Nguyên Bản: Three Steps One Bow Tập hồi ký của Thích Hằng Cụ & Thích Hằng Do


Ngày 2 Tháng 7 Năm 1974. Hằng Cụ viết



tải về 2.46 Mb.
trang12/21
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích2.46 Mb.
#37895
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   21

Ngày 2 Tháng 7 Năm 1974. Hằng Cụ viết:
Dù bị mất túi đồ nhưng chúng tôi vẫn ok (ô kê.) Ông bà Graham tặng chúng tôi một mớ bánh tây và mền để mang theo.
Anh Paul Everett dừng lại hỏi thăm, ngỏ lời muốn giúp chúng tôi và nói về kinh nghiệm luyện tập thiền Thiên Chúa của anh. Mỗi ngày anh ta đều ngồi và niệm: "Linh hồn con tán dương Chúa." Anh bảo nhờ làm như vậy mà thật đã giúp cho tinh thần tỉnh táo thêm ra.
Một anh thủy thủ chiến hạm nguyên tử từ bến tàu Bremerton dừng lại trong bộ quân phục màu xanh biển. Anh rất ngạc nhiên khi biết tôi cũng từng là thủy thủ và kể rằng: Có lần tàu anh lặn dưới biển cả sáu mươi ngày, bởi vậy có rất nhiều thời gian rảnh rỗi để có dịp quán tưởng. Sau đó có rất nhiều thủy thủ chăm chỉ nghiên cứu các tôn giáo Ðông Phương và họ yêu cầu xin cho đồ chay trong các bữa ăn. Thay vì hành động theo bản tính cuồng dại của những lính thủy ngày xưa, thì bây giờ có rất nhiều anh đã chuyển qua tập thiền và biết tự khép mình vào kỷ luật.

Ngày 3 tháng 7 năm 1974. Hằng Do viết:
Lúc chúng tôi rời khỏi con lộ để tìm chỗ nghỉ, có một chiếc xe sửa chữa công lộ của tiểu bang ngừng lại một bên. Nghe tiếng lanh lảnh từ máy liên lạc trong xe họ phát ra:
- Ê, George anh đang tìm Henry hả?
- ...Ừa, hắn đâu rồi?
- ...Hắn đang ở gần mấy ông Giáo Trưởng Ấn Ðộ đó; đừng có chạy ẩu cán mấy ổng nhé! Rồi họ cười ầm lên.
Tin đồn vang khắp nơi về chuyện chúng tôi bị trộm mất túi hành lý. Có tờ báo đăng tựa lớn ở trang bìa, giải thích nhịp nhàng:
"Một Tu sĩ Phật giáo ở Belfair rất mong tìm lại bao hành lý." [Belfair Budhist Wants His Backpack Back] . Cha mẹ Thầy Hằng Cụ đang sống ở quận Belfair.
Sau khi rời khỏi Shelton, chúng tôi kết thúc lễ lạy trên quốc lộ U.S. 101, rồi rẽ về phía đông đi theo xa lộ tiểu bang số 3 và 302. Ðến Purdy, thêm khoảng mười dặm nữa thì sẽ đi về hướng nam, để qua cầu Tacoma Narrows, vùng Tacoma. Sau đó chúng tôi tiến về phía bắc theo xa lộ 99 đến Seattle. Chúng tôi chọn theo lộ trình nầy vì đó là cách tiện nhất để đi vòng qua khu căn cứ quân sự lớn Fort Lewis và tránh được đại lộ. Chúng tôi đi ngang qua hằng trăm bán đảo nhỏ, hòn đảo, những nhánh biển nhỏ và những cửa sông lớn, đó là những cảnh vật của vùng Puget Sound. Con đường thật chật hẹp lại cong vòng, lấm chấm rải rác những căn nhà gỗ ở hai bên đường.
Những trái be-ri (berry) bắt đầu chín rộ khắp nơi. Ðây thật là một thử thách về định lực vì khi đi ngang qua những chùm be-ri ngon ngọt mà không thò tay bẻ hái. Nhưng cái giá trị là biết cưỡng lại lòng ham muốn, vì nếu không kiểm soát được mình trong những trường hợp tầm thường như thế, thì làm sao hy vọng kiềm chế được trong những hoàn cảnh quan trọng hơn?
Ngày 4 tháng 7 năm 1974. Hằng Cụ viết:
Gia đình tôi đến tận chỗ lễ lạy để đón chúng tôi về nhà, cùng họ ăn mừng lễ Ðộc Lập tại nhà ở quận Belfair. Mẹ tôi có thiện cảm với Thầy Hằng Do liền, nên may cho Thầy một bộ đồ tu dạ khách. Còn cha tôi lo sắm sửa cái bao hành lý và hai cái túi ngủ cho chúng tôi. Mặc dù trời mưa suốt thời gian chúng tôi ở đó, nhưng tôi cảm thấy thật vui sướng khi lại được kề cạnh song thân.
Ngày 7 tháng 7 năm 1974. Hằng Cụ viết:
Sau ba ngày ở lại nhà cha mẹ, giờ đây chúng tôi tiếp tục lên đường lễ bái qua vùng Allyn và tiến về hướng đông tới Purdy. Các nhóm ký giả báo chí và đài truyền hình thường lui tới phỏng vấn khi chúng tôi gần tới vùng Greater Seattle. Cho nên đoạn đường ở Seattle nầy có vẻ nặng nề lắm đấy.
Mỗi ngày chúng tôi phải đối đáp hàng trăm câu hỏi, nhưng trong số đó thì có câu: "Các ông có tin Chúa không?"
Ồ! Trước khi tôi có thể trả lời câu hỏi nầy, thì cần phải định nghĩa rõ Chúa là gì đã? Mỗi người đều có ý nghĩ khác nhau về Chúa. Nếu chúng ta tin hiểu Chúa như là lý tánh trùm khắp vũ trụ, bao chứa tất cả: lớn nhỏ, tốt xấu, đúng sai... trong nó, và nó cố hữu trong tâm của mọi loài mà không liên quan gì đến việc có tín ngưỡng hay không, thì vâng, tôi tin ở Chúa. "Chúa nầy" dù có mặt ở mọi nơi, nhưng ít có ai thực sự biết đến Ngài. Trong đạo Phật, chúng tôi được học hỏi và thực tập giáo lý để có kinh nghiệm trực tiếp đến "Chúa." Thật ra, những danh từ chúng tôi dùng có vẻ hơi khác biệt. Cái kinh nghiệm tiếp xúc trực tiếp đó được gọi là giác ngộ, nó là kết quả của những ngày dài đăng đẳng dụng công tu tập đạo hạnh, và quán tưởng. Có nghĩa là ta thực nghiệm được thật tại không sanh diệt của tự tánh trong mỗi chúng ta.
Nhưng Phật giáo không tuyên bố là chỉ có một vị Chúa độc nhất. Chúng tôi thừa nhận các tôn giáo đều có những công dụng và những con đường dẫn dắt đến trí huệ. Con đường có khi dài, khi ngắn, hoặc có khi phải trải qua hằng vô lượng kiếp mới đi đến viên mãn được. Chúng ta phải có cái nhìn về sự cứu rỗi như là những công phu tu tập của mình sau nhiều kiếp. Thật ra chúng ta đã trải qua bao kiếp luân hồi rồi và còn tiếp tục nhiều kiếp nữa phải gian truân, không lối thoát. Vậy thì bây giờ được làm người tại sao ta lại phí phạm cuộc đời để mơ tưởng về thiên đàng hay địa ngục? Chúng ta phải chấp nhận lấy thân phận hiện tại của chính mình, để học hỏi làm người tốt ngay từ những vật chất sẵn có nầy. Còn việc tự xưng mình là Phật tử, hay tín đồ Thiên Chúa chỉ là phụ thuộc, không quan trọng.
Biết Chúa là đơn thuần biết được chính mình. Một người thật có tâm hồn chân chính đi trên đường với sự chịu đựng, chính chắn, và tâm khai mở vượt khỏi những giới hạn của thế gian, đó mới có thể được coi là hiểu biết "Chúa." Và Chúa không những chỉ là một bức tượng, một khái niệm, hay một giấc mơ, mà Chúa sẽ trở thành hiện hữu thực tế hơn.
Ngày 8 tháng 7 năm 1974. Hằng Cụ.
Ông Alfa Romeo có nhiều kinh nghiệm về du lịch, đã chở đến một xe các cô gái đang tuổi dậy thì (mặt đầy mụn). Cả đám thật hồn nhiên, vừa cười khúc khích, vừa lý lắc lại gần chúng tôi. Rồi một cô trong bọn lên tiếng: "Chúng tôi nghĩ rằng những việc các ông đang làm thì thật là đàng hoàng, (ngừng một lát) nhưng mà mấy ông đang làm gì vậy?" Cả bọn bụm miệng cười khúc kha, khúc khít.
Song thân của Tỳ kheo Ni Hằng Ẩn, là ông bà Baur, đến trò chuyện với chúng tôi. Sau đó ông Baur còn giúp sửa lại cái bánh xe kéo nữa.
Ðài truyền hình số 5 từ Seattle đến quay chuyện thời sự về chúng tôi. Phóng viên Robin Groth tỏ vẻ thích thú về việc làm nầy nên đã phỏng vấn rất tỉ mỉ. Trong số những thắc mắc, có câu cô hỏi Thầy Hằng Do, trong khi máy quay phim to tướng chiếu ngay vào mặt: "Làm sao mà các ông có vẻ an nhiên tự tại quá vậy? Khiến tôi cảm thấy thật an dịu khi nói chuyện với ông."
"Trời Phật ơi!" Tôi thầm nghĩ: "Hiện có cả triệu người đang theo dõi, làm sao Thầy có thể trả lời câu hỏi gút mắc nầy chớ?" Cũng may là cô ta không hỏi tôi câu nầy. Thầy Hằng Do nhẹ nhíu mày điềm đạm đáp :
"Vậy à! Chính tôi cũng không biết nữa, nhưng nếu tôi có thái độ như vậy chắc có lẽ do chúng tôi thọ trì những giới không sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và không dùng những chất say sưa nghiện ngập." Câu trả lời đích đáng quá!
Ông Sam McCoy thân tặng chúng tôi tượng con chim trắng đang bay và nói: "Mấy cậu đã làm tôi cảm động đến tận tâm can."
Ngày 9 tháng 7 năm 1974. Hằng Do viết:
Hôm nay vừa đến Purdy, nơi chúng tôi từ giả con đường nhỏ ngoằn ngoèo để chuyển sang mặt đường xa lộ rộng rãi hơn, rồi tiến thẳng vào Tacoma. Vì biết được Marblemount sẽ là địa điểm của Tu viện tương lai, nên bây giờ chúng tôi muốn lạy thêm 125 dặm qua khỏi Seattle, để cho chuyến bái hương thêm phần tốt đẹp kiết tường khi hoàn mãn.
Ông bà Bob và Joanie Kurtis là bạn cũ của gia đình Thầy Hằng Cụ từ Gig Harbor, đến chở chúng tôi về nhà họ ngủ. Ông Bob cứ tưởng rằng một khi xuất gia thành Tỳ Kheo, là dịp để chúng tôi tự nhiên có đủ tư cách để rút khỏi việc đời và ẩn dật một nơi nào đó, với thật nhiều kinh sách, để chỉ chuyên tâm tu học. Nhưng chuyện nầy tại Chùa Kim Sơn thì không cần thiết lắm. Cuộc đời của một Tỳ kheo là dựa trên căn bản tự tu, theo đúng giáo lý của đức Phật, để hết lòng dìu dắt mọi người đạt đến giác ngộ. Ðây có nghĩa là vị Tỳ kheo không phải trốn lánh mọi người. Thêm nữa, những ai sống tại cộng đồng tu viện nầy đều có bổn phận làm một tu sĩ gương mẫu cho kẻ khác, với đầy đủ giới đức, thân, khẩu, ý, để mọi người kính trọng noi theo. Ðồng thời vị tu sĩ nầy cũng phải có khả năng giải thích kinh điển cho những ai cầu thỉnh giáo lý.
Mỗi ngày Chùa Kim Sơn phải có ít nhất một thời giảng pháp. Bởi thế trọng trách của một vị Tỳ kheo đối với thế gian thật nhiều, thì làm gì có chuyện trốn tránh rút lui. Qua phương pháp nầy, vị tu sĩ mới có thể ứng phó với trần tục mà không bị dính mắc, khước từ hay bị lung chuyển theo những khuôn đúc bắt buộc, không ngừng công kích các giác quan.
Tôi kể cho ông Bob nghe về chuyện trong thời gian chúng tôi đang tiến hành xây cất Chùa Kim Sơn. Có lần Thầy Hằng Cụ xin phép Sư Phụ kê bàn học của Thầy vào nhà kho để không bị ai làm phiền. Vì ở trong nhà kho sẽ được yên tịnh, không nghe thấy những ồn ào bên ngoài thế gian như tiếng điện thoại reo, chuông cửa, khách khứa, tiếng trẻ con khóc la. Nhưng rốt cuộc đã không được phép như vậy, mà bàn học của Thầy Hằng Cụ phải bị kê chen chút vào văn phòng làm việc vốn đã chật cứng. Trong hoàn cảnh như vậy, Thầy mới có thể phát triển định lực bằng cách giữ vững lòng không dao động trước những công việc hiện hành chớp nhoáng nhất, thay vì từ bỏ, tránh né thế gian.
Sau đó, ông Bob đọc cho chúng tôi nghe câu phương ngôn của người da đỏ thời xa xưa: "Nếu bạn có thể nhìn thấy ngọn núi Rainier, thì trời sắp sửa mưa; nếu bạn không thể nhìn thấy nó, tức là trời đang mưa."

Ngày 10 tháng 7 năm 1974. Hằng Cụ viết:
Khi gần đến lối vào cầu Narrows, có bốn hội viên phong trào Nichiren Shoshu đang tiến về phía chúng tôi. Trong nhóm này có hai anh em đã từng phục vụ với tôi ở tàu ngầm Rock. Người anh tên Harold Waller, tự nhiên tỏ vẻ nghinh ngang đi lại phía tôi, hít một hơi dài khói thuốc, rồi thổi phì ngay vào mặt tôi và nói: "Tim à, để tôi nói cho bạn nghe về cái đạo Phật chánh hiệu nhé!"
Dù chúng tôi cố giải thích cho họ nghe, nhưng không có hiệu quả gì, họ quyết lòng khuyên chúng tôi nên dẹp bỏ chuyến bái hương khổ hạnh nầy. Cuối cùng chúng tôi phải quay ra, bắt đầu lạy tiếp. Một lúc sau ông Balwant Nevaskar, là giáo sư dạy môn Xã Hội Học ở trường đại học Puget Sound, đến chở chúng tôi về nhà ở Tacoma để nghỉ qua đêm.
Tối hôm đó, tiến sĩ Nevaskar mời vài người bạn đồng nghiệp đến cùng chúng tôi thảo luận về Phật pháp trong bầu không khí ấm cúng và thú vị. Trong đó, có ông John Magee mời chúng tôi ngày mai đến lớp triết học của ông để nói chuyện.
Tiến sĩ Nevaskar gốc từ Ấn Ðộ, tỏ vẻ xúc động khi thấy đạo Phật bắt đầu đâm rễ mọc chòi ở nước Mỹ nầy. Ông là một trong số rất ít người mà chúng tôi gặp qua trong suốt chuyến du hành, biết đến danh từ "Tỳ kheo." Ðứa con trai nhỏ của ông tên Raja (vua) đang bận rộn bắt chước Thầy Hằng Do đeo túi lên lưng, leo trèo qua bàn ghế trong phòng.
Ngày 11 tháng 7 năm 1974. Hằng Do viết :
Buổi sáng nay thật hào hứng, chúng tôi vào lớp triết học của tiến sĩ Magee, trường Ðại học Puget Sound. Thầy Hằng Cụ giải thích một bài kệ trong kinh Lục Tổ, còn tôi thì nói về đề tài thiền. Tôi dùng những thí dụ so sánh mà tôi thích nhất để giải thích: Lúc tâm trí tập trung vào thiền định thì nó sẽ trở thành như một tia sáng chặt chẽ có thể soi thấu hầu hết các sự vật. Nhưng quan trọng ở chỗ là sẽ xuyên thủng những vòng vô minh của tham sân si và kiêu mạn của ta để cuối cùng đi đến giác ngộ. Ðạt được mục đích nầy là do sự gia công luyện tập của chính mình, chớ không nương tựa vào bất cứ những gì bên ngoài.
Một sinh viên hỏi: "Một người đã giác ngộ có những khả năng gì đặc biệt?"
Tôi đáp: "Theo truyền thống có đề cập đến một người thật sự thành công trong quá trình tu đạo sẽ đạt được sáu thần lực diệu dụng gồm: Thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, túc mạng thông, tha tâm thông, thần túc thông và lậu tận thông."
Anh nầy lại hỏi rằng tôi có tin những khả năng quyền thuật nầy không, hay chúng chỉ thuộc về Siêu Hình Học của Luận Thuyết Vũ Trụ mà Phật tử đã dựng lên. Tôi không đáp thẳng câu hỏi mà kể cho anh ta nghe câu chuyện lúc tôi mới xuất gia làm chú Tiểu ở Tu viện vào mấy năm về trước. Lúc đó, có một buổi đại hội gồm tất cả những tu sĩ, cư sĩ, đến dự bàn về tiến trình đi Gia Nã Ðại (Canada), hầu khai mở một đạo tràng mới, để hoằng truyền Phật Pháp. Tôi thất vọng khi biết mình phải ở lại Kim Sơn, không được tham gia chuyến đi nầy. Lòng thầm nghĩ nếu được tháp tùng theo Sư Phụ thì hay biết mấy. Không đầy một phút sau, chẳng liên quan gì đến cuộc họp đang thảo luận, Sư Phụ nhìn thẳng vào tôi như thấu rõ cả tâm tư, rồi nói: "Quả Ðạo à! Một ngày nào đó khi con đã học những gì phải học và hiểu rõ làm thế nào để giữ đúng quy củ thì lúc đó ta sẽ dắt con theo."
Nghe qua tôi ngẩn người sửng sốt, miệng há hốc, mặt mày nóng bừng cả lên. Làm sao mà Sư Phụ lại biết được những gì tôi đang suy nghĩ chớ?
Câu chuyện làm cả lớp cười vang. Tôi nói một vị thánh nhân tài đức có thể biết được ý nghĩ của kẻ khác, còn về việc tin hay không là tùy ở tâm họ. Nhưng đối với tôi đó lại là một chứng nghiệm thêm về vấn đề trên.
Sau rốt, giáo sư Nevaskar mua tặng Thầy Hằng Cụ đôi giầy thể thao mới và cố nài chúng tôi về nhà ông ngủ. Ngoài kia mưa rơi như nước đổ.
Ngày 12 tháng 7 năm 1974. Hằng Cụ viết:
Hôm nay khi chúng tôi lễ lạy qua thủ đô Tacoma, đã có rất nhiều đám đông bao quanh hỏi chuyện: "Các ông làm gì vậy? Mấy ông đi đâu thế? Ði ba bước là nghĩa làm sao? Hai ông có thay phiên nhau kéo xe không hả? Các ông biết võ công phu không? Chúng tôi có thể chụp hình các ông được không?"
Và những giáo đoàn Giám Lý Methodist, phái Tẩy Lễ Baptist, Mục Sư cùng tín đồ da trắng, da đen đồng kéo ra giúp ý, đề nghị hoặc chúc tụng.
Khi đến gần dưới phố đông đúc, có một bà trên sáu mươi tuổi nói với sư Hằng Do là Chúa đã gởi Bà đến "hướng dẫn chúng tôi đi qua Tacoma" và Bà đã làm đúng y lời một cách trọn vẹn. Không chỉ thế thôi mà hồi sáng sớm có một thanh niên bụ bẩm chân trần (barefoot) trông giống như nhân vật trong phim Huckleberry Finn, tự nguyện xin phụ giúp chúng tôi, rồi y chẳng nói gì thêm, bèn kéo xe đi thẳng một mạch qua phố.
Vào xế chiều, khi đang trên đường ra khỏi phố để tiến về khu vực kỹ nghệ, chúng tôi đã thực nghiệm một chuyện tưởng đã xong đời. Nguyên là cách xa hơn nửa dặm, tình cờ tôi thấy một ông từ quán rượu khệ nệ kẹp nách một kết bia đi ra và chui vào chiếc Pontiac màu đỏ đời 1960. Xe bắt đầu lăn bánh với tiếng máy ầm ỉ, chạy ra khỏi bãi đậu. Ông ta quẹo vòng ở gốc đường, chiếc xe rú lên chát chúa, chạy ra con đường chánh. Sau đó hắn nhấn ga như cuồng loạn, gấp rút lái thật nhanh về hướng chúng tôi đang đứng bên lề. Với tốc độ khoảng 50 dặm/giờ, thình lình ông bẻ quặp tay lái rồi phóng thẳng lên lề đường, dường như muốn cán dẹp chúng tôi. Sự việc xảy ra quá nhanh, chúng tôi không kịp suy nghĩ, hay có phản ứng nhúc nhích gì cả mà chỉ biết đứng trơ ra nhìn.
Chiếc xe chạy phớt qua chỉ cách chân tôi khoảng bốn đến sáu tấc thôi. Rồi hắn vụt chạy mất dạng thật nhanh cũng như lúc xuất hiện vậy.
Một lần nữa tôi thật ngạc nhiên về phản ứng của mình và cả Thầy Hằng Do cũng thế. Không chút sợ hãi. Sự việc xảy ra như trống rỗng vậy, giống như đang xem một chuyện phim trong truyền hình. Vài người trong quán chạy ra hỏi thăm chúng tôi có hề hấn gì không. Chúng tôi đáp không có gì. Sau đó họ còn quyên góp tiền tặng, và mời chúng tôi vào quán để thuyết giảng vài lời cho họ nghe.
Ði qua được nửa đoạn đường của vùng đồng bằng sình lầy, rồi dựng lều dưới chân cầu. Ðêm nay gió thật nhiều, chúng tôi tọa thiền bên ngọn lửa hồng nổ vang lách tách.
Ngày 13 tháng 7 năm 1974. Hằng Do viết :
Ké... ét, ầm! Tiếng chiếc xe đụng vào thành cầu ở phía trên làm chúng tôi thức giấc. Anh tài xế có lẽ bị ngủ gục hay say rượu gì đây. Chiếc xe mới tinh móp méo hoàn toàn, nhưng anh ta chỉ bị thương chút đỉnh, lòm còm chui ra xe. Sau đó lúc chúng tôi lạy ngang qua chiếc xe bị đụng nát, có hai ông cảnh sát nhìn chúng tôi với vẻ kỳ cục làm sao. Có lẽ họ nghĩ chúng tôi cũng có phần nào dính líu vào tai nạn nầy.
Ðang lạy lên dãy đồi ngoài vùng Tocoma, dì của Thầy Hằng Cụ là Sơ Mary Agnes, Nữ tu sĩ dòng Dominican, đến thăm chúng tôi. Sơ tỏ vẻ mừng rỡ khi gặp lại Thầy Hằng Cụ. Chúng tôi nói chuyện được một lúc rồi Sơ giải thích: Vì số tín đồ ngày càng giảm bớt một cách nhanh chóng, nên nhiều trường đạo và tu viện phải đóng cửa. Sơ còn nói vì tình trạng như vậy nên những nữ tu sĩ buộc phải ra đời làm việc, ăn mặc như người thường, thay vì được dạy học trong giáo khu như trước đây.
Ông Mark Tatz, giáo sư trường đại học Washington, cùng vài người bạn của ông, đem thức ăn đến cho chúng tôi. Rồi tất cả mọi người cùng nhau ngồi xuống lề đường để đàm luận Phật Pháp.
Ngày 14 tháng 7 năm 1974 . Hằng Cụ viết:
Hiện chúng tôi đang đi qua vùng Federal Way nằm giữa thành phố Tacoma và Seattle. Trời hôm nay thật nóng bức. Thầy Hằng Do tìm gặp một cây dương liễu xum xê đứng chơ vơ giữa vùng đất hoang vu ở ngoại ô. Thầy bèn chui vào phía bên trong lựa một chỗ thật mát mẻ để chuẩn bị bữa cơm trưa. Từ phía trong chúng tôi có thể nhìn thấy rõ ràng cảnh vật chung quanh, nhưng bên ngoài không ai có thể nhìn thấy chúng tôi được. Loại cây liễu nầy cũng tuyệt làm sao! Tôi đốt lò nấu đậu vốn đã được ngâm từ đêm trước, rồi bỏ thêm phó mát, ớt và muối vào. Sau đó còn nướng thêm mấy lát bánh mì kẹp cheese nữa. Cũng ngon lành đâu có tệ gì!
Anh Jimmy McCunn, bạn thời tiểu học với tôi, đến phiền trách cho một hồi. Anh kể lể có một người bạn học của chúng tôi nay là mục sư Thiên Chúa Giáo tức Cha Mike Batterberry, đã họp tất cả những tín đồ của ông lại để cầu nguyện cho chúng tôi!
Vào buổi tối, em trai tôi là Terry đến chở chúng tôi về nhà ở Kent. Terry nhỏ hơn tôi ba tuổi, đang làm việc cho hãng máy bơm. Và xe kéo của chúng tôi được em gắn vào một cái bơm nước loại bảo đảm cả đời không hư. Loại bơm nước cầm tay nầy có thể bơm nước hút ra từ cái bình mủ khoảng 10 lít (2.5 gallons) nước của chúng tôi.

Ngày 15 đến 25 tháng 7 năm 1974. Hằng Do viết:
Chúng tôi đến Seattle vào ngày 15 tháng 7, thì tạm ngừng lễ lạy vài ngày để phụ sửa soạn cho buổi Pháp hội Cầu Thế Giới Hòa Bình. Tất cả hội viên trong Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới đều tề tựu về Seattle cho ngày lễ. Lúc đó hai vị Pháp Sư là Hằng Quán và Hằng Không phát nguyện tuyệt thực 18 ngày cầu cho thế giới hòa bình, lúc bấy giờ đã được chín ngày rồi. Vào hôm thứ bảy ngày 20 tháng 7, ánh sáng mặt trời ló dạng, mang lại một ngày tươi đẹp nhất ở Seattle.
Buổi sáng chúng tôi họp lại ở công viên Seward, nơi đây đã có hằng trăm khán giả tham gia vào đoàn Tăng Ni và cư sĩ đang trì chú cầu nguyện cho hòa bình. Sau bữa cơm chay chung với tất cả những người tham dự, Sư Phụ, tu sĩ, các vị cư sĩ của Chùa Kim Sơn cũng lần lượt lên thuyết pháp. Vị lãnh sự Ðài Loan và bác sĩ Magee, trường Ðại học Puget Sound, cũng đến tham dự. Buổi Pháp hội thành công mỹ mãn.
Sau đó, chúng tôi nhận lời mời của ban Viễn Ðông Học thuộc trường Ðại học Washington, và lưu lại đó ba ngày để thuyết giảng. Ðến ngày chót thì các hội viên của Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới và trung tâm Bồ Ðề Ðạt Ma của Seattle, họp lại bàn kế hoạch xây dựng tu viện ở Marblemount.
Ðến thứ hai, chúng tôi bắt đầu trở lại lễ bái qua các con đường ở Seattle. Chiều đến, bà con của Thầy Hằng Cụ là ông bà Works ghé lại chào hỏi. Sau đó anh Pete Presser, bạn cũ của sư huynh, đến rước chúng tôi về nhà nghỉ qua đêm.
Ngày 26 tháng 7 năm 1974. Hằng Do viết:
Anh Pete sống hạnh phúc với gia đình trong căn nhà xinh xắn hướng về vùng Puget Sound. Anh là kỹ sư làm cho hãng điện General. Anh cùng Thầy Hằng Cụ ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa. Ðược một lúc thì chuyển sang đề tài triết lý. Anh Pete có lối diễn tả về vô tận rất điển hình; anh nói vô tận cũng chỉ như hư không, chẳng có giới hạn nào và nếu cố định nghĩa về nó, thì giống như ráng dựng lên một bức tường quanh khoảng hư không. Một bức tường có hai mặt và dĩ nhiên, vô tận thật không thể nào định rõ được, bởi vì nó luôn luôn hiện diện khắp nơi, thì làm gì có sự ngăn chặn của bức tường, nên xem như không có định nghĩa gì về nó cả.
Phật tánh của chúng ta cũng giống như không gian: thanh tịnh, trong sáng, không gì ngăn ngại được, nhưng lại hàm chứa tất cả. Những ý nghĩ lăng xăng và phân biệt giống như một bức tường được dựng lên làm hạn cuộc sự thấy biết Phật tánh của chúng ta, bởi lúc nào cũng lưu lại phía bên kia của bức tường. Vì vậy các bậc Thánh nhân bảo rằng Phật tánh là để nhận hiểu chớ không phải chỉ để bàn suông.
Thầy Hằng Cụ và Pete lớn lên cùng một quê quán, học chung một trường v.v.. nhưng hiện tại, họ đang sống trong hai thế giới khác biệt.
Ngày 27 tháng 7 năm 1974. Hằng Do viết:
Chúng tôi sẽ lễ lạy qua con đường dài nhất của khu phố, chiều dài có thể bằng khoảng đường từ sáu mươi đến bảy mươi dặm. Thường thì trước đây khi phải lễ lạy ngay trong phố xá, thành thị, tôi thật không mấy gì tự nhiên như khi ở ngoài đồng trống. Nhưng bây giờ dù cả ngày phải lễ bái qua trước những hãng xưởng, nhà cửa, hay các tiệm quán, tôi cảm thấy bình thường cũng như lễ lạy gần bên cây cối và cầu cống vậy, chẳng có vấn đề chi cả. Có lẽ tôi có ý lo ngại vì trong thành phố là phải đương đầu với nhiều người hơn. Nếu tất cả chúng ta đều xuất phát từ nguồn gốc như nhau thì làm gì có ai là người đang quỳ lạy và ai là người đối diện. Thật ra, ở những nơi đông đúc dường như dễ được định tâm hơn.
Ðêm nay chúng tôi căng trại trên bãi đậu xe trải đá sỏi thật rộng, ngay trong thành phố Seattle, trong bãi đã có đầy những chiếc xe trailer loại nhỏ (xe dùng để đi cắm trại). Vì đất quá cứng không cắm cọc được nên chúng tôi chỉ giăng lều lên giàn dây dâu berry (be-ri) đen, leo phủ đầy cả hàng rào cũ sập sệ. Sẵn thấy những chùm dâu berry (be-ri) chín mọng, chúng tôi hái một mớ cho bữa trưa mai.
Ngày 28 tháng 7 năm 1974. Hằng Do viết:
Tiến trình của chúng tôi bị chậm lại, vì mấy ngày qua có rất nhiều bạn bè và bà con nghe tin sư Hằng Cụ về đến quê hương, lần lượt kéo đến chào hỏi. Có một anh thợ sửa đường nhô đầu ra khỏi ống cống để chào hé lô (hello) khi Thầy Hằng Cụ lạy ngang qua. Lại có ông vì quá nóng lòng muốn chuyển hóa chúng tôi theo đạo Thiên Chúa, nên vừa thấy chúng tôi, ông gấp rút quẹo vòng trở lại. Rốt cuộc bị lãnh giấy phạt về tội lái xe trái luật.
Dù đi qua những cảnh như thế, từ dặm nầy đến những dặm đường đầy bụi bặm khác, Sư huynh tôi vẫn hai tay chắp ngang ngực, đều đặn ba bước dài, quỳ xuống lạy, rồi đứng lên tiếp tục. Một, hai, ba, lạy; một, hai, ba, lạy. Ðã trải qua bao ngày rồi Thầy Hằng Cụ đều dụng công như vậy cả, lòng tôi vẫn không khỏi ngầm tán phục.
Ngày 29 tháng 7 năm 1974. Hằng Do viết:
Sau khi lạy qua thành phố Seattle trên tuyến đường 99, chúng tôi tiến tới vùng Bothell, theo xa lộ 9, rồi qua luôn ranh giới quận King và Snohomish. Hôm nay đang lạy trên đường thì vợ chồng cư sĩ họ Bàng đến. Họ là những Phật tử nhiệt thành ủng hộ chùa trong nhiều năm qua, họ đã đứng ra thành lập trung tâm Bồ Ðề Ðạt Ma ở phía Tây Seattle và cũng là thí chủ cúng hiến mảnh đất ở Marblemount. Nhận lời mời của họ về nhà dùng cơm trưa, nên chúng tôi tìm chỗ cất dấu đồ đạc. Ðây cũng là dịp nghỉ xả hơi tránh đỡ ánh nắng mặt trời nóng gắt và con đường đầy bụi bặm.
Tối đến, chúng tôi cắm trại trên mảnh đất trống cách xa con lộ. Bầu trời tối đen im lìm. Cả ngàn hình ảnh vụt thoáng qua trong đầu tôi: nhớ lại hôm nay có mấy người đệ tử của thầy Mahara-ji đến trò chuyện; một tín đồ bệ vệ Thiên Chúa giáo lại "muốn cứu vớt" chúng tôi; có một bé trai tóc vàng ngồi ở băng sau xe Falcon cũ màu xanh, cứ đưa mắt nhìn chăm bẳm.
A! Có một điều quan trọng hơn mà bây giờ tôi chợt nhớ. Việc xảy ra trong ngày mọi người tụ họp về để tụng chú cầu nguyện cho hoà bình thế giới ở Seattle. Lúc đó chúng tôi ngồi trên khán đài. Sau khi trì chú được vài phút, Sư Phụ ra dấu bảo tôi nhìn lên. Thật là ngạc nhiên vì tôi nhìn thấy giữa bầu trời trong xanh có một cụm mây hình dạng rất lạ hiện ra phía trên diễn đài. Ðám mây thon dài lơ lững trên đầu mọi người khoảng hai mươi phút. Khi buổi trì chú vừa dứt thì cụm mây cũng tan đi không để lại một dấu vết nào. Tôi thắc mắc không biết những người khác có thấy như vậy không?
Ngày 30 tháng 7 năm 1974. Hằng Cụ viết:
Hôm nay số người đến chất vấn chúng tôi nhiều vô kể. Thời tiết trở nên thật đẹp, và chúng tôi cũng tiến bước vững vàng. Một trong các sự việc đối với người tu hành là phải học cách đối phó với lòng sân giận. Ðối với những xúc cảm, thì nó có lẽ là điều tệ nhất, đương nhiên trong chuyến đi nầy chúng tôi cũng không tránh khỏi được nó. Vào những ngày không được xuôi thuận, cơn nóng giận rất dễ dàng nổi lên. Mọi người đều có tập khí như thế cả; nhưng thế nào giải quyết nó, đó mới là điều quan trọng.
Lửa sân là nền móng thúc dục âm ỉ thâm sâu trong ta. Nó im lìm ẩn dạng trong tâm thức cũng giống như lửa than ngấm ngầm trong khúc cây. Một khi phừng cháy lên là tô nhuộm hết những ý tưởng, tri kiến của chúng ta, như đang nhìn qua cặp mắt kiếng đỏ. Lúc chúng ta thật giận người nào đó, không cần biết người đó có tốt bao nhiêu đi nữa, cũng chỉ thấy tất cả là sai trái. Một khi sự xúc cảm mạnh mẽ nầy gán chặt vào tâm thức thì khó mà gỡ ra được.
Như mới mấy hôm trước, chúng tôi thấy có bà cụ với vẻ mặt như oán trách, thù hằn tất cả. Nét nhăn nhó quạu quọ đã trở nên thường hằng trên khuôn mặt của bà. Cũng như lắm lúc tôi tam bộ nhất bái ngang qua các ngã tư đường, có lẽ đã làm xe cộ ứ kẹt khoảng một, hai phút, khiến cho một số tài xế phát nổi xung không thể tưởng tượng được. Họ nhấn còi inh ỏi, hung hãn như muốn giết tôi vậy. Con người ai cũng có thể bùng nổ như thế, khi cơn giận dữ nổi lên. Căn gốc của vấn đề là do chúng ta có những thành kiến quá sâu về tự ngã. Một khi ý kiến hay điều mong ước của chúng ta bị xáo trộn hay bị cản trở là chúng ta nổi quạu liền. Ngày nay, khoa tâm lý học tân thời cống hiến rất nhiều phương pháp ngụy biện để giải quyết vấn đề nầy. Nhưng thật ra chỉ có một phương cách hữu hiệu mà không cần tốn 90 đồng/giờ để tìm nguyên nhân, đó là sự nhẫn nại. Người Hoa viết chữ nhẫn gồm những nét tượng trưng hình ảnh một trái tim bị con dao nằm phía trên. Phẩm cách phi thường và hiếm có của nhẫn nại nếu được vun bồi thì có thể trở nên hoàn toàn đến mức vô tận. Ðó là đức tánh tìm thấy ở những vị Thánh nhân, đã từng tu luyện trong suốt cuộc đời để chiến thắng, làm chủ lấy mình.
Về vấn đề nầy Sư Phụ thường nói: "Thọ khổ tức thị liễu khổ." (chịu khổ thì hết khổ). Câu này có nghĩa là chúng ta phải chịu đựng; khi sự việc xảy ra không đúng theo ý mình, phải giữ tâm lắng dịu bình tĩnh. Nhẫn nại chịu đựng những khó khăn là chúng ta rèn luyện kiên cố lòng can đảm không gì hủy hoại được. Nhưng nếu để cơn giận bùng nổ mất tự chủ là chúng ta đã trồng một nhân địa ngục rồi đấy.
Nói đến địa ngục, mới nhớ mình đang có chuyện phải chịu đựng khổ đau. Tôi tưởng nó đã xảy ra lâu rồi, nhưng cuối cùng thì mới xảy ra. Tôi khám phá ra nơi đầu gối trái mình đã sưng vù lên. Không biết là chúng tôi sẽ tiếp tục được bao lâu nữa - nhưng thấy nó có vẻ tệ lắm rồi.
Chúng tôi dựng lều trên mảnh đất trống dưới xa lộ.


tải về 2.46 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương