Chương II kế toán nguồn vốn hoạT ĐỘng của ngân hàng thưƠng mạI



tải về 2.26 Mb.
trang1/22
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích2.26 Mb.
#25426
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22
Chương II

KẾ TOÁN NGUỒN VỐN HOẠT ĐỘNG
CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

Nguồn vốn của NHTM gồm hai nguồn chủ yếu: vốn tự có và vốn huy động. Mỗi loại nguồn vốn có nội dung kinh tế, yêu cầu quản lý và phương pháp hạch toán khác nhau.



1. Kế toán vốn tự có (VTC)

1.1. Một số nét về vốn tự có của ngân hàng thương mại

Vốn tự có là nguồn lực tự có mà chủ ngân hàng sở hữu và sử dụng vào mục đích kinh doanh theo luật định. Vốn tự có tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn của NHTM song nó lại là yếu tố cơ bản đầu tiên quyết định sự tồn tại và phát triển của một ngân hàng. Mặt khác, với chức năng bảo vệ VTC được coi như tài sản đảm bảo gây lòng tin đối với khách hàng, duy trì khả năng thanh toán trong trường hợp ngân hàng gặp thua lỗ. Vốn tự có cũng là căn cứ để tính toán các hệ số đảm bảo an toàn và các chỉ tiêu tài chính trong hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Theo điều 20, Luật các tổ chức tín dụng quy định: VTC của NHTM bao gồm giá trị thực có của vốn điều lệ, các quỹ dự trữ và một số tài sản Nợ khác (như chênh lệch đánh giá lại tài sản, lợi nhận chưa phân phối...).

Như vậy, vốn chủ sở hữu của NHTM bao gồm 3 bộ phận là: Vốn của NHTM, quỹ của NHTM và các tài sản Nợ khác được xếp vào vốn.



1.1.1. Vốn của ngân hàng thương mại

a. Vốn điều lệ

Vốn điều lệ được quy định trong điều lệ của NHTM và tối thiểu phải bằng vốn pháp định. Vốn điều lệ là điều kiện pháp lý bắt buộc khi thành lập một ngân hàng. Nguồn hình thành vốn điều lệ phụ thuộc vào tính chất sở hữu của từng loại hình ngân hàng. Đối với ngân hàng thương mại Nhà nước do Nhà nước cấp 100%, đối với ngân hàng thương mại ngoài Nhà nước (NHTM cổ phần...) được hình thành do các cổ đông đóng góp dưới hình thức mua cổ phần hoặc các bên tham gia liên doanh đóng góp.



b. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản và mua tài sản cố định (TSCĐ)

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản và mua TSCĐ để xây dựng nhà cửa, công trình kiến trúc, mua sắm máy móc, trang thiết bị, phương tiện vận tải... phục vụ công tác quản lý, kinh doanh của NHTM. Nguồn hình thành của loại vốn này có thể do ngân sách Nhà nước cấp (đối với NHTM Nhà nước) hoặc tích lũy trong quá trình hoạt động của NHTM.



c. Vốn khác

Ngoài 2 loại vốn trên, NHTM còn có các loại vốn khác như thặng dư phát hành cổ phiếu, lợi nhuận để lại không phân phối...



1.1.2. Quỹ của ngân hàng thương mại

Quỹ của NHTM bao gồm:

- Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ;

- Quỹ dự phòng tài chính;

- Quỹ đầu tư phát triển;

- Quỹ khen thưởng;

- Quỹ phúc lợi.

Những quỹ này được trích từ lợi nhuận hàng năm theo luật định, do vậy tỷ lệ trích, nội dung sử dụng quỹ phải theo đúng qui định.



1.1.3. Một số tài sản Nợ được xếp vào vốn chủ sở hữu của ngân hàng

- Chênh lệch đánh giá lại tài sản: gồm chênh lệch đánh giá tỷ giá hối đoái, vàng bạc, đá quỹ; chênh lệch đánh giá lại các tài sản trực tiếp tạo ra lợi nhuận cho NHTM (như chứng khoán, tài sản gán nợ đã chuyển quyền sở hữu...) và đánh giá lại TSCĐ,

Nếu chênh lệch đánh giá có kết quả tăng (dư Có) sẽ góp phần làm tăng vốn của NHTM; ngược lại, nếu kết quả đánh giá có số chênh lệch giảm (dư Nợ) sẽ làm giảm vốn của NHTM.

- Chênh lệch thu nhập, chi phí trong năm: nếu thu nhập lớn hơn chi phí thì góp phần tăng vốn; ngược lại.

- Kết quả lợi nhuận năm sau chưa phân phối.

1.2. Tài khoản sử dụng

Tài khoản phản ánh vốn chủ sở hữu bố trí ở loại 6 hệ thống tài khoản của các tổ chức tín dụng. Tùy theo nội dung của từng ngồn vốn, trong loại 6 tài khoản được bố trí thành tài khoản cấp 1, cấp 2 để ghi chép sự hình thành và quá trình sử dụng từng loại vốn.



1.2.1. Tài khoản 60 - Vốn của tổ chức tín dụng (NHTM)

Tài khoản cấp 1 số 60 dùng để tập hợp các loại vốn của một NHTM như vốn điều lệ, vốn đầu tư XDCB và mua sắm tài sản, các loại vốn khác. Do mỗi loại vốn có mục đích sử dụng khác nhau nên TK60 được chi tiết thành các tài khoản cấp 2.



- Tài khoản vốn điều lệ (SH601)

Tài khoản 601 mở tại hội sở chính của mỗi NHTM. Tài khoản này có một tài khoản chi tiết. Đối với các NHTM cổ phần, ngoài sổ tài khoản chi tiết mở thêm sổ theo dõi danh sách các cổ đông và sổ số tiền góp cổ phần.

Kết cấu tài khoản 601: - Vốn điều lệ:

Bên Có ghi: - Nguồn vốn điều lệ tăng.

Bên Nợ ghi: - Nguồn vốn điều lệ giảm.

Số dư Có: - Phản ánh số vốn điều lệ hiện có của NHTM.



- Tài khoản vốn đầu tư XDCB mua sắm TSCĐ (SH602)

Tài khoản 602: mở tại hội Sở chính của NHTM dùng để phản ánh nguồn vốn XDCB; mua sắm TSCĐ của NHTM (ngoài vốn điều lệ được sử dụng để XDCB, mua sắm TSCĐ). Tài khoản 602 có 2 tài khoản chi tiết:

+ Vốn Ngân sách Nhà nước cấp.

+ Vốn của NHTM.

Kết cấu của tài khoản 602 - Vốn đầu tư XDCB và mua sắm TSCĐ

Bên Có ghi: - Nguồn vốn XDCB, mua sắm TSCĐ của NHTM được cấp (đối với NHTM Nhà nước), trích từ quỹ đầu tư, phát triển, quỹ phúc lợi.

- Điều chỉnh tăng nguyên giá TSCĐ.

Bên Nợ ghi: - Số khấu hao cơ bản TSCĐ nộp NSNN (giảm vốn NSNN cấp).

- Giảm vốn do chưa khấu hao cơ bản hết giá trị TSCĐ thanh lý.

- Điều chỉnh giảm nguyên giá TSCĐ.



- Tài khoản vốn khác (SH609)

Tài khoản này được mở tại Hội sở chính của ngân hàng để phản ánh các vốn khác của ngân hàng được hình thành trong quá trình hoạt động.

Kết cấu của tài khoản 609:

Bên Có ghi: Số vốn được hình thành.

Bên Nợ ghi: Số vốn sử dụng.

Số dư Có: Phản ảnh số vốn khác hiện có của ngân hàng.



1.2.2. Tài khoản 61 - Quỹ của tổ chức tín dụng

Tài khoản 61 dùng để phản ánh các loại quỹ của NHTM theo luật các tổ chức tín dụng và chế độ tài chính của NHTM.

Tài khoản 61 được bố trí thành các TK cấp 2:

- TK quỹ dữ trữ bổ sung vốn điều lệ (SH 611).

- TK quỹ đầu tư phát triển (SH 612).

- TK quỹ dự phòng tài chính (SH613).

- TK quỹ khác (SH 614).

Các TK cấp 2 trên có kết cấu chung như sau:

Bên Có ghi: - Số tiền trích lập quỹ hàng năm

Bên Nợ ghi: - Số tiền sử dụng quỹ.

Số dự Có: - Phản ảnh số tiền hiện còn của từng quỹ.



1.2.3. Tài khoản quỹ 62 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi

Tài khoản 62 dùng để phản ảnh quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi được trích lập hàng năm theo quy định của pháp luật.

Tài khoản 62 được bố trí thành TK cấp 2:

+ TK quỹ khen thưởng (SH 621).

+ TK quỹ phúc lợi (SH 622).

+ TK quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ (SH 623).

Kết cấu của tài khoản 62 giống kết cấu tài khoản các loại quỹ trên.

1.3. Chứng từ

Nghiệp vụ vốn chủ sở hữu là nghiệp vụ phản ảnh quan hệ nội bộ trong NHTM nên khi tiến hành công việc ghi chép tăng, giảm vốn chủ yếu dùng các chứng từ nội bộ như phiếu chuyển khoản tổng hợp, phiếu thu, phiếu chi. Trong một số trường hợp có liên quan đến việc cấp phát vốn của NSNN, chuyển vốn thì sử dụng các loại chứng từ thanh toán chung như ủy nhiệm chi...



1.4. Quy trình kế toán

1.4.1. Kế toán vốn điều lệ

1.4.1.1. Kế toán vốn điều lệ của ngân hàng thương mại Nhà nước

Ngân hàng thương mại Nhà nước nhận cấp phát vốn điều lệ từ Ngân sách Nhà nước thông qua tài khoản tiền gửi của NHTM tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, hoặc chuyển vốn qua thanh toán bù trừ giữa Hội sở chính với Sở giao dịch NHNN. Số vốn này được quản lý tập trung tại Hội sở chính.

Khi nhận được giấy báo cấp vốn từ NHNN, kế toán tại Hội sở chính lập chứng từ hạch toán

Nợ: - TK tiền gửi tại NHNN (nếu chuyển quan TKTG tại NHNN) -SH1113.

- Hoặc tài khoản thanh toán bù trừ (nếu qua TTBT) - SH 5012.

Có: - TK vốn điều lệ - SH 601.

Việc giảm vốn điều lệ phải căn cứ vào quy định của Nhà nước. Các NHTM không tùy tiện giảm vốn điều lệ. Khi giảm vốn điều lệ kế toán căn cứ vào cấp có thẩm quyền để ghi giảm vốn vào các tài khoản thích hợp.

1.4.1.2. Kế toán vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần

Vốn điều lệ của NHTM cổ phần được hình thành do các cổ đông đóng góp thông qua mua cổ phần.



a. Kế toán tăng vốn điều lệ ban đầu do cổ đông mua cổ phần

Cổ đông mua cổ phần có thể bằng tiền mặt hoặc trích từ tài khoản tiền gửi tại ngân hàng. Cũng có thể góp vốn bằng TSCĐ (giá trị quyền sử dụng đất hoặc tài sản khác).

Tùy theo cách góp vốn, kế toán lập chứng từ để hạch toán:

Nợ: - TK tiền mặt (nếu cổ đông mua cổ phần bằng tiền mặt - SH 1011.

- Hoặc TK tiền gửi của cổ đông (nếu cổ đông trích TK tiền gửi để mua cổ phần).

- Hoặc TK tài sản cố định (nếu góp bằng TSCĐ) - SH 301.

Có: - TK vốn điều lệ - SH 601.

b. Kế toán tăng vốn điều lệ bổ sung cho NHTM cổ phần phát hành thêm cổ phần mới

Việc phát hành thêm cổ phần mới có thể bán theo mệnh giá, cũng có thể bán cao hơn mệnh giá (do kết quả và uy tín của NHTM cổ phần trên thị trường). Phần vượt mệnh giá cổ phần gọi là thặng dư phát hành, phần này được coi là lợi nhuận và NHTM được giữ lại (hạch toán vào TK quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ).

+ Khi phát hành thêm cổ phần với giá bán ngang bằng mệnh giá, kế toán lập chứng từ hạch toán như bút toán tăng vốn điều lệ ban đầu.

+ Khi phát hành thêm cổ phần với giá bán cao hơn mệnh giá, kế toán lập chứng từ hạch toán:

Nợ: - TK tiền mặt hoặc TK tiền gửi của người mua.

(số tiền theo mệnh giá + thặng dư phát hành)

Có: - TK vốn điều lệ (theo mệnh giá) - SH 601.

Có: - TK quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (phần thặng dư phát hành - SH 611.

Ví dụ: Số cố phần phát hành thêm 1.000 cổ phần, mệnh giá cổ phần 500.000đ, giá bán 1 cổ phần là 600.000đ, giả sử cổ phần phát hành thêm đã bán hết bằng tiền mặt.

+ Số tiền theo mệnh giá:

500.000đ x 1.000CP = 500.000.000đ

+ Số tiền thu được theo giá bán CP:

600.000 x 1.000 = 600.000.000đ

+ Chênh lệch thặng dư phát hành:

600.000.000đ - 500.000.00đ = 100.000.000đ

Hạch toán:

Nợ: TK tiền mặt: 600T

Có: TK vốn điều lệ: 500T

Có TK quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ: 100T

Các trường hợp tăng vốn điều lệ của NHTM cổ phần từ các nguồn khác như bổ sung từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, đánh giá lại TSCĐ và các quỹ khác theo quy định của pháp luật được Đại hội đồng cổ đông thông qua và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thì kế toán căn cứ vào quyết định tăng vốn điều lệ để lập chứng từ kế toán phản ảnh vào các tài khoản thích hợp.

Cũng như NHTM Nhà nước, các NHTM cổ phần không được tùy tiện giảm vốn điều lệ. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các NHTM cổ phần buộc phải giảm vốn điều lệ trong các trường hợp sau:

- Lỗ trong 3 năm liên tiếp, ngân hàng thương mại cổ phần phải quyết định giảm vốn điều lệ tương ứng với số lỗ lũy kế đến năm thứ ba.

- Các khoản vốn đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hoặc quyết định là tổn thất trong hoạt động sau khi đã xử lý trích lập dự phòng rủi ro.

- Số vốn góp có nguồn gốc không hợp pháp hoặc người góp vốn không đảm bảo tư cách cổ đông theo kết luận của thanh tra.

- Giảm giá TSCĐ khi đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật.

Việc giảm vốn điều lệ gắn liền với việc giảm mệnh giá hoặc giảm số lượng cổ phần hoặc đồng thời cả hai hình thức này.

Khi có quyết định giảm vốn điều lệ kế toán lập chứng từ để phản ảnh vào các tài khoản thích hợp theo nội dung giảm vốn điều lệ.

1.4.2. Kế toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định

Vốn đầu tư XDCB, mua sắn TSCĐ được cấu tạo bằng nhiều nguồn khác nhau:

+ Vốn Ngân sách Nhà nước cấp (đối với NHTM Nhà nước).

+ Trích từ quỹ đầu tư phát triển và một số quỹ khác theo luật định.

+ Từ đánh giá lại TSCĐ khi TSCĐ tăng nguyên giá.

Nguồn vốn này được quản lý tập trung tại hội sở chính. Khi sử dụng vốn phải đảm bảo đúng mục đích, tuân thủ các quy định theo chế độ tài chính của Nhà nước, ngành. Đối với các công trình XDCB và mua sắm TSCĐ phải có bản thiết kế kỹ thuật, có dự toán gửi cấp có thẩm quyền, và chỉ khi nào dự toán được duyệt mới xây dựng, mua sắm. Sau khi hoàn thành xây dựng, mua sắm phải lập báo cáo quyết toán gửi cấp có thẩm quyền xét duyệt.

Tại các ngân hàng khi hạch toán, theo dõi nguồn vốn đầu tư XDCB và mua sắm TSCĐ phải chia thành 2 tiểu khoản:

+ Tiểu khoản: Nguồn vốn thuộc NSNN.

+ Tiểu khoản: Nguồn vốn của bản thân ngân hàng.

1.4.2.1. Kế toán tăng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định

- Nhận vốn đầu tư XDCB mua sắm TSCĐ từ NSNN đối với các NHTM Nhà nước: Kế toán căn cứ giấy báo từ NHNN chuyển sang lập chứng từ, hạch toán:

Nợ: - Tài khoản tiền gửi tại NHNN (nếu thanh toán qua TK tiền gửi tại NHNN) - SH 1113.

- Hoặc TK thanh toàn bù trừ (nếu TTBT) - SH 5012.

Có - TK vốn đầu tư XDCB mua sắm TSCĐ - SH 602.

- Nhận vốn từ các quỹ của bản thân NH: Kế toán lập chứng từ hạch toán.

Nợ: TK quỹ đầu tư phát triển hoặc quỹ phúc lợi - SD 621 hoặc 622.

Có TK vốn đầu tư XDCB, mua sắm TSCĐ - SH 602.

- Tăng vốn do đánh giá lại TSCĐ: Kế toán lập chứng từ, hạch toán:

Nợ: TK tài sản cố định - SH 301.

Có TK vốn đầu tư XDCB, mua sắm TSCĐ - SH 602.

1.4.2.2. Kế toán giảm vốn đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định

- Giảm vốn khi nộp khấu hao cơ bản cho NSNN đối với NHTM Nhà nước: Kế toán lập chứng từ, hạch toán:

Nợ: - TK vốn đầu tư XDCB, mua sắm TSCĐ - SH 602.

Có: - TK tiền gửi Kho bạc Nhà nước (nếu Kho bạc Nhà nước mở TK tiền gửi tại NHTM).

- Hoặc TK tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước hay TK thanh toán bù trừ (nếu Kho bạc mở TK tiền gửi tại NHNN).

- Giảm vốn do chưa khấu hai hết giá trị TSCĐ thanh lý: Kế toán lập chứng từ, hạch toán:

N
PhÇn gi¸ trÞ TSC§ ch­a khÊu hao hÕt gi¸ trÞ
ợ: TK vốn đầu tư XDCB, mua sắm TSCĐ

Có: TK tài sản cố định.



1.4.3. Kế toán trích lập và sử dụng các quỹ

1.4.3.1. Kế toán quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ

Theo quy định, hàng năm các NHTM được trích 5% lợi nhuận sau khi hoàn thành nộp thuế thu nhập doanh nghiệp để hình thành quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Mức tối đa của quỹ này không vượt quá mức vốn điều lệ thực có của NHTM.

Tại hội sở chính, sau khi xác định được kết quả kinh doanh trong năm và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách sẽ lập chứng từ để trích tài khoản "lợi nhuận năm trước" (TK 692) chuyển vào TK "quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ" (TK (611).

Nợ: TK lợi nhuận năm trước - SH 692.

Có: TK quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ - SH 611.

Khi có quyết định sử dụng quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, kế toán lập chứng từ hạch toán:

Nợ: - TK quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ - SH 611.

Có: - TK thích hợp (sử dụng TK phù hợp với nội dung quỹ theo quyết định của cấp có thẩm quyền).



1.4.3.2. Kế toán quỹ đầu tư phát triển

Quỹ đầu tư phát triển dùng để đầu tư mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh đổi mới công nghệ, trang thiết bị của NHTM. Căn cứ vào nhu cầu đầu tư và khả năng của quỹ, hội đồng quản trị của NHTM quyết định hình thức và biện pháp đầu tư theo nguyên tắc có hiệu quả, an toàn phát triển vốn.

Theo quy định, hàng năm các NHTM được trích để hình thành quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ tối đa không quá 50% lợi nhuận sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và trừ đi các khoản:

- Trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

- Bù khoản lỗ của năm trước đối với các khoản lỗ không được trừ vào lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Nộp tiền thu về sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước.

- Các khoản tiền phạt vi phạm pháp luật thuộc trách nhiệm của NHTM.

Việc trích quỹ đầu tư phát triển được tiền hành cùng thời gian với trích lập các quỹ khác. Sau khi tính toán được số tiền vần trích để lập quỹ, kế toán lập chứng từ, hạch toán:

Nợ: TK lợi nhuận năm trước - SH 692.

Có: TK quỹ đầu tư phát triển - SH 612

Khi có lệnh sử dụng quỹ kế toán lập chứng từ để hạch toán:

Nợ: TK quỹ đầu tư phát triển - SH 612.

Có: TK vốn XDCB, mua sắm TSCĐ - SH 602.

1.4.3.3. Kế toán quỹ dự phòng tài chính

Quỹ dữ phòng tài chính được hình thành từ lợi nhuận hàng năm và được dùng để bù đắp phần còn lại của những tổn thất, thiệt hại về tài sản xảy ra trong quá trình kinh doanh sau khi đã được bù đắp bằng tiền bồi thường của các tổ chức, cá nhân gây ra tổn thất, của các tổ chức bảo hiểm và sử dụng dự phòng trích lập từ chi phí.

Quỹ này được trích bằng 10% lợi nhận sau thuế thu nhập doanh nghiệp và đã trừ các khoản phải trừ như trích quỹ đầu tư phát triển. Số dư tối đa của quỹ bằng 25% vốn điều lệ của NHTM.

Khi trích lập quỹ kế toán lập chứng từ hạch toán:

Nợ: TK lợi nhuận năm trước - SH 692.

Có: TK quỹ dự phòng tài chính - SH 613.

Khi sử dụng quỹ kế toán lập chứng từ, hạch toán:

Nợ: TK quỹ dự phòng tài chính - SH 613.

Có: TK thích hợp.

1.4.3.4. Kế toán quỹ khen thưởng phúc lợi

- Quỹ khen thưởng của NHTM dùng để:

+ Thưởng cuối năm hoặc thưởng thường kỳ cho cán bộ công nhân viên trong đơn vị trên cơ sở năng suất lao động, thành tích công tác của mỗi cán bộ, công nhân viên.

+ Thưởng đột xuất cho CBCNV, tập thể trong NHTM khi có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, quy trình nghiệp vụ mang lại hiệu quả trong kinh doanh.

+ Thưởng cho cá nhân và đơn vị ngoài NHTM có quan hệ kinh tế đã hoàn thành tốt những điều kiện hợp đồng. Đóng góp có hiệu quả vào hoạt động kinh doanh của NHTM.

Mức thưởng do Hội đồng quản trị NHTM quyết định.

- Quỹ phúc lợi dùng để:

+ Đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa, bổ sung vốn xây dựng các công trình phúc lợi của NHTM.

+ Đóng góp cho quỹ phúc lợi xã hội.

+ Chi trợ cấp khó khăn thường xuyên, đột xuất cho CBCNV NHTM.

+ Chi các hoạt động phúc lợi khác.

Trích lập quỹ khen thưởng và phúc lợi được tiến hành cùng thời gian với trích lập các quỹ khác.

Khi trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi kế toán căn cứ số tiền đã tính toán được lập chứng từ hạch toán:

Nợ: - TK lợi nhuận năm trước - SH 692.

Có: - TK quỹ khen thưởng (phần của quỹ khen thưởng) - SH 621.

- TK quỹ phúc lợi (phần của quỹ phúc lợi) - SH 622.

Khi sử dụng quỹ kế toán căn cứ vào quyết định của Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc (Giám đốc) lập chứng từ, hạch toán:

Nợ: - TK quỹ khen thưởng (nếu chi khen thưởng).

- Hoặc TK quỹ phúc lợi (nếu chi phúc lợi).

Có: - TK 1011 (nếu chi bằng tiền mặt)

- Hoặc liên hàng đi (nếu chuyển về cho các chi nhánh phụ thuộc).

- Hoặc TK thích hợp khác.



2. Kế toán vốn huy động

2.1. Một số vấn đề chung về kế toán vốn huy động

2.1.1. Khái quát vốn huy động của ngân hàng thương mại

Vốn huy động của NHTM là giá trị tiền tệ mà các NHTM huy động được trên thị trường thông qua nghiệp vụ tiền gửi, tiền vay và một số nguồn vốn khác. Bộ phận vốn huy động có ý nghĩa quyết định khả năng hoạt động của mỗi NHTM.



2.1.1.1. Nghiệp vụ tiền gửi

Nghiệp vụ tiền gửi của NHTM gồm tiền gửi của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân và tiền gửi tiết kiệm của dân cư.



a. Tiền gửi: Gồm tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi có kỳ hạn

- Tiền gửi không kỳ hạn: Loại tiền gửi này của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân gửi và ngân hàng với mục đích chính để thực hiện các khoản chi trả trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

Với nội dung chi trả như vậy và việc sử dụng séc để thanh toán nên tài khoản tiền gửi không kỳ hạn còn được gọi là tài khoản tiền gửi thanh toán hay tài khoản séc. Đặc điểm của tiền gửi không kỳ hạn là người gửi tiền có thể gửi và rút tiền ra bất kỳ lúc nào trong phạm vi số dư tài khoản. Với tình chất linh hoạt của số dư và người gửi tiền được hưởng các tiện ích thanh toán, nên tiền gửi thanh toán thường không được ngân hàng trả lãi, hoặc được trả lãi nhưng với mức lãi suất thấp.

Tiền gửi không kỳ hạn được phản ảnh trên tài khoản có tên gọi "tài khoản tiền gửi không kỳ hạn" hay còn gọi là tài khoản thanh toán. Tính chất của tài khoản thanh toán là luôn luôn dư Có. Tuy nhiên, nếu giữa ngân hàng và người gửi tiền thỏa thuận với nhau sử dụng hình thức thấu chi tài khoán thì tài khoản này có thể dư Có và cũng có thể dư Nợ (nên còn được gọi là TK vãng lai). Ngân hàng không khống chế số dư Có nhưng khống chế số dư Nợ theo một hạn mức đã thỏa thuận giữa ngân hàng và người gửi tiền. Ví dụ: Hạn mức thấu chi là 100 triệu đồng thì dư Nợ cao nhất của tài khoản thanh toán cũng là 100 triệu đồng.

Tài khoản tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng phản ảnh mối quan hệ kinh tế, pháp lý giữa ngân hàng với người gửi tiền nên giữa ngân hàng với người gửi tiền phải tuân thủ quy chế về mở và sử dụng tài khoản tiền gửi do Thống đốc NHNN ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, đồng thời chủ TK phải làm thủ tục mở TK và đăng ký mẫu chữ ký của chủ TK và kế toán trưởng, mẫu con dấu tại các ngân hàng mở TK. Ngân hàng được từ chối thanh toán nếu người gửi tiền vị phạm quy định quản lý TK thanh toán và chế độ chứng từ kế toán ngân hàng.

- Tiền gửi có kỳ hạn: Loại tiền gửi này của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân gửi vào NHTM với mục đích để hưởng lãi.

Đặc điểm của tiền gửi có kỳ hạn là người gửi tiền chỉ được lĩnh tiền sau một thời hạn nhất định từ một vài tháng đến một vài năm. Tuy nhiên, do những lý do khác nhau, người gửi tiền có thể rút tiền trước hạn, trường hợp này người gửi tiền không được hưởng lãi, hoặc được hưởng theo lãi suất thấp, tùy theo quy định của mỗi ngân hàng.

Tiền gửi có kỳ hạn được phản ảnh trên tài khoản có tên gọi "tiền gửi có kỳ hạn".



b. Tiền gửi tiết kiệm

Tiền gửi tiết kiệm là khoản tiền của cá nhân được gửi vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm, được xác nhận trên thẻ tiết kiệm, được hưởng lãi theo quy định của tổ chức nhân tiền gửi tiết kiệm và được bảo hiểm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.

Mục đích của người gửi tiết kiệm là để hưởng lãi và để tích lũy, do vậy tài khoản tiền gửi tiết kiệm không được dùng để phát hành séc hay thực hiện các khoản thanh toán khác ngoại trừ người gửi tiền đề nghị trích tài khoản tiền gửi tiết kiệm để trả nợ vay hay chuyển sang một tài khoản khác của chính chủ tài khoản.

- Xét về tính chất kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm được chia thành 2 lạo là tiết kiệm không kỳ hạn và tiết kiệm có kỳ hạn.

+ Tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn: là tiền gửi tiết kiệm người gửi tiền có thể rút tiền theo yêu cầu mà không cần báo trước vào bất kỳ ngày làm việc nào của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm.

+ Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn: là tiền gửi tiết kiệm mà người gửi tiền chỉ có thể rút tiền sau một kỳ hạn gửi tiền nhất định theo thỏa thuận với tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm.

Trường hợp người gửi tiền rút tiền trước hạn thì phải có sự thỏa thuận với nơi nhận gửi tiền ngay khi gửi và người gửi tiền chỉ được hưởng lãi suất không vượt quá lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn. Nếu người gửi tiền không có sự thỏa thuận trước thì vẫn được lĩnh ra trước hạn nhưng phải chịu một mức phí đối với khoản tiền tiết kiệm rút trước hạn và hưởng lãi suất như trường hợp trên.

- Xét về mục đích gửi tiền, tiền gửi tiết kiệm được phân thành:

+ Tiết kiệm xây dựng nhà ở.

+ Tiết kiệm mua sắm tài sản có giá trị cao.

+ Tiết kiệm hưởng lãi và dự thưởng.

+ v.v...


Tiền gửi tiết kiệm được phản ảnh trên các tài khoản "tài khoản tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn", "tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn", "tài khoản tiết kiệm khác".

Cá nhân người gửi tiền có đủ điều kiện theo quy chế gửi tiền tiết kiệm đứng tên chủ tài khoản tiền gửi tiết kiệm. Nếu nhiều người cùng sở hữu, số tiền gửi theo đúng pháp luật thì đứng tên đồng chủ tài khoản tiền gửi tiết kiệm.



2.1.1.2. Phát hành các giấy tờ có giá

Các giấy tờ có giá là các công cụ Nợ do ngân hàng phát hành để huy động vốn trên thị trường. Nguồn vốn này tương đối ổn định để sử dụng cho một mục đích nào đó. Lãi suất của loại này phụ thuộc vào sự cấp thiết của việc huy động vốn nên thường cao hơn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn thông thường.

Các giấy tờ có giá do NHTM phát hành gồm kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi có mệnh giá.

Việc phát hành giấy tờ có giá phải tuân thủ chuẩn mực kế toán số 16 "chi phí đi vay" do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

Theo chuẩn mực kế toán số 16, các doanh nghiệp trong đó có NHTM phát hành giấy tờ có giá theo 3 phương thức là phát hành giấy tờ có giá ngang giá, phát hành giấy tờ có giá có chiết khấu và phát hành giấy tờ có giá có phụ trội.

- Phát hành giấy tờ có giá ngang giá: là phát hành giấy tờ có giá đúng bằng mệnh giá của giấy tờ có giá (giá bán giấy tờ có giá = mệnh giá giấy tờ có giá). Trường hợp này xảy ra khi lãi suất thị trường bằng lãi suất danh nghĩa của giấy tờ có giá phát hành.

- Phát hành giấy tờ có giá có chiết khấu: là phát hành giấy tờ có giá với giá thấp hơn mệnh giá của giấy tờ có giá (giá bán giấy tờ có giá < mệnh giá của giấy tờ có giá). Phần chênh lệch giữa giá phát hành nhỏ hơn mệnh giá của giấy tờ có giá gọi là chiết khấu giấy tờ có giá. Trường hợp này thường xảy ra khi lãi suất thị trường lớn hơn lãi suất danh nghĩa của giấy tờ có giá phát hành được các nhà đầu tư chấp nhận.

- Phát hành giấy tờ có giá phụ trội: là phát hành giấy tờ có giá với giá cao hơn mệnh giá của giấy tờ có giá (giá bán giấy tờ có giá > mệnh giá của giấy tờ có giá). Phần chênh lệch giữa giá phát hành lớn hơn mệnh giá của giấy tờ có giá gọi là phụ trội giấy tờ có giá. Trường hợp này thường xảy ra khi lãi suất thị trường nhỏ hơn lãi suất danh nghĩa được các nhà đầu tư chấp nhận.

Về trả lãi phát hành giấy tờ có giá thường áp dụng 3 hình thức là trả lãi trước, trả lãi sau và trả lãi định kỳ.

- Trả lãi trước: số tiền lãi của giấy tờ có giá phát hành được trả cho người mua ngay khi phát hành. số tiền lãi được khấu trừ ngay vào mệnh giá của giấy tờ có giá.

- Trả lãi sau: số tiền lãi của giấy tờ có giá phát hành được trả cùng gốc thi thanh toán giấy tờ có giá đáo hạn.

- Trả lãi định kỳ: số tiền lãi của giấy tờ có giá phát hành được trả cho người mua theo tưng định kỳ tháng, 6 tháng hay 12 tháng.



2.1.2.3. Nguồn vốn vay

Nguồn vốn đi vay nhằm tạo khả năng thanh toán cho NHTM. Nguồn vốn đi vay được hình thành bởi:

+ Vay các tổ chức tín dụng trong nước.

+ Vay các ngân hàng nước ngoài.

+ Vay Ngân hàng Nhà nước.

Khi vay vốn các NHTM phải thực hiện quy định của chế độ tín dụng hiện hành và hợp đồng tín dụng với cương vị là người đi vay.



2.1.1.4. Các nguồn vốn khác

Bao gồm vốn tài trợ, ủy thác đầu tư, vốn để cho vay đồng tài trợ, nhận vốn liên doanh, liên kết...



2.1.2. Tài khoản sử dụng

Các tài khoản phản ảnh nghiệp vụ vốn huy động được bố trí ở loại 4 (các khoản phải trả) trong hệ thống tài khoản của tổ chức tín dụng. Các tài khoản phản ảnh nguồn vốn có nội dụng, kết cấu như sau:



a. Tài khoản tiền gửi của khách hàng (SH42)

Tài khoản tiền gửi của khách hàng bao gồm các tài khoản tiền gửi không kì hạn, tài khoản tiền gửi có kì hạn, tài khoản tiền gửi tiết kiệm, tài khoản vốn chuyên dùng... Các tài khoản tiền gửi được bố trí thành tiền gửi của khách hàng bằng đồng Việt Nam và bằng ngoại tệ.

Các tài khoản tiền gửi có kết cấu chung như sau:

Bên Có ghi: - Số tiền khách hàng gửi vào

Bên Nợ khi: - Số tiền khách hàng lấy ra

Số dư có: - Phản ánh số tiền của khách hàng hiện còn gửi ngân hàng

Đối với tài khoản tiền gửi thanh toán áp dụng kĩ thuật thấu chi (TK vãng lai) thì tài khoản này có thể dư Nợ, mức dư Nợ cao nhất bằng hạn mức thấu chi đã thoả thuận giữa ngân hàng và khách hàng.

Hạch toán chi tiết:

- Đối với tài khoản tiền gửi không kì hạn và tiền gửi chuyên dùng mở tài khoản chi tiết theo từng người gửi tiền.

- Đối với tài khoản tiền gửi có kì hạn mở tài khoản chi tiết theo từng món tiền gửi của khách hàng.



b. Tài khoản phát hành giấy tờ có giá (SH 43)

Tài khoản này dùng để phản ảnh tình hình phát hành giấy tờ có giá (GTCG) và thanh toán giấy tờ có giá của NHTM. Tài khoản này cũng dùng để phản ảnh các khoản chiết khấu, phụ trội khi phát hành giấy tờ có giá và tình hình phân bổ các khoản chiết khấu, phụ trội khi xác định chi khí đi vay tính vào chi phí kinh doanh của NHTM theo từng kì.

Khi hạch toán tài khoản 43 phải lưu ý một số nội dung:

- Khoản chiết khấu và phụ trội GTCG được xác định và ghi nhận ngay tại thời điểm phát hành GTCG. Sự chênh lệnh giữa lãi suất thị trường và lãi suất danh nghĩa sau thời điểm phát hành GTCG không ảnh hưởng đến giá trị khoản phụ trội hay chiết khấu đã xác định.

Do vậy khi hạch toán phát hành GTCG phải phản ánh chi tiết các nội dung có liên quan đến phát hành GTCG, gồm:

+ Mệnh giá giấy tờ có giá

+ Chiết khấu giấy tờ có giá

+ Phụ trội giấy tờ có giá

Đồng thời theo dõi chi tiết theo thời hạn phát hành GTCG. Ngoài sổ tài khoản chi tiết còn mở sổ theo dõi chi tiết từng loại GTCG (trái phiếu, kì phiếu, chứng chỉ tiền gửi) để quản lý phát hành và đối chiếu khi thanh toán.

- Theo dõi chiết khấu, phụ trội cho từng loại giấy tờ có giá phát hành và tình hình phân bổ từng khoản chiết khấu, phụ trội khi xác định chi phí đi vay vào chi phí kinh doanh theo từng kì.

- Trường hợp trả lãi trước GTCG (trả lãi ngay khi phát hành) thì số lãi hạch toán vào tài khoản “chi phí chờ phân bổ”, định kì sẽ phân bổ lãi trong kì vào chi phí.

- Trường hợp trả lãi khi đáo hạn GTCG (trả lãi sau) thì định kì phải tính lãi giấy tờ có giá phải trả từng kì để ghi nhận vào chi phí (lãi phải trả dồn tính trên GTCG)

- Khi lập báo cáo tài chính trên bảng cân đối kế toán trong phần nợ phải trả thì chỉ tiêu phát hành GTCG được phản ảnh trên c ơ sở thuần (xác định bằng giá trị GTCG theo mệnh giá trừ (-) chiết khấu GTCG cộng (+) phụ trội giấy tờ có giá).

Tài khoản cấp 1 số 43 được bố trí thành một số tài khoản cấp 2:

b1 - Tài khoản mệnh giá GTCG bằng đồng Việt Nam và bằng ngoại tệ (số hiệu 431 và 434).

Các tài khoản này dùng để phản ảnh giá trị GTCG phát hành theo mệnh giá khi NHTM đi vay bằng hình thức phát hành GTCG và việc thanh toán GTCG đáo hạn trong kì.

Kết cấu của TK 431 và 434:

Bên Có ghi: - Giá trị giấy tờ có giá phát hành theo mệnh giá trong kì

Bên Nợ ghi: - Thanh toán GTCG khi đáo hạn

Số dư Có: - Phản ảnh giá trị GTCG đã phát hành theo mệnh giá cuối kì

Hạch toán chi tiết: Mở tài khoản chi tiết theo thời hạn giấy tờ có giá

b2 - Tài khoản chiết khấu giấy tờ có giá bằng đồng Việt Nam và bằng ngoại tệ (SH 432 và 435)

Các tài khoản này dùng để phản ảnh chiết khấu GTCG phát sinh khi NHTM đi vay bằng hình thức phát hành GTCG có chiết khấu và việc phân bổ chiết khấu GTCG trong kì.

Kết cấu của tài khoản 432 và 435

Bên Nợ ghi: - Chiết khấu GTCG phát sinh trong kì

Bên Có ghi: - Phân bổ chiết khấu GTCG trong kì

Số dư Nợ: - Phản ảnh chiết khấu GTCG chưa phân bổ cuối kì

b3 - Tài khoản phụ trội giấy tờ có giá bằng đồng Việt Nam và bằng ngoại tệ (SH 433 và 436)

Các tài khoản này dùng để phản ảnh phụ trội GTCG phát sinh khi NHTM đi vay bằng hình thức phát hành GTCG có phụ trội và việc phân bổ phụ trội GTCG trong kì.

Kết cấu của tài khoản 433 và 436:

Bên Có ghi: - Phụ trội GTCG phát sinh trong kì

Bên Nợ ghi: - Phân bổ phụ trội GTCG trong kì

Số dư Có: - Phản ảnh phụ trội GTCG chưa phân bổ cuối kì

Hạch toán chi tiết: mở tài khoản chi tiết theo thời hạn phát hành GTCG.



c. Các tài khoản vay

Các tài khoản vay dùng để phản ảnh nguồn vốn vay của NHTM. Các tài khoản vay bao gồm: Vay NHNN bằng đồng Việt Nam và bằng ngoại tệ (SH 403 và 404); Vay các TCTD trong nước bằng đồng Việt Nam và bằng ngoại tệ (SH 415 và 416); vay các ngân hàng nước ngoài bằng đồng Việt Nam và bằng ngoại tệ (SH 417 và 418); vay chiết khấu và tái chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá (SH 419).

Các tài khoản vay có kết cấu chung:

Bên Có ghi: - Số tiền NHTM đi vay

Bên Nợ ghi: - Số tiền NHTM trả nợ

- Số tiền bị xử lí chuyển nợ quá hạn

Số dư Có: - Phản ảnh số tiền còn nợ NH khác

Hạch toán chi tiết: mở tài khoản chi tiết theo từng loại vay và theo từng NH cho vay



d. Tài khoản nhận tiền uỷ thác đầu tư cho vay bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ (SH 483 và 484)

Các tài khoản này dùng để phản ảnh số vốn uỷ thác, đầu tư, cho vay bằng đồng Việt Nam hay bằng ngoại tệ của Chính phủ, các tổ chức quốc tế và tổ chức khác giao cho ngân hàng để sử dụng theo các mục đích chỉ định.

Kết cấu của tài khoản 483 và 484:

Bên Có ghi: - Số vốn nhận được từ các tổ chức giao vốn

Bên Nợ ghi: - Số vốn đã thanh toán với tổ chức giao vốn (khi đã giải ngân cho khách hàng vay)

Số dư Có: - Phản ảnh số vốn nhận của các tổ chức giao vốn nhưng chưa giải ngân cho khách hàng

Hạch toán chi tiết: mở tài khoản chi tiết theo từng tổ chức giao vốn

e. Tài khoản lãi phải trả (SH 49)

Tài khoản này dùng để phản ảnh số lãi dồn tính (theo nguyên tắc cơ sở dồn tính) tính trên các tài khoản nguồn vốn (tiền gửi của khách hàng, tiền vay các tổ chức khác) mà NHTM phải trả khi đến hạn. Số lãi này đã hạch toán vào chi phí trong kì nhưng chưa trả cho khách hàng.

Tài khoản 49 có các tài khoản cấp 2: Lãi phải trả cho tiền gửi (SH 491); lãi phải trả về phát hành các GTCG (SH 492); lãi phải trả cho tiền vay (SH 493); lãi phải trả cho vốn tài trợ, uỷ thác đầu tư, cho vay (SH 494)

Tài khoản lãi phải trả có kết cấu chung:

Bên Có ghi: - Số tiền lãi phải trả dồn tính

Bên Nợ ghi: - Số tiền lãi đã trả

Số dư Có: - Phản ảnh số tiền lãi phải trả dồn tính, chưa thanh toán

Hạch toán chi tiết: mở TK chi tiết theo từng khoản tiền gửi và tiền vay



g. Tài khoản chi phí chờ phân bổ (SH 388)

Tài khoản này dùng để phản ảnh các chi phí thực tế đã phát sinh (như chi trả lãi trước) nhưng có liên quan đến kết quả hoạt động kinh doanh của nhiều kỳ kế toán và việc kết chuyển phân bổ các khoản chi phí này vào chi phí của các kì kế toán phù hợp với quy định của chuẩn mực kế toán.

Kết cấu của tài khoản 388 - Chi phí chờ phân bổ:

Bên Nợ ghi: - Chi phí chờ phân bổ (chi trả trước) phát sinh trong kỳ

Bên Có ghi: - Chi phí trả trước được phân bổ vào chi phí trong kỳ

Số dư Nợ: - Phản ảnh các khoản chi phí trả trước chưa được phân bổ

Hạch toán chi tiết: Mở TK chi tiết theo từng khoản chi phí trả trước chờ phân bổ.

2.1.3. Chứng từ

Nhóm chứng từ sử dụng cho nghiệp vụ huy động vốn khá phong phú, đặc biệt chứng từ dùng cho tài khoản tiền gửi thanh toán. Ngoài chứng từ giấy còn sử dụng chứng từ điện tử. Một số loại chứng từ sử dụng phổ biến là:

- Nhóm chứng từ tiền mặt: giấy nộp tiền, giấy lĩnh tiền, séc tiền mặt.

- Nhóm chứng từ thanh toán KDTM: séc chuyển khoản, séc bảo chi, uỷ nhiệm chi (lệnh chi), uỷ nhiệm thu (nhờ thu)...

- Nhóm chứng từ điện tử: Uỷ nhiệm chi điện tử, uỷ nhiệm thu điện tử, thẻ thanh toán...

- Các loại kì phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi.

- Các loại sổ tiết kiệm.

- Các loại hợp đồng tín dụng đi vay và nhận vốn

Các loại chứng từ này có liên quan đến việc nộp và lĩnh tiền từ tài khoản của khách hàng nên phải đảm bảo tính pháp lí cao, không sử dụng lẫn lộn các chứng từ. Trên chứng từ phải có đầy đủ chữ kí của khách hàng và ngân hàng theo chế độ chứng từ của ngân hàng. Một số loại phải bảo quản theo chế độ bảo quản chứng từ có giá như các loại séc, các loại GTCG, các loại thẻ tiết kiệm.


Каталог: uploads
uploads -> -
uploads -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
uploads -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
uploads -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
uploads -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
uploads -> Tác giả phạm hồng thái bài giảng ngôn ngữ LẬp trình c/C++
uploads -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
uploads -> TRƯỜng đẠi học ngân hàng tp. Hcm markerting cơ BẢn lớP: mk001-1-111-T01
uploads -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 8108 : 2009 iso 11285 : 2004
uploads -> ĐỀ thi học sinh giỏi tỉnh hải dưƠng môn Toán lớp 9 (2003 2004) (Thời gian : 150 phút) Bài 1

tải về 2.26 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương