NHÌn lạI “BÁo cáo vắn tắt về tiếng an nam hay đÔng kinh” CỦa alexandre de rhodes về VẤN ĐỀ chữ VÀ VẦN


CHỮ QUỐC NGỮ GÓP PHẦN CHUYỂN HƯỚNG GIÁO DỤC



tải về 0.96 Mb.
trang7/12
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích0.96 Mb.
#9892
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12

CHỮ QUỐC NGỮ GÓP PHẦN CHUYỂN HƯỚNG GIÁO DỤC

Ở VIỆT NAM CUỐI THẾ KỈ XIX ĐẦU THẾ KỈ XX

ThS. Nguyễn Thế Trường

Trường Dự bị Đại học TP.HCM
TÓM TẮT

Hình thành từ thế kỉ XVI do nhu cầu truyền bá Thiên chúa giáo, chữ quốc ngữ sau đó ngày càng tiến sâu và lẫn nhập vào mọi lĩnh vực văn hóa - xã hội của người Việt. Một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng rõ nhất là giáo dục. Nửa cuối thế kỉ XIX, giáo dục Nho học ở Việt Nam ngày càng sa sút, không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đất nước đang bị thực dân Pháp xâm lược. Trong tình hình đó, chữ quốc ngữ được xem là phương tiện ngôn ngữ thích hợp nhất có thể tạo ra những thay đổi trong giáo dục. Tuy nằm trong mục đích của chính quyền thực dân, nhưng chữ quốc ngữ đã chứng tỏ được ưu thế của mình trước chữ Hán, không chỉ là phương tiện hữu hiệu giúp chuyển đổi giáo dục cũ thành giáo dục mới, mà thông qua giáo dục, chữ quốc ngữ còn chuyển tải những yếu tố mới mẻ của văn minh phương Tây vào đời sống văn hóa Việt Nam, nhất là khi được giới sĩ phu yêu nước tiến bộ ra sức cổ vũ.

TỪ KHÓA: chữ quốc ngữ, vai trò chữ quốc ngữ, giáo dục Pháp – Việt, giáo dục Nho học, du nhập văn minh phương Tây…
1. Mở đầu

Ra đời với tư cách là sản phẩm của mối quan hệ văn hóa giữa Việt Nam với phương Tây, từ cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, chữ quốc ngữ có tác động không nhỏ đến nhiều lĩnh vực văn hóa – xã hội Việt Nam, vừa là phương tiện chuyển tải, du nhập những yếu tố văn hóa mới có nguồn gốc từ phương Tây, vừa góp phần làm biến đổi một số loại hình văn hóa truyền thống ở Việt Nam theo hướng phương Tây hóa, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Trong bối cảnh thực dân Pháp xâm lược và thiết lập chế độ cai trị ở nước ta, quá trình chuyển hướng giáo dục từ Nho học sang Tây học của chữ quốc ngữ là một vấn đề cũng nằm trong mục tiêu của chính quyền thực dân. Quá trình này trải qua hai bước: một là, cuối thế kỉ XIX, chữ quốc ngữ xác lập được vị trí cho nền giáo dục mới, dẫn đến sự tồn tại song song của hai hệ thống giáo dục: Nho học và Pháp – Việt; hai là, đầu thế kỉ XX, chữ quốc ngữ tiếp tục hoàn thiện nền giáo dục mới, tiến đến xóa bỏ hoàn toàn giáo dục Nho học.



2. Chữ quốc ngữ góp phần xác lập vị trí của nền giáo dục mới ở cuối thế kỉ XIX

Hệ tư tưởng Nho giáo là hệ tư tưởng chính thống của chế độ phong kiến. Nhận thức về thế giới và bản chất con người một cách toàn diện, Nho giáo trở thành nền tảng triết lý của giáo dục Việt Nam trong suốt hàng nghìn năm, hình thành một nền giáo dục chính thức gọi là Nho học - nền giáo dục “vốn dựa theo khuôn mẫu của Trung Hoa. Nhà Nho chỉ hiểu, biết qua Trung Hoa và theo Trung Hoa một cách lâu dài” [9, tr.92]. Giáo dục Nho học luôn được các triều đại phong kiến Việt Nam chăm lo xây dựng và phát triển, đào tạo được nhiều thế hệ Nho sĩ, góp phần quan trọng cho nền văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, từ thế kỉ XVI, khi chế độ phong kiến đang lâm vào khủng hoảng và bắt đầu có những đụng độ với tư tưởng mới từ phương Tây, Nho giáo đã bộc lộ nhiều nhược điểm, ảnh hưởng lớn lao đến quan niệm về cách học, cách thi của sĩ tử. Trật tự xã hội và giá trị hầu như bị đảo ngược khiến các sĩ tử chạy theo lối học vụ danh lợi, xa rời chính học. Những nguyên tắc, chuẩn mực về đạo đức, lễ giáo phong kiến chỉ còn là cái vỏ ngoài, là hình thức. Quan hệ vua – tôi, đạo thầy – trò, lòng trung quân – ái quốc… đều bị tan rã.

Sang thế kỉ XIX, lối học cử nghiệp của nhà Nguyễn lại càng không thích hợp trong bối cảnh sức mạnh văn minh phương Tây với súng ống, đạn dược đang ngấp nghé ngoài cửa biển. Mặc dù các vua đầu triều Nguyễn có ý thức sửa đổi nền học chính, nhưng chương trình, nội dung học tập không được cải tiến thì tất nhiên chất lượng của sĩ tử vẫn không hơn gì trước, chỉ biết đến kinh sử mà không biết hoặc biết rất nông cạn những vấn đề của thực tế xã hội. Do đó, cả một thời gian khá dài, nền giáo dục Nho học vẫn cứ dậm chân tại chỗ, vẫn lay lắt tồn tại với những luận thuyết lỗi thời mà không tạo ra được những kết quả phù hợp với nhiệm vụ lịch sử mà nó phải gánh vác. Do vậy, giáo dục Nho học dưới thời nhà Nguyễn dần đi đến chỗ suy tàn.

Đến khi người Pháp tổ chức cai trị ở Nam Kỳ, trong ánh mắt của họ, nền Nho học và chữ Hán là nguyên nhân của mọi bất ổn chính trị, là rào cản của mọi nhu cầu tiếp xúc với dân chúng, là chướng ngại của mọi dự định truyền bá tôn giáo và văn minh, nhất định phải bị loại bỏ. Tuy nhiên, trước sự tồn tại lâu đời của giáo dục Nho học, đây không phải là một việc làm dễ dàng, mà đòi hỏi phải có sự tính toán, cân nhắc, thận trọng. Do vậy, trước hết, chính quyền Pháp tìm cách loại bỏ chữ Hán – chữ viết độc tôn trong nền giáo dục Nho học, thay bằng những chữ viết theo mẫu tự Latinh. Chữ quốc ngữ được lựa chọn trước tiên với mong muốn “chuyển giáo dục truyền thống thành giáo dục kiểu mới” [8, tr.61], mong muốn một sự ổn định về chính trị, sự giao tiếp trực tiếp với người bản xứ mà không cần phải thông qua những thông ngôn. Như vậy, ngay từ đầu, chữ quốc ngữ có vị trí khá quan trọng trong mục tiêu thiết lập nền giáo dục mới.

Tuy nhiên, trong thời gian đầu, khi tình hình Nam Kỳ còn nhiều bất ổn, để tỏ ra tôn trọng các truyền thống văn hóa bản địa, chính quyền thực dân Pháp đã rất khôn khéo khi không thủ tiêu ngay trường học chữ Hán, vẫn cho duy trì chữ Hán và nền Nho học bên cạnh chữ quốc ngữ, hoặc dùng chữ quốc ngữ để biên soạn, nhưng vẫn giữ nội dung của nền Nho học. Trước hết là mở ngay trường Bá Đa Lộc (21/09/1861) để dạy tiếng Pháp cho người Việt và dạy tiếng Việt cho người Pháp, nhằm đào tạo thông ngôn và những thư ký làm việc trong các cơ quan hành chính và quân sự. Đây là trường học đầu tiên đào tạo người Pháp nói tiếng Việt. Trong khi đó, các làng vẫn tiếp tục học chữ Hán. Tiếp đến, Nghị định ngày 31/03/1863 của Thống đốc Bonard về việc tái lập nền học chính tại 3 tỉnh miền Đông (Gia Định, Biên Hòa, Định Tường) cũng quy định tiếp tục duy trì hệ thống giáo dục Nho học của nhà Nguyễn như trước năm 1859, nhưng đồng thời phải phổ biến chữ quốc ngữ Latinh trong nội dung học tập.

Từ năm 1864, với quan điểm chữ quốc ngữ là phương tiện “thích hợp nhất nhằm giáng một đòn chí tử trên tinh thần duy lý Trung Hoa cũ kỹ…” [15, tr.199], chính quyền Pháp bắt đầu thực hiện chính sách quyết liệt hơn bằng cách tổ chức riêng một số trường tiểu học ở các tỉnh để dạy chữ quốc ngữ và dạy toán. Tuy nhiên, do chưa kịp biên soạn sách giáo khoa, học sinh tạm thời dùng tờ Nguyệt san Thuộc địa hoặc tờ Gia Định báo thay cho các sách tập đọc. Mặc dù chưa xây dựng được chương trình học và hệ thống tổ chức trường lớp hoàn chỉnh để thay thế Nho học, nhưng có thể nói, đến đây chữ Hán đã bị loại ra khỏi nội dung học tập tại các trường do người Pháp tổ chức.

Ba năm sau (tức 1867), mỗi tỉnh lỵ ở Nam Kỳ đã có được một trường tiểu học và chữ quốc ngữ được dùng để học đọc, học viết trong các trường này. Giáo viên và những học sinh biết đọc, biết viết được trả mỗi ngày một franc. Giáo viên được chia làm hai bậc: bậc 1 là những người có thể dịch tiếng Pháp ra tiếng Việt, mỗi năm được trả 60 franc và bậc 2 là những người có thể dịch tiếng Việt ra tiếng Pháp và làm 4 phép tính, mỗi năm 300 franc. Đến năm 1869, trường tiểu học dạy chữ quốc ngữ được mở thêm ở một số nơi như Cần Thơ, Sóc Trăng, Gò Công, Tân An, Rạch Giá, Cần Giuộc. Như vậy, đến đây, chữ quốc ngữ đã trở thành một phương tiện có thể giúp chính quyền Pháp tổ chức và duy trì được sự tồn tại của hai loại trường: Loại thứ nhất là trường Thông ngôn, dạy tiếng Pháp cho một số người Việt và dạy tiếng Việt cho một số người Pháp; loại thứ hai là trường tiểu học ở các tỉnh để dạy chữ quốc ngữ và dạy Toán cho người lớn và trẻ em.

Tuy nhiên, có một thực trạng là phần lớn nhân dân vẫn theo học chữ Hán ở trường học do các thầy đồ lập ra. Trong khi, số người đến trường dạy chữ quốc ngữ để học còn rất khiêm tốn. Để khắc phục tình trạng này, đầu năm 1873, hàng loạt trường dạy chữ quốc ngữ và một ít trường chữ Pháp được thành lập khắp Nam Kỳ nhằm thay thế cho trường dạy chữ Nho. Ngoài ra, chữ quốc ngữ còn được khuyến khích dạy thêm ở các trường làng, nơi mà trước đây vốn chỉ dành riêng cho chữ Hán. Quan trọng hơn là từ ngày 17/11/1874, việc dạy và học chữ quốc ngữ được chính quyền Pháp chính thức đưa vào quy chế cụ thể. Theo đó, trường dạy chữ quốc ngữ Latinh do chính quyền thuộc địa lập tại xã thôn nay bãi bỏ, sẽ tập hợp chung thành một trường tiểu học ở lỵ sở địa hạt (sau gọi là tỉnh). Theo đó, tổng thời gian học là 6 năm, qua 2 cấp: Tiểu học (3 năm), Trung học (3 năm). Chữ quốc ngữ được dạy ở cấp tiểu học và làm luận ở cấp trung học, thời lượng ngang với chữ Hán, nhưng vẫn ít hơn nhiều so với chữ Pháp. Thậm chí sau này (từ 1879), khi hệ thống giáo dục được tổ chức theo 3 cấp (cấp I - 3 năm, cấp II - 3 năm, cấp III - 4 năm) thì thời lượng học chữ quốc ngữ và chữ Hán vẫn bằng nhau và còn lép vế hẳn so với chữ Pháp. Mặc dù vậy, chữ quốc ngữ vẫn được dạy chính thức trong môn tập đọc và viết tường thuật, đồng thời, việc dạy chữ quốc ngữ cũng được khuyến khích nhiều hơn: “Các giáo viên dạy chữ Nho mà tập cho học sinh các trường đó làm quen với chữ quốc ngữ Latinh và một chút tiếng Pháp, có thể được thưởng, tiền thưởng tùy theo số lượng và lực học của học trò do họ đào tạo” [7, tr.702].

Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại, ở Nam Kỳ, tồn tại song hành hai hệ thống giáo dục: trường học do nhà cầm quyền tổ chức tại lỵ sở địa hạt (các tỉnh) và trường học do các thầy đồ lập ra theo mô hình truyền thống ở các xã, thôn. Chữ quốc ngữ có vị trí nhất định ở cả hai hệ thống trường học này.

Kết thúc giai đoạn thứ nhất, chữ quốc ngữ đã góp phần xác lập được chỗ đứng cho nền giáo dục mới, tồn tại song song với hệ thống giáo dục Nho học. Mục đích đào tạo lực lượng nhân viên hành chính thông thạo tiếng bản xứ, truyền bá văn minh phương Tây, loại bỏ sự tồn tại của chữ Hán và ảnh hưởng của tầng lớp Nho sĩ trong dân chúng cũng được chữ quốc ngữ đáp ứng gần như tất cả, tuy mức độ có khác nhau ở từng vấn đề. Thông qua nội dung học tập, học sinh đã bắt đầu tiếp cận được các tri thức khoa học của nền văn minh phương Tây. Dù cho các trường chữ Hán vẫn hoạt động song song với các trường học của người Pháp, vẫn có đông đảo học sinh theo học và mục đích loại bỏ chữ Nho của người Pháp chưa hoàn toàn thực hiện được, nhưng rõ ràng, chữ Hán đang dần mất đi những cơ sở để tồn tại khi chế độ khoa cử Nho học đã bị bãi bỏ từ trước đó ở miền Đông Nam Kỳ (sau 1861) và ở miền Tây Nam Kỳ (sau 1864). Trong khi đó, nền giáo dục Pháp – Việt đến cuối thế kỉ XIX đã được chữ quốc ngữ định hình, xác lập và đang tiến dần đến sự ổn định, hoàn chỉnh. Tuy còn chiếm vị trí khiêm tốn trong chương trình học, nhưng với khả năng dễ đọc, dễ viết và các biện pháp “nâng đỡ” của chính quyền thuộc địa, chữ quốc ngữ đang ngày càng tăng dần ưu thế, “chiếm vị trí quan trọng trong nền giáo dục Pháp – Việt” [10, tr.38] và sẽ đi đến loại bỏ hoàn toàn nền giáo dục Nho học vào đầu thế kỉ XX.



3. Chữ quốc ngữ đẩy nhanh quá trình hoàn thiện nền giáo dục mới, tiến đến xóa bỏ hoàn toàn giáo dục Nho học ở đầu thế kỉ XX

Sau khi đã xác lập được chỗ đứng cho nền giáo dục mới dưới tác động của chính quyền thực dân, sang đầu thế kỉ XX, chữ quốc ngữ tiếp tục tham gia vào quá trình cải cách, hoàn chỉnh nền giáo dục mới để đi đến thay thế hoàn toàn Nho học.

Năm 1906, việc học chữ quốc ngữ trở thành bắt buộc và được áp dụng cho toàn hệ thống giáo dục, gồm cả hệ thống trường Pháp – Việt và hệ thống trường chữ Hán: “dân bản xứ bắt buộc phải học chữ quốc ngữ tại các trường và chỉ những phần tử thông minh nhất mới lên học những lớp cao đẳng tiểu học…” [1, tr.213].

Đối với hệ thống trường Pháp – Việt, tuy bắt buộc học chữ quốc ngữ nhưng thời lượng chưa nhiều, yêu cầu lại thấp, hết cấp tiểu học mà học sinh chỉ cần biết đọc, biết viết là đủ. Nhưng dẫu sao đi nữa, chữ quốc ngữ cũng có được một vị trí ổn định (từ 2 – 3 giờ/tuần) trong hệ thống trường này.

Mục tiêu hàng đầu của chữ quốc ngữ vẫn là dùng để loại bỏ chữ Hán. Do vậy, trong hệ thống trường chữ Hán, quy định bắt buộc học chữ quốc ngữ đã làm thay đổi hoàn toàn cơ cấu của nền giáo dục cổ truyền này. Ở bậc ấu học, việc học chữ Pháp và chữ quốc ngữ thì bắt buộc, trong khi chữ Hán lại không bắt buộc. Bậc tiểu học (2 năm), mở ở các phủ, huyện do các giáo thụ, huấn đạo chịu trách nhiệm, chương trình dạy cũng gồm các môn của ba thứ chữ, nhưng quốc ngữ chiếm nhiều giờ nhất: 15 giờ 30 phút mỗi tuần. Là chữ viết chính của hệ thống giáo dục Nho học, nhưng chữ Hán lại chiếm tỉ lệ sau chữ quốc ngữ, mỗi tuần 10 giờ. Trong khi đó, chữ Pháp mỗi tuần lại chiếm đến gần 10 giờ, gần tương đương với chữ Hán. Lên bậc trung học, chữ quốc ngữ và chữ Pháp được dạy nhiều hơn chữ Hán, 16 giờ mỗi tuần dành cho quốc ngữ và 12 giờ mỗi tuần dành cho chữ Pháp. Chữ Hán mỗi tuần chỉ có 7 giờ nhưng chương trình lại rất nặng, khó mà gây được hứng thú cho người học. Ngoài các sách Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, người học còn phải tập làm phiến, sớ, tấu.

Để phục vụ cho chương trình học mới như vừa nêu, một số sách bằng quốc ngữ và chữ Hán cũng được chính quyền Pháp biên soạn và xuất bản nhanh chóng như: Ấu học phép dạy; Cai trị lễ pháp; Nông học tập đọc; Thực vật, người và động vật; Vô cơ vật loại; Toán pháp lược học; Đông Dương địa dư… Với định hướng như trên, nội dung giảng dạy chữ quốc ngữ trong hệ thống trường chữ Hán chỉ tập trung nhiều về chính sách cai trị, luật pháp, đơn từ, phong tục, đó là “những môn “đầu vị” cho việc cai trị ở phủ, huyện” [2, tr.79].

Cũng từ năm 1906, chữ quốc ngữ còn được tham gia vào kỳ thi Hương. Ngoài các bài thi chữ Hán, chữ Pháp, thí sinh phải làm một bài thi bằng chữ quốc ngữ trình bày 3 vấn đề: văn học, địa lý, khoa học; một bài dịch từ chữ quốc ngữ sang chữ Pháp; một bài luận tóm tắt bằng chữ quốc ngữ. Theo số điểm đạt được của tất cả các bài thi chữ quốc ngữ, chữ Hán, chữ Pháp, thí sinh sẽ được định cử nhân hay tú tài. Trong kì thi Hội, thí sinh vẫn phải trình bày những vấn đề “kinh bang tế thế” nhưng phải làm bằng chữ Pháp và chữ quốc ngữ, vốn là những thứ chữ chưa quen thuộc nên còn gây ra nhiều khó khăn.

Rõ ràng, những quy định như trên đã làm thay đổi nền giáo dục Nho học ở cả hệ thống tổ chức lẫn chương trình học. Chữ quốc ngữ được dùng để dạy những nội dung thuộc về tri thức khoa học của nền văn minh phương Tây ở cả 3 bậc học, gần với nội dung học tập trong các trường Pháp – Việt, đáp ứng được mục tiêu “thúc đẩy nền giáo dục bản địa theo các chương trình và phương pháp giáo dục có tên Pháp – Việt” [8, tr.61] mà chính quyền Pháp đưa ra. Việc học chữ quốc ngữ so với giai đoạn cuối thế kỉ XIX chỉ dừng lại ở một vài quy chế mang tính chất từng phần thì đến giai đoạn này đã được hệ thống lại cụ thể hơn, toàn diện hơn và bổ sung một số điểm phù hợp với tình hình hơn. Từ đây, nền giáo dục thực dân đã xâm nhập mạnh mẽ hơn vào nền giáo dục phong kiến cổ truyền, tạo điều kiện để đi đến xóa bỏ hoàn toàn nền giáo dục cũ này.

Khi đã đủ điều kiện, lại thêm nhu cầu về một lực lượng công nhân, nhân viên có kĩ thuật, có trình độ chuyên môn đang lớn dần, chính quyền Pháp cảm thấy không thể chấp nhận việc tiếp tục duy trì một nền giáo dục nửa cũ, nửa mới, “cựu học không đầy, tân học cũng mỏng” [2, tr.81]. Nền giáo dục “bản xứ” bị bãi bỏ. Năm 1915, vua Duy Tân ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi Nho học ở Bắc Kỳ. Năm 1918, vua Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi này ở Trung Kỳ. Ngày 14/06/1919, Khải Định ký Dụ bãi bỏ tất cả các trường học chữ Hán cùng với hệ thống quản lý từ triều đình đến cơ sở. Đây không chỉ là sự thất thế của một thứ chữ viết, mà quan trọng hơn chính là “nước Việt Nam đi từ vùng ảnh hưởng Hán (sinophonie) vào vùng ảnh hưởng Pháp (francophonie)” [12, tr.14]. Từ nay, nền giáo dục ở Việt Nam sẽ do nhà cầm quyền Pháp hoàn toàn chỉ đạo và quản lý. Nền giáo dục phong kiến vốn đã suy tàn và sống lay lắt đến đây bị xóa bỏ hoàn toàn, nền giáo dục mới chính thức được xác lập – nền giáo dục Pháp – Việt. Chữ quốc ngữ từ đây bước lên hàng văn tự chính thức, một thuận lợi để đẩy nhanh quá trình du nhập của văn minh phương Tây.

Nền giáo dục Việt Nam đến đây chỉ còn tồn tại hệ thống trường Pháp – Việt. Toàn bộ hệ thống này chia làm 3 cấp: Đệ nhất cấp (tiểu học), Đệ nhị cấp (trung học, gồm 2 loại: cao đẳng tiểu học – 4 năm và trung học – 2 năm) và Đệ tam cấp (cao đẳng hay đại học). Ngoài ra, còn có các trường thực nghiệp, tức là các trường dạy nghề tương ứng với bậc tiểu học và trung học. Đương nhiên, chữ Pháp là chữ viết chính được sử dụng ở tất cả các cấp học trong hệ thống trường Pháp – Việt. Dù vậy, chữ quốc ngữ cũng đóng vai trò không thể thiếu trong hệ thống giáo dục mới này, bởi việc học tiếng Pháp ngay từ đầu sẽ rất khó khăn nếu việc học chữ quốc ngữ của học sinh ở bậc tiểu học vẫn tiếp tục bị hạn chế, chỉ 2 – 3 giờ/tuần như đã nêu ở trên. Giới trí thức đương thời cho rằng vấn đề dạy chữ quốc ngữ có liên quan mật thiết đến việc dạy chữ Pháp, là bước đầu để học chữ Pháp, giúp cho việc học tiếng Pháp được dễ dàng hơn, có thể giải quyết nạn ngôn ngữ bất đồng. Trung Bắc Tân Văn, số 202 năm 1916 có đoạn: “người An Nam muốn học chữ Pháp cho đến nơi trước hết phải thông hiểu tiếng nước mình đã” [dẫn theo 2, tr.88]. Và việc thông hiểu quốc ngữ được xem là “có cái tư cách quốc dân” [dẫn theo 12, tr.69].

Chính vì tầm quan trọng ấy, chữ quốc ngữ được dạy hoàn toàn và duy nhất trong các trường Sơ đẳng tiểu học, đồng thời chỉ dạy ở 2 lớp dưới (Đồng ấuDự bị) trong các trường Tiểu học bị thể, từ lớp ba (Sơ đẳng) trở lên phải dùng hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Tuy các trường Sơ đẳng tiểu học dạy hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ, nhưng trong các môn như luân lý, sử ký, địa dư, quốc văn… đều có những bài nói về “Công ơn người Pháp sang mở mang và bảo hộ xứ ta”, “Phải trung thành và biết ơn Đại Pháp”, “Khai hóa có Đại Pháp, văn minh mở Lạc Hồng”… Như vậy, rõ ràng, việc dạy chữ quốc ngữ ở những lớp đầu tiên của bậc tiểu học, trước khi học tiếng Pháp, phải đảm bảo mục đích hướng vào nội dung phục vụ cho lợi ích của người Pháp. Tiếng Việt được nhà cầm quyền Pháp gán cho vai trò phải là “cỗ xe dùng để chở tư tưởng Pháp” [dẫn theo 2, tr.89].

Đến năm 1924, chữ quốc ngữ khẳng định thêm tầm quan trọng của mình khi được nâng lên dạy ở 3 lớp đầu các trường Tiểu học bị thể (Đồng ấu, Dự bị, Sơ đẳng). Tiếng Pháp lùi xuống dạy bắt buộc từ Lớp nhìLớp nhất: “trong ba lớp dưới tiểu học, bất phân trường nhà quê hay trường kẻ chợ, trường yếu lược hay trường kiêm bị, từ nay trở đi đều phải dạy bằng tiếng An Nam cả, học hết ba lớp ấy phải thi lấy một cái bằng tức như bằng “tuyển sinh” năm xưa, học trò nào có bằng ấy mới được lên lớp nhì, lớp nhất” [dẫn theo 12, tr.71]. Đó gọi là bằng Bản xứ Sơ học yếu lược (Certificat d’Études élémentaires indigèns). Chương trình và thể thức thi bằng này được quy định bao gồm: Một bài thi bắt buộc bằng chữ quốc ngữ và một bài thi không bắt buộc bằng chữ Pháp. Bài thi bằng chữ quốc ngữ có 2 phần: viết và vấn đáp. Phần thi viết gồm: 1 bài chính tả dễ, từ 8 đến 10 dòng, có câu hỏi; 1 bài luận dễ (tả cảnh, tự sự, viết thư…); 2 bài tính đố. Phần thi vấn đáp gồm: Đọc một bài quốc ngữ dễ, có kèm câu hỏi xem có hiểu và biết nghĩa của từ không; hỏi về luân lý, sử ký, địa dư; hỏi về tính nhẩm và những điều thường thức. Bài thi tự nguyện bằng tiếng Pháp, cũng có 2 phần: viết và vấn đáp. Nếu được điểm trung bình (10 điểm cho 2 bài) thì trong bằng Bản xứ Sơ học yếu lược sẽ có thêm dòng chữ “Biết tiếng Pháp”, là điều kiện cần để học sinh dự học Lớp nhìLớp nhất. Bằng Bản xứ Sơ học yếu lược đánh dấu sự thắng lợi lớn của tiếng Việt trước sự chèn ép bấy lâu của tiếng Hán.

Như vậy, sau gần 3 thế kỉ, kể từ khi cuốn Từ điển Việt – Bồ – La của Alexandre Rhodes ra đời đến khi chữ quốc ngữ được dạy bắt buộc ở 3 năm đầu cấp tiểu học, nền giáo dục Việt Nam mới thật sự đoạn tuyệt với chữ viết của Trung Hoa, chính thức chuyển sang dùng chữ quốc ngữ. “Đây quả thực là một cuộc chuyển hóa vô cùng lớn lao” [3, tr.30]. Từ vị trí là tiếng nói của giới bình dân, tiếng Việt bây giờ trở thành ngôn ngữ giáo dục ở cấp tiểu học, một địa vị “còn khiêm tốn nhưng không kém phần quan trọng…” [12, tr.71]

Việc chữ quốc ngữ trở thành ngôn ngữ giáo dục ở bậc tiểu học đã dẫn đến sự ra đời của những bộ sách giáo khoa đầu tiên dạy tiếng Việt. Đầu tiên là cuốn Luân lý giáo khoa thư (10/1925). Đến năm 1927, có thêm các cuốn như: Tập đọc, Toán pháp, Cách trí, Địa dư, Sử ký… Quan trọng nhất là tập sách Quốc văn Giáo khoa Thư (những năm 1930), thuộc bộ Việt Nam Tiểu học Tùng thư, do bộ Nha Học Chính Đông Pháp giao cho Trần Trọng Kim chủ biên. Câu văn trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư “ngắn gọn, trong sáng, chấm phết đúng chỗ, thuần Việt, ít bị những thành ngữ Hán thêm vào làm cho nặng nề” [4, tr.75]. Các bài đọc trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư “dễ ăn sâu vào cái óc còn non của đứa trẻ mới cắp sách đến trường, mở ra một thế giới sinh hoạt hằng ngày mà lằn ranh giữa học đường và gia đình nhòa đi, cảnh vật và con người cũng hòa hợp” [5, tr.185], gợi ra hình ảnh một nước Việt Nam nông nghiệp, nông thôn gần gũi, mộc mạc, những giá trị truyền thống với tổ tiên, ông bà, cha mẹ chiếm một vị trí khá quan trọng trong chương trình quốc văn. Những bài tập đọc như Con cò mà đi ăn đêm hẳn là rất quen thuộc với các thế hệ người Việt Nam:

Con cò mà đi ăn đêm,

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao,

Ông ơi ông vớt tôi nao!

Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.

Có xáo thì xáo nước trong,

Đừng xáo nức đục đau lòng cò con”

Nếu như chính quyền Pháp nhận ra tầm quan trọng của chữ quốc ngữ và luôn tìm cách “nâng đỡ”, thì đầu thế kỉ XX, từ chỗ tẩy chay chữ quốc ngữ, giới sĩ phu tiến bộ Việt Nam cũng cổ súy việc học quốc ngữ nhằm nâng cao dân trí, dân sinh, giáo dục tinh thần yêu nước, chống lại sự cai trị, cải biến văn hóa dân tộc, tiếp biến văn hóa phương Tây. Để đạt những mục tiêu đó, trước hết, giới sĩ phu yêu nước đã dùng quốc ngữ làm phương tiện canh tân giáo dục, chống lại lối học cũ giáo điều, thủ cựu: “Phàm người trong nước đi học nên lấy chữ Quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên, để cho trong thời gian vài tháng, đàn bà, trẻ con cũng đều biết chữ” [dẫn theo 13, tr.171].

Đông Kinh Nghĩa Thục và hàng loạt trường học kiểu mới là những hoạt động đầu tiên, có tiếng vang rất lớn, ra sức cổ động cho việc học tập và phổ biến chữ quốc ngữ. Các sĩ phu cho rằng đó là thứ chữ dễ học, mau biết, dễ phổ cập cho quần chúng, do vậy, phải thay chữ Hán bằng chữ quốc ngữ, phải chấm dứt lối học tầm chương trích cú, xóa bỏ sự tồn tại của Hán học, thay vào đó là lối học mới lấy chữ quốc ngữ làm văn tự chính thống, làm công cụ để mở mang dân trí. “Sự thay đổi văn tự tất sẽ dẫn đến sự thay đổi về tư duy” [11, tr.216]. Học hành tinh thông chữ quốc ngữ chính là cửa ngõ tiếp biến văn hóa, tiếp cận với thế giới văn minh:

Trước hết phải học ngay Quốc ngữ



Khỏi đôi đường tiếng chữ khác nhau

Chữ ta, ta đã thuộc làu

Nói ra nên tiếng, nên câu, nên lời...

Sẵn cơ sở đề khai dân trí

Rồi sẽ đem các thứ giáo khoa

Chữ Tàu dịch lấy chữ ta

Chữ Tây cũng phải dịch ra chữ mình

Anh em đang buổi còn xanh

Phải lên gắng sức đua tranh với đời” [dẫn theo 13, tr.170]

Chữ quốc ngữ cũng mang lại một chương trình học vô cùng mới mẻ và táo bạo:

Mở tân giới, xoay nghề tân học,

Đón tân trào, dựng cuộc duy tân,

Tân thư, tân báo, tân văn…” [dẫn theo 14, tr.63]

Đây thực sự là một cải biến giáo dục có ý nghĩa cách mạng của các sĩ phu tiến bộ, xóa bỏ lối học phù hoa, giáo điều. Họ có công rất lớn trong việc phổ cập chữ quốc ngữ đến đông đảo quần chúng. Nhưng ngược lại, không có chữ quốc ngữ, công cuộc canh tân giáo dục, tuyên truyền, giác ngộ tư tưởng của giới sĩ phu khó lòng thành công, bởi chữ quốc ngữ có thể mang trong mình hồn dân tộc, vừa trang bị kiến thức vừa thức tỉnh lòng yêu nước, khơi dậy ý thức, trách nhiệm của người dân đối với Tổ quốc.

Như vậy, qua một quá trình lâu dài, đến đầu thế kỉ XX, chữ quốc ngữ đã làm được hai việc lớn cho lĩnh vực giáo dục: Một là, xóa bỏ nền giáo dục phong kiến, một việc làm cần thiết và phù hợp với sự phát triển của xã hội; hai là, củng cố, mở rộng nền giáo dục mới với nội dung, tổ chức, phương pháp giảng dạy hoàn toàn mới. “Thời đại lều chõng chấm dứt” [6, tr.87], văn hóa, giáo dục Pháp được xác lập vững chắc và xâm nhập sâu vào văn hóa Việt Nam.


Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 0.96 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương