Nguyên Bản: Three Steps One Bow Tập hồi ký của Thích Hằng Cụ & Thích Hằng Do


Ngày 20 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết



tải về 2.46 Mb.
trang7/21
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích2.46 Mb.
#37895
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   21

Ngày 20 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:
Hôm nay chúng tôi lạy được đoạn đường dài sáu dặm rưỡi, thẳng về phía cầu ở Rio Dell. Những cây cổ thụ trôi giạt theo dòng sông là mối nguy hiểm trầm trọng cho chân cầu. Vì cột trụ phía dưới chân cầu sẽ không thể nào chịu nổi khi bị mấy cây to cứ không ngừng nhồi đập vào. Hôm qua có một khúc cây chận ứ dưới sông, gây nguy hiểm cho cây cầu nầy, nên có nhóm thợ mộc dũng cảm đã dùng cốt mìn làm nổ tung nó ra.
Chúng tôi cắm lều trên ngọn đồi của quận Rio Dell, về hướng bắc, nơi có đại lộ mới và cây cầu đang được xây cất. Khi Thầy Hằng Cụ vừa đến nơi, có anh cảnh sát đang đi tuần trong vùng ngừng xe lại, rồi đi thẳng về phía chúng tôi. Nhìn tướng mạo trẻ trung và điệu bộ, cũng biết ngay anh nầy thuộc loại lính mới hành nghề. Lúc vừa đến gần thì đôi giầy láng bóng của anh ta đã bị lún ngập toàn sình. Chúng tôi chỉ có biết ráng làm mặt nghiêm để khỏi bật cười. Mặc dầu anh có ý đến là để cảnh cáo, nhưng lại khoan dung, không phàn nàn gì về việc chúng tôi đang quỳ lạy giữa đường giữa xá nữa. Cử chỉ anh ta trở nên dịu hẳn vì mắc bận tâm tới cái quần mới và đôi giầy ống (boot) bóng láng đã bị sình dính lấm lem, hơn là chú ý đến chúng tôi.
Ngày 21 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:
Dựng lều trên bãi đất chứa đồ phế thải ở Alton. Trong buổi sáng đầy sương mù, sau khi lạy qua vùng Rio Dell, nơi chúng tôi thường bị chọc phá. Như có tốp người đua nhau chạy xe vùn vụt, và bóp kèn inh ỏi, chỉ trỏ, la lối um sùm. Có vài người ngừng lại hỏi chuyện, trong số đó có một viên cảnh sát đã gọi máy để điều tra, vì tưởng chúng tôi là những kẻ điên khùng. Ông cắc cớ hỏi Thầy Hằng Cụ rằng nếu phải lạy trên những đóng phân chó ở các rãnh mương bên đường thì sao. Thầy đáp tỉnh bơ: "Thì có sao đâu!". Ông ấy lại hỏi chúng tôi có bao giờ gia nhập những hội đoàn nào không (tức là những hội về bệnh tinh thần). Nhưng sau khi nghe Thầy Hằng Cụ giải thích về mục đích chuyến bái hương, ông cóp nầy mới không còn nghĩ chúng tôi là bọn điên cuồng nữa, nhưng vẫn hoài nghi về những công phu, thành quả của chúng tôi.
Chiều đến Thầy Hằng Cụ kể chuyện rằng có một tín đồ đạo Thiên Chúa đến cố khuyên Thầy chuyển đạo, nhưng được một lúc thì ông ta phát nổi quạu lên, và Thầy cứ tiếp tục lạy. Ông đi theo sau vừa la vừa hét to:
"Không phải chỉ là ở việc làm, rồi ông muốn cho mọi người thấy rằng ông mới là người có tinh thần cao thượng, nhưng nó chẳng có gì là chánh đáng cả! Rồi ông sẽ bị đọa xuống địa ngục cho mà xem!"
Ngày 22 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Sáng hôm nay trời lạnh buốt với 28 độ F (- 2.2 độ C), nhưng nhờ ánh mặt trời đã sớm lộ diện, khiến một ngày trở nên tuyệt đẹp. Chúng tôi hầu như dồn hết thời gian vào khoảng đường dài để tiến thẳng đến quận Fortuna. Khi trời bừng sáng, sức sống ở khắp mọi nơi như cũng trỗi dậy theo. Cả quận nầy là lạ làm sao. Có nhiều xe tăng tốc lực chạy ào ạt qua như muốn oanh tạc chúng tôi vậy. Ðám con nít thì la hét vang um. Có mấy cụ già thắc mắc, hỏi han. Và trên đường phố đầy nghẹt cả người. Thông thường sau một ngày như vậy, tôi bị căng thẳng lắm, nhưng hôm nay có một chuyện xảy ra, mặc dù không biết xử lý thế nào, tôi cảm thấy nó thật quan trọng.
Như trước đây tôi có đề cập qua, khi lạy đến những vùng dân cư đông đúc, tôi thường tập trung tâm ý vào những đề mục quán tưởng. Nhờ vậy tôi mới phát giác rằng mình có đầy dẫy những khuynh hướng về ngã thức, đồng thời nó cũng giúp tôi phá tan được những ảo tưởng của cái ngã. Tuy nhiều người cũng đã quen biết về khái niệm Phật Pháp nầy, nhưng tôi thấy chính nơi có sức sống tràn trề của những đường phố nhộn nhịp đó, mới càng làm tăng thêm nguồn năng lực thật sự để chúng ta dụng công truy tầm.
"Ai là người đang lễ bái, họ đang la mắng ai?" Suy ngẫm thâm trầm về những câu hỏi như thế, khi những diễn biến chung quanh tác động mạnh thêm vào tôi.
Một trong các pháp quán tưởng mà tôi rất thích, đã được diễn tả trong kinh Hoa Nghiêm như:
"Không có người làm và không có người được làm, mà chỉ là những nghiệp thức hạn cuộc nổi lên. Ngoài ra không có gì cả."
Khi nghĩ đến đây, bao nhiêu nhọc nhằn của tôi đều như tan biến mất. Tôi chẳng tìm thấy ai là người thuộc về ai cả. Vì đó nói lên rằng:
"Không thấy có ngã, là người luôn được an lạc."
Không có gì để lo lắng, sợ sệt hay phiền não. Ngay cả nếu có người muốn thuốc độc bạn hoặc giết chết bạn, tất đều O.K. thôi. Vì sao? Bởi từ thuở ban đầu vốn đã không có cái "biết" rằng bạn đang hiện hữu. Như Thiền tông có câu:
"Ta chưa từng mặc một manh áo, ta chưa từng ăn một hạt cơm."
Ðối với tôi thì còn phải đi xa lắm mới đến trình độ nầy. Tuy nhiên khi tâm tiếp tục quán tưởng những lời nầy, tôi cảm như mình đang có một sự thay đổi. Như hôm nay lúc lạy đến vùng Fortuna, lòng càng có niềm tin thâm sâu về những giáo lý dẫn đạo, tôi ý thức rằng dù bất cứ chuyện gì xảy ra, mọi việc đều sẽ không sao đâu và thật là thế.
Vào đến trung tâm quận, tôi thấy Thầy Hằng Do ở phía trước với đám người vây quanh, bộn rộn trả lời những câu hỏi đó đây, còn tôi lạy thẳng không ngừng nghỉ. Nhưng khi vượt khỏi Thầy Hằng Do và tiến về phía ngã tư chánh, có chiếc xe trường học thật lớn chạy rà tới và ngừng hẳn bên tôi. Ngước mắt nhìn lên thấy cửa xe mở ra, bổng phút chốc mấy cậu học sinh trung học mặc áo khoác da, ùa ra vây quanh tôi. Một thoáng giựt mình hốt hoảng, nhưng tôi lấy lại bình tĩnh ngay, rồi an nhiên đứng giữa con đường chánh ngã tư quận California để giải thích lý do chúng tôi lễ bái. Họ kính cẩn chăm chú lắng nghe từng lời tôi nói. Khi dứt lời, tôi từ từ quỳ xuống và bắt đầu bái lạy ra khỏi quận. Ngoài ra không có vấn đề gì xảy ra hết.
Tối đến, chúng tôi dựng lều gần đường rầy xe lửa bên cạnh một hãng xi măng nằm cuối quận về hướng bắc.
Ngày 23 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:
Sáng nay vừa lạy được một lúc, chúng tôi được dịp gặp lại cô Marge Rauum đang trên đường đến sở làm. Cô nầy vốn là đệ tử của Hòa Thượng Mậu Nhụy ở Hồng Kông, hiện cô làm cố vấn trường trung học vùng nầy. Sau khi an bày chỗ nghỉ tối nay cho chúng tôi, cô còn chất đầy lương thực lên chiếc xe kéo, rồi thông báo cho bạn bè ở hướng bắc biết là chúng tôi đang trên đường tới đó.
Chúng tôi vừa ra khỏi vùng chuyên có nền kỹ nghệ lớn về gỗ. Nghề nghiệp nầy có vẻ ảnh hưởng ít nhiều về lối sống, quan niệm và ngay cả tôn giáo tín ngưỡng của dân quanh vùng. Như hình ảnh những anh thợ mộc rất thích hợp để diễn tả về câu chuyện thần kỳ của ông Paul Bunyan: Vốn là người to lớn dềnh dàng và mạnh bạo, với chiếc áo sơ mi bằng ni-lon và hàm râu đen xồm, lại đeo lủng lẳng một sợi giây xích dài buộc theo cái cưa gỗ. Ðứa con quý của ông là chiếc xe hàng nặng ngàn tấn màu xanh, được trang bị gồm máy truyền tin và một cây súng săn đặt ngay cửa kiếng phía sau xe. Vốn là tín đồ Thiên Chúa Giáo rất ngoan đạo, nhưng tối thứ bảy nào ông cũng lai rai vài lon bia.
Vùng Fortuna tọa lạc trong một thung lũng, nơi sông Van Duzen đổ ra biển. Ðất ở đây rất bằng phẳng, phì nhiêu, là nơi lý tưởng cho việc chăn nuôi để lấy trứng, sữa. Ðời sống ở đây khác xa một trời một vực với vùng làm gỗ. Dân vùng Fortuna có vẻ lịch sự, học vấn hơn. Có rất nhiều bác sĩ, luật sư và giáo sư đã túa ra xem chúng tôi lạy ngang qua. Ngay cả ở miền quê nầy, tâm tánh con người cũng ảnh hưởng tùy theo địa thế nơi họ sinh sống.
Ngày 24 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:
Khi chúng tôi đi ngang qua trường cao đẳng của Redwoods thì có chuyện. Lúc đó người ta đang chăm chú quan sát sư huynh tôi ba bước một lạy, quỳ xuống đứng lên, tiếp tục đều đặn. Có ông râu ria xồm xoàm đi tới trao cho Thầy Hằng Cụ lá thơ, không nói lời nào rồi vội vàng bỏ đi. Nội dung lá thơ như sau:
Thưa ông:
Trước hết tôi xin ông đọc hết những gì tôi đã viết, rồi hãy suy gẫm kỹ lưỡng. Bởi vì những chuyện nầy của ông tôi đã thưa hỏi qua rồi, và tôi tin rằng ông sẽ làm theo.
Ðến hôm nay, tôi đã nhìn thấy ông đi ba lần rồi, lần cuối chỉ khoảng vài phút vừa qua, lúc tôi lái xe từ ngoài phố trở về nhà. Tôi đã quan sát khi ông quỳ lạy xuống và đứng lên. Tôi để ý thấy ông không bao giờ có vẻ ngập ngừng, lúng túng trong việc ông đang làm. Ðồng thời tôi cũng nhìn thấy được ý chí quả quyết biểu lộ qua ánh mắt và thái độ của ông. Rồi tôi suy nghĩ lý do về chuyến đi của ông. Ðang khi lái xe, tâm tôi nghe đức Chúa nói rằng:
"Ta đã thấy người đàn ông nầy và cũng rất thương yêu hắn. Hãy truyền báo sự cứu rỗi của ta đến với hắn."
Sau đó tôi tiếp tục lái xe thì Chúa ngự trong tâm tôi đã báo hiệu cho biết về tình thương lo lắng của Chúa đối với ông. Tôi cảm nhận điều nầy phát xuất tận đáy lòng sâu kín của tôi, để rồi giọt lệ tuôn trào nơi đôi mắt, khiến tôi khó lòng dằn nén được, nên tôi yếu đuối thưa với Chúa rằng:
"Chúa ơi! Con sợ ông ấy sẽ không chịu nghe lời con, vì con không thể cản ngăn và không nói được gì với ông ta cả."
Chúa tôi một lần nữa biểu hiện lòng thương yêu rằng: "Hãy nói cho hắn biết là ta cũng đã chết vì hắn."
Rồi tôi nói: "Ôi Chúa ơi! Con không thể, con phải làm gì đây?"
Chúa bảo: "Viết một lá thơ và đưa cho người hầu cận của hắn."
Một linh hồn với những nỗi xót xa và khiêm tốn. Tôi đưa thơ nầy là sự thỏa hiệp của tôi với Chúa Giê Su, hy vọng ông sẽ được cứu rỗi.
Với tình thương của một tín đồ Thiên Chúa Giáo, và chúc ông nhiều may mắn.
Monte Mckee
Trích từ Thánh Kinh Romans, 3:23:24:
Cho những tội nhân chưa biết sự biểu dương mầu nhiệm của Thượng Ðế.
Tất cả sẽ được tự do nhờ ân chuộc tội của Chúa Giê Su (Christ Jesus).
Trích từ Thánh Kinh John, 3:16
Chúa vì quá yêu thương nhân loại, Ngài đã cho đi đứa con duy nhất của mình xuống trần gian, cho nên bất cứ ai tin tưởng nơi Ngài thì sẽ không bị hủy diệt và sẽ sống mãi mãi.
Không cách nào hơn, nên chúng tôi phải lạy trên đại lộ từ giữa vùng Fortuna và Eureka. ở California có luật cấm người đi bộ trên những đại lộ, nhưng trung sĩ Williams, cảnh sát công lộ vùng nầy đã bảo:
"Cứ tiến lên đại lộ đi, mấy ông đã trải qua đoạn đường dài rồi, nếu có gì phiền phức, tôi chịu hết cho!"
Gia đình ông Tetrault được cô Marge Rauum báo tin nên đã chuẩn bị sẵn chỗ cho chúng tôi nghỉ đêm tại nhà họ, và chúng tôi đã có một cuộc thảo luận về Phật Pháp rất sống động. Ông Jerry Tetrault đã thừa nhận rằng Thánh Kinh chỉ diễn tả một phần nhỏ về khoảng thời gian trong vũ trụ mà thôi, ông nghĩ là phải còn có cái gì hơn thế nữa. Chúng tôi giải thích rằng giáo lý trong đạo Phật bao gồm tất cả những cảnh giới về quá khứ, hiện tại, và vị lai. Ai cũng có thể thành Phật, thành một vị giác ngộ với đầy đủ những diệu dụng, có tầm nhìn thấu suốt, cũng như trí tuệ và lòng từ bi thật không thể nghĩ bàn. Ðấy là cuộc bàn luận lý thú nhất từ trước đến nay.
Ngày 25 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:
Khi đến vùng ngoại ô Eureka, một thành phố có dân số khoảng 25.000 người, các đài truyền hình, truyền thanh và báo chí tới tấp phỏng vấn chúng tôi. Những lúc như vậy, chúng tôi học được rằng, phải cẩn thận khi tiếp chuyện với các chuyên viên ký giả, vì đâu biết chắc là họ có thành thật thuật lại chuyến bái hương của chúng tôi một cách đơn thuần, hay là họ sẽ cắt xén, thêm bớt theo ý họ để câu chuyện thêm vẻ khích động hơn. Có mấy vị phóng viên tỏ vẻ thích thú khi biết được câu chuyện thật về chúng tôi. Nhưng cũng có người thích biến đổi câu chuyện khác với sự thật.
Eureka là một thành phố phối hợp đủ các ngành nghề như: có một hãng giấy, một bến tàu, một nhà máy về khí lực nguyên tử, nhiều công xưởng thuộc kỹ nghệ gỗ, một trung tâm nhỏ về tài chánh quốc tế, siêu thị, cây xăng, tiệm quán, và những căn nhà gỗ nho nhỏ. Lúc đi ngang qua tiệm bán vỏ xe Jerry Tetrault, ông Jerry cùng mấy anh thợ lôi chiếc xe kéo của chúng tôi vào để sửa lại mấy bánh xe đang đau khổ. Trong khi chờ đợi, chúng tôi ngồi uống chút sô cô la nóng. Ðến xế chiều, khi cơn mưa phùn vừa dứt, Mike và John, sinh viên trường Humboldt State, chuẩn bị một phòng cho chúng tôi ngủ nghỉ. Tối hôm đó tại nhà bếp, chúng tôi bàn về Phật pháp và sự bất bạo động.
Ngài 26 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Hôm nay lạy qua vùng Eureka, có vài tín đồ Tin Lành (Baptist) tìm đến để khuyên chúng tôi chuyển theo đạo họ, nhưng cũng không có gì rắc rối xảy ra. Ông bà John và Eilleen Barstow đem cơm trưa đến cho chúng tôi cùng lời chúc lành may mắn. Tối đến, bà Young, bạn cũ của Marge Rauum, chở chúng tôi về nhà. Bà có hai đứa con trai khỏe mạnh, mười một tuổi và mười hai tuổi, lại thêm cặp chó to lớn loại Saint Bernard, thường chiếm ngụ ở căn nhà bếp. Buổi tối hôm đó đối với chúng tôi thật là bất thường, vì cứ phải nhìn thấy hai chú bé gây lộn. Tôi chưa thấy con nít nào có nhiều khí lực, khỏe mạnh như chúng.
Má tụi nó còn phải chịu thua vì không thể nào can ngăn chúng được. Nhưng ít ra bà cũng có dán lên một tờ quy luật cho chúng.
Ðiều lệ về đánh lộn:
1. Ra ngoài hàng hiên mà gây sự.
2. Không được dùng gậy hoặc côn.
3. Tự giải quyết mọi vấn đề cãi vã (không được chạy vào méc mẹ).
Chúng cứ gây nhau suốt cả buổi tối, cho đến khi thằng anh lớn đàn áp khiến đứa em phát khóc, nước mắt ràn rụa. Nhưng khi phát giác ra tôi biết chút ít võ (công phu), chúng bèn liền năn nỉ muốn xem tôi biểu diễn. Tôi bằng lòng nhưng ra điều kiện nếu chúng hứa chịu dọn dẹp sạch sẽ mấy căn phòng quá sức bừa bãi của tụi nó. Sau khi biểu diễn sơ sơ võ Thái Cực Quyền, tôi giải thích cho chúng biết căn bản về đạo Lão như: "Công phu hay nhất là công phu không bao giờ được dùng đến." Ðối với những lời nầy tôi không nghĩ rằng chúng nó chịu lắng nghe đâu. Ngủ ngon nhé, hai chú bé!
Ngày 27 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Khi lạy từ vùng Eureka đến Arcata, chúng tôi cảm thấy thật là thú vị, vì được trả lời những câu hỏi từ những người thật tình quan tâm về chuyến bái hương nầy. Họ khiến chúng tôi không ngớt đánh giá kiểm điểm lại những hành động của mình. Ðó là điều khích lệ nhất! Như nhà văn T.S. Eliot có lần viết:
Tiến dần tới ý nghĩa toàn diện của kinh nghiệm, nhưng chỉ dưới một hình thức khác.
Có lẽ cũng đúng đấy! Nhờ chúng tôi càng cố gắng giải thích về việc mình đang làm, nên thấy nó càng có ý nghĩa hơn.
Hiện nay hầu hết những người chúng tôi tiếp xúc, đều có gốc đạo Thiên Chúa. Nhận thấy phạm vi hiểu biết tôn giáo của họ có khi mỏng manh như giấy quyến, nhưng cũng có lúc rất thâm sâu dầy dặn. Trước đây có nhóm thanh niên vì hết lòng sùng kính Chúa Jesus, nên khi họ đến gần là chỉ muốn chúng tôi phải quyết định ngay: "Hoặc là theo Chúa, hoặc là vĩnh viễn ở trong địa ngục." Mặc khác, cũng có nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo tỏ vẻ rất cảm kích đối với chúng tôi. Như vợ chồng anh Dennis Dingus đã tìm đến bàn luận với chúng tôi bằng xe gắn máy và tất cả chúng tôi đều được kết quả hữu ích. Mặc dù anh Dennis là tín đồ Thiên Chúa Giáo rất kiên cố, nhưng anh có tâm hồn cởi mở và có cái nhìn thẳng thắn, biết quán xét về những triết lý khác. Anh rất ngạc nhiên khi nghe tôi đã từng có mười một năm ở trường dòng, và trong ba năm cuối được sự hướng dẫn của các Thầy dòng Thiên Chúa Giáo Ái Nhĩ Lan tại trường trung học O'Dea vùng Seattle. Tôi giải thích rằng tuy không quên những nguồn gốc tốt đẹp đó, nhưng cảm thấy những gì mình đang làm là giúp cho những căn gốc đó được trưởng thành thêm. Khi xưa, khi còn là tín đồ trẻ đạo Thiên Chúa, tôi được dạy về "Sự nhận biết, về tình thương và phụng sự Chúa," nhưng tôi chưa bao giờ được học gì về Chúa. Nhưng lạ kỳ thay! Bây giờ tôi được học về điều đó ở trong đạo Phật.
Mọi người nên khuyến khích lẫn nhau để tìm hiểu thêm về tất cả các tôn giáo, để sưu tầm những điều căn bản cứu cánh, đồng thời phải bỏ đi những thành kiến quá giản dị tầm thường như: "Chúng tôi đúng, bọn họ sai." Ðối với tôi, danh từ Phật Tử hay Tín Ðồ Thiên Chúa, đều chỉ là những nhãn hiệu không thực thể. Tất cả những tôn giáo nên được dùng để đi đến mục đích giác ngộ, giải thoát và lìa khổ. Ngay cả đến những giáo lý cao siêu nhất trong đạo Phật cũng dạy rằng: Phải xem giáo pháp như chiếc bè, chỉ dùng nó với mục đích đưa con người qua khỏi biển khổ trầm luân để đến bờ giác ngộ. Chúng tôi và vợ chồng anh Dingus đều đồng ý rằng tôn giáo là phải hữu dụng chớ không không phải chỉ để đi theo sau. Nhiều người tín ngưỡng theo đạo là chỉ biết áp dụng tuân theo một phần rất nhỏ, còn lại bao nhiêu thì giao phó hết cho những vị giáo chủ.
Có mấy tin hấp dẫn quá! Hôm qua gọi về chùa, được biết có ông Phật tử tại gia họ Bàng đã phát tâm cúng dường một vùng đất rộng bốn mươi mẫu cho Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới để xây cất tu viện. Ðất nầy tọa lạc cách thành phố Seattle khoảng 130 dặm về hướng bắc, nằm cạnh con sông Skagit ở Marblemount, tiểu bang Washington. Thầy Hằng Do và tôi định sẽ kéo dài chuyến hành trình, để lạy thẳng về hướng tu viện sắp được xây cất.
Ngày 28 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Hôm nay lạy qua khỏi vùng Arcata và trường đại học California State tại Humboldt. Có một sinh viên luật trẻ tìm đến, và tự giới thiệu là Larry Marks, đã thỉnh vấn sư Hằng Do về những giáo lý căn bản của đạo Phật. Thầy Hằng Do không chút do dự liền đáp: "Là đừng dính mắc vào hình tướng" (vì tên anh ta là Marks, nghĩa là hình tướng). Câu trả lời cũng có vẻ khôi hài đó, nhưng nếu là tôi thì có lẽ tôi sẽ giải thích rằng: "hình tướng," thông thường được phiên dịch từ chữ Tướng của Trung Hoa mà thành. Cũng có thể dịch là: đặc tính, tướng trạng, trần cảnh, hiện tượng, trạng thái riêng biệt, hay danh hiệu v.v... Nó còn là chữ quan trọng khác được thấy qua hàng ngàn lần trong các kinh điển Phật Pháp. Như trong kinh Hoa Nghiêm có câu:
Pháp tánh bổn thanh tịnh, như không vô hữu tướng
Nhất thiết vô năng thuyết, trí giả như thị quán.
Nghĩa là:
Pháp tánh vốn thanh tịnh, vô tướng như hư không
Tất cả không năng thuyết, người trí quán như vậy.
Lại có câu:
Ư pháp bất điên đảo, như thật nhi hiện chứng
Ly chư hòa hợp tướng, thị danh vô thượng giác.
Nghĩa là:
Với pháp chẳng điên đảo, mà hiện chứng như thật
Lìa các tướng hòa hợp, gọi là vô thượng giác.
Tâm chúng sanh mông mênh không bờ bến, nhưng thể tánh của nó vốn thanh tịnh và bất diệt. Chúng ta từ vô thủy kiếp luôn bị vướng mắc bởi tính toán, phân biệt, suy tưởng, nên đánh mất thật tánh vốn vô hạn định nầy. Ðể rồi tự mình quay cuồng mê muội bởi những cảnh tượng (hình tướng) vô thường của thế gian. Chính xã hội nầy đã luyện tập chúng ta chấp có tự ngã, có thân, có tâm suy tính. Song thật không đúng như vậy, vì đó chỉ là những nhận thức sai lầm trầm trọng. Thật tánh hay thật tướng của chúng ta bao trùm vượt hơn tất cả những gì có hình tướng, đồng thời nó cũng không ngoài những hình tướng nầy. Vốn không trụ, không xứ sở và cũng không có nơi nào mà chẳng có sự hiện hữu của nó. Ðây chỉ là một nghi vấn để chúng ta thức tỉnh.
Vì lẽ trên nên Thầy Hằng Do mới bảo cậu Larry là đừng dính mắc vào hình tướng.
Ngày 29 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:
Phía bắc vùng Arcata, con đường lại dẫn đến đại lộ, ngoài ra không còn đường nào khác nữa. Nhưng di chuyển trên đại lộ rộng rãi, bằng phẳng có lẽ còn an toàn hơn. Nơi đây các gò cao lồi lõm đã được khỏa lấp bằng phẳng, và lúc nào cũng có mức ngăn phân biệt của lề đường, giúp chúng tôi tránh xa được xe cộ. Tài xế có thể thấy rõ chúng tôi, và chúng tôi cũng có thể trông thấy xe họ rõ ràng. Nhưng có điều khôi hài là đường đại lộ chỉ dành cho xe cộ mà thôi.
Tôi bắt đầu nhận ra những căn bản của sự hành thiền, là không những chỉ dụng công vào những lúc ngồi yên thân tâm bất động, mà nó còn có ý nghĩa rộng rãi bao la hơn. Thật ra không nên bị hạn cuộc vào thời gian bắt đầu hay kết thúc mỗi lúc tọa thiền. Bởi lý do đó mà tôi muốn đặt chuyến du hành nầy là chuyến hành thiền - dù là đang lễ lạy, nghỉ ngơi, đi đứng, hay với bất cứ hành động gì, đều có thể áp dụng những điều căn bản cốt yếu của thiền.
Chúng tôi cắm lều bên bờ sông Ðiên (Mad River) có tiếng, vì nơi nầy vẫn còn nhiều dấu vết của cơn lụt lội vừa qua. Căn lều lưu động của chúng tôi ví như một thiền đường lý tưởng. Mặc đầu nó hơi thấp cho cái tướng cao ráo đồ sộ của sư huynh, mỗi khi ngồi thẳng thì đầu muốn đụng nóc lều. Tiếng gió thổi xuyên qua khe lá, tiếng nước sông chảy róc rách, hòa cùng âm vang xe cộ ồn ào trên đường lộ, trong đêm tối đầy lạnh lẽo. Sáng mai đã tới rồi.
Ngày 30 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do Viết:
Cũng như thường lệ, hôm nay khoảng 11 giờ, lúc chúng tôi đang dùng cơm bên lề đường, có ông khoảng bốn mươi lăm tuổi, tướng người nho nhỏ, đi bộ đến với vẻ sửng sốt ngạc nhiên. Ông tự giới thiệu là Robert Alexander. Trong bộ quần áo cũ kỹ và cái nón bẻ vành lại thêm dáng điệu nhanh nhẹn lanh trí. Ông tỏ vẻ thất kinh khi nhìn thấy chúng tôi ăn - không phải vì ăn nhiều, mà bởi vì thấy chúng tôi bỏ thức ăn vào chung lộn xộn. Ông bảo rằng ăn như vậy tức là không đúng cách. Vì đối với ông chỉ dùng một loại thực phẩm cho mỗi bữa ăn thôi và ăn sống tức không cần phải nấu nướng chi. Ngay cả đến các loại đậu, trái cây hay các loại ngũ cốc, chỉ cần ngâm nước cách đêm.
Ông vừa nói vừa nhún nhảy, chứng tỏ một thân thể sung sức, với một tâm hồn hình như lúc nào cũng muốn rượt bắt lấy chính nó. Ông nói là dự định xây cất một trung tâm tôn giáo thuộc chủ nghĩa Chiết Trung (Eclectic), hay một tu viện trên mảnh đất mười hai mẫu của ông, gần Trinidad, một thành phố nhỏ ở phía bắc. Ông bảo khi nào chúng tôi đi ngang qua vùng đó thì xin mời ghé lại nhà ông. Ðược một lúc, ông từ giã, rồi đưa ngón tay cái ra dấu xin quá giang với mấy cậu sinh viên từ vùng Arcata. Sự yên lặng trở lại sau khi ông đi khỏi, khiến cả buổi gặp gỡ nầy, dường như là hư ảo. Sau bữa cơm trưa, Thầy Hằng Cụ tiếp tục lễ bái, còn tôi ở lại rửa chén và thâu dọn đồ đạc chất lên xe kéo.
Vì có rất nhiều người thường hay đến hỏi thăm chúng tôi với những thắc mắc giống nhau, nên lúc ở Arcata, chúng tôi có in sẵn một số danh thiếp, viết như sau:
Chúng tôi là hai Tu sĩ Phật Giáo ở chùa Kim Sơn, 1731 đường 15, tỉnh San Francisco. Trong vòng vài tháng sau, chúng tôi sẽ đi suốt một ngàn dặm từ San Francisco đến Marblemount, tiểu bang Washington, cách thành phố nhỏ Seattle khoảng 130 dặm về hướng bắc. Và nơi nầy, trong tương lai sẽ thành lập một tu viện Phật Giáo. Thầy Hằng Cụ phát nguyện lễ lạy theo lối tam bộ nhất bái, và Thầy Hằng Do phát nguyện đi theo hộ trì cùng lễ bái. Chúng tôi hy vọng qua việc làm nầy, các vị Thánh, Thần chiếu cố thế gian sẽ động lòng mà bảo hộ an lành. Nguyện cầu tất cả chúng sanh trên thế giới, mỗi người sẽ tự tu tập để dẹp bỏ tham, sân, si trong lòng mình. Chúng tôi tin rằng duy chỉ có cách nầy mới đem đến hòa bình thật sự và vĩnh cửu.
Thành Kính,
Thích Hằng Cụ & Thích Hằng Do
---o0o---
Lúc đầu chúng tôi phát ra hàng trăm tờ như trên, nhưng sau đó thì quyết định không dùng đến giấy nữa mà tự mình đích thân trả lời các câu hỏi.
Ngày 31 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Vừa lạy ra khỏi vùng Mckinleyville, lại gặp đại lộ nằm gần bờ biển. Ðến xế chiều, trong khi lạy lên dãy đồi dài nhằng, ý nghĩ khát nước cứ lảng vảng khởi dậy trong tâm tôi. Thầy Hằng Do cũng không có gần bên từ khi mấy cái bánh xe bị trục trặc. Bỗng nhiên, có chiếc xe Van ngừng hẳn trước tôi, và một thiếu phụ trẻ bước xuống xe trao cho tôi tách trà nóng có pha chút mật ong. Tôi im lặng nhận lấy, lòng thầm cảm ơn, và bắt đầu uống. Bà nầy còn lấy ra một nắm lá khô xanh, rồi khởi sự xoa chà lên trán tôi. Bà nói những lá nầy thuộc giống Bạc hà (mint), sẽ giúp tôi có cảm giác êm dịu nhẹ nhàng. Tôi cũng cảm được như vậy và định nói vài lời, nhưng nghĩ rằng cũng không cần thiết lắm, vả lại tôi cũng chẳng biết nói chi. Chúng tôi cùng lặng thinh. Tôi tiếp tục nhấp từng ngụm nước trà. Khi tôi giao trả tách không, bà nói hy vọng chúng tôi may mắn, và trước khi ra về, còn bảo rằng bà thật vui mừng về việc chúng tôi lễ lạy cho thế giới hòa bình.
Thầy Hằng Do rồi cũng trở lại cùng tôi lễ bái được sáu dặm, và bây giờ dựng trại trên mỏm đá cao hơn bờ biển cả trăm dặm. Chiếc lều nặng năm pounds (hơn hai ký) của chúng tôi lại một lần nữa chứng tỏ sự trung thành của nó, sẵn sàng dầm mình trong cơn bão đang thổi đến từ hướng tây nam.
Ngày 1 Tháng 2 Năm 1974. Hằng Do viết:
Chúng tôi hiện đang ở chỗ của ông Robert Alexander. Nơi nầy cũng phản ảnh được phần nào nhân phẩm của ông. Rải rác đó đây, xen lẫn với cây cối có khoảng mười chiếc xe buýt loại chở học sinh, nay đã được sửa thành chỗ tạm trú cho sinh viên. Lại có cả hơn chục rưỡi xe phế thải, cùng mấy gian nhà điêu tàn không mái nóc của phòng ngủ motel cũ kỹ. Có một dòng suối mát trong trẻo, và cái điện thoại được ông Robert gắn vào thân cây gần bên rất tiện lợi.
Trên đường lễ lạy ngang vùng Crannell, thấy có khu phố do một trong những công ty gỗ có tiếng đã dựng lên cho các nhân viên và gia đình họ cư ngụ. Nhưng bởi một vài lý do nào đó mà khu phố không còn hiện hành nữa, mà nay đã trở thành một làng ma tân thời trong rừng vắng.
Sau đó có chiếc xe chở đầy những tín đồ đạo Thiên Chúa, dòng Phúc Âm ngừng lại, và bảo rằng Thầy Hằng Cụ là một kẻ tội lỗi vì "đối trước Chúa, Thầy đã không có một điều thiện nào cả."
Thầy Hằng Cụ nói với họ rằng, Thầy không phải là thiện mà cũng không phải là bất thiện. Tôi không nghĩ là họ được tự quyền chấp nhận lý lẽ như vậy. Thật ra, đó cũng giống như đặc tính của nhiều người, là cố ra công muốn chuyển hóa chúng tôi ngay tức khắc: Nếu anh không được cứu rỗi thì anh là kẻ có tội. Nếu anh không được mãi mãi ở thiên đường tức là anh sẽ bị đọa địa ngục đời đời. Và nếu anh không là một trong nhóm người của họ, tức nhiên là anh thuộc về bộ hạ của đám ma vương. Thành kiến của họ là như vậy, không có sự lựa chọn nào khác hơn.
Nhưng thực tế, nếu ta chịu suy nghĩ kỹ điều nầy, thì chẳng có gì tốt mà không có xấu trong đó. Không nơi nào hoàn toàn tối mà không có ánh sáng. Mọi sự vật đều có mối liên hệ hỗ tương rõ ràng, và Thuyết Nhị Nguyên (Thuyết Ðối Ðãi) sẽ trở thành vô nghĩa nếu không có cái đối ngược với chúng. Mục đích của đạo Phật là đạt đến cảnh giới vượt ngoài tất cả những đối đãi. Ngay cả đến cái gốc đối đãi của sanh và tử cũng phải vượt ra khỏi, tất mới thành công. Riêng cá nhân tôi cũng vẫn chưa vượt khỏi cái đối đãi của mỏi mệt và không mỏi mệt, cho nên sự bàn luận nầy sẽ được tiếp tục vào ngày mai, để tôi có thể nghỉ ngơi một chút.

tải về 2.46 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương