NHÌn lạI “BÁo cáo vắn tắt về tiếng an nam hay đÔng kinh” CỦa alexandre de rhodes về VẤN ĐỀ chữ VÀ VẦN


Chữ các dân tộc thiểu số ở Bình Định



tải về 0.96 Mb.
trang10/12
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích0.96 Mb.
#9892
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   12

3. Chữ các dân tộc thiểu số ở Bình Định

3.1. Chữ Chăm

3.1.1. Chữ Chăm cổ truyền

Chữ Chăm cổ truyền được dùng lâu đời ở Ninh Thuận, Bình Thuận và Nam Bộ.  Chữ Chăm cổ có gốc từ chữ Nam Ấn Độ cổ (Brahmi), bắt nguồn trực tiếp từ chữ Brahmi Nam Ấn Độ cổ. Tài liệu sớm nhất về Chăm Pa là tấm bia Võ Cạnh (nay là Nha Trang) khoảng thế kỷ II hoặc thế kỷ III sau Công nguyên. Như vậy từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ VIII, cùng với sự phát triển nhà nước Chăm Pa, chữ Chăm đã dần dần phát triển.

Chữ Chăm có các dạng khác nhau. Dạng akhar hayap là chữ trên bia. Loại chữ này có một số biến thể nhưng sự khác nhau không lớn. Dạng akhar rik có nghĩa chữ thánh cũng có thể gọi là chữ hoa, vì dạng chữ này thường sử dụng ở đầu câu trong các văn bản thời cận đại. Đó là akhar yok “chữ bí ẩn”, akhar atwơr “chữ tắt, chữ treo”, và akhar kalimưng “chữ viết tháu, chữ con nhện”. Akhar thrah là dạng chữ thông dụng. Dạng này lại có những biến thể - thay đổi nét chữ theo hướng đơn giản, hay cách điệu.

Ngoài hệ thống akhar thrah, dân tộc Chăm còn sử dụng các loại chữ viết khác như: chữ Brahmi, chữ Jawi. Người Chăm vùng Ninh Thuận và Bình Thuận đề cao việc dùng chữ akhar thrah. Người Chăm ở Nam Bộ hiện chỉ dùng chữ Chăm jawi.

Chữ Chăm cổ được ghi lại trên các bia, các văn bản bằng lá gồi còn được lưu giữ trong đồng bào Chăm. Các văn bản này ghi chép văn học dân gian, tôn giáo, khoa học huyền bí, lịch sử, xã hội và các mặt khác của xã hội Chăm.

3.1.1. Chữ Chăm “mới”

Hiện nay, người Chăm Hroi ở Phú Yên, Bình Định không biết đến cả akhar thrah jawi, mong muốn có chữ Chăm La Tinh (Akhar Latinh)…  

Trước đây, một số học giả trong và ngoài nước đề xuất các phương án La Tinh hoá chữ Chăm. Từ đầu thế kỉ 20, Aymonier đưa ra một bộ chữ phiên âm Chăm trong Từ điển Chăm - Pháp (1906). Sau này, linh mục Moussey cũng đề nghị  một hệ thống phiên âm La Tinh tiếng Chăm. Trước năm 1975, một bộ chữ phiên âm trên cơ sở cách phiên âm của Aymonier, Moussey… đã được dùng để soạn sách học tiếng Chăm áp dụng từ 1969 đến 1975. Sau năm 1975, một số phương án La Tinh hóa chữ Chăm được đưa ra: phương án trong  Từ điển Chăm - Việt (1995) và Từ điển Việt - Chăm (1996) do Bùi Khánh Thế chủ biên; phương án của Po Dharma, của nhóm Biên soạn sách Chăm, của Abdullah Nguyễn Văn Mạch, của K'Sor Nut (2000). Cuốn Từ điển Chăm – Việt – Anh, Việt – Chăm – Anh (2014) của Sakaya và nhóm tác giả vừa có chữ Chăm cổ vừa có chữ Chăm “mới”…

Năm 2005, Sở Khoa học và Công nghệ (Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định) và Viện Ngôn ngữ học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) hợp tác thực hiện. đề tài "Xây dựng và hoàn chỉnh chữ viết, biên soạn sách phục vụ dạy và học tiếng Ba na Kriêm, Hrê, Chăm Hroi ở Bình Định", Trong cuốn Ngữ vựng đối chiếu Việt – Hroi và Hroi – Việt; Sách học tiếng Hroi có sử dụng hệ thống chữ Chăm theo hệ La Tinh. Sau đây là một đoạn hội thoại trong Sách học tiếng Hroi:

- Wa cheang plầi aya? Bác muốn mua gì ạ ?

- Ha beq lơpừc, toà beq tàu chòng. Một dao rựa, hai dao phát.

- Beq ani xoh hluồq.  Mlih beq atềh! Cái này không sắc. Đổi cái kia.

- Beq anưn chừng kaq? Cái này được chưa ?

- Chừng ploh. Được rồi.

- Wa cheang plầi aya tưng? Bác muốn mua gì nữa không ?

- Tơl ploh. Tưm chền? Đủ rồi. Bao nhiêu tiền ?

- Paq apluh toà chơman. Bốn mươi hai ngàn…   



3.2. Chữ Ba Na

Chữ Ba Na là một trong số chữ viết theo hệ La Tinh, được các học giả Pháp trong trường Viễn Đông bác cổ xây dựng từ trước năm 1945 (cùng chữ Ê Đê, Gia Rai, Cơ Ho). Có tài liệu cho rằng từ năm 1861. Đây là chữ đã được các giáo sĩ sử dụng để truyền giáo, dịch kinh thánh. Nó được hoàn thiện dần và có nhiều biến thể mang tính chất địa phương hoặc cá nhân.

Tư  năm 1957, tổ chức SIL bắt đầu hoạt động ở miền Nam Việt Nam. Trong những năm đầu thập kỉ 70, họ cũng tiến hành chương trình giáo dục song ngữ. Theo Marilin Gregeson, trong thời gian này đã có tài liệu dạy song ngữ cho các dân tộc: Bru, Chu Ru, Cơ Ho, Ê Đê, Mơ Nông, Nùng (di cư), Ra Glai, Rơ Ngao, Xơ Đăng, Stiêng, Thái (di cư), Cơ Tu, Mường, Ba Na, Hroi.

Trong các tài liệu nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ và Viện chuyên khảo ngữ học mùa hè (Summer Institute of Linguistics – viết tắc là SIL) trước đây thực hiện, chữ Ba na đã được dùng để thể hiện phần tiếng Ba na. Những tên sách và bài báo như thế là: Dictionaire Bahnar – Francais (1889); Bahnar Dictionary (1979); Ngữ vựng Ba Nar Gơlar ở Pleiku (1962); Bahnar affixation (1964); Bahnar word classes (1965) v.v..

Trong các tài liệu giảng dạy được viết bằng chữ Ba na đã được xuất bản gần đây, có thể đọc thấy các tên sách: Bahnar, Lăm pơtơm pơhrăm (1962); Bai pơhrăm nơr Bahnar Kontum (1974); mon tơdrong Bahnar sơ ki (1971); Pơhrăm byâng Bahnar, lăm mônh (1987); Nâr Bahnar, sâp 1 (1991); Nâr Bahnar, sâp 2 (1989); Nâr Bahnar, sâp 3 (1990)…

Với đề tài "Xây dựng và hoàn chỉnh chữ viết, biên soạn sách phục vụ dạy và học tiếng Ba na Kriêm, Hrê, Chăm Hroi ở Bình Định" (2015), trong tập Ngữ vựng đối chiếu Việt –Ba Na và Ba Na – Việt; Sách học tiếng Ba Na có sử dụng hệ thống chữ Ba Na để ghi tiếng Ba Na Kriêm. Sau đây là một đoạn hội thoại trong trong Ngữ vựng đối chiếu Việt –Ba Na và Ba Na – Việt:



                            B

ba

chúng ta - hai người

bah (rok đak)

xuôi (dòng nước)

bak

nệm, đệm

bal

ruộng

băh krong

cuối sông

be

đi

beng

khoác, đeo

bia, bak

vàng, bạc

bih

chúng mày - hai người

(muh) bip

(mũi) tẹt

bi

không

bloch

vuốt, vuốt ve

bloch ti

xoa tay

blơng khơng

đàn “bơ-lơng khơng”

blơ (hơđang, pơcheng)

lật (ngửa, nghiêng)…

3.2. Chữ Hrê

Trong một số tài liệu, có phản ánh là trong cộng đồng người Hrê còn lưu giữ được thứ tiền văn tự cổ sơ nhất, là "văn tự thắt gút" bằng các gút dây buộc thắt (để đếm).

Người Hrê đã có chữ theo hệ chữ la - tinh do Viện Ngôn ngữ học mùa hè (Summer Institute of Linguistic – SIL) xây dựng từ trước năm 1975 (khoảng 1958 đến 1969). Trên cơ sở đó đã có một số ấn phẩm về ngữ pháp và ngữ vựng theo phương án chữ viết của SIL. Một số sách giáo khoa giáo dục song ngữ đã được biên soạn trên cơ sở chữ này. Tuy nhiên, có thể do những nghiên cứu biên soạn này về tiếng Hrê chưa có điều kiện phổ biến, nên ít người biết rõ về chữ này.

Theo lời kể lại của những người già, trong thời gian kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, một số cán bộ người Kinh và người Hrê đã cố gắng tạo ra chữ viết Hrê để làm tài liệu tuyên truyền và đã tiến hành dạy –học chữ. nhưng quá trình này chưa có kết quả rõ rệt.

Sau giải phóng, tập thể các ông Đinh Văn Bay, Đinh Xuân Trâm và Đinh Văn Lâm (trí thức của dân tộc Hrê) đã soạn thảo ra một bộ chữ khác, nhưng đến nay rất ít người được biết.

Với đề tài "Xây dựng và hoàn chỉnh chữ viết, biên soạn sách phục vụ dạy và học tiếng Ba na Kriêm, Hrê, Chăm Hroi ở Bình Định", cuốn Bôq chù Hrê Bình Đình (Bộ chữ Hrê Bình Định) của các tác giả Tạ Văn Thông, Đinh Văn Thành (đã xuất bản năm 2008 ở Bình Định) có sử dụng chữ này:

NUI HATÙÔNG

- Voac vroq kleq meh?

- Au koh kala tanh ro, tanh kadong.

- Màng e heh? Tanh ro tanh kadong hìêq sa ùh?

- Hìêq sa ùh heh? Ùh ni vroq thi sa, raviêq thi ùh sa.

- Voac tanh toq leq toq?

- Hì hnèh au tanh gêh piq toq. Hì kô vù tanh jah vaiq toq. Au jêq tanh tam mòiq pom hùm. Tàng màng e padìq toq leq toq?

- Padìq padàng hràu toq. Voac tanh vàc màng e lòiq vroq kleq?

- Kadong do lòiq bop mau. Ma meh lòiq hachiq. Piq toq ma tau lòiq pòq loang ùnh, pòq plòi deac…

TRÒ CHUYỆN

- Ông làm gì thế ạ?

- Ông chặt tre đan gùi, đan “kađong”.

- Vậy à? Đan gùi đan “kađong” có khó không ạ?

- Khó không à? Không biết làm thì khó, khéo tay thì không khó.

- Ông đan mấy cái?

- Hôm qua ông đan được ba cái. Hôm nay vừa đan được hai cái. Ông sắp đan thêm một cái nữa. Như thế tất cả là mấy cái?

- Tất cả là sáu cái. Ông đan nhiều thế để làm gì?

- “Kađong” đây để lúa bắp. Cái này để rau. Ba cái kia để cõng củi, cõng bầu nước…

4. Mối quan hệ giữa chữ QN và chữ viết các dân tộc thiểu số ở Bình Định

4.1. Nhận xét chung

- Trước hết, có thể thấy chữ QN và chữ viết các DTTS ở Bình Định có điểm tương đồng: Chúng đều là những phương tiện để ghi tiếng nói (hay lời nói), trên cơ sở đó có thể giữ gìn và phát triển tiếng mẹ đẻ của các dân tộc bằng cách không cho “lời nói gió bay”, hình thành ngôn ngữ văn học, biên soạn các loại sách khác nhau trong đó có các sách công cụ và tài liệu dạy-học, dùng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống… Những điểm tương đồng khác: Chúng đều là chữ ghi âm; đều được tạo ra và sử dụng trước hết trong tôn giáo; trải qua những bước đường gập ghềnh trong truyền bá và sử dụng, cải cách và cải tiến, hoàn thiện; không kể chữ Chăm cổ truyền tự dạng Sanscrit, các hệ chữ khác và QN đều có tự dạng là La Tinh. Tự dạng, quá trình truyền bá cũng như sử dụng của chữ Chăm cổ truyền của nó hiện nay gợi nhớ đến chữ Hán, chữ Nôm của người Việt trước đây (chữ này sẽ không được nhắc đến nữa, vì nó không được dùng trong đồng bào người Chăm (Chăm Hroi) ở Bình Định).

- Sự khác biệt giữa chữ QN và các hệ chữ tự dạng La Tinh ở Bình Định ở nhiều khía cạnh khác nhau: vị thế (chữ QN là chữ viết ghi tiếng Việt – ngôn ngữ quốc gia, chữ các DTTS ghi tiếng mẹ đẻ của các dân tộc này, chủ yếu dùng trong nội bộ cộng đồng); thời điểm ra đời (chữ QN ra đời từ thế kỉ 17; chữ các DTTS ra đời vào thế kỉ 20, khi Ngôn ngữ học đã đạt tới trình độ cao và những người sáng tạo ra chúng có tính chuyên nghiệp); cách thức truyền bá và sử dụng (chữ QN là được dạy và học trong nhà trường, được sử dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống, mang tính chế định cao; chữ các DTTS được truyền bá và sử dụng hạn chế, chủ yếu mang tính tự phát).

4.2. Trong mối quan hệ với chữ QN, có cần thiết xây dựng, tuyền bá và sử dụng chữ viết các dân tộc thiểu số, hay không?

Đối với các DTTS, tiếng Việt là ngôn ngữ chung, chữ QN là phương tiện để học tiếng Việt và nắm bắt các tri thức văn hóa khác. Chữ QN (và tiếng Việt nói chung) tạo nên sự thống nhất trong một quốc gia, tạo cơ hội cho học vấn và sự mưu sinh. Cũng đối với các DTTS, tiếng mẹ đẻ và chữ viết của riêng họ có vai trò không hoàn toàn như vậy.

Chúng ta đều biết rằng, đối với một dân tộc, ngôn ngữ không chỉ là công cụ để giao tiếp, mà còn vừa là yếu tố cấu thành văn hoá vừa là phương tiện để phát triển thành các hình thái quan trọng nhất đối với đời sống văn hoá tinh thần, những hình thái góp phần hình thành nên bản tính của một dân tộc. Theo nghĩa ấy, một ngôn ngữ chưa có chữ viết khó hình thành ngôn ngữ văn học, khó có được vai trò tích cực trong việc làm nên những thành tựu văn hoá cũng như bảo tồn, kế thừa và phát triển chúng. Về nguyên tắc, dân tộc nào cũng nên có chữ viết và cũng cần học tập để nắm bắt được những kiến thức, các kĩ năng thực hành ngôn ngữ của dân tộc mình như một yếu tố văn hoá.

Nhờ những tính chất đặc thù của nó (tính chất phi hoàn cảnh hoá, có khả năng phản ánh sâu và rộng trong thời gian và không gian...), trong hoàn cảnh cụ thể của một số dân tộc ở nước ta hiện nay, nó có thể dùng làm phương tiện để tăng cường sự cố kết trong nội bộ một dân tộc; bảo tồn, kế thừa và phát triển văn hoá của dân tộc ấy (trong đó có ngôn ngữ của họ). Đồng thời, chữ viết còn giúp các dân tộc khác nhau hiểu biết hơn về nhau, đặc biệt giúp thực hiện Quyết định số 53 - CP (22/2/1980) về chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số, Chỉ thị 38/2004/CT-TTg về việc đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ công chức công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cần lưu ý: Mặc dù tiếng Ba Na, Hrê và Chăm rất gần với tiếng Việt về mặt loại hình, các ngôn ngữ này vẫn có nhiều các đặc điểm riêng biệt, nhất là về mặt ngữ âm – cơ sở của chữ viết. Vì thế không thể dùng chữ QN để ghi các ngôn ngữ này được. Nói cách khác, chữ QN không ghi được tiếng Ba Na, Hrê và Chăm.

4.3. Những yêu cầu đối với chữ viết các dân tộc thiểu số

Ở nước ta hiện nay có tình hình là các hệ chữ viết của các dân tộc thiểu số được xây dựng ở các thời kì khác nhau, theo mục đích, nguyên tắc, và cơ sở tự dạng khác nhau. Ngay cả các chữ viết dựa trên tự dạng La Tinh cũng khác nhau về nguyên tắc, về cách biểu thị các âm, các thanh. Một số dân tộc có hai, ba kiểu chữ tự dạng La Tinh khác nhau. Gần đây, sự khác biệt giữa các chữ viết DTTS tự dạng La Tinh càng thêm tăng, khi từng địa phương hay cá nhân sửa đổi, chế tác chữ viết cho các dân tộc ở địa phương mình. Trong tình hình như vậy, việc xác định các nguyên tắc chung để chế tác hay sửa đổi, cải tiến chữ viết là cần thiết.

Một số yêu cầu cơ bản đối với chữ viết các DTTS theo hệ La Tinh ở nước ta, trước hết ở địa phương Bình Định là:

1/ Chữ viết của một dân tộc cần phản ánh đúng và đầy đủ những đặc điểm của ngôn ngữ, đảm bảo cho người bản ngữ và các dân tộc khác dễ học, nhanh chóng nắm được cách viết, cách đọc. Đảm bảo thống nhất và có hệ thống trong việc ghi các âm tố có tính đến những đặc thù của các ngôn ngữ, tránh những kí hiệu bổ sung không cần thiết.

2/ Để người DTTS dễ dàng học chữ QN, tiếng Việt và các ngôn ngữ láng giềng khác, cũng như ngược lại, chữ viết của một dân tộc cần phải gần gũi với chữ QN (về tự dạng và các kí hiệu, các quy định chính tả), cố gắng giữ lại những ưu điểm, tránh đi những bất hợp lí của chữ QN.

3/ Sáng tạo ra một bộ chữ (cả đối với chữ QN và chữ các DTTS), dù không đơn giản, cũng dễ dàng hơn rất nhiều so với việc tạo điều kiện cho nó “sống được”, tức là truyền bá và đưa nó vào sử dụng trong đời sống (trao cho nó những chức năng xã hội).



5. Xin kết thúc bài viết này bằng một câu đã được Phạm Quỳnh nhắc đến từ năm 1930, của tác giả René Gillouin (trong cuốn sách nhan đề “Từ Alsace đến Flandre: tính thần bí ngôn ngữ học”):

Đối với một dân tộc, mất tiếng mẹ đẻ ngang với mất linh hồn” [13, tr.468].



THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Alexandre de Rhodes (1991), Từ điển Annam – Lusitan – La tinh, Nxb Khoa học Xã hội, H.

2. Alexandre de Rhodes (1993), Phép giảng tám ngày, Nguyễn Khắc Xuyên giới thiệu, Tủ sách Đại Kết.

3. Alexandre de Rhodes (1994), Hành trình và truyền giáo, Bản Việt ngữ của Hồng Nhuệ, Ủy ban đoàn kết công giáo TP Hồ Chí Minh, Tủ sách Đại Kết.

4. Aymonier and Antoine Cabaton [1906], Dictionnaire cham - fanais, BEFEO 7, Paris, Leroux.

5. Cabaton, Antoine (1901), Nouvelles recherches sur les Chams, Publications de L' Ecole Fanais D' Extrême-Orient, Volume II.

6. Hoàng Thị Châu (1987), Hệ thống thanh điệu tiếng Chăm và cách kí hiệu, Ngôn ngữ số 1 - 2.

7. Đỗ Quang Chính (1972), Lịch sử chữ Quốc ngữ: 1620 – 1659, Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn.

8. Maspero, Georges (1928), Le Royaume de Champa. Paris and Brussels.

9. Moussay, Fr. Gérard (1971), Dictionnaire Cam-Vietnamien-Franais. Phan Rang: Centre Culturel Cam.

10. Hoàng Phê (2008), Tuyển tập ngôn ngữ học, Nxb Đà Nẵng.

11. Pierre Pigneaux de Béhaine (1999), Tự vị Annam latinh 1772 -1773, Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, Nxb Trẻ.

12. Phạm Quỳnh (1923), Chữ Quốc ngữ cổ, Nam Phong số 74.

13. Phạm Quỳnh (2007), Tiểu luận (viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 – 1932), NXB Tri thức, H.

14. Sakaya và nhóm cộng tác (2014), Từ điển Chăm – Việt – Anh, Việt – Chăm –Anh, Nxb Tri thức, Tp Hồ Chí Minh.

15. Sở khoa học Công nghệ Bình Định - Viện Ngôn ngữ học (2005), Xây dựng và hoàn thiện chữ viết, biên soạn sách học tiếng Ba Na Kriêm, Hrê, Chăm Hroi ở Bình Định, Đề tài khoa học cấp Tỉnh (nghiệm thu năm 2005).

16. Lý Toàn Thắng – chủ nhiệm đề tài (2006), Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam – Viện Ngôn ngữ học.

17. Bùi Khánh Thế (1995), Từ điển Chăm - Việt. Nxb Khoa học Xã hội, H.

18. Bùi Khánh Thế (1996), Từ điển Việt - Chăm. Nxb Khoa học Xã hội, H.

19. Thomas, Ernest Wilson Lee, and Dang Liem Nguyen (1977), Papers in South East Asian Linguistics. No. 4. Chamic Studies. Canberra: Pacific Linguistics. Series A, No.48.

20. Tạ Văn Thông, Đinh Văn Thành (2008), Bôq chù Hrê Bình Đình (Bộ chữ Hrê Bình Định), Hà Nội - Bình Định.

21.Thurgood (1993), Phan Rang Cham and Utsat: tonogenetic themes and variants. Tonality in Austronesian languages, Edited by Jerry Edmondson and Ken Gregerson. Oceanic Linguistics

22. Hoàng Tiến (1994), Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỉ 20, Nxb Lao động, H.

23. Lê Ngọc Trụ (1961), Chữ Quốc ngữ từ thế kỉ XVII đến cuối thế kỉ XIX, Khảo cổ tập san.

24. Hoàng Tuệ (2008), Tuyển tập ngôn ngữ học, Nxb Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh.

25. Nguyễn Khắc Xuyên (1959), Nguồn gốc chữ Quốc ngữ, Văn hóa nguyệt san số 42.

26. Nguyễn Khắc Xuyên (1993), Alexandre de Rhodes và sự hình thành chữ Quốc ngữ, Công giáo và dân tộc số 11.

Địa chỉ liên hệ

Tạ Văn Thông, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam

36 – Hàng Chuối, Hà Nội Mobile: 0902283612 Mail: tavanthong1955@gmail.com

---------------------------------------------------------------------------------
CHỮ QUỐC NGỮ

VÀ MÔI TRƯỜNG BÌNH ĐỊNH

Petrus Paulus Thống


Chữ Quốc Ngữ (CQN) là đề tài được đề cập nhiều lần, được bàn luận dưới nhiều khía cạnh, thậm chí được đánh giá theo nhiều quan điểm khác nhau. Nhưng ai cũng phải thừa nhận, vì thực tế là như thế, CQN rất tiện dụng, hữu ích, cần thiết và nhất là độc đáo. Chính vì thế gần đây nguồn gốc CQN lại được nêu ra. Trong đó vấn đề ông tổ của CQN được xét lại. Ai mới là cha đẻ thật sự của CQN? Gốc gác của CQN là Pháp, là Ý, hay là Bồ Đào Nha? Cái nôi của CQN là đâu? Nơi phôi thai của CQN là Cửa Hàn, Hội An, Thành Chiêm, Sở Kiện, Kẻ Sở, hay Nước Mặn? Vì sao hôm nay lại có cuộc hội thảo với đề tài BÌNH ĐỊNH VÀ CHỮ QUỐC NGỮ này? Để khỏi lạc đề chúng tôi nêu lên ở đây một khía cạnh của đề tài. Đó là CHỮ QUÔC NGỮ VÀ MÔI TRƯỜNG BÌNH ĐỊNH. Con người sống trong môi trường trái đất. CHỮ QUỐC NGỮ đã từng ở trong MÔI TRƯỜNG BÌNH ĐỊNH.

Chúng tôi giới hạn MÔI TRƯỜNG BÌNH ĐỊNH trong khoảng thời gian từ năm 1615 đến năm 1945. Và trong môi trường này chúng tôi chỉ đề cập đến ba lãnh vực:

- CON NGƯỜI, những con người có liên hệ đến CQN.

- NƯỚC MẶN, cư sở Truyền Giáo của Dòng Tên.

- NHÀ IN LÀNG SÔNG, còn có tên NHÀ IN QUI NHƠN.

Và để dẫn nhập chúng tôi sẽ tóm lược vấn đề NGUỒN GỐC CQN.

Về vấn đề NGUỒN GỐC CQN, có người khẳng định ông tổ của CQN, Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), là người Pháp, rõ ràng tên ông ta là tiếng Pháp, và đúng ngay giai đoạn Thực dân Pháp đang khống chế nước ta, CHỮ NÔM lại “chìm nghỉm” ngay trong thời kỳ này; đương nhiên là có sự trợ lực của Thực dân Đế quốc. Lại thêm chuyện của Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) nữa. Vậy CQN là công cụ của Thực dân Pháp. Người Công giáo lại bị chụp mũ, bị kết án. Đơn giản là thế! Nhưng rõ ràng Đông Kinh Nghĩa Thục cổ động mạnh nhất, rầm rộ nhất phong trào học CQN. Có điều ít người biết hoặc không chịu biết là CQN ban đầu chỉ là chuyện nội bộ của người Công giáo. Trước tiên, việc sáng tạo ra CQN là để các vị thừa sai dùng cho dễ; chỉ “lưu hành nội bộ” thôi. Chữ Nôm khó học, khó viết, muốn học Chữ Nôm, trước phải học Chữ Hán, Chữ Nôm lại “khổ đọc”, phần lớn là phải “đọc đoán mò”. Sau rồi CQN mới được dùng cho việc in ấn sách vở kinh kệ của người Công giáo. Thực dân Pháp nắm lấy và khai thác công cụ CQN là việc của họ; không hề có một thỏa thuận nào với người Công giáo. Một điều nữa, ai cũng biết, trong khi sách vở kinh kệ Công giáo in bằng CQN đang thịnh hành thì sách vở kinh kệ Công giáo in bằng Chữ Nôm vẫn tiếp tục được in ấn song hành. Không vì lý do gì lại bảo người Công giáo mà cụ thể là CQN đã đẩy Chữ Nôm vào “cõi chết”. Nếu cuốn “Dictionarium Annamiticum Lusitanum Latinum” của Alexandre de Rhodes chỉ có CQN, thì cuốn “Dictionarium Anamitico Latinum” của Pigneau de Béhaine và cuốn “Dictionarium Anamitico Latinum” của Jean Louis Taberd có Chữ Nôm in ấn rất đẹp và “bền vững”, nhất là cuốn của J.L.Taberd. Ngoài ra toàn bộ các sách của Girolamo Majorica viết bằng Chữ Nôm. Trước đây những nhà in ở Tây Đàng Ngoài như Kẻ Sở, Phúc Nhạc đều phân biệt rõ ràng những sách Chữ Nôm Annam, tức loại Chữ Nôm chúng ta đề cập ở đây, với những sách Chữ Nôm La tinh, tức Chữ Quốc Ngữ. Có thể nói người Công giáo đã “bảo tồn” Chữ Nôm rất kỹ. Còn việc Chữ Nôm bị mai một là do tính “khổ học”, “khổ đọc” của nó, trong khi CQN thì ngược lại.

Một khía cạnh khác. Việc La tinh hóa các hệ thống chữ viêt không dùng mẫu tự La tinh đã trở thành thông dụng và được xem như “truyền thống” của các thừa sai Dòng Tên. Các vị thừa sai này khi đến truyền giáo ở một nơi xa lạ nào thì đầu tiên hết là học ngôn ngữ của địa phương đó và La tinh hóa các hệ thống chữ viết ở đó để tiện dùng trong việc truyền giáo, đồng thời tiến hành soạn từ điển và ngữ pháp ngôn ngữ của địa phương sở tại. Các từ điển và ngữ pháp thường căn cứ theo mẫu các sách từ điển và ngữ pháp của tiếng La tinh. Thời kỳ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII lúc bấy giờ Dòng Tên Tỉnh Dòng Nhật Bản bị chi phối bởi Bồ Đào Nha nên việc La tinh hóa và soạn từ điển và ngữ pháp đương nhiên chịu ảnh hưởng sâu đậm ngôn ngữ, chữ viết Bồ Đào Nha. Dĩ nhiên cũng có ảnh hưởng phần nào của các ngôn ngữ khác như Ý, Pháp, vì các vị thừa sai không phải tất cả đều là người Bồ Đào Nha; cũng có những vị là người Ý, người Pháp, nhưng có điều chắc chắn là các vị không phải người Bồ Đào Nha đó đều rành tiếng Bồ Đào Nha. Trường hợp Việt Nam, việc La tinh hóa chữ viết, có thể nói được là đi sau, học tập hai “đàn anh” Tamil và Nhật Bản. Từ năm 1578, 1579, 1586 Thừa sai Dòng Tên Henrique Henriques (1520-1600) người Bồ Đào Nha đã La tinh hóa hệ thống chữ viết Tamil và đã xuất bản những sách như: THAMBIRAN VANAKKHAM (DOCTRINA CHRISTAM EN LINGUAR TAMUL), KIRISITHIYAANI VANAKKHAM, FLOS SANCTORUM. Đặc biệt ông đã xuất bản cuốn Ngữ pháp tiếng Tamil ARTE MALAUAR và cho lưu hành nội bộ một cuốn Từ vựng Tamil Bồ Đào Nha. Nhưng có thể nói người có ảnh hưởng trực tiếp và trở thành mẫu mực cho các thừa sai Dòng Tên ở Việt Nam trong việc La tinh hóa chữ viết và làm những cuốn Ngữ pháp và Từ điển chính là Thừa sai Dòng Tên người Bồ Đào Nha João Rodrigues (1558-1634). Cụ thể ông đã La tinh hóa hệ thống chữ viết Nhật Bản và xuất bản cuốn Từ vựng Nhật-Bồ Đào Nha VOCABULARIO DA LINGOA JAPAM (năm 1603) với khoảng 30000 mục từ và cuốn Ngữ pháp tiếng Nhật ARTE DA LINGOA DE JAPAM DIUIDIDA EM TRES LIVROS (năm 1604). Như vậy chữ viết Tamil cùng với chữ viết Nhật Bản đã được La tinh hóa hoàn chỉnh từ rất sớm nhưng cũng sớm đi vào quên lãng. Một dẫn nhập dài dòng nhưng cần thiết để thấy sự độc đáo và hi hữu của CQN.



Thật vậy, CQN ở Việt Nam cũng do các vị Thừa sai thuộc Dòng Tên Tỉnh Dòng Nhật Bản (lúc ấy tập trung ở Macao) nghĩ ra, theo cùng một mô thức, nhắm cùng một mục đích, đã trường tồn tốt đẹp mãi đến ngày nay do những yếu tố khách quan nhưng chủ yếu do những yếu tố chủ quan. Chủ quan ở đây chúng tôi muốn hiểu theo chiều hướng chủ động tích cực. Phải khẳng định CQN là một công trình tập thể. Nói Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) là cha đẻ, là ông tổ của CQN, đó chỉ là một cách nói thông dụng, phổ thông, tiện dụng. Đắc Lộ là người “tập đại thành” CQN. Tuy nhiên cách thức này cũng khẳng định vai trò của Đắc Lộ. Gần đây có ý kiến cho rằng Đắc Lộ chỉ có công “chép” lại những cuốn tự vị, từ điển của hai vị thừa sai Dòng Tên khác là Gaspar d’Amaral (1592-1645/1646), với cuốn “Diccionario da Lingua Annamitica” và cuốn “Diccionario amanita-portugues-latim” và Antonio Barbosa (1594-1647), với cuốn “Diccionario portugues-anamita”. Thực tế thì những cuốn trên đã bị thất lạc mất rồi. Ngày nay chúng ta chỉ nghe nói thế hoặc biết qua một tài liệu nào đó. Thật ra công việc soạn từ điển là một công việc tập thể, thường người đi sau dựa theo công trình của người đi trước hoặc người khác, hoặc là công việc của nhiều người cộng tác, người đứng tên tác giả chẳng qua là người chủ biên mà thôi. Ngoài ra nếu đem so sánh các cuốn trên, nếu có thể so sánh được, với cuốn “Dictionarium Annamiticum Lusitanum Latinum” (năm 1651) của Đắc Lộ thì sẽ thấy cuốn từ điển của Đắc Lộ đồ sộ hơn nhiều, hoàn chỉnh hơn. Đó là chưa nói đến công sức của một người khi làm cuốn từ điển không ở Việt Nam, không có sự góp công góp sức của các cộng tác viên người Việt. Phải công nhận công sức và tài năng của Đắc Lộ thôi. Không gì bằng thực tế trước mắt! Trước đó chưa ai làm được một cuốn từ điển CQN như vây. Và mãi 187 năm sau mới có một cuốn từ điển khác vượt qua được. Đó là cuốn “Dictionarium Anamitico-Latinum” (năm 1838) của J.L.Taberd.

Đắc Lộ là một người liên hệ đến CQN, nhưng Đắc Lộ không được xem là “NGƯỜI BÌNH ĐỊNH” (NBĐ). Đắc Lộ chỉ là học trò của một NBĐ, một NBĐ rất đặc biệt. Đó chính là vị thừa sai Dòng Tên gốc gác Bồ Đào Nha Francisco de Pina (1585-1625). Vị này đến Hội An năm 1617. Khoảng giữa năm 1618 ông đi Nước Mặn, rồi khoảng đầu năm 1620 về Hội An, có thể đầu năm 1621 lại đi Nước Mặn, rồi bỏ Nước Mặn về Hội An cuối năm 1621, sang năm 1623 đi lập cư sở Thành Chiêm (Cacciam). Từ năm 1617 đến giữa năm 1618 Pina phải sống lén lút ở Hội An với người Nhật, ông không có thì giờ, không có điều kiện, không có tâm trí nào để học tiếng Việt. Một năm rưỡi sau đó ở Nước Mặn mới là thời gian và môi trường để ông học tiếng Việt. Ông đã học tiếng Việt với ai chúng ta không biết được. Lúc bấy giờ không có nhu cầu học tiếng Việt, người ta chỉ học chữ Hán mà thôi cho nên không có sách vở dạy tiếng Việt. Vì thế ông chỉ còn mỗi một cách tự học bằng cách “học lóm” hoặc lân la tiếp xúc với người chung quanh. Có một người có thể day ông là Augustinô, cậu thanh niên đã trở lại đạo và được rửa tội ở Hội An mà Francesco Buzomi đã đưa về Nước Mặn cùng với ông. Nhưng Augustinô lại bận giúp việc cho Cha Buzomi, ngoài việc làm thông ngôn cho Cha Buzomi, anh ta còn phải học, học các “lẽ đạo”, học tiếng Ý, tiếng Bồ với Cha Buzomi, và học với gia sư người Việt. Trong một bức thư, một bản nháp đã đươc chép lại thì đúng hơn, Pina viết rằng Augustinô, anh thông ngôn của Cha Buzomi đã học về ngôn ngữ và các giáo phái; nhằm mục đích này Cha Buzomi đã mướn một gia sư dạy anh ta, và bây giờ anh ta là ngôi sao tại Pulo Cambi. Phải thừa nhận Pina là tài năng hiếm có, vì đến năm 1620 Pina đã nổi tiếng là vị thừa sai duy nhất có thể giảng mà không cần đến thông ngôn (jurubaca). Năm 1620 Pina về Hội An, nhưng đầu năm 1621 lại về Nước Mặn để rồi cuối năm mới rời Nước Mặn. Chúng tôi nghĩ rằng Nước Mặn vẫn luôn là “hậu phương lớn” của Pina. Vì ở đó có thầy của ông, cha Buzomi, thầy về thần học trong khoảng thời gian ông học ở Macao, thầy về truyền giáo lúc bấy giờ. Trước đây các nhà nghiên cứu, các sử gia Giáo Hội Công giáo đã từng lưu ý khả năng tiếng Việt của ông. Gần đây nhà nghiên cứu Roland Jacques nhấn mạnh nhiều hơn nữa khả năng nói tiếng Việt của ông và vai trò của ông trong việc xây dựng và hình thành CQN. Roland Jacques còn cho rằng trong thời gian 1611-1617 Pina theo học ở Đại học Thánh Phao Lô, Macao đã có tiếp xúc với thừa sai João Rodrigues, nhà ngữ học tiếng Nhật tiên phong đã soạn cuốn ngữ pháp tiếng Nhật và chuyển tự chữ viết Nhật Bản sang chữ cái La tinh dựa vào cách phát âm tiếng Bồ, nay gọi là Romaji. Cuốn ngữ pháp này, như đã nêu ở trên, in vào khoảng năm 1604-8. Roland Jacques cho rằng Francisco de Pina đã theo phép chuyển tự này để ghi chép tiếng Việt khi ông đến Đàng Trong. Thật ra các vị thừa sai Dòng Tên có liên hệ ít nhiều đến CQN đều biết và áp dụng phương thức này của João Rodrigues không riêng gì Francisco de Pina. Và João Rodrigues cũng như Henrique Henriques đã áp dụng phương thức La tinh hóa và soạn ngữ pháp của các vị tiền bối Bồ Đào Nha như João de Barros (1496-1570), Fernão de Oliveira (1507-1581) và Manuel Alvares (1526-1582). Điều này nói đến truyền thống Bồ Đào Nha. CQN chịu ảnh hưởng của Bồ Đào Nha. Dĩ nhiên cũng có ảnh hưởng phần nào của Ý nữa.

Gọi Francisco de Pína là NBĐ trông có vẻ không ổn lắm, gọi ông là Người Thành Chiêm (NTC) thì hợp lý hơn, vì ông “thành danh” ở Thành Chiêm. Nhưng “Chim tìm tổ, người tìm tông”. Pina “xuất thân” từ Nước Mặn, từ Bình Định. Vốn liếng Tiếng Việt và kinh nghiệm truyền giáo của Pina được vun trồng trong môi trường Bình Định. Nhưng nói Christoforo Borri (1583-1632) là NBĐ, thì hoàn toàn hợp lý. Vị thừa sai Dòng Tên này chỉ ở Nước Mặn bốn năm (1618-1622), nhưng con người của ông thắm đượm chất liệu Bình Định. Tình quê hương Bình Định được thể hiện rõ qua tác phẩm trứ danh của ông, Relatione della nuova missione delli P.P. della Compagnia di Gesù al Regno della Cocincina (Tường trình về cuộc truyền giáo mới của các cha Dòng Tên tại Vương quốc Đàng Trong) (xuất bản tại Rô-ma, năm 1631). Tác phẩm này đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ trong đó có tiếng Pháp, tiếng Hà Lan, tiếng La tinh, tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Việt. Tác phẩm này cho thấy tác giả không những hiểu biết tường tận mà còn yêu thương mến phục đất nước, con người Xứ Đàng Trong. Và con người Xứ Đàng Trong này chính là con người Bình Định. Qua bản tường trình này chúng ta còn biết được khả năng của Borri. Ông có thể giảng giài giáo lý cho bà Ursula, phu nhân của ngài sứ thần; điều này cho thấy trình độ tiếng Việt của ông. Trong bản tường trình này Borri còn viết nhiều từ tiếng Việt bằng CQN. Có thể nói số lượng từ viết bằng CQN ở đây nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trong giai đoạn phôi thai này. Về tiếng Việt, ông có những nhận định rất sâu sắc và tinh tế. Theo ông, tiếng Việt có nhiều nguyên âm, nên êm dịu hơn; nhờ có nhiều dấu thanh, tiếng Việt trở nên du dương. Do đó ai có khiếu âm nhạc, phân biệt được âm giọng khác nhau, thì học ngôn ngữ này dễ dàng hơn. Ông cho biết, sau sáu tháng học, ông có thể nghe và giải tội được, nhưng muốn hiểu biết đầy đủ, thì phải học thêm bốn năm nữa. Christoforo Borri là bằng chứng cụ thể nhất thành quả của môi trường Bình Định. Đây không phải là suy diễn mà là một thực tế.

Có một người mà từ trước đến giờ ít ai nghĩ ông ta cũng là NBĐ. Đó là vị thừa sai Dòng Tên Gaspar Luís (1586-1648). Ông là tác giả của hai tập tài liệu viết tay năm 1621 và năm 1626. Tập tài liệu năm 1621 viết tại Macao ngày 12-12-1621, lúc này ông chưa đặt chân đến Đàng Trong, và bằng tiếng La tinh. Trong tập tài liệu này ông chỉ đưa ra vài ba CQN và nội dung là một bản tường trình về giáo đoàn Đàng Trong. Trái lại khi Gaspar Luis viết tập tài liệu năm 1626 là lúc ông đã ở Đàng Trong được hơn một năm, bởi vì ông viết tại Nước Mặn ngày 1-1-1626. Trong tập tài liệu này ông đưa ra được mười ba từ và một câu tiếng Việt viết bằng CQN. Tài liệu này là một bản tường trình hàng năm viết bằng tiếng La tinh, dài 29 trang. Ở phần ba ông có kể lại việc truyền giáo ở cư sở Nước Mặn là nơi ông đang ở. Chúng ta biết rằng thâng 12 năm 1624 Gaspar Luís từ Macao đi Đàng Trong cùng một chuyến tàu với Đắc Lộ và năm Linh mục khác trong đó có Antonio de Fontes. Khi đến xứ này G. Luís liền xuống Nước Mặn để học tiếng Việt, còn Đắc Lộ và A. Fontes thì ở lại Kẻ Chàm để học tiếng Việt với Francisco de Pina. Ông bị trục xuất năm 1629. Ông lại đến Đàng Trong lần hai năm 1632 để rồi ông lại bị trục xuất năm 1639. Khi ở Đàng Trong, Luís đã soạn một cuốn Từ Vựng tiếng Việt rất đầy đủ, nhưng đã bị mất khi chiếc tàu đưa cuốn sách này từ Đàng Trong về Macao bị đắm. Gaspar Luís xứng danh là NBĐ vì ông đã từng học tiếng Việt và ở Nước Mặn nhiều năm, ngoài ra ông cũng là một người đã có công trong việc sáng tạo CQN.

Nếu Christoforo Borri và Gaspar Luís là những gương mặt nổi thì một NBĐ khác là mặt chìm của môi trường Bình Định. Đó chính là vị thừa sai Dòng Tên Francesco Buzomi (1576-1639). Cha Đắc Lộ nhận định cha Buzomi là vị tông đồ đích thực của Đàng Trong, người đã tận tụy lo việc truyền giáo, hoạt động trong hơn hai mươi năm với một sức kiên trì đáng được khen ngợi ca tụng. Thông thường ai ai cũng đồng ý về nhận định này. Ai cũng phải công nhận Cha Buzomi là một vị chân tu, một nhà truyền giáo đích thực. Chính vì mặt tốt, mặt nổi này mà người ta quên đi “mặt chìm ngôn ngữ học” của Cha Buzomi. Theo nhà nghiên cứu rất uy tín và đầy thẩm quyền về CQN là Đỗ Quang Chính thì các vị góp công sáng tạo CQN trong thời kỳ đầu là: Francisco de Pina, Christoforo Borri, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa, Alexandre de Rhodes, Filippo Marini, Bento Thiện, Igesicô Văn Tín. Rõ ràng Francesco Buzomi không có tên trong danh sách này. Lý lẽ thông thường người ta thường đưa ra là Cha Buzomi không nói được tiếng Việt, khi giao dịch hoặc giảng Cha phải nhờ đến “thông ngôn”. Khi sử gia Dòng Tên Daniello Bartoli viết trong tác phẩm sử học DELLE OPERE DEL PADRE DANIELLO BARTOLI DELLA COMPAGNLA DI GESU (VOLUME XVII - DELLA CINA – LIBRO TERZO – 1825) rằng cha Buzomi có sáng tác một hệ thống ngữ pháp và ngữ vựng, thì nhà nghiên cứu mới nổi gần đây Roland Jacques (RJ) có vẻ nghi ngờ nên đưa ra nghi vấn “có thể có sự lẫn lộn với Pina chăng”. RJ, trong cuốn sách của ông có tựa đề LES MISSIONNAIRES PORTUGAIS ET LES DÉBUTS DE L’ÉGLISE CATHOLIQUE AU VIỆT NAM (2004) viết: “Nói chung các xác quyết của Bartoli liên quan đến các kiến thức ngữ học tuyệt vời của người đồng hương của ông là Buzomi lại không ăn khớp với những tài liệu tồn trữ mà chúng ta có thể truy cứu”. Ý nhà nghiên cứu này bảo rằng Bartoli đã thiên vị vì Buzomi cũng là người Ý như Bartoli. Nếu ai có điều kiện đọc toàn bộ tác phẩm của Bartoli đã được nêu ở trên (LIBRO TERZO) và phần đầu, tập LIBRO QUARTO, của tác phẩm này thì sẽ thấy Bartoli khách quan như thế nào khi viết về Buzomi, và Bartoli đã có những nhận xét rất đúng mức về Pina. Ngoài ra hai tập sách này cho chúng ta nhiều tài liệu về khả năng, hành trạng và những kỳ công của Cha Buzomi. Sở dĩ Bartoli biết và viết được rất nhiều chi tiết về con người và những công việc của Cha Buzomi trong hơn hai mươi năm trời ở Nước Mặn (1618-1639) như vậy chắc chắn là do Cha Buzomi cung cấp thông tin. Cần lưu ý chính Cha Đắc Lộ đã từng xác nhận Cha Buzomi là người khiêm tốn và hiền từ. Cũng trong cuốn sách “LES MISSIONNAIRES PORTUGAIS…” nói trên RJ đã viết (theo bản dịch của Định Hướng Tùng Thư – 2004): “Những bản dịch các bản văn Kitô giáo đầu tiên ra tiếng Việt có từ năm 1618, và phần thiết yếu do công của Francisco de Pina, linh mục Dòng Tên sinh ở Bồ Đào Nha, ông đã tốt nghiệp ở trường Macao, bấy giờ nhà văn phạm nổi tiếng về tiếng Nhật João Rodrigues “Tofuzzu” cũng hiện diện tại đấy từ năm 1610. Trong công việc của mình, linh mục Pina nhờ đến sự giúp đỡ rất hữu hiệu của một văn nhân Việt Nam trẻ tuổi có tên rửa tội là Phêrô: kiến thức uyên bác của người trẻ tuổi này hẳn rất là hữu ích trong công việc của Pina”. Tất cả chỉ là Pina! Một mình “Pina múa gậy trong vườn hoang”! Cần lưu ý là năm 1618 Pina mới “chân ướt chân ráo” đến Nước Mặn. Pina mới bắt đầu học tiếng Việt. Pina khi ở Macao nếu có biết João Rodrigues thì lúc ấy cũng chỉ dưới gốc độ “học trò” biết thầy. Còn Cha Buzomi lúc ấy là giáo sư thần học ở đó. Dĩ nhiên Cha Buzomi biết rõ João Rodrigues và công việc của vị này. Sau đoạn văn trên RJ có trích dịch một đoạn bản báo cáo ký tên Francisco Eugenio, tu sĩ Dòng Tên người Ý ở Macao ghi lại những chỉ dẫn lấy từ một tài liệu khác là “Annua del Collegio di Macao del 1618”. Tài liệu này cho biết: “…Anh có tên thánh rửa tội là Phêrô đó…giúp linh mục rất nhiều trong việc dịch kinh…Linh mục cũng viết ra các điều phải tin bằng tiếng địa phương ấy; trong bản đó người ta tuyên xưng rõ rệt chỉ có một Đức Chúa Trời, các mầu nhiệm về Ba Ngôi, về Chúa Nhập Thể làm người, về chuộc tội, cũng như sự cần thiết của đức tin và các bí tích…” Dịch bằng tiếng địa phương có nghĩa là viết bằng Chữ Nôm chứ vào lúc đó làm gì có thể viết bằng CQN được. Và người chủ trương làm công trình dịch thuật phải là vị bề trên ở cơ sở đó. Đó chính là Cha Buzomi, không thể nào là Pina được. Tiếp đến RJ viết: “Theo thói quen thực hiện các biên bản hằng năm các tu sĩ Dòng Tên, ‘linh mục’, tác giả các công trình liên hệ không minh nhiên được nêu tên”. Nhưng RJ lại xác định “vị ‘linh mục’ ở đây chính là Pina”. Tại sao lại là Pina mà không phải Buzomi? RJ viết tiếp: “Ba tu sĩ Dòng Tên bấy giờ có mặt tại cơ sở truyền giáo Pulo Cambi là linh mục Buzomi , bị ‘bệnh nặng’, nên không đi giảng cho người ta trở lại được”. Không có bằng chứng Cha Buzomi bị bệnh lúc đó. Sự thật cha chỉ bị bệnh trước khi Trần Đức Hòa đưa về Nước Mặn chữa trị mà thôi. Hơn nữa bị bệnh không đi giảng được, nhưng không phải không dịch được, không họp hành được; đàng khác việc dịch không phải chuyện ngày một ngày hai. Viết tiếp: “Linh mục Pina, và linh mục Borri, một ngườì vừa đến và mới bắt đầu học tiếng. Chúng ta hiểu rằng các công trình được thực hiện dưới sự giám sát của Buzomi, cựu bề trên cơ sở Đàng Trong (1615-1618) và hiện là bề trên cơ sở địa phương, nhưng những tác nhân chính yếu thực hiện công trình nầy là linh mục Pina và chàng thanh niên Việt Nam cộng tác với ông ấy”. Đây quả thực là “giấu đầu lòi đuôi”. Giám sát ở đây đồng nghĩa với chủ biên đấy. Viết tiếp: “Theo chính lời xác nhân của chính linh mục Pina, ngay từ năm 1622, ông đã hoàn thành việc xây dựng một hệ thống chuyển mẫu tự La tinh cho thích hợp với lối phát âm và thanh điệu tiếng Việt Nam. Ông đã làm được một tuyển tập và bắt đầu viết một bản văn phạm. Kết quả đó, linh mục Pina đã đạt được một cách vất vả, với sự trợ giúp của một số ít học sinh Việt Nam quy tụ chung quanh ông”. Vì sao lại ghép năm 1622 với chuyện năm 1618? Ở trên , trong sách của Bartoli có viết chuyện cha Buzomi có sáng tác một hệ thống ngữ pháp và ngữ vựng, đó là năm 1618. Có thể đúc kết như thế này: Cha Francesco Buzomi là vị chủ biên mọi công trình ở Nước Mặn lúc bấy giờ. Trong các công trình đó không loại trừ những công việc có liên quan đến ngôn ngữ và chữ viết. Cần lưu ý Cha Francesco Buzomi rất rành tiếng Nhật và đương nhiên Cha “biết” Chữ Hán. Có thể Cha không nói tiếng Việt sõi như Francisco de Pina, nhưng việc này không có nghĩa là Cha không thông hiểu tiếng Việt và đã không có đóng góp trong việc sáng tạo CQN. Không phải nhà ngôn ngữ học nào cũng đều có thể nói xuôi chảy ngôn ngữ mà ông ta nghiên cứu và viết sách ngữ pháp. Còn việc Cha Buzomi thường xuyên dùng đến người “thông ngôn” chứng tỏ Cha là một người rất cẩn trọng và cầu toàn, Cha cần sự chính xác; hơn nữa cha có bên mình người “thông ngôn” rất tài ba là Augustinô như đã nói ở trên. Qua cuộc tranh luận giữa Cha Buzomi và Thầy Tư Hiền chúng ta thấy được vai trò của người thanh niên Augustinô này. Chính Pina đã từng gọi người thanh niên này là một “ngôi sao ở Pulo Cambi”. Người thanh niên này đã trở lại Công giáo và là một “thầy giảng” đầu tiên trong Hội Thầy Giảng do Cha Buzomi thành lập về sau Cha Đắc Lộ phát triển. Có điều cũng cần lưu ý là việc các thừa sai thường phải học ngôn ngữ của nơi đến truyền giáo là để giải tội, việc xưng tội và giải tội là “chuyện hoàn toàn riêng tư”, lúc đó không thể có người thứ ba, không thể dùng “thông ngôn”, phiên dịch được. Các Cha khi giải tội thường thì phải nghe cho ra, hiểu cho được người xưng tôi xưng những tội gì. Ngoài ra nếu có dịp đọc tác phẩm LỊCH SỬ CHỮ QUỐC NGỮ 1620-1659 (LSCQN) (xuất bản năm 1972) của Đỗ Quang Chính chúng ta thấy các CQN mà tác giả đưa ra để dẫn chứng trong 7 tài liệu viết tay trong giai đoạn đầu 1620-1626 thì CQN trong Tài liệu viết tay năm 1626 của Francesco Buzomi là hoàn chỉnh nhất, tuy số liệu có ít. Nhà nghiên cứu Đỗ Quang Chính có nhận xét như thế này: “Nhìn vào chữ quốc ngữ của Buzomi trên đây, mặc dầu ít, nhưng đã thấy tiến triển , nếu đem so sánh với lối viết của João Roiz, C.Borri, Đắc Lộ, Gaspar Luis, và Antonio de Fontes từ năm 1626 trở về trước.” Còn trong tác phẩm DÒNG TÊN TRONG XÃ HỘI ĐẠI VIỆT 1615-1773 (DTTXHĐV) (xuất bản năm 2008) nhà nghiên cứu này viết: “…chúng ta thấy Buzomi đã ghi mấy chữ xán tí, thien chu, thien chũ xán tí, ngaoc huan. Đây là một phần chứng cớ cho thấy ‘chữ Quốc ngữ’ của cha Buzomi và biết đâu vào lúc đó Buzomi đã viết được chữ Quốc ngữ thành từng câu, từng bài và nói được tiếng Việt? Đấy là chúng tôi phỏng đoán trình độ tiếng Việt của Buzomi vào năm 1626 sau 11 năm trời ở Đàng Trong.” Ở đây Đỗ Quang Chính vẫn còn có thành kiến với Cha Buzomi. Chẳng lẽ Cha Buzomi lại “dốt” đến thế sao? Còn nếu muốn biết Cha Buzomi đã hiểu sâu sắc từ nghĩa tiếng Việt như thế nào cũng như tài năng điển chế từ ngữ tiếng Việt thì xin đọc ba trang trong tài liệu viết tay này của Cha Buzomi ắt rõ. Về vấn đề này trong tác phẩm LSCQN tác giả Đỗ Quang Chính có tường thuật như thế này: “Ba trang sau Buzomi ‘tranh luận’ về các danh từ Thiên Chủ, Thượng Đế; ông trưng dẫn ý tưởng của Thánh Phao Lô và Tô Ma, để nhấn mạnh đến việc phải thích nghi tôn giáo vào địa phương ngay cả trong ngôn ngữ…Ý của Buzomi là ở Đàng Trong nên dùng từ ngữ Thiên Chủ (Thiên Chúa) chứ không nên dùng Thượng Đế.” Trong DTTXHĐV Đỗ Quang Chính nói rõ thêm: “Cũng trong thư này, Buzomi tỏ ra không tán thành các từ Thiên, Thượng Đế, Thiên Chủ Thượng Đế, Ngọc Hoàng; vì, hoặc là không chỉ rõ Đấng Tối Cao theo giáo lý Công giáo (như Thiên, Thượng Đế), hoặc chỉ một thứ tín ngưỡng đã xuất hiện từ lâu ở VN (Ngọc Hoàng, Ngọc Hoàng Thượng Đế), nên Buzomi ngả theo cách dùng từ ngữ Thiên Chúa, vừa vắn, vừa hợp với văn hóa xã hội VN, vì hai từ ThiênChúa đã quá quen thuộc trong xã hội này.” Bao nhiêu đó đủ thấy tầm cỡ, đẳng cấp của con NBĐ này. Hãy nghe con NBĐ này nhận xét về người Việt, tiêu biểu, điển hình là con người Nước Mặn, con NBĐ; “Họ không quá nghiêng về quân bị, tính tình cũng không độc ác như người Nhật. Cả về tầm thước, họ không cao lớn như người Tàu, cũng không quá thấp như người Nhật. Tuy dễ nghe dễ tin và nhiều mê tín, nhưng người dân Việt dễ nhận ra lẽ phải. Họ không kiêu căng hay tự tôn như người Tàu.”

Chính vì thế trong khi trình bày đạo lý, các cha có thể đưa về với lẽ phải, với chính đạo. Với lòng sùng đạo sẵn có, một khi trở lại, những người Công giáo Việt Nam lại là những người nhiệt thành đạo đức hơn ai hết.

Cha Buzomi còn có những nhận xét rất đúng về nền văn hóa Việt Nam. Theo cha, “Việt Nam là một nước văn minh, một trình độ văn hóa cao, trọng cổ truyền, trọng chữ viết và sách chữ. Về văn tự thì phân ra một đàng là lối nói bình dân, một đàng là lối nói của văn gia như La ngữ của chúng ta… Họ viết bằng bút lông và chữ viết đó trong những giấy tờ thường dịch, còn muốn hiểu và đọc được sách chữ, thì phải học một số rất nhiều thứ chữ mà ở đây chúng tôi gọi là chữ Hán, chữ dân chúng thường dùng cũng giống thể chữ Hán, nhưng lối đọc lại khác. Còn tiếng nói thì cung giọng êm dịu và giàu hơn tiếng nói của người Trung Hoa, nghe như tiếng người ta bình một bản thơ phổ nhạc.”

Nói tóm lại sở dĩ có được môt con NBĐ như thế vì con người này đã sống trong môi trường Nước Mặn, MÔI TRƯỜNG BÌNH ĐỊNH trong suốt hơn hai mươi năm. Chính môi trường này đã hun đúc con người này.

Môi trường Nước Mặn là môi trường như thế nào? Đã có nhiều nghiên cứu về vùng đất này rồi, tuy chưa đi đến kết luận thỏa đáng, vì thiếu tài liệu lịch sử chứng minh. Ở đây chúng tôi chỉ xác định những điểm chính sau đây;

-Nước Mặn là Trung Tâm Truyền Giáo của người Công giáo Việt Nam, có thể nói là lâu đời nhất ở Việt Nam. Ngày 18-1-1615 các thừa sai Dòng Tên lần đầu tiên đặt chân đến Cửa Hàn, tạm dừng chân ở Hội An. Đến năm 1618 các thừa sai mới thực sự có được cơ ngơi ổn định, một Trung Tâm Truyền giáo thuận tiện ngoài dự định. Phải thừa nhận công đức của quan trấn thủ Trần Đức Hòa, một nhân vật đặc biệt, một nhân vật kỳ lạ hi hữu. Và rồi bao nhiều việc lạ thường đã diễn ra ở Nước Mặn. Một trong những việc lạ thường phải nói đến là việc trở lại Công giáo của những tăng lữ, trí thức, quan quyền. Theo lời của Pina thì “Tại Pulo Cambi, Cha Buzomi có được hai hay ba ông sãi (bonzo) giúp cha làm mọi việc.” Chăc đó là hai sư cụ đã trở lại đạo: Cụ “Sai-hien” và cụ Đamianô. Tất cả là người Bình Định. Tiêu biểu nhất và lạ lùng nhất là sự kiện trở lại đạo của sứ thần Ignatio cùng phu nhân Ursula của ông. Hai nhân vật này thể hiện rõ nét bản sắc con NBĐ là chân tình, hăng say nhiệt tình và say mê.

-Nước Mặn còn là Trung Tâm dạy tiếng Việt, là nơi huấn luyện và đào tạo các nhà phiên dịch, lâu đời nhất ở Việt Nam. Đa số các thừa sai Dòng Tên đều học tiếng Việt ở “Trung Tâm Việt ngữ Nước Mặn” này. Tiêu biểu và xuất sắc nhất phải kể đến là Francesco Buzomi, Francisco de Pina, Christoforo Borri, Gaspar Luís, Girolamo Majorica, Giovanni Maria Leria…Các thừa sai Dòng Tên khi đến Nước Mặn công việc đầu tiên trước hết là để học tiếng Việt. Và đó là công việc chính và chủ yếu. Ngoài ra ở đó còn có hai “nhà phiên dịch tài ba” là Augustinô và Phêrô như đã nói ở trên. Ai là người trực tiếp đào tạo những nhà phiên dịch này? Chính Francesco Buzomi.

-Nước Mặn là một trong những nôi Chữ Quốc Ngữ, có thể nói là nơi phôi thai CQN. Đây là nơi CQN manh nha, cũng là nơi CQN hình thành và phát triển. Nhân vật tiêu biểu nhất của Nước Mặn vẫn là Francesco Buzomi.

Nước Mặn, nói riêng, Bình Định nói chung, là một trong những cái nôi CQN, điều này không có nghĩa đó chỉ là nơi khởi đầu của CQN mà thôi. Bình Định đã cụ thể hóa CQN qua những sản phẩm in, qua nhà in. Chúng tôi muốn nói đến Nhà In Làng Sông, về sau còn gọi là Nhà In Qui Nhơn.

Căn cứ các báo cáo của các Giám mục, Puginier, Charbonnier, Camelbecke, thì nhà in của Giáo phận Đông Đàng Trong, tức nhà in Làng Sông, phải có trước thời điểm năm 1872, và nhà in này đã bị phá hỏng năm 1885. Và có thể, nhà in Làng Sông còn có trước nhà in của Giáo phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn), tức nhà in Tân Định (1867) và các nhà in của Giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội), tức các nhà in Kẻ Vĩnh (còn gọi Ninh Phú), Kẻ Lõi, Kẻ Sở vì những chứng liệu sau đây. Năm1844, phần đất phía Nam của Giáo phận Đàng Trong đã được tách ra để làm Giáo phận mới là Giáo phận Tây Đàng Trong, tức Sài gòn. Năm 1850, phần đất Cao-Miên lại được tách ra làm Giáo phận Nam-Vang. Phần còn lại gọi là Giáo phận Đông Đàng Trong gồm lãnh thổ từ sông Gianh đến Phan Thiết; Tòa Giám mục đặt tại Nước Mặn (Gò Thị). Và Tiểu Chủng viện Làng Sông được thành lập năm 1864 như đã nói ở trên. Thông thường thì ở mỗi Giáo phận các cơ sở chính vẫn là Tòa Giám mục, Nhà thờ, Nha Xứ, Nhà Lẫm, Nhà Chung, Nhà Trường (tức Chủng viện), Nhà Phước, Nhà in, Nhà thuốc, Nhà thương, Nhà mồ côi…và tất cả thường đi chung với nhau.

Sau Văn Thân, Tòa Giám mục Đông Đàng Trong và cơ sở Nhà Chung được xây dựng lại năm 1891. Tiểu Chủng viện Làng Sông, ngày nay thuộc thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, thành lập năm 1863, được xây cất năm 1892. Năm 1925, Tiểu Chủng viện Làng Sông được xây cất lại gồm hai gian nhà gạch xây, mái lợp ngói, có tầng lầu, thay thế bốn nhà tranh cũ. Nhà in nằm trong khuôn viên của Tiểu Chủng viện. Công việc xây cất trong hai năm. Lễ Khánh Thành vào ngày 21 tháng 9 năm 1927. Kiến trúc sư là Linh mục Charles Dorgeville và quản đốc là Thầy Hòa thuộc Hội Thầy Giảng.

Trước năm 1904 Linh mục Paul Maheu có một khoảng thời gian nghĩ dưỡng ở Hong Kong. Nhà điều dưỡng Béthanie rất gần với nhà in Nazareth Hong Kong, tức Nhà in của Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris (MEP). Linh mục Paul Maheu thường lui tới nhà in này để học nghề in ấn với Linh mục Francois Monnier, giám đốc nhà in “quốc tế” này. Và Linh mục Paul Maheu đã trở thành một “thừa sai-in ấn” (missionnaire-imprimeur), chuyên viên kỹ thuật lành nghề in ấn. Kiến thức kỹ thuật in ấn này đã được đem áp dụng ở nhà in Làng Sông từ năm 1904, lúc ông trở lại Làng Sông. Có thể nói nhà in Làng Sông thực thụ trở thành một nhà in chuyên nghiệp và tầm cỡ từ năm 1904. Nhưng Linh mục Paul Maheu chỉ trực tiếp điều khiển nhà in Làng Sông từ năm 1904 đến năm 1913, vì vào tháng năm năm 1913 Linh mục PauL Maheu lại phải về Pháp chữa bệnh và ở đó mãi đến năm 1919 mới trở lại Bình Định. Năm 1929 Linh mục Paul Maheu lại bận bịu một công việc mới là cùng với Bác sĩ Le Moine chăm sóc các người bệnh phong ở Trại phong Qui Hòa. Trong khoảng thời gian 1929 đến 1939 nhà in được giao cho Linh mục Albert Perreaux Người đã thay thế Linh mục Paul Maheu lúc ông vắng mặt và trong khoảng thời gian từ năm 1939 đến năm 1945, là một nhân vật “sáng giá” khác. Đó là Linh mục Charles Dorgeville, một giáo sư dạy tiếng La tinh, một chuyên viên cơ khí tài năng, một thợ điện lành nghề, và nhất là một công trình sư. Chính ông là tác giả các công trình lớn của Giáo phận Đông Đàng Trong. Nhà In Làng Sông, Nhà In Qui Nhơn là Nhà In lâu đời nhất và có tầm cỡ chuyên nghiệp nhất. Nhà In Làng Sông – Qui Nhơn đã xuất bản nhiều ấn phẩm CQN đạo và đời, đa dạng, giá trị, góp công rất lớn trong việc phát triển CQN.

Chữ Quốc Ngữ là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử chữ viết thế giới, là một phương tiện truyền thông hữu hiệu mà người Việt Nam luôn tự hào. Hệ thống chữ viết này có chịu ảnh hưởng hệ thống chữ viết của Bồ Đào Nha, vì những nhà tiên phong sáng tạo CQN có gốc gác hoặc chịu ảnh hưởng Bồ Đào Nha, các vị thừa sai Dòng Tên Tỉnh Dòng Nhật Bản, trong đó có sự đóng góp của những người Việt. Nhưng CQN đã được manh nha, định hình, phát triển, thành tựu trong một khoảng thời gian kéo dài từ năm 1615 cho đến nay. Quá trình hình thành của CQN được phân chia thành nhiều giai đoạn, trong đó có mang dấu ấn của một số người, tiêu biểu và điển hình nhất là Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ). Gần đây trong tinh thần nhìn lại vấn đề, tên tuổi của một vài vị tiên phong đã được nêu lên: Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa, Francisco de Pina, Filippo Marini; Pigneau de Béhaine, Jean Louis Taberd, Igesicô Văn Tín, Bento Thiện, Philiphê Bỉnh, Bảo Lộc Nghị, Philiphê Phan văn Minh, Petrus Trương Vĩnh Ký, Paulus Huỳnh Tịnh Của,v.v. Còn chúng tôi ở đây thì đề cao Francesco Buzomi. Nhưng phải nhất trí khẳng định dứt khoát rằng CQN là một công trình tập thể. Và CQN và Tiếng Việt là của người Việt. Đương nhiên CQN có điểm xuất phát, có nguồn gốc và lúc đầu nó đã được “cấy” trong một môi trường nào đó, hoặc những môi trường nào đó. CQN đã từng được “cấy” trong MÔI TRƯỜNG BÌNH ĐỊNH, cụ thể là MÔI TRƯỜNG NƯỚC MẶN, một cư sở truyền giáo của người Công giáo. Đây là một sự thật. Và sự thật đã “bị quên”; thậm chí vì một lý do nào đó không được thừa nhận.

Bình Định là một vùng đất văn hóa lâu đời, đặc sắc, đầy tiềm năng. Tương lai còn ở phía trước.

Nha Trang, ngày 14 tháng 12 năm 2015

Petrus Paulus Thống

(Người nghiên cứu Ngôn Ngữ, Chữ Viết cổ đại)

petruspaulusthong.wordpress.com


Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 0.96 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương