Nguyên Bản: Three Steps One Bow Tập hồi ký của Thích Hằng Cụ & Thích Hằng Do


Ngày 28 Tháng 10 Năm 1973. Hằng Cụ viết



tải về 2.46 Mb.
trang3/21
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích2.46 Mb.
#37895
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21

Ngày 28 Tháng 10 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Bạn Quả Tôn là Quả Diện đem thức ăn trưa đến (sau đó bà nầy cũng thỉnh thoảng đến). Bà luôn luôn đem đến những thức ăn rất quân bình đã được nấu theo phương pháp dưỡng sinh (macrobiotic), kỹ lưỡng nhất. Chúng tôi lạy qua vùng Valley Ford, phố nhỏ nầy được thành lập quanh ngã tư đường chánh. Sau đó chúng tôi tiếp tục đến vùng đồng bằng lồng lộng gió, rồi thẳng đến ranh giới quận Marin-Sonoma.
Lễ lạy ở miền đồng ruộng nầy có vẻ thật thuận lợi, nếu so với trong thành phố thì thật là một chuyện khác hẳn. Chúng ta luôn có khuynh hướng tự ý thức về mình, thì nơi đây đem lại cơ hội tốt đẹp để quán tưởng về pháp vô ngã. Trong thiền viện Phật giáo dùng công án gọi là "Ai?" Ở bất cứ lúc nào, nơi nào, thiền sinh chỉ với câu hỏi đơn giản: "Ai là người đang biết đây?" Phương pháp nầy gọi là hồi quang phản chiếu, nghĩa là quan sát những tư tưởng nổi lên với tánh cách thật vô tư, đồng thời cố gắng truy xét trở lại tận nguồn gốc sự phát sinh của những tư tưởng đó. Dù có tìm kiếm thế nào, nó không có nguồn phát xuất từ đâu cả. Kinh Hoa Nghiêm diễn tả: "Không có người suy nghĩ mà cũng không có gì để suy nghĩ, chỉ có những tư tưởng nổi lên do nghiệp lực hạn buộc mà thôi." Tiến trình của sự truy tầm nầy được người Hoa gọi là tham thiền.
Một phụ nữ trẻ tên Melissa từ trung tâm thiền đường Blue Mountain mang đến cho chúng tôi một ổ bánh mì. Sau đó có cặp vợ chồng trẻ trên chiếc xe cam nhông cũ kĩ ngừng lại bảo rằng, mười năm về trước, mọi người chung quanh đây có thể nghĩ rằng chúng tôi là đồ điên, nhưng bây giờ hầu hết là họ đã chấp nhận việc chúng tôi làm, có người còn cho rằng đây là việc làm rất hay.

Ngày 29 Tháng 10 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Quả Ðôn Schweig cùng vợ là Quả Kim, gấp rút lái chiếc xe van Ford đến, nhưng đã hơn 12 giờ trưa. Hai chúng tôi vừa mới ăn cơm xong và sắp sửa bắt đầu cho buổi lạy chiều thì họ tới, ngừng xe một bên nói:
"Chúng con tìm quý Thầy khắp nơi để đem thức ăn trưa nầy!"
Ôi! thấy họ quá thành tâm, vì rõ ràng là họ đã vất vả lắm mới đem được cơm trưa cho chúng tôi. Thầy Hằng Do và tôi lại không nỡ lòng bảo họ là vừa mới ăn xong. Thế là để tỏ lòng lịch sự, chúng tôi ngồi xuống dùng cơm trưa thêm một lần nữa. Quả Ðôn cứ nhắc chừng chúng tôi ăn thêm nhiều và tôi đã ăn hết hủ bơ đậu phộng (peanut butter) hiệu Deaf Smith như mỗi lần họ đến.
Chiều nay lại có nhiều người đến trò chuyện. Chúng tôi nhận thấy những người nầy đang rơi vào các hạng khác nhau. Hầu hết là họ đã có định kiến trong tâm trước khi đến nói chuyện với chúng tôi. Họ hoặc là ủng hộ hay chống đối chúng tôi, chỉ khác nhau về cường độ. Những người nầy tự họ cho rằng mỗi cá nhân phải được phân loại rõ ràng. Có nghĩa là một người nếu không là Thiên Chúa Giáo thì phải là Do Thái Giáo, Phật Giáo hoặc gì khác nữa. Ðó là một trong những sự phân biệt giữa trắng và đen, giữa đúng hay sai. Mặc cho những phong trào về tư tưởng mới lạ nầy biến chuyển, chúng tôi chỉ lấy làm ngạc nhiên khi thấy còn có bao nhiêu người lại bảo thủ quá đáng như thế.
Ngày 30 Tháng 10 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Chúng tôi hiện đang trên xa lộ nhỏ hẹp, cong ngoằn dẫn trở ra bờ biển và bị một hoạn nạn. Nguyên là còn gần một dặm nữa mới đến quận vùng biển ở Bodege Bay, tôi bỗng cảm thấy có lệnh đòi đi cầu. Khỏi phải nói cũng biết là ở đây làm gì có nhà vệ sinh, bởi vậy tôi đành phải tuột xuống khỏi xa lộ và lủi đại vào bụi rậm để làm tròn bổn phận hằng ngày. Rủi thay lại không có giấy để chùi, nên tôi vói tay quơ đại mớ lá vàng tươi gần bên. Ðó chính là một lầm lỗi thật đáng giá, vì sau đó tôi mới nhận ra những chiếc lá xinh xắn nầy lại là lá cây Sồi Ðộc, poison oak (tôi cứ nghĩ lá Sồi Ðộc màu xanh). Nhưng nghĩ gì đi nữa cũng không giúp ích chi trong lúc nầy. Chúng tôi lại tiếp tục lễ lạy, nhưng đến tối toàn thân tôi ngứa ngáy dữ dội. Hầu như suốt cả đêm tôi không chợp mắt được một phút nào. Tuy nhiên, nhờ nhớ niệm hồng danh Bồ Tát Quán Thế Âm nên đã giúp tôi quên đi cơn đau nhức.
Sáng hôm sau, khi tôi di chuyển còn thấy khó khăn huống chi là quỳ lạy! Thế nên tôi và Thầy Hằng Do chỉ còn cách là ngồi xuống trên gò đất bên vệ đường. Cả hai chúng tôi hoàn toàn tuyệt vọng. Một lần nữa, lòng tôi tràn ngập những mối nghi ngờ về việc làm không thực tế, khó thành công của chúng tôi. Vì hiện tại còn phải lạy thêm phân nửa vùng California; cả vùng Oregon và Washington, lại thêm vấn đề là tôi tự mình chùi mông còn không xong.
Chúng tôi ngồi đó cả mấy tiếng đồng hồ. Không thể nào trở về, (mà có thể chăng?) nhưng nhất định là chúng tôi không thể nào tiếp tục được nữa. Cho nên chúng tôi vẫn cứ ngồi nhìn xe cộ qua lại. Vấn đề nầy coi như vô phương giải quyết. Ðột nhiên như có cảm ứng nhiệm mầu đến cứu giúp chúng tôi. Ðó là hai chiếc xe Van quen thuộc đang ngừng trước mặt. Thì ra là cả nhóm người thân thuộc từ Kim Sơn! Có cả Sư Phụ nữa! Chúng tôi bèn di chuyển đến bãi đậu xe trống của công xưởng đồ hộp bỏ hoang. Họ đem đến nào là thức ăn, quần áo, thuốc men, tất cả những thứ mà chúng tôi cần dùng. Có cả giấy vệ sinh nữa! Tôi có cảm giác sung sướng đến tận mây xanh.
Mọi người ngồi thành vòng tròn, rộng khoảng mười lăm bước. Trước hết tôi và Thầy Hằng Do báo cáo những diễn biến trong mấy ngày qua. Sau đó mấy vị Tăng Ni lần lược thuyết những bài pháp ngắn. Trong lúc họ nói, Sư Phụ nắm lấy bàn tay phải của tôi và bắt đầu xoa xoa. Ngài vừa nhè nhẹ xoa bóp vừa đọc chú. Tôi cảm thấy cái căng thẳng đau nhức dần dần như rời khỏi thân mình, còn tai như không còn nghe gì cả, chỉ cảm nhận được sự ấm áp của buổi nắng chiều. Ngoài ra không có gì đáng để cho tôi bận tâm đến.
Buổi họp mặt kéo dài khoảng một tiếng, sau đó mọi người lên xe ra về. Sư Phụ dạy chúng tôi nên nỗ lực chú tâm thêm vào việc lễ lạy. Ngài bảo trong hoàn cảnh nầy, cách tốt nhất là niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Sư Phụ lại nói: Với thần lực của Ngài Quán Thế Âm, không những chỉ cứu giúp riêng từng cá nhân, mà Ngài còn hổ trợ rất nhiều trong việc đem lại hòa bình cho thế giới bằng nhiều phương pháp thật không thể nghĩ bàn.
Trước khi chia tay, tôi có hỏi Sư Phụ rằng: "Tối hôm qua con đã cầu đức Bồ Tát Quán Thế Âm cứu con, và hôm nay Sư Phụ cùng mọi người từ Kim Sơn đã đến để cứu giúp. Như vậy có phải là chuyện trùng hợp không?"
Sư Phụ liền trả lời: "Ðây chỉ là chuyện nhỏ thôi! Bất cứ lúc nào con muốn, chỉ cần gọi điện thoại là ta đến ngay."
Hôm nay tôi đã học được rất nhiều. Có một việc là cho đến hết cuộc đời nầy tôi sẽ không bao giờ quên được cái hình dáng của cây Sồi Ðộc, và tôi sẽ cố giúp những người khác đừng bị cái cảnh đau ngứa như tôi. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là tôi đã hiểu thêm được cái gọi là trung điểm triết lý của Sư Phụ:
"Mọi sự đều O.K!" (Everything is OK!).
Ðây là những lời dạy thiết yếu của Sư Phụ mà tôi cũng đã từng nghe mọi người lập đi lập lại hàng trăm lần. "Mọi sự đều O.K ." không có nghĩa là muốn làm gì thì làm theo sở thích của mình. Không phải thế đâu! "Mọi sự đều O.K," là tâm trí của một người ở vào giai đoạn đã được luyện tập thuần thục, có thể quán sát thấu triệt những sự thăng trầm của các pháp mà tâm hoàn toàn vô chấp không bị vướng mắc, vì đó là nơi không chỗ trụ. Không xa lìa sự vô chấp nầy, người đó có thể hoàn toàn sống một cuộc đời có trách nhiệm, chín chắn, trưởng thành. Đây là điều ai cũng có thể theo đuổi để đạt được. Ở thế gian nầy dù cho ở hoàn cảnh nào, có xấu tệ gì đi chăng nữa, cuối cùng thì "Mọi sự đều o.k."
Trước khi trở về Kim Sơn, Sư Phụ đã cho mỗi chúng tôi những lời dạy dỗ như sau:
"Khuyến tiễn Thiền sinh Hằng Cụ,
Phát nguyện Tam Bộ Nhất Bái,
Cầu cho thế giới hòa bình:
Tăng đoàn tại thiền viện Kim Sơn ở xứ Mỹ nầy rất đông và trẻ tuổi. Tất cả đều chú trọng vào việc duy trì, bảo hộ nền chánh pháp. Riêng mỗi cá nhân đều có những ưu điểm riêng biệt. Hiện nay con đã lập lời nguyện mà trước đây con chưa từng nguyện, hành theo hạnh Thánh Nhân mà con đã chưa từng hành, là mỗi ba bước lạy một lạy hướng về mười phương Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng.
Vì lòng thành đầy nhiệt huyết của con cho việc cầu nguyện thế giới hòa bình là chân thật, chắc chắn con sẽ được sự cảm ứng nhiệm mầu. Mặc dầu sự phát tâm lúc ban đầu thì dễ dàng, tuy nhiên nó cũng có thể rất khó đạt được tròn ý nguyện của con. Ðừng bỏ cuộc, hãy giữ vững sự kiên trì, thành tâm và cần mẫn lên. Một ngàn dặm mà con sẽ đi qua chỉ là một bước nhỏ trong pháp giới. Hãy quyết tâm, đừng bao giờ ngừng thối cho đến khi đạt đến mục đích của con. Hãy phấn chấn tinh thần lên nhé con! Ta để lại cho con bài thơ từ giả nầy:
Nan hành năng hành thị Thánh hạnh
Nan nhẫn năng nhẫn cập chân nhẫn
Thập phương chư Phật tùng thử xuất
Bát vạn Bồ Tát tiếp chủng lai
Xuy đại pháp loa thí hiệu lịnh
Chấn bảo tích trượng hóa kiên tham
Công viên quả mãn khải triền nhật
Nạp vi ngô đồ tống bính xan.
Nghĩa là:
Hay làm việc khó là hạnh Thánh
Hay nhẫn việc khó tức thật nhẫn
Mười phương chư Phật từng như thế
Tám vạn Bồ Tát tiếp truyền lại
Thổi đại pháp loa ra hiệu lịnh
Khua bảo tích trượng tiêu tham xẻn
Ngày thành công trong khúc khải hoàn
Tặng đệ tử bữa ăn bằng bánh (berry pie).

Lời dặn dò thiền sinh Hằng Do,


Người hộ pháp cho Hằng Cụ.
Vì chúng sanh phát nguyện lễ Phật,
Thỉnh cầu thế giới hòa bình:
Từ lúc bắt đầu cho đến khi viên mãn, đừng ngập ngừng. Khi gặp khó khăn chớ chuyển lòng. Hành động như người bảo vệ, giúp Hằng Cụ tự cảm nhận được sức mạnh của lời nguyền. Những bậc quân tử tài đức thời xưa đáng được kính mến, nhân vì các Ngài có lòng quên mình để bảo hộ người khác. Nhưng thời bây giờ những bậc đáng kính đó rất hiếm hoi. Và đây là phương pháp thực hành theo hạnh Bồ Tát, cũng là một trong các cửa đưa đến giải thoát. Ðừng bao giờ, dù chỉ trong chốc lát mà quên đi chí nguyện dũng mãnh thuở ban đầu, phải luôn luôn nhất tâm giữ vững lập trường cho đến cuối cùng. Hãy dũng mãnh tinh tấn đánh tan bọn quỷ ma. Dù cho Thiên Long có đến tỏ lòng kính phục, cũng chớ vui mừng. Dù có gặp hoàn cảnh chướng ngại, cũng chớ sân giận. Tâm không phân biệt, cũng không có sự thành đạt. Sự lễ bái tuyệt diệu nầy sẽ là những khó nhọc gian nan, có thể đưa đến sự kiệt sức. Nhưng khi con biết áp dụng những điều đã học thì con sẽ được viên minh châu quý. Ráng ghi nhớ những lời chỉ dạy nầy và đừng phụ lòng ta nhé! Ta để lại cho con bài thơ từ giã:
Giai hành lệ chí tiến chinh đồ
Quả Ðạo, Hằng Do tác hộ phù
Du kinh tam thiên túc hoa lý
Cụ việt tám vạn bộ đang xe
Khoa học thời đại thượng cổ lão
Phật giáo cảm ứng tỉnh chúng mê
Nỗ lực nỗ lực cánh nỗ lực
Bất hưu bất hưu thường bất hưu.
Nghĩa là:
Cùng nhau tiến bước trên đường xa
Quả Ðạo Hằng Do chuyên hộ trì
Quả Du qua đủ ba ngàn dặm
Hằng Cụ vượt tám vạn bước xe
Tuy thời đại nhưng hành theo xưa
Phật giáo cảnh tỉnh chúng mê lầm
Cố gắng cố gắng càng cố gắng
Ðừng ngừng đừng ngừng thường đừng ngừng."
Ngày 31 Tháng 10 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
"Mọi sự đều o.k!" không có nghĩa là một tay cầm lon bia (beer) đi lang thang trên bãi biển, còn tay kia với cuốn kinh Kim Cang. Ngày nay có rất nhiều người sống như những con lợn ngu dốt mà cứ nghĩ là mình đã giác ngộ rồi. Người thật sự am tường đạo Phật đều nên biết rằng pháp quan trọng độc nhất là dứt bỏ lòng tham dục.
Chính đức Phật đã dạy: "Ý thức cứu cánh nhất, chỉ đơn giản là không có lòng tham dục."
Sư Phụ ở Kim Sơn cũng đã dạy như vậy, nhưng không có mấy ai thực lòng muốn nghe, huống chi nói đến việc thực hành theo đó. Chẳng hạn như tôi là một thí dụ điển hình. Câu cuối bài thơ mà Sư Phụ vừa mới cho tôi có nhắn nhủ đến bánh dâu (berry pie), mà tôi sẽ kể câu chuyện cái bánh đó như sau.
Khi mới đến Kim Sơn, tôi mang theo bao nhiêu là thói hư tật xấu, mà tôi đã từng thâu thập suốt hai mươi lăm năm qua. Tệ nhất là mười năm hút sách và sáu năm nhậu nhẹt. Bây giờ vào chùa lại là nơi có kỷ luật nghiêm khắc, buộc tôi phải dứt bỏ những tật xấu đó. Và tôi đã dẹp đi được tật hút sách, nghiện rượu. Nhưng sức mạnh lòng tham của tôi lại quá nặng nề, nên nó bắt đầu chuyển sang lãnh vực ăn uống. Tôi nhanh trí nghĩ rằng: Ít ra để tạm thời thỏa mãn lòng tham thì mình phải ăn cho thật nhiều vào. Vì theo pháp thực hành ngày ăn một bữa, nên tôi buộc phải vận dụng hết tinh thần năng lực vào bữa ăn trưa với thời gian giới hạn bốn mươi phút. Cho nên nếu chuyển đưa hết tất cả những tập khí xấu nầy vào việc tọa thiền và làm việc thiện, thì quả là một thử thách quá xá cở đối với tôi.
Thế nên đã có nhiều lúc vì không tự chủ, kiềm chế được mình nên tôi thường trốn ra ngoài, và đi thẳng đến tiệm bánh gần bên để mua cả bao bánh ngọt. Tôi nghĩ rằng chỉ như vậy mới có thể giải tỏa được hết những phiền não của mình. Chuyện xảy ra như sau:
Một hôm tôi lén ra ngoài mua bánh, sau khi đã ăn gần hết cả bao, chỉ chừa lại một cái bánh berry pie vì bụng không còn chỗ nào chứa thêm được nữa. Tôi cẩn thận dấu cái bánh đó trong áo khoát, rồi trở về tu viện. Bấy giờ ở Kim Sơn, mọi người đều tuân theo quy luật là không ăn sau giờ ngọ, chỉ có vài người ăn thêm bữa sáng, còn hầu hết đều tu theo lối khổ hạnh, mỗi ngày chỉ ăn một bữa ngọ thôi. Hôm đó trong suốt buổi tọa thiền chiều, tôi bắt đầu cảm thấy đói bụng, nên tư tưởng cứ nhắm hướng về cái bánh đó. Rồi suốt buổi tối giờ nghe kinh, trong khi Sư Phụ đang thao thao giảng pháp, thì đầu óc tôi chỉ còn biết đến hình ảnh của cái bánh đó thôi. Tôi định bụng là sau giờ nghe pháp, sẽ xơi quách nó cho rồi, còn luật lệ khỉ gì chớ!
Ðến khoảng mười giờ đêm, khi mọi người đã đi ngủ, tôi nhẹ nhàng chuồn ra cửa sổ nhà tắm trên lầu ba, cẩn thận đóng cửa lại rồi leo thang lên nóc nhà (thang nầy phòng bị khi có hỏa hoạn). Tôi mở gói bánh và nhe răng cắn một cái dòn ngọt lịm, rồi nhai ngấu nghiến những trái dâu (berry) chín đỏ. Trong lòng thầm nghĩ: "Chúa ơi! Nếu đây không phải là Niết Bàn thì còn là cái gì nữa chứ?"
Nhưng ngay lúc đó, tôi chợt nhìn về phía cầu thang treo, bổng thấy có người đang leo lên. Tôi hốt hoảng đứng thừ ra trong khi cái miệng đang ngồn ngào đầy cả bánh. Nơi nầy thiệt tình là chẳng có lối nào để tôi trốn thoát cả. Người đó lại chính là Sư Phụ! Tôi đứng bất động một lúc, đầu óc như muốn nổ tung. Rồi tôi bắt đầu đi vòng quanh trên sân thượng, ra vẻ như đang tập trung trong pháp quán thiền hành. Và Sư Phụ cũng làm vậy, cũng đi vòng vòng như đang tập trung quán tưởng thiền hành, nhưng lại đi ngược chiều với tôi. Chúng tôi đi ngang qua nhau hai lần mà không ai nhìn đến ai cả. Ðến vòng thứ ba khi tôi nhìn lên thì thấy Sư Phụ nhăn răng cười trừ như con mèo Cheshire. Rồi Ngài chỉ nói bốn chữ: "Sao nó thế nào?"
Thật là quá xá đủ rồi! Tôi biết là không có cách gì hơn chỉ ngoại trừ do những năng lực thần thông, ông Già mới có thể biết rằng tôi đang ở trên đây thôi. Sau đó vì tức cười quá nên chúng tôi đồng phát cười vang, cười luôn cho tất cả sự vật của thế giới vô tận nầy. Rồi Sư Phụ bỏ đi để tôi ăn hết cái bánh.
Ðó là câu chuyện về cái bánh berry mà Sư Phụ rất thích thú, nên thường bảo tôi kể lại. Bây giờ Ngài lại treo cái bánh khác trước mắt tôi, và chắc chắn chúng tôi sẽ đạt đến mục đích.
Eric Weber (Quả Hồi) lái chiếc Van nhỏ đến, cũng vừa lúc chúng tôi bắt đầu trở ra đường để lạy. Anh ta đem đến mấy đôi giầy cao ống (boot) và một chiếc xe kéo có thể xếp lại, của Sư Phụ gởi cho sư Hằng Do (loại xe nầy người Hoa thường dùng để đi chợ). Tôi lạy được bốn dặm, qua khỏi thành phố Bodega Bay thì chất độc cây Sồi lại bắt đầu hành tôi ngứa ngáy. Ðến chiều tối, khắp người tôi sưng phù lên, có chỗ nứt nẻ và chảy mủ. Chúng tôi phải ngừng lạy và ngồi xuống bên vệ đường. Trời lại bắt đầu mưa.
May thay Quả Ðôn Schweig đến, thấy tôi đang trong tình trạng như vậy nên đề nghị đưa chúng tôi về nhà ở Inverness để dưỡng bệnh một thời gian. Ðến nơi tôi liền đi tắm và xức thuốc khắp toàn thân. Hình như chứng bệnh nầy trông như càng lúc càng tệ hơn trước khi nó chịu bình phục. Hiện chúng tôi đang đóng đô trong nhà xe của Quả Ðôn. Từ biển Thái Bình Dương đang thổi đến một trận bão khốc liệt mà tôi chưa từng thấy qua.
Ngày 1 tháng 11 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Chúng tôi vẫn còn ở trong nhà xe. Càng tuyệt vọng hơn vì toàn thân tôi như một khối lớn đầy mụn ban, và tâm tư lại đầy ấp những mối nghi ngờ. Ngoài kia cơn bão vô cùng khủng khiếp. Tôi lo rằng nếu bây giờ dầm mình ra ngoài thì e sẽ bị ướt sũng, rồi lại bị mọi người trợn trừng chỉ trỏ hoặc hỏi những câu mà tôi thật sự không biết làm sao để trả lời.
Lúc tôi còn phục vụ cho tiềm thủy đỉnh trong Hải Quân, cũng có những lúc như vậy. Khi đó tâm tư đầy ấp mối lo sợ chết chìm. Khi tàu ở dưới độ thật sâu, tôi có thể nghe tiếng vỏ tàu kêu rên răng rắc dưới sức ép của biển. Tôi lại tưởng tượng như có một bức tường nước rộng bao la đang tiến đến để nghiền nát mọi người. Và tôi thấy chiếc tàu như vỡ tung ra, rồi chìm xuống dưới lòng biển cả. Về sau, qua mấy tháng suy ngẫm tôi đã không còn sợ hãi nữa. Vì cuối cùng tôi đã tìm ra phương pháp để làm tâm mình an dịu lại.
Trước hết, tôi luôn xem xét kỹ càng để biết chắc công chuyện của mình không có gì sơ sót. Tôi học cách đối phó theo từng dự đoán, và kiểm soát tất cả những sơ hở có thể xảy ra cho mọi người, hoặc máy móc có thể bị hư hỏng. Tôi cố gắng tìm tòi và sắp xếp lại những sơ hở trục trặc trước khi bị chúng hoành hành. Ðúng ra mọi người trên tàu đều phải cảnh giác như vậy cả, vì trong sáu tháng đầu, tất cả chúng tôi đều được học về hệ thống của chiếc tàu, để biết cách đương đầu khi có những trường hợp khẩn cấp. Chúng tôi canh chừng nhau như những con diều hâu vậy! Thật ra, làm chuyện gì mà biết thận trọng, kỹ lưỡng, thì chắc chắn nó sẽ cho kết quả là đa số mọi người đều hài lòng vì cảm thấy được an toàn hơn.
Kế đến là tôi học được cách chuyển hướng những tư tưởng của mình. Khi tàu ngầm đang xuống sâu thì mọi việc coi như suông sẻ, mỗi người có thể thoải mái tự do theo đuổi những ý tưởng riêng tư. Nhưng bầu không khí êm ả nầy hầu như bị tan biến khi chiếc tàu càng xuống độ sâu hơn. Lúc tàu xuống độ sâu nhất (312 feet tức 95 thước, độ sâu nhất mà tàu chúng tôi có thể chịu đựng nổi, nên nó còn có tên là Khối Ðá), thì cũng là lúc sự hiện diện cận kề của chết chóc. Cái chết như treo lơ lửng trong trong bầu không khí ảm đạm, tựa hồ như con rồng đang trầm mình trong đám khói nhang. Trong khi những anh chưa tới phiên trực, thường để tâm vào việc đánh bài, đọc sách, không thì tán dóc hay đi ngủ. Chỉ cần nghĩ sơ sơ đến những tai nạn có thể xảy ra như: hàng trăm xú bắp và những ống dẫn có thể bể tung ra bất cứ lúc nào, hoặc lớp vỏ bằng đồng mạ kền mỏng manh bọc quanh tàu từ hai mươi sáu năm qua, nay đã mục sét, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm người ta sợ rụng rời tan nát cõi lòng rồi. Thật là xấu hổ, vì đối với những anh nhạy cảm hơn, khôn lanh hơn trong đoàn thì lại tỏ vẻ lo sợ hơn hết. Trong khi những anh biếng nhác, khù khờ thì tỉnh bơ, thoải mái hơn nhiều. Có lần tôi chợt nghĩ: Ồ! Ngu ngơ không biết gì cũng có lợi lắm chớ! Nhưng cũng quá trễ rồi, vì tôi đã lỡ chịu cực khổ để ra công học hỏi về những công việc phức tạp của chiếc tàu cũ kỹ nầy. Ðể rồi tôi cũng chỉ biết phòng bị chuyện chết chóc vô chừng có thể xảy ra. Tôi lại biết chỉ cần một chút sơ hở, hay chỉ có một máy móc nào đó bị trục trặc thì cũng đủ đưa bảy mươi người trên tàu xuống dưới mồ nước nầy.
Tuy nhiên, chuyển đổi tư tưởng cũng không phải là rốt ráo. Lướt nhìn về quá khứ hay mơ tưởng đến tương lai chỉ là một lối nhẹ dạ để đối diện đến cái chết của mình. Tốt hơn là trở về với thực tại và tâm tự nhìn thẳng vào sự chết. Khi máy móc được ngưng nghỉ, trong yên lặng tôi thường ngồi dựa lưng vào ghế trong phòng máy và thầm tưởng tượng: "A! đây rồi, cái ống nước nầy có thể bể ra bất cứ lúc nào. Thời quá khứ tôi đã làm nhiều điều không tốt, ước gì tôi đã không phạm những lỗi lầm xấu xa đó, nhưng nay thì đã quá trễ rồi. Nếu có duyên may nào đưa đến giúp tôi thoát qua cơn nguy hiểm sẽ xảy ra như dự đoán, tôi nhất định sẽ thay đổi lối sống và bắt đầu làm việc thiện, giúp đỡ mọi người trong thế giới mê muội nầy. Hiện tại, tôi đã làm hết sức những gì mà tôi có thể làm, nhưng nếu vận số tôi đến lúc phải chết thì cứ để nó đến vậy!" Nghĩ như thế xong, tôi đứng lên làm việc lại như thường. Như trong Kinh Thánh, Job đã diễn tả:
"Phúc báo thay! cho một người đã biết chuẩn bị cái chết đang đến với mình."
Ðâu có gì khó khăn! Tôi đã chuẩn bị một cách đơn giản để ra đi.
Ngày 2 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Chúng tôi vẫn ở trong nhà xe. Tâm tôi cứ nghĩ về sự thối lui (không phải thối chuyển về chuyện tu đạo). Phát tâm tầm giác ngộ là một chuyện, còn giữ vững sự phát tâm đó lại là chuyện khác. Một ngày mà bạn cố tâm hăng hái, nhưng qua ngày sau có việc xảy đến thì bạn bị nó quay mồng mồng thối sụt qua một bên. Như hôm nay tôi đã có ý nghĩ:
"Ơ! Chúng tôi đã lạy được hơn năm mươi dặm rồi (50 miles), và ở xứ Mỹ nầy từ trước đến nay chưa từng có ai làm được như vậy cả, cho nên nếu chúng tôi có bỏ cuộc tại đây thì sẽ không có gì là khác biệt."
Rồi tôi lại hồi tưởng đến tu viện, những cảnh vật mà trước đây tôi cho là tầm thường như mái nhà, tường vách, thiền đường, những bài pháp giảng. Những vọng tưởng đó cứ thay nhau kéo đến lởn vởn trong tâm tư. Hay là tôi có thể chạy trốn vào núi sâu, với túi gạo nầy mình cũng có thể sống sót được tới vài tháng lận!
Ngày 3 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Lại vẫn còn ở đây. Ngứa, ngứa, ngứa, ngứa quá, ngứa quá! Nghĩ chắc là mình phải đi tắm mới được. Hôm nay vọng tưởng lại kéo tôi về chuyện phục vụ tiềm thủy đỉnh và dự định chuyện tái nhập ngũ, nhưng tôi sẽ là ông thầy tu bí mật. Tôi cũng sẽ giống như mọi người, chỉ có khác ở chỗ là tôi sẽ không hút thuốc, nhậu nhẹt, ăn thịt, hay có tánh nóng giận. Tôi sẽ dùng tiền lương của mình để sắm chiếc mô-tô gắn máy Big Norton (motorcycle), rồi mướn một căn phòng nho nhỏ xinh xinh và ... có lý thật...!
Ngày 4 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Hôm nay chúng tôi đã trở ra đường, trời mưa tầm tả. Tuy toàn thân vẫn còn đầy những mụn sưng, nhưng tôi không thể nào ngồi yên được nữa.
Hồi sáng nầy, Quả Ðôn đưa chúng tôi về chỗ cũ, sau khi chăm chỉ lễ lạy được năm dặm thì dựng lều trên bãi biển gần Jenner. Lúc 10 giờ sáng, chúng tôi đi ngang qua cửa sông Russian, là nơi tập trung những giòng nước đầy bùn đổ ra biển Thái Bình Dương. Ðến trưa, Quả Chu Rounds cùng vợ là bà Sue đã chuẩn bị thức ăn trưa cho chúng tôi gồm: canh cà chua nóng hổi, những lát bánh mì trét mứt và bơ đậu phộng (peanut butter and jelly sandwiches). Ở đây chuyện kẹt xe rất hiếm hoi, vì có lẽ một tiếng đồng hồ mới có hai chiếc xe chạy ngang qua. Chiều nay tôi đang trên đường dụng công dưới bầu trời nặng quằng những đám mây đen, như báo hiệu trận bão sắp đến, khi ngước mắt nhìn lên thấy cả một đàn chim hải âu vào khoảng mấy trăm con đang bay lượn. Tôi ngừng lạy, thấy chúng hình như đang biểu diển để tôi xem. Chúng sát cánh nhau thành hàng, bay vút lên trời, rồi tách rời nhau và bay chúi thẳng xuống gần sát đất. Trong tích tắc, chúng lại bay vút lên để bắt đầu cho vòng kế tiếp. Chúng xếp thành hình vòng lớn quây tròn giống như bánh xe sanh tử luân hồi vậy! Tôi đứng ngắm nhìn cũng mất vài phút, hình như bọn chúng đang nhắn nhủ: "Bạn hãy hăng hái tinh thần lên! Hãy tiến bước lên!"
Ngày 5 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Do viết:
Tối qua chúng tôi dựng lều mới trên bãi biển, nhưng khi trời gần sáng thì giựt mình thức giấc vì cơn gió hú từ vịnh Sonoma. Tấm lều dường như bị gió cuốn thổi đi. Mới tối hôm qua nước biển vùng Thái Bình Dương còn dịu dàng mơn trớn cát, vậy mà bây giờ nó trở nên hung tợn, giận dữ chuyển mình nổi sóng. Những lợn sóng lớn dập dồn tràn đến sát bên lều, chỉ còn cách độ mười bước, nên chúng tôi vội vã thu dọn lều chõng, trong khi cơn mưa đang trút xuống tầm tả. Dù vậy chúng tôi cũng ráng chầm chậm khởi hành. Hoàn cảnh như vầy thật khó mà tiến bước, nên chỉ được vài dặm sau đó thì chúng tôi quyết định ngừng nghỉ đợi qua cơn mưa. Gần bên con lộ thấy có nhà xe trông giống như đã bị bỏ hoang nên chúng tôi tấp vào. Thầy Hằng Cụ có ý kiến rất hay, bèn lôi ra một túi đồ để trước nhà xe làm dấu hiệu để nếu ai muốn tìm chúng tôi thì sẽ biết chỗ mà đến. Ðồ ướt được treo lên nhưng vì không khí quá ẩm nên chúng chỉ treo lòng thòng, ủ rũ chẳng khô chút nào.
Sau đó, trong lúc chúng tôi đang tọa thiền, nghe có tiếng xe ngừng phía trước. Lúc đó bao nhiêu thiền định của tôi hình như đang dọn đường cho tiếng mừng reo hớn hở trong lòng, thầm đoán có lẽ mình sẽ được một bữa ăn nóng do gia đình Quả Ðôn cúng dường. Nhưng có ngờ đâu! chỉ vì cái túi đồ để phía trước, đã khiến cho chủ nhà xe và ông cảnh sát ở quận chú ý. Cũng may là họ đã nghe tin về chúng tôi rồi. Và bà chủ Michell vốn là chuyên viên mua bán địa ốc, đã đưa chúng tôi đến một tiệm giặt để sấy khô đồ đạc. Bà càng tỏ vẻ ngạc nhiên hơn khi nghe về mục đích và cách thức của chuyến bái hương, rồi lộ vẻ hơi tức cười khi thấy chúng tôi hiện đang trong hoàn cảnh ướt át như vầy. Bà có ý khuyên nên dừng chuyến du hành, đợi đến mùa xuân trời sẽ ít mưa hơn. Thêm một ngày cố gắng trôi qua, chúng tôi dựng trại ở Jenner. Tuy căn nhà tạm trú là một chuồng bò dột nát, nhưng ít ra chúng tôi cũng tránh được những cơn gió táp.

tải về 2.46 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương