Nguyên Bản: Three Steps One Bow Tập hồi ký của Thích Hằng Cụ & Thích Hằng Do


Ngày 19 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Cụ viết



tải về 2.46 Mb.
trang5/21
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích2.46 Mb.
#37895
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21

Ngày 19 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Hôm nay Quả Ðôn Schweig lại đến. Có lẽ anh đã lái hơn chín mươi dặm đường để đem đến cho chúng tôi chẳng những một bữa ăn quân bình, mà còn có nước nóng, khăn, vớ khô, và dĩ nhiên có cả hộp bơ đậu phộng hiệu Deaf Smith nữa.
Theo lời báo cáo của dân trong vùng, nên ông cảnh sát quận Mendocino đến chặn chúng tôi lại để chất vấn. Sau một tua gọi máy điều tra, nhưng vì không tìm ra lý do nào để bắt nhốt. Cuối cùng ông bỏ đi, lắc đầu ra vẻ như nói rằng chúng tôi quả thật là một lũ khùng nặng.
Chúng tôi ngừng lạy lúc đến gần vùng Point Arena vì gặp cô Jo Ann, bạn Quả Ðôn. Cô nầy có tiệm bán thức ăn chay dinh dưỡng. Cô đã dọn riêng một phòng để chúng tôi nghỉ qua đêm. Kiểm tính lại thì chúng tôi đã qua được một trăm ba mươi dặm đường rồi.
Ngày 20 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Chúng tôi tiến về phía bắc theo con đường chánh của quận Point Arena, ngang qua nhiều cửa tiệm, dọc theo các rãnh nước phía hai bên đường. Sau năm dặm hăng say lễ lạy, chúng tôi đến vùng Manchester thì tìm được căn nhà hoang với những cửa kiếng bể nát và những nhánh dây berry đen leo giăng đầy mấy căn phòng bẩn thỉu. Ðúng ra nhà nầy cũng không đáng là chỗ để nuôi heo, nhưng đối với chúng tôi nó như là một tòa lâu đài vậy.
Sau một ngày dài lễ lạy, tôi thật trông mong mau tới buổi tọa thiền tối. Mỗi ngày dù ở trong lều, chuồng nuôi súc vật, trên bãi biển, ngoài đồng ruộng, hay trên đỉnh đồi: dù ở bất cứ nơi nào, chúng tôi đều luôn hành thiền. Trong bộ áo quần ấm áp, phủ tấm mền trên chân, chúng tôi ngồi thẳng và tỉnh giác trong lúc khí huyết tự do lưu chuyển. Với tư thế kiết già, thời gian ngồi như đốt tàn một cây nhang Ố khoảng một tiếng Ố Sau đó chúng tôi được phục hồi, tỉnh táo, khỏe khoắn và tinh thần tập trung hơn. Buổi thiền nầy như một phần thưởng đáng giá cho một ngày tiêu hao vất vả. Nó xoa dịu đau nhức, giúp tâm an định lại và san bằng những sự phân biệt. Trong sự trầm tĩnh huyền dịu lúc tọa thiền, chúng tôi nhận rõ cuộc sống nhỏ bé của mình giống như một giấc mơ và tất cả những phiền hà đều được giải trừ, giống như con đường ngoằn ngoèo ướt át bị bỏ lại sau lưng. Hành thiền là để trở thành "Ðạo nhân vô tâm," danh từ mà người Hoa vẫn thường dùng trong thiền môn. Một khi tâm không còn gì để chấp trước, không dính mắc thì sẽ được tất cả. Dù trong trạng huống nào đi nữa, cũng không bao giờ mất đi lợi điểm của mình. Ta luôn cảm thấy hòa hợp với mọi duyên cảnh, không ôm giữ hay vói bắt theo đuổi chi. Xem tất cả những gì hiện có, chỉ như giấc mơ, như hư ảo, nhờ vậy giúp tâm ta không bị vướng mắc, không chướng ngại và giải thoát. Ðược vậy thì ai có thể trói buộc được ta?
Ngày 21 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Do viết:
"Ðọc xong vạn cuốn sách, bạn nên đi vạn dặm đường." Ðây là một trong những câu tục ngữ căn bản rất quan trọng đã được người Hoa thời xưa khởi xướng. "Mười ngàn cuốn sách" ý nói tinh thần học hỏi về lý thuyết và kinh nghiệm của người khác. Trong khi "mười ngàn dặm đường" ám chỉ do thực hành mà có, và những kinh nghiệm thực sự của chính mình. Câu châm ngôn nầy có nghĩa là người tu đạo nên chú ý đến cả hai, lý thuyết và thực hành. Bạn nên nhận rõ tầm quan trọng về mối liên hệ hỗ tương của chúng. Ðọc mười ngàn cuốn sách là để nghiên cứu, học hỏi giáo lý Phật Pháp như: Kinh, Luật, Luận, vốn được bàn luận bao gồm cả về Giới, Ðịnh, Huệ. Nhưng hiểu mà không thực hành là không thực sự hiểu, còn hành mà không hiểu là vô ích. Nếu chúng ta có thật hiểu biết thì mới có thể áp dụng cái hiểu đó, vì những kiến thức hiểu biết là để thực hành và những thực hành nầy sẽ luôn chánh đáng.
Một trong những thành quả của chuyến du hành nầy là cơ hội để thực sự đi khoảng đường của mười ngàn dặm, sau khi đã đọc xong một ít sách trong số mười ngàn quyển sách. Khi nào chuyến đi viên mãn thì cũng là lúc kiến thức trong những cuốn sách sẽ được đem ra sử dụng tốt hơn, đồng thời sẽ rõ thấu hơn những danh từ căn bản trong những cuốn sách đó. Chẳng hạn như trong chuyến đi nầy, chúng tôi càng ý thức rõ ràng hơn là dù thế nào cũng không nên để cơ hội tốt nầy vuột khỏi tầm tay, nếu không chúng tôi sẽ tự mình tìm đọc mười ngàn cuốn sách sai lầm, để rồi đi theo mười ngàn dặm đường lầm lẫn.
Ngày 22 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Hôm nay là ngày lễ Tạ Ơn (Thanksgiving), Quả Ðôn và gia đình Quả Dung Epstein hội tụ đến với chúng tôi ở công viên bên đường. Sau đó chúng tôi có một bữa ăn thật ngon, nó còn ngon hơn những bữa ăn thuở xưa khi tôi còn ăn thịt, cá, trứng, hành tỏi nữa. Nhưng hôm nay theo phong tục thường lệ thì hầu hết mọi người chắc đang ăn thịt gà tây (turkey) vậy. Thế nên sau bữa ăn chúng tôi chia sẻ với mọi người bằng câu chuyện như sau:
Mấy năm về trước, khi tôi vẫn còn là cư sĩ tại gia và chúng tôi đang lo chuẩn bị buổi lễ phóng sanh. Trong dịp lễ hàng năm nầy, nhiều Phật tử mua những con vật sắp bị làm thịt, đem đến chùa, rồi sau buổi lễ được tụng chú, chúng nó sẽ được phóng sanh ở vùng đồng ruộng. Nhưng đặc biệt là năm đó tôi và Quả Quy Nicholson quyết định lái xe về miền nam San Francisco, xa năm mươi dặm để mua hai mươi mốt con bồ câu. Những chim nầy đang sắp bị dùng như mồi sống làm mục tiêu cho hội săn bắn bằng súng. Tôi lái chiếc Chevrolet đời 1951, chạy xuống tận vùng biển vào buổi chiều thứ bảy thật đẹp trời, đó là lần đầu tiên chúng tôi rời chùa sau mấy tuần lễ tu học. Lúc ở chỗ bắn súng, chúng tôi biết rõ là không có cách nào để chở hết mấy con chim nầy, nhưng ông chủ bán chim đã dồn nhét hết chúng vào một cái bao bố và nói rằng trong một thời gian ngắn chúng sẽ "không sao đâu!" Trên đường trở về chùa, trời cũng đã xế chiều và nếu chúng tôi chạy thẳng về một mạch thì có lẽ mọi chuyện sẽ "không sao đâu!" Nhưng chúng tôi đã không làm như vậy, vì đã bị lòng tham phục kích khi đang chạy ngang qua tiệm thực phẩm La Honda.
Thông thường tôi và Quả Quy đều không ăn chiều như những người khác tại tu viện, vì kiêng cữ như vậy sẽ giúp cho việc tọa thiền có kết quả tốt hơn. Nhưng khi nhìn thấy tiệm nầy, chúng tôi cầm lòng không đặng nên đã phá luật. Sau khi ăn ngấu nghiến mấy cân phô-mát (cheese), bánh ngọt (donut), nước ngọt, cà rem và nhiều thứ ác liệt khác nữa, cho đến khi sực nhớ ra thì đã quá trễ, không sao về kịp giờ thuyết pháp tối của Sư Phụ. Chúng tôi bèn ào ra xe hối hả chạy về chùa. Về tới nơi mới biết là Sư Phụ đã đình lại buổi giảng chỉ vì đợi chúng tôi. Ðau đớn vì tội lỗi quá! Tôi vội vã vác bao bồ câu lên lầu nhì và bỏ chúng vào cái phòng trống đã dành sẵn. Khi mở bao ra, thấy tất cả đều bay ào ra, nhưng .... chỉ trừ có hai con đã chết queo! Bịch! Bịch! rớt lăn ra sàn nhà.
"Ứ hự! Nếu chúng tôi đừng vì tham lam ích kỷ đi ăn như vậy thì đến bây giờ chắc hai con chim nầy vẫn còn sống."
Nghĩ thầm như vậy, rồi tôi lại tự an ủi: "Ối vậy cũng còn đỡ! Ít ra chẳng có ai hay biết chuyện nầy!"
Tôi xuống giảng đường, ngồi cạnh Quả Quy, và xúi anh chỉ nên thưa với Sư Phụ là có hai con chim bị chết, nhưng nhớ đừng nói gì về cái tiệm bán hàng đó. Ðến cuối giờ giảng, Quả Quy rụt rè mon men đến Pháp tòa, chắp tay thưa:
"Bạch Sư Phụ, trên đường về chùa có hai con chim bị chết. Chúng con nên phải làm sao với chúng?"
Ðối với chúng tôi những giây phút im lặng nầy thật là kinh hoàng. Rồi Sư Phụ chậm rãi nhìn về phía Quả Quy nói với giọng như hét lên:
"Ăn chúng!" Hai tiếng nầy như có thể bầm nát tất cả những dối trá nửa thật nửa dấu của chúng tôi.
Mọi người trong giảng đường cứ ngỡ là Sư Phụ đang nói đùa, nhưng chỉ riêng tôi và Quả Quy biết rõ là Ngài đang nói với hai chúng tôi. Cảm thấy quá xấu hổ và hối hận, nên qua ngày hôm sau, chúng tôi thu hết can đảm để ra thú tội trước đại chúng. Chúng tôi đã không ăn hai con chim chết nầy mà đem thủy táng chúng xuống biển, rồi nhịn ăn luôn ba ngày để đền bù tội lỗi. Chuyện nầy tôi sẽ không bao giờ quên được. Sau khi nghe qua câu chuyện, Quả Ðôn bảo rằng thật là không biết nên cười hay nên khóc nữa.
Tìm được cái chái nhà để tá túc, hiện còn bảy dặm nữa sẽ tới vùng Elk. Tôi đi tắm ở con suối gần bên. Lạnh quá!
Ngày 23 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Do viết:
Hôm nay tương đối không có chuyện gì xảy ra, vài người ngừng lại hỏi chuyện chúng tôi. Mưa rơi từng cơn, lúc có lúc không. Những ngày bình thản như vầy thì khó mà diễn tả được, dù vậy chúng vẫn có sự quan trọng như thường nhật. Sự quan trọng đó chính là phải luôn tinh tấn. Tinh tấn đứng hàng thứ tư của Lục Ðộ Ba La Mật. Tinh Tấn Ba La Mật có nghĩa là sau khi chọn được pháp môn hoặc phương pháp tu hành thích hợp thì ta phải cương quyết thực hành. Chẳng hạn như phải có cái nhìn xa về lợi ích của sự tọa thiền đều đặn theo đúng thời gian quy định, hơn là hôm nay ngồi thật lâu, rồi ngừng cho đến hai, ba ngày sau mới tiếp tục. Thật ra nên giống như từng bước đi vững vàng đều đặn theo nhịp độ trong lúc lễ lạy vậy. Nhưng những bước tiến mạnh mẽ nầy sẽ bị tổn hao mỗi khi có sự ngừng thối, dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Tinh tấn không có nghĩa là chạy vòng vòng để rồi tán loạn khí lực trong mê sảng, mà nên dụng công bền bỉ như cái chìa khóa để khai mở. Nếu tu trì giới luật thì sự tinh tấn cũng sẽ luôn tăng tiến. Chúng ta sẽ ngủ ít hơn và nhanh chóng biết cách khống chế nguồn năng lực mới phát hiện nầy.
Con đường dẫn vào nội địa rất ngoằn ngoèo vì những bờ dốc núi vịnh Thái Bình Dương. Nó bị ngắt đứt một khoảng thành khe hở rất rộng ngay chỗ giòng suối Elk chạy đổ ra biển. Nhưng khi qua khỏi suối thì con đường lại uốn vòng trở về phía biển. Thấy có căn chòi, dù không cửa nẻo, nhưng mái nhà cũng còn kha khá nên chúng tôi dọn vào để được một đêm nghỉ ngơi khô ráo.
Ngày 24 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Do viết:
Chúng tôi ra khỏi quận Elk vào sáng thứ bảy đầy nắng ấm. Vài người ngừng lại hỏi chuyện, hoặc chào hỏi, không có gì đáng xảy ra. Tuy nhiên trên đường ra khỏi quận, mấy bánh xe bằng nhôm nhựa của chiếc xe kéo trung thành của tôi bị xẹo mẹp xuống. Nó không chịu nổi sức nặng của đồ đạc, hoặc vì mỗi ngày chúng tôi lo kiếm chỗ cắm trại nên đã rời đường cái và lôi nó đi trên những nơi gập ghềnh lổm chổm. Tôi phải dọn hết đồ trong xe ra và tìm nơi cất dấu, rồi sau đó đi ngược trở lại chỗ sửa xe ở Elk. Tôi bày cách ông thợ máy dùng bánh xe máy cắt cỏ để lắp thế vào. Ông thợ kể lể rằng: Trong đời ông đã từng thấy qua mấy cuộc du hành kỳ cục trên tuyến lộ nầy rồi. Chẳng hạn như có lần ông sửa chữa một thùng đựng bia mà người ta đã lăn từ San Francisco tới vùng Olympia ở Washington. Và bây giờ thì sửa cái xe kéo của chúng tôi. Chỗ sửa xe nầy cũng là nơi tụ tập của dân rảnh rang trong quận, kế bên lại là quán rượu. Lúc bấy giờ có một số người đã bắt đầu kéo đến để nghe ngóng "chuyện" chúng tôi. Có ông nói việc chúng tôi làm là tuyệt diệu, ông khác lại đưa ý rằng ThầyHằng Cụ dùng vải để bao đầu gối, cách đó có vẻ như là gian lận. Tôi lễ phép bảo rằng mọi người làm việc theo nhiều cách khác nhau, và khi Thầy Hằng Cụ phát nguyện lạy một ngàn dặm thì Thầy có thể tùy ý thực hiện bằng bất cứ phương pháp nào.
Hôm nay chiếc xe kéo đã được sửa xong. Chúng tôi cắm trại gần bên con suối, về hướng bắc quận nầy. Tối đến tôi tắm toàn bằng nước lạnh như đá. Ái da!


Ngày 25 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Do viết:
Chúng tôi chầm chậm tiến về hướng bắc, đến mỗi tỉnh nhỏ, tôi như càng quen thuộc hơn với những tiệm giặt và bưu điện, vì thường đến đó là để sấy khô đồ đạc, hoặc điện thoại liên lạc về Kim Sơn.
Hôm nay Pháp Sư Hằng Thủ và hai vị Ưu Bà Tắc là Quả Quy và Quả Hồi đến lúc giờ ăn trưa. Khoảng mười phút sau gia đình Klein cũng đến để cúng dường bữa ăn. Sau đó Quả Hồi ở lại cùng chúng tôi lễ lạy được một khoảng đường.
Tôi lật bản đồ ra nghiền ngẫm và cố ghi lại trong tâm địa điểm hiện tại, đồng thời cũng xem xét đường xa phía trước. Những giới luật mà Phật tử trì giữ bằng nhiều cách ví như tấm bản đồ vậy. Khi chúng ta muốn đến một nơi nào thì bản đồ sẽ chỉ dẫn trực thẳng đường hướng. Cũng như chúng ta quyết tâm tìm giác ngộ cứu cánh thì những lời chỉ dạy của những bậc Hiền Thánh cũng giống như sự hướng dẫn đưa đường cho chúng ta vậy. Giới luật nầy còn có thể gọi là "Bản đồ dẫn đạo," nó chỉ rõ cho chúng ta con đường trực chỉ nhất để đến quả vị Phật. Một khi theo đúng lời chỉ dẫn, chúng ta sẽ tránh được những lầm lẫn và khỏi phải lãng phí công sức.
Giới luật là những điều răn có tính cách luân lý đạo đức, nhằm ngăn ngừa những hành động có thể làm tổn hại chính bản thân hoặc kẻ khác. Giới luật cũng là nền căn bản thực hành thiền định để phát sanh trí huệ, đã được giảng rõ trong Tam Tạng Kinh Luật Luận. Cách tốt nhất để học giới luật là phải đăng đàn thọ giới từ những bậc cao tăng tịnh hạnh, đã có công phu tu tập từ hai mươi hoặc ba mươi năm. Vì những vị nầy đã tu trì những giới đức tịnh hạnh thuần thục nên tâm đã không còn dính mắc, phân biệt. Các thầy Tỳ Kheo ở Trung Hoa, sau khi thọ giới thường có ít nhất năm năm đầu, phải chuyên tâm tu học để tận tường giới luật và biết cách áp dụng vào những sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày. Sau đó họ mới được phép bước chân vào thiền đường.
Ngày 26 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Tôi và Quả Hồi lạy được bốn dặm thì phải dừng lại, vì mục nhọt ở đầu gối tôi bị sịt bể. Chúng tôi đành quay về căn chòi nhỏ, vốn là một cái vỏ mục nát, nằm trên bờ dốc cao ba trăm feet (khoảng 91 mét), hướng thẳng xuống bãi cát. Thầy Hằng Do dọn dẹp gọn ghẻ được một phòng, phần còn lại thì không khác gì cái chuồng heo. Có cái giường sắt đã hư gãy nằm nghiêng ngã trên mấy khúc cây gần bên cửa sổ phía tây. Xưa kia chắc đã có những cặp tình nhân từng ngồi đây ngắm nhìn bờ biển mênh mông. Bây giờ thì lại là những dây leo mỏng mảnh bằng ngón tay, bò dán sát xuyên vào những khe cửa kiếng bể. Ngoài phòng khách có cặp nệm mục nằm im lìm trên sàn nhà, chung quanh đầy những dĩa bể, muỗng nỉa rĩ sét và những cái lon không. Tôi dọn sạch được cái ghế bành để ngồi nghỉ, khi ngoài kia tiếng gió đêm đang vi vu len lỏi vào chòi.
Ngày 27 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Ðêm qua tôi mơ thấy mình lội qua một con sông sâu thăm thẳm, và khi tới giữa sông thì bị nước xoáy cuốn nhận chìm lỉm xuống. Tôi nhớ là khi nhìn lên thì thấy mặt nước từ từ xa dần, xa dần, rồi chìm sâu xuống cả hàng trăm hải lý. Ðược một lúc tôi chợt có ý nghĩ là mình đã chết, nhưng đó chẳng là vấn đề vì tôi không đau đớn chi mà chỉ cảm thấy rất an lạc. Sau đó tôi từ từ trồi lên mặt nước và đi trở lại chỗ có nhóm người đang tụ họp. Việc đầu tiên tôi cảm nhận rằng mình như khác hẳn, và thấy những người đó vẫn còn đang vẫy vùng khổ sở trong thế giới mộng ảo của chính họ. Riêng tôi khi trở về từ nơi sâu thẳm, sau khi rời bỏ cái chết của chính mình, nên mới được tự do. Vẫn trong sự hiểu biết nầy tôi giựt mình thức giấc và thấy mình còn ngồi trơ trơ trong chòi. Bây giờ việc lễ lạy một ngàn dặm chỉ là chuyện nhỏ nhoi thôi.
Vì cơn bão vẫn hoành hành nên chúng tôi ở lại trong chòi để dụng công tham thiền.
Ngày 28 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Chúng tôi vẫn còn kẹt lại trong chòi vì trận bão. Ồ! Dĩ nhiên là trong lúc nầy chúng tôi mới hiểu được bài học biết ơn về giá trị quý báu của bốn bức tường và một mái nhà.
Ngày 29 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Quả Hồi sau khi lạy được ba dặm thì phải trở về San Francisco. Chiều nay lúc chúng tôi đi ngang qua ngọn đồi để vào quận nhỏ Albion, thì được bốn cậu thanh niên đến mời về tạm trú ở một thị xã vùng Thiên Chúa Giáo, tọa lạc trên dãy đồi Albion. Lúc đó trời lại bắt đầu mưa nên chúng tôi nhận lời, nhưng trong lòng tôi cảm thấy nghi ngờ làm sao. Thị xã nằm về phía tây, cách xa lộ khoảng một dặm. Vừa đến nơi chúng tôi được sự đón tiếp rất nồng hậu, lại được đưa đi tham quan đất đai chung quanh vùng của họ. Ở đây tất cả đều thuộc của chung, như vườn tược, hàng quán, kể cả những việc canh tác ruộng rẫy. Tất cả đàn ông đều để râu, tóc dài, quần áo giản dị. Ðàn bà thì lặng lẽ và hòa nhã. Từng gia đình sống rải rác chung quanh khu vực, trong những túp lều nho nhỏ, hoặc những dãy nhà chung cư. Chúng tôi lại được dẫn đến chỗ ở của đàn ông, là một căn nhà rộng hai tầng cất bằng cây, đã có khoảng ba mươi anh độc thân đang trú ngụ. Sau khi được chỉ định chỗ ngủ, tôi lo treo máng mớ quần áo ướt và ngồi thiền cạnh lò sưởi. Thật là một lỗi lầm, vì chẳng bao lâu thì có khoảng tám người đến vây quanh và ráng khuyên tôi chuyển đạo. Thầy Hằng Do cũng ngồi kế bên cùng tôi cố giải thích, nhưng dù chỉ một lời họ cũng chẳng chịu nghe. Họ cố thuyết phục đủ mọi khía cạnh như tình cảm, tranh luận, an ủi khuyên giải, hoặc vạch bày những chứng cớ v.v.... Chúng tôi phải chịu đựng như vậy cũng khoảng hai tiếng đồng hồ, cuối cùng đành phải cắt ngang bỏ đi ngủ. Sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy trước hơn mọi người để trở ra đường, con đường cũ thân thương.
Ngày 30 Tháng 11 Năm 1973. Hằng Do viết:
Chúng tôi lễ lạy dưới cơn mưa rỉ rả suốt cả buổi sáng nầy, nên vừa vào đến làng Tiểu Hà (Little River), định tìm một nơi khô ráo để ăn trưa. Thấy có căn chòi lụp xụp bên đường trông cũng còn khá đấy, nhưng một ông từ căn nhà kế bên chạy ra ngăn cản bảo nó thuộc của tư nhân. Chúng tôi đành quầy quả trở ra xa lộ. Bỗng nhiên cánh cửa trước nhà ông vụt mở và tiếng nói người đàn bà vọng về phía chúng tôi:
"Mấy Thầy định đi về đâu vậy, xin hãy trở vô đây uống tách cà phê mà! Thời tiết như vầy còn đi đâu được nữa chứ!"
Ðó là bà Gert Dailey, mời chúng tôi vào và lo chuẩn bị bữa ăn gồm cơm gạo Lousiana và đậu. Sau đó bà và chồng là Bill mời chúng tôi ở lại nghỉ qua đêm. Họ có tất cả mười đứa con, bọn chúng đều rất say mê võ công phu mà sư Hằng Cụ dạy chúng. Sau đó có mấy vị Phật tử vốn là bạn của bà Daileys cũng đến cùng chúng tôi thảo luận rất lâu, hầu để củng cố thêm lòng tin. Bà Daileys còn chất đầy lương thực vào chiếc xe kéo, chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn sàng để sớm mai lên đường.


Ngày 1 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Do viết:
Lúc rời khỏi vùng Tiểu Hà, chúng tôi có nhận lời mời về nghỉ đêm ở trại thiền Little River Zen Farm, tọa lạc trên dãy đồi gần làng Mendocino. Vì sau buổi lễ lạy trong ngày, chúng tôi lại phải đi bộ thêm mấy dặm vào nội địa, nên khi đến nơi mặt trời đã khuất bóng. Quận nhỏ chuyên thiền Zen nầy có nhiều giới trẻ đang cư ngụ. Vì cách tổ chức theo truyền thống Nhật - Mỹ nên ngay trong thiền đường còn có một hệ thống giàn máy hát lớn có âm thanh nổi.
Nhiều người khi nghe đến danh từ Phật Giáo thì nghĩ là Zen. Zen nầy đang thịnh hành và phát triển ở Tây Phương. Thật ra Zen nguyên chữ là Zenna, được người Nhật phát âm lại từ chữ Thiền Na của người Hoa. Thiền Na hay gọi là Thiền, đã được Trung Hoa chuyển dịch từ chữ Phạn Dhyana (Thiền-na). Thiền-na có nghĩa là làm tâm lắng tịnh, là phương pháp căn bản của người Phật tử chuyên hành thiền. Rất nhiều người cảm thấy thiền là cốt lõi chủ yếu, là trung điểm mạnh mẽ của tất cả, đã được lồng ẩn dưới danh từ Phật Giáo.
Tóm lại khởi nguyên của tông thiền là trực tiếp nối gót từ đức Phật Thích Ca mà thành. Có lần đức Phật im lặng đưa lên cành hoa của vua trời Phạm Thiên cúng dường, chỉ có đệ tử là ngài Ca Diếp thấy vậy chúm chím mỉm cười. Nụ cười đó biểu hiện rằng Ngài đã hiểu ý đức Phật. Ðiểm chủ yếu của sự im lặng nầy chính là lối truyền tâm ấn tâm, đã được tiếp tục truyền từ đời nầy sang đời kế, từ những vị Sư Tổ chứng ngộ ở Ấn Ðộ. Cho đến đời thứ hai mươi tám là Tổ Ðạt Ma mới mang những giáo lý cùng "Pháp Truyền Tâm Ấn" đến Trung Hoa và trở thành vị Tổ đầu tiên, cách nay đã hơn một ngàn năm trăm năm qua. Phật giáo được khai mở ở Trung Hoa và truyền thừa chân lý của đức Phật tiếp tục cho đến ngày hôm nay. Giáo lý chủ yếu của đạo Phật tiếp tục lan truyền đến các quốc gia khác là do các vị Sư ngoại quốc đến Trung Hoa thâu gặt những hạt giống giác ngộ rồi đem về gieo cấy lại những giáo pháp đó trên chính mảnh đất quê hương của họ.
Mặc cho sự tàn phá của thời gian, nhưng tông thiền vẫn tồn tại. Bởi điểm cốt yếu của thiền không những chỉ tìm được qua những ảnh tượng thiêng liêng, những kinh sách hay ở những tu viện, mà nó còn ngự trị ngay trong lòng mọi người. Thật ra tông thiền nầy không có đặc tính gì riêng biệt để có thể định nghĩa được, nhưng tổng quát thì có bốn loại để mô tả truyền thống về thiền là:
Trực chỉ nhân tâm;
Kiến tánh thành Phật;
Giáo ngoại biệt truyền;
Bất lập văn tự.
Một ngày nào đó khi mọi việc yên ổn, tôi sẽ trở lại vấn đề nầy.
Ngày 2 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Hôm nay khi chúng tôi vừa đi qua khu phố nhỏ ở Mendocino, thì chủ bút tờ báo Mendocino Beacon tới nơi phỏng vấn. Ðến trưa, Quả Ðôn Schweig chuyển tặng chúng tôi cái lò SVEA của Craig và Sunny Bạch ở San Francisco. Chúng tôi cùng ăn trưa trên đỉnh dốc đá cao khoảng 100 feet (hơn 30 thước), dưới ánh nắng chan hòa tĩnh lặng.
Tâm hồn tôi như bồi hồi rung động mỗi khi nhìn những làn sóng mạnh mẽ đập dội lên những cồn đá đầy phún thạch lâu năm nầy. Tôi thường cảm thấy kinh sợ trước cái quyền năng vô hạn, độc nhất của thiên nhiên. Không những chỉ ở đại dương, mà bất cứ ở nơi nào có sự biểu dương quyền lực vô hạn, đều làm tôi kinh sợ cả. Tôi lớn lên được xã hội dạy là xem thiên nhiên như những vật ở ngoài mình Ố xã hội đã tập con người chỉ biết lợi dụng thiên nhiên và coi chúng như một đồ vật tách rời con người. Nhưng ngày nay phần lớn những ý tưởng đó đối với Phương Tây đang có một chuyển hướng, con người bắt đầu nhận thấy rằng thiên nhiên bên trong và thiên nhiên bên ngoài hoàn toàn chỉ là một, họ lại ít có hứng thú đến những sự việc có tính cách điều khiển bên ngoài, họ chỉ muốn an trú nơi không giao động (trung đế) mà thôi.
Ðể đạt tới nơi đó, theo truyền thống Phật Giáo có dạy về Tam "Vô Lậu" Học: Giới, Ðịnh, Huệ. Giới là đặt mình vào khuôn khổ kỷ luật, giống như xây đắp bờ đê bên con sông. Vì khi ta chận giữ giòng nước đang cuộn chảy, thì lập tức năng lực của giòng nước sẽ tăng gia, cũng như khi dứt bỏ được những tập khí xấu thì sẽ phát sanh nguồn năng lực tương đương với lòng kích động. Lúc đầu có khi giống như kẻ bệnh thần kinh trầm lặng, nhưng sau một thời gian dụng công thiền định, tinh thần sẽ trở nên sâu sắc thâm diệu.
Ðịnh còn gọi là sự tập trung, có nghĩa là giữ tâm không cho chạy ra khỏi các cửa của sáu thức: nhãn; nhĩ; tỷ; thiệt; thân và ý thức. Phương pháp nầy phải được thực hành trong mọi thời điểm, cách tốt nhất là ngồi trong tư thế kiết già. Huệ hay Huệ vô lậu sẽ phát sanh khi ta không còn bị lúng túng hay rối loạn bởi những sự tình làm kích động, mà thường an trụ vững vàng trên mảnh đất bất động của tự tánh.
Ngày 3 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Do viết:
Thực hành chuyến hành hương là biểu hiện lối sống của người tu sĩ Phật Giáo. Nhiều tu viện ở các nước Á Châu đã được dựng lên để tiếp đón những tu sĩ du phương nầy, vì trong cuộc đời tu hành, những vị nầy ít ra họ cũng có nhiều năm đi du hành từ nơi nầy đến nơi khác để tham vấn học hỏi với những bậc cao tăng. Ðó cũng là một phương cách luyện tập rất hay để đào tạo tu sĩ, không những chỉ giúp cho các Ngài có cơ hội thăm viếng và chiêm bái những thánh tích, mà còn là dịp để học hỏi cách đối phó về vấn đề tự lực sinh tồn trong thế giới vô thường nầy. Rất dễ có tình trạng khi cư ngụ ở một nơi và vừa cảm thấy nơi đó an nhàn thoải mái, nhưng không lâu vô thường đến thì những gì mình chấp giữ cũng đều mất hết cả. Ðó có thể là nguyên nhân đau khổ. Cho nên không tham luyến nơi nào, thì ta mới có thể tùy thuận lưu chuyển với những đổi thay. Ðược vậy mới là người biết chuẩn bị sẵn sàng trước những cái bất ngờ xảy ra, và ta mới có thể phát triển định lực dù trong cảnh động loạn.
Việc hành hương ở Mỹ trong thời đại tân tiến ngày nay, có nhiều khác biệt so với những chuyến hành hương của những vị tu sĩ ở Á Châu. Ðiểm trước nhất, là việc xây cất tu viện và chùa chiền để tiếp rước Tu sĩ du phương chưa được phát triển ở Phương Tây. Vì thế chúng tôi phải lợi dụng phương kế kỹ thuật Ố cắm trại, để thuận tiện cho việc trú ngụ ở bất cứ nơi nào. Thứ nhì, đường xá đi lại tiện lợi, mặc dù có lúc con lộ không đủ rộng để cho chúng tôi và xe cộ. Nhưng nếu so sánh những chuyến hành hương ở Á Châu với những con đường nhỏ xíu, lún hõm, thì có lẽ chúng tôi được lợi thế hơn. Thứ ba, dân xứ nầy còn rất xa lạ với những tập tục của chúng tôi, cho nên chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian để giải thích những thắc mắc về chuyến bái hương nầy. Về hình thức tuy có nhiều điểm khác biệt, nhưng những động cơ thúc đẩy để dấn thân vào cuộc du hành thì đều giống nhau cả.
Hiện chúng tôi đang cắm lều trong đám cây rậm rạp, và đang tọa thiền cùng với những âm thanh làm việc đều đặn ngày đêm của xưởng cây gần bên.
Ngày 4 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Hôm nay thật là một ngày trọng đại khi chúng tôi lạy ngang qua thành phố Fort Bragg. Nào là tài xế, học sinh, trẻ con, các vị bô lão, mấy cậu hippy choi choi, những cô thiếu nữ, tất cả đều tụ họp đến xem chúng tôi. Vài ông say rượu chạy xe gắn máy (motorcycle), ngừng lại rồi bắt đầu kiếm chuyện sanh sự, nhưng hôm nay tôi cảm thấy khỏe khoắn quá, mà cũng không muốn dừng lại dù là bất cứ chuyện gì, cho nên tôi giao phó hết cho Thầy Hằng Do. Sau một lúc bị phiền phức bởi những câu hỏi với thái độ xấc xược như:
"Tụi bây đang làm cái giống gì vậy hả? Tại sao vậy chớ?"
Thầy Hằng Do liền hỏi ngược lại: "Vậy mấy ông đang làm cái giống gì vậy hả? Tại sao chớ?" Rồi họ mới đành ngậm im.
Vào tới trung tâm thành phố, có Mục Sư đạo Thiên chúa đi về phía tôi và nói với giọng đầy bi ai:
"Ông đi đâu mà có vẻ chậm chạp khổ sở như thế vậy!"
Dù tôi đã cố giải thích về chuyến bái hương, nhưng ông ta chỉ một mực tỏ vẻ thương hại chúng tôi thôi! Khi ông bỏ đi, tôi mới ngẫm nghĩ về những lời nói đó. Thật ra không có gì là đau khổ cả, ông ta đề xướng như vậy chỉ vì thành kiến của ông ta thôi. Ðúng ra thì cách lễ lạy nầy lại còn làm tăng thêm sự cường tráng, vì tôi chưa bao giờ cảm thấy thân thể mình được rắn chắc khỏe mạnh như lúc nầy. Sự khổ sở là của ông ấy chớ không phải của tôi.
Tôi rất thích những cuộc gặp gỡ như vậy. Khi chuyện mới xảy ra đôi khi tôi không nhận ra ngay, nhưng thường thì sau một lúc lễ lạy và suy ngẫm, tôi dần dần thấy rõ được vấn đề. Tôi ý thức được những gì mình đã nói đúng và những gì cần phải nói, rồi tôi tích tụ những ý tưởng đó để dành cho cuộc gặp gỡ sắp tới. Và đó là cách học hỏi về pháp "Bát Phong."
Bát Phong gồm: Ðược và Mất, Nhạo Báng và Nịnh Bợ, Khen và Chê, Vui và Buồn. Tất cả chúng ta thường bị điêu đứng bởi sự tấn công của những ngọn gió nầy. Mục đích tu tập định lực là để đối diện với chúng. Ví như việc chúng tôi làm đã có rất nhiều người tán dương, khen ngợi rằng chúng tôi như người quân tử, thánh nhân v.v... Nhưng cũng có số người khác lại bảo chúng tôi là đồ bị chạm thần kinh, là kẻ tôn sùng tà giáo. Nếu chúng tôi bị động vì những lời nói của nhóm người trước thì sẽ trở nên tự cao tự đại, còn như bị động vì những người thuộc nhóm sau thì sẽ buồn phiền chán nản. Cho nên chúng ta nên tập quán xét những lời nói đó như những ngôn từ vô nghĩa rỗng tuếch, và không gì tốt hơn là cứ tiếp tục theo "con đường chậm chạp và khổ sở" của chúng tôi.
Chúng tôi hiện đang dựng lều phía sau chiếc xe ủi đất, xe nầy trông có vẻ "chậm chạp và khổ sở" nằm trên ụ của công ty đá sỏi, thuộc phía bắc thành phố.
Ngày 5 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Chúng tôi lạy được năm dặm đường suôn sẻ không chuyện gì xảy ra, bây giờ dựng lều trong một cái hồ nước đã hoang tàn. Tuy đây không phải là khách sạn Hilton ở Hồng Kông, nhưng đối với chúng tôi chỗ nầy cũng là nhất rồi. Mọi việc đều tương đối thôi.
Hôm nay Thầy Hằng Do kể cho tôi nghe câu chuyện về Lão Hòa Thượng Hư Vân, lúc ở Trung Hoa Ngài đang trên đường đi dự khóa thiền. Khi đi ngang qua sông, Ngài bỗng hụt chơn té chìm lĩm xuống, rồi cả ngày trôi bập bềnh theo giòng nước, cho đến khi được người đánh cá lưới dính, vớt lên. Tuy lúc đó Hòa Thượng bị chấn thương rất nặng, máu miệng và mũi đều rỉ chảy, nhưng Ngài vẫn tiếp tục lên đường. Lúc đến tu viện, nơi có tổ chức khóa thiền thất, Ngài đã không giải thích gì về việc té sông và đang bị nội thương. Vị trụ trì mời Ngài thay mặt làm thủ tọa cho khóa thiền sắp tới, nhưng Ngài lễ phép từ chối, và nói rằng chỉ muốn tham gia như những hành giả khác. Ngài đã chuẩn bị dụng công thật khẩn trương. Nhưng vì sự từ chối nầy mà Ngài đã phạm luật nghiêm trọng chốn thiền môn, là đã khinh mạn chúng tăng, nên bị mấy vị Sư trong chùa kéo ra đánh phạt một trận thật nặng nề. Ngài vẫn không nói với ai rằng mình đang bị bệnh nặng, mà chỉ một lòng mong được tham dự khóa thiền. Mặc dầu trong lúc bệnh tình rất trầm trọng, tiểu ra cả máu và chất tinh dịch, nhưng Ngài vẫn cố gắng dụng công hành thiền ngày đêm không ngừng nghỉ, hoàn toàn quên hẳn cả thân tâm.
Kết quả tập trung thiền lực không loạn động nên Ngài nhập được định. Rồi vào một đêm khuya, khi Ngài mở bừng đôi mắt thấy cả khu vực thiền viện như có một bầu ánh sáng chói chang bao phủ như cảnh ban ngày. Và Ngài cũng có thể nhìn xuyên qua cả tường vách, thấy có mấy thầy tu ở ngoài sân và thuyền bè đang qua lại trên sông. Ngài đã kinh nghiệm được những cảnh giới sâu sắc tuyệt diệu, cho đến một hôm vị tăng hộ thất vô tình làm rớt tách trà xuống đất, với âm thanh vỡ tan đó đã khiến Hòa Thượng hoàn toàn khai ngộ.
Hòa Thượng Hư Vân được xem là một trong những vị cao tăng đạo hạnh bậc nhất ở Trung Hoa. Do sự tinh tấn bền chí tu tập đã mang lại cho Ngài một sự thành công vĩ đại. Ngài viên tịch vào năm 1959, hưởng thọ 120 tuổi.
Ngày 6 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Do viết:
Sau khi qua khỏi cầu Ten Mile River, chúng tôi được mời nghỉ đêm tại Frazier Farm, thuộc một thị xã do nhóm người tuổi tác xấp xỉ chúng tôi điều hành. Cũng giống như những thanh niên trẻ mà chúng tôi vẫn thường tiếp xúc, là họ đang có chuyển hướng theo những hình thức tôn giáo của Ðông Phương với nhiều lý do khác nhau. Sau đó chúng tôi có buổi nói chuyện với đề tài thiền Phật Giáo. Có vị thắc mắc hỏi rằng chuyến bái hương nầy có liên quan gì đến Thiền Phật Giáo? Một anh trong nhóm lập tức trả lời bằng câu hỏi liên quan đến đề tài thiền nổi tiếng:
"Tại sao Bồ Ðề Ðạt Ma từ Phương Tây đến?"
Bây giờ có ai biết không? Có lẽ anh nầy đã là một Thiền Sư, nhưng nhiều người lại có tư tưởng lầm lẫn, nghĩ rằng tất cả những gì về thiền, họ đều hiểu hết. Sự tự phụ dị biệt nầy như được khuyến khích thêm từ những "Trung Tâm Zen," đang đua nhau mọc lên như nấm ở Mỹ trong những năm gần đây, nhất là vùng biển miền Tây. Những trung tâm nầy không như những tu viện chùa chiền ngày xưa ở Á Ðông với những phương pháp thực hành khắt khe. Một số người Mỹ vì cho rằng mọi người ai cũng có gốc Phật tánh, nên ai ai cũng chểnh mảng, không để ý gì đến những quy luật giới đức. Vì có lập trường như vậy, cho là tất cả đã giác ngộ rồi, ai cũng có thể tự ý muốn làm gì thì làm. Thế nên giữa thầy tu và cư sĩ tại gia không còn có sự phân biệt gì cả. Những tư tưởng sai lầm nầy có lẽ đã bị thâm nhập từ những nơi khác hơn là từ Trung Hoa, kèm theo cái dạng thiền được phổ biến rất rộng rãi. Là vậy, chúng tôi thấy được sự kết hợp lạ kỳ của những Zen đường, với những bản nhạc kích động, thiền trong khói thuốc cần sa ma túy (marijuana), và những ông "Sư giác ngộ" có đến mấy bà vợ.
Thật ra mục đích cứu cánh của tông thiền là "Trực Chỉ Nhân Tâm." Tâm nầy không phải là tâm phàm phu mà chúng ta vẫn dùng trong các sinh hoạt trần tục hằng ngày. Tâm mà Thiền Sư muốn chỉ thẳng là cái chân tâm, nó như hư không, như bao trùm khắp vũ trụ, không đến cũng không đi và bao hàm dung chứa được tất cả. Với chí nguyện tu tập theo đường chánh pháp hầu khai tỏ cái cố hữu đang tiềm ẩn để nhận diện được tâm nầy tức là đang đi đến quả vị Phật vậy.
Câu "Trực Chỉ" được dùng qua ngôn từ nên không thật chính xác đầy đủ ý nghĩa để diễn tả trạng thái của tâm. Nhưng nếu định nghĩa theo cách ngắn gọn thì: trạng thái tâm có thể được chỉ thẳng ra. Một Thiền Sư khéo léo có thể giúp những thiền sinh thực nghiệm một cách trực tiếp. Ðôi lúc thật bất ngờ, thô tháo, hoặc dùng những phương pháp kỳ hoặc nhằm giúp hành giả vượt qua trạm thử thách cuối cùng. Ở Mỹ ngày nay, cũng có những câu chuyện đó, nhưng cách hành động lại quá trớn, lại thổi phồng lên nhằm để cân xứng phần nào trong việc huấn luyện của họ. Nhiều người đã không ngờ rằng muốn đạt đến trình độ tinh thông, ngằn mé của giác ngộ thì phải hội đủ trong nhiều năm, hoặc cả một đời công phu tu tập Giới, Ðịnh, Huệ. Và khi thời cơ chín muồi thì chỉ cần một cái đẩy nhẹ đúng chỗ, đúng lúc, thì kết quả sẽ là sự bừng ngộ, và chấm dứt sanh tử luân hồi.
Con người thường có khuynh hướng bỏ quên về việc tu đạo là phải giảm bớt những tình cảm xúc động và đòi hỏi ngày ngày phải chuyên cần dụng công mới có thể đạt đến trạng thái chín muồi. Trong khi đó thiền Phật Giáo theo lối Zen thường bị mất đi những lời dạy đó mà trái lại thay vào bằng những lời nói nhanh như chớp, những trò hề xảo trá mà người Hoa gọi là "Thiền Miệng," nghĩa là người mới tu được chút đỉnh, hoặc chẳng có gì hết mà đã khoe bày những chuyện vô căn cứ, những sự dụng công ngớ ngẩn để chứng tỏ là ta đã giác ngộ.
Ngày 7 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Lễ lạy đến vùng Westport, một tỉnh nhỏ ẩn mình dưới ghềnh dốc đá, nằm nghiêng thoai thoải xuống bờ biển. Có cặp vợ chồng trẻ là Gary và Zida Bachelor mời chúng tôi về nhà. Một lần nữa được cứu nạn, vì khi vừa đến nhà thì cơn bão lớn hung hãn từ phía tây thổi ập vào. Cơn mưa giông gió nầy đập ầm ầm vào vách nhà cả đêm. Anh Gary cho chúng tôi xem giải trí những tấm phim hình của anh trong chuyến du lịch ở Do Thái vừa qua. Sau đó anh cao hứng hát lên những bài dân ca, lại vừa đệm thêm tiếng nhạc đàn guitar. Trong khi đó chị Zida đang bận rộn chăm sóc đứa con mới sanh và pha sữa chocolate nóng cho chúng tôi. Chị lại còn vá đấp thêm miếng vải vàng tươi vào chỗ đầu gối quần tôi. Tôi cảm thấy như mình đã từng quen biết họ từ bao đời rồi.
Ðến khoảng 11 giờ đêm, chúng tôi rút lui ra phía trước hàng ba kín đáo để nghỉ ngơi. Tôi ngủ ngồi trên chiếc ghế dài cũ, sư Hằng Do dựa lưng ở một góc cho qua đêm. Pháp ngủ ngồi rất thông dụng đối với hầu hết những vị tu hành ở Kim Sơn, ngủ như vậy là để không bị ngủ quá mê, ví như đang tọa thiền cả đêm vậy. Người thực sự theo pháp ngủ ngồi thì suốt đêm sẽ ngủ trong tư thế kiết già, lưng không cần dựa vào đâu cả. Họ nguyện không bao giờ để "xương sườn chạm chiếu." Còn tôi thì chắc lâu lắm mới làm được như vậy.
Ngủ được khoảng hai tiếng, tôi giựt mình thức giấc với cảm giác như không có thân xác gì cả. Tâm trạng nầy thật khó mà diễn tả. Mở mắt như thường lệ, nhưng lần nầy ngồi đó mà tâm tư không phân biệt, không sanh loạn tưởng. Tôi đã tỉnh giấc, nhưng tưởng chừng như không nhận ra cái lớp bao phủ hàng ngày mà tôi đã nhiều năm tốn công dung dưỡng. Tôi như bước ra khỏi cái thế giới hạn cuộc của trí phán đoán để đến một thế giới khác. Lần đầu tiên tôi ý thức được tất cả sự vật quanh mình như an trụ trong cảnh giới thanh tịnh. Thân tôi ngồi đó như một cây tươi đang hít thở và sanh trưởng. Thật là tuyệt diệu vượt ngoài cả sức tưởng tượng. Tâm phân biệt chưa bắt đầu tính toán, sắp xếp, tổ chức, chỉnh đốn, hay phân chia gì cả vì tôi quên hẳn gắn "nó" vào trí óc. Tuy nhiên tình trạng nầy kéo dài không được bao lâu, tôi bắt đầu kinh ngạc, thắc mắc không biết việc gì đang xảy ra. Với vọng tưởng đó, tâm tư tôi bắt đầu hoạt động và trở lại với cái tôi phàm phu bình thường.
Ngày 8 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Hôm nay tiến bước chỉ được ít thôi. Mấy anh Quả Pháp Olson, Quả Quy Nicholson và Quả Hồi Weber lái xe từ Kim Sơn đến với cơm trưa thật thịnh soạn cho chúng tôi. Chiều tối thì anh Quả Pháp và anh Quả Quy ra về, còn anh Quả Hồi ở lại muốn nếm thử đôi chút mùi lễ lạy. Khi màn đêm buông xuống, chúng tôi căng lều trong một cái chuồng cũ lung lay giữa vùng Westport. Chỗ này rờn rợn làm sao, vì tất cả ba chúng tôi đều có những giấc mơ rất kịch liệt. Thầy Hằng Do mơ thấy mình đang làm lao công ở một nhà thương lớn và thấy Sư Phụ hiện nhiều hóa thân, đang chăm sóc những người trên giường bệnh. Quả Hồi ngủ ở góc chuồng tối thui, cũng mơ thấy Sư Phụ.
Còn tôi lúc đầu trong tư thế ngủ ngồi rất đàng hoàng, nhưng chỉ sau vài giờ là nằm dài thẳng lưng (chắc tại ăn nhiều phó-mát 'cheese' quá). Khoảng 2 giờ sáng, tôi giật mình thức giấc, thấy ánh trăng rọi sáng xuyên qua những kẻ hở từ mấy miếng ván bị sút mất. Thật tình tôi không phải đang chiêm bao, nhưng lại cảm thấy hình như có một sức nặng khoảng hai trăm cân (gần 100 kí lô) đang đè lên cả mình mẩy tay chân. Tuy chẳng thấy hình tướng vật gì, nhưng trước kia tôi có nghe qua những câu chuyện xảy ra tương tự. Trường hợp nầy gọi là ma Kumpanda (Cưu-bàn-trà), nhiều lúc chúng có những hình dạng như những trái bí to lớn, cũng có khi chúng tàng hình không thấy được. Lúc đọc những chuyện nầy, tôi thật không tin là có mấy loại ma như vậy. Nhưng bây giờ thì chẳng còn thắc mắc chi về chuyện đó nữa mà chỉ biết kinh hãi thôi. Năm năm qua tôi được học nhiều loại thần chú cùng nhiều pháp thuật để làm mê mẫn chinh phục hay chống cự lại bọn quỷ ma, nhưng bây giờ thì quên ráo trọi, chỉ biết có một chữ: "Cứ ứ ứ u u u...!" Tôi vận dụng hết sức mình để hét lên. "Cứ ứ ứ u u u...!"
Tiếng kêu la như trùm khắp cái chuồng và vang xuống tận những con đường đầy sương mù vùng Westpost. Tôi sợ hãi nằm ngay chừ cũng khoảng năm phút. Thầy Hằng Do và Quả Hồi đang chìm đắm an toàn trong túi ngủ (sleeping bag) của họ. Còn tôi một mình nằm bất động. Cuối cùng con ma bỏ đi. Mấy tiếng sau tôi lại mơ thấy bà nội tôi, tức bà Testu (đã qua đời), đang cùng Sư Phụ đi ung dung trên không trung.
Chúng tôi thức dậy sớm và bắt đầu lạy về hướng bắc, dọc theo những dốc đá đầy sương mù.
Ngày 9 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Sáng nay cũng như lệ thường, chúng tôi gọi điện thoại về chùa để báo cáo tình hình. Tôi thuật lại chuyện bị ma đè.
Sư Phụ liền bảo: "Mấy ngày trước nếu ngươi không la cà gần gũi mấy người đàn bà đó thì đâu đến nỗi bị gặp ma."
Vừa nghe xong tôi thiếu điều muốn buông rớt cái điện thoại. Rồi ý thức liền chạy ngược về cái hôm 6 tây, lúc chúng tôi đi tham quan quanh cảnh trại. Tôi nhớ có ba cô thiếu nữ rất quyến rũ đã hướng dẫn chúng tôi đi dạo quanh vùng. Họ nói chuyện với chúng tôi rất lâu và còn cho rau để nấu canh nữa. Ai mà nói cho Sư Phụ biết việc nầy chớ? Chúng tôi không hề hở môi với một ai về chuyện nầy mà!
Sư Phụ bảo đó chính là ma Cưu-bàn-trà, loại nầy rất thích ngồi trên mình người. Sư Phụ còn cảnh cáo chúng tôi phải cẩn thận hơn khi tiếp xúc với mấy cô trẻ tuổi. Ngài còn bảo là chúng tôi lễ lạy quá nhanh, vì nếu lễ chậm rãi thì sẽ có định lực hơn. Ngài cho chúng tôi một sự quán tưởng trong khi lễ lạy, là suy tưởng đến thế giới sẽ càng bình an hơn khi chúng tôi càng tiến tới. Ngài nói thêm rằng, nếu chúng tôi thực sự thành tâm thì sẽ có chư Phật và chư Bồ Tát gia hộ.
Ði qua được năm dặm đường về hướng bắc vùng Westport, chúng tôi tìm gặp một căn chòi có mái nhà đã gần như đổ xụp. Ngài mai chúng tôi sẽ rời bờ biển để tiến vào nội địa.

Ngài 10 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Sáng nay hàn thử biểu (thermometer) gắn trên xe kéo chỉ 28 độ F (- 2.2 độ C). Lòng phấn khởi! Chúng tôi lạy dọc theo Xa Lộ Một, hẹp cong queo về hướng tây, dẫn lên dãy đồi ở ven biển, rồi chạy xuống ngang qua rãnh núi để tới thành phố Rockport, phong cảnh chung quanh toàn là những ngọn đồi cây lá xanh um. Tìm được chỗ nghỉ ngơi ở trong một tòa nhà tường xi măng, chỗ này trước đây vốn là trường học của tỉnh.
Hôm nay đang lúc lễ lạy, những lời quán tưởng trong Ðại Bi Sám cứ chạy quanh trong tâm tôi:
Năng lễ sở lễ tánh không tịch.
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì.
Ngã thử đạo tràng như đế châu.
Nhất thiết Như Lai hiển hiện trung.
Song cũng có thể bày tỏ theo phương diện khác là: Người đang lễ và chư Phật thọ lễ cùng như nhau trong trạng thái đồng nhất không sai biệt. Chư Phật (hay Thực Thể, Niết Bàn, Chân Như, Giác Ngộ, hoặc bất cứ danh hiệu nào mà ta muốn dùng) hiện đang ngay trước mặt ta. Nếu thực lòng tập trung vào lễ lạy và ý chí vững vàng để trì chú, tất Phật nơi nơi đều hiển hiện. Thông thường có câu: "Phật tức tâm, tâm tức Phật," nhưng nếu người có những vọng tưởng phóng túng hay lo lắng thì không Phật nào ứng hiện cả. Cũng như câu: "Sự cúng dường cao quý nhất, tốt đẹp nhất, chính là giữ gìn tâm an tịnh, không vướng mắc."
Ngày 11 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Do viết:
Chúng tôi hiện đang trên Xa Lộ Một, dẫn vào nội địa, có những xe hàng chất đầy gỗ ào ạt qua lại càng nhiều hơn. Lều được dựng trên đoạn đường đang khai khẩn, cách thành phố Leggett khoảng mười dặm, với độ cao có lẽ là một hay hai ngàn bộ (feet). Luồng gió miền rừng núi thật oai dũng, thơm ngát ngọt ngào làm sao! Bầu trời hầu như trắng xóa đầy những vì sao. Ở đây hình như khác hẳn vùng biển cả, hương vị cũng khác xa. Những tiếng sóng biển dập dồn vỗ vào bờ, giờ thay vào là những tiếng gió, tiếng cây lá xào xạc vi vu . Ðức Khổng Tử đã diễn tả với cảm tác rất đặc sắc:
Nhân giả lạc sơn. Trí giả lạc thủy.
Trí giả động. Nhân giả tĩnh.
Trí giả lạc. Nhân giả thọ.
Nghĩa là:
Người nhân (ái) vui cảnh núi. Người trí vui với nước.
Người trí động. Người nhân tịnh.
Người trí vui. Người nhân trường thọ..
Trí và Nhân (ái) là hai trong các phẩm cách vẹn toàn của đức Phật. Những tác động của Ngài đều là phản ảnh của trí huệ, hoan hỷ và khéo léo trong việc cứu độ chúng sanh. Ðức hạnh Ngài biểu hiện sự bất động hiện hữu như một quả núi đồ sộ.
"Thấy Tánh Thành Phật" là sự tượng trưng thứ hai của thiền. Tánh ý chỉ cái trí tuệ sẵn có, đang tiềm ẩn im lìm trong tất cả chúng sanh, tức gọi là Phật tánh. Phật theo tiếng Phạn có nghĩa là "Bậc giác ngộ." Những ai thấy được Phật tánh tức người đó đã giác ngộ. Tuy nhiên, nói thì dễ, còn thực hành mới là khó, bởi Phật tánh đã bị chôn vùi, che lấp qua nhiều lớp từ vô thủy kiếp, khiến tánh thanh tịnh vốn trong sáng nay bị mờ tối đi. Dụng công tu hành không những là để dừng bớt những lớp che lấp, mà nó còn giúp khai mở, khoan đục mạnh mẽ xuyên thủng những màn lớp tối tăm, hầu phơi bày nguồn trí tuệ.
Vì tham, sân, si, mạn và nghi, chất chồng từ vô lượng kiếp qua, nên chúng lưu lại những cặn cáu mà chúng ta phải gạn lọc loại trừ. Tu đạo là tiến trình để giải quyết vấn đề nầy. Nhất thiết không phải là Thầy tu mới làm được, cũng không đòi hỏi về tuổi tác, nam, nữ, màu da chủng tộc, vì Phật tánh đâu có những sai biệt nầy. Có đòi hỏi chăng chỉ là tấm lòng thành, thanh tịnh với ý nguyện cầu chấm dứt sanh tử và cứu giúp chúng sanh. Dù bất cứ ai, một khi nỗ lực tu hành thành công là thấy tánh, là thành Phật.
Ngày 12 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Chúng tôi hiện đang ở bìa rừng, cách năm dặm vùng Legget, nơi đường lộ dọc ven biển cắt tréo nhau và chấm dứt tại quốc lộ US 101. Quả Hồi vẫn còn ở lại cùng chúng tôi lễ bái. Tối qua anh ta chọn được một địa điểm thật tuyệt. Nền đất như được quét sạch sẽ, chung quanh toàn là cây lá. Nhưng nơi nầy cũng đã để lại một kỷ niệm vui vui. Nhân là đêm đó sau khi dựng lên hai chiếc lều, chúng tôi cùng ngồi thiền, rồi pha nước chocolate nóng. Bỗng nhiên cơn mưa bão khủng khiếp nhất trong năm ào ào ập đến. Chúng tôi hối hả mau chui lẹ vào lều và kéo chặt cửa lại. Trận mưa xả xuống như súng máy rỉa đạn. Chẳng bao lâu, mọi chỗ trong lều đều bị nước thấm rỉ vào, giống như đang bập bềnh lạc loài trôi trên biển trong cơn bão táp. Chúng tôi ngồi cả đêm để tát nước ra ngoài. Mãi đến lúc mặt trời gần hé dạng và mưa cũng bớt đi phần nào, tôi liều lĩnh bước ra khỏi lều để quan sát tình hình. Trời ơi! Chúng tôi dựng lều để ngủ ngay trong lòng con rạch. Lúc nầy mực nước đã dâng lên khoảng sáu tấc. Chúng tôi lẹ làng lo thâu dọn đồ đạc bị ngấm ướt, rồi đi thẳng xuống phố tìm tiệm giặt để sấy khô. Qua trận nầy đã cho chúng tôi bài học là từ đây Quả Hồi sẽ không bao giờ được phép tìm chọn địa điểm để cắm lều nữa.
Ngày 13 Tháng 12 năm 1973. Hằng Do viết:
Vì trận bão dữ dội vẫn tiếp tục nên chúng tôi nghỉ lạy một ngày ở vùng Leggett. Quận nầy vẫn được tồn tại vì là nơi giao điểm giữa xa lộ Một và tuyến đường US 101. Chúng tôi được một ngày để sửa chữa đồ đạc và hành thiền.
"Giáo Thọ Biệt Truyền" là điểm thứ ba của thiền môn. Tức là sự chứng nhận truyền tâm ấn của các Tổ từ xưa đến nay. Ngôn ngữ không thể diễn tả hết bản chất thâm sâu của diệu pháp - là thể hiện cảnh giới hiện hữu của đức Phật - nên phải dùng pháp tâm truyền tâm. Việc nầy cũng giống như làn sóng của máy radio truyền đi, người nghe chỉ bắt nhận được nếu cẩn thận rà đúng tần số của nó. Cũng đồng giống như nếu một người tinh tấn tu đạo và hành trì giới đức, thì người đó tự nhiên sẽ vặn đúng đài và có khả năng tiếp nhận sự ấn truyền từ vị thánh giác ngộ.
"Bất Lập Văn Tự." Chân tâm mà đức Phật diễn tả trong kinh Lăng Nghiêm qua ví dụ một người, muốn chỉ cho bạn thấy được mặt trăng tròn đầy, bèn dùng ngón tay mình để chỉ mặt trăng. Nhưng người bạn hiểu lầm, cứ tưởng ngón tay là vật để chú ý nhìn. Như vậy là ông bạn nầy đã hai lần bị lầm lẫn: đã không thấy được mặt trăng thật nên không hiểu được cái dụng của ngón tay. Ngón tay chỉ hướng, không phải là mặt trăng, cũng như ngôn ngữ, văn từ dùng để diễn tả hay biểu hiện cái tánh giác sẵn có của chúng ta, chớ tự nó không phải là sự giác ngộ. Cho nên ta phải cẩn thận, không nên dựa chấp vào ngôn từ là tột đúng là chân thật, rồi cho đó là sự siêu việt căn bản của Phật tánh thanh tịnh. Vậy Bất lập Văn Tự là quan điểm thứ tư trong tông thiền.
Mưa ngừng bão tạnh. Chúng tôi dựng lều ở ngọn đồi, phía trên con lộ đang được khai khẩn, dưới ánh sáng trăng tròn tỏa chiếu. Hy vọng rằng tất cả chúng ta sẽ thấy được mặt trăng thật, và đừng lầm lẫn xem ngón tay chỉ hướng là nguồn ánh sáng của mình.
Khó tin quá vì chúng tôi đã đi qua hơn 225 dặm đường rồi.
Ngày 14 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Do viết:
Xe cộ qua lại thật tấp nập trên xa lộ 101! Chúng tôi tạm nghỉ chân dưới một tàng cây bên vệ đường. Những chiếc xe nhà, xe vận tải chạy vùn vụt lướt qua, với những bánh xe quây tròn trên mặt lộ đen bóng khiến nước dưới đường bắn văng tung tóe. Nước quến thành bùn chèm nhẹp trải trên mặt đường cho chúng tôi lễ lạy qua.
Bùn nhắc tôi nhớ lại bài học đầu tiên được học về tánh tham, cũng liên quan đến sân và si. Lần đầu tiên xa nhà đi cắm trại hè ở Maine lúc tôi khoảng chín tuổi. Một hôm tôi thấy có đám con trai đang tụ tập phía trước trại, bọn chúng đang cười nói la lối, chỉ trỏ vào cái hầm ở phía dưới tòa nhà. Vì lòng hiếu kỳ không biết đang có chuyện gì, nên tôi mon men tới gần xem thử. Một đứa có hàm răng to tướng nói: "Có đồng 25 xu ở dưới đó! Thấy nó nằm ngay chỗ đó không?" Thời bấy giờ, 25 xu có thể mua được năm cây kẹo to mà anh bán kẹo thường đến sau mỗi buổi cơm trưa. "Ừa thấy!" Tôi đáp láo.
Lòng tham trổi dậy, không cần đợi ai xúi giục, tôi tự động bò xuống dưới hầm để lượm tiền. Nghe tiếng bọn chúng cười ầm lên khi tôi chầm chậm bò vào bóng tối, và mò mẫm đến chỗ mà tôi nghĩ là tiền đang ở đó. Tôi làm ngơ bỏ mặc những tiếng cười khúc khích, vì chỉ biết có kẹo đang ở trước mắt thôi. Bỗng nhiên bị trược tay, rồi Ùm! Tôi té úp mặt xuống bùn. Thì ra chỗ nầy vốn được mấy nhánh cây thông phủ che lên. Khi nghe tiếng chúng phát cười ầm lên, tôi mới vỡ lẽ là mình bị gạt. Bò ra khỏi hầm, tôi trơ trẽn đưa mặt ra cho chúng tha hồ cười đùa chế nhạo, nhảy múa, chỉ trỏ, reo hò. Mình mẩy từ đầu tới chân toàn là bùn sình. Tôi bắt đầu quờ quạng quơ tay, quơ chân khi chúng xúm lại gần. Thấy vậy, chúng nó càng thêm khoái chí. Cuối cùng tôi ngồi bệt xuống đất, rồi òa khóc tức tưởi.
Ðó là bài học đầu tiên về Tham, Sân, Si mà tôi sẽ không bao giờ quên!
"Ê Do!" tiếng Thầy Hằng Cụ réo gọi kéo tôi về thực tại. "Sao đệ không đi trước tìm xem có chỗ nào khô ráo để bỏ neo không?"
Ngày 15 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Ðoạn đường xa lộ nầy được khoét vạch từ cái rãnh sâu của vách đá thẳng đứng, là chỗ bắt nguồn của con sông Lươn (Eel River) qua nhiều thế kỷ. Nó chạy ngoằn ngoèo xuyên qua vùng đất trải dài với hàng trăm cây hồng mộc (redwood), và vì hình dạng giống như con lươn, nên được đặt tên là sông Lươn vậy. Mặt đường vừa hẹp lại vừa cong queo, thêm xe cộ qua lại nhiều hơn so với Xa Lộ Một.
Hồi, nghĩa là "trở về," hôm qua đã trở về San Francisco. Tôi và Thầy Hằng Do lại gọi điện về chùa báo cáo tiến trình. Lần nầy Sư Phụ khuyên chúng tôi chớ thức khuya phí sức bàn cãi vòng vo với những người mời về nhà. Ngài còn dạy thêm rằng, nếu chúng tôi thành tâm lễ bái thì sẽ không có mưa nào đổ trút xuống đâu. Ðó là những lời mà chúng tôi bây giờ cần phải nên suy ngẫm.
Hôm nay chúng tôi lạy được năm dặm, hiện dựng lều trên khoảng đất trống phía bên đường. Gần bên có con suối chảy róc rách, và một đóng gỗ bách hương chẻ sẵn của vị hảo tâm nào đó đã bỏ lại đây. Thầy Hằng Do đang ngồi thiền trong lều. Mặt trời dần dần khuất bóng, tôi mặt vội chiếc áo ấm và ngồi trong tư thế kiết già cạnh đóng lửa trại. Trong lúc nầy, nếu tôi, như hầu hết những người Mỹ sau một ngày dài làm việc, có thể đang ngồi bên mâm cơm chiều thịnh soạn. Có lẽ sau đó tôi sẽ lo cho các con đi ngủ, rồi tự mình ngồi nhâm nhi giải trí với mấy lon bia (beer) trước màn ảnh truyền hình cho tới giờ lên giường ngủ. Rồi sau một đêm dài ngủ nghỉ, tôi sẽ thức dậy để bắt đầu làm lại tất cả, y hệt như ngày hôm qua. Nhưng không đâu! Vì tôi hiện đang ngồi trên triền đồi của khu rừng xa lạ. Phía dưới đồi vang lên tiếng nước chảy ì ầm từ hố rãnh. Và phía bên trên ánh trăng mùa đông lờ mờ rọi chiếu xuống trần gian đang mê ngủ. Giờ đây ngọn lửa trại đã lụn tàn, chỉ còn sót lại mấy cục than hồng, nhưng tôi cảm thấy sức nóng từ dưới chân chạy lan dần lên xương sống. Bao tử đang trống rỗng, nhưng tôi không thấy đói, chỉ cảm thấy ngọn gió đêm nhè nhẹ phớt qua đôi gò má phừng đỏ của tôi.
Ngày 16 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Do viết:
Khi đi ngang nhà hàng Hoffman, chúng tôi được ông bà Hoffman tặng nước trà nóng và một khúc phô-mai (cheese). Trời lại đổ mưa. Tuy sáng nay nhiệt độ xuống tới 20 độ F (tức trừ 6.6 độ C), nhưng thân thể chúng tôi cũng đã quen với thời tiết nầy rồi. Con đường có vẻ khác hẳn với xa lộ Một, tuyến trình dọc theo bờ biển. Xa lộ Một thì hầu hết là đường hai chiều, chạy uốn cong theo vách núi, xuyên qua mấy con sông. Ðồng thời nó lại là đường lộ chánh của hàng trăm quận nhỏ, nhưng lại thường có vấn đề nước bị ứ đọng và sình lầy. Ðặc biệt là vào mùa đông, xe cộ qua lại cũng ít thôi. Trong khi quốc lộ US 101, mới đúng là đại lộ, vì mặt đường rộng rãi hơn và có rất nhiều xe cộ. Nó lại là đường giao thông chánh giữa các tiểu bang California, Oregon và Washington. Vô số các loại xe như xe hàng chở gỗ, xe vận tải, xe buýt, xe cắm trại và xe chở hành khách. Ðoạn đường nầy mang tên Xa Lộ Hồng Mộc (RedWood Highway), vì nó chạy dọc theo hàng bao nhiêu mẫu đất với chỉ toàn độc nhất loại cây hồng mộc to lớn phi thường. Lại có tấm bảng lớn đăng quảng cáo những chỗ nghỉ ngơi tiện nghi, các nơi giải trí với nhiều sự thu hút du khách đến xem cây, như bạn có thể lái xe xuyên qua một thân cây và có một căn nhà cất lên chỉ toàn bằng gỗ hồng mộc.
Tôi chợt nhớ đến bài thơ của vị Thiền sư Trung Hoa, cách nay đã mấy trăm năm về trước:
Nhập thâm sơn, trú lan nhã
Sầm ngâm ư thúy trường trùng hạ
Ưu du tĩnh tọa dã tăng gia
Quých tịch an cư thực tiêu sái
Nghĩa là:
Vào rừng sâu, ở lan nhã
Núi dựng tùng già ôm bóng cả
Thong dong ngồi tịnh mái chùa tranh
Cảnh lặng lòng yên thanh thoát lạ.
(Trúc Thiên dịch)
A-Lan-Nhã là nơi an tịnh của những vị tu hành. Một mình trong rừng núi thâm sâu, rời xa trần tục. Ðây không có ý nói về thân xác, mà có thể hiểu là biểu hiện về cảnh giới tâm linh. Sau khi đạt đạo, vị sư nầy sẽ an trụ một nơi tịch tĩnh, lặng yên như chính tâm Sư. Một mực không hề rung động bởi những thăng trầm của vận mạng: Vì Sư đã hoàn toàn tự chủ được vấn đề sanh tử của mình.
Chúng tôi chầm chậm đi dọc theo bờ sông với dòng nước đang chảy xiết. Cách diễn tả về cảnh giới tâm linh của vị Sư giác ngộ đã cho tôi một sự sáng tỏ mới mẻ hơn.
Sau một ngày ướt át, chúng tôi cắm trại ở Smith Redwood Grove. Có bảng cấm không cho cắm trại, nhưng ở đây chẳng có ai đến đuổi xô chúng tôi đâu! Ẩm ướt quá thật khó mà nhúm lửa được.
Ngày 17 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Bão tố vẫn tiếp tục cơn thịnh nộ, và mực nước dưới sông Eel từ từ dâng cao. Nếu thời tiết cứ theo đà nầy mà không chịu ngừng thì thế nào cũng có chuyện lớn. Chúng tôi đang trên đoạn đường nguy hiểm nhất trong chuyến du hành. Ðường lộ như thâu hẹp lại hơn bao giờ hết, vì nó bị những cây Redwood to lớn dềnh dàng chòm hẳn ra lề đường. Sợ bị đụng nên Thầy Hằng Do nhiều lần phải lôi chiếc xe kéo tránh né những chiếc xe vận tải chạy ào ạt ngang qua. Những khi đương đầu với khó khăn, tôi thường nghĩ đến mấy câu thơ mà Sư Phụ thỉnh thoảng ngâm nga:
Tánh định ma phục triều triều lạc
Vọng niệm bất khởi xứ xứ an.(Bất vọng tâm không xứ xứ an)
Nghĩa là:
Tánh định, ma thua, thời thời vui,
Vọng niệm không khởi chốn chốn an.(Chẳng vọng, tâm không chốn chốn an)
Tánh định: nghĩa là định lực, có khả năng giữ vững tập trung, hiểu biết và tỉnh thức trong mọi hoàn cảnh. Nó có thể phát triển đến mức vô hạn. Ðịnh không có nghĩa là cố định ở một sự vật riêng biệt nào, mà là tâm ở cảnh giới tập trung thật mạnh mẽ. Nó sẽ Tùy duyên bất biến, nghĩa là tùy hoàn cảnh, nhưng vẫn giữ nguyên căn tánh không hề thay đổi.
Như bọn ma quỷ, chúng có thể là nội ma hoặc là ngoại ma, và ai cũng có thể thành ma quỷ. Bọn nầy có thể biến hóa trăm phương ngàn cách để thử thách người tu đạo, vì chúng vốn không ưa nhìn thấy kẻ tu hành. Ngay cả đến bạn thân cũng có thể là bọn ma vương. Thế giới ngày nay có rất nhiều loại ma quái giả danh thầy tu. Có một số còn có vẻ tàm tạm, nhưng có số khác thật là điên đảo vô cùng. Họ trổ tài khéo léo để xoay chuyển lệch lạc giáo lý nhà Phật, nhằm che dấu những lý lẽ tà kiến với những phương pháp tu tập sai trái của họ. Mặc dầu ngay chính họ còn mù mờ về giáo lý căn bản của nghiệp lực, vậy mà cũng vẫn bày vẻ hướng dẫn những kẻ tín đồ đọa lạc xuống đường của ngạ quỷ, súc sanh và địa ngục.
Bất vọng: Hiện nay ở Phương Tây có rất nhiều phương pháp chỉ dạy tu thiền, nhằm giúp mọi người sống thoải mái, đồng thời bắt kịp lối sinh hoạt ở đời, nhưng lại không hướng dẫn gì về sự giải thoát cứu cánh cả. Thật ra mục đích tối hậu của tu thiền là phải chấm dứt sanh tử luân hồi, dẹp bỏ những dòng vọng tưởng và các vướng mắc của tình ái.
Tâm không: Khi nào tâm không còn phiền não, chấp trước, vọng loạn, cùng những tri kiến ích kỷ, thì người đó mới có thể thật sự nói là tâm không. Chữ "Không" được dùng trong Phật giáo là từ tiếng Phạn "Shunyata." Nó không có nghĩa là trống rỗng như cái lon không, mà có nghĩa là tâm không bị ràng buộc hay bị giới hạn, nó hoàn toàn không bị chướng ngại. Lúc bấy giờ tâm thực thể sẽ hiển hiện. Cho nên khi vọng niệm chẳng khởi và tâm không thì chỗ nào cũng an lành.
Tối đến, chúng tôi tìm được căn chòi nằm bên mé sông về hướng bắc vùng Piercy. Lửa trại được nhúm lên để hong khô đồ đạc và pha một ít sữa nóng. Giờ đây chúng tôi ngồi yên, lắng nghe âm vang phẫn nộ của cơn mưa tầm tả.
Ngày 18 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Do viết:
Nhiệt độ mấy lúc sau nầy thường là 20 độ F (trừ 6.6 độ C), nhưng khi gió thổi mang theo hơi lạnh lại càng buốt giá hơn.
Hành giả trong thời gian dụng công tọa thiền, có thể cảm nhận sự tỏa nhiệt ở đan điền, phía dưới bụng, từ từ dẫn truyền đi khắp tứ chi. Ðây có thể gọi là "Hỏa Tam Muội." Nhiều năm trước, Sư Phụ chúng tôi phát triển công năng về thiền định nên từng kinh nghiệm được Lửa Tam Muội nầy. Ngài có thể đi chân không trên lớp tuyết dầy vùng Ðông Bắc (Manchuria), và có lần Ngài ngồi xe ngựa chạy hàng mấy giờ vào mùa đông lạnh rét dưới 0 độ mà chỉ mặc ba lớp áo mỏng manh. Lần nọ, có vị Sư trẻ khi thấy Ngài đi chân trần trên tuyết, nên cũng muốn thử, nhưng kết quả là bị bệnh sáu tháng trời không đi đứng được.
Trung Hoa thời xưa, có vị Ðạo sĩ đến thăm bạn tên là Lưu Trường Xuân. Khi được mời dùng trà, ông liền nói:
"Trà! Sao mà sang quá vậy! Tôi ở trên núi, nhiều lúc ngay cả nước còn không đủ uống nữa đó!"
Vị chủ nhà họ Lưu nghe vậy bèn lấy một nồi nước lạnh để trên bụng mình và làm cho nước sôi lên. Ông khách thấy vậy thất kinh, vô cùng xấu hổ khi nghĩ lại, thấy mình hãy còn thua kém, tu hành chẳng ra chi. Rồi từ đó quyết tâm nỗ lực tiến tu, không còn dám khinh thường mỉa mai kẻ khác.
Phải nói rằng người tu đạo không phải với mục đích là để khai triển Hỏa Tam Muội, hay muốn có được bất cứ sự diệu dụng gì. Song nếu trong lúc dụng công, năng lực tự phát thì ta chỉ nên dùng chúng vào những việc lợi ích cho cả mình và người khác. Nếu không như vậy, chỉ dụng tâm tu hành cốt để được thần thông thì cũng như nhận lầm nhánh ngọn là gốc rễ.
Mai nầy chúng tôi sẽ qua ranh giới quận Mendocino Humboldt.
Ngày 19 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Mưa bão vẫn kéo dài. Lại một lần nữa chúng tôi như đang lặn hụp theo xuống đáy biển. Những lúc như vậy, không cần dùng lời lẽ gì để diễn tả, tốt hơn là cứ chấp nhận tất cả những quang cảnh oai nghiêm tuyệt vời của chúng thôi.
Khi còn ở Tiềm Thủy Ðỉnh "Khối Ðá," hạm đội số 5 của chúng tôi có câu châm ngôn: "Khám phá, Tấn công, Phá hũy." Những từ ngữ nầy có thể đem áp dụng để tự tu thì rất hay. Trong đó cuộc chiến nội tâm xem như không bao giờ chấm dứt được, vì chúng ta phải lo hàng phục mọi kẻ thù. Nếu nói về sự chiến thắng cá nhân thì không có gì là quá đáng. Như trong Phật giáo, chữ "Thắng" thường được dùng đi dùng lại hàng ngàn lần. Nó có nghĩa là sự chiến thắng cao quý bậc nhất. Trong việc truy tầm và phát triển tánh giác, chúng ta phải thật thận trọng mới có thể khám phá, tấn công và phá hủy được những hạt giống ác nghiệp, đồng thời chận đứng những dòng loạn tưởng. Chúng ta cần phải đánh bại những xu hướng vướng mắc ngoại cảnh. Xem như lúc nào cũng tự chủ được tâm mình, để bất kỳ chuyện lớn nhỏ gì cũng chẳng khiến ta động lòng. Ðồng thời ta cũng có thể thấy biết tất cả, nhưng tâm không chấp mắc, bác bỏ, tính toán, phân loại, lý luận, hay xúc cảm. Trong những hoàn cảnh như vậy mà thật giữ được thanh tịnh không ô nhiễm và không bị che mờ bởi những thành kiến sai quấy của mình, thì cuộc đời sẽ trở lại tuyệt vời mầu nhiệm biết bao.
Buổi sáng khi chúng tôi đi ngang qua quán cà phê gần trạm xe hàng, chợt nghe hai chú tài xế đang chuyện trò:
"Ừa phải đó! Ken, nó đang cầu nguyện cho xe hàng cán lên nó cho rồi! Ha, ha, ha!"
Dưới cơn mưa như trút, chúng tôi dùng cơm trưa ở khu cắm trại bên đường. Có mấy anh chạy xe mô tô ngang qua nhìn, tưởng chúng tôi là một lũ khùng. Tuy cả ngày khốn đốn lễ lạy trong mưa, và bị những xe chở gỗ khổng lồ theo bên gót, cuối cùng, chúng tôi cũng cắm trại được ở Richardson Grove Camp Ground.


Ngày 20 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Chỉ còn 5 dặm nữa là tới vùng Garberville. Bây giờ muốn tránh cũng không được, vì không có tuyến đường nào khác hơn nên chúng tôi phải tiến ra đại lộ. Thế là cứ ngay trên đại lộ (freeway) mà lễ lạy. Mấy ông cảnh sát công lộ chắc cũng thông cảm, nên chẳng thấy đến hỏi han gì hết. Thật không ngờ, đại lộ quả là chỗ lễ lạy an toàn nhất so với những lộ trình đã qua, vì lề đường ở đây rộng rãi hơn và lại cách xa xe cộ hơn.
Sáng nay có bà trên chiếc Lincoln lớn, chạy rà rà đến và ngừng lại bên tôi. Bà nầy thuộc kiểu người không thích bước ra khỏi xe mà chỉ muốn chạy tới chạy lui, đến khi giao thiệp làm ăn thì chỉ cần nhận nút cửa kiếng xe xuống rồi nói vọng ra. Ðành chiều ý bà nên tôi ngưng lạy. Dưới mắt bà tôi như kẻ trở về từ cõi âm ty. Sau vài câu trao đổi xã giao, bà tặng tôi cuốn Thánh Kinh và hỏi:
"Lễ lạy như vậy có dính líu gì đến thực tế hiện tại không?"
Tôi đáp: "Lễ lạy chính là thực tế hiện tại đó!"
Rồi tôi giải thích về một trong những mục đích của lễ lạy là sự quán tưởng thực tế như chính thực của nó. Tôi nghĩ bà nầy chắc thích nghe về những sinh hoạt thực tế trong đời sống hằng ngày hơn như: Bữa ăn sắp tới là từ đâu đến và ngủ nghỉ ở đâu? Nhưng ý tôi muốn nói về cái thực tế cứu cánh. Tại sao không nói về vấn đề nầy chớ?
Vóc dáng sang trọng của bà trông rất giống nữ tài tử Elizabeth Taylor, hình như bà cũng tin tưởng về sự ích lợi của linh hồn khi lưu tại cung thứ tám (Scorpio) của Hoàng Ðạo. Tôi kể câu chuyện về máy truyền hình. Tất cả những hình ảnh tài tử và cảnh vật được chiếu lên trong máy là hiện tượng đến hay đi, cũng giống như những hình ảnh trong giấc mộng vậy. Nhưng màn ảnh Ti Vi, tự nó chính là thực thể, vẫn giữ y nguyên cái hoàn toàn bất động, mặc cho mỗi ngày, hàng ngàn hình ảnh thay phiên tới lui. Tâm con người cũng giống như vậy. Nếu chúng ta cứ bắt đuổi theo những hình ảnh trong đó thì cũng chỉ là hết vở kịch nầy lại tiếp đến vở kịch khác, hết đời nầy tiếp nối đời sau và cứ thế tiếp tục không khi nào kết thúc. Nhưng nhờ tu hành chúng ta có thể trở về nhận diện nguồn gốc của thực thể, rồi từ đó vượt khỏi những hạn cuộc của thế gian, mặc dù ta vẫn hiện diện trong đó. Chúng ta sẽ liên kết được bốn đặc tính cao quý của Niết Bàn: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, là căn nhà thật sự của mình. Tâm ví như cái truyền hình có thể hàm chứa thiên hình vạn tướng, nhưng gốc căn bản của nó vẫn là lặng yên bất động.
Bà cung kính chăm chú lắng nghe, đợi tôi dứt lời mới ra hiệu cho tài xế chạy đi.
Vợ chồng Quả Quý, Quả Chung Bạch, cùng con gái là Quả Phong từ San Francisco đến. Họ nấu món ăn Mễ Tây Cơ (Mexico) ngay bên lề đường cho chúng tôi dùng trưa. Buổi chiều, sau khi lạy được năm dặm, ông bà họ Bạch trở lại rước chúng tôi về căn nhà họ mới mướn được. Trước khi đi ngủ, chúng tôi có giảng một bài pháp ngắn cho họ nghe.

Ngày 21 Tháng 12 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Sáng nay chúng tôi trở ra đường thật sớm. Buổi trưa ông bà Bạch lại đến, sau khi chuẩn bị cơm trưa cho chúng tôi, họ mới trở về San Francisco. Khi lạy đến vùng Garberville, nhiệt độ lại xuống đến 20 độ F (- 6.6 độ C).
Mấy hôm trước, khi gọi về thưa chuyện, Sư Phụ có bảo chúng tôi trở về tu viện để dự hai tuần lễ thiền thất mùa đông. Thật ra chúng tôi chỉ muốn tiếp tục chuyến bái hương, nhưng cũng khó mà chối từ lời kêu gọi đó. Thế nên chúng tôi phải đi xe buýt về, dự định rằng khi khóa thiền viên mãn sẽ trở lại Garberville tiếp tục. Hiếm lắm mới được đặc ân dự thiền thất và nhất là được vị Cao Tăng tài đức riêng biệt kêu mời. Ðây cũng là dịp để tu bổ chiếc xe kéo và dụng cụ cắm trại. Ðêm nay chúng tôi ngủ trong căn nhà hoang ngay giữa quận và mai nầy sẽ đón xe buýt về San Francisco. Khí trời mùa đông lạnh rét, càng làm chúng tôi nôn nả với chuyến trở về.
---o0o---



tải về 2.46 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương