Nguyên Bản: Three Steps One Bow Tập hồi ký của Thích Hằng Cụ & Thích Hằng Do


Ngày 31 tháng 7 năm 1974. Hằng Cụ viết



tải về 2.46 Mb.
trang13/21
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích2.46 Mb.
#37895
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   21

Ngày 31 tháng 7 năm 1974. Hằng Cụ viết:
Sáng nay vừa lạy được vài dặm, đầu gối tôi càng sưng tù vù màu vàng tím giống như đã bị nhiễm trùng. Tôi gọi điện thoại cho anh Jon Myers, bạn học cũ ở trung học và cũng từng cùng tôi phục vụ cho tàu hải quân lúc trước. Hiện nay anh là chuyên viên sửa truyền hình màu hãng R.C.A., ở phía bắc cuối vùng Seattle. Trên đường đến Bothell Way, tiện dịp đến rước chúng tôi luôn. Khi nghe chân tôi bị đau, anh đề nghị nên về nhà anh nghỉ ngơi cho đến khi lành hẳn. Ðã năm năm rồi, tôi mới gặp lại Jon.
Ngày 1 đến ngày 4 Tháng 8 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Ba ngày qua chúng tôi ở lại nhà anh Jon, dù mỗi tối tôi đều ngâm nước nóng cho đầu gối, nhưng chỗ sưng vẫn không chịu xẹp. Tôi đoán chừng thì chắc cũng phải hai tuần hay hơn nữa nó mới chịu lành, dĩ nhiên là tôi phải lo nghĩ vì không lễ lạy được. Trong đạo Phật tình cảnh nầy xem như là một nghiệp chướng vậy.
Ngày 5 Tháng 8 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Cuối cùng chúng tôi quyết định hôm nay gọi điện để xin ý kiến Sư Phụ xem có cách gì tốt nhất để được mau lành. Tôi kể lễ một hơi nào là đầu gối đang bị sưng húp, như vậy chắc phải cần thời gian lâu lắm mới khỏi được và nếu quỳ lạy, chỉ làm vết thương nặng thêm.
Nghe xong Sư phụ không chút ngần ngại liền đáp: "Nó vốn không có vấn đề gì cả. Cách tốt nhất cho đầu gối được lành lặn là phải ra đường để hoàn thành cuộc lễ lạy của con."
Tôi sửng sốt trước câu trả lời của Sư Phụ. Nếu là ai khác thì tôi sẽ cãi lại ngay. Nhưng hai đứa tôi liền thu xếp đồ đạc, từ giả anh Jon để trở về địa điểm cũ trên xa lộ 9 về hướng bắc vùng Bohell, bắt đầu lạy tiếp. Thật ngạc nhiên thay, tôi chẳng thấy đau đớn gì! Tôi tiếp tục lạy được bốn dặm trước khi trời tối. Chỗ sưng xẹp xuống mất tiêu. Thật là vi diệu!

Ngày 6 tháng 8 năm 1974. Hằng Cụ viết:
Theo như dự định, chúng tôi tiếp tục đi về hướng bắc trên xa lộ 9 cho đến khi tới Sedro Wolley, rồi sẽ quẹo sang hướng đông đi theo xa lộ 20, còn khoảng 45 dặm đường dọc theo sông Skagit mới đến Marblemount.
Có ông chạy xe gắn máy la lớn: "Ðứng lên mà đi như con người chứ!"
Viên cảnh sát đi tuần của tiểu bang Washington ngừng lại trò chuyện, còn cho chúng tôi một mớ trái dâu raspberry đã nấu chín.
Ông Roland Strandell trên chiếc xe gắn máy lớn Moto-Guzzi ngừng một bên nói rằng ông nghiên cứu các tôn giáo Ðông Phương khoảng ba mươi năm nay rồi, và đã từng chờ đợi để xem những chuyện như vầy xảy ra. Ông viết bài thơ với tựa đề "Hòa Âm" như sau:
Những chiếc xe nện trên đường,
Cùng hòa tâm theo nhịp đập
Âm vang muôn loài hòa điệu
Áo vàng nhẹ phất trong gió
Bao ồn náo như im bặt
Trước tiếng sấm ngầm của Phật.
Chúng tôi nghỉ đêm ở nhà ông bà Goldie và Lynn Goldhammer, đôi vợ chồng thân thiện sống gần vùng Arlington. Ông Goldie là tài xế chở xe rác.
Ngày 7 Tháng 8 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Chúng tôi đã tới vùng Arlington. Ðoạn cuối của chuyến đi như sắp gần kề. Nhìn vào bản đồ, khiến tôi nhớ lại những nghi ngại lo lắng đã ám ảnh chúng tôi trước đây giờ đều tan biến. Ngoại trừ chỉ những biến cố bất ngờ xảy đến, không thì trước mắt xem như chúng tôi sẽ đi đến mức.
Nhớ lúc mới khởi hành, tôi thường có những ý nghĩ nhút nhát, lo sợ khi đi ra ngoài và phải tiếp xúc với bao nhiêu người. Tôi cần phải cố gắng giải thích về mình với mọi người hơn. Tôi có thể nhận ra những cái nhìn bất mãn hiện rõ trên gương mặt những người không thích tôi, hoặc không thích việc tôi đang làm. Bởi không những chỉ riêng việc lễ lạy thôi đâu, mà còn thêm bộ dáng ông Sư với cái đầu cạo trọc đã đủ khiến họ cau có, khó chịu rồi.
Tình hình có vẻ thay đổi nhiều khi chúng tôi tiến về hướng bắc. Phần lớn những tin tức đăng bài đã giải thích về hành trình của chúng tôi. Vì thế nhiều người hình như đã biết rành rẽ hơn qua những nguồn tin cả tháng trước khi chúng tôi đến. Họ tiếp đãi chúng tôi tựa hồ như gặp lại bà con lâu ngày mất liên lạc vậy. Hiện chỉ còn một số ít là vẫn nhăn mặt nhíu mày, nhưng chúng tôi chẳng thèm để ý đến làm chi.
Ngày 8 Tháng 8 Năm 1974. Hằng Do viết:
Như thường lệ, hôm nay chúng tôi vẫn tiếp tục lễ lạy. Có cặp nam nữ trên xe Toyota ngừng lại quan sát khi chúng tôi chầm chậm tiến qua. Sau đó họ chạy về phía trước khoảng nửa dặm, rồi ngừng lại để nhìn nữa. Lần nầy họ bước xuống xe, tự giới thiệu tên họ, hỏi thăm chuyến đi và vài câu tổng quát về Phật Giáo với thái độ kính cẩn, thân mật. Khi nghe nói những vị sư Phật Giáo hành trì các pháp khổ hạnh ích lợi như chỉ ăn một bữa và ngủ ngồi, người đàn ông tên Bill cho rằng như vậy thật là quá khó đối với người bình thường.
Tôi bảo có nhiều quy luật đặt ra tùy theo trình độ, và nhiều pháp tu khổ hạnh không bắt buộc những người không đủ khả năng phải theo, kể cả tu sĩ và cư sĩ. Giống như leo núi vậy, khó khăn là ở lúc ban đầu, nhưng từ từ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Không ai có thể từ chân núi nhún mình một cái là nhảy vọt lên đến tận đỉnh, trừ khi là bậc siêu nhân thôi! Cho nên trong tiến trình cần phải từng bước, từng bước một. Ý chí cũng rất dễ bị thối lui vì nghĩ rằng: "Tôi tu tập lâu quá rồi mà chẳng thấy gì hết!" Nhưng việc dễ quá thì kết quả đâu có giá trị gì, bởi ai cũng có thể làm được. Còn việc khó thì giống như cái lưới, gạn lọc ra những ai không thật lòng kiên quyết làm tròn. Ðúng vậy, điều đó có lẽ khó đấy, nhưng không nên lấy đó mà dễ chán nản bỏ cuộc, để tìm kiếm mặc cả về sự sống còn. Có lẽ tôi nói hơi xa xôi nên ông Bill nói ông sẽ suy ngẫm về điều nầy.
Sau đó có anh thân hình vạm vỡ lái xe vận tải dừng lại, xuống xe hỏi tôi có muốn vài miếng bánh pi-dà (pizza) mới nướng không. Tôi đang tìm cách từ chối khéo vì nghĩ rằng bánh nầy thường có thịt và hành tỏi, thì anh ta liền nói: "Dạ, tôi đem chúng tận từ vùng Yakima đến đó!"
Mở bao ra, thì ô hô! Có cả chục trái đào (peach) tươi. Anh nầy có vẻ đã nhậu xỉn, nên giọng nói lắp bắp nhừa nhựa.
Ngày 9 Tháng 8 Năm1974. Hằng Cụ viết:
Hôm nay tiến gần về vùng Bryant, có em trai tên Byron đi theo sau. Em bảo khi thấy hình chúng tôi được đăng trên báo Evertt Herald, em nhìn chăm chăm cả tiếng đồng hồ mà không biết vì sao. Byron tỏ vẻ lo lắng chăm sóc chúng tôi cả ngày. Tới Huck Finn, dường như vùng đất nhà, nên em rất rành những thắng cảnh ở đó. Khi đến khúc đường uốn cong, Byron dẫn chúng tôi rẽ vào nội địa để đến một trong các hồ đẹp nhất mà tôi chưa từng thấy qua và tôi đã chiêm ngưỡng được vài cái hồ. Chúng tôi nghỉ lại một lúc lâu để tắm rửa cái thân đầy bụi bẩn nầy.
Buổi chiều có ông tóc dài tự xưng mình là "Người đàn ông yêu chuộng tự do." Ông thắc mắc hỏi: Theo như danh từ của Chúa thì việc tôi đang làm là gì?
Sau khi nghe tôi giải thích, ông cho rằng mấy chuyện như vậy chẳng có gì là cần thiết cả, vì Chúa là tình yêu thương, tất cả chỉ đơn giản vậy thôi: Chúa là ở đây, bây giờ, và tất cả là thế đó. Ông còn mời tôi về nông trại của ông để sinh sống nữa.
Ngày 10 Tháng 8 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Cô Kate Myers có lần là bạn gái tôi lúc ở trung học và là em gái anh Jon Myers, hôm nay tình cờ gặp lại. Bây giờ cô đã có chồng, hai con và chiếc xe Jeep. Còn tôi, tất cả hiện có là cái đầu gối đau nhức, nhưng rồi thì nó cũng sẽ mất đi. Sự vật thay đổi là thế đãy!
Khi chúng tôi lạy qua cái hồ lớn Big Lake, ông chủ quán rượu gần đó đến trò chuyện rất thân mật. Tuy nhiên mấy vị khách của ông thì phá phách quá đáng. Họ túa ra đường và bắt đầu trêu ghẹo ông chủ quán. Họ bắt chước Thầy Hằng Do là bỏ cái túi ngủ vào chiếc xe nhỏ đi chợ (loại xe đẩy trong các siêu thị), rồi kéo đi vòng quanh bãi đậu xe của quán rượu.
Một ông trong bọn la lớn: "Ê. Roy! Ông quên chiếc xe kéo của ông nè!"
Ông Roy chủ tiệm không thèm đếm xỉa gì đến họ.
Ðầu gối tôi bắt đầu lành lặn, chúng tôi hiện lễ lạy vào vùng Skagit Delta. Từ xa ngọn núi Baker lờ mờ trước mặt ở hướng đông, và ngọn Olympics cao sừng sững ở hướng tây.
Khi thấy chúng tôi đi ngang qua, nhiều người thân mật nói: "Không còn bao lâu nữa đâu!"
Ngày 11 Tháng 8 Năm 1974. Hằng Do viết:
Ðêm qua chúng tôi bị cả tám vạn bốn ngàn con muỗi háu ăn đến xâu xé, hút máu tơi bời. Chiếc lều đã từng bảo vệ tránh mưa, giờ đây lại là ổ của đàn muỗi. Ðó là sự tạm thời khác biệt giữa một đêm yên tĩnh nghỉ ngơi, và một đêm phải chịu vô số những chúng sanh nho nhỏ điên cuồng, hung hăng, vo ve vang rền bên tai và hè nhau đâm chích vào mạch máu chúng tôi.
Mấy lúc sau nầy, chúng tôi thâu gọn lộ trình với bảy hay tám dặm mỗi ngày. Ði ngang qua hồ Clear Lake, rồi qua sông Skagit và đang tiến về khu phố Sedro Woolley, ngay đây chúng tôi sẽ chuyển sang Xa Lộ 20 để đến Marblemount. Gần đến Sedro Woolley, trên đoạn đường dài thẳng tắp, có một số người đến chúc mừng, dâng tặng thức ăn, hoặc chỉ đứng nhìn và chụp hình. Cảnh nầy giống như tuần lễ đón mừng người thân về nhà vậy. Có lẽ hôm nay chúng tôi đã tiếp chuyện với hàng trăm người, nếu tính từ lúc đến vùng nầy chắc cũng có tới cả ngàn rồi. Dân miền nầy rất mộc mạc và cần cù, có đủ cả những nông dân, thợ mộc, và buôn bán. Hầu hết họ đều ủng hộ chúng tôi.
Lúc trời chạng vạng tối, chúng tôi kéo nhau vào một công viên để căng lều. Tôi nhìn chiếc xe kéo chất đầy những trái bôm, bánh mì, và những củ cà rốt trồng ở vườn đang chìa ra những cọng lá tươi xanh rì. Những người nầy có lẽ không biết nhiều gì về đạo Phật, nhưng thấy rõ, ý họ nghĩ rằng chuyến đi của chúng tôi là việc làm tốt và xác đáng. Có lẽ nhờ biết vậy nên thật giúp tôi vượt qua những lúc chán chường nhất. Bạn có thể gọi đó là gì cũng được, nhưng nếu gọi đó là lòng tri ân thì thích hợp nhất: Tri ân có dịp thực hiện chuyến bái hương nầy, tri ân đối với sự dẫn dắt khéo léo của Sư phụ. Tri ân có được cơ hội chia sẻ giáo lý của đức Phật đến kẻ khác. Tri ân đã có dịp học hỏi cách giao tiếp với mọi người bằng cách học hỏi làm sao xử sự với chính mình. Tri ân có dịp tu tập với người bạn đồng hành đáng quý. Và tri ân đến tất cả mọi việc dù tốt hay xấu đã xảy đến.
Ngày 12 Tháng 8 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Hôm nay chúng tôi tách khỏi xa lộ 9, và băng qua xa lộ 20. Sư Phụ thường nói: "Luôn luôn có hai con đường trước mặt bạn. Một là dẫn đến giác ngộ, và một là đưa đến mê lầm."
Ý định tách rẽ vào con đường trước mặt không có gì là mới mẽ đối với chúng tôi cả. Vì đó là sự lựa chọn theo lối cũ rích của việc làm đúng hay làm sai, thiện hay ác. Tuy nhiên, vấn đề có khi xảy ra không phải là để lựa chọn, cũng như việc tu hành, đôi lúc chúng ta đạt đến một thời điểm nào đó mà chẳng có con đường nào trước mắt cả. Một mặt chúng ta bỏ lại sau lưng tất cả những gì trong cuộc sống, cả gia đình, bạn bè, nghề nghiệp, thú vui và tất cả để tìm mục đích cứu cánh. Mặt khác chúng ta chưa đạt được cứu cánh, mà vẫn còn là phàm phu tầm thường. Ðó chính là lúc chúng ta đang ở trong thế kẹt, như trên vùng đất không người. Ở lưng chừng giữa hai lãnh vực, chúng ta rời bỏ "trần tục" nhưng chưa qua được đến "bờ kia," thì đây là đoạn đường khó khăn gay go. Chúng ta có thể bị một lực kéo mãnh liệt để trở lại "đời sống bình thường." Thế gian lúc nào cũng như đang bày binh bố trận những mê say khoái lạc để mời gọi. Bấy giờ những đam mê khát vọng đó như tập trung một lực khếch đại tựa hồ nổi lên lượng sóng lớn mãnh liệt hơn bao giờ hết. Tâm có thể gọi là "Tâm Ngã," nó đang làm một cuộc trả giá để chuộc lại bản ngã, để trở lại cuộc đời với chính hình thể của nó. Dễ gì nó chịu buông bỏ. Với chút ít công phu tu tập đã qua, chúng tôi đánh thức những tài năng quyền lực đang tiềm ẩn bên trong, nên nhận biết mình có khả năng làm được tất cả, dù ở mọi hoàn cảnh phương hướng nào và thực sự sẽ thành tựu.
Nhưng đó chưa là mục đích tối thắng đâu. Có rất nhiều pháp để Phật tử tu tập và lại còn nhiều hơn thế nữa đối với tu sĩ, thế nên chúng tôi phải tiến thêm lên. Ðây chỉ là một giai đoạn tu hành, là lúc để thâu nhiếp sự quyết tâm và không quên mục đích thuở ban đầu, là muốn vượt khỏi sanh tử luân hồi, muốn thành Phật, muốn tách khỏi bụi trần. Cho nên chúng tôi phải kiên nhẫn và tiếp tục tiến lên.
Ngày 13 Tháng 8 Năm 1974. Hằng Do viết:
Xa lộ North Cross chạy xuyên qua thung lũng phì nhiêu Skagit, ngang qua những ngọn núi Cascade vùng Omack. Ðường lộ rần rộ đầy ấp những xe vận tải gỗ, xe đi cắm trại, xe đạp và rất nhiều xe nhà đang qua lại dưới bầu trời nắng gắt đầy bụi bặm.
Thầy Hằng Cụ phát giác có con nai mới bị giết nằm trên mặt lộ. Ai đó đã chẻ tét phía sau đầu nó chỉ để lấy cặp sừng. Hình ảnh nầy tôi sẽ không bao giờ quên được. Cái gì đã khiến người ta hành động dã man đến như thế?
Khi chúng tôi lạy qua Lyman, rồi tới Hamilton, vài người dân vùng nầy buông lời chỉ trích mỉa mai. Ðiều đó không có gì là lạ, nhưng lại khiến tôi bắt đầu suy nghĩ về nhân duyên đưa đến những hành động như thế và tại sao con nai lại bị như vậy. Hình ảnh cái chết thê thảm đó như khắc sâu vào tâm thức tôi. Ðó có lẽ là chủng tử của những việc làm trong quá khứ nay đã đến lúc thu gặt kết quả. Danh ca Bob Dylan diễn tả điều nầy rất sâu sắc trong bài hát như sau:
Ôi! mỗi kẻ thù tôi đối diện,
Là nhân quá khứ trước của chúng ta.
Ngày 14 Tháng 8 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Chúng tôi lạy được tám dặm rưỡi, qua khỏi khu phố Concrete. Dưới ánh nắng mùa hè như thiêu đốt, khiến da chúng tôi trở nên nám đen. Sức nóng gay gắt như tuôn xả cho hả cơn giận. Cũng như những lúc sau nầy hai chúng tôi thường thấy bực bội với những chuyện nhỏ nhen. Ðôi khi chúng tôi hờn dỗi nhau mà không biết vì lý do gì. Có điều luôn khiến tôi phiền giận khi thấy Thầy Hằng Do như cố ép tôi lạy khoảng đường dài bằng cách đi xa tôi hơn. Có lẽ do tôi tưởng tượng, nhưng tôi cũng không nghĩ là vậy. Ðôi khi Thầy đi thật xa về phía trước hơn tôi tưởng. Ðể rồi tôi phải lạy chừng bằng ấy khoảng cách, như vậy mới có thể được nghỉ. Nhất là khoảng gần đến giờ ngọ, đợt phủ phục cuối cùng trước khi chúng tôi ăn cơm, luôn là khoảng đường thật dài. Tôi lạy lấy lạy để không ngừng, và Sư ta cứ đi tới mãi tuốt luốt phía trước. Tôi không dằn lòng được nên bắt nghĩ đến câu chuyện có ông treo tòn ten củ cà rốt trước mặt con lừa và rồi khiến tôi phát nổi hầm hầm lên.
Dĩ nhiên, khi tôi lộ vẻ quạu quọ chỉ chút xíu thôi là Thầy Hằng Do biết liền, dù tôi chẳng nói lời nào. Rồi sau đó cả đoạn đường trở nên chua chát làm sao, còn Thầy cũng bắt đầu đi vào thế giới im ỉm. Ðây là một nghiệp chướng lý thú mà chúng tôi phải cố gắng vượt qua. Vì hai chúng tôi sống gần gũi nhau trong thời gian quá lâu như vậy, nên có nhiều chỗ đè ép bất bình trong tâm. Thường thì tôi không thể nào nhận ra lúc nào Thầy hết phiền não, hay lúc khởi điểm phiền bực của mình. Thật ra những cái vui vẻ của chúng tôi thì đều giống như nhau. Nhưng dù ở trường hợp vui hay phiền não, cũng là dịp tốt để chúng tôi nghiền ngẫm.
Như lời Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma đã nói: "Giác ngộ là phiền não và phiền não tức là giác ngộ." Dĩ nhiên lời Tổ dạy là một chuyện và chúng tôi hiểu về lời đó là một chuyện khác. Khi Tổ Ðạt Ma từ Ấn Ðộ sang Trung Quốc diễn giải giáo pháp, lúc đó có rất ít người tin, lại càng ít người hiểu được. Phiền não từ đâu đến? Ai là người đang phiền não? Cái sân giận thật ra là ở chỗ nào? Trong khi lễ lạy tôi có rất nhiều thì giờ để suy ngẫm về những điểm bất đồng, và tìm tòi về những ranh giới ảo tưởng trong tâm con người. Nhưng đôi khi quán mãi mà phiền não vẫn không chịu đi, thì chúng tôi tạm ngưng cuộc lạy, bèn cùng nhau ngồi xuống pha trà đường với chanh tươi. Mặc dầu đó là một phương tiện theo đúng như pháp thế gian, nhưng nó giúp ích chúng tôi rất nhiều.
Ngày 15 Tháng 8 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Lại thêm một ngày nóng bức đầy bụi bặm. Xe cộ tắp nập, đầy những xe hàng chở gỗ, và phiền não như ở khắp mọi nơi. Chúng tôi lạy dọc theo xa lộ 20 và tiến vào một thành phố nhỏ ở Van Horn. Ông Olsons, chủ tiệm tạp hóa và cây xăng, mời chúng tôi vào uống nước ngọt lạnh. Sinh hoạt quanh vùng nầy thật ồn náo, nhiều người cũng đã nghe qua chúng tôi từ mấy tháng trước rồi. Trẻ con và chó chạy loanh quanh đó đây. Tôi chợt thấy một ông có râu đứng tuổi, thấp người, mắt đeo kiếng, đang lang thang ở trạm xăng, rồi nói chuyện với đám trẻ con. Tôi không nghĩ là ông đã từng đến đây, nhưng thấy dáng ông ta như có vẻ là bạn tri kỷ của mọi người. Ông nầy có chiếc xe truck màu trắng, kéo theo xe rờ mọt (trailer) kiểu tự làm và hai con chó mà ông muốn cho đi. Tôi sửng sờ khi thấy ông đi về phía mình và hỏi tôi có tự xưng mình là Phật tử không? Trông ông có vẻ thật tự tại và đạo mạo.
Tôi đáp: "Sao, ơ..., ơ...., đúng vậy." Lòng thắc mắc không biết ý ông muốn gì.
Ông lại hỏi: "Thầy có muốn nghe những gì đức Phật dạy, diễn đạt bằng tiếng Anh đơn giản không?"
Tôi không muốn trả lời không, vì như vậy có vẻ không đúng. Tôi cũng không muốn nói là muốn, vì như vậy chứng tỏ là mình đã không biết. Tôi đưa mắt nhìn quanh, thấy có đám người đang tụ tập. Trong mắt ông nầy như có một tia sáng tinh ranh.
Nhưng rồi tôi nói: "Ðức Phật dạy gì?"
"Dạy lòng từ bi. Ðức Phật bảo chúng ta ngừng sự ngược đãi làm khổ lẫn nhau, nhưng hầu hết không ai chịu nghe cả!"
Tôi biết chắc cái ông nhỏ người nầy đã thấu rõ con người thật của tôi rồi, nhưng tôi lẹ làng hỏi ngược lại: "Nghe gì chớ?"
"Thì những lời đức Phật dạy đó!" Rồi bậc cười ha hả và nói tiếp: "Tôi không nghĩ là Thầy theo Ðạo Phật hoàn toàn."
Thôi rồi! Thiệt là ổng muốn đặt mình vào thế kẹt mà! Tôi đáp: "Tôi đâu có nói tôi hoàn toàn." Rồi tôi cố thối thác để tự biện hộ. Ông nhỏ con nầy ngừng một hồi rồi tiến tới gần hơn và nhìn thẳng vào mắt tôi. Tâm tôi từ từ loé lên những cử chỉ giận hờn đối với Thầy Hằng Do trong mấy ngày qua.
Ông nói: "Ðức Phật dạy từ bi, phải có lòng từ bi hơn nữa!" Gỡ cặp mắt kiếng xuống, rồi chìa mặt vào mặt tôi, cách khoảng mười hai tấc, nói: "Tôi không phải là kẻ thù, mà là bạn với Thầy mà! Thầy biết không, có bao nhiêu người có thể nói với Thầy như vầy?"
Nghe đến đây lòng tôi thật xúc động, không nghĩ gì đến chuyện xấu hổ nữa. Trước đây tôi chưa bao giờ gặp qua ông nầy, vậy mà ổng liền đặt cho con số dzê rô (số 0) hiển hiện ngay lên tôi rồi. Mọi người nhìn vào tôi, tất cả đều im lặng, tôi hoàn toàn không nói được lời nào. Thế rồi chẳng biết nói hay làm gì hơn, nên tôi trở ra đường và bắt đầu lễ lạy. Chỉ chốc lát sau, tôi bắt đầu hiểu ra đó thật là một cuộc gặp gỡ huyền diệu. Cũng giống y như Sư phụ thường xử sự vậy. Ông đã nói đúng ngay chóc cái sai quấy và chỉ thẳng cái dính mắc của tôi. Trong khi lễ lạy tôi mới bắt đầu cảm thấy xấu hổ, mà đã lâu rồi tôi không nhận thấy. Tôi thật đã nhiều lần đối xử tệ bạc với Sư Do, mặc dù chỉ là gián tiếp hay ngấm ngầm. Không những thế, tôi lúc nào cũng hay nổi xung. Nghĩ đến điều nầy làm tôi cảm thấy xót xa quá. Nhớ có lần Sư phụ đã viết bài kệ:
Chân nhận tự kỷ thác,
Mạc luận tha nhân phi,
Tha phi tức ngã phi,
Ðồng thể danh đại bi.
Nghĩa là:
Hãy nhận thật lỗi mình,
Chớ bàn tới lỗi người,
Lỗi người là lỗi mình,
Ðồng thể mới đại bi.
Tôi hối hả lạy gấp trên xa lộ cho đến chỗ Thầy Hằng Do đứng chờ bên chiếc xe kéo. Thầy không biết gì về cuộc đụng độ nho nhỏ giữa tôi và ông lão, nên tôi kể lại những gì đã xảy ra. Chúng tôi ngồi xuống khuấy chanh bột (lemonade powder) với nước sông Skagit. Lần đầu tiên tôi nhìn thẳng mặt Sư đệ một lúc lâu. Trong phút chốc chúng tôi đồng chia sẻ một nụ cười yên lặng thông cảm. Tôi cảm thấy mình như già đi, già đi, già hẳn đi! Rồi cả hai chúng tôi đứng dậy tiếp tục lên đường.
Ngày 16 Tháng 8 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Chúng tôi lạy thêm được tám dặm rưỡi nữa, qua khỏi vùng Rockport và hiện đang dựng lều. Ngày mai chắc vào tới Marblemount. Chúng tôi gọi điện thoại báo cáo Sư phụ biết về tiến trình.
Sư Phụ nói: "Giỏi! Giỏi lắm! Tụi con có muốn đi Hồng Kông, Ðài Loan, Singapore, Nhật Bản, Ấn Ðộ, Nepal, Tích Lan và Việt Nam nhân chuyến hoằng pháp nầy không? Chúng ta sẽ giảng pháp và thăm viếng vài nơi đức Phật đã cư ngụ." Giọng Sư phụ thật vui vang lên qua đường dây điện thoại.
Tôi sửng sờ: "Dạ muốn, dạ muốn, chúng con rất thích đi!"
"Ði theo ta thì nhiều cực khổ lắm! Tụi con có chắc là muốn đi không?"
"Dạ muốn, con thật chắc mà!"
"Ô-kê, nếu thật không sợ cực khổ, thì khi các con trở về đây, chúng ta sẽ chuẩn bị cho chuyến đi nầy."
Ông Dennis Ammons, dân vùng Hamilton, đã từng theo dòm chừng chúng tôi suốt cả quảng đường vùng nầy. Ông đậu chiếc cam nhông nhỏ màu xanh ở phía trước nửa dặm, rồi chờ chúng tôi tiến tới. Lúc chúng tôi đến gần thì ông xuống xe, phì phà điếu xì gà, ưởn ngực ra vẻ hãnh diện, vừa giật giật cọng dây nịch vai (suspenders) màu sắc cầu vòng, vừa hỏi chúng tôi có chuyện gì không. Ông nói: "Ðừng có bỏ xót cái nào nhé!" Rồi lái xe tới phía trước để chờ nữa.
Ông Howard Miller là ủy viên hội đồng thành phố, đến chụp hình chúng tôi và rất nhiều người thân mật ra chào đón. Họ bảo người dân da đỏ đã diễn tả cảnh nầy như sau: "Bạn được một lần uống nước sông nầy, thì chắc chắn có ngày bạn sẽ trở lại nơi đây." Chúng tôi đã từng uống bao ngày rồi.
Ngày 17 Tháng 8 Năm 1974. Hằng Do viết:
Hồi tối nầy bỗng nghe có tiếng mớ vang lên từ phía Thầy Hằng Cụ: "Ê! Có mấy con quái vật ở dưới đường đó!" Giọng nói lớn nghe rõ vanh vách. Sau khi thức giấc, Sư kể rằng đã mơ thấy Sư lật ngửa mặt đường lên như lật một tấm thảm, và thấy phía dưới có hàng ngàn con vật, hình dáng như yêu quái.
Chúng tôi dậy sớm để lạy qua khu phố nhỏ vùng Marblemount trước khi mọi người thức giấc. Và tiếp tục lạy ba dặm không ngừng nghỉ để đến địa điểm của tu viện tương lai. Thật là cao hứng, chúng tôi vừa tới khu vực của chùa thì đúng 10 giờ rưỡi sáng, cũng là lúc sư huynh quỳ lạy lần cuối cùng. Chúng tôi kết thúc cuộc bái hương bằng cách trì vài biến chú Ðại Bi, và hồi hướng công đức đến tất cả chúng sanh ở khắp mọi nơi. Sau đó chúng tôi dùng cơm trưa trên tảng đá lớn nằm cạnh bên sông Skagit, đang cuồn cuộn chảy phía dướI.
Cuối ngày, chúng tôi leo lên đỉnh núi Sauk. Khung cảnh hùng vĩ nơi đây thật bất khả tư nghì, thênh thang trọn vùng thung lũng Skagit và cả 45 dặm đoạn đường cuối mà chúng tôi đã lạy qua. Mặt trời bắt đầu khuất bóng, cũng vừa lúc chúng tôi lên đến đỉnh 5500 feet (hơn 1600 mét) độ cao. Một vùng biển mây màu hồng, màu xanh đang trôi lơ lửng trên những cụm đảo, trông giống như những khối kẹo bông gòn khổng lồ. Chung quanh chúng tôi có đến hàng trăm ngọn núi to tướng, màu cam và tím trải dài vô tận. Núi Baker lờ mờ phía trước như đang chìm sâu trong thiền định. Trên bầu trời những vì sao bắt đầu xuất hiện. Bỗng nhiên chúng tôi thấy có một làn ánh sáng thật lạ từ phía cuối chân trời. Một phút nó như hình lưỡi liềm, phút sau đó thì giống hình quả banh tung lên. Nó ẩn hiện mấy lần rồi thình lình bừng sáng lên và bắn xẹt đi như trái banh lửa. Phía bên trái nó, có đám mây to tướng màu đen xám trải dài cả trăm dặm, nhìn tưởng lầm như hình dáng con rồng đang phun lửa, trông giống như nó đang rượt đuổi theo trái banh sáng chói kia. Sau đó, bóng tối tràn về cùng với trận mưa như đã tích tụ từ mấy tuần qua được dịp đổ xuống xối xả, lớn nhất mà đã lâu rồi chúng tôi mới được chứng kiến. Tôi ngước mắt nhìn trời, lòng bâng khuâng khi trận bão thổi vào.
Chuyến bái hương hoàn mãn!
Vào tháng 5 năm 1977, hai vị Tỳ Kheo là sư Hằng Thật và sư Hằng Triều cũng từ Chùa Kim Sơn, sẽ bắt đầu chuyến bái hương lần thứ hai, từ Los Angeles đến Chùa Vạn Phật Thánh Thành ở vùng thung lũng Ukiah, cách San Francisco khoảng 110 dặm về phía bắc.
---o0o---

Hình ảnh



 

HT Tuyên Hóa và hai đệ tử Hằng Cụ & Hằng Do




HT Tuyên Hóa và hai đệ tử Hằng Cụ & Hằng Do



tải về 2.46 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương