Nguyên Bản: Three Steps One Bow Tập hồi ký của Thích Hằng Cụ & Thích Hằng Do


Ngày 16 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Do viết



tải về 2.46 Mb.
trang10/21
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích2.46 Mb.
#37895
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   21

Ngày 16 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Do viết:
Hôm nay chúng tôi lạy được bảy dặm rưỡi với thời tiết thật kỳ khôi. Mỗi khoảng nửa giờ, hết nắng chói chan rồi lại đổ mưa, cứ như vậy mà thay đổi luân phiên luôn. Khi lạy qua bãi biển Seal, có vài người đến hỏi chuyện, gồm một anh ký giả tên Joe Frazier của Associated Press; một anh tài xế lái xe giao mối sữa đã cho chúng một ít sữa tươi; một bà cụ kể rằng ngày xưa nơi đây từng có con đường chạy dài ra tới bờ biển, dành cho xe ngựa chở du khách; một anh buôn bán làm nghề diễn tả những kinh nghiệm tọa thiền của anh; và một cô gái lên tiếng dạy đời khi sư huynh đang lễ lạy bên đường.
Cô ta nóng nảy gằn hỏi: "Bộ ông không tin Giê-su là con của Thượng Ðế hả?"
Khi chúng tôi đến cây cầu bắt ngang qua vịnh Yaquina, trước khi vào khu phố Newport, có hai phóng viên là Jim Newman và Roland Chase của đài truyền hình ở Portland đến phỏng vấn và chụp hình liên tục.
Hồi còn ở tiểu học, tôi rất ghét khi phải một mình đứng trước lớp. Ðến lúc phải làm bài tường thuật, tôi sợ hãi và quên sạch những gì mình muốn nói, để cuối cùng chỉ có thể luống cuống đọc từ tờ giấy đã ghi sẵn thôi. Có lần chúng tôi phải làm thơ, và Thầy giáo lần lượt kêu tên từng người đứng trước lớp đọc. Khi tới phiên, tôi đọc thật lẹ cho xong, rồi chạy trở về chỗ ngồi. Bài thơ quá ngắn đến nỗi ông thầy lên tiếng mỉa mai: "Ðừng có đụng vào tay nó, thiệt tình nó bị mỏi nhừ vì đã viết bài thơ dài quá xá như vậy." Ông thầy cũng chịu thua luôn. Lên đến trung học, tôi cũng vẫn còn cái tật đó, nhưng lại thích thổi kèn trong ban nhạc vì không phải chỉ có mình tôi trên sân khấu.
Chính ra tánh sợ hãi của tôi chỉ hơi kỳ dị chút ít thôi, tại tôi đã thổi phồng nó lên phần nào, và dùng nó như bộ giáp che chở bảo vệ cái "ngã" của tôi. Nhưng hôm nay, khi máy thâu phim của đài truyền hình bắt đầu quay và máy ghi âm thâu lại từng lời nói, tôi xem tất cả chỉ là những mảnh vụn của trò chơi sắp chữ. Ở đây đang có hàng ngàn người đang theo dõi, nhưng tôi chẳng nhút nhát lo sợ tí nào. Có lẽ trong mấy tháng qua vì tiếp xúc chuyện trò với bao nhiêu người xa lạ, nên tôi đã bỏ quên đi cái "ngã" của mình, và cũng có thể tôi đã nhận ra mối nghi hoặc không hiện hữu của nó. Ðiều nầy có thể chẳng quan trọng đối với những ai đã từng dạn dĩ dưới ánh đèn pha, nhưng đối với tôi hôm nay mới là ngày đánh dấu cho một chiến thắng cá nhân thật sự.
Ông bà Maxfield sắp đặt cho chúng tôi một phòng trong khách sạn của họ ở West Wind Motel, thuộc vùng Newport để nghỉ qua đêm. Phải công nhận rằng hôm nay tôi cảm thấy thật là vui.
Ngày 17 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Hôm nay lạy được sáu dặm rưỡi dưới bầu trời chói chan. Hồi sáng nầy vừa lúc qua ranh giới phía bắc thành phố Newport, tôi dừng lại đi tiểu trong rừng cây phía sau ngôi nhà thờ tân thời phái Tân Giáo Lutheran. Khi đi ngang qua tôi thấy tấm bảng hiệu ghi là Mục sư Olson. Lúc đó tôi cũng chẳng nghĩ gì cả. Rồi tôi tiếp tục lạy tiến về hướng bắc, được khoảng hai giờ sau thì có một cặp tuổi trung niên dừng lại hỏi chuyện. Tôi thấy họ có vẻ lanh lợi hoạt bát, nên hỏi họ có thuộc tôn giáo nào không?
Người đàn ông trả lời: "Có, cả hai chúng tôi đều là tín đồ phái Tân Giáo."
Từ trước đến nay tôi chưa hề đến Newport bao giờ, và không biết cái gì đã xui giục tôi lại buộc miệng nói ngay: "Ồ! Phải rồi, ông bà Olson đây mà!"
Tôi đã nói trúng ngay chốc, khiến hai ông bà ngạc nhiên muốn ngã ngửa. Ở vùng Newport nầy có biết bao nhiêu tín đồ Lutheran mà sao thật ngẫu nhiên gặp ngay chính họ. Nhưng tôi vẫn giữ nghiêm nét mặt và tiếp tục nói khoảng vài phút, trong khi họ chăm chú lắng nghe từng lời.
Bà Cude dáng người nhỏ bé, đã chia sẻ phúc báu của bà cho chúng tôi với bánh mì, phó mát và trái cây. Nhưng đáng tiếc thay, những thứ chia sẻ nầy vẫn chưa đủ vì bà còn muốn cho thêm một cái ôm thật chặt nữa, nên chúng tôi phải hết sức khéo léo lựa lời để tránh né. Có hai anh chạy xe gắn máy hiệu Harley Davidsons, sau vài phút nói chuyện với tôi, họ tỏ vẻ ưa thích về ý kiến làm kẻ đơn độc trên xa lộ ngoài nầy.
Ngày 18 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Ông Russ Jamieson từ đài radio KMED ở Medford đến phỏng vấn ghi âm chúng tôi. Có viên cảnh sát thuộc lính mới ngừng lại, bắt chúng tôi lên xe ngồi chờ phía băng sau. Rồi ông gọi máy về tổng đài để họ dùng máy điện tử kiểm xét xem chúng tôi có phải là tội nhân gì đây. Ông định bụng chắc bọn nầy nếu không là lính thủy đào ngũ, thì cũng là bệnh nhân ở nhà thương điên trốn ra thôi. Nhưng tìm mãi chẳng có lý do gì để bắt bớ, thế là đành phải thả chúng tôi ra.
Khi chúng tôi đi ngang qua vùng Depoe Bay, thì gặp bà Walter ở ranh giới hướng bắc khu phố. Bà cảnh cáo phía trước có căn nhà đầy cả người say đang chờ chúng tôi. Bà nói bọn họ nhậu nhẹt suốt cả ngày nay và đang có một cuộc tiệc thật lớn để đợi chúng tôi đến. Có mấy ông liệng ném lon bia ra ngoài đường, một số khác kéo nhau ra trước lề đường giả đò bắt chước quỳ lạy. Trong khi chúng tôi đang đứng bàn luận về việc nầy, ông Baker, chủ nhân cho mướn phòng ngủ ở vùng nầy, chạy trờ tới và hứa cho chúng tôi một căn phòng để nghỉ đêm. Tôi ngước nhìn về phía trước, thấy rõ đám người say, thỉnh thoảng có một ông chạy ra đường ngó chừng xem chúng tôi đã tới chưa. à há, lại là lối lựa chọn cũ rích, hoặc là đón nhận những ly sữa mời niềm nở, hoặc là tiến quân xông vào cuộc chiến? Tôi cảm thấy hôm nay mình đã đủ sữa rồi, nên chỉ muốn xông thẳng vào trận địa.
Tôi bảo: "Hay là đệ cứ về phòng ngủ trước để dọn đồ ra, còn huynh sẽ lạy thêm một tiếng hay hơn nữa rồi sẽ đi bộ về sau."
Thầy Hằng Do trả lời: "Không làm gì hết! đệ đi tới đó, đệ đi tới đó ngay bây giờ!" Nói xong Thầy cúi xuống vác bị lên vai, túm lấy chiếc xe, rồi kéo thẳng về hướng mấy người say xỉn.
Bà lão la lên: "Ngừng lại! Mấy cậu làm như vậy thật là sai lầm lắm đó!"
Tôi mang bao tay vào, sửa lại cái bao đầu gối tin cậy, và bắt đầu đúng theo nghi thức tam bộ nhất bái xuống mặt lộ. Những âm thanh "Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát" liên tục vang rền trong tâm tôi như đoàn tàu xe lửa. Thầy Hằng Do tiến gần về đám người một cách hiên ngang nhất quyết. Từ khoảng cách chừng trăm bước về phía trước, tôi thấy độ chừng mười một người, nhưng họ có vẻ giạt ra khi Thầy Hằng Do đến gần. Thật ra trông họ cũng có vẻ sợ sệt đấy. Thầy Hằng Do vẫn tiếp tục tiến thẳng, đến lúc chỉ còn cách chừng năm mươi bước, là họ hoàn toàn nhốn nháo tản giạt ra, hầu hết chạy trở vào nhà. Có một ông núp nơi an toàn ném ra mấy viên sỏi nhỏ, nhưng tâm không phải cố ý chọi cho trúng. Sư Hằng Do ngừng hẳn ngay trước căn nhà, chờ tôi lạy tới. Như có chiếc xe ủi đất đã dọn đường bằng phẳng. Tôi lạy qua chẳng có chuyện gì. Chỉ nghe vài tiếng lầm bầm, coi như họ bất lực không làm được gì. Sau trận đụng độ nầy, chúng tôi cảm thấy nghị lực tăng gia, nên đã lạy thêm hai dặm rưỡi nữa. Tính ra hôm nay chúng tôi lạy được tám dặm rưỡi, khoảng đường dài nhất từ trước đến nay. Vừa định dựng trại bên đường, bỗng có một chiếc xe chở đầy mấy ông nhậu hồi nảy đến ngỏ lời xin lỗi.
Thầy Hằng Do nói: "Ồ! Không sao đâu, đừng lo nghĩ về chuyện đó nữa."
Ngày 19 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Hôm nay cha mẹ của Quả Hồi Weber đến thăm và mang theo thực phẩm cho chúng tôi. Bà Weber kể lại những chuyện tức cười trong lúc đi tìm chúng tôi. Bà nói trong khi dọc đường dọ hỏi về việc làm của chúng tôi, thì thấy ý tưởng của mỗi người mỗi khác. Có ông thì nói: "Tôi không biết họ đang làm cái gì, nhưng chắc họ có cách tốt hơn để lên thiên đàng."
Còn em bé gái thì nói: "Có, con thấy một người đàn ông cứ quỳ lạy mỗi khi có một chiếc xe chạy qua."
Lúc chiều xuống có ông già lỗ mũi đỏ ửng, đã say men, đến bên Thầy Hằng Do nói: "Tôi không biết mấy ông đang làm gì, nhưng tôi hy vọng các ông cứ tiếp tục như vậy mà làm."
Chỉ bằng những lời nói chan chứa chút ít vui nhộn đó, là đã giúp chúng tôi phấn chấn tiếp tục lên đường.
Ngày 20 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Do viết:
Khu phố Lincoln kéo dài khoảng bảy dặm dọc theo bờ biển. Khi chúng tôi lạy xuyên qua phố, có đủ hạng người như: hip-pi, bình dân, đám mô-tô Thiên Thần của Ðịa Ngục (Hells Angels), các vị bô lão và trẻ nít đến chào đón. Trong khi chúng tôi ngừng lại ăn cơm ở bãi đất trống trong phố, có ông ký giả nhà báo đến phỏng vấn. Ngay cả ông Roy Sutton, cảnh sát trưởng quận Lincoln, cũng đến bắt tay chúng tôi. Ông cảm kích về tướng mạo của sư huynh. điều làm ông nể phục nhất là khi biết chúng tôi có thể đi xa như vậy mà mỗi ngày chỉ ăn có một bữa cơm chay thôi. Sau bữa ngọ chúng tôi lại tiếp tục, có nhóm chuyên viên đài truyền hình đến quay cảnh chúng tôi đang lễ lạy qua khu phố. Lúc sắp dừng nghỉ, thấy có hai chiếc xe xém chút nữa là đụng nhau, vì mấy anh tài xế lơ đãng không chú ý, chỉ có thế thôi.
Sau khi lạy được bảy dặm ba phần tư, chúng tôi dựng lều trên khoảng đất trống an lành bên đường.
Ngày 22 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Do viết:
Ðến giữa vùng Neotsu và Winema Beach, con đường dẫn vào nội địa khoảng vài dặm. Hôm nay chúng tôi lạy dọc lên dãy đồi, trước khi đến vùng Neskowin. Ði trên đường với những cây trụi lá và ánh mặt trời nóng cháy cứ tiếp tục chói rọi, khiến chúng tôi muốn bệnh say nắng luôn. Tệ hơn nữa là nước uống lại hết sạch. Nên tôi đi thẳng lên trên đỉnh đồi, sau một lúc tìm tòi thì khám phá ra một dòng suối mát trong veo. Lòng nghĩ thầm: "Chờ đến lúc sư huynh nếm qua mùi nước cam lồ nầy thì mới biết." Múc đầy bình, tôi trở lại chỗ chiếc xe kéo và bắt đầu lạy. Nửa tiếng sau sư huynh cũng tới, nhưng thấy huynh tôi liệng đôi bao tay xuống đất rồi ngồi bẹp trên chỗ đất sốp mềm. Tôi cảm thấy hình như có chuyện gì không ổn, nên không dám lên tiếng. Phút chốc tôi chợt hiểu ra: A! thì ra tại mình đi quá xa về phía trước mà quên nghĩ rằng rủi có chuyện gì xảy ra một trong hai chúng tôi, thì làm sao mà người kia biết được. Nên tôi gượng nói: "Uống nước đi, thật là mát lịm vậy đó!"
Rồi cả hai chúng tôi uống nước trong im lặng. Bấy giờ tôi nhìn lại, sự cố chấp khăng khăng từng hỗ trợ cho những giận hờn bực bội trong lòng, như đã chấm dứt ngay từ đó. Nhưng có điều tôi đã quá kiêu mạn, không chịu kéo bỏ cái ngã để mà xin lỗi. Thế là chúng tôi cùng ngồi bên vệ đường, mà trong lòng mỗi người ai cũng có lý phải của mình để sẵn sàng trách móc đổ lỗi lên đầu người kia.
Có lẽ những chuyện giận hờn nhỏ nhoi coi như không quan trọng, vì một lúc sau chúng cũng sẽ lắng dịu xuống, thì tại sao mình phải làm cho nó lớn chuyện ra? Nhưng nếu nhìn kỹ để suy rộng hơn về những phiền hờn cỏn con đó, nếu không được quản thúc thì chúng sẽ lớn dần để trở thành thù hận, là nguyên nhân khiến con người đi đến cãi vã, đánh nhau. Một bước xa hơn nữa, lòng thù hận và sân giận chính là nguồn gốc gây ra chiến tranh. Cho nên nếu chúng ta chịu loại trừ những ý nghĩ ác độc trong tâm hồn, thì chúng ta sẽ không có lý do gì để phát sanh những hành động thô bạo dù ở bất cứ trường hợp nào.
Nghe qua thì thấy nó đẹp làm sao, nhưng đó chỉ là trên giấy trắng mực xanh thôi, chớ bình thường mà đem những điều nầy áp dụng vào cuộc sống hằng ngày thì thật là quá thử thách. Một lúc sau, sư huynh Hằng Cụ nhìn tôi, tôi nhìn lại, sư huynh Hằng Cụ đứng lên, ngó quanh một vòng và nhổ phạch một bãi nước miếng xuống đất, rồi tiếp tục lễ lạy. Trời ơi! Con cảm thấy mình nhỏ bé quá.
Ra khỏi vùng Neskowin, có một bà cằn nhằn gắt gỏng sư huynh "Ông nghĩ là ông đang làm cái gì vậy hả?"
Sư huynh Hằng Cụ từ tốn trả lời: "Lạy cho thế giới hòa bình."
Bà ta nạt nộ: "Vậy à! Ông có thể nói điều nầy ở trạm cảnh sát đó." Rồi bà bỏ chạy vào nhà để gọi điện thoại, nhưng chả thấy có ông cảnh sát nào đến cả. Sau đó có mấy cậu bé vùng Neskowin đem đến cho chúng tôi một túi trái cây. Rồi có một cô gái đạo Thiên Chúa, cố gắng thuyết phục chúng tôi chuyển đạo ngay tại chỗ.
Tôi bảo cô: Cứ quán tưởng rằng tất cả mọi việc điều do tâm tạo, nhưng cô nàng nghe đâu có hiểu tôi nói gì.
Hôm nay chúng tôi cũng lạy được sáu dặm ba phần tư, dù bên lề đường đầy những khí độc địa. Dựng trại về phía nam vùng Cloverdale trên một ngọn đồi ẩn mình phía sau con lộ. Chúng tôi hái những trái be-ri chín cho bữa trưa mai.
Ngày 23 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Dưới cơn mưa chúng tôi lạy được bảy dặm. Mấy em học trò lớp tám ở vùng Cloverdale đến nói chuyện với chúng tôi ở sân cỏ phía trước. Sau đó có em trung học đến phỏng vấn Thầy Hằng Do để viết một bài cho tờ báo của trường.
Lúc ở Hebo, chúng tôi có gọi điện về Kim Sơn và nói với Sư phụ về chất độc ở bên đường. Nhưng Sư phụ bảo việc đó không sao, rồi dạy cách thức cho chúng tôi như: khi đứng lên thì thở, khi quỳ xuống thì ráng nín đừng hít vào. Ngài còn khuyến khích chúng tôi mỗi ngày phải càng thành tâm hơn và đừng có nói chuyện vớ vẩn với mấy anh ký giả, phóng viên, vì họ thường hay cố tình chỉ thâu lượm những gì có tánh cách dị kỳ, lạ thường mà bỏ quên đi những điểm quan trọng. Tôi cũng nói với Sư phụ rằng những gì tôi làm đều có tính cách dị kỳ, lạ thường, nhưng Ngài bảo đừng lo nghĩ làm chi về chuyện đó.
Cha Gerald tự giới thiệu là tu sĩ dòng Thánh Benedictine ở chủng viện St. Angel, đã hỏi người xứ đạo của ông là ông bà Hurlemans cho chúng tôi dựng lều trên đồng cỏ nuôi bò của họ, và được họ tán thành đồng ý ngay. Cha Gerald có giáo đường ở cả hai vùng Cloverdale và Tillamook, nên đã mời chúng tôi ghé lại khi đi ngang vùng Tillamook.
Bây giờ trời đã khuya, mưa rỉ rả rơi trên tấm mủ phủ trùm bảo vệ chiếc lều, như nói rằng: "Xin báo cáo, cả căn lều không có chỗ nào bị dột hết."
Ngày 24 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Do viết:
Một ngày mưa gió bê bết. Chúng tôi dùng cơm dưới gầm cầu, vì nơi nầy còn có vẻ khô ráo. Con đường nhỏ hẹp và ngoằn ngoèo, lại có rất nhiều xe vận tải kềnh càng qua lại khiến chúng tôi mấy lần xém bị tông vào.
Chiều đến Thầy Hằng Cụ kể lại là trong lúc tôi đi ở phía trước thì có hai chiếc xe ngừng lại bên Thầy, rồi một người đàn ông tóc vàng quăn, ló đầu ra cửa xe nói: "Hãy tiến lên! Hãy tiến lên! Ðừng ngừng, đừng ngừng, đừng ngừng!" Rồi cả chục người bước ra xe từ từ đi lại. Thầy Hằng Cụ nghĩ thầm chắc là một bọn du côn muốn tới kiếm chuyện gì đây, nhưng sau đó vị xếp đầu quăn đến gần, kính cẩn chắp tay và nói với giọng thật êm dịu: "Shanti" (tiếng Ấn Ðộ có nghĩa là Bình an.) Và đưa cho Thầy một trái chanh, nói tiếp: "Chúng tôi đã theo dõi những tiến trình của các ông qua báo chí, tôi nghĩ rằng việc các ông làm thật là tuyệt diệu."
Thầy Hằng Cụ không nói lời nào. Khi ông đó trở về xe, có một người trong nhóm, mỉm cười nói với Thầy : "Ông vừa gặp ông Ken Kesey đó."
Gần đến giờ ngừng lạy trong ngày, ông John Whecler là một nhà nông cần cù đến chở chúng tôi ra khỏi cơn mưa, và đưa về mảnh đất mười mẫu của ông chạy dài về hướng đông vùng Beaver. Ông có hai người em đang chuẩn bị dùng chiếc xe hàng cột nối sợi dây xích để kéo thẳng căn nhà xe cũ kỹ đang bị lún quằng xuống. Thấy cách họ làm, tôi nghĩ thế nào cũng có chuyện xảy ra, nhưng không nói gì cả. Họ buộc sợi dây xích sắt vào một cây đà rồi kéo một chút và kéo thêm một chút nữa. Thấy căn nhà có vẻ đã vừa đủ thẳng rồi, nhưng họ lại cố kéo chỉ thêm một tí xíu nữa thôi, để rồi mọi người ngỡ ngàng nhìn cả căn nhà xe sập xuống một cái ầm.
Chúng tôi ngủ trên giàn gát chứa cỏ khô và bên dưới là cái chuồng của một đàn dê.
Ngày 25 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Có chiếc xe truck cũ kỹ kéo theo căn nhà gỗ, ngừng lại. Bốn ông đầu tóc bùm xùm, nhưng có vẻ thiện cảm đến chào đón chúng tôi. Một ông đầu bùm xùm nhất trong nhóm nói: "Các ông có muốn sữa dê tươi không?"
Tôi đáp liền: "Dạ!"
Rồi ông đi về phía sau mở tung cửa xe, hiện lộ bên trong thật là một con dê cái đang chỉa đuôi về phía chúng tôi. Ông lấy cái bình không và bắt đầu vắt ra dòng sữa tươi ấm hỉnh. Sau đó chúng tôi đứng thành vòng tròn, chuyền tay nhau bình sữa mà nhấp uống. Tôi nói: "Thật không còn gì tươi bằng!"
Anh cao nhất có thân hình giống tạc như hóa thân của Ben Hur nói: "Xin các ông nói rõ cho chúng tôi biết các ông đã học được những gì trong chuyến đi nầy."
Tâm trí tôi bắt đầu quay chuyển chớp nhoáng, trở lại hình ảnh của hàng trăm dặm đường đã đi qua và hàng ngàn người mình đã từng tiếp xúc. Câu hỏi có vẻ hơi khó đấy! Vì không có cách nào mà tôi có thể trả lời chỉ bằng vài câu được cả, nên tôi cứ lặng thinh và sau một lúc chúng tôi đứng trong im lặng. Cuối cùng anh cao đó nói: "Chúng tôi nghĩ rằng việc hai anh làm thật có giá trị, hy vọng các anh sẽ đạt tới đích."
Chiều xuống, Andy và Sheila chở chúng tôi về nhà và giới thiệu với ông bà nội cùng bạn bè của họ. Quả Hỉ Sheila vừa quy y theo đạo Phật và cũng vừa được phục hồi sau cơn đau lưng rất trầm trọng, việc nầy khiến bác sĩ cũng phải ngạc nhiên và nói đó là một sự nhiệm mầu.
Ngày 26 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Có chú thanh niên từ vùng Tillamook ngừng lại xin tôi giải thích sơ về phương pháp tu đạo Phật để một người có thể áp dụng theo. Chúng tôi đi vào cuộc bàn luận và tôi liệt kê ra những điều căn bản cho anh biết:
Ðiều 1: Cố gắng đừng tạo nghiệp dữ. Giữ tâm và hành động luôn thanh tịnh, bằng cách đừng để tham, sân, si, sai sử.
Ðiều 2: Quán tâm như hư không, có thể hàm chứa tất cả mọi vật như khoảng không gian bao trùm tất cả những hành tinh. Chân tâm rộng lượng, vĩ đại, vô chướng ngại và ở trình độ cứu cánh thì sẽ là "vô trí diệc vô đắc (không biết, cũng không đắc)."
Ðiều 3: Phải biết rằng không có phương pháp cố định và cũng không có giáo lý nhất định. Chúng ta nên gìn giữ giới luật, pháp hành và thệ nguyện của mình, nhưng đồng thời coi vạn pháp kể cả những giáo lý, thuộc về tương đối và là những sáng tạo huyền ảo, tự chúng không là thật.
Ðiều 4: Nhìn sự vật theo pháp Trung đạo, vì cuộc đời đầy ấp những cực đoan và đối đãi. Lại nữa, trong phạm vi của những ngôn từ và lý lẽ không diễn tả chính xác được Thật tướng. Tốt và xấu, lớn và nhỏ, trong và ngoài, còn bao nhiêu cặp đối đãi khác nữa đều là những nhãn hiệu, có tính cách tương đối, hạn cuộc. Chúng không gì hơn là những tiêu chuẩn đặt để từ sự tưởng tượng của ai đó, hay những bản hiệu không thực tế tô phết lên sự thực vốn không phân biệt. Ðạo Phật dạy con người nên tập nhìn mọi sự từ Trung đạo, từ vô niệm. Như lời Sư phụ nói: "Thượng vô Thiên, hạ vô Ðịa: Hư không phấn toái dã." (Trên không trời, dưới không đất: hư không cũng vỡ tan.)
Ngày 27 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Hôm nay là ngày lễ Tưởng Niệm Chiến Binh. Xe cộ có phần đông đúc và gió thổi ào ạt. Cả hai chiều trên xa lộ, mấy ông say, đua nhau tăng tốc lực. Thế nên phòng thân để khỏi bị đụng vào, chúng tôi quyết định tạm ngừng lễ lạy.
Chúng tôi cắm lều trên một đồng cỏ cao lêu nghêu. Khoảng nửa đêm, có con chuột thật bự (nặng cũng khoảng hơn một ký lô), leo lên chiếc xe kéo và bắt đầu ra tay. Chúng tôi giựt mình thức giấc vì những tiếng nhai gặm nghe rào rạo. Vì cớ làm sao, con chuột dơ bẩn nầy lại lọt vào chỗ thức ăn của chúng tôi vậy cà? Tôi chui ra khỏi túi ngủ và chụp lấy đèn pin rọi thẳng về chiếc xe kéo, cách phía trước lều chỉ khoảng bốn bước. Chính hắn đây rồi, tên vô loại không biết xấu hổ, đang đứng trên xe, dồn từng bụm bánh mì vào miệng. Nó cắn lủng túi ny-lon, xuyên qua cả mấy lớp bao mủ và đã tiêu thụ bánh mì thơm ngon cũng khá nhiều. Tôi rọi đèn chiếu thẳng vào mắt nó, vừa lúc Thầy Hằng Do ra khỏi lều. Cả hai chúng tôi đứng cách nó chỉ độ ba bước thôi, vậy mà hắn ta vẫn tiếp tục cạp ăn ngốn nghiến. Mấy miếng bánh thật đã làm hắn mê mết. Trong đạo Phật gọi đây là "Biết sai nhưng cố phạm." Tay mặt cầm đèn rọi vào mắt nó, tay trái được sư Hằng Do xỏ bao tay vào, tôi chầm chậm đi vòng phía sau nó. Vừa trân mình định chụp, thì nó nhảy vọt lên, rốt cuộc tôi chỉ đụng được cái đuôi nó thôi. Ðúng đồ chuột! Hắn dzọt rồi!
Con người cũng có thể trở thành chuột. Nếu họ chỉ biết hành động giống như loài chuột thì sẽ thành chuột ngay, chẳng cần phải đợi đến kiếp sau. Thành chuột không đuôi ngay ở đời nầy.
Ngày 28 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Do viết:
Chúng tôi tiến qua vùng Hemlock và thung lũng Pleasant, dọc theo xa lộ trong đất liền, và hướng về thành phố Tillamook, nơi nổi tiếng sản xuất pho mát (cheese). Hôm nay vùng nầy đang có cuộc bầu cử, nên hồi sáng sớm chúng tôi đã bị một cụ ông tóc đã bạc phơ, đang trên đường đi bỏ phiếu, cằn nhằn là tại sao chúng tôi không chịu đi bầu. Lúc xế chiều, ông bà Kleins từ quận Portland đến tận ngọn đồi để thăm chúng tôi một lần nữa.
Tuần rồi tôi có đề cập về vấn đề dục vọng, nên nay lại bàn thêm. Khi chúng tôi đọc kinh điển và được Sư phụ giảng dạy rõ ràng, thì hiểu rằng dục vọng nó có thể giả dạng dưới trăm hình vạn tướng, không những chỉ che lắp cái trí tuệ sáng suốt sẵn có của chúng ta mà nó còn gây ra lắm điều phiền não. Ví như khi thấy khối kẹo hơn ba mươi bốn ký lô (75 pounds) thì lòng tham muốn nổi vọt lên, nhưng lúc đó Sư phụ đã làm thinh để tự chúng tôi học lấy bài học kinh nghiệm của chính mình.
Không đạt được điều mình ham muốn thì chúng ta thất vọng. Thâu nhận những gì không ưa thích thì chúng ta hờn giận. Chúng ta có lẽ đã bỏ nhiều công sức, thời gian và tiền bạc để có được những vật chất đẹp đẻ, nhưng sau đó cũng vẫn không hài lòng và phiền não bởi vì lửa ham muốn phừng cháy cao hơn theo những điều ta càng muốn thêm nữa. Và tiếp tục đến vô độ, rồi tự làm hại mình và hại luôn đến kẻ khác.
Ðiều nầy cũng không dễ gì chấp nhận được đâu, như đa số người tin theo Phật pháp một cách nghiêm túc mà vẫn chưa chịu dứt khoát đoạn dục. Lại có người cho rằng đoạn dứt lòng tham không có ích dụng gì cả: "Tại sao tôi không nên hưởng thụ chớ?"
Lão tử đáp:
Phu duy bệnh bệnh, thị dĩ bất bệnh.
Thánh nhân bất bệnh, dĩ kỳ bệnh bệnh,
Thị dĩ bất bệnh.
Nghĩa là:
Chỉ khi nào ta biết được những tật bệnh của mình thì ta mới hết bệnh.
Thánh nhân không bệnh bởi đã rõ bệnh tật mình nên không bệnh.
Ðây là điều bí quyết của sự khỏe mạnh.
Tật bệnh là dục vọng. Vì đã không chấp nhận rằng ta đau khổ vì nó, nên ta không tìm cách loại bỏ nó để được mạnh khỏe. Cũng như có người không tin mình bị ung thư, thì sao y lại đến gặp bác sĩ để chữa trị chớ?
Ngày 29 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Tôi thức dậy trước khi mặt trời ló dạng và lễ lạy được một lúc, rồi tạm ngừng ngồi nghỉ dưới chân cầu. Mười phút sau tôi lại tiếp tục, nhưng bỗng nhiên bụng đau nhói, nên tôi trở lại phía chân cầu để nghỉ thêm chút nữa, thì khám phá ra mình đã bỏ quên quyển sách gồm những bài Chú mà tôi tụng niệm. Bụng tôi chẳng mấy chốc hết đau.
Khi gần đến vùng Tillamook, chúng tôi gặp hàng mấy chục bạn bè thân thiện. Nguyên là cô Linda Glass hướng dẫn một chiếc xe chở đầy học trò đến gặp chúng tôi. Nhớ lời mời lúc trước, chúng tôi ghé lại giáo đường Sacred Heart Parish để thăm Cha Gerald, rồi được Cha đưa đến viếng một trường trung học, và chúng tôi có buổi nói chuyện với đám học sinh lớp mười. Lúc chúng tôi dứt lời, Cha Kenneth, Mục sư phụ tá hướng dẫn cả lớp cầu nguyện: "Nguyện cầu cho hai ông nầy tìm được bình an trong đức Chúa Giê su của chúng ta, A Men."
Chúng tôi đi qua khu phố một mạch mà không có vấn đề gì (tuy có một chiếc xe cảnh sát lúc nào cũng qua lại đó đây). Chúng tôi nghỉ lại đêm tại nhà ông Ted và bà Ivy Mullan. Thật là một đêm ngủ an lành. Ông Ted cứ muốn đưa chúng tôi lên chiếc máy bay do chính tay ông làm, nên chúng tôi thay phiên từng người một leo lên để ông lái. Khi bay cao khoảng ba ngàn feet (hơn 900 mét) về hướng bắc, nhìn xuống lộ trình tương lai của chúng tôi, thấy không gì hơn mà chỉ toàn là bờ biển và xa lộ chạy dài mút mắt.
Ngày 30 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Do viết:
Hôm nay khi chúng tôi đang trên đường dọc theo vịnh Tillamook về hướng bắc, thì có nhóm hội sinh viên thuộc ban Công Dân của đài radio trong vùng cho chúng tôi những ly trà nóng. Khu vực nầy có tới khoảng hai trăm hội viên, họ nói rằng các đường dây liên lạc lúc nào cũng bận rộn theo dõi địa điểm lộ trình của chúng tôi.
Ðến gần vùng Garibaldi, có chú em hỏi chúng tôi có phải là những ông Sư Thiếu Lâm không? Chắc em nầy coi phim công phu trong truyền hình nhiều lắm rồi. Chú bé không chút ngại ngùng khoe khoang bảo là rất hãnh diện khi đã đánh hạ được thằng bạn trong trường. Thấy rõ em rất say mê tuồng phim mạo hiểm của một ông Sư tứ cố vô thân sống ở miền Tây Mỹ vào thế kỷ thứ mười chín. Chuyện phim được trích dẫn hay đúng hơn là trích dẫn sai lầm những triết lý của Lão Tử và Khổng Tử, vậy mà tuồng phim rất được mọi người ưa chuộng. Nhưng nếu ta nhìn thủng lớp vỏ trá hình triết lý Ðông Phương, thì đây cũng chỉ là trò biểu diễn đánh đấm bạo động hàng tuần trong đài truyền hình mà thôi.
Trẻ con huân tập xem những chương trình như vậy giờ nầy qua giờ khác, hết ngày nầy đến ngày khác, ngay cả trước khi chúng biết nói biết đi. Cho nên, các em bị đầu độc và cho rằng bạo động là phương pháp để thành công. Và tại sao? Vì những người quảng cáo tham lam muốn nó được xen kẽ bởi những mục quảng cáo kích thích để bán các sản phẩm của họ. Là vì nếu chuyện phim có hấp dẫn được nhiều người xem, thì sẽ có dịp thấy luôn sự cổ động quảng cáo kèm theo đó. Tôi không phải là chuyên viên thông truyền gì cả, nhưng chỉ muốn minh bạch cho thấy rõ vấn đề trẻ con phải chịu ảnh hưởng bởi sức thu hút mạnh mẽ nầy. Và đến khi chúng lớn lên không sao tránh khỏi sự trả giá quá đắt, để được thỏa lòng tham lam của người quảng cáo. Tôi không biết các nhà soạn giả tuồng công phu có để ý là Lão Tử mà họ thường lấy làm dẫn dụ trong chuyện phim đã nói: "Người hung hăng bạo động sẽ bị tận diệt trong cảnh bạo tàn."
Ông bà Blackwell ở Garibaldi sắp đặt phòng cho chúng tôi về nghỉ ở nhà họ.

tải về 2.46 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương