Nguyên Bản: Three Steps One Bow Tập hồi ký của Thích Hằng Cụ & Thích Hằng Do


Chương I - Từ San Francisco đến Garberville



tải về 2.46 Mb.
trang2/21
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích2.46 Mb.
#37895
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21

Chương I - Từ San Francisco đến Garberville



Ngày 16 Tháng 10 Năm 1973. Ngày khởi sự. Hằng Cụ viết:
Sáng hôm nay tất cả mọi người ở Chùa Kim Sơn tiển đưa chúng tôi đến tận công viên nhỏ gần cầu Golden Gate, nơi mà tôi đã bỏ cuộc lúc trước. Không lãng phí chút thời gian nào, tôi bắt đầu lạy ngay về hướng bắc, Thầy Hằng Do đi liền theo sau, trên lưng mang một túi đầy vật dụng. Lúc đó có khoảng hai mươi vị gồm cả Tăng, Ni và cư sĩ vừa đi chung quanh chúng tôi vừa trì niệm chú Ðại Bi gồm 415 âm vần.
Sau khi lạy qua hai con đường, tôi chuẩn bị băng qua đại lộ phía trước của Marina, thì có đoàn xe cứu hỏa chạy đến và ngừng ngay trước mặt. Hơi một chút sửng sờ vì chúng tôi không biết họ đang muốn làm gì, chắc họ cũng thắc mắc về việc chúng tôi đang làm. Ðường lộ khi ấy lại rất nhiều xe cộ nên khó mà băng qua theo kiểu Tam Bộ Nhất Bái, vì vậy tôi cứ đứng tại chỗ mà lạy. Ðược một lúc, thấy cảnh tượng nầy chắc sẽ gây sự chú ý, nên cuối cùng tôi đành quyết định đi qua lộ như thường, rồi sẽ tiếp tục lạy khi tới bên kia đường. Lúc chúng tôi tiến gần đến lối vào cầu thì nhóm xe chữa lửa lúc nãy mới bỏ đi, còn chúng tôi thì tiếp tục cuộc hành trình. Thầy Hằng Do với túi đồ đi trước khoảng vài trăm thước, ở đó lạy, đợi đến khi tôi đi ngang qua, Thầy lại mang túi hành trang lên, đi về phía trước và lạy tiếp....
Lên đến cầu Goden Gate, chúng tôi gặp mối trở ngại đầu tiên. Một viên chức giữ cầu chạy ra nói rằng nếu chúng tôi cứ tiếp tục làm "như thế" để qua cầu thì ông sẽ đuổi chúng tôi ngay.
Ông bảo: "Hoặc là đi như những con người bình thường, bằng không thì không được qua cầu."
Rồi ông nói tiếp: "Mà cái gì vậy? Mấy ông tính làm gì đây?"
Thấy rõ ông ta muốn kiếm chuyện, nên tôi nói: "Ðể chúng tôi suy nghĩ về chuyện đó chút đã."
Nghe thế ông ta lấy làm bối rối và cũng không nói được thêm gì. Lễ lạy tại chỗ được một lúc, thấy không còn cách nào hơn nên chúng tôi quyết định đi qua cầu như "những con người bình thường." Qua đến bên kia cầu là vùng Marin, trong khi tiếp tục lạy tôi chợt nhớ lời Sư Phụ dạy lúc chia tay:
"Ngày mai chỉ trong một niệm là Hằng Cụ và Hằng Do sẽ qua khỏi cầu."
Từ đây chúng tôi dự định sẽ tiến tới bờ biển Stinson và thẳng lên xa lộ Một (Highway 1), cuối đường là giáp vùng Legget, California. Từ đó sẽ chuyển sang xa lộ 101 để thẳng tiến đến trung tâm của tiểu bang Washington rồi sau đó thì vào nội địa Seattle. Dựa theo bản đồ thì chúng tôi hầu như sẽ không gặp đại lộ (free way) nào cả.
Chúng tôi vừa mới qua cầu Golden Gate và dựng lều dưới những lùm cây gần lối vào khu Sausalito.
Ngày 17 Tháng 10 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Hôm nay trong buổi nắng sáng, chúng tôi rời xa lộ 101 để vào vùng Sausalito. Nhiều đoàn xe như Porsches và Volkswagens chạy vùn vụt ngang qua để vào thành phố lớn làm việc. Khi chúng tôi đến khu phố nhỏ im lìm bên bờ vịnh, tuy hai bên đường đã có nhiều người dừng lại nhìn chòng chọc, nhưng chỉ có một bà cụ đến hỏi chuyện chúng tôi thôi. Ðến trưa, Quả Dung Epstein cùng gia đình và người bạn tên Tom Yager mang đến thức ăn Tàu còn nóng hổi. Tiến sĩ Epstein, giáo sư dạy triết ở trường đại học San Francisco State, tỏ lòng mến mộ về việc làm của chúng tôi. Sau bữa cơm trưa, chúng tôi tiếp tục lạy. Có con chó dại thân đầy ghẻ lở, chạy lon ton vòng quanh theo tôi, vừa rên rỉ vừa tru lên như than thở.
Nói chung, mọi người đều như tránh xa chúng tôi. Có lẽ họ nghĩ rằng đây là một trò ảo thuật quảng cáo gì đó. Tôi tự hỏi không biết có bao nhiêu người ý thức rõ được về những cái hay, có thể biểu hiện trong việc lễ lạy như vầy. Tại Ðông phương, đặc biệt là Ấn Ðộ, Trung Hoa và các nước theo Phật Giáo, lễ lạy là một cách diễn tả sự cung kính, chào hỏi và phục tùng. Trung Quốc thời xưa, xem việc lễ bái gần giống như là sự bắt tay như ở xứ Mỹ ngày nay. Công nhân kính lạy chủ nhân (quý tộc), chủ nhân bái kiến các Lãnh chúa, Lãnh chúa lễ phục Hoàng Ðế, cũng có khi Hoàng Ðế lạy xá những vị Tăng đã giác ngộ và thỉnh cầu sự chỉ dạy cách thức thống trị quốc gia. Tuy nhiên sự lễ lạy đối với chúng tôi lại là phương tiện của thiền định. Phương pháp nầy dẫn đến sự tập trung tư tưởng hơn hết, vì nó không đòi hỏi suy nghĩ hay nói năng gì. Những động tác chầm chậm nhẹ nhàng, lập đi lập lại mới chính là sự luyện tập trong hiểu biết, với chủ ý làm dừng lại những loạn tưởng trong tâm thức. Nhờ vậy tự tánh vốn vượt ngoài cái lý bất nhị sẽ được phơi bày. Tự tánh nầy như hư không, bao trùm tất cả, tức không sanh cũng không diệt. Mục đích tu tập của người Phật tử là để trở về với tự tánh sẵn có của mình. Cho nên thiền tập bằng cách lễ lạy là một trong những phương pháp đưa đến trạng thái đó.
Hôm nay chúng tôi lạy thẳng một mạch xuyên qua thành phố Sausalito được năm dặm đường, và đang dựng lều trong bụi cây, giáp ranh vùng Tamalpais. Ngày mai chúng tôi sẽ tiến lên ngọn đồi cao qua con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn ra bờ biển.
Ngày 18 Tháng 10 Năm 1973. Hằng Do viết:
Con đường chật hẹp lại khúc khuỷu và lõm chỏm đầy sỏi đá. Thầy Hằng Cụ biết ngay những viên sỏi đá bén nhọn nầy sẽ càu rách tay và đầu gối, nên chúng tôi phòng ngừa bằng cách xé áo quấn quanh đầu gối.
Mấy hôm trước, cái quần tôi đang mặc trông cũng còn khá lắm, vậy mà bây giờ đã có nhiều chỗ bị mòn mỏng tanh, tôi lại vô ý không đem thêm cái nào để phòng bị. Sáng nay, khi đứng tại chỗ lạy để chờ sư huynh đến thì phía sau đích quần tôi bị tét ra. Cũng may là nhờ có cái y (cà sa) che khuất chỗ rách. Tôi định lát nữa sẽ vá lại, nhưng càng tiếp tục lạy thì nhiều chỗ khác lại càng rách thêm ra. Thế nầy thì hết phương vá víu. Trong mấy ngày qua, người ta đã thấy có hai Tu sĩ Phật Giáo vừa đi vừa lạy trước công chúng, chỉ vậy cũng đủ làm họ sửng sốt rồi, nói chi bây giờ lại trông thấy một ông Thầy tu lễ lạy với cái quần rách tả tơi thì thật là quá sức tưởng tượng! Chắc tôi sẽ bị bắt về tội phơi bày bất chánh quá! Gió lạnh biển Thái Bình Dương xuyên qua những lỗ rách khiến tôi càng rét buốt thấu xương. Khi Thầy Hằng Cụ vừa lạy tới, tôi đề cập ngay đến thảm trạng đang cần một cái quần, nhưng sư huynh tôi cũng chẳng làm gì được hơn. Chúng tôi không có dư một cái quần nào và cũng không có tiền để mua quần mới. Nhiều người đi ngang qua cho tôi những cái nhìn thiệt là kỳ cục.
Tôi vác túi hành lý lên và bắt đầu đi về phía trước, đến ngay góc đường đầu tiên, chợt thấy một đống vải màu nâu nằm chắn lối. Mừng quá, tôi chạy tới lượm lên, thì ra là cái quần tây đàn ông, cỡ (size) 34. Ðúng là kích thước của tôi, không nhỏ quá, cũng không lớn quá, rất vừa vặn, thật là chuyện khó tin. Tôi nhảy vào bụi rậm để mặc vào, thật hoàn toàn vừa vặn. Không biết vị Bồ Tát nào, hay ai đó đã để cái quần nầy ngay trên lối đi của tôi. Nhưng dầu sao đi nữa, tôi thật biết ơn vô cùng.
Hôm nay chúng tôi lạy xuyên qua ranh giới Tamalpais được sáu dặm và đang cắm trại trên đồi, giữa những hàng cây Bách Hương. Thật ra chúng tôi không có lều chõng gì mà chỉ có được tấm ni-lon, nhưng vậy cũng đủ để tránh những cơn mưa gió phủ phàng.
Ngày 19 Tháng 10 Năm 1973. Hằng Do viết:
Trong ba ngày đầu tiên sống ngoài trời của chuyến đi, tôi đã đối diện với hàng triệu hình dạng của cuộc sống, như cây cỏ, côn trùng và súc vật. Dù cho số lượng có nhiều vô số kể, dù dưới mọi hình thể khác nhau, nhưng tất cả không sớm thì muộn đều cũng phải chết. Mọi cuộc sống đều theo một khuôn mẫu là: Sanh, trụ, hoại và không. Sanh là do các yếu tố hữu duyên hợp lại tạo thành thân thể. Trụ là khoảng thời gian những yếu tố nầy còn trong tình trạng hòa hợp. Hoại là khi các yếu tố nầy tan rã. Không là khi sự liên hệ giữa chúng tuyệt nhiên chấm dứt và thân thể đó không còn tồn tại nữa.
Với khung cảnh bao la ngoài trời nầy, tư tưởng tôi không có những bức tường chướng ngại, nên tâm tôi như tủa vút lên tận trời cao và hòa lẫn vào những vì sao. Không có gì cản trở, tôi tiếp tục suy ngẫm đến những câu hỏi bất hủ về kiếp nhân sanh. Tôi là ai? Tôi đang đi về đâu? Các vị Thánh Hiền bảo rằng câu trả lời thì đang ẩn ở phía bên trong. Vậy thời việc bái hương nầy sẽ là một chuyến đi thuộc về tâm linh đó. Khi nào tôi phá vỡ được cái vỏ hư vọng của bản ngã, thì tất cả những phân biệt trong và ngoài sẽ biến mất, và tôi sẽ thấy thế gian nầy như là chính bản thân tôi. Thế nên đức Phật đã dạy về lòng Từ Bi, một khi biết được rằng bạn thực sự là tất cả, thì bạn sẽ đối xử tốt với tất cả.
Ngày 20 Tháng 10 Năm 1973. Hằng Do viết:
Mưa tầm tả. Chúng tôi chầm chậm xuống đồi để ra xa lộ Một, khi tiến về hướng bắc, bờ biển Stinson, có ông say rượu hét Thầy Hằng Cụ (từ khoảng cách an toàn): "Ê! Thằng hề. Cút đi!"
Sau một ngày mệt mỏi, chúng tôi dựng lều trên một đồi cỏ nuôi bò, hướng về phía bờ biển. Giờ đây, tôi vừa ghi chép vừa nhìn chăm chăm vào ngọn lửa nhỏ mà chúng tôi đã xoay trở lắm mới nhúm cháy được. Sẽ có ai đó thấy được những làn khói bay ra từ mấy nhánh củi ướt, rồi đến bắt chúng tôi về tội cắm trại bất hợp pháp chăng? Không đâu! Gió biển mạnh đã thổi tan cả rồi! Chúng tôi cũng vẫn dựng lều bằng mấy tấm ni-lon để nghỉ cho qua đêm dài lạnh lẽo. Năm dặm thật là một đoạn đường dài để quỳ lạy. Thầy Hằng Cụ nói là lúc nào cũng thích đi du lịch, nhưng theo tôi nghĩ thì chuyến bái hương nầy còn có giá trị hơn là chuyện đi lang thang không mục đích. Vì hiện tại chúng tôi đang làm một việc có lý do, có mục tiêu. Tôi cảm thấy sự hiện diện của chúng tôi ở ngoài nầy thật là chánh đáng. Khi nghĩ lại cuộc đời mình, tôi cảm thấy thật đã lãng phí bao nhiêu là sức lực, và thời gian vô ích trôi qua, nên tự nguyện với lòng mỗi ngày sẽ tinh tấn hơn.
Ngày 21 Tháng 10 Năm 1973. Hằng Do viết:
Cơn gió hú thổi qua cây lá khiến chúng tôi thức giấc. Dù trời vẫn còn tối đen, nhưng chúng tôi đã lo thu dọn lều chõng, lần mò trở ra đường. Thầy Hằng Cụ bị trặc lưng khi nhảy qua hàng rào, mặc dù vậy sư huynh tôi cũng ra tới được mặt đường vừa lạnh lẽo, vừa tối thui để bắt đầu lễ lạy.
Khi Hòa Thượng Hư Vân bắt đầu chuyến bái hương, có nhiều Tăng sĩ cũng tháp tùng theo Ngài. Nhưng chẳng bao lâu, vì mệt mỏi nên họ đã phải quay trở về. Bây giờ chúng tôi chỉ mới đi được có năm ngày thôi mà tôi cũng đã thấy rất rõ việc lễ bái một ngàn dặm (tức 1600 km) sẽ còn khó khăn hơn là tôi tưởng. Tin chắc rằng nếu như không phải vì Thầy Hằng Cụ nhất quyết làm việc chánh đáng, nhằm đem lợi ích cho thế gian thì chuyến đi nầy có lẽ sẽ bị dẹp qua một bên rồi.
Gió thổi mạnh làm gãy đứt những nhánh cây to nằm ngổn ngang trên đường. Tiếng nước mưa chảy ầm ầm vào cống rãnh, hòa vang cùng tiếng mưa rơi ào ạt. Chiều nay có ông cảnh sát đến khám xét, xem chúng tôi có phải là tội nhân vượt ngục, hay là bọn khùng điên. Ông bỏ đi với gương mặt thất vọng vì không tìm được lý do để bắt bớ. Chúng tôi căng lên tấm lều đơn sơ gần lối quẹo ra vùng Bolinas.

Ngày 22 Tháng 10 Năm 1973. Hằng Do viết:
Trời mùa thu vùng biển nầy thật là lạnh lẽo và ướt át. Như những chúng sanh, bò, ngựa, chúng tôi cũng thích nghi ngay vào cuộc sống ở đây. Khi đi qua vùng Five Rivers (Ngũ Hà) có cô gái đem cho trà nóng.
Tôi lại nghĩ về chuyến Du hành nội tâm, thật ra nó có ý nghĩa gì? Nghĩa là chúng ta đừng nhìn ra ngoài, phải quan sát sự diễn biến ngay mỗi ý niệm của mình. Tâm ta nên trở thành những tấm gương, chớ đừng giống như những cái máy chụp hình, chỉ chụp được các vật khác, vì ảnh hưởng đến sự ngược dòng tập trung. Tâm phải được phát triển trên phương diện không bị động khi đương đầu với những xúc cảm. Là Phật tử nên quan sát rằng, mặc dù tâm hoạt động đôi khi cực kỳ phức tạp, nhưng tiến trình của nó có thể phân chia làm hai loại:
Thứ nhất là Chấp trước: Tâm có xu hướng về trạng thái khoái lạc (như trà nóng), và cố duy trì những cảm thọ đó.
Thứ hai là khuynh hướng Chối bỏ: Tâm cố thối lùi những hoàn cảnh bất như ý (như thời tiết ướt lạnh). Tâm bị xao động giữa hai sự đối nghịch nầy, đấy là nguyên nhân làm chúng ta lạc mất trí huệ căn bản, vốn bất động không ô nhiễm, luôn sẵn có trong ta.
Tu hành cốt yếu là trực tâm xoay trở về "bên trong" và tập quan sát những biến chuyển cùng nguyên nhân của nó. Kế đến nên phát triển định lực để khi đối diện bất kỳ những cảnh vui buồn gì, tâm sẽ không bị xao động. Như vậy, dần dần trí tuệ sẽ sanh trưởng. Giờ đây tôi thấy rõ là chính ngoài xa lộ nầy là nơi có rất nhiều cơ hội để khảo nghiệm lại những đạo lý trên.
Ngày 23 Tháng 10 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Hôm nay chúng tôi lạy qua vùng Olema, một làng nhỏ nằm yên tĩnh phía trong bờ biển Point Reyes National. Tôi quên nhắc là trước đây đã có mấy gia đình từ tu viện vẫn thường đến và cúng dường những bữa cơm chay nóng hổi. Như gia đình Quả Ðôn Schweig, Quả Dung Epstein và Quả Tả Linebarger, họ luân phiên đến với chúng tôi, mỗi lần chào mừng gặp gỡ là mỗi lần lý thú bất ngờ.
Trưa nay khi lạy ngang qua vùng đồng bằng hoang vu, có ông lữ hành đơn độc cùng với con chó nhỏ gia nhập vào chuyến bộ hành kỳ hoặc của chúng tôi. Bây giờ chúng tôi ba người dựng lều dưới gốc cây sồi trên đất tư nhân, cách xa lộ khoảng một phần tư dặm. Chuyện kiếm chỗ dựng lều ở chung quanh vùng nầy vốn không gì dễ, nhưng Thầy Hằng Do lúc nào cũng tìm được chỗ. Cứ mỗi buổi chiều, khoảng nửa giờ trước khi tôi kết thúc lễ lạy, là Thầy đi trước để tìm chỗ. Hầu như mỗi tấc đất chung quanh vùng nầy đều thuộc về tư nhân, nên việc lựa chọn địa điểm cũng rất găng. Lúc trước Thầy Hằng Do không tự chọn lấy mà chờ tôi đến để quyết định. Bây giờ sau bảy ngày trên đường, Thầy đã thay đổi hoàn toàn. Khi tôi vừa lạy tới nơi thì Thầy đã dựng lều xong, đôi khi nếu điều kiện cho phép, Thầy còn nhóm sẵn lửa lên nữa. Thật là một phần thưởng xứng đáng sau một ngày dài lễ lạy.
Quyết định sự việc là một phương diện quan trọng của sự tăng trưởng về tinh thần. Nhớ có lần ở Chùa Kim Sơn, khi tôi cố làm một cú quyết định, nhưng không ổn gì mấy. Lúc đó vừa mới làm chú Sa Di và còn sót lại bảy chục đồng, tiền tôi làm được khi chưa xuất gia. Số tiền nầy đã làm tôi nôn nóng như muốn đốt lủng túi, nên tôi chỉ muốn tiêu quách nó đi cho rồi. Chuyện xảy ra là vào một hôm khi tôi đang đứng ở hành lang trên lầu ba của Chùa Kim Sơn, cách phòng Sư Phụ khoảng một trăm bước (feet), tay đang mân mê số tiền trong túi áo và cố nghĩ cách sẽ làm gì với số tiền đó. Lúc đầu tôi định sẽ cúng hết vào chùa, nhưng lại có chút ý tưởng tham lam nổi lên:
"Có lẽ nên nhín lại cho mình một chút chớ! ờ, mà nên giữ lại bao nhiêu hở?" Tôi nghĩ thầm như vậy, rồi cả một chuỗi dài ý tưởng suy tính, biện luận về tiền bạc cứ vậy mà nổi lên. Tôi đứng ù lì ra vì không thể quyết định được gì, trong khi tay cầm tiền thì rịn chảy mồ hôi càng lúc càng nhiều. Tôi cảm thấy mình giống như con lừa khùng đang bị điêu đứng giữa hai bó cỏ khô ngon như nhau, rồi nổi cơn lên vì không biết nên ăn bó nào.
Ðứng đó mà nhìn đầu óc mình đang chiến đấu, tôi chợt nghe từ xa tiếng cửa mở từ phòng Sư Phụ. Hình như cánh cửa tâm tôi cũng đang được mở ra. Tôi biết ngay là Sư Phụ đã "rà đúng" ngay tôi rồi.
Sư Phụ có lần nói: "Khi một người có được thần thông về thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm và túc mạng thông, thì người đó sẽ không cần dùng đến truyền hình, radio, máy ra-đa, hay so-na gì hết. Vì tâm người đó đã không còn những vọng tưởng điên đảo, nên có thể thấu đáo một cách nhiệm mầu về tất cả mọi việc xảy ra trong vũ trụ, như mỗi tế bào trong cơ thể sẽ là một máy truyền hình và mỗi sợi tóc sẽ là một nút bấm điều khiển."
Lúc đó tôi nghe Sư Phụ lớn tiếng sai bảo điều gì cho một trong những Thầy người Mỹ đang đứng gần bên. Không đầy một phút, vị Thầy đó chạy dọc theo hành lang về phía tôi, vừa hớn hở ve vẩy tờ giấy mười đồng vừa nói:
"Hằng Cụ! Sư Phụ muốn biết đệ có tiền lẽ để đổi mười đồng không?"
Tôi đứng trân mình một lúc, không nói được lời nào, đầu óc như muốn vỡ tung. Vẫn như đang ngẩn ngơ, tôi lôi ra hai tấm giấy năm đồng và trao cho Thầy.
Thầy nầy nói: "Ủa! Mặt đệ sao giống như vừa mới gặp ma vậy!"
Tôi đáp: "Dạ! Thấy con ma của chính đệ đấy!"
Một vị Thầy có trí huệ sẽ dạy đệ tử theo nhiều trình độ khác nhau, điều nầy khó mà diễn tả được hết. Như về lãnh vực tư tưởng và ngôn ngữ chỉ là một khía cạnh của việc giảng dạy. Phải hiểu rằng một khi tâm thầy trò tương ưng như một, thì tất cả đều là phương tiện của sự giáo hoá. Tiếng đóng cửa bất thình lình vừa đúng lúc với sức đẩy cũng có thể là một cách rất tốt để một người trực nhận và bừng ngộ. Cũng vậy, tiếng điện thoại reo, tiếng ho khan, giọng cười gằn, sự làm lơ, sự quở mắng, lời khen quá đáng, những câu hỏi nan giải và nhiều phương pháp thiện xảo khác. Mặc dầu mới xem qua, chúng như có vẻ tầm thường, nhưng nếu sự việc xảy ra đúng lúc thì nó chính là dịp của mối liên hệ trực tiếp không chướng ngại giữa thầy và trò, thật không thể lầm lẫn được.
Ngày 24 Tháng 10 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Thời tiết trở nên giá buốt khi chúng tôi lạy từ Olema về hướng bắc, đến một tỉnh lỵ khá lớn Point Reyes Station. Lúc 9 giờ sáng, có ký giả tờ báo địa phương vùng Point Reyes Light đến phỏng vấn, và chúng tôi đã trả lời những gì mình hiểu biết. Có lẽ lúc nầy đã có nhiều người hiểu thêm phần nào về việc chúng tôi đang làm. Có lần ở trong phố, tôi đang lạy dọc theo lề đường, Thầy Hằng Do ở gần bên nghe được câu chuyện đối thoại khi đi ngang qua tiệm bán máy móc (hardware) như sau:
- Ê, Matha! Nhìn kìa! Mình có nên gọi cảnh sát không?
- Thôi đi George à! Mặc kệ ông ta, ổng đâu có làm gì hại đâu!
Sau mười lăm phút dụng công, chúng tôi ra tới ngoại thành thì gặp một nữ cư sĩ Phật giáo tên Katy Powell (Quả Tánh), hiện ở vùng Point Reyes với hai đứa con. Bà ngỏ ý muốn được cùng lễ bái một đoạn đường. Và bà đã lạy theo phía sau cách chúng tôi khoảng hai trăm bước. Lạy được một dặm trên con đường lỏm chỏm đầy sỏi đá thì bà quay trở về nhà. Quả Ðôn Schweig và gia đình mang cơm trưa đến, gồm cơm gạo lức, canh rau, bánh mì, bánh tây và trái cây.
Buổi chiều ông Ben Williams đến cùng với đoàn ký giả San Francisco của đài truyền hình CBS số 5, họ quay phim rất nhiều về cảnh chúng tôi đang lễ lạy dọc theo những dốc đá bờ biển. Tối đến, vừa lúc chúng tôi tìm được một cái chòi bỏ hoang nằm ẩn trong rừng thì cơn mưa bão cũng vừa đổ ập xuống. Tôi mất cả nửa giờ lượm củi khô để nhóm lửa. Giờ đây chúng tôi đang hong khô đồ đạc và nấu nước pha trà.
Ngày 25 Tháng 10 Năm 1973. Hằng Do viết:
Hôm nay Ưu Bà Tắc Quả Chu Rounds, chủ tờ báo Napa County Record, đem đến cho vài vật dụng và viết một bản tin ngắn về chuyến bái hương nầy.
Chúng tôi khởi sự lạy từ vịnh Tomales, đến cuối ngày lại tìm được một căn nhà hoang. Nhà nầy dù đã đổ nát, nhưng cũng giúp chúng tôi tránh mưa qua đêm. Tuy nhiên trong đêm tối đen đó, chúng tôi mới nhận ra căn chòi hoang nầy lại là nơi dung chứa bao loài thú rừng như: chồn, chuột, sóc và nhiều loài bận rộn khác đang ở chung với chúng tôi. Trong đêm tối vắng lặng, tiếng kêu vang rền của bọn chúng như càng được khuếch đại thêm. Có lúc tôi cũng cảm thấy thật sợ hãi. Như rủi ở đây có gấu thì sao? Nếu đem tinh thần lý trí ra để hiểu rằng thế gian nầy là hư ảo, đó là một chuyện, còn sống ở cuộc đời mà thật không lo sợ thì lại là một chuyện khác. Tôi thầm niệm Phật và cố giữ tâm an định lại. Rồi một ý tưởng chợt loé lên khỏa lấp sự lo sợ vô lý của tôi: Ồ! Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật, thành người giác ngộ mà! Trong cuộc đời của Hòa Thượng Hư Vân, có nhiều trường hợp các thú hoang tìm đến lễ bái Ngài. Vì đức độ của Hòa Thượng như có quyền lực làm khơi dậy cái khả năng hiểu biết tiềm ẩn ngay cả ở những loài cọp, sói và chồn. Ngài giảng dạy cùng ban truyền Tam Quy, rồi thâu nhận chúng làm đệ tử, chẳng thế mà còn dạy cho chúng thêm về những giới luật, đạo đức nữa. Nhờ vậy mà tánh nết chúng thay đổi tốt hơn, bảo đảm sau nầy sẽ được tái sanh về cảnh giới khá hơn và sẽ có nhiều cơ hội hơn để tu hành.
Sau khi ngẫm nghĩ như vậy, thì những tiếng động ban đêm trong chòi đã không làm tôi kinh sợ nữa. Tôi ngủ thiếp đi với ý tưởng vui vui, rằng đang có hàng ngàn vị Phật nho nhỏ tương lai hiện đang vất vả lo tích trữ lương thực cho mùa đông sắp tới.
Ngày 26 Tháng 10 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Phật tử Quả Thông Almassy (còn gọi là Gia Gia), chủ tiệm bán thực phẩm dinh dưỡng (health food) ở bãi biển Stinson, hôm nay đem cơm trưa đến. Khoảng xế trưa, có ông chạy xe gắn máy (motorcycle) ngừng lại trò chuyện. Ông nầy nhắc đi nhắc lại mấy lần về việc chúng tôi đang làm là "việc của Chúa." Sau đó có anh ở vùng Inverness đem đến cho chúng tôi mấy trái cây tươi, và thắc mắc muốn biết thế nào là lễ lạy. Chúng tôi cùng ngồi xuống trên lề cỏ dọc bên xa lộ để giảng sơ ý nghĩa cho anh ta hiểu.
Tôi nói: Sự quỳ lạy chỉ xem như là sự vận động của thân thể. Nhưng sau một thời gian, khi toàn thân đã thuần thục, thì thân và tâm có thể bắt đầu dung hòa hợp nhất. Thân quỳ lạy, tâm niệm danh hiệu Bồ Tát, những tác dụng nầy hổ tương lẫn nhau như một bài chú, như một phương pháp làm dừng những dòng tư tưởng. Qua cách nầy sẽ giúp tôi tỉnh giác trước những diễn biến ở nội tâm, và ngoại cảnh chung quanh. Ðồng thời nó không để tâm tôi xao lãng về những cảnh giới quá khứ hay vị lai. Trong kinh Lăng Nghiêm có giảng: "Khi tâm mê dừng lặng thì chính ngay sự dừng lặng đó là giác ngộ." Người ngộ nhập được trình độ nầy rồi sẽ không có những ý nghĩ gì về việc lễ lạy, sự an lạc, sự phân tán hay nguyên vẹn, mà đối với họ tất cả là một thể đồng nhất. Người có tâm trực nhận được như vậy tức là tâm Phật rồi đó.
Anh nầy chăm chú lắng nghe và sau một hồi suy nghĩ, anh ta xác định mục đích việc làm của chúng tôi rất đáng quý, nhưng theo ý anh thì chúng tôi cũng có thể thực hiện theo nhiều cách khác tốt hơn.
Hôm nay chúng tôi lạy dọc theo vịnh Tomales. Khi đi ngang qua một cộng đồng đông đúc vùng Synanon, có mấy người từ trên đỉnh đồi kêu la chế nhạo. Sau đó chúng tôi tiếp tục lạy qua một làng nhỏ ở Marshal, rồi dựng lều trên sườn đồi nghiêng thoai thoải hướng ra vịnh.
Ngày 27 Tháng 10 Năm 1973. Hằng Cụ viết:
Sáng thứ bảy hôm nay trời thật đẹp, chúng tôi lễ lạy vào một quận nhỏ Tomales. Mặc dầu chỉ mới 8 giờ sáng, vậy mà đã có hơn trăm người chen chút dọc theo con đường chánh. Thấy tình hình ở đây có vẻ hơi là lạ, vì chẳng có chiếc xe nào trên mặt lộ cả. Ngay ngã tư đường chánh của trung tâm phố, đám đông như cố giữ một sự im lặng tuyệt đối, tôi cảm thấy như có nguồn khí lực của hàng trăm đôi mắt đang lặng lẽ hướng nhìn tôi chòng chọc. Quang cảnh lúc nầy thật nặng nề. Thình lình từ trong đám đông, một bà lão mặt mày đầy son phấn, chạy ra và trao cho tôi một hộp bánh mứt (jelly-filled donut: loại bánh mà tôi thường ưa thích.) Bà hỏi với giọng hơi run sợ: "Ông có nhận cái nầy không?" Tôi ngừng quỳ lạy và từ từ đứng lên.
Tôi tin rằng trong cuộc đời của mỗi chúng ta, ai cũng có một vài kỷ niệm, hoặc những giây phút đáng ghi mãi trong ký ức. Ðối với tôi, lúc nầy có lẽ là một trong những giây phút khó quên. Tôi đã lễ lạy suốt trên hai tiếng đồng hồ, và khi đứng lên để tiếp nhận hộp bánh, tôi cảm thấy ánh mặt trời như đang tỏa chiếu khắp cả vùng. Cảm giác ấm áp như đang chạy rần rần từ da thịt đến tận cõi lòng tôi, thật là an lạc.
Trong lúc đó, tôi nhớ lời Sư Phụ vẫn thường nói: ."Quý vị ráng tập xem tất cả mọi sự như là vô sự, xem mọi chuyện như là không có chuyện gì cả.." Ít ra lần nầy tôi cũng có thể nhận ra được ý đó của Ngài.
Bà lão và đám đông im lặng đó như đang chờ đợi phản ứng của tôi. Tôi gật đầu tỏ ý nhận lấy hộp bánh, rồi bỏ vào cái túi lớn mà tôi đã may dính liền vào cái quần rộng thùng thình của tôi. Bà lão vô danh chạy trở về chỗ an toàn rồi lẫn khuất trong đám người càng lúc càng đông. Tôi còn nghe văng vẳng lời bà nói: "Cũng được! Ít ra ông ta cũng còn ăn!"
Tôi tiếp tục lạy và Thầy Hằng Do cũng ở gần bên, khi vừa đến cuối phố, về hướng bắc, bỗng nghe tiếng còi hú chát chúa, tiếp đó là những tiếng trống bập bùng vang lên. Tôi thầm nghĩ chắc là mình đang tưởng tượng thôi. Nhưng ngay ngã tư cuối cùng, chúng tôi lại nghe có hai chiếc xe mô-tô lớn (motorcycle) hiệu Harley Davidson đang chạy ào đến. Phía bên trái con đường là cả một đoàn diễn hành với những bước đi nhịp nhàng của từng tốp một, gồm: ngựa, ban nhạc, xe hoa và còn nhiều nữa, đủ thứ, đủ loại! Thì ra đó là cuộc diễn hành đón mừng người về tỉnh nhà Tomales, và họ đã ngừng lại khoảng nửa giờ để đợi chúng tôi lễ lạy ngang qua. Thật là những người quá lịch sự. Chỉ có ở xứ Mỹ nầy mới có thể xảy ra những chuyện như vậy. Hai chúng tôi ngừng lạy để nghỉ xả hơi và xem đoàn diễn hành. Có rất nhiều người tỏ vẻ thân thiện đến trò chuyện với chúng tôi.
Quả Tôn đem cơm trưa đến cho chúng tôi. Anh nầy sống bằng nghề giao chuyển dược phẩm thẩm mỹ chế tạo bằng chất hữu cơ cho các tiệm bán thức ăn dinh dưỡng lành mạnh. Buổi chiều chúng tôi lễ thẳng một mạch không ngừng nghỉ, đến cuối ngày thì được năm dặm, rồi dựng lều dưới gốc sồi to lớn, độc nhất trên cánh đồng cỏ của ai đó. Sau buổi tọa thiền tối, Thầy Hằng Do tản bộ đến nông trại gần nhất để mua về một bình sữa tươi, trong khi đó thì tôi lo nhóm lửa. Giờ đây, tôi vừa ngồi nhâm nhi sữa nóng vừa ghi lại những hàng nhật ký.

tải về 2.46 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương