Nguyên Bản: Three Steps One Bow Tập hồi ký của Thích Hằng Cụ & Thích Hằng Do


Ngày 6 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Do viết



tải về 2.46 Mb.
trang4/21
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích2.46 Mb.
#37895
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21

Ngày 6 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Do viết:
Trời vẫn đổ mưa, nên chuồng bò cũ kỹ bị dột ướt khắp nơi. Hôm nay chúng tôi lạy qua khỏi vùng Jenner, nơi nầy lưa thưa chỉ có mấy căn nhà nghỉ mát và một tiệm tạp hóa nhỏ. Vài cặp mắt mũi đang dí sát vào kiếng cửa sổ. Có con chó đi theo chúng tôi suốt khoảng đường đầy ảm đạm. Ngoài vấn đề thời tiết, thì hầu như không có chuyện gì xảy ra cả. A! Về vấn đề thời tiết. Có lẽ thời tiết bên trong quan trọng hơn thời tiết bên ngoài thường là những đám mây, những cơn gió, hoặc mấy trận mưa thôi. Thật ra khí tiết tâm tánh con người có nhiều ảnh hưởng liên quan về nội tâm hơn là về ngoại cảnh. Những cơn bão của tham, sân, si mà trong Phật giáo gọi chúng là Tam Ðộc, lại có quyền năng rộng lớn ví như có thể che lấp cả trí huệ cố hữu vốn trong sáng như ánh thái dương của chúng ta. Tất cả năng lực không đáng chấp nhận nầy chỉ nhằm tập trung vào sự thấy có một cái Ngã đang tồn tại trên một "thế giới." Bản lai vốn không có ngã và cũng không có thế giới, vậy mà chúng ta cứ để phí bao nhiêu sức lực để phục vụ cho lòng tham, mà lòng tham nầy giống như ngọn lửa hung hãn dữ dằn. Mỗi lần chúng ta bị lòng tham áp đảo là mỗi lần như đổ thêm dầu vào ngọn lửa. Sân phát lên khi chúng ta không đạt được điều mình mong muốn. Si lừa phỉnh bằng cách làm chúng ta biết và hiểu những điều mà thật ra chúng ta không hiểu không biết. Vậy nếu chúng ta có thể tăng cường được sự kiểm soát khí tiết ở nội tâm thì có xá chi đến mưa sa, sương mù hay những trận gió bão bên ngoài. Coi chúng chỉ như là trò chơi trẻ con thôi. Trong khi chúng tôi ráng ghi nhận trong tâm những điều nầy thì ngoài kia cơn mưa vẫn đổ xuống ồ ạt.
Hôm nay chúng tôi lạy được khoảng ba dặm dọc theo bờ dốc cao đầy gió lốc.
Ngày 7 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Do viết:
Không giống như khuôn khổ thời tiết của trời đất là chúng ta chẳng thể làm gì được. Còn đối với thời tiết của nội tâm thì chúng ta có thể kiểm soát đến mức độ tối đa. Nhưng trước hết, chúng ta phải có ý muốn xoay nhìn vào trong và ý thức rằng khí tiết nội tâm có lẽ sẽ không theo như ý mình muốn. Ví như khó mà thừa nhận được cái sân giận thường là căn gốc của hành động, nhưng đợi đến khi chúng ta hiểu ra, thì cái khí tiết sân giận đó có thể vẫn không tiêu hết. Vì vậy chúng ta phải từ từ xoay nhìn trở vào nội tâm, thêm vào sự quán sát bằng thái độ thật đúng đắn. Những giới đức do đức Phật đặt ra nhằm hướng dẫn chúng ta cách sinh hoạt trong đời sống hàng ngày, cũng như trong những hoàn cảnh đặc biệt. Thâm nhập được những tánh đức nầy tức là chúng ta đã giảm dần được sự ham muốn và cuối cùng sẽ loại bỏ chúng ra. Khi dục vọng không còn thì tham muốn cũng tiêu tan. Thay vì những khí lực mà chúng ta thường phung phí cho cơn nóng giận hoặc hận thù, thì nay có thể đem nó thực tập về định lực.
Ðịnh lực có được mở mang thì mới có khả năng chịu đựng được bộ mặt khiêu khích, sỉ nhục hay thời tiết xấu. Hơn nữa, định lực lại là chìa khóa khai mở trí tuệ sẵn có, để rồi từ từ làm sáng tỏ cái vô minh u ám. Cho nên nhằm tăng trưởng dần sự kiểm soát khí tiết nội tâm, chúng ta phải hồi quang phản chiếu và phát triển Giới, Ðịnh, Huệ. Như vậy mới dứt được Tham, Sân, Si. Dĩ nhiên học thì dễ nhưng thực hành mới là rất khó.
Căn cứ theo bảng ghi cây số treo dọc theo cống nước và mấy cây cầu, thì hôm nay Thầy Hằng Cụ lạy được hơn ba dặm.
Ngày 8 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Do viết:
Chúng tôi có ý đi theo lộ trình nội địa để tránh bớt bị dầm mưa, nhưng sau đó lại đồng lòng là tốt hơn cứ đi dọc theo bờ biển. Nhận thấy tiến trình trong mấy ngày qua không mấy gì tăng tiến, nên chúng tôi quyết chí sẽ nỗ lực thêm, chỉ ngừng nghỉ khi nào thời tiết quá xấu thôi.
Lề đường dọc trên Xa Lộ Một, hầu như không có lối đi. Chúng tôi phải can đảm lắm mới có thể phủ phục quỳ lạy, khi chỉ cách vài gang tấc từ những chiếc xe vận tải chở hàng ngàn tấn gỗ vội vã chạy vụt qua. Lúc đầu tôi tưởng mấy anh tài xế cố ý chạy gần để đụng, vì đối với họ chúng tôi như hai đứa khùng đang cản trở sự lưu thông. Nhưng về sau tôi mới hiểu, thường là phải vậy thôi, họ không làm sao khác hơn để tránh những chiếc xe đang ngược chiều cũng chạy sát gần bên. Con đường không đủ rộng để cùng một lúc chứa vừa cho hai chiếc xe, lại vừa có chỗ cho một ông Tỳ Kheo quỳ lạy. Cho nên nhiều khi chúng tôi phải tuột xuống lộ để tránh ra xa, khi thấy có nhiều xe đang ào ào chạy tới.
Qua cảnh nầy khiến tôi nhớ đến câu chuyện về Hòa Thượng Hư Vân. Trong chuyến bái hương có lần Ngài gặp một vị Tỳ Kheo đang đắp sửa con đường, mà lối nầy có rất nhiều Phật tử thường hay hành hương ngang qua. Vị sư quyết tâm bền chí lo sửa sang, gìn giữ con đường luôn được bền tốt, nên ngày ngày Sư lo khiêng lót những hòn đá, những lớp cát v. v... để tu bổ mà chẳng một lời đòi hỏi gì riêng cho Sư cả. Lúc đó Sư đã hơn tám mươi tuổi, đã làm việc không ngừng nghỉ cho con đường nầy hơn bốn mươi năm qua. Làm việc vất vả để đem lợi ích cho chúng sanh mà chẳng màng đến sự đền bù báo đáp thì quả thật là hạnh vô ngã của Bồ Tát.
Chúng tôi cắm lều trên một sườn đồi có những con cừu đang nhai cỏ. Mấy lúc mưa gió tạm cơn trút nước, nghe văng vẳng từ phía dưới vọng lên những tiếng sóng biển đập mạnh liên hồi vào ghềnh đá. Những khi nhớ lại câu chuyện vị Sư già sửa đường, tôi cảm thấy bao mệt mỏi trong ngày lại dịu bớt đi.
Ngày 9 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Do viết:
Có ông lái chiếc cam nhông trắng chạy rà rà theo quan sát chúng tôi lễ lạy, rồi bỏ đi. Nhưng sau đó ông vòng trở lại và chạy thẳng về phía tôi. Lúc đó Thầy Hằng Cụ đang lạy phía trước. Tấp xe vào lề đường, anh tài xế khoảng ba mươi tuổi, tắt máy, bước xuống khỏi xe. Tôi thường có ý nhạy cảm phớt qua trước những lời đối thoại đầu tiên, hoặc là trước khi chạm mặt với bạn thân thiện hay thù nghịch.
Anh nầy xã giao: "Chào ông! Cảm phiền ông xin cho tôi hỏi một câu được không?"
Anh có vẻ thích thú chuyến du hành của chúng tôi, vì anh sẵn sàng chịu lạnh đứng dưới cơn mưa phùn lất phất để trò chuyện.
Trong lúc đối thoại, anh tỏ vẻ ngạc nhiên về nhiều chuyện, nhất là khi biết rằng Chùa Kim Sơn đang tọa lạc ngay trung tâm thành phố San Francisco. Anh nói:
"Tôi không hiểu tại sao các ông không chịu rời bỏ cái thành phố ô nhiễm, ồn ào đầy dẫy những tội ác đó đi. Tôi tin chắc là các ông đã từng đi ngang qua những vùng ngoại ô êm đềm xinh xắn quanh đây, vì đó mới chính là chỗ lý tưởng để lập tu viện mà."
Anh nói cũng có cái lý, tôi lại thầm nghĩ: Chúng tôi đã đi qua gần một trăm dặm trên xa lộ ngoằn ngoèo dọc bên bờ dốc Thái Bình Dương, đã từng chứng kiến dù ngay cả trong cơn mưa tầm tả, vẻ đẹp thiên nhiên cũng hiện thấy rõ. Lắm lúc huyền bí thật thắm thía. Như mưa có thể biến chuyển khói từ xe cộ thành cầu vòng lóng lánh, lại có thể tưới nhuần cây cỏ khiến chúng vươn cao tươi tốt, và làm những khối tuyết tan, trút chảy ra những con sông vòng quanh các thung lũng. Tuy đã thấy rõ những điều đó, nhưng tôi không mấy gì tán thành về ý kiến của anh nầy. Tôi giải thích như sau: Ở đạo Phật, sự tu tập chỉ cốt nhằm ở tâm địa, chỉ là như vậy thôi! Những gì thuộc về vật chất như thân thể con người thì không thể quan trọng hơn những gì đang xảy ra ở nội tâm. Mục đích tu hành hay dụng công về tín ngưỡng là nhằm quét sạch những chuyện bên ngoài cùng những vọng tưởng đang tuôn chảy như vòi nước ở trong tâm. Công phu tu tập nầy có thể đem áp dụng ở bất cứ nơi đâu và vào bất cứ lúc nào.
Lần nọ có người hỏi Sư Phụ rằng trong khi làm việc văn phòng ngoài xã hội thì ngưng niệm chú, như vậy có thích hợp không? Sư Phụ đáp: Nếu ông làm việc với thái độ đúng đắn thì kết quả cũng giống như ông đang trì chú vậy. Thật ra thiền cũng giống như thế, nếu những tiếng ồn ào của thành phố làm chúng ta cảm thấy phiền phức (sẽ càng thấy rõ hơn khi chúng ta rời xa thành phố), và nếu chúng ta không thể nào tập trung để tọa thiền vì những tiếng động, thì phải học cách vượt qua những tiếng động đó! Nếu sự an tịnh của tâm lại tùy thuộc vào sự yên lặng của cảnh vật chung quanh thì chúng ta vẫn còn "chỗ để trụ vào," đó là một vướng mắc. Chúng ta nên dọn sạch các âm thanh ồn náo, những ô nhiễm, và những tội lỗi chính trong tâm ta, như vậy chúng ta đến bất cứ nơi nào cũng đều là thanh tịnh cả, bởi tại thế gian nầy không gì hơn là sự soi chiếu lại bản tâm của chúng ta mà thôi.
Anh nầy có vẻ chăm chú lắng nghe những điều quý báu có giá trị hiếm hoi như vậy. Rồi anh từ giả với lời chúc may mắn. Sau đó Quả Ðôn lại đến và tìm giúp chúng tôi nhà xe cũ đã đổ nát của xưởng máy ở Timber Cove để nghỉ qua đêm.
Ngày 10 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Do viết:
Hôm nay nước mưa tuôn xuống như bắn đạn, làm đồ đạc ướt chèm nhẹp. Buổi sáng nầy chúng tôi lạy tới vùng Fort Ross thì Quả Diện mang đến bữa cơm trưa nóng hổi.
Tôi phải từ từ lắm mới tập quen dần với việc vừa đi vừa kéo theo chiếc xe hành lý. Thật lòng mà nói, lúc đầu tôi đã không thích gì mấy cái ý kiến nầy. Tuy nhiên có chiếc xe kéo, nó cũng giúp chúng tôi chở được thêm nhiều đồ đạc, dụng cụ, đi từ tỉnh nầy qua tỉnh khác. Sau khi lạy được bốn dặm, chúng tôi lại trở về nhà xe hoang ở Timber để ngủ thêm một đêm. Cảnh vật nơi đây thật buồn áo não. Mưa gió không dứt hoành hành đã khiến cả tòa nhà trở nên đổ nát tiêu điều. Mấy đống máy móc rỉ sét nằm ngổn ngang khắp nơi, lại thêm một cái vỏ sườn hình nón to lớn nặng nề của cái lò hỏa táng thật là buồn ảm đạm.
Ngày 11 tháng 11 Năm 1973. Hằng Do viết:
Sáng hôm nay sư huynh một mình trở lại chỗ hôm qua để lễ lạy, chúng tôi đồng lòng đêm nay cũng sẽ nghỉ đêm ở chỗ cũ. Tôi ở lại treo phơi các đồ ướt, nhưng vì không khí quá ẩm nên chẳng mấy gì khô. Tôi đọc lại những trang nhật ký đã được ghi chép từ buổi đầu đến nay, rồi tọa thiền và lo nghĩ không biết sư huynh mình có chuyện gì không? Sau đó có chiếc xe chạy tới, thì ra vợ chồng Quả Chu Rounds đang giải cứu sư huynh tôi thoát khỏi cơn mưa. Họ cung cấp thức ăn và vài vật dụng thường dùng, có cả bánh sô cô la (chocolate) nữa. Nghe chuyện chúng tôi bị hoạn nạn về vụ lá sồi độc, nên Quả Chu động lòng tặng thêm hai cuồn giấy vệ sinh.
Hôm nay là chủ nhật, con đường đã hẹp lại đông xe hơn ngày thường. Những hố rãnh bên đường đầy những cây sồi độc, và sư huynh tôi ghi thêm được ba dặm rưỡi đường nữa.
Ngày 12 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Ðường xa lộ nầy dẫn xuyên qua dãy núi đá, có những dốc núi lửa cao thẳng sừng sửng hằng trăm feet phía trên bờ biển. Phong cảnh ở đây thật hùng vĩ dễ sợ, và thời tiết cũng vậy. Những ngọn gió bão từ biển thổi ập đến, dĩ nhiên là chúng tôi bị nước mưa ngấm ướt lạnh đến tận xương.
Ðể chuyển hướng một chút cho khuây khỏa, hôm nay chúng tôi đi dạo quanh vùng sườn núi. Nghe lúc trước Quả Diện bảo là cách đây bốn dặm, có một lãnh địa của nhóm dân da đỏ sẽ đón chào chúng tôi. Vì vậy buổi sớm trưa nầy, chúng tôi tạm ngưng lễ lạy để đến tiệm tạp hóa vùng Stewarts Point mua ít vật dụng, rồi tiến thẳng vào nội địa bằng con đường nhỏ ngoằn ngoèo. Trời sụp tối rất nhanh, lại trút xuống cơn mưa hung bạo, như mang đến những con rồng tung quậy lồng lộn. Trời chuyển tối đen như mực, vì ánh trăng đã bị những đám mây nặng nề che phủ, khiến tối đến mức độ bàn tay của mình mà còn chẳng thấy, hà huống gì còn nhìn thấy đường xá. Nước mưa như bắn xối xả hàng triệu viên đạn nước vào chúng tôi. Từng bước ngập ngừng dò dẫm lên núi, trong khi bên trái tôi là dòng suối đang ào ạt tuôn chảy, bên phải là vách núi dốc thẳng sừng sựng. Tôi đi trước, Thầy Hằng Do theo phía sau. Thình lình tôi có cảm giác hình như Thầy không còn theo phía sau tôi nữa, nên tôi đã gào to lên:
"Do!"
Không có tiếng trả lời, nỗi sợ hãi tràn khắp trong tôi.
"Do! Ðệ đâu rồi?"
Chỉ có âm thanh hung hãn của mưa bão cùng tiếng hét nổi cơn của con suối mà thôi. Sau cùng tôi nghe được tiếng của Thầy Hằng Do. Chúng tôi bắt đầu la hú kêu nhau cho đến khi bắt được hướng của âm thanh mới tìm được nhau. Thật ra tôi đã không thấy gì hết, chỉ biết chạy ào đến rồi đụng vào Thầy Hằng Do. Thầy Hằng Do bảo là trong cuộc đời chưa bao giờ sợ hãi như thế vì bị trượt té xuống hố, lại trong đêm tối mù mịt cứ thế mà lăn, lăn mãi xuống tận chân núi mới thôi. Chúng tôi khờ khạo đã bỏ quên cây đèn pin ở chỗ lạy, nhưng cũng đở là có mang theo sợi dây nhỏ. Lần mò một lúc mới cột được lẫn nhau, với khoảng cách mười bước, rồi tiếp tục leo lên. Tôi đi trước, thận trọng từng bước giầy dò dẫm, cọ sát mặt đường. Trong khi sư Hằng Do phía sau luôn chuẩn bị sẵn sàng chụp bắt nếu tôi trợt té qua một bên. Ði ì ạch như thế suốt mấy tiếng đồng hồ, vừa bị lạnh, lại vừa bị ướt và lạc loài ngay trên quả đất mình. Ðã quá xa rồi, không thể nào trở lại được. Chỉ hy vọng là còn tiếp tục được đi thôi. Chúng tôi hoang mang lo ngại không biết mình còn được sống sót qua khỏi cơn hiểm nghèo của chuyến đi nhỏ nhoi nầy hay không nữa.
Trời đã quá nửa đêm rồi. Chúng tôi ngừng lại, mở banh tấm ni-lon rồi ngồi đùn cục vào nhau ngay giữa lộ. Tuy cả hai đều lạnh run và ướt loi ngoi, nhưng cũng ráng thắp sáng được ngọn đèn cầy và mở bản đồ tìm vị trí. Theo bản đồ thì chúng tôi phải đi thêm một dặm nữa, nhưng nếu đi theo kiểu nầy chắc cầu cả đêm mới tới nơi. Bỗng đâu xa xa có ánh đèn nhấp nháy từ phía dưới chân núi. Thì ra có chiếc xe đang chạy tới. Ðó là chiếc cam nhông của ông già dân da đỏ. Chúng tôi được ông chở về, nhưng vùng dân da đỏ nầy lại không cho phép người da trắng xâm nhập vào.
Chẳng làm được gì khác hơn vì quá lạnh lại bị ướt nên chúng tôi đành quày trở lại và đi thẳng xuống núi. Lúc nầy thật là khổ sở, nhưng ánh trăng bắt đầu tỏa chiếu xuyên qua những đám mây, và chúng tôi cũng tìm ra đường trở về vùng Stewarts Point trước khi ánh bình minh xuất hiện. Gặp được dãy nhà (motel) với những phòng ngủ cho mướn đã bỏ hoang, nên chúng tôi lẻn vào. Mặc kệ cái xác mèo chết hôi thối nằm chình ình trên chiếc ghế bành, chúng tôi vẫn cảm thấy như mình đang được ở trong khách sạn Hilton sang trọng.
Ngày 13 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Do viết:
Sau buổi lễ lạy dưới cơn mưa rào cùng mưa đá, chúng tôi dừng lại ở chuồng trừu để dùng cơm trưa. Từ ngày khởi sự lên đường tính đến nay đã gần một tháng rồi, vậy mà chúng tôi chỉ lạy được hơn một trăm dặm mà thôi. Tối đến, chúng tôi quyết định trả hai đồng rưỡi để mướn phòng ngủ ở ký túc xá Stillwater Cove Resort, chỗ nầy trước đây vốn là ngôi trường cũ kỹ, được xây bằng đá và những cây bách hương chạm khắc. Sau đó chúng tôi nhóm lên ngọn lửa hồng ấm áp bằng cái lò sưởi to lớn. Căn phòng được tô điểm thêm bằng những đồ đạc quần áo, lều bộng phơi máng trên những khúc cây gác ngang trên bàn ghế. Ngọn lửa xì xèo, nổ vang lách tách khiến đồ đạc thật khô ráo. Ngày mai là sinh nhật của đại sư huynh Hằng Cụ. Thật tốt quá, sau một đêm an nghỉ ấm áp, tinh thần chúng tôi lại phấn chấn thêm lên, sẵn sàng bắt đầu cho một ngày mới trong bộ quần áo khô ráo.
Tịnh Thủy (Stillwater) cái tên thật hay, không những nó truyền cho ta một cảm giác an lành của chốn nầy, với những hàng thông cao chót vót hướng ra bờ biển, mà nó còn nhắc tôi nhớ đến câu kệ Sư Phụ vẫn thường ngâm nga:
Tâm tịnh thủy hiện nguyệt.
Nghĩa là:
Tâm lặng, nước hiện bóng trăng.
Tâm chúng ta luôn bị những vọng tưởng, tình cảm, dục niệm làm xáo trộn, như mặt nước bị khuấy động không phản chiếu được gì. Chỉ khi nào tâm ta an tịnh thì mới phản ảnh được ánh trăng, tức Phật tánh của chúng ta đó. Tịnh Thủy Tâm, tức là giữ tâm như mặt nước lặng yên vùng Stillwater Cove.
Ngày 14 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Do viết:
Mấy ngày qua lòng tôi như có một cảm giác đang lớn dần, chỉ sau lần kinh nghiệm trong mấy tiếng sờ soạng, ướt át trong đêm tối, trên đường núi vùng dân da đỏ, cũng đủ rõ cho tôi diễn tả.
Ðó không phải là sự xúc động, cũng không phải là kết luận về triết học, mà hơn thế nữa, tôi cảm thấy nó sâu sắc hơn so với mức độ hoạt động thường ngày. Hay nhất có thể gọi đó là "Sự biết", nó không có những chi tiết tạp nhạp, không một sự việc gì, mà là một cảm giác bất chấp tất cả để xác thực chắc chắn rằng chúng tôi sẽ hoàn toàn thành công trong chuyến bái hương nầy. Từ đây sẽ không còn thắc mắc gì về chuyện chúng tôi có vượt qua nổi hay không nổi, mà chỉ với câu hỏi làm sao đối phó khi có vấn đề đặc biệt xảy đến, và sẽ phản ứng thế nào đối với những chuyện xảy ra trong những ngày sắp tới.
Chúng tôi lạy qua khỏi vùng Stewarts Point, rồi nghỉ qua đêm trong một cái chòi cũ. Cứ vài phút là có chuột chạy ngang qua mình Thầy Hằng Cụ, khiến Sư huynh tôi giựt mình thức giấc cả đêm.
Ngày 15 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Trời lại đổ mưa. Theo trên bản đồ thì xa lộ chạy dài dọc theo bờ biển có đến hơn tám mươi dặm nữa, nó sẽ uốn cong vào nội địa Rock Port. Thỉnh thoảng mới có một căn nhà, còn chung quanh đây hầu như là những dãy đồi xanh mướt và dĩ nhiên cả biển nữa. Xe cộ chỉ lưa thưa không mấy gì nhiều.
Chiều nay tôi lạy qua Sea Ranch, một cộng đồng vùng biển đang phát triển. Có hàng chục căn nhà được xây lên bằng những vật dụng thiên nhiên trên những khoảnh đất cách đều nhau, khiến phong cảnh trông rất đẹp. Trong lúc Thầy Hằng Do đi trước tìm chỗ cắm lều, có chiếc xe Ford cũ chạy tới rồi đạp thắng ngừng ken két bên tôi. Trong xe có năm ông đã say mèm. Tôi vẫn tiếp tục lạy, chí tâm thầm niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát như lời Sư Phụ thường dạy. Song tôi vẫn cảm thấy phần thận tuyến tố trong người như đang ra sức bơm mạnh lên, đồng thời toàn bộ các cơ quan trong cơ thể như sẵn sàng chuyển mình vào cuộc chiến. Nhưng sau đó tôi lại nhớ đến bài thơ mà Sư Phụ thỉnh thoảng có nhắc đến:
Ðạo cao nhất xích, ma cao nhất trượng
Ðạo cao nhất trượng, ma tại đầu thượng.
Nghĩa là:
Ðạo cao một gang, ma cao một tầm
Ðạo cao một tầm, ma trên đầu ta.
Chiếc xe cứ chạy rà rà bên tôi, trong khi mấy ông say chồm ra cửa xe la lối những lời thô tục. Khoảng vài phút, không thấy tôi có phản ứng gì nên xe ngừng hẳn, rồi một ông bước ra khỏi xe, bắt đầu đi theo phía sau tôi. Không biết là ông ta có muốn đá tôi không nữa, vì ông có vẻ đã say lết bết, miệng thì la lối om sòm:
"Ê! Mầy đang bày cái trò khỉ gì vậy? Mầy nghĩ nó tốt cái....gì mà làm như vậy hả?"
Chẳng thèm để ý chi đến hắn, tôi chỉ lo chăm chú quan sát tâm mình. Thật ra lúc đó tôi không cảm thấy sợ sệt gì, mà cũng chẳng giận hờn chi và tâm rất tập trung. Pháp nầy thật hiệu nghiệm!
Vài phút sau, tôi biết là ông ta đang dịu dần và ông nói:
"Ê! Mà ông làm gì vậy chớ? Ông đã làm như vậy được bao lâu rồi?"
Cuối cùng tôi cũng phải ngừng lạy và đứng lên từ từ đi về phía ông ta.
Tôi trả lời với thái độ bình tĩnh, thân mật. Thấy dáng điệu ông ta từ một kẻ say sưa cao ngạo, trong phút chốc đã trở thành một người đàng hoàng, tỉnh rượu hẳn ra. Thật ra hắn ta cũng có vẻ là người tốt chớ. Sau mấy phút trò chuyện, ông trở lại phía xe đậu với mấy người bạn đang nao nức chờ đợi kết quả. Khi xe chạy ngang qua, tôi nghe giọng nói như muốn hét to:
"Một trăm dặm à? Mãi tận từ San Francisco ư?"
Lúc sự việc đang diễn biến, có một bà trên chiếc Volkswagen cũng đang chú ý và định sẵn sàng xen vào can thiệp nếu thấy có chuyện bị áp bức hay bạo động xảy ra. Sau đó bà chạy trờ tới và tự giới thiệu là Judy Bruff, là giáo đồ thuộc phái Tân Giáo Quaker ở Anh Quốc, hiện sống trên đồi. Bà nói ở vùng Sea Ranch nầy không cắm trại được vì toàn là đất của tư nhân, nên mời chúng tôi về nhà nghỉ qua đêm, riêng Bà sẽ đến tá túc với người thân.
Ngày 16 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Do viết:
Qua khỏi ranh giới quận Sonama Mendocino, khi trên đường về phía Gualala, một ông chạy xe kiểu đời mới rà tấp vào lề, chăm chú nhìn Thầy Hằng Cụ lạy. Ông chạy rề rề theo để có thể quan sát thêm. Nhưng sau đó ông ngừng hẳn bên lề chờ tôi đi tới. Ông nầy độ khoảng năm mươi, tóc hai bên màng tang đã điểm bạc. Trong bộ quần áo tươm tất, qua tư cách, trông ông như một thương gia phát đạt.
Với thái độ dè dặt hỏi: "Xin lỗi cho tôi hỏi, anh bạn của ông đang làm gì vậy?"
Tôi giải thích ngắn gọn về chuyến bái hương, và trả lời quả quyết sẽ thành công khi ông thắc mắc nghi ngờ không biết chúng tôi có làm nổi hay không.
Ông lại hỏi: "Mấy ông có còn cách nào khác để cũng có thể diễn đạt giống hệt nguyện vọng này không? Có nghĩa là tại sao các ông lại tự hành hạ khổ sở đến như vậy?"
Sư Huynh tôi vẫn tiếp tục lạy không ngừng nghỉ, đôi giầy và bao tay Thầy chà sát mặt lộ, khiến vang lên những tiếng sột soạt như để nhấn mạnh thêm câu hỏi của ông nầy.
Tôi đáp: Ðau khổ hay vui sướng chỉ là những danh từ đơn giản, quan trọng là ở cái nhìn của ông về cảnh giới. Ví như nếu ông đeo kính đỏ thì thế giới hiện rõ cảnh tươi thắm hồng hào. Nếu ông nghĩ những hành động có tác dụng đưa đến đau khổ thì sẽ thấy khổ đau. Riêng tôi không nghĩ việc mình đang làm là đau khổ, dù đã từng bị ướt ngoi ngóp dưới cơn mưa, vì đó chỉ là bị ướt mà thôi. Tôi tiếp với câu thơ mà Sư Phụ thường dùng để giải thích rất thấm thía:
Thọ khổ tức thị liễu khổ, hưởng phước tức thị liễu phước.
Nghĩa là:
Chịu khổ thì dứt khổ, hưởng phước thì hết phước.
Tôi định sẽ giải thích thêm về ý nghĩa mấy câu thơ, dẫn chứng đến nghiệp lực và luật nhân quả, và cũng để trả lời thắc mắc của ông. Nhưng ông ta liếc mắt nhìn quanh rồi ngắt lời xin lỗi và cám ơn. Ông bảo là rất vui khi được trò chuyện với tôi, rồi lên xe chạy tuốt.
Có lẽ tôi đã nói gì làm đụng chạm đến ông chăng! Hay là ông đã nghe đủ những gì ông muốn biết! Hoặc ông chợt nhớ ra cái hẹn gì đó! Tôi bắt đầu hiểu ra rằng con người cũng giống như cái bình đựng nước. Có cái chứa được nhiều, có cái thì chứa rất ít. Một khi cái bình đựng gần đầy thì người ta cảm thấy tinh thần bất an, đến khi cái bình bắt đầu đầy tràn thì thường cũng là lúc họ thay đổi cuộc đời. Chúng ta nắm giữ được bao nhiêu tức cũng có thể trực tiếp xả ra bấy nhiêu. Ðến khi bạn đã buông bỏ hết thì bạn sẽ được tất cả.
Ngày 17 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Một trận bão ác liệt khác lại đổ ập xuống, chúng tôi phải dò dẫm từng bước một dọc theo những bờ dốc. Mưa trút xuống xối xả lúc chúng tôi đi ngang qua khu phố Gualala. Ðường xá vắng vẻ, không một bóng người. Nhưng khi đi ngang qua căn nhà màu vàng về hướng nam khu phố, có anh chạy ra tự giới thiệu là Greg, mời vào nhà. Chúng tôi từ chối vì muốn tiếp tục lễ lạy. Anh ta hứa hẹn đến tối sẽ trở lại rước chúng tôi. Vừa vào đến vùng Anchor Bay, sau bốn dặm dầm mình lễ lạy dưới cơn mưa tầm tả, một ông từ quán rượu duy nhất trong vùng đã chạy ào đến, một tay vừa chùi bọt bia dính cằm, một tay đưa cho Thầy Hằng Do hai đồng và nói:
"Ông cũng phải ăn chứ, phải không?" Rồi chạy trở về quán rượu còn nói như hét vọng lại từ phía cửa tiệm: "Nếu ông cám ơn tôi, tức là ông điên đó!"
Chiều tối anh Greg dùng chiếc cam nhông chở chúng tôi và luôn cả chiếc xe kéo về nhà anh. Cơn bão làm cúp điện, nên trong nhà phải thắp đèn cầy. Anh vốn độc thân nhưng hiện sống chung với cô bạn gái. Cô nầy phụ nấu nướng và đang nghiên cứu môn Chiêm Tinh Thuật. Tôi nhận ra cô nầy trước đây vốn là bạn gái của anh họ tôi, Mike Kenedy ở Seattle, chúng tôi đã từng sống chung trong một cộng đồng gần vùng núi Rainier. Thật là một sự trùng hợp lạ kỳ! Chúng tôi trò chuyện được một lúc, nhưng thấy câu chuyện bắt đầu hơi xa đề về những chuyện thị phi nên chúng tôi về phòng để tọa thiền. Sáng hôm sau anh Greg đích thân pha nước sô cô la nóng (chocolate) mời chúng tôi dùng và còn đưa về địa điểm cũ.
Ngày 18 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Lễ lạy dưới cơn mưa cũng giống như đang mặc bộ đồ nhái lặn xuống biển vậy. Nhẹ nhàng như trong thế giới mộng trầm, là nơi bạn tạm thời được tự do không gì ràng buộc. Nơi đây lại có một thế giới khác hầu như đang quét sạch tất cả những ý niệm. Ở đây không có gì là thế giới, không hòa bình, không xung đột, không phóng thích, không nô lệ. Vì đây là nơi vô sở trụ. Thật không ai biết đến nó thì làm gì có được nó chớ! Tất cả những gì đang trông thấy đều không thực thể, không có tánh chất riêng biệt. Những gì được nhìn thấy rồi chúng cũng mờ dần như những giấc mơ ngày hôm trước. Chẳng có gì để vương vấn cả. Cũng như con đường nầy, việc tương lai luôn chờ phía trước, và những công đức thời quá khứ đã để lại phía sau. Hiện tại chúng tôi không có gì cả, nhưng ngay cái không đó lại có một cái gì huyền diệu!
Chiều nay lúc gần kết thúc buổi lạy - thật ra là buổi lạy chót trong ngày - vừa lúc tôi nhìn lên thấy có chiếc xe nâu đỏ sậm Mercury đang tống ga chạy ào về phía chúng tôi, với mấy cánh tay và những cái đầu say thò ra cửa sổ. Có lẽ xe nầy đang chạy với tốc độ ít nhất cũng cả trăm cây số một giờ. Bỗng có lon bia còn nguyên bay phớt ngang đầu tôi, chỉ cách trong phân tấc, rồi rơi xuống đất nổ banh, văng tung tóe vào mình sư Do. Nếu ai bị trúng lon bia nầy chắc phải bỏ mạng liền. Chúng tôi vội vã vào rừng cắm trại. Sau khi an ổn ngồi uống trà, tôi mới bắt đầu nhận ra là mình đã gần với tử thần trong tích tắc.
Qua chuyện nầy khiến tôi nhớ lại lời Sư Phụ như đã báo trước trong lần điện thoại với chúng tôi gần đây: "Trong chuyến du hành, nếu chúng con thành tâm và thanh tịnh giữ giới thì chư Phật, chư Bồ Tát mười phương cùng các vị Trời, Rồng sẽ đến bảo hộ,không ai có thể hãm hại được các con đâu!"

tải về 2.46 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương