Nguyên Bản: Three Steps One Bow Tập hồi ký của Thích Hằng Cụ & Thích Hằng Do


Chương II - Từ GARBERVILLE đến COOS BAY



tải về 2.46 Mb.
trang6/21
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích2.46 Mb.
#37895
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21

Chương II - Từ GARBERVILLE đến COOS BAY



Ngày 7 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:
Hai tuần thiền đã viên mãn, chúng tôi lo khăn gói lên xe buýt, trở lại vùng Garberville.
Tu sĩ thời xưa ở Ấn Ðộ thường là đi khất thực. Họ có thể đi khắp mọi nơi, từ nơi nầy đến nơi khác, hành trang không gì ngoài hơn là một bình bát và con dao cạo. Ðể tỏ lòng kính ngưỡng, các Ngài thường tìm đến những thánh tích, chùa tháp để lễ bái và học hỏi giáo lý từ những vị Sư giới đức siêu phàm. Nhưng vào mùa mưa, đường xá lầy lội rất khó đi, lại là mùa của đám côn trùng sanh sản, nếu hành giả không để tâm chú ý thì không tránh khỏi đạp dẫm lên chúng nó. Do đó, đức Phật dạy người tu nên tụ họp an cư ở một nơi để cùng nhau học tập giáo lý và hành thiền. Thời gian trôi qua, dần dần những nơi hội tập đó đã trở thành tu viện, danh từ mà ngày nay chúng ta vẫn thường gọi. Theo truyền thống, những tu sĩ cùng hội lại trong một thời gian để gia công tu tập, căn bản là khóa tu thiền. Ngày nay, mỗi năm tại các tu viện cũng thường tổ chức những khóa thiền thất, với thời gian mỗi kỳ là bảy ngày hoặc lâu hơn. Khi khóa thiền bắt đầu, tất cả sinh hoạt thường nhật ở tu viện đều tạm ngừng cho đến khi thiền thất hoàn mãn. Trong thiền đường ở Trung Hoa, nếu thiền sinh lén mang theo dù chỉ một cuốn kinh và bị bắt gặp sẽ bị khiển trách nặng nề. Vì hành động đó, chứng tỏ vị nầy đã không thật nghiêm mật tập trung vào việc tham thiền. Theo thời khóa mỗi ngày đều có Giảng Sư dạy phương pháp hành thiền. Ðó là môi trường hoàn hảo cho những ai thật muốn phá tan bức màn vô minh.
Chúng tôi rất hoan hỷ khi tạm dừng chuyến du hành để tham dự khóa thiền thất vừa qua.
Ngày 8 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Tại Garberville: Năm mới lại đến cũng như chuyến du hành được bắt đầu trở lại mới mẽ. Sau hai tuần thiền và những bài pháp đã lưu lại niềm phấn khởi trong lòng chúng tôi. Trở lại ngoài nầy với cảm giác vô cùng phấn khởi, như được hội diện và gắn liền với nguồn thần lực oai hùng đang gia tăng. Chúng tôn chỉ là một phần của nó. Sự diệu dụng nầy đến từ vị Tôn sư, từ trong chúng ta và từ những người mình gặp. Hơn thế nữa, tôi bắt đầu biết ơn về những lời dạy thật hữu lý của Ân Sư:
"Con phải học cách để chuyển đổi thế gian, đừng để thế gian chuyển đổi con."
Nào ai biết được những gì thử thách gay go đang nằm chờ phía trước? Tôi cảm thấy sẵn sàng đối diện với chúng trong tinh thần bình đẳng và chừng mực .
Chẳng những tinh thần chúng tôi được hăng hái thêm lên mà cả dụng cụ hành trang cũng được tốt hơn. Buổi tối trước khi rời chùa, Quả Quy Nicholson đã thức suốt đêm ở xưởng gỗ của anh tại Blue Peter Company, để tu bổ toàn bộ chiếc xe kéo cho chúng tôi. Anh dùng thép, hàn dính những vòng sắt vào mấy chỗ yếu cho chắc chắn. Mấy cây căm bánh xe cũng được niền quấn chặt thêm, phòng khi quẹo gấp. Anh còn gắn thêm tay lái để dể điều chỉnh nương theo chiều sức nặng của xe mà xoay trở.
Hiện đã đi được hơn 200 trăm dặm, còn 135 dặm, thẳng một lèo theo đường chim bay thì sẽ tới ranh giới vùng Oregon. Ðể tránh đại lộ (freeway), chúng tôi sẽ đi ngang qua đường Giant Avenue, chạy dài uốn quanh theo sông Eel về hướng đông.
Ngày 9 tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:
Chúng tôi qua khỏi vùng Garberville, khoảng 250 dặm về hướng bắc San Francisco, rồi trở ra con lộ cũ dẫn đến Redway. Một em khoảng mười tuổi vừa bước xuống xe trường (school bus), giương to đôi mắt hỏi:
"Như vậy là mấy ông đã làm như thế suốt mãi từ Garberville lận à?" (tức khoảng một dặm rưỡi).
Lúc xế chiều, có chiếc xe trường màu xanh của hội đoàn Môi Sinh Học vùng California, từ từ chạy tới và ngừng lại bên lề. Hai người đàn ông bước ra trong bộ đồ công nhân đã sờn cũ.
"Chào ông! Chúng tôi có nghe nói về chuyến hành trình của mấy ông, có thật là mấy ông đã đi tận từ vùng Los Angeles đến đây không?"
"Không phải, từ vùng San Francisco!"
Ông có mái tóc dài, đưa ra một tràng câu hỏi như: Mấy ông ăn ở đâu, ăn những gì và sẽ đi về đâu? Ông kia lớn tuổi hơn, có vẻ trầm tư, chửng chạc hỏi: "Tại sao mấy ông làm như vậy?"
Tôi đáp: "Hành hương là lối sống của những người tu sĩ Phật giáo ở xứ khác và chúng tôi thực hành theo truyền thống đó, nhưng có phần tân thời thôi. Vì ở đây chưa có tu viện cho tu sĩ du phương, nên chúng tôi phải ở trong lều."
Ông lại tiếp: "Nhưng tôi thấy ông và người bạn lạy lên lạy xuống hì hụp. Mấy ông phải hành hương theo cách như vậy sao?"
Tôi nói về điểm trọng yếu của động tác lễ lạy, cả hai về điệu bộ và lòng tôn kính đều là phương cách thuộc về thiền. Ông ấy chống cằm lắng nghe. Hình như vừa muốn lên giọng phản đối điều gì thì tài xế xe buýt nhấn kèn ra hiệu bảo họ lên xe. Trước khi xe chạy, họ còn chúc lời may mắn và hy vọng chúng tôi sẽ thành công.
Trời gần tối, tôi chuẩn bị dựng lều gần phía ngã tư đường cũ và đại lộ. Ngày mai chúng tôi chỉ lễ lạy một đoạn ngắn trên đại lộ và sau đó sẽ theo con đường Giants.
Ngày 10 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do Viết:
Sáng nay khi thức dậy, thấy hơi nước trong lều đóng đặc thành băng giống như chúng tôi đang ở trong động nước đá màu xanh đậm. Sư huynh Hằng Cụ mang theo bao tay đi thẳng về hướng cũ để lạy. Còn tôi lo hạ lều và sắp đặt đồ đạc, đồng thời ráng ghi nhớ trong đầu là sẽ đem phơi lều vào buổi cơm trưa nếu có nắng. Mỗi ngày giữa khoảng thời gian dọn dẹp thu xếp và khi đi ra để bắt kịp Sư huynh, tôi đều trì chú Lăng Nghiêm. Thời gian mỗi lần trì chú chỉ khoảng mười lăm phút. Lúc đầu tôi thử vừa niệm chú vừa hạ lều, nhưng không được vì những dòng tư tưởng phân biệt về việc thu xếp đồ đạc v.v... cứ lảng vảng xen lẩn vào bài chú. Nhưng sáng nay, trong khi đi dọc theo xa lộ vắng, bài chú như tự động phát ra thật trôi chảy.
Pháp trì chú thuộc về Mật Tông của Phật giáo, là sự trì đọc những từ ngữ đã được tiếp truyền qua nhiều thế hệ từ những bậc cao tăng giới đức. Tác dụng của sự trì chú nầy ảnh hưởng theo mỗi trình độ khác nhau. Cũng giống như việc tham thiền, liên tục dụng công thì tâm được an định. Chuyên hành trì như vậy sẽ phát sanh một năng lực rõ ràng để tiếp liền với những công việc trần tục của đời sống hằng ngày trong lãnh vực tinh thần. Khi một người bắt đầu nhận ra được sự liên hệ mật thiết giữa những cảnh ngộ, họ sẽ tự phát sanh nghi vấn về nguồn định lực bao la vốn tiềm ẩn, chỉ chờ đợi một cái vỗ nhẹ thôi thì họ sẽ hốt nhiên sáng tỏ. Ngoài ra còn rất nhiều bài chú khác để trì tụng, nhưng bài chú dài nhất, thần lực nhất chính là chú Lăng Nghiêm.
Trong kinh Lăng Nghiêm diễn tả nguyên do đức Phật dùng bài chú nầy nhằm để cứu giúp ngài A Nan, vốn là đệ tử mà cũng là em chú bác của Phật. Tôn giả A Nan vì bị chú thuật ma đạo làm mê hoặc, sắp phá giới thể. Ðức Phật biết rõ nên sai ngài Bồ Tát Văn Thù đến nơi đó tụng trì thần chú khiến A Nan thức tỉnh và hối lỗi, rồi đưa cô gái cùng A Nan về gặp đức Phật. Sau đó đức Thế Tôn mới giảng kinh Lăng Nghiêm để chỉ rõ những phương pháp cho ngài A Nan tận tường về năng lực và phương pháp của thiền định (định tâm).
Sư Phụ cũng đã giảng giải kinh Lăng Nghiêm trong khóa đầu tiên, vào mùa hè năm 1968 tại Phật Giáo Giảng Ðường, sau đó bộ kinh nầy được dịch ra tiếng Anh cùng với lời trích giảng bình luận của Sư Phụ. Và ban phiên dịch Tổng hội Phật giáo chuẩn bị phát hành phẩm thứ nhất vào mùa thu năm 1977.
Gần đến giờ nghỉ, chúng tôi được ông bà Connie và Mark Piehl mời về nhà ở Phillipsville nghỉ qua đêm.
Ngày 11 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:
Hôm nay chúng tôi lạy được khoảng đường dài năm dặm rưỡi, ngang qua vùng Phillipsville. Hình như trời lại sắp đổ mưa. Chúng tôi ngủ ở trong kho chứa đồ phế thải.
Chủ tiệm tạp hóa nhỏ của quận thắc mắc không biết chúng tôi làm sao để có đủ thức ăn cho chuyến đi dài đăng đẳng nầy. Tôi đáp là có rất nhiều Phật tử và những người không phải Phật tử cũng thường giúp đỡ thức ăn như bánh mì, trái cây, rau cải và bơ đậu phộng để chúng tôi tiến bước.
Dù những vị thí chủ nầy có hiểu hay không hiểu đi chăng nữa, ý nghĩa của sự thọ nhận cúng dường rất trọng yếu trong đời sống tu sĩ Phật giáo, đã được tiếp truyền từ thời đức Phật, hơn hai ngàn sáu trăm năm về trước.
Ðức Phật cũng dạy về năm pháp quán trong khi thọ thực, nhằm nhắc nhở những vị tu hành đừng bao giờ quên công lao phát xuất thức ăn và mục đích của mình khi thọ lãnh. Thế nên trong mỗi bữa ăn, mọi người đều phải yên lặng cùng nhau để tâm quán tưởng:
1. Xét công nhiều ít vật nầy đến đây.
2. Xét đức hạnh mình tròn khuyết có xứng đáng nhận sự cúng dường nầy không.
3. Phòng tâm lìa lỗi tham sân si là gốc.
4. Thức ăn nầy là thuốc hay để chữa bệnh hình khô sắc héo.
5. Vì muốn thành đạo nghiệp nên thọ chén cơm nầy.
Thật ra chúng ta ít khi nào nghĩ nhớ đến công lao của những người trồng tỉa, để ta có được thức ăn hằng ngày, nhất là từ lúc chúng có mặt tại các siêu thị. Chúng ta đâu biết rằng sau khi canh tác, trồng trọt, gặt hái, rồi lại chuyển vận đến chợ bán, lúc mua về còn phải rửa sạch, xào nấu và bày dọn lên mâm bàn. Tóm lại, pháp quán thứ nhất, quán xét bao nhiêu là công lao vất vả của mọi người cho chúng ta có được bữa ăn nầy.
Thứ hai, kiểm điểm lại đức hạnh cùng những công đức của chính mình để hôm nay thọ nhận thức ăn. Nên thành thật tự hỏi chính mình đã tu hành thế nào có xứng đáng nhận hưởng những kết quả do công lao khó nhọc của kẻ khác tạo ra không? Tu đạo là nhằm mục đích cứu độ tất cả mọi loài chúng sanh, nếu chúng tôi chỉ bề ngoài tu lấy lệ, tức sau nầy sẽ gánh chịu quả báo xấu xa, vì hiện tại giống như kẻ ăn trộm đồ của người vậy. Bởi vậy mới có câu:
Thí chủ nhất lạp mễ
Trọng nhược Tu Di sơn
Thực liễu bất tu đạo
Bì mao đãi giác hoàn.
Nghĩa là:
Hạt gạo thí chủ cho
Nặng bằng núi Tu Di
Ăn rồi chẳng tu đạo
Mang lông đội sừng trả.
Là thế đó, ta sẽ bị tái sanh vào loài cầm thú, ai mà biết được đó chỉ vì lòng tham.
Thứ ba, quán tưởng, ta phải phòng ngừa để tránh lìa tâm tham đắm và những sai trái khác. Mà tham là một trong những ô nhiễm căn bản. Nếu ta không loại bỏ lòng tham thì không bao giờ đạt thành Phật đạo, bởi lòng ham muốn và tham lam che lấp trí tuệ vốn sáng suốt tiềm ẩn trong ta. Trong khi ăn, ta phải ý thức rằng chỉ ăn cho vừa đủ. Cố ăn quá nhiều tức là tham, ví như ngọn lửa bừng lên khi được thêm dầu, và lửa giảm dần khi dầu không còn đủ. Cho nên khi ăn đừng để tâm lơ đểnh mà chẳng quán xét những điều nầy.
Thứ tư, quán xét thức ăn nầy như loại thuốc hay cho thân thể. Vì cần phải tiến tu nên ta lấy sự ăn uống như vị thuốc chánh đáng để nuôi thân. Ðiều quan trọng hơn là hiện nay thức ăn bán sẵn chứa toàn những hóa chất, và chúng đã được biến chế qua nhiều kỹ thuật khó tin khác mà người ta cho là "tiến bộ." Bởi thế, nếu người có trí thì chớ ăn tạp nhạp. Tuy nhiên, đối với những vị đã đạt đạo, dù có ăn uống gì hay không sẽ không còn là vấn đề nữa. Như tổ Bồ Ðề Ðạt Ma, khi ở Trung Hoa, bị bỏ thuốc độc đến sáu lần nhưng Ngài vẫn không hề hấn gì.
Lý do chúng tôi thọ nhận thức ăn từ các thí chủ là để có sức mà tiến tu đạo nghiệp. Ðây là pháp quán thứ năm. Thay vì để tâm chạy loạn, sao ta không biết dùng những năng lực và sức mạnh do thức ăn cho ra, mà quyết chí dụng công để không bị sai đường lạc lối.
Ngày 12 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Dù bị cơn mưa dập vùi trút xuống xối xả, nhưng chúng tôi vẫn lạy được năm dặm rưỡi. Vẫn trên con đường Giants, dọc theo sông Eel đang cuồn cuộn chảy. Chúng tôi dựng lều bên lề đường, cạnh một tàng cây Hồng Mộc (Redwood). Căn lều được dựng lên cũng khá tốt, chỉ trừ có mấy chỗ phía dưới bị nước rịn thấm vào. Kỳ sau tôi sẽ ra sức đào rãnh dẫn nước kỹ hơn.
Lúc nầy nước sông tràn ngập quá sức. Tôi chợt nhớ lời Sư Phụ thường nói: "Tất cả sự vật trên thế gian nầy không ngừng diễn giảng Phật pháp, chỉ cần bạn biết nhận diện ra nó thôi." Ðối với những kẻ đáng thương đang sống ở vùng Weott, Myers Flat và Pepperwood, thì đây nói lên luật nhân quả. Vì từ trong cảnh khổ sở, những người tội nghiệp nầy mới kinh nghiệm được về nghiệp lực, quả báo, đau khổ và vô thường. Họ hoàn toàn tuyệt vọng khi nhìn thấy sản nghiệp mình bị dòng nước cuốn trôi ra biển cả. Ðây cũng chính là dịp cho họ nhìn thấy đức Phật chuyển pháp luân qua hình ảnh của con sông đục ngầu. Cách nay mấy ngàn năm về trước đức Phật đã nói rõ rằng: "Mọi vật ở thế gian như là ánh điện chớp, là huyễn hóa, là một giấc mơ, như là một màn ảo thuật."
Ðối với tôi, sông nầy nhắc nhở đến dòng tư tưởng đang lưu chảy mãi mãi trong tâm. Tiếng Tàu gọi dòng lưu chảy nầy là "vọng tưởng," là thứ vọng vô ích không ngừng phát sanh những phân biệt, chia chẻ, sắp xếp, chúng đập tan gốc thực thể ra thành vạn mảnh vụn. Dĩ nhiên những mảnh vụn vằn nầy cũng trông giống như là thật, và vì những thành kiến sai lầm khiến chúng ta cũng trở thành hoang mang lẫn lộn, rồi tham lam tìm cầu cái mà mình cho là "tốt" và bỏ đi cái mình cho là "xấu." Ðể rồi dựng lên những ranh giới nông cạn giả tạo "của tôi" và "của người." Từ đó phát sanh rầy rà, gây gổ, cùng biết bao là phiền não, rồi đến cả chiến tranh thế giới nữa. Thật ra, tất cả cũng chỉ vì chúng ta bị dòng tư tưởng không dừng dứt nầy làm mê muội.
Ngày 13 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Khi đi ngang qua vùng Myers Flat, tôi gặp chút lộn xộn với ông trên chiếc xe cứu lửa màu đỏ như sau: Ông ấy đậu xe ngoài phố như đang chờ đợi người nào, nhưng lúc đó chung quanh chỉ có tôi và ông ta thôi. Thầy Hằng Do đã đến tiệm giặt để sấy đồ. Khi tôi lạy tới gần, thì ông bắt đầu la lối om sòm. Ðã say rượu, mà còn ra vẻ thật giận dữ:
"Mầy đang muốn chứng minh cái giống gì vậy hả? Mầy nghĩ là mầy đang làm cái trò gì chớ?"
Ông ta hét lớn vào máy loa gắn phía trên đầu xe như thế. Tôi chưa biết phải đối phó thế nào, nên cứ tiếp tục lạy. Rồi ông ta lái xe rề rề theo bên tôi, đấu khẩu không lời, nhưng lại chửi thề tục tỉu vang om. Hắn thực đúng là người chữa lửa nhưng lại chứa đầy ắp lửa.
Cảnh tượng kỳ quái nầy cứ tiếp tục kéo dài đến mấy phút. Trong khi đó tôi vẫn không nói lời nào. Rốt cuộc, sau một hồi trong lòng như đã trút hết cơn phẫn nộ, ông bắt đầu xuống giọng nói như mếu máo:
"Tại sao ông không thèm nói chuyện với tôi chớ?" Ngừng một lúc rồi lại tiếp: "Cái loại tôn giáo gì mà không cho phép ông nói chuyện với tôi hả?"
Cuối cùng tôi phải dừng lại và nói: "Thật ra tôi đâu có làm hại gì đâu! Tại sao ông lại bực tức chớ?"
"Tại sao ông không ở nhà một mình mà cầu nguyện?"
"Nhiều năm qua tôi đã ở nhà một mình cầu nguyện rồi, bây giờ tôi cần một ít không khí tươi mát."
"Coi nè! Sao ông không làm chuyện tốt lành như tôi hả? Tôi là người chữa lửa, tôi cứu được mạng sống con người, đó mới thật là ích lợi. Nầy ông! Xin lỗi nhe, vì tôi đã nổi giận, nhưng ở hướng bắc vùng nầy có rất nhiều người buôn gỗ rất khó chịu, họ sẽ không thích ông lễ lạy trên con đường làm ăn của họ đâu!"
"Vậy à! Tôi cũng xin lỗi, nhưng đối với tôi việc làm nầy thật là có ý nghĩa, xin lỗi vì đã làm ông phiền lòng nhe!"
"Ối! Tôi vì đang say rượu nên rất dễ hay nổi xung. Thôi hãy bỏ qua hết đi nhé! OK?"
"OK!"
Ngày 14 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:
Vì bây giờ là mùa đông, nên ít người đến tham quan mấy cây cổ thụ to lớn, bởi thế xe cộ có phần cũng thưa thớt. Hầu như giờ đây cả khu vực Redwood Empire là của riêng chúng tôi vậy.
Lần đầu tiên nhìn thấy sông Lươn (Eel River) thật là phẳng lặng, với làn nước xanh biếc mênh mông đang êm đềm suôi chảy qua những tảng đá, rặng cây. Nhưng lúc nầy, vì cơn mưa dai dẳng làm tuyết tan chảy xuống, khiến nước sông trở nên đục ngầu, cùng với những cơn nổi sóng làm mực nước càng ngày càng dâng cao. Nếu mưa không chịu ngừng thì thế nào cũng có chuyện phiền phức xảy ra. Nghe tin đồn là lượng nước mưa hiện tại đã hơn gấp ba lần so với mùa đông năm ngoái.
Khi đi ngang qua vùng Philliprville và Miranda, tôi chợt nghe mấy lời bàn tán, phê bình:
"Họ đến mãi tận từ San Francisco và cứ làm như thế đấy!"
"Thì là vậy đó! Con người bây giờ có đủ thứ loại mà, phải không Maggie? Cô có biết là tôi đã thưa chuyện nầy nới Mục Sư và nhờ Ngài nên đi ra khuyên bảo họ."
Con đường như bị thâu hẹp lại, vậy mà còn bị nhiều cây nghiêng ngã chòm phết xuống mặt lộ, và dù trời có mưa hay không mưa, cây lá cũng không ngừng trút xuống những giọt nước to tướng. Mãi đến trưa mà mưa vẫn không ngừng, tấm lều đã bị thấm ướt từ đêm qua, nên tôi lo kiếm chỗ để trú ngụ khi tối xuống. Có một cây hồng mộc to lớn nhưng dưới gốc thì rỗng bọng, vừa đủ chỗ cho tôi và một người có tướng cao lớn như sư huynh Cụ, thật tiện lợi, thế là chúng tôi đã được một đêm khô ráo ở trong bọng cây nầy.
Mưa tiếp tục rơi, hòa vang với tiếng gầm thét vọng về từ con sông cách chẳng bao xa.
Ngày 15 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:
Hôm nay chúng tôi quyết định là sẽ không ráng lễ lạy thêm vì trời vẫn mưa tầm tã. Trước hết tôi có phản ứng là hơi bất mãn vì sự đình trệ nầy, bởi tôi chưa bỏ được quan niệm phân biệt giữa "tiến bước" và "ngưng trệ." Tuy nhiên sau một lúc, tôi trực nhận được rằng: Nếu muốn thành công thì phải biết tùy thuận nhân duyên hoàn cảnh, đừng quá gượng ép, không khéo sẽ giống như anh chàng ở thời Tống, Trung Hoa thuở xưa.
Tục truyền rằng dân đất Tống rất khờ khạo. Nguyên là lần nọ có anh chàng nông dân tỏ vẻ thất vọng vì thấy vườn bắp mình trồng sao mà chậm lớn quá! Nên anh ta nhất định tìm cách làm sao để giúp chúng. Và rồi sau một ngày dài vất vả từ cánh đồng trở về nhà, liền ngồi bẹp xuống ghế, than thở:
"Tôi thật là mệt quá sức đi!" Bà vợ và cậu con trai gạn hỏi nguyên do, thì anh nói, vì suốt cả ngày cực khổ ngoài đồng lo giúp cho mấy cây bắp mau lớn. Cậu con trai bèn chạy ra quan sát sự tình, và vô cùng ngạc nhiên khi thấy cả đám bắp nằm rạp chết queo. Tại sao thế? Thì ra anh chàng nông dân đất Tống nóng nảy nầy đã giúp những cây bắp nhỏ mau lớn bằng cách kéo đầu từng cây một cho cao lên thêm mấy phân. Bởi thế từ đó mới có câu châm ngôn bình dân ở Trung Hoa: "Giúp chúng lớn." Nhiều khi cũng có những trường hợp tốt hơn là đừng làm gì hết.

Ngày 16 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:
Cuối cùng rồi chuyện cũng xảy ra, nước sông tràn ngập quá mức, hiện cao đến 43 feet (tức 13 mét), gây tổn hại đến những làng quận ven bờ sông. Nghe nói vùng Pepperwood đã bị nước cuốn sạch hoàn toàn. Những sông khác quanh vùng cũng ngập nước tràn trề, đến nỗi ngay cả Thống đốc Reagan và Tổng thống Nixon còn phải quan tâm lên tiếng rằng vùng nầy đang bị một đại nạn. Khi chúng tôi gần đến quận Weott, thấy con đường cái đã bị nước ngập cao đến sáu feet (khoảng 1 mét 8) và còn đang tiếp tục dâng cao nữa. Sau trận lục năm ngoái, nhiều người khôn ngoan cất nhà loại di động, nên bây giờ có thể chuyển cả căn nhà lên vùng đất cao hơn. Những kẻ kém may mắn khác đang được đoàn bảo hộ của chánh phủ dùng ghe thuyền di tản đi nơi khác. Gần vùng Myers, người ta phát giác có mấy xác người trong một căn nhà bị khối bùn khổng lồ đè bẹp.
Hôm nay chúng tôi điện thoại về chùa, Sư Phụ lập đi lập lại thật mạnh mẽ rằng nếu chúng tôi chí tâm dụng công thì trời sẽ không mưa. Nhưng bây giờ từ trong trạm điện thoại nhìn ra, tôi thấy đâu đâu cũng toàn là nước, những cây to tướng bị dạt trôi theo dòng nước trên sông và mưa vẫn cứ rơi. Ðiều nầy chứng tỏ rằng tôi đã không đủ lòng thành. Chúng tôi núp trốn trong căn chòi cũ kỹ trên vùng đất cao, chờ nước rút khỏi mặt lộ.
Ngày 17 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:
Có mấy cây hồng mộc cao chót vót, đồ sộ với đường kính hơn 12 bộ (tức hơn ba mét sáu) và chu vi 40 feet (12 mét). Mặc dù tuổi thọ của những cây cổ thụ nầy cỡ từ hai ngàn đến ba ngàn năm và cao đến ba trăm feet (khoảng hơn 90 mét), nhưng gốc rễ của chúng rất cạn cợt, bò lan thành hệ thống chằng chịt bám xuống lòng đất chỉ khoảng năm hay sáu feet (hơn một thước rưỡi) chiều sâu. Cho nên khi nước sông cuốn trôi lớp đất cát, chúng như mất đi sự chống đỡ và sau đó thường bị ngã sập xuống, phát ra những âm thanh ầm ầm vang dội, nhiều lúc còn ngã đụng theo một dọc những cây kế bên. Số gỗ có giá trị hàng triệu bạc nầy lại bị dòng nước bạo tàn cuốn trôi xuống sông, đã vậy chúng còn mang theo mối đe dọa cho những cây cột chống đỡ dưới chân cầu.
Ðó cũng giống như sự tu hành về Giới, Ðịnh, Huệ vậy. Nếu căn bản giới đức tu hành của một người mà lơ là cạn cợt, đến lúc gặp phải chuyện khó khăn, theo lối thường tình thì cũng sẽ dễ dàng bị cuốn trôi luôn.
Hôm nay nước ồ ạt rút đi nhanh chóng, cũng như lúc nó ào ào tràn lên và để lại lớp bùn bằng phẳng phủ bít những chỗ đất lồi lõm ghồ ghề. Chúng tôi đứng chơ vơ giữa vùng đất bằng phẳng mênh mông, trông giống như lớp mặt của hũ bơ đậu phộng hiệu Skippy! Lớp bùn sình trên mặt đường trôi theo dòng nước, chỉ còn lại lớp mỏng trơn trợt mà chúng tôi sẽ lễ lạy qua. Thật là một chuyến du hành kỳ dị trên mảnh đất dị kỳ nầy.
Ngày 18 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Ðêm qua dù ngủ trên chiếc xe bò bỏ hoang không mái nóc, nhưng chúng tôi đã kịp thời căng phủ tấm ni-lon lên phía trên trước khi cơn bão lớn kéo đến. Chúng tôi giống như đang ở trong chiếc xuồng nhỏ trôi lềnh bềnh trên mặt biển đầy sóng gió. Ðược dịp ngồi nhìn gió mưa đổ trút mà vẫn ráo khô và thoải mái thì thật quá hay! Thế nên tôi như không muốn rời khỏi nơi có hương vị lý thú nầy. Nhưng trời vừa hừng sáng, chúng tôi cũng phải trổi dậy ra đi.
Khi vầng thái dương vừa ló dạng phía chân trời, tôi đã lạy được nửa dặm đường. Trong khi Thầy Hằng Do vẫn còn ở lại để thu dọn đồ đạc, thì có ông khoảng gần bốn mươi với hàm râu vừa cạo sạch, đến nói rằng ông đã biết về chúng tôi lâu rồi và đã kín đáo quan sát trong hai tuần lễ qua. Ông nói với Thầy Hằng Do rằng ông có linh cảm là chúng tôi có thể đọc được tư tưởng con người. Sau vài câu lịch sự xã giao với Thầy Hằng Do, ông nầy bắt đầu đi thẳng vào đề. Ông kể rằng trong mười sáu năm qua gia đình ông rất đằm thắm vui vẻ, sống hạnh phúc với hai đứa con trai tuổi đang lớn. Bỗng nhiên, mấy lúc gần đây ông khám phá ra người vợ đã lường gạt ông bằng cách ngoại tình với một người đàn bà khác. Và khi ông hỏi về chuyện đó, bà vợ cũng đã thú nhận, nhưng bảo là không thể cải đổi được vì bà yêu chồng và cũng yêu người bạn gái nữa. Trong tình cảnh nầy ông như bị cùng đường vì quá xấu hổ, lại không dám than thở với bạn bè, nên chỉ muốn nhảy xuống sông chấm dứt cuộc đời mình cho rồi. Nhưng ông lại linh cảm là có thể đặt niềm hy vọng vào sự tu trì của Thầy Hằng Do. Cho nên suốt hai tiếng đồng hồ ông đã cùng Thầy Hằng Do trò chuyện, trong lúc tôi lễ lạy ngoài nầy, bâng khuâng không biết Sư đệ mình đang ở đâu rồi! Mãi gần đến giờ cơm trưa, Thầy Hằng Do mới xuất hiện và kể rõ chuyện nầy cho tôi nghe.
Chúng tôi tiếp tục tiến về hướng bắc vùng Redcrest. Khoảng xế chiều, người đàn ông được Thầy Hằng Do khuyên giải lúc sáng nay, đã trở lại và dắt theo bà vợ. Hình như những lời khuyên của Thầy Hằng Do đã có kết quả rất hữu ích cho họ, nên hai vợ chồng tìm đến xin cúng một số tiền, nhưng Thầy Hằng Do nhã nhặn từ chối ngay.
Chúng tôi lễ lạy đến khi trời tối mịt, rồi nương náo ở phía sau xưởng gỗ lớn vùng Redcrest.
Ngày 19 Tháng 1 Năm 1974. Hằng Do viết:
Sư Phụ có nhấn mạnh rằng nếu chúng tôi thành tâm lễ lạy thì trời sẽ không mưa trong vòng một phần tư dặm, chung quanh phạm vi chúng tôi đang lễ bái. Chúng tôi cũng ráng cố gắng vâng lời và chậm rãi lạy về hướng bắc, dọc theo bờ sông, hình như mưa cũng giảm bớt dần. Hiện tại chúng tôi căng lều cách bờ lộ, chung quanh chẳng gì ngoài hơn là những hàng cây chạy dài qua nhiều dặm. Bầu trời tối đen, im phăng phắc.
Mấy phút trước đây, trong lúc chúng tôi đang ngồi thiền, bỗng nghe có hơi thở và tiếng chân nặng nề phía ngoài lều. Chúng tôi kinh hãi nhìn nhau chòng chọc, ngồi im thin thít cũng cả mười phút sau mới dám nhút nhích. Bóng tối im lặng như tờ, càng kích thích tưởng tượng ra toàn những hình ảnh ghê rợn: "Có phải là gấu chăng? Hay là chằng tinh?" Vì hơi thở của nó nghe nặng nề gấp năm lần người thường. Một lúc sau, nghe nó phì hơi một cái rồi bỏ đi mất. Hú hồn, hú vía.
Tâm thức giống như máy chiếu phim, nó có thể cho ra hàng ngàn hình ảnh, vậy mà từ thuở nào đó, chúng ta đã khờ khạo lầm tưởng cho đó là thật. Những động tác dựa trên gốc lầm tưởng nầy không xác thật, nó cũng như những hình ảnh đang nhảy múa trên màn ảnh, chúng chỉ hiện thực trong giây phút rồi vụt mất đi trong nháy mắt thôi.
Ðối với Phật Giáo, tâm gồm có tám thức khác nhau. Năm thức đầu của nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt và thân là sự phát sanh từ ngũ căn mắt, tai, mũi, lưỡi và thân, duyên theo ngũ trần bên ngoài sắc, thanh, hương, vị và xúc. Thực tại thì vượt qua sáu thức, do phát sanh từ sự tiếp xúc giữa các căn và các trần cảnh. Tâm suy nghĩ, được xem như là một trong các căn. Cũng như khi mắt thấy sắc, tâm liền nghĩ ra những tư tưởng. Dù những tư tưởng hay cảnh vật trong tâm không phải là những cảnh được thâu thập tầm thường giống như cảm giác của cây đá, mà nó không gì khác hơn là ý căn duyên theo cảnh trần để phát ra ý thức, tức là thức thứ sáu. Thức nầy có nhiều tác dụng khác nhau, như sự phối hợp giữa sự thâu thập những dữ kiện từ năm thức đầu và phát ra những giấc mơ. Song tất cả những giác quan hay tâm thức nhận biết đều là những ảo tưởng, vô thường, trống rỗng, không một căn bản chắc chắn, giống như hơi thở của con quái vật phía ngoài lều của chúng tôi.

tải về 2.46 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương