Nguyên Bản: Three Steps One Bow Tập hồi ký của Thích Hằng Cụ & Thích Hằng Do


Chương III - Từ Coos Bay đến Marblemount



tải về 2.46 Mb.
trang9/21
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích2.46 Mb.
#37895
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   21

Chương III - Từ Coos Bay đến Marblemount



Ngày 1 tháng 5 năm 1974. Hằng Cụ viết:
Sau một tháng ở Kim Sơn, hôm nay chúng tôi trở về vịnh Coos Bay. Trong thời gian qua, chúng tôi đã tham gia các tuần thiền thất, thuyết pháp nhân dịp lễ Phật Ðản và những buổi nói chuyện tại trường đại học San Francisco State University. Ðồng thời tu bổ lại chiếc xe kéo và cũng có đủ thời gian để chúng tôi chuẩn bị cho phần nhì còn lại của chuyến bái hương. Với phân nửa đoạn đường nầy, chúng tôi quyết định là sẽ theo sát lộ trình xa lộ chớ không đi quanh co vớ vẩn nữa. Trong khóa thiền vừa qua, khó khăn lắm mới kiềm giữ tâm lại, không thì đầu óc cứ mãi nghĩ đến xa lộ. Sau khi lấy lại tinh thần, không còn những mối lo âu, thân thể trở nên khỏe mạnh, tôi cảm thấy phấn khởi và náo nức về phân nửa cuộc hành trình còn lại.
Kệ thiền thất
Tánh thanh tịnh, tâm tự tại:
Vạn hạnh tu, chẳng được mất.
Tin Thầy Tổ, nguyện ban đàu,
Tiến bước cho đến viên mãn.
Ngàn lần gọi như nhắc nhở.
Ai chẳng chịu theo tâm mình?
Hãy đứng thẳng, không tham cầu,
Vượt khỏi tranh chấp, si mê.
Người, cảnh, ý tưởng, cảm thọ,
Bao đường dẫn đến giải thoát,
Bao ngả dẫn sa địa ngục,
Tất cả từ tâm niệm khởi.


Ngày 2 Tháng 5 năm 1974. Hằng Cụ viết:
Trong tuần qua có hai Giáo sĩ truyền đạo người Mỹ vừa từ Trung Hoa về, đã đến chuyển hóa chúng tôi. Cả hai đều tỏ vẻ ngạc nhiên khi biết Thầy Hằng Do rất rành tiếng Quan Thoại (Mandarin). Một trong hai vị nầy là cựu hải quân, mời chúng tôi đến nhà ở Reedsport, nếu có đi ngang. Nghe qua cũng lý thú thật.
Hôm nay tôi lạy dọc trên đụn cát chạy dài theo bờ biển khoảng nửa dặm, rồi tiến lên vùng đất rắn chắc bảy dặm. Vừa lúc định ngưng lạy, thì có một thanh niên thuộc giáo phái Nhân chứng Giê-ho-va (Jehovah’s Witness), khoảng mười chín tuổi, định làm một việc hào hiệp cứu rỗi tôi. Anh chàng mang theo những cuốn Thánh kinh nhỏ đã được truyền bá khắp thế giới, vớI nội dung nói về ngày "Phán xét" sẽ xảy ra trong bất cứ lúc nào. Rồi anh ta bắt đầu thao thao bất tuyệt với tốc độ như không thể nào gián đoạn được. Tôi kiên nhẫn đứng đó cả mấy phút, trong khi chàng ta vẫn tiếp tục nói huyên thuyên: "Những ai tin tưởng sẽ được ban ân huệ sống vĩnh viễn trên thiên đàng, còn những người không tin sẽ bị thiêu đốt mãi dưới địa ngục." Nhưng sau đó, nhân lúc nghe tiếng anh ta bắt đầu như cuồn băng bị đứt, nên tôi cúi lượm nhánh cây khô bên đường, ra chiều ngắm nghía rất kỹ. Anh ta cũng vậy, bắt đầu nhìn vào cành cây và giọng nói càng lúc càng nhanh, trong khi cặp mắt như dán chặt vào nhánh cây. Ngay lúc đó, tôi biết là đã bắt dính được anh chàng. Rồi vừa lúc hắn ngừng để thở, tôi nói ngay: "Em có biết cái gì đây không?"
Chàng ta trả lời: "Là một khúc cây."
Tôi nói: "Ðây là Chúa" và nhẹ nhàng ném tung lên không trung. Chàng ta há mồm trố mắt nhìn theo cành cây từ từ rơi vào bụi rậm. Tôi không nói thêm lời nào và lập tức bắt đầu lễ lạy. Ði xa được khoảng trăm bước, tôi ngoái nhìn lại, thì thấy anh chàng vẫn đứng trơ ra như mảnh kiếng bể. Nhưng cuối cùng anh ta cũng hoàn hồn lại và chạy theo, vừa nhảy lưng tưng như chú thỏ con đang lớn, vừa lấp bấp: "Nhưng, nhưng, nhưng Chúa còn sống, Ngài, Ngài, Ngài, Ngài có trí thông minh, ông phải tin như vậy." Tôi mặc kệ, không thèm chú ý nữa, mà bỏ hắn lui mờ dần về phía sau một mình lảm nhảm vẩn vơ.
Ngày 3 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Do viết:
Chúng tôi đang tiến vào khu đụn cát biển Oregon Dunes National Recreation Area, khu nầy chiếm ít nhất cũng khoảng bốn mươi dặm gần tới ven biển. Các thú rừng trong phạm vi vùng nầy đều được bảo vệ. Lại có những lối đi dành riêng cho các loại xe chạy trên cát biển. Những bãi cát mênh mông nầy, nguyên trước đây là vùng trũng sâu đã được sóng thủy triều đưa đẩy cát biển vun bồi mà thành, rồi được đánh dấu với tên Salal, Manzanita, và Madrone. Chúng tôi bắt đầu thấy vô số những đoàn xe cắm trại chở gia đình đi nghỉ mát.
Hôm nay chúng tôi được hai viên cảnh sát quận đón chào, và hứa sẽ lưu ý dùm cho chúng tôi. Ðiều nầy có vẻ trái ngược với những lần chúng tôi bị ngồi trong xe cảnh sát để chờ họ điều tra, kiểm soát xem chúng tôi có phải là tội nhân không. Hình như càng đi xa, chuyến đi của chúng tôi càng được mọi người công nhận.
Sau khi lạy được bảy dặm, chúng tôi cắm trại ở một trong vô số công viên dọc theo bờ biển vùng Oregon. Theo như thường lệ, đến cuối ngày, sau khi chúng tôi ngưng lễ lạy, cũng là lúc tạm dừng tiếp xúc với công chúng. Bởi vì lúc tối đến, sau khi rời bỏ đường lộ để cắm trại thì sẽ không ai biết chúng tôi ở đâu. Nhưng đêm nay như có những lời đồn, nên từng đoàn người kéo đến để trò chuyện: tặng phẩm vật, chụp hình, mời nước chanh và cuối cùng là những câu hỏi. Quang cảnh thật ồn náo nhưng có vẻ toàn thiện tuyệt vời.
Giờ đây đêm đã về khuya, những chuyện xảy ra trong ngày cứ vang dội trong đầu tôi, chúng hiện đến rồi mất đi như những bọt sóng trên biển cả. Nhưng ai đang quan sát biển cả trong vũ trụ nầy? Có phải người đang ngắm nhìn chính là một phần tử trong đó không? Nó thật có cái gì khác biệt giữa chuyện xảy ra và chuyện tôi nghĩ sẽ xảy ra không?
Ngày 4 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Do viết:
Hôm nay khi chúng tôi dừng lại bên đường, có một số người đến trò chuyện. Hầu hết là họ không muốn rời khỏi xe, nên đã xếp thành hàng dài chờ đến phiên mình, rồi tuần tự chạy xe đến, quay cửa xe xuống để hỏi chuyện chúng tôi. Thật lạ lùng làm sao!
Sau bữa cơm trưa, chúng tôi tiếp tục lạy qua khu phố Reedsport, nơi đây cả hai tôi đều tiếp chuyện với nhiều người. Rồi có cả một tiểu đội con nít cởi xe đạp tụ tập bao quanh, chạy theo Thầy Hằng Cụ cho đến cuối đường Main. Chúng nó lượn tới lượn lui thành vòng tròn, cười nói vang rân. Còn mình tôi phải dừng lại từng hồi để đối đáp với nhiều người.
Ðến cuối ngày, lúc ngồi nghỉ, những hình ảnh xảy ra trong ngày cứ chập chờn trong tâm trí tôi. Chúng có vẻ hơn là những kỷ niệm, nhưng lại kém phần thực tế: Những hình ảnh nầy hơn là kỷ niệm vì chúng đang uốn nắn những gì sẽ xảy ra trong tương lai, cũng giống như hạt dưa sẽ cho ra những trái dưa chớ không phải cho ra trái đậu. Nhưng chúng thua kém thực tế vì tổng số các hình ảnh xảy ra không cân xứng với sự góp nhặt của các phần rời rạt. Cho dù tất cả những phần nầy có được chỉnh đốn xây dựng lại, nhưng nó vẫn như còn thiếu sót một cái gì huyền bí trong đó, ngầm gởi gấm chánh đáng cho lời ước nguyện, sự việc, hay tư tưởng. Có thể gọi đó là tia sáng của cuộc đời, gọi là Phật Ðà, tánh chân thật, hay là thần thánh gì đó. Nó có rất nhiều danh xưng để nhiều lần thử định nghĩa về nó. Như một lão Thiền sư có lần nhắc đến: "Bạn không thể nào hai lần đứng trên cùng một giòng suối." Thử nghĩ về điều nầy đi! Bạn còn không thể đứng một lần trên cùng một giòng suối, huống chi là đến hai lần!
Ngày 5 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Ðêm hôm qua chúng tôi nhận lời mời về ngủ ở nhà của vị cựu hải quân, người vừa đi công tác truyền giáo ở Trung Hoa về. Thật là lầm lẫn, mặc dù được ông và gia đình tiếp đãi rất tốt, nhưng tất cả cũng chỉ với ẩn ý muốn chuyển hóa, và cứu rỗi chúng tôi. Mới đầu ông nói tiếng Anh, sau đó dùng tiếng Trung Hoa, không chịu buông tha, suốt cả đêm cứ mãi với luận điệu: Vì ông đã tìm được sự vĩnh cửu của cuộc đời, và sẽ không an vui cho đến khi nào cả hai chúng tôi cũng tìm được điều nầy như ông. Buổi nói chuyện tối hôm đó thật ra cũng chẳng có vấn đề gì, nhưng sáng hôm sau, lúc ông chở chúng tôi trở ra chỗ cũ, mới có chút xích mích xảy ra. Lúc đó ông tập trung hết sức lực, hầu như chỉ dồn về phía Thầy Hằng Do. Tôi nghĩ ổng đã bó tay chịu thua tôi rồi. Ông ngừng xe ở hướng bắc, phía cầu sông Smith, cuối ranh giới vùng Reedsport. Khi chúng tôi vừa bước ra khỏi xe, ông nói nhắn theo Thầy Hằng Do: "Tôi hy vọng hai chú em sẽ từ bỏ sự tôn sùng cái hình tượng tà giáo đó và chấp nhận Chúa, nhất là chú Hằng Do đã là người được Chúa chọn đó."
Thầy Hằng Do trả lời ngay: "Tất cả chúng ta đều là những người được chọn."
Cảnh nầy kết thúc trong lúc mọi người đều buồn phiền, la lối lẫn nhau cho đến khi ông ta nhảy lên xe rồ máy ầm ầm chạy mất. Ðáng tiếc thay! Tôi biết rằng dù sao ông cũng thật tình có thiện ý với chúng tôi đấy thôi.
Sáng nay thấy có túi trái cây tươi nằm trên lối chúng tôi đi, kèm theo tờ giấy ghi: "Cầu mong ánh Thái dương mãi chiếu rọi đến các anh, với tình thương bao bọc chung quanh và ánh sáng trong lành nội tâm sẽ dẫn đường các anh tiến bước." (Trích từ một bài hát của ban nhạc: Dây đàn tuyệt diệu (Incredible String Band). Chiều đến ông phó cảnh sát trưởng Richard Knack mang đến cho chúng tôi một bình nước suối bốn lít, lại còn chỉ điểm chỗ khá tốt để dựng trại. Giờ đây chúng tôi ngồi bên lều, gần cạnh nồi đậu hầm trên ngọn lửa cho bữa trưa mai. Ngọn gió tươi mát từ biển thổi vào, tiếng nước chảy róc rách của con suối nhỏ từ xa vang lại. Ánh trăng tròn tỏa chiếu cùng với hàng ngàn ngôi sao lấp lánh trên trời.


Ngày 6 tháng 5 Năm 1974. Hằng Do viết:
Có lần Hòa thượng Hư Vân thấy con cá mập bị sóng biển đánh dạt vào bờ và dân bản xứ mổ bụng nó ra, thấy bên trong có cả một chiếc xuồng nhỏ và vài thứ vật dụng của loài người. Tôi nhắc đến chuyện nầy là vì đêm nay đang lúc ngồi thiền, nghe văng vẳng tiếng mấy ông say đang đánh cá từ phía hồ Carter mờ mịt sương mù, cách không xa chỗ chúng tôi cắm trại. Tiếng mái chèo khua dưới nước, pha lẫn tiếng loạng choạng quây cuồng trên ghe thuyền, và những lời cười nói vang rền của họ đã lấp đầy vào tâm tôi một ấn tượng sâu xa.
Có ai biết không? Có thể đời nầy là người câu cá, nhưng kiếp sau sẽ là cá!
Ngày 7 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Xa Lộ Ven Biển
(Một cảnh nhìn gần)
Thông xanh cao vút viền quanh lộ,
Tùng bách, Sơn Lưu hoa thanh nhã,
Bông hoa, bụi bậm, gai nhọn, be-ri,
Hoa Tô cách lan, sa lal, che-ri ngọt.
Vạn cụm mây trang nghiêm thiên cảnh,
Bạch mao vân, hào quang kiêu mạn.
Không gian sống động đàn chim hót,
Ong mật từ tổ vù qua lại.
Bên lề la liệt lon sét mốp,
Ðống kiếng bể, quạt máy rã hư.
Ðàn kiến tíu tít quanh bánh vụn,
Xương động vật, quần áo cũ rách.
Ðường lộ hun hút vô số dặm,
Như mộng dài, bài ca chẳng dứt.
Người xe qua lại bận suốt ngày,
Trên những chiếc xe Pontiacs, Lincolns, Chevrolets.
Thanh niên kéo Baja Volks trượt nước,
Khuôn mặt rũ rượi mấy bạn già,
Tiếng khóc trẻ con trong xe cũ,
Lon không nước ngọt chất đầy xe.
Viên tuần cảnh hài hòa độc mã,
Thong dong dưới bãi đầy bọt biển tràn.
Ðây thế giới sanh tử phân hôi,
Lễ bái ven bờ xa lộ 101.
Ngày 8 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Do viết:
Sự ồn náo tăng dần khi chúng tôi vào tới khu phố Florence. Cha Maxwell ở nhà thờ Saint Mary vùng Dunes, ngừng lại thăm hỏi vài câu. Thoạt tiên ông ngỡ chúng tôi là những Ðạo sĩ lang thang có đời sống lao nhọc. Ông Harris giúp chúng tôi hàn nối lại mấy cọng kẽm bao quanh chiếc xe kéo. Sau mỗi lần tu sửa, nó trở nên nặng nề thêm chút ít. Vào tới giữa phố có nhóm người kinh doanh buôn bán trong vùng đến chào đón chúng tôi và chụp hình, thắc mắc thăm hỏi rất nhiều. Ðang trên đường ra khỏi phố, có viên cảnh sát cởi chiếc mô tô tấp vào, lên giọng khinh khỉnh hỏi: "Mấy ông đang lộn xộn cái gì đây?"
Thế là tôi phải giải thích lý do mục đích, nơi chốn xuất hành. Nghe xong, lòng ông rung động thấy rõ, nên nói: "Ồ! Thánh thiện quá, cẩn thận nhé!"
Vừa sau đó, có ông lái xe hàng ra dấu bảo Thầy Hằng Cụ đến gần. Nhưng thấy Thầy không đến, ông liền phát cáu, nhấn ga nghiến bánh xe dưới đường nghe điếc cả tai, rồi chạy tới phía Thầy đang lạy, hét to bảo Thầy nên đi chỗ khác mà cầu nguyện.
Chúng tôi cắm trại trên bãi cát gần bờ biển Hecata, bên cạnh lửa trại ấm cúng. Có hai đứa bé đem thức ăn đến cho chúng tôi, và hỏi về cách tập thiền. Một em tên Gary Jenkins hỏi Thầy Hằng Cụ sau chuyến nầy chúng tôi định sẽ làm gì?
Thầy đáp: "Có lẽ chúng tôi sẽ đi Viễn Ðông."
Nghe vậy chú bé nhỏm người lên nói: "Ồ! Về tiểu bang Minnesota hả?"
Ngày 9 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Lạy được sáu dặm đường dưới ánh mặt trời nóng như thiêu đốt. Thầy Hằng Do tính nhẩm bảo rằng chúng tôi đã được khoảng nửa đường vùng Oregon. Hôm nay chúng tôi ăn cơm trưa ở gần một khu vườn thực vật, đây là vườn nhà của loại Darlingtonia California, cây thật cao, chuyên ăn sâu bọ. Các loại côn trùng một khi đã lọt vào những cánh hoa hình dáng như rắn hổ mang Ấn Ðộ nầy thì những cánh hoa sẽ khép chặt vào rồi tiêu hóa chúng. Tôi có nghe con người ăn rau, nhưng chưa bao giờ nghe rau lại ăn thịt như vậy!
Gary Jenkins mang táo đến
Nellie tặng một đồng tiền
Ông Ball tìm chỗ cắm trại,
Mọi người chúc may mắn.
Tuy nhiên, đến chiều tối thì ông chủ đất phát giận dữ bảo chúng tôi phải rời khỏi khu vực của ông ta ngay. Ðây chỉ là lần thứ hai trong suốt cuộc hành trình mà chúng tôi phải nhổ lều dọn đi chỗ khác vì đã xâm nhập đất người. Thật ra chúng tôi đâu có muốn xâm phạm đất người bất hợp pháp như vậy, chỉ vì đôi lúc không thể tìm được một nơi nào mà không có chủ cả.
Ngày 10 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Do viết:
Khi vừa qua trạm phòng vệ duyên hải củ ở Hecata Head, ông Harry Tammen mời chúng tôi nghỉ lại đêm. Hai vợ chồng ông vốn là nhân viên gác giữ ngọn hải đăng nầy và căn nhà cổ xưa. Căn nhà rộng lớn nầy do sự cất ráp từng phần mà thành, từ San Francisco được thả trôi đến đây cũng cả trăm năm rồi. Nơi đây như khoác lên vẻ gì trang nghiêm quá.
Sau buổi trà đàm đạo về Phật pháp với ông bà Tammen, tôi mang theo bồ đoàn, một mình đi ra ngoài khoảng nửa dặm, thẳng đến ngọn hải đăng to lớn. Tôi leo lên một ghềnh đá để tìm chỗ ngồi ngang bằng với ngọn đèn. Ðể bồ đoàn xuống rồi kéo chân ngồi với tư thế kiết già. Cơn gió từ biển thổi tạt vào lạnh cóng, phút chốc mặt trời khuất bóng, để lại một bầu trời tối đen. Ngồi được khoảng nửa tiếng, trong tư thế như vậy tôi cảm thấy đôi chân dù đau nhức vô cùng, nhưng vẫn nhất quyết không nhúc nhích, cho đến ít nhất một tiếng như thường lệ. Dường như tia sáng từ ngọn đèn đã giúp cho tôi tăng thêm nguồn sinh lực, vượt qua cơn đau nhức trong phúc chốc. Vả lại tôi cũng đã quên hẳn cả thân mình. Một tiếng trôi qua, tôi từ từ duỗi chân và chợt cảm nhận luồng gió thổi dữ dội, lạnh buốt vô cùng. Rồi vội vàng trở về ngôi nhà lớn, lúc đó sư huynh đang ngồi đọc sách.
Một trong những ngành khoa học cổ điển Trung Hoa vẫn còn lưu hành cho đến ngày nay là Ðịa lý học. Ngành nầy nghiên cứu, định rõ những nguồn năng lực của quả địa cầu. Tất cả mọi nghiệp vụ xây cất đều nên hòa hợp với những nguồn năng lực của trái đất. Nhiều người bác bỏ không tin vì cho đó là sự khảo cứu vô lý, nhưng sự hiện diện địa điểm tọa lạc của ngọn hải đăng nầy đã xác định rõ ràng mạnh mẽ. Nó như vượt hẳn ngoài tầm của sáu thức.
Từ cửa sổ tôi hướng nhìn về ngọn hải đăng, nơi đó đã cho tôi một cảm giác thật lạ kỳ.
Ngày 11 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Ngọn hải đăng ở Hecata Head chỉ đơn độc một bóng đèn 1000 watt, với lăng kính phản chiếu là 700. Nó có thể rọi chiếu sáng đến mãi tít chân trời trong phạm vi khoảng hai mươi mốt dặm. Phía sau ngọn đèn là một tấm màn bằng chất thạch miên bao trùm suốt cả vách núi. Phòng khi trong trường hợp ngọn đèn ngưng quay, tấm màn nầy với sự tập trung năng lực mãnh liệt giống như tấm kiếng phóng đại, có thể làm phát ra lửa dễ dàng.
Chúng tôi lạy được năm dặm, rồi cắm lều trên một dốc đá. Lại thêm một cơn bão khác đang kéo đến.
Ngày 12 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Trận giông đêm qua thật khủng khiếp vô cùng. Gió thổi như phong bão khiến mấy bên vách lều bị đập phình phịch như chiếc buồm. Phía dưới bãi biển, những lợn sóng không ngừng dội vang vào ghềnh đá như sấm sét. Cũng đở là tấm lều được may rất kỹ, nếu không nó sẽ bị banh rời thành từng mảnh rồi. Ðôi khi ở thế giới vô tình, lạnh lẽo như thế nầy, chiếc lều nặng năm cân lại là một nơi ấm cúng và an toàn biết bao.
Hôm nay chúng tôi dừng lại ở trung tâm du ngoạn Cape Perpetua. Những đồ vật chưng bày ở đây đã giải thích phần nào vô số hiện tượng mà chúng tôi đã chứng kiến ở rừng Suislaw National.
Gia đình họ Evan ở Eugene, tặng chúng tôi một túi trái cây có kèm theo mảnh giấy viết rằng: "Cả hai ông đều đáng được ân cần chú ý đến. Chúng tôi chắc chắn rằng những nhân vật tai mắt quan trọng vùng Oregon, các báo chí và đức Chúa đều tin tưởng các ông sẽ thành công."
Thật ra điều tôi quan tâm chính là ý tưởng, là sự tỉnh thức. Bên cạnh đức hạnh cá nhân, nó là then chốt của sự tu hành. Ðiều thử thách thật sự là làm sao để không có những thành kiến vị kỷ, không bị bồn chồn, nôn nóng, không lo lắng về tương lai và cũng không hồi tưởng về quá khứ. Tâm tỉnh giác như đang cố gắng nhận lấy cảnh thế gian với trạng thái thanh tịnh, hoàn toàn không dính dáng đến các hình thức, hay bị chi phối bởi những kinh nghiệm về tốt, xấu, lớn, nhỏ và những sự đối lập tương phản khác.
Tâm không dễ gì được tỉnh giác, bởi vì chúng ta cứ duyên theo những thành kiến, nhận biết thế gian theo lối định hướng của bản ngã. Tâm chúng ta lúc nào cũng đầy ấp những tư tưởng, những kinh nghiệm giá trị của kẻ khác. Niềm vui của chúng ta lại tùy thuộc vào ngoại cảnh. Thế nên chúng ta không ngừng tìm kiếm cái được gọi là "tốt" và cố tránh xa cái "xấu." Tâm chúng ta cứ chạy ra khỏi cửa năm giác quan: Mắt, tay, mũi, lưỡi, thân để tìm vui, thỏa mãn với những hiện tượng vô thường của cuộc đời. Bởi vậy thì làm sao tìm được cái vui hạnh phúc thật sự.
Hàng vạn năm qua, những bậc Thánh nhân đã từng chỉ dạy chúng ta con đường trực thẳng nhất để chấm dứt khổ đau, là phải đập tan những vướng mắc, tức phải dẹp bỏ tham muốn dục vọng. Mục tiêu của tâm tỉnh giác là sự thấy biết chân thật để không còn ham muốn. Nhưng nguồn năng lực của lòng dục vọng về: tài, sắc, danh, thực, thùy lại quá mạnh mẽ, nó biến hiện dưới hàng triệu hình thức khác nhau, đôi khi rất rõ rệt trực tiếp, nhưng có lúc rất khéo léo quỷ quyệt. Ngoài ra lòng dục vọng lại tinh tế bịnh hoạn hơn trong lãnh vực tôn giáo, là chúng ta tham muốn về tiếng tăm và quyền lực. Có người ham muốn được tôn kính, được quyền lực to tát và mong muốn trở thành những ông, bà Tổ Sư, nắm hết quyền hành, đến nổi không còn rõ đâu là phải trái. Dục vọng khiến chúng ta cố chấp những gì đến với ta và thâm tâm không ngừng quay cuồng với những mưu kế, để rồi tạo thêm những nghiệp mới, bồi đắp thêm những tập khí cũ. Cho nên bước đầu của sự giác tỉnh là phải trừ đi lòng dục vọng tham muốn.
Hôm nay chúng tôi qua vùng Yachats, lạy được sáu dặm rưỡi.
Ngày 13 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Do viết:
Bạn đồng hành chung thủy phía trái của chúng tôi với vẻ đẹp mênh mông là biển Thái Bình Dương. Nhưng dưới lớp mặt bao la vĩ đại của nó lại là một thế giới hỗn loạn và đau khổ. Hôm qua khi còn ở vùng Cape Perpetua, chúng tôi mới khám phá ra rằng tất cả những loài sinh vật dưới biển, ngoại trừ có lẽ một phần mười ngàn, thì đều làm mồi cho những con vật khác ăn nuốt. Theo giáo lý Phật pháp, chúng sanh bị sanh trong hoàn cảnh như vậy chỉ là vì đền bù quả báo sát sanh của bao đời trước.
Hôm nay ông bà Bernie và Eileen Bernstein chở chúng tôi về nhà dùng cơm trưa. Ông Bernie nói trước đây đã từng sống ở miền đông, nhưng vì chán ngán sự đua chen, lệ thuộc cuộc đời, nên đã nghỉ việc,và bán hết tất cả, để đến đây mở tiệm sửa chữa kiêm buôn bán đồ tặng phẩm. Bà vợ thì làm đèn cầy và nữ trang. Ông Bernie còn biết khắc chạm gỗ để làm thành những hình vật. Ông cầm một khúc cây hơ qua hơ lại trên ngọn lửa nhỏ, tiếp chà bằng một bàn chải sắt, rồi cũng làm thành hình dạng trông giống như thật vậy.
Nhiều lúc chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi, có những người trong công viên gần bên làm bộ ra vẻ như đang ngắm biển. Nhưng rồi tưởng rằng chúng tôi không thấy biết, thì họ trố mắt ngạc nhiên nhìn chăm bẩm. Cũng khó mà trách họ được, vì nếu là tôi khi nhìn thấy hai Tăng sĩ đầu trọc, xâm mình lễ lạy trong bộ đồ thời nhà Ðường, đang có bữa tiệc chay trên mặt đường tráng nhựa của bãi đậu xe, thì có lẽ tôi cũng sửng sốt như họ thôi!
Ngày 14 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Do viết:
Tối qua cơn bão lại kéo đến và hiện chúng tôi lạy vào vùng Waldport, có dân số khoảng tám trăm người. Nhận lời mời dùng cơm trưa tại nhà họ Perola gồm: Mike, Julia và Christie. Bà Julia bảo là mấy ngày trước đã mơ thấy chúng tôi và bà luôn niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Bà nói với phương pháp nầy giúp bà bình tỉnh, định tâm hơn, rất có hiệu quả, nhất là khi gặp những tình cảnh khó khăn. Thí dụ như những lúc bà cuống cuồng bận rộn với công việc ở nhà hàng.
Sau bữa cơm trưa, chúng tôi lạy suốt vùng Waldport và qua cầu Alsca. Khi tới bên kia cầu, có nhóm người thân thiện đón chào cho rau cải tươi và trà, có cả bánh mì do họ tự tay làm lấy. Có ông tên Mark, đệ tử của vị Sư Tây Tạng, luôn miệng nói: "Thật là một sadhana phi thường! Thật là một sadhana phi thường!" Sadhana là tiếng Phạn có nghĩa là phương pháp tu hành hay là sự thanh lọc.
Lại có ông khác bày tỏ lo lắng rằng người Mỹ với cách ăn uống hằng ngày tiêu thụ quá nhiều chất đường. Ông nghĩ rằng đường là chất độc và làm cho người ta bị ghiền, nên hy vọng mọi người sẽ thức tỉnh, bỏ đi thói quen đó. Ðiều nầy nhắc lại có lần trong bọn chúng tôi đã học được về tánh chất của đường, và lòng tham của mình.
Chuyện xảy ra mấy năm trước ở Chùa Kim Sơn, lúc thời buổi khó khăn, nên chúng tôi nhiều khi phải lục thùng rác để lượm lặt rau cải còn tốt và những thức ăn khác mà người ta đã giạt bỏ ra. Sau khi đem về, rửa sạch nấu chín đàng hoàng, thì không cách gì biết đó là thứ nhặt được từ thùng rác ở siêu thị Safeway. Lúc đó sư huynh lớn người Hằng Cụ vốn đều đặn với những chuyến đi bươi móc, vì Thầy hình như có tài thích hợp với việc lượm lặt, nên biết rõ thùng rác nào là có nhiều sản phẩm nhất. Không hiểu Thầy có dùng thần thông hay không, hay chỉ vì đói bụng, nhưng sao cũng chẳng thành vấn đề. Nguyên là gần chùa có một hãng kẹo và là trạm rác hàng tuần quen thuộc để huynh tôi thăm viếng. Lại thường mang về khoảng mười hay mười hai miếng kẹo lớn - là thứ kẹo đậu phộng dính cứng còng như xi măng, bảo đảm ăn hết một miếng thế nào cũng gãy ít nhất một cái răng hay phải đi trám răng lại. Nhưng dầu sao kẹo nầy cũng không đến nổi tệ lắm. Thế là một hôm, tôi đi ngang qua nhà bếp thấy có một khối kẹo to tướng khoảng bảy mươi lăm pound (34 kg), nằm chình ình trên tấm thớt. Ôi thôi! Mọi người nhốn nháo vây quanh giống như đám ruồi.
Có bài kệ Sư phụ viết lúc xa xưa như sau:
Nhất thiết thị khảo nghiệm
Khán nhĩ chẩm ma biện
Ðối cảnh nhược bất thức
Tu tái tùng đầu luyện.
Nghĩa là:
Mọi sự là thử thách
Xem bạn làm thế nào
Ðối cảnh nhận không ra
Phải luyện lại từ đầu.
Quả nhiên đây mới đúng là thử thách: việc chính yếu là giữ được lòng không rung động bởi dục vọng. Nhưng thực tế thử thách không phải chỉ làm ngơ cho qua lòng ham muốn, mà là làm cách nào để ĂN được khối đường nầy. Có mấy vị đập bể được một miếng khá lớn rồi bỏ vô nồi nấu chảy ra. Nhưng đến khi nguội thì nó đóng cứng lại, chất kẹo và chất kim loại ở đáy nồi quến chặt nhau, rốt cuộc cái nồi cũng bị tiêu luôn. Rồi mấy vị khác tấn công khối kẹo nầy bằng búa, bằng đục và dùng cả cưa sắt nữa. Nhưng sau mấy ngày ăn những món toàn nấu với nó, chẳng hạn như món măng xào có nước sốt bằng chất kẹo nầy, nên không biết ai đó đã khiêng khúc kẹo còn lại quăng trả về thùng rác. Hàm răng bị ê ẩm đã nhắc cho chúng tôi bài học, vì qua sự thử thách nầy một vài chúng tôi đã rớt đài. Như bài kệ đã nói: Chúng ta phải dụng công luyện tập lại từ đầu để có thể nhận ra sự tình trước mắt, nên giữ vững lòng không bị lay chuyển bởi tâm tham.
Cuối ngày hôm nay, lúc hai huynh đệ tôi ngồi bên lề đường, đắn đo không biết nên dựng lều ở đâu, thì ông bà Ed Thayer ngừng lại chở chúng tôi về nhà họ. Ông Ed trước đây ở New York, nhưng đã dọn về đây cất lên một căn nhà khang trang ở vùng Alsea Bay khoảng mười lăm năm rồi. Ông là người đã "không còn mê muội" trước những lễ nghi tập tục của các tôn giáo.
Ngày 15 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Tối qua ông Ed Thayer nói cho chúng tôi lý do vì sao ông không còn mê lầm về những tôn giáo Tây Phương. Trong lúc đọc một bản dịch về sự khám phá đương thời của quyển Tử Hải (Dead Sea Scrolls), ông mới biết rằng những giáo lý của chúa Giê-su vốn từng được một vị giáo chủ tên Appolonius giảng dạy ở tu viện cho nhóm người Essene, trước khi đức chúa Giê-su ra đời cả trăm năm. Nhưng trong Thánh kinh đã bỏ qua giai đoạn nói về cuộc đời của ngài Giê-su Ố đã đi học với nhóm người nầy trong khoảng thời gian mười lăm hay hai mươi năm. Sau đó Ngài bỏ đi và bắt đầu đưa ra lý thuyết giảng dạy riêng, gồm sự kết hợp giáo lý tương tợ như tông Tịnh Ðộ của Phật giáo: là thuyết vãng sanh về cõi Cực lạc. Thật ra đức Giê-su đã là một vị Thầy cao thâm nhất, nhưng chính vì những ban Hội Ðồng Giáo Hội và Hoàng đế Constantine, đã đưa đẩy khiến Ngài trở thành một vị Thần Thánh. Lúc bấy giờ người dân đang bị khủng hoảng nên rất khao khát được một vị lãnh đạo tinh thần, đồng thời cũng vì Hoàng đế Constantine muốn thống nhất lãnh thổ, nên đã tập trung dân chúng lại qua giáo lý tinh thông và quyền năng của Thượng Ðế. Từ đó hàng triệu người kính ngưỡng đến vị Trời nầy và xem như ý Ngài muốn gởi gấm qua chúa Giê-su. Ông Ed Thayer nói là ông rất buồn khi thấy những giáo lý tồn tại như ngày nay đã bị sai lệch quá xa cội nguồn của nó. Ông tin rằng mặc dầu đạo Thiên chúa đã làm vô số việc thiện cho thế giới, nhưng con người cũng phải biết chuyển hướng tìm cho mình những phương pháp khác để được một đấng hoàn toàn tối cao hợp nhất.
Hôm nay mưa thật lớn, thật nặng nề. Có hai bà cụ mời chúng tôi vào uống trà và hỏi rằng trong thời gian tập tu ở tu viện, chúng tôi có bị ông Thầy quăng ném giáo mác vào người không. Rõ ràng là họ đã coi quá nhiều tuồng phim đánh đấm công phu trên truyền hình. Lúc chiều tối, có chiếc xe chạy đâm thẳng từ phía sau như muốn cán lên tôi vậy. Hai người đàn ông tuổi trung niên ngồi trong xe vừa chưởi thề thô tục, vừa bóp kèn inh ỏi, lại rồ máy ầm ầm. Tôi vẫn tiếp tục lễ lạy theo nhịp độ bình thường, chẳng thèm ngó ngoái lại phía sau làm gì. Vài phút sau họ bỏ chạy mất.

tải về 2.46 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương