Nguyên Bản: Three Steps One Bow Tập hồi ký của Thích Hằng Cụ & Thích Hằng Do


Ngày 31 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Cụ viết



tải về 2.46 Mb.
trang11/21
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích2.46 Mb.
#37895
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   21

Ngày 31 Tháng 5 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Lúc đi qua vùng Rockaway, có hàng trăm người đến hỏi chuyện, kể cả một anh cảnh sát trưởng thân thiện. Chúng tôi nhận thấy phương pháp tốt nhất liên quan đến việc chúng tôi làm là nên diễn giải với mọi người theo đúng danh từ tôn giáo của chính họ. Khi đạo Phật từ Ấn Ðộ chuyển nhập đến Trung Hoa đã bị biến hóa lẫn lộn vào những ngôn từ, tư tưởng của đạo Khổng và đạo Lão, để rồi hợp nhất tất cả thành một phái không thể tách rời được. Chúng tôi cũng nhận ra rằng sau những lần tiếp xúc, thật không ích gì nếu cứ cãi lý với người về tôn giáo tín ngưỡng. Nếu có người đã quyết lòng muốn đến thuyết phục chuyển hóa chúng tôi thì họ sẽ không cảm hứng gì để nghe những ý kiến của chúng tôi. Cho nên điều tốt nhất trong hầu hết các trường hợp là chỉ nên giữ thái độ thân thiện với họ là hơn, tuy tôi rất mong có thể san sẻ được với họ là tôi không tin vào vấn đề đúng sai. Tôi nghĩ rằng tất cả tôn giáo đều có giá trị và đều phục vụ nhu cầu con người như trong lúc họ tăng trưởng đời sống tâm linh. Chính đạo Phật cũng chỉ là nấc thang để bước qua. Ðức Phật so sánh giáo lý của Ngài như một chiếc bè, chỉ tồn tại để đưa giúp người qua đến bên kia bờ. Tuyệt vời biết bao nhiêu nếu chúng ta đừng vội vàng phân loại lẫn nhau vào những phạm trù hư cấu do những định kiến sai lầm.Thật ra con người rất phức tạp và cũng rất đặc sắc, thì làm sao mà phân loại một cách vô lý như vậy được.
Ngày 1 Tháng 6 Năm 1974. Hằng Do viết:
Con đường quanh co dẫn theo vịnh Nehalem, vùng đất bị trũng xuống sình lầy toàn rong biển và những khúc cây trôi tấp trên bãi đất cát. Những dãy đồi thấp thoáng lờ mờ xa tít về hướng tây.
Vào buổi chiều, chúng tôi đi theo lối quẹo xuống đồi để vào một khu phố nhỏ vùng Wheeler, nơi đây hình như mọi người đang vây quanh chờ đợi để được nhìn chúng tôi lễ lạy ngang qua. Ông chủ tiệm tạp hóa trong phố bảo chúng tôi cần gì thì cứ tự nhiên mà lấy, nên chúng tôi chỉ xin một cái dao cạo râu. Sau một lúc nghỉ xả hơi, cậu cháu trai của ông chủ tiệm nầy đã từng là chủng viên của tu viện Thiên Chúa Angel, đến phỏng vấn chúng tôi cho bài báo của thành phố. Anh ta đã hỏi mấy câu rất chí lý.
Trong cuộc phỏng vấn, anh nầy một đôi lần cứ than phiền: "Triết lý của các ông phức tạp quá."
Ðáng tiếc thay, những cố gắng của tôi để diễn tả một cách giản dị những lý căn bản của nghiệp quả, luân hồi và giác ngộ đã làm đối phương phản đối. Tôi bắt đầu cảm thấy hết phương cách, và thất vọng bởi vì tôi càng giải thích đơn giản hơn thì những đối nghịch càng gút mắc vào tâm người phỏng vấn. Cuối cùng cảm thấy mất thời giờ quá nên tôi nói: "Thôi mình đi sư huynh ơi!"
Chúng tôi được một chú bé dẫn đường lên cánh đồng cỏ ở ngọn đồi cao phía trên thành phố để nghỉ qua đêm.
Ngày 2 Tháng 6 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Lễ lạy sáu dặm dưới cơn mưa bão vùng Oregon cũng không tất yếu là điều khó thực hành cho lắm. Tôi chẳng để ý gì đến nước ngập, và sau một lúc, nó hầu như không thực có ở quanh đây. Thật ra, lúc nầy cảnh vật rất yên tỉnh nên đáng được thưởng ngoạn. Chúng ta sẽ thấy mưa tưới nhuần cây cỏ và làm cho tất cả cảnh vật trở nên tươi mát sạch sẽ hơn. Ðáng tiếc thay, vì hầu hết mọi người đều chạy vội vào nhà khi thấy mưa rơi. Thật là đáng tiếc cho họ đã bỏ lỡ dịp rồi!
Ngày 3 Tháng 6 Năm 1974. Hằng Do viết:
Chúng tôi lạy ngang qua hai khu phố Helalem và Manzanita, rồi tiến thẳng luôn lên ngọn núi Neshkahnie cao khoảng 1700 bộ (hơn 500 mét). Và hiện cắm trại ở vùng công viên Oscar West State hoang vu vắng vẻ, gần về phía ranh giới vùng Tillamook Clatsup. Lưng của sư huynh bị đau nhức và vì trời mưa, nên chúng tôi có phần hơi chậm rãi, nhưng có điều an ủi khi biết rằng chúng tôi đã đi qua được 776 dặm đường rồi. Mặc dù trong chuyến đi có xảy ra bao chuyện cay đắng, nhưng hình như nó lại có cái gì thật tràn trề tuyệt diệu. Có lẽ đó chỉ là tánh cao hứng tự nhiên do cuộc sống ngoài trời đã quá lâu, đôi khi những ảo tưởng của tự do nầy lại là những khuyến khích để tiến lên.
Trong cuộc đời, chúng ta có thể đi đến bất cứ nơi nào mình muốn, làm những gì theo sở thích, nhưng bất kể là đi đâu đi nữa, chúng ta cũng vẫn còn là những tên tù bị giam hãm trong vô minh của chính mình. Nhưng có điều được chỉ dạy là nếu theo con đường của các vị tiền bối Thánh nhân đã từng đi, thì chúng ta sẽ nhìn thấu rõ được những vô minh của chính mình, và đến những nơi mà chúng ta không bao giờ biết đến có sự tồn tại nữa. Chúng ta được bảo rằng đừng để mắt vào cuộc đời ngắn ngủi, cái ảo tưởng tự do của cuộc sống không giới luật, mà phải nhìn vào sự tự do chân thật phát sanh từ sự dụng công lâu dài và lòng hy sinh.
Thật thú vị thay khi nghĩ rằng chuyến bái hương nầy có nhiều ý nghĩa hơn là một cuộc du hành chỉ để đến Seattle. Càng thấy rõ đối với những người chúng tôi gặp, dù là những ân nhân giúp đỡ hay những kẻ muốn hãm hại, tất cả đều có liên quan trong chuyến đi cũng như chúng tôi vậy thôi. Cuộc đời của mỗi chúng ta có lẽ thể hiện qua tướng mạo cá nhân riêng rẽ, nhưng dưới lớp của dòng ý thức thì chúng nó có sự liên hệ theo nghiệp duyên, giống như những chùm rễ chằng chịt của cây đa to lớn. Những việc thiện trong hiện tại là những kết quả phước lành trong tương lai. Ví dụ điển hình là những vị khất sĩ ở các quốc gia Phật giáo, họ là ruộng phước điền để mọi người gieo trồng những hột giống lành. Cúng dường thức ăn cho các vị khất sĩ, tức là họ đang nuôi dưỡng công đức cho chính mình.
Chuyến đi nầy xem như chỉ là một cuộc tản bộ đến Seattle, nhưng nếu chúng ta thực hiện với tư cách chân chánh thì nó là một lối đi tương tợ vững chắc, như con đường các bậc tiền bối tu hành đã đi qua. Những bậc cổ đức nầy đã bỏ lại sau lưng sự vô minh u tối và đã thật sự đi đến sự tự do cứu cánh. Các Ngài cũng đã gây ảnh hưởng, giúp đỡ và hướng dẫn vô số chúng sanh cùng nối gót để đi đến giải thoát. Ý nghĩ thú vị lướt qua tâm tư như những giọt mưa lạnh lẽo đang rỉ thấm vào lều.
Ngày 4 Tháng 6 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Vì trận bão quá lớn nên hôm nay chúng tôi tạm nghỉ. Chỗ dựng lều nằm chơ vơ giữa những nơi không chỗ nào là không bị nước rịn chảy ướt ở Oregon nầy. Vì tối qua chúng tôi không đào sâu những đường rãnh, nên bây giờ cả lều như đang từ từ chìm lặn xuống nước. Một phần phía sau lều đã bị tràn ngập thành vũng. Không những chỉ vậy thôi, mà trong lúc tôi đang loay hoay mồi đốt cái lò SVEA, vô ý làm bắn văng một ít dầu hôi khiến cháy lủng một lỗ to tướng trên cái bồ đoàn của mình. Phựt cháy trong mấy giây, cả lều trong giống như sắp bị thiêu rụi. Cho nên việc mồi lửa cho cái lò dầu SVEA ở trong lều nên dành cho những ai có tâm hồn dũng mãnh, đã dứt bỏ được vòng sanh tử luân hồi rồi thì mới nên làm. Và sau khi cái lò oái oăm nầy cháy được, tôi nấu bột lúa mạch cũng bị khét khê. Năm phút sau đó tôi lại làm bể cái chai đựng muối, văng tung tóe khắp lều cũng cả nửa tách muối. Ngày gì mà kỳ cục quá! Coi như chúng tôi lại khờ khạo chìm nổi bấp bênh trong biển phiền não của chính mình.
Có câu nói rằng, nếu người nào không phiền não thì đã là giác ngộ. Nhưng biển phiền não thì mênh mông vô cùng tận. Nhớ lại khi ở Kim Sơn, có một thời hình như mỗi lần tôi nổi hứng kiêu ngạo, hoặc lười biếng giải đãi, hay có những ý nghĩ phiền não là sẽ nghe tiếng cửa phòng Sư phụ đóng mạnh lại. Tình trạng đó thật kỳ lạ, vì nó xảy ra như vậy cả hàng trăm lần. Tôi tự nghĩ: "Chuyện nầy khó tin quá! Ai có ngờ rằng một vị Thầy lại có thể dạy đệ tử bằng cách đóng mạnh cửa như vậy sao?" Nhưng tin hay không, sự giáo hoá của Ngài là như vậy đó. Tâm tư tôi chẳng còn gì để nghi ngờ nữa. Sự biểu hiện của Sư phụ bằng cách đóng cửa phòng đã đủ mạnh trong nhiều trường hợp khiến tôi sửa đổi tư tưởng và tánh tình được khá hơn. Tóm lại, phương pháp nầy rất có hiệu lực.
Ngày 5 Tháng 6 Năm 1974. Hằng Do viết:
Bãi biển Cannon: mưa, đồi, đường lộ khúc khuỷu và một đường hầm.
Kéo chiếc xe lên đồi như cố lôi mình ra khỏi việc làm không hứng thú. Kềm hãm chiếc xe xuống dốc tựa hồ như cố gắng kềm lòng đừng quá ham vui. Ði kéo theo chiếc xe trên lề đường thì giống như tương hợp với vũ trụ vậy, không có ý nghĩ về xe kéo hay có người đang kéo xe. Không có gì quan trọng để biết rằng dù đang xuống đồi nghiêng mình theo chiều dốc, hay nương theo dốc để lên đồi. Con đường tôi nhìn thấy là con đường trung đạo, bao gồm tất cả các giai cấp và mọi hoàn cảnh đưa đến, chỉ xem chúng đồng hạng bình thường cả. Kéo xe lên đồi rất dễ sanh quạu quọ, vì việc làm nặng nhọc lại chậm chạp. Xuống đồi lại tuột dốc quá nhanh nên cũng dễ mất sự bình tỉnh. Cho nên trong sự tu tập: dù phải chịu đựng đau nhức lúc tọa thiền trong tư thế kiết già, hay đang thưởng thức bữa ăn tuyệt hảo, tâm ta không nên bị dao động. Quán sát xem đó chỉ là dãy đồi thay đổi không chừng theo từng lớp của địa thế, lạc thú hay đau khổ gì rồi cũng được biến chuyển tùy ở cái tâm thanh tịnh và sáng suốt. Ðây là sự học hỏi của tôi về định lực.
Ngày 6 Tháng 6 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Hôm nay có anh ký giả nhà báo từ Astoria đến phỏng vấn chúng tôi. Lúc chúng tôi cùng ngồi bên vệ đường trò chuyện, bỗng có chiếc xe chạy qua và người trong xe ném tung ra một nắm đá. Sư Hằng Do và tôi đều không bị viên nào, nhưng anh ký giả lại bị trúng ngay. Cũng may, anh nầy mặc áo khoác da dầy nên cũng không hề hấn chi. Sau đó, khi chúng tôi tiếp tục đi về bãi biển, thấy chiếc xe có bọn du côn liệng đá cứ lởn vởn phía sau, trông giống như họ đang chuẩn bị cho một trận chọi đá nữa vậy. Vừa lạy được tám dặm, thấy hình như cơn bão khác sắp kéo đến, nên chúng tôi ngưng nghỉ và tìm được một căn lều nhỏ khô ráo không người ở, nằm giữa khu phố.
Mùa hè gần sắp đến, nên mưa có vẻ ấm áp hơn.
Ngày 7 Tháng 6 Năm 1974. Hằng Do viết:
Hôm nay tôi nhận được lá thơ từ gia đình gởi đến. Trong thơ có đoạn viết: "Cha mẹ rất thích thú khi nghe về chuyến mạo hiểm của con. Con biết không, lúc đầu mới nghe dự định của con về chuyến đi nầy, cha mẹ cảm thấy thật là lo ngại (con cũng biết mà, đối với cha mẹ, những chuyện gì có vẻ bất thường là bắt đầu đâm ra lo lắng.) Tuy nhiên, bây giờ không những chỉ chấp nhận mà cha mẹ còn cảm thấy chuyến đi nầy sẽ là kinh nghiệm và cơ hội quý báu cho con và cậu Hằng Cụ nữa."
Tối nay chúng tôi ở lại nhà bà con của sư huynh, là ông bà Fennerty cư ngụ gần vùng nầy. Cuộc sống của họ có vẻ thú vị và vui vẻ, với sự pha trộn vừa là vùng quê hẻo lánh nhưng vừa là khu ngoại ô với đầy đủ tiện nghi. Căn nhà vốn là cái chuồng gà trước đây đã được sửa đổi lại, bên cạnh là khu vườn trồng rau cải thật rộng. Họ còn nuôi những đàn dê, trừu, gà và chị heo mập ụt ịt với bầy con khóc la inh ỏi. Ông Fennerty đã xây lên một phòng tắm hơi do chính ông vẽ kiểu, lại có thêm cái hồ tắm ở phía trước nhà.
Chúng tôi định sáng mai sẽ lên đường thật sớm. Tiểu bang Washington không còn bao xa nữa.
Ngày 8 Tháng 6 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Hôm nay Sư phụ cùng với ba chiếc xe chở đầy Tăng, Ni và Phật tử từ Chùa Kim Sơn đến. Thật là một cuộc gặp gỡ khuyến khích tinh thần. Chúng tôi tạm nghỉ việc lễ lạy và cùng nhau lên núi Saddle để dùng cơm trưa. Sau đó trở về địa điểm cũ. Chúng tôi xin Sư phụ chỉ dạy phương pháp tốt nhất để thực hiện cho phần cuối chuyến bái hương.
Sư phụ bảo chúng tôi dụng công nên phải hết sức thành tâm và tỉnh giác. Sự tu tập trong tâm cũng như trong chuyến hành trình, phải luôn luôn tiến bước và không bao giờ có ý thối chuyển. Sư phụ nói nếu chúng tôi thực lòng dụng công dẹp bỏ tất cả những phiền não, thì chuyện Ngài đến đất Mỹ không là điều uổng phí, và chuyến bái hương nầy sẽ làm cho mọi người trên thế giới thức tỉnh ra. Ngài còn cảnh giác chúng tôi về việc nhận lời về nhà của những người mời đón. Nếu họ có thể giữ được Ngũ Giới trong thời gian chúng tôi còn tạm trú thì không sao, nếu không thì chúng tôi nên rời khỏi nơi đó. Tôi thưa hỏi cách thức đối phó với những sự chú ý của đám ký giả báo chí. Sư Phụ giải thích rằng việc tiếng tăm không có gì là xấu hay tốt cả, mà tùy theo hành động của người mới là vấn đề. Ta không nên có lòng ham muốn danh vọng, nhưng cũng không chối bỏ thanh danh. Nếu ký giả có tìm đến để phỏng vấn và chụp hình thì cứ Ô.Kê tùy thuận họ, chớ đừng tự mình đi tìm kiếm họ thì không nên. Theo căn bản như vậy thì sẽ không có vấn đề gì.
Trước khi mọi người lên xe, chúng tôi chào tạm biệt Sư Phụ, Ngài bắt đầu xoa đầu chúng tôi. Sư Phụ xoa thật nhẹ nhàng cũng cả năm, mười phút. Theo lệ cổ truyền trong đạo Phật, nếu được xoa đầu là điều rất hiếm hoi và là một danh dự đặc biệt. Công hiệu của xoa đầu như vậy là giải tỏa tất cả những lo rầu và sợ hãi của tôi. Một lần nữa, lòng tôi tràn đầy cảm giác an lành và vững chí. Sau khi để lại cho chúng tôi đầy những thức ăn, quần áo và bài pháp, mọi người ra về với lời chúc rất thật lòng: "Hãy cố gắng hết sức mình nhé!"
Ngày 9 Tháng 6 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Astoria, tiểu bang Oregon. Hôm nay trời thật đẹp, dưới ánh nắng mặt trời chúng tôi lạy được bảy dặm.
Ðêm qua chúng tôi lại trở về nhà ông bà Fennerty để nghỉ ngơi. Buổi sáng chúng tôi bàn luận với ông Gus Fennerty về những quan điểm chủ yếu của người ăn chay. Như Swami Satchidananda đã giải thích vấn đề nầy thật sâu sắc. Ông nói: "Hãy nhìn một cách đơn giản vào những thú vật ở sở thú. Những con thú ăn thịt thì phải bị nhốt trong chuồng và bọn chúng có vẻ thường hay bồn chồn không yên. Ngược lại đối với những loài chỉ ăn cỏ Ố và lá cây như cừu, bò, voi thì lại ngây thơ, ôn hòa, đã vậy chúng còn có vẻ khỏe mạnh, hiền lành và đem lại nhiều lợi ích. Nhưng cọp lại có thể giết hại voi, tánh nết như thế là thuộc loại gì chớ?"
Bà Ehrlich đem đến cho chúng tôi mấy miếng gà chiên và vài lon nước ngọt. Chúng tôi từ chối thịt gà. Bà hỏi tôi có bị thẹo ở đầu gối "như mấy bà quỳ vắt sữa không?"
Tôi đáp: "Như mấy người quỳ vắt sữa."
Hồi chiều có một người truyền đạo Tin Lành, sau khi đã cho sư Hằng Do một bài thuyết giảng dài, rồi đưa ra kết luận: "Bây giờ ông nên suy nghĩ kỹ về những lời tôi đã nói và tôi sẽ suy nghĩ kỹ về những gì ông đã nói, ha ha, mặc dầu ông chưa có nói gì hết."
Khi chúng tôi tiến gần vào vùng Astoria, có hàng trăm người đến hỏi chuyện. Trong số đó có rất nhiều người đều thắc mắc hỏi chúng tôi làm cách nào để có thể đi qua cầu Astoria dài tới bốn dặm.
"Chừng nào tới đó, chúng tôi sẽ qua được thôi!" Ðó là câu trả lời mà tôi chỉ có thể nghĩ ra.
Ngày 10 Tháng 6 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Tối hôm qua, anh Eric Swedburg là nhân viên quản lý một khách sạn kiểu cọ màu mè ở trung tâm thành phố, đã sắp xếp cho chúng tôi ngủ tại đó. Khi chúng tôi vừa đến gần cầu Astroria, nơi bắt ngang qua con sông Columbia chảy đến tiểu bang Washington, có chiếc xe đỏ ngừng lại, thì ra là mấy người bạn của anh Eric gồm Ron, Marie và Steve. Họ mời chúng tôi lên xe để qua cầu. Chúng tôi muốn lễ lạy hơn là đi bằng xe, nhưng thấy cầu không có chỗ, nên nhận lời. Qua đến bên kia cầu, có rất nhiều ký giả đến chào đón và ông Harriet, chủ tiệm thực phẩm, mời bảo chúng tôi muốn dùng bất cứ những gì trong tiệm cũng được cả.
Tôi có trò chuyện với một ông ghiện thuốc lá đến nay khoảng đã ba mươi năm rồi. Cặp phổi của ông hầu như đã tiêu tan. Ðiều nầy khiến tôi càng tri ân sự dạy dỗ nghiêm khắc của Sư Phụ đối với đám đệ tử, là phải hoàn toàn dứt bỏ hút thuốc, uống rượu và những chất cần sa, ma túy. Thật ra, chỉ cần một thời gian ngắn dụng công, cố chịu đựng để buông bỏ những tật nầy thì họ sẽ quên hẳn luôn, nhưng nhiều người cứ ôm chặt những tật xấu, coi đó như là những châu báu quý giá vậy. Thật không hứng thú gì và cũng không dễ gì bắt người khác phải bỏ những thói hư của họ, nhưng đó mới là đặc điểm nói lên đâu là một vị Thầy chân chánh, khác biệt với những vị Thầy khác. Là người luôn lo lắng và chịu mọi cực nhọc để làm lợi ích cho mọi người.
Ngày 11 Tháng 6 Năm 1974. Hằng Do viết:
Hôm nay trời thật nóng, con lộ khá tốt, lề đường rộng rãi. Có cô gái trao cho tôi một bao giấy rồi vội vàng nhảy lên xe dzọt mất. Thì ra trong đó có hai trái cam và một cuốn Thánh kinh.
Trên đường, ngay lối chúng tôi đi qua, thấy có một tấm giấy thật lớn thuộc loại của ông hàng thịt, được mấy viên đá dằn lên, viết rằng: "Giê su đã là Chúa trong xác thân của loài người." Nội dung còn tiếp tục với những lời khuyên răn: hãy để Chúa bảo lãnh về những tội lỗi của chúng ta và nên nhận lấy sự cứu rỗi của Ngài. Ðiều nầy cũng tốt, nhưng tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm, bổn phận tự giải quyết về nghiệp quả của chính chúng ta mà.
Buổi chiều, tôi đến tiệm mua rau cải ở Naselle. Tiệm nầy có vẻ là một trung tâm để mọi người tới giao du thị phi. Một ông lớn tuổi đến hỏi tôi vài câu về đạo Phật và luôn miệng bảo tôi rằng, ông không hiểu tại sao dân Ấn Ðộ có thể để đám bò chạy qua, chạy lại tự do, trong khi rất nhiều người bị đói khổ. Tôi thấy rõ ông nầy muốn bẻ cong vấn đề để tranh luận, nên tôi không nói gì về chuyện đó cả.
Chúng tôi giăng lều dưới những hàng cây gần con lộ. Khung cảnh thật yên tỉnh.
Ngày 12 Tháng 6 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Câu chuyện miền biển.
Vào một buổi sáng thật sớm, chiếc tiềm thủy đỉnh nhận mật lệnh đi vào hải cảng của quân địch để tiến hành một cuộc tấn công. Lúc đó trời vẫn còn tối, cách bờ vài hải lý, chiếc tàu tuông ra những hơi khí cầu từ thùng chứa và lặng lẽ luồn sâu xuống lòng biển.
Sáng nay, cô Bobbie Yantze, là giáo viên ở Trại Thanh Thiếu Niên Nasalle, mời chúng tôi đến đó để nói chuyện với một nhóm thanh niên trẻ. Trại nầy được ban cải huấn của Tiểu bang lập ra để sửa trị những thanh niên ương ngạnh tuổi từ 14 đến 18. Cả hai chúng tôi cùng bàn luận chiến thuật rồi cất dấu đồ đạc vào bụi rậm bên đường.
Chiếc tàu chầm chậm lướt theo độ sâu của vọng kính và im lìm dọ dẫm tiến về chỗ ẩn náu của quân địch. Hạm trưởng ra lệnh: "Giương cao vọng kính." Ông mục kích một hiện tượng hết sức khác thường với những: Khu trục ngư lôi hạm, tuần phòng hạm, vận tải hạm và vô số thuyền tàu khác nữa. Ông ra lệnh: "Thủy binh dàn trận ngư lôi! Xả nước ngập các ống nòng, mở cửa ngoài! Chuẩn bị nhả đạn!"
Cô Yantze chở chúng tôi đến trại, rồi lần lượt giới thiệu với ông hiệu trưởng, giáo sĩ và các giáo viên khác. Lúc đầu cứ tưởng là chỉ đến nói chuyện với một số ít các em thôi, nhưng rõ ràng lời đồn đã tràn khắp nơi, nên cả trại hàng mấy trăm người đang chờ đợi để gặp chúng tôi. Cả hội trường lớn nhất cũng không chứa hết, thế nên chúng tôi tụ tập mọi người thành một buổi đại hội ngay trên con đường tráng nhựa ngoài trời. Sư Hằng Do và tôi đều ngồi kiết già quay mặt về đám đông, chuẩn bị giải thích, cũng chỉ về chuyện làm dị kỳ của chúng tôi.
Viên hạm trưởng lão luyện điều khiển con tàu chiến, chỉ ló vọng kính vừa đủ độ xa để ước lượng đúng tầm bắn: "Một bắn, hai bắn!" Chiếc tiềm thủy đỉnh như con cá sắt nặng hai tấn rưỡi rùng mình rung động, kêu thét lên với tốc độ 45 hải lý, phóng tới mục tiêu. "Nóng bỏng, trực chỉ, bình thường." Từ phòng máy rà âm qua các làn sóng báo cáo: "Trúng đích, thưa sếp, chúng bị nổ tung!"
Thầy Hằng Do khởi đầu trước. Với giọng nói lớn, rõ ràng về những lý luận căn bản thật vững vàng. Sư nói: "Cuộc đời là một giấc mơ, là ảo ảnh mà thôi, nhưng con người lại nghĩ những cái thật là giả và những thứ giả tạo lại cho là thật. Cho nên chúng ta rất cần phải tỉnh giác." Mọi người chăm chú lắng nghe. Tôi cảm thấy những điểm trình bày nầy như đã đánh trúng vào tâm tư họ.
Sau đó thuyền trưởng giao vọng kính lại cho một chuyên viên phụ trách. Sau một lúc quay vòng vọng kính, điều chỉnh nhích lên hạ xuống, ông nầy ra lệnh: "Sáu bắn, bảy bắn, tám bắn!"
Kế đến, tôi giải thích võ thuật công phu không nhất thiết là phải đập lên đầu người, mà là sử dụng chính cái khả năng của mình để đạt đến định lực và trí tuệ thuần nhất sẵn có ở trong ta. Phương pháp tốt nhất của Kung Fu được gọi là: "Phản quang hồi chiếu" (Quay đèn trở lại để rọi sáng tâm tư).
Rồi quân địch phản công. Những trục ngư lôi hạm phóng ra xối xả xuyên qua không trung. Và những loạt bắn đuổi vù vù dưới nước bao quanh chiếc tàu như đàn muỗi.
Sau đó là một loạt câu hỏi được nêu lên. Một người hỏi Thầy Hằng Do: Chúng tôi phải đối phó thế nào nếu có người khó chịu đến kiếm chuyện. Thầy đáp một cách nhạy bén: "Nếu có người đến để kiếm chuyện, thì chúng tôi sẽ không cho họ có dịp để kiếm." Những người bị nhốt giam ở đây cùng các nhân viên trong ban quản trị, bắt đầu tấn công, thẩm vấn trong tinh thần vui vẻ. Chúng tôi cũng đã làm sáng tỏ rất nhiều câu hỏi, đương nhiên vẫn có một số người trong nhóm nầy nhìn chúng tôi chăm chăm với con mắt hoàn toàn không tin tưởng.
Sau khi hạ chìm và làm tổn hại nhiều tàu quân địch, chiếc tàu ngầm quay đầu tống hết ga chạy ra khỏi vùng địch thủ. Lướt đến vùng nước sâu, chiếc tàu lặn xuống thật sâu theo sức chịu đựng của sức ép cho phép và nghe ngóng sự hỗn loạn phía trên qua các làn sóng của máy phát âm. Sau đó thấy tình hình có vẻ êm dịu. Chiếc tàu ngầm trồi lên mặt nước, rồ hết bốn máy, và bắt đầu tống hết tốc lực chạy thẳng về nhà. Máy truyền tin thâu nhận lời khen từ vị sĩ quan chỉ huy hạm đội: "Sứ mạng hoàn thành thật xuất sắc."
Sau đó buổi họp được giải tán, chúng tôi bị vây quanh bởi các thầy cô giáo và những người nội trú ở đó. Dù chuông reo nhưng không ai muốn trở về lớp cả. Sư Hằng Do và tôi phải chạy một hơi đến xe cô Yantze. Trước khi xe chạy ra khỏi đám đông, ông Biggs là một trong những giáo viên lão luyện ở đây, đến bên cửa xe nói vói vào: "Từ trước đến nay, lâu lắm rồi tôi mới thấy việc làm nầy là tốt đẹp nhất đối với bọn trẻ ở đây. Thật là đã đánh trúng tâm ý chúng nó. Thật là đúng ngay tâm trạng chúng."
Cô Yantze chở trở về địa điểm cũ, chúng tôi đem giấu hành lý vào bụi rậm và tiếp tục lạy về hướng bắc.
Ngày 12 Tháng 6 đến ngày 1 tháng 7 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Tại Shelton, chúng tôi dại dột để túi đeo đựng hành lý bên đường, vì trong lúc không để ý nên đã có người trộm lấy đi. Trong đó có rất nhiều thứ, kể cả cuốn nhật ký của chúng tôi. Coi như bị mất hết từ lúc đến Trại Thiếu Niên Nasalle. Tuy nhiên hai chúng tôi cũng ráng hồi tưởng để viết lại những phần mất mát đó.
Sau cuộc nói chuyện với những em trai phạm pháp ở Nasalle, chúng tôi tiếp tục đi theo xa lộ 101 về hướng bắc, con đường dễ sợ quá, vừa hẹp lại ngoằn ngoèo với những xe vận tải nặng nề chất đầy gỗ chạy ào ạt thật nhanh. Trong thời gian nầy, mỗi ngày chúng tôi đều lễ lạy.
Anh Jim Gatens là thợ mộc tự lập ở vùng Nasalle, thỉnh thoảng đến bàn luận về Phật pháp và giúp sửa chữa lại chiếc xe kéo muôn thuở của chúng tôi. Nhiều lúc vì quá vội vàng, sư Hằng Do đã lôi chiếc xe lọt xuống hố rãnh, nên chúng tôi phải quấn thêm mấy vòng sắt bao quanh bánh xe để bảo hộ nó. Thành thử chiếc xe kéo có vẻ kiên cố hơn, vả lại mỗi lần đi vào thành phố, hầu như chúng tôi đều thay cho nó cây sắt mới, chỉ có mấy cây căm loại hai mươi sáu phân có vẻ còn yếu ớt, vì không đúng kiểu của bánh xe cho nên không chịu nổi sức nặng, có mấy que bị gãy cong vòng. Khi nào tới South Bend, chúng tôi phải thay căm mới cho chúng mới được.
Mấy ngày qua lễ bái chẳng có chuyện gì xảy ra cả, nhưng khi gần tới một khu phố nhỏ của Arctic thì sườn xe kéo bị nức gãy. Tuy nhiên chỉ vài phút sau đó, có ông từ vùng Weyerhauser ngừng lại chở chúng tôi và cả chiếc xe kéo đến một công xưởng sửa xe thật lớn. Khi đến nơi, mọi hoạt động nơi đây đều phải ngưng lại, vì sáu anh thợ máy vùng Weyerhauser nầy đang hè hụi áp nhau quanh chiếc xe bé bỏng để đập, trám, hàn sửa lung tung. Chỉ trong vài phút chiếc xe trở nên hoàn toàn lành lặn và chúng tôi được chở trở về "địa điểm."
Ngay nơi con sông Smith cắt ngang xa lộ 101, có một cây cầu dài nhưng lại hẹp, và cứ khoảng mỗi vài giây có một chiếc xe hay xe hàng chạy ào qua, chẳng có lối nào cho người đi bộ cả. Thế là chúng tôi ngồi lại ở đầu cầu hơn cả tiếng mà không biết làm sao. Cuối cùng, hết hy vọng nên chúng tôi chuẩn bị đánh liều đi đại qua, thì vừa lúc có anh thợ mộc vui tánh, tướng tá đồ sộ, chắc nặng ít nhất cũng khoảng 300 cân (135 kg), nhảy ra bảo: "Nói đi, tôi có thể đưa các ông qua cầu được không? Ha ha, ha ha!"
Ðến Montesano, chúng tôi tách xa lộ 101 để vào nội địa. Sarah Tripp là một trong những người bạn cũ đã cùng tập thiền Zen với sư Hằng Do khi xưa, cô và đứa con gái đến từ vùng Portland, có mang theo thức ăn Mễ Tây Cơ cho chúng tôi và ở lại một lúc để cùng lễ bái.
Chiều tối thứ bảy khí trời nóng bức, khi chúng tôi vẫn còn phủ phục dưới đường tiến về khu phố nhỏ ở Montesano. Dù đã được sáu dặm, nhưng chúng tôi chưa muốn ngừng nghỉ. Sư Hằng Do còn ở phía sau bận trò chuyện với một nhóm nông dân, còn tôi tiến gần đến đầu phố, lúc đó tôi cảm thấy lòng mình nao nao kỳ lạ. Tôi nhìn về phía trước khoảng gần một dặm ở cuối cầu có mấy người đang lao nhao. Lúc đến gần hơn, tôi mới nhận ra đó là một đám người say rượu. Mấy ông nầy vừa đi loạng choạng giăng ra mặt lộ, vừa la lối chửi thề, vừa tiểu dãi ra khắp nơi. Tôi nói thầm: "Trời ơi! Cả ban hội đồng tiếp tân đây rồi!"
Nhưng tôi vẫn tiếp tục lạy và biết sư Hằng Do cũng đang sắp tới. Ðây cũng giống như những lần tôi còn ở tiềm thủy đỉnh, đã từng được huấn luyện cách ứng phó để vượt qua mọi khó khăn ở thế giới linh cảm nầy. "Chuẩn bị ngay cho tàu lặn, chuẩn bị phân lượng độ sâu cho tàu, khóa cửa nước chặt lại, đóng hai lớp cửa quầy tàu."
Tôi tiếp tục lạy, vừa đến đầu cầu hướng nam, Thầy Hằng Do cũng kịp lúc đến bên tôi và chúng tôi cùng lễ lạy qua cầu. Tới cuối cầu, chúng tôi không thể đi xa hơn nữa vì có sáu ông thợ mộc, say, to lớn, đang đứng chận ngay lối đi. Ông có tướng đô nhất gầm gừ: "Nếu hai thằng bây không mau giải thích về những gì tụi bây đang làm, thì tụi tao sẽ bầm nát chiếc xe nhỏ bé nầy thành triệu mảnh vụn cho coi!"
Lúc bấy giờ, trong thâm tâm tôi tự biết rằng chúng tôi chẳng có làm gì sai trái, thì mình có quyền đi trên mảnh đất nầy cũng như bọn họ vậy. Ðồng thời tôi cũng thấy rõ, đây không phải là lúc để thắc mắc đòi hỏi nhân quyền hay công lý gì cả. Mà chỉ thắc mắc là làm sao cứu vớt hai cái cổ nhỏ bé ốm tong của chúng tôi đây. Mặt mày mấy ông nầy trông giống như những con bò mộng đang phẫn nộ. Thông thường một người nếu ở vào tình trạng như vầy thì có hai con đường để ứng phó. Hoặc là người đó có phản ứng sợ hãi, khúm núm, biến sắc mặt, và sẽ làm bất cứ những gì theo lời đòi hỏi của kẻ dọa nạt mình. Hoặc là người đó có phản ứng với sự giận dữ và cố tìm cách chống trả lại để thoát thân. Ðó là hai bản tánh tự nhiên của con người. Nhưng đúng ngay ở giây phút nầy, hình như có một cái gì mầu nhiệm trong không trung. Tôi chợt nhớ lại những lời Sư Phụ dạy bảo qua điện thoại lúc chúng tôi gọi về từ Oregon. Tôi có thưa là đang đi vào vùng chuyên khai thác cây rừng, và tình hình ở đây có vẻ bất an, nên thắc mắc hỏi nếu ở trong hoàn cảnh thật cần thiết, tôi có được phép tự vệ không? Sư Phụ đáp liền: "Không được, nếu con đánh lộn, thì coi như không phải là đệ tử của ta. Con phải học cách sử dụng cái trí thông minh của mình, không có hoàn cảnh nào để cho phép con dùng võ lực cả. Nếu con bị kẹt vào tình thế đối phương quá hung dữ, thì hãy quán xét tự tâm mình, nếu con thật không có chút gì đếm xỉa đến sự sợ hãi hay nổi giận, thì sẽ không ai có thể đụng đến con đâu. Ðối với cả chuyến đi của con, ta tự bảo đảm về điều nầy! Cứ đơn thuần mà lo dụng công và giữ vững giới luật. Thì có cái gì phải lo sợ chớ?"
Tôi nhìn qua Thầy Hằng Do, thấy Thầy có vẻ bình tỉnh. Hơn bao giờ hết tôi cũng rất ngạc nhiên về thái độ của mình đối với tình cảnh nầy. Những lời giáo huấn thật có công hiệu. Tâm tôi không lay động, không chỉ những lời Sư Phụ dạy bảo mà còn là cách hướng dẫn với tất cả sự hùng hồn, khiến như có năng lực thật mạnh mẽ. Ðiều đó chẳng có gì để nghi ngờ cả.
Lập tức mấy ông thợ mộc bắt đầu cảm thấy hình như có điều gì không ổn như dự định. Thầy Hằng Do và tôi đã phản ứng lại sự tấn công của họ qua cử chỉ cởi mở, thẳng thắn, thân thiện trong khi đối đáp, khiến họ hoàn toàn bật ngửa không ngờ. Phút chốc, bọn họ quay lại cãi lý với nhau, có mấy ông vẫn cố khiêu khích chúng tôi, trong khi đó có một số muốn mời chúng tôi xuống phố, đến quán rượu để uống vài lon bia. Có một ông la lên: "Ê! Jesse, tụi nó hổ trợ cho nhau còn hơn là mình tưởng nữa đó!"
Cuối cùng Thầy Hằng Do nói: "Bây giờ xin phép mấy ông nhé, vì chúng tôi còn vài dặm nữa phải đi."
Qua ý chỉ đó, tôi phủ phục đặt hai tay cùng đầu gối xuống và lạy ngay ngang qua họ, Thầy Hằng Do cũng kề cận một bên.
Sáng hôm sau, một chiếc xe chở đầy mấy ông hôm qua chạy đến để xin lỗi.
Mấy ngày sau chúng tôi đến một khu phố nhỏ của Satsop. Nơi nầy nhộn nhịp giống như hội chợ vùng quê. Khi chúng tôi đi qua, hầu hết dân trong phố đều chạy ra dòm ngó. Cả đám con nít cỡi xe đạp, cùng với mấy con chó chạy xúm xít theo hai bên chúng tôi. Ðó là một ngày nắng ấm nhất, vui vẻ nhất của chuyến đi.
Quang cảnh ở thành phố Elma cũng vậy. Hàng trăm người đứng dọc hai bên đường. Một số mỉm cười vui vẻ, một số nhăn mặt nhíu mày, nhiều kẻ nói chuyện lao xao. Cảnh tượng nơi đây phản ảnh tất cả những gì có thể tưởng tượng ra, từ sự thất vọng hoàn toàn đến trạng thái vui mừng hoan hỷ. Vào đến trung tâm thành phố, hội Phụ Nữ Tương Trợ (Ladies Auxiliary) đã chuẩn bị cho chúng tôi một bữa ăn với món canh sò chay thập cẩm (đó là món đồ chay mà họ có thể nghĩ ra thôi). Món canh nầy hầu như chỉ toàn bắp và sữa. Chúng tôi vào phía bên trong ngồi ăn, trong khi có rất nhiều khuôn mặt từ phía cửa sổ tò mò chăm chú nhìn theo.
Ði đến cuối phố, chúng tôi mới biết là có một em trai khoảng mười hai tuổi đã lẻo đẻo theo sau chúng tôi cả ngày rồi. Hỏi em có chuyện gì không, thì nó tự giới thiệu là Chris và muốn đi theo để phụ giúp đôi phần. Chúng tôi từ chối nhưng nó cứ cố nài nỉ nên rồi cũng để hắn đi theo. Ba hay bốn ngày liền, mỗi sáng sớm là đã thấy em xuất hiện ở địa điểm lễ lạy để phụ giúp sư Hằng Do dọn đồ đạc v.v... Tối đến, em đi về phía trước để giúp sư Hằng Do tìm chỗ cắm trại. Em còn thâu lượm củi khô để nhóm lửa nữa. Chú bé nầy tánh tình cũng trầm tĩnh đấy. Sư Do chuyển dịch tên Chris của em ra tiếng Trung Hoa là: Khả Lợi Thế (Ke Li Shr), tức là có khả năng làm lợi ích cho thế gian.
Chúng tôi lạy qua McCleary và đang trên đường vào vùng Shelton, chính nơi đây cái túi hành lý của chúng tôi đã bị đánh cắp. Trong túi, ngoài cuốn nhật ký, còn có cái áo rách của sư Do, vài cuốn kinh, máy chụp hình loại bỏ túi, quần áo của chúng tôi và luôn mấy cái bao ngủ nữa.
Ở Shelton chúng tôi thấy lẻ tẻ một ít đám pháo bông trên không. Vì sắp đến ngày 4 tháng 7, lễ Ðộc Lập ở Mỹ nên có rất nhiều trẻ em chơi đùa với pháo. Chúng tôi tiến về mục tiêu một cách tốt đẹp. Ông bà Graham cho chúng tôi dựng lều ở phía sau khu vườn của họ.

tải về 2.46 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương