Nguồn Wikipedia Bản Thảo 2011



tải về 1.19 Mb.
trang12/12
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích1.19 Mb.
#10836
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   12

久堅乃 天露霜 置二家里 宅有人毛 待戀奴濫

Dạng huấn độc (đã chua âm):

ひさかたの天の露霜置きにけり家なる人も待ち恋ひぬらむ

Phiên âm:

Hisakata no / Ame no tsumeshimo / Oki ni keri / ie naru hito mo / machi koi nuramu /



Diễn ý:

Ngày tháng đi qua nhanh, không biết tự lúc nào sương đã ngập đầy, đất trời bước vào cuối thu rồi. Ta bỏ gia đình đi lâu như thế, không khỏi không nhớ đến khuôn mặt các con nhưng ở vùng Yamato, chắc các con thơ của ta cũng đang sốt ruột ngóng ta về.



Tạm dịch thơ:

Ngày tháng như tên bay / Sương thu đã ngập đầy / Xa xôi thương lũ trẻ / Hai khuôn mặt thơ ngây / Nơi quê nhà con chắc / Cũng ngóng mẹ từng ngày?

Bài thơ nói lên tình mẫu tử giữa tác giả và hai cô con gái còn bé dại. Nếu bà đi xa nhớ con thì các cô chắc cũng đang tựa cửa mong mẹ về. Sau khi chị dâu mãn phần, bà phải xuống phủ Dazai chăm sóc anh và lo cho đứa cháu mới mồ côi mẹ là Yakamochi, để hai con lại kinh đô.

Về sau, thời Heian, không biết vô tình hay cố ý nhưng các nhà thơ cũng rập theo một khuôn khi gắn liền sự biến đổi của đất trời với lòng mong nhớ kinh đô trên bước lữ hành. Những người đi xa, qua cửa ải Shirakawa (gần Fukushima) lên miền Đông Bắc thường ngóng về kinh đô mỗi khi thấy gió thu nổi hay rừng phong thay lá đỏ, để cảm thấy mình đi xa quá lâu rồi. Ví dụ thơ tăng Nôin 能因法師 (Nôin Hôshi, 988-?):

都をば、霞と共に、立ちしかど、秋風ぞ吹く、白河の関

Miyako wo ba / kasumi to tomo ni / tachishikado / aki zo fuku / Shirakawa ga seki /

Ta ra đi từ kinh đô môt lượt với sương xuân, nhưng giờ đây, trên cửa ải Shirakawa, đã thấy gió mùa thu nổi lên rồi.

hay thơ võ tướng Gen Sammi 源三位 (Minamoto no Yorimasa 源頼政, 1104-1180):



都には、まだ青葉にて、見しかども、紅葉散りしく、白河の関

Miyako ni wa / mada aoba nite / mite shikadomo / momiji chirishiku / Shirakawa no seki /

Ở chốn kinh đô, hôm nào thấy lá hãy còn xanh, thế mà nay trên cửa ải Shirakawa, lá đỏ đã rụng đầy.

4-652

Nguyên văn (dạng Man.yôgana)

玉主尓 珠者授而 勝且毛 枕与吾者 率二将宿

Dạng huấn độc (đã chua âm):

玉守に玉は授けてかつがつも枕と我れはいざふたり寝む

Phiên âm:

Tamamori ni / tama wa sazukete / katsugatsu mo / makura to ware ha / iza futari nemu /



Diễn Ý:

Con gái (thứ hai) của ta xinh đẹp như ngọc quí trong tay. Tuy lòng mẹ biết bao nhiêu lo lắng nhưng cũng đành đem nó gửi gắm cho người chủ ngọc (ám chỉ Sugura Maro, anh con rễ thứ hai của bà) . Khi con gái đi rồi, căn phòng trở nên trống trải, mẹ đành ôm gối ngủ một mình chứ có đứa nào sẽ là người ngủ chung với mẹ đêm nay đâu!



Tạm dịch thơ:

Con mẹ xinh như ngọc / Cũng đành đem trao tay / Lòng không nguôi lo lắng / Nhưng biết làm sao đây / Con đi, nhà trống trải / Ai cạnh mẹ đêm nay?

Cô chị cả Ô-iratsume đã được gả cho Yakamochi. Cô thứ hai tức Oto-iratsume thì gả cho chàng công tử cùng họ là Suruga Maro, và đây là tâm trạng của người mẹ một lần nữa phải xa đứa con gái yêu. Cô hai không những là một người xinh đẹp được mẹ cưng chiều mà con là người bạn tâm sự còn sót lại của mẹ nữa. Do đó, ta hiểu được nỗi bất an của bà Sakanoue. Vui vì con có mối lương duyên nhưng cũng lo lắng cho những bất trắc có thể xảy ra cho con. Đó là tâm trạng phức tạp vui buồn lẫn lộn của bà mẹ muôn thuở. Trong một chừng mực nào, trên một nghìn năm sau, Nguyễn Bính của chúng ta với bài Lòng Mẹ trong Lỡ Bước Sang Ngang đã bắt gặp hồn thơ ấy:



Đưa con ra đến cửa buồng thôi,

Mẹ phải xa con khổ mấy mươi.

Con ạ, đêm nay mình mẹ khóc,

Đêm nay mình mẹ lại đưa thoi.

Hơn nữa, cảnh phòng không, ôm gối chiếc ngủ một mình của bà sau khi con đã vu quy làm ta dễ dàng liên tưởng đến câu thơ của nhà thơ nữ đời Edo, Kaga no Chiyojo, viết ra sau khi chồng mất:



起きて見つ、寝て見つ蚊帳の,広さかな

Okite mitsu / nete mitsu kaya no / hirosa kana /



Thức cũng thấy mà ngủ thời cũng thấy / Hay vì màn chắn muỗi rộng thênh thang / 22

Có thể trong bài thơ này bà cũng nói lên được tâm trạng “ghen tuông” với chàng rễ của cả những ông bố khi nhìn con gái về nhà chồng?

Đối với Yakamochi, đứa cháu trai mà bà dưỡng dục và sau thành rễ của bà, Sakanoue cũng có những tình cảm sâu đậm, nhiều khi giống như tình cảm giữa người khác phái như thấy qua mấy bài thơ sau đây:

6-979

Nguyên văn (dạng Man.yôgana)
吾背子我 著衣薄 佐保風者 疾莫吹 及<>左右

Dạng huấn độc (đã chua âm):

我が背子が着る衣薄し佐保風はいたくな吹きそ家に至るまで

Phiên âm:

Waga seko ga / keru kinu usushi / Sahokaze wa / itaku nafukiso / ie ni itaru made /



Diễn Ý:

Ôi cái áo người ấy (cháu của ta) mặc quá mong manh. Đi về đến nhà ở miền tây sao cho nổi. Này, ngọn gió ở Saho, xin đừng thổi quá mạnh nhé, gió ơi!



Tạm dịch thơ:

Mong manh áo một mảnh / Gió Saho rát vai / Lối về hãy còn dài / Đến nhà sao cho nổi / Xin gió nhẹ cho người / Trên đường đi khỏi lạnh /

Saho là một địa danh vùng Nara, nơi có con sông Sahogawa chảy qua, nhiều phủ đệ nhà quan, nơi gia đình bà Sakanoue xuất thân. Chắc lúc này Yakamochi chưa là rễ nhưng đã thường xuyên đến thăm bà cô và cô em họ, sau này sẽ thành vợ của chàng.

Sau đây là một trong hai bài thơ mà bà cô Sakanoue tặng cháu, lúc đó là quan trấn thủ xứ Etchyuu (Toyama bây giờ):

18-4081

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

可多於毛比遠 宇万尓布都麻尓 於保世母天 故事部尓夜良波 比登加多波牟可母

Dạng huấn độc (đã chua âm):

片思ひを馬にふつまに負ほせ持て越辺に遣らば人かたはむかも

Phiên âm:

Kataomoi wo / uma ni futsuma ni / ôse mote / koshibe ni yaraba / hito katahamu kamo /



,Diễn ý:

Này cháu Yakamochi, tình cảm thương nhớ của cô nghĩ đối với cháu thật tràn trề , dù lấy ngựa mà thồ cũng không xuể. Nếu cô đem gửi nó đến nơi cháu đang làm việc thì e rằng kẻ trộm sẽ tưởng là vật quý mà cuổm đi mất thôi. Khổ thật, thế thì không biết nên gửi đi hay không?



Tạm dịch thơ:

Lòng cô thương nhớ cháu / Nhiều chở không hết đâu / Dẫu nhờ sức ngựa mạnh / Mang đi được là bao / Tưởng quí, trộm cuỗm mất / Cô không biết cách nào?/

Đem tình cảm là vật vô hình để ví với đồ vật như hành lý ngựa thồ được, bà cô này thật trẻ trung, ranh mãnh và hài hước. Thế nhưng tình cảm của bà đối với cháu thật thắm thiết và trân trọng vì bà sợ kẻ trộm lấy mất đi vật quí giá ấy (dĩ nhiên quí giá đối với bà mà thôi). Có thể nói nơi đây bà biểu lộ một tấm chân tình chứ không phải dùng cách ví von này như một kỹ xảo làm thơ đơn thuần.

Thơ Sakanoue gửi cho cháu vốn có rất nhiều. Khuôn khổ hạn hẹp của chương sách không cho phép đưa lên tất cả. Tuy nhiên, những bài dưới đây đáng được lưu ý vì Sakanoue đã rời bỏ cương vị một người cô để trở về cương vị một phụ nữ bình thường khi đứng trước Yakamochi:

4-661
Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

戀々而 相有時谷 愛寸 事盡手四 長常念者

Dạng huấn độc (đã chua âm):

恋ひ恋ひて逢へる時だにうるはしき言尽してよ長くと思はば

Phiên âm:

Koi koi te / aeru toki da ni / uruhashiki / koto tsukushite yo / nagaku to omowaba /,



Diễn ý:

Tình yêu nóng bỏng như thế này và đã lâu mới có dịp gặp thì trong giây phút gặp gỡ ngắn ngủi, nếu mong muốn tình mình mãi mãi bền lâu thì xin chàng hãy nói với em những lời lẽ âu yếm, ngọt ngào nhất, nghe chàng.



Tạm dịch thơ:

Yêu ngưòi, yêu cháy bỏng / Thì lâu ngày gặp nhau / Dẫu thời giờ ngắn ngủi / Chớ tiếc câu ngọt ngào / Lời chàng say lòng thiếp / Tình mới được bền lâu /

Nhan đề của bài thơ là “Cô Sakanoue tặng cháu Yakamochi, quan trấn thủ Etchyuu” nên có thể xem như đây là bài thơ bà “nói thay” cho Ô-iratsume, cô con gái lớn của mình và là người vợ tương lai của Yakamochi. Có thuyết khác cho rằng đối tượng của bài thơ này là ông rễ thứ hai cơ nhưng điều này cũng không quan trọng lắm bởi vì nó cũng có tính phổ quát của một bài thơ tình giữa hai người đang yêu. Bởi vì sau khi đã gánh vác gia đình Ôtomo một thời gian dài (nuôi con, giúp anh, dạy cháu), có thể người đàn bà đa tình đã ba đời chồng này cũng thoáng nghĩ về hạnh phúc cá nhân, muốn nghe những lời âu yếm từ một người đàn ông nào đó chăng?

Các nhà thơ nữ Nhật Bản thời vương triều viết nhiều vần thơ giàu nhục cảm và có sinh hoạt tình ái phóng túng. Thí dụ điển hình nhất có lẽ là Izumi Shikibu 和泉式部và Ise no Go伊勢の御. Thế nhưng Sakanoue cũng đã tỏ ra không cần che đậy tâm hồn cháy bỏng yêu đương của bà khi viết những dòng này



Anh đào (Nguồn Internet)

4-688

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

青山乎 横雲之 灼然 吾共咲為而 人二所知名

Huấn độc (đã chua âm):

青山を横ぎる雲のいちしろく我れと笑まして人に知らゆな

Phiên âm:

Aoyama wo / yokogiru kumo no / ichishiroku / ware to emashite / hito ni shirayu na /



Diễn ý:

Nhìn đám mây trắng vắt ngang ngọn núi cây cối xanh um trông đẹp lạ thường nhưng có người đưa mắt mỉm cười với ta lúc ấy. Xin người làm thế nào cho kín đáo để người chung quanh không biết về mối quan hệ của đôi ta nhé (vì họ sẽ gây ra lắm điều tiếng).



Tạm dịch thơ:

Xanh xanh là đỉnh núi / Mây trắng, giải lưng xinh / Ai kia miệng cười mỉm / (Mắt lóng lánh đưa tình) / Xin đừng làm thế nữa / Người ta biết chuyện mình /

Câu trên là một câu tả cảnh, câu dưới tả tình và cả hai đều đẹp. “Tình đẹp hơn cả là ở trong sự bí mật”, như lối suy nghĩ cổ kim đông tây. Cho nên giải mây vắt ngang che mất rặng núi xanh đã đẹp rồi mà nụ cười kín đáo, cái nhìn vụng trộm mà những người yêu gửi đến cho nhau còn đẹp hơn thế nữa. Tình cảm đó của Sakanoue mới mẻ ngay cả với con người hiện đại chúng ta và không có một chút gì hời hợt hay lộ liễu.

Sau đây là một trong 4 bài Sakanoue họa thơ Fujiwara Maro Taifu, người chồng thứ hai:

4-527:

Nguyên văn (dạng Man.yôgana)

将来云毛 不来時有乎 不来云乎 将来常者不待 不来云物乎

Dạng huấn độc (đã chua âm):

来むと言ふも来ぬ時あるを来じと言ふを来むとは待たじ来じと言ふものを

Phiên âm:

Komu to iu mo / konu toki aru wo / koji to iu wo / komu to wa mata ji / koji to iu mono wo /



Diễn ý:

Hôm nay nếu chàng có hứa đến thăm em thì chắc giống như trong quá khứ, nhiều lần chàng đã bất chợt lấy cớ công kia việc nọ, không giữ được lời hứa. Cho nên hôm nay chàng nói với em rõ ràng là bận việc trong cung nên không đến được, thoái thác ngay từ đầu, thì em chắc hẳn chàng không đến được.

Cho nên em sẽ không hy vọng chàng có thể đến và chờ đợi chàng đâu. Ngay từ đầu chàng đã bảo là không đến rồi cơ mà!

Tạm dịch thơ:

Xưa hứa đến thăm em / Mượn cớ rồi không đến / Nay từ đầu bảo bận / Sẽ không đến được đâu / Em chẳng đợi chẳng cầu / Lúc nào chàng chả thế! /

Có phải từ đầu chàng đã thế hay không, hỡi quan đại phu Fujiwara Maro ? Không phải một mình ông mà tất cả các chàng quí tộc thời vương triều đều như thế cả. Chế độ kết hôn thời cổ là mukotori (ở rễ) chứ không phải yomeiri (về nhà chồng). Các ông chiều tối đến thăm, đến hừng đông lại bỏ ra đi. Các bà chịu quạnh quẽ vì các ông đa thê, rất bận bịu chia phần. Họ kiếm cớ như đi họp, đi chầu, lấy cớ quẻ bói định ngày tốt ngày xấu, ngày kiêng ngày kỵ, phương hướng phong thủy không thích họp để “chạy tội”.



Bài thơ của Sakanoue nhằm mỉa mai hành động khéo léo mượn cớ đó của các ông. Và bà không phải là nhân vật duy nhất đem thổ lộ điều đó trong văn chương. Thế nhưng, nếu đọc giữa hai dòng chữ, ta sẽ thấy ở đây không chỉ là một lời trách móc đơn thuần mà là còn là câu nói hờn dỗi. “Nói như vậy mà không phải vậy”. Chắc chắn lòng bà vẫn nồng nàn, âm thầm chờ đợi với niềm hy vọng gặp ông mong manh như đốm lửa lập lòe.
(Hết phần I: 3 chương trên7)



1 Có cách tính khác khiến cho thi tập lên tới 4500 bài. Theo Wikipedia, Man.yôshuu có 265 chôka, 4207 tanka, 1 tanrenga (đoản liên ca), 1 bussokuseki ca (thơ đề nơi in dấu chân Phật ở chùa Yakushiji ở Nara), 4 kanshi (thơ chữ Hán), 22 đoạn văn xuôi cũng bằng chữ Hán. Thế nhưng vẫn chưa tới 4516 như những tư liệu khác nhắc đến một cách tổng quát. Lý do có thể vì thi tập có nhiều dị bản.

2 Ký hiệu 2-85 có nghĩa là bài số 85 đối với 4516 bài của toàn tập và nằm trong quyển 2, còn ký hiệu 20-4516 nghĩa là bài thơ số 4516 (bài cuối cùng) nằm trong quyển 20 (quyển cuối cùng)

3 Chỉ gia đình Rokujô (tên một khu vực trong thành phố Kyôto nơi họ cư trú), một trường thơ cuối đời Heian bước qua Kamakura, bắt nguồn từ Fujiwara no Akisue (Đằng Nguyên Hiển Quý), rất có quyền uy trên thi đàn vì đã được giao phó việc chủ trì tuyển lựa thơ cho nhiều thi tập soạn theo sắc chiếu.

4 Thi phái phát xuất từ dòng Nijô, chủ trương truyền thụ waka bằng bí quyết cá nhân, có khuynh hướng cao sang, đối lập với chi nhánh của nó là Jigeha (địa hạ phái) dân dã hơn.

5 Vào cuối thế kỷ 19, Negishi hãy còn là một vùng đất thanh u, cảnh sắc thiên nhiên đẹp đẽ giữa Tô kyô.

6 “Cắt rong đẹp” ( ngọc tảo, tamamo) là từ tu sức cho otome (người con gái trẻ) ý nói những người đẹp đi dạo chơi, nhưng có lẽ bắt nguồn từ việc đề cao sự lao động của các nàng. Tamano còn viết “ngọc thường” là tấm váy đẹp nữa.

7 Chúng tôi tạm dịch quận chúa từ chữ “vương” đi sau tên một phụ nữ vì là con một tước vương, khác với công chúa dịch từ “hoàng nữ” là con gái của thiên hoàng.

8 Wa ga se no ga / Kubeki yoi nari / Sasa ga ni no / Kumono okonai / Koyoi shirushi mo.

9 Xin xem thêm đoạn 19-Bốn mùa thay đổi, trong Tsurezuregusa (Buồn buồn phóng bút), tập tùy bút thời trung cổ của pháp sư Kenkô (Nguyễn Nam Trân dịch).

10 Về Hoàng thái tử Furuhito, cha của Hoàng hậu Yamato, số phận ông rất bi đát. Vì mẹ ông thuộc họ Sôga, ông không được nối ngôi Jomei sau khi chàng rễ và cũng là em trai khác mẹ, Tenji, diệt cả dòng Sôga này. Về sau, dù đã xuất gia, ông lại bị kết tội mưu phản vì chống lại cuộc cải cách Taika của Tenji và bị hành quyết cùng đồng bọn năm 645, thê tử đều chết theo và ông thành ra tuyệt tự. Đây là một cuộc tương tàn giữa thân tộc vì tranh chấp quyền hành, một điều thường thấy trong lịch sử Nhật Bản.

11 Aki konu to / me ni wa sayakani / mienedomo / kaze no oto ni zo odekarenuru (Khi mùa thu lại về / Làn gió thu tìm đến / Tuy mắt không nhìn thấy / Hình dung như thế nào /Những tiếng gió không thôi / Đủ làm ta kinh ngạc).

12 Bản Uemura Etsuko khác nhiều: Aki no ta no / homuki no yori no / kotoyorini / kimi ni yori nana / kochitakari to mo.

13 Thời Vạn Diệp, người hoàng tộc chỉ bị xử giảo chứ không bị xử trãm.

14 Giáo sư Uemura phiên âm Arima thành Hữu Mã有馬.

15 Đường Thi Trích Dịch (1958) của Đỗ Bằng Đoàn Bùi Khánh Đản, nhà xuất bản Văn Học tái bản năm 2006, trang 481.

16 Bùi Khánh Đản dịch, sách đã dẫn, trang 819.

17 Tên Hoàng tử Karu có nhiều trong sử Nhật, ít nhất lúc họ còn nhỏ, chưa tập tước, nên dễ gây ngộ nhận cho người đọc sử. Một người mang tên Hoàng tử Karu (Karu no Ôji) sau là Thiên hoàng Kôtoku ( ? -654), con Thiên hoàng Bidatsu, một người khác, Karu no Ôji thành Thiên hoàng Mommu (683-707), con Thái tử Kusakabe. Ngoài ra, trong tập cổ sử Kojiki còn có một thái tử Karu (Karu no Taishi) mang mối tình cấm đoán với người em gái cùng mẹ là Karu no Ôiratsume sau phải lưu vong và rốt cuộc tự tử.

18 Nhà thơ Buson cũng có một câu thơ haiku với ý tương tự, tả cánh đồng hoa cải dầu vàng bao la.

19 Dainagon là một chức quan văn cao, được tham dự vào quốc chính, cỡ bộ trưởng, thứ trưởng trong chính phủ.

20 Theo chế độ quan chức thời cổ, kokushi (quốc ty) là hàng quan hành chánh địa phương, gồm có 4 cấp bậc (thủ = kami, trợ = suke, duyện = jô, mục = sakan).

21 Tên một vùng, xưa gọi là một nước, nay nằm ở phía bắc Kyôto.

22 Tiếng Nhật có thành ngữ “kaya no soto” (bên ngoài màn chắn muỗi) để nói về những kẻ đứng bên ngoài sự bí mật và...thân mật.



CVCN - Nhập môn Man.yôshuu - ch 1/3


tải về 1.19 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương