Nguồn Wikipedia Bản Thảo 2011



tải về 1.19 Mb.
trang3/12
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích1.19 Mb.
#10836
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12

暮去者 小椋山尓 臥鹿之 今夜者不鳴 寐家良霜


夕されば小倉の山に伏す鹿の今夜は鳴かず寐ねにけらし

Yuu sareba / Ogura no yama ni / fusu shika no / koyoi wa nakazu / ineni kerashimo

Nội dung hầu như đồng nhất. Khác chăng chỉ là địa danh Kokura trở thành Ogura và con nai kêu (naku shika) trở thành nai nằm phủ phục (fusu shika).

Tiết III: Thơ Quận chúa Nukata額田王:
Quận chúa7 Nukata, còn đọc là Nukada, con người cao quí, thông minh và tài sắc vẹn toàn, là một nhân vật nữ cao cấp, đóng vai trò trung tâm trong làng thơ thời Man.yô. Bà là tác giả bài chôka thứ 16 trong tập thơ mang chủ đề so sánh mùa xuân và mùa thu bên nào hơn bên nào kém cũng như 11 bài thơ đẹp như châu ngọc khác. Cuộc đời tình cảm đầy sóng gió của bà xuyên qua những câu thơ ấy đã làm rung động trái tim người đọc nhiều thế kỷ về sau.
Quận chúa là con gái tước vương Kagami (Kính vương) và là em gái một quận chúa khác, Kagami Ôkimi, người cũng đã để lại 4 bài thơ luyến ái trong Man.yôshuu. Bà Nukata lấy tên vùng đất mình cư trú làm tên riêng. Ban đầu, bà được hoàng tử Ôama (Đại Hải Nhân, sau là Thiên hoàng Temmu, Thiên Vũ) yêu dấu, hai bên đã có một con gái tức là quận chúa Tôchi (Tôchi no Himemiko, hoàng phi của Thiên hoàng Kôbun, Hoằng Văn). Hai ông bà rất đỗi yêu nhau. Thế nhưng số phận éo le, Nukata lại bị nạp vào cung Thiên hoàng Tenji (một ông vua anh hùng khác, anh của Temmu, và cũng là kình địch trên chính trường). Bà phải gạt lệ đi vào hậu cung ở Ômi của Tenji lúc ấy quyền lực rất lớn (Temmu chỉ còn biết đợi thời để đoạt lại nước cũng như người yêu).
1-20

Dạng nguyên thủy (Man.yôgana):

茜草指 武良前野逝 標野行 野守者不見哉 君之袖布流

Dạng huấn độc (đã chua âm)

あかねさす紫野行き標野行き野守は見ずや君が袖振る

Phiên âm:

Akanesasu / murasaki no yuki / shimeno yuki / nomori wa mizuya/ kimi ga sode furu



Diễn ý:

Đi ngang qua cánh đồng thuốc đầy hoa murasaki (một loại hoa nhỏ mùa hạ, cánh trắng và nhỏ nhắn, có rễ tím rất quí dùng làm thuốc nhuộm áo xống các bậc vương hầu và có khả năng giải độc) đẹp lung linh, nơi Thiên hoàng đang tổ chức cuộc săn (tức là hái thuốc), hoàng tử hướng về em phất tay áo như ra dấu vẫy gọi. Người canh vườn (chồng hiện tại của em) có thấy không đó? Xin chớ liều lĩnh làm như thế nữa nhé.



Tạm dịch thơ:
Em qua khu vườn cấm / Rợp “hoa tím” lung linh / Chàng phất tay áo vẫy / Muốn tỏ muôn ý tình / Nhỡ người canh họ thấy / (Lộ hết chuyện đôi mình).
Akane sasu là một từ tu sức (makura-kotoba) cho cây thuốc nhuộm murasaki, một loại cây quí. Người ngoài không được bén mảng đến nơi trồng nó, một khu vườn cấm (shimeno).
Năm thứ bảy sau khi thiên hoàng Tenji tức vị (668), ngày mồng 5 tháng 5 đã đưa cả quần thần trong đó có ngự đệ là hoàng tử Ôama đi hái thuốc (kusurigari, dù kari có nghĩa là đi săn) ở cánh đồng Kamôno (thường là vào mồng 5 tháng 5). ở Ômi. Trong đám tùy tùng ấy cũng có quí phi của ông là công chúa Nukata, từng là người yêu và có một mặt con với Ôama. Thế mà Ôama dám vuốt râu hùm, vẫy ta áo ra hiệu cho Nukata, tỏ tình quyến luyến. Lúc đó Ôama độ 40 và Nukata khoảng 35 tuổi, coi như đã đến tuổi chín muồi rồi chứ không còn trẻ trung gì. Công chúa tuy sung sướng biết người xưa vẫn yêu mình nhưng không khỏi lo sợ vì cử chỉ bạo dạn đó đã xảy ra trước đông đảo quần thần, e rằng Tenji (người chồng hiện tại, nói bóng gió là người có nhiệm vụ giữ khu vườn cấm) ấy biết được thì khốn. Bài thơ vừa là lời cảm ơn vừa là lời trách móc Ôama. Nhất là khi trong tình anh em của hai ông vua anh hùng kia (Tenji và Ôama, sau này trở thành Temmu) đã thấy có đám mây u ám của cuộc tranh chấp quyền lực bao phủ.
Có thể tưởng tượng được cảnh trời cao xanh, gió nam ấm áp một ngày đầu hạ, trong không khí hứng phấn của cuộc săn (hái thuốc), là tâm cảnh phức tạp của ba nhân vật. Bằng 31 âm thanh ngắn ngủi, công chúa Nukata đã thành công khi diễn đạt được tâm tình vừa yêu thương, vừa cảm kích, vừa lo sợ, vừa trách móc đó. Âm điệu, màu sắc và giọng thơ đều trôi chảy, đẹp đẽ nhưng chân thành chứ không có vẻ gì là xã giao bề ngoài.

     


        
          Murasaki ( “Hoa cỏ tím” ) (Nguồn Wikipedia)

Để đáp lời công chúa Nukata, hoàng tử Ôama cũng đã viết bài đánh số 1-21 liền theo sau:


Hoàng tử Ôama大海人(tức Thiên hoàng Temmu天武天皇)
1-21
Dạng nguyên thủy (Man.yôgana)

紫草能 尓保敝類妹乎 尓苦久有者 人嬬故尓 吾戀目八方

Dạng huấn độc (đã chua âm):

紫のにほへる妹を憎くあらば人妻故に我れ恋ひめやも

Phiên âm:

Murasaki no / nioeru imo wo / nikuku araba / hitozuma yue ni / ware koi meyamo



Diễn ý:

Hỡi nàng con gái đẹp diễm lệ như cành hoa cỏ murasaki kia ơi! Nếu ta thực sự ghét em vì bây giờ em đã thuộc của về người khác tức là thành vợ ông anh của ta thì cớ sao ta cứ mãi mãi yêu em nồng nhiệt đến độ không thể nào giữ gìn được như giờ đây.



Tạm dịch thơ:

Lộng lẫy hoa cỏ tím / Hỡi người em gái tôi / Nếu ghét vì em đã / Thành ra vợ của người / Sao (lòng ta nóng bỏng) / Nhớ nhung hoài không thôi?
Luân lý của thời Man.yô tuy chưa chặt chẽ lắm nhưng đã bắt đầu nghiêm ngặt trong chuyện có tình ý đối với vợ người (hitozuma) rồi. Hoàng tử Ôama, người đàn ông đang bị xâu xé bởi tình yêu, xung động tình dục và sự ràng buộc của lễ nghi, khi gặp đối tượng yêu đương đã có hành động tỏ tình khinh suất trước mặt mọi người. Bài thơ đã nói lên được sự thực của lòng chàng và vì nói rõ được sự thực nên nó rất chân thành và nam nhi.
Chữ Nio trong Nioeru không phải là “mùi” như nghĩa tiếng Nhật hiện đại (khứu giác) nhưng trong cổ ngữ, đó là một từ diễn ý “dáng vóc xinh đẹp” (thị giác). Bài thơ này vì là một henka (返歌phản ca, thơ họa lại), cho nên hoàng tử Ôama đã dùng cùng hình ảnh cây hoa murasaki để đối lại với bài thơ trước của công chúa Nukata vốn đã nói đến hoa này.
Một chi tiết thú vị là hai bài thơ trên đây được các nhà biên soạn Man.yôshuu xếp vào loại zôka (tạp ca) gồm cả các bài thơ làm ra ở chốn công đường chứ không phải trong mục sômonka (tương văn ca) như thơ luyến ái. Trong Man.yôshuu, loại zôka được sắp lên hàng đầu, trước cả sômonka và banka chứ không phải bị xem như loại thơ đa tạp, vụn vặt đặt ở cuối những thi tập đâu. Điều này chứng tỏ hai bài thơ đó đã được trao đổi ở bàn tiệc của triều đình, trước mặt công chúng và cả Thiên hoàng Tenji. Do đó, nó cho ta thấy hai người tình nhân này rất dạn dĩ, nếu không nói là đang đùa với lửa.


Hoàng tử Naka no Ôe中大兄皇子 (tức Thiên hoàng Tenji天智天皇)
Tình cờ hay hữu ý, ba bài thơ sau đây của Hoàng tử Naka no Ôe và cũng là người được biết dưới cái tên Thiên hoàng Tenji (tại vị 668-671, 626-671), một ông vua mưu lược, anh hùng trong lịch sử Nhật Bản, có nói đến quan hệ tay ba của ...ba hòn núi.
1-13
Dạng nguyên thủy (Man.yôgana)

高山波 雲根火雄男志等 耳梨與 相諍競伎 神代従 如此尓有良之 古昔母 然尓有許曽 虚蝉毛 嬬乎 相<>良思吉

Dạng huấn độc (đã chua âm):

香具山は 畝傍を愛しと 耳成と 相争ひき 神代より かくにあるらし 古も しかにあれこそ うつせみも 妻を争ふらしき

Phiên âm:

Kaguyama wa / Unebi wo oshi to / Miminashi to / aiarasoiki / kamuyo yori / kaku ni aru rashi / inishie mo / shika ni are koso / utsumemi mo / tsuma wo arasou rashiki /



Diễn ý:

Ta nghe nói vì núi Unebi yêu núi Kagu nên tranh nhau với núi Miminashi.Hình như từ đời thượng cổ (đời các thần) đã có câu chuyện đó. Bởi vì xưa đã từng xảy ra, nên người thời nay cũng đi tranh vợ với nhau như thế.

Đây là một chôka kể lại truyền thuyết mối tình tay ba của ba ngọn núi gọi là Đại Hòa tam sơn vì chúng cùng nằm trên bình nguyên Yamato. Sau phải nhờ đến thần Abô no Ôkami từ Izumo (nay thuôc tỉnh Shimane phiá biển Nhật Bản) lên dàn xếp nhưng khi thần đến nơi thì mọi việc đã an bài. Tương truyền thuyền của thần đi đến cánh đồng Inami kunihara ở Harima thì bị lật úp phải ở lại, nơi đó còn một cái gò làm dấu tích.

Có lẽ sau khi đi đánh Shiragi (Tân La) về, ghé qua cánh đồng, hoàng tử Naka no Ôe đã vịnh bài thơ đó. Chuyện này hẳn dính dáng đến mối tình chung của hai anh em ông và có một cuộc tranh chấp đã xảy ra.



Tạm dịch thơ:

Giữ Kagu không thả / Hùng hổ Unebi / Tranh tình yêu người đẹp / Trước Miminashi / Ta nghe rằng việc ấy / Từng có tự lâu rồi / Vỡ lẽ ra tranh vợ / Đâu chuyện đời nay thôi!

1-14
Dạng nguyên thủy (Man.yôgana)
高山与 耳梨山与 相之時 立見尓来之 伊奈美國波良

Dạng huấn độc (đã chua âm):

香具山と耳成山と闘ひし時立ちて見に来し印南国原

Phiên âm:

Kaguyama to / Mimnashiyama to / aishi toki / tachite mikoshi / Inami kunihara /



Diễn ý:

Ôi, đây có phải là cánh đồng Inami kunihara, nơi thần Abô no Ôkami đã từng đứng chứng kiến cảnh tranh chấp một người đàn bà của hai hòn núi Kagu và Miminashi ?

Trong bài này, khác với ý trong chôka, Kagu và Miminashi mới là hai ngọn núi đàn ông tình địch và có thêm một khách bàng quan đứng ngắm là ông thần Abô. Bài này còn gợi cho ta thấy tình cảm thiêng liêng của hoàng tử Naka no Ôe đối với non sông đất nước trường cửu đã có từ đời các thần (jindai).

Tạm dịch thơ:

Có phải nơi đây là / Đồng Kunihara / Thần Abô chứng kiến / Một chuyện tình tay ba / Hai hòn núi ganh tị / Vì một bóng đàn bà ? /

1-15

Dạng nguyên thủy (Man.yôgana)

渡津海乃 豊旗雲尓 伊理比<>之 今夜乃月夜 清明己曽

Dạng huấn độc (đã chua âm):

海神の豊旗雲に入日さし今夜の月夜さやけくありこそ

Phiên âm:

Watatsumi no / toyohatakumo ni / irihisashi / koyoi no tsuku yo / sayakeku ari koso /



Diễn ý:

Trên mặt biển rộng, mây bay như những lá cờ phất phới. Những tia nắng chiếu xuyên qua đám mây trông thật tráng lệ. Chắc hẳn khi trời về chiều và đêm xuống, trăng cũng trong vắt và sáng lòa.

Bài thơ này rất hào hùng, có khẩu khí của một bậc thiên tử tương lai, người đã đảo chánh quyền thần Soga, cải cách nhà nước và trung hưng vương thất.

Tạm dịch thơ:

Mây như cờ phất phới / Mặt biển rộng bao la / Ánh mặt trời sáng lóa / Chiếu dõi khắp gần xa / Chắc rằng đêm có xuống/ Trăng thanh cũng rạng lòa /

Quận chúa Nukata có vẻ là một người đa tình. Đã đành bà yêu Temmu (Ôama) nhưng đối với Tenji (Naka no Ôe), ông chồng oai hùng ấy, bà cũng đã tỏ rõ tình cảm yêu mến và khó lòng nói là lúc ấy bà không chân thực. Hãy xem bài 4-488 sau đây:


4-488
Dạng nguyên thủy (Man.yôgana):

君待登 吾戀居者 我屋戸之 簾動之 秋風吹

Dạng huấn độc (đã chua âm):

君待つと我が恋ひ居れば我が宿の簾動かし秋の風吹く

Phiên âm:

Kimi matsu to / wa ga koi ireba / wa ga yado no / sudare ugokashi / aki no kaze fuku



Diễn ý:

Trong khi lòng em đang nhớ nhung, chờ đợi xa giá quân vương đến chơi thì bức mành mành nhà em bỗng phất phơ, phát ra âm thanh nhẹ nhàng. Tưởng ngài đến nên lòng em chợt hết lo âu, chẳng dè tiếng động ấy chỉ là do trận gió thu tạt ngang bức mành thôi.



Tạm dịch thơ:

Thiếp tựa của mong sao / Hôm nay xa giá đến / Chợt nghe tiếng lao xao / (Lòng mới nguôi lo lắng) / Dè đâu trận gió thu / Thổi nhẹ qua rèm vắng.

Đây là một bài thơ bình dị nhẹ nhàng và cảm động. Buổi chiều hôm đó có tin Thiên hoàng sẽ ngự tới cung mình nên quận chúa (hoàng phi) đã sửa soạn để tiếp rước và lặng lẽ đợi chờ. Khi nghe tiếng rèm cửa lay động lao xao, nàng tưởng nhà vua đã tới và mới hết lo âu, như thở hắt được ra. Tuy không có kỹ xảo tu từ nhưng bà đã bày tỏ được tấm lòng mong nhớ dịu dàng mà sâu sắc của một người đàn bà khi đang dồn hết tâm trí để lắng nghe một tiếng người qua.


Bài này có thể đã được đem dâng lên Thiên hoàng nhưng sách vở không chép lại bài họa (henka) nào của ông. Có lẽ vì là một ông vua anh hùng, chuộng hành động hơn là lời nói, ông đã trực tiếp tìm đến bà ngay chăng?
Qua hai bài 1-20 và 4-488 của quận chúa Nukata, ta thấy bà vừa thông minh, tao nhã, vừa khả ái vừa sâu sắc. Bà không bao giờ quên hoàn cảnh phức tạp của mình đang sống và những người chung quanh, nên thuận theo dòng đời một cách bình dị và thanh thoát chứ không hề khóc than cho số phận.
Dưới chế độ nhất phu đa thê, những người đàn bà phải chờ đợi chồng ban đêm đến thăm (Người Nhật cổ gọi là aitsuu = tương thông). Bài thơ của bà, cũng như những bài thơ cùng loại của các mệnh phụ khác (như bài thơ của Sotoori hime viết cho Thiên hoàng Ingyô chẳng hạn) 8đã nói dược lên tâm tình nhớ mong của những người phụ nữ có chung cảnh ngộ khi màn đêm xuống.
Quận chúa Nukata còn có một bài thơ khác và từng được một cuộc trưng cầu ý kiến độc giả thời đại chúng ta đánh giá là một trong 10 bài thơ hay (hoặc ít nhất là có ý nghĩa quan trọng hơn cả) trong thơ Vạn Diệp. Bài ấy không phải thơ tình nhưng có dụng ý chính trị. Như sau:
1-8
Dạng nguyên thủy (Man.yôgana):

熟田津尓 船乗世武登 月待者 潮毛可奈比沼 今者許藝乞菜

Dạng huấn độc (đã chua âm):

熟田津に船乗りせむと月待てば潮もかなひぬ今は漕ぎ出でな

Phiên âm:
Nikitatsu (Nigitatsu) ni / funanori semu (sen) to / tsuki mateba / shio mo kanainu / ima wa kogi idena
Diễn ý:
Vừa khi đợi trăng mọc để cho thuyền rời bến Nikita (có sách đọc là Nigita) thì đúng lúc thủy triều đã dâng lên đầy ắp. Nào nào, hãy cùng nhau chèo chống ra khơi !
Nếu không tìm hiểu bối cảnh ra đời của bài thơ thì ta đã có thể tưởng là một bài thơ nói về cảnh đẹp đêm trăng hay sinh hoạt dân chài. Thật ra nó là một hịch văn “bỏ túi” để khuyến khích tướng sĩ.
Tháng giêng năm 661, Nữ thiên hoàng Saimei cất quân sang bán đảo Triều Tiên giúp di thần của tiểu quốc Kudara (Bách Tế) chống lại sự xâm lấn của người Shiragi (Tân La), một tiểu quốc khác nằm trên bán đảo vốn có một đồng minh đáng ngại là nhà Đường (618-907). Sau khi tạm dừng chân ở Nikita (hay thuộc thị trấn Matsuyama, tỉnh Ehime) để nữ thiên hoàng chữa bệnh, chiến thuyền Yamato lại rời bến để đi về phía Tây. Nukata chắc với địa vị một nữ quan hay thơ (hay cô đồng), đã đại diện thiên hoàng làm bài thơ kêu gọi đó dù cũng có thuyết chủ trương thơ này là của chính Saimei.
Trong chuyến đi, có cả các nhân vật lãnh đạo tương lai như hai hoàng tử Naka no Ôe (về sau là Thiên hoàngTenji) và Ôama (về sau là Thiên hoàng Temmu) cũng như nhiều công chúa. Bài thơ nói lên không khí hứng khởi của đoàn quân đang gặp lắm điều kiện thuận lợi cho cuộc hành trình như trăng sáng, biển lặng, nước ròng. (Thế nhưng sau khi ghé cảng Hakata ở Kyuushuu và sang đến Triều Tiên, đoàn quân này đã đại bại ở Hakusuki no e (hay Hakusonkô, ở vị trí cửa sông Cẩm Giang bây giờ) trước liên quân Đường – Shiragi vào năm 663). Vương triều Kudara hoàn toàn bị tiêu diệt. Nhờ đó, người Nhật đã tỉnh ngộ, rút quân về và Tenji làm nên cuộc cải cách năm Taika (Taika no kaishin, 645), chấn chỉnh lại nội bộ và đưa đất nước đi lên.
Tạm dịch thơ:
Đang khi chờ trăng mọc / Để rong thuyền khơi xa / Bến Nikita ấy / (Kìa bao đoàn quân ta) / Thủy triều giờ đã ngập / Nhanh tay mà chèo ra /

Tiếp theo đây là một bài thơ nổi tiếng khác của quận chúa Nukata (bài 1-16), khi có cuộc tranh luận giữa triều thần xem giữa mùa xuân và mùa thu, bên nào đẹp hơn (xuân thu tranh ưu luận) .




1-16
Dạng nguyên thủy (Man.yôgana):

冬木成 春去来者 不喧有之 鳥毛来鳴奴 不開有之 花毛佐家礼抒 山乎茂 入而毛不取 草深 執手母不見 秋山乃 木葉乎見而者 黄葉乎婆 取而曽思努布 青乎者 置而曽歎久 曽許之恨之 秋山吾者

Dạng huấn độc (đã chua âm):

冬こもり 春さり来れば 鳴かずありし 鳥も来鳴きぬ 咲かずありし 花も咲けれど 山を茂み 入りても取らず 草深み 取りても見ず 秋山の 木の葉を見ては 黄葉をば 取りてぞ偲ふ 青きをば 置きてぞ嘆く そこし恨めし 秋山吾は

Phiên âm:

Fuyugomori / harusari kureba / nakazarishi / tori mo kinakinu / sakazarishi / hana mo sakeredo / yama wo shimi / torite mo torazu / kusa fukami / torite mo mizu / akiyama no / kono ha wo mite wa / momiji wo ba / torite zo shinofu / aoki wo ba / okite zo nageku / sonoshi urame shi / akiyama ware wa.



Diễn ý:
Mùa đông vừa dứt và xuân đã đến, những con chim nằm im trong tổ bắt đầu cất tiếng hót. Cây khô lại bắt đầu ra hoa thắm. Thế nhưng cây trong núi quá rậm rạp cho nên thân gái như ta không có thể vào đó kiếm hoa. Cỏ lại mọc dày mãi trong sâu đến nổi không sao nhìn ra hoa để hái. Trong khi đó, khi trời vào thu, ta có thể bẻ cành cây lá đỏ mà trực tiếp thưởng thức vẻ đẹp của nó. Riêng nhưng cành hãy còn xanh, ta cứ để nó nguyên trên cành và than thở sao nó chưa chịu đổi màu. Núi mùa thu đẹp hơn núi mùa xuân nhưng riêng có điểm nói trên thì ta lấy làm tiếc. Kết cuộc, nếu so sánh, ta vẫn phải thiên về cảnh núi mùa thu.
Tạm dịch thơ:
Đông qua xuân vừa tới/ Chim thức giấc hòa ca / Cành khô dù điểm thắm / Rừng rậm khó tìm hoa / Cỏ xuân dày khắng khít / Ai mà nhìn cho ra! Cảnh thu thì ngược lại / Lá hồng trong tay ta / Bẻ xuống ngắm tận mắt / Riêng cành xanh bỏ qua / Vẫn để nguyên trên đó / Sao chẳng chuyển sang đỏ ? / Hai mùa nếu so sánh / Tiếc điều đó chăng là / Nhưng dù xuân có đẹp / Ta chỉ ngóng thu xa.
Chuyện xảy ra vào một hôm (có lẽ sau khi dời đô về Ômi năm 667) khi Thiên hoàng Tenji nói với đại thần Fujiwara no Kamatari hãy ra đề luận xem hoa trên núi mùa xuân và lá đỏ trên núi mùa thu cái nào đẹp hơn (xuân sơn vạn hoa lệ, thu sơn thiên diệp thái) thì quận chúa Nukata nhân đó đưa ra bài thơ để đánh giá và đặt giá trị của mùa thu lên trên mùa xuân. Ban đầu, bà đưa ra những điểm mạnh của mùa xuân, sau đó mới gợi ra những khuyết điểm của nó. Tiếp đến bà cũng đưa ra cái hay cái dở của mùa thu để đi tới kết luận cho mùa thu thắng cuộc.
Việc tranh luận về ưu khuyết điểm và sự đối lập của hai mùa (xuân thu tranh ưu luận) 9đã được nhắc tới trong đoạn 15 (Akiyama no shitai otoko / haru yama no shitai otoko) của tập sử thư Kojiki và chương Usugumo (Phận mỏng như mây) của Truyện Genji. Cũng vậy tập nhật ký Sarashina cũng chép lại việc công chúa Yuushi bàn với Minamoto no Sukemichi về cái hay cái dở của hai mùa và đã chọn mùa xuân thay vì mùa thu. Ngược lại, Shuuishuu (Thập Di Tập) quyển 9 phần Tạp hạ thì lại đưa ra một bài thơ bênh vực và tán dương mùa thu.
Về mặt hình thức, cụm từ fuyugomori là một từ tu sức (makura-kotoba) để nói việc mùa xuân đã đến và liên kết nó với sự ra đi của mùa đông (fuyu). Shinofu nghĩa thời Nara có nghĩa là thưởng thức, tưởng nhớ, chưa trở thành shinobu (nhớ lại, chiu đựng, nhẫn nhục) như bây giờ. Về mặt ý nghĩa thì sự có mặt của bài chôka này rất quan trọng. Lý do là dưới triều Ômi, trong cung, mỗi khi yếu ẩm, người ta chỉ chuộng Hán thi. Hơn nữa bên cạnh Hán thi diễm lệ và khá cầu kỳ thì bài thơ viết bằng quốc văn mộc mạc như thế này lại có cái gì tươi mới và dân tộc.
Nhân nói về việc thiên đô đến Ômi, tuy đó là việc lớn của quốc gia quyết định bởi Thiên hoàng Tenji nhưng nó đã để lại trong lòng những người tùy tùng của ông nhiều cảm khái khi họ phải rời khỏi vùng Asuka nơi có kinh đô cũ, băng qua xứ Yamashiro để vào đất Ômi. Quận chúa Nukata cũng vậy, bà không hết có dịp nhìn thấy lại ngọn Miwayama (Tam Luân Sơn) xưa nay sớm chiều vẫn như ở bên cạnh mình:
1-18
Dạng nguyên thủy (Man.yôgana):

三輪山乎 然毛隠賀 雲谷裳 情有南畝 可苦佐布倍思哉

Dạng huấn độc (đã chua âm):

三輪山をしかも隠すか雲だにも心あらなも隠さふべしや

Phiên âm:

Miwayama wo / shikamo kakusu ka / kumo da ni mo / kokoro arana mo / kakusafu (kakusô) beshi ya /



Diễn ý:
Núi Miwa trong đất Yamato nhớ thương ơi, mi trốn ta như thế sao? Ta mong ngươi ít nhất cũng mang chút nỗi lòng như đám mây dày đang trùm kín ngươi. Núi ơi, ta ngoảnh lại bao nhiêu lần để nhìn thấy mi mà nấp mãi trong mây như thế à ?

Đây là bài hanka tiếp sau một chôka, thơ chia tay với núi Miwa. Núi ấy không phải một ngọn núi thường. Nó là nơi cư ngụ của của thần núi Ômiwa vốn mang xác rắn (xà thể), đáng tôn kính và cũng đáng khiếp sợ. Trong Kojiki (Cổ Sự Ký, 712) đã chép truyền thuyết (Miwayama densetsu) về thần rắn trên núi Miwa ban đêm giả dạng đàn ông đẹp trai đến thông dâm cùng con gái nhà lương dân, sáng ra lại lẻn về núi (truyện nàng Ikutama yoribime). Nàng mang thai (sau đẻ con trai ra là tổ tiên họ Miwa). Một hôm cha mẹ cô cài giây vào chéo áo để mò theo dấu thì thấy người đàn ông đó đi về phía núi. Hoá ra là thần rắn Ômiwa. Do đó, bài thơ này có khi không chỉ nói lên tình cảm đối với kinh đô cũ nhưng có nhiệm vụ lễ nghi tôn giáo là thay mặt Hoàng tử Naka no Ôe (Tenji) để trấn yểm quỷ thần, trước tiên là thần núi Miwa, sau là chư thần toàn cõi Yamato.

Có tác giả lại suy luận rằng đây chỉ thuần túy là một bài thơ tình. Ngọn Miwa là Ôama, ông chồng cũ. Theo đó, tác giả chỉ tỏ nỗi lòng se sắt và quyến luyến người xưa mà thôi.

Tạm dịch thơ:

Miwa ơi hỡi núi / Cớ gì lẫn trốn ta / Hay muốn trùm mây trắng / Tỏ lòng buồn cách xa / Bao lần nhìn ngoái lại / Vẫn dấu mặt không ra /

Quận chúa Kagami (Kagami no Ôkimi 鏡女王)
Người chị của quận chúa Nukata là quận chúa Kagami (Kagami no Ôkimi 鏡女王), tuy địa vị cao quí, cũng là một người suốt đời tình cảm hẩm hiu. Ban đầu, bà được Thiên hoàng Tenji (chồng cô em) sủng ái nhưng sau lại được (bị) vua gả làm vợ chính thức cho đại thần Fujiwara no Kamatari, một công thần của ông. Chẳng ngờ số phận đen đủi, đến năm Temmu thứ 12 (Temmu là chồng trước của cô em) thì bà lại mất. Sử thư Nihon Shoki có chép việc Temmu có thân hành ngự giá đến thăm khi bệnh bà đã nguy kịch. Công chúa Kagami đã để lại 4 bài thơ trong Man.yôshuu. Xin chọn dịch liên tiếp hai bài 4-489 và 2-92:
4-489
Dạng Man.yôgana:

風乎太尓 戀流波乏之 風小谷 将来登時待者 何香将嘆

Dạng huấn độc (đã chua âm):

風をだに恋ふるは羨し風をだに来むとし待たば何か嘆かむ

Phiên âm:
Kaze wo da ni / kouru wa tomoshi / kaze wo da ni/ komu to shi mataba / nani ka nagekamu
Diễn ý:
Này cô em gái tôi ơi, nghe tiếng gió lao xao động mành cửa mà cô đã rộn ràng như thế, cô thật là người có phước. Chỉ nghe mỗi tiếng gió thôi mà lòng đã em tôi đã dao động như vậy, chị ghen với cô đấy. Cô mình còn được nhà vua (Thiên hoàng Tenji, chồng chung của hai ta) đoái hoài tìm đến, chứ chị đây chỉ biết thở vắn than dài.

Tạm dịch thơ:

Nghe gió em rộn ràng / Chị ước được như em / Nghe gió em còn đợi / Bóng quân vương đến thăm / Riêng lòng chị nức nở / Ghen cả với tình em.

Bài thơ này, quận chúa Kagami làm ra để họa lại bài thơ của cô em gái, quận chúa Nukata, đã nhắc đến ở trên (4-488). Tuy không rõ bà viết bài này (4-489) vào thời nào nhưng sử chép bà hết còn được Thiên hoàng Tenji yêu thương nên ông mới đem gả bà cho Fujiwara no Kamatari như món quà tặng người bầy tôi đắc lực. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, chồng bà cũng thành người thiên cổ, bà phải sống trong cô phòng, thành ra lời thơ mới não nuột như vậy.

Cụm từ Kaze wo da ni lập lại hai lần như muốn nhấn mạnh lòng thèm thuồng số phận của cô em tốt phúc, tăng thêm ngữ khí cho câu cuối Nani ka nagekamu. Thiên hoàng Tenji, đối tượng của cô em, ngày xưa cũng đã có thời chiều chuộng mình (xin xem tiếp bài 2-92 sau đây, đánh dấu những ngày yêu đương đó). Và bà cũng đã được nhà vua ban cho một bài thơ đầy lời lẽ dịu ngọt nữa (bài 2-91). Nhưng nay chỉ còn tiếng kêu uất nghẹn của một người đàn bà đã đánh mất tình yêu, lẽ sống của mình. Nhất là tình yêu ấy vốn âm thầm, câm nín nhưng bền bĩ:        

2-92

Dạng nguyên thủy (Man.yôgana):

秋山之 樹下隠 逝水乃 吾許曽益目 御念従者

Dạng huấn độc (đã chua âm):

秋山の木の下隠り行く水の我れこそ益さめ御思ひよりは

Phiên âm:

Akiyama no / ko no shitagakuri / yuku mizu no / ware koso masame / omowazu yori wa



Diễn ý:

Dòng nước nấp dưới những lớp lá rụng của rừng trên núi thu vẫn âm thầm chảy và mỗi ngày càng dạt dào thêm nhưng người bên ngoài nào có biết cho đâu. Lòng của thiếp thương tưởng đến quân vương thật còn thắm thiết hơn cả tấm tình vô cùng quí hóa của ngài đối với thiếp nữa kia.



Tạm dịch thơ:
Tình thiếp như nước chảy / Dưới lá rụng rừng thu / Tuôn ra dào dạt bấy / Mà ai thấy cho đâu / Quân vương dầu đoái tưởng / Nồng nàn hơn thiếp sao!
Đây là bài phụng họa bài ngự chế (2-91). Quận chúa Kagami cho biết tình yêu của bà cũng như dòng nước tuy bị lá núi rụng che khuất nhưng vẫn chảy dạt dào. Lối ví von này thật nhẹ nhàng và thấm thía, ý nói thiếp câm nín, ôm nỗi khổ một mình riêng không cho ai hay. Đó cũng ẩn dấu một lời trách móc nhẹ nhàng (Tình yêu của ngài không tương xứng với tình yêu của thiếp). Qua hai bài thơ của bà, chúng ta hình dung ra được một nàng quận chúa mà sự ôn hòa, nhu mì trên bề mặt che lấp một tình yêu đam mê và bỏng cháy trong đáy lòng.
Ngự chế ấy (bài 2-91) của Tenji nguyên văn như sau:
2-91

Dạng nguyên thủy (Man.yôgana):


tải về 1.19 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương