NHÌn lạI “BÁo cáo vắn tắt về tiếng an nam hay đÔng kinh” CỦa alexandre de rhodes về VẤN ĐỀ chữ VÀ VẦN


Kết nối biển với lục địa – thương cảng Thi Nại trong nagara Vijaya



tải về 0.96 Mb.
trang3/12
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích0.96 Mb.
#9892
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12

Kết nối biển với lục địa – thương cảng Thi Nại trong nagara Vijaya

Trong quan điểm nghiên cứu truyền thống về Champa, được khởi nguồn từ các học giả Pháp và được nhiều thế hệ các học giả sau này kế thừa, Champa được nhìn nhận như là một vương quốc thống nhất với lãnh thổ truyền thống trải dài từ nam Đèo Ngang cho đến nam Bình Thuận, với một hệ thống hành chính thống nhất từ trung ương đến địa phương, toàn bộ vương quốc được đặt dưới sự trị vì của một quốc vương có quyền uy tối cao.21 Cách nhìn nhận đó, do các học giả đã áp dụng một mô hình của Trung Hoa và Đại Việt đối với trường hợp Champa, có lẽ đã chưa phản ảnh chân xác bản chất thực sự của hệ thống chính trị - kinh tế - văn hóa và tộc người của vương quốc cổ Champa.

Dưới ảnh hưởng của sự thay đổi cách viết sử trong khu vực từ những năm 1970, 22 việc nghiên cứu về lịch sử vương quốc Champa cũng đã có nhiều thay đổi đáng kể. Những nhận thức cũ của các học giả tiên phong được các thế hệ nhà nghiên cứu kế tiếp kế thừa và bổ xung thông qua việc cập nhật các nguồn tư liệu mới, cũng như là việc áp dụng các mô hình lý thuyết mới hướng tới những nhận thức mang tính chân xác hơn về một thể chế đã từng vận hành và đạt tới tầm mức của một nền văn minh ở miền Trung Việt Nam thời cổ xưa. Khái niệm mandala Champa giờ đây được sử dụng rộng rãi trong giới nghiên cứu và các tiểu vùng được ghi nhận trong lịch sử Champa như Amaravati hay Vijaya được xem như các tiểu quốc, các nagara nằm trong hệ thống mandala Champa.23 Cách nhìn nhận như thế dẫn tới những cách diễn giải mới về lịch sử Champa khác so với những nhận thức đã được nêu lên bởi G.Maspero và các học giả tiên phong trước đây.

Các nguồn tài liệu cổ bia ký và của Trung Hoa đều ghi nhận về việc hình thành của một trung tâm chính trị-tôn giáo-kinh tế mới trong lãnh thổ của mandala Champa từ cuối thế kỷ thứ X và đầu thế kỷ XI, cách xa trung tâm cũ ở vùng Amaravati về phía nam.24 Lịch sử Champa từ sau giai đoạn này cũng ghi nhận sự trội vượt và thống trị của tiểu quốc Vijaya (nagara Vijaya – vùng Bình Định ngày nay). Người đứng đầu của nagara Vijaya được chính sử Đại Việt và Trung Hoa xem như là Vua – người trị vì của toàn bộ vương quốc Champa. Sự hiện diện của cả một hệ thống các di tích thành cổ, đền tháp tôn giáo, lò gốm và cảng thị tại vùng Bình Định ngày nay đã là minh chứng rõ nét nhất cho sự phồn vinh và thịnh vượng của tiểu quốc Vijaya cho đến cuối thế kỷ XV.

Như ở trên đã trình bày, trong suốt chiều dài lịch sử của mandala Champa cho đến cuối thế kỷ XV, nagara Amaravi (vùng châu thổ sông Thu Bồn – Quảng Nam) và nagara Vijaya (vùng châu thổ sông Côn – Bình Định) luôn thể hiện vị thế vượt trội của mình. Từ cuối thế kỷ X đến cuối thế kỷ XV, đứng trước những thay đổi địa-chính trị và địa-kinh tế mang tính phổ quát trên toàn khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là áp lực của quốc gia Đại Việt đang lên ở phía Bắc và những biến chuyển của mạng lưới hải thương khu vực, nagara Amaravati đã đánh mất vị thế của mình, và từ đây nagara Vijaya vươn lên thể hiện vị thế trội vượt cả về mặt chính trị, tôn giáo, quân sự và kinh tế đối với các tiểu quốc khác. Sự trội vượt về mọi mặt của nagara Vijaya, một phần là do những cơ hội mà môi trường khu vực và quốc tế mang lại, nhưng cơ bản và quan trọng hơn, đó là do nội lực và những nhân tố nội sinh vốn có của tiểu quốc này đã góp phần dẫn tới sự phồn vinh cho tiểu quốc Vijaya.

Nghiên cứu toàn diện lịch sử cổ xưa của mandala Champa, có thể nhận thấy, cùng với nagara Amaravati ở phía Bắc, thì nagara Vijaya được xem như một phức thể (complex) toàn diện nhất với đầy đủ những tiềm năng nội lực và nhân tố ngoại sinh có thể dẫn tới sự phồn vinh cho tiểu quốc này. Cũng giống như hầu hết các tiểu quốc khác thuộc mandala Champa, nagara Vijaya có sự hiện diện của ba không gian sinh thái chính, đó là không gian đồng bằng (plain space) ở trung tâm của nagara, không gian thượng nguyên (highland space) ở vùng cao nguyên phía Tây, và cuối cùng là không gian duyên hải (coastal/littoral space) ở phía Đông.25 Mỗi một không gian như vậy có một đặc trưng riêng về địa lý môi sinh, môi trường hoạt động kinh tế của các cư dân bản địa và có những vai trò/chức năng khác nhau/và tương hỗ nhau trong việc đóng góp vào sự phát triển của toàn bộ chính thể. Các không gian địa lý, các cộng đồng cư dân, các trung tâm kinh tế như vậy được kết nối với nhau và vận hành trong một tổng thể thống nhất và hài hòa.

Ở trung tâm của phức thể ấy là một không gian đồng bằng rộng lớn, với trọng tâm là kinh thành của hoàng gia – Thành Cha26 và thành Chà (Đồ) Bàn27, và một hệ thống các đền tháp tôn giáo dày đặc và mang nét đặc trưng sâu sắc của tiểu quốc này.28 Các trung tâm chính trị và tôn giáo đó được bao bọc bởi một cộng đồng cư dân sinh tụ và phát triển trên một vùng đồng bằng trù phú, một bệ đỡ về lương thực cho cả vùng Vijaya.29 Xét trong bối cảnh chung của khu vực Đông Nam Á cổ xưa, việc tự cung cấp lúa gạo có thể được coi như một nhân tố nội tại quan trọng để duy trì sự phát triển và thịnh vượng của một cộng đồng cư dân, hay rộng lớn hơn là của cả một mandala30. Đặc biệt đối với các cảng thị, các thương nhân quốc tế trong quá trình giao thương thường ở lại Đông Nam Á một thời gian dài để đợi gió mùa, bởi vậy một cảng thị có nguồn cung cấp hoa lợi nông nghiệp được coi là thiết yếu đối với thành công của chúng. Sự phồn vinh trong một thời gian dài của mandala Phù Nam ở Đông Nam Á được cho là có sự đóng góp quan trọng của năng xuất nông nghiệp cao và ổn định ở châu thổ sông Mê Kông, dẫn tới sự vượt trội vủa Phù Nam so với các tiểu quốc khác đương thời. Một ví dụ khác có thể kể đến, đó là sự thịnh vượng và trội vượt của Srivijaya Palembang đối với các đối thủ ven biển Sumatra khác là bởi nguồn cung cấp lúa gạo từ vùng đồng bằng tương đối rộng lớn dọc theo sông Musi.31 Trong trường hợp của nagara Vijaya và thương cảng Thi Nại, với bệ đỡ về lương thực – hay “hậu phương” cho cảng thị như cách dùng của cố giáo sư Trần Quốc Vượng,32 được cung cấp một cách ổn định từ vùng châu thổ sông Côn chắc chắn là một tiền đề quan trọng và thiết yếu cho sự phát triển của tiểu quốc này, cũng như tiền đề cho sự trội vượt và chiếm ưu thế của Vijaya trước sự cạnh tranh của các tiểu quốc láng giềng khác. Nếu xét trong bối cảnh Champa thường xuyên được ghi chép trong chính sử của Trung Hoa và Đại Việt như là một vùng đất khô cằn và không thuận lợi cho việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững hay một nguồn cung cấp lương thực ổn định,33 thì có thể thấy rằng, sự trù phú của vùng đồng bằng Bình Định chính là một sự khác biệt lớn và ưu thế quan trọng của Vijaya đối với các tiểu vùng khác của mandala Champa. Trong bối cảnh đặc trưng của một vùng khô (dry area), người Chăm đã có những sáng tạo của riêng mình để thích ứng, duy trì và phát triển. “Lúa Chiêm Thành” như được ghi chép trong Tống sử, có thể coi là một sự thích ứng của người Chăm trong việc phát triển nông nghiệp. Hơn thế, người Chăm là những người rất thạo trong việc làm thủy lợi, dẫn nước vào các ruộng cao bằng hệ thống guồng nước, hay xây đắp hệ thống đập nước để trữ nước cho nông nghiệp.34

Dựa trên nền tảng của một cộng đồng cư dân nông nghiệp ổn định, các trung tâm thủ công nghiệp đã ra đời và phát triển trong không gian đồng bằng thuộc vùng châu thổ sông Côn. Một hệ thống các lò gốm Gò Sành được phát hiện đã minh chứng cho sự hoạt động và phồn vinh của nghề thủ công sản xuất gốm mang đặc trưng của tiểu quốc Vijaya.35 Sự hiện diện dày đặc của các trung tâm sản xuất gốm Gò Sành ở lưu vực sông Côn có thể dẫn chúng ta tới nhận thức rằng, nghề sản xuất gốm của Vijaya xưa đã ở một trình độ phát triển cao cả về quy mô và chất lượng, và chắc chắn rằng, hệ thống các lò gốm ấy đã được vận hành bởi một cộng đồng thợ gốm chuyên nghiệp – cho dù còn có những tranh cãi về chủ nhân của các lò gồm này là người Chăm hay người Hoa. Sự hiện diện của các thợ thủ công chuyên nghiệp như vậy chắc chắn đã góp phần quan trọng đối với việc xây dựng các công trình đền tháp dày đặc và đạt đến tầm mức thẩm mỹ cao của vùng Vijaya. Trong một thời gian dài, các sản phẩm gốm Gò Sành đã trở thành một nguồn hàng quan trọng của Champa cùng với các sản phẩm lâm sản đặc trưng khác. Nếu chúng ta đồng ý với quan điểm cho rằng, sự bắt đầu và phát triển của các lò gốm Gò Sành ở vùng Bình Định nằm trong xu thế phát triển chung của các lò gốm Đông Nam Á trước sự đóng cửa của nhà Minh,36 thì có thể thấy rằng chính thể Vijaya đã năng động như thế nào trong việc nắm bắt thị trường quốc tế và chủ động dấn thân vào mạng lưới giao thương quốc tế, đặc biệt là mạng lưới trao đổi gốm sứ trên biển.37

Chính thể trung tâm, bằng sức mạnh vương quyền và thần quyền, cũng như sức mạnh về kinh tế và quân sự của mình, nắm vai trò tổ chức và điều phối cả hệ thống kinh tế, liên kết và bảo trợ cho các cộng đồng cư dân miền thượng trong hoạt động trao đổi kinh tế với các cộng đồng cư dân ở vùng đồng bằng và vùng duyên hải.

Nằm về phía Tây của kinh đô Vijaya, vượt qua đèo An Khê38 là một Không gian cao nguyên rộng lớn bao gồm những cánh rừng già bạt ngàn với nguồn lợi lâm thổ sản dồi dào làm bệ đỡ kinh tế các cộng đồng cư dân miền thượng, những người sinh sống và hoạt động trong một môi trường kinh tế trọng lâm (forest-oriented economy). Sự dồi dào các nguồn lâm sản của “châu Thượng Nguyên” này được ghi chép trong các hồi ký du hành của các thương nhân Arab39 và các bộ chính sử sau này của Đại Việt.40 Các cộng đồng cư dân ở vùng thượng nguyên ấy lấy việc khai thác các sản phẩm lâm thổ sản, các nguồn hàng trù phú của cao nguyên (như trầm hương, quế, đồi mồi, sừng tê, ngà voi…) để trao đổi với bên ngoài làm hoạt động kinh tế chính của mình.41 Việc nhận lại các loại hàng hóa của cư dân vùng đồng bằng, cũng như các hàng hóa của cộng đồng cư dân ven biển có thể coi như là động lực quan trọng thúc đẩy hoạt động kinh tế, trao đổi của các cộng đồng cư dân miền thượng. Vai trò và vị thế của các cộng đồng cư dân sống ở vùng thượng lưu là rất quan trọng đối với chính thể trung tâm ở vùng đồng bằng. Những nguồn hàng từ vùng thượng lưu được sử dụng phổ biến trong cộng đồng cư dân miền xuôi, và đặc biệt là trở thành một trong những nguồn hàng chính của Champa trong mạng lưới giao thương khu vực.42 Andrew Hardy đã có lý khi cho rằng, trầm hương (eaglewood) đã từng đóng vai trò trung tâm trong hệ thống kinh tế của Champa.43

Chủ nhân và là người vận hành mạng lưới trao đổi của miền thượng nguyên là các tộc người bản địa, những cư dân có truyền thống khai thác lâm thổ sản. Bi kí cổ Champa cũng đã đề cập tới các cộng đồng này dưới tên gọi Rade, Mada, hay Mlecch’a…44 Các tài liệu của các Thừa sai người Pháp vào cuối thế kỷ XIX cho ta biết rằng, người Sedang là những người cung cấp tất cả các dụng cụ bằng sắt và khí giới cho cả khu vực này, họ là những người có kinh nghiệm về việc khai thác các trầm tích sắt. Trong khi đó thì người Renjao và người Bahnar là những người cung cấp vải vóc. Các hoạt động trao đổi giữa người Bahnar Alakong với người Việt ở miền xuôi cũng được ghi nhận.45 Henri Maitre dựa trên những khảo sát thực địa tại Tây Nguyên cũng đã nhận định rằng, các bộ lạc vùng cao nguyên đã góp phần quan trọng vào nền kinh tế của Champa, họ đã dự nhập tích cực vào việc săn bắt voi và tê giác, trong việc tìm kiếm các nguồn lâm thổ sản, đặc biệt là trầm hương.46 Theo cố giáo sư Đào Duy Anh, thì khu vực này “là địa bàn sinh tụ của các bộ lạc phần lớn là thuộc chủng tộc Anhđônêdi, … Trong số các bộ lạc lớn ấy có ba khối lớn là khối Bana, Khối Ra Đê và khối Sơ Ma… Các bộ lạc Ba Na cùng các bộ lạc Xê Đăng, Đá Vách ở miền Tây Bình Định và Quảng Ngãi đã dựa vào núi rừng hiểm trở của họ mà sống tự do từ lâu”.47

Với tư cách là một bộ phận [nằm ở vùng biên/rìa] của khối Zomia Đông Nam Á rộng lớn, vùng thượng nguyên của Champa chia sẻ đầy đủ các đặc trưng cơ bản của một Zomia, và mối liên hệ giữa các cộng đồng cư dân miền thượng ấy với các chính thể trung tâm ở vùng đồng bằng cũng tương tự như những gì diễn ra ở các địa điểm khác của khối Zomia.48 Nhận thức rõ tầm quan trọng của các cộng đồng cư dân vùng thượng nguyên, cũng như sự đóng góp vô cùng lớn của các nguồn hàng có nguồn gốc từ cao nguyên, những người đứng đầu của chính thể Vijaya đã dày công kiến lập và duy các mối liên hệ với các cộng đồng cư dân đó. Những dấu tích vật chất hiện còn tới ngày nay ở vùng cao nguyên, đặc biệt là sự hiện diện của khá nhiều các đền tháp cổ Champa có thể xem như là một minh chứng về mối liên hệ bền chặt này.49 Thắng lợi của cuộc chiến chống lại quân Mông Nguyên vào thế kỷ thứ XIII của Champa cũng đã chỉ ra được tầm quan trọng và vị trí của vùng cao nguyên trong những thời khắc chiến tranh ác liệt. Mối liên hệ giữa người Chăm và cư dân đồng bằng cũng còn được lưu giữ khá đậm nét trong tâm thức dân gian của các tộc người cao nguyên.50

Cuối cùng, nằm ở rìa phía Đông của nagara Vijaya là một không gian duyên hải với đường bờ biển trải dải, các dãy núi tầm trung chạy sát mặt biển, các bán đảo và hệ đảo ven bờ. Không gian duyên hải chính là địa bàn sinh sống của cộng đồng các cư dân ven biển lấy hoạt động khai thác và trao đổi kinh tế biển làm động lực phát triển chính. Những sản phẩm có được từ biển không chỉ cung cấp cho cư dân vùng duyên hải, mà còn là nguồn lương thực quan trọng cung cấp cho cư dân đồng bằng. Những sản phẩm đặc trưng của hệ sinh thái ven biển như muối, hải sản đồng thời cũng là sản phẩm quan trọng trong việc trao đổi buôn bán với các cộng đồng cư dân miền thượng. Nổi bật lên trong vùng duyên hải ấy là hoạt động và vai trò của thương cảng Thi Nại và một hệ tiểu cảng ven bờ.

Chính bởi vai trò và vị trí của mình mà thương cảng Thi Nại đã sớm được ghi chép khá nhiều trong các thư tịch cổ của cả Đại Việt và Trung Hoa. Kinh thế đại điển tự lục đã chép về cảng Thi Nại: “cửa cảng phía Bắc liền với biển, bên cạnh có 5 cảng nhỏ thông với Đại Châu của nước ấy, phía Đông Nam có núi ngăn, phía Tây có thành gỗ”.51 Đại Việt Sử ký Toàn thư cũng có chép về thương cảng này: “Tỳ Ni bến cảng của Chiêm Thành, nơi tụ tập các thuyền buôn… chỗ này người buôn bán tụ họp phức tạp, lại là chỗ bến tàu xung yếu”.52 Đến thời nhà Minh, Sách Doanh Nhai Thắng lãm có chép rằng: “Chiêm Thành có cửa biển gọi là cảng Tân Châu, bờ cũng có tháp đá làm mốc, thuyền đến đấy thì buộc vào, có trại gọi là Thiết Tỉ Nại”.53

Trong các bộ sử của nhà Nguyễn, Thi Nại và các vùng duyên hải của Bình Định được ghi chép khá đầy đủ. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì Tấn Thi Nại (hay Vịnh Thi Nại) “ở phía Đông huyện Tuy Phước, rộng 197 trượng, thủy triều lên sâu 4 trượng 7 thước, thủy triều xuống sâu 4 trượng 4 thước, thủ sở ở địa phận thôn Bình Chính, có bảo đất, chu vi 48 trượng 4 thước, cao 6 thước, mở một cửa. Về phía đông cửa biển, có pháo đài Hổ Ki, chu vi 27 trượng, mở một cửa, có một kì đài và 12 lỗ sung…”.54 Các sự kiện quan trọng cả từ thời Champa đến thời nhà Nguyễn liên quan tới vịnh Thi Nại cũng được Đại Nam Nhất Thống Chí ghi chép đầy đủ “năm Thái Hòa thứ 4 [1446]: đời Lê Nhân Tông, đánh Chiêm Thành, bình chương Lê Thụ và thiếu phó Lê Khắc Phục kéo quân đến các xứ Li Giang và Cổ Lũy đánh tan được quân giặc, thừa thắng hạ luôn thành Thi Nại, rồi tiến vây thành Chà Bàn, bắt được chúa Chiêm Thành là Bí Cai. Đời Lê Thánh Tông, khoảng năm Hồng Đức, đánh Chiêm Thành, tiến quân đánh Thi Nại, vây thành Chà Bàn, bắt được chúa Chiêm Thành là Trà Toàn. Bản triều năm Nhâm Tí [1792] đầu đời Trung Hưng, đại binh đánh Quy Nhân, nhà vua thân đem châu sư đóng ở cửa biển Thi Nại, thì đô đốc giặc là Thành bỏ chạy, nhà vua đóng quân ở chợ Thị Nại, phủ dụ nhân dân rồi rút quân về; năm quý sửu [1793] đại binh lại tiến đánh Quy Nhân, thuyền vua đóng ở cửa biển Thi Nại, sai Võ tánh đánh phá được bảo giặc ở chợ Thi Nại; năm Kỷ Mùi [1799], thuyền vua đóng ở cửa biển Thi Nại, tiến quân hạ được thành Qui Nhân, sai Võ Tánh làm lưu thủ…”.55 Ở cửa biển Thi Nại cũng còn lưu lại những trầm tích và dấu vết văn hóa về những mối liên hệ giữa Đại Việt và Champa thời cổ xưa, đặc biệt là sự hiện diện được chép trong sử sách của Đền Uy Minh Vương. Đền Uy Minh Vương “có tên nữa là đền thần núi Tam Tòa, ở cửa biển Thi Nại. Thần họ Lí, húy là Nhật Quang, là con thứ tám của Lí Thái Tông, được phong Uy Minh Vương, coi phủ Nghệ An, có chính tích tốt, nhân dân mến phục. Bấy giờ có bộ lạc ở Chiêm Thành làm phản, vua Chiêm Thành cầu viện, quân của vương đóng ở dưới núi Tam Tòa, vua Chiêm Thành đón rước. Bộ lạc Chiêm Thành được tin, đều đến cửa quân sụp lạy và cam đoan xin theo lệnh vua Chiêm, không dám hai lòng. Vương đem quân về, người Chiêm Thành nhớ công đức, bèn lập đền thờ ở dưới núi Tam Tòa. Lúc vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, đóng quân ở cửa biển Thi Nại, cầu đảo thường được ứng nghiệm; hạ được thành Chà Bàn, phong cho vương làm thần núi Tam tòa”.56

Trong không gian duyên hải với điểm nhấn là Cảng Thi Nại và đầm Thi Nại như thế, còn có cả một hệ thống các thủy lộ, cửa biển và các hệ đảo ven bờ. Đó là Hòn Thanh Châu “ở thôn Chính Thành, phía nam huyện, tục gọi núi Cù Lao, là trấn sơn của cửa biển Thi Nại”,57 là Ghềnh hổ “ở phía ngoài cửa biển Thi Nại, phía Đông huyện Tuy Phước”.58 Các dòng sông từ thượng nguồn đổ về cửa biển Thi Nại có sông Tam Huyện “ở địa phận ba huyện Tuy Viễn, Tuy Phước và Phù Cát nên gọi tên thế; có ba nguồn: một nguồn từ núi Phong sơn chảy về đông nam 66 dặm dến thôn Trinh tường; một nguồn từ núi Kiền kiền ở nguồn Lộc động, chảy về đông bắc 16 dặm đến thôn Trinh Tường thì hợp nhau, lại chảy về phía đông 35 dặm đến thôn Hòa Phong thì chia làm hai nhánh, phía nam chảy về phỉa đông nam 2 dặm… nháy phía bắc thì chảy về phía đông bắc 5 dặm đến thôn Tân Kiều… Bốn dòng nói trên đều đổ vào đầm Biển cạn và chảy xuống cửa biển Thi Nại”.59 Bên cạnh đó có đầm biển cạn “ở phía đông huyện Tuy Phước, chu vi hơn 9.500 trượng, nước đầm đổ vào cửa biển Thi Nại, trong đầm có núi nhỏ, tục gọi tháp Thầy bói, phía tả là ghềnh Hổ, phía hữu là Bãi nhạn; lại phía tả có vũng tầu, ghềnh triệu, là bãi Sò, là mũi Cổ rùa, phía bắc có thôn Hoàng giản. Lại có đầm Cầu đá, ở phía đông núi Khố sơn thuộc thôn Xuân Quang, nước đổ vào sông Hưng Thịnh, chẩy đến đầm Biển cạn”.60 Một hệ giếng nước ngọt –vốn là “đặc sản” của bờ biển Champa và cũng là một nguồn hàng đáng kể của Champa cũng được ghi nhận tại đây, chẳng hạn như địa danh Giếng vuông tọa lạc “ở thôn Lạc đức phía tây đường trạm, về phía tây huyện, vuông một trượng, bốn bờ xây đá, quanh năm không cạn, gặp năm hạn hán, nước giếng có thể tưới hơn chục mẫu ruộng, dân địa phương được nhờ”.61 Tại các vùng biển của vùng Vijaya cũng được ghi nhận như những địa điểm có các sản vật biển quý giá, đặc biệt là yến sào.

Cùng với cảng Thi Nại thì Thành Thi Nại cũng đã được xây dựng để vừa bảo vệ cho hoạt động trao đổi buôn bán diễn ra tại vùng biển của Vijaya, nhưng đồng thời cũng là tiền đồn bảo vệ cho kinh thành Chà Bàn ở phía Tây trước các cuộc tấn công của các nagara khác trong mandala, cũng như của các nước láng giềng của Champa. Dựa trên các khảo sát điền dã, thì hiện dấu vết của tòa thành này vẫn còn được lưu giữ tại hạ lưu sông Côn, gần với địa điểm tọa lạc của Tháp cổ Bình Lâm.62 Sự hiện diện của Thành Thi Nại cùng với tháp cổ Bình Lâm tại vùng hạ lưu Sông Côn, tiếp giáp với phía bắc của Vịnh Thi Nại ngày nay cũng gợi cho chúng ta những nhận thức cơ bản về vị trí cổ xưa của thương cảng Thi Nại. Xét theo địa hình duyên hải Bình Định ngày nay thì Vịnh Thi Nại chỉ có 1 cửa thoát ra biển ở cửa Quy Nhơn, và tất cả thuyền bè muốn lưu thông ra vào vịnh Thi Nại đều phải đi qua cửa bể này. Tuy nhiên, qua những khảo sát thực địa thì có thể thấy rằng dải cát ở phía bắc của đầm Thi Nại, nối dài bán đảo/dãy núi Phương Mai ở phía Đông với đất liền, bao phủ xung quanh vịnh Thi Nại có lẽ có niên đại gần đây [thời nhà Nguyễn?] (ở vị trí tiếp giáp giữa huyện Phù Cát với hai xã Nhơn Hội và Nhơn Lý của bán đảo Phương Mai ngày nay). Trong suốt thời kỳ lịch sử của Champa, bán đảo/dãy núi Phương Mai dài gần 20 km chạy song song với bờ biển của Vijaya và không nối liền với đất liền ở bất cứ điểm nào. Sự hiện diện của dãy núi Phương Mai chạy dài như vậy trở thành một tấm bình phong chắn gió cho tàu thuyền lưu thông trong vùng biển Thi Nại, đặc biệt tàu thuyền có thể ra vào từ cả cửa biển phía Bắc cũng như cửa biển phía Nam (cửa Quy Nhơn ngày nay). Nhận định này càng trở nên chắc chắn bởi cho đến cuối thế kỷ XVII, Giáp Ngọ Niên Bình Nam Đồ khi vẽ về Nước Mặn Hải Môn của phủ Quy Ninh vẫn cho thấy rõ sự chia tách giữa bán đảo Phương Mai và đất liền.63

Việc xác định một vị trí chính xác tuyệt đối của thương cảng Thi Nại thời Vijaya là tương đối khó khăn. Trong khi chờ đợi những kết quả khai quật khảo cổ học tại vùng vịnh Thi Nại – Quy Nhơn sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn các tầng lớp văn hóa vật chất còn tồn lưu dưới lòng đất và lòng đầm Thi Nại,64 thì chúng ta chỉ có thể đưa ra những giả định dựa trên những bằng chứng lịch sử cùng với khảo sát điều kiện địa chất – sinh thái của khu vực ven biển Quy Nhơn. Tuy thế, một cái nhìn đơn tuyến cho rằng vị trí của thương cảng Thi Nại trong lịch sử của nagara Vijaya đã luôn luôn tồn tại ở một vị trí cố định và không thay đổi thì cần phải được nhìn nhận lại. Chắc chắn rằng, cùng với sự đổi dòng của các nhánh sông Côn, cũng như là các biển đổi về địa hình (đặc biệt là sự bồi lấp của cửa biển phía bắc, dần dần nối liền đất liền với dãy núi/đảo Phương Mai ở phía Đông), thì vị trí của Thương cảng Thi Nại cũng đã có những sự thay đổi cho phù hợp. Bên cạnh đó, xét trong một cái nhìn đối sánh đồng đại với sự vận hành của các thương cảng khác trong khu vực Đông Nam Á như Vân Đồn ở phía Bắc của Đại Việt65 hay Palembang Srivijaya ở Sumatra, cũng như thông qua việc khảo sát địa hình địa mạo của vùng vịnh Thi Nại, có thể bước đầu nhận xét rằng: thương cảng Thi Nại nằm ở trung tâm của một hệ tiểu cảng ven bờ. Theo cách diễn giải đó, một thương cảng Thi Nại nằm ở vị trí trung tâm (được đoán định nằm ở phía đông bắc của Vịnh Thi Nại ngày nay) là khu vực hoạt động nhộn nhịp của các đoàn thuyền buôn và nơi diễn ra các hoạt động buôn bán chính, cũng như là nơi đặt trị sở kiểm soát của chính thể Vijaya. Mỗi vùng cửa sông của các nhánh sông Côn cũng như là các vụng biển nằm ở phía tây của dãy núi/đảo Phương Mai đều có thể trở thành nơi bến đậu tránh gió của các tàu thuyền, cũng như là nơi diễn ra các trao đổi buôn bán nhỏ. Chúng tôi hi vọng rằng, những khảo sát thực địa và các cuộc khai quật khảo cổ học trong tương lai sẽ cung cấp cho chúng ta những nhận thức chân xác và cụ thể hơn nữa.

Thương cảng Thi Nại trong mạng lưới trao đổi ven sông của nagara Vijaya

Với đặc trưng về địa sinh thái (không gian duyên hải kéo dài dọc theo lãnh thổ) và địa-nhân văn (sự tụ cư và cộng cư của các tộc người có nguồn gốc Mã Lai Đa đảo), nên các nhà sử học Đông Nam Á gần đây có xu hướng đặt mandala Champa trong không gian lịch sử của vùng quần đảo Đông Nam Á, hay nói cách khác xem Champa như một bộ phận của thế giới Malayu.66 Trong ý nghĩa ấy, lịch sử cổ xưa của vương quốc Champa chia sẻ nhiều giá trị chung và gần gũi với thế giới hải đảo Đông Nam Á, thế giới biển, và thế giới của các cư dân gốc Mã lai Đa đảo. Trong thế giới hải đảo ấy, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh tới sự năng động của các thể chế biển, tới sự tích cực của các mandala này vào sự dự nhập của mạng lưới hải thương của khu vực, đặc biệt là vai trò chủ động của các thương cảng cận duyên nắm giữ vị thế như những tiền đồn cho sự hội nhập của các thể chế khu vực vào mạng lưới giao thương quốc tế. Các thương cảng đó, dưới sự bảo trợ của các chính thể trung tâm, trở thành điểm kết nối giữa thế giới lục địa, mạng lưới trao đổi của thị trường nội địa với thế giới biển, với mạng lưới vận hành của thị trường quốc tế.

Mạng lưới giao thương nội địa, được định danh như là mạng lưới trao đổi ven sông (Riverine exchange network) được xem như là một đặc trưng mang tính phổ quát của thế giới hải đảo Đông Nam Á. 67 Theo lý thuyết của B.Bronson, hệ thống trao đổi ven sông điển hình có một trung tâm thương mại ở ven bờ biển, thường nằm ở vùng cửa sông, như là một entrepôt. Sẽ có những trung tâm trao đổi ở sâu trong lục địa và vùng cao nguyên xa xôi, đóng vai trò như những điểm thu gom hàng hóa (feeder station), hay những địa điểm thu gom hàng hóa đầu tiên từ những vùng đầu nguồn xa xôi của dòng sông. Những cư dân sống ở những bản làng cao nguyên hay đầu nguồn con sông sản xuất và vận chuyển những hàng hóa lâm sản tới trung tâm trao đổi vùng cửa sông, nơi có đông cư dân sinh sống hơn, qua đó họ có thể dự nhập vào một nền kinh tế hiệu quả hơn và có kỹ thuật cao hơn.

Mô hình mạng lưới trao đổi ven sông phổ biến trong thế giới hải đảo ấy đã được một số các nhà nghiên cứu áp dụng và đã mang lại những kiến giải thú vị về sự vận hành của mạng lưới giao thương nội địa trong lãnh thổ của các tiểu quốc Champa. Sông Thu Bồn ở vùng Amaravati đã được ghi nhận như một sợi dây kết nối quan trọng của một mạng lưới trao đổi ven sông kết nối vùng rừng núi và các tộc người thượng ở miền Tây Amaravati (Quảng Nam ngày nay) với vùng cửa sông Thu Bồn, nơi có Cảng Đại Chiêm, hay xa hơn nữa là thương cảng Cù Lao Chàm, rồi từ đây các nguồn hàng nội địa bắt đầu dự nhập vào thị trường khu vực và quốc tế.68 Việc áp dụng mô hình ấy vào việc nghiên cứu các mạng lưới trao đổi nội địa của vùng Vijaya dọc theo các nhánh của dòng sông Côn, cũng như các con đường mòn ven sông chắc chắn cũng sẽ gợi mở nhiều kiến giải chân xác và thú vị. Dòng sông Côn và các nhánh của nó bắt nguồn từ vùng núi cao nguyên phía Tây Bắc, chảy qua các làng mạc vùng đồi trung du và đồng bằng trù phú, cuối cùng đổ ra biển ở Vịnh Thi Nại. Cũng giống như sông Thu Bồn ở phía bắc, dòng sông Côn được coi như một sợi dây liên kết, một con đường chuyển vận văn hoá cũng như các mối giao thương về kinh tế giữa miền ngược với miền xuôi của vùng Vijaya. Các nguồn hàng được thu thập tại các bản làng trên cao nguyên, sau đó theo tuyến đường thuỷ dọc sông Côn được tập trung về thương cảng Thi Nại. Từ đó, các hàng hoá này lại được luân chuyển đi các vùng khác trong vương quốc, và trở thành hàng hoá xuất khẩu của Champa. Ở chiều ngược lại, những hàng hoá của miền xuôi, vùng ven biển và cả những hàng hoá được nhập từ thuyền buôn ngoại quốc lại được chuyển vận tới các cộng đồng cư dân miền ngược. Trong ý nghĩa đó, thương cảng Thi Nại đã trở thành một trung tâm vùng (regional-center), một trung tâm giao thương, nối kết các cộng đồng cư dân, các không gian sinh thái và kinh tế. Các nhánh của sông Côn cùng các đường mòn dọc theo các dòng sông trở thành sợi dây liên kết giữa các không gian sinh thái và tộc người ấy. Dân gian vùng Bình Định cho tới ngày nay còn lưu truyền câu ca:



“Ai về nhắn với nậu nguồn

Măng le chở xuống, mắm chuồn gửi lên.



Nối dài của mạng lưới trao đổi nội địa, đó là các tuyến giao thương xuyên biên giới, và Thi Nại trở thành điểm cuối của tuyến đường băng qua đèo An Khê, Play Ku, và đến sông Mê Kông ở Stung Treng ở nơi mà hiện nay là phía Bắc Campuchia, nơi nó nối kết với mạng lưới giao thương tỏa ra từ Ayudhaya/Băngkok. Thương mại di chuyển dọc tuyến đường này, nối Thi Nại và Vijaya với những mối quan tâm buôn bán của người Khmer và người Xiêm. Tuyến đường này cho đến thời các chúa Nguyễn vẫn còn được vận hành và có vai trò quan trọng.69 Ở một chiều hướng khác, Thi Nại cũng trở thành một điểm đến quan trọng của các tuyến hải thương khu vực và Quốc tế. Một mối liên hệ bền chặt của chính thể Vijaya với các tiểu quốc thuộc vùng quần đảo Philipinnes đã sớm được thiết lập thông qua việc trao đổi các hàng hóa thương phẩm có giá trị cao.70 Mối liên hệ ấy giữa Vijaya với các chính thể vùng quần đảo càng trở nên mật thiết hơn từ khi gốm Gò Sành trở thành một nguồn hàng chính và quan trọng của Champa. Những hiện vật khảo cổ phát hiện trong các địa điểm khai quật của Philippines với sự hiện diện của vô vàn các hiện vật gốm Gò Sành đã minh chứng cho mối giao thương mật thiết ấy.71 Lê Tắc trong An Nam Chí Lược thế kỷ XIII cho chúng ta biết về vị trí quan trọng của mandala Champa – hay chính là vai trò của thương cảng Thi Nại trong mạng lưới giao thương biển của người Trung Hoa: “[Chiêm Thành] lập quốc tại mé biển, thương thuyền Trung Quốc vượt bể đi qua các nước phiên phục, thường tập trung tại đấy để chứa củi và nước, là bến tàu lớn nhất tại phía Nam”. Nhận định ấy của Lê Tắc được khẳng định rõ hơn bởi loạt các sự kiện trong thế kỷ XV. Dưới thời nhà Minh, trong vòng 28 năm (từ 1405 đến 1433), nhà Minh đã phái cử Trịnh Hoà thực hiện các chuyến thám hiểm của mình xuống các nước Đông Nam Á và Nam Á bằng đường biển.72 Trong cả bảy lần viễn dương đó, đoàn thương thuyền củaTrịnh Hoà đều đã tới Champa.73 Từ những ghi chép của Lê Tắc, đối chiếu với các chuyến hải trình của Trịnh Hòa, có thể thấy rằng, thương cảng Thi Nại của vương quốc Champa đã trở thành một điểm đến quen thuộc của các thương thuyền trên tuyến hải thương khu vực, và, trong ý nghĩa đó, Thi Nại trở thành trung tâm liên khu vực (inter-regional center), kết nối các trung tâm thương mại lớn của khu vực và quốc tế.

Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 0.96 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương