NHÌn lạI “BÁo cáo vắn tắt về tiếng an nam hay đÔng kinh” CỦa alexandre de rhodes về VẤN ĐỀ chữ VÀ VẦN



tải về 0.96 Mb.
trang1/12
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích0.96 Mb.
#9892
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12



HỘI THẢO KHOA HỌC “CHỮ QUỐC NGỮ TẠI BÌNH ĐỊNH ”

11.Lý Toàn Thắng (2004), “Đất Quảng trong tiến trình lịch sử chữ Quốc ngữ”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 12, 2004.


NHÌN LẠI “BÁO CÁO VẮN TẮT VỀ TIẾNG AN NAM HAY ĐÔNG KINH”

CỦA ALEXANDRE DE RHODES VỀ VẤN ĐỀ CHỮ VÀ VẦN

PGS.TS Trần Kim Phượng & PGS.TS Lê Thị Lan Anh

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Tóm tắt báo cáo

Báo cáo đi sâu phân tích quan điểm của A.de Rhode về chữ, vần, dấu và các dấu hiệu khác trên nguyên âm. Quan điểm này được trình bày trong hai chương 1 và 2 của “Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh”, được in trong cuốn “Từ điển Annam – Lusitan – Latinh”, xuất bản năm 1651.  Mục đích của chúng tôi là làm rõ hơn những đóng góp của A.de Rhode về chữ quốc ngữ và cùng nhau nhìn lại những thay đổi của chữ quốc ngữ sau hơn 4 thế kỷ.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Alexandre de Rhodes là tác giả của cuốn từ điển nổi tiếng: Từ điển Annam – Lusitan – Latinh (thường gọi tắt là Từ điển Việt - Bồ - La), xuất bản tại Rôma năm 1651. Nó được xem là cuốn từ điển đối dịch đầu tiên lấy từ Việt là mục từ. Với cuốn từ điển này, Alexandre de Rhodes cũng được coi là người có công lớn cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ tại Việt Nam. Dù vai trò của A. de Rhodes (Có phải là lớn nhất không? Có phải là duy nhất không?) cho đến nay còn có những điểm cần nhìn nhận lại, song không thể phủ nhận công lao của ông đối với cuốn từ điển này. Nó được đánh giá là một công trình khoa học nghiêm túc được biên soạn theo lối từ điển châu Âu thời kỳ Phục Hưng, là một kho lưu trữ bỏ túi về hàng trăm, hàng ngàn di tích văn hóa thế kỷ XVII, là vốn tư liệu rất phong phú và quý giá đối với giới cổ Việt học,… (Lời nói đầu của cuốn từ điển).

Ngoài cuốn từ điển này, cùng trong năm 1651, A.de Rhode còn xuất bản hai công trình quan trọng khác nữa là Báo cáo vắn tắt về tiếng Annam hay tiếng Đông KinhPhép giảng 8 ngày (in bằng hai thứ tiếng: tiếng Latinh và tiếng Việt).

Có nhiều vấn đề quan trọng có thể bàn luận xung quanh các công trình trên từ góc độ ngôn ngữ học. Song ở đây, chúng tôi chỉ đi sâu phân tích một số vấn đề được đề cập đến trong Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh. Chúng tôi sử dụng bản in của NXB Khoa học Xã hội 1991 và báo cáo đó được in trong phần 2 của cuốn từ điển này. Đó là vấn đề về chữ, vần, dấu và các dấu hiệu khác trên nguyên âm.  



NỘI DUNG CHÍNH

1. Về vấn đề chữ và vần

1.1. Quan điểm của A. de Rhodes

Trong công trình của mình, A.de Rhode đã rất ý thức về sự tiện lợi và đơn giản của hệ chữ cái Latinh: “Chúng tôi sử dụng những chữ của xứ sở chúng ta vừa ít vừa dễ hơn nhiều” (tr5 của Báo cáo vắn tắt về tiếng Annam hay Đông Kinh – từ đây xin viết vắn tắt là Báo cáo). Ông miêu tả 23 chữ cái, bao gồm:



A, b, c, d, e, f, g, h, i, k, l, m, n, o, ơ, p, q, r, s, t, u, ư, x.

Một số chữ cái trong hệ thống trên được miêu tả bao gồm 2 thứ:



  • a bao gồm a và â,

  • b bao gồm b và v,

  • d bao gồm d và đ,

  • e bao gồm e và ê

  • i bao gồm i và y

  • o bao gồm o và ô

Riêng chữ f, tác giả giải thích rằng: “f, đúng hơn là ph”. Chữ “p” không có ở đầu tiếng, mà chỉ có “ph”, nhưng có ở cuối tiếng, ví dụ “bắp”.

Nguyên âm: có 7 đơn vị: a, e, i, o, u, ơ, ư. Chữ y (i dài hay y Hilạp) cũng sẽ được sử dụng.

Từ các nguyên âm này kết hợp được các nhị trùng âm: ai, ao, ei, eo, oi, ơi, ui, ưi,…

1.2. Quan điểm hiện nay

Hiện nay, bộ chữ cái chúng ta đang sử dụng bao gồm 29 chữ cái:



A, ă, â, b, c, d, đ, e, g, h, i , k, l, m, n, o, ô, ơ, p, q, r, s, t, u, ư, v, x, y.

Ngoài 29 chữ cái trên đây, có 4 chữ cái vẫn được sử dụng trên sách báo, trong đời sống hàng ngày, đó là: f, j, w, z.

Về nguyên âm: Tiếng Việt có 11 nguyên âm đơn: a, ă, â, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư và 3 nguyên âm đôi với nhiều cách viết: ia – yê - iê, ua - uô, ưa - ươ.

Về phụ âm: Phần lớn các phụ âm được ghi bằng một chữ cái duy nhất: b, t, v, s, x, r… Có 9 phụ âm được ghi bằng hai chữ cái ghép lại: ph, th, tr, ch, gi, nh, ng, kh, gh. Có 1 phụ âm được ghi bằng 3 chữ cái: ngh.



1.3. Nhận xét

So sánh bộ chữ cái từ thời A.de Rhodes với ngày nay, chúng tôi thấy, về cơ bản, sự thay đổi không nhiều. Những mô tả của A.de Rhodes, dù rất ngắn (mỗi chữ chỉ vài dòng) về bộ chữ cái này trong sự so sánh với cách phát âm của các thứ tiếng Bồ-đào, tiếng Ý, Hilạp,… vô cùng hữu ích cho chúng ta trong việc nhận diện bộ chữ cái về mặt ngữ âm. Hãy đọc kỹ một miêu tả bất kỳ của A.de Rhodes:

F hay đúng hơn là “ph”, bởi vì không đòi phải giề hai môi như “f” của chúng ta, nhưng đúng hơn là, trong khi đọc hay phát âm, thì nhếch môi một cách nhẹ nhàng với một chút hơi thở ra, vì thế trong từ điển chúng tôi không ghi chữ “f” mà dùng chữ “ph”, bởi vì các sách đã chép từ lâu đều sử dụng như vậy”. (tr6 của Báo cáo)

Chúng tôi hiểu rằng cách giải thích việc phát âm trước hết là để phục vụ cho bản thân tác giả và những người châu Âu (có chữ riêng để ghi âm Việt, phục vụ cho việc truyền giáo; bằng chứng là tác giả luôn dùng cách giải thích là âm này “sử dụng như chúng ta” – tức là viết để phục vụ “chúng ta” – bản thân tác giả và đất nước của tác giả), nhưng nó rất hữu ích đối với người Việt. Không thể phủ nhận A.de Rhodes chính là một nhà ngôn ngữ học, dù rằng sau này những miêu tả của chúng ta đã khác đi rất nhiều. Chẳng hạn, “f” với tư cách phụ âm đầu sẽ được mô tả như sau:



  • Phương thức cấu âm: xát

  • Thanh tính: âm ồn - vô thanh

  • Định vị: môi

Trong miêu tả của A.de Rhodes thuộc phần này, chúng tôi không thấy ông nhắc tới “ă” (a ngắn). Nhưng khi bàn về các dấu hiệu khác trên nguyên âm thì ông có nhắc tới.

Về vấn đề vần thì lại khác. Vần thay đổi khá nhiều so với ngày nay. Đoàn Thiện Thuật nhận xét: Thế kỷ 17, trong vần, nguyên âm chưa được nhận diện một cách thống nhất, dù là nguyên âm đơn. Âm sắc của nguyên âm trong vần thay đổi tùy thuộc vào âm cuối đi cùng với nó. Người viết cố gắng ghi trung thành với cách phát âm đó, mỗi trường hợp ghi một khác [5, tr427]. Và nguyên âm đơn đã khó, nguyên âm đôi càng khó hơn. Đó là lí do của việc viết ba nguyên âm đôi /ie/, /   /, /   /  khá đa dạng.



2. Về vấn đề các dấu và dấu hiệu khác trên nguyên âm

2.1. Về các dấu thanh

Các dấu được A.de Rhodes nhắc tới ở đây chính là hệ thống thanh điệu, gồm 6 thanh, mà ông miêu tả như một điều kỳ diệu: các dấu thanh là hồn của các từ trong tiếng Việt, và tất cả các tiếng đều có dấu thanh, không trừ một tiếng nào. Ông cũng lưu ý với người nước ngoài học tiếng Việt là phải học dấu thanh “cẩn thận tối đa”.

Để ghi lại cho được các giọng bằng, sắc, trầm, nặng trĩu, uốn cong, nhẹ, ông đưa ra 3 dấu của tiếng Hilạp (sắc, huyền và ngã) và thấy rằng nó vẫn không đủ nên bổ sung 3 dấu nữa (hỏi, nặng, ngang/ không/ bằng). Liên tưởng tuyệt vời của A.de Rhodes với các  nốt nhạc đã khiến chúng ta có 6 thanh điệu như ngày nay, trong đó đồ, rê, mi, pha, son, la sẽ tương ứng với huyền, nặng, ngã, ngang, hỏi, sắc. Ông nói: “Sở dĩ chúng tôi có thể phổ sáu dấu này vào những cung giọng âm nhạc của chúng ta là bởi xem ra chúng có sự tương xứng với âm nhạc” (tr11 của Báo cáo). Tất nhiên, ông cũng nhận ra rằng cách tham chiếu này không đúng hẳn đến độ chỉ cần học chúng thông qua âm nhạc mà không cần nhờ một người am tường về ngôn ngữ dạy dỗ. Cho đến nay, theo chúng tôi, 6 thanh điệu của tiếng Việt vẫn là một thách thức lớn đối với người nước ngoài học tiếng Việt.  

Một sự “tiết kiệm” trong sáng tạo của A.de Rhodes trong việc dùng kí hiệu ghi thanh điệu đó là giọng bằng, không được ghi bằng bất cứ dấu nào. Ông cho rằng đây chính là một dấu hiệu đủ để phân biệt vì “mọi tiếng khác đều có dấu riêng”.

Ngày nay, việc mô tả thanh điệu cũng như phân loại chúng sẽ căn cứ vào 2 tiêu chí: theo âm vực và theo âm điệu (theo đường nét). Theo âm vực, có thể chia thành thanh cao (gồm thanh ngang, hỏi, sắc) và thanh thấp (huyền, ngã, nặng). Theo âm điệu có thể chia thành thanh bằng (thanh ngang và thanh huyền) và thanh trắc (hỏi, ngã, sắc, nặng). Tuy nhiên, những miêu tả ban đầu, dù rất giản đơn, của A.de Rhodes thực sự rất có giá trị về mặt ngôn ngữ học.

2.2. Về các dấu hiệu khác trên nguyên âm

Có ba loại dấu hiệu được sử dụng trên các nguyên âm, đó là dấu mũ, dấu ghi ngắn và dấu lưỡi câu. Đây cũng là một sự “tiết kiệm” của A.de Rhodes vì ông luôn ý thức được rằng việc sử dụng quá nhiều các dấu hiệu dễ sinh ra lầm lẫn trong in ấn. Thứ nhất là dấu mũ của người Latinh, dùng cho ba nguyên âm â, ê, ô. Thứ hai là dấu ghi ngắn, dùng cho các nguyên âm ă, e o. Thứ ba là dấu lưỡi câu dùng cho ơ ư. Trong các kí hiệu này thì hiện nay ta không thấy sự xuất hiện của e ngắn và o ngắn về mặt hình thức văn tự, nhưng phân tích trên âm đọc thì vẫn còn.



3. Đánh giá quan điểm của A.de Rhode từ góc nhìn về chữ quốc ngữ

Có thể nói lịch sử chữ viết tiếng Việt đã có nhiều thế kỷ gắn với chữ Hán. Theo bảng phân kỳ tiếng Việt của Nguyễn Tài Cẩn thì từ giai đoạn Proto Việt (thế kỷ 8,9) đến giai đoạn tiếng Việt tiền cổ (thế kỷ 10-12), chúng ta chỉ sử dụng duy nhất chữ Hán. Giai đoạn tiếng Việt cổ (thế kỷ 13-16), chữ Nôm ra đời, chữ Hán vẫn tiếp tục được dùng song song. Giai đoạn tiếng Việt trung đại (thế kỷ 17-19), chúng ta sử dụng đồng thời ba loại văn tự: chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Đến giai đoạn tiếng Việt cận đại (thời Pháp thuộc), tiếng Pháp được bổ sung cùng với ba văn tự trên. Từ năm 1945 cho đến nay, chúng ta chính thức dùng một ngôn ngữ là tiếng Việt và một văn tự là chữ Quốc ngữ [2, tr403].

Thế kỷ XVII là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của chữ Việt, đó là sự ra đời của chữ Quốc ngữ - chữ ghi âm vị, dùng mẫu tự Latinh ghép thành. Trong khi xuất phát điểm của chúng ta là tiếng Hán và chữ Hán đầy phụ thuộc thì ở thế kỷ này, rất nhanh chóng, chúng ta đã có chữ viết riêng, vô cùng đơn giản và tiện lợi. Chữ viết này được đánh giá là “tiến bộ trước người Tàu đến 3 thế kỷ”, khi cả Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên vẫn còn đang vất vả loay hoay với những ký tự tượng hình biểu ý phức tạp. Với rất nhiều lĩnh vực đi sau thế giới (về kinh tế, khoa học, công nghệ,…), chúng ta có quyền tự hào về một lĩnh vực được xếp vào hàng “đi trước” như vậy. Không thể không ghi nhận rằng chữ quốc ngữ có rất nhiều ưu điểm.

- Nó thể hiện sự tự tôn và tinh thần độc lập dân tộc. Nó chứng minh cho sự không lệ thuộc vào người Tàu.

- Đây là loại chữ viết đơn giản, dễ học và dễ nhớ vì nó sử dụng bộ chữ cái Latinh: chỉ gồm 29 chữ cái và 6 thanh điệu (trong khi theo A.de. Rhodes, người Trung Hoa có tới 80 ngàn chữ, và các dân tộc này phải bỏ trọn đời để học những chữ đó mà chưa ai có thể học hết).

- Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, tiếng Anh được sử dụng ở mọi nơi, rõ ràng là chính chữ quốc ngữ của người Việt đã giúp chúng ta học tiếng Anh cũng như các ngôn ngữ Ấn Âu một cách dễ dàng hơn, vì đều cùng là những ngôn ngữ sử dụng hệ chữ cái Latinh.

Nhược điểm: Cho đến ngày nay, chữ quốc ngữ dù đã có nhiều biến đổi so với thế kỷ 17, nhưng vẫn còn những hạn chế không khắc phục được.

- Một số trường hợp không có sự thống nhất giữa âm đọc và chữ viết (hươu/ hiêu, rượu/ riệu, hiu/ hưu,…).

- Có 3 phụ âm được ghi bằng nhiều chữ cái khác nhau, gây khó khăn cho việc học:

/k/ được ghi bằng k, q, c

/g/ được ghi bằng: gh, g

/ng/ được ghi bằng: ng, ngh

KẾT LUẬN  

Các chữ cái tiếng Việt được mô tả qua 23 mục chữ với cách phát âm đi kèm, cùng vị trí của chúng trong âm tiết tiếng Việt dù không hoàn toàn theo thuật ngữ ngữ âm - âm vị học ngày nay nhưng quả thực rất dễ hình dung cho người châu Âu học tiếng Việt cũng như cho chính người Việt. Ngày nay, dù một số phụ âm đầu (nhất là các phụ âm kép như tl, bl) đã biến mất, một số ký hiệu chữ viết thay đổi (như chữ d thay cho cách viết …, chữ đ thay cho cách viết…) và về vần thì tiếng Việt và chính tả thế kỷ 17 so với ngày nay khác nhau rất nhiều, nhưng công lao của A.de Rhodes vẫn không thể phủ nhận.

Thanh điệu tiếng Việt được mô tả như sáu nốt nhạc đồ, rê, mi, pha, son, la trong âm nhạc. Điều đó chứng tỏ một sự am tường âm nhạc và ngôn ngữ cùng khả năng liên tưởng phong phú của ông. Việc tiết kiệm một kí hiệu cho thanh ngang cũng như ý thức cho rằng “thiếu dấu hiệu đã đủ là dấu hiệu rồi” (tr11 của Báo cáo) đã giúp chúng ta có được một hệ thống ký hiệu chữ viết gọn nhẹ và giản tiện trong in ấn.

Viết về sự thay đổi của chữ quốc ngữ từ thế kỷ 17 cho đến nay, chúng tôi nghĩ rằng còn quá nhiều các vấn đề phải bàn, cần sự tham gia của nhiều nhà khoa học. Trên đây mới chỉ là một vài ý kiến nho nhỏ về chữ quốc ngữ liên quan đến cuốn Từ điển Việt Bồ La mà thôi. Hy vọng thông qua hội thảo này, chúng tôi có thêm những tư liệu, những gợi ý mới để tiếp tục con đường nghiên cứu.  


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Tài Cẩn, 1997, Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo), NXB Giáo dục

  2. Nguyễn Tài Cẩn 2001, Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa, NXB Đại học Quốc gia HN.

  3. Vũ Đức Nghiệu (chủ biên), 2010, Dẫn luận ngôn ngữ học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

  4. Đoàn Thiện Thuật, 1977, Ngữ âm tiếng Việt, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

  5. Đoàn Thiện Thuật (sưu tầm và chủ biên) 2007, Chữ quốc ngữ thế kỷ XVIII, NXB Giáo dục.

NGUỒN NGỮ LIỆU

Alexandre de Rhodes, “Từ điển Annam – Lusitan – Latinh”, NXB Khoa học Xã hội 1991.





Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 0.96 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương