Nguồn Wikipedia Bản Thảo 2011



tải về 1.19 Mb.
trang1/12
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích1.19 Mb.
#10836
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12
NHẬP MÔN MAN.YÔSHUU

Qua thơ Vạn Diệp Tập, viễn du trong xã hội Nhật Bản cổ đại.


         万葉集入門

Biên soạn : Nguyễn Nam Trân

      
Nukata no Ôkimi và mùa xuân ở Asuka (tranh Yasuda Yukihiko, 1884-1978)

(Nguồn Wikipedia)

           
Bản Thảo

- 2011 -

Dẫn Nhập Của Người Biên Soạn:

             



Cho đến nay, khi nói đến tác phẩm cổ điển văn học Nhật Bản, không ai có thể phủ nhận giá trị của Man.yôshuu 万葉集 và Genji Monogatari 源氏物語 về hai mặt chất lẫn lượng. Đã từ lâu, người Nhật xem chúng như hai đại thụ trấn sơn môn văn học nước nhà.
Thế nhưng, thi tập Man.yôshuu ra đời cách đây (2011) đã 12 thế kỷ rưỡi (bài thơ cuối viết vào năm Tenpyôhôji thứ 3, 759) và tiểu thuyết trường thiên Genji cũng đã có mặt từ hơn 1000 năm nay (Kankô thứ 5,1008). Ngôn ngữ của chúng rất xa lạ đối với người hiện đại, đặc biệt nội dung Man.yôshuu là văn vần, được kết hợp lại từ những câu thơ ngắn, cô đọng hàm súc, nhiều từ hoa, đầy ẩn dụ, nên càng khó hiểu hơn. Trong một thời đại mà tiếng Anh, tiếng Mỹ phổ cập như bây giờ, e rằng đối với cả người Nhật, đọc một văn bản gốc bằng tiếng ngoại quốc có khi còn nhàn hạ hơn là ghé mắt đến một tác phẩm viết bằng tiếng nước mình như Man.yôshuu. Phải nhìn nhận là trên bàn viết một gia đình Nhật, có thể tìm thấy một quyển tự điển tiếng Anh dễ dàng hơn là một quyển từ điển cổ văn Nhật.
Để hiểu sâu sắc văn hóa một nước, ta thường phải đọc những tác phẩm kinh điển của họ. Ví dụ thông qua kịch Shakespeare là tiếp cận được người Anh, đọc Faust của Goethe, có thể hiểu được người Đức. Nếu đã yêu chuộng trà đạo, cắm hoa, haiku... thì cũng nên có kiến thức về văn học cổ điển như Man.yôshuu để đào sâu về văn hóa Nhật Bản vốn đa dạng và không phải hình thành chỉ trong một sớm một chiều.
Sau khi viết xong bộ Tổng Quan Lịch Sử Văn Học Nhật Bản để có cái nhìn toàn thể nhưng khái lược về văn học Nhật Bản từ cổ đại cho hiện kim, người viết có ý tiếp nối bằng một bộ khác với nhan đề Viễn Du Trong Văn Học Nhật Bản với mục đích thưởng ngoạn, chủ yếu là tuyển dịch và bình chú các tác phẩm lớn cũng như giới thiệu các tác giả tiêu biểu từ xưa đến nay qua những luận đề về phong cách viết văn làm thơ của họ. Số lượng tác phẩm và tác giả nhiều vô cùng, cuộc đời thì ngắn ngủi, trong khi chờ có bạn tâm huyết tiếp tay, người viết cảm thấy mình phải bắt đầu bằng một cái gì. Tác phẩm đầu tiên hiện ra trong trí là Manyôshuu vậy.
Ở các thư viện, tiệm sách, trên mạng, tài liệu về Man.yôshuu không phải là ít. Thi tập này đã được chú giải bởi vô số học giả Nhật Bản qua các thời đại. (Điều này sẻ được trình bày trong chương 7 ở cuối sách). Gần đây, Man.yôshuu còn được nhiều dịch giả uy tín chuyển ngữ. Cố giáo sư René Sieffert đã dịch toàn thể 4516 bài ra tiếng Pháp (P.O.F., Paris, 1998), H.H. Honda đã dịch tất cả ra tiếng Anh (Hokuseido, Tôkyô, 1967). Nhà văn / giáo sư Ian Hideo Levy cũng vậy (Princeton, 1987). Ngoài ra còn có rất nhiều cuốn tuyển dịch sang Anh văn như cuốn A Waka Anthology của Edwin A. Cranston (Stanford, 1993) hay tuyển tập One Thousand Poems from the Man.yôshuu với 1.000 bài do hiệp hội Nippon Gakujutsu Shinkyôkai (Hội chấn hưng học thuật Nhật Bản, 1969, 2005) chủ trì việc dịch thuật. Man.yôshuu còn được dịch để dùng như giáo khoa thư trong việc giảng dạy ở nhà trường, ví dụ quyển The Princeton Companion to Classical Japanese Literature do E. Miner, H. Odagiri và R.E. Morell (1985). Một người Nhật khác, Kaitani Kenji cũng đã tuyển dịch 100 bài mà ông cho là giá trị nhất (2005-2006). Kaitani đã dịch cặn kẽ từng câu, từng chữ. Dĩ nhiên, Man.yôshuu còn được chuyển thể ra nhiều ngôn ngữ khác nhưng người viết không nắm vững những thông tin đó, và nhân vì nó không thực cần thiết đối với bài viết (phải nói là quyển sách) khá dài này nên xin phép được lược đi.
Để dịch thơ Man.yôshuu, đặc biệt cho phần kể từ chương 1 đến chương 4, người viết đặc biệt chịu ơn cố nữ giáo sư Uemura Etsuko上村悦子 (1908-1999). Quyển Nyuumon Manyôshuu (Nhập môn Vạn Diệp Tập 入門万葉集) trong loại sách bỏ túi với 260 bài của bà là nồng cốt cho phần tuyển dịch sang tiếng Việt này. Là cao đồ của học giả lỗi lạc Hisamatsu Sen.ichi 久松潜一 (1894-1976), bà đã tốt nghiệp văn khoa Đại học phụ nữ Nhật Bản (Nihon Joshidai) từ 1933. Sau một đời giảng dạy, bà trở thành giáo sư danh dự của nhà trường. Chuyên môn của bà là văn học thời Heian. Một cuốn sách khác cũng đã giúp đỡ người viết không ít cho phần này nhan đề Man.yôshuu万葉集, vốn chọn đối tượng là độc giả sơ cấp, biên tập bởi nhà giáo trung học Sakaguchi Yumiko坂口由美子, tốt nghiệp ban cao học Đại học Gakushuin. Bà cũng là một nhà chuyên môn văn học thời Heian. Sách của bà giảng nghĩa cặn kẽ 140 bài nhưng phần nhiều trùng lặp với các tác phẩm mà Uemura Etsuko đã trưng dẫn.
Trong việc dịch Man.yôshuu, người viết không có tham vọng làm một việc quá sức mình là dịch cho được toàn thể thi tập mà chỉ chọn lọc một số bài tiêu biểu để có thể hiểu chúng cặn kẽ hơn. Thi ca thường có nhiều ẩn ý và dư vị là những cái nấp đằng sau văn tự. Bối cảnh lịch sử, phong tục tập quán thời đại, tiểu sử tác giả, hoàn cảnh và tâm tình khi sáng tác, qui ước về thể loại và từ hoa…đều là những yếu tố bổ sung trong việc thưởng thức một áng thơ. Do đó, người viết đi đến quyết định là chỉ dịch một số lương nhỏ nhưng tìm hiểu những yếu tố ngoại vi của chúng càng nhiều càng tốt. Mong rằng bài viết sẽ là điểm khởi hành và là một kích thích đưa đến những công trình nghiên cứu kế tiếp giá trị hơn của các nhà Nhật Bản Học trong tương lai.
Phàm Lệ:
Những bài thơ trích dẫn được trình bày dưới ba dạng Man.yôgana, dạng huấn độc đã chua âm và dạng Romaji hay chữ La Mã. Chúng có thể bị quí độc giả xem như quá rườm rà và điều này không sai tí nào. Tuy nhiên chủ tâm của người viết là dẫn chứng làm sao cho thật cặn kẽ điều mình muốn đề cập và lưu giữ lại một số văn bản quý hiếm dù có khả năng sao chép tự do trên mạng. Xin được thể tình về điểm này. Đặc biệt, nhờ các văn bản, ta thấy được cả quá trình phát triển của tiếng Nhật qua các thời đại.
Tuy mang chút ít ctính cách hàn lâm nhưng người viết cố gắng kéo văn bản đến gần với thể thơ Việt Nam. Thay vì dịch theo thể 6/8, chúng tôi đã chọn thơ 5 chữ cho gần thể 5/7 của Nhật và nhân đó sử dụng được vần trắc để tránh sự trầm buồn của vần bình, thể hiện được ý của tác giả trong những bài thơ cần đến sự hùng hồn, chênh vênh, đột ngột. Thơ dịch có chỗ không nhất thiết trung thành với nguyên tác. Lý do là người viết muốn theo phương pháp dịch thoát của Arthur Waley, chủ yếu sao để thơ có chất thơ sau khi đã nắm được bản ý của tác giả chứ không để nó khô khan, trúc trắc như văn nói. Tuy nhiên, việc nghiên cứu Man.yôshuu đối với người viết là cả một sự mạo hiểm, thách đố với bản thân, chắc chắn sẽ có rất nhiều khiếm khuyết và sơ thất. Chúng chỉ có thể được tu chính với sự chỉ giáo tận tình và lòng từ bi hỷ xã của các bậc cao minh Nhật Việt mà người viết lúc nào cũng thành tâm ngóng đợi.

MỤC LỤC

Chương 1: Thông tin khái quát về tác phẩm.

1-Nhan đề. 2- Nhà biên tập. 3- Nội dung và hình thức nói chung. 4- Phân chia thời đại. Các tác giả tiêu biểu. 5- Về cách dùng chữ để ghi chép. 6- Phân biệt thể thơ trong các quyển. 7- Nội dung thơ các quyển. 8- Cách chua âm văn bản Man.yôshuu. 9) Về các bản sao và in. 10) Mộc giản. 11) Giá trị của Man.yôshuu. 12) Ảnh hưởng của Man.yôshuu đến đời sau.



Chương 2: Thời Tiền Man.yô và những nhà thơ cung đình buổi đầu.

1-Thơ thiên hoàng Yuuraku. 2-Thơ thiên hoàng Jômei. 3- Thơ công chúa Nukata. 4- Thơ hoàng hậu Yamato. 5- Thơ nữ thiên hoàng Jitô. 6- Xướng họa giữa thiên hoàng Tenmu và quí phi Fujiwara.7- Thơ đại thần Fujiwara no Kamatari. 8- Thơ công chúa Tajima, công chúa Ôku và hoàng tử Arima. 9- Thơ Kakinomoto no Hitomaro. 10- Thơ Takechi no Kurobito.11- Thơ Naka no Imiki Okimaro.



Chương 3: Các tác giả thời thơ Man.yô thành hình, xác định được vị trí:

1-Thơ Ôtomo no Tabito. 2- Thơ Yamanoue no Okura . 3- Thơ Yamabe no Akahito. 4- Thơ Takahashi Mushimaro. 5- Thơ hoàng tử Shiki. 6- Thơ bà Ôtomo no Sakanoue no Iratsume.



Chương 4: Các tác giả thời thơ Man.yô phát triển và hưng thịnh:

1-Thơ tước vương Ichihara. 2-Thơ bà Sano no Otogami no Otome. 3-Thơ Tanabe Sakimaro. 4-Thơ Ôtomo no Yakamochi. 5-Thơ những người đàn bà có liên hệ đến Yakamochi.



Chương 5: Các tác giả khác kể cả người bình dân, khất thực và lính thú.

1-Trích thơ quyển 7. 2- Trích thơ quyển 9. 3- Trích thơ quyển 10. 4- Trích thơ quyển 11. 5-Trích thơ quyển 12. 6-Trích thơ quyển 13. 7. Azuma-uta hay thơ miền đông. 8-Thơ hài hước. 9-Thơ do những người khất thực viết. 10- Thơ lính thú sakimori.



Chương 6: Thiên nhiên bốn mùa trong Man. yôshuu:

1- Bàn về kigo (chữ theo mùa). 2-Thơ mùa xuân. 3-Thơ mùa hạ. 4-Thơ mùa thu. 5-Thơ mùa đông. 6-Thiên nhiên trong cảm quan của người thời Vạn Diệp.



Chương 7: Kiểm điểm những thành tựu nghiên cứu Man.yôshuu.

1- Vạn Diệp Học là gì ? . 2-Thi học. 3- Sử học. 4- Phong tục học. 5 - Ngôn ngữ học.



Thay lời kết: Man.yôshuu, áng thơ của cuộc đời.

Phụ Lục:

1-Danh sách những nhà thơ tiêu biểu thời Vạn Diệp. 2- Những sự kiện chính của thơ Vạn Diệp.3- Thư mục tham khảo


Chương Một
Thông tin khái quát về tác phẩm

1-Nhan đề. 2- Nhà biên tập. 3- Nội dung và hình thức nói chung. 4- Phân chia thời đại. Các tác giả tiêu biểu. 5- Về cách dùng chữ để ghi chép. 6- Phân biệt thể thơ trong các quyển. 7- Nội dung thơ các quyển. 8- Cách chua âm văn bản Man.yôshuu. 9) Về các bản sao và in. 10) Mộc giản. 11) Giá trị của Man.yôshuu. 12) Ảnh hưởng của Man.yôshuu đến đời sau.

1) Nhan đề:
Về ý nghĩa của nhan đề Man.yôshuu (Vạn Diệp Tập), ít nhất có bốn giả thuyết:


  1. Thuyết của Shaku Sengaku, Kamo no Mabuchi, Kata no Azumamaro: vạn lời nói bởi vì lời nói trong tiếng Nhật viết bằng 2 chữ Hán “ngôn diệp” (koto no ha, kotoba).

  2. Thuyết của Keichuu, Kitamura Kigin, Kamochi Masazumi: diệp là đời (yo) nên tên thi tập phải là sách hay truyền được đến muôn đời sau.

  3. Thuyết của Ueda Akinari và Tiến sĩ Okada Masayuki: diệp là lá cây, ý nói số bài nhiều như số lá cây (thi diệp)..

  4. Thuyết cho rằng vạn diệp là số trang giấy.

Thuyết thứ nhất của tăng Shaku Sengaku trong Man.yôshuu Shushaku (Chú thích Vạn Diệp Tập) bị bẻ vì chữ “ha” trong kotoba ngày xưa không viết là “diệp” mà là “đoan” nên chính ra không có ý là lá. Người ta dùng chữ “diệp” chỉ có ngụ ý ví von.


Thuyết thứ hai xem “vạn diệp” là (thơ hay, phải được) truyền đến “muôn đời” cũng như “vạn thế”, “vạn đại” hay “vạn tuế” được nhiều người tin tưởng hơn cả. Thuyết này do Keichuu đề xuất trong Man.yôdaishôki (Vạn Diệp đại tượng ký) và Kitamura Kigin trong Man.yô Shusuishô (Vạn Diệp thập tuệ sao). Thuyết này dựa trên chứng cứ của các sách chữ Hán cũng như Nihonshoki (Nhật Bản thư kỷ) và Kogo shuui (Cổ ngữ thập di).
Thuyết thứ ba bắt đầu với nhà văn Ueda Akinari trong Man.yôshuu nara no soma cho rằng trong các sách chữ Hán, thơ thường được so sánh với rừng (thi lâm), vườn (thi uyển), hoa (thi hoa)... Cả Yamanoue no Okura cũng gọi thi tập của ông là ca lâm (Ruijuu karin = Loại tụ ca lâm) và tập thơ chữ Hán đầu tiên của Nhật cũng có tên là rong (Hoài Phong Tảo). Đời sau còn có Kinyôshuu (Kim Diệp Tập), Kinkaishuu (Kim Hoè Tập), Shikashuu (Từ Hoa Tập) đều là tên thực vật.
Do đó thuyết thứ ba cũng không dễ gì bị phủ nhận một cách dễ dàng.
Về cách phát âm tên thi tập, ngày nay ta phát âm là Man.yô.shuu. Thời trung cổ, Man.yô được viết thành Man.ne.fu, chắc là do lối đọc liên âm như trong trường hợp chữ kyô (hôm nay), xưa phải viết là ke.fu. Cũng thế, Quan Âm được đọc là Kan.non thay vì Kan.on, thiện ác được đọc là Zen.naku thay vì Zen.aku. Khi viết như trên thì thay vì đọc Man.yô, người ta còn có thể phát âm liên tục hay liên thanh (renjô) tên sách thành ra là Mannyô nữa.
Để khỏi phải rơi vào ngõ cụt của cuộc tranh luận xem Man.yô là “muôn đời”, “vạn chiếc lá” hay “vạn bài thơ”, tưởng cần nhắc đến một khả năng của tiếng Nhật (và cũng có thể tìm thấy trong các ngôn ngữ khác), đó là cách sử dụng kakekotoba掛詞 nhờ nó, một âm có thể nói lên đưọc nhiều nghĩa tùy theo văn mạch.
2) Nhà biên tập:
Về người soạn hay người biên tập, lại có đến 5 thuyết:


  1. Thuyết Thiên hoàng Heizei hạ lệnh soạn.

  2. Thuyết nhà quí tộc Tachibana no Moroe soạn.

  3. Thuyết thi hào Otomo no Yakamochi soạn.

  4. Thuyết Tachibana Moroe và Otomo no Yakamochi cùng soạn.

  5. Thuyết tác giả vô danh nhưng những bản Man.yôshuu xuất hiện từ sau thời Ôtomo no Yakamochi là do ông soạn.

Với 5 thuyết đó, các nhà chú giải như cha con Fujiwara no Shunzei và Teika, các ông Sengaku, Keichuu…mỗi người lại đưa ra bằng cớ để bênh vực cho một thuyết, khi thì cho là Yakamochi, khi thì cho là Moroe, khi thì cho là cả hai ông…Thế nhưng cho đến ngày nay, việc một người hay nhiều người, vào lúc nào, một lần hay nhiều lần đã soạn ra Man.yôshuu vẫn chưa minh xác được. Dù sao, có thể suy ra rằng người dính líu nhiều nhất đến việc biên soạn Man.yôshuu chỉ có thể là Otomo no Yakamochi 大伴家持.


3) Nội dung và hình thức nói chung:
Man.yôshuu có 20 quyển, tính từ quyển 1 đến 20, trên đầu mỗi quyển đều có ghi mục lục, sau đó mới đến lời thơ, kèm thêm những lời giải thích về chủ đề và hoàn cảnh sáng tác. Số thơ không đồng nhất về thể loại. Theo lời giải thích của Kamochi Masazumi 鹿持雅澄trong tác phẩm Man.yôshuu Kogi 万葉集古義 (Vạn Diệp Tập cổ nghĩa) thì trong tổng số 4496 bài, có 262 bài chôka (trường ca) chiếm 0,065% số lượng, 4173 bài tanka (đoản ca) nghĩa là 0,92% và 61 bài sedoka (triền đầu ca) hay 0,01%1.

Về thể loại thơ, có 3 loại:


Tanka (短歌đoản ca) : 5/ 7/ 5/ 7/ 7 tức là (5+7) x 2 + 7
Setoka (旋頭歌 triền đầu ca) : 5/7/7/5/7/7 tức là (5+7+7) x 2
Chôka (長歌trường ca) : 5/7/5/7….5/7/7 tức (5+7)n +7

Đặc điểm của Chôka:
Trên đây là hình thức cơ bản của chôka. Ngoài ra còn có thêm vào đằng sau một hanka反歌 (phản ca: 5/7/5/7) để thành một trường ca hoàn chỉnh theo công thức: < (5+7)n+7> + <(5+7) x 2 +7>.
Tuy nhiên trong các quyển 1, 2, 13, người ta thấy có nhiều trường ca kiểu cổ không có hình thức nhất định. Ngoài các quyển đó ra, trường ca thấy trong các quyển thuộc vào thời trung kỳ của Man.yôshuu đều định hình cả. Những trường ca định hình này mới là những trường ca lần đầu tiên thấy có hanka gắn sau đuôi.
Trường ca ra đời vào thời đại truyền khẩu không có tanka đi theo, cuối bài lại được kết thúc bằng ba câu theo mô hình 5/7/7. Có lẽ đến thời văn học ghi chép (kisai bungaku), do ảnh hưởng của một người sành Hán thi là Hitomaro nên dã được định hình và trở nên chặt chẽ.
Nếu tanka là loại thơ làm trong mọi tình huống, chôka chỉ được trình bày trong những cuộc họp mặt có tính cách nghi thức, và do đó phát huy được tài năng của những thi nhân cung đình như Hitomaro. Ông có đến 20 chôka, trung bình mỗi bài 40 câu. Trong Man.yôshuu, bài chôka dài nhất có 149 câu. Đó là bài thơ ai điếu (banka) làm ra trong thời gian quàn thi thể của Hoàng tử Takechi (Takechi no Ôji, 654-696), cũng do Hitomaro viết. Tính tất cả thì Man.yôshuu có hơn 260 bài chôka, trong khi Kokinshuu (gọi tắt Cổ Kim Hòa Ca Tập) – ra đời vào thời Heian, lúc thể thơ này đã suy thoái - chỉ chép mỗi 5 bài.

Về thời đại các tác phẩm:


Bài thơ cổ nhất:
Cổ nhất trong Man.yôshuu tương truyền là ngự chế của Hoàng hậu Iwanohime 磐姫皇后(Iwanohime no Ômisaki). Bà là vợ của Thiên hoàng Nintoku, vua đời thứ 16 (tiền bán thế kỷ thứ 5). Bài đó (ký hiệu 2-85)2 như sau:
君が行き日長くなりぬ山尋ね迎へか行かむ待ちにか待たむ

Kimi ga yuki /ke nagaku narinu/ yamatazune/ mukaeka ikan/ machinika matan


(Thiên hoàng đi tuần du đã lâu lắm rồi.Thiếp đang lưỡng lự không biết có phải đi lên núi lên non tìm để rước ngài về hay chỉ ngồi đây mỏi mòn chờ đợi)
Bài thơ mới nhất:
Mới nhất trong Man.yôshuu là tác phẩm của Ôtomo no Yakamochi 大伴家持 (ký hiệu 20-4516) làm trong năm Tempyô Hôji thứ 3 (759) đời Thiên hoàng thứ 47 Junnnin:
新しき年の初めの初春の今日降る雪のいやしけ吉事

Atarashiki/ toshi no hajime no/ hatsuharu no/ kyô furu yuki no/ iyashike yogoto


(Mong sao cho những điều lành cũng ngập tràn trong năm cũng như lượng tuyết đổ xuống trong ngày đầu năm mới như hôm nay)

Giữa bài thơ xưa nhất và bài thơ mới nhất có một khoảng cách 400 năm. Thơ ra đời nhiều nhất là trong khoảng thời gian 100 năm và 11 đời vua từ Nữ thiên hoàng Saimei đến Thiên hoàng Junnin. Tính theo quyển thì thơ trong 3 quyển 1, 2, 13 là những bài thơ xưa nhất. Bốn quyển 17, 18, 19, 20 chứa đựng những bài mới nhất. Có thể xem như mười ba quyển còn lại chép thơ sáng tác trong khoảng giữa.


4) Phân chia thời đại – Các tác giả tiêu biểu:
Sau đây là cách phân chia thời kỳ tổng hợp theo cách thẩm định của 2 giáo sư Uemura Etsuko và Sakamoto Masaru (xem thư mục tham khảo):
Thời kỳ trước: Gọi là tiền Man.yô, tương đương với thời kỳ của ca dao cổ đại (văn chương truyền khẩu) và lúc hai bộ sử thư Kojiki và Nihon shoki được ghi chép. Giai đoạn manh nha này tính từ đời thiên hoàng thứ 16 Nintoku cho đến Nữ thiên hoàng thứ 33 Suiko nghĩa là tiền bán thế kỷ thứ 5 cho đến đầu thế kỷ thứ 7. Thời gian này ước tính có 270 năm. Các thi nhân tiêu biểu của thời này là các Thiên hoàng Nintoku, Yuuryaku (nhiều khi là được gán vào thôi chứ chưa chắc họ là tác giả thực sự) và những tác giả vô danh mà thơ của họ được tìm thấy trong 2 bộ sử thư tối cổ nói trên.
Thời kỳ sau: Đây mới chính là thời Man.yô (Vạn Diệp) thực sự. Nó kéo dài 130 năm từ triều Thiên hoàng thứ 34 Jomei cho đến triều Thiên hoàng thứ 47 Junnin. Chia ra làm 4 giai đoạn chính:
Giai đoạn thứ nhất hay giai đoạn thành hình (thời Taika Asuka): Từ đời thiên hoàng thứ 34 Jomei (629) đến cuộc biến loạn năm Nhâm Thân hay Jinshin no ran (672) mở màn cho thời trị vì của Thiên hoàng Tenmu. Cách nhau 44 năm. Thi phong của thời này vẫn còn tính tập đoàn của ca dao cổ đại nhưng từ từ bắt đầu có cá tính. Nói chung nó vẫn còn thô sơ, chất phác. Các nhà thơ tiêu biểu là hai thiên hoàng thứ 38 Tenji (còn đọc là Tenchi), 40 Temmu, công chúa Nukata (còn đọc là Nukada), hoàng tử Arima, đại thần Nakatomi no Kamatari vv....
Giai đoạn thứ hai hay giai đoạn hoàn chỉnh (thời đóng đô ở vùng Fujiwara): Kể từ cuộc loạn năm Nhâm Thân trở đi (673) cho đến khi thiên đô về Nara (710). Kể từ đời các thiên hoàng 40 Temmu, 41 Jitô cho đến Thiên hoàng 42 Mommu. Kéo dài 38 năm. Thi phong được thành hình với Kakinomoto no Hitomaro là trung tâm điểm. Lưu loát và hùng tráng, đầy khí phách. Các nhà thơ tiêu biểu: Kakinomoto no Hitomaro, nữ Thiên hoàng Jitô, hoàng tử Ôtsu, công chúa Ôku, Takechi no Kurohito, Naga no Okimaro vv...
Giai đoạn thứ ba hay giai đoạn phát triển (thời Nara tiền kỳ): Kể từ khi thiên đô về Nara trở đi (711) cho đến năm Tempyô thứ 5 (733). Thời gian các thiên hoàng từ 43 Genmei đến 45 Shômu trị vì, 23 năm. Nhiều nhà thơ có cá tính xuất hiện, do đó, phong cách làm thơ trở nên có nhiều sắc thái khác nhau. Các nhà thơ đáng để ý đương thời là: Ôtomo no Tabito, Yamanoue no Okura, Yamabe no Akahito, Takahashi no Mushimaro, , Kasa no Kanamura, Nakatomi no Yakamori vv…
Giai đoạn thứ tư hay giai đoạn suy thoái (hay thời Nara trung kỳ): Tính từ năm Tempyô thứ 6 (734) cho đến năm Tempyô Hôji thứ 3 (759), tương đương với phần sau đời trị vì của Thiên hoàng 45 Shômu đến Thiên hoàng 47 Junnin. Tất cả là 26 năm. Thi ca thời này phản ánh tình hình chính trị bất an. Nhiều bài thơ có ý tưởng tinh tế và văn từ hoa mỹ. Tác gia tiêu biểu: Ôtomo no Yakamochi, Sakanoue no Iratsume, Tanabe no Sakimaro, Sano no Otogami no Otome, Kasa no Iratsume vv…
Ngoài các nhà thơ hữu danh như trên còn có các nhà thơ vô danh. Các thi sĩ xuất thân từ tầng lớp thứ dân đã để lại nhiều tác phẩm giá trị trong phần Azuma-uta (Thơ miền đông), Sakimori no uta (Thơ lính thú)…Văn hóa waka mà trung tâm là vùng kinh đô Kyôto, Nara (vùng Kinki) đã lan rộng ra địa phương xa xôi như phủ Dazai trên đảo Kyuushuu hay vùng Tôgoku (Đông Quốc) miền bắc đảo Honshuu.
Để có một khái niệm về khoảng thời gian “tiền bán thế kỷ thứ 5 đến giữa thế kỷ thứ 8” của Man.yôshuu, xem nó tương đương với thời kỳ nào trong lịch sử Việt Nam, hãy thử mở một cuốn sử. Ta thấy ngay lúc đó, nước ta còn đang chìm trong bóng tối của thời Bắc thuộc, chỉ có vài tia sáng của những giai đoạn độc lập không mấy dài lâu xuất phát từ các cuộc khởi nghĩa của các anh hùng Lý Bôn, Triệu Quang Phục (541-602) vv...Vua Ngô Quyền chỉ đánh bại quân Nam Hán vào năm 930, mở đầu thời tự chủ sau khi những trang chót của Man.yôshuu đã khép lại từ gần hai thế kỷ. Ở đại lục, trong khi các thi nhân Vạn Diệp Nhật Bản đăng đàn, hai nhà Tùy (581-619) và Đường (618-907) thay nhau thống trị Trung Quốc. Vào thời kỳ đó, ở phương Nam, quốc gia Phù Nam suy vong và sau đó bị Chân Lạp thôn tính. Đông Nam Á đang chứng kiến sức mạnh đang lên của các tộc Môn, Khmer và Nam Chiếu, sự phồn vinh của thành Thất Lợi Phật Thệ (Surivijaya) và khu vực eo biển Malacca nhưng lịch sử của họ chỉ được ghi lại từ một số văn bia hay du ký của các nhà hàng hải.
5) Về cách dùng chữ để ghi chép:
Lúc ấy, Nhật Bản chưa sáng chế ra hai loại văn tự biểu âm của họ là hiraganakatakana cho nên tất cả sách vở phải chép bằng chữ Hán. Loại văn tự đó có tên là man.yôgana vì dùng để ghi lại Man.yôshuu (tuy mục đích buổi đầu vốn dùng để ghi chép cuốn sử biên niên Nihon Shoki 日本書記vốn ra đời trước nó (720). Kana 仮名nghĩa là văn tự vay mượn. Chính loại chữ katakana về sau cũng là một sản phẩm phụ, thoát thai từ man.yôgana mà thôi.
Cách thứ nhất là dùng âm của chữ Hán để biểu âm tiếng Nhật:
- Bằng âm chính của chữ Hán ấy. Từ Nhật ikazuchi (tiếng sấm) ngày nay viết với 1 chữ Hán (lôi ), thời Manyô được chép bằng 4 chữ Hán伊加豆知 (y gia đậu tri) vì sẽ được đọc là i-ka-zu-chi. Từ Nhật ame (trời) ngày nay viết với 1 chữ Hán (thiên) thời Man.yô được chép bằng 2 chữ Hán阿米 (a mễ) vì sẽ được đọc là a-me. Từ Nhật kokoro (tấm lòng) ngày nay viết với 1 chữ Hán (tâm), xưa kia phải sử dụng âm của 3 chữ Hán là 許己呂 (hứa kỷ lữ) vì sẽ được đọc là ko-ko-ro. Dĩ nhiên những y gia đậu tri, a mễ hay hứa kỷ lữ tự nó vô nghĩa, người Trung Quốc mà không biết ngôn ngữ Nhật nhìn thấy chúng sẽ không thể đoán người Nhật trong cuộc muốn nói cái gì.
Cũng có khi sử dụng qua tiếng Nhật với ý nghĩa đã có của chữ Hán như trường hợp các từ Phật giáo布施 fuse (bố thí), 餓鬼 gaki (ngạ quỷ), 檀越 dan.ochi hay dan.otsu (đàn việt) để gọi một người lớn (ông = fuse, dan.ochi) hay đứa nhãi ranh (quỉ đói, thằng bé = gaki).
-Bằng âm lược của chữ Hán ấy. Hai chữ Hán安印 (an ấn) vừa dùng để nói lên ý yêu thương ái (Ai) hay màu xanh lam vì lam (cũng đọc với âm ai). Chữ 万年vạn niên đọc là mane (hay mannen) không phải để hiểu như mười nghìn năm nhưng dùng với nghĩa là bắt chước (真似chân tự = mane). Dĩ nhiên, theo nghĩa chữ Hán, an ấn không thể giúp chúng ta liên tưởng đến tình thương hay màu lam được. Còn mười nghìn năm thì có liên quan gì đến bắt chước!
Cách thứ hai là dùng ý của chữ Hán để biểu âm tiếng Nhật.
- Phương pháp gọi là chính huấn: Hai chữ Hán天地 (thiên địa) đọc là ametsuchi ý nói trời đất, đúng như những gì hai chữ Hán thiên địa muốn diễn đạt. Thảo chẩm 草枕đọc là kusamakura, ý là gối cỏ thì không khác gì bên Trung Quốc. Chữ 梓弓(tử cung) đọc là azusayumi có nghĩa là cây cung bằng gỗ táo (tử). Quốc đọc là kuni, ý nói là nước (nhà), đều phù hợp với nghĩa trong chữ Hán. Người Trung Quốc sẽ hiểu ý tất cả nhưng chỉ không biết cách phát âm theo tiếng Nhật.
- Phương pháp nghĩa huấn: đọc hai từ Hán hoàn tuyết 丸雪là arare (mưa đá), đọc hàn là fuyu (mùa đông), đọc noãn là haru (mùa xuân), đọc trọng thạch 重石 là ikari (đá nặng để neo thuyền), đọc vị thông nữ 未通女là otome (gái chưa chồng, chưa giao du với đàn ông).
- Phương pháp lược huấn: Sơn Thường 山常 (đất có nhiều núi non) được thu gọn lại, đọc là Yamato như tên nước Đại Hòa 大和 (Nhật) vì Nhật cũng lắm núi, cũng có thể đọc là chi (chợ) hay to (dấu tích).
- Phương pháp huấn: ura (phố) nghĩa là bến nước nhưng được mượn đỡ để chỉ tấm lòng (ura còn có nghĩa là mặt trong như lý). Ari (nghỉ) là con kiến nhưng trở thành danh động tự ari (có): 在り(tại) hay有り(hữu). Natsukashi (hạ kiên夏樫) không phải để nói về một cây sồi (kashi) mùa hạ (natsu) luôn luôn xanh tươi mà để nhắc đến lòng mong nhớ không nguôi giống như nghĩa của chữ natsukashi (hoài).
- Phương pháp ước huấn: ariso荒磯 (hoang ki), bỏ bớt âm thay vì viết nguyên văn arai iso nghĩa là bờ biển lắm ghềnh đá hay nhiều sóng lớn, wagimo 吾妹 (ngô muội) thay vì đọc đầy đủ wa ga imo nghĩa là tiếng gọi một người em gái, wagie 吾家 (ngô gia) thay vì wa ga ie là nhà của ta.
- Phương pháp huấn: Sơn thượng phục hữu sơn山上復有山 (trên núi còn có núi) để nói một cách khôi hài cái ý izu hay đi ra (xuất) mà thôi vì xuất được cấu tạo bằng hai chữ sơn đặt phía trên và phía dưới. Cũng vậy viết mã thanh馬声(tiếng ngựa kêu) để diễn duy một âm i khi ngựa hí, phong thanh蜂声(tiếng ong kêu) duy để diễn tả duy một âm bu lúc ong vo ve vv…
Xin chép lại hai bài thơ của Hoàng hậu Iwanohime và thi hào Otomo no Yakamochi bên trên dưới dạng man.yôgana:
Thơ Hoàng hậu Iwanohime (bài 2-85) có văn tự biểu âm hiragana của Nhật đứng bên cạnh chữ Hán (kanji) biểu ý.

tải về 1.19 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương