằm tru lên. Nhiều người, có hành động thất thường đột ngột, phải được đồng đội chế ngự hoặc đánh ngất đi. Một số binh sỹ còn sợ việc phá vây và nổi điên với người khác như thể bị truyền nhiễm. Nhưng hồi chuông báo động lớn nhất nổi lên là khi một người lính bị bệnh có mũi nở to, môi đen xì và lòng trắng con mắt chuyển sang màu hồng. Nỗi sợ về bệnh sốt Ricketsia dường như lại giống lạ kỳ, như thể một trận dịch thời trung cổ.
Cảm giác về cái chết đang tới gần cũng có thể kích động một cảm giác mãnh liệt về những gì họ sẽ mất đi. Những người mạnh mẽ thì bồn chồn mơ về hình ảnh của ngôi nhà, và nhỏ nước mắt lặng lẽ với suy nghĩ rằng sẽ không bao giờ gặp lại vợ con. Đa số trầm ngâm hồi tưởng những ký ức, hoặc chiêm nghiệm lại thế giới quanh họ, đặc biệt là đồng đội, với niềm thích thú mới. Vài người còn đa cảm tới mức cảm thấy có lỗi với những chú ngựa bị bỏ đói đang gặm một mẫu gỗ.
Trong tuần đầu hoặc mười ngày đầu tháng Giêng, trước trận tấn công của Liên Xô diễn ra, binh lính ráng không để lộ tình trạng khốn khổ trầm trọng của họ trong các lá thư gửi về nhà. “Con nhận được một xị rượu vodka và mười ba điếu thuốc lá cho năm mới” một người lính tên Willy viết cho bố mẹ trong một lá thư không bao giờ đến được với họ “nhưng toàn bộ thức ăn mà con nhận chỉ là một mẩu bánh mỳ. Con chưa bao giờ thấy nhớ bố mẹ nhiều hơn hôm nay, khi chúng con ngồi hát bài Wolgalied. Ở đây con đang ngồi trong lồng – không phải làm bằng vàng mà bằng vòng vây của quân Nga”. 
Nhiều người lính còn ngụy trang sự thật xa hơn nhiều. “Bọn anh có thể tính đến việc mùa xuân sẽ sớm bắt đầu” một người lính tên Seppel viết về nhà. “Thời tiết vẫn tệ, nhưng vấn đề chính là anh vẫn khỏe và có một cái lò sưởi tốt. Lễ Giáng sinh đã đi qua an lành”. Tuy vậy, những người khác không cố dấu cảm xúc của mình “Điều duy nhất còn lại trong anh là suy nghĩ về ba mẹ con em” một người lính viết cho vợ và con.
Vài người liều lĩnh tìm lối thoát bằng giải pháp tự thương. Nhưng những ai dùng cách này không chỉ đối mặt với án tử hình. Mà ngay cả nếu không bị nghi ngờ, họ cũng sẽ đánh đu với tử thần từ chính hành động của họ. Bởi một vết thương nhẹ sẽ không đủ để có một vé bay ra khỏi “chiếc túi”. Một cú bắn vào tay phải thì quá lộ liễu, và do chỉ còn khá ít lính trận, nên vết thương phải ở dạng làm cho mất khả năng hoạt động thì mới được giải phóng khỏi nhiệm vụ chiến đấu. Nhưng đến khi trận tấn công sau chót của phía Soviet bắt đầu thì ngay cả chỉ “một vết thương nhẹ gây ảnh hưởng đến việc di chuyển thì trên thực tế là biểu hiện cho cái chết”.
Ngay từ đầu tháng Giêng, số lượng lính Đức đầu hàng không kháng cự hay đào ngũ sang phía địch gia tăng. Những kẻ đào ngũ là lính bộ binh ở tuyến đầu, chừng mực nào đó là do họ có nhiều cơ hội hơn. Nhưng cũng có những trường hợp các sỹ quan và binh lính từ chối khi được di tản ra, vượt quá sự anh dũng và hầu như ám ảnh bởi ý thức trách nhiệm. Trung úy Lobbecke, một đại đội trưởng xe tăng thuộc sư đoàn xe tăng 16, bị mất một tay trong trận đánh nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu mà không điều trị vết thương. Sư đoàn trưởng của ông không thể thuyết phục được ông đi điều trị. Rốt cuộc tướng Strecker phải ra tay.
Tôi yêu cầu được phép ở lại với lính của tôi” Lobbecke trả lời ngay “hiện nay tôi không thể rời bỏ họ khi cuộc chiến đang lúc căng thẳng”. Nhưng tướng Strecker, có lẽ vì nghe được mùi hôi, cho rằng phần tay cụt của Lobbecke đang bị nhiễm trùng. Nên ông đã ra lệnh cho viên trung úy lên máy bay ra khỏi vòng vây đến một bệnh viện ở hậu phương.
Với những ca bị mất khả năng đi lại thật sự, hi vọng duy nhất để được chuyển đế một bệnh viện dã chiến là được lên một chiếc xe trượt tuyết hoặc xe cứu thương. Tài xế những chiếc xe này được nhìn nhận là “những anh hùng bánh thép”, bởi mức thương vong cực cao. Một chiếc xe chuyển động – và xe cứu thương nằm trong số rất ít được cấp xăng – ngay lập tức sẽ thu hút hỏa lực mặt đất hoặc hỏa lực không quân Nga.
Những thương binh và bệnh binh có thể đi lại được, tự tìm đường về hậu phương. Nhiều người dừng lại để nghỉ chân và vĩnh viễn không bao giờ đứng dậy được nữa. Những người khác vẫn đến dù có thêm những thương tích tệ hại hoặc bỏng tuyết. “Một ngày nọ có ai đó gõ cửa hầm chúng tôi” một trung úy không quân nhớ lại lúc ở Pitomnik “ngoài đó là một anh lính già, thành viên tổ chức Todt tuyển dụng để sửa đường. Cả hai bàn tay của anh bị bỏng tuyết nghiêm trọng, và anh ta sẽ không bao giờ có thể dùng chúng được nữa”.
Mà nếu đến được bệnh viện chính ở phi trường thì vẫn còn xa cho việc đảm bảo được di tản ra hoặc được điều trị trong một những căn lều lớn, nơi vẫn tránh được cái lạnh chút ít. Vết thương và bỏng tuyết chỉ là một phần nhỏ của lượng công việc, đang đe dọa chôn ngập các bác sỹ. Còn có dịch bệnh vàng da, bệnh lỵ và những loại bệnh khác, những bệnh này càng trầm trọng bởi việc thiếu ăn và thường xuyên thiếu nước, kể từ không còn nhiên liệu để đun tuyết. Các thương binh không hẳn là ít bị phơi ra trước các trận không kích của quân Liên Xô hơn hồi họ còn ở chiến trường. “Cứ mỗi nửa giờ, máy bay Nga lại tấn công sân bay” sau này một hạ sỹ báo cáo “Nhiều đồng đội vừa mới được cứu, và đã được chuyển lên máy bay, chờ cất cánh, đã mất mạng ở thời khắc sau cùng”.
Việc di tản thương – bệnh binh bằng máy bay không thể dự báo trước được tương tự như những chuyến bay tiếp tế bay vào. Trong ba ngày, 19, 20 tháng Mười hai và ngày 4 tháng Giêng, có trên một ngàn người có được cơ hội cho mỗi ngày, nhưng tính trung bình tổng thể, bao gồm cả những ngày không có chuyến bay nào, thì từ 23 tháng Mười một đến 20 tháng Giêng, con số là 417 người.
Việc lựa chọn người được lên máy bay không phụ thuộc mức độ nghiêm trọng của vết thương. Mà nó dựa vào một thứ tự xếp đặt tàn nhẫn do thiếu chỗ trên máy bay. “Chỉ có những thương binh nhẹ, có thể dự đi được, mới có cơ hội đi” một quan chức ngành thông tin kể lại “Chỉ có đủ chỗ cho chừng 4 chiếc cáng thương trong một chiếc Heinkel, nhưng có thể nhét đến gần 20 người còn đi được trong đó. Nên nếu bạn bị thương nặng, hoặc ốm nặng đến mức không di chuyển nổi, thì bạn coi như là cầm chắc cái chết” (Đoạn này mâu thuẫn với đoạn binh lính tự thương ở bên trên, cơ bản qua nhiều đoạn cũng thấy rõ được tâm ý thiên lệch của tác giả - TNL). Nhưng may mắn vẫn tồn tại. Như chính người quan chức này, đã xoay sở để kéo một NCO bộ binh, người đã nằm đó trên phi trường 3 ngày nay với một viên đạn cắm vào lưng, lên máy bay. “Tôi không bao giờ biết được bằng cách nào mà người này đến được phi trường”. Ông ta cũng đưa được một NCO khác, một chiến binh già bị sốt cao, lên máy bay.
Quân cảnh, bị các sắc lính khác ghét cay đắng và được biết với cái tên “chó xích” bởi vòng giáp kim loại hình lưỡi liềm nối vào một đoạn xích đeo quanh cổ của họ, canh gác lối vào đường băng, kiểm tra giấy tờ từng phút để đảm bảo rằng không có kẻ giả bệnh nào lọt qua được. Rồi khi hy vọng được thoát ra tiêu tan trong tháng Giêng, họ phải dùng đến súng tiểu liên mỗi lúc một nhiều hơn để cản lại đám thương binh và giả thương binh.
Những chiếc Focke-Wulf Condor bốn động cơ khổng lồ, vốn được dùng một ít trong tuần thứ hai của tháng Giêng, nhét được nhiều thương binh hơn. Tuy vậy, những chiếc phi cơ này, nếu chở quá tải trọng, sẽ bị những tổn hại khác thường. Như một trung sỹ thuộc sư đoàn Cao xạ số 9 đã tận mắt thấy một chiếc Condor ì ạch tăng tốc, trên đó có hai đồng đội bị thương của anh, vừa được đưa lên. Khi chiếc phi cơ ngóc mũi để tăng độ cao, những con người vô vọng được tải đi bên trong hẳng bị ngả lăn chiên hoặc lộn nhào ra phía sau, bởi đuôi máy bay đột nhiên rụng ra. Tiếng máy gầm lên khi mũi chiếc phi cơ gần như chĩa thẳng lên trời, rồi cả cỗ máy rơi trở lại mặt đất, ngay trước khuôn viên phi trường và nổ ầm trong một quả cầu lửa và một “tiếng động inh tai”.
Hơn nữa, những binh sỹ đóng ở góc cực tây của vòng vây chứng kiến số phận của nhiều chiếc vận tải cơ Junker, vốn được biết rõ là đang tải những đồng đội thương binh. Thường thì những chiếc này “không thể đạt độ cao nhanh chóng và phải bay trong tầm bắn của cao xạ, rồi gặp kết cục thê thảm. Từ chiến hào của mình, tôi đã tận mắt thấy vài trường hợp của số mệnh khải huyền này, và rất, rất buồn lòng”.
Bên cạnh những thương binh, phóng viên báo chí và những chuyên gia được di tản ra, những chuyến bay còn mang vào vài sỹ quan, binh lính vốn được đi phép ngay trước khi vòng vây bị khép lại. Và bởi ở Đức, tin tức bị ỉm lại, nên đa số họ không có ý niệm về những gì diễn ra khi họ vắng mặt cho đến khi chuyến tàu đưa họ đến Kharkov. Sỹ quan phụ tá của thống chế Manstein, Alexander Stahlberg, đã tả cảnh người em họ thông gia hai mươi mốt tuổi, Gottfried von Bismarck, khi đến sở chỉ huy cụm Tập đoàn quân sông Don ở Novocherkassk vào ngày 2 tháng Giêng ngay sau kỳ nghỉ Giáng sinh ở nhà tại Pomerania. Anh ta nhận được lệnh bay vào Kessel để trở lại với sư đoàn bộ binh số 76. Thống chế Manstein, biết được trường hợp này, đã mời anh ta đến bàn ăn tối, nơi có thể nói chuyện thoải mái. Cả Manstein và Stahlberg đều rất khen ngợi người thanh niên, không kêu ca, làm nổi bật truyền thống Postdam của trung đoàn bộ binh số 9 bằng cách quay lại một trận chiến thất bại, không phải vì Hitler mà vì lòng tận tâm với nhiệm vụ theo cách Phổ. Còn bản thân Bismarck, tuy vậy, lại dùng một thuật ngữ ít vẻ vang hơn: “Tôi là một người lính, tôi nhận được lệnh và phải chịu chấp nhận mọi hậu quả”.
Tướng Hube, khi trở lại trong vòng vây vào ngày 9 tháng Giêng, đêm trước trận tấn công của quân Sô viết, đã kể với Paulus và Schmidt rằng Hitler hoàn toàn từ chối chấp nhận khả năng thất bại ở Stalingrad. Ông ta không chịu nghe bản báo cáo về tình hình trong vòng vây của ông, mà thay vào đó ông ta còn cố thuyết phục ông rằng một nỗ lực giải vây thứ hai có lẽ đã lên khuôn.
Vài sỹ quan dưới quyền Hube đã thất vọng về ông, dường như đã bị chủ nghĩa lạc quan của Hitler thôi miên – “liều thuốc ánh sáng”. “Tôi rất thất vọng” sỹ quan tình báo của Hube, Công tước Dohna ghi nhận “khi thấy một người lính chân chính dũng cảm dễ bị thuyết phục như thế nào”. 
Tuy vậy, những người khác lại nghe rằng chính Hube đã đủ can đảm để “khuyên Hitler kết thúc chiến tranh”, và khi Hube chết trong một tai nạn máy bay vào năm sau, nhiều tin đồn lan truyền rằng hẳn có bàn tay Hitler trong đó. Nói cho ngay, cả hai đằng đều đúng. Khi Hube báo cáo tại sở chỉ huy cụm Tập đoàn quân sông Đon, trước khi bay vào trong vòng vây, Manstein tin rằng ông ta đã là một người tín cẩn của Hitler. Nhưng mặt khác, sau đó ông cũng phát hiện ra rằng Hube đã can đảm đề nghị Hitler nên trao chức Tổng tư lệnh tối cao cho một tướng lĩnh nào đó thì tốt hơn, nhỡ khi Tập đoàn quân VI có thất bại thì sẽ không bị tổn hại đến hình tượng cá nhân.
Hube là một trong những viên tư lệnh cưng của Hitler, nhưng niềm tin chắc chắn của ông ta rằng Tập đoàn quân VI đã tận số chỉ làm khẳng định thêm sự nghi ngờ của Hitler rằng tất cả các tướng lĩnh đang tiêm nhiễm chủ nghĩa bi quan. Paulus nhận ra điều này. Nên ông đi đến kết luận rằng chỉ có một chiến binh trẻ từng được tặng thưởng cao mới có thể gây nên những cảm xúc lãng mạn nơi Hitler và như vậy sẽ ở vị trí tốt hơn để thuyết phục ông ta nghe sự thật.
Paulus có một ứng cử viên hiển nhiên cho nhiệm vụ này, chính là đại úy Winrich Behr, với bộ quân phục binh chủng xe tăng màu đen cùng chữ thập Hiệp sỹ có lẽ sẽ gây được ấn tượng tốt với Quốc trưởng. Behr, chịu trách nhiệm cập nhật không những bản đồ tình huống mà cả những sự kiện và con số  trong các báo cáo, là một trong những sỹ quan báo cáo tốt nhất ở sở chỉ huy Tập đoàn quân VI.
Behr nhận được nhiệm vụ vào sáng ngày 12 tháng Giêng, hai ngày sau khi trận tấn công của quân Soviet mở màn, quá ít thời gian đến nỗi anh không thể nhận những thư gửi về nhà từ các đồng nghiệp. Anh gói gém nhật ký chiến tranh của Tập đoàn quân VI và mang theo để đảm bảo nó an toàn, rồi vội vã ra phi trường Pitomnik. Đường băng đang ở trong tầm hỏa lực của cối hạng nặng và pháo binh (Nga). Lúc Behr chạy lên chiếc Heinkel 111, lèn đầy thương binh, quân cảnh với tiểu liên trong tay phải ngăn lại hàng trăm người khác cố xông lên, hoặc ngay cả bò lên phi cơ.
Chuyến bay đến Taganrok mất một tiếng rưỡi. Và anh ngạc nhiên, vì ở biển Azov trời còn lạnh hơn ở Stalingrad. Một chiếc xe đợi đưa anh đến sở chỉ huy của thống chế Manstein. Vị thống chế triệu tập vài sỹ quan của ông và yêu cầu Behr báo cáo tình hình. Behr mô tả mọi thứ: nạn đói, mức thương vong, binh lính mỏi mệt, thương binh nằm trên tuyết, đợi di tản, máu họ đông đặc; việc thiếu nghiêm trọng thức ăn, đạn dược, xăng dầu. Khi Behr kết thúc, Manstein bảo: “Hãy báo cáo Hitler đúng chính xác những gì anh đã báo cáo với tôi”. Một chiếc máy bay được lệnh sáng hôm sau đưa anh ta đến tổng hành dinh Rastenburg. Quốc trưởng đang đợi.
Buổi sáng hôm sau, trời vẫn rất rét, dù ánh mặt trời tạo cảm giác ấm áp giả tạo. Tại phi trường, viên sỹ quan không quân Đức được chỉ định bay cùng Behr đến Đông Phổ đã không nề hà cưởi bỏ găng tay để làm ấm động cơ. Và khi trở lại văn phòng, anh ta không còn chút da nào trên hai bàn tay vì chạm vào kim loại đông lạnh. Phải tìm một phi công khác để thay thế.
Cuối cùng Behr cũng đến được Tổng hành dinh Hang sói vào đầu buổi tối. Thắt lưng và súng ngắn bị giữ lại ở phòng cảnh vệ. Từ đó, anh ta được dẫn đến phòng điều hành, nơi mười tám tháng sau Stauffenberg mang chiếc cặp chứa chất nổ vào. Ở đó có chừng hai mươi, hai lăm sỹ quan cao cấp đang có mặt. Sau mười phút, cửa mở ra, và Hitler xuất hiện. 
Ông ta chào mừng viên đại úy xe tăng trẻ tuổi.
Chào Đại úy!
Kính chào Quốc trưởng!
Behr đáp lời, đứng nghiêm trong bộ quân phục màu đen cùng Chữ thập hiệp sỹ trên cổ. Behr đã được người anh rể, Nicolaus von Below trợ tá không quân của Hitler, cho biết về những chiến thuật của Quốc trưởng dùng một khi có “người báo hung tin” đưa về những tin xấu. Ông ta luôn cố điều khiển cuộc nói chuyện, áp đảo người đối thoại vốn chỉ biết về một khu vực đơn lẻ trên mặt trận, bằng ấn tượng mạnh mẽ của tình huống tổng thể. Đó chính xác là điều đang xảy ra. 
Sau khi Hitler kết thúc phần thuật chi tiết những kế hoạch của ông trong chiến dịch Dietrich, một cuộc đại phản công với các sư đoàn xe tăng SS để chuyển bại thành thắng, ông bảo Behr “Ông đại úy, khi ông trở về gặp tướng Paulus, hãy nói với ông ta rằng cả con tim và hy vọng của ta ở cùng ông ấy và tập đoàn quân”. Nhưng Behr, vốn đã biết rằng đó là một “mánh lới” của Hitler, và hiểu rằng anh không thể cho phép mình im lặng.
Thưa Quốc trưởng” anh trả lời “Tư lệnh của tôi ra lệnh tôi báo cáo với Người về tình hình. Xin cho phép tôi được báo cáo”. Hitler, trước mắt đông đảo nhân chứng, không thể từ chối.
Behr bắt đầu nói, và Hitler, khá làm anh kinh ngạc, vì không hề cố ngắt lời anh. Anh không tiếc cung cấp cho những thính giả của mình thông tin chi tiết, kể cả việc gia tăng số lính Đức đào ngũ sang phía Nga.
Thống chế Keitel, không thể chịu nỗi sự thẳng thắn đó trước mặt Quốc trưởng, nên đã lắc nắm đấm với Behr từ phía sau lưng Hitler để cố làm anh ngưng lại. Nhưng Behr không nao núng, tiếp tục với những mô tả về sự kiệt sức, nói kém, lạnh cóng của tập đoàn quân, và đối diện với những cú đánh áp đảo mà không có đạn dược hay xăng dầu để đẩy lùi. 
Behr có tất cả thông số của những chuyến không vận hằng ngày trong đầu. Hitler hỏi lại anh có chắc chắn về những thống kê đó không, và khi Behr trả lời rằng đúng như vậy, ông ta bèn quay sang một sỹ quan Không quân cao cấp và yêu cầu giải thích sự khác biệt.
Thưa Quốc trưởng” viên tướng không quân đáp “tôi có mang theo đây danh sách các chuyến bay và hàng hóa chuyển đến mỗi ngày”.
Nhưng thưa Quốc trưởng” Behr cắt lời “Với tập đoàn quân, điều quan trọng không phải là có bao nhiêu chiếc máy bay được gửi đi, mà là cái chúng tôi thực sự nhận được. Chúng tôi không phê bình bên Không quân. Phi công bên đó thực sự là những anh hùng, nhưng chúng tôi chỉ nhận được những con số mà tôi vừa báo cáo. Có thể có vài đại đội nhận được vài thùng lẻ và giữ lại không báo cáo lên cấp chỉ huy, nhưng điều đó cũng không đủ để tạo nên sự khác biệt”.
Vài sỹ quan cao cấp cố làm chệch lời phê phán của Behr bằng những “câu hỏi ngô nghê”, nhưng đáng ngạc nhiên là Hitler lại cho thấy sự giúp đỡ, có lẻ bởi ông ta muốn xuất hiện để bảo vệ lợi ích của chất-long-não-Stalingrad chống lại Bộ tổng tham mưu. Nhưng khi Behr chuyển đến phần tình huống mà Tập đoàn quân VI đối mặt, Hitler lại quay lưng đến tấm bản đồ khổng lồ lấm tấm những lá cờ tí hon như thể chưa có gì thay đổi. Behr biết những lá cờ này “nó như những tháng trước” còn giờ thì “các sư đoàn chỉ còn lại một vài trăm tay súng”. 
Nhưng, một lần nữa Hitler lại viện đến thông điệp của ông ta về việc đảo ngược toàn bộ hình thái tình hình bằng một cuộc phản công ghê gớm. Ông còn thông báo rằng cả một tập đoàn quân xe tăng SS đã được tập hợp quanh Kharkov, để đánh vào Stalingrad. Trước đó Behr đã biết từ thống chế von Manstein rằng cái lực lượng SS đó cần phải mất thêm vài tuần để mang sang phía đông. “Khi đó tôi hiểu là ông ta đã không cảm giác được sự thật. Ông ta đang sống trong một thế giới kỳ ảo của các bản đồ và cờ xí” với Behr, một con người hăng hái và là “một sỹ quan Đức trẻ theo chủ nghĩa dân tộc”, phát hiện này là một cú sốc. “Việc này kết thúc mọi ảo tưởng của tôi về Hitler. Tôi bị tin rằng chúng ta sẽ thua trong cuộc chiến”.
Behr không được gửi thẳng về trong vòng vây như dự định. Anh gặp lại Hitler lần nữa trong trưa ngày hôm sau, cùng thống chế Milch, người được lệnh thúc đẩy các nỗ lực giải cứu của không quân đến Stalingrad. Sau đó, Behr được tướng Schmudt, tùy viên quân sự cao cấp của Hitler, triệu tập và chịu một cuộc thẩm vấn dài, đầy dò xét, dù thân tình. 
Schmudt, một trong những ủng hộ viên trung thành nhất của Hitler (ông ta chết mười tám tháng sau đó trong vụ đánh bom của Stauffenberg), nhanh chóng nhận ra viên đại úy thiết giáp trẻ tuổi đã mất niềm tin. Behr đã thú nhận điều này khi được hỏi. Nên khi đó Schmudt quyết định anh không được trả về lại cho Paulus. Behr phải quay lại bờ biển Đen, và làm việc ở Melitopol như là một phần của “Đội đặc nhiệm” mới thành lập dưới quyền thống chế Milch nhằm giúp Pháo đài Stalingrad giữ vững cho đến phút cuối.
Tại tổng hành dinh Rasterburg, tướng Stieff cùng trung tá Bernhard Klamroth, vốn quen Behr từ trước chiến tranh, đã gặp riêng anh hỏi – “theo kiểu mật mã” – rằng anh có tham gia một cuộc vận động nhằm hất cẳng Hitler không. Behr, người chỉ vừa mới thấy sự bất hạnh dưới sự lãnh đạo của Hitler, nên cảm thấy không thể quay ngoắt 180 độ được. Klamroth hiểu, nhưng vẫn cảnh báo anh cẩn thận với Manstein. “Ở bàn ăn thì nghe chừng lão ấy rất chống Hitler, nhưng lão ấy chỉ to mồm thôi. Chứ nếu Hitler bảo lão quay sang trái hay sang phải, thì lão ấy sẽ làm chính xác những gì được bảo”.
Chỉ trích của Klamroth không hề thổi phồng. Tất cả những sự bất kính với Quốc trưởng mà Manstein chỉ thể hiện ở giữa những thuộc cấp thân cận và trò đùa chào theo kiểu Nazi bởi con chó của mình, ông không muốn có rủi ro với vị trí cá nhân. Trong hồi ký, ông dùng cái có thể gọi là luận cứ phản bội: một coup d’état  có thể dẫn đến một sự sụp đổ ngay tức khắc ở ngoài mặt trận và sự hỗn loạn trong lòng nước Đức. Ông ta vẫn là thành viên của giới sỹ quan, chống Bolsevik vốn thành hình từ cuộc nổi loạn và cách mạng năm 1918. Behr nghe theo lời khuyên của Klamroth và cẩn trọng khi báo cáo lại ở cụm tập đoàn quân sông Đon.
Việc Manstein sợ Hitler sớm được chứng minh. Những cuộc thảo luận thẳng thắn giữa các sỹ quan của ông ta về khả năng thảm họa ở Stalingrad đã làm ông khó chịu tới mức ông ra một mệnh lệnh cho ban tham mưu của mình rằng: “Các cuộc thảo luận về khả năng của các sự kiện gần đây phải ngưng lại” bởi “không thể làm gì để thay đổi sự thật hiện tại mà chỉ có thể gây hại do sói mòn niềm tin”. Các sỹ quan cũng bị nghiêm khắc cấm thảo luận “các nguyên nhân hủy diệt Tập đoàn quân VI” trong các thư từ cá nhân.
Lúc bấy giờ, vị Quốc trưởng lại muốn, bất kể hậu quả, là một điển hình anh hùng cho nhân dân Đức. Ngày 15 tháng Giêng, ông trao tặng Paulus Cành sồi cho Chữ thập Hiệp sỹ và thông báo 178 huân chương quan trọng khác cho các thành viên trong Tập đoàn quân VI. Nhiều người được nhận thưởng vẫn không nhận ra tính hai mặt của tấm huân chương.
Mặt khác, Manstein trong khi xem thường động cơ của Hitler, hiểu rằng ông rất cần kéo dài thời gian đau khổ của Tập đoàn quân VI. Bởi cứ mỗi một ngày thêm vào, là ông có thêm thời gian để đưa hai tập đoàn quân ở vùng Caucasus về tuyến phòng ngự hữu hiệu. Hitler, qua một trong những logic méo mó kỳ cục của ông, giờ có thể biện luận rằng quyết định bắt Paulus phải ở lại vị trí là hợp lý.
Các sự kiện điên rồ hình như cũng có lây nhiễm chút ít. Max Plakolb, một sỹ quan Không quân Đức, phụ trách điện báo ở Pitomnik, ghi nhận vài thông điệp cổ vũ lạ thường từ các tư lệnh cấp trên. Ngày 9 tháng Giêng, ngày tối hậu thư phía Sô viết tuyên bố, Plakolb và những người khác trong tổ của anh nhận lệnh bay ra khỏi Kessel. “Bỏ đi để lại mọi thứ sau lưng thật là khó. Mọi người viết một lá thư về nhà để chúng tôi mang theo”. 
Nhưng cũng như những người khác, thoát khỏi được cái túi Stalingrad ở thời khắc đó, ông ta có cảm giác như được sinh ra lần nữa. “Kể từ đó, ngày 9 tháng Giêng trở thành ngày sinh nhật thứ hai của tôi”. Tuy vậy, những người thoát ra được đó luôn bị bao phủ bởi cảm giác có lỗi của người sống sót “Chúng tôi không bao giờ được nghe bất cứ điều gì thêm về những đồng đội ở lại”.
Mọi người giao lại những bức thư sau cùng hoặc những món đồ quan trọng be bé cho các đồng đội có được một chỗ trên máy bay. Tiểu đoàn trưởng, người chơi piano, thuộc sư đoàn xe tăng 16 bị ốm, nên tiến sỹ Kurt Reuber thuyết phục ông ta mang theo bức họa “Pháo đài Madonna” đi cùng. Reuber cũng cố hoàn tất bức tranh cuối cho vợ mình khi viên sỹ quan đó khởi hành chậm một ngày do thời tiết xấu. Lá thư cuối của ông cho vợ cũng được gửi theo. Ông biết không còn điểm lùi với sự thật hiện hữu mà họ đang đối mặt “Chắc chắn là không có một hi vọng nào nữa …
Đã có những lúc lính Đức tin rằng những thư từ Giáng sinh được phát vào ngày 22 tháng Chạp là lần sau chót họ nhận được từ thế giới bên ngoài. Nhưng sau đó vẫn có những lượt lẻ tẻ khác, lần muộn nhất là mãi đến ngày 18 tháng Giêng, còn hệ thống thông thường của Luftpost (quân bưu) ngưng từ ngày 13 tháng Giêng, khi quân lính được báo rằng chỉ còn một cơ hội cuối để viết về nhà. Nhiều người đã nói trong thư rằng họ chỉ có thời gian để “nguệch ngoạc đôi dòng”. Như một bác sỹ đã nhận thấy trong bức thư gửi cho cha “Tâm trạng ở đây thật lộn xộn. Vài người cực tệ, một số khác thì nhẹ nhàng và cũng có người trầm tĩnh. Thật là một trải nghiệm thú vị”.
Sự trái ngược chủ yếu dường như là giữa những người viết thư để gây ấn tượng với gia đình về chủ nghĩa yêu nước tượng trưng cho cái chết sắp đến của họ và những người viết vì tình yêu. Với những người sau, thì không như những người dân tộc chủ nghĩa nhiệt thành, thường bắt đầu lá thư của mình dịu dàng hết sức có thể: “Có lẽ đây sẽ là lá thư sau cùng của anh sau một thời gian dài”.
Một thiếu tá tên von R. viết cho vợ: “Em luôn là suy nghĩ đầu tiên và sau cùng của anh. Anh thật sự không từ bỏ hi vọng. Nhưng, mọi thứ rất rất tệ, không ai biết được rằng anh và em gặp có còn được thấy mặt nhau. Quân ta vẫn và đang nỗ lực trong vô vọng. Anh và em không thể ít dũng cảm hơn họ, em nhé”.
Từ “số mệnh” dường như là từ duy nhất được chia đều. “Thưa cha mẹ” một hạ sỹ viết “Số mệnh quyết định chống lại chúng con. Nếu cha mẹ được tin rằng con đã ngã xuống vì Đại Đức, xin cha mẹ hãy dũng cảm đón nhận. Và sau chót, con để lại vợ và con con trong tình yêu của cha mẹ”.
Những người hết lòng vì chế độ thì quan tâm đến con đường vinh quang của quốc gia và cuộc chiến vĩ đại hơn là chia tay gia đình. Họ viết về “trận chiến định mệnh của nước Đức” và vẫn tin rằng “vũ khí và sự lãnh đạo của chúng ta là tốt nhất thế giới”. Và trong nỗ lực để làm cho tấm thảm kịch kệch cỡm trở nên có ý nghĩa, họ giữ tinh thần bằng ý tưởng rằng những thế hệ mai sau sẽ xem họ như những người bảo vệ Châu Âu khỏi hiểm họa của chủ nghĩa Bolshevik châu Á. “Đây là một cuộc chiến anh hùng, để thế giới vĩnh viễn không lạnh lẽo” một trung sỹ viết “Những anh hùng Đức bảo vệ cho tương lai nước Đức”.
Những lá thư đó không bao giờ đến nơi. Đại úy bá tước Von Zedtwitz, trưởng ban kiểm duyệt của tập đoàn quân xe tăng số 4, nhận nhiệm vụ nghiên cứu thư từ vòng vây Stalingrad, để báo cáo về tinh thần và cảm xúc cho nhà cầm quyền. Dù báo cáo của ông ta gửi về cố tránh âm hưởng chủ bại, nhưng Goebbels đã lệnh rằng những thư sau cùng đó phải được giữ lại và cuối cùng là hủy đi.
Những đoạn trích bên trên lấy từ một bảng ghi hình như của Heinz Schroter, một sỹ quan cấp thấp nguyên thuộc đại đội tuyên truyền của tập đoàn quân 6, sau được Bộ Tuyên truyền giao nhiệm vụ viết một thiên sử thi cho trận chiến. (Những thứ được xuất bản trong tập sách sưu tập vô danh có tên Những bức thư cuối cùng từ Stalingrad, gây nhiều cảm động khi ra mắt vào năm 1954, giờ được xác định là giả mạo)
Còn những lá thư khác thì bị chặn lại bởi một cách rất khác. Như tướng Voronov ghi nhận, trong ngày 1 tháng Giêng “chúng tôi được tin, trong đêm có một chiếc vận tải cơ Đức bị bắn hạ trên các vị trí của quân ta. Và có chừng 1200 lá thư được tìm thấy trong xác máy bay”.
Ở sở chỉ huy Phương diện quân Sông Đon, một bộ phận phụ trách bởi đại úy Zabashtansky và đại úy Dyatlenko cùng những phiên dịch viên rảnh rỗi, cũng như những người Đức “chống phát xít” làm việc với các túi thư đó trong ba ngày. Trong đó bao gồm cả những lá thư theo kiểu nhật ký của tướng Edler von Daniels gửi cho vợ. Theo tướng Voronov và đại úy Dyatlenko, lá thư sau chót của ngày 30 tháng Chạp cho thấy nhiều về tình hình phòng thủ yếu ớt của sư đoàn bộ binh 376 ở cánh tây nam, điều này phù hợp với những gì mà các thẩm vấn viên NKVD đang cố moi từ tù binh của họ.
Mãi cho đến trận tấn công sau cùng của quân Soviet, bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng, mối bận tâm chính của Tập đoàn quân VI vẫn là như cũ “Kẻ thù số 1 là cái đói thường trực” một bác sỹ viết. “Thưa ba má” một hạ sỹ viết về nhà lâm ly “nếu có thể, hãy gửi cho con chút đồ ăn. Con thiệt ngại khi viết ra chuyện này, nhưng con đói quá”.
Lính Đức bắt đầu liều lĩnh hơn để mò lên khu phân tuyến nhằm tìm trong xác quân Nga một mẩu bánh mỳ hay một túi đậu rang nhằm đun với nước. Hi vọng lớn nhất là tìm thấy một gói giấy chứa muối, mà họ khát khao.
Sự đau khổ về việc thiếu đói với lính Đức trong vòng vây là rất tệ, nhưng còn có những người khác tệ hơn nhiều. Đó là 3500 tù binh Nga trong trại ở Voroponovo và Gumrak đang chết với tốc độ gia tăng nhanh chóng. Vài sỹ quan Đức đã sốc nặng khi phát hiện ra trong tháng Giêng rằng những tù binh đó buộc phải ăn cả thịt đồng đội, và đã báo cáo miệng lại. Khi quân Nga đến được các trại tù đó vào cuối tháng Giêng, nhà cầm quyền Liên Xô tuyên bố rằng chỉ còn 20 người sống sót trong số 3500 ban đầu.
Cảnh tượng bày ra trước mắt lính Nga – minh chứng bởi những thước phim do các tay máy đến được nơi đó ghi lại – cũng tệ như những gì được thấy khi tiến vào các trại tử thần Nazi đầu tiên. Tại Gumrak, Erich Weinert miêu tả lại: “Trong một cái rãnh, chúng tôi tìm thấy một đống lớn xác tù binh Nga, hầu như trần trụi và gầy trơ xương”. Những hình ảnh đó, đặc biệt quay từ Voroponovo, có lẽ đã làm cứng rắn thêm trái tim của Hồng quân để tiến đến những chiến thắng mới.
Nhiều nghìn quân Hiwis còn ở trong các sư đoàn Đức cũng bị chết đói. Girgensohn, sau khi thực hiện một cuộc giải phẫu tử thi, đã bảo viên sỹ quan Đức chịu trách nhiệm rằng người lính Hiwi đó hẳn là chết vì đói. Chuẩn đoán này “làm anh ta hoàn toàn bị ngạc nhiên”. Anh ta tuyên bố rằng quân Hiwi của mình cũng nhận được khẩu phần tương tự như lính Đức.
Nhiều người được sỹ quan Đức của họ đối đãi khá tốt, và cũng nhiều lính Hiwis đã thể hiện cho thấy niềm tin  lẫn nhau đó trong trận chiến đấu cuối cùng. Nhưng rồi cuối cùng  những người Nga trong quân phục Đức đó cũng biết rằng họ tận số rồi. Không có chỗ cho họ trên những chuyến bay di tản, và vòng vây của các tập đoàn quân Nga cùng với quân NKVD đang chờ.

tải về 2.43 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương