Phần 1: Toàn thế giới nín thở chờ đợi Chương 1: thanh kiếm hai lưỠi của barbarossa



tải về 2.43 Mb.
trang15/18
Chuyển đổi dữ liệu25.03.2018
Kích2.43 Mb.
#36541
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18

Chương 21: Không đầu hàng
Chiến trường trên thảo nguyên khá yên tĩnh trong suốt tuần đầu tháng Giêng. Hầu hết thời gian, chỉ có những phát súng bắn tỉa đơn điệu, hay một tràng đại liên lẻ loi cùng tiếng rít phía xa xa của pháo sáng tín hiệu bắn lên: tất cả mọi thứ đó được một tay trung úy gọi là “giai điệu chiến trường thông thường”. Sau chương trình phát thanh và những lượt truyền đơn trong ngày 9 tháng Giêng, lính Đức biết rằng đợt tấn công sau cùng sắp xảy ra. Những đội gác, không chủ động rùng mình trong cái lạnh, có lý do mạnh mẽ hơn để thức.
Một người lính trông thấy một cha tuyên úy đang trên đường đi, trước trận tấn công chút xíu “Chỉ cần thêm một chút bánh mì thôi, Cha Pfarrer đang đến, có thể thế”. Nhưng khẩu phần bánh mỳ lại vừa giảm xuống còn 75 gram. Tất cả họ đều biết rằng sẽ phải đối mặt với trận xung phong của phía Liên Xô trong cái yếu ớt do đói ăn cùng bệnh tật và thiếu đạn dược, dù họ không hẳng hiểu nguyên do.
Cả thuyết định mệnh – “mọi người nói về cái chết như kiểu về bữa sáng” – lẫn ý chí đều được tin tưởng. Lính trơn vẫn tin vào câu chuyện về những quân đoàn xe tăng SS và các lực lượng tăng viện đang được không vận vào. Tại sư đoàn bộ binh 297, binh sỹ vẫn tiếp tục được thuyết phục rằng “lực lượng giải cứu đã đến Kalach…đó là những sư đoàn Đại Đức và Leibstandarte”. Một vệt pháo ở phía Tây được diễn dịch ngay là tín hiệu từ họ. Ngay cả những sỹ quan cấp thấp cũng thiếu thông tin từ thượng cấp, như một trung úy đã khai với điều tra viên NKVD. Ngay trong tuần đầu tháng Giêng, trung đoàn trưởng của anh ta, thuộc sư đoàn bộ binh 371, vẫn bảo họ rằng: “Sự trợ giúp đang rất gần”. Họ bị sốc nặng khi nghe “qua các nguồn tin không chính thức” (có lẽ từ những quân nhân thuộc Không lực) về nỗ lực giải cứu thất bại và cụm Tập đoàn quân sông Đon phải rút lui về phía tây.
Mặt khác, NKVD cũng sửng sốt vì biết được con số người Nga đang chiến đấu trong hàng ngũ Đức ngay tại mặt trận Stalingrad, không phải với tư cách lao công như những Hiwis không vũ trang. Nguồn tin Đức cho thấy một phần lớn Hiwis trong các sư đoàn thuộc Tập đoàn quân VI đang chiến đấu ở tiền tuyến. Nhiều sỹ quan đã chứng thực cho khả năng và lòng trung thành của họ. “Đặc biệt dũng cảm là người Tartar” một sỹ quan ở khu vực quận Nhà máy Stalingrad báo cáo. “Những xạ thủ chống tăng, sử dụng vũ khí thu được của Nga, họ tự hào với từng chiếc tăng Liên Xô mà họ bắn trúng. Những người đồng đội này thật tuyệt”.
Cụm chiến đấu của trung tá Mader, gồm hai trung đoàn thủ pháo của sư đoàn bộ binh 297 ở góc cực nam Kessel, có chứa không ít hơn 780 “lính chiến người Nga”, gần một nửa lực lượng của ông. Họ được tin cậy với những vai trò quan trọng. Như một đại đội đại liên có mười hai người Ukraina “tự quản rất tốt”. Vấn đề nghiêm trọng nhất của họ, bên cạnh việc thiếu lương thực, là việc thiếu đạn dược. Một pháo đội chín khẩu có mức cơ số đạn trung bình là một viên rưỡi (1.5) cho mỗi khẩu một ngày.
Chiến dịch Koltso, hoặc “Cái vòng”, bắt đầu vào rạng sáng Chủ Nhật, ngày 10 tháng Giêng. Tướng Rokossovsky và Voronov đang ở tại sở chỉ huy tập đoàn quân 65 khi lệnh “Khai hỏa!” được truyền qua vô tuyến lúc 6h05 phút, giờ Đức. Những khẩu đại bác gầm lên, nảy lùi lại. Những quả rocket Katyusha réo vụt qua bầu trời mang theo những luồng khói dày đặc. 7000 khẩu đại bác, dàn phóng rocket và cối tiếp tục bắn phá trong 55 phút như cách mà tướng Voronov mô tả là “một trận sấm vang rền không ngớt”.
Những cột đen ngòm xuất hiện trên khắp thảo nguyên tuyết phủ, làm tiêu ma cái khung cảnh trắng tinh đó. Cuộc pháo kích mạnh đến nỗi đại tá Ignatov, một tư lệnh pháo binh, nhìn nhận với sự hài lòng ác nghiệt: “Chỉ có hai con đường để thoát khỏi một trận tấn công dữ dội kiểu này – hoặc là cái chết, hoặc là nổi điên”. Trong một cố gắng để tỏ ra lãnh đạm, tướng Edler von Daniels mô tả nó là “một ngày Chủ nhật rất không yên bình” trong một lá thư gửi về cho vợ. Nhưng trung đoàn thủ pháo ở tuyến một của sư đoàn ông ta, không có tâm trạng khinh bạc như vậy, khi thấy họ cực kỳ dễ bị tổn thương do những vị trí phòng thủ được chuẩn bị vội vàng. “Dự trữ đạn dược của quân địch” viên chỉ huy viết “thật ghê gớm, và chúng tôi chưa từng đối mặt với những gì tương tự”.
Chỗ mấu lồi góc tây nam, “Mũi Marinovka”, được phòng thủ bởi sư đoàn bộ binh mô tô hóa số 44,29 và 3, được mạnh thêm vào phút chót bởi một bộ phận của sư đoàn 376. Mọi trung đoàn đều dưới sức. Sư đoàn bộ binh 44 phải dùng cả pháo thủ và người từ các tiểu đoàn xây dựng. Vài chiếc tăng và đại bác hạng nặng còn lại được chia cho từng khu vực. Ngay sau vị trí của tiểu đoàn công binh là hai khẩu pháo tự hành và một khẩu cao xạ 88mm. Nhưng ngay trong trận pháo kích, những người lính công binh nhìn thấy sở chỉ huy tiểu đoàn họ nổ tan thành từng mảnh. “Không ai chui ra được” một trong số họ viết. “Trong một tiếng đồng hồ, cả trăm khẩu đại bác các cỡ nòng và những giàn dương cầm Stalin bắn phá”, một trung úy cùng sư đoàn ghi lại. “Căn hầm lắc lư liên tục dưới làn bom đạn. Rồi bọn Bolshevik tấn công đông vô kể. Ba làn sóng lính tràn lên, không do dự. Rất nhiều tên đeo huy chương Cờ đỏ. Cứ mỗi năm mươi đến một trăm thước có một chiếc xe tăng.
Những người lính bộ binh Đức, ngón tay bị bỏng tuyết nặng đến nỗi rất khó khăn để đưa vào vòng cò súng, khai hỏa từ những hố nông choèn vào quân bộ binh Nga đang tiến lên  qua vùng tuyết phủ với lưỡi lê dài cắm sẵn. Những chiếc T-34, vài xe có mang bộ binh như những con khỉ đu trên lưng voi, tròng trành vượt qua thảo nguyên. Những cơn gió mạnh thổi qua lớp áo tuyết bị nổ tung, làm phơi ra những ngọn cỏ thảo nguyên không màu. Đạn cối bị lớp đất lạnh phủ lại, rồi nổ tung ra, gây nhiều thương vong hơn. Các tuyến phòng ngự của sư đoàn bộ binh 44 (Đức) sớm bị xuyên thủng, và những người sống sót, trần trụi, phụ thuộc vào lòng khoan dung của quân thù cũng như sức mạnh của thiên nhiên.
Trong cả buổi chiều, sư đoàn bộ binh mô tô hóa số 29 và số 3 tại mấu lồi chính của mũi Marinovka bắt đầu nhận ra họ bị bọc sườn. Tại sư đoàn bộ binh mô tô hóa số 3, lính thay thế lãnh đạm. “Nhiều người quá mệt và bệnh” một sỹ quan viết “và chỉ nghĩ đến việc chuồn về hậu phương trong đêm, nên tôi chỉ có thể giữ họ lại vị trí bằng mũi súng”. Những nguồn tin khác gợi ý rằng nhiều trường hợp bị tử hình tại chỗ trong thời khắc sau cùng đó, nhưng không có số liệu cụ thể.
Đại đội tạp nham của thượng sỹ Wallrawe gồm lính thủ pháo tăng, lính không quân và quân Cossack đã trụ được tới mười giờ đêm đầu tiên, rồi họ nhận được lệnh lui về bởi quân địch và chọc thủng về phía sau. Họ cố xác lập một vị trí ở phía bắc nhà gia Karpovka nhưng lại bị đẩy lùi lần nữa. “Từ ngày này, chúng tôi không thể làm ấm boongke, thực phẩm và cũng chẳng có chút bình yên nào!” Wallware viết.
Những sư đoàn yếu ớt đó, với rất ít đạn dược, không có chút cơ hội nào để chống lại những trận đánh ồ ạt của Tập đoàn quân số 21 và 65 của Nga, được hỗ trợ bởi Tập đoàn quân không quân 16. Quân Đức củng cố khu Marinovka và Karpovka ở phía nam mấu lồi bằng các công sự bê tông ngầm và các ụ đại bác, nhưng điều này chẳng hữu dụng mấy do những mũi tấn công chính lại ở giữa cái mũi. Những nổ lực của quân Đức nhằm phản công bằng những cụm chiến đẩu lẻ tẻ với vài chiếc tăng còn lại cùng bộ binh bị thất bại. Quân Nga dùng hỏa lực cối để chia cắt bộ binh với xe tăng, rồi quét sạch những người sống sót. Ban chính trị Phương diện quân  sông Don đưa ra câu khẩu hiệu: “Nếu quân địch không đầu hàng, nó phải bị tiêu diệt!
Trong khi Tập đoàn quân số 21 và 65 (Nga) tấn công vào mũi Karpovka ở ngày đầu tiên, thì Tập đoàn quân 66 công kích vào sư đoàn bộ binh cơ giới số 60 và sư đoàn xe tăng số 16 ở điểm cực bắc, nơi những ngọn đồi nhấp nhô đã bị đổi sang màu vàng đen do bị cối phía Soviet đốt trụi. Những chiếc xe tăng còn lại của trung đoàn xe tăng số 2 (Đức) một lần nữa lại ghi được chiến công khi liên tục bắn hạ những đợt sóng T-34 ngoài công sự và buộc những kẻ sống sót phải tháo lui.
Trong khi đó, ở khu vực phía nam, Tập đoàn quân 64 bắt đầu dội pháo vào sư đoàn bộ binh 297 và trung đoàn Rumani số 82 phối thuộc. Ngay sau khi đợt pháo kích bắt đầu, đại tá Mader (*Ở đoạn trên ghi là Trung tá lieutenant-colonel, còn tới chỗ này lại là đại tá Colonel, không rõ có sự nhầm lẫn nào không hay Mader vừa được thăng chức, nên người dịch giữ nguyên theo nguyên văn) nhận được điện từ một sỹ quan tham mưu sư đoàn: “Bọn lợn Rumani chạy rồi”. Tiểu đoàn đóng ở xa nhất rút chạy gây ra một khoản trống rộng nửa dặm ở bên cánh cụm chiến đấu của ông ta. Phía Nga, nhận ra cơ hội, liền đưa xe tăng vào đó và khoét sâu thêm. Tình thế cả sư đoàn trở nên nguy hiểm, nhưng tiểu đoàn công binh của họ, do thiếu tá Gotzelmann trong một cuộc phản công nửa  tự sát đã xoay sở để lấp lại lổ hổng đúng lúc.
Cái sư đoàn Áo không toàn vẹn này, không như lúc rút lui qua sông Đon, đã cố để giữ vững tuyến phòng thủ mạnh. Trong hai ngày kế tiếp, đã đánh lui được sư đoàn bộ binh cận vệ 36, sư đoàn bộ binh 422, hai lữ đoàn thủy quân lục chiến và một phần của quân đoàn xe tăng 13. Khi một người lính “bị thuyết phục trước” bỏ trốn sang phía Nga, anh ta đã bị bắn hạ bởi những đồng đội của mình trước khi tới được tuyến địch. Nhưng trong vài ngày sau, sau những lượt tuyên truyền mạnh, có hơn bốn mươi người khác đã đảo ngũ. 
Nỗ lực chính của phía Liên Xô tập trung vào bước tiến ở phía tây. Cuối buổi sáng ngày thứ hai, 11 tháng Giêng, Marinovka và Karpovka đã được giải phóng. Phía chiến thắng đếm được 1600 xác quân Đức.
Ngay khi trận đánh vừa kết thúc, những phụ nữ nông dân xuất hiện không rõ từ đâu và xô vào các chiến hào quân Đức tìm kiếm chăn mền, cả để dùng cho họ lẫn để bán chác. Erich Weinert, đi cùng với những đơn vị tiến công, trông thấy quân Nga ném bỏ hồ sơ từ các thùng xe tải chiến lợi phẩm ở một sở chỉ huy nhằm sử dụng chúng. “Karpovka trông như một chợ trời lộn xộn khổng lồ” ông viết. Nhưng giữa cái đống hỗn độn của những thứ thiết bị quân sự bị phá hủy hoặc bỏ đi, ông thấy được kết quả của cuộc pháo kích tự do kinh khủng. “Những người chết nằm đó, vặn vẹo một cách kỳ quái, mắt và miệng vẫn mở to trong sự kinh hoàng, đông cứng, hộp sọ bị vỡ, ruột sổ ra, đa số họ tay và chân được băng bó, vẫn còn đẫm chất dầu chống bỏng tuyết màu vàng
Sức kháng cự của Tập đoàn quân VI, với điều kiện thể chất và trang bị đều yếu kém, rất đáng ngạc nhiên.Thước đo rõ nhất là mức độ thương vong trong ba ngày đầu. Phương diện quân sông Đon mất 26.000 quân và một nửa lực lượng tăng. Các chỉ huy Liên Xô ít cố gắng để giảm mức thương vong. Quân của họ trở thành những mục tiêu dễ dàng khi tiến lên từ những tuyến trải dài. Những cụm màu nâu, xác quân Nga rải bừa bãi trên thảo nguyên tuyết phủ. (Quân phục ngụy trang màu trắng được dành chủ yếu cho các đại đội trinh sát và bắn tỉa). Cơn giận của binh lính và sĩ quan Nga được trút lên những tù bình Đức, gầy gò và đầy rận. Nhiều người bị bắn tại chỗ. Những người khác thì chết khi đang áp giải đi theo từng hàng nhỏ, và quân Liên Xô quạt họ bằng súng máy. Có trường hợp, một viên đại đội trưởng đang bị thương của một đại đội trừng giới đã buộc một sỹ quan Đức bị bắt quì xuống tuyết trước mặt ông ta, hét to lý do trả thù rồi bắn chết.
Trong những giờ đầu của ngày 12 tháng Giêng, tập đoàn quân 65 và 21 đến được bờ tây của con sông Rossoshka đang bị đóng băng, và như vậy là kết liễu mấu lồi Karpovka. Những đơn vị (Đức) rút lui, nếu vẫn muốn chiến đấu trong tương lai, phải tự mang vác đại bác chống tăng theo. Trong nhiều ca, tù binh Nga được dùng thay cho súc vật kéo, và làm cho đến chết. Trời quá lạnh và mặt đất đóng băng cứng, tướng Strecker ghi nhận “thay vì đào hào, quân ta dựng lên những bờ công sự và hầm bằng băng tuyết”. Lính thủ pháo của sư đoàn xe tăng 14 “kháng cự ác liệt ngay cả khi họ không còn đạn dược, và bị phơi trần trên thảo nguyên băng giá”.
Chẳng có mấy người trong Tập đoàn quân VI thích chúc mừng sinh nhật lần thứ 50 của Goering trong ngày đó. Chất đốt và đạn dược thiếu thê thảm. Sở chỉ huy Tập đoàn quân VI không hề cường điệu khi điện báo cho tướng Zeitzler trong sáng hôm sau “Đạn dược đã hết”. Khi nhóm chiến đấu hỗn hợp của Wallrawe, đóng trong một vị trí cũ của quân Nga đào trong mùa hè năm trước, đã đối diện với một trận tấn công lớn khác trong buổi sáng hôm sau và họ “chỉ bắn ở cự ly gần nhất bởi thiếu đạn dược”.
Thiếu chất đốt làm cho việc di tản thương binh khó khăn hơn trước nhiều. Những thương binh mất khả năng di chuyển bị chất đống lên xe tải, và khi bị buộc phải dừng lại, họ chết cóng trên đồng trống. Những người lính với gương mặt xạm đen, khi đến phi trường Pitomik đã bị sốc bởi cảnh tượng. Một sỹ quan trẻ viết “Phi trường rất hỗn loạn: hàng đống xác người, được vác ra từ các hầm hào, lều trại và nhà thương binh, rác rưởi; quân Nga tấn công; pháo kích; phi cơ vận tải Junker đáp xuống
Nhưng thương binh nhẹ và người giả ốm; xuất hiện như một đám ăn xin du cư, giẻ quấn đầy người; cố ào đến máy bay khi chúng đáp xuống; để ráng lên được. Những kiện hàng đã dỡ hết được ném qua một bên hoặc được lục soát kỹ lưỡng để kiếm đồ ăn. Những kẻ yếu nhất trong đám đó bị dẫm đạp dưới chân. Quân cảnh,nhanh chóng bị mất kiểm soát tình hình, đã khai hỏa nhiều lần. Nhiều thương binh nặng được quyền đi hợp pháp lo rằng họ sẽ không bao giờ thoát khỏi địa ngục này.
Thượng sỹ Wellrawe, trong khi đó, bị thương vào dạ dày. Đây thường là một vết tử thương ở Kessel, nhưng bằng quyết tâm, anh ta đã tự cứu mạng mình. Hai viên hạ sỹ thuộc quyền đã đưa anh ta về từ trận địa, mang lên xe cùng với những người bị thương khác. Tài xế chạy thẳng về hướng phi trường Pitomik. Nhưng khi chỉ còn cách hai dặm, họ hết xăng. Người lái xe được lệnh phá hủy xe trong trường hợp như vậy. Và anh ta không thể làm gì hơn cho những thương binh, mà để họ lại “cho số mệnh”. Wallware, dù vết thương rất đau, hiểu rằng sẽ chết nếu không thể đến chỗ máy bay. “Tôi phải bò quảng đường còn lại đến sân bay. Đêm xuống. Trong một căn lều lớn, tôi nhận được giúp đỡ. Bom từ một trận không kích bất ngờ rơi và giữa đám lều bệnh viện và phá hủy nhiều căn”. Trong cơn hỗn loạn xảy ra sau đó, Wallware vẫn xoay sở để lên được một chiếc Ju cất cánh vào lúc 3 giờ sáng.
Ở phi trường Pitomik, một cơ hội trùng hợp ngẫu nhiên đã có thể cứu sống một thương binh trong khi hàng trăm người khác chết trên tuyết. Alois Dorner, một pháo thủ trong sư đoàn bộ binh 44, bị một vết thương vào tay trái và bắp đùi trái bởi mảnh đạn đại bác, kinh hoảng trước cảnh tượng ở Pitomik “Đó là cảnh đau đớn nhất mà tôi được thấy trong đời. Tiếng rên rỉ khóc than không dứt của thương binh và của những người chết… hầu hết mọi người không được gì để ăn mấy ngày rồi. Không còn đồ ăn cho thương binh. Chúng được dự trữ để cung cấp cho các lực lượng chiến đấu” (Thật khó để nói rằng đó có phải là một chính sách chính thức không. Các sỹ quan cao cấp của Tập đoàn quân VI nhất mực phủ nhận, nhưng vài viên chỉ huy thuộc quyền lại xem ra đã xây dựng chính sách đó). Dorner, không được ăn từ ngày 9 tháng Giêng, xem chừng sẽ chết, rồi trong đêm 13 tháng Giêng, một phi công người Áo của một chiếc Heinkel 111 đi qua và đột nhiên hỏi anh đến từ đâu. “Tôi ở gần Amstetten” anh ta trả lời. Thế là người đồng đội gốc Áo đó gọi thêm một thành viên khác trong tổ lái, họ cùng nhau đưa Dorner lên chuyến bay.
Ở cánh bắc, sư đoàn bộ binh cơ giới 60 và sư đoàn xe tăng 16 bị đánh lùi lại tạo nên một vết lõm trong khu vực, trong lúc ở nội thành Stalingrad, tập đoàn quân 62 của Chuikov tấn công sư đoàn 100 Jager và sư bộ binh 305, chiếm lại được vài khối nhà. Trong khi đó, mũi tiến chính của Soviet từ phía tây tiếp tục xuyên qua tuyết, tiến đến từ phía tây của vòng vây. Sư đoàn bộ binh cơ giới số 29 trên thực tế đã bị xóa sổ. Việc thiếu nhiên liệu buộc sư đoàn bộ binh cơ giới số 3 phải bỏ lại xe cộ, vũ khí nặng và rút chạy trên tuyết bằng chân. Chẳng có mấy hi vọng thiết lập được một tuyến phòng thủ mới trên thảo nguyên trống trải khi mà quân lính không còn sức để đào công sự.
Tập đoàn quân 21 và 65 (Nga) thọc về hướng Pitomnik, với sự hỗ trợ của Tập đoàn quân số 57 và 64 đã chọc thủng cánh nam, nơi sư đoàn bộ binh 297 (Đức) bao gồm cả cụm chiến đấu của Mader bị ép lùi lại. Đơn vị bên phải của họ, sư đoàn bộ binh 376 của tướng Edler von Daniel, đã bị cắt rời. Đầu buổi chiều ngày 14 tháng Giêng, Tập đoàn quân VI đánh điện: “Sư đoàn 376 đã bị tiêu diệt. Khả năng phi trường Pitomnik chỉ còn hữu dụng đến ngày 15 tháng Giêng”.
Tin về những đợt tấn công bằng xe tăng của Liên Xô giờ gây nên nỗi “sợ xe tăng” với quân Đức. Chẳng còn mấy khẩu pháo chống tăng còn đạn. Không ai có thời gian để chỉ trích cái cách mà họ khinh miệt quân Rumani cũng đã hành động tương tự trong hai tháng trước.
Trong giai đoạn sau chót của trận chiến này, Hitler quyết định rằng Tập đoàn quân VI phải được giúp đỡ nhiều hơn để đứng vững được. Động cơ của ông ta thật sự rối rắm. Ông có lẽ đã xúc động thực sự khi biết từ đại úy Behr rằng có rất ít sự trợ giúp đến được nơi, nhưng ông có lẽ cũng muốn chắc ăn rằng Paulus sẽ không có lý do để bào chữa cho việc đầu hàng. Giải pháp của ông ta – một nét đặc trưng của việc kích động hoạt động lớn cho một kết quả rõ ràng nhỏ - là thành lập một “Đội đặc nhiệm” do thống chế Erhard Milch đứng đầu để giám thị chiến dịch không vận hậu cần. Một thành viên của ban tham mưu Milch mô tả cái hành động muộn màng này là cái “cớ để Hitler có thể nói rằng ông đã cố làm mọi thứ để cứu quân sỹ trong vòng vây”.
Albert Speer đi cùng với Milch đến phi trường, khi ông chuẩn bị đi nhận nhiệm vụ mới. Milch hứa sẽ cố tìm người em của ông ta và đưa ra khỏi Kessel, nhưng cả Ernst Speer lẫn đơn vị của anh không được tìm thấy. Tất cả họ biến mất “xem như đã chết”. Dấu vết duy nhất, như Speer ghi nhận, là một lá thư được chuyển ra bằng máy bay rằng “tuyệt vọng về cuộc sống, giận dữ vì cái chết và cay đắng về tôi, anh cậu ta”.
Milch và ban tham mưu của ông đến phi trường Taganrok trong niềm tin rằng họ sẽ làm được một điều lớn lao, nhưng như một viên sỹ quan vận tải cao cấp Không lực Đức viết “mọi người nhìn thấy tình trạng thực tế thì đủ nhận ra rằng họ không thể làm gì hơn với nguồn lực không thỏa đáng này”.
Sáng ngày 15 tháng Giêng, ngày làm việc đầu tiên, đã không được đánh dấu bằng một khởi đầu đáng động viên. Milch nhận được một cú gọi từ Quốc trưởng yêu cầu tăng lượng không vận đến Stalingrad. Và như thể tăng mạnh thêm nỗ lực của mình, trong ngày đó Hitler tặng Paulus cành sồi cho Chữ thập Hiệp sỹ. Vào giờ trưa, Goering gọi cho Milch, cấm ông ta bay vào trong vòng vây. Rồi Fiebig báo rằng phi trường Pitomnik đã rơi vào tay quân Nga (việc này thì ông ta báo hơi sớm), và rằng tín hiệu radio từ Gumrak không được thiết lập, điều này có nghĩa là phi cơ vận tải không nên được gửi đi.
Những chiếc Messerschmitt 109 bay khỏi Pitomnik ngay sau bình minh ngày kế tiếp, khi quân Nga tiến đến trong tầm nhìn. Họ chuyển đến Gumrak và đáp xuống trong tuyết chưa được dọn sạch. Đến trưa, phi trường Gumrak cũng ở dưới tầm hỏa lực đại bác, và những chiếc Messerschmitt cùng Stuka bay khỏi Kessel, lần cuối cùng, theo lệnh của Richthofen. Lời phản đối của Paulus là vô ích.
Ngày hôm đó, cả một tiểu đoàn thuộc sư đoàn bộ binh 295 đầu hàng. Truyền đơn mang lời hứa của Voronov sẽ đối đãi tử tế với tù binh xem ra có vài tác dụng. “Thật vô vọng để trốn chạy” viên tiểu đoàn trưởng nói trong buổi thấm vấn của đại úy Dyatlenko “Tôi bảo quân tôi đầu hàng để cứu lấy mạng sống”. Viên đại úy này, nguyên là một giáo viên Anh văn, thêm vào “Tôi cảm thấy rất tệ bởi đây là lần đầu tiên nguyên cả một tiểu đoàn quân Đức đầu hàng”.
Một tiểu đoàn trưởng khác đầu hàng sau đó, thuộc sư đoàn bộ binh 305 ở Stalingrad, nói rằng “điều kiện không thể chịu đựng nổi ở tiểu đoàn chúng tôi”. “Tôi không thể giúp được quân mình nên tôi đã tránh gặp họ. Khắp nơi trong trung đoàn, tôi nghe quân lính nói về cái đói, cái lạnh. Mỗi ngày sỹ quan quân y của chúng tôi nhận cả tá ca thương vong do bỏng tuyết. Bởi vì tình trạng quá thê thảm, nên tôi nghĩ tiểu đoàn đầu hàng là lối đi tốt nhất”.
Phi trường Pitomnik và bệnh viện dã chiến ở đó bị bỏ với nhiều đau khổ. Trong tình huống tiêu chuẩn khi rút lui, những ai không thể đi được và bỏ lại đằng sau được chăm sóc bởi một bác sỹ và ít nhất một hộ lý. Giờ những thương binh còn lại khập khiễng, bò hoặc trượt trên những chiếc xe trượt tuyến trên con đường băng đông cứng lỗ chỗ ổ gà để đến Gumrak cách đó hơn tám dặm. Vài chiếc xe tải còn chút ít nhiên liệu thường xuyên bị chiếm dụng, ngay cả khi nó chứa đầy thương binh. Một đại úy không quân báo cáo tình hình trên đường trong ngày 16 tháng Giêng, ngày phi trường Pitomnik thất thủ: “Con đường một chiều dày đặc quân lính rút lui, với dáng vẻ cùng đường. Chân và tay quấy trong những mảnh chăn”. Trong buổi chiều anh ta ghi nhận rằng “Số lượng những người tụt hậu từ nhiều binh chủng tăng lên, họ lạc mất đơn vị, xin ăn và xin đi ké”.
Lúc đó bầu trời không một gợn mây, mặt trời chói lòi trên nền tuyết. Đêm xuống, bóng tối trở nên màu xanh thép trong khi vầng dương ở đằng chân trời như một quả cà chua đỏ mọng. Tình hình của hầu hết binh sỹ, không kể là bị thương hay không, thật tệ hại. Họ khập khiễng đi trên những bàn chân bị tuyết ăn, môi nứt nẻ vì lạnh, gương mặt nhợt nhạt như sáp, như thể cuộc sống của họ đã trôi mất. Những người kiệt sức sụp xuống trên tuyết và không bao giờ dậy được nữa. Những người cần thêm quần áo, lột chúng từ những xác chết ngay khi họ chết. Một khi thi thể đã bị đông cứng lại, thì không thể lột đồ được nữa.
Cách sư đoàn Soviet không xa mấy ở phía sau. “Trời thật lạnh” Grossman ghi lại khi ông đi cùng với các đơn vị tiến công “Tuyết và băng đá bay vào mũi. Răng nhức nhối. Có những lính Đức đông cứng, thi thể không bị tổn hại nào, dọc con đường chúng tôi đi. Chúng tôi không giết chúng. Mà cái lạnh đã làm. Áo khoác và ủng của chúng không tốt. Áo quân phục mỏng như giấy… Có những vết chân khắp trên tuyết. Báo cho chúng tôi rằng quân Đức rút từ những làng dọc theo con đường; và từ những con đường vào các khe núi, ném vũ khí đi”. Erich Weinert, cùng một đơn vị khác, quan sát thấy từng đàn quạ bay vòng rồi đáp xuống móc mắt người chết.
Tại một điểm gần Pitomnik, các sỹ quan Liên Xô kiểm tra lại phương hướng, bởi phía xa, họ trông thấy cái gì đó như một thị trấn nhỏ trên thảo nguyên, mà không có trong bản đồ của mình. Khi họ đến gần hơn, họ thấy đó là cả một khu phế liệu quân sự khổng lồ, những xe tăng bị bắn hạ, xe tải, xác máy bay, xe moto, pháp tự hành, xe halftrack, xe kéo pháo và nhiều thứ đồ trang bị có thể tưởng tượng khác. Điều hài lòng nhất của lính Nga là tận mắt thấy những chiếc máy bay bị bắn hạ hoặc bị bỏ lại ở phi trường Pitomnik, đặc biệt là những chiếc Focke-Wulf Condor khổng lồ. Đợt tiến công của họ về phía đông hướng đến Stalingrad giờ chứa những trận đùa liên miên của việc “đang ở hậu phương Nga”.
Trong lần rút lui này, hi vọng của quân Đức về các sư đoàn xe tăng SS và lực lượng tăng viện qua không vận, cuối cùng cũng tiêu tan. Các sỹ quan hiểu rằng Tập đoàn quân VI quả thực đã tận số. “Vài vị chỉ huy” một bác sỹ ghi nhận “đến gặp chúng tôi và xin thuốc độc để tự sát”. Các bác sỹ cũng cám dỗ bởi ý tưởng của việc tìm về lãng quên, nhưng ngay sau đó, họ suy nghĩ cẩn thận, họ biết, nhiệm vụ của mình là ở lại với thương binh. Trong số 600 bác sỹ của tập đoàn quân 6, không ai còn có thể làm việc lại bay ra.
Số thương vong vào thời điểm đó quá đông đến nỗi các bệnh binh phải nằm cùng giường với nhau. Thường khi một thương binh nặng được các đồng đội mang đến, một bác sỹ sẽ xua họ đi bởi ông ta đã có quá nhiều ca vô vọng. Một trung sỹ không quân ghi nhận “Đối diện với quá nhiều ca, quá nhiều người đau đớn, nhiều người chết và biết rằng không thể giúp gì được hơn, chúng tôi đưa viên trung úy của mình ra cùng chúng tôi. Không ai biết tên của tất cả những người bất hạnh đó, họ nằm lộn xộn với nhau trên đất, chảy máu đến chết, lạnh cứng, nhiều người mất tay hoặc chân, cuối cùng cũng chết bởi chẳng ai giúp”. Vì thiếu thạch cao bó bột nên các bác sỹ phải băng các chi gãy bằng giấy. “Các ca sốc hậu phẫu tăng cao” một bác sỹ phẫu thuật ghi nhận. Các ca bệnh bạch hầu cũng tăng nhanh. Phần tệ nhất là việc gia tăng rận rệp trên mình thương binh. “Trên bàn mổ, chúng tôi phải cạo rận ra khỏi quân phục và da bằng cái đè lưỡi và ném chúng vào lửa. Chúng tôi cũng phải tẩy chúng ra khỏi chân mày và râu ria, ở đó chúng bám lúc nhúc như những chùm nho”.
Cái gọi là “bệnh viện” ở Gumrak còn tệ hơn cả Pitomnik, lớn hơn bởi tràn ngập trong dòng người. “Đó là một thứ địa ngục” một sỹ quan bị thương, rút lui từ mũi Karpovka báo cáo “Xác chết chất đống bên vệ đường, nơi người ta ngã xuống, rồi chết. Không ai chăm sóc. Không có băng gạc. Phi trường bị pháo kích, và bốn mươi người ních vào trong một căn hầm đào cho mười người, rung lên trong từng phát nổ”. Cha tuyên úy Thiên chúa giáo ở bệnh viện đó được biết với cái tên “Vua tử thần của Gumrak” bởi ông đã làm phép xức dầu thánh cho hơn 200 người một ngày. Các cha tuyên úy, sau khi vuốt mắt người chết, thường bẻ đi nửa dưới của thẻ bài (lính) như là một là bằng chứng chính thức của cái chết. Họ nhanh chóng thấy túi mình nặng nề.
Các bác sỹ ở gần đó làm việc trong các “hẻm núi tử thần”, với những thương binh nằm trong các đường hầm đào vào vách núi dành cho ngựa. Với một bác sỹ, nơi đó, với nghĩa trang ngay phía trên, là Golgotha. Trạm y tế này cùng với cơ sở dành cho thương binh não bị bỏ lại cùng với hầu hết các thương binh nặng. Khi quân Nga đến, vài ngày sau, họ hướng đại liên vào các hình thù băng bó. Ranke, một thông dịch viên sư đoàn, bị thương ở đầu, nhỏm dậy và hét to bằng tiếng Nga. Đáng ngạc nhiên là quân Nga ngưng bắn và đưa anh ta tới gặp chính trị viên của họ, đến lượt ông ấy lại gửi anh ta lên để yêu cầu lính Đức đang rút chạy đầu hàng.
Nếu lính Nga đang trong cơn say máu trả thù, thì thi thể lạnh cứng của tù binh Hồng quân trong trại như đổ dầu thêm vào lửa. Những người sống sót bị đói ghê gớm đến nỗi khi những người giải cứu cho họ bánh mì và xúc xích để ăn, thì đa số chết ngay lập tức.
Kessel hẳn đã sớm sụp đổ nếu không có những người vững lòng tin vào lý do mà họ chiến đấu. Một trung sỹ Không quân thuộc sư đoàn cao xạ số 9 viết về nhà: "Con tự hào là một trong số những người bảo vệ Stalingrad. Có lẽ, đã đến lúc con chết, con sẽ hài lòng vì đã góp phần vào trận chiến bảo vệ vùng đất cực đông trên sông Volga cho tổ quốc, và hiến cuộc sống của mình cho Quốc trưởng cùng sự tự do của nước ta”. 
Ngay cả đến giai đoạn sau cùng, hầu hết các đơn vị chiến đấu tiếp tục kháng cự điên dại, và đó là những minh chứng cho lòng dũng cảm vô song. Tướng Jaenecke báo cáo rằng “một cuộc tấn công của hai mươi tám xe tăng Nga ở gần ga Bassagino bị chặn đứng bởi trung úy Hirschmann, chỉ huy một khẩu đội chống tăng. Anh đã diệt được 15 chiếc T-34 trong trận này”. Ở thời điểm gần kết thúc của trận chiến, sự lãnh đạo đã tạo nên sự khác biệt. Lãnh đạm và tự thán là những mối nguy lớn nhất, cả cho mệnh lệnh quân sự lẫn sự sống sót của cá nhân.
Ở những khu vực chưa bị đột phá, quân lính đói kém quá mệt mỏi để đi ra ngoài hầm nhằm dấu nước mắt trước mặt đồng đội. “Anh đang nghĩ về em và con trai nhỏ bé của chúng ta” một người lính Đức vô danh viết trong lá thư không bao giờ tới được với vợ mình “Điều duy nhất còn lại trong anh là suy nghĩ về em. Anh bàng quang với mọi thứ xung quanh. Ý nghĩ về em xé nát tim anh”. Ngoài hỏa tuyến, binh sỹ lạnh cóng và yếu đến nỗi những cử động chậm chạp, rời rạc làm họ như thể đang chơi ma túy. Chỉ có một trung sỹ giỏi mới kìm cặp được họ, giữ cho súng của họ sạch sẽ và lựu đạn được chứa sẵn sàng để dùng nơi giá.
Ngày 16 tháng Giêng, ngay sau khi Pitomnik bị mất, sở chỉ huy Tập đoàn quân VI gửi điện báo, phàn nàn rằng không quân chỉ thả dù hàng hậu cần. “Sao không có chuyến hậu cần nào hạ cánh ở Gumrak trong đêm?”. Fiebig trả lời rằng đèn hạ cánh và radio điều khiển mặt đất không hoạt động. Paulus dường như không biết về tình cảnh hỗn loạn ở sân bay. Những đội mặt đất tổ chức kém và quá yếu để làm việc tốt – “hoàn toàn thờ ơ”, như theo ý kiến của phía không quân. Kỷ luật bị phá vỡ bởi thương binh nhẹ cũng như những kẻ lạc ngũ và đào ngũ, kéo nhau đến phi trường để tìm kiếm sự bảo vệ. Đoàn quân cảnh “chó xích” bắt đầu mất kiểm soát với những đám đông quân lính đói kém, liều lĩnh tìm đường thoát. Theo các báo cáo của không quân, phần lớn là quân Rumani.
Ngày 17 tháng Giêng, Tập đoàn quân VI bị ép lùi vào nửa phía đông của Kessel. Có tương đối ít trận đánh trong bốn ngày sau đó, bởi Rokossovsky đang tái bố trí lại các Tập đoàn quân của mình cho lần tấn công sau cùng. Trong khi hầu hết những trung đoàn tiền duyên còn theo lệnh, thì sự tan rã lại nhanh chóng đến từ phía sau. Trưởng ban hậu cần ghi nhận rằng “tập đoàn quân không còn khả năng cung cấp hậu cần cho các đơn vị”. Hầu hết ngựa đã bị ăn thịt. Cũng không còn bánh mì – vốn bị đông cứng với cái tên “Eisbrot”. Nhưng vẫn có những kho đầy lương thực, giữ bởi những tay quản trị hậu cần quá hăng hái, những chỗ này bị quân Nga chiếm nguyên vẹn. Vài chỗ, với quyền lực, chắc chắn là đã lợi dụng vị trí của họ. Như một bác sỹ báo cáo sau đó về một người giữ vị trí cao hơn ông ta, ngay trước mắt ông, “cho con chó của mình ăn một khúc bánh gì phết bơ dày, trong khi không có lấy một gam cho người trong trạm xá của mình”.
Ngày 16 tháng Giêng, Paulus, tin rằng kết cục đã đến gần, nên đã gửi một điện tín cho tướng Zeitler đề nghị rằng các đơn vị vẫn đang chiến đấu cực khổ nên được bố trí đánh ra ở hướng nam, bởi ở lại trong vòng vây đồng nghĩa với việc bị bắt hay chết vì đói và lạnh. Dù không có được hồi đáp ngay từ Zeitler, những mệnh lệnh mở đầu cũng được đưa ra. Tối hôm sau 17 tháng Giêng, một sỹ quan tham mưu của sư đoàn bộ binh 371 báo với trung tá Mader rằng: “Mật mã Lion, cả Kessel chiến đầu tìm đường thoát theo mọi hướng. Các trung đoàn trưởng đã tập hợp các nhóm chiến đấu chừng 200 người tốt nhất, thông báo cho phần còn lại về việc hành quân và phá vây”.
Một số sỹ quan cũng bắt đầu “tìm đường thoát khỏi việc bị quân Nga bắt, bởi điều đó còn tệ hơn cái chết”. Freytag-Loringhoven thuộc sư đoàn xe tăng 16, có ý kiến dùng vài chiếc xe Jeep Mỹ, bắt được từ quân Nga. Ý tưởng là lấy quân phục Hồng quân cùng vài tay Hiwis tín cẩn, muốn thoát khỏi sự báo thù của NKVD, cố chạy qua tuyến quân địch. Ý tưởng này lan ra khắp ban tham mưu sư đoàn, kể cả sư đoàn trưởng, tướng Angern. Ngay cả tư lệnh quân đoàn, tướng Strecker, cũng bị lôi cuốn chút đỉnh khi nghe được, nhưng là một sỹ quan trọng các giá trị truyền thống, ý tưởng bỏ rơi quân lính là không thể được. Một nhóm từ quân đoàn XI sau đó đã cố làm, và một số nhóm nhỏ khác, một số trượt tuyết, đột phá lên phía tây nam trong những ngày sau cùng. Hai sỹ quan tham mưu của tập đoàn quân 6, đại tá Elchlepp và trung tá Niemeyer, Trưởng ban tình báo, chết ngoài thảo nguyên.
Rõ ràng là Paulus không có ý định bỏ rơi quân mình. Ngày 18 tháng Giêng, sau lượt thư cuối từ Đức được phát xuống vài sư đoàn, ông viết vài dòng từ biệt vợ, để cho một sỹ quan mang đi. Các huân chương, nhẫn cưới và ấn chỉ cũng được tháo ra, nhưng những thứ đó sau này bị Gestapo thu giữ.
Tướng Hube nhận được lệnh bay ra từ Gumrak ngay trong sáng sớm ngày hôm sau trên một chiếc Focke-Wulf Condor để gia nhập đội đặc nhiệm của Thống chế Milch. Ngày 20 tháng Giêng, sau khi đến nơi, tới lượt mình, ông ta lại gửi một danh sách “các sỹ quan có năng lực và tín cẩn” để được gửi ra, tham gia với ông. Có lẽ không mấy ngạc nhiên, khi thấy phần lớn trong danh sách đó không có nhiều chuyên gia trong lãnh vực vận tải hay hậu cần, mà là những sỹ quan từ quân đoàn xe tăng của ông ta, đặc biệt là từ sư đoàn cũ của ông. Hẳn tướng Hube, đã cảm thấy có lý do, khi Tập đoàn quân VI ra qui định rằng các chuyên gia thiết giáp nằm trong số những ai được ưu tiên di tản bằng hàng không.
Các sỹ quan huấn luyện của Bộ tổng tham mưu cũng nằm trong danh mục đặc biệt, nhưng phần đáng tò mò nhất chính là thứ có thể mô tả là một dạng “con thuyền Nô-ê của Tập đoàn quân VI”. Thượng sỹ Phillip Westrich từ sư đoàn Jager 100 “bay ra khỏi vòng vây trong ngày 22 tháng Giêng năm 1943 theo lệnh của Tập đoàn quân VI, yêu cầu một người từ mỗi sư đoàn”. Trung tá Mader và hai hạ sĩ quan được chọn từ sư đoàn bộ binh 297, và một danh sách dài khác theo từng sư đoàn. Hitler, trong khi bỏ cho Tập đoàn quân VI của Paulus đối diện với sự diệt vong, đã sẳn sàng suy nghĩ về ý tưởng tái lập một tập đoàn quân 6 khác – như phượng hoàng sống lại từ đống tro tàn. Ngày 25 tháng Giêng, ý tưởng đó trở thành một kế hoạch rõ rệt. Phụ trách tham mưu biệt bộ, tướng Schmundt, ghi nhận: “Quốc trưởng quyết định tái lập Tập đoàn quân VI với sức mạnh là 20 sư đoàn”.
Những sỹ quan được chọn, mang theo các hồ sơ sống còn, được lựa chọn bởi những người kẹt lại đáng thương. Công tước Dohna-Scholobitten, được ra trong ngày 17 tháng Giêng, do có một công việc liên quan đến sở chỉ huy quân đoàn xe tăng XIV, không vì ông ta là Trưởng ban tình báo mà vì ông có trong tay hầu hết con cái các quan chức trong ban của mình. Rất nhanh sau đó, sở chỉ huy Tập đoàn quân VI cố nài cho số lượng các sỹ quan được bay ra với tư cách là chuyên gia phải gấp đôi. Đại úy von Freytag-Loringhoven, được chọn bởi thành tích ở vị trí tiểu đoàn trưởng xe tăng, nhận lệnh ưu tiên mang theo các thông điệp và các tài liệu khác từ sở chỉ huy tập đoàn quân. Ở đó, anh thấy tướng Paulus “dường như hoàn toàn bị trói chặt bởi trách nhiệm”.
Tại phi trường Gumrak, sau một quảng thời gian chờ dài, anh lên được một trong năm chiếc oanh tạc cơ Heinkel, dưới sự hộ tống của quân cảnh để đẩy lùi những thương binh, bệnh binh bằng mũi súng tiểu liên. Lúc rời Kessel, hẳn anh đầy cảm xúc lẫn lộn: “Tôi cảm thấy rất tệ khi bỏ lại đồng đội. Nhưng đó là cơ hội để sống sót”. Anh ta cũng cố để đưa bá tước Dohna (một họ hàng xa của công tước Dohna) ra cùng, nhưng ông ta quá ốm. Dù đã được lên tàu an toàn cùng với chừng mười thương binh khác, nhưng Freytag-Loringhoven biết rằng họ chưa ra khỏi khu vực nguy hiểm. Chiếc Heinkel của họ vẫn đứng yên khi bốn chiếc kia đã cất cánh. Một máy bơm bị kẹt khi nạp nhiên liệu. Đạn pháo rơi mỗi lúc một gần hơn. Viên phi công ném chiếc bơm sang một bên rồi chạy về khoan lái. Họ cất cánh, chậm chạp lấy độ cao, bởi chở nặng thương binh, vào trong trần mây thấp. Khi đến độ cao 6000 feet, chiếc Heinkel đột ngột thoát khỏi mây đi vào “vùng ánh nắng tuyệt vời”, Freytag cũng như những người khác cảm thấy như “được tái sinh”.
Khi đáp xuống Melitopol, những chiếc xe cứu thương từ bệnh việc đang đợi các thương binh, và một chiếc xe con đưa Freytag-Loringhoven đến sở chỉ huy của Thống chế Manstein. Anh ấy không có một ảo tưởng nào về sự hiện diện của mình. Và đang trong “tình trạng rất tệ”. Dù cao, rắn rỏi, nhưng anh cũng mất đến gần 60 cân. Má hõm xuống. Như mọi người khác trong vòng vây, anh đã không cạo râu nhiều ngày rồi. Bộ đồng phục binh chủng xe tăng bẩn thỉu, rách nát, đôi ủng trận thì quấn đầy giẻ để chống bỏng tuyết. Stahlberg, sỹ quan tùy viên của Manstein, trong bộ quân phục màu xám không một vết bụi, rõ ràng là đứng lùi lại. “Stahlberg nhìn tôi và tôi biết anh ta đang tự hỏi rằng: Hắn ta có rận không? – mà thiệt tình là tôi có rận – rồi anh ta bắt tay tôi với vẻ hết sức cẩn thận”.
Stahlberg đưa anh vào gặp Manstein, vị thống chế đón anh thân tình hơn. Ông đứng dậy ngay ra khỏi bàn và bước đến bắt chặt tay anh mà không e sợ tý nào. Ông nhận các thông điệp và hỏi viên đại úy trẻ về tình hình trong Kessel. Lúc ấy Freytag-Loringhoven cảm thấy rằng ông ta, về cơ bản là một “cold man”.
Manstein bảo Freytag-Loringhoven rằng anh được bố trí vào Đội đặc nhiệm của thống chế Milch nhằm tăng cường việc không vận. Trước tiên anh trình diện với Đại tướng von Richthofen, ông này vừa biết việc anh đến và bảo rằng ông ta rất bận nên không tiếp. Trong khi đó, thống chế Milch, “một người Quốc xã già” mà anh không mong là được ưu thích, lại cho thấy “có tình người hơn”. Ông lo lắng về diện mạo của Freytag-Loringhoven. “Chúa ơi, nhìn anh kìa!”. Sau khi hỏi han về tình hình của Stalingrad, Milch bảo: “Giờ anh phải được ăn ngon”.
Ông lệnh rằng Freytag-Loringhoven phải được nhận khẩu phần ăn đặc biệt, có bơ và cả mật ong. Rồi viên sỹ quan xe tăng trẻ kiệt sức, được chỉ cho một ngăn phòng ngủ trong toa xe lửa sang trọng. “Đây là lần đầu tiên sau chín tháng trời, tôi được ngủ trên một cái giường. Tôi chẳng thèm quan tâm đến bọn rận. Tôi ném mình lên tấm ga trải trắng tinh và xác định rằng sẽ dời việc đến khu khử rận đến sáng hôm sau. Tiện nghi và ấm áp – ngoài trời đang âm 25 độ - là một sự tương phản không thể tin được
Những sỹ quan khác, những ai được bay ra để làm việc với đội đặc nhiệm của Milch, đầu tiên bị mất phương hướng bởi họ chuyển sang một thế giới khác, sung túc và triển vọng. Nhưng họ vẫn không rõ về ý tưởng những gì có thể và không thể làm được của việc không vận. “Có thể nào không vận xe tăng vào từng chiếc một không?” đó là câu hỏi đầu tiên của tướng Hube trong cuộc gặp thứ nhất với thống chế Milch.
Bản thân Milch, cũng như những ai chưa từng đặt chân vào Kessel, vẫn không thể hiểu thấu tình trạng tệ hại ghê gớm ở trong đó. Khi nhận được điện báo của Paulus trong ngày 18 tháng Giêng rằng tập đoàn quân 6 không thể trụ vững trong một vài ngày nữa bởi đã hoàn toàn hết xăng dầu và đạn dược, ông ta đã nói với Goering qua một cuộc điện thoại rằng: “Những người trong Pháo đài có dấu hiệu bị mất tỉnh táo”. Manstein cũng nghĩ như vậy, ông ta thêm vào. Bọn họ dường như chấp nhận theo bản năng cái chính sách ủng hộ quan điểm cá nhân của nhau, vào lúc mà chính họ xa cách với những sự thật kinh hoàng mà một Tập đoàn quân bị bỏ rơi phải đối mặt.
Đồng phạm của tấm thảm họa đang treo lơ lửng đó, còn rộng hơn, khi có cả tổng hành dinh Quốc trưởng và bộ tuyên truyền ở Berlin. “Vòng vây Stalingrad đã tới lúc kết thúc” Goebbel tuyên bố trong cuộc họp ở bộ, ba ngày trước “báo chí phải chuẩn bị để đưa tin thích hợp về kết quả chiến thắng của trận chiến vĩ đại ở thành phố Stalingrad – nếu cần thì thêm phụ trương”. Từ “chiến thắng” ở đây mang ý nghĩa tinh thần.
Helmuth Groshcurth, tham mưu trưởng của Strecker và là thành viên chống chế độ năng nổ nhất trong vòng vây, xác định rằng những sự thật của thảm họa phải được thông tri đến các sỹ quan cao cấp để biến nó thành hành động. Ông sắp xếp để đưa một trong những đồng sự tin cẩn nhất, thiếu tá bá tước Alfred von Waldersee ra. Waldersee đi thẳng đến bộ tổng tư lệnh lục quân tại Bendlerstrasse ở Berlin, và gặp đại tướng Olbricht, một thành viên cao cấp của phe đối lập và tướng về hưu Beck, với thông điệp “chỉ có đánh ngay” chống lại Hitler mới cứu được Tập đoàn quân VI. Beck bảo Waldersee đến Paris để gặp tướng Von Stulpnagel và thống chế Von Rundstedt. Rundstedt trả lời rằng “rất buồn” vì Waldersee mất hết hi vọng làm được gì.
Groscurth gửi lá thư sau cùng cho người em trai trong ngày 20 tháng Giêng, cũng là ngày sinh nhật của Susi, con gái ông “-cháu sẽ sớm không còn cha, như hàng ngàn trẻ em khác”, ông viết “sự đau khổ vẫn tiếp tục và tệ hơn trong từng giờ. Bọn anh bị đẩy lùi về một khu vực rất hẹp. Tuy vậy, bọn anh sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng theo mệnh  lệnh, đặc biệt là khi bọn anh được bảo rằng quân Nga sẽ giết hết tù binh, anh lo… Ở đây, không ai biết việc gì sẽ đến. Không có cả một lời hứa!”.
Sở chỉ huy Tập đoàn quân VI cảm giác rằng đội của Milch không có hiểu rõ những điều tệ hại ở đây tới mức nào. “Không còn một người khỏe mạnh nào trên toàn mặt trận” một báo cáo trong ngày đó “mọi người, ít nhất là cũng bị bỏng tuyết. Sư đoàn trưởng sư đoàn bộ binh 76, trong chuyến thị sát mặt trận ngày hôm qua đã đi qua rất nhiều xác lính bị chết cóng”.
Trận tấn công của Liên Xô bắt đầu trở lại với những lực lượng tăng viện vào sáng ngày 20 tháng Giêng. Tập đoàn quân 65 chọc thủng phía tây bắc Gonchara và chiếm nó vào trong đêm đó. Gumrak, chỉ còn cách vài dặm, là mục tiêu chính.
Việc di tản phi trường và các sở chỉ huy ở lân cận trong đêm hôm sau rất hoảng loạn khi các khẩu đội Katyusha khai hỏa. Đêm đó, đội đặc nhiệm của Milch nhận được điện báo: “Phi trường Gumrak bất khả dụng kể từ 4h00 ngày 22 tháng Giêng. Vào lúc đó, phi trường mới Stalingradsky sẽ sẵn sàng để sử dụng”. Điều này quá lạc quan. Đường băng hạ cánh ở Stalingradsky không thể dùng cho các máy bay lớn. Lúc đó Paulus đã hoàn toàn buông xuôi cho định mệnh và hầu như trì trệ. Một thiếu tá không lực Đức vừa quay về từ Kessel đã báo cáo với thống chế Milch rằng Paulus đã nói với anh ta: “Những sự trợ giúp đến kể từ bây giờ sẽ là quá muộn. Quân tôi không còn sức nữa”. Khi viên thiếu tá cố tóm tắt cho ông tình hình tổng quan của mặt Tây, đối diện với cụm Tập đoàn quân sông Đôn, ông đáp: ”Người chết không hứng thú với lịch sử quân sự”.
Vì thiếu xăng dầu, nên 500 thương binh bị bỏ lại ở bệnh viện dã chiến ở Gumrak. Lúc bình minh sáng ngày 22 tháng Giêng, bộ binh Nga đã xuất hiện ở phía xa, tiến theo từng hàng dài “như đi bắn thỏ”. Lúc quân địch tiến đến trong tầm súng trường, các sỹ quan thuộc sư đoàn cao xạ số 9, chịu trách nhiệm dọn dẹp phi trường lên chiếc xe sau cùng. Khi chạy xuống đường được chừng 100 mét, họ thấy một người lính từ bệnh viện dã chiến, cả hai chân bị cắt bỏ, cố gắng tự di chuyển trên một chiếc xe trượt tuyết. Các sỹ quan Không quân dừng lại, cột chiếc xe trượt tuyết vào phía sau xe họ như theo lời yêu cầu của anh ta, nhưng nó lật úp ngay khi họ bắt đầu nổ máy chạy. Một viên trung úy đề nghị anh ta bám vào phía trước xe bởi không còn chỗ bên trong. Nhưng người thương binh từ chối không làm họ chậm thêm lại. Lúc đó họ đã ở trong tầm súng bộ binh Nga. “Hãy để tôi lại!” anh la lên “đằng nào tôi cũng không còn cơ hội”. Các sỹ quan không quân hiểu rõ đó là sự thật. Bất kỳ ai không thể tự đi bộ vào lúc đó xem như cầm chắc cái chết. Họ lái xe đi để người thương binh cụt chân đó ngồi trên tuyết cạnh chiếc xe trượt, đợi quân Nga đến và kết liễu mình.
Có thể anh ta bị bắn như nhiều thương binh khác bên đường. Nhà văn cộng sản, Erich Weinert cố quả quyết rằng “những người tàn tật bị bỏ rơi” ráng lết theo những đồng đội đang trong tầm “hỏa lực tấn công của Hồng quân”. Sự thật là Hồng quân, cũng như quân đội Đức, chỉ có rất ít lương thực cho thương binh phía kẻ thù. Các báo cáo rằng 500 phế binh bị bỏ lại bệnh viện dã chiến Gumrak trong sự chăm sóc của hai hộ lý và một cha tuyên úy đã bị tàn sát, là không đúng. Hồng quân chỉ đơn giản là bỏ họ lại tự kiếm ăn bằng “nước từ tuyết và thịt từ xác ngựa”. Những ai sống sót được chuyển đến trại ở Beketovka mười ngày sau đó. 
Cảnh tượng thất bại càng tệ hại thêm khi những người lính thất trận lui về gần Stalingrad. “Xa ngút tầm mắt, là những thi thể lính bị xe tăng đè nghiến, những tiếng rên vô vọng của thương binh, những xác chết đông cứng, xe cộ bị bỏ lại do hết xăng, những khẩu pháo vỡ tung cùng các thiết bị linh tinh”. Thịt được lóc hết ra từ sườn những xác ngựa chết bên đường. Quân lính mơ màng tóm được một chiếc dù tiếp liệu, nhưng chúng thường bị chiếm mất khi tiếp đất hoặc thất lạc trong tuyết.
Dù việc sụp đổ ở ngay trung tâm là không thể ngăn chặn, nhưng ở nhiều khu vực các nhóm chiến đấu Đức vẫn chiến đấu quyết liệt. Sáng sớm ngày 22 tháng Giêng, những phần còn lại của sư đoàn bộ binh 297 bị đẩy lùi từ vùng Voroponovo về ngoại ô Stalingrad. Thiếu tá Bruno Gebele và những người còn sống trong tiểu đoàn của anh đợi trận xung phong kế tiếp. Hỏa lực yểm trợ duy nhất của họ là vài khẩu sơn pháo dưới quyền một trung sỹ, anh này lịnh không bắn cho đến khi quân Nga đến trong tầm 200 – 300 thước. Ngay trước lúc 7 giờ sáng, tiểu đoàn của Gebele bị pháo kích, một lính gác la lên: “Herr Major, sie kommen!” (Thiếu tá, chúng đến)
Gebele chỉ có thời gian để hét “Ra ngoài!”. Quân của anh băng mình đến các hỏa điểm. Một đám đông bộ binh trong quân phục màu trắng tiến lên phía họ, gào vang “Urah!Urah! Urah”. Khi những tên đầu tiên chỉ cách 40 thước thì các lính thủ pháo Đức khai hỏa bằng trung liên, tiểu liên và súng trường. Quân Nga thiệt hại nặng. “Đợt đầu tiên bị giết hoặc nằm lại đó, đợt thứ hai cũng vậy, rồi cả đợt thứ ba. Trước vị trí của chúng tôi, xác lính Liên Xô chất đống và che chắn cho chúng tôi như những bức tường bằng bao cát”.
Phía Nga không bỏ cuộc. Họ chỉ đơn giản là đổi hướng, tập trung vào các đơn vị bên sườn. Lúc 9h30, họ chọc thủng tuyến quân Rumani ở phía trái. Một viên đạn chống tăng bắn trúng viên tiểu đoàn phó thứ nhất của Gebele, khi đó đang đứng cạnh anh, và giết tươi anh ta ngay tức khắc. Rồi Gebele cảm thấy có cái gì đó xô mạnh vào vai trái anh. Viên đạn đại liên đó cũng đã giết chết viên quản trị tiểu đoàn, trung sỹ Schmidt, sau khi xuyên thủng qua chiếc nón sắt. Gebele điên tiết, đặt khẩu carbine lên bức tường tuyết trước mặt, để có thể bắn được vài phát bằng cánh tay và phía vai còn lại.
Một làn sóng quân Nga nữa tràn đến. Gebele thét gọi anh em còn sống khai hỏa lần nữa. MỘt trung sỹ tham mưu cố bắn từ một khẩu cối nhẹ, nhưng tầm quá ngắn và gió đã làm vài quả rơi ngược lại vị trí của họ. Sau khi trụ được bảy tiếng, Gebele nhìn thấy cờ Nga xuất hiện trên tháp nước ở phía sau. Họ đã bị bọc sườn. Anh tập hợp những người còn sống lại và đưa họ về phía trung tâm thành phố Stalingrad. Ở đây, trong thành phố, họ sốc bởi cảnh tượng của sự tàn phá và sụp đổ. “Trời lạnh ghê gớm” một trong số họ viết “và chung quanh là sự hỗn độn, như thể thế giới đã đến ngày tận thế”.
Ngày 22 tháng Giêng ấy – sau ngày Goebbels chuẩn bị đạo diễn cho vở bi kịch Stalingrad bằng thứ gọi là “chiến tranh tổng lực” – Tập đoàn quân VI nhận được điện báo từ Hitler đóng niêm phong lên số mệnh của nó. “Không được đầu hàng. Các đơn vị chiến đấu cho đến cùng. Nếu có thể, hãy thu hẹp và giữ vững pháo đài (Stalingrad) bằng các lực lượng xứng đáng. Pháo đài kiên cường, anh dũng sẽ mang lại cơ hội để thiết lập mặt trận mới và phản công. Làm như vậy, Tập đoàn quân VI sẽ hoàn thành trọng trách lịch sử của mình trong giai đoạn vĩ đại nhất của lịch sử nước Đức”.

tải về 2.43 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương