Phần 1: Toàn thế giới nín thở chờ đợi Chương 1: thanh kiếm hai lưỠi của barbarossa


Chương 19: Giáng sinh theo cách Đức



tải về 2.43 Mb.
trang13/18
Chuyển đổi dữ liệu25.03.2018
Kích2.43 Mb.
#36541
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18

Chương 19: Giáng sinh theo cách Đức
Tranh luận về việc phá vây trong nửa sau tháng Mười hai bỏ qua một nhân tố tâm lý quan trọng. Giáng sinh đang đến. Không đơn vị nào trong quân đội Đế chế bận tâm đến chủ đề này hơn Tập đoàn quân VI đang bị vây. Những nỗ lực to lớn dành cho ngày lễ ở các boongke dưới thảo nguyên chẳng cho thấy có liên quan đến việc nôn nóng phá vây. Sự lơ mơ do thiếu dinh dưỡng cộng với trạng thái siêu thoát mơ ngủ rõ ràng là góp một phần, và rõ ràng phần còn lại là do trạng thái tâm lý “Pháo đài” với sự giúp đỡ của Hitler đã nuôi dưỡng nó. Nhưng không điều nào trong số đó giải thích cho sự tập trung đầy cảm xúc và ám ảnh cho triển vọng tổ chức lễ Giáng Sinh cho những người bị vây, xa Tổ quốc.
Các công tác chuẩn bị đã được tiến hành từ ngay trước khi những sư đoàn xe tăng của Hoth tiến lên phía bắc đến sông Myshkova không bao giờ có vẻ chùng lại ngay cả khi binh sỹ phấn khích bởi những tiếng đại bác đang tiến tới. Ngay từ đầu tháng, quân lính đã bắt đầu tích trữ những phần thực phẩm ít ỏi, không phải để dành cho chuyến phá vây băng ra trên tuyết mà để cho bữa tiệc Giáng sinh hoặc làm quà tặng. Một đơn vị thuộc sư đoàn bộ binh 297 còn giết thịt một con ngựa thồ từ sớm để chế “xúc xích ngựa” làm quà tặng Giáng sinh. Những vòng cây mùa vọng được làm từ cỏ thảo nguyên màu hung nâu thay vì bằng cây thường xuân, và những cây Giáng sinh bé tẹo được đẽo ra từ gỗ trong những cố gắng vượt bậc để làm “giống như ở nhà”.
Tính đa cảm không chỉ giới hạn ở chỗ lính tráng. Tướng Edler Von Daniels đã trang hoàng cho căn hầm mới đào của ông một cây thông Noel và phía dưới là một chiếc nôi với tấm hình chụp em bé “KesselBaby” của ông vốn vừa mới sinh ngay sau khi họ bị vây. Ông viết cho người vợ trẻ, mô tả kế hoạch mừng đêm Giáng sinh “theo cách Đức, dù đang ở xa tít trong nước Nga”. Đơn vị rõ ràng trở thành một dạng gia đình. “Mỗi người cố tìm cách mang lại chút ít niềm vui cho người khác”, ông viết sau khi đến thăm hầm của quân mình ”Điều này rõ ràng là nâng tầm trải nghiệm của tình chiến hữu thực thụ ở chiến trường”. Một băng rôn mừng lễ ghi rằng rằng “Tình chiến hữu bằng máu và thép”, tuy nó phù hợp với với tình cảnh nhưng lại thiếu thông điệp của Giáng sinh.
Một người không quên thông điệp đó, chính là Kurt Reuber, bác sỹ thuộc sư đoàn xe tăng 16. Nhân vật Reuber ba-mươi-sáu tuổi này, một nhà thần học và là bạn của Albert Schweitzer, cũng là một tay nghệ sỹ nghiệp dư. Ông đã biến căn hầm của mình trên thảo nguyên ở góc tây bắc Stalingrad thành một studio và tiến hành vẽ trên mặt sau một tấm bản đồ thu được của quân Nga – thứ giấy lớn nhất được tìm thấy. Tác phẩm này, hiện được trưng bày tại nhà thờ Kaiser Wilhelm tại Berlin, “Pháo đài Madonna”, ôm ấm, che chở như mẹ và con, cùng với lời dạy của thánh John Phúc âm: “Ánh sáng, cuộc sống, tình yêu”. 
Khi đã vẽ xong, Reuber ghim nó lên vách hầm. Mọi người bước vào đều dừng lại và nhìn. Nhiều người đã khóc. Reuber ngượng nghịu chút ít – không nghệ sỹ nào có thể khiêm tốn hơn về năng khiếu của mình – căn hầm của ông trở thành một thứ điện thờ. 
Không có mấy nghi ngờ về sự hào phóng chân thành và tự phát trong kỳ Giáng sinh ấy. Một thiếu úy đã cho đi những điếu thuốc, giấy viết thư, mẩu bánh mì sau chót của mình cho binh sỹ. “Giờ con chẳng còn gì” anh ta viết về nhà “nhưng đây thật là một Giáng sinh đẹp nhất của con và con sẽ không bao giờ quên”. Cùng với việc biếu khẩu phần thuốc lá, họ còn biếu nhau cả bánh mì, mà họ rất cần. Những người siêng năng khác còn làm giá để đồ cho nhau. 
Đêm Giáng sinh, Reuber người nghệ sỹ dương cầm của tiểu đoàn còn tặng chai rượu cuối cùng của mình cho những binh lính trong bệnh xá, nhưng ngay khi vừa rót đây các ca, bốn quả bom nổ đùng bên ngoài. Mọi người quăng mình xuống sàn, và làm đổ tất cả rượu. Viên sỹ quan quân y vơ vội chiếc túi cứu thương và chạy ra khỏi hầm để xác định thương vong – một chết, ba bị thương. Người tử nạn còn vừa đang hát giai điệu Giáng sinh “O du fronhliche”. Tai nạn này, không bất ngờ, nhưng cũng làm kết thúc cuộc lễ lạt. Và cả sư đoàn xe tăng 16, sư đoàn bộ binh mô tô hóa số 60 bị tấn công mạnh ngay trong đầu giờ sáng Giáng sinh.
Bài ca truyền thống, ưu thích trong đêm đó là “Stille nacht, heilige nacht” (Silent night, holy night) được binh lính hát với giọng khê nồng trong hầm dưới ánh sáng của những ngọn nến được dành dụm. Nhiều người đã cố kìm tiếng nức nở khi nghĩ về gia đình ở quê. Tướng Strecker rõ ràng cũng mủi lòng khi ông đi thăm các vị trí tiền tiêu. “Đó là một “Đêm yên bình – Silent night giữa sự hỗn độn của chiến tranh.. Giáng sinh đã cho thấy tình chiến hữu thật thụ của người lính”. Chuyến viếng thăm của các sỹ quan cao cấp cũng được cảm kích bởi những lợi ích đi kèm. Một hạ sĩ quan trong một sư đoàn xe tăng ghi nhận “tư lệnh sư đoàn tặng chúng tôi một tợp rượu từ chai của ông và một thanh sô cô la”.
Ở những vị trí không bị tấn công, binh sỹ tập hợp vào một căn hầm có máy thu thanh để nghe “Chương trình Giáng sinh của Đài phát thanh Đại Đức”. Và ngạc nhiên thay, họ nghe thấy thông báo “Đây là Stalingrad” và tiếp theo sau là một Dàn đồng ca bài “Stille Nacht, heilige nacht”, được cho là từ mặt trận sông Volga. Vài người chấp nhận mánh bịp này như là một nhu cầu tình thế, nhưng những người khác giận dữ thật sự. Họ cảm thấy gia đình mình và cả nhân dân Đức bị chơi khăm. Goebbel cũng đã tuyên bố rằng đây phải là một “Giáng sinh Đức”, một sự xác định nhằm truyền đạt ý niệm về trách nhiệm và sự khổ hạnh, và có lẽ cũng để dọn đường cho cả nước về tin tức của tấn bi kịch Stalingrad.
Lúc bảy giờ sáng ngày Giáng sinh, nhật ký chiến tranh của Tập đoàn quân VI ghi: “Không có chuyến bay tiếp vận nào trong bốn mươi tám giờ qua [hơi cường điệu]. Nhiên liệu và quân nhu gần cạn”. Cũng trong ngày đó, tướng Paulus gửi một thông điệp cảnh báo đến cụm tập đoàn quân sông Đôn để chuyến đến tướng Zeitzler “Nếu chúng tôi không nhận được khối lượng hậu cần nhiều hơn trong vài ngày tới, chúng ta phải chấp nhận mức thương vong cao do kiệt sức”.
Dù họ biết rằng cơn bão tuyết của ngày hôm trước làm cản trở các chuyến bay, nhưng họ không được thông báo về việc xe tăng của tướng Badanov đã quần nát phi trường Tatsinskaya vào sáng hôm qua. Sở chỉ huy của Manstein thậm chí còn không chuyển tin tức về cuộc phán công với 4 Tập đoàn quân Liên Xô vào các sư đoàn xe tăng của Hoth ở khu vực sông Myshkova đã được triển khai. Rồi khi 108 tấn hàng hậu cần sau cùng cũng đến trong ngày 26 tháng 12, sở chỉ huy tập đoàn quân Sáu nhận thấy họ có 10 tấn bánh kẹo cho Giáng sinh, nhưng không có tý nhiên liệu nào.
Mọi người, nếu có cơ hội, đều ngồi viết thư Giáng sinh về nhà, trong đó họ bày tỏ niềm mong muốn. “Trong tim mình, bọn anh vẫn giữ hi vọng” một bác sỹ của sư đoàn bộ binh 44 viết “rằng mọi thứ sẽ thay đổi”. Anh ta nói rất nhiều, nhưng vị Tư lệnh tập đoàn quân VI, vốn nhiều thông tin hơn, không nằm trong số họ. “Dĩ nhiên là Giáng sinh không vui mấy” tướng Paulus viết về cho vợ trong vài ngày sau. “Trong thời điểm nay, nên tránh hội hè thì tốt hơn… Anh tin, mọi người sẽ không mong chờ quá nhiều vào sự may mắn” Không ngạc nhiên khi thấy sự tương phản giữa những lá thư gửi về nhà của lính Đức với lính Nga trong giai đoạn Giáng sinh hơn bình thường. Trong khi những lá thư lính Đức mang đầy đa cảm và khát khao về gia đình, về mái nhà, thì những lá thư Nga rõ ràng cho thấy cái logic không lay chuyển rằng Tổ quốc vẫn chiếm vị trí ưu tiên hơn. “Em yêu!” một người lính viết cho vợ trong đêm Giáng sinh “Bọn anh đang buộc lũ rắn độc về lại hang ổ của chúng. Cuộc tiến quân thành công của quân ta sẽ mang ngày gặp lại của chúng ta gần thêm”. “Chào Mariya”, một cậu lính tên Kolya viết “Tớ đã chiến đấu ở đây được ba tháng rồi để bảo vệ [bị kiểm duyệt xóa] xinh đẹp của chúng ta. Bọn tớ đang gây áp lực mạnh lên quân địch. Giờ chúng tớ đang vây bọn Đức. Mỗi tuần có tới cả ngàn tên bị bắt và vài ngàn tên bị giết tại trận. Giờ chỉ còn lại bọn lính SS ngoan cố thôi. Bọn chúng củng cố hầm hố và bắn ra từ đó. Giờ tớ phải đi thổi tung một cái như vậy đây. Tạm biệt cậu, Kolya”.
Nhiệt độ trong ngày Giáng sinh rớt xuống còn âm 25 độ. Nước trong các hố đạn, dù sâu tới đâu, cũng bị đông đặc. Những trận mưa tuyết bất chợt phe phủ bớt phần lớn tình trạng bẩn thỉu ở các khe núi. Các cha tuyên úy tập hợp mọi người theo từng chi phái hoặc tập hợp chung trên lớp tuyết trong tiếng vỗ, tiếng xé của vải bạt, vải dầu che lều trong cơn gió, thành những vòng bán nguyệt quanh một bàn thờ tạm. Trong nhiều trường hợp, sự an ủi tôn giáo và biện hộ ý thức hệ trở nên lẫn lộn, như khi những người Công giáo Đức bị tương phản với người Nga vô thần.
Ngay cả trong Kessel, Giáng sinh cũng không hoàn toàn là một dịp của thiện chí. Bác sỹ Renoldi, vị tướng quân y của Tập đoàn quân VI, đã cấm không cho di tản bằng máy bay với những ca bỏng tuyết, vì những thương tích đó có thể là tự thương để trốn chiến đấu. Tệ hơn cả, là việc thiếu thức ăn, một phần ngũ cốc mục nát lấy từ tháp lương thực Stalingrad được dùng cho 3.500 tù binh chiến tranh Nga ở trại Voroponovo và Gumrak, bởi họ không còn tưởng tượng được ra chút thực phẩm nào nữa. Sự tàn bạo phần nào mang tính quan liêu này đã đưa đến mức tử vong hai mươi ca một ngày trong dịp Giáng sinh, và sau đó đột ngột tăng nhanh chóng. Tay quân nhu chịu trách nhiệm nuôi họ tuyên bố rằng bệnh sốt Rickettsia là nguyên nhân, nhưng khi một sỹ quan thuộc Sở chỉ huy Tập đoàn quân VI hỏi có ai chết vì thiếu đói không thì hắn lảng tránh. “Sau một khoảng khắc ngẫm nghĩ, hắn chối biến” viên sỹ quan đó viết “Nhưng tôi biết hắn nói gì. Ngay trong quân ta cũng bắt đầu thấy điều tương tự”. Nhưng cả việc liên hệ giữa định mệnh của họ với lính Đức cũng là một sự lảng tránh. Bởi những tù nhân đó không có sự lựa chọn – họ không thể đầu hàng lần nữa. Và khi những tù nhân cá biệt bắt đầu phải ăn cả thịt người thì cũng chẳng có điều gì được làm để cải thiện điều kiện sống của họ bởi vì điều đó có nghĩa là “lấy thực phẩm của lính Đức”.
Đêm Giáng sinh là một “đêm sao tuyệt đẹp” và nhiệt độ xuống thấp hơn nữa. Nhưng, cuộc chiến vẫn tiếp tục diễn ra trong sáng hôm sau ở địa đoạn phía đông bắc vòng vây, nơi được sư đoàn xe tăng 16 và sư đoàn bộ binh mô tô hóa số 60 phòng thủ. “Thế là một tá trong số chúng tôi” vị cha tuyên úy cuối cùng của sư đoàn báo cáo “được đưa ra phản công trong gió tuyết và cái lạnh âm 35 độ”. Hai sư đoàn đó, dù trong điều kiện tệ hại và thiếu đạn dược, cũng đã cố diệt được chừng 70 chiếc xe tăng.
Cũng trong sáng ngày 26 tháng Mười hai, tướng Paulus gửi điện báo cho thống chế Manstein, bắt đầu bằng: “Thương vong, giá lạnh và thiếu hậu cần đã làm giảm sức chiến đấu của các sư đoàn rất nhiều”. Ông cảnh báo rằng nếu quân Nga đưa các lực lượng đang chiến đấu với quân của tướng Hoth về, tái bố trí để chống lại Tập đoàn quân VI “thì không thể đứng vững trước chúng lâu dài”.
Thế rồi một cơ hội không mong đợi lại xuất hiện. Tướng Hube, tư lệnh quân đoàn xe tăng XIV, nhận được lệnh bay khỏi vòng vây trong ngày 28 tháng 12 để đến sở chỉ huy của thống chế Manstein tại Novo-cherkassk. Rồi một chiếc phi cơ đưa ông thẳng về Đông Phổ để nhận Thanh gươm Hiệp sỹ chữ thập với Cành sồi từ chính tay quốc trưởng. Tướng Paulus bảo tướng Schmidt chuẩn bị cho ông ta “tất cả những tài liệu cần thiết” từ chuyện thiếu xăng dầu cho tới dụng cụ y tế. Niềm hi vọng của các tướng lĩnh, sỹ quan tăng nhanh với chuyến đi của ông ta tới Rastenburg. Tướng Hube, một cựu binh một tay, đậm người là một trong ít tướng lĩnh được Quốc trưởng tin cậy. Họ vẫn không tin rằng “Hitler có thể bỏ rơi Tập đoàn quân VI”.
Rõ ràng là Hitler đã thuyết phục chính mình là ông đang làm mọi thứ để cứu Tập đoàn quân VI, nhưng nhận thức của ông ta về tình hình thực tế chẳng khá lên chút nào. Trong ngày đó, bộ tổng tham mưu đã điện cho cụm Tập đoàn quân sông Đon, hứa rằng dù trong điều kiện vận chuyển khó khăn, họ sẽ được chi viện với “372 xe tăng và pháo tự hành”. Nhưng Manstein biết rằng đó chỉ là mơ tưởng hão huyền.
Trong khi đó, ở nội thành Stalingrad, những gì còn lại từ các sư đoàn của tướng Seydlizt tiếp tục phòng thủ. Họ phải tiết kiệm đạn dược để đẩy lùi các đợt tấn công. Họ nấp sâu trong hầm hào để giữ ấm và cũng để an toàn trước pháo binh Liên Xô. “Chúng ở đó râu tóc bù xù như trong hang động người tiền sử” Grossman viết “ngấu nghiến gặm thịt ngựa trong bóng tối và khói bụi, giữa đống đổ nát của thành phố xinh đẹp và chúng đã phá hủy".
Cụm từ “hoạt động mạnh mẽ của quân địch” xuất hiện thường xuyên trong nhật ký chiến tranh của Tập đoàn quân VI. Hans Urban, một trung sỹ cảnh sát 28 tuổi từ Darmstadt, phục vụ trong sư đoàn bộ binh 389, sau này đã cung cấp một báo cáo chi tiết về cuộc chiến ở khu vực phía bắc Stalingrad vào cuối tháng 12.
Quân địch thường tấn công vào lúc rạng đông hay hoàng hôn, sau một đợt pháo kích bắn chuẩn bị. Nếu chúng chiếm được hai ba boongke của chúng tôi thì chúng tôi sẽ cố tái chiếm lại sau. Ngày 30 tháng 12, sau nhiều đợt tấn công, tôi được lệnh đưa tổ liên thanh của mình lên phía trước. Chín người chúng tôi cùng với súng đại liên đã có thể đứng vững trước cuộc tấn công tiếp sau của chừng 300 quân từ Spartakovka. Có hai mươi lính bộ binh còn lại ở khu vực đó, nhưng họ quá kiệt sức sau các trận đánh nên không giúp được mấy. Hầu hết đã sẵn sàng bỏ vị trí. Tôi cùng với 2 khẩu đại liên không điểm xạ dài. Bởi quân địch có thể lợi dụng địa hình và các đống đổ nát. Chúng tôi để cho quân Nga vào trong tầm 20 thước rồi bắt đầu khai hỏa nhanh chóng. Ít nhất có hai mươi hai xác chết để lại trước vị trí của chúng tôi. Quân Nga còn sống sót cố quét chúng tôi bằng lựu đạn. Chúng lại tấn công cùng vị trí ấy trong rạng sáng ngày đầu năm mới với ba đại đội. Thật khó để ước tính đúng bởi chúng bị bắn trong hố, sau các bức tường đổ hay những đống vụn vữa. Chúng tôi bắn chéo cánh sẻ từ hai khẩu đại liên, và chúng bị thiệt hại nặng. Một tên pháo thủ cối bị hạ, và dù tôi chưa từng được huấn luyện với vũ khí đó, chúng tôi vẫn có thể dùng đạn của chính chúng để chống lại chúng. Khi kết thúc, chúng tôi yếu, mệt ghê gớm và quanh đó trên mặt đất đông cứng là hàng đống xác chết, chúng tôi cũng không thể chôn nổi đồng đội mình.
Tướng Paulus, trái ngược với những điện tín đầy bi quan của mình gửi đến cụm Tập đoàn quân sông Đông và trong những lá thư gửi vợ, đã ký một thông điệp năm mới đầy hào hứng cho binh sỹ Tập đoàn quân VI: “Ý chí chiến thắng của chúng ta là không thể phá vỡ và năm mới sẽ đến cùng với sự giải thoát cho chúng ta! Khi nào điều đó đến, tôi không thể nói chắc. Nhưng, Quốc trưởng sẽ không bao giờ quay lưng lại với lời nói của người, và thời điểm đó sẽ đến”.
Cảm ơn sự cứng đầu của Hitler về múi giờ, năm mới của người Nga đến sớm hơn hai giờ so với người Đức. Tướng Edler von Daniel bị gián đoạn ván bài “doppelknopf” vào lúc mười giờ bởi “màn bắn pháo bông mạnh mẽ” do những quân Liên Xô đang bao vây bắn để “mừng Năm mới”.
Lúc đó tướng Daniel đang trong tâm trạng phấn khởi. Ông vừa được vinh thăng trung tướng và tặng Chữ thập Hiệp sỹ. Rồi như món quà năm mới từ tướng Paulus, ông bất ngờ được nhận một chai Veuve-Cliquot “Schampus”. Vài vị tướng ở Stalingrad vẫn dường như bận tâm với huân huy chương và thăng cấp hơn là số phận của Tập đoàn quân VI.
Rồi khi giao thừa Đức đến, chỉ có pháo sáng được bắn lên. Đạn có sức nổ mạnh không được lãng phí. Những chai rượu sau cùng được khui trong vòng vây với tiếng hô “Prosit Neujahr!”. Trong khi đó, các sư đoàn Sô viết thì chỉ bị hạn chế chút ít trong vấn đề đạn dược và rượu bia. Nhưng Viktor Barsov, một thủy quân lục chiến viết “Lễ mừng năm mới rất vui. Tôi uống 250 gram vốt ca trong đêm đó. Thức ăn cũng không tệ. Và trong buổi sáng để tránh nhức đầu, tôi uống thêm 200 gram nữa”.
Lính Đức cố giảm nhẹ sự bất hạnh của mình, với mộng tưởng rằng mọi việc sẽ tốt hơn khi năm cũ qua đi. “Cha mẹ thân yêu. Con vẫn ổn” một người lính viết “Nhưng không may là con phải đi canh gác tối nay. Con hi vọng rằng năm mới 1943 này, con sẽ không phải trải qua nhiều điều không hay như năm 1942”.
Sự lạc quan đầy ám ảnh đó có từ thông điệp năm mới của Hitler gửi cho Paulus và Tập đoàn quân VI. Chỉ ai hoài nghi lắm mới phát hiện ra rằng thông điệp đó không chứa đựng sự đảm bảo chắc chắn nào “Thay mặt toàn thể nhân dân Đức, tôi xin gửi đến ngài và Tập đoàn quân anh hùng của ngài lời chúc mừng năm mới nồng nhiệt nhất. Tôi hiểu được tình thế hiểm nghèo của ngài. Công cuộc phòng thủ anh hùng của đơn vị ngài nhận được sự kính  trọng nơi tôi. Tuy nhiên, ngài và binh sỹ cũng phải bước vào năm mới với niềm tin vững chắc rằng tôi cùng quân lực Đức sẽ làm mọi thứ với sức mạnh của chúng tôi để giải phóng những người bảo vệ Stalingrad, và như vậy sự trung thành của các ngài sẽ là một kỳ công chói lọi trong lịch sử vũ trang Đức. Adolf Hitler”.
Thưa Quốc Trưởng!” tướng Paulus hồi đáp ngay lập tức “Những lời chúc Năm mới chân tình của ngài được đón nhận nơi đây với lòng cảm kích sâu sắc. Chúng tôi sẽ cố để xứng đáng với lòng tin cậy của ngài. Ngài có thể tin chắc rằng, chúng tôi – từ vị tướng già nhất đến người pháo thủ trẻ tuổi nhất – sẽ kiên định với ý chí quyết tâm, và góp phần của mình vào thắng lợi chung. Paulus”. Những lá thư đầu xuân từ đa số binh lính trong vòng vây phản ánh một tinh thần quyết tâm mới. 
Chúng tôi sẽ không để tinh thần tụt xuống, thay vào đó chúng tôi tin vào lời hứa của Quốc Trưởng” một đại úy viết.
Chúng tôi luôn kiên quyết tin vào Người, không lay chuyển, cho đến thắng lợi cuối cùng” một hạ sĩ quan khác viết.
Quốc trưởng hiểu rõ mọi mối lo và mong đợi của chúng ta” một người lính bày tỏ  người sẽ luôn – và tôi chắc chắn thế - nỗ lực để cứu chúng ta nhanh nhất có thể”.
Ngay cả một vị tướng đa nghi như Strecker dường như cũng bị ảnh hưởng. Ông viết “Hy vọng tăng lên, và có nhiều lạc quan về hiện tại và tương lai gần”.
Tướng Paulus, trong khi đó, lại lo ngại về ảnh hưởng tăng cao của tuyên truyền Sô viết tại thời điểm ấy. Ban 7 của Phương diện quân sông Don, chịu trách nhiệm về “chiến dịch tuyên truyền” đã xác định rằng sư đoàn bộ binh 44 và sư đoàn bộ binh 376 của tướng Edler von Daniel là những đơn vị mà họ tập trung đấu tranh.
Sáng sớm ngày 3 tháng Giêng, tướng Paulus đến sư đoàn bộ binh Áo số 44 “ngay sau giờ phát thanh thực hiện bởi những tù binh từ sư đoàn 44”. Chương trình nói về việc thiếu lương thực, đạn dược và thương vong nặng nề. Biên bản của Tập đoàn quân VI ghi nhận “Vị tư lệnh muốn cảnh báo về những hậu quả gây ra bởi những chương trình phát thanh như thế. Và bất kỳ người lính nào làm thế, phải hiểu rằng tên họ sẽ bị phát hiện và họ sẽ phải đối mặt với tòa án binh”. Trong suốt buổi làm việc của tướng Paulus với tướng Deboi, sư đoàn trưởng, có một trận “tấn công mạnh khác với xe tăng”.
Và trong sáng hôm sau, tướng Paulus đến thăm chỉ huy quân Rumani trong “khu vực pháo đài”, quân Rumani chịu thiệt hại vì bỏng tuyết nghiêm trọng do thiếu quần áo (ấm) “cả giày bốt, quần và vớ”. Số lượng đảo ngũ tăng khiến Paulus phải kết luận rằng “Cần có phản-tuyên-truyền để chống lại truyền đơn Nga in bằng tiếng Rumani
Các tiểu đoàn, đại đội mất sức, yếu đến nỗi chúng chỉ còn lại phiên hiệu. Trong số hơn 150.000 quân còn lại trong vòng vây, chỉ có không quá một phần năm là lính chiến đấu. Nhiều đại đội chỉ còn chừng một tá người thích hợp cho nhiệm vụ. Những tổ rời rạc từ các đơn vị được gọp lại với nhau trong các nhóm chiến đấu. Các pháo thủ xe tăng còn sống của đại đội thượng sỹ Wallrawe thấy mình nhập chung với "các đại đội không quân và các trung đội Cossack” và gửi đi phòng thủ một vị trí cạnh làng Karpovka. Đó là một nơi đầy bất hạnh để đến. Bởi trên bản đồ cho thấy đó là cái “mũi” chọc ra phía tận cùng góc tây-nam vòng vây, và sẽ là mục tiêu đầu tiên của quân Nga khi họ quyết định kết liễu Tập đoàn quân VI. 
Trong những ngày đầu năm, có vài hôm thời tiết tương đối ẩm ướt, ôn hòa. Quân Nga ghét việc tuyết tan “Tôi không thích khí hậu ở Stalingrad” một lính thủy đánh bộ tên Barsov viết “Nó cứ thay đổi luôn và làm súng ống han rỉ. Khi trời ấm lên, tuyết bắt đầu tan. Mọi thứ trở nên ẩm ướt. Valenki bị ướt sũng và chúng tôi không có cơ hội để làm khô”. Nên không nghi ngờ gì, anh ta cùng đồng đội của mình, vui mừng hơn trong ngày 5 tháng Giêng, khi nhiệt độ giảm xuống âm 35 độ.
Các lực lượng Sô viết chấp nhận một chiến thuật có tính toán nhằm khai thác sự ưu việt của trang bị mùa đông. “Quân Nga bắt đầu với những trận đánh thăm dò” một sỹ quan thông tin Không lực Đức viết “Nếu họ chọc thủng phòng tuyến, thì không một ai trong chúng tôi ở một vị trí có thể thiết lập chiến hào mới. Bởi quân ta quá yếu về thể lực vì thiếu ăn và mặt đất đông cứng như đá”. Bị kẹt ngoài thảo nguyên trống trải, nhiều người bị giết hơn. Ngày 6 tháng Giêng, tướng Paulus điện cho tướng Zeitzler “Tập đoàn quân đói khát, lạnh cóng, không còn đạn, và không còn xe tăng nào có thể di chuyển”. Cùng ngày đó, Hitler phong tặng tướng Schmidt Chữ thập sắt hiệp sỹ.
Khi mà số phận của Tập đoàn quân VI đã rõ ràng, các nhà báo Liên Xô được đưa đến sở chỉ huy Phương diện quân sông Đôn tại Zavarykino. Một phái đoàn nhà văn Sô Viết từ thủ đô đến thăm sư đoàn bộ binh 173, vốn xuất thân từ quận Kievsky của Moscow và có nhiều trí thức trong thành phần. “Từ vị trí chỉ huy của Tập đoàn quân 65, nhà văn Aleksandr Korneychuk và Wanda Vasilevskaya” quan sát sư đoàn tấn công Kazachy Kurgan, một gò mộ cổ của người Tartar ở phía tây bắc vòng vây.
Ngay cả trước khi nỗ lực giải cứu của tướng Hoth gãy vụn tại tuyến sông Myshkova, Stalin đã quấy rầy các tướng lĩnh của mình nhằm đưa ra kế hoạch tiêu diệt Tập đoàn quân VI. Sáng ngày 19 tháng Mười hai, ông gọi điện cho Voronov, đại diện đại bản doanh trong chiến dịch Sao Thổ nhỏ, và yêu cầu ông ta về sở chỉ huy Phương diện quân sông Đon. Voronov chọn ở gần “dinh thự” của tướng Rokossovsky, trải qua những ngôi làng nối liền Zavarykino và Medvedevo, ở đó, phòng cho mỗi vị tướng hay mỗi ban, là một ngôi nhà nông dân kiểu izba “năm vách”, thật ra đó là một buồng nhỏ bằng gỗ với một vách ngăn ở giữa. Những chiếc xe Willy của Mỹ, với ngôi sao Sô viết, lắc lư chạy theo những vệt bánh xe đông cứng, mang theo các vị tướng ra vào trong những chuyến đi thị sát và khích lệ các viên tư lệnh dưới quyền.
Voronov nhanh chóng tập hợp một tổ tham mưu để nghiên cứu tình huống. Ông ta khăng khăng đầu tiên phải đích thân tìm hiểu thực địa, dù rằng Stalin cố nài phải có kết quả trong vòng hai ngày. Chuyến làm việc của ông ở tập đoàn quân 57 mất hẳn một ngày. Ông quan sát thấy một nhóm phi cơ vận tải Junker xuất hiện trên đầu, tầm 9000 feet mà không có tiêm kích hộ tống. Những khẩu đội phòng không Nga trong khu vực khai hỏa quá chậm; và tiêm kích Sô viết cũng đến quá muộn để đánh chặn. Voronov càng điên tiết hơn khi ông phát hiện ra chẳng có mấy sự kết hợp giữa các trạm quan sát mặt đất, khẩu đội phòng không và các phi đoàn tiêm kích. Viên thiếu tướng phụ trách phòng không bị dọa sợ phát sốt.
Trở lại Zavarykino, Voronov phân tích lại tình hình. Dù có sự kháng cự mãnh liệt của quân Đức trong đầu tháng mười hai, đại tá I.V. Vinogradov, trưởng ban Tình báo của Phương diện quân sông Đôn, vẫn không sửa nhiều phần ước lượng của mình về số lính Đức bị vây trong Kessel. Khi được yêu cầu nêu chính xác, lúc bấy giờ ông đưa ra con số là 86,000. Đây là con số gây ra sự xấu hổ của tình báo Hồng quân, đặc biệt khi địch thủ của họ NKVD dùng để bóng gió mỉa mai sau này.
Kế hoạch sơ khởi của chiến dịch Chiếc vòng đã thảo xong trong ngày 27 tháng Mười hai và gửi về Moscow. Ngày hôm sau, Voronov được yêu cầu viết lại. Stalin muốn rằng ở đợt một của cuộc tấn công, tập trung vào mấu lồi Karpovka – Marinovka phía tây nam, phải triển khai từ hướng Tây bắc kết hợp với một đòn khác từ góc đối diện của Kessel, nhằm cắt rời quận Nhà máy của Stalingrad và vùng ngoại ô phía bắc.
Ở cuộc họp Hội Đồng Quốc phòng, Stalin quan sát sự tranh đua hai ứng viên, tướng Yeremenko – tư lệnh phương diện quân Stalingrad, và tướng Rokossovsky – tư lệnh phương diện quân sông Đôn, phải được giải quyết trước khi chiến dịch Cái vòng bắt đầu.
Chúng ta sẽ giao trách nhiệm thanh toán quân thù cho ai đây?” ông ta hỏi. Vài người gợi ý là: Rokossovsky. Stalin hỏi ý của Zhukov.
Yeremenko sẽ rất đau lòng” Zhukov bảo
Chúng ta không phải là những nữ sinh trung học” Stalin vặn lại:
Chúng ta là những người Bôn-sê-vích  và chúng ta phải dùng những lãnh đạo đáng giá vào việc”.
Zhukov đi ra để báo tin không hay cho Yeremenko.
Tướng Rokossovsky, vị tư lệnh chịu trách nhiệm đánh cú “coup de grace” với Tập đoàn quân VI, được giao 47 sư đoàn, 5610 đại bác và cối hạng nặng, cùng 169 xe tăng. Lực lượng có quân số 218.000 người này được hỗ trợ bởi 300 chiến đấu cơ. Nhưng tính thiếu kiên nhẫn của Stalin lại bùng lên ngay vào lúc ông lên kế hoạch tấn công Tập đoàn quân Hungary số 2. Thêm vào đó, ông được báo rằng những khó khăn trong vấn đề vận tải đã làm chậm tiến độ chuyển quân, hàng hậu cần và đạn dược. Nên khi Voronov đề nghị được lùi thêm bốn ngày nữa. Stalin chua cay châm biếm “Anh cứ ngồi đó và chờ đến khi bọn Đức bắt cả anh và Rokossovsky làm tù binh”. Và miễn cưỡng lắm, ông mới đồng ý với thời hạn mới là ngày 10 tháng Giêng.
Những sỹ quan Đức ở ngoài vòng vây đang tự hỏi việc gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tướng Fiebig, tư lệnh quân đoàn không quân VIII sau một cuộc thảo luận dài với tướng Richthofen đã băn khoăn: “Sao quân Nga không cắt vụn Kessel vốn đã như một trái cây chín mùi nhỉ?”. Các sỹ quan Hồng quân thuộc phương diện quân sông Đon cũng vậy, họ cũng ngạc nhiên về sự trì hoãn, và muốn biết còn bao lâu nữa họ mới nhận được lệnh tấn công. Tuy vậy, Voronov lại nhận được một cú gọi khác từ Moscow bảo ông ta phải chuẩn bị một tối hậu thư cho Tập đoàn quân VI.
N.N Voronov, trong tuần đầu tháng Giêng năm 1943 ấy, viết một bản thảo nhằm gửi cho cá nhân tướng Paulus. Những cuộc gọi liên tục từ Moscow, đã chuyển đến những bổ sung cần thiết từ Stalin. Và khi bản viết sau cùng được chấp thuận, nó được chuyển ngữ bởi “nhóm chống phát xít Đức do Walter Ulbrich lãnh đạo” tại sở chỉ huy Phương diện quân sông Đôn. Trong khi đó, đại diện của NKVD và đại tá Vinogradov của tình báo Hồng quân, cho thấy sự ganh đua thường kỳ của họ, với việc tìm kiếm những sỹ quan thích hợp thực hiện sứ mệnh này. Sau cùng, cũng đi đến một thỏa hiệp. Cuối buổi chiều ngày 7 tháng Giêng, thiếu tá Aleksandr Mikhailovich Smyslov thuộc tình báo quân đội, và đại úy Nikolay Dmitrevich Dyatlenko của NKVD, được chọn đi cùng nhau. Vinogradov, khi làm việc với Dyatlenko đã bất ngờ hỏi: 
Cậu là dân khokhol à?” Khokhol hay “bù xù” (dịch thoáng từ tufty) là một thành ngữ mang tính xấc xược để chỉ dân Ucraina bởi người Nga thường tỏ ra khiếm nhã về kiểu tóc truyền thống của họ.
Không, thưa đồng chí Đại tá” Dyatlenko rắn rỏi trả lời:
Tôi là người Ucraina”.
Thì bởi cậu giống người Nga” Vinogradov cả cười:
Tốt lắm. Cậu thích hợp là đại diện của Hồng quân đi gặp bọn phát xít”.
Smyslov và Dyatlenko được chỉ dẫn bởi tướng Malinin, tham mưu trưởng, và sau đó là bởi chính thân Voronov. Ai cũng hiểu rằng Stalin đang theo dõi họ sát sao qua cái cách mà các vị tướng hỏi hai sứ giả rằng họ có hiểu đầy đủ những chỉ thị từ Moscow không. Sự thật là không ai biết rõ về lề luật và lễ nghi của một chuyến đi sứ. Dyatlenko thú nhận rằng kiến thức duy nhất của anh ta về việc này là từ vở kịch Nguyên soái Kutuzov của Solovyov.
Này các chú” Voronov hỏi:
Các chú hiểu rõ nhiệm vụ chưa
Chúng tôi rõ, báo cáo đồng chí đại tướng”.
Cả hai đồng thanh hô.
Rồi tướng Malinin lệnh cho phụ trách quân nhu của Phương diện quân trang bị cho hai viên sỹ quan ấy những bộ quân phục oách nhất có thể. Quân Đức phải bị gây ấn tượng. Viên sỹ quan hậu cần hứa sẽ cho họ “ăn mặc đẹp như chú rể” và lấp lánh “như một pháp sư”. Với sự hỗ trợ của Voronov, tất cả các sỹ quan phụ tá của các tướng lĩnh thuộc Phương diện quân có mặt ở ban hậu cần. Viên sỹ quan quân nhu yêu cầu tất cả họ cưởi quần áo ra để Dyatlenko và Smyslov có thể thử quân phục, giày vớ. Rồi nhanh chóng sau đó hai vị sứ giả lên một chiếc Willy cùng với Đại tá Vinogradov. Nơi đến của họ, được cho biết là nhà ga Kotluban ở khu vực Tập đoàn quân 24.
Các đơn vị Nga trong khu vực nhận được lệnh ngừng bắn từ lúc chạng vạng. Rồi, trong cả đêm, những chiếc loa công suất lớn của Hồng quân liên tục phát ra một thông điệp do nhóm chống phát xít của Ulbrich chuẩn bị, nói với quân Đức về chuyến đi sứ sắp đến.
Bình minh ngày hôm sau, ngày 8 tháng Giêng, hỏa lực tạm ngưng. Smyslov và Dyatlenko, cùng với một hạ sỹ mang theo cờ trắng và một cây kèn trumpet ba-nốt. “Đó là một sự yên lặng bất bình thường trên vùng tuyết phủ trống trải” khi họ tiến lên đến chiến hào sau cùng. Viên hạ sỹ nâng kèn lên thổi “Chú ý! Chú ý! Mọi người lắng nghe!”. Rồi họ đi lên chừng một trăm thước, khi đó có tiếng súng vang lên. Ba người bọn họ buộc phải nằm chúi xuống sau một bức lũy thấp bằng tuyết do những nhóm trinh sát Nga làm trong chuyến tuần đêm. Những bộ quân phục “chú rể” nhanh chóng kém vẻ sáng sủa đi, và họ cũng bị bớt đi sự bảo hộ khỏi cái lạnh kinh hoàng.
Khi tiếng súng tắt, Smyslov và Dyatlenko nhỏm dậy và thận trọng tiến tiếp. Viên hạ sỹ cũng đứng dậy, vẫy cờ và thổi kèn. Một lần nữa, quân Đức lại khai hỏa, nhưng không bắn thẳng vào họ. Rõ ràng là họ muốn ép đoàn sứ giả lui về. Sau vài lần cố gắng nữa, Vinogradov lo lắng gửi thông điệp gọi họ về (Sau này thống chế Paulus tuyên bố rằng không hề ra lệnh bắn vào cờ sứ giả Nga, nhưng có lẽ Schmidt đã làm thế).
Smyslov và Dyatlenko trở lại Sở chỉ huy Phương diện quân để báo cáo, và xấu hổ vì nhiệm vụ thất bại.
Tại sao lại cúi mặt hả, đồng chí? 
Voronov hỏi:
Tình hình như thế không phải là do chúng ta, vốn yêu cầu chúng chấp nhận đề nghị của ta, mà ngược lại. Nên chúng ta sẽ dội hỏa lực xuống thêm nữa, để rồi chính chúng nó sẽ phải van xin”. 
Rồi trong cả đêm ấy, máy bay Nga lượn trên các vị trí quân Đức và thả truyền đơn in tối hậu thư gửi Paulus và một thông điệp gửi đến “Sỹ quan, hạ sỹ quan và binh sỹ Đức”, ký bởi Voronov và Rokossovsky.
Và để nhấn mạnh thông điệp “họ cho đi kèm chữ nghĩa với bom”. Đài phát thanh Hồng quân cũng phát sóng bài nói, được Erich Weinert đọc trên các tần số dùng nhiều bởi quân Đức và đa số các điện đài viên Đức biết. Truyền đơn chắc chắn được đọc. Như một đại úy thuộc sư đoàn bộ binh 305 (Đức) thú nhận sau khi bị bắt rằng từ sỹ quan đến lính đều bí mật đọc truyền đơn Liên Xô, cho dù có những hình phạt, “bởi trái cấm bao giờ cũng ngọt”. Đôi khi họ còn đưa những truyền đơn viết bằng tiếng Nga cho một tay Hiwis tin cậy và nhờ dịch. “Mọi người đều biết về tối hậu thư” anh ta nói.
Smyslov và Dyatlenko ngủ được chỉ một đôi giờ tại sở chỉ huy Phương diện quân trước khi họ bị đánh thức vào đâu đó lúc nửa đêm. Một chiếc xe tham mưu đậu bên ngoài chờ họ khi họ mặc lại bộ quân phục cũ của mình (vì các ADC- sĩ quan phụ tá - đã đòi lại đồ của mình). Lúc đến ban tình báo, họ được biết đại tá Vinogradov được vinh thăng thiếu tướng còn họ được nhận huân chương Cờ đỏ. Vinogradov pha trò rằng ông được lên cấp vì “tất cả quần ông ta mặc làm việc đã mòn rách rồi”, và bảo thêm với Smyslov cùng Dyatlenko rằng họ có thể nhận được một huân chương cao quý hơn nếu họ có thể hoàn thành được nhiệm vụ trong lần nỗ lực thứ hai này.
Hai viên sứ giả lại được bảo lên xe với Vinogradov cùng viên sỹ quan được chỉ định thay ông ở vị trí Trưởng ban tình báo. Khi họ đang đi trong màn đêm lần nữa, hai viên tướng mới được thăng hát hò và “ngắt lời nhau bằng những giai thoại về tướng lĩnh” (Dù nguồn tin đáng tin cậy từ Dyatlenko không nói rằng họ đang say rượu, nhưng rõ ràng họ đang chúc tụng sự thăng thưởng của mình). Giai điệu bài hát bị đứt quãng liên tục bởi chiếc xe tròng trành băng qua những ổ gà dọc con đường bẩn thỉu lạnh giá. Đó là một chuyến đi dài dọc theo phía nam Kessel, băng qua bờ tây sông Đôn rồi ngoặc lại qua Kalach đến khu vực của tập đoàn quân 21. Chỉ trước bình minh một tý, họ đến được sở chỉ huy sư đoàn bộ binh 96, chỉ vài dặm ở phía tây Marinovka.
Khá giống như các tử tù, Smyslov và Dyatlenko được cấp một bữa ăn sáng với “khẩu phần Narkom [khẩu phần cấp bộ trưởng]”. Sau đó Vinogradov chấm dứt liều doping thứ hai và bảo họ sẵn sàng. Rồi đột nhiên họ hiểu rằng họ phải đưa trả cây cờ trắng cho sỹ quan hậu cần ở sở chỉ huy Phương diện quân. Một cây mới được làm, dùng một tấm ga trải giường của tư lệnh sư đoàn đính chặt vào một cành cây keo.
Một chiếc xe đưa họ đến chiến tuyến và đỗ lại trong một balka, từ đó cả đội đi bộ lên phía trước. Tham gia cùng Smyslov và Dyatlenko là một chuẩn úy già, với cây kèn trumpet, ông ta tự giới thiệu: “Trung đội trưởng trung đội quân nhạc Siderov”. Một thiếu úy cũng đi lên để giúp họ vượt qua bãi mìn – “bởi mạng sống của tôi không đáng quí bằng các anh” anh ta giải thích.
Cả ba sứ giả mặc vào bộ quân phục ngụy trang ngay trước chiến hào tiền duyên, và bắt đầu băng qua dải đất trắng toát mờ mờ trong sương mù đậm đặc. Có chừng hai tá mô tuyết phía trước, đó chính là các thi thể chết cứng. Tướng Vinogradov cùng hai viên tướng khác leo lên một chiếc xe tăng Nga bị cháy để quan sát hoạt động. Siderov nâng cây trumpet. “Chú ý! Chú ý!”, âm thanh này nghe trong tai Dyatlenko như bài “Điểm cuối!”.
Khi họ đến gần hơn tuyến quân Đức, họ thấy có những bóng người chuyển động. Trông có vẻ như các boongke và chiến hào tiền duyên đang được tăng viện. Siderov vẫy lá cờ trắng và thổi kèn giục giã lần nữa. “Các ông muốn gì” một chuẩn úy Đức hỏi:
Chúng tôi là sứ giả Hồng quân” Dyatlenko hét to trả lời bằng tiếng Đức:
Chúng tôi đến để gửi thông điệp cho tư lệnh của các ngài. Chúng tôi yêu cầu tiếp nhận chúng tôi theo các điều luật quốc tế”.
Đến đây đã” anh ta trả lời. 
Vài cái đầu nhô lên và chỉa súng về phía họ. Nhưng Dyatlenko từ chối đi lên cho đến khi có trả lời từ cấp sỹ quan. Cả hai bên trở nên e dè trong một thời gian dài chờ đợi. Rốt cuộc, viên chuẩn úy cũng bắt đầu đi về phía sau để tìm đại đội trưởng. Ngay khi anh ta vừa đi, lính Đức đứng dậy và bắt đầu đùa cợt. “Rus! Kom, komm!” họ gọi. Một tay lính, lùn, bó mình trong cả đống giẻ, trèo lên bờ công sự và diễn một trò ngốc. Hắn nhại theo kiểu opera. “Ta là sỹ quan” hắn hát.
Tôi biết anh là kiểu sỹ quan gì 
Dyatlenko độp lại, và lính Đức cười ngặt nghẽo. Đám bạn tay hề đó nắm gót và lôi hắn trở lại chiến hào. Smyslov và Siderov cũng cười.
Sau cùng, viên chuẩn úy cũng quay lại, đi cùng với ba sỹ quan. Người cấp cao nhất trong số đó nhã nhặn hỏi họ muốn gì. Dyatlenko giải thích nhiệm vụ, và hỏi xem họ có được tiếp nhận theo các quy tắc quốc tế với sự đảm bảo an toàn cho họ. Sau đó là những thỏa thuận chi tiết rắc rối – theo đó họ phải cưởi bỏ trang phục ngụy trang và bị bịt mắt – trước khi được đưa lên. Sau khi hai nhóm sỹ quan chào nhau, Smyslov đưa ra chiếc cặp vải dầu gửi đến Đại tướng Paulus. Các sỹ quan Đức thì thào với nhau đầy căng thẳng. Rồi một viên thượng úy đồng ý đưa các đại diện phía Sô viết đến gặp trung đoàn trưởng của họ. Những chiếc băng mắt được làm bởi sỹ quan quân nhu phương diện quân ngày hôm qua được đưa trả lại với lá cờ trắng, và họ phải dùng tạm bằng khăn tay và thắt lưng. Còn những gì Siderov có là chiếc áo cánh từ bộ đồ ngụy trang để dùng, và dùng nó thắt quanh đầu, cánh lính Đức trong hầm hào nhìn ra cười rộ lên. “Người Bedouin! Người Bedouin!” họ réo.
Viên thượng úy dẫn tay Dyatlenko đi. Sau vài bước anh ta hỏi “với nụ cười trong giọng nói” rằng thông điệp gửi cho Paulus nói gì vậy. “Rằng chúng tôi phải đầu hàng à?
Tôi không được biết” Dyatlenko trả lời theo thể thức quân đội Nga hoàng. Rồi họ đổi chủ đề.
Cho tôi biết” viên thượng úy hỏi:
Có phải một nhà văn Đức tên Willi Bredel đang ở Platonovsky không? Anh ta nói chuyện với quân lính của tôi qua sóng phát thành chừng mười hay mười bốn ngày nay. Anh ta khẩn khoản bảo họ đầu hàng và hứa sẽ đảm bảo mạng sống cho họ. Dĩ nhiên là quân tôi cười nhạo anh ta. Nhưng có thật là anh ta ở đây không? Theo khẩu âm thì rõ ràng anh ta là người Hamburg. Nhưng đó chính là người thật hay chỉ là ghi âm lại giọng nói?
Dyatlenko kéo dài việc trả lời. Thật sự Bredel là một trong những người Đức đang hoạt động trong bộ phận của anh, và anh biết anh ta rất rõ. Nhưng nếu Dyatlenko cho biết bất kỳ chỉ dấu nào thì viên thượng úy kia sẽ nhanh chóng hiểu ngay cái “loại công việc thực chất” mà anh đang làm. Một kế hoạch nghi binh không định trước chợt lóe ra trong phút chốc. Lớp băng tuyết mà họ đang đi không bằng phẳng do đạn pháo và đồng thời trơn bóng do những đôi ủng cuốn ghẻ qua lại bao lần. Dyatlenko ngã xuống kéo theo viên thượng úy. Nghe thấy có sự biến, Smyslov vội la lên cảnh báo. Nhưng Dyatlenko đã trấn an anh ta và xin lỗi viên thượng úy. Dyatlenko không có chút e ngại nào khi thi hành kế đó.
Hàng ngàn tù binh chiến tranh đã qua tay tôi”.
Sau này anh viết lại “nên tôi đủ hiểu tâm lý của ho, và tôi biết rằng họ sẽ không hại tôi”.
Lính Đức đến kéo hai người bị ngã lên và bị trượt chân lúc quay về, tạo hành một hàng người nằm sóng xoài. Dyatlenko so sánh hình ảnh này với một trò chơi trẻ con Ukraina tên là “một đống nhỉ thì quá nhỏ: ai cần đứng đầu”.
Viên thượng úy vẫn nhớ câu hỏi của mình khi chuyến hành quân của những người bị bịt mắt bắt đầu lại, anh quay lại câu hỏi về Bredel. Dyatlenko còn lâu mới nói thật. Anh bảo rằng anh có biết cái tên đó bởi đã đọc vài quyển sách của ông ta. Cuối cùng, viên thượng úy thông báo rằng họ sẽ đến nơi sau vài bước nữa.

......................................
NHẬT LỆNH TIẾP TỤC KHÁNG CỰ - ORDER TO CONTINUE RESISTANCE
Mùng 9 tháng 1, 1943 

(Tuyên bố trước toàn thể các đơn vị cho đến tận cấp đại đội - To be announce in all units down to the company''s level) 
Gần đây, quân Nga đang tiến hành rất nhiều nỗ lực để bắt đầu đàm phán với ban chỉ huy Tập đoàn quân hoặc với ban chỉ huy các đơn vị trực thuộc - Recently Russians were undertaking numerous attempts to start negotiations with Army command or with command of subordinate divisions.
Rõ ràng, đó chính là điều chúng muốn. - It''s clear, what they want. 
Chúng muốn bẻ gãy ý chí kháng cự của chúng ta bằng nhiều kiểu hứa hẹn và đảm bảo. - They want to breake our will to resist by various promises and assurances. 
Tất cả chúng ta đều biết rõ điều gì đang đợi chúng ta, nếu chúng ta đành hạ vũ khí. - We all know what will be waiting us, if we lay down our weapons. 
Hầu hết chúng ta sẽ chết hoặc dưới làn đạn thù, hoặc vì đói và những chịu đựng khủng khiếp ở xứ Siberia tù đày, - Most of us will die either from enemy''s bullet, or from famine and suffering in the dreadful Siberian captivity. 
Chỉ có một điều chúng ta đã rõ: những ai đầu hàng sẽ không bao giờ được gặp lại người thân của mình. - Only this is clear: those who will surrender, never will see their relatives again.
Chúng ta chỉ có 1 chọn lựa: chiến đấu tới viên đạn cuối cùng, không đếm xỉa tới giá rét và đói khát. - We have only one option left: to fight till the last cartridge, despite of cold and hunger.
Mọi đề nghị phải bị từ chối, và các nhóm đàm phán phải bị chặn lại bằng đạn lửa. - All offers were rejected, and truce envoys were fended off by fire.
Còn chúng ta sẽ vững vàng tiếp tục cuộc chiến mà chúng ta đã bắt đầu, cho tới khi có được những chỉ đạo mới. - And we shall firmly continue the fight we started, until it has guidance.
Paulus
Source: Central Archive of the FSB, Russian Federation, 14-5-173, p. 173

......................................
Khi băng bịt mắt được tháo ra, ba sứ giả thấy mình đang ở trong một căn hầm kiên cố ken bằng thân cây. Dyatlenko chú ý tới hai bao chứa ngũ cốc đầy bùn nâu mà họ đang cố làm khô. “Thứ đó dành cho bọn mi đấy, lũ rắn độc” Dyatlenko nghĩ “Bọn mi đốt tháp ngũ cốc ở Stalingrad và giờ bọn mi phải đào kiếm thức ăn ở dưới tuyết”. Anh ta cũng quan sát những tấm thiếp màu và những giấy trang trí Giáng sinh vẫn còn ở đó.
Một sỹ quan cao cấp Đức bước vào và yêu cầu được biết cấp thẩm quyền nào ra lệnh cho nhiệm vụ của họ. “Bộ tư lệnh tối cao Hồng quân” Dyatlenko đáp. Thế là viên sỹ quan cao cấp rời khỏi căn hầm, có thể đoán chừng là đi gọi phôn. Khi không có mặt viên đại tá, các sỹ quan Đức và Dyatlenko tán chuyện về lễ Giáng sinh. Rồi sau đó về súng lục và khẩu Tokarev của Dyatlenko mà cánh Đức hâm mộ. Anh ta nhanh chóng đưa nó ra bởi các sứ giả Nga biết, với sự ngượng ngùng ghê gớm, rằng theo lề luật quốc tế họ phải bỏ lại đằng sau các vũ khí cá nhân.
Để duy trì không khí thân ái thần tiên đó, Siderov mở một bao thuốc lá Lux – loại mà Dyatlenko gọi là “thuốc lá tướng quân” – mà họ được đặc cấp có nhằm tạo ấn tượng với phía Đức. “Với thái độ chững chạc, Siderov đưa gói thuốc cho phía Đức như thể anh ta cả đời hút loại thuốc hạng nhất này chứ không phải là makhoka”.
Anh ta cũng bảo Dyatlenko dịch cho họ nghe rằng "đây là cuộc chiến thứ ba mà anh tham gia: anh ta đã chiến đấu trong cuộc chiến đế quốc, nội chiến và cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại”  Dyatlenko lo là anh ta sẽ nói thêm “chống bọn phát xít Đức xâm lược”, nhưng thực ra Siderov chỉ cười và bảo: “Trong cả ba cuộc chiến đó tôi chưa từng có cơ hội được nói chuyện một cách hòa bình với quân địch”. 
Các sỹ quan Đức đồng tình và thêm vào rằng cái nhóm nhỏ này hiện chứa những con người hòa bình nhất cả mặt trận. Sau đó cuộc nói chuyện gần như dừng lại. Trong sự yên lặng tiếp theo, họ nghe thấy tiếng hỏa lực nặng. Cánh Nga lo sợ. Một sỹ quan Đức phóng vụt ra ngoài hầm để xem việc gì. Anh ta quay lại và buộc tội: “Do bên các ông”. May thay, tiếng súng ngưng ngay (các sứ giả sau này phát hiện ra rằng đó là các khẩu đội phòng không Nga không giữ nổi sự cám dỗ khi thấy máy bay vận tải Đức xuất hiện ngay trên đầu).
Sự căng thẳng dâng cao trong suốt thời gian dài chờ viên đại tá trở lại. Nhưng khi ông ta đến, không có điều gì cho thấy có chiếc xe nào được gửi từ sở chỉ huy Tập đoàn quân VI xuống. Ông ta, theo cách viết của Dyatlenko “nét mặt rất khác – như một con chó bị đòn”. Các sỹ quan cấp thấp, đoán được điều gì xảy ra, đứng thẳng người “như thể tuyên bố này là cho cả bọn họ
Tôi được lệnh” viên đại tá thông báo cho phía Nga “không đưa các ông đi đâu, không hộ tống, không nhận bất kỳ thứ gì, chỉ bịt mắt các ông lại, dẫn về phía sau, trả lại vũ khí và đảm bảo các ông về an toàn.
Dyatlenko phản ứng rất trôi chảy. Anh ta đề nghị, dù nó ngược lại với chỉ thị, rằng được giao cặp giấy dầu cho một sỹ quan đặc biệt có thẩm quyền nhận.
Tôi được lệnh không nhận bất kỳ thứ gì từ các ông”
Viên đại tá Đức đáp lại.
Chúng tôi đề nghị ông viết rõ trên đó rằng ông, theo chỉ thị thượng cấp, từ chối nhận thư gửi cho tư lệnh của ông”.
Nhưng viên đại tá từ chối không đụng cái chiếc cặp. Không được gì, Smyslov và Dyatlenko kết luận, nhưng cũng cho phép họ bịt mắt lại và hộ tống về phía sau. Cũng chính tay thượng úy ấy đưa Dyatlenko về.
Anh bao nhiêu tuổi”
Dyatlenko khe khẻ hỏi khi họ bắt đầu đi
Hai mươi bốn” anh ta trả lời.
Vậy là họ chỉ cách nhau có vài tuổi.
Cuộc chiến này giữa hai dân tộc chúng ta là một sai lầm thảm thương”. 
Dyatlenko nói sau khi ngừng một chút:
Nếu nó có thể kết thúc sớm sau này, và thật là tốt nếu tôi và anh có thể gặp nhau vào ngày đó, phải không?
Trong tim tôi không có chỗ cho ảo tưởng 
Viên thượng úy Đức nói:
Bởi trước khi kết thúc tháng này, cả tôi và anh đều chết cả rồi”.
Có phải phía Đức các anh nghĩ rằng nước Nga sẽ để các anh có một mùa đông yên ổn trong hầm hào ấm áp?”. Dyatlenko hỏi?
Không, có thể rút kinh nghiệm của mùa đông năm trước rằng phía anh sẽ tấn công. Nhưng không ai đoán được mức độ cũng như cách thức nó diễn ra
Lúc nãy anh bảo rằng quân anh cười nhạo lời yêu cầu của Willi Bredel”. 
Với sự tò mò mang tính nghiệp vụ, Dyatlenko không thể kháng cự nổi việc bỏ qua chỉ lệnh rằng phải tránh chủ đề này:
Nhưng không phải ông ta nói đúng về tình cảnh vô vọng của các anh? Đề nghị của ông ta không đủ nghiêm túc sao?
Mọi thứ ông ý nói đều đúng”.Viên thượng uý đáp:
Nhưng đừng quên một điều. Khi cuộc chiến giữa hai thế giới quan còn tiếp diễn, không thể thuyết phục quân thù bằng cách ném vài từ qua bên kia chiến tuyến”.
Khi đến chiến hào, băng mắt của ba sỹ quan Nga được tháo ra. Súng ngắn và trang phục ngụy trang cũng được trả lại. Hai nhóm sỹ quan đứng đối diện nhau chào, rồi phía Nga, dưới lá cờ Siderov vẫy, trở về “qua vùng tuyết trắng lặng lẽ” đến chỗ tướng Vinogradov, vốn vẫn chờ họ nơi chiếc xe tăng cháy.
Vinogradov dẫn họ về lại balka. Viên chỉ huy trinh sát sư đoàn không để tốn thời gian. “Nào Siderov” anh ta bảo “vẽ nhanh lại cho tôi bản đồ phòng thủ của chúng”. Hai sứ giả còn lại theo họ vào trong hầm đào bên ngách vách núi và nhìn “anh bạn già của chúng tôi người đã nói chuyện hết sức hòa bình với quân địch” sẽ lại sơ đồ bố trí hỏa lực của chúng một cách hoàn hảo. “Tôi không biết anh ta có được giao nhiệm vụ này ngay từ đầu không” sau này Dyatlenko viết lại “hay đó chỉ là một kỹ năng của anh ta, nhưng nó cho thấy anh ta có thể nhớ hết mọi thứ”.
Sau đó Dyatlenko và Smyslov trở về lại sở chỉ huy phương diện quên trên chiếc Willy cùng với hai vị tướng “mệt mỏi và buồn bã” bởi nhiệm vụ của họ bất thành và vì nhiều người nữa phải chết không mục đích.

tải về 2.43 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương